Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tôi đọc Đại Tạng Kinh »» CHƯƠNG III. NHÂN DUYÊN ĐI VÀO ĐẠI TẠNG KINH »»

Tôi đọc Đại Tạng Kinh
»» CHƯƠNG III. NHÂN DUYÊN ĐI VÀO ĐẠI TẠNG KINH

Donate

(Lượt xem: 1.697)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tôi đọc Đại Tạng Kinh - CHƯƠNG III. NHÂN DUYÊN ĐI VÀO ĐẠI TẠNG KINH

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ngày xưa, đa phần chùa ở Á Châu được xây dựng trên núi, nên vị Thầy đến đó dựng chùa gọi là Thầy Khai sơn, Trụ trì. Ngày nay mặc dầu đa phần chùa viện đều được xây dựng ở đồng bằng hay phố thị, nhưng vị Thầy đầu tiên xây dựng ngôi chùa ấy cũng gọi là Thầy Khai sơn. Vì việc này đã thuộc về truyền thống, nên xưa gọi sao thì bây giờ cũng y theo đó mà gọi. Dĩ nhiên nó không sai lệch ngữ nghĩa mấy, nhưng địa điểm xây dựng chùa ngày nay lại không giống như ngày xưa. Tuy vậy ta vẫn gọi là Khai sơn.

Tôi từ Nhật Bản đến Tây Đức vào ngày 22 tháng 4 năm 1977 với Visa du lịch, nhưng sau đó thì xin tỵ nạn vì lý do tôn giáo. Bởi lúc ấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà bị đàn áp khốc liệt. Đầu năm 1978, sau khi học 1 năm tiếng Đức tại trường Volkshochschule và Đại học ngoại ngữ Kiel, tôi được giấy nhập học tại Đại học Hannover, Phân khoa Giáo dục học, nên tôi đã dời về đây và mùa Phật Đản tháng 5 năm 1978, Niệm Phật Đường Viên Giác tại Hannover được chính thức thành lập. Đây có thể nói là dấu ấn đầu tiên khi tôi đến và làm Phật sự tại xứ này và cũng có thể gọi là người khai sơn phá thạch của Phật giáo Việt Nam tại xứ Đức từ dạo ấy. Bởi lẽ tôi đến đây với mục đích chỉ xin đi du lịch 3 tháng, nhưng nhân duyên đưa đẩy và đã ở lại đây xin tỵ nạn từ năm 1977 đến nay (2021) cũng đã 44 năm rồi.

Thời gian nhanh thật. Trong khi vừa đi học, vừa làm Trụ trì, vừa làm việc xã hội, vừa xây chùa trong khoảng thời gian 25 năm kể từ năm 1978-2003, nên tôi quyết định nghỉ nhiệm vụ làm Chi Bộ Trưởng và Trụ trì sau 25 năm như thế, để trở về ngôi Phương Trượng. Mục đích duy nhất là có nhiều thời gian để tu học, dịch kinh, viết sách, niệm Phật, ngồi Thiền v.v… Cũng may là tôi thâu nhận đệ tử xuất gia sớm từ đầu thập niên 80, đến đầu năm 2000 đã bắt đầu có người có thể lo cho đại sự, nên tôi quyết định sẽ thực hiện theo ý định của mình kể từ năm 2003 trở đi, và điều đó đã trở thành hiện thực, và tôi đã trở thành Khai sơn Phương Trượng Tổ đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc từ năm 2003 đến nay.

Năm ấy tôi đã bước sang tuổi 54 và Đệ Nhất Trụ trì kế thế tôi là Thầy Hạnh Tấn làm Trụ trì Tổ đình Viên Giác từ năm 2003 đến năm 2008; Đệ Nhị Trụ trì là Thầy Hạnh Giới, Trụ trì từ năm 2008 đến năm 2017 và Đệ Tam Trụ trì là Thầy Hạnh Bổn từ năm 2017 đến nay.

Chương trình của tôi là sẽ tịnh tu nhập thất trong vòng 10 năm, kể từ năm 2003 đến năm 2012, mỗi năm gồm 3 tháng tất cả vào mùa đông của Âu Châu, trong đó có 1 tháng đi chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ và các nước Á Châu; còn lại 2 tháng thì đến Sydney Úc Châu để tịnh tu nhập thất trên núi đồi Đa Bảo vùng Campbelttown, nơi Hòa Thượng bào huynh Thích Bảo Lạc đã khai sơn phá thạch núi đồi này để ai muốn tịnh tu thì lên đó ở.

Chính đây là nhân duyên, cho nên vào tháng 10 năm 2003, Thầy trò chúng tôi gồm có 5 người đã đến Úc. Ngoài tôi ra còn có Thầy Đồng Văn, Thầy Hạnh Giới, Thầy Hạnh Tuệ và Thầy Tông Nghiêm. Quý Thầy giúp tôi phiên dịch, đánh máy, cùng huân tu mỗi ngày 2 lần sáng tối và cuối tuần thì quý Thầy ấy xuống núi để về chùa Pháp Bảo tham dự những lễ lạt vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật; còn tôi vẫn ở trên núi cho đến xong phần tịnh tu nhập thất. Sau Tết dương lịch tôi về lại Đức, tham dự Tết âm lịch tại Đức.

Như vậy chuyến đi của mỗi năm trong vòng 10 năm ấy bắt đầu từ tháng 10 của năm trước và kết thúc vào tháng 1 hay tháng 2 của năm sau.

Chương trình của tôi ngày nào cũng như ngày nào, đại để như sau:

5:30 thức dậy làm vệ sinh cá nhân

5:45 lên chánh điện ngồi thiền và trì tụng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm cùng quý Thầy khác

8:00 Điểm tâm

8:30 Đi dạo núi rừng chung quanh Thất Đa Bảo

9:00 – 11:00 giờ dịch kinh, viết sách

12:00 Ngọ trai

12:30 – 14:00 Nghỉ trưa

14:30 – 18:00 giờ dịch kinh, viết sách

18:30 Dùng tối

20:00 Trì tụng kinh Kim Cang

22:00 Chỉ tịnh.

Ngày nào cũng giống như ngày nào và chúng tôi sống tại đó rất là an ổn. Buổi sáng nghe tiếng chim kêu, gà rừng gáy, buổi trưa hè nắng cháy có khi lên đến 40°C, trong khi đó ở Âu Châu nhiệt độ dưới 0°C vào đông; nên tôi chọn thời điểm này để đến Úc là vậy và tôi bảo rằng: Trong 10 năm ấy, mỗi năm tôi có đến hai mùa hè. Đó là mùa hè của Âu Châu và mùa hè của Úc.

Buổi chiều gió thổi lay động những cây bạch dương và cây khuynh diệp, cây lá cọ xát vào nhau toát ra mùi hương thoang thoảng; cảm nhận được cái trong trắng của núi rừng như ở vào một thuở ban sơ nào đó. Đêm về nằm nghe tiếng côn trùng rên rỉ, tỉ tê giống như gọi hồn người về từ một cõi xa xăm nào đó; tôi lịm dần vào giấc ngủ lúc nào không hay biết.

Năm 2003, khi sang Úc tôi mang theo hai quyển Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển thứ 51 thuộc Sử Truyện bộ và quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ. Tôi chọn quyển Đại Đường Tây Vực Ký để dịch thuộc thứ tự Kinh văn số 2087 của quyển thứ 51 từ trang 867 đến trang 948, gồm hai lời tựa quá khó và 12 quyển nội dung chuyến đi của Ngài Huyền Trang đến Ấn Độ tu học và cầu pháp. Trong bản Hán văn ghi là Ngài Huyền Trang đời Đường dịch, nhưng lần tái bản sắp tới tôi sửa lại là ghi chép. Chẳng lẽ Ngài ghi bằng tiếng Phạn? Vì lẽ lúc Ngài mới đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ, thời gian ban đầu ấy chắc là Ngài không thể giỏi tiếng Ấn Độ được, nên phải ghi chép lại bằng Hán văn và sau này Ngài Khuy Cơ, đệ tử của Ngài Huyền Trang biên soạn lại thì có lý hơn.

Chúng tôi bắt đầu dịch quyển này từ ngày 24 tháng 10 năm 2003 và tới ngày 10 tháng 12 năm 2003 thì dịch xong. Dịch quyển này khó nhất là bài tựa thứ nhất Đại Đường Tây Vực Ký của Thư ký Tả Lang và bài tựa thứ hai của Thượng thư Tả Bộc Xạ Yên Quốc Công Trương Thuyết soạn. Còn bài tựa Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo của Vua Đường Thái Tông thì do cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ và cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu dịch tại Sài Gòn vào ngày 7 tháng 5 năm 1960. Bài này thật ra nằm ở tập 52 thuộc Quảng Hoằng Minh Tập gồm 30 quyển do Ngài Đạo Tuyên thời nhà Đường soạn. Trong khi đó Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh đưa vào tập thứ 192 thuộc Bộ Sử Truyện thứ 14, Kinh văn số 2103, Quảng Hoằng Minh Tập, quyển 22 từ trang 169-172.

Hai bài tựa ấy khi dịch, tôi đã phải dừng lại nhiều lần, vì không hiểu hết ý của hai tác giả ấy viết, nhất là về cách dùng chữ và điển tích, nên chúng tôi để lại dịch sau và Thầy Đồng Văn đảm trách việc này. Sau gần 20 năm đã được tái bản mấy lần tại Âu Châu, Hoa Kỳ và Úc Châu, nhưng vẫn chưa có cơ hội để giảo chánh kỹ lại. May đâu năm nay (2021) nhân việc đọc và sửa lại lỗi chính tả giùm cho Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thì tôi đã có cơ hội dò soát lại kỹ từng chữ, từng câu và thấy việc dịch của mình trước đây có chỗ thừa, chỗ thiếu và cũng không thấy được hai bài tựa này được dịch trong tập Sử Truyện thứ 12, trang 576 của Đại Đường Tây Vực Ký thuộc Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Nay nhờ có anh Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến, người chăm sóc trang nhà rongmotamhon.net rất rành Hán văn, đã bỏ ra rất nhiều thời gian để dịch lại hai bài tựa này, có chú thích thêm những điển tích rất rõ ràng. Phần tên các nước và địa phương trong 12 quyển của Đại Đường Tây Vực Ký, cũng được viết thành lối chữ Alphabet cho dễ tra tìm về sau này và không phải chỉ dịch theo lối phiên âm từ Hán văn ra nữa. Sau khi tác phẩm này hoàn chỉnh sẽ do Hội Đồng Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, cho xuất bản và lưu hành qua hệ thống Amazon để quý độc giả ở khắp nơi trên thế giới có thể tìm đọc, nhằm bổ sung thêm cũng như sửa đổi lại những đoạn dịch không đúng nghĩa hay câu của những lần xuất bản trước. Trách nhiệm này thuộc về người dịch trước, chính là tôi, xin thành thật cảm tạ quý thiện hữu tri thức đã chỉ cho tôi những chỗ dịch sai, và nhất là anh Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến đã không ngại khó nhọc để chỉnh sửa lại dịch phẩm này.

Bởi lẽ đây là một tác phẩm có giá trị lịch sử nhất định đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Nhật ngữ, Anh ngữ, Đức ngữ v.v… nên phần Việt ngữ phải cần tham khảo thêm những bản dịch này, thì tài liệu tiếng Việt sẽ phong phú hơn. Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang đã tốn đến 17 năm, gồm 2 năm đi 2 năm về và 13 năm lưu học tại Đại Học Nalanda ở Ấn Độ và Ngài cũng đã đi khắp xứ Ấn Độ, trải qua 110 nước, sau đó Ngài mang về lại kinh đô Tràng An 657 bộ kinh bằng tiếng Sanskrit để cùng 100 vị Cao Tăng học giả đương thời phiên dịch ra Hán văn suốt trong 19 năm, dưới quyền chủ tọa của Ngài.

Ngài Huyền Trang đã rời khỏi Trung Quốc năm Trinh Quán thứ 3 đời Nhà Đường, tức năm 628, lúc ấy Ngài đã 33 tuổi (sinh năm 595) và Ngài về lại Tràng An vào ngày 24 tháng Giêng năm 645 (nhằm năm Trinh Quán thứ 19 đời Nhà Đường). Đến ngày 5 tháng 2 năm 664 thì Ngài đã thị tịch tại Ngọc Hoa cung, hưởng thọ 69 tuổi. Kể từ đó Tam Tạng Thánh Giáo gồm Kinh, Luật và Luận mới được hệ thống hóa có quy củ rõ ràng.

Quyển Đại Đường Tây Vực Ký dịch ra Việt ngữ tại Đa Bảo Thất ở Úc đến ngày 10 tháng 12 năm 2003 thì xong. Tôi phải đọc lại bản chính để sửa chữa lại những chỗ mà Thầy Đồng Văn đánh máy sai. Sau đó tôi có nhờ Hòa Thượng Bảo Lạc xem lại, nhưng Ngài cũng chỉ xem văn dịch, chứ không đối chiếu lại nguyên bản chữ Hán. Do vậy bản dịch đầu tiên này có nhiều lỗi cần phải khắc phục lại cho lần tái bản quan trọng của năm 2021 này.

Thầy trò nghỉ mấy ngày và ngày 23 tháng 12 năm 2003 chúng tôi đã bắt đầu dịch Kinh văn đầu tiên 1628 trong tập 32 về Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận bản (1 quyển) và dịch xong trong 1 ngày; nghĩa là ngày 24 tháng 12 năm 2003 đã xong 12 trang đánh máy. Bây giờ xem lại, cần phải biên tập sửa đổi lại nhiều chỗ chưa rõ nghĩa.

Đến ngày 24 tháng 12 năm 2003 chúng tôi tiếp tục dịch Kinh văn số 1629 về Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận (1 quyển); đến ngày 25 tháng 12 năm 2003 dịch xong 13 trang đánh máy A4; nhưng ý chính chưa lột tả hết được.

Ngày 20 tháng 7 năm 2004 (trong mùa An Cư Kiết Hạ tại chùa Viên Giác Hannover) tôi đã dịch Kinh văn số 1630 về Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận (1 quyển) và đến ngày nào dịch xong 5 trang A3 đánh máy này thì tôi không ghi chú lại; nhưng theo tôi nghĩ chỉ chừng trong một ngày. Bây giờ đọc lại vẫn thấy chưa ổn, vì ý dịch và văn từ còn khó hiểu.

Ngày 21 tháng 7 năm 2004 tôi đã dịch Kinh văn số 1631 về Hồi Tránh Luận. Dịch xong 31 trang này xong ngày nào không ghi, nhưng ngày 9 tháng 11 năm 2015 bản này đã được Thầy Hạnh Nhẫn hiệu đính lại.

Ngày 8 tháng 8 năm 2004 tôi dịch Luận về phương tiện của tâm, theo Kinh văn số 1632 và ngày 20 tháng 10 năm 2015 có hiệu đính lại, nhưng vẫn còn vài đoạn chưa rõ nghĩa. Trong 12 trang này không biết tôi dịch mấy ngày. Vì cuối bản dịch không ghi rõ.

Kinh văn số 1633 thuộc Luận Như Thật, Phẩm Phản Chất Nạn (1 quyển) dịch ra Việt ngữ được 17 trang đánh máy A4, nhưng lại dịch vào ngày 12.7.2004; nghĩa là dịch Kinh văn này trước Kinh văn số 1632. Ngày 25 tháng 11 năm 2005 đã được hiệu đính lại lần thứ nhất.

Kinh văn số 1634 được dịch vào ngày 17 tháng 12 năm 2003 tại Thất Đa Bảo và ngày 1 tháng 3 năm 2016 đã được hiệu đính lại lần thứ nhất. Luận vào Đại Thừa này được dịch ra 24 trang đánh máy A4 và cũng không ghi ngày nào dịch xong.

Kinh văn số 1635 nhan đề là: Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa Luận đã được dịch vào ngày 28 tháng 7 năm 2004 tại Chùa Viên Giác Hannover, nhân mùa An Cư Kiết Hạ tại đây. Đến ngày 31.7.2004 thì dịch xong 29 trang đánh máy khổ A4 và Luận này có tất cả 4 quyển.

Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa Luận quyển 5 tôi bắt đầu dịch vào ngày 1.8.2004; đến ngày 23 tháng 8 năm 2004 thì dịch xong 6 quyển sau này ở dạng đánh máy A4 gồm 39 trang tất cả.

Ngày 12 tháng 12 năm 2004, nhân lần nhập thất thứ 2 tại Úc, tôi đã dịch xong Kinh văn số 1636 nhan đề là: Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận. Bản dịch này đã được in thành sách nhiều lần ở Âu Châu và Hoa Kỳ với 404 trang A5.

Tập Đại Thừa Tướng Luận là Kinh văn số 1637 được dịch ra Việt ngữ vào ngày 28 tháng 12 năm 2003 nhân lần nhập thất thứ nhất tại Úc. Vào ngày 28.8.2016 Tỳ Kheo Thích Hạnh Nhẫn đã hiệu đính lần thứ nhất qua 9 trang đánh máy khổ A4 này.

Kinh văn số 1638: Tập Chư Pháp Bảo Tối Thượng Nghĩa Luận (2 quyển).

Kinh văn số 1639: Đề Bà Bồ Tát Phá Lăng Già kinh trung ngoại đạo Tiểu Thừa Tứ Tông Luận (1 quyển).

Kinh văn số 1640: Đề Bà Bồ Tát Thích Lăng Già kinh Trung Ngoại đạo Tiểu Thừa Niết Bàn luận (1 quyển)

Ba Kinh này đều được dịch vào cuối năm 2004 tại Thất Đa Bảo, Úc Đại Lợi.

Ngày 26 tháng 12 năm 2004 tôi đã dịch Kinh văn số 1641 nhan đề là Tùy Tướng Luận (1 quyển) gồm 22 trang đánh máy khổ A4 và ngày 27.4.2016 Thầy Hạnh Nhẫn đã hiệu đính Kinh văn này lần thứ nhất xong.

Kinh văn số 1642 được dịch sang tiếng Việt vào ngày 22.12.2004, nhân lần nhập Thất thứ nhì tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi. Kinh này có 6 trang A4 và Thầy Hạnh Nhẫn cũng đã hiệu đính xong vào ngày 18.10.2015. Luận này gọi là: Luận Kim Cang Châm (Asvaghosas Vajra – Suci).

Kinh Ni Kiền Tử hỏi về vô ngã là Kinh văn số 1643 được dịch sang Việt ngữ vào ngày 22.12.2004, nhân lần nhập thất thứ 2 tại Tu Viện Đa Bảo và ngày 15.10.2015 Thầy Hạnh Nhẫn đã hiệu đính lần thứ nhất xong.

Kinh văn số 1644 được dịch ra tiếng Việt nhan đề là: Phật Nói Luận A Tỳ Đàm về sự thế giới thành lập. Luận này có tất cả 25 phẩm và 10 quyển. Quyển này tôi không để ngày tháng năm dịch, nhưng cũng đã được xuất bản nhiều lần và vào ngày 2 tháng 2 năm 2016 cũng đã được Thầy Hạnh Nhẫn hiệu đính xong lần thứ nhất.

Kinh văn số 1645: Luận rõ ràng về chỗ biết, dịch xong ngày 20.7.2005 tại Đức.

Kinh văn số 1646 đã được Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch ra Việt ngữ nhan đề là Thành Thật Luận (gồm 16 quyển; hoặc 20 quyển, 24 quyển). Trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32 thuộc Luận Tập bộ toàn bắt đầu từ trang 239 đến trang 373.

Kinh văn số 1647 nhan đề là: Luận về 4 Chân Lý. Hiện có 2 bản văn do tôi dịch ra Việt ngữ. Một bản không ghi ngày tháng dịch. Bản thứ 2 do cơ sở Sariputra ở Houston Texas ấn tống và khi đọc lại bản này thì thấy Kinh văn được dịch vào ngày 9.8.2006 nhằm ngày 16 tháng 7 năm Bính Tuất tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.

Kinh văn số 1648 là Giải Thoát Đạo Luận. Luận này có 12 quyển và vào ngày 10 tháng 12 năm 2005 tôi đã dịch luận này tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân lần nhập thất lần thứ 3 tại đây. Luận có tất cả là 149 trang đánh máy khổ A4 và luận này dịch xong vào ngày 28.6.2006, tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover nhân ngày sinh nhật lần thứ 58 của tôi.

Kinh văn số 1649 nhan đề là: Luận về Tam Di Để Bộ. Nhân mùa An Cư Kiết Hạ năm Đinh Hợi (2007), Phật lịch 2551 tôi đã bắt đầu dịch luận này vào ngày 7.6.2007, nhằm ngày 24 tháng 4 năm Đinh Hợi. Luận có 28 trang đánh máy và dịch xong vào ngày 22.6.2007 tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover.

Kinh văn số 1650 nhan đề là: Luận về Nhơn Duyên Bích Chi Phật. Tôi bắt đầu dịch Luận này vào ngày 22.6.2007 và dịch xong 23 trang đánh máy khổ A4 này vào ngày 12.7.2007 tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover.

Kinh văn số 1651 nhan đề là: Luận về mười nhân duyên. Luận này tôi dịch vào ngày 20.12.2006, nhằm ngày mồng 1 tháng 11 năm Bính Tuất, Phật lịch 2550 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân lần nhập thất thứ 4. Luận có 4 trang tất cả.

Kinh văn số 1652 (1653) là lời tựa về Luận Duyên Sanh. Tôi bắt đầu dịch luận này vào ngày 20.12.2006, nhân lần nhập thất thứ 4 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi. Luận này có 27 trang đánh máy khổ A4 và dịch xong ngày 28 tháng 12.2006. Trong này có 2 quyển gồm: Luận về Duyên Sanh và Luận về Đại Thừa Duyên Sanh.

Kinh văn số 1654 thuộc về: Luận tụng Nhân Duyên Tâm. Tôi dịch luận này vào ngày 28.12.2006 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi, nhân lần nhập thất thứ 4 tại đây. Luận có 4 trang đánh máy khổ A4.

Kinh văn số 1655 là Chỉ quán môn luận tụng. Luận này tôi dịch vào ngày 28.12.2006 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi và có 9 trang đánh máy khổ A4. Thầy Hạnh Nhẫn đã hiệu đính lần thứ nhất vào ngày 10.4.2006.

Kinh văn số 1656 là Bảo Hành Vương Chánh Luận gồm 1 quyển. Có tất cả 51 trang đánh máy khổ A4 và tôi đã bắt đầu dịch luận này vào ngày 29.01.2007, nhân lần nhập thất thứ tư tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi. Dịch xong vào ngày 31.01.2007.

Kinh văn số 1657 tôi dịch về Thủ Trượng Luận, gồm 1 quyển và có 5 trang đánh máy khổ A4. Tôi dịch luận này vào ngày 3.6.2008, nhằm ngày 30.4 năm Mậu Tý tại thư phòng Chùa Viên Giác trong mùa An Cư Kiết Hạ, Phật lịch 2552.

Kinh văn số 1658 là: Chư giáo quyết định danh nghĩa luận. Luận này có 3 trang đánh máy khổ A4. Tôi dịch luận này vào ngày 4.6.2008 tại thư phòng Tổ Đình Chùa Viên Giác, Hannover.

Kinh văn số 1659 là Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận. Luận này có 23 trang đánh máy khổ A4 và tôi dịch Luận này vào ngày 18 đến ngày 28.7.2003, Phật lịch 2547, nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 15 được tổ chức tại Đan Mạch.

Kinh văn số 1660 là Bồ Tát Tư Lương Luận. Luận này được in thành sách để tôi hướng dẫn quý Đạo hữu Phật tử trong khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu. Luận này tôi không ghi ngày bắt đầu dịch và ngày dịch xong 56 trang khổ A4 này; nhưng ngày 6.6.2016 Thầy Hạnh Nhẫn đã hiệu đính xong lần thứ nhất và Phật tử Thanh Phi tại Úc đã sửa giùm lại lỗi chính tả trước khi in thành sách.

Kinh văn số 1661 là Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận. Luận này tôi dịch vào ngày 26.12.2003, nhân lần nhập thất lần thứ nhất tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi. Luận có 6 trang đánh máy khổ giấy A4. Dịch xong luận này trong cùng ngày trên.

Kinh văn số 1662 là Kinh Bồ Đề Hạnh. Kinh này được dịch vào ngày 29.12.2003 nhân lần nhập thất lần thứ nhất tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi. Kinh văn có 63 trang đánh máy khổ A4 và dịch xong vào ngày 15.6.2004, nhằm ngày 28.4 năm Giáp Thân tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover.

Kinh văn số 1663 là Bồ Đề Tâm Quán Thích, được dịch vào ngày 26.12.2003 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi. Kinh văn chỉ có 3 trang đánh máy khổ A4.

Kinh văn số 1664 là Giải thích rộng Bồ Đề Tâm Luận. Luận này được dịch tại thư phòng chùa Viên Giác, Hannover vào ngày 15.6.2004 nhân lần An Cư Kiết Hạ năm Giáp Thân. Luận có 20 trang đánh máy khổ A4. Dịch xong luận này vào ngày 22.6.2004 tại thư phòng Chùa Viên Giác.

Kinh văn số 1665 là: Kim Cang Đảnh Du Già. Luận phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Luận này được dịch vào ngày 23.6.2004 tại thư phòng Chùa Viên Giác trong mùa An Cư Kiết Hạ. Luận có tất cả 6 trang đánh máy khổ A4.

Kinh văn số 1666 là: Đại Thừa Khởi Tín Luận gồm 1 quyển và Kinh văn số 1667 (2 quyển), cũng nhan đề là Đại Thừa Khởi Tín Luận. Luận này đã được cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông dịch rồi, nên tôi không cần phải dịch lại nữa.

Kinh văn số 1668 gọi là: Đề tựa của việc giải thích luận Ma Ha Diễn (Đại Thừa Khởi Tín). Luận này có 155 trang đánh máy khổ A4. Tôi bắt đầu dịch luận này vào ngày 10.6.2008 nhân mùa An Cư Kiết Hạ tại Chùa Viên Giác, Hannover. Đến ngày 10.4.2009 thì tôi dịch xong tại Trúc Lâm Thiền Viện, Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Kinh văn số 1669 là Đại Tông Địa Huyền Văn Bổn Luận. Luận này được dịch vào ngày 10.4.2009 tại Trúc Lâm Thiền Viện Houston, Texas. Gồm 70 trang đánh máy khổ A4 và đến ngày 30.4.2009 thì dịch xong tại Chùa Hải Đức, Tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.

Kinh văn số 1670 A về Na Tiên Tỳ Kheo Kinh (2 quyển) và Kinh văn số 1670 B cũng gọi là Kinh Na Tiên Tỳ Kheo (3 quyển) đã có người dịch sang Việt ngữ rồi, nên tôi không dịch.

Kinh văn số 1671 là Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập Kinh. Kinh này được dịch tại thư phòng Chùa Viên Giác vào ngày 9.6.2009 nhân mùa An Cư Kiết Hạ Phật lịch 2553. Thầy Hạnh Nhẫn đã hiệu đính lần thứ nhất vào ngày 5.7.2016 và Phật tử Thanh Phi ở Úc cũng đã sửa lại giùm lỗi chính tả. Kinh này có tất cả 50 trang đánh máy khổ A4 và dịch xong vào ngày nào thì không ghi rõ.

Kinh văn số 1672 là: Bồ Tát Long Thọ vì Vua Thiền Đà Ca nói kệ pháp trọng yếu. Kinh văn có 10 trang đánh máy khổ A4, được dịch sang Việt ngữ vào ngày 27.7.2007 nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 19 tại Göteborg, Thụy Điển và cũng được Thầy Hạnh Nhẫn hiệu đính vào ngày 27.10. 2015.

Kinh văn số 1673 là: Kệ quan yếu khuyên các vị vua phát tâm (gồm chung cho cả Kinh văn số 1672 và 1674). Kệ này được dịch sang Việt ngữ vào ngày 28.7.2007 tại Göteborg, Thụy Điển, nhân tham dự khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 19 tại đây. Kệ có 12 trang đánh máy khổ A4. Dịch xong vào ngày 30.7.2007 tại Göteborg, Thụy Điển.

Kinh văn số 1674 gồm cả những Kinh văn số 1672 và 1673. Kinh này gọi là: Long Thọ Bồ Tát khuyến tấn các vua. Kinh này có 12 trang và được dịch xong vào ngày 30.7.2007 tại Göteborg, Thụy Điển, nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 19 được tổ chức tại đó. Đến ngày 1.8.2007 nhằm ngày 19.6. năm Đinh Hợi, nhân lễ vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thì dịch xong.

Kinh văn số 1675 là: Kệ ca ngợi pháp giới. Kệ này có tất cả 9 trang đánh máy khổ A4 và được dịch vào ngày 9.8.2007 tại thư phòng Chùa Viên Giác, nhân mùa An Cư Kiết Hạ, Phật lịch 2551. Kệ này cũng đã được Thầy Hạnh Nhẫn hiệu đính lần đầu vào ngày 22.9.2016.

Kinh văn số 1676 là Kệ Phát Nguyện rộng lớn. Kệ này được dịch sang Việt ngữ vào ngày 10.8.2007 tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover trong mùa An Cư Kiết Hạ Phật lịch 2551 và dịch xong trong ngày với 2 trang đánh máy khổ A4.

Kinh văn số 1677 là Tam Thân Phạm Tán. Kinh này được dịch vào ngày mồng một tháng bảy năm Đinh Hợi (2007), nhân mùa An Cư Kiết Hạ Phật lịch 2551 tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover. Kinh chỉ có một trang đánh máy khổ A4 nên chỉ dịch trong cùng ngày là hoàn thành.

Kinh văn số 1678 là Ca ngợi ba thân Phật. Kinh này được dịch sang Việt ngữ vào ngày mồng Một tháng Bảy năm Đinh Hợi (2007), nhân mùa An Cư Kiết Hạ Phật lịch 2551 và Thầy Hạnh Nhẫn đã hiệu đính lại lần đầu vào ngày 6.9.2016. Kinh chỉ có 1 trang đánh máy khổ A4; nên cũng đã dịch xong trong cùng ngày. Phật tử Thanh Phi cũng đã xem lại giùm lỗi chính tả.

Kinh văn số 1679: Kinh này tên là: Ca ngợi một trăm lẻ tám danh hiệu Phật. Kinh văn này được dịch sang Việt ngữ trong mùa An Cư Kiết Hạ tại Chùa Viên Giác Hannover Phật lịch 2551 (2007) và đã được Thầy Hạnh Nhẫn hiệu đính lần đầu vào ngày 15.2.2016.

Kinh văn số 1680 là Một trăm năm mươi bài kệ xưng tán Phật. Kệ này cũng được dịch sang Việt ngữ trong mùa An Cư Kiết Hạ năm 2007, Phật lịch 2551 tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover. Kệ này cũng đã được Thầy Hạnh Nhẫn góp phần hiệu đính xong lần thứ nhất vào ngày 5.8.2016. Kinh có 13 trang đánh máy khổ A4 và Phật tử Thanh Phi cũng đã giúp giùm sửa lỗi chính tả.

Kinh văn số 1681 là: Tán Thán Đức Kiết Tường của Phật. Kinh văn này được dịch vào ngày 16.8.2007 nhân mùa An Cư Kiết Hạ tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover, Phật lịch 2551. Kinh văn có 26 trang và được dịch xong vào ngày 21.8.2007 nhằm ngày mồng 9 tháng 7 năm Đinh Hợi.

Kinh văn số 1682 là: Kệ tán bảy vị Phật. Kệ này chỉ có 2 trang đánh máy khổ A4. Kệ này được dịch sang Việt ngữ vào ngày 22.8.2007 nhân mùa An Cư Kiết Hạ năm Đinh Hợi và cũng đã dịch xong trong ngày với 2 trang khổ A4 đanh máy.

Kinh văn số 1683 là Tán dương kiền trùy bằng tiếng Phạn. Kinh văn này được dịch sang Việt ngữ vào ngày 22.8.2007 tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover nhân mùa An Cư Kiết Hạ năm Đinh Hợi. Kinh văn có 4 trang đánh máy khổ A4 và đã dịch xong vào ngày 24.8.2007.

Kinh văn số 1684 là: Tán dương bằng tiếng Phạn về 8 Linh Tháp lớn do vua Giới Nhật của Ấn Độ tạo ra. Kinh văn chỉ có 1 trang đánh máy khổ A4. Do vậy dịch ra Việt ngữ chỉ trong một ngày 24.8.2007, Phật lịch 2551 là xong, nhằm mùa An Cư Kiết Hạ năm Đinh Hợi.

Kinh văn số 1685 là: Phật nói Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp. Kinh văn này chỉ có 2 trang đánh máy khổ A4 và đã được dịch ra Việt ngữ tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover ngày 31.8.2007, dịch xong trong ngày.

Kinh văn số 1686 là: 108 bài kệ tụng về Hiền Thánh Tập. Kinh văn này có 10 trang đánh máy khổ A4, được dịch sang Việt ngữ tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover vào ngày 4.9.2007 và dịch xong trong cùng ngày.

Kinh văn số 1687 là: Năm mươi bài tụng Pháp thờ Thầy. Kinh văn này được dịch sang Việt ngữ vào ngày 19.9.2007 tại thư phòng Chùa Viên Giác. Kinh văn có 5 trang đanh máy khổ A4; nên đã dịch xong trong cùng ngày.

Kinh văn số 1688 là: Bài tựa kệ tụng của Kinh Mật Tích Lực Sĩ Đại Quyền Thần Vương. Kinh này có 16 trang đanh máy khổ A4, được dịch ra Việt văn tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover vào ngày 19.9.2007 và không đề ngày nào đã dịch xong.

Kinh văn số 1689 là: Pháp thỉnh Tân Đầu Lô. Kinh văn này chỉ có 2 trang đánh máy khổ A4 và được dịch sang Việt ngữ tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover ngày 3.10.2007. Kinh văn này đã dịch xong cùng ngày.

Kinh văn số 1690 là Kinh Tân Đầu Lô Đột La Xà vì Vua Ưu Đà Diên thuyết pháp. Kinh văn này có 9 trang đánh máy khổ A4 và được dịch ra Việt ngữ tại thư phòng Chùa Viên Giác vào ngày 3.10.2007. Dịch xong vào ngày 4.10.2007.

Kinh văn số 1691 là Kinh Tiên Nhân Ca Diếp nói phương thuốc cho người nữ. Kinh văn này có 2 trang đánh máy khổ A4 và được dịch ra Việt ngữ tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover vào ngày 5.7.2007. Tỳ Kheo Thích Hạnh Nhẫn đã hiệu đính lần thứ nhất và ngày 31.3.2006.

Kinh văn số 1692 là Kinh Thắng Quân Hóa Thế bách luận Già Tha. Kinh văn có 9 trang đánh máy khổ A4, được dịch ra Việt ngữ tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover vào ngày 8.10.2007. Dịch xong ngày 10.10.2007.

Phần sau cùng của Kinh văn số 1692 của tập 32 này tôi đã ghi lại như sau:

Tập thứ 32 này của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh thuộc Luận Tập Bộ, gồm 790 trang khổ A4 chữ Hán chia ra làm 3 cột. Nếu nhân lên thành 4 của khổ A5 khi dịch sang tiếng Việt thì tập 32 này cũng đã có gần 3.200 trang đánh máy.

Luận này chúng tôi bắt đầu dịch vào ngày 23 tháng 12 năm 2003 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân lần nhập thất thứ nhất và dịch cho đến ngày 1.10.2007 thì xong toàn bộ tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc. Chỉ trừ phần Thành Thật Luận kinh văn số 1646 đã có cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch từ trang 239 đến trang 374 và phần Đại Thừa Khởi Tín Luận kinh văn số 1666 do cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông dịch sang tiếng Việt từ trang 575 đến trang 582. Ngoài ra tất cả những phần còn lại trong tập 32 này chúng tôi đã tự dịch sang Việt ngữ trong 5 mùa An Cư Kiết Hạ và nhập thất từ năm 2003 đến năm 2007 tại Úc, Đức, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Anh Quốc.

Tập 32 này bắt đầu từ Kinh văn số 1628 và chấm dứt kinh văn 1692. Ngoài ra tôi cũng đã dịch nhiều Kinh văn khác ngoài tập 32 này. Sau đây là vài Kinh văn tiêu biểu.

Kinh văn số 299 là Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 10. Kinh văn này được dịch vào ngày 14.8 năm 2001, nhằm ngày 25 tháng 6 năm Tây Tỵ. Dịch xong 102 trang A5 này vào ngày 2 tháng 9 năm 2001, nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 14 tổ chức tại Anh Quốc năm 2002, Kinh này đã được in ra 1.000 cuốn để phát cho quý Phật tử tham dự khóa tu.

Kinh văn số 270, 271 là Kinh Phật nói: Bồ Tát hành phương tiện cảnh giới thần thông biến hóa, được dịch sang Việt ngữ từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 9 thuộc Pháp Hoa bộ từ trang 300-316 gồm 3 quyển. Kinh được dịch vào ngày 7.3.2001, nhằm ngày 13 tháng 2 năm Tân Tỵ gồm 21 trang đánh máy khổ A5 và đến ngày nào dịch xong thì không ghi rõ (Quyển Thượng).

Quyển Trung có 26 trang được dịch tiếp tục và Quyển Hạ có 20 trang khổ A5 cũng đã được dịch sang tiếng Việt xong vào lúc 10 giờ sáng ngày 18.8.2001, nhằm ngày 27.4 nhuần năm Tây Tỵ Phật lịch 2545 tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

Kinh văn số 380 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh là Kinh Đại Bi. Bắt đầu dịch kinh này sang Việt ngữ từ ngày 14.10 năm Canh Thìn, nhằm ngày 9.11.2000 tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover. Kinh này có 115 trang đánh máy khổ A5, có cả phần tiếng Đức do Thầy Hạnh Tấn dịch từ tiếng Việt sang. Vì lẽ thuở ấy Chùa Viên Giác tại Hannover được sự tài trợ về tài chánh của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức, nên những sách của tôi viết từ năm 1980 đến 2004 đều có dịch sang Đức ngữ. Thuở ấy có Anh Tuấn, Chị Cúc, Thầy Hạnh Tấn và Thầy Hạnh Giới là những người đã phụ trách giùm việc này, dịch từ Việt ngữ sang Đức ngữ. Đến ngày 12.12.2000, nhằm ngày 17.11 năm Canh Thìn, nhân lễ vía Đức Phật A Di Đà thì tôi đã dịch xong phần kinh văn này.

Kinh văn số 765 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 17, nhan đề là Bổn Sự kinh. Kinh này được dịch từ ngày 22.7 đến ngày 31.7.2002 tại Wymondham, Anh Quốc; và tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc được tiếp tục dịch từ ngày 6 đến ngày 23.8.2002 thì xong trọn Kinh văn này. Kinh văn có 136 trang đánh máy khổ A4.

Kinh văn số 1612 là Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận (1 quyển) thuộc Đại Chánh Tân Tu quyển thứ 31. Tôi đã dịch luận này sang Việt ngữ từ năm 1985 và dịch xong 33 trang đánh máy khổ A5 này vào ngày 23.8.1985, Phật lịch 2529.

Kinh văn số 1719 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 34 là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú. Kinh này có 20 quyển tất cả. Tôi đã bắt đầu dịch từ ngày 21.8.2009, nhằm ngày mồng 2 tháng 7 năm Kỷ Sửu, Phật lịch 2553 trong mùa An Cư Kiết Hạ tại Chùa Viên Giác Hannover. Kinh có tất cả 943 trang đánh máy khổ A5 và dịch xong kinh vào ngày nào không ghi rõ, nhưng chắc rằng phải tốn nhiều năm tháng, vì kinh dày gần 1.000 trang. Vào năm 2013, Phật lịch 2557 quý Phật tử đã góp tịnh tài để ấn tống 1.000 cuốn bìa cứng mạ vàng. Tuy nhiên đây là quyển kinh chú giải của Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư giảng kinh Pháp Hoa rất sâu sắc, phải cần hiệu đính lại nữa, mới mong hoàn hảo hơn.

Kinh văn số 1724 là Pháp Hoa Huyền Nghĩa Tán Quyết (1 quyển) thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 34. Kinh này tôi đã dịch sang Việt ngữ nhân chuyến hoằng pháp tại Âu Châu năm 2013 và dịch tại Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc, từ cuối tháng 3 năm 2013 đến ngày 20 tháng 4 năm Quý Tỵ, nhằm ngày 29.5.2013 thì xong tất cả 62 trang đánh máy khổ A4.

Kinh văn số 1726 nhan đề là Quan Âm Huyền Nghĩa thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 34, đã được dịch ra Việt ngữ vào ngày 20.6.2013 tại thư phòng Chùa Viên Giác và đến ngày 30.7.2013 dịch xong tại Turku, Phần Lan, nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 được tổ chức từ ngày 25.7 đến 4.8.2013 và ngày 8.8.2013 Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã viên tịch tại đây.

Như vậy tôi đã có duyên tiếp xúc và trực dịch các Kinh văn số 1612 của quyển thứ 31 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshyu Daizokyo) vào ngày 23.8.1985 và Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận là bản kinh đầu tiên của tôi đã dịch ra tiếng Việt từ Đại Tạng này. Từng bước, từng bước một tôi đã đi vào Đại Tạng Kinh Đại Thừa lúc nào chẳng hay biết. Bởi lẽ lúc ấy có khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu mỗi năm tổ chức 10 ngày tại một nước đã đăng cai tổ chức trong các nước ở Âu Châu. Hầu như tất cả Tăng Ni chúng tôi đều tham dự. Do vậy tôi quyết định dịch kinh này để làm tài liệu hướng dẫn cho chư Tăng Ni và quý Phật tử về luận Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận này. Đồng thời cũng đã cho đăng trên các số báo Viên Giác lúc bấy giờ. Vả lại lúc ấy ở Chùa Viên Giác còn có nhà in và nhiều anh em làm công quả vẫn còn ở trong chùa lo việc in ấn, chỉ tốn tiền giấy mực thôi chứ tiền công không phải trả, và khi đó nếu tôi nhớ không lầm, chùa đã in ra 1.000 quyển A5 để phát cho chư Tăng Ni và Phật tử trong khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 2, tại Berkhof (gần Hannover) vào năm 1990, do tôi làm Trưởng Ban Tổ Chức.

Năm 1989 khóa Tu học Phật Pháp Âu Châu lần đầu tiên được tổ chức tại Hòa Lan, do Thượng Tọa Thích Minh Giác đứng ra tổ chức. Lúc ban đầu trong quý vị giảng sư đến với lớp học chỉ có Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Trí Minh, Hòa Thượng Thích Quảng Bình, Hòa Thượng Thích Nhất Chân, Hòa Thượng Thích Thiện Huệ và tôi. Thuở ấy đa phần còn là Đại Đức, chỉ có Hòa Thượng Thích Minh Tâm là Thượng Tọa. Vì Thầy đã được tấn phong lên hàng Giáo phẩm này vào năm 1983 tại Giới Đàn Thiện Hòa tại Los Angeles, Hoa Kỳ, do cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm đứng ra tổ chức Đại Giới Đàn này. Bây giờ ở thời điểm 2021 đa phần đều ở ngôi vị Hòa Thượng và có người cũng đã về với Phật Tổ rồi, nhưng hình ảnh của ngày xưa hơn 30 năm về trước vẫn còn đó.

Những năm đầu tổ chức chưa có kinh nghiệm, nhưng rất vui và số người tham dự cũng rất ít, độ chừng 50 người rồi dần dần lên 100 người; rồi trên 1.000 người, như khóa 14 năm 2002 do Thượng Tọa Thích Hạnh Bảo đứng ra tổ chức tại Ý. Từ đó đến nay đã tổ chức được 32 khóa như vậy. Năm 2020 vừa qua và cả năm 2021 này nữa, tuy Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu không tổ chức họp mặt đông đủ chư Tăng Ni và quý Phật tử như những khóa trước, nhưng có thể gặp nhau trên Online để thăm hỏi, chào nhau. Hy vọng sang năm 2022 Giáo Hội Âu Châu cũng như các Giáo Hội khác, như Hoa Kỳ và Úc Châu cũng sẽ tiếp tục tổ chức được những khóa tu học như xưa, để chư Tăng Ni và Phật tử có cơ hội gặp gỡ nhau, nhằm sách tấn cho nhau trên bước đường tu học của mình.

Ví dụ như năm 1997 Chi bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ở Đức, đứng ra nhận lãnh trách nhiệm để tổ chức khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 9 từ ngày 31.7 đến ngày 9.8.1997, thì Chi Hội München lo trách nhiệm đưa đón, mướn nơi tổ chức tại Pfaffenhofen cho 600 Tăng Ni và Phật tử về tham dự khóa tu học; còn những Chi Hội khác ở miền Nam nước Đức phân chia công tác ra từng Ban để nhận lãnh như: Trai soạn, Vệ sinh, đưa đón, Y tế v.v… Nhờ vậy mà mọi việc sinh hoạt sau 10 ngày đã được an ổn, báo chí địa phương cũng ca ngợi hết lời. Quý Thầy thì lo soạn bài, soạn chương trình tu học cho Tăng Ni và các khóa 1, 2, 3 cũng như cho các em thanh thiếu niên cùng Gia đình Phật tử.

Về phần tôi, với những khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu như thế là một động lực để thâu thập tài liệu, dịch giải những kinh sách lâu nay ít đề cập đến; trong đó có Đại Tạng Kinh. Do vậy mà những bản dịch có sớm như:

- Kinh văn số 1612 về Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận (dịch năm 1985)

- Kinh Đại Bi dịch xong năm 2001

- Phật thuyết Bồ Tát hành phương tiện cảnh giới thần thông biến hóa kinh (năm 2001).

- Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì (năm 2002).

- Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận (năm 2004).

- Đại Đường Tây Vực Ký (năm 2004).

- Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận (năm 2005).

- Bồ Đề Tư Lương Luận (năm 2005).

- Phật nói Luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới (năm 2006).

- Luận về con đường giải thoát (năm 2006).

- Luận về Bốn Chân Lý (năm 2007).

- Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú (năm 2009).

Thông thường những bản Kinh ngắn được dịch từ chữ Hán sang chữ Việt của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tôi hay đem ra giảng cho các học viên Phật tử tham gia các khóa tu của Giáo Hội Âu Châu tổ chức; hoặc chính Chùa Viên Giác tại Hannover cũng có nhiều khóa tu trong năm, thì đây chính là những Kinh điển để giảng dạy. Chỗ nào còn khúc mắc thì tra cứu thêm cho rõ nghĩa để giảng. Dĩ nhiên là đây cũng chưa phải là những bản đã được hiệu đính kỹ càng, nhưng tôi vẫn cho lưu thông, in ấn và phát tặng cho những người hữu duyên. Với Đạo Phật tất cả đều tùy duyên và chính nhờ duyên ấy mà tôi đã cố gắng dịch kinh từ mùa nhập thất lần đầu năm 2003 tại Úc để đến cuối năm 2007 thì tôi đã dịch xong mấy ngàn trang kinh luận của tập thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Đúng là nhân duyên. Nếu không có cái này thì sẽ không có cái kia. Cái này sanh thì cái kia cũng sanh; cái này diệt thì cái kia cũng diệt là vậy. Nhân duyên thì trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện. Chúng ta sẽ không biết nó biến hóa, thay đổi như thế nào cả. Chỉ có điều duy nhất mà ta được biết là: Nhân nào quả nấy. Do vậy tôi hay nói rằng: Tất cả mọi việc trên thế gian này đều có đúng và có sai. Duy chỉ nhân quả, không đúng thì thôi, chứ chưa bao giờ sai cả. Nếu sống trên đời hay trong Đạo mà không tin nhân quả thì không còn gì để có thể nói đến hay luận bàn nữa.

Sẵn nói về nhân duyên, nên tôi cũng sẽ viết ra đây một vài nhân duyên của tôi đã đi xuất gia vào năm 1964, và nói về những người trong làng Mỹ Hạc thuộc xã Xuyên Mỹ, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam để quý vị tường tri. Nguyên là làng tôi rất nghèo vì chỉ có nông trang, ruộng vườn là chính. Nhiều làng hay phố thị thì phát tài, phát lộc, nhưng làng của tôi chỉ phát Đức và Phước. Vì lẽ trong làng có trên dưới 100 người xuất gia, mà kể từ năm 1956 đến nay, gần 70 năm như vậy, trong 100 người ấy cả nam lẫn nữ chỉ có 1 hay 2 người hoàn tục ra đời, không còn sống đời sống tịnh hạnh của một người Tăng sĩ nữa. Bởi lẽ gương của những người đi trước vẫn còn đó, khiến cho những người xuất gia theo sau lấy đó làm chỗ dựa tinh thần. Cho nên trong làng của tôi cho đến bây giờ có rất nhiều Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Trưởng, Ni Sư, Sư Cô v.v… Đây là phần mở đầu của tôi đã phát biểu trong đêm tưởng nhớ Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm, tại Hamburg vào tối ngày 16 tháng 6 năm 2021 vừa qua.

Ni Trưởng sinh năm 1939 (Kỷ Mão) tại Mỹ Hạc, xã Xuyên Mỹ, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; đến năm 15 tuổi (1954) có ý định xuất gia tu học, nhưng chính thức thì năm 1956 Ni Trưởng mới được gia đình cho đi xuất gia với Sư Bà Thích Nữ Đàm Minh, Trụ trì Chùa Bảo Thắng tại Hội An lúc bấy giờ. Trong làng tôi Ni Trưởng là người đi xuất gia đầu tiên, và vào ngày mồng 8 tháng 2 năm 1957 thì bào huynh của tôi, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc cũng đã ra Chùa Non Nước, nơi cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu Trụ trì để xin xuất gia, đã để lại không biết bao nhiêu thương nhớ cho gia đình và bạn bè. Cũng trong năm 1957 này có một Ni Cô trẻ, tuổi độ chừng 17, 18 đã về thăm quê, trên đầu Ni Cô chít khăn màu lam và toàn thân mặc áo nhựt bình cũng toàn một màu lam thanh khiết ấy.

Năm đó tôi đã 8 tuổi rồi (sanh năm 1949) và từ đó trong đầu óc trẻ thơ cứ lãng vãng hình ảnh của những người tu sao mà thánh thiện quá! Sao mà thanh thản quá! Từ đó tôi lại được đi chùa với Mẹ trong những ngày 14, Rằm hay 30, mồng Một; rồi sinh hoạt Oanh vũ, Thiếu nam trong Gia đình Phật tử Hà Linh, để đến năm 1964 tôi cũng lại cắt đứt tình thương yêu của gia đình và đạp xe đạp xuống Chùa Viên Giác Hội An để xin Sư Phụ, Hòa Thượng Thích Long Trí cho xuất gia học đạo. Hình ảnh ấy đẹp làm sao! Nay đã gần 60 năm trôi qua trong cuộc sống của người tu và gần 50 năm sống ở ngoại quốc, khi nhắc về những hoài niệm của tuổi thơ, tôi không bao giờ quên đi những hình ảnh mộc mạc ban đầu ấy.

Đến năm 1984 thì Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm sang Đức để làm Phật sự, kiến tạo Chùa Bảo Quang tại Hamburg và nuôi dạy đệ tử xuất gia cũng như tại gia, được thành tựu và phát triển cho đến ngày nay. Ơn nghĩa ấy, đức độ kia đâu phải ai cũng làm được. Tiếc thay, Ni Trưởng đã chấm dứt việc có mặt trên trần thế này vào tối ngày 12 tháng 6 năm 2021, nhằm ngày mùng 3 tháng 5 năm Tân Sửu. Thế thọ 83 tuổi với 57 hạ lạp. Ni Trưởng khi còn sanh tiền có nhiều câu nói rất hay, nên nhân buổi lễ tưởng niệm Ni Trưởng Diệu Tâm vào đêm ngày 16.6.2021 tại chùa Bảo Quang, Hamburg, để sáng hôm sau, là lễ trà tỳ tại nghĩa trang Öjendorf, tôi đã thuật lại như sau:

Việc thứ nhất, Ni Trưởng thường hay nói rằng: Đừng bao giờ “cản duyên thiện sự” cả, có nghĩa là nếu có ai đó đi lạc quyên làm chùa, khắc tượng, đúc chuông, giúp người nghèo khó, cơ nhỡ v.v… nếu ta không có tâm giúp đỡ cúng dường hay hộ trì thì thôi, đừng nên cản ngăn họ. Vì họ đang làm việc tốt có ý nghĩa mà, tại sao ta lại cản trở việc này. Điều tốt nhất có thể làm là yên lặng, nếu ta không thích làm việc đó.

Việc thứ hai, Ni Trưởng đối với chư Tăng rất gần gũi, xem như chị em, nên nhiều lúc thân tình, Ni Trưởng hay nói rằng: “Quý Thầy cái gì cũng giỏi hết, nhưng đứng trước nữ sắc thì ít làm chủ được mình. Hãy cố gắng lên!” Bởi Ni Trưởng là người nữ xuất gia, suốt gần 83 năm vẫn sống trong sạch như một Đồng Nữ chưa nhuốm bụi trần, mặc dầu Ni Trưởng cũng phải sống chung với trần thế. Và bây giờ cả chư Ni cũng nên lấy đó làm hành trang trong cuộc sống của mình, đừng nản chí khi gặp phải khó khăn trong lúc tu học. Đây cũng là lời tôi nhắc lại trước lễ di quan vào ngày 17.6.2021 vừa qua.

Nhân lễ Trai Tăng vào sáng ngày 17.6.2021 tại trai đường bên cạnh chùa Bảo Quang tôi cũng đã đáp từ như sau: Bây giờ là lúc “Cái quan luận định” được rồi. Có nghĩa là nắp quan tài của Ni Trưởng đã đóng lại thì bao nhiêu chuyện cũ xưa, tốt xấu v.v… chúng ta đều có thể rõ biết và phán đoán. Quả thật việc này nó chẳng đơn giản chút nào với những người đang ở trong vòng sanh tử, nhưng đã có nhiều người từ chốn bùn nhơ nước đọng ấy, đã vượt lên cao hơn như những đóa sen thanh khiết nhiệm mầu, và từ đó tỏa ra những hương thơm tuyệt diệu để cống hiến cho đời. Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm là một mẫu người như vậy.

Nhắc lại kỷ niệm năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, khiến cho quý Thầy, Cô và quý Phật tử phải bị vào tù ra khám, bị đánh đập liên miên, cũng chỉ vì nhà Ngô chủ trương không bình đẳng giữa các Tôn giáo với nhau, vì vậy quý Sư Bà mới nghĩ ra nhiều cách để giúp quý Thầy sớm thoát vòng lao lý, trong đó có cố Hòa Thượng Thích Như Huệ. Thuở ấy Hòa Thượng Như Huệ chạy vào Chùa Sư Nữ Bảo Quang ở Đà Nẵng và Sư Bà Đàm Minh cũng như quý Sư Cô cho Hòa Thượng Như Huệ mượn áo, mũ Ni Cô để mặc vào. Sau khi mặc áo Ni Cô rồi, Sư Bà Đàm Minh cho vẫy xe xích-lô đạp vào chùa Bảo Quang ở Đà Nẵng; nơi Sư Bà đang trụ trì và cho Sư Bà Diệu Tâm cùng Hòa Thượng Như Huệ lên ngồi chung một xe xích-lô này để trốn ra khỏi chùa. Thế là có một màn qua mặt mật vụ của ông Diệm thuở ấy, còn giỏi hơn điệp viên 007 nữa. Thật là chẳng thể ngờ ngày đó lại có những cao kiến đến như vậy.

Để nhắc lại một chuyện vui và tôi cũng đã kể lại trong đêm ấy là khi Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm sang Tiệp Khắc để giảng pháp cũng như lạc quyên xây chùa Bảo Quang khi mới thành lập ở Hamburg, sau hơn một tiếng đồng hồ nói pháp, Ni Trưởng quay sang các Phật tử ngồi đó hỏi rằng: Quý vị có hiểu tôi nói gì không? Mọi người cười chúm chím và trả lời rằng: “Vì Sư Bà nói tiếng Đức, nên chúng con không hiểu.”

Đúng ra là Sư Bà nói giọng Quảng Nam mà người Bắc nghe lần đầu thì không thể nào hiểu hết, nên họ trả lời rằng Sư Bà nói tiếng Đức.

Đến sáng ngày hôm sau trước khi di quan, Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Phước, Trụ trì Chùa Linh Thứu tại Berlin, cũng đã lên phát biểu một cách chân tình và niệm ân Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm. Nếu không nhờ Ni Trưởng Diệu Tâm, thì Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Phước cũng không được xuất gia tu học với Sư Bà Đàm Minh, cách đây hơn 50 năm về trước.

Ni Sư Minh Hiếu vì quá xúc động, tay run run cầm micro bộc bạch những lời chân tình: Ni Sư sang Đức là để lo hầu hạ cho Sư Bà Diệu Tâm lúc về già, nhưng nguyện ấy chẳng thành, Ni Sư quay sang quý Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm và Ni Sư Tuệ Đàm Châu để cảm ơn họ đã thay thế mình, chăm sóc Ni Trưởng cho đến lúc viên tịch sau khi lâm bịnh mấy năm.

Tôi hỏi Ni Sư Tuệ Đàm Hương, đang Trụ trì Chùa Thảo Đường tại Moscow, Nga Sô là cô làm sao khiến cho Sư Bà phải bảo rằng: “Đâu cần tu ở đâu cho xa; chỉ cần tu với Tuệ Đàm Hương cũng đủ rồi?”

Trả lời câu hỏi cũng chính là cơ hội để Ni sư Tuệ Đàm Hương bộc bạch tấm lòng của mình khi đối xử với Ni sư Tuệ Đàm Châu, và chính từ câu chuyện này mà Ni sư Tuệ Đàm Hương mới thấy được sự chân thành của việc hướng thượng cũng như sự chân thành sám hối những lỗi lầm là gì.

Cuối cùng trước khi di quan, Nguyên Đạo Văn Công Tuấn, người em ruột của Ni Trưởng đã đại diện cho gia đình tâm sự trong nước mắt rằng: “Có lần Nguyên Đạo muốn bỏ học và khi lên thăm Ni Trưởng lúc còn ở Sài Gòn, Ni Trưởng chẳng nói gì, chỉ đập một chiếc ly, mảnh vỡ bay tung tóe khiến cho Nguyên Đạo không dám nghỉ học, trở lại tiếp tục con đường học vấn để trở thành Kỹ Sư ở Đức và nay đã về hưu; cũng như giúp cho Thị Minh Văn Công Trâm ăn học trở thành Bác Sỹ y khoa của Đức và nay cũng đã về hưu. Tất cả những cảm tình và hình ảnh ấy đã nói lên được tấm lòng của người chị ruột, thay thế cho Mẹ Cha để nuôi dưỡng các em của mình thành người hữu dụng trong xã hội. Đó chính là những nhân duyên nối kết với nhau như vậy.”


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Em Là Vì Sao Sáng


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Gió Bấc


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.68.226 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...