Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du »» CHƯƠNG V. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1802-1820 »»

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du
»» CHƯƠNG V. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1802-1820

Donate

(Lượt xem: 2.208)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du - CHƯƠNG V. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1802-1820

Font chữ:

Ngay từ đầu tôi không định viết về giai đoạn Nguyễn Du từ khi ra làm việc cho Gia Long, nghĩa là từ năm 1802 đến năm 1820, nhưng chủ yếu của tôi là muốn khảo sát về Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh, ông viết từ năm nào? Thì quả nhiên trong thời gian từ năm 1786 lúc ông 20 tuổi đến năm 1800 không có sự kiện chết chóc nào nhiều xảy ra trong thời gian này bởi chiến tranh Trịnh-Nguyễn Tây Sơn, mà chờ cho đến sau khi Nguyễn Du đi Sứ sang Trung Hoa lần thứ nhất, đại diện cho Vua Gia Long vào năm 1813 và đến 1814 thì ông mới về lại nước, lúc đó Nguyễn Du đã chứng kiến một trận dịch quy mô đã có nhiều người chết, nên Nguyễn Du mới soạn ra bài Văn Tế này.

Theo tác giả Phạm Cao Long, nhà báo tự do Paris, Pháp, gởi tới BBC tiếng Việt từ Paris đã cho đăng trên báo Khánh Anh số 125 của tháng 7 năm 2020 trang 25 và 26 có đoạn như sau:

“Thời điểm đầu thế kỷ 19 có nhiều tai họa tương tự như hiện nay. Dịch bệnh bùng phát ra sao, ảnh hưởng gì trong quá khứ, tác động ra sao đến dòng lịch sử mà chúng ta đang kế thừa? Âu cũng là một dịp để nhìn lại.

Nước Việt của Vua Gia Long đã ghi nhận thiệt hại có tới 206.835 ca tử vong vì dịch bệnh. Để khắc phục hậu quả, triều đình Huế đã xuất công quỹ 730.000 quan tiền để phát chẩn, mai táng.

Dân số Việt Nam lúc đó có khoảng 10 triệu, tính ra tổng số thiệt hại nhân mạng là 2% (có nguồn sử liệu nói là 4%), một con số chóng mặt, ngay cả với dân số 90 triệu như bây giờ.

Song hiện tại chúng ta có rất ít tư liệu về dịch bệnh thế kỷ trước. Đại Nam thực lục chép sơ lược: “Giáp Tuất, Gia Long thứ 13 (1814), Quảng Đức có dịch, sai đình thần lập sở dưỡng tế ở Thế Lại (tên xã) cho người ốm ở, nhà nước cấp cho tiền gạo, thuốc thang. Người chết thì cho tiền và vải để chôn (tiền 1 quan, vải 10 thước).

Định lệ thuế bách công. Mỗi năm mỗi người nộp 1 quan 5 tiền, vải trắng 2 tấm. Người nào ứng dịch ở Kinh thì miễn.

Năm này (1814) vợ vua Gia Long là Hoàng Hậu Tống Thị Băng thọ 54 tuổi. Song sử không ghi rõ chết vì nguyên nhân gì.

Ất Hợi, Gia Long năm thứ 14 (1815) có hiện tượng người chết vô gia cư, người ốm bị xua đuổi. Hiện tượng này có phải tương tự như hiện nay (2020), dân các vùng dịch sợ hãi chạy khỏi các ổ dịch và bị dân các vùng khác xua đuổi.”

Vua Gia Long đã ra Dụ rằng:

“Nuôi dân như nuôi con, là việc đầu của vương giả, phát chính thi nhân. Trẫm thường lấy lòng thương người mà làm chính sách thương người, mong xa gần đều thông đức hóa, phong tục trở nên thuần hậu. Gần đây nghe có người đau ốm giữa đường, dân sở tại đã không nhận nuôi lại còn ruồng đuổi, chẳng chút lòng thương xót giúp nhau, phong tục ấy rất là bạc bẽo. Từ nay quân dân đi đường có người đau ốm thì chủ quản ở làng xóm đều phải tùy tiện bảo dưỡng, không được ruồng đuổi, mỗi ngày nuôi dưỡng bao nhiêu, nhà nước trả tiền, chết thì cấp tiền chôn cất, để cho kẻ còn người mất đều được nhờ ơn, không một ai phải bơ vơ thất sở (cấp tiền nuôi dân và quân mỗi ngày 30 đồng, cấp tiền chôn quân 3 quan, dân 1 quan).” (Hết trích)

Đọc đoạn văn trên chúng ta thấy được điều gì? Rõ ràng là Việt Nam chúng ta vào năm 1814, 1815 và những năm sau nữa bị dịch từ Ấn Độ sang và cơn dịch ấy gọi là “Typhus Amaril”. Cho nên từ năm 1814 cho đến 1820 dịch bệnh đã tràn lan cả quê hương Việt Nam khiến cho nhiều người chết, trong đó có Hoàng Hậu Tống Thị Băng cũng qua đời ở tuổi 54 và ngay cả Vua Gia Long cũng đã băng hà vào ngày 2 tháng 3 năm 1820 thọ 58 tuổi sau khi đã nhường ngôi cho Minh Mạng một năm trước đó. Thi hào Nguyễn Du cũng đã ra đi vào năm 1820 khi ông mới 54 tuổi. Đây là một sự thật của lịch sử và theo tôi nghĩ là Nguyễn Du một phần đã thấy những cảnh đau lòng qua chiến tranh thời Trịnh-Nguyễn rồi Tây Sơn và bây giờ mặc dầu ông đang làm quan dưới triều đình Gia Long, tương đối đã an ổn mọi bề, nhưng cơn dịch bệnh lúc ấy không chừa một ai, kể cả vua chúa, nên ông mới động mối từ tâm và đã soạn ra Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh có thể là từ năm 1815, 1816 chăng?

Điều đặc biệt là chúng ta thấy chỉ Dụ của vua Gia Long qua Đại Nam Thực Lục đã chép thì nhà vua cũng là một bậc quân vương nhân từ, đâu có kém gì những vị vua thời Lý, Trần là mấy. Khi dân chúng đói khổ thì quan lại vua chúa cũng không thể ăn sung mặc sướng cho riêng mình, mà phải chia sẻ từ nhà nước cho những người nghèo khó. Cả Minh Mạng sau này cũng vậy. Khi vua này mới lên ngôi năm 1820, Đại Nam Thực Lục ghi lại Dụ như sau:

“Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, Trẫm nghe thấy rất lấy làm thương. Phàm lính là để giữ nước, vẫn không thể thiếu được, mà đạo nuôi dân cũng nên rộng rãi. Vậy thông Dụ cho ở Kinh và các thành dinh trấn phàm việc suy điền binh đinh trốn và chết đều hoãn lại, đợi sau khi lệ khí yên rồi sẽ bắt cũng chưa muộn.”

“Hữu Tham Tri Lễ Bộ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An rộng học, giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại (quê) cho thêm 300 quan tiền.” (Hết trích)

Cho đến bây giờ thì chúng ta có thể khẳng định được 2 sự kiện quan trọng trong cuộc đời văn học của Nguyễn Du. Đó là Đoạn Trường Tân Thanh là Kim Vân Kiều truyện, ông đã viết trong khoảng những năm 1790-1794 tại Gác Tía ở Thăng Long và Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh ông đã soạn sau khi đi Sứ từ Trung Quốc về lại quê hương Đại Việt năm 1814 và chứng kiến đại dịch nhiều người chết, cảm mối từ tâm, nên ông đã soạn ra lời lẽ thống thiết như vậy.

Qua việc tra cứu nhiều phiên bản khác nhau về Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của Nguyễn Du soạn, cuối cùng chúng tôi chọn bản văn Phụ Lục I: Văn Tế Cô Hồn của Nguyễn Du từ trang 130 đến trang 139 của sách Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi. Người biên soạn là Giáo sư Nguyễn Văn Thoa (giảng viên Hán-Nôm) và người hiệu đính là Nguyễn Minh Tiến. Bản này tương đối chính xác hơn cũng như có thêm nhiều chú thích rõ ràng để mọi người có thể tham khảo.

Những chú thích trong bản văn này là của Phật tử Nguyễn Minh Tiến. Nếu cần tra cứu cho rộng nghĩa hơn thì quý vị có thể vào trang Đại Tạng hay sử dụng thêm những Đại Tự Điển Phật Học.

Người xưa thường nói rằng: “Một con én không làm nên mùa xuân”, nhưng nếu mùa xuân ấy càng có nhiều cánh én bay liệng trên bầu trời ở khoảng không vô tận ấy thì đẹp biết dường bao!

VĂN TẾ CÔ HỒN

Nguyễn Du

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi mây lạnh lẽo xương khô.
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng!

Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác sương sa.
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh.
Thương thay, thập loại chúng sanh,
Hồn đơn, phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa mấy niên.
Còn chi ai khá ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu!

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
Nước tịnh bình vẩy hạt dương chi.
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, cùng về Tây phương.

Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chí những lăm cất gánh non sông;
Nói chi đương buổi tranh hùng,
Tưởng khi thất thế vận cùng mà đau!

Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở,
Khôn đem mình làm đứa thất phu.
Giàu sang càng nặng oán thù,
Máu tươi lai láng, xương khô rụng rời

Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đón khóc đêm mưa.
Cho hay thành, bại là cơ.
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan!

Cũng có kẻ màn lan, trướng huệ,
Những cậy mình cung quế, phòng hoa.
Một phen thay đổi san hà,
Mảnh thân chiếc lá, biết là về đâu?

Trên lầu cao, dưới dòng nước chảy,
Phận đã đành trâm gãy, bình rơi.
Khi sao đông đúc vui cười,
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương?

Đau đớn nhẽ không hương, không khói,
Luống ngẩn ngơ trong cõi rừng sim.
Thương thay tay yếu chân mềm,
Càng năm càng héo, một đêm một dài!
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son, sống, thác ở tay.
Kinh luân gom một túi đầy,
Đã đêm Quản, Nhạc, lại ngày Y, Chu,

Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,
Trăm loài ma, mồ nấm chung quanh.
Ngàn vàng khôn đổi được mình,
Lầu cao viện hát tan tành còn đâu!
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước,
Biết lấy ai bát nước chén nhang!
Cô hồn thất thểu dọc ngang,
Nặng oan khôn lẽ tìm đàng hóa sanh!

Kìa những kẻ bày binh, bố trận,
Đổi mình vào lấy ấn nguyên nhung.
Gió mưa sấm sét đùng đùng,
Dãi thây trăm họ làm công một người.

Khi thất thế, tên rơi đạn lạc,
Bãi trường sa thịt nát máu trôi.
Mênh mông góc bể, bên trời,
Nắm xương vô chủ biết nơi chốn nào!
Trời xâm xẩm mưa gào, gió thét,
Khí âm huyền mờ mịt trước sau.
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu, tế, nào đâu chưng, thường?

Cũng có kẻ tính đường trí phú,
Mình làm, mình nhịn ngủ, kém ăn.
Ruột rà không kẻ chí thân,
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không ai nhắn nhủ,
Của phù vân có cũng như không!
Sống thời tiền chảy bạc dòng,
Thác không đem được một đồng nào đi.

Khóc ma mướn thương gì hàng xóm?
Hòm gỗ da bó đóm đưa đêm!
Ngẩn ngơ trong quãng đồng chiêm.
Tàn hương, giọt nước biết tìm vào đâu.

Cũng có kẻ rắp cầu chữ quí,
Dấn mình vào thành thị lân la.
Mấy thu lìa cửa, lìa nhà,
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân.
Dọc hàng quán phải tuân mưa nắng,
Vợ con nào nuôi nấng kiêng khem.
Vội vàng liệm sấp, chôn nghiêng,
Anh em: thiên hạ; láng giềng: người dưng.

Bóng phần tử xa chừng hương khúc,
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang.
Cô hồn nhờ gởi tha hương,
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng!

Cũng có kẻ vào sông ra bể,
Cánh buồm mây chạy xế gió đông.
Gặp cơn giông tố giữa dòng,
Đem thân chôn rấp vào lòng kình, nghê.
Cũng có kẻ đi về buôn bán,
Đòn gánh tre chín rạn hai vai.
Gặp cơn mưa nắng khí trời,
Hồn đường, phách xá lạc loài nơi nao?
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính,
Bỏ cửa nhà, gồng gánh việc quan.
Nước khe, cơm vắt gian nan,
Dãi dầu ngàn dặm, lầm than một đời!
Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc tên rơi.
Lập lòe ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp,
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa.
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Ai chồng con tá, biết là cậy ai?

Sống đã chịu một đời phiền não,
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa.
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sanh ra thế biết là tại đâu!
Cũng có kẻ nằm cầu, gối đất,
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi.
Thương thay cũng một kiếp người,
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan!
Cũng có kẻ mắc đoàn tù giặc,
Gởi mình vào chiếu rách một manh.
Nắm xương chôn rấp góc thành,
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé,
Lỗi giờ sanh, lìa mẹ, lìa cha.
Lấy ai bồng bế xót xa,
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Cũng có kẻ chìm sông, lạc suối;
Cũng có người sẩy cội, sa cây;
Có người leo giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh, quỷ quái,
Người thì xuông nanh hổ, ngà voi.
Có người hay đẻ không nuôi,
Có người sa sẩy, có người khốn thương.
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước,
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau.
Mỗi người một nghiệp khác nhau,
Hồn xiêu, phách lạc biết đâu bây giờ!
Hoặc là ẩn ngang bờ, dọc bụi,
Hoặc là nương ngọn suối, chân mây.
Hoặc là điếm cỏ, bóng cây,
Hoặc là quán nọ, cầu này bơ vơ.
Hoặc là nương thần từ Phật tự,
Hoặc là nhờ đầu chợ, cuối sông.
Hoặc là trong quãng đồng không,
Hoặc là gò đống, hoặc vùng lau tre.
Sống đã chịu một bề thảm thiết,
Ruột héo khô, da rét căm căm;
Dãi dầu trong mấy muôn năm,
Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương.
Nghe gà gáy, tìm đường lánh ẩn,
Lặn mặt trời, lẩn thẩn tìm ra.
Lôi thôi, bồng trẻ, dắt già,
Có khôn thiêng hãy lại mà nghe Kinh.
Nhờ phép Phật siêu sinh Tịnh độ,
Phóng hào quang cứu khổ độ u.
Rắp hòa tứ hải quần chu,
Não phiền trút sạch, oan thù rửa không.
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại,
Chuyển Pháp luân tam giới thập phương.
Nhơn nhơn Tiêu Diện Đại vương,
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sanh.
Nhờ phép Phật uy linh dõng mãnh,
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao.
Mười loài bất kể loài nào.
Gái, trai, già, trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sanh như hình, như ảnh,
Có chữ rằng: Vạn cảnh giai không.
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo,
Của có chi, bát cháo, nén nhang,
Gọi là manh áo, thoi vàng,
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đó, dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên, chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
Trên nhờ Tôn giả chia đều chúng sanh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có chăng chăng.
Nam mô Đà Phật, Pháp, Tăng,
Độ cho nhất thiết siêu thăng linh hồn.
Nam mô Bồ Tát, Thế Tôn,
Tiếp dẫn cô hồn Tịnh độ siêu sanh.
Kệ rằng:
Hàn lâm sở lý dạ trầm trầm,
Ái ngại cô hồn khổ não thâm!
Tịch diệt phong trần vô lượng cúng;
Hy hâm hưởng thọ hữu thường lâm.

Kim triêu hạnh ngộ Bồ-đề quả;
Chúng đẳng đương thi hoan hỷ tâm.
Chỉ chí thiên đàng phi huyễn lộ,
Quân mông giải thoát xuất hàn lâm.

Nam mô Sanh Tịnh độ Bồ Tát Ma-ha-tát!

Xem qua hết 186 câu Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của Nguyễn Du đã viết, nếu chúng ta tính rõ ra từng loại thì có nhiều loài hơn nữa, chứ không phải chỉ có 10 loài chúng sanh mà thôi. Phần cuối của bài Văn Tế chứng tỏ Nguyễn Du đã thâm nhập Phật lý rất nhiều, kể từ khi tụng hơn 1.000 biến Kinh Kim Cang bên Trung Hoa trong những năm 1788-1790, rồi sau đó về lại Thăng Long soạn truyện Đoạn Trường Tân Thanh trong thời gian 4 năm ròng rã (1790-1794), tâm sự của ông đã gởi gắm rất nhiều vào tác phẩm này. Rồi một thời gian ở tù, sau đó lập gia đình, rồi ra làm quan dưới triều Gia Long (1803-1820). Suốt trong hơn 17 năm đó, với công việc quan, ông chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh oái oăm như trong văn tế ông đã diễn tả.

Kế tiếp là đi Sứ sang Trung Hoa từ năm 1813 đến 1814, khi về lại nước gặp dịch bịnh tràn lan khiến cho tâm can ông đau nhói, nên năm 1815 ông đã bắt đầu viết nên tác phẩm văn Nôm thứ hai, có liên hệ với Phật Giáo rất nhiều và điều này cũng đã cho chúng ta thấy rằng, Nguyễn Du cũng đã tham dự những trai đàn chẩn tế tại những nơi ông coi sóc, cho nên ông mới biết Tiêu Diện Đại Sĩ cầm cờ hiệu để tiếp dẫn hồn oan v.v… Đây là những chứng cứ để cho chúng ta thấy rằng một thời giang hồ ở Trung Quốc, đã giúp cho Nguyễn Du có một cái nhìn sâu thẳm về triết lý của Phật Giáo, trong khi Nho và Lão giáo dường như ông chưa hề quan tâm nhiều như Đạo Phật.

Lâu nay chúng ta vẫn nghe và tham dự những đại lễ trai đàn chẩn tế, nhưng đa phần quý Thầy hay dùng Hán văn để tụng đọc cả 4 đến 5 tiếng đồng hồ, ít có người hiểu rõ nội dung là cúng những loại chúng sanh nào, nhất là trước hay sau Đại Lễ Vu Lan các chùa thường hay cử hành những pháp sự khoa nghi này. Tôi muốn nhân cơ hội này để chính mình và mọi người cùng hiểu thêm về văn bản tiếng Việt, nên đã vào trang nhà quangduc.com để tra thì tìm thấy Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi, do Hòa Thượng Bích Liên (1876-1950) soạn cả Hán văn và Việt văn rất hay. Người biên soạn là Nguyễn Văn Thoa (giảng viên Hán-Nôm) và người hiệu đính là Nguyễn Minh Tiến. Do vậy tôi xin được trích lại chỉ phần Việt ngữ và chú thích, không dùng bản Hán văn và phần âm Hán-Việt đi kèm. Nếu vị nào cần tham khảo đọc hết cả chữ Hán lẫn Hán-Việt thì có thể vào trang nhà quangduc.com hay liên hệ để thỉnh sách đọc tụng thì rõ hơn.

Vì khi hiệu đính cần cả bản chữ Hán bên trái cũng như bản phiên âm Hán-Việt bên phải phía trên để đối chiếu, nên chắc rằng người hiệu đính phải nhọc công lắm. Ở đây giảng lược lại quý vị chỉ cần xem bản Việt văn của Ngài Bích Liên soạn và xem thêm những chú thích của người hiệu đính có ghi ở phía sau sách thì sẽ rõ hơn.

Hòa Thượng BÍCH LIÊN – THÍCH TRÍ HẢI (1876 – 1950)

Hòa Thượng Bích Liên, thế danh là Nguyễn Trọng Khải, hiệu Mai Đình (Thận Thần Thị), sinh ngày 16 tháng 3 năm BínhTý (1876), tại làng Háo Đức, phủ An Nhơn, nay là ấp Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho học, được theo nghiệp bút nghiên từ nhỏ. Cha là Tú Tài Nguyễn Tự, mẹ là bà Lâm Thị Hòa Nghị. Năm 20 tuổi, Ngài lập gia đình với cô Lê Thị Hồng Kiều, người làng An Hòa (nay thuộc xã Nhơn Khánh cùng huyện). Năm 31 tuổi, Ngài lều chõng vào trường thi Hương Bình Định và đỗ Tú Tài. Ba năm sau, Ngài lại đỗ Tú Tài lần nữa. Từ đó, biết mình long đong trên bước đường khoa bảng, Ngài giã từ lều chõng, ở nhà mở trường dạy học, mượn trăng thanh gió mát di dưỡng tính tình, lấy chén rượu câu thơ vui cùng tuế nguyệt.

Nhưng rồi đột nhiên bà Lê Thị Hồng Kiều từ trần vào tuổi 40, để lại cho Ngài một trai hai gái. Sống trong cảnh đau buồn vì thiếu vắng người thân, Ngài càng thêm thấm thía lẽ “sinh tử vô thường” nên ý định xuất gia nảy mầm từ đó.

Năm Ngài 41 tuổi (Đinh Tỵ - 1917) tình cờ một hôm có người đánh cá đem cho Ngài một tượng Phật bằng sứ trắng, nhưng chỉ có từ cổ xuống tòa sen. Vài tháng sau lại có ngư phủ khác chài được cái đầu tượng Phật bằng sứ, đem tặng Ngài. Ngài ráp hai phần lại thì khít với nhau, vì nguyên đó là một pho tượng Quán Thế Âm. Qua năm sau (1918) lại có một nhà sư đem cho Ngài hai quyển “Long Thư Tịnh Độ Văn” là bộ sách thuyết minh pháp môn niệm Phật để cầu sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Càng ngẫm nghĩ những việc trùng hợp này, Ngài càng tin rằng cơ duyên xuất gia đầu Phật đã đến. Cho nên, sau khi thu xếp xong việc nhà, năm 1919 (năm 43 tuổi), Ngài đến chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi quy y thọ giới với Hòa Thượng Hoằng Thạc. Ngài được ban Pháp danh Chơn Giám, tự là Đạo Quang, Pháp hiệu là Trí Hải.

Nhờ tinh thông Hán học, lại gặp thiện duyên, sau vài năm tham học và đắc pháp với Hòa Thượng Hoằng Thạc (năm 1921), Ngài đã diệu nhập Phật tạng, thông suốt yếu lý giải thoát. Tuy mới xuất gia, nhưng Ngài đã sớm trở thành một tăng sĩ quảng kiến đa văn, đạo cao đức trọng.

Năm 1928, Hòa Thượng Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, Trụ trì Chùa Tuyên Linh ở Bến Tre, ra làm Pháp sư tại trường hương Chùa Long Khánh ở Qui Nhơn, gặp và mến phục tài đức Ngài, bèn cùng nhau kết làm pháp hữu, rồi mời Ngài vào Nam hoạt động cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Chính do sự đóng góp công đức của Ngài mà Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, đã tặng Ngài danh hiệu Tán trợ hội viên (vì Ngài không thuộc Sơn môn Nam Kỳ).

Năm 1931, Hòa Thượng Khánh Hòa cùng các pháp hữu thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học và xuất bản tờ báo Từ Bi Âm để làm công cụ hoằng dương chánh pháp, phục hưng phong trào chấn hưng Phật giáo. Hòa Thượng Khánh Hòa không có nhiều thời giờ chăm sóc tờ báo, nên Ngài phó thác cả cho người cộng sự đắc lực là Hòa Thượng Bích Liên giữ chức Chủ bút.

Tờ Từ Bi Âm ra mắt ngày 01.3.1932, do Ngài phụ trách về nội dung trong sáu năm, tuy chưa làm nên ý thức văn hóa dân tộc, nhưng cũng đã làm được việc phổ thông hóa Phật học bằng Quốc ngữ, giữ vai trò hoằng pháp đáng kể trong giai đoạn chấn hưng.

Năm 1934, Ngài về quê một thời gian ngắn để khai sơn chùa Bích Liên tại sinh quán (Bình Định). Xong việc, Ngài lại vào Nam tiếp tục điều khiển tòa soạn báo Từ Bi Âm. Từ công đức đó, để tỏ lòng kính trọng, trong tòng lâm ít người gọi đạo hiệu của Ngài, mà thường tôn xưng Ngài là Hòa Thượng Bích Liên (tên ngôi chùa do Ngài khai sơn).

Năm 1937, Ngài trở về chùa Bích Liên, nhằm lúc Hội Đà Thành Phật Học xuất bản tạp chí Tam Bảo, mời Ngài làm Chủ bút. Tạp chí này thường đề cập đến nhu cầu thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong xứ thành một hội “Phật Giáo Liên Hiệp”. Nửa năm sau (1938) tạp chí Tam Bảo bị đình bản. Từ đó Ngài dành thì giờ cho công tác Phật sự tại tỉnh nhà. Năm 1939, Ngài phụ giảng tại Phật Học Đường Long Khánh, do Hòa Thượng Chánh Nhơn thành lập. Ngài giảng dạy tại đây trong hai năm, tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng phần lớn tăng sinh ở đây thọ ơn pháp vũ của Ngài, tinh tấn tu học, sau này trở thành nhiều vị cao tăng trong Giáo Hội.

Hóa duyên đã mãn, ngày mồng 3 tháng 6 năm Canh Dần (1950) Ngài viên tịch tại chùa Bích Liên, thọ 74 tuổi, xuất gia 31 năm. Ngài có kệ truyền thừa:

Chân ngọc hồng sơn chiếu
Trừng châu bích hải viên
Lý minh tri tánh diệu
Trí mật ngộ tâm huyền
Tịch duyên hoài túy liễu
Lạc quốc ngự kim liên
Thánh cảnh quy lai nhật
Tông phong chấn cổ truyền.

Về công việc trước tác và phiên dịch, ngoài những bài đăng trên báo Từ Bi Âm, Ngài còn viết các sách bằng chữ Hán:

- Liên Tông Thập Niệm Yếu Lãm

- Tịnh Độ Huyền Cảnh

- Tây Song Ký

- Tích Lạc Văn

Văn phong chữ Nôm của Ngài rất chỉnh. Ngài đã sáng tác nhiều áng văn hay cùng nhiều bài sám nghĩa lưu truyền. “Qui Sơn Cảnh Sách” và “Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi” là hai tác phẩm dịch Nôm nổi tiếng hơn cả, tiêu biểu sự nghiệp văn chương của Ngài.

(Bản Tiểu sử này do Đại Đức Thích Như Tịnh cung cấp)

CHÁNH VĂN

MÔNG SƠN THÍ THỰC KHOA NGHI

[1a] Dấu người thập loại biết là đâu?
Hồn phách mơ màng trải mấy thâu.
Độn biển nghênh ngang bầu thế giới,
Những mồ vô chủ thấy mà đau!
Úm, bộ bộ đế rị, già rị đa rị đát đa nga đa da.
[1b] Nhất tâm triệu thỉnh.
Ác vàng tên ruổi,
Thỏ bạc thoa giong.
Ôm lòng đau cốt nhục nỗi xa trông;
Sắn mắt nhắm anh hùng còn đâu đó?
Lò bảo đỉnh màu hương nhen mới tỏ,
Giọng Thiền lưu rày ngỏ với vong linh.
Ơi vong linh ơi!
Nghe lời triệu thỉnh rành rành,
Hồn chơi trong cõi u minh xin về!
[2a] Nhất tâm triệu thỉnh:
Màu non lờ lạt;
Giọng suối thầm thì.
Xuân đi rồi, hoa hãy còn đây;
Người tới đó, chim rày đã dạn.
Vài lượt thắp, hơi trầm bay tứ tán;
Đôi phen mời, linh sảng ở đâu đây.
Ơi vong linh ơi!
Vong linh hồn nhẽ có hay,
Nghe lời triệu thỉnh, kíp day cõi trần!
Nhất tâm triệu thỉnh:
Biển trần lênh láng;
Sóng nghiệp lao xao.
Người mê man trong giấc chiêm bao,
Mới tỉnh đặng phân hào trong lẽ diệu.
Sống chẳng niệm Di [2b] Đà Phật hiệu,
Uổng một vòng chơi cõi nhân gian!
Ba phen hương thắp bảo đàn...
Ơi vong linh ơi!
Ba lần triệu thỉnh suối vàng hồn linh.
Xin vâng Tam bảo phép lành,
Nương lời bí mật đêm thanh trở về.
Về đây hưởng thọ hương hoa,
Cam lồ pháp thực ê hề thiếu chi!
Trước thỉnh kẻ hoàng vương đế bá,
Triều đại xưa trải quá biết bao!
Đền đài chín lớp ở cao,
Non sông muôn dặm, chiếm vào một tay.

[3a] Thuyền chiến phút đổi dời vương khí,
Xe loan còn rủ rỉ oan thanh.
Ôi thôi!
Đỗ quyên kêu suốt tàn canh,
Máu hờn nhuốm mãi trên cành đào hoa!
Trước sau vương bá những là,
Hồn hương xin chứng tiệc hoa sẵn sàng.
Lại thỉnh kẻ đăng đàn bái tướng,
Dựng ngọn cờ bao thưởng hầu quan.
Ngàn cân lực cử đỉnh vàng,
Thân trường thành, dáng trăm ngàn dặm khơi.
Trướng hùm lạnh, uổng đời hãn mã;
Khói lang tàn, nào gã phan long?
Ôi thôi!
[3b] Ngựa già, chiến tướng vắng không,
Hoa hèn cỏ nội mấy vùng buồn thiu!
Anh hùng tướng súy bao nhiêu,
Pháp diên hãy chứng ít nhiều phải chăng.
Lại thỉnh kẻ ngũ lăng tài tuấn,
Phẩm hiền lương bách quận danh thần.
Ba năm quan tiết trong ngần,
Lòng son một tấm trung quân rõ ràng.
Nhà châu huyện xa làng phụ mẫu;
Điếm nước trời, theo dấu thần tiên
Ôi thôi!
Chênh chênh biển hoạn sóng nghiêng;
Mờ mờ hồn bướm lìa miền dương quan!
[4a] Văn thần xiết kể muôn vàn
Chốn này xin chứng pháp đàn cho xong.
Lại thỉnh kẻ tao ông, mặc khách,
Lối cửa huỳnh, nhà bạc vào ra.
Rừng văn nhẹ bước thám hoa,
Ngang cung bút chiến, chơi tòa cức vi.
Tàn lửa đóm, tiếc dày công học,
Mòn dĩa nghiên, uổng nhọc chí bền.
Ôi thôi!
Lụa hồng bảy thước đề tên,
Đất vàng một cụm lấp nền văn chương!
Văn nhân biết mấy nhiêu lường,
Hồn hoa xin chứng tiệc hương mấy phần.
[4b] Lại thỉnh kẻ xuất trần phi tích,
Thượng sĩ kia với khách cao tăng.
Trai tinh ngũ giới đạo hằng,
Gái tỳ khưu lại đủ ngằn nết tu.
Làng hoa trúc, nào câu mật đế;
Nhà cổ nô, vẳng kệ khổ không.
Ôi thôi!
Kinh song trăng thấm lạnh lùng,
Nhà Thiền leo lét đèn chong canh dài!
Thiền lưu này những ai ai,
Chân hồn xin hãy chứng lai pháp đàn.
Lại thỉnh kẻ hoàng quan dã khách,
Dòng vũ y phong cách nhà tiên.
[5a] Tu thân trong động Đào nguyên,
Trước châu Lãng uyển khi rèn tính ta.
Trời nêu tiếng tam hoa chưa toại;
Đất chôn hờn tứ đại thêm thương.
Ôi thôi!
Lò đan, lâm quán lạnh sương,
Tiếu đàn gió thảm thổi tàn hạnh hoa!
Bao nhiêu đạo sĩ những là,
Mùi hương u cảm thấu nhà hư vô.
Lại thỉnh kẻ giang hồ kỵ lữ,
Đường bắc nam trải thứ hành thương.
Lợi quyền muôn dặm toan đương,
Ngàn vàng trữ lại trong hàng hóa buôn.
[5b] Thân sương gió, thịt chôn bụng cá;
Bước đá mây, xương rã đường dê.
Ôi thôi!
Phách theo mây bắc sè sè,
Hồn theo ngọn nước xuôi về biển đông!
Thương nhân sau trước một dòng,
Buổi nay xin chứng vào trong tiệc đồng.
Lại thỉnh kẻ lướt xông chiến trận,
Sức phương cường, mình bận áo binh,
Cờ điều phút bỗng tương tranh,
Trong chòm mũi bạc, đem mình chống đương.
Gan ruột nát theo trường kim cổ,
Da thịt rơi đầy chỗ can qua.
Ôi thôi!
[6a] Cát vàng văng vẳng tiếng ma,
Mờ mờ xương trắng, ai mà thấu cho!
Xưa nay mấy kẻ tốt đồ,
Đêm nay xin hưởng cam lồ tiệc chay.
Lại thỉnh kẻ kén thai mười tháng,
Lót chiếu rơm ngồi mãn ba ngày.
Trước mừng loan phượng hợp bầy,
Sau thời trông giấc hùng bi cho tường.
Vần cung phụng phút chường hung cát;
Tuồng ngõa chương rơi nát mẹ con.
Ôi thôi!
Cành hoa nở, trận sương tuôn,
Đương khi trăng tỏ, gặp luồng mây xâm!
[6b] Những người sản nạn quy âm,
Nghe lời triệu thỉnh, lai lâm pháp đàn.
Lại thỉnh kẻ bốn phương mọi rợ,
Với những người ú ớ, điếc đui.
Chết mình tôi tớ lui thui,
Liều thân hầu hạ, bởi người ghen tuông.
Khinh Tam bảo, tội dường cát bãi,
Nghịch song thân, ác dẫy cõi người.
Ôi thôi!
Đêm trường thăm thẳm bóng mai,
Cửa mù thiu thỉu như trời thu đông!
Những người bội nghịch ngoan hung,
Pháp diên xin chứng vào trong cho tày.
[7a] Lại thỉnh kẻ cung khuê thuở trước,
Gái má đào sắc nước kém đâu!
Bức tranh chi phấn đua nhau,
Áo huân long xạ, kiêng màu thiên hương.
Hồn vân vũ tan vườn Kim Cốc;
Ruột trăng hoa héo rộc Mã Ngôi.
Ôi thôi!
Phong lưu ngày trước đâu rồi,
Xương khô lạnh lẽo trong chồi cỏ cây!
Những trang xanh tốt xưa nay,
Lửa hương xin chứng tiệc chay bỉ bàng.
Lại thỉnh kẻ cơ hàn khất cái,
Cùng tù nhân mang phải trọng hình.
[7b] Gặp tai nước, lửa hại mình,
Hoặc xuông hùm sói, tan tành thịt xương.
Khí oan mãi dây rường, thuốc độc,
Hồn kinh vì sấm xốc, bờ xiêu.
Ôi thôi!
Mưa chiều khói lạnh, thước reo,
Lá thu gió thổi, dập dìu nha bay!
Những người hoạnh tử xưa nay,
Cam lồ rày đã sẵn bày tiệc hương.
Lại thỉnh kẻ sáu đường pháp giới,
Những cô hồn mười loại đâu đây.
Diện Nhiên sở thống một tay,
Nòi kia bệ lệ, giống này trần sa.
[8a] Nương cây cỏ, bóng ma mường tượng;
Ly mị hòa võng lượng quỷ ranh.
Hồn cô phách trệ lênh đênh,
Tiên vong với kẻ thân tình gần xa.
Bao nhiêu triệu thỉnh những là,
Ai ai xin cũng chứng qua tiệc này.
*

* *

Khi soạn Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh, tôi đã liên lạc với Thầy Như Tịnh, Trụ trì Tổ Đình Viên Giác tại Hội An, Quảng Nam, ngoài hai bản văn của Nguyễn Du và của Hòa Thượng Bích Liên ra, Thầy ấy còn gởi thêm bản Văn Tế Cô Hồn của Tổ Viên Thành Chùa Trà Am ở Huế soạn theo thể thơ lục bát cũng rất hay. Tiện đây chúng tôi cho thêm vào sách này để có thêm tài liệu tra cứu về sau.

Hòa Thượng Lệ Trang, một vị Chủ Sám, gia trì trong các Đàn tràng Chẩn tế rất trang nghiêm tại miền Nam Việt Nam và trong những bài trích dẫn này chắc hẳn cũng có thêm sự tham khảo những bài Văn Tế nơi sách vở của Hòa Thượng nữa.

VĂN TẾ CÔ HỒN

TRÀ AM VIÊN THÀNH

Tượng nghe đại địa sơn hà,
Luống trong sinh tử cửa nhà vốn không.
Cô hồn hoạnh tử yểu vong,
Nương thuyền Bát-nhã thoát vòng mê luân.
Trên thì tướng tướng, vương công,
Dưới thì công, cổ, sĩ, nông chư vì.
Gái trai những kẻ tôn ti,
Hoặc là tử trận, có khi oan tình.
Hoặc là vương pháp gia hình,
Uống trúng độc dược hại mình tự nhiên.
Sa cơ sóng gió chìm thuyền,
Lỡ làng lời hẹn, cưu phiền mang chung.
Xà thương hổ đả hãi hùng,
Huyết hồ sản nạn phút trông sẩy rồi!
Hoặc là mắc phải thiên lôi,
Vong thân chú trớ bồi hồi mạng chung.
Hoặc là đường sá lỡ làng,
Mắc phải dịch lệ ôn hoàng chẳng dung.
Hà sa phẩm loại khôn cùng,
Lòng thành tín chủ mời chung các loài.
Từ rằng theo bóng Như Lai,
Đã không cứu vớt lấy ai nương nhờ.
Từ đường đâu có phụng thờ,
Cô đơn độc lập, bơ phờ cỏ cây.
Thảm thương mặt nước cung mây,
Rã rời xương thịt, hồn bay lạc loài.
Chẳng hay thử vãng hàn lai,
Bốn mùa cốt nhục không ai kiếm tìm.
Thân bằng ít kẻ tri âm,
Lấy ai cứu vớt mà hòng thoát ly!
Thảm thương về chốn thổ ty,
Luôn trong diểu diểu lấy gì mà ra!
Nương nhờ tín chủ toàn gia,
Thọ tài hưởng thực mà qua Liên trì.
Từ rằng vâng phép từ bi,
Siêu phàm nhập thánh liễu kỳ oan thân.
Sớm khuya cửa Phật ân cần.
Phù trì gia chủ thừa ân những ngày.
Đừng còn theo thói mê say,
Tham lam quyết đoạn, từ rày lánh xa.
Nam mô đức Phật Di Đà,
Phóng quang tiếp dẫn hà sa cô hồn.
Trước triệu thỉnh lũy triều đế chủ,
Trên ngai vàng trải nối hầu vương.
Chín tầng điện các đài gương,
Nước non muôn dặm, mười phương cầm quyền.
Nghìn năm vương khí danh truyền.
Xe loan để tiếng oán phiền chưa thôi!
Tiếng quyên kêu nguyệt bồi hồi,
Gành đầu huyết nhiễm, hận thôi chín trường.
Tiền vương hậu bá khôn lường,
Nghe lời triệu thỉnh đáo đường lai lâm.
Lại thỉnh kẻ ngũ lăng tài tuấn,
Đấng hiền lương trí dũng khôn ngoan.
Giá trong tiết trắng làm quan,
Một lòng báo quốc nên trang đan thành.
Nam châu bắc huyện thơm danh,
Theo nơi tang thác bỏ đành quê hương.
Thiên nhai hải giác khôn lường,
Sa cơ tạo hóa theo đường Bồng lai.
Than ôi! Những đấng anh tài,
Theo dòng thệ thủy cách đài dương quan.
Lại thỉnh kẻ đăng đàn bái tướng,
Chức phong hầu đứng trước muôn dân.
Sức dời bảo đỉnh nghìn cân,
Trường thành muôn dặm vinh thân tháng ngày.
Trướng hùm sương nhiễm, ghê thay!
Sa cơ một phút đổi thay công hầu.
Thương ôi người ngựa ở đâu,
Xui nên họa cả thảm sầu khôn dung.
Xiết bao tướng súy anh hùng,
Lánh nơi vinh hiển theo cùng âm ty.
Những người sa trụy bất kỳ,
Nghe lời triệu thỉnh đồng thì đến đây.
Lại thỉnh kẻ văn nhân tài tử,
Chốn thư phòng cửa Khổng vào ra,
Bút nghiên kinh sử ngâm nga,
Văn chương tu luyện đợi khoa nương mình.
Mơ màng lấp lóa đèn huỳnh,
Công phu khổ dụng đăng trình gặp khi.
Mười năm tân khổ mong thi,
Nào hay một phút xa kỳ công danh!
Hồng lô tính tự rành rành,
Đất vàng một nấm lấp thành văn chương.
Văn nhân tài tử khôn lường,
Nghe lời triệu thỉnh đáo đường lai lâm.
Lại thỉnh kẻ xuất trần thượng sĩ,
Nương rừng Thiền lánh chỗ phàm phu.
Cao tăng quyết chí tinh tu,
Trăm năm giới luật công phu dùi mài.
Giữ gìn phạm hạnh hôm mai,
Tỳ-kheo Ni chúng khác người thế gian.
Hoàng hoa, thúy trúc luận bàn,
Không đàm bí mật nên mang thế tình.
Bóng đèn lấp lóa hư minh,
Than ôi! Một phút dứt tình Thiền lâm.
Nghe lời Bát-nhã, Phạm âm,
Truy y Thích tử lai lâm đáo đàn.
Lại thỉnh kẻ hoàng quan dã cảnh,
Chốn Bồng lai sớm luyện đan tiên.
Nương theo thạch động Đào nguyên,
Tu tâm luyện tính chu truyền thảnh thơi.
Danh thơm chưa nức trong đời.
Vô thường khi đã đổi dời công phu.
Thương ôi! Sương tuyết dãi dầu,
Tiêu điều gió thảm hoa sầu hơi sương.
Huyền môn đạo sĩ khôn lường,
Nghe lời triệu thỉnh đáo đường lai lâm.
Lại thỉnh kẻ nhung y chiến sĩ,
Với những kẻ lâm trận kiện nhi.
Cầm bạch tiết, vác hồng kỳ,
Tức gan quyết chí trận kỳ hơn thua.
Trung thành hết sức phò vua,
Nào hay một phút xa đưa dặm trường.
Thương ôi! Huyết lụy sa trường,
Thà ôm xương trắng để đường cho ai!
Trận vong binh sĩ an tài,
Nghe lời triệu thỉnh đáo đài lai lâm.
Lại thỉnh kẻ cung phi mỹ nữ,
Chốn lâu đài khuê các vào ra.
Ướp xông hương xạ diềm dà,
Phấn thoa sáp đánh màu da khác người.
Mặt hoa mày liễu tốt tươi,
Hình dung yểu điệu, miệng cười như hoa,
Hồn tiên kim ốc vào ra,
Hoa tàn nguyệt khuyết phút đà thấy đâu!
Thương ôi! Ngọn gió thổi sầu,
Đống xương khô héo dãi dầu cỏ sương.
Quần thoa phụ nữ khôn lường,
Nghe lời triệu thỉnh đáo đường lai lâm.
Lại thỉnh kẻ giang hồ kỵ lữ,
Trải tháng ngày mua bán tranh đua.
Đổi dời lừa tráo hơn thua,
Đào công nối nghiệp bán mua so lường.
Chẳng ngờ nổi trận phong sương,
Mình vào ngư phúc dương trường, khốn thay!
Hồn dời bể bắc dặm dài,
Phách về Đông hải ngàn ngày thảnh thơi.
Tha hương lữ khách lỡ thời,
Nghe lời triệu thỉnh lại nơi Pháp đàn.
Lại thỉnh kẻ hoài thai thập nguyệt,
Chịu đắng cay tọa thảo tam triêu,
Bằng khi loan phụng hòa yêu,
Hùng bi hiệp mộng xiết bao tháng ngày.
Gái trai còn hãy chưa hay,
Đêm trường mẫu tử, phút này giai quy.
Thương ôi! Hoa nở chính kỳ,
Nào hay một phút gặp khi mưa dầm.
Huyết hồ sản nạn lỗi lầm,
Nghe lời triệu thỉnh lai lâm pháp đàn.
Lại thỉnh kẻ nhung di man địch,
Tiếng chẳng thuần ngọng lịu như câm.
Lại còn trong dạ hiểm thâm,
Cưu điều hung dữ lưu tâm hại người.
Khinh khi Tam Bảo chê cười,
Tội khiên chất để bằng mười hà sa.
Ngỗ ngang mắng mẹ khinh cha,
Ác cao như núi chết mà không tha.
Chẳng may hồn phách la đà,
Mịt mờ vũ trụ bao là đớn đau!
Thương ôi! Ẩn ẩn phương nào,
Ngày xuân chẳng thấy ra vào u quan!
Hỡi người bội nghịch si ngoan,
Nghe lời triệu thỉnh lai quang pháp đàn.
Lại thỉnh kẻ cơ hàn cái giả,
Bị lao tù mắc phải gia hình.
Gặp cơn thủy hỏa bất bình,
Một đời bỗng chốc vô tình mệnh vong.
Nghìn năm oan khí chưa xong,
Linh hồn nhất điểm nhạn mong mơ màng.
Trời xanh tiếng hạc rộn ràng,
Gió lay hoa rụng lỡ làng, thương thay!
Mấy người hoạnh tử xưa nay,
Nghe lời triệu thỉnh đến ngay pháp đàn.

- Trích Trà Am và Sư Viên Thành, Nguyễn Văn Thoa,
Trà Am ấn hành. Nha Trang, 1972.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.21.199 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...