Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tôi đọc Đại Tạng Kinh »» CHƯƠNG V. NHỮNG BÀI VIẾT SAU KHI ĐỌC MỘT PHẦN ĐẠI TẠNG KINH »»

Tôi đọc Đại Tạng Kinh
»» CHƯƠNG V. NHỮNG BÀI VIẾT SAU KHI ĐỌC MỘT PHẦN ĐẠI TẠNG KINH

Donate

(Lượt xem: 1.595)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tôi đọc Đại Tạng Kinh - CHƯƠNG V. NHỮNG BÀI VIẾT SAU KHI ĐỌC MỘT PHẦN ĐẠI TẠNG KINH

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thẩm định lại một bài kệ

Có nhiều bài kệ rất hay khi xướng lên hay khi tán tụng; hoặc giả khi mạn đàm Phật Pháp; nhưng cũng có lắm bài kệ cho đến nay có nhiều Thầy, Cô giảng dạy, nhưng khi đi tìm nguồn gốc thì hầu như chưa có câu trả lời đúng nghĩa. Hôm nay tôi sẽ trình bày với Quý Vị một bài kệ có 4 câu và mỗi câu 7 chữ như sau:

佛在世時我沉淪,
今得人身佛滅度。
懊惱自身多業障,
不見如來金色身。

Phiên âm Hán Việt:

Phật tại thế thời ngã trầm luân,
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ,
Áo não tự thân đa nghiệp chướng,
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.

Dịch nghĩa:

Khi Phật ở đời con trầm luân,
Nay được thân người Phật diệt độ,
Buồn cho thân mình nhiều nghiệp chướng,
Chẳng thấy thân vàng của Như Lai.

Ngoài ra trên internet cũng có bài Chữ Hán được viết như sau:

佛在世時我沉淪,
佛滅度後我出生。
懺悔此身多業障,
不見如來金色身。

Phật tại thế thời ngã trầm luân,
Phật diệt độ hậu ngã xuất sanh.
Sám hối thử thân đa nghiệp chướng,
Bất kiến như lai kim sắc thân,

Đa phần rất nhiều Giảng sư và Phật tử đều nghĩ rằng bài này là do Ngài Huyền Trang (602-664) trước tác, khi chiêm bái thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ. Nhưng cá nhân tôi khi phiên dịch quyển Đại Đường Tây Vức Ký, từ chữ Hán do chính Ngài Huyền Trang biên soạn sang tiếng Việt vào năm 2003, dựa theo quyển Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo), quyển thứ 51, thuộc sử truyện bộ thứ 3 từ trang 867 đến trang 948 gồm 12 quyển; thứ tự kinh văn số 2087 và tiếng Việt in ấn thành 456 trang, được ấn tống nhiều lần và lần tái bản của năm 2021 qua trang Amazon, đã được hiệu đính lại rất nhiều chi tiết mà trước đây chưa được hiệu đính lại, thì kết quả là qua hai chương của quyển thứ tám và quyển thứ chín, khi Ngài Huyền Trang đi đến xứ Ma Kiệt Đà và Bồ Đề Đạo Tràng để chiêm bái các Thánh Tích, đã không tìm thấy được bài kệ này do Ngài ghi lại.

Bản thân tôi cũng nghĩ rằng, ngoài Ngài Huyền Trang ra thì ít ai có thể thâm cảm sâu xa, khi đến được tận nơi để đảnh lễ những Thánh tích của Đức Phật tại Ấn Độ, nên mới cảm tác được bài kệ này, mà mỗi khi đọc qua chúng ta đều xúc động như vậy, và từ đó tôi cũng đoan chắc rằng bài kệ 4 câu này là của Ngài Huyền Trang. Đến một lúc nào đó, ai cũng nghĩ rằng chuyện ấy không có gì để bàn cãi, nhưng khi những tác phẩm của tôi được đưa lên Amazon để lưu trữ tại đó, thì Anh Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến, Webmaster của trang nhà rongmotamhon.net cho tôi biết rằng, Anh cũng đã đi tìm khắp nơi trong Đại Tạng Kinh và những bài sám nguyện v.v... nhưng vẫn chưa có kết luận là bài này do Ngài Huyền Trang sáng tác.

Kể từ năm 2003 đến nay (2020), khi ở ngôi Phương Trượng tôi có nhiều thời gian hơn để viết sách, dịch Kinh cũng như phát nguyện đọc Đại Tạng Kinh. Đây là một nhân duyên rất thù thắng đối với tôi, còn việc hành chánh của Chùa Viên Giác tại Hannover thì do các Thầy Trụ Trì trực tiếp chăm sóc. Thỉnh thoảng cuối tuần tôi kết hợp đi thuyết giảng đâu đó vài nơi, thời gian còn lại, tôi sử dụng cho những việc trên. Riêng Đại Tạng Kinh phải nói là một pho sách đồ sộ, ít có Tôn Giáo nào có được. Muốn đọc hết phải tốn cả một đời người. Kể từ năm 2003, tôi đã bắt đầu đọc Đại Tạng Kinh tiếng Việt do Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ biên, và tạng kinh này được gọi là Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Hầu hết những Kinh, Luật, Luận trong tạng này đều được dịch ra Việt ngữ từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo). Những tập Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm hầu như không có lỗi in ấn nào cần phải đề cập đến nữa, vì chư Tôn Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ v.v... đã giảo chánh lại rất kỹ, lại còn chú thích thêm những từ ngữ khó cho người cần tra cứu để có được sự giải thích rõ ràng. Nhưng khi đọc đến những bộ Bản Sanh thì tôi phát hiện ra còn nhiều lỗi chính tả quá, nên đã tự động sửa vào những bản đã in này, vì sợ rằng không có cơ hội đọc lại lần thứ hai nữa. Ít nhất là từ tập số 9 đến tập số 17. Một thời gian sau có Phật tử Minh Đăng Trần Tế Thế, người lo Website của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh liên lạc qua email với tôi, nhờ tôi tra lại giùm những chỗ nghi ngờ khi được dịch ra Việt ngữ, và đây cũng là cơ hội để tôi phát tâm đọc lại hết 15 tập sau cùng, kể từ tập 188 đến tập 202. Những tập này chưa xuất bản và sẽ được xuất bản trong nay mai. Tất cả 202 tập này được dịch từ 54 tập của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Như vậy trung bình cứ 1 tập của Đại Chánh Tạng, dịch thành 4 tập của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Nhưng vẫn chưa hết, nghĩa là mới được dịch hơn phân nửa phần của Đại Chánh Tạng, nhưng dẫu sao đi nữa thì đây cũng là một cố gắng hết mình của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh vậy.

Khi đọc đến tập 193 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, phần Kinh văn số 2110 thuộc Luận Biện Chánh, quyển thứ 5, Sử Truyện Bộ trang 111. Phần này tương ưng với tập thứ 52 của Đại Chánh Tạng trang 522b do Ngài Pháp Lâm đời Đường biên soạn thì tôi đã phát hiện ra việc này như sau:

“Lão Tử đến nước Kế Tân, thấy Phù Đồ tự thương xót mình không sanh kịp, mới nói bài kệ tụng cúng dường, đối trước tôn tượng tỏ bày tình ý rằng:

Ta sinh sao quá muộn
Phật ra đời sao quá sớm
Chẳng thấy được Thích Ca Văn
Trong tâm thường áo não“

Nguyên Hán Văn như sau

老子至罽賓國,見浮圖,自傷不及,乃說偈供養,對像陳情云:
我生何以晚(新本改云:佛生何以晚),
佛出一何早(新本改云:泥洹一何早),
不見釋迦文,
心中常懊惱(言不親覩佛)。

Âm Hán Việt:

Lão Tử chí Kế Tân quốc kiến phù đồ tự thương bất cập. Nãi thuyết kệ cúng dường đối tượng trần tình vân:
Ngã sanh hà dĩ vãn (tân bản cải vân: Phật sanh hà dĩ vãn),
Phật xuất nhứt hà tảo (tân bản cải vân: Niết Bàn nhứt hà tảo),
Bất kiến Thích Ca Văn,
Tâm trung thường áo não (ngôn bất thân đổ Phật).

Trong phần Luận Biện Chánh này của Ngài Pháp Lâm giải thích rằng:

Lão Tử phải sanh sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cả hằng 200 năm; nhưng môn đệ của Lão Tử sau này cải biên lại là Lão Tử sinh ra trước Phật; nên mới có hai phần cải biên bản mới trong sách của Lão Tử là: Phật sinh sao quá muộn và Phật Niết Bàn sao quá sớm.

Bây giờ chúng ta phải tra cứu để đi đến một kết luận tạm thời như sau:

Đức Phật Giáng Sinh tại Vườn Lâm Tỳ Ni ở Ấn Độ vào ngày 15 tháng 4 năm 624 trước Tây lịch, Thành đạo vào ngày 8 tháng 12 năm 589 trước TL và nhập Niết Bàn năm 544 trước TL. Vì vậy năm nay (2020) Phật giáo đồ khắp nơi trên thế giới kỷ niệm ngày Phật Đản sanh lần thứ 2644 và Phật Lịch 2564 năm. (Đây là ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập Đại Bát Niết Bàn theo truyền thống Nam Tông). Trong khi đó ngày tháng năm sinh của Lão Tử cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên người ta ước đoán là Lao Tzu, Lao Tse sinh năm 571 và mất năm 471 trước Tây Lịch, thọ 100 tuổi. Nếu so với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì Lão Tử sinh sau đến 27 năm (nếu tính theo ngày nhập diệt của Đức Phật) và nếu tính theo ngày Đản Sanh của Đức Phật thì Lão Tử sinh sau Phật 53 năm (624-571=53 năm). Đó là chưa kể còn nhiều truyền thuyết khác nhau nữa, nhưng chúng ta tạm thẩm định là như vậy.

Đoạn trên chúng ta thấy có đề cập đến Lão Tử đã đến nước Kế Tân và thấy hình tượng Phật mà tự xót thương cho mình là không sánh kịp, mới nói bài kệ trên để cúng dường, khi đối trước tôn tượng để tỏ bày tình ý. Nước Kế Tân tức Kashmir bây giờ, nước này nằm ở trên nước Pakistan; trong tự điển Phật Học còn nói là Kabul, nhưng Kabul hiện là thủ đô của Afghanistan. Như vậy Lão Tử phải sinh sau Đức Phật và có dịp Lão Tử đã đi từ Hoa Hạ (Trung Hoa) sang các nước Hồ (các xứ phía tây Trung Quốc) thì thấy hình ảnh của tượng Phật; nên mới thốt ra 4 câu kệ trên và bài kệ này có đăng trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh như tôi đã trích dẫn bên trên.

Rồi ngày tháng trôi qua, ai đó đã lấy bài kệ 5 chữ 4 câu của Lão Tử cũng ý này làm thành bài kệ 4 câu 7 chữ cũng nội dung như vậy và được bảo là của Ngài Huyền Trang, mà trên thực tế thì Ngài Huyền Trang đã không làm bài kệ này, qua dẫn chứng của Đại Đường Tây Vức Ký và lịch sử. Lịch sử thì bao giờ cũng là lịch sử; nhưng lịch sử hơn 2.000 năm đã trôi qua và nhiều triều đại kế tiếp nhau liên tục với thời gian cùng năm tháng, nhưng lúc nhớ lúc quên hoặc giả sách vở bị thiêu đốt bởi chiến tranh, nên khiến cho người đời sau khó tìm lại bản gốc được. Lỗi này không phải của ai cả, mà chúng ta phải có bổn phận truy nguyên về nguồn gốc để thẩm định lại sự ra đời của một sự kiện là đủ rồi.

Dĩ nhiên đây không phải là sự phát hiện sau cùng và nếu sau này có người nào đó tìm ra được đích danh tác giả của bài kệ 4 câu 7 chữ như trên là một điều phước báu không nhỏ; nhưng trong tạm thời chúng ta có thể kết luận là bài kệ đó, nội dung là của Lão Tử chứ không phải của Ngài Huyền Trang. Mong rằng sẽ còn nhiều phát hiện khác nữa để người đến sau được học hỏi hiểu biết nhiều hơn.

Viết xong vào ngày 6 tháng 12 năm 2020 tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.



Đức Phật A Di Đà trong Kinh Bản Duyên và các Kinh điển khác

Đi tìm nguồn cội của những việc cần tìm hiểu quả là điều rất hữu ích và cần thiết cho những người học Phật như chúng ta ngày nay. Tuy trong hiện tại chúng ta có quá nhiều phương tiện để tìm hiểu, đọc tụng cũng như học hỏi, nhưng cũng không phải muốn tìm gì là có ngay lời giải đáp đúng như ý ta mong đợi, mà vẫn cần phải qua những trải nghiệm của bản thân cũng như sự tu học hành trì, nghiên cứu lâu ngày, chúng ta mới thẩm thấu được lời Phật dạy. Vì lẽ lời dạy của Đức Phật nằm rải rác khắp nơi trong ba tạng của Nam Truyền và ba tạng của Bắc Truyền, có cả hàng triệu triệu chữ và nhiều nhà phiên dịch, chú giải khác nhau, nên không phải ai cũng có cơ duyên để trì tụng, nghiên cứu hết ba tạng Kinh điển này. Riêng bản thân tôi không dám làm việc gì quá khả năng, chỉ cố gắng gom góp lại những chỗ đã đọc qua, nhằm cống hiến cho quý vị một sự hiểu biết căn bản về Đức Phật A-di-đà, để chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa khi trì tụng các Kinh A-di-đà, Kinh Vô Lượng Thọ hay Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Đó là điều căn bản, bởi lẽ cũng có một số quý vị không tin có một Đức Phật như thế và một cảnh giới như thế. Sau đây là những lời giải bày.

Tôi vốn xuất thân từ truyền thống Thiền Lâm Tế, phái Chúc Thánh, xuất phát ở Hội An, Quảng Nam, nhưng khi vào chùa từ năm 1964 đến nay (2020), cũng đã trên 55 năm rồi, tôi thấy các chùa thuộc Thiền Phái Chúc Thánh ít ngồi Thiền mà tụng Kinh A-di-đà, Địa Tạng, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết-bàn v.v…, khác với chủ trương Thiền như Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền ở Trung Hoa, vị Sơ Tổ của Thiền Lâm Tế có mặt từ thế kỷ 9 (866/867) vào đời Tống. Từ đó đến nay đã hơn 1.000 năm lịch sử, việc truyền thừa ấy không còn nguyên thủy nữa, mà đã pha trộn quá nhiều. Lý do thì không phải là không có, nhưng ở đây tôi không muốn phản biện lại điều này, vì lâu nay đã có nhiều người giải thích rồi. Chỉ có điều, những người tu Thiền mà đổi qua tu Tịnh Độ như vậy, căn cứ vào đâu để giải thích rằng trong kinh điển Nam Truyền đã có đề cập đến? Đây là câu hỏi mà nhiều người muốn tìm cho rõ ngọn ngành của vấn đề.

Câu hỏi này, một số quý vị Giáo Sư Phật tử tại Học Viện Phật giáo Linh Sơn ở Paris cũng đã hỏi tôi cách đây mấy năm về trước. Lúc ấy, cũng may là tôi đã đọc xong tất cả những phần Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm cũng như Tăng Nhất A Hàm và đã bắt đầu đọc đến Bộ Bản Duyên (Bản Sanh) thì mới đọc được việc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc đến danh hiệu của Đức Phật A-di-đà. Và nếu đọc hết quyển thứ 17 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, trong hơn 13.000 trang Kinh ấy, chúng ta chỉ thấy duy nhất hai lần Đức Phật Thích Ca đề cập đến việc này. Lần thứ nhất là trong bộ Bản Duyên thứ nhất, quyển thứ 10, trang 474, phần sau của Kinh thứ 55, tiêu đề Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Thí Dụ. Nếu Quý vị muốn tìm nguyên bản chữ Hán thì vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizōkyō) Tập 3, kinh số 154, trang 107, tờ c, từ dòng 1 đến dòng 14, nội dung bản Việt dịch như sau:

“Ngài Thủ Đạt tuổi cao đáng kính, giáo hóa được năm ngàn người. Ngài Duy Tiên tuổi trẻ, trí tuệ sâu rộng, đi tới nhiều nước, giáo hóa được sáu vạn người. Lần lượt trên con đường đi du hóa, hai vị này gặp nhau, các đệ tử của Ngài Thủ Đạt thấy Ngài Duy Tiên trí tuệ dũng mãnh thảy đều muốn đến để tỏ lòng sùng bái. Ngài Thủ Đạt gọi các đệ tử lại bảo:

- Ông Duy Tiên tuổi còn nhỏ, trí tuệ cạn cợt, ít ỏi.

Ngài Duy Tiên nghe được lời nói đó, bèn nghĩ: “Người tu hạnh Bồ Tát, phải nên cúng dường nhau, du hóa đến các nước gặp nhau, coi như gặp được Phật. Nay ta thật không muốn ủng hộ Ngài Thủ Đạt, nhưng vẫn luôn nghĩ về tình đồng đạo. Ngài Duy Tiên ngay trong đêm đó lặng lẽ bỏ sang nước khác. Vì sao thế? Là vì muốn cho các đệ tử kia vẫn tiếp tục cúng dường Ngài Thủ Đạt.

Ngài Thủ Đạt do đã bài báng Ngài Duy Tiên, nên phải bị đọa vào loài Ma Ha Nê Lê đến sáu mươi kiếp, khi đã thoát được ra làm người thì phải chịu sáu mươi kiếp làm người không có lưỡi. Tại sao thế? Là vì Ngài đã không tự chế ngự được ba nghiệp thân, khẩu, ý, làm mất đi pháp hạnh của Bồ Tát. Về sau, tội lỗi hết, nhờ công đức đã vun trồng từ trước và nỗ lực tự tu tập nên được thành Phật hiệu là Thích Ca Văn.

Đức Phật bảo các đệ tử:

- Ông Thủ Đạt kia chính là bản thân Ta, Ngài Duy Tiên hiện nay là Đức Phật A-di-đà.

Tất cả các vị ngồi ở đây đều nói:

- Lỗi lầm kia nhỏ, mà tội phải gánh chịu thì quá lớn!

Đức Phật bảo mọi người trong pháp hội:

- Thân, khẩu, ý, ba nghiệp ấy không thể không quyết chế ngự, giữ gìn. Những ai trọn tin điều này và phụng hành thì đắc đạo. Nếu có phạm lỗi xấu ác tự biết ăn năn sửa đổi thì lỗi đó trở nên nhẹ bớt đi!”

(Trích từ trang 474 đến 475 trong bản Việt dịch).

Đến quyển thứ 16, thuộc Bộ Bản Duyên thứ 7, trang 386 đến trang 389 thuộc Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, phần kinh văn số 206 cũng có thêm một câu chuyện liên quan đến cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà, mà Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizōkyō), Tập 4, kinh số 206, trang 521, từ dòng thuộc Bộ Bổn Duyên Bộ hạ, tập thứ 4, trang 510 thuộc về phần Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, chuyện thứ 60 như sau:

“Ngày xưa có một người tuổi trẻ nghèo khổ, đi đến nước khác được một quả cam, nó vừa thơm vừa đẹp, ở đời ít có. Anh ta mến tiếc, không dám nếm thử. Nghĩ đến cha mẹ, muốn đem quả cam về dâng cúng, nên liền đi trở về thành Tỳ Da Ly (Tỳ Xá Ly).

Khi ấy Đức Phật vào thành cùng với chư Bồ Tát và các đệ tử lớn, đến nhà trưởng giả thọ trai. Thấy Đức Phật đi qua, người tuổi trẻ chưa về nhà, tay cầm quả cam trong ý muốn dâng cúng nhưng chưa thực hiện kịp. Vì từ nhỏ tới lớn chưa từng nghe nói về Phật, thấy dấu chân Đức Phật vừa đi qua in trên đất giống như hình bánh xe đang quay, rõ ràng các đường chỉ nhỏ cũng không thiếu sót. Lấy làm lạ, anh ta liền ngồi lên dấu chân nhìn xem không chán. Anh ta cảm nhận như gặp được điều may mắn, quên cả buồn vui. Anh suy nghĩ: “Dấu chân trên đất còn như thế, huống gì thân của vị ấy ở đời ít có. Ta ở đây đợi Ngài trở về, nên đem luôn phần của cha mẹ, chờ vị ấy trở lại sẽ đem quả cam dâng cúng.”

Khi Đức Phật chưa trở về, anh ta ngồi bên dấu chân, buồn suy nghĩ rơi nước mắt. Người đi đường thấy vậy hỏi:

- Vì sao anh cầm quả cam ngồi đây mà buồn bã vậy?

Anh ta đáp:

- Tôi ngồi đây với dấu chân của Bậc Tôn Quý, mong mỏi Ngài sẽ trở lại, muốn đem quả cam này tự dâng cúng, đợi thấy Tôn nhan mà chưa được như nguyện. Tự xét thân phận hèn mọn, ít ai quan tâm, nên cảm thấy buồn.

Người đi đường thấy lạ, đến hỏi thăm, xem coi rất đông, đều bàn tán với nhau cho anh ta là kẻ cuồng si. Vì sao biết được vị ấy có trở lại hay không mà ngồi chờ đợi?

Khi Đức Phật đã đến nhà vị trưởng giả an tọa, chúng Tăng rửa chân, theo thứ lớp ngồi vào xong, vị trưởng giả và tất cả thân quyến đem các món ăn dâng cúng đầy đủ. Khi thọ trai xong, Đức Phật chú nguyện cho trưởng giả và cả người nghèo ở xa đang chiêm ngưỡng dấu chân, cầm quả cam đợi dâng cúng Phật.

Khi Đức Phật và chúng Tăng đã thọ trai xong, vị trưởng giả suy nghĩ: “Đức Thế Tôn chú nguyện pháp thí không bình đẳng. Chỉ chú trọng người ở xa, việc cúng dường ở đây không xứng đáng sao?”

Đức Phật dạy Tôn Giả A-nan:

- Việc cúng dường của trưởng giả phước như thế nào?

Đức Phật dạy tiếp:

- Việc cúng dường của trưởng giả rất rộng rãi, nhưng vị ấy còn mong mỏi, nên dụng tâm còn so sánh quanh co, nhưng kết cuộc cũng được tốt đẹp, an lạc. Trái lại, bên ngoài ở xa có một thiếu niên tay cầm quả cam, một lòng không nghĩ gì khác, ngồi bên dấu chân hiền từ chờ đợi, suy nghĩ muốn dâng quả cam cúng dường, vận dụng lòng thành phát tâm rộng lớn. Do vậy, nên Ta ngồi ở đây, vì người ở xa mà chú nguyện.

Vị trưởng giả suy nghĩ: “Người kia muốn cúng quả cam không khác đồ ăn của ta. Đức Phật tán thán công đức của người kia là cao tột. Ta tuy giàu có, đồ cúng đầy đủ, nhưng ý chấp vào việc cúng ít nhiều nên Đức Phật dạy phước không bằng người kia, ta muốn theo hầu Đức Phật đến thăm người ấy.”

Khi ấy Đức Phật rời khỏi chỗ ngồi, đi đến nơi người ngồi chiêm ngưỡng dấu chân. Các Bồ Tát, đệ tử, trưởng giả, cư sĩ... Tất cả hợp lại theo thứ bậc tháp tùng theo Đức Phật. Người kia từ xa thấy Đức Phật đi đến, thân tướng tốt đẹp, hào quang sáng hơn cả mặt trăng, mặt trời, liền bước tới nghênh đón Đức Phật, rồi cúi đầu đảnh lễ. Nhân đó anh ta quỳ xuống, đem quả cam dâng cúng Đức Phật và liền khi đó phát tâm Vô Thượng bình đẳng độ thoát chúng sanh.

Đức Phật phóng ánh sáng chiếu khắp không cùng tận. Ba ngàn thế giới đều chấn động lớn. Mười phương chư Phật và chư vị Bồ Tát kịp thời đều hiện ra như hình hiện ở trong gương, xa gần đều thấy rõ. Đức Phật vì vị ấy thọ nhận quả cam rồi chuyển quả ấy cúng dường mười phương chư Phật, chỉ một quả cam ấy mà biến ra để cúng dường khắp không cùng tận. Mười phương chư Phật và chư vị Bồ Tát thân mang ca sa, duỗi cánh tay vàng sáng chói, phóng ra ngàn muôn ức tia sáng, trong mỗi tia sáng kia tự nhiên đều có hoa sen châu báu nối tiếp giăng quanh tòa sư tử. Trên Bảo tòa có chư Phật và chư vị Bồ Tát đều cầm bát báu thọ nhận quả cam, cùng dùng quả cam ấy chuyển biến cúng dường… Đức Thích Ca cũng lại như vậy, ở thế giới này chiếu sáng mười phương, khắp trong hư không, chư Thiên, Quỷ Thần đều đầy đủ, tám hướng trên dưới cũng không có khoảng trống, đều hoan hỷ đến tán dương, hỗ trợ, các Bồ Tát trong ba cõi đều được nhờ ân.

Khi ấy người cúng quả cam được pháp Vô Sinh Nhẫn. Đức Phật thọ ký cho vị ấy sau này sẽ được làm Phật, hiệu là Quả Tôn Vương Vô Thượng Chánh Giác. Quốc độ kia sẽ giống như cảnh giới Cực Lạc của Phật A-di-đà. Khi vị ấy được nghe Đức Phật thọ ký cõi nước riêng, tự nhiên thân tâm thanh tịnh, liền được quả vị Nhất Sanh Bổ Xứ. Trưởng Giả, Cư Sĩ, cả đến ngàn người, nương nhờ phước ấy mà phát đạo tâm và được vào địa vị Bất Thoái Chuyển.

Công đức của người nghèo kia được lợi ích rộng lớn đến như vậy.”

(Trích từ trang 386 đến 389 trong bản Việt dịch.)

Trên đây là hai đoạn kinh được trích ra từ bộ Bản Sanh thứ 10 và thứ 16 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, xuất bản tại Đài Bắc, Đài Loan khi cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh còn sanh tiền.

Ngoài ra trong Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch ra Việt ngữ vào năm 1991 -Phật Lịch 2535; phần thứ 17. Kinh Đại Thiện Kiến Vương (Mahàsudassana Sutta) cũng đã có đề cập rất rõ về một cảnh giới của Vua Đại Thiện Kiến, rất giống với cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà. Vị Vua này chính là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Kế tiếp là trong Kinh Trung A Hàm, ở phẩm thứ 6 thuộc Phẩm Vương Tương Ưng, kinh thứ 68 thuộc Kinh Đại Thiện Kiến Vương. So sánh hai Kinh này ở Nikaya và Kinh Trung A Hàm không khác nhau mấy về nội dung của một cõi trang nghiêm như Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A-di-đà, mà Vua Đại Thiện Kiến trong quá khứ là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trong quyển: Thiết lập Tịnh Độ - Kinh A-di-đà Thiền Giải, chú giải dưới cái nhìn của Thiền học. Trong quyển này, phần Thiết Lập Tịnh Độ (trang 7), Thiền Sư Nhất Hạnh đã đề cập đến một cảnh giới Cực Lạc như trong Kinh Đại Thiện Kiến Vương về cõi Tịnh Độ (Cực Lạc) của Đức Phật A-di-đà. Thật ra cõi Cực Lạc (Sukkhavatti) chỉ có một, do Đức Phật A-di-đà làm giáo chủ, nhưng có vô số cõi Tịnh Độ của chư Phật trong mười phương vô biên quốc độ.

Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm, người Đài Loan, tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học tại Đại Học Risso Nhật Bản, sau về sáng lập Pháp Cổ Sơn tại Đài Bắc và Ngài chủ trương có bốn loại Tịnh Độ. Đó là Nhân Gian Tịnh Độ, Thiên Quốc Tịnh Độ, Phật Quốc Tịnh Độ và Tự Tánh Di Đà Tịnh Độ. Do vậy dưới mắt các Thiền Sư thì Tịnh Độ không nhất thiết phải ở cõi Tây Phương, mà ở đây và bây giờ, nơi quốc độ này cũng có thể là Nhân Gian Tịnh Độ như trong phẩm Kinh Đại Thiện Kiến Vương vậy. Người ta cũng có thể nói đến Đông Phương Tịnh Độ của Đức Phật Dược Sư hay ở những cõi khác nữa. Bởi vì thế giới vô cùng, không gian vô tận, nên cõi nước và cõi Phật cũng không có ngằn mé vậy.

Bây giờ nếu có ai muốn truy tìm dấu vết kinh văn thì cũng không khó như ngày xưa. Chúng ta nên biết rằng: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh bên Nam Truyền (Việt dịch từ tiếng Pali) tương ứng với các Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A hàm và Bộ Bản Sanh bên Bắc Truyền (Hán dịch từ tiếng Sanskrit). Các dịch giả dịch thẳng từ tiếng Pali sang tiếng Việt chỉ có 13 tập và tất cả độ dày của 13 quyển này cũng trên dưới 10.000 trang. Riêng phần Bắc Truyền từ chữ Hán được dịch sang tiếng Việt có đến 17 quyển; mỗi quyển cũng trên dưới 1.000 trang và tổng cộng 17 quyển này cũng khoảng từ 12 ngàn đến 13.000 trang. Vì sao vậy? Vì bên văn bản chữ Hán rất đa dạng và có nhiều bản dịch từ tiếng Phạn sang có số chữ nhiều hơn, có nhiều kinh giống nhau nhưng được cho vào cùng thể loại, khiến cho những bộ kinh căn bản của Bắc Truyền nhiều hơn số chữ của các kinh bên Nam Truyền là vậy.

Bây giờ nếu quý vị nào còn nghi ngờ gì nữa thì quý vị cũng có thể giở ra những trang kinh đã được giới thiệu để đọc, tìm hiểu và thẩm thấu lời Phật dạy về những cảnh giới khác, không phải như cảnh giới của chúng ta đang ở và cũng có nhiều vị Phật, chứ không phải chỉ có một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật lịch sử ở cõi Ta Bà này. Phần tôi, không vì tranh luận với bất cứ ai về Đức Phật A-di-đà hay cảnh giới Tây Phương Cực Lạc, mà chỉ muốn càng làm sáng tỏ vấn đề thì độ nghi ngờ càng ít đi, để khi chúng ta hành trì được phước báu nhiều hơn là tự mình suy nghĩ theo sự hiểu biết nông cạn của mỗi người mà tự kết luận rằng: Một thế giới như thế không có, hay một Đức Phật như thế không có. Đây là điều không nên lặp lại đối với những người muốn nghiên cứu kinh điển của cả hai truyền thống Nam Truyền cũng như Bắc Truyền một cách nghiêm chỉnh để được lợi mình và lợi người.

Thích Như Điển
Viết xong vào lúc 16:00 ngày 28 tháng 3 năm 2020 tại Thư Phòng của Tổ Đình Viên Giác, Hannover Đức Quốc trong mùa dịch cúm Corona đang hoành hành khắp cả thế giới.



Tổ sư Khương Tăng Hội (?- 280)

Cho đến ngày hôm nay hầu như những sử gia Phật giáo như Hòa Thượng Thích Mật Thể, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Giáo sư Học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát v.v… đều công nhận Ngài Khương Tăng Hội là Sơ Tổ của Phật giáo Việt Nam. Cùng thời với Ngài cũng có những Ngài khác như: Mâu Bác, Chi Cương Lương và Ma Ha Tăng Kỳ Vực cũng đã ở Giao Châu. Ngoài ra Thiền sư Nhất Hạnh còn chứng minh trong “Phật giáo Việt Nam Sử Luận” là Phật giáo đã được truyền vào Việt Nam chúng ta vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, trực tiếp từ Ấn Độ và gần đây nhất theo Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát chứng minh rằng Phật giáo được truyền vào Giao Châu của chúng ta từ thời Hùng Vương thứ 18, mà hai người Phật tử đầu tiên là Chữ Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung (xem Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập I cùng tác giả).

Theo Cao Tăng Truyện và xuất Tam Tạng Ký cho biết thì Ngài Khương Tăng Hội là người gốc từ nước Khương Cư (Sogdiana). Cha Ngài sang Giao Chỉ buôn bán và lấy một người con gái Việt Nam sinh ra Ngài, nhưng năm tháng thì không rõ. Cả Cha và Mẹ đều cùng mất năm Ngài 13 tuổi (có nơi nói 10 tuổi) và Ngài xin vào chùa để xuất gia. Ngài rất rành Phạn và Hán ngữ. Điều này cũng dễ hiểu, vì Cha Ngài từ Ấn Độ sang, và thời kỳ đó là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, nên bắt buộc Ngài phải học chữ Hán, ngoài ra ở nhà chắc chắn rằng Ngài cũng rất giỏi tiếng Việt, vì Mẹ là người Việt Nam. Từ khi xuất gia cho đến khi thọ giới Cụ Túc, phải đủ 20 tuổi; nghĩa là trong thời gian này Ngài phải học các Kinh điển căn bản để được thọ giới Sa di và Tỳ kheo từ chữ Phạn cũng như chữ Hán. Rồi một nhân duyên nào đó Ngài đã được sang nước Ngô (nay là Nam Kinh của Trung Quốc) vào năm Xích Ô thứ 10 (năm 247) (có nơi nói năm thứ 4), lúc đó vào đời Ngô Tôn Quyền và Ngài Khương Tăng Hội tịch vào năm 280 tại Trung Quốc. Như vậy Ngài ở tại Trung Hoa tất cả là 33 năm. Chúng ta không biết tuổi thọ của Ngài bao nhiêu, nhưng nếu đoán là 60 tuổi thì ít nhất năm Ngài 27 tuổi, lúc ấy Ngài mới sang Kinh đô nước Ngô thuở bấy giờ. Đây là cái tuổi đẹp nhất và có năng lực nhất để đi từ Giao Châu sang Nam Kinh. Có như thế Ngô Tôn Quyền mới để ý và cho mời vào Kinh để tham vấn.

Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát thì Ngài có tất cả 7 tác phẩm, trong đó Lục Độ Tập Kinh do chính Ngài biên tập, còn 6 tác phẩm khác thì được liệt kê như sau:1) An Ban Thủ Ý do Ngài An Thế Cao dịch và Trần Huệ chú sớ, Tăng Hội đề tựa. 2) Lục Độ Yếu Mục do Tăng Hội biên tập, nhưng nay không còn. 3) Nê Hoàn Phạm Bối cũng do Tăng Hội biên tập, nhưng nay không còn. 4) Ngô Phẩm (Đạo Hành Bồ Tát) Tăng Hội dịch, nhưng nay không còn. 5) Pháp Cảnh Kinh do An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa. 6) Đạo Thọ Kinh do Chi Khiêm dịch và Tăng Hội đề tựa. Đa phần những Kinh sách này được viết hay dịch hoặc sớ giải từ năm 248, nghĩa là sau một năm đến Trung Hoa; nhưng theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát thì Lục Độ Tập Kinh được Ngài Khương Tăng Hội soạn bằng tiếng Việt và trước khi sang Trung Quốc. Điều này cũng có thể, bởi lẽ từ tuổi 20 sau khi thọ Đại Giới đến 7 năm sau nữa thì trong thời gian này Ngài Khương Tăng Hội có thể đã viết hoàn thành tác phẩm Lục Độ Tập Kinh này tại Giao Châu của chúng ta và chúng ta có thể tạm kết luận là Ngài sinh vào năm 220 tại Giao Chỉ, đến năm 247 Ngài sang Trung Quốc, thì lúc ấy Ngài đã 27 tuổi rồi.

Đi vào Đại Tạng Kinh để chúng ta có thể thấu triệt được việc này. Căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo) quyển thứ 51. Kinh Văn số 2084, trang 834b về việc Cảm ứng khi thời nhà Ngô bao vây chùa, cấm và bắt chư Tăng Ni, mà Xá Lợi hiện nổi tỏa phóng ánh sáng trên Bình bát (Rút từ Dị Lục Tuyên Nghiệm Ký) và Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh quyển 190 bộ Sử Truyện thứ 12 thuộc Tam Bảo Cảm Ứng Lược Yếu Lục, quyển thượng được trích dẫn như sau:

“Khi Tôn Hạo (Quy Mệnh Hầu 264-280) thời Đông Ngô có được ngôi vua, Chánh Giải tấu trình sự việc mà nói rằng: “Phật Pháp nên cảm ứng tại Trung Quốc, chỗ liệt bày đồng như các vị Thần ở nước Hồ”. Tôn Hạo bèn ban sắc chiếu, nhóm tập các vị Sa môn, dàn bày quân lính bao vây chùa, muốn thực hành việc giết phá. Nói cùng Phật sư Khương Tăng Hội rằng: “Phật mà như Thần thì nên kính sùng đó, còn như Phật không có oai linh, thì Hắc y (áo màu đen của người xuất gia) cùng một ngày đồng với mạng của chúng Tăng”. Khi ấy hoặc có người tự quyên sinh, hoặc có người trốn bỏ ra ngoài. Ngài Khương Tăng Hội mới cầu xin thiết trai, cầu hiện oai thần, dùng một bình bát bằng đồng đựng đầy nước đặt để trong sân. Sau khoảng bữa ăn, bỗng chốc thấy có ánh sáng tỏa chiếu và trong bình bát ở giữa sân có tiếng sang sảng, bỗng thấy có Xá Lợi chiếu sáng nơi thềm cấp phòng nhà, nổi trên bình bát. Tôn Hạo và đại chúng đến xem trước, kinh ngạc mất cả thái độ bình thường, rời khỏi chỗ ngồi, đổi sắc mặt mà bước tới. Ngài Khương Tăng Hội nói:

“Bệ Hạ hãy bảo người có sức rất mạnh khỏe dùng chày bằng chất Kim Cang nặng trăm cân để đập, trọn chẳng thể phá được”. Tôn Hạo bằng y theo lời ấy mà cho rằng: Trước Kính bái là bái, rải hoa thiên hương mà xướng cao lời rằng: “Thật là dấu vết Quân Từ Thị đến bờ chưa dứt, thì bánh xe chánh pháp vẫn còn xoay chuyển in dấu vào trong đường tối, oai thần chẳng thiếu ngầm hiện. Ngày nay nếu chẳng như thế thì Tam Bảo hẳn dứt mất”. Nói lời ấy vừa xong thì chái (chỗ ở) nơi quân sĩ bỗng nhiên nổi gió. Mọi người trông xem thảy đều kinh sợ đến ngưng thở. Chày vỡ nát mà Xá lợi chẳng tổn hại gì. Ánh sáng từ Xá lợi tỏa phóng ngời sáng khắp đầy. Tôn Hạo bằng khâm phục cho thiết lập giảng đường, xây dựng tháp đá tại phía Bắc chợ lớn Kiến Đường, sau vẫn còn tỏa ánh sáng tốt lành.

Đến mùa thu năm Nguyên Gia thứ 19 (442) thời Tiền Tống, vào nửa đêm nơi chùa tỏa phóng ánh sáng, trên không phát nên hình thể tốt đẹp, có ánh sáng lửa khác lạ, khiến trên bốn tầng từ phía tây nhiễu quanh đến phía nam. Lại bị lửa thiêu đốt, nên ánh sáng nhảy vọt lên trên hóa làm hoa sen lớn. Mọi người bèn phát sinh niềm tin, mới về lập chùa đề hiệu Kiến Sơ, đổi tên đất tại chỗ ấy gọi là Đất Phật vậy”.

Đọc đoạn văn trên đây chúng ta biết được rằng: Trước khi Ngài Khương Tăng Hội đến Trung Quốc thì Phật giáo cũng đã được truyền vào đây từ thời Hán Minh Đế (Hiếu Minh Hoàng Đế 58-75). Vua sinh ngày 15/6/28 và băng hà ngày 5/9/75. Vào năm 67 thì Ngài Ma Đằng và Ngài Trúc Pháp Lan đã đến Kinh Đô Lạc Dương và dịch Kinh Tứ Thập Nhị Chương tại chùa Bạch Mã. Điều này cho chúng ta thấy rằng trước đó trên 180 năm Phật giáo đã có mặt tại Lạc Dương, nhưng Nam Kinh thì chưa có ảnh hưởng nhiều. Tuy rằng Tăng Ni đã có, nhưng chưa có một vị nào lỗi lạc, chờ đến khi Ngài Khương Tăng Hội từ Giao Chỉ sang đây năm 247 thì Phật giáo mới bắt đầu khởi sắc.

Theo Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh quyển thứ 194, thứ tự Kinh văn số 2116, phần Biện Ngụy Lục, quyển thứ 2 thuộc Sử Truyện Bộ thứ 16 cũng có đề cập đến Ngô Tôn Quyền và Ngài Khương Tăng Hội như sau: “Thượng Thư lệnh Hám Dịch nói với Ngô chúa rằng: “Nếu so sánh Khổng giáo, Lão giáo với Phật giáo thì xa lại càng xa vậy. Tại sao biết thế? Vì Khổng Tử, Lão Tử lập giáo là dựa theo pháp chế của trời, không dám trái với trời. Còn các Đức Phật lập giáo, thì các trời vâng làm, không dám trái với Phật. Do đó mà nói thật chẳng thể so sánh. Ngô chúa khéo thay (phong cho) thành Thái Tử Thái Phó (xuất xứ cựu Ngô thư)”. Như vậy nhờ sự tâu trình của Hám Dịch với cương vị là một Thượng Thư về Phật giáo so với Lão giáo và Khổng giáo mà Ngô Tôn Quyền đã phong cho Hám Dịch trở thành Thái Tử Thái Phó và cũng nhờ sự chiêu cảm sâu xa về Phật pháp cũng như sự linh ứng Xá lợi của Đức Phật, nên Ngô Tôn Quyền mới cho xây chùa, tháp thờ Phật và không bức bách chư Tăng Ni thuở bấy giờ.

Cũng theo Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh tập thứ 197, kinh văn số 2122, phần Pháp Uyển Châu Lâm thứ 3, quyển thứ 40 cũng có đề cập đến việc Ngài Khương Tăng Hội và Ngô Tôn Quyền như sau: “Năm thứ 4 niên hiệu Xích Ô thời Ngô Tôn Quyền, có Sa môn Khương Tăng Hội là người nước khác (Giao Chỉ) bắt đầu đến Trường Giang thiết lập kinh tượng làm nơi hành đạo. Người nước Ngô cho là chuyện lạ lùng mê hoặc lòng người. Bởi vì nghe tình trạng ấy, nên Ngô Tôn Quyền cho gọi Tăng Hội đến hỏi: “Phật có điềm linh thiêng gì?” Đáp rằng: “Dấu tích linh thiêng sâu xa của Đức Phật để lại Xá lợi ứng hiện khắp nơi”. Tôn Quyển hỏi ở đâu? Đáp rằng: “Dấu tích của Đức Phật cảm ứng tất cả thì khi cầu khẩn có thể đạt được”. Tôn Quyền nói: “Nếu có được Xá Lợi thì sẽ cho xây dựng chùa tháp”.

Trải qua 21 ngày chí thành thỉnh cầu, liền có Xá Lợi trong bình, sáng sớm trình lên cho Tôn Quyền thấy, ánh sáng chiếu rọi tỏ cung điện. Tôn Quyền cầm bình đổ vào khay đồng, lập tức kêu loảng choảng. Tôn Quyền rất kinh sợ lạ lùng trước điềm lành hiếm có. Tăng Hội tiến đến nói rằng: “Xương cốt linh thiêng của Phật, như Kim Cang bất hoại, lửa đốt không cháy, chày cối giã lõm xuống, mà Xá lợi không bị tổn hại gì, ánh sáng chiếu rọi khắp nơi làm lóa mắt người nhìn. Lại dùng lửa đốt thì ánh sáng vút lên cao thành đóa hoa sen to lớn. Tôn Quyền vô cùng tin phục, mới cho dựng ngôi chùa tên là Kiến Sơ, đổi địa danh cư trú gọi là xóm Phật Đà”.

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 54 trang 239a, kinh văn số 2126 và Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thuộc tập 199, bộ Sự Vựng 5, thuộc Đại Tống Tăng Sử Lược, quyển thượng cũng đã có đề cập đến việc chú thích Kinh điển rằng: “Phía Nam có Ngài Khương Tăng Hội đầu tiên và phía Bắc có Ngài Chi Cung Minh”. Như vậy sau khi Ngô Tôn Quyền tin tưởng Phật giáo cho dựng chùa và tiếp Tăng độ chúng thì Ngài Khương Tăng Hội bắt đầu dịch Kinh sách nhà Phật từ chữ Phạn sang chữ Hán trong thời gian 33 năm Ngài ở Trung Quốc (247-280).

Trước khi Phật giáo đến Trung Quốc thì tại đó đã có Khổng giáo và Lão giáo ngự trị cũng đã trên 600 đến 800 năm rồi. Do vậy các vị Đại Sư của Phật giáo phải là những bậc tài ba lỗi lạc có tu chứng như các Ngài Ma Đằng, Ngài Trúc Pháp Lan và Ngài Khương Tăng Hội v.v… thì mới chinh phục được Vua Chúa của Trung Hoa, mới khiến có thể tin theo. Sau này thì có Ngài Đạo An và Ngài Huệ Viễn cũng là những bậc Thầy vĩ đại của đương xứ Trung Quốc, nên Lão giáo và Khổng giáo phải nhường bước qua tác phẩm nổi tiếng “Sa Môn Không Lễ Bái Quân Vương” của Ngài Huệ Viễn, đã làm cho các Đạo khác đương thời phải nể phục.

Trong hóa đồ thứ 48 nói rằng: “Thời nhà Thương, quan Thái Tể hỏi Khổng Tử rằng: “Phu Tử có phải là bậc Thánh không?”. Khổng Tử đáp: “Thánh thì Khâu tôi không dám, nhưng Khâu tôi thì học rộng biết nhiều vậy”. Thái Tể hỏi: “Tam Vương là bậc Thánh phải không?”. Khổng Tử đáp: “Tam Vương là những người khéo léo, trí tuệ mạnh mẽ, còn phải Thánh hay không thì Khâu tôi không biết”. Thái Tể hỏi: “Ngũ Đế có phải là bậc Thánh không?”. Khổng Tử đáp: “Ngũ Đế là những người khéo léo nhân nghĩa, còn có phải Thánh không thì Khâu tôi không biết”. Thái Tể hỏi: “Tam Hoàng có phải là những bậc Thánh không?”. Khổng Tử đáp: “Tam Hoàng là những người khéo léo, nhân thời, còn có phải là Thánh hay không thì Khâu tôi không biết”. Thái Tể lấy làm lạ hỏi: “Vậy ai là bậc Thánh ư?”. Khổng Tử nhíu mày giây lát nói: “Khâu tôi nghe người ở phương Tây có bậc Thánh không trị mà chẳng loạn, không nói mà tự tin, không giáo hóa mà tự thực hành. Rộng rãi thay! Chẳng thể gọi tên, Khâu tôi nghi đó là bậc Thánh”.

Lời của Khổng Tử vẫn còn đâu đó ở trong Đại Tạng Kinh hay trong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Vì ngày ấy cách đây đã trên 2.500 năm lịch sử, các bậc Thánh chỉ có cảm nhận chứ chưa xác định được. Nhưng những sự linh ứng bên trên mà Khổng Khâu đã trả lời cho Thái Tể nghe thì đó chính là sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa, con Vua Tịnh Phạn và sau này tu hành, trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của Đạo Phật. Đạo Phật đã đi vào lòng người từ Ấn Độ sang Trung Quốc và từ Giao Chỉ đến Nam Kinh. Tuy khác hướng, nhưng là những bậc Thiền gia thạch trụ đã mang Giáo Pháp truyền đến xứ người và kể từ đó tiếng tăm vang vọng của Đạo Phật đã ngự trị suốt mấy ngàn năm nay tại lục địa to lớn này, mà Phật giáo Việt Nam của chúng ta cũng đã góp phần không nhỏ vào giai đoạn đầu tiên khi Phật giáo mới có mặt tại Trung Quốc ở vào những năm tháng đầu của thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch.

Như vậy chúng ta có thể tạm kết luận rằng Ngài Khương Tăng Hội chính là Sơ Tổ của Phật giáo Việt Nam và vào giữa thế kỷ thứ 3 (247) Ngài đã mang Phật giáo từ Giao Châu sang truyền đạo cho người Trung Quốc, đã khiến cho Ngô Tôn Quyền phải ngưỡng mộ Xá lợi của Đức Phật, cho xây tháp để thờ. Còn Hám Dịch được Ngô Tôn Quyền phong làm Thái Phó. Có nơi cũng cho biết là Hám Dịch đã quy y Tam Bảo với Ngài Khương Tăng Hội sau khi đã chứng kiến được việc Xá lợi hiển linh. Đây là một niềm vinh dự và hãnh diện của Phật giáo Việt Nam chúng ta. Vậy, đã là chư Tăng Ni cũng như Phật tử, nên cố gắng nêu cao tinh thần tu học, hoằng pháp ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh thì Phật giáo sẽ có chân đứng trong xã hội loài người, dầu cho chúng ta đi đến bất cứ phương trời nào trên thế gian này.

Viết xong vào ngày 27 tháng 12 năm 2020, tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.


 
Cửa ngõ an vui ra khỏi ba cõi (Ba mươi hai chữ “nếu”)

Đức Phật dạy:

❶若捨身命憐愍眾生。得佛金色身光明洞徹行住坐臥震動大千相。

Nhược xả thân mệnh lân mẫn chúng sinh, đắc Phật kim sắc thân quang minh đỗng triệt, hành trụ tọa ngọa chấn động đại thiên tướng.

Nếu bỏ thân mạng, thương xót chúng sanh, thì sẽ được thân sắc vàng của Phật, ánh sáng chiếu khắp, đi đứng ngồi nằm, chấn động cõi Đại Thiên.

Lời bàn:

Thân mạng bình thường của chúng ta do sự hòa hợp bởi tinh cha, huyết mẹ và gồm tứ đại như: đất, nước, gió, lửa. Bốn đại này tạo thành con người và luân chuyển trầm luân trong vòng sanh tử và cũng chính nhờ bốn đại này mà chúng ta có thể tu học, làm việc thiện lương để bước lên con đường giác ngộ, giải thoát. Nếu lòng từ bi lợi tha của chúng ta cao cả, biết thương chúng sanh hơn cả thân mình thì công đức này sẽ vượt khỏi ra ngoài ba cõi để mọi người có thể thành Bồ Tát hay thành Phật với thân sắc màu vàng như trong Kinh vẫn thường được nghe là: “Thân Phật thanh tịnh tợ lưu ly, trí Phật sáng ngời như trăng sáng, Phật ở thế gian thường cứu khổ, tâm Phật không đâu không từ bi.” Dẫu cho chúng ta đang làm người cũng có thể làm vang động cõi đại thiên gồm nhiều thế giới khi chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi ở cõi này.

❷ 若禮拜父母師長賢聖。得佛頂相高明。

Nhược lễ bái phụ mẫu sư trưởng hiền thánh, đắc Phật đảnh tướng cao minh.

Nếu lễ bái cha mẹ, sư trưởng, hiền thánh thì được đảnh tướng cao sáng như Phật.

Lời bàn:

Cha mẹ sinh ta ra không biết bao nhiêu khó nhọc, Thầy Tổ dạy dỗ chúng ta nên người ở nhiều phương diện khác nhau trong cuộc sống, dẫu cho có là hàng “xuất trần thượng sĩ” hay người cư sĩ tại gia. Lúc nào chúng ta cũng có tâm cung kính những bậc giác ngộ thì nhục kế ở trên đầu sẽ có ánh sáng như trong bài tựa Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật đã từng nói rằng: “Vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai, tuyên thuyết thần chú.”

❸ 若不誑眾生,讚揚其德。得佛眉間毫相。

Nhược bất cuống chúng sinh, tán dương kì đức, đắc Phật mi gian hào tướng.

Nếu không lừa dối chúng sanh, khen ngợi đức của họ, thì được tướng sợi lông trắng của Phật.

Lời bàn:

Tất cả chúng ta đều biết, Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Mỗi tướng tốt như vậy có một công đức huân tập khác nhau. Như vậy nếu chúng ta muốn có được tướng lông trắng giữa chặng mày để phóng quang, khi những sự việc quan trọng như thuyết pháp, độ sanh thì phải không lừa dối chúng sanh. Không lừa dối chúng sanh tức là không tự lừa dối mình, mà luôn luôn nhìn thấy cái đẹp cái hay của kẻ đối diện, nhất là đức hạnh của người ấy. Không nên nhìn cái xấu mà chỉ nên nhìn cái tốt của người khác, thì chúng ta sẽ được công đức này.

❹ 若行慈愛仁救眾生。得佛紺青螺髮相。

Nhược hành từ ái nhân cứu chúng sinh, đắc phật cám thanh loa phát tướng.

Nếu thực hành lòng từ bi, thương xót cứu giúp chúng sanh, thì được mắt xanh, búi tóc như của Phật.

Lời bàn:

Để tán thán công hạnh từ bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Tổ đức có câu rằng: “Từ là mang tất cả những niềm vui đến và bi là hay cứu tất cả những nỗi khổ của chúng sanh.” Nếu làm được hạnh nguyện này trọn vẹn thì chúng ta sẽ có hai mắt màu xanh cũng như tóc trên đầu xoắn trôn ốc và luôn quay về phía bên phải như của đức Phật.

❺ 若以光燈供養施人。得佛頂出日光相。

Nhược dĩ quang đăng cúng dường thí nhân, đắc Phật đảnh xuất nhật quang tướng.

Nếu dùng đèn sáng cúng dường Phật và bố thí cho người, thì tướng trên đảnh phát ra ánh sáng.

Lời bàn:

Bố thí có nghĩa là đem cái gì đó cho ai và gồm ba loại. Đó là: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Mỗi loại như vậy đều có chia ra làm ba hạng mục. Đó là bố thí bực hạ, bố thí bực trung và bố thí bực thượng.

Thế nào là bố thí bực hạ? Đó là việc chúng ta suy nghĩ thật nhiều khi có người đến xin. Chúng ta nghĩ rằng tài sản mình làm ra cực nhọc, làm sao có thể cho đi được. Mặc dầu có nghĩ đến vấn đề cho đi, nhưng cuối cùng lại không cho.

Thế nào là bố thí bực trung? Tài sản, của cải làm ra rất cực nhọc, nếu có ai đến xin, cực chẳng đã phải đem cho, nhưng sự cho ấy không thoải mái, mà còn hối tiếc nữa.

Thế nào là bố thí bực thượng? Chúng ta suy nghĩ khi sinh ra mình chẳng mang gì theo ngoại trừ hai bàn tay trắng. Suốt một cuộc đời chúng ta cố gắng làm việc, dành dụm mới được một ít của cải dư thừa và chúng ta sẽ nghĩ rằng: khi chết mình cũng đâu có mang theo được gì. Vì chúng ta ý thức được cuộc đời này vô thường. Do vậy rất hoan hỷ để bố thí khi có người đến xin. Ngoài ra khi thực hành hạnh Bồ Tát để tiến đến quả vị Phật thì chúng ta còn phải noi gương theo Phật như những câu chuyện về bố thí bất nghịch ý của Thái Tử Câu Na La hay của bà già cúng đèn v.v… Nếu thực hành được những việc bố thí như vậy thì trên đảnh đầu của chúng ta sẽ luôn có ánh sáng.

❻ 若以慈意視眾生者。得佛淨目上下眴相。

Nhược dĩ từ ý thị chúng sinh giả, đắc Phật tịnh mục thượng hạ huyễn tướng.

Nếu dùng lòng từ bi để nhìn chúng sanh, thì được hai mắt thanh tịnh như Phật.

Lời bàn:

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát thứ 25 có câu: “Từ nhãn thị chúng sanh”, có nghĩa là: “mắt thương nhìn chúng sanh”, nhưng cũng có nơi dịch là mắt thương nhìn cuộc đời. Bởi lẽ cuộc đời này có quá nhiều khổ đau tục lụy. Nếu chúng ta dùng con mắt từ bi để nhìn sâu tận sự khổ của chúng sanh thì hai mắt của chúng ta sẽ được thanh tịnh.

❼ 若絕滋味十善化人。得佛四十齒齊密相。

Nhược tuyệt tư vị, thập thiện hóa nhân, đắc Phật tứ thập xỉ tề mật tướng.

Nếu dứt những thức ăn ngon, dùng mười điều lành giáo hóa người, thì được tướng 40 răng bằng khít như Phật.

Lời bàn:

Trong luật sa-di phần giới thứ 9 có dạy rằng: không được ăn nhiều, không được ăn ngon và không được ăn theo sở thích. Điều này chư Tổ đã khuyên răn người xuất gia, có nghĩa là ngoài việc ăn để giữ cho thân khỏi đói, chúng ta còn phải nghĩ đến nhiều người khác nữa, không nên phung phí của đời. Thân có ba điều nên giữ. Đó là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Ý có 4 điều cần nên gìn giữ thuộc về miệng. Đó là: không nói lời không thật, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác. Ba điều thiện sau cùng thuộc về ý. Đó là: không tham, không sân và không si. Nếu ai thực hành trọn vẹn được những việc trên thì khi sinh ra sẽ được 40 chiếc răng đều đặn bằng khít như của Đức Phật.

❽ 若說慈善志意堅強。得佛四牙白淨相。

Nhược thuyết từ thiện, chí ý kiên cường, đắc Phật tứ nha bạch tịnh tướng.

Nếu nói lời từ thiện, ý chí kiên cường, thì được tướng 4 răng cửa trắng đẹp như của Phật.

Lời bàn:

Nếu dùng lời nói làm an lòng người khác và ý chí thật kiên cường thì có thể chiến thắng những loại giặc phiền não thường hay xảy ra với mình như tham, sân, si v.v… Dùng lời nói làm lợi lạc chúng sinh nên được tướng này.

❾ 若絕口四過。得佛方頰車廣長舌相。

Nhược tuyệt khẩu tứ quá, đắc Phật phương giáp xa, quảng trường thiệt tướng.

Nếu dứt bốn lỗi của miệng, thì được tướng má vuông, lưỡi rộng dài như Phật.

Lời bàn

Trong phần Thập Thiện bên trên chúng ta đã nhận chân ra 4 điều cần thể hiện của miệng rồi và nếu miệng của người Phật tử luôn nói điều chân thật thì lời nói sẽ rõ ràng, không bị câm ngọng, mà lưỡi còn dài ra, thể hiện cho tính chân thật và má của mỗi người sẽ có hình dáng chữ điền, trông rất dễ nhìn.

❿ 若行施平等。得佛果時七處合滿相。

Nhược hành thí bình đẳng, đắc Phật quả thời thất xứ hợp mãn tướng.

Nếu thực hành bố thí bình đẳng, thì khi được quả Phật bảy chỗ đầy đặn.

Lời bàn

Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Tất cả đều do những công hạnh của Ngài đã thực hành trong nhiều đời, nhiều kiếp và kiếp này là lần sinh cuối cùng của Ngài, trong đó có việc hành hạnh bố thí bình đẳng, không kể thân sơ, giàu nghèo, sang hèn. Ai cần gì đến Ngài, Ngài đều tùy hỷ. Do vậy trên thân thể của Ngài không có nơi nào là khiếm khuyết cả.

11. 若忍苦行決定無亂。得佛 師子臆相。

Nhược nhẫn khổ hạnh, quyết định vô loạn, đắc Phật sư tử ức tướng.

Nếu chịu khổ hạnh, quyết định không loạn, thì được tướng ngực sư tử của Phật.

Lời bàn

Sư Tử là chúa tể của sơn lâm. Mỗi khi sư tử rống lên là tất cả dê, nai, đều phải khiếp vía. Ngoài tiếng rống ra, dáng đi của sư tử rất là oai phong, có bờm lớn, ngực ưỡn ra phía trước để thị uy và theo đây thì nhờ sự tu tập nhẫn nhục, khổ hạnh, không bao giờ thối chí thì sẽ được tướng trang nghiêm đầy đủ, ngực nở đầy đặn như ngực sư tử.

12. 若行正淨醫藥救人。得佛身方正相。

Nhược hành chính tịnh y dược cứu nhân, đắc Phật thân phương chính tướng.

Nếu thực hành chánh tịnh, y dược cứu người, thì được tướng Phật đoan chánh.

Lời bàn

Nếu chúng ta dùng thuốc thang để trị bịnh giúp đời, giúp người, không vì tư lợi hay tiền bạc thì tâm ấy chính là tâm Phật, vì có lòng từ bi cứu độ chúng sanh. Khi Đức Phật còn tại thế, chính Ngài cũng đã lấy nước ấm để lau sạch những vết thương cho một vị tỳ-kheo bị bịnh ghẻ lở, hôi hám không ai đoái hoài đến. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ học theo hạnh Phật để có thân đoan chánh giống như Ngài.

13. 若行慈仁不杖眾生。得佛修臂指長相。

Nhược hành từ nhân bất trượng chúng sinh, đắc Phật tu tí chỉ trường tướng.

Nếu thực hành lòng từ bi nhân ái, không đánh đập chúng sanh, thì được tướng cánh tay dài của Phật.

Lời bàn

Trong kinh dạy rằng: Phật thương chúng sanh như mẹ hiền thương con đỏ. Nhìn chúng sanh dưới con mắt từ bi thì không có lý do gì để đi sát hại chúng sanh cả. Dầu cho chúng sanh ấy có làm trái ý nghịch lòng mình đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không nên sát hại họ. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ có cánh tay dài như của Đức Phật.

14. 若視地行不踐蟲命。得佛行不蹈地相。

Nhược thị địa hành bất tiễn trùng mệnh, đắc phật hành bất đạo địa tướng.

Nếu thấy đất, bước đi không đạp sinh mạng côn trùng, thì được bước đi không giẫm đất của Phật.

Lời bàn

Trong Kinh Phật Bản Hạnh có chép lại rất nhiều hạnh nguyện của Đức Phật ở đời trước và đời này. Tương truyền rằng Phật vì thương chúng sanh nên rất ít khi giẫm chân lên mặt đất, bởi vì nơi ấy có rất nhiều côn trùng sinh sống. Lỡ bị chết sẽ hại lòng từ. Do vậy Đức Phật hay dùng bàn chân của mình nhẹ bước cách mặt đất chừng 1 đến 2 cm.

15. 若手扶接有苦眾生。得佛手內外握相。

Nhược thủ phù tiếp hữu khổ chúng sinh, đắc Phật thủ nội ngoại ác tướng.

Nếu tay dìu dắt giúp đỡ chúng sanh bị khổ, thì được tay cầm nắm trong ngoài của Phật.

Lời bàn

Lòng thương của các vị Bồ Tát và của chư Phật trong mười phương vô biên thế giới cũng giống như người mẹ hiền đưa tay ra dìu dắt con mình mới chập chững bước đi vào đời. Hình ảnh ấy bao gồm tròn đủ sự yêu thương nâng đỡ không chối từ bất cứ một việc nào khó khăn. Do vậy chúng ta sẽ có được bàn tay cầm nắm cả trong lẫn ngoài như bàn tay của Phật.

16. 若行四攝攝取眾生。得佛手足網相。

Nhược hành tứ nhiếp, nhiếp thủ chúng sinh, đắc Phật thủ túc võng tướng.

Nếu thực hành bốn nhiếp pháp, nhiếp lấy chúng sanh, thì được tướng bàn tay bàn chân đều có màng mỏng nối lại như chân nhạn chúa.

Lời bàn

Tứ nhiếp pháp có nghĩa là 4 điều nhiếp hóa chúng sanh. Đó là: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Nếu chúng ta thực hiện trọn vẹn được 4 nhiếp pháp này thì tướng bàn tay bàn chân của chúng ta sẽ giống như của Phật.

17.若以淨心供養善人。得佛手足輪千輻理相。

Nhược dĩ tịnh tâm cúng dường thiện nhân, đắc Phật thủ túc luân thiên phúc lí tướng.

Nếu dùng tâm thanh tịnh cúng dường người lành, thì được tướng lòng bàn tay, bàn chân có hình bánh xe ngàn nan hoa.

Lời bàn

Cúng dường có nghĩa là cung kính dưỡng nuôi một ai đó. Có thể là cha mẹ, một vị tăng ni hay người hành khất. Tất cả người cho, kẻ nhận và vật cúng đều thanh tịnh thì đây gọi là đẳng tam luân không tịch. Có nghĩa là sự cúng dường ấy không có sự đối đãi. Tất cả đều do tâm thanh tịnh mà ra. Nếu thực hành được như vậy thì lòng bàn tay, lòng bàn chân của chúng ta sẽ đầy đặn và có đường chỉ hình bánh xe ngàn nan hoa như Phật.

18. 若施衣服隱過蔽惡。得佛馬陰藏相。

Nhược thí y phục ẩn quá tế ác, đắc Phật mã âm tàng tướng.

Nếu bố thí y phục che các tệ xấu, thì được tướng nam căn ẩn kín như của Phật.

Lời bàn

Trong 32 tướng tốt của Phật có một tướng gọi là mã âm tàng. Đó là tướng nam căn ẩn kín không nhìn thấy, cũng gọi là âm tàng tướng. Nếu chúng ta thấy người bần cùng khổ sở cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà có tâm bố thí áo quần làm vật che thân cho người khác thì chúng ta sẽ được tướng mã âm tàng như của Phật.

19. 若說除患死法得佛鹿膞腸相。

Nhược thuyết trừ hoạn tử pháp, đắc Phật lộc thuần trường tướng.

Nếu nói Pháp trừ các họa chết, thì được tướng đùi như nai chúa của Phật.

Lời bàn

Trong Kinh thường diễn tả đùi của Phật giống như lộc vương, tức là bắp đùi của con nai chúa. Rất đầy đặn, không khiếm khuyết chỗ nào cả. Con người ai cũng sợ chết, nếu chúng ta dùng Pháp của Phật để chỉ rõ sự sanh tử trong vô thường thì người đối diện sẽ dễ chấp nhận hơn là đi dọa nạt phỉnh phờ họ, khiến họ thêm sợ hãi. Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ có tướng đùi nai chúa giống như của Phật.

20. 若善莊嚴不解眾生支節, 得佛鉤鎖骨相。

Nhược thiện trang nghiêm bất giải chúng sinh chi tiết, đắc Phật câu toả cốt tướng.

Nếu khéo trang nghiêm, không mổ xẻ thân phần của chúng sanh, thì được tướng xương cốt móc liền nhau của Phật.

Lời bàn

Chư Phật ra đời vì mục đích là độ cho chúng sanh thoát khổ, vì vậy chẳng có vị Phật hay vị Bồ Tát nào làm cho chúng sanh khổ đau cả, nhất là thịt xương của chúng sinh cũng giống như máu huyết trong thân người. Khi nào chúng ta nghĩ rằng cái đau của kẻ khác chính là cái đau của mình, thì lúc ấy lòng từ bi mới thể hiện được một cách trọn vẹn. Từ nguyên nhân này sẽ được hảo tướng xương cốt nối móc liền nhau như của Phật.

21. 若柔和順塔右遶從人, 得佛右旋毛相。

Nhược nhu hòa thuận tháp hữu nhiễu tùng nhân, đắc Phật hữu toàn mao tướng.

Nếu xoay vần nhiễu bên phải tháp Phật, thì được tướng lông xoay về bên phải.

Lời bàn

Đa phần những người hiểu luật Phật, khi vào chùa luôn luôn đi từ bên phải qua bên trái, thuận theo chiều kim đồng hồ. Nếu chúng ta thấy ai đi nhiễu Phật hay nhiễu tháp của Phật mà đi từ trái sang phải thì không phải là người Phật tử thường hay đi chùa, nên không nghe quý Thầy giảng và không thâm nhập được Phật lý. Nếu thường hay đi nhiễu bên phải tháp thì lông trên người sẽ xoay về phía bên phải thuận chiều như cây kim đồng hồ.

22. 若平治道去棘刺, 得佛一 孔一 毛相。

Nhược bình trị đạo khứ cức thứ, đắc Phật nhất khổng nhất mao tướng.

Nếu sửa đường bằng phẳng, nhổ bỏ gai góc, thì được tướng một lỗ một sợi lông của Phật.

Lời bàn

Trong Kinh sách Phật hay diễn tả chúng sanh có tất cả 404 thứ bịnh chia đều cho 4 loại đất, nước, lửa, gió, mỗi thứ có 101 bịnh khác nhau. Trên thân người, Phật giáo cho rằng có đến 84.000 lỗ chân lông tượng trưng cho 84.000 trần lao phiền não và 84.000 pháp môn cần được tu trì. Do vậy khi đi ra đường thấy gai góc nằm ở giữa đường hay đâu đó, nếu chúng ta không muốn người khác lâm nạn thì chúng ta nên gỡ bỏ đi, thì chúng ta sẽ được đầy đủ tướng một lỗ một sợi lông của Phật.

23. 若不服華綺,沐浴於人, 得佛皮膚細軟相。

Nhược bất phục hoa ỷ, mộc dục ư nhân, đắc Phật bì phu tế nhuyễn tướng.

Nếu không mặc các thứ lụa là đẹp đẽ, tắm gội cho người, thì được tướng da mịn màng của Phật.

Lời bàn

Thông thường ngày xưa hay dùng lụa để trang sức cho thân. Lụa được lấy từ tơ của con tằm. Do vậy người có lòng thương chúng sanh không mặc áo lụa hay áo lông thú. Vì lẽ thú sẽ bị giết chết để chúng ta có được chiếc áo mặc ấm vào mùa đông, nhưng như vậy sẽ hại lòng từ. Tuy nhiên trong luật cũng có khai mở cho những người già trên 70 tuổi nếu không đủ chăn êm nệm ấm thì phương tiện có thể dùng lụa là, nhưng khi dùng phải đem lòng từ thương xót chúng sanh. Nếu siêng năng chăm sóc tắm rửa cho người già, người bịnh thì chúng ta sẽ có làn da mịn màng như của Phật.

24. 若掃塔除穢, 得佛身不受塵相。

Nhược tảo tháp trừ uế, đắc Phật thân bất thụ trần tướng.

Nếu quét trừ các dơ bẩn trong tháp, thì được tướng không bị bụi dơ của Phật.

Lời bàn

Tháp Phật, chánh điện, sân chùa v.v… được gọi là chốn già-lam. Có mấy câu kệ rất hay xin chép ra đây để quý vị tường. Đó là:

勤掃伽藍地,

時時福慧生 。

雖無賓客至,

亦有聖人行 。

Cần tảo già-lam địa,

Thời thời phước tuệ sanh.

Tuy vô tân khách chí,

Diệc hữu thánh nhơn hành.

Nghĩa:

Siêng quét đất già-lam,

Thường sanh phước, sanh tuệ.

Tuy không khách nào đến,

Nhưng lại thánh nhơn đi.

Như vậy đất chùa rất là linh thiêng. Nếu siêng năng quét dọn chúng ta sẽ có tướng không bị bụi dơ của Phật.

25. 若修 萬行常願具 足, 得佛胸萬字相。

Nhược tu vạn hạnh thường nguyện cụ túc, đắc Phật hung vạn tự tướng.

Nếu tu muôn hạnh, thường nguyện đầy đủ, thì được tướng của Phật trên ngực có chữ vạn.

Lời bàn

Chữ vạn (Śrīvatsā-lakṣaṇa - 卍 hay 卐) có nghĩa là tập hợp vạn đức tốt lành. Ở Á châu chúng ta thường thấy trên ngực của Đức Phật, nhưng sang Âu, Mỹ nếu dùng tướng này thì người ta dễ liên tưởng đến biểu tượng ( ) của Hitler, cho dù biểu tượng của Hitler chỉ theo một chiều duy nhất và luôn luôn nằm nghiêng. Do vậy tốt nhất là chúng ta chỉ nên thể hiện qua sự giải thích hình ảnh chứ không nên phô trương sẽ dễ bị hiểu lầm. Tướng này không thấy trong Kinh tạng, khi Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa tướng này mới xuất hiện. Nếu chúng ta tu nhiều hạnh lành và chuyên niệm nhớ nghĩ đến mục đích của mình hành trì thì chúng ta sẽ có vạn đức như Đức Phật.

26. 若捨國城妻子, 得佛淨土眷屬賢聖相。

Nhược xả quốc thành thê tử, đắc Phật tịnh độ quyến thuộc hiền thánh tướng.

Nếu bỏ quốc thành, vợ con thì được tướng Tịnh Độ quyến thuộc Hiền Thánh.

Lời bàn

Nếu cuộc đời đế vương là trên hết thì chắc rằng Thái Tử Tất Đạt Đa chẳng bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để đi tìm con đường giác ngộ cho chúng sanh. Việt Nam chúng ta cũng đã có nhiều ông vua đi xuất gia như vua Lý Huệ Tông, vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông v.v… Hoặc giả vua Lương Võ Đế bên Trung Hoa đã ra sắc lệnh cho quân dân ăn chay, không làm hại đến sinh mạng của chúng sanh và chính bản thân nhà vua sống trong cung vàng điện ngọc suốt 40 năm nhưng không chung chạ với một người nữ nào (xem Quảng Hoằng Minh Tập trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập thứ 52). Nếu chúng ta làm vua mà có được cái nhìn về cuộc đời và sự quyết tâm cao cả như vậy thì chúng ta sẽ được tướng Tịnh Độ và là quyến thuộc của các bậc Hiền Thánh.



27. 若自節食上味施人, 得佛上味相。

Nhược tự tiết thực thượng vị thí nhân, đắc Phật thượng vị tướng.

Nếu tự ăn uống tiết độ, dùng bố thí thức ăn ngon cho người, thì được thượng vị của Phật.

Lời bàn

Cách ngôn Pháp có nói rằng: “Manger pour vivre et non vivre pour manger.” Có nghĩa là: “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn.” Câu hỏi được đặt ra là: “Ăn bao nhiêu thì đủ?” Dĩ nhiên là sẽ có nhiều cách trả lời khác nhau. Nhưng nếu chúng ta biết đủ thì sẽ đủ, nếu không biết dừng đúng lúc thì bao nhiêu cũng không đủ cả. Đồ vật đem cho, nên cho đồ tốt. Nếu được như vậy thì chúng ta sẽ có đủ ”tam đức, lục vị” như tướng “vị trung đắc thượng vị” của Phật.

28.若常讀誦不惡口加人,得佛總持口香氣相。

Nhược thường độc tụng bất ác khẩu gia nhân, đắc Phật tổng trì khẩu hương khí tướng.

Nếu thường đọc tụng, không nói với người những lời ác, thì được hơi miệng thơm, có sức tổng trì.

Lời bàn

Chư Tổ thường dạy rằng: “Lễ Phật giả, kính Phật chi đức. Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân. Khán Kinh giả, minh Phật chi lý. Tọa thiền giả, đăng Phật chi địa.” Nghĩa là: Lễ Phật là kính cái đức của Phật mà lễ. Niệm Phật là cảm cái ân của Phật. Xem kinh là làm rõ cái lý của Phật và ngồi thiền là đến địa vị của Phật.

Người nào miệng tụng Kinh, mắt xem kinh thì ít có thời gian để nói chuyện thị phi, nhờ vậy hơi miệng thường thơm và lời nói ra có năng lực chiêu cảm được nhiều người đối diện.

29. 若說法引接眾生,得佛面無飢渴滿口光辯才相。

Nhược thuyết pháp dẫn tiếp chúng sinh, đắc Phật diện vô cơ khát mãn khẩu quang biện tài tướng.

Nếu nói Pháp dẫn dắt chúng sanh, thì được tướng đầy đủ không đói khát, có năng lực biện tài.

Lời bàn

Đúng là như vậy. Kẻ nào hay trì tụng kinh điển và xem kinh sách Phật để giúp cho chúng sanh ra khỏi những khổ nạn trong cuộc sống thì người ấy sống cuộc đời rất đầy đủ kể cả vật chất lẫn tinh thần và khi nói ra điều gì luôn thuyết phục được người khác chuyển về hướng thiện.

30. 若持戒無缺, 得佛法身圓滿相。

Nhược trì giới vô khuyết, đắc Phật pháp thân viên mãn tướng.

Nếu giữ giới không thiếu, thì được pháp thân viên mãn của Phật.

Lời bàn

Chư Phật thường có 3 thân. Đó là: Báo thân, Pháp thân và ứng, hóa thân. Pháp thân thì luôn thường trụ, không đến không đi, không còn không mất, không tăng không giảm. Điều này do sự giữ giới mà thành tựu. Nếu chúng ta giữ giới được trọn vẹn thì chúng ta sẽ được Pháp thân viên mãn của Phật.

31. 若在山間頭陀苦行, 得佛塵累都盡相。

Nhược tại sơn gian đầu đà khổ hạnh, đắc Phật trần luy đô tận tướng.

Nếu ở trong núi tu hạnh Đầu Đà, thì được tướng dứt hết trần lụy của Phật.

Lời bàn

Trong 10 vị Đại Đệ Tử của Đức Phật thì Ngài Ca-diếp được Phật ngợi khen là Đầu Đà đệ nhất. Khi Ngài về già, Đức Phật khuyên nên ở trong các tinh xá (vihara) nhưng ngài từ chối lời đề nghị của Đức Phật mà vẫn luôn thực hành thiền định cũng như hạnh đầu đà, nên hay ở nơi bãi tha ma để dễ quán sát tử thi hơn. Nếu ai trong chúng ta thực hiện được hạnh này thì chúng ta sẽ được tướng dứt hết trần lụy của Phật.

32. 若捨華堂幽林禪思, 眾生謂苦不能行之 。菩薩志意堅強所期者大, 不以 為苦, 故得自然宮殿七寶房舍早得成佛。

Nhược xả hoa đường u lâm thiền tư, chúng sinh vị khổ bất năng hành chi. Bồ Tát chí ý kiên cường sở kì giả đại, bất dĩ vi khổ, cố đắc tự nhiên cung điện thất bảo phòng xá, tảo đắc thành Phật.

Nếu bỏ nhà đẹp, vào rừng vắng thiền định, chúng sanh cho là khổ không thể thực hành. Bồ Tát chí nguyện bền chắc hướng đại không cho là khổ, vì thế được cung điện tự nhiên, phòng xá bảy báu, sớm được thành Phật.



Lời bàn

Ở trên đời này nếu cái gì chúng ta cũng hay bám giữ và cho là chắc thì nó thường hay bỏ ta đi xa. Nếu chúng ta buông xả nó thì trái lại nó sẽ hiện ra như cung điện tự nhiên mà có và phòng ốc chỗ ở không thiếu gì. Nếu thực hành tâm chấp trước thì đó là tâm tiểu, còn nếu biết buông bỏ thì đó là tâm đại. Nếu được như vậy thì chúng ta sẽ sớm thành Phật quả.

Thích Như Điển

Viết xong vào lúc 18:00 ngày 29 tháng 11 năm 2020 nhằm ngày Rằm Tháng mười năm Canh Tý tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.


 
Nghiên Cứu Về Bài Tán “Chiên Đàn Hải Ngạn”

Từ nhỏ, lúc mới vào chùa khi 15 tuổi của năm 1964 và năm nay 2020 cũng đã trên 70 tuổi đời và hơn 55 năm sống trong Thiền môn, từ Hội An, Quảng Nam vào Sài Gòn, qua Nhật Bản rồi trú tại Đức Quốc cho đến ngày nay, không biết bao nhiêu lần tôi đã nghe, hòa theo cách tán tụng tang hai mõ một hay tang ba mõ bốn (tán rơi) ở các nơi mà tôi đã sống suốt trong ngần ấy thời gian, ít ra cũng đã hơn nửa thế kỷ rồi. Khi tụng kinh hay tán Phật cũng ít có chú điệu nào hiểu rằng: Tại sao mình phải tụng và tại sao phải tán?

Tán có nghĩa là tán dương công đức của chư Phật hay chư vị Bồ Tát qua nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như miền Bắc, Trung và Nam không có nơi nào tán giống nơi nào hết. Mặc dầu nội dung bài tán tất cả đều giống nhau. Đó là chưa kể đến nhiều miền có lối tán đặc biệt riêng lẻ nữa. Ví dụ như tán Quảng Nam khác với tán Huế, tán Bình Định không giống với tán miền Tây. Nhưng tất cả đều thể hiện âm điệu trầm bổng lên xuống theo nhịp điệu của chuông, mõ, linh, tang, trống, kèn, phách v.v… để tạo thành một loại âm nhạc Phật giáo thật là tuyệt vời.

Có những bài tán nghe qua là hiểu liền nội dung, nhưng cũng có những bài tán rất khó hiểu, không biết lý do vì sao? Trong đó có bài tán “Chiên Đàn” là một. Bởi lẽ, đa phần chúng ta thấy rằng trước khi Thái Tử Tất Đạt Đa đi xuất gia vào ngày mồng 8 tháng 2 thì Ngài đã vào phòng tại hoàng cung để từ giã vợ con lần cuối. Hình ảnh Gia Du Đà La và La Hầu La nằm đó qua những nét vẽ thần kỳ của họa sĩ, khiến cho ai nấy trong chúng ta cũng đều nghĩ đó là sự thật, nhưng bài tán “Chiên Đàn” này lại có một sự thật khác nữa, chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm để cho rõ ngọn ngành qua sự tham cứu những tài liệu đáng tin cậy, nhưng bao nhiêu phần trăm thì chúng tôi không dám quả quyết được. Việc này xin để chư Tôn Đức và quý vị tùy nghi thẩm định.

Đầu tiên là bài tán này được viết bằng chữ Hán, cũng như phiên âm ra Việt ngữ; và tiếp theo là nguyên nhân tại sao có bài tán này. Theo Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm giải thích, đã được trang nhà quangduc.com ở Úc cho phổ biến lâu nay như dưới đây:

SỰ TÍCH BÀI TÁN CHIÊN ĐÀN

Khi Vua Tịnh Phạn hay tin Phật thành đạo, nhà Vua và dòng họ Thích rất vui mừng. Lúc ấy, em trai Vua vừa sanh hoàng tử và xin Vua Tịnh Phạn đặt tên. Vua liền đặt tên Khánh Hỷ (Vui Mừng), tức là tên của Ngài A Nan.

Sau đó, lại nghe tin báo Gia Du Đà La vừa sanh La Hầu La, Vua Tịnh Phạn vừa buồn vừa giận, cho đánh trống vàng, tập trung dòng họ Thích để xét tội công chúa. Khi mọi người đã tập họp đông đủ, Vua Tịnh Phạn cho mời Gia Du Đà La ra. Công chúa ôm con bước ra đứng trước mọi người. Nhà vua hỏi, “La Hầu La là con ai?”

Gia Du Đà La trả lời, “La Hầu La là con của Thái Tử Tất Đạt Đa”.

Nhà vua phán, “Thái Tử đã đi tu sáu năm rồi, làm gì có con. Theo luật dòng họ Thích, hễ cô gái nào ngoại tình thì mẹ con phải nhảy vào hầm lửa để rửa sự ô nhục của dòng họ.”

Nàng Gia Du Đà La liền ôm La Hầu La đến trước hầm lửa và phát nguyện: “Kính xin mười phương chư Phật chứng minh, nếu La Hầu La là con của Thái Tử Tất Đạt Đa thì xin cho hầm lửa biến thành ao sen.”

Phát nguyện xong, nàng liền ôm con nhảy xuống hầm lửa. Nhiệm mầu thay, hầm lửa biến thành ao sen trước sự chứng kiến của mọi người. Nhà vua hết nghi ngờ liền ẵm cháu, đem công chúa Gia Du Đà La lên và nuôi dưỡng tử tế.

Phật dạy: La Hầu La ở tiền kiếp chơi nghịch, nhét hang chuột sáu ngày, sau nhớ mới mở ra. Do quả báo đó, phải ở trong bào thai sáu năm.

栴檀海岸香讚
栴檀海岸
爐爇名香
耶輸子母兩無殃
火內得清涼
至心今將
一炷 遍十方
南無香供養菩薩摩訶薩.

Bài Tán Chiên Đàn

Chiên đàn hải ngạn
Lư nhiệt danh hương.
Gia Du tử mẫu lưỡng vô ương
Hỏa nội đắc thanh lương
Chí tâm kim tương
Nhất chú biến thập phương.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.

Dịch nghĩa:

Cây chiên đàn đứng bên bờ biển
Đốt hương trong lư báu.
Mẹ con nàng Gia Du hết tai họa
Trong lửa nóng được mát mẻ.
Tâm thành chí kính
Một nén hương biến khắp mười phương.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.

Lâu nay nhờ có chút ít thời gian, nên tôi đã đọc qua hết các bộ A Hàm và Bản Duyên của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, thì thấy rằng câu chuyện của La Hầu La được dịch ra Việt ngữ ở Bộ Bản Duyên thứ 7, quyển thứ 16, thuộc Kinh Tạp Bảo Tạng, quyển thứ 10, trang 247. Câu chuyện thứ 117 này tương ưng với tập thứ 4 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh(Taisho Shinshu Daizokyo); kinh thứ 203, trang 447 thuộc Bổn Duyên Bộ hạ, quyển thứ 4. Để tiện cho việc nghiên cứu và tìm hiểu thì quý vị có thể tìm vào những trích dẫn bên trên để đối chiếu. Chuyện được kể rằng:

“Tôi từng nghe:

Thuở xưa, lúc Đức Phật mới xuất gia vào đêm đầu tiên thì con của Ngài là La Hầu La mới nhập vào bào thai. Bồ Tát Tất Đạt khổ hạnh sáu năm nơi cội cây Bồ Đề hàng phục bốn loại ma, trừ các ngăn che của ấm, hoát nhiên đại ngộ, thành đạo vô thượng, đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, thành tựu mười tám Pháp bất cộng, đầy đủ bốn biện tài, độ thoát tất cả, đạt đến bờ kia, hiểu rõ tất cả pháp của chư Phật, vượt lên trên các vị Thanh Văn, Duyên Giác. Vào đêm thành đạo đầu tiên của Ngài thì La Hầu La được sinh ra. Lúc ấy tất cả thể nữ trong cung vua thảy đều thẹn thùng, hết sức ưu não mới nói:

Quái thay, điều đại ác! Gia Du Đà La không nghĩ điều phải điều trái, coi thường hành động, không tự thương mình, không tự thận trọng, khiến cho toàn cung chúng ta đều bị ô nhục. Bồ Tát Tất Đạt xuất gia đã lâu mà nay bỗng nhiên lại sinh con. Ôi, hết sức là xấu hổ, nhục nhã!

Khi ấy có Thích nữ tên là Điển Quang, là con gái của di mẫu nàng Gia Du Đà La, đấm ngực, giậm chân, tức giận chửi mắng Gia Du Đà La:

Ngươi là chỗ thân yêu của Tôn trưởng, sao lại tự làm điều tổn hại? Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia học đạo cách đây đã sáu năm rồi mới sinh ra đứa bé này là điều hết sức phi lý. Ngươi theo ai mà có con? Ngươi là người không biết xấu hổ, làm ô nhục chủng tộc của ta, ngươi đã không kể chủng tộc, không sợ ô danh. Bồ Tát Tất Đạt Đa có công đức lớn, tiếng tăm ai cũng biết. Nay ngươi tại sao không gìn giữ cho Ngài mà tạo ra điều sỉ nhục?

Vua Tịnh Phạn ngay lúc đó đang đứng trên lầu thấy quả đất này có sáu thứ chấn động, tướng lạ xuất hiện. Vua Tịnh Phạn thấy điều ấy xong, cho rằng Bồ Tát đã chết, sự buồn rầu giống như mũi tên bắn vào tim Vua, hết sức khổ não, nói:

Hương giới của con ta bay khắp bốn phương, tướng tốt trang nghiêm như tràng hoa sen. Nay là ngày con ta chết. Con ta như cây hoa, giới là rễ đâm sâu, tàm quý là cành lá, danh dự là hương thơm, lòng từ là bóng mát. Nay đã bị voi giày mà chết. Con ta to lớn như núi vàng, các báu trang nghiêm. Con của ta như Kim Sơn Vương, thân trang nghiêm tướng hảo, bị chày Kim Cang vô thường dập nát. Con ta như biển cả đầy các thứ báu bị con cá Ma Kiệt làm nhiễu loạn nước biển. Biển lớn của con ta cũng như vậy, bị chết vì sự nhiễu loạn của con cá Ma Kiệt. Con ta giống như mặt trăng Rằm, các sao vây quanh. Con ta có công đức vô lượng như vậy, tướng tốt trang nghiêm, nay bị vô thường La Hầu La tiêu diệt. Dòng họ ta sinh ra từ Đại trượng phu đến Lô Việt, Chân Tịnh. Các vị vua như vậy tiếp nối đến ta. Ngày nay dòng họ ta chưa sắp đoạn tuyệt chứ? Ta đặc biệt mong con ta làm Chuyển Luân Thánh Vương hay thành Phật đạo. Sao nay con ta lại có thể chết?Nếu con ta mà chết thì ta sẽ ưu sầu, tiều tụy cũng chết theo mất. Sự mong ước con ta xuất gia, mặc pháp phục, ôm bát, mưa pháp cam lồ… tất cả những việc như vậy, chắc ta sẽ không thấy được. Vì nhớ thương con mà trong lòng sầu tư, nhớ nghĩ trăm mối.

Khi ấy nghe trong cung có tiếng khóc lớn, nhà vua càng thêm kinh ngạc, cho là Thái Tử đã chết, mới hỏi cô hầu đang chạy phía trước: “Đó là tiếng khóc gì vậy? Chẳng phải là con ta chết rồi sao?”

Cô gái tâu với vua: “Thái Tử chưa chết. Hôm nay Gia Du Đà La sinh một người con, toàn cung đều xấu hổ cho nên khóc như vậy.”

Nhà vua nghe lời ấy càng thêm ưu sầu, áo não, bỗng khóc rống, cất tiếng kêu to than: “Quái thay! Thật là hết sức ô nhục! Con ta xuất gia đã sáu năm rồi, hà cớ gì hôm nay mới sinh con?”

Bấy giờ theo luật của nước ấy, hễ đánh một hồi trống thì tất cả quân lính tụ tập, chín vạn chín ngàn Thích chủng đều tập hội. Họ liền gọi Gia Du Đà La. Khi ấy Gia Du Đà La mặc bạch tịnh y ôm con trong lòng, không hề sợ hãi, trên mặt có dính chút bụi, ở trong thân tộc, nàng ôm con mà đứng. Bấy giờ Chấp Trượng Thích sắc mặt đầy tức giận, chửi Gia Du Đà La, quát lên: “Ngươi là đồ phàm phu thô bỉ, thật hết sức xấu hổ, đã làm nhục dòng họ nhà ta, còn mặt mũi nào mà đứng trước mặt chúng ta!”

Lúc ấy có một người họ Thích tên là Tỳ Nữu Thiên, là Cậu của công chúa Gia Du Đà La, nói với Gia Du Đà La: “Không có đứa trẻ nào ngu si thô bỉ, đê tiện hơn cháu. Cậu là người họ hàng, vậy cháu hãy nên lấy lời chân thật nói cho cậu biết đứa con ấy tác giả là ai?”

Bấy giờ Gia Du Đà La chẳng có gì hổ thẹn, nói một cách ngay thẳng: “Đứa bé này chính là con của người họ Thích xuất gia tên là Tất Đạt. Tôi nằm bên Thái Tử mà có đứa con này.”

Vua Tịnh Phạn nghe lời ấy xong, tức giận nói: “Người đã không thủ tiết mà còn nói sai sự thật nữa. Điều đó thật hay hư thì các Thích tử biết rồi đó. Con của ta là Tất Đạt, lúc còn tại gia, nghe nói có ngũ dục mà tai còn không muốn nghe, huống chi lại có dâm dục mà sinh ra con? Như lời nói ấy thật hết sức thô bỉ, nham nhở. Ngươi đã lấy ai mà có con, làm hủy nhục chúng ta? Đây thật là sự quanh co xảo trá, chẳng phải là pháp chân chính. Con của ta là Tất Đạt lúc xưa ở tại gia đối với châu báu, của ngon vật lạ, hoàn toàn không có nhiễm trước. Huống chi nay con ta đã tu khổ hạnh, mỗi ngày ăn một hạt lúa, hạt mè mà lấy việc ấy để hủy báng!”

Vua Tịnh Phạn bừng bừng tức giận, hỏi các Thích tử: “Nay tại sao ta lại bị sự sát hại khổ độc như vậy?”

Lại có một Thích tử nói: “Cứ theo ý tôi, hãy làm một cái hầm lửa, ném mẹ con nó vào đó để không còn dấu vết gì nữa.”

Lúc ấy mọi người đều nói: “Việc đó rất hay!”

Bấy giờ họ liền đào một cái hầm lửa, lấy cây Khư Đà La chất đầy trong hầm, chích lửa, rồi họ liền dẫn Gia Du Đà La đến bên hầm lửa.

Gia Du Đà La thấy hầm lửa rồi, trong lòng hết sức hãi hùng, giống như con nai rừng chỉ có một mình trong khu vườn, quay nhìn bốn hướng chẳng có ai để trông cậy. Bấy giờ Gia Du Đà La tự trách mình: “Ta đã không có tội mà phải chịu tai ương này!” Nàng ngước nhìn các người họ Thích, thấy chẳng có ai chịu cứu mình. Nàng ôm con thở dài, nghĩ đến Bồ Tát nói: “Ngài có lòng từ bi thương xót tất cả, Trời, Rồng, Quỷ, Thần thảy đều cung kính Ngài. Nay mẹ con thiếp chẳng có ai giúp đỡ, không có tội mà phải chịu khổ. Cớ sao Bồ Tát không chịu lưu ý? Tại sao Bồ Tát không cứu mẹ con thiếp thoát khỏi nguy khốn ngày hôm nay? Các Trời, các Thiên Thần chẳng nhớ nghĩ đến tôi sao? Ngày xưa Bồ Tát ở giữa dòng họ Thích, giống như mặt trăng Rằm ở giữa các vì sao. Nhưng sao mãi tới hôm nay thiếp chẳng gặp lại được một lần!”

Than xong, nàng liền hướng về chỗ Đức Phật nhất tâm kính lễ rồi lại bái các người họ Thích, chắp tay hướng về phía hầm lửa nói lời chân thật: “Nếu đứa con của ta quả thật không phải vì ngoại tình mà có, nếu điều này là sự thật không hư ngụy, mặc dầu ở trong thai ta sáu năm, thì xin lửa hãy dập tắt, chớ thiêu hại mẹ con ta.”

Nói như vậy xong, nàng liền nhảy vào trong lửa, nhưng hầm lửa này lúc ấy lại biến thành ao nước. Nàng tự thấy thân mình ngồi trên hoa sen, hoàn toàn không có sợ hãi, nhan sắc vui tươi hòa dịu. Lúc ấy nàng chắp tay hướng về những người họ Thích, nói: “Nếu lời nói của tôi mà hư vọng, lẽ đáng tôi bị lửa thiêu cháy. Nhưng đứa bé này quả thật là con của Bồ Tát, đúng như lời chân thật của tôi, cho nên không bị lửa thiêu cháy vậy.”

Lại có một người dòng họ Thích nói: “Cứ xem hình tướng của cô ta không kinh, không sợ, từ đó suy ra biết chắc là cô ta nói thật.”

Cũng lại có người dòng họ Thích nói: “Cái hầm lửa này biến thành ao mát, lấy đó mà nghiệm thì biết là cô ta không có lỗi gì.”

Bấy giờ các người họ Thích dẫn Gia Du Đà La trở về cung, họ càng thêm cung kính, tán thán nàng. Họ tìm nhũ mẫu để chăm sóc con nàng, giống như lúc bình thường, chẳng khác gì cả. Vua Thái Tổ Tịnh Phạn ái trọng nàng tha thiết. Lúc nào không thấy La Hầu La, Ông không thể nào nuốt cơm được. Mỗi khi nhớ Bồ Tát, Ông chỉ cần bồng La Hầu La vào lòng là hết sầu nhớ. Tóm lại sáu năm trôi qua, vua Tịnh Phạn khát ngưỡng mong gặp Đức Phật, Ông bảo người đến thỉnh Ngài. Đức Phật vì lòng lân mẫn cho nên Ngài trở về nước. Đến trong hoàng cung của họ Thích, Ngài biến một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo đều giống như thân của Đức Phật, sáng ngời không khác.

Lúc ấy Gia Du Đà La nói với La Hầu La: “Ai là cha của con, con hãy đến bên vị ấy.”

Khi ấy La Hầu La đảnh lễ Đức Phật xong, đứng bên cạnh Đức Phật. Đức Như Lai liền dùng bàn tay có tướng bánh xe, đã tu công đức trong vô lượng kiếp, xoa lên đảnh đầu của La Hầu La. Khi ấy các người họ Thích đều nghĩ: “Nay Phật vẫn còn có tâm thương riêng.”

Đức Phật biết tâm các người họ Thích đã nghĩ, liền nói kệ:

Với quyến thuộc của vua
Và con ta sinh ra
Ta vẫn thương như nhau
Chỉ lấy tay sờ đầu.
Ta đã hết kiết sử
Thương ghét cũng không còn
Các ngươi chớ hoài nghi
Phân vân với con ta.
Con ta cũng xuất gia
Là Pháp Tử của ta.
Nói tóm, công đức ấy
Xuất gia học chân đạo
Sẽ thành A La Hán.”

(Trích từ trang 247 đến trang 251).

Hai câu chuyện được trích dẫn bên trên nội dung tương đối khá giống nhau và việc nàng Gia Du Đà La bị vào hầm lửa là sự thật. Do vậy các vị Tổ Sư Trung Hoa về sau này mới đặt ra bài tán “Chiên Đàn” như trên để ca tụng sự nhiệm mầu của Phật Pháp và nhất là để phá tan mối nghi ngờ của những người trong dòng họ Thích, là tại sao nàng phải mang thai đến sáu năm như vậy. Việc này chúng ta cũng có thể xem thêm truyện tiền thân của nàng và La Hầu La cũng có trong Bộ Bản Duyên này, thì sẽ rõ.

Có một điều mà cho đến nay cũng chưa có ai xác nhận được là đúng hay sai. Đó là việc xuất gia của Thái Tử, bên Đại Thừa Phật giáo cho rằng Ngài xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo lúc 30 tuổi và nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi. Trong khi đó bên Nam Tông thì cho rằng: Thái Tử xuất gia lúc 29 tuổi, tu khổ hạnh sáu năm và thành đạo lúc 35 tuổi. Ngài chỉ có 45 năm thuyết pháp độ sanh. Cuối cùng Ngài đã nhập Niết Bàn vào lúc 80 tuổi.

Có lẽ để cho tất cả các truyền thống đều cùng chung một nguồn gốc; nên ngày nay tất cả các nước Phật giáo trên thế giới đã lấy chung ngày nhập diệt lúc 80 tuổi của Ngài để kỷ niệm lễ Tam Hợp gồm: Đản Sanh, Thành Đạo và Nhập Niết Bàn làm một ngày. Do vậy chúng ta mới có Phật lịch của năm nay (2020) là năm 2564 và Phật Đản là 2644 năm.

Năm nay Tổ Đình Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam tổ chức Hội thảo trong ba ngày nhân ngày kỵ Tổ nhằm ngày mùng 7 tháng 11 âm lịch, lại có thuyết trình cũng như diễn giảng về công hạnh của chư Tổ Sư tiền bối, tôi từ xa xôi nơi Đức Quốc không về tham dự những ngày trọng đại này được, nên xin gửi một bài tham luận này để đóng góp cho sự nghiệp của Phật giáo Quảng Nam nói riêng và Lâm Tế Chúc Thánh khắp nơi ở trong cũng như ngoài nước nói chung nhằm đền đáp câu: “Ẩm thủy tư nguyên” như ngày nào tôi đã có mặt tại Tổ Đình Chúc Thánh từ năm 1964 vậy.

Viết xong bài này vào ngày 27 tháng 3 năm 2020 tại chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.



Lời Bạt về việc xuất bản những tập sau cùng của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (từ tập 188 đến tập 203)

Như tất cả những vị nghiên cứu đều biết rằng Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương, hầu hết được dịch thẳng từ bản chữ Hán của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo), gồm 32 tập đầu thuộc Kinh, Luật, Luận. Từ tập 33 đến tập 39 gồm 7 tập viết về Kinh Sớ Bộ. Quyển thứ 40 thuộc Luật Sớ Bộ Toàn và Luận Sớ Bộ thứ nhất đến tập thứ 44 và Chư Tông Bộ thứ nhất. Từ quyển 47 (Chư Tông Bộ thứ tư) đến hết tập thứ 48 (thuộc Chư Tông Bộ thứ 5). Tập 51 (Sử Truyện Bộ 3) đến hết tập 52 (Sử Truyện Bộ 4). Tập 53 (Sự Vựng Bộ Thượng) đến tập 54 (Sự Vựng Bộ Hạ) và Ngoại giáo Bộ.

Trên thực tế thì Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh mới chỉ dịch đến Kinh văn số 2131 (tức Phiên dịch danh nghĩa tập gồm 7 quyển) của tập thứ 54 này. Đúng ra phải đến Kinh văn số 2159 của tập thứ 55 mới bắt đầu qua Phật giáo Nhật Bản (Truyền Giáo Đại Sư Tương Thừa Đài Châu Lục) và phần có liên quan đến Phật giáo Nhật Bản cho đến tập thứ 84, Kinh văn số 2731 mới hết.

Tập 85 là tập cuối (từ Kinh văn số 2732 đến Kinh văn 2920 trở lại các Kinh truyện thời Nhà Đường và các thời khác bên Trung Quốc). Như vậy Kinh văn chấm dứt của của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh là số 2920.

Phần tiếp theo là: Biệt quyển Chiêu Hòa Pháp Bảo Tổng Mục Lục, có tất cả là 77 hạng mục và gồm 1.418 trang của 3 quyển, hầu hết là chuyện của Phật giáo Nhật Bản, Trung Quốc và 12 tập gồm Đồ Tượng cũng như Pháp Bảo. Tổng cộng là: 85 tập + 3 tập + 12 tập thành 100 tập tất cả. Nhưng trên thực tế thì Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh không cho dịch 4 tập Mật Giáo từ tập 18 đến tập 21 (ngoại trừ bản dịch của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám về Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm tập 19, Kinh văn số 945 gồm 10 quyển), nhưng ở Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thì đưa lên Bộ Kinh Tập.

Bộ Mật Giáo gồm 4 tập, bắt đầu từ Kinh văn số 848 đến Kinh văn số 1420: Tập thứ 18 từ Kinh văn số 848 đến Kinh văn số 917; tập 19 bắt đầu với Kinh văn 918 đến Kinh văn số 1029; tập 20 bắt đầu với Kinh văn số 1030 đến Kinh văn số 1198; tập 21 bắt đầu với Kinh văn số 1199 đến Kinh văn số 1420. Nếu dịch thêm phần này chắc cũng phải tính thêm 16 hay 17 tập nữa.

Lý do tại sao Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh không cho dịch 4 bộ Mật Giáo này, thì khi còn sanh tiền Ngài đã nói chuyện với chúng tôi và đã rõ ý, nên thiết nghĩ cũng không cần phải ghi vào đây làm gì. Tuy nhiên 4 bộ Mật Giáo này quý Ngài và quý vị cũng có thể tìm trên những trang mạng điện tử của các trang nhà như: viengiac.info và nhiều trang khác hiện đang lưu hành, do cố Hòa Thượng Thích Viên Đức và hầu hết đều do Cư Sĩ Huyền Thanh dịch theo lối Unicode 2015 sang Việt ngữ. Chỉ còn một số ít chưa được Việt dịch thì dịch giả để chữ màu đỏ. Quý vị nào muốn nghiên cứu đủ một Đại Tạng tiếng Việt thì xin tham khảo thêm phần trên.

Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh được hình thành dưới thời Thiên Hoàng (Tenno) Đại Chánh (Taisho) bắt đầu từ năm Đại Chánh thứ 13, tức vào năm 1924 đến năm 1925, và năm 1926 thì Thiên Hoàng Đại Chánh băng hà sau khi trị vì Nhật Bản được 14 năm (1912-1926) và Đại Tạng Kinh tiếp tục được hình thành cũng như hoàn tất dưới thời Thiên Hoàng Chiêu Hòa (Showa) năm thứ 9 (1934), có nghĩa là tất cả trong vòng 10 năm. Thiên Hoàng Showa sống cho đến năm 1989, Ông làm vua nước Nhật từ năm 1926 đến năm 1989 gần 63 năm. Đây là một trong những vị Thiên Hoàng trị vì Nhật Bản lâu đời nhất.

Bộ Đại Tạng Đại Chánh này chủ yếu dùng phần chánh Kinh Luật Luận từ các nhà Phật Học Trung Quốc, tiếp đến có những soạn thuật của các vị Cao Tăng người Hàn Quốc và Nhật Bản; Học giả Nhật Bản, ông Cao Nam Thuận Thứ Lang. Độ Biên Hải Túc; Tiểu Dã Huyền Diệu… biên tập dựa trên ba tạng Kinh Luật Luận, cùng bộ phận soạn thuật chủ yếu dùng bản Cao Ly được lưu giữ tại chùa Tăng Thượng (Sosoji) ở Tokyo làm bản gốc, để đối chiếu khảo xét với bản Tống, Nguyên, Minh cũng được tàng trữ tại chùa này. (Tham khảo một phần của đoạn này dựa theo tài liệu của tác giả Đào Nguyên đăng tải ngày 7 tháng 1 năm 2019 trên trang nhà https://giacngo.vn với đề tài là: Góp chút công sức cho Đại Tạng Kinh Việt Nam).

Riêng phần tôi, kể từ năm 2003 đến nay, khi trở về ngôi Phương Trượng của Tổ Đình Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc, đã phát nguyện rằng, những ngày còn lại trong đời sẽ cố gắng đọc Đại Tạng Kinh này. Và 17 tập đầu của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh chúng tôi đã đọc xong gồm: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và bộ Bản Sanh.

Những tập từ 1 đến 10 tương đối rất hoàn chỉnh, vì những bậc Tôn Túc chứng nghĩa như: Cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Cố Hòa Thượng Thích Đỗng Minh, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ v.v… đều là những học giả của Phật giáo, do vậy không có gì để nghi ngờ về sự sai sót. Thế nhưng từ tập 10 đến tập thứ 17 đâu đó vẫn còn nhiều lỗi chính tả. Do vậy, đọc đến đâu, tôi sửa bằng bút màu lên trang đó, nếu có chữ sai.

Năm 2003 là năm tôi bắt đầu tịnh tu nhập thất trên núi đồi Đa Bảo vùng Campbelttown, gần Sydney, Úc Đại Lợi, nơi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi sáng lập. Suốt trong vòng 8 năm, mỗi năm 2 đến 3 tháng như thế, Thầy trò chúng tôi ở chỗ này và đến năm thứ 9, thứ 10 (2011-2012) dời lên vùng Blue Mountain, cách Sydney chừng 2 tiếng lái xe.

Trong 10 năm ấy chúng tôi dịch Kinh, viết sách, và Kinh văn đầu tiên mà tôi chọn dịch là Kinh số 2087 thuộc Sử Truyện Bộ “Đại Đường Tây Vực Ký” của tập thứ 51 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Thầy trò dịch suốt hai tháng như vậy thì xong, đã có nhiều lần ấn tống và tái bản, nhưng vì là lần đầu tiên đi vào Đại Tạng, nên tôi đã dịch sai ý và lời không ít của Ngài Huyền Trang. Do vậy tôi muốn làm sao phải hiệu đính lại một lần cho hoàn hảo để độc giả khỏi trách rằng tôi dịch sai nhiều quá. Việc này đáng hổ thẹn biết bao. Thế mà từ năm 2003 đến nay (2021) gần 18 năm như thế vẫn chưa thực hiện được.

Sau những năm tháng khác tôi bắt đầu dịch những Kinh văn số 299, 271, 380, 756 và đặc biệt là tập thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ, tôi dịch hầu như tất cả từ Kinh văn số 1628 đến Kinh văn số 1726; ngoại trừ những bộ Luận như Đại Trí Độ Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận đã có Cố Hòa Thượng Thích Trung Quán, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu và Cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông dịch rồi thì tôi không dịch thêm nữa.

Những Kinh văn này chưa được giảo chánh lại kỹ, nhưng cũng đã được đưa lên các trang nhà như: quangduc.com ở Úc; hoavouu.com, trang nhà rongmotamhon.net (Mỹ), viengiac.info (Đức) để so sánh đối chiếu với các dịch giả khác, nhằm tạo thêm cách nhìn, cách dịch và cách hiểu của nhiều người đọc và nay mai nếu tôi còn thời gian cũng như sức khỏe, sẽ cố gắng hoàn thiện những phần giảo chánh những Kinh văn này.

Từ tháng 3 năm 2020 thế giới bị dịch Corona 19, tất cả đều bị phong tỏa. Do vậy mà suốt một năm qua tôi đã chẳng thể đi đâu, chỉ ở tại Tổ Đình Viên Giác để đọc Đại Tạng Kinh, và trong thời gian này từ tháng 3 năm 2020, Phật tử Minh Đăng Trần Tế Thế, người lo sắp xếp sửa lại những lỗi chính tả của những tập Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh chưa xuất bản (từ tập 188 đến tập 203, gồm 16 tập). Minh Đăng khi tra cứu đến tập 195 (ĐCTTĐTK thuộc tập thứ 53) bộ Sự Vựng, Kinh văn thứ 2121, gặp nhiều từ khó hiểu nên mới nhờ tôi đọc và hiệu đính lại giùm.

Thế là tôi vào việc ngay, mỗi ngày đọc từ 100 đến 200 trang như thế, kể cả sửa lỗi chính tả và chỗ nào không rõ ý thì phải lần mò theo Kinh Văn để trở về Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán để tìm kiếm. Sau một thời gian chừng 9 tháng thì tôi đã đọc xong lại hết các tập 195 đến tập 202 và Kinh Văn cuối cùng số 2131 (Phiên dịch Danh Nghĩa Tập gồm 7 quyển và nằm giữa chừng tập thứ 54 ở trang 1185 thuộc Đại Chánh Tạng).

Bây giờ tôi còn nhiều thời gian nên muốn giảo chánh lại quyển Đại Đường Tây Vực Ký, như tôi đã đề cập bên trên. Nhờ Phật tử Minh Đăng tra cứu giùm thì quyển này thuộc tập thứ 190 của LSPBĐTK, tương ứng với quyển 51 thuộc Sử Truyện Bộ, Kinh văn số 2087. Thế là tôi cũng phải tốn thời gian ít nhất là 2 tháng để xem lại bản dịch cũ của mình vào năm 2003 và cũng mong rằng năm 2021 này sẽ tái bản lại hoàn chỉnh hơn. Sau khi đọc xong Kinh Văn số 2087 thì Phật tử Minh Đăng nhờ tôi đọc cho hết tập 190 này, rồi tập 191, 192, 193 và 194. Khi xem lại toàn bộ LSPBĐTK đã được xuất bản tại Đài Loan thì mới chỉ hình thành được đến tập thứ 187. Còn những tập 188 đến cuối cùng thì chưa ra mắt độc giả.

Do vậy tôi phát tâm đọc tiếp tập 188 đến tập 189. Như vậy đã an tâm là tạm hoàn thành trách nhiệm đọc và giảo chánh lại 15 tập tất cả (188-202). Riêng tập 203 là tập cuối cùng thuộc mục lục của Đại Tạng tôi không đọc, vì nghĩ rằng không bị phạm lỗi gì nhiều như 15 tập cuối cùng của LSPBĐTK.

Lẽ ra Lời Giới Thiệu của Ban Tổ Chức dịch thuật in ấn, phát hành… Đại Tạng Kinh phải nên cho vào tập 1 hay tập 202 mới đúng, nhưng do sắp xếp của Ban Biên Tập như thế nào đó mà phần Lời Giới Thiệu này sắp vào quyển Mục Lục có 256 trang ở tập 203, kể từ trang 51 đến trang 56 độc giả mới có thể đọc được về thành phần Ban chứng nghĩa, Ban phiên dịch Đại Tạng Linh Sơn.

Nhiều vị cũng phàn nàn là tại sao Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh không cho ghi tên từng dịch giả một trong mỗi Kinh Văn đã được dịch ra Việt ngữ để người đời sau dễ nhận diện hơn, nhưng nếu chúng ta chịu khó đọc trong Lời Giới Thiệu này thì sẽ hiểu rõ hơn. Dẫu sao đi nữa thì việc khởi đi chỉ từ một cá nhân của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ năm 1994 đến năm 2014, trong vòng 20 năm ấy Cố Hòa Thượng giống như con thoi lui tới Việt Nam, Đài Loan, Âu, Mỹ, Úc để mong hoàn thành đại nguyện này, nhưng tiếc thay cho đến khi Ngài viên tịch (2015), thì Ngài vẫn chưa được thấy mặt toàn bộ Đại Tạng do Ngài chủ trương, và nay chúng tôi những kẻ hậu học, tử đệ của Ngài quyết tâm hoàn thành tâm nguyện ấy và sau khi hoàn thành mọi khâu, chúng tôi sẽ bắt đầu cho in ấn tại Đài Loan 500 bộ; mỗi bộ 16 tập (từ tập 188 đến tập 203) và khi in những tập này chúng tôi cũng mong mỏi chư Tôn Đức Tăng Ni, cũng như quý Đạo hữu Phật tử tiếp tục hỗ trợ bằng cách ấn tống 16 tập hay nhiều lần 16 tập, để sớm hoàn chỉnh bộ Đại Tạng Linh Sơn này.

Trước đây một số chùa và một số chư Tôn Đức đã phát tâm ấn tống hay đặt trước tịnh tài, thì nay sau khi Hòa Thượng viên tịch quỹ ấy hầu như không còn nữa và Tử Đệ của Linh Sơn phải gây lại quỹ ấn tống khác để hoàn thành bộ Đại Tạng quan trọng này. Kính mong chư Tôn Đức Tăng Ni và Quý vị Phật tử hoan hỷ trợ duyên cho.

Tại Trung Quốc từ trước thời Ngài Huyền Trang (602-664) những Kinh Văn được các vị Sư Ấn Độ dịch thẳng từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoa hay các nhà Phật Học Trung Hoa như Ngài An Thế Cao, Ngài Đạo An, Ngài Tuệ Viễn v.v… san định ra tiếng Trung Hoa, thuộc về những nhà cựu dịch. Sau khi Ngài Huyền Trang từ Ấn Độ về lại Trung Hoa năm 645 mới bắt đầu cho dịch thẳng những Kinh Văn từ Phạn ngữ sang Hoa ngữ một cách trong sáng hơn. Thời kỳ này gọi là tân dịch và mãi về sau cho đến các thời đại trải dài hằng mười mấy thế kỷ của Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, ít nhất là đến năm 1911 khi cuộc cách mạng Tam Dân của Tôn Dật Tiên hình thành, thì Đại Tạng Kinh này lại chuyển hướng qua Triều Tiên và Nhật Bản. Nếu nói cho rõ ràng thì một Đại Tạng Kinh Bắc Truyền như vậy phải cần dịch giải, chú thích trên dưới gần 2.000 năm mới hoàn thành được. Trong khi đó một Đại Tạng Kinh Việt Nam chỉ hình thành trong 20 năm và dĩ nhiên trước đó cũng đã có những bộ Kinh lớn như Đại Bát Nhã do cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch, Bộ Hoa Nghiêm, Bộ Đại Bảo Tích, Bộ Đại Bát Niết Bàn v.v… do cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch, cùng với nhiều bộ Kinh, Luật, Luận khác nữa của Quý Ngài Đỗng Minh, Phước Sơn v.v… đã âm thầm được phiên dịch tại Việt Nam ít nhất là từ 100 đến 200 năm lịch sử trở lại sau này.

Do vậy Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh là người có duyên may đứng ra khởi xướng và tập hợp tất cả những Kinh, Luật, Luận ấy thành Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Cho nên việc sai sót khi dịch của những tăng ni mới làm quen với việc dịch thuật hay khi đánh máy, khi in ấn v.v… vẫn còn nhiều chỗ sai, thiếu nghĩa v.v… cũng là chuyện đương nhiên. Công việc này xin dành lại cho những nhà học Phật đời sau tiếp tục công việc nghiên cứu, bổ túc, sửa đổi ấy. Công đức thật là không nhỏ.

Xét ra Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh cũng có lý, khi chỉ cho phiên dịch ra phần Việt ngữ đến Kinh Văn số 2131 của tập 54 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Điều này có nghĩa là dịch được phân nửa Đại Chánh Tạng. Bởi lẽ từ tập 55 đến tập 85 của Đại Tạng Đại Chánh đều biên khảo về Phật giáo Nhật Bản và một phần nhỏ của Trung Hoa. Có lẽ Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh muốn dành phần sau này để đưa vào những văn kiện Văn Học Sử Phật giáo Việt Nam chăng? Điều này cũng hữu lý lắm. Cho nên khi còn sinh tiền Ngài đã đi gom thâu những Kinh sách bằng Việt ngữ hay được dịch ra Việt ngữ để chờ một ngày nào đó thuận duyên thì cho xuất bản giống như Đại Chánh Tạng đã làm. Nhưng ngày ấy không còn đến với Ngài nữa. Vì Ngài đã ra đi vào ngày 10.4.2015 tại Đài Loan. Thế thọ 81 xuân thu (1934-2015). Bây giờ chính tôi là người tiên phương xin đề nghị nên đưa luận án Tiến Sĩ của Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh vào tập 204. Đây cũng là một phần báo ân Ngài đã dày công đối với Phật giáo Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước.

Năm 1969 Ngài đã đến Đài Loan du học và tháng 7 năm 1981 (Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 70) thì Ngài đã trình xong luận án Tiến sĩ với nhan đề là: Nghiên cứu về Hàn Văn Công (Hàn Dũ) bài bác Đạo Phật. Với nghiên cứu sinh Lê Quang Liên (Thích Tịnh Hạnh) do sở Nghiên cứu Quốc Văn Đại Học Quốc Lập Sư Phạm Đài Loan chủ trương và Giáo sư hướng dẫn là hai vị Giáo thọ Lâm Doãn cùng Âu Dương Chí đảm nhiệm. Đến tháng 7 năm 2016 thì được dịch giả Nguyễn Thành Sang dịch toàn bộ luận án này sang Việt ngữ. Có cho đăng tải trên trang nhà thuvienhoasen.com qua định dạng Ebook PDF vào ngày 26 tháng 9 năm 2017. Đây là một luận án Tiến sĩ có tầm cỡ và tôi cũng mong rằng từ nay trở đi tất cả những luận văn, luận án Cao học hay Tiến sĩ của quý Thầy, Cô Việt Nam chúng ta nghiên cứu về Phật giáo hay những đề tài nào có liên hệ với Phật giáo, thì cũng nên cho vào phần Tục Tạng của Phật giáo Việt Nam chúng ta, quả là điều nên làm vậy. Trong đó có những sách vở nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Sư Bà Thích Nữ Diệu Không, Sư Bà Thích Nữ Như Thanh, Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải… kể từ tập 204 trở đi và tất cả những ai muốn đóng góp cho việc hình thành một Đại Tạng Việt Nam hoàn chỉnh, thì xin tiến cử hay đích thân thể hiện tinh thần chung này, thì chúng ta sẽ sớm có được một Đại Tạng Kinh Bắc Truyền của Việt Nam không thua kém gì các Đại Tạng của Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ, Bhutan v.v… và hy vọng ngày ấy sẽ không xa.

Phần còn lại sau cùng là vận động in ấn, phát hành. Phần này do Sư Cô Thanh Nghiêm là đệ tử xuất gia của Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đảm trách chung với các huynh đệ, tỷ, muội trong Đại Gia Đình Phật Giáo Linh Sơn cả Tăng lẫn tục và với sự hỗ trợ nhiệt tình của chư Tôn Đức Tăng Ni cùng Phật tử Việt Nam khắp nơi trên thế giới, ở trong cũng như ngoài nước. Như vậy chúng ta sẽ hãnh diện được với các nước Phật giáo láng giềng, là Phật giáo Việt Nam của chúng ta cũng đã hoàn thành được một bộ Đại Tạng Bắc Truyền hoàn toàn bằng Việt ngữ.

Kính nguyện.

Viết xong lời bạt của việc xuất bản lần này tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc, vào ngày 30 tháng 1 năm 2021 nhằm ngày 18 tháng 12 năm Canh Tý.


Tài liệu tham khảo

1) Nam Truyền Đại Tạng Kinh phát hành năm 2015 do Ban Tôn Giáo xuất bản tại Việt Nam.

2) Đại Tạng Kinh chữ Hán phát hành tại Đài Loan vào tháng 6 năm 1973

3) Đại Tạng Kinh Càn Long được phát hành năm 1999 tại Đài Bắc, Đài Loan.

4) Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán được phát hành vào năm 1974 và năm 1990.

5) Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh được bắt đầu in tại Đài Bắc, Đài Loan vào năm 2000 và đến năm 2015 in xong 187 tập.

6) Tự Điển Hán Việt của Thiều Chửu.

7) Tự Điển Phật Học của Phân viện Nghiên cứu Phật học thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

8) Wikipedia tự điển toàn thơ mở tiếng Việt, Anh, Đức và Nhật ngữ.

9) Các Website như: quangduc.com; thuvienhoasen.org; Viengiac.info; rongmotamhon.net; Nigioikhatsi.net thuộc Giáo Hội Liên Hoa; chuaadida.com (Úc); hovouu.com.

10) Thống kê số chữ và số trang do Phật tử Minh Đăng Trần Tế Thế thực hiện.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phát tâm Bồ-đề


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Gọi nắng xuân về


Có và Không

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.116.195 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...