Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du »» LỜI CUỐI SÁCH »»

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du
»» LỜI CUỐI SÁCH

Donate

(Lượt xem: 2.431)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du - LỜI CUỐI SÁCH

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Hôm nay ngày 20 tháng 8 năm 2020 nhằm ngày Mùng 2 tháng Bảy âm lịch năm Canh Tý, tại thư phòng của Tổ Đình Viên Giác tại Hannover - Đức quốc, tôi đặt bút viết lời cuối của quyển sách thứ 68 này. Như vậy đúng 20 ngày là viết xong gần 300 trang giấy khổ A4, nhưng trong vòng 20 ngày đó có 3 ngày chủ nhật tôi không viết trang nào cả. Nhiều người hỏi tôi rằng: Tại sao Thầy viết nhanh và viết được nhiều như vậy? Tôi trả lời rằng:

- Người muốn viết bài hay viết sách, điều trước tiên là phải đọc nhiều. Đọc bất cứ loại sách hay báo chí nào mình ưa thích, ngoại trừ những loại sách hay báo chí làm cho mình tốn thời giờ vô ích thì khỏi đọc. Nhìn vào tựa đề của quyển sách hay tạp chí là mình biết sơ qua về nội dung của quyển sách ấy rồi, nên khỏi cần đọc.

- Đầu tiên là phải chọn đề tài mình muốn viết và kể từ đó phải đi tìm tài liệu để đọc. Tài liệu ngày nay nhiều vô kể và độ chính xác tương đối cao. Ví dụ như những sách vở được bảo lưu trong các thư viện. Nguồn cung ứng dồi dào nhất hiện nay là trên các mạng thông tin hay Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Mở (Wikipedia) bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Sau khi tập trung tài liệu rồi mình sẽ phân loại ra và bắt đầu đọc hết tất cả những tài liệu mà chính mình đã chọn. Cái nào đọc thấy ngoài đề thì bỏ ra, chỉ chọn những tài liệu nào cần để tham cứu mà thôi.

- Tất cả xong xuôi đâu đó thì bắt đầu soạn một dàn bài hay một mục lục mà mình muốn viết. Bây giờ người ta không có thời gian nhiều, nên viết càng ngắn gọn càng tốt. Do vậy tác giả phải chọn điều nào nên giới thiệu với độc giả và điều nào chưa hay không nên đưa vào sách của mình.

- Thật ra thời gian tìm tài liệu và đọc những tài liệu cho cuốn sách của mình muốn viết nhiều khi tốn cả năm trời và sau đó đọc lại tài liệu ấy để bắt đầu ngồi lại bàn giấy để viết. Bây giờ có nhiều người viết thẳng lên computer, nhưng tôi thì không, cả 68 tác phẩm dày mỏng khác nhau, tôi đều viết tay hết. Những quyển viết theo lối cảo bản này sẽ để lại bằng chứng cho đời sau là ngày đó tháng đó có một người như thế, viết ra như thế v.v…

- Với tôi, khi đã đặt bút xuống là viết. Viết từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tối, mỗi ngày có khi viết đến 7 hay 8 tiếng đồng hồ như vậy, nhưng rất an lạc sau khi rời khỏi bàn giấy. Điều đặc biệt của tôi là khi viết không bao giờ tôi phải ngậm bút để suy nghĩ một điều gì và viết xong sách một hơi dài như thế, cuối cùng mới dò lại từng chữ, từng câu văn để chỉnh sửa. Thời gian này tốn độ cũng một tuần lễ nữa. Như vậy tác phẩm này có thể đến ngày 30.8.2020, ngày ra hạ tự tứ của Tăng Ni trong mùa An Cư Kiết Hạ năm nay thì tôi mới hoàn thành trọn vẹn được.

- Có nhiều người tự cho phép và dễ dãi với mình là tìm tài liệu không có, nên để khi nào tìm ra sẽ viết tiếp. Sẽ có ít người thành công với lối suy nghĩ này. Tôi thì khác một chút và tôi quan niệm rằng: Cái gì làm được ngày hôm nay thì cứ nên làm, đừng chờ đợi ngày mai. Vì trong kinh Nhất Dạ Hiền Giả, Phật đã dạy rằng:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ giác chính là đây
Không động không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mỏi mệt
Xứng gọi nhất dạ hiền
Bậc yên tịnh trầm lặng.

(Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch)

Năm 2020, thế giới bước vào một cơn đại dịch lịch sử gọi là Covid-19, kể từ đầu năm cho đến nay. Trải qua 8 tháng như vậy, thế giới có gần 20 triệu người nhiễm bệnh và người chết vì bệnh này đã lên đến con số một triệu người. Ai ai cũng lo lắng vì không biết ngày nào chính mình sẽ bị lây nhiễm và bệnh này kéo dài đến bao lâu. Vì trong hiện tại chưa tìm ra được thuốc để chống lại bịnh này. Không biết những nhà bác học, những nhà vi trùng học, những người lãnh giải Nobel Y Khoa họ đã đi đâu hết rồi? Thấy người chết nhiều quá, ai cũng thương tâm. Nhưng câu trả lời là: Hãy chờ kết quả thử nghiệm.

Tình hình thế giới đã xảy ra như vậy thì một người xuất gia phải làm gì? Với tôi, câu trả lời không khó. Đó là nên nhập thất, tụng kinh, trì giới, đọc sách v.v… Có khối chuyện để làm. Do vậy bắt đầu từ tháng 3 năm 2020 đến cuối tháng 8 năm này tôi đã chẳng đi đâu, chỉ ở chùa, xem như năm nay có một mùa An Cư Kiết Hạ dài 6 tháng và từ tháng 9 trở đi thì vẫn chưa biết, vì dịch bệnh có còn lan rộng nữa hay không? Hoặc giả việc cách ly xã hội do chính phủ quy định, chúng ta phải tuân hành. Do vậy mà hai Đại Lễ Phật Đản và Vu Lan năm 2020 này chùa Viên Giác cũng không tổ chức.

Hiện nay chính phủ chỉ cho phép tụ họp được chỗ công cộng từ 500 đến 1.000 người, nhưng Đại Lễ của Chùa Viên Giác tổ chức thì số người tham dự thường từ 5.000 đến 6.000 người trong 3 ngày cuối tuần. Do đó chúng tôi quyết định không tổ chức. Bởi lẽ nếu có một người bị lây lan thì làm khổ cho nhiều người khác nữa, mà khoảng cách bắt buộc là phải cách nhau giữa mỗi người ít nhất 1m50 thì Viên Giác không đủ chỗ. Chỉ có Tu Viện Viên Đức với diện tích khu vườn 17.000m2 thì có thể thực hiện được việc này. Cuối cùng tôi đã quyết định là nên đọc Đại Tạng Kinh là giải pháp hay nhất trong giai đoạn này.

Đầu tiên tôi đọc quyển thứ 16 và quyển thứ 17 thuộc bộ Bản Sanh của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương phiên dịch và xuất bản. Phần đầu từ quyển 1 đến quyển thứ 15 tôi đã đọc xong gồm: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và một phần của bộ Bản Sanh. Nay nhân dịch Corona này tôi đã đọc xong tất cả phần căn bản lời Phật dạy qua hướng Bắc truyền này. Phần Nam truyền cũng có tất cả 13 quyển của 5 bộ như sau: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh. Cách đây mấy năm tôi đã nghe trọn vẹn bộ Đại Tạng Kinh Nam Truyền này qua máy thâu âm trong vòng 3 tháng ròng rã như vậy.

Bây giờ ngẫm ra mới đúng lời dạy của Tổ Khánh Anh qua một vế của câu đối tại chùa Phước Hậu ở Trà Ôn là:

讀兵書懼戰,讀律書懼刑,讀佛書戰刑無懼。

Độc binh thư cụ chiến, độc luật thư cụ hình, độc Phật thư chiến hình vô cụ.

Nghĩa:

“Đọc binh thư sợ chiến tranh, đọc sách luật sợ hình phạt, đọc kinh Phật không sợ chiến tranh cũng chẳng sợ hình phạt.”

Đây là cách tốt nhất để thực hiện lời dạy của Tổ, nên tôi đã liên lạc với Phật Tử Minh Đăng ở Pháp, người đang lo cho Đại Tạng Kinh của Linh Sơn để được xuất bản tiếp phần còn lại trong nay mai và Phật Tử Minh Đăng nhờ tôi xem từ quyển 195 đến quyển 202 kể luôn việc sửa lại lỗi chính tả. Tôi đồng ý ngay và đây cũng là cơ hội để cho mình đi sâu vào Đại Tạng. Thế là tôi bắt đầu đọc từ giữa tháng 3 năm 2020, sau khi đi Phật sự tại Thụy Điển về cho đến hết tháng 7 năm 2020, nghĩa là trong vòng 5 tháng và mỗi ngày tôi đọc chừng 6 đến 8 tiếng đồng hồ trên computer như sau:

1) Tập 195 - Tập 1 Bộ Sự Vựng có 1.962 trang
2) Tập 196 - Tập 2 Bộ Sự Vựng có 1.761 trang
3) Tập 197 - Tập 3 Bộ Sự Vựng có 1.730 trang
4) Tập 198 - Tập 4 Bộ Sự Vựng có 1.472 trang
5) Tập 199 - Tập 5 Bộ Sự Vựng có 1.447 trang
6) Tập 200 - Tập 6 Bộ Sự Vựng có 1.433 trang
7) Tập 201 - Tập 7 Bộ Sự Vựng có 3.094 trang
8) Tập 202 - Tập 8 Bộ Sự Vựng có 2.882 trang

Cộng tất cả 8 quyển trên là 15.781 trang dịch ra tiếng Việt. Trong khi đó chữ Hán có 2 quyển, gồm quyển thứ 53 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có 1.030 trang và quyển thứ 54 có 1.230 trang. Tổng cộng chữ Hán là 2.260 trang và dịch ra tiếng Việt thành 15.781 trang. Như vậy trung bình 1 trang chữ Hán gồm 3 cột dịch sang tiếng Việt thành 7 trang.

Kinh mang số thứ tự 2131, là chấm dứt việc dịch sang tiếng Việt của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Nhưng quyển thứ 54 này chấm dứt ở kinh số 2144, nghĩa là còn 13 Kinh trong tập 54 này vẫn chưa dịch sang Việt ngữ.

Trên thực tế bên Hán văn cho đến quyển thứ 85 mới hết và kinh văn cuối cùng là số 2920. Những bản còn lại là đồ hình cũng như mục lục của Đại Tạng. Phần Kinh văn từ số 2144 đến số 2929 đa phần là những chuyện xảy ra tại Trung Quốc và Nhật Bản. Có lẽ vì thế mà Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã không cho dịch sang Việt ngữ. Phần tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ của mình vào Đại Tạng Kinh tiếng Việt như thế. Hy vọng phải có nhiều lần nhuận lại nữa thì mới mong có một Đại Tạng Kinh hoàn hảo cho những thế hệ sau này.

Sau khi đọc xong 8 tập trên, tôi bắt đầu đọc tài liệu và viết quyển sách này. Đó là cơ duyên xin trình bày với quý vị như thế để được tỏ tường. Riêng phần tôi thì phải nói rằng phải niệm ân Đại Chúng Chùa Viên Giác rất nhiều. Vì nếu không có quý Thầy, Cô trợ duyên cho tôi để tôi được yên ổn ngồi nơi thư phòng mỗi ngày 7 hay 8 tiếng đồng hồ để viết lách như thế thì chắc rằng tác phẩm này sẽ không hình thành được. Công việc của tôi giống như con tằm nhả tơ đều đặn, không gián đoạn một buổi nào cả. Đây là chương trình làm việc của tôi từ lâu nay vẫn như vậy.

Đúng 4 giờ 30 sáng mỗi ngày tôi đều khởi dậy từ giường ngủ của mình, sau đó làm vệ sinh cá nhân, đoạn ngồi vào bàn để xem một số email đã gởi đến vào tối hôm qua. Cái nào cần thì trả lời liền, nếu để lâu sẽ quên, còn cái nào không thích nghi thì cho vào spam. Thế là yên chuyện.

Đúng 5:45 phút sáng Thầy trò chúng tôi có mặt ở bàn Tổ, xá Tổ và lên Chánh Điện ngồi Thiền 15 phút.

Đúng 6 giờ trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm. Mấy mươi năm nay Chùa Viên Giác tại Hannover chưa bỏ một thời Kinh Lăng Nghiêm nào hết.

Đến 7:10 xong thời khóa tụng kinh buổi sáng, ai nấy trở về phòng.

Tôi tập thể dục 7 động tác theo lối Tây Tạng độ 15 phút và sau đó chuẩn bị chương trình cho một ngày làm việc.

Đúng 8 giờ sáng có mặt tại trai đường để dùng cơm với Đại Chúng. Sau khi dùng cơm có việc gì của chùa thì quý Thầy trình bày cho cả Đại Chúng biết. Đoạn phần ai trở về lại phòng của mình.

Từ 9 đến 10 giờ sáng là giờ đi bách bộ của tôi. Mặc dầu Đông sang tuyết giá hay Xuân đến, Thu tới, Hạ về, mỗi ngày tôi cũng đều như thế, nếu tôi ở Hannover. Khi trời lạnh thì vào Cốc Vô Học đốt sưởi lên, ngồi nói chuyện với mấy người đi dạo cùng vài đề tài, sau đó về lại chùa. Nếu mùa Hè thì ở bên ngoài quan sát, xem xét cây trái, rau quả v.v… ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm kia tôi đều giữ nguyên tắc giờ giấc như thế, ít thay đổi.

Từ 10 giờ 30 sáng đến 11 giờ 30 là giờ viết sách,

11:30 y áo lên trai đường để quá đường cùng Đại Chúng. Nếu mùa khác thì chùa 12 giờ mới dùng trưa. Sau khi quá đường thì đi kinh hành nhiễu Phật và về lại Chánh điện để tụng Bát Nhã, Vãng Sanh và Hồi Hướng.

Tôi nghỉ trưa đến 14:00, sau đó bắt đầu ngồi vào bàn làm việc để đọc sách hay viết lách. Độ chừng hơn 1 tiếng, đứng dậy nghỉ giải lao. Một buổi chiều như vậy có đến 2 hay 3 lần giải lao.

18:30 là giờ dược thực. Bây giờ ở Chùa Viên Giác nhiều khi chỉ còn vài ba Thầy trò dùng chiều, những vị khác chỉ dùng một ngày 2 buổi sáng và trưa mà thôi.

Tôi đi dạo vườn chùa sau khi dùng tối chừng 10 đến 15 phút, sau đó trở lại phòng để chuẩn bị cho thời khóa Tịnh Độ trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ. Từ năm 1984 đến 2019, suốt trong 35 năm như vậy Thầy trò chúng tôi vào mỗi tối đều lạy kinh mỗi chữ mỗi lạy và mỗi đêm ít nhất từ 250 đến 350 lạy, tùy theo người đánh khánh nhanh hay chậm. Những bộ kinh mà Thầy trò chúng tôi đã lạy qua là: Kinh Ngũ Bách Danh, Kinh Tam Thiên Phật Danh, Kinh Vạn Phật, Kinh Pháp Hoa và hai quyển Kinh Đại Bát Niết Bàn.

Nguyện đã viên mãn ở tuổi 70, nên bắt đầu từ năm rồi, cả Chùa Viên Giác đều trì tụng kinh Đại Bảo Tích do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch ra Việt ngữ gồm 9 quyển và mỗi quyển dày độ 700 trang. Mỗi đêm chúng tôi trì tụng chừng 50 trang như thế, sau đó ngồi thiền 15 phút, đến 21:30 là chấm dứt một ngày tu học và làm việc trong mùa Hè.

Trong mùa Đông thì thời khóa ít hơn và quý Thầy, Cô sẽ có nhiều thời gian hơn để tự hành trì riêng tại phòng của mình.

Khi trì tụng đến hết quyển 9 kinh Đại Bảo Tích, chúng tôi cảm động nhất là đọc lời cuối của Hòa Thượng dịch giả Thích Trí Tịnh. Ngài viết rằng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một chân tỳ-kheo, không dám nhìn thẳng lên trời, mà chỉ luôn nghĩ như cỏ che đất.” Đây là những lời nhắn gởi lại cho hậu thế của một bậc Đại Tăng ở đầu thế kỷ 21 như vậy. Công đức Pháp sư là một công đức không nhỏ như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa có trình bày. Riêng Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Ngài đã dịch không biết bao nhiêu bộ kinh Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn, Đại Bảo Tích v.v… mà Ngài còn khiêm cung như vậy. Thử nhìn lại hàng hậu học ngày nay, chưa làm được điều gì mà đã khen chê nhiều lối, khiến cho nhân thế phải ngán ngẫm vô cùng.

Tụng đến ngày 12 tháng 8 năm 2020 thì kinh Đại Bảo Tích đã xong, chúng tôi khai kinh Đại Bát Nhã 24 cuốn và sẽ trì tụng trong những mùa An Cư Kiết Hạ sắp tới. Kinh này do Cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch ra Việt ngữ và mỗi đêm chúng tôi chỉ tụng 40 trang, trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Vì kinh Bát Nhã in loại chữ nhỏ hơn kinh Đại Bảo Tích. Năm 2019 vừa qua, kỷ niệm 70 năm tôi có mặt trong cuộc đời, Thầy Hạnh Tấn đã cùng với quý Thầy, Cô và 100 Phật Tử khác khắp nơi về Chùa Viên Giác trì tụng mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ trong 10 ngày nhưng vẫn chưa hết. Bây giờ chúng tôi lại bắt đầu cho một chuyến đi dài vô tận như vậy tiếp theo.

Ngoài ra mỗi tháng có hai lần tụng giới tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia. Nếu có sa-di, sa-di ni và cư sĩ nam nữ tham dự thì cũng có những lần giáo giới vào sáng ngày Mồng Một và ngày Rằm, mỗi lần độ hơn 1 tiếng đồng hồ. Người xưa thường nói rằng: “Văn ôn võ luyện.” Nếu văn không ôn và võ không luyện thì sẽ quên mất. Nên nhớ một điều là suốt cuộc đời của Đức Phật, Ngài chỉ để lại Pháp và giới luật là quan trọng hơn cả. Ngài đã không trao truyền lại cho đệ tử xuất gia hay tại gia bất cứ gì có giá trị về vật chất. Do vậy chúng ta là những người được truyền thừa, nên nhớ đến Pháp này để tu và nhớ đến giới luật để hành trì, là những điều đáng trân quý biết bao!

Những ngày sám hối vào chiều 14 và 30 (nếu tháng thiếu thì 29), Tăng Ni và Phật tử quanh Hannover vẫn thường hành trì miên mật mấy mươi năm nay như vậy. Những ngày lễ vía của chư vị Bồ Tát, chư Phật, chư Thánh Tăng, các vị Đại Sư v.v… Chùa Viên Giác vẫn không quên, mà mỗi năm đều có một ngày Kỵ Tổ Chúc Thánh vào ngày 25 tháng 12 Dương lịch cũng như lễ Hiệp Kỵ chư Hương linh thờ tại chùa. Đến ngày 1 tháng 7 mỗi năm, chùa đều cúng Hiệp Kỵ chư Tăng Ni tại chùa đã quá vãng.

Tôi nhắc lại kỹ những việc trên đây không phải để khoe khoang mà việc chính là để cho đời sau, khi nghiên cứu về Chùa Viên Giác tại Hannover Đức Quốc, khỏi mất công tìm kiếm, mà nhiều khi lại thiếu chính xác nữa. Do vậy, tự mình phải giới thiệu những gì mình làm và khi viết tôi đã dùng chữ “tôi” hơi nhiều, mà cái “tôi” bao giờ cũng đáng ghét cả. Ngã và ngã sở là những danh từ và sở hữu từ làm cho con người lâu nay phải gian truân dâu bể. Chúng ta làm sao để được không còn thương, không còn giận, không còn hờn, không còn buồn, không còn tủi, không còn danh, sắc, tài, không còn “ta và người” như ý nghĩa Kinh Kim Cang mà Nguyễn Du đã ngộ được khi đến thăm phân kinh thạch đài của Thái tử Lương Chiêu Minh ở Tràng An thuở nào. Được như vậy là điều đáng quý vô cùng.

Nếu chia cuộc đời con người ra làm 3 giai đoạn là tiền vận, trung vận và hậu vận và trong mỗi giai đoạn cứ 10 năm ta luận sự thành bại một lần, thì cuộc đời của Nguyễn Du chúng ta cũng có thể phân tích được như sau:

Giai đoạn đầu 18 năm kể từ khi Nguyễn Du sinh ra năm 1766 đến năm 1784. Giai đoạn 18 năm của trung vận là từ năm 1784 đến năm 1802 và giai đoạn hậu vận 18 năm từ 1802 đến 1820. Như vậy thì sẽ thấy được rằng:

Từ lúc nhỏ Nguyễn Du là con quan, sinh ra trong nhung lụa, gia đình có của ăn của để, cho nên thời gian này Nguyễn Du chỉ lo học tập đèn sách, thi cử, nhờ vậy đã đỗ Tam Trường một cách dễ dàng. Vì cái gương của cha và anh mình đã đỗ đạt, đã ra làm quan. Đây là kết quả đương nhiên do cha và anh là những tấm gương sáng để cho Nguyễn Du noi theo.

Giai đoạn trung vận 18 năm này, gồm cả “mười năm gió bụi”, phải nói rằng Nguyễn Du lận đận không ít. Ban đầu cũng giúp anh cai quản quân lính, nhưng có lẽ vì là một thư sinh mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm nhiều, vả lại do không thích quân Tây Sơn nên Nguyễn Du đã bị ở tù một thời gian ngắn rồi tìm cách sang Vân Nam, rồi bị bịnh 3 tháng tại đó. Để rồi cuối cùng quyết định theo sự hướng dẫn của người anh nuôi Nguyễn Đại Lang đi chu du Trung Quốc suốt 3 năm và trên đường đi đã cải dạng thành nhà sư để khỏi bị lộ diện, đồng thời để đỡ phải lo về tài chánh của việc ăn ở. Nhưng điều may mắn là tác phẩm Kim Vân Kiều đã được vào tay Nguyễn Du tại chùa Hổ Pháo, Hàng Châu, nơi Từ Hải đã từng đi tu một thời.

Trên đường trở lại quê hương cũng đã nhờ Đoàn Nguyễn Tuấn hỗ trợ, nếu không thì Nguyễn Du cũng khó mà về lại quê hương khi uy tín của Quang Trung Nguyễn Huệ đã lên cao, nhất là sau khi Quang Trung đại phá mấy chục vạn quân Thanh vào năm 1789.

Về lại Thăng Long, ông an tâm viết truyện Đoạn Trường Tân Thanh theo ý mình. Biết đâu tâm trạng của nàng Kiều cũng là tâm trạng của ông, bởi lẽ cuộc đời của ông trong giai đoạn trung vận này không phải là không có sóng gió. Thông thường khi viết một tác phẩm, tác giả hay gởi tâm sự của mình vào nhân vật chính của câu chuyện. Giả sử chính mình sinh ra trong thời tao loạn như Nguyễn Du thì sao? Thoát được 2 lần chết như Kiều hay Nguyễn Du cũng đã là một sự may mắn lắm rồi, còn chuyện khen chê lâu nay vẫn là chuyện thường tình thôi.

Trong “Lời giới thiệu – Vài hàng góp ý về cuốn Truyện Kiều chữ Nôm và Khảo Dị của ông Nguyễn Bá Triệu” do nhà giáo Đỗ Danh Tầm viết vào ngày đầu Xuân năm Kỷ Mão (1999) tại Canada có đưa ra những khuynh hướng chê và khen truyện Kiều như sau:

A. Phe chê truyện Kiều:

Những nhà Nho chê truyện Kiều từ xưa tới nay kể cũng nhiều, nhưng tựu chung chỉ có hai ông Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng là lý luận tiêu biểu và đanh thép hơn cả. Cái nguyên cớ kích thích hai nhà Nho chí sĩ này lên tiếng về truyện Kiều là sự ca tụng về tác phẩm này một cách thái quá do phái Nam Phong chủ xướng (1919-1925). Đại ý ông Ngô Đức Kế cho rằng truyện Kiều là một văn phẩm “Ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi”, thanh niên đọc phải sẽ quên hết phận sự giúp đời, cứu nước, nhụt hết khí phách nam nhi mà sẽ mê đắm vào con đường “liễu ngõ hoa tường”.

Ý kiến đó sau lại được ông Huỳnh Thúc Kháng phô diễn rất minh bạch trong một bài đăng trên báo Tiếng Đàn ngày 24.1.1934 là: “Mê người trong tiểu thuyết cùng là mê người trong tuồng hát” ông Huỳnh viết, “Tôi hay ông Ngô Bá Kiều là bác cái truyện tiểu thuyết hối dâm kia không đáng làm sách dạy gieo cái nọc gió giăng, hoa liễu trong não thiếu niên nam nữ ta (gió giăng hoa liễu là điều bất chánh, bất chánh tức là có hại).

Ông Huỳnh lại viết tiếp:

“Nếu xã hội ta một ngày kia mà trong bao nữ giới ai cũng nhận sự theo trai, làm đĩ là tốt, là đẹp, là hành vi chánh đáng thì Vương Thúy Kiều là tuyệt phẩm thánh rồi, ai có dư thì giờ mà công kích để rước lấy tiếng tàn nhẫn. Nhưng, xã hội ta chưa đến cái trình độ (tối cao tuyệt mới) ấy, dầu cho văn hay đến đâu cũng không thể làm cho cái nết xấu kia tiêu tan đi được.”

Cứ đọc qua những dòng đó cũng đủ thấy hai ông Ngô, Huỳnh đặc biệt chú ý, vạch rõ cái tính cách dâm tà của truyện Kiều và căn cứ vào đấy để công kích là một áng văn chương “lá gió cành chim, hoa tường liễu ngõ” cho người đời, nhất là cho nam nữ thiếu niên.

B. Phe khen truyện Kiều:

Đại diện cho phe khen truyện Kiều thì nhiều lắm, song chỉ kể ra đây mấy vị điển hình nhất:

Ông Đào Duy Anh trong cuốn Khảo Luận về Kim Vân Kiều có đoạn viết:

“Nhà Nho nghiêm nghị chân chính, ai bằng Minh Mạng và Hà Tôn Quyền mà khi Đoạn Trường Tân Thanh mới ra đời, Vua tôi đã cùng nhau đem ra làm đề tài ngâm vịnh. Ở triều Tự Đức, vua tôi cũng đều là nhà Nho uyên bác và cố chấp, thế mà giữa triều đình, ta cũng thấy truyện Kiều được đem ra bàn làm đầu đề bình luận mà chính Vua Tự Đức đã mê sách ấy đến nói rằng: ‘Mê ngựa Hậu Bổ, mê Nôm Thúy Kiều.’ Ta xem thế thì đối với những nhà Nho chính thống, truyện Kiều không phải là một dâm thư.” (trang 195, 196)

“Ông Phạm Quỳnh một nhà tân học, vừa đồng hóa được các tư tưởng phóng khoáng của Tây Phương, vừa giữ được cái nền nếp, tinh thần đào luyện trong Nho giáo của Đông Phương, trong lễ kỷ niệm Nguyễn Du vào tháng 9 năm 1924 tại Hội quán Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội, đã hai lần hô lên một cách say sưa câu nói bất hủ của ông: ‘Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.’ Ông lại cho rằng: Truyện Kiều là một cuốn Phúc Âm của người Việt Nam. Phàm đã là người Việt Nam thì phải học, phải thưởng thức, phải lấy sự có nó làm vinh dự.”

Học giả Trần Trọng Kim thì viết:

“Có nhiều người chê truyện Kiều là tà dâm, nhảm nhí. Những người ấy, một hạng là tính nông nổi, không chịu mất công mà nghĩ ngợi cho ra lẽ phải trái, một là bọn giả đạo đức, chỉ ưa luân lý ở cửa miệng. Hạng này có lẽ nhiều lắm, lại ưa chê bai hơn cả.”

“Nàng Kiều có nặng về đường tình ái thật nhưng cái tình ái mà trong sạch thì có điều gì là dở? Và làm người, trừ những kẻ trơ như mộc thạch chỉ biết ăn, biết ngủ thì ai là người đã khỏi cái nợ tình ái? Tình ái mà như nàng Kiều, trước sau biết nặng lời non nước, biết ‘lấy hiếu làm trinh’, biết nhân, biết nghĩa thì sao lại cho là không có luân lý được? Nay ta cứ xem truyện Kiều không phải chỉ là vì văn hay, ý sâu mà thôi, nhưng lại vì những điều nhân, nghĩa, lễ, trí, tín nữa. Thật là quyển sách rất có luân lý, rất thanh nhã vậy.” (Trần Trọng Kim - Tựa truyện Thúy Kiều).

Nhà văn Dương Quảng Hàm thì viết:

“Xét cả thân thế nàng Kiều dù có vượt ra ngoài lễ tục, ấy là một điều lỗi, thì việc nàng bán mình chuộc tội cho cha, hy sinh chữ Tình để theo trọn chữ Hiếu cũng đủ chuộc được những điều lỗi của nàng. Vì sự hy sinh ấy mà trong mười lăm năm, nàng phải chịu biết bao nỗi khổ sở, khổ vì cảnh ngộ đã đành, mà thứ nhất là khổ vì mối chung tình với Kim Trọng. Thế thì ta chỉ nên thương hại thay cho nàng, chứ không nên trách nàng đã yêu vụng dấu thầm chàng Kim.

“... ...Nay nếu xét cả cuốn truyện thì ta nhận thấy ở trong ấy có nhiều bài học luân lý rất hay. Về đường cá nhân luân lý thì Thúy Kiều treo cho ta cái gương một người biết trọng phẩm giá: ‘Đến điều sống đục sao bằng thác trong’, biết giữ thủy chung, vì tuy bị lưu lạc, lúc ở thanh lâu, lúc lấy Thúc Sinh, lúc lấy Từ Hải, mà bao giờ nàng cũng nhớ đến Kim Trọng là người đã gắn bó với nàng từ trước.” (Hết trích).

Phần tôi thì không chủ trương đứng về phía khen hay chê như trong lời nói đầu đã trình thưa, mà điều cốt yếu của tôi là làm sao tìm cho ra được manh mối của việc Nguyễn Du đã đi xuất gia tại Trung Hoa ra sao và ông đã bắt đầu viết truyện Kiều từ lúc nào, cũng như tư tưởng Phật giáo đã ảnh hưởng đến thi ca của ông như thế nào là đủ rồi. Bởi lẽ bấy lâu nay chúng ta nghe Nguyễn Du đã tụng Kinh Kim Cang và tụng ở đâu thì ít có người mách bảo. Nay nhờ Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh viết: “Tiểu sử Nguyễn Du qua những phát hiện mới” và Nguyên Giác viết “Từ nhà Sư Chí Hiên tới nhà thơ Nguyễn Du”, qua những chứng minh bằng thơ văn và lịch sử, tôi tin tưởng rằng những lập luận của hai vị này vững vàng hơn là cho rằng Nguyễn Du đã có được quyển Kim Vân Kiều sau khi đi Sứ từ Trung Hoa về Việt Nam năm 1814. Ngay cả ông Hoàng Xuân Hãn cũng nghĩ rằng Nguyễn Du phải có quyển truyện Kiều trong tay trước lúc ra làm quan (1803). Bởi lẽ khi ra làm quan bận rộn thì không thể có thời gian để viết đến 3.254 câu thơ lục bát như vậy được.

Điều tiếp theo là tôi tâm đắc về việc Nguyễn Du soạn ra Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh, một bản văn hoàn toàn xây dựng trên chất liệu tư tưởng Phật giáo. Dĩ nhiên là phải có duyên cớ tác giả mới ra tập sách này. Như tôi đã đã đề cập trong phần trước là sau khi đi sứ về vào năm 1814, thì bắt đầu năm 1815 đến năm 1820 Việt Nam chúng ta bị đại dịch lớn, chết cả 206.835 người, trong khi toàn quốc lúc ấy chỉ có hơn 10 triệu người. Do vậy mà Nguyễn Du đã kết hợp với sự kinh qua trong thời kỳ trung vận từ 1784 đến 1802 mà soạn ra Văn Tế này.

Mùa Hạ năm 1995, tôi đến Paris thăm chùa Khánh Anh ở Bagneux, nơi Hòa Thượng Thích Minh Tâm trụ trì, lúc ấy gặp được Đạo hữu An Tiêm Mai Lý Cang ký tặng cho quyển “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Nguyễn Du, do ông Hoàng Xuân Hãn chú thích và hiệu đính, đã được An Tiêm xuất bản vào năm Giáp Tuất 1995. Quý vị nào muốn tham khảo sách này thì có thể lên mạng để tra. Trong phần “Giá trị và tác giả bài văn tế”, ông Hoàng Xuân Hãn sau khi khảo sát ba bản khắc gỗ A, B, C thì chọn ra bản B và cho rằng tác giả là Nguyễn Du. Tuy nhiên ông Hoàng Xuân Hãn cũng cho biết rằng tìm lại trong gia phả họ Nguyễn ở Nghệ An, thì ít thấy Nguyễn Du có liên hệ gì với Phật Giáo. Bên dưới bài khảo cứu này đề: “Hà Nội và Paris 1950-1970, Hoàng Xuân Hãn.”

Phần nội dung ông Hoàng Xuân Hãn chia ra 10 loại chúng sanh trong Văn Tế Thập Loại như sau:

1. Vua Chúa bị giết, từ câu 1 đến câu 32.

2. Quí nữ liều thân, từ câu 33 đến câu 44.

3. Tể thần thất thế, từ câu 45 đến câu 56.

4. Đại Tướng bại trận, từ câu 57 đến câu 68.

5. Ham giàu chết đường, từ câu 69 đến câu 80.

6. Ham danh chết quán, từ câu 81 đến câu 92.

7. Buôn bán chết xa, từ câu 93 đến câu 100.

8. Binh lính chết trận, từ câu 101 đến câu 108.

9. Kỹ nữ cô đơn, từ câu 109 đến câu 116.

10. Chết bởi nghèo nàn tai họa, từ câu 117 đến câu 136.

Phần tiếp theo là cảnh lang thang cực khổ của cô hồn, từ câu 137 đến câu 156.

Phần tiếp nữa là cầu Phật giải thoát cô hồn, từ câu 157 đến câu 172.

Phần sau cùng là từ câu 173 đến câu 184.

Nhưng so ra bản của Nguyễn Minh Tiến hiệu đính bên trên, có đến 186 câu và bản này không sắp xếp rõ ràng 10 loại cô hồn như ông Hoàng Xuân Hãn đã chia ra.

Trong sách của ông Hoàng Xuân Hãn, chú thích hiệu đính chỉ có 184 câu và trong khi đó sách của Nguyễn Minh Tiến chú thích có thêm 2 câu này:

Nam Mô Bồ Tát Thế Tôn,

Tiếp dẫn cô hồn Tịnh độ siêu sanh.

Cả bài kệ tiếp theo gồm có 9 câu tất cả, bên sách của ông Hoàng Xuân Hãn thấy không có chép vào. Vả chăng đây là do bản chính của 2 nơi sưu tập khác nhau nên mới vậy. Theo tôi nghĩ rằng: Các độc giả nên tham khảo cả 2 quyển sách chú thích và hiệu đính quý giá của hai tác giả này thì hay hơn và hữu ích vô cùng.

Sở dĩ tôi cho thêm 2 bản văn Chẩn Tế Cô Hồn của Hòa Thượng Bích Liên và Hòa Thượng Viên Thành soạn vào chung trong tác phẩm này, vì lẽ để quý vị độc giả có thêm tài liệu để tra cứu và đối chiếu với Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của Nguyễn Du để được lợi lạc hơn.

Ngay cả ông Hoàng Xuân Hãn cũng xác định là trong gia phả của họ Nguyễn tại Nghệ An, không thấy đề cập việc Nguyễn Du liên hệ với Phật Giáo, nhưng sau 3 bản khảo sát về Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh, thì ông chọn bản B và ông đoan chắc rằng: Đó là những ngôn ngữ của người xuất thân từ Nghệ An, chứ không phải ngôn ngữ Quảng Bình hay những nơi khác được. Đồng thời ông Hoàng Xuân Hãn cũng nghĩ rằng, bản văn này Nguyễn Du soạn sau khi đi Sứ Trung Hoa về lại Việt Nam sau năm 1814.

Như vậy là mục đích thứ hai của tôi viết về Nguyễn Du cũng đã toại ý.

Hậu vận của Nguyễn Du từ năm 1802 đến 1820 là một trang sử oai hùng của người đã chọn đúng minh quân mà phò. Do vậy, Gia Long Nguyễn Ánh mới cử ông đi Sứ Trung Hoa vào năm 1813, đến năm 1814 thì về lại Việt Nam và được thăng chức Lễ Bộ Hữu Tham Tri (tòng Nhị Phẩm). Trong triều đình vua chúa ngày xưa, các quan từ thấp lên cao được phong từ cửu phẩm lên nhất phẩm. Lúc này Nguyễn Du đã được phong chức Lễ Bộ Hữu Tham Tri gần giống như là một Bộ Trưởng bây giờ. Danh vọng cao ngất trời. Nhưng ông bà chúng ta ngày xưa thường hay nói là: “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí.” (Phước đức không lặp lại lần thứ hai và cái họa không phải chỉ đơn lẻ một mình.)

Nguyễn Du đang được Vua Gia Long tin cậy như vậy thì vào năm 1816 anh rể của Nguyễn Du là Vũ Trinh vì liên quan đến vụ án cha con Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành nên bị đày vào Quảng Nam.

Năm 1820 (Canh Thìn) Vua Gia Long băng hà và Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm Chánh Sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong, nhưng ông cũng đã bị bệnh dịch tả chết ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch (Canh Thìn), nhằm ngày 16 tháng 9 năm 1820, lúc vừa đúng 54 tuổi, kết thúc một đời người tài hoa nhưng bạc mệnh. Từ xưa đến nay ai sống được 60 tuổi mới gọi là hưởng thọ, dưới tuổi này gọi là hưởng dương. Từ 70, 80, 90 đến 100 tuổi trở lên thì có những cách gọi khác đối với những người lớn tuổi mới qua đời. Thật sự ai sinh ra trong cuộc đời này sớm muộn gì rồi cũng phải ra đi. Do vậy trong chùa mỗi khi cúng vong thường có mấy câu thán rất hay và ý nghĩa như:

“Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi,
Vô sanh vô tử vô khứ lai.
Sanh tử khứ lai đô thị mộng,
Bất lao đờn chỉ, đáo Tây phương.”

Nghĩa:

“Có sanh có chết có luân hồi,
Không sanh không chết không đến đi.
Chết sống đến đi đều là mộng,
Chẳng nhọc đờn chỉ, đến Tây phương.”

Năm nay 2020, kỷ niệm đúng 200 năm Nguyễn Du đã về cõi tịnh và năm nay khắp thế giới cũng bị dịch bệnh, kéo dài hơn 8 tháng rồi mà chưa có dấu hiệu dừng nghỉ. Hy vọng thời nay y khoa tiến bộ hơn thời xưa, sẽ có thuốc trị liệu cho cả bảy tỷ người trên hành tinh này. Nếu không, sẽ bị lây lan khủng khiếp, khiến cho cuộc sống của con người đã khổ sở rồi, lại còn khổ hơn nữa. Vậy tất cả chúng ta hãy cùng dốc tâm cầu nguyện cho đại dịch này sớm trôi qua, để cho nhân loại sinh hoạt lại bình thường như xưa.

Đặc biệt năm nay ở Âu Châu mùa đông hầu như tuyết không rơi, thiếu mưa, nên mùa màng cây cỏ không được phát triển như những năm về trước. Nông dân bị thất thu nông phẩm và tất cả mọi khâu sản xuất đều bị ngưng trệ do đại dịch Corona lần này. Mùa hè đến quá trễ. Cho đến hôm nay gần cuối tháng 8 rồi mà có ngày nhiệt độ lên đến hơn 30°C. Cây lá rụng khắp nơi, không phải vì mùa thu đã đến, mà vì thiếu nước do mùa hè đến muộn. Không biết rồi đây mùa thu Âu Châu có còn đẹp như xưa nữa không? Vì do con người mà thiên nhiên đã bị biến đổi như vậy. Do đó mỗi người trong chúng ta hãy tự thẩm định lại công việc làm của mình, để trả lại cho thiên nhiên những gì đáng phải gìn giữ. Có như vậy chúng ta mới có thể an ổn sống trong một thế giới an bình thật sự được.

Sách viết xong chưa phải đã là xong, phải dò lại và đánh máy. Công việc này lâu nay Cô Nga và Chú Sanh vẫn thường làm. Nay Cô Nga lớn tuổi đã nghỉ việc văn phòng mấy năm nay, còn lại Chú Sanh cán đáng việc này và cũng không biết là còn được bao nhiêu lâu nữa. Vì Chú cũng đã lớn tuổi rồi. Chỉ có một điều là việc in ấn sau khi xem lại lỗi chính tả và layout thì tiện lợi hơn xưa nhiều. Nghĩa là sau khi cô Thanh Phi dò và sửa lại lỗi chính tả sẽ nhờ anh Phù Vân, Chủ bút báo Viên Giác và Nguyên Đạo trong Ban Điều Hành Viên Giác Tùng Thư, chỉnh sửa lại câu văn và những điều cần thêm bớt. Cuối cùng thì anh Nguyễn Minh Tiến edit và hiệu đính để đưa lên Amazon. Từ Amazon chúng ta muốn đặt bao nhiêu quyển thì ghi tên, địa chỉ của người nhận, trả tiền và sách sẽ gởi thẳng đến người nhận. Ví dụ ở Úc thì được in và nhận ở Úc. Ở Âu Châu được gởi từ Anh Quốc. Hoa Kỳ và Canada được gởi tại chỗ. Đây là một công đoạn dài, thời gian tốn cả 5 hay 6 tháng, nhiều lúc tốn cả năm, tùy theo loại sách. Tôi phải cảm ơn tất cả những vị đã được nêu danh tánh bên trên. Nếu không có những sự hỗ trợ trực và gián tiếp đó thì tác phẩm này sẽ không hoàn thành.

Điều quan trọng hơn nữa là độc giả. Đa phần sách của tôi được kêu gọi ấn tống và nhờ việc ấn tống này mà quyển sách “Vua là Phật, Phật là Vua” khá thành công trong việc chuyển giao sách vở cũng như giải quyết việc sách vở vừa đủ, không thừa quá nhiều ở kho như mọi khi. Nghĩa là khi nào có nhu cầu, Ban Điều Hành Viên Giác Tùng Thư sẽ cung ứng ngay.

Quyển sách thứ 68 này cũng như vậy. Chúng tôi sẽ kêu gọi ấn tống và tùy theo khả năng của quý vị đóng góp vào, chúng tôi sẽ phân đều ra để gởi đi theo nhu cầu và trang trải cho những phần khác của một tác phẩm cần phải có, như mọi công đoạn và những chi phí cần thiết như bên trên đã trình bày. Kính mong quý độc giả luôn tiếp tục hỗ trợ cho việc ấn tống này để động viên người viết và nhờ vậy mỗi năm tôi sẽ cố gắng cho ra đời ít nhất là một tác phẩm. Xem đây như là món quà tinh thần mà tôi trân quý gởi đến quý vị.

Tôi cũng chẳng biết là sẽ còn viết được bao nhiêu tác phẩm nữa, nhưng xin nguyện với lòng mình, là khi nào sức khỏe còn cho phép và trí óc còn minh mẫn, thì tôi sẽ tiếp tục công việc cầm bút của mình, nhằm đáp lại tấm thạnh tình của quý vị đã hỗ trợ tôi và chùa Viên Giác như xưa nay vậy. Có thể là có nhiều người không đọc hết được một tác phẩm, vì công ăn việc làm hay bận rộn những công việc khác hằng ngày, nên chưa đọc. Hãy cứ để sách trong phòng hay trên đầu giường, khi nào cần thì với tay lấy đọc vài trang, cũng là một cách để đọc từ từ cho hết một tác phẩm. Vì sách là một người bạn tâm giao không đòi hỏi ta bất cứ một việc gì cả. Không buồn, không giận, không hờn, không lo. Bất cứ khi nào chúng ta muốn đọc sách, sách cũng chưa bao giờ hẹn với chúng ta là hãy để lúc khác hãy đọc v.v… Do vậy sách vở là bạn tâm giao của mọi người. Tôi vẫn thường hay nói rằng: Tôi không có bạn tâm giao nhiều, nhưng kinh sách là những người bạn gần gũi nhất đối với tôi trong đời này, nên lúc nào tôi cũng cần phải đọc kinh sách.

Kính chúc quý vị có một niềm vui khi đọc xong và gấp sách này lại. Nếu chẳng may có những gì sai quấy ngoài ý muốn, thì mong quý vị chỉ bảo giùm. Nếu có được một vài điều gì bổ ích, thì xin quý vị ghi nhận và giữ lấy làm hành trang khi nghiên cứu về Nguyễn Du và mong rằng tất cả luôn được an vui khi đối diện với chính mình và sách vở, để suy tư tìm hiểu về một đề tài gì mà mình mong đợi.

Viết xong vào lúc 11 giờ trưa ngày 21 tháng 8 năm 2020 nhằm ngày mùng 3 tháng 7 âm lịch năm Canh Tý tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác Hannover - Đức Quốc, kỷ niệm đúng 7 năm ngày Viên tịch của Hòa Thượng Thích Minh Tâm tại Turku - Phần Lan.

Thích Như Điển


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vì sao tôi khổ


Cảm tạ xứ Đức


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.95.170 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...