Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du »» CHƯƠNG IV. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1794-1802 »»

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du
»» CHƯƠNG IV. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1794-1802

Donate

(Lượt xem: 2.232)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du - CHƯƠNG IV. NGUYỄN DU - THỜI KỲ 1794-1802

Font chữ:

Người xưa thật là giỏi ở nhiều phương diện như viết lách, thơ phú, đối ngoại, đối nội v.v… nhưng nhiều người lại muốn ẩn danh, nên có nhiều tác phẩm không biết ai là tác giả. Rồi những bài thơ, những câu hò câu hát rất hay, nhưng người đời sau muốn tìm hiểu tác giả là ai thì cũng đành để chữ vô danh hay khuyết danh mà thôi.

Tên tuổi đã không quan tâm thì ngày tháng đâu cần ghi lại làm gì? Không phải người xưa tiếc giấy mực, mà sự khiêm nhường, khiêm cung được thể hiện ở những việc làm này. Do vậy, người đời sau khi muốn tìm hiểu một tác phẩm xuất hiện vào lúc nào, thì nhiều khi chỉ có thể đoán mà thôi. Mà đoán thì có lúc đúng mà cũng lắm lúc sai, khiến cho nhiều người hiểu về lịch sử đương đại, cũng như sự thành tựu của một sự kiện nào đó sai với thực tế. Trong những trường hợp đó, tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là một ví dụ.

Người ta chỉ biết Nguyễn Du sanh vào năm 1766 và mất năm 1820. Nhưng trong khoảng thời gian đó, ông đã học những gì và ông đã đi Trung Quốc mấy lần, ở đâu, cũng như truyện Kim Vân Kiều mà Nguyễn Du đã cầm trên tay tự lúc nào v.v… tất cả chỉ là ước đoán thôi.

Ngay cả bây giờ, sau 200 năm, chúng ta có được áng văn tuyệt mỹ gồm 3.524 câu thơ ấy, nhưng cũng không biết là Nguyễn Du đã bắt đầu viết lúc nào, quả là điều thiếu sót vô cùng. Nhưng dẫu cho có tìm ra được ngày tháng hình thành hay không, thì truyện Kiều vẫn đóng một vai trò quan trọng trong văn chương bình dân và chữ Nôm, cũng như văn chương bác học trong suốt 200 năm qua. Tôi chỉ mong rằng những ai sáng tác bất cứ tác phẩm hay bài thơ nào thì cũng nên để ngày tháng năm và nơi chốn làm bài thơ ấy, thì người đời sau khi tìm hiểu đến dễ dàng hơn.

Cho đến năm nay (2020) tôi đã viết và dịch gần 70 tác phẩm từ nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hán văn, Anh, Đức, Nhật ngữ sang Việt ngữ, hầu hết tôi đều để ngày bắt đầu viết hay dịch cũng như ngày viết xong tác phẩm ấy. Ngay cả những đoản văn tôi viết thường từ 4 đến 5 trang đánh máy, khi viết xong phía dưới bài, tôi đều có để là viết trên máy bay, trên xe lửa, tại thư phòng hay ở nước nào v.v… để người đời sau khi tìm đến khỏi phải phỏng đoán nữa và chính người viết hay dịch tác phẩm ấy phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm.

Ngay như việc đi tìm hiểu sự ra đời của chữ Nôm, là một loại chữ đặc biệt của Việt Nam chúng ta, cũng không dễ dàng. Người xưa dùng chữ Hán để ghép lại theo âm tiếng Việt, tạo thành một loại chữ đặc thù mà nếu người Hoa, người Nhật hay người Đại Hàn đọc đến sẽ không hiểu. Bởi lẽ chữ Nôm được chế tác theo tiếng nói của người Việt Nam. Chữ Nhật hay Đại Hàn ngày nay cũng vậy. Hai dân tộc này nguyên thủy vẫn dùng chữ Hán trong các môi trường giáo dục, thi cử, ngoại giao v.v…, nhưng họ cũng đã tự sáng chế ra tiếng của nước họ, mặc dầu họ vẫn dùng chữ Hán đi kèm, nhưng tất cả những chữ Hán ấy đều đọc theo âm Hàn ngữ hay Nhật ngữ.

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì người Nhật cũng như người Việt, từ trước Tây lịch đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc. Do vậy mà tất cả những văn kiện trao đổi, Kinh điển đọc tụng v.v… đều viết bằng chữ Hán. Dần dần, những ông Thiên Hoàng hay những vị thiền sư và những học giả của Nhật Bản muốn tạo ra cho đất nước mình một ngôn ngữ và văn hóa riêng, nên mới căn cứ theo tập thơ Manyoushuu (Vạn diệp giả danh) vào năm 806 để chế tác một loại chữ viết. Kể từ thời điểm này, tiếng Nhật biến thành Hiragana (Bình giả danh) và người Nhật sử dụng cho đến ngày nay gồm 46 âm tất cả. Nhưng có điều đặc biệt trong một câu Nhật ngữ sử dụng đến 50% là chữ Hán, gọi là Kanji, nếu không viết chữ Hán đi kèm, đọc theo âm Nhật ngữ thì người ta sẽ hiểu sai đi. Vì tiếng Nhật có nhiều chữ đồng âm mà nghĩa khác. Ví dụ như nếu viết theo chữ Hiragana thì người ta không thể biết “hana” là “một bông hoa” hay “một lỗ mũi”, hoặc như “hashi” là “chiếc cầu” mà cũng là “đôi đũa”. Rất phức tạp! Nên bắt buộc phải viết ra chữ Hán thì mới phân biệt được là bông hoa hay lỗ mũi, là chiếc cầu hay đôi đũa v.v…

Ngoài chữ Hiragana ra, tiếng Nhật còn có chữ Katakana xuất hiện sau nữa, nhằm hoàn thiện hệ thống chữ viết hoàn toàn của người Nhật. Chữ Katakana này có thể phiên âm bất cứ một ngôn ngữ nào trên thế giới để cho người Nhật có thể đọc một cách dễ dàng, mà đầu tiên có thể là họ dùng để phiên âm Hán tự và sau này tiếng Anh, Pháp, Đức du nhập vào Nhật, những danh từ riêng thường được phiên âm ra dạng này để người Nhật dễ đọc.

Sau khi vua Minh Trị duy tân đất nước Nhật Bản vào năm 1868, người Âu Mỹ đến Nhật cũng nhiều, mà nhìn vào một rừng chữ ngoằn ngoèo như vậy không biết đâu mà dò tìm, nên chữ Romaji (La Mã tự) đã được hình thành. Chữ này phiên âm cả chữ Hán lẫn chữ Hiragana và Katakana để đọc được tiếng Nhật, nhưng chỉ dùng cho người ngoại quốc đọc tiếng Nhật, còn người Nhật hầu như họ không dùng đến. Nếu người ngoại quốc ở tại Nhật lâu năm hay vào học Đại Học của Nhật thì bắt buộc phải dùng 3 loại phiên âm trên, chứ không thể dùng chữ Romaji được. Vì lẽ chữ Romaji không thể diễn tả hết được những văn tự của Nhật Bản. Do vậy, nếu ai muốn học tiếng Nhật thì phải học cả 4 cách phiên âm như vậy. Quả là nhiêu khê vô cùng, nhất là đối với những người đến từ các xứ Âu Mỹ.

Còn tiếng Việt của chúng ta thì sao? Việt ngữ cũng có nhiều thời kỳ biến đổi như tiếng Nhật. Thời gian đầu kể từ khi lập quốc trước Tây lịch, người Việt đã dùng chữ Hán, viết chữ Hán trao đổi với nhau, nhưng đọc thành âm Hán Việt. Sau đó, những nhà Nho yêu nước mới nghĩ ra cách để có một loại chữ khác thay thế cho chữ Nho, mà người Hoa, người Nhật hay người Đại Hàn đọc vào chẳng hiểu gì cả, nhưng người Việt lại hiểu. Với tinh thần độc lập và tự chủ này, chữ Nôm đã xuất hiện sau năm 938, khi Ngô Quyền đã chiến thắng phương Bắc sau 1.000 năm lệ thuộc. Cũng có thuyết nói chữ Nôm bắt đầu được sử dụng đầu tiên ở nước ta là bài “Văn Tế Cá Sấu” của Hàn Thuyên, được ra đời vào năm 1282 và sau đó, những thơ văn bằng chữ Nôm tiếp tục hiện diện song hành với chữ Hán, cho đến đầu thế kỷ thứ 20 mới chấm dứt. Đặc biệt dưới triều Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792), nhà vua chủ trương tất cả những văn kiện ngoại giao, thơ văn, lịch sử, tiểu thuyết v.v… đều phải viết bằng chữ Nôm, nên Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du cũng ra đời trong thời gian này trên quê hương Đại Việt.

Sau này, khi Gia Long thống nhất sơn hà và lên ngôi Hoàng Đế vào năm 1802, ông chủ trương thi cử hay ngoại giao v.v… nhất nhất đều dùng chữ Hán, nên chữ Nôm chỉ còn là một thời vang bóng, cho đến khi chữ Hán không còn là ngôn ngữ sử dụng chính thức nữa, ít nhất là cũng vào đầu thế kỷ 20.

Nhiều tác phẩm viết bằng chữ Nôm như: Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa, Phan Trần, Thoại Khanh Châu Tuấn v.v… đều được người đương thời ưa chuộng. Nhưng có thể vì sự biến thể của chữ Nôm không có một quy tắc nhất định gồm chỉ 46 chữ cái như tiếng Hiragana hay Katakana của Nhật Bản, nên sau này ít có người dùng. Bởi lẽ chữ Hán viết, đọc và nhớ đã khó rồi, mà còn phải nhớ thêm chữ ghép vào bên cạnh chữ Hán kia để hình thành chữ Nôm thì quả là khó khăn vô cùng. Chữ Hán, chữ Nhật hay chữ Nôm, nếu không thuộc mặt chữ thì không thể nào đọc hay viết được. Trong khi đó chữ theo mẫu tự La Tinh chỉ có 22 hay 24 chữ cái, cứ ghép chữ vào là đọc được, mặc dầu khi đọc không hiểu nghĩa chữ ấy. Trong khi đó chữ Hán, chữ Nôm và chữ Nhật hay ngay cả tiếng Đại Hàn thì cũng không có được lợi điểm này.

Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh hay Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du đã viết hoàn toàn bằng chữ Nôm theo lối phát âm tiếng Việt và khởi đầu bằng hai câu:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Người Việt bây giờ đọc mấy dòng thơ này thì hiểu ngay, khỏi cần tra tự điển, nhưng nếu viết bằng chữ Nôm như xưa kia thì phải viết như sau:

Chữ trăm (????): gồm có chữ bách (百) bên trên và chữ lâm (林) phía dưới.

Chữ năm (????): gồm chữ nam (南) bên trái, chữ niên (年) bên phải.

Chữ trong (????): gồm chữ long (龍) bên trái, chữ trung (中) bên phải.

Chữ cõi (????): gồm bộ thổ (土) bên trái và chữ hội (會) bên phải.

Chữ người (????): gồm bộ nhân đứng (亻) bên trái và một phần bên phải của chữ đắc (得).

Chữ ta (些): mượn dùng chữ ta (些) trong chữ Hán.

Chữ chữ (????): gồm hai chữ tự (字) đứng kế nhau.

Chữ tài (才): mượn dùng chữ tài (才) trong chữ Hán.

Chữ mệnh (命): mượn dùng chữ mệnh (命) trong chữ Hán.

Chữ khéo (窖): mượn dùng chữ diếu (窖) trong chữ Hán, gồm bộ huyệt (穴) phía trên và chữ cáo (告) phía dưới.

Chữ là (罗): mượn dùng chữ la (罗) trong chữ Hán.

Chữ ghét (????): gồm bộ tâm đứng (忄) bên trái và chữ kiết (結) bên phải.

Chữ nhau (饒): mượn dùng chữ nhiêu (饒) trong chữ Hán.

Chỉ cần đọc và phân tích 2 câu đầu của truyện Kiều là chúng ta thấy được cái tài tình của người Việt. Chúng ta vẫn sử dụng chữ Hán, nhưng đó là loại chữ Hán Việt chứ không phải chữ Hán của người Trung Quốc thường dùng.

Tôi thì hoàn toàn không biết chữ Nôm và không học chữ Nôm từ ai cả, nhưng nay tra trong tự điển thì thấy chữ Nôm hay vô cùng. Giá như vua Quang Trung sống lâu hơn thời gian chỉ trị vì có 4 năm (1788-1792) thì Việt Nam chúng ta có thể cũng giống như Nhật hay Đại Hàn trong hiện tại. Vì trong thời gian ấy là thời gian mà cách mạng Pháp (14.7.1789) đã thành công ở Âu Châu, còn tại Á Châu vua Quang Trung đã đại thắng quân Thanh. Nhật Bản thì phải đến gần trăm năm sau (1868) vua Minh Trị mới duy tân nước Nhật. Thế mà họ đã phát triển vượt bực trong thế giới văn minh ngày nay như chúng ta đang thấy.

Đại Hàn cũng không khác Nhật Bản là mấy, vẫn tiếp tục dùng loại chữ tự sáng tạo dựa theo chữ Hán. Chỉ có Việt Nam chúng ta thay đổi một loại chữ khác sau chữ Nôm và tồn tại phát triển cho đến ngày nay. Đó là chữ La Tinh hay chữ Quốc Ngữ, có từ thế kỷ 16. Nhiều người bảo rằng, cứ xem Nhật Bản và Đại Hàn họ vẫn dùng chữ Hán và chữ của nước họ giống như chữ Nôm của nước Việt mình, thế mà khoa học kỹ thuật của họ bây giờ phát triển không thua gì các nước Tây Phương. Còn chúng ta mãi thay đổi cách viết, cách học, nhưng vẫn chạy theo không kịp họ.

Tôi hân hạnh được tác giả Nguyễn Bá Triệu tặng một tác phẩm nghiên cứu Truyện Kiều bằng chữ Nôm từ bản chữ Nôm của Lâm Nhu Phu, biên soạn rất công phu từ năm 1999 tại Ottawa, Canada. Năm đó chùa Từ Ân kỷ niệm 20 năm thành lập, nghĩa là từ năm 1979 tôi đã đến đây tham dự đóng góp cho sự hình thành của ngôi chùa này. Tác phẩm này hiện có trong Thư viện của chùa Viên Giác, Hannover, được tác giả tự xuất bản vào tháng 4 năm 1999, nhưng ngày nay tìm tác phẩm này ít thấy nơi nào có. Đây là một kỷ niệm đáng nhớ và xin cảm ơn ông Triệu rất nhiều.

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu cách viết chữ Nôm ngày ấy của Nguyễn Du và cách phiên âm Việt ngữ tác phẩm này như dưới đây để chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn.

Bản chữ Nôm sao chụp lại trong sách, từ câu 1 đến câu 14

Phiên âm Việt ngữ:

Trăm năm trong cõi người ta.
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc thư phong.
Trời xanh quen với má hồng đánh ghen?
Cảo thơm lần giở trước đèn.
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh.
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.
Có nhà viên ngoại họ Vương.
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung.
Một trai, con thứ rốt lòng.
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.

Nguyễn Bá Triệu khảo dị:

Câu 2: - Chữ tài, chữ sắc khéo là ghét nhau

Chữ sắc không hợp với tài mệnh tương đố của chuyện Kiều nên chữ mệnh hợp ý hơn.

Câu 6: - Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Hầu hết các bản đều viết chữ thói, chữ Nôm thường viết 退 (âm Hán đọc thối). Ở đây viết chữ 貝, âm Hán thường đọc bối và âm Nôm đọc với. Đây là một câu đảo ngữ cho hợp vận mà cụ Nguyễn Du dùng khá nhiều trong Truyện Kiều. Chữ thói làm cho người hiểu lầm là ông Trời cũng có thói xấu như đàn bà là ưa đánh ghen. Nói rằng Trời cũng có thói xấu đánh ghen thì chẳng hóa ra coi thường Trời lắm sao? Chữ với rõ được đảo ngược hơn vì có ý là: Ông Trời (có thể hiểu là Số Mệnh) cũng ghen ghét hay với đàn bà đẹp. Câu thơ này để vào đề thuyết “tài mệnh tương đố” trong cuốn truyện văn vần này.

Câu 8: – Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh

Phong tình cổ lục (danh tự kép) là “sách cũ ghi chép chuyện phong tình” và cuốn sách đó còn được truyền lại. Cổ lục (động tự) là “đã soạn ra”, nghe không xuôi vì thiếu chủ từ.

Câu 12: Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung.

Chữ 擬, viết tắt ???? có thể đọc là nghĩ hay nghỉ. Nghĩ có thể được hiểu như: nghĩa rằng, cho là. Nghỉ, tiếng cổ thường được dùng làm đại danh tự ngôi thứ ba có nghĩa là “người ấy, ông ta, hắn ta...” cũng có ý ở đây để thay cho chữ viên ngoại ở trên.



Như vậy, chỉ qua mấy câu Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, phiên âm ra cách đọc tiếng Việt và những ý kiến khảo dị của ông Nguyễn Bá Triệu như trên, chúng ta đủ thấy được tính chất phức tạp và khó khăn của việc sử dụng một bản văn chữ Nôm. Trải qua thời gian, văn bản tuy còn đó nhưng người viết ra văn bản đã không còn, và người đời sau cứ mỗi người một ý mà đọc lại theo cách của riêng mình, nên chuyện dị biệt, tranh luận vẫn thường xảy ra.

Chúng ta có thể xét thêm 2 câu Kiều số 29-30 trong cùng văn bản đã nêu trên (xem hình trang bên).

Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Chữ thông minh: được viết nguyên dạng Hán văn 聰明.

Chữ vốn: viết chữ Hán 本 (bổn hay bản) nhưng đọc theo âm Việt là vốn, tức là cái gốc. Đây là mượn ý nghĩa mà tạo chữ.

Chữ sẵn: viết chữ Hán 産 (sản) nhưng đọc thành sẵn. Đây là mượn âm gần giống để tạo chữ.

Chữ tánh: viết chữ Hán 性 (tánh), cũng đọc là tánh (hay tính) và cùng ý nghĩa. Đây là mượn cả âm lẫn nghĩa để tạo chữ.

Chữ trời: ???? - Bên trên chữ thiên (天) nghĩa là trời và bên dưới chữ thượng (上) nghĩa là phía trên, gộp lại đọc thành chữ trời. Đây là mượn nghĩa kết hợp mà tạo chữ mới, hoàn toàn không có trong chữ Hán.

Chữ pha: viết chữ Hán 坡, cũng đọc là pha nhưng dùng theo nghĩa Việt. Trong chữ Hán, pha nghĩa là sườn núi, chỗ đất nghiêng dốc, nhưng trong chữ Nôm mang nghĩa là pha lẫn, pha trộn. Đây là mượn âm để tạo chữ.

Ba chữ nghề thi họa: viết hoàn toàn chữ Hán: 藝詩畫. Hai chữ thi, họa được mượn cả âm lẫn nghĩa, riêng chữ nghệ được đọc lại thành nghề trong tiếng Việt.

Chữ đủ: ???? gồm chữ đỗ (覩) bên trên và chữ túc (足) bên dưới, gộp lại đọc thành chữ đủ. Chữ đỗ (覩) trong chữ Hán có nghĩa là nhìn thấy, không liên quan gì đến ý nghĩa ở đây, nhưng mượn âm đổ để đọc ra thành đủ. Chữ túc (足) có nghĩa là đủ nên mượn đưa vào đây để thể hiện ý nghĩa của chữ đủ. Đây là mượn một chữ lấy âm, một chữ lấy nghĩa, ghép hai chữ thành một chữ mới trong chữ Nôm, hoàn toàn không có trong chữ Hán.

Ba chữ mùi ca ngâm: 味歌吟 đều là chữ Hán, nhưng chữ vị (味) được mượn ý nghĩa là mùi vị và đọc lại thành âm mùi trong tiếng Việt. Hai chữ ca, ngâm được mượn nguyên cả âm lẫn nghĩa.

●●●

Đại khái chữ Nôm được tạo thành dựa trên những nguyên tắc như vậy, nhưng lại không có một quy chuẩn thống nhất. Do đó, mỗi nơi, mỗi người viết đều có thể chế tác theo cách của mình, đòi hỏi người đọc phải dùng trí nhớ để xác định chữ chứ không thể dựa theo quy tắc chung. Nhược điểm này của chữ Nôm là do sự hình thành tự phát trong dân chúng, không được triều đình chính thức tổ chức và chuẩn hóa việc tạo chữ. Do vậy, mỗi người có thể sáng tạo chữ Nôm theo một cách, tạo thành rất nhiều khác biệt trong các văn bản của cùng một thời đại. Trong lịch sử, người Tây Tạng cũng chế tác chữ viết của họ dựa trên chữ Phạn, nhưng công trình này được triều đình đứng ra tổ chức, quy tụ các học giả trong nước để cùng làm nên có được một quy chuẩn thống nhất dẫn đến sự thành công. Chúng ta có thể hình dung, nếu vào các đời Lý-Trần mà triều đình nước ta cũng tổ chức và chủ trì việc chế tác chữ Nôm, chính thức biên soạn từ điển để lưu hành trong cả nước, thì chắc hẳn chữ Nôm hoàn toàn có khả năng trở thành một loại chữ viết chuẩn mực và sẽ được sử dụng rộng rãi, dễ dàng hơn. Vì như vậy sẽ không dẫn đến tình trạng phải khảo dị văn bản một cách khó khăn mà vẫn mơ hồ không xác định như chúng ta vừa xem xét ở phần trên.

Đó là nói về chữ Nôm, còn chữ Việt ngày nay, hay chữ Quốc Ngữ mà chúng ta đang viết, đang đọc, là có từ thời nào? Sau đây là những giải trình qua sự thâu nhặt tài liệu đó đây của chúng tôi.

Từ năm 1600 đến 1640 là thời gian Chúa Nguyễn Hoàng đã cho các thương thuyền của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ấn, Nhật Bản, Trung Hoa v.v… đến cập bến cửa biển Hội An để trao đổi hàng hóa và như chúng ta biết rằng sự kiện nhà Thanh bên Trung Hoa lật đổ nhà Minh thì có một số người bài Thanh muốn khôi phục lại nhà Minh nên họ phải tìm đường đi tỵ nạn. Thế nhưng thuở ấy ở Đàng Ngoài, Vua Lê Chúa Trịnh thân thiện với Trung Quốc, họ sợ rằng nếu đến Đàng Ngoài để xin tỵ nạn thì chẳng khác nào nộp thân cho thú dữ. Do đó họ tìm đến Đàng Trong của Chúa Nguyễn để thực hiện lý tưởng của mình và từ đó Hội An càng được nhiều người biết đến hơn, do bởi sự kiện chính trị này.

Khi những thương thuyền đến như vậy, họ cần sử dụng đến ngôn ngữ để trao đổi. Lúc đầu có thể là Nhật-Hoa-Việt hay ngược lại và họ cần những người thông dịch ra tiếng địa phương, nhưng không ai có thể làm được việc này ngoại trừ những vị Linh Mục đến từ phương Tây. Vì đây là chủ trương của Giáo Hội La Mã lúc bấy giờ. Họ đi đến bất cứ nơi đâu đều bắt buộc phải học tiếng địa phương ở đó và từ đó các Linh Mục có thể tự chuyển ngữ những loại Kinh Thánh đọc tụng hằng ngày từ tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay tiếng Ý sang tiếng Việt. Nhưng khi nhìn chữ Hán và chữ Nôm mà người Việt chúng ta đang sử dụng thuở ấy, các linh mục phải khó khăn lắm mới có thể hội nhập lúc ban đầu tại Hội An. Thế là họ nghĩ ra cách nghe người Việt nói tiếng Việt và dùng chữ La Tinh a, b, c v.v… để ghi âm lại, sau đó có thêm dấu vào như sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Nhưng ban đầu thì cách đánh vần và phát âm này còn thô sơ lắm, tuy đọc lên có thể diễn tả được ý muốn nói gì, người đối diện nghe hiểu được, nhưng cũng khó khăn lắm, cho đến hai hay ba thế kỷ sau, tiếng Việt mới hoàn chỉnh như bây giờ.

Lâu nay ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng tiếng Việt mà ngày nay chúng ta đang dùng là do Linh Mục Alexandre de Rhodes, là cha đẻ tạo ra chữ quốc ngữ. Nhưng mới đây có những phát hiện khác và cho rằng Linh Mục Alexandre de Rhodes là người đến sau (1624) Linh mục Dòng Tên người Bồ Đào Nha tên là Francesco de Pina, vào năm 1617, nghĩa là sau 7 năm. Linh Mục Francesco de Pina người Bồ Đào Nha mới là cha đẻ của chữ Quốc Ngữ bây giờ, còn Linh Mục Alexandre de Rhodes chỉ là người học trò, người thừa kế của Linh Mục Francesco de Pina mà thôi.

Nếu nói cho đủ và theo thời gian năm tháng mà những giáo sĩ Tây Phương đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ, thì gồm có 5 vị chính. Đó là Giáo sĩ Francesco de Pina (1617), Gaspa d’Amaral và Antonio Barbosa (cả 3 đều là người Bồ Đào Nha - Portugal), Cristoforo Borri (người Ý) và Alexandre de Rohdes (1624 - người Pháp). Trên thực tế thì giáo sĩ Borri (người Ý) đã đến Đàng Trong và chỉ ở lại từ năm 1615 đến năm 1618. Ba giáo sĩ còn lại đều đến Đàng Trong vào năm 1624 và đều là học trò học tiếng Việt với Giáo sĩ Francesco de Pina người Bồ Đào Nha. Như vậy ngay cả Alexandre de Rhodes cũng chỉ là học trò, và là người khảo cứu tiếp việc hình thành tiếng Việt của Thầy dạy mình là Giáo sĩ Francesco de Pina.

Cách Hội An chừng 5 cây số về hướng bắc có làng Thanh Chiêm nằm bên cạnh con sông Hoài và làng Thanh Hà. Nơi đây chuyên làm nghề lò gốm và thổi vôi nung gạch, có lẽ ngày xưa cũng vậy. Từ đây có thể đi đến thành phố Hội An dễ dàng bằng nhiều phương tiện khác nhau như: đi bộ, đi xe ngựa, xe hơi hay ngay cả đi thuyền. Ngày nay người ta đoan chắc rằng Giáo sĩ Francesco de Pina đến và ở làng Thanh Chiêm để làm tự điển Bồ-Việt-Nhật và dạy tiếng Việt cho các Giáo sĩ khác đến sau như Alexandre de Rhodes, vì lẽ người ta đã phát hiện ra ngôi mộ đá chôn cất xác thân ông nằm phía sau nhà thờ Phước Kiều thuộc làng này, ghi dấu sự hiện hữu của ông nơi đây vào thời ấy.

Năm 1775, Nguyễn Nghiễm (thân phụ của Nguyễn Du) đã cùng với Nguyễn Lệnh Tân trấn nhậm Quảng Nam qua sự chuẩn y của Trịnh Sâm, vì đã đánh thắng quân của Chúa Nguyễn, nhưng sau vì bệnh dịch hoành hành quá mạnh làm quân sĩ chết đến mấy ngàn người và đạo quân của Hoàng Ngũ Phúc rút về Thuận Hóa, còn Nguyễn Nghiễm bị bệnh nặng nên đã xin Chúa Trịnh Sâm lui về quê nhà dưỡng bệnh và ông đã mất tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân vào ngày 7 tháng 1 năm 1776, thọ 68 tuổi. Lúc ấy Nguyễn Du mới 10 tuổi, không biết rằng Nguyễn Du có thời gian nào theo thân phụ mình đến Hội An chưa, nhưng nghe rằng tại chùa Ngũ Bang ở Hội An vẫn còn bút tích của Nguyễn Nghiễm để lại ở đây.

Những phần tìm hiểu về lai lịch chữ Quốc Ngữ như trên là để xác định lại tính cách lịch sử của nó cũng như cái gì của lịch sử thì nên trả về lại cho lịch sử, dẫu cho một thời trôi qua trong dĩ vãng như thế có tốt hay xấu, dở hoặc hay đều nên ghi lại rõ ràng, để người đời sau đỡ mất công tìm kiếm. Đó là những việc mà người viết văn, làm thơ hay viết sử về sau này phải nên quan tâm đến.

Theo tác giả Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh trong bài “Tiểu sử Nguyễn Du qua những phát hiện mới” đã khẳng định rằng: “Từ giữa năm 1790 đến 1794, Nguyễn Du sống tại Thăng Long, nương tựa nơi anh Nguyễn Nễ (Đề), nhưng sống tại Gác Tía nhà câu cá của anh Nguyễn Khản, cạnh đền Khán Xuân và Cổ Nguyệt Đường, yêu cô hàng xóm họ Hồ. Ba năm này Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh. Phạm Đình Hổ trong thơ chữ Hán đã trêu cô gái mới lớn Hồ Phi Mai, yêu anh chàng viết Đoạn Trường nên đứng trước gương cũng uốn éo như đứt ruột.” (hết trích).

Nguyễn Khản là anh trai lớn của Nguyễn Du, làm quan dưới thời Trịnh Khải. Khi việc mưu chống lại Tây Sơn không thành, ông cùng Nguyễn Điều xin trở về quê nhà. Năm 1787, quân Tây Sơn tiến ra Bắc, ông trở về lại Thăng Long, sau đó bị bệnh và mất tại Thăng Long vào năm 1787. Khi về lại Thăng Long, mặc dầu Chúa Trịnh Khải cũng cho một vài đặc ân để sống, nhưng có lẽ ông cũng là một quan thanh liêm giống như cha mình nên nhà cửa cũng đơn sơ và có làm một nhà câu cá gọi là Gác Tía không xa Cổ Nguyệt Đường là bao nhiêu. Nơi ấy Hồ Xuân Hương đã đi hái hoa sen và Nguyễn Du từ Trung Hoa về lại Thăng Long cũng đã đến ở nhà anh mình, nhưng lúc đó Nguyễn Khản đã ra người thiên cổ rồi. Lúc bấy giờ Nguyễn Du chỉ trông chờ ở Nguyễn Nễ, là anh ruột của mình đang làm quan cho Tây Sơn che chở và Đoàn Nguyễn Tuấn là bạn tâm giao thơ phú của Nguyễn Du, nên đã được yên ổn ở tại Gác Tía này suốt từ năm 1790 đến 1794. Trong 4 năm ấy ông đã có mối tình đặc biệt trải qua 3 năm với Hồ Xuân Hương và trong thời gian này chính là thời gian Nguyễn Du sáng tác truyện “Đoạn Trường Tân Thanh”.

Sau khi mang quyển sách Kim Vân Kiều đi từ Hàng Châu lên Hoàng Châu gần Bắc Kinh bàn chuyện “hồng nhan bạc mệnh” với Đoàn Nguyễn Tuấn và sau đó mang tác phẩm này về lại Thăng Long vào năm 1790, chắc rằng Nguyễn Du đã suy nghĩ rất nhiều là mình làm sao phải sáng tác một câu chuyện khác theo văn chương chữ Nôm của Việt Nam đang thịnh hành dưới thời Quang Trung Nguyễn Huệ, nên ông đã sắp đặt lại chương cú câu chuyện cho hữu lý hơn.

Chuyện ngẫu nhiên hay tình cờ là nhà câu cá Gác Tía của ông anh Nguyễn Khản không xa Cổ Nguyệt Đường của Hồ Xuân Hương là mấy, nên mỗi lần nàng hái sen, mỗi khi trang điểm, biết đâu Nguyễn Du nhân đó mà đã liên tưởng đến nàng Kiều của mình trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân? Đây là một nghi vấn, nhưng cũng có thể là hình ảnh cần thiết cho tâm tình của chàng thanh niên mới 24, 25 tuổi, hăng say sáng tác nên tác phẩm văn chương bất hủ của văn học Việt Nam cũng nên.

Đọc Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân chúng ta thấy có 20 hồi tất cả và những nhân vật trong Kim Vân Kiều có sẵn, Nguyễn Du vẫn dùng và thêm một số nhân vật khác để cho cốt chuyện linh động hơn, cũng như trong 3.254 câu ấy tuy không chia ra chương hồi như truyện gốc, nhưng ta có thể thấy được những chương mà Nguyễn Du đã thể hiện như sau:

Phần vào truyện giới thiệu hoàn cảnh lúc bây giờ của Nguyễn Du. Ví dụ như câu:

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Cuộc bể dâu đây không nhất thiết phải là thời nhà Minh bên Trung Hoa, mà là cảnh bể dâu của thời Nguyễn Du đang sống. Ông không hoài Lê hay Trịnh, ông chống lại Tây Sơn, nhưng nhờ các anh ông đỡ đầu nên ông không bị dòm ngó. Trong lòng ông chỉ mong cho Nguyễn Ánh trở về từ Thái Lan để quang phục quê hương, nên hoàn cảnh này ông có thể gọi là bể dâu chăng? Câu này ám chỉ “thương hải biến vi tang điền”, nghĩa là biển xanh biến thành ruộng dâu. Biển thì sâu, nhưng đất cát bồi đắp hằng ngày hằng tháng hằng năm, biển kia cũng cạn dần để trở thành nơi người ta trồng dâu nuôi tằm. Điều này đã nói lên được cảnh tang thương của thời đại ông là như vậy, và Nguyễn Du đã thấy gì mà đau lòng? Vì từ đường của gia đình ông ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã bị quân Tây Sơn phá tan tành. Bởi lẽ trong gia đình ông đã có người chống lại Tây Sơn. Đây có thể nói là chương đầu giới thiệu về hoàn cảnh của cá nhân mình và đất nước mình lúc ấy.

Chương kế tiếp tả về hai chị em nàng Kiều, rồi Kiều thăm mộ Đạm Tiên trong tiết Thanh Minh, bên mộ Đạm Tiên, Kiều đã gặp Kim Trọng. Khi về nhà thì gặp gia biến, nên Kiều phải bán mình để chuộc cha khỏi tù tội, và nhờ Thúy Vân thay mình làm vợ Kim Trọng nếu sau này chàng có trở lại. Chữ hiếu và chữ tình, chữ nào cũng trọng, nhưng cuối cùng thì nàng Kiều chọn chữ hiếu. Chẳng may Kiều bị rơi vào tay của Mã Giám Sinh cùng Tú Bà. Kiều đã mắc lừa Sở Khanh và giai đoạn tiếp là nàng đã gặp được Thúc Sinh đến chốn lầu xanh để xem hoa thưởng nguyệt, và qua lời nỉ non của nàng, Thúc Sinh đã lấy vàng để chuộc nàng ra khỏi lầu xanh.

Từ khi vườn thêm hoa mới thì Thúc Sinh quên hẳn vợ cũ là Hoạn Thư ở Vô Tích, say sưa với mối tình mới này, còn Hoạn Thư đâu phải là một người đàn bà không cao tay ấn, nên đã tìm cách chia loan rẽ thúy giữa Kiều và Thúc Sinh bằng mưu kế gọi chàng về quê và bắt cóc Thúy Kiều rồi cho ngụy trang một xác chết bị thiêu cháy ở nơi hai người đã chung sống lâu nay tại Lâm Truy.

Sau khi từ Vô Tích lên ngựa phi mau về để gặp Kiều thì Thúc Sinh lúc ấy chỉ còn cách khóc thương cho số phận hồng nhan của nàng Kiều và đinh ninh rằng nàng đã chết rồi. Khi về lại nhà cũ ở Vô Tích thì Hoạn Thư mới giới thiệu con Hoa nô ra hầu rượu cho chàng. Hai người nhìn nhau nhưng đâu có dám nhìn nhận là vợ chồng. Thúc Sinh đã trúng kế đánh ghen của Hoạn Thư và bây giờ Kiều chỉ còn cách là xin ra Quan Âm Các để kinh kệ sớm hôm cho vơi đi nỗi buồn của mối tình oan nghiệt, nhưng Thúc Sinh vẫn ngày nhớ đêm thương, nên đã lén trộm đến Quan Âm Các để thăm Kiều thì bị Hoạn Thư bắt được.

Cuối cùng trong 36 kế chỉ có chạy trốn là thượng sách, nên Kiều đã chấp nhận giải pháp này, nhưng lại còn lấy mang theo chuông vàng khánh bạc nữa. Do đó cũng là cái cớ để cho Hoạn Thư không bị trả thù về sau này, khi Kiều dựa vào Từ Hải để thực hiện việc “ân đền oán trả”.

Thêm một lần nữa Kiều lại bị bán vào lầu xanh và lần này lại gặp được Từ Hải. Người này vốn đã tu hành tại chùa Hổ Pháo ở Hàng Châu, nhưng sau bỏ việc tu hành, kết nạp băng đảng và chống lại triều đình.

Dưới trướng của Từ Hải, Kiều đã có đầy đủ cơ hội để “ân đền oán trả”. Sau đó, Từ Hải vì đã nghe lời khuyên của Kiều mà ra hàng. Từ Hải đã tin Kiều nên “bó thân về với triều đình” và Từ Hải đã chết. Sau đó bị Hồ Tôn Hiến ép duyên nên Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Lúc này Tam Hợp Đạo Cô và Sư Giác Duyên đã cho người chờ sẵn ở sông Tiền Đường để đưa nàng về lại chùa mình. Kiều gặp Sư Giác Duyên và Tam Hợp Đạo Cô cứu tử, nên công ơn này không gì có thể đền đáp được, nhất là khi nàng đã bị chết đi sống lại mấy lần.

Kim Trọng, Thúy Vân, Vương Quan và cả Vương Ông, Vương Bà vì nhớ thương Kiều vô hạn, nên đã đi tìm kiếm khắp nơi suốt 15 năm dài nhưng không gặp. Họ chỉ nghe được tin là Kiều đã tự tử trên sông Tiền Đường, nên đã lập đàn tràng chiêu mộ và thỉnh Sư Giác Duyên đến tụng kinh siêu độ cho nàng. Ngước lên nhìn linh vị, Sư Giác Duyên lúc ấy mới nhận ra rằng họ là thân nhân của Thúy Kiều và hỏi họ rằng tại sao người còn sống mà lại làm đàn tràng chiêu mộ? Được Sư Giác Duyên thuật lại sự tình, cả nhà vỡ lẽ, ai ai cũng vui mừng. Cuối cùng thì Kim Kiều tái hợp.

Việc tái hợp như thế nào thì có nhiều cái kết khác nhau là do soạn giả của tuồng tích. Có người thì nghĩ rằng Kiều nên trở về lại sum họp với Kim Trọng và Thúy Vân. Có người thì nói rằng việc ấy không nên, vì dẫu sao đi nữa thì Kiều đã xuất gia đầu Phật, hãy giữ lại hình tướng như vậy hay hơn. Thế nào hay ra sao ở đoạn kết này chúng ta không rõ, nhưng đọc 14 câu Kiều sau cùng của 3.254 câu thơ chữ Nôm ở thể lục bát thì như thế này:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê góp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.”

Nếu so sánh hai cốt truyện, văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều và văn vần Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du sáng tác thì không khác nhau mấy, chỉ có nhân vật của Kim Vân Kiều ít hơn nhân vật bên Đoạn Trường Tân Thanh, và lời thơ của Nguyễn Du bay bổng, điêu luyện, gồm cả văn chương bình dân và ngôn ngữ bác học, được sử dụng rất tài tình. Tuy Đoạn Trường Tân Thanh chỉ có 14 đoạn chính, trong khi đó Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân viết đến 20 chương, nhưng đã không lột tả hết được những ý vị, tình tứ, cảnh sắc, con người, thời cuộc, hoàn cảnh như Nguyễn Du đã dùng chữ Nôm để viết nên Truyện Kiều.

Những nhân vật được xây dựng trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du gồm:

1. Vương Ông (Kim Vân Kiều truyện gọi là Vương Lưỡng Tùng).

2. Vương Bà (bà họ Kinh, có lúc gọi họ Hà).

3. Thúy Kiều (Trưởng nữ của Vương Ông).

4. Thúy Vân (Thứ nữ của Vương Ông).

5. Vương Quan (con trai út của Vương Ông).

6. Đạm Tiên (Kim Vân Kiều truyện gọi là Lưu Đạm Tiên).

7. Kim Trọng (Trong Kim Vân Kiều truyện gọi là Kim Thiên Lý - 金千里).

8. Thằng bán tơ (người đã vu oan cho cha của Kiều).

9. Mã Giám Sinh (tên trong Kim Vân Kiều truyện là Mã Quy, người mua Kiều cho Tú Bà).

10. Tú Bà (có tên là Mã Tú, chủ lầu xanh nơi Kiều bị bán vào lần đầu).

11. Sở Khanh (người đàn ông có tính xấu, ham tình).

12. Thúc Sinh (theo truyện Kim Vân Kiều, Thúc Sinh có tên là Thúc Thủ).

13. Thúc Ông (Cha của Thúc Sinh).

14. Hoạn Thư (vợ của Thúc Sinh. Trong Kim Vân Kiều truyện chỉ nói họ Hoạn chứ không nêu tên).

15. Hoạn phu nhân (Mẹ của Hoạn Thư).

16. Khuyển (có tên đầy đủ là Hoạn Khuyển).

17. Ưng (Theo Kim Vân Kiều truyện gọi đủ là Hoạn Ưng).

18. Giác Duyên (Sư Cô đã cứu Kiều sau khi rời Quan Âm Các).

19. Bạc Bà (người ép Kiều lấy Bạc Hạnh để rồi bị bán vào lầu xanh lần thứ hai).

20. Bạc Hạnh (là cháu của Bạc Bà, giả vờ cưới Thúy Kiều rồi mang bán vào lầu xanh).

21. Tam Hợp Đạo Cô (nhân vật đại diện cho đạo Lão).

22. Từ Hải (một người đã xuất gia và hoàn tục trở thành Thủ lãnh đối đầu với triều đình nhà Minh, đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh lần hai và cưới Kiều làm vợ).

23. Hồ Tôn Hiến (thường gọi là Hồ Tông Hiến là tướng của triều đình nhà Minh).

24. Lầu xanh, sông Tiền Đường, Quan Âm Các v.v… là những chứng tích của những thời mà Kiều đã trải qua.

Thông thường một người viết văn hay làm thơ phải thâu thập tài liệu trước, kế đó đọc những tài liệu ấy và ghi chú những điều gì mình muốn viết và tạo thành một mục lục theo thứ tự của câu chuyện. Ngay cả thơ cũng phải có ý tứ thì bài thơ mới có hồn được. Thơ Đường là một loại thơ khó làm, vì người làm thơ phải rành niêm luật. Cho nên gọi là luật của thơ Đường hay thơ Đường luật là vậy. Một bài thơ Đường đa phần là 8 câu, gồm: 2 câu nhập đề, 2 câu thực, 2 câu luận và 2 câu kết. Đây cũng còn gọi là thất ngôn, bát cú, nghĩa là mỗi câu có 7 chữ và toàn bài phải đủ 8 câu. Đồng thời chữ Hán cũng có loại thơ ngũ ngôn tứ tuyệt. Có nghĩa là thơ mỗi câu 5 chữ và bài thơ thường chỉ có 4 câu mà thôi.

Khi văn hóa của Trung Hoa xâm nhập vào Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam thì những nước này họ muốn độc lập, nên tự họ sáng chế ra lối thơ riêng của họ để nói lên tình cảm, suy nghĩ, tư tưởng của người bản địa. Ở Nhật có loại thơ Haiku gồm 5 chữ 3 chữ, và dĩ nhiên là ở những thế kỷ trước họ vẫn dùng thơ Đường theo niêm luật như Trung Hoa hay Việt Nam. Nhưng giới trẻ Nhật Bản bây giờ thích dùng thơ mới, ngay cả Haiku cũng ít dùng. Vì thơ mới dễ viết hơn, nghĩ sao viết vậy, nói sao viết vậy. Những loại thơ này ảnh hưởng thơ và âm nhạc của Âu Mỹ nên phá hết những luật lệ cũ. Thế mà có rất nhiều người ưa chuộng.

Việt Nam chúng ta cũng vậy, ở vào những thế kỷ trước, khi Nho giáo còn thịnh hành thì đa phần các nhà thơ đều làm theo lối thơ Đường, nhưng đến thời Nguyễn Du thì thơ lục bát đã thịnh hành lắm rồi. Đó là thể thơ viết dài ngắn tùy ý, nhưng luôn luôn có câu 6 chữ và câu 8 chữ đi cặp nhau liên tục, cho đến cuối bài là câu 8 chữ. Thơ này cũng có luật của nó rất rõ ràng, cần nhất là chữ cuối của câu 6 chữ phải vần với chữ thứ 6 của câu 8 chữ, chữ cuối của câu 8 chữ phải vần với chữ cuối câu 6 chữ tiếp theo... Ví dụ:

“Đầu lòng hai ả Tố Nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười…”

Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm chỉ diễn tả bằng thơ, nhiều khi cũng có đôi câu bị cưỡng ép không theo lệ xưa để cốt cho ý của câu chuyện liên tục. Do vậy chúng ta phải nhận ý mà quên lời. Làm một bài thơ đôi khi cần cả ngày hay nhiều ngày. Có nhiều tác giả làm chưa xong một bài thơ hay thì đã tạ thế, để tư tưởng ấy lại cho người đời sau tiếp tục điền vào. Ở đây Nguyễn Du làm đến 3.254 câu, dĩ nhiên là cần rất nhiều tháng ngày mới thành tựu được. Một thi nhân, một văn sĩ lúc làm thơ hay viết văn nhiều khi phải có bạn tâm giao để đàm luận, uống rượu, hút thuốc, ăn trầu v.v… Nghĩa là họ cần phải có một khung cảnh nên thơ, trữ tình mới có thể viết nên những tác phẩm hay, nhằm cống hiến cho đời, còn làm thơ đòi hỏi phải có nhiều khung cảnh thiên nhiên hơn nữa.

Từ năm 1790 đến 1794, Nguyễn Du có cả 4 năm để sáng tác truyện Kiều trên Gác Tía nhà câu cá của người anh trai Nguyễn Khản để lại. Gần đó là Cổ Nguyệt Đường, nơi có cô gái hái sen hằng ngày là Hồ Phi Mai, tức Hồ Xuân Hương sau này, có lẽ cũng là một hình ảnh, một tác nhân chính để Nguyễn Du có thể viết ra những câu thơ tuyệt vời ấy trong quyển Đoạn Trường Tân Thanh này chăng? Đây chỉ là một giả thuyết do tôi lập nên. Bởi lẽ mỗi người viết văn hay làm thơ luôn luôn phải có những đối tượng mới có thể tạo nên những áng văn bất hủ được.

Bản thân tôi không thuộc những trường hợp trên. Vì viết văn, dịch kinh sách, dịch thơ v.v… với tôi là một chuyện tự nhiên. Do vậy tôi vẫn thường nói rằng mình không là một văn sĩ, thi sĩ mà chỉ là một tăng sĩ bình thường thôi, mặc dầu cho đến năm 2020 này, sau 45 năm viết và dịch, tôi đã có gần 70 tác phẩm để gởi lại cho đời. Văn tôi không hay, chữ tôi không tốt và tôi nói sao thì viết vậy, nghĩ sao thì viết vậy, không trau chuốt câu văn mượt mà như nhiều người khác, cốt yếu là ý tưởng và nội dung mà mình muốn gởi gắm đến độc giả là được rồi.

Trong mỗi tác phẩm, chỉ cần người đọc hiểu ý của tác giả ở vài đoạn văn là thành công lắm rồi. Bởi vì dẫu cho có là tác phẩm không hay lắm đối với độc giả, nhưng với tác giả là cái gì quý giá nhất, họ mới mang ra trình bày.

Tôi quan niệm rằng viết văn, làm thơ nhiều khi cũng giống như một trận đá bóng vậy. Trong vòng 90 phút của 2 lần giao tranh của hai đội bóng mà khán giả xem thấy có cả hàng mấy chục quả banh bị lọt lưới ở bên này hay bên kia thì trận đấu còn gì hào hứng nữa. Điều ấy có nghĩa là trong 90 phút giây căng thẳng ấy chỉ có một vài quả lọt vào lưới thì người xem mới vỗ tay khen hay và tán thưởng. Nếu một bài văn, một quyển sách, một bài thơ mà từ đầu đến cuối đều được độc giả nhiệt liệt khen ngợi thì chuyện ấy hầu như ít thấy trên đời này. Ngay như truyện Kiều của Nguyễn Du từ đầu thế kỷ thứ 19 đến nay, trên dưới 200 năm như vậy đã có lắm người khen như Phạm Quỳnh và đa số đều tán đồng với tài nghệ của Nguyễn Du, nhưng không phải là không có người chê truyện Kiều, vì cho rằng Nguyễn Du cổ xúy cho Kiều làm những chuyện trái với luân thường đạo lý của người con gái ngày xưa. Trong đó có Cụ Huỳnh Thúc Kháng là tiêu biểu. Ngày nay, ông Nguyễn Bá Triệu ở Canada khi soạn quyển “Truyện Kiều - chữ Nôm và khảo dị” thấy ông ta khen Nguyễn Du thì ít mà chê hơi nhiều. Chê Thúc Sinh, chê Từ Hải và chê những câu, những chữ dùng trong truyện Kiều của Nguyễn Du tối nghĩa (xin đọc Lời Tựa sách này của ông Nguyễn Bá Triệu). Như vậy một tác phẩm đem ra trình làng cũng giống như một món hàng đem ra chào bán, có kẻ thích, người không, vốn là chuyện bình thường thôi.

Tôi viết văn hay dịch Kinh, dịch sách thì không cần đối tượng để trao cảm hứng, mà chỉ cần một khoảng không gian yên tĩnh là được rồi. Không cần trà, không cần bè bạn bên cạnh, không cần rượu, không thuốc lá là chuyện đã đành và tôi cũng không có đối tượng của lứa đôi, của tình yêu nam nữ, nên khi viết tôi không liên hệ về phương diện này. Nếu có ai hỏi rằng: Vậy Thầy viết để làm gì và tư tưởng của Thầy ra sao? Xin trả lời ngay rằng: Nếu sau này tôi mất đi, hãy lấy câu nói này của tôi để làm tư tưởng chỉ đạo. Đó là:

“Con xin nguyện làm một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và con xin nguyện làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế.”

Ngần ấy đủ rồi và khen chê xin trả lại cho đời khi mắt tôi đã nhắm lại và tâm thức tôi đã về với Phật.

Sau khi sáng tác xong truyện Kiều, Nguyễn Du còn để lại cho đời hai câu thơ bất hủ mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết. Đó là:

不知三百餘年後,
天下何人泣素如。

“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.”

Nghĩa:

“Không biết sau hơn 300 năm nữa,
Trong thiên hạ có ai khóc Tố Như chăng?”

Có thể là khóc như Tố Như đã khóc Kiều, hay Tố Như khóc khi Hồ Phi Mai đã đi lấy chồng, trong khi Nguyễn Du còn lẻ bóng thì ai mà biết được. Điều này thi nhân phải tự hỏi mình, chứ tại sao đem tâm sự riêng của mình để hỏi người khác thì thật khó trả lời.

Tôi dịch Kinh hay viết sách chỉ là việc tình cờ, vì chuyện phải làm vậy thôi, chứ không vì mục đích gì khác cả. Bởi vì việc gì đến thì cứ giải quyết, xong việc này lại đến việc khác và tôi vẫn thường bảo rằng: Chúng ta nên từ từ giải quyết vấn đề và không nên chạy trốn vấn đề. Nếu chạy trốn vấn đề thì vấn đề kia vẫn còn đó, chứ không mất đi. Hãy tự mình đứng ra nhận lãnh lấy trách nhiệm.

Có nhiều người hỏi tôi rằng: Thầy đã viết trên dưới 70 tác phẩm, như vậy Thầy thích tác phẩm nào nhất? Câu hỏi thật đơn giản, nhưng thật khó trả lời. Bởi vì mỗi tác phẩm như thế ra đời trong một hoàn cảnh, một thời điểm khác nhau, nên khó có thể kết luận trong lúc này được. Có thể sau này khi tôi không còn có mặt trên cuộc đời này nữa, mọi người hãy bình chọn một hay vài tác phẩm tiêu biểu trong những tác phẩm mà tôi đã viết thì hay hơn. Thỉnh thoảng đâu đó tôi gặp vài người bảo rằng: Các tác phẩm của Thầy con đã đọc hết rồi, hay những băng giảng của Thầy con cũng đã nghe hết. Đoạn tôi chỉ hỏi thử một tác phẩm hay một đoạn băng giảng nào đó họ đã đọc hay nghe chưa, thì sẽ biết rằng người ấy không nói xã giao với mình cho có lệ. Đôi khi có người bảo rằng: Khi nhận được báo Viên Giác là con đọc bài của Thầy trước và tôi hỏi là bài nào thì họ nhoẻn miệng cười trừ. Đôi khi nhớ tựa bài viết mà quên nội dung hay ngược lại. Lúc ấy tôi lại khai thông chỗ bế tắc cho họ. Bởi lẽ suốt trong 41 năm qua hầu như tất cả Thư Tòa Soạn của báo Viên Giác tôi đều phải viết và thông thường trong 238 số ấy, số báo nào cũng có bài của tôi viết. Do vậy người nào muốn nghiên cứu học hỏi, giải trí, văn nghệ v.v… đều có thể lên mạng để tìm đọc, rất thoải mái. Thỉnh thoảng có em sinh viên đến chùa thưa với tôi rằng: Con muốn đọc báo Viên Giác từ số đầu để nghiên cứu về văn hóa của người Việt Nam hiện cư ngụ tại Đức. Tôi bảo: Điều ấy không khó, hãy đến Thư viện của chùa để đọc, chứ những số báo cũ không còn nữa.

Như vậy một tác phẩm, một bài viết, một bài thơ, một bài kinh được viết ra hay dịch thành Việt ngữ hay ngược lại, nó sẽ đóng góp một phương diện nào đó cho đại sự, chứ nó sẽ không đại diện cho tất cả mọi khuynh hướng ở mọi thời đại được. Đây là sự thành công của tác giả rồi. Cũng đừng chờ đợi nhiều lời khen từ độc giả và cũng đừng buồn khi họ chê tác phẩm của mình. Bởi vì dẫu sao đi nữa nó cũng là đứa con tinh thần của mình đã cưu mang trong nhiều năm tháng, và bây giờ tác phẩm được chào đời, chính là một điều hạnh phúc vô cùng đối với người đã sinh sản ra nó, nhằm giới thiệu đến với những độc giả xa gần về hình thức cũng như nội dung của một tác phẩm mới.

Tôi hay chọn đề tài trước và nội dung sẽ viết từng chương theo chủ đề mà mình đã đưa ra, nên với tôi viết không khó mấy. Thông thường viết một tác phẩm 300 đến 400 trang viết tay, tôi chỉ cần một tháng là viết xong. Mỗi ngày từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ và nhiều khi nếu dòng tư tưởng chưa chấm dứt thì tôi vẫn còn tiếp tục viết nữa. Tôi ít khi ngậm bút để suy nghĩ một việc gì, vì trong đầu tôi chứa cả hàng mấy chục ngàn quyển sách. Đó là tự điển sống. Lúc nào bí quá thì tôi vào Wikipedia - Tự Điển Toàn Thơ Mở để tra thì sẽ có đáp ứng ngay lập tức. Khi viết dĩ nhiên có lúc đúng, lúc sai, vì lẽ nguồn trích dẫn chưa hẳn đã hoàn toàn đúng, nên độc giả khi xem một chủ đề hay một sự lý luận, hay một quan điểm nào đó, chính mỗi người hãy tự nhận xét thì công bình hơn. Hãy đừng kết luận sớm quá mà tội cho những người cầm bút.

Có thể còn nhiều điều kiện ngoại tại khác nữa để một đứa con tinh thần được ra đời. Đó là vấn đề tài chánh để xuất bản một tác phẩm. Riêng tôi thì không khó khăn mấy về vấn đề này, vì tất cả sách của tôi viết và xuất bản đều nằm ở dạng ấn tống, nên không phải lo vấn đề này, vì có thể kêu gọi Phật tử ủng hộ tịnh tài trước và sau đó mới in. Bây giờ ở thời điểm của năm 2020 này tôi chủ trương khác một chút là không in mỗi lần 1.000 hay 3.000 cuốn như xưa nữa, mà sau khi một tác phẩm hình thành cho đánh máy, layout, sửa bản in v.v… tiếp tục đưa lên Amazon. Vì ở đó giống như một thư viện khổng lồ, mọi người trên thế giới đều có thể vào đó đặt mua sách về để đọc. Tiện lợi vô cùng. Vị nào ấn tống cứ ấn tống, vị nào muốn đặt sách thẳng với Amazon thì cứ đặt. Đây là cách giải quyết thật hay để sách không bị tồn kho quá nhiều, đôi khi ở chùa không đủ nơi để lưu trữ sách.

Nhìn lại những bản khắc gỗ ngày xưa, chúng ta phải cúi đầu bái phục cho những người viết chữ tốt được chọn, sau đó phải là những thợ chạm lành nghề và rành mặt chữ làm nhiệm vụ khắc chữ lên gỗ. Từ gỗ đã được khắc chữ mới pha mực và thấm giấy để in bằng tay. Từ tờ nọ đến tờ kia, từ tờ này đến tờ khác. Phải nói là công phu vô cùng, mà người xưa đã làm được. Còn chúng ta bây giờ thì có đủ hay dư thừa quá nhiều điều kiện, nhưng ý chí lại chẳng bằng người xưa. Bây giờ cái gì cũng dùng đến điện. Đánh máy lỡ sai lỗi này, lỗi kia v.v… chỉ cần bôi bôi xóa xóa là chúng ta có được chữ đúng. Ngày xưa không phải vậy, nếu một chữ viết hay khắc sai, xem như phải bỏ cả tấm gỗ ấy và phải khắc vào tấm gỗ khác. Cho nên việc làm của người xưa đòi hỏi ý chí kiên cường nhiều hơn. Còn ngày nay con người chỉ chọn cái gì dễ nhất, lợi nhuận nhiều nhất là họ bắt tay vào việc, chứ đa phần ít để ý về giá trị hay nội dung của việc làm kia.

Ví dụ, khi ông Nguyễn Bá Triệu nghiên cứu để viết quyển “Truyện Kiều - chữ Nôm và khảo dị” thì trong tay ông đã có được nhiều bản để so sánh và cuối cùng ông chọn bản Nôm của Lâm Nhu Phu làm bản chính cho việc khảo dị này. Bởi lẽ ông cho rằng: “Bản này chữ viết rất cứng cỏi, viết rất chân phương rõ ràng. Cách sắp xếp cho hai trang chữ Nôm và Việt ngữ liền nhau với cách đánh số câu rất rõ ràng có thể đưa lại sự dễ dàng cho quý vị nào muốn truy cứu tìm hiểu và học hỏi chữ Nôm.” (Hết trích)

Những bản gỗ khắc để in như vậy nhiều lần trong 200 năm qua chắc hẳn không thể nào giống y như bản ban đầu được. Cho nên người xưa thường nói “tam sao thất bổn”, có nghĩa là, cứ 3 lần sao chép lại sẽ mất đi bản gốc. Người sau có thể không giỏi chữ Hán và chữ Nôm như người trước, nên sẽ viết sai. Khi viết sai, sẽ khắc vào gỗ sai và khi in ra dĩ nhiên là sẽ không đúng như câu thơ của Nguyễn Du đã viết lúc ban đầu. Điều này đã được ông Nguyễn Bá Triệu chứng minh qua những nguồn tư liệu khi khảo dị truyện Kiều và ông đã trình bày trong Lời Tựa khá rõ ràng, chi tiết.

Thế giới của thi ca, thế giới của ngôn ngữ, thế giới của con người, thế giới của động vật, thế giới của thực vật v.v… mỗi thế giới như vậy có một ngôn ngữ riêng, một sự nhận thức riêng. Chỉ có những bậc giác ngộ mới nghe được hết mọi thứ tiếng của mọi loài, còn con người bình thường chỉ nghe tiếng người còn chưa hiểu hết, làm sao hiểu được ngôn ngữ của những chủng loại khác. Thế nhưng thi nhân đôi khi là những người không bình thường thì làm thơ mới hay. Nhiều lúc thi nhân viết hay nói điều gì đó khiến người khác phải suy nghĩ, đó cũng là một cách phá lệ hay phá luật của một con người bình thường để người ta chú ý đến mình.

Từ khi Nguyễn Du ở Trung Hoa về lại Đại Việt vào năm 1790, chắc rằng ngôn ngữ tiếng Hoa của ông đã giỏi lắm rồi. Vì ông có cả 3 năm ở Trung Quốc. Ngoài tiếng Quảng Đông ra, ông còn có thể nói tiếng Phước Kiến, Triều Châu chăng? Nhờ vậy ông mới có thể đi khắp miền Nam sang tận miền Bắc xứ Trung Hoa, cả đi lẫn về đến 5.000 cây số. Nếu ngôn ngữ không thông thì ông đã chẳng thể thực hiện được điều đó. Ở tuổi 22 đã xa quê với cái tuổi đang trưởng thành và cái tuổi có thể dễ thâu nhận vào đầu óc thông minh như Nguyễn Du, nên việc học ngôn ngữ của ông dĩ nhiên là không khó mấy, so với những người bình thường.

Khi người ta học một ngôn ngữ khác, người ấy phải lấy tiếng mẹ đẻ của mình làm chuẩn. Lúc ấy Nguyễn Du lấy tiếng Việt và Hán cũng như Nôm làm chuẩn để học phát âm tiếng Hoa là một việc làm tự nhiên của người học ngoại ngữ. Ngày ấy chưa có một ngôn ngữ gọi là phổ thông cho nhiều người cùng nói cùng hiểu một ý như ngày nay, nên đi đến vùng nào là phải học nói theo người của vùng đó, thì mới có thể hội nhập vào xã hội ấy được. Ví dụ chữ “cảm ơn” của Việt Nam đọc theo lối Hán Việt thì chữ Trung Hoa cũng viết chữ 感恩 (cảm ân) nhưng đọc là “kanan”. Trong khi đó tiếng Nhật cũng viết chữ 感恩 (cảm ân) và đọc âm là “kanon”. Nhiều người phát âm không được thì dùng chữ viết để trao đổi với nhau nên gọi là bút đàm. Ngoài ra còn rất nhiều chữ viết bằng Hán văn mà các dân tộc như Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam có thể hiểu một cách dễ dàng khi thấy mặt chữ. Ví dụ như chữ Hán viết là 社會 (xã hội) thì tiếng Nhật đọc là shakai, tiếng Hoa đọc là suewei, chữ Hán viết là 教育 (giáo dục) thì chữ Nhật đọc là kyoiku, tiếng Hoa đọc là cheoyu, chữ Hán viết 政治 (chính trị), tiếng Nhật đọc là seiji, chữ Hoa hiện tại phát âm là chanchi. Nếu là danh từ đơn thì mỗi ngôn ngữ đều thể hiện cách khác nhau của ngôn ngữ đó, nhưng nếu là danh từ kép giữa chữ Hán, chữ Đại Hàn, chữ Nhật và chữ Hán Việt thì cách viết hầu khư không khác, chỉ có khác nhau về cách phát âm mà thôi.

Để đi tìm cội nguồn của vấn đề, có nhiều người đã muốn quay nhìn, truy cứu lịch sử để tìm lại dấu vết của tiền nhân, và trong thời điểm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 có 2 vị như thế đều ở Pháp. Đó là Bác Sĩ Yên Tử Trần Đại Sỹ và Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh. Khi đọc được bộ lịch sử của ông Cư sĩ Yên Tử Trần Đại Sỹ tôi rất vui, vì nhờ biết nhiều ngôn ngữ mà ông đã qua Đại Hàn, Trung Quốc tìm tòi lại những chứng tích cũng như dữ liệu, của thời Hoàng tử Lý Long Tường đến Triều Tiên từ năm 1226, cho đến những sự chứng minh xác thật nhất về dòng họ Lý này từ đó đến nay ở tại ngoại quốc. Xin niệm ân Bác sĩ Trần Đại Sỹ về việc này không ít.

Cũng ở Pháp, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh đã tìm ra được cách nhìn mới về tiểu sử của Nguyễn Du, nên ông phải đi tìm sử liệu cũ để chứng minh bằng cách đến chùa Hổ Pháo ở Hàng Châu, qua Kinh đô Tràng An, thăm mộ Nhạc Phi và đến Yên Kinh để thẩm định lại bước chân vân du của Nguyễn Du ngày ấy, cách nay hơn 200 năm về trước (1788-1790). Ông cũng thực hiện việc nghiên cứu của mình theo lối thực địa khảo sát ấy, nghĩa là đến tận nơi tận chỗ để dò tìm và cốt sao chứng minh cho sự phát hiện của mình là đúng, nên trong thời gian gần đây ông đã trở về Việt Nam, ra Hà Nội, tìm đến chùa Kim Liên rồi Cổ Nguyệt Đường của Hồ Xuân Hương (tức Hồ Phi Mai) cũng như Gác Tía nơi Nguyễn Du đã cư ngụ và sáng tác truyện Kiều. Nhờ vậy chúng ta có thể tin được rằng truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du có được ở vào thời điểm đi tỵ nạn Tây Sơn sang Trung Quốc từ năm 1789, 1790 tại Hàng Châu, chứ không phải là thời gian đi sứ sang Trung Hoa vào năm 1813 và 1814.

Như vậy chúng ta có thể xác nhận một cách chắc chắn rằng thời điểm Nguyễn Du viết truyện Kiều là từ năm 1790 đến 1794 tại Gác Tía ở Thăng Long, chứ không phải là thời Gia Long như lâu nay có nhiều người vẫn còn nghi ngờ, trong đó có cả cụ Hoàng Xuân Hãn và một số những nhà văn nhà thơ khác.

Lâu nay khi nghe nói đến nhà thơ Hồ Xuân Hương ai cũng dè chừng. Vì lẽ nữ sĩ này đã để lại những bài thơ quá sức gợi hình và sáng tác quá tự do của một thời mà so với bà Huyện Thanh Quan, bà Đoàn Thị Điểm đã không làm như vậy. Nhưng nay sau khi tham khảo những thơ văn mà Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh đã phát hiện sự liên hệ giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du thì chúng ta thấy rằng nội dung của những bài thơ như đi hái sen 1 và 2 đều rất đứng đắn và hầu như không có ý lả lơi trong đó, khi trao đổi thơ văn với Nguyễn Du lúc đương thời. Vậy những bài thơ như: Vịnh Chiếc Quạt, Thăm Chùa v.v… là những bài thơ châm biếm, hận đời thì nên cho vào loại giai thoại văn chương. Biết đâu đó không phải là những bài do Hồ Xuân Hương làm, mà là của một người khác giấu tên chăng?

Theo Tự Điển Toàn Thơ Mở tiếng Việt thì cho rằng bà có 60 bài thơ tất cả, nhưng theo tập thơ của Hồ Xuân Hương thì bà sáng tác đến 153 hay 155 bài và gồm nhiều thể loại khác nhau. Con người luôn luôn có nhiều mặt, cả tốt lẫn xấu lâu nay vẫn là chuyện thường tình của nhân thế. Nếu ai thấy được cái xấu của chính mình và chỉ nói về cái tốt của người khác mới là người quân tử. Ngược lại nếu chỉ thấy cái xấu của người rồi làm thơ chế giễu, điều ấy cũng có nghĩa là người kia muốn nâng cái tự ngã của mình lên cao hơn người đối diện.

Đứng về phương diện ngôn ngữ để luận bàn thì Việt Nam chúng ta có 3 loại chữ viết chính. Đó là Hán văn kể từ thời lập quốc đến đầu thế kỷ 20. Nghĩa là trên dưới 2.000 năm dân tộc chúng ta không bị Hán hóa, quả là điều phước báu vô ngần.

Loại chữ viết thứ hai không kém phần quan trọng, trong đó có cả truyện Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Đó là chữ Nôm. Chữ Nôm đã tồn tại sau thời Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán vào năm 938 cho đến đầu thế kỷ thứ 20. Như vậy chữ Nôm đã có mặt với dân tộc ta cũng trên dưới 1.000 năm lịch sử.

Loại chữ viết thứ ba là chữ Quốc Ngữ. Chữ này tương đối dễ học, dễ nhớ và bắt đầu từ năm 1617 do Giáo sĩ Francessco de Pina, người Bồ Đào Nha sáng lập tại làng Thanh Chiêm, Hội An, Quảng Nam cho đến nay mới trên 400 năm (2020-1617), thế nhưng loại chữ viết này đã có gần 100 triệu người sử dụng và hầu như không còn bị lệ thuộc vào chữ Hán của phương Bắc nữa. Quả là điều quý hóa thay!

Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm riêng của mình là nếu như người Việt vẫn dùng chữ Hán, như người Nhật hay người Đại Hàn trong hiện tại, thì quê hương mình vẫn có thể phát triển, chứ không nhất thiết phải dùng đến loại chữ La Tinh như hiện nay. Có thể chữ này dùng như chữ Romaji của Nhật dùng cho người ngoại quốc đọc tiếng Nhật. Người Việt không phải là không làm như thế được.

Nhưng ngôn ngữ cũng như phong tục, tập quán v.v… cái nào tồn tại mãi mãi với thời gian, năm tháng thì cái đó sẽ thành công. Tiếng Việt mới hơn 400 năm gắn liền với dân tộc Việt Nam thì cũng chưa thể đi đến kết luận. Có thể tiếng Việt trong tương lai còn biến đổi nữa. Chữ Hán đã có mặt tại quê hương Đại Việt trên 2.000 năm mà ở đầu thế kỷ thứ 20 Trần Tế Xương (1870-1907) đã phải than rằng:

Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi.

Còn chữ Nôm tồn tại gần 1.000 năm lịch sử với dân tộc Việt Nam (1918-938) và trong hiện tại chỉ dạy trong những Phân khoa Nghiên cứu về ngôn ngữ tại Đại Học, chứ không còn tồn tại bên ngoài dân gian như thời Nguyễn Du viết truyện Kiều nữa.

Chữ Quốc Ngữ hiện nay mới chỉ 400 năm có mặt trên quê hương đất Việt, tuy rất tiện dụng và dễ học, dễ nhớ, dễ diễn tả tình cảm qua chữ viết, nhưng biết đâu một ngày nào đó sẽ còn thay đổi nữa chăng? Để người sử dụng đỡ vất vả về dấu hỏi hay dấu ngã, chữ t hay c, tr hay ch v.v… Đây thuộc phạm trù của những nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học. Tôi không thuộc phạm trù này nên xin chỉ nêu ra những ý kiến như vậy, còn đúng sai như thế nào thì còn phải chờ thời gian năm tháng chuyển biến sau này, người đời sau sẽ rõ.

Ngay từ đầu, tôi đã xác định là chỉ muốn làm rõ thêm những nét đặc biệt của Nguyễn Du mà lâu nay lịch sử bị che khuất, nên tôi cố thu thập tài liệu để viết nên quyển sách này, chỉ với mục đích duy nhất là: Cái gì thuộc về lịch sử thì phải trả về lại cho lịch sử, chứ không phải là một sự ước đoán. Vì ước đoán thì có cả đúng lẫn sai, mà lịch sử, ngay cả lịch sử văn học đi nữa, chúng ta cũng phải cần sự xác minh qua từng giai đoạn để làm sáng tỏ vấn đề, thì người đời sau nghiên cứu đến tác phẩm hay tác giả sẽ được dễ dàng hơn.

Tôi không đi vào từng câu thơ, ý tứ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, bởi vì việc này đã có quá nhiều người làm rồi, thiết tưởng không cần phải đào sâu hơn nữa. Do vậy quý độc giả sẽ không thấy hoặc ít thấy những câu thơ Kiều trong tác phẩm này. Tuy nhiên, đôi lúc cũng cần đề cập đến những câu thơ hay như:

Áo xanh đổi lấy cà-sa,
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.

Ngày nay khi tôi giảng pháp, đôi khi có đề cập đến truyện Kiều và hỏi đại chúng áo xanh là áo thế nào? Hiếm có người biết. Đa phần là cười hay nói rằng: Thầy giảng giùm cho chúng con. Như chúng ta biết, ngày xưa áo vàng có thêu rồng, phượng thì chỉ có Vua và Hoàng hậu mặc. Màu nâu, màu đen và màu vàng chỉ có các đạo sĩ, tu sĩ mặc. Màu xanh là màu để cho người ăn kẻ ở mặc. Kiều lúc bấy giờ dưới mắt Hoạn Thư là một con ở (gia nô) nên phải mặc áo xanh. Từ áo xanh đổi sang áo cà sa thì phải nói là một giai đoạn thay đổi lạ kỳ của Thúy Kiều. Điều này cũng có thể ví thân phận của Nguyễn Du từ khi đi tỵ nạn Tây Sơn qua Trung Hoa từ năm 1788 đến 1790 sống đời lữ thứ, lang bạt giang hồ, làm nhà sư thay đổi tên họ là Chí Hiên, đội mũ vàng đi khất thực để độ nhựt qua ngày, thì đâu có khác gì cảnh ngộ của Thúy Kiều lúc ấy là bao?

Cũng chính nhờ chiếc áo nhà tu, đầu đội mũ vàng và tụng kinh Kim Cang hằng đêm mà Nguyễn Du đã thâm nhập được chữ “không” thâm áo của nhà Phật, khi đến dưới chân thạch đài nơi phân kinh của Thái Tử Lương Chiêu Minh, xây dựng vào thế kỷ 6 tại Kinh đô Tràng An vào một ngày đẹp trời khoảng năm 1789-1790. Quả là nhân duyên, quả là hành nghiệp.

Câu thơ Kiều hay và thâm thúy như vậy mà người Việt Nam không thuộc lòng, không hiểu nội dung câu chuyện của một thời thì uổng phí vô cùng.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có những nhà văn nhà thơ xuất hiện như Nguyễn Khuyến (1835-1909), Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), và sau đó là nhóm Tự Lực Văn Đoàn như: Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ v.v… đã mở ra một phong trào viết văn và thơ mới để thích hợp với nếp sống văn minh Âu Mỹ thuở bấy giờ. Nhưng nếu so với thời của Nguyễn Du hay Nguyễn Khuyến, thì cách hành văn hay việc tạo nên một câu chuyện thường không sâu sắc bằng.

Ở đây xin đơn cử một bài thơ của Nguyễn Khuyến viết cho Dương Khuê bằng chữ Hán nhan đề là “Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư”. Tiếng Việt dịch ngắn gọn là “Khóc Dương Khuê”.

Bài này khi còn học Trung Học Đệ Nhất Cấp ở Việt Nam, cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi phải học thuộc lòng trong giờ Việt văn và bây giờ chép lại đây để quý độc giả cùng thưởng lãm tài nghệ làm thơ của người xưa.

Nguyễn Khuyến còn gọi là Tam Nguyên Yên Đỗ, làm bài thơ tặng cho bạn mình là Tiến sĩ Dương Khuê. Dương Khuê là bạn thân và là quan đồng triều với Nguyễn Khuyến. Khi nghe Dương Khuê trở bịnh nặng và qua đời thì Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ chữ Hán “Vãn đồng niên Vân Đình Tiến sĩ Dương thượng thư” (輓同年雲亭進士楊尚書) để khóc bạn, rồi cũng chính ông tự dịch bài thơ này sang chữ Nôm như sau:

KHÓC DƯƠNG KHUÊ

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau,
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách bên đèo.
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời.
Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần,
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày,
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mãi lên tiên.
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương.
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Đọc xong bài thơ ta thấy hồn thơ của tác giả thật là lai láng, diễn tả tâm trạng khi một người bạn thân thiết đã ra đi không bao giờ trở lại và một người lớn tuổi hơn nhưng vẫn còn phải ở lại cõi đời này để chứng kiến những tang thương của thời thế.

Tác giả làm theo lối song thất lục bát, nghĩa là hai câu bảy chữ, một câu sáu chữ và kế tiếp là câu 8 chữ, nhưng lại mở đầu bằng cặp lục bát thay vì song thất như thông lệ. Kể ra cũng hơi lạ, nhưng chính điều này khiến cho độc giả phải chú ý ngay từ đoạn mở đầu bài thơ.

Thời của Nguyễn Khuyến đi sau Nguyễn Du nên tư tưởng phóng khoáng hơn, ít bị gò bó trong loại thơ Đường luật nữa, mà đây là loại thơ chữ Nôm, đọc lên người Việt hiểu rất nhanh và hiểu một cách rõ ràng ý tứ của câu văn. Bởi lẽ những bài thơ chữ Nôm như thế các nhà thơ thường ít dùng đến điển tích như thơ Đường luật, nên được nhiều người ưa chuộng hơn.

Tóm lại, chương thứ 4 này là chương tương đối quan trọng. Vì lẽ lâu nay chưa ai xác định được là Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trong giai đoạn nào. Qua những dẫn chứng của Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh và sự suy luận từ lịch sử, mong rằng chúng ta sẽ có được một kết luận rõ ràng về tác phẩm văn học của Việt Nam chúng ta. Nó không phải chỉ có giá trị riêng cho người Việt mình mà nó chính là sự thành công của Nguyễn Du khi đem câu chuyện bình thường từ Trung Hoa về Việt Nam rồi diễn dịch ra 3.254 câu thơ lục bát tuyệt vời như vậy. Điều này là nhờ vào đầu óc thiên tài, lịch lãm của Nguyễn Du và từ đó thế giới đã đánh giá cao về tác giả và tác phẩm, nên tác phẩm này đã được dịch ra gần 30 ngôn ngữ đương đại như: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga v.v… Đây là sự thành công của tác giả và tác phẩm, khiến cho thế giới phải quan tâm và hướng về Việt Nam của chúng ta để tìm hiểu văn hóa, lịch sử, thơ văn. Như thế là những điểm được tuyên dương tư tưởng này, nhằm tiếp tục giới thiệu với mọi người trên năm châu bốn biển.

Sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ đại thắng mấy vạn quân Thanh sang xâm chiếm nước ta vào năm 1789, thì uy thế của Quang Trung hay nói đúng hơn là của anh em Tây Sơn ngày càng vững mạnh, đối với trong nước và ngay cả với Trung Quốc, nên sau khi Quang Trung thắng trận đã cử Đoàn Nguyễn Tuấn, vốn là bạn văn chương của Nguyễn Du, dẫn Phái đoàn sang Yên Kinh gặp Vua Càn Long để nhận sắc phong làm An Nam Quốc Vương. Và chính trong thời điểm 1789-1790 đó Nguyễn Du đã gặp Phái đoàn này tại Hoàng Châu và họ đã tâm tình với nhau như là những tri nhân, tri kỷ lâu ngày mới gặp lại, và sau này Đoàn Nguyễn Tuấn trở thành anh vợ của Nguyễn Du.

Đến năm 1792, vua Quang Trung băng hà và cho đến nay cũng chưa có nguồn sử liệu nào cho biết lý do chính thức là gì cả, mà chỉ biết sơ sài là do Quang Trung bị nhồi máu cơ tim nên đột tử. Nguyễn Quang Toản là con thứ của Nguyễn Huệ lên thay cha, vì còn quá trẻ nên bị các đại thần khuynh loát. Trong thời gian này (1792-1802) chính là cơ hội tốt nhất để Nguyễn Ánh Gia Long và đoàn tùy tùng của ông từ Thái Lan trở về quê hương để khôi phục vai trò của Chúa Nguyễn đã bị đứt đoạn từ năm 1777.

Trong khi đó Nguyễn Du đã viết xong truyện Kiều có lẽ ông cũng phải nhờ bạn thơ của ông là Đoàn Nguyễn Tuấn và nhiều người đỗ đạt cao hơn ông lúc đương thời xem lại, cũng như góp ý câu văn hay cách gieo vần v.v… Có thể người anh là Nguyễn Nễ (Đề), người đang làm quan dưới triều Tây Sơn cũng không thể thiếu mặt trong đại tiệc văn chương này.

Từ những năm 1791, gia đình của ông cũng gặp cảnh không may như trong Tự Điển Toàn Thư Mở tiếng Việt đã ghi lại như sau:

“Tháng mười, năm Tân Hợi (1791) anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết. Dinh cơ, từ đường họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh bị tướng Tây Sơn Lê Văn Dụ đốt cháy, phá hủy, làng Tiên Điền bị làm cỏ vì cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quýnh.

Năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Du về thăm quê Tiên Điền và đến cuối năm ông vào kinh đô Phú Xuân thăm anh là Nguyễn Đề, đang làm Thái Sử ở Viện Cơ Mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn.

Năm Giáp Dần (1794), Nguyễn Đề được thăng Tả Phụng Nghi Bộ Binh và vào Quy Nhơn giữ chức Hiệp Tán Nhung Vụ. Nguyễn Du và Nguyễn Ức được Nguyễn Đề giao cho việc về Hồng Lĩnh, xây dựng lại Từ Đường và làng Tiên Điền, vì ông bận việc quan không thể trực tiếp trông coi.

Năm 1795, Nguyễn Đề đi Sứ sang Yên Kinh dự lễ nhường ngôi của Vua Càn Long nhà Thanh, đến năm 1796 trở về được thăng chức Tả Đồng Nghị Trung Thư Sảnh.

Mùa Đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo Chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận Công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. Sau khi được tha, ông về sống ở Tiên Điền. Trong thời gian bị giam ông có làm thơ “Mỵ trung mạn hứng” (Cảm hứng trong tù). Nguyễn Du ra Thăng Long thì Hồ Xuân Hương đã được mẹ gả cho một thầy lang xóm Tây làng Nghi Tàm.

Năm 1797, Nguyễn Đề thu xếp cùng Đoàn Nguyễn Tuấn cưới cô em út Đoàn Nguyễn Thị Huệ cho Nguyễn Du. Đoàn Nguyễn Tuấn giao cho Nguyễn Du gia trang tại Quỳnh Hải. Từ đây chấm dứt cuộc đời mười năm gió bụi.

Mùa Thu năm Nhâm Tuất (1802), Vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn. Nguyễn Đề trốn tránh tại Phú Xuân được Gia Long gọi ra. Nguyễn Đề dâng sớ, Vua Gia Long tha chết, mến tài và kính trọng dòng dõi con Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, nên cho đi theo ra Bắc Thành làm việc dưới quyền Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành. Nguyễn Nễ (Đề) cố vấn chỉ dẫn các kinh nghiệm nghi lễ đi Sứ, tiếp Sứ sang phong vương cho Vua Gia Long như trường hợp Phan Huy Ích. Đoàn Nguyễn Tuấn lúc này khoảng 50 tuổi, có lẽ về ẩn cư trong “Phong Nguyệt Sào” (Tổ Gió Trăng) là một cái chòi trong vườn hoa nhà mình, ngâm vịnh trong đó, tự hiệu là Sào Ông.” (Hết trích)

Thân sinh ông là Nguyễn Nghiễm làm quan dưới thời Chúa Trịnh, có đến 8 bà vợ và 21 người con. Nguyễn Du là con của bà vợ thứ 3. Chế độ Nho gia không cấm người đàn ông có năm, bảy vợ, nhưng người đàn bà bắt buộc chỉ được lấy một chồng, nên xã hội mới dẫn đến sự bất công và nam nữ không có quyền bình đẳng với nhau. Đến đầu thế kỷ 20, phong trào phụ nữ đòi quyền sống và quyền chỉ một vợ một chồng, đã xảy ra khắp nơi trên thế giới để bênh vực cho người phụ nữ. Tuy nhiên cho đến thế kỷ 21 này, vẫn còn một số đạo cho phép người đàn ông có nhiều vợ như Hồi Giáo, hay những ông vua ở các bộ lạc tại Châu Phi vẫn còn chế độ đa thê. Tục lệ này muốn chấm dứt có lẽ phải chờ cho trình độ dân trí tại những nơi đó phát triển mạnh, thì chính người phụ nữ mới có thể thoát ra khỏi chế độ đa thê này được.

Người xưa thường nói: “Có phúc làm quan, có gan làm giàu”. Việc quan vị phải do học vị mà thành, nhưng có người dẫu tài giỏi mà đi thi cả bốn năm lần, chỉ mảnh bằng Tú Tài cũng không đậu, như Trần Tế Xương, theo dân gian thì đó hẳn phải là do thiếu phúc. Nhưng cũng có những người đi thi đậu cả ba khoa gọi là “Tam Nguyên Yên Đỗ” như Nguyễn Khuyến. Có người thi đậu thật cao, mà cũng có lắm kẻ chỉ vừa đủ điểm để đậu.

Ngày xưa chắc là chưa có việc hối lộ để được đậu, hay đậu mà không có khả năng ra làm việc giúp nước, giúp đời, nên người ta gọi là “Tiến Sĩ giấy”. Vì trong giấy chứng nhận có ghi tên người ấy đỗ Tiến Sĩ, chứ thực tế người ấy chưa đủ khả năng để đậu cái bằng ấy. Ngược lại cũng có lắm người không có bằng Tiến Sĩ, mà dạy học trò đậu nhiều Tiến Sĩ như ông Chu Văn An (1292-1370) chẳng hạn. Cả ông Nguyễn Trãi (1380-1442) và Nguyễn Du (1766-1820) đều chưa đậu Tiến Sĩ nhưng UNESCO đã vinh danh 3 vị này là “Danh nhân văn hóa thế giới”.

Thật ra bằng cấp nó không có tội tình gì cả. Nếu có khả năng, cứ học và thi cho đỗ đạt. Nếu chẳng may thiếu phước, thiếu phần như Trần Tế Xương (1870-1907) thì người đời cũng trân quý, chứ đâu có ai chê trách gì. Qua những bài thơ như sau của ông để chúng ta biết thêm về cái giá của việc học và việc thi.

ĐI THI

Tấp tểnh người đi tớ cũng đi,
Cũng lều, cũng chõng, cũng đi thi.
Tiễn chân, cô mất ba đồng lẻ,
Sờ bụng, thầy không một chữ gì.
Lộc nước còn mong thêm giải ngạch,
Phúc nhà nay được sạch tràng quy.
Bốn kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa,
Ú, ớ, u, ơ ngọn bút chì.

HỄ MAI TỚ HỎNG

Hễ mai tớ hỏng, tớ đi ngay,
Giỗ Tết từ đây nhớ lấy ngày.
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ăn ớt thế mà cay.
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ,
Thưng đấu nhờ tay một mẹ mày.
Cống hỉ, mét xì, đây thuộc cả,
Chẳng sang Tàu, cũng tếch sang Tây.

LỄ XƯỚNG DANH KHOA ĐINH DẬU (1897)

Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến,
Váy lê phết đất, mụ đầm ra.
Sao không nghĩ đến điều tu sĩ?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

Điểm lại những người đã sinh ra, lớn lên học hành, thi cử đỗ đạt ta thấy được kết quả như sau:

Ông Nguyễn Nghiễm (1708-1776) là thân phụ của Nguyễn Du. Năm 1724 đời Lê Dụ Tông, ông mới 17 tuổi đã đỗ thi Hương. Năm 1731 đời Lê Duệ Tông, ông đỗ Hoàng Giáp (Nhị giáp Tiến sĩ) lúc 24 tuổi. Ngoài ông ra, anh em họ Nguyễn Tiên Điền còn có Nguyễn Huệ đỗ Tiến sĩ và Nguyễn Trọng cũng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ như Nguyễn Nghiễm.

Nguyễn Nghiễm có 21 người con cả trai lẫn gái, nhưng trong đó có những người nổi bật như sau:

Nguyễn Khản (1734-1787), năm Canh Thìn (1760) thi đỗ Tiến sĩ Nho học, lúc đó mới 27 tuổi. Ông làm quan dưới thời Trịnh Sâm vì có công rất lớn trong việc giảng dạy cho Chúa khi còn là Thế Tử, nên ông đã được thăng lên Đại Học Sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế Tử.

Nguyễn Đề (Nễ) sinh năm 1761 và mất năm 1805. Tháng 10 năm 1783 ông đỗ Giải Nguyên lúc 23 tuổi, khoa thi Hương ở điện Phụng Thiên. Ông làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông. Năm 1790 (Quang Trung năm thứ 3) nhờ người quen đề cử, ông được nhà Tây Sơn mời ra giúp việc từ hàn, tiếp đến là Hàn Lâm Viện bị thư, rồi được cử làm Phó Sứ (do Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu) đi đến Yên Kinh để tuế cống triều Thanh.

Đoàn Nguyễn Tuấn sinh năm 1750 và ngày mất không rõ. Ông là con của Hoàng Giáp Đoàn Nguyễn Thục, Đại thần thời Lê Mạt, là con rể Tiến sĩ Nhữ Đình Toàn. Ông quen với Nguyễn Nghiễm (1708-1775) cha của Nguyễn Du và từ năm 1797 là anh vợ của Nguyễn Du. Năm 1787 ông cùng Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm ra giúp nhà Tây Sơn, được cử giữ chức Hàn Lâm Trực Học Sĩ (1788).

Cháu của Nguyễn Du là Nguyễn Thiện (1763-1818) hiệu là Thích Hiên, là con của Nguyễn Điều, gọi Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm là ông nội, gọi Toản Quận Công Nguyễn Khản bằng bác và gọi Nguyễn Du bằng chú. Năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784) Nguyễn Thiện thi Hương đỗ Tứ Trường, nhưng vì có loạn kiêu binh ở Kinh đô Thăng Long, thời cuộc lắm rối ren nên ông không ra làm quan. Ông là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn.

Từ đời thân phụ của Nguyễn Nghiễm, rồi đến con, cháu cả ba bốn thế hệ như vậy đều đỗ đại khoa, từ Tú Tài đến Tiến Sĩ và làm quan lớn cả trong 4 triều đại Lê Trung Hưng, Trịnh Sâm, Nguyễn Tây Sơn và Gia Long. Nếu nhìn lui lại lịch sử Việt Nam và nhìn tới kể từ thời Nguyễn Du, nghĩa là hơn 200 năm về trước cho đến nay, cả nước Việt Nam mà cũng có thể là cả thế giới, chưa có một đại gia đình nào mà ra làm cả quan văn lẫn quan võ, qua nhiều triều đại trong nhiều hoàn cảnh thay ngôi đổi chủ như vậy. Có thể chỉ có đại gia tộc họ Nguyễn ở Tiên Điền chăng?

Người xưa cũng thường hay nói rằng: “Chẳng ai giàu 3 họ, chẳng ai khó 3 đời”, trong khi đó gia đình của Nguyễn Du làm quan và hưởng sự vinh hoa phú quý đến 4 đời. Đúng là cái phước của tổ tiên đã để lại cho đại gia đình này vậy. Ngoài ra người xưa cũng hay nói rằng: “Trung thần bất sự nhị quân”, nghĩa là: “Tôi trung không thờ 2 chúa.” Ở đây cả gia tộc họ Nguyễn đã thờ đến 2 vua và 2 chúa cùng một lúc thì sao?

Phần dưới đây tôi cố gắng phân tích từng giai đoạn của thời cuộc, dưới cái nhìn có giới hạn của mình và từ đó, chúng ta có thể thấy được tâm sự của Nguyễn Du đã ảnh hưởng đến quyển Đoạn Trường Tân Thanh như thế nào khi ông sáng tác, mà chủ yếu là dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa.

Nhìn lại khoảng thời gian Nguyễn Du viết truyện Kiều ở Gác Tía tại Thăng Long (1790-1794) cũng không phải là thời gian yên ổn hoàn toàn đối với ông. Bởi vì “vào năm 1791, người anh thứ tư cùng cha khác mẹ với ông là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết. Dinh cơ, Từ đường họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh bị tướng Tây Sơn Lê Văn Dụ phá hủy, đốt cháy, làng Tiên Điền bị làm cỏ vì cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quýnh.”

Đọc đoạn văn trên đây chúng ta thấy có nhiều sự kiện lịch sử cần phải hiểu rõ thêm vào giai đoạn ấy và câu hỏi được đặt ra là tại sao Nguyễn Quýnh lại chống Tây Sơn? Nhất là sau việc đại thắng quân Thanh năm 1789, uy thế của Quang Trung Nguyễn Huệ vang lừng khắp nước và được xem là anh hùng của dân tộc. Như vậy dựa vào thế lực nào phía sau lưng mà Nguyễn Quýnh dám đứng ra đương đầu như vậy, trong khi Nguyễn Quýnh dĩ nhiên phải tự biết rằng hậu quả sẽ ra sao nếu bị thua? Và rồi mặc dầu Nguyễn Đề đang làm quan cho Tây Sơn nhưng cũng không xin được tội chết cho anh em ruột của mình, để đến nỗi Nguyễn Quýnh phải bị giết và đặc biệt là dinh cơ, từ đường họ Nguyễn ở Tiên Điền bị đốt cháy. Đây là sự đau đớn não nề cho cả gia tộc. Vì từ thời Nguyễn Nghiễm cho đến thời đại của Nguyễn Quýnh và Nguyễn Du tuy chưa cách biệt thời gian nhiều, nhưng nhờ làm quan trong triều Lê mạt, nên có lẽ Nguyễn Nghiễm cũng như Nguyễn Khản đã cho xây dựng Từ đường ở Tiên Điền to lớn đặc biệt lắm. Bởi vì Nguyễn Nghiễm làm đến chức Tể Tướng của triều đình Lê mạt, thì chỗ thờ tự phải tương xứng với tiền nhân đã có công sinh thành dưỡng dục ra mình. Thế nhưng bây giờ tất cả đều trở thành cả một đống tro tàn đổ nát, thử hỏi ai mà không đau lòng, không biết là Nguyễn Du có chạnh lòng chăng? Dĩ nhiên là phải có, nên mới mở đầu truyện Kiều, ông đã viết rằng:

“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Những điều trông thấy ấy có thể là những sự kiện của chiến tranh, sự tàn phá đổ nát của quê hương sau khi ông từ Trung Hoa trở lại Việt Nam từ năm 1790. Đây là nỗi đau thấu trời, nên chữ “Đoạn Trường Tân Thanh” có lẽ không phải ông chỉ viết cho nàng Kiều, mà ông còn muốn mô tả tâm trạng của ông trong lúc này nữa.

Sau khi Nguyễn Du viết xong Đoạn Trường Tân Thanh khoảng năm 1793-1794 thì ông về lại thăm quê Tiên Điền, có lẽ để tạ ơn tổ tiên đã gia hộ cho ông hoàn thành một đại tác phẩm như vậy. Nhưng chốn xưa bây giờ chỉ là cảnh điêu tàn đổ nát, chẳng còn cách nào hơn, ông phải vào kinh đô Phú Xuân để thăm anh Nguyễn Đề đang làm Thái Sử ở Viện Cơ Mật và Đoàn Nguyễn Tuấn (sau này là anh vợ), để tường trình lại việc về thăm quê Tiên Điền vừa rồi.

Nguyễn Đề, anh ruột của Nguyễn Du, lúc ấy đang làm trong Cơ Mật Viện của Quang Trung Nguyễn Huệ, nên nghĩ những lời trình tấu của mình cùng với Đoàn Nguyễn Tuấn, triều đình Tây Sơn phải tin và ban cho đặc ân nào đó. Nhất là sau khi Nguyễn Du đã về lại quê cha đất tổ tại Tiên Điền, thấy Từ đường họ Nguyễn bị trở thành bình địa, mà riêng khả năng của Nguyễn Du thì không thể nào làm gì được, nên phải đến Phú Xuân mục đích chính là trình bày lại sự việc đau lòng trên mà Nguyễn Du đã chứng kiến để anh mình tâu tiếp lên vua Quang Trung.

Nguyễn Đề là một người thông minh tài giỏi nên đã được Quang Trung tin dùng và mặc dù Quang Trung đã băng hà năm 1792, nhưng những năm tháng sau này Quang Toản và triều đình Tây Sơn vẫn trọng dụng Nguyễn Đề và Đoàn Nguyễn Tuấn, nên đây là cơ hội để họ xin tái xây dựng lại Từ đường họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Năm 1794 nghĩa là sau khi Quang Trung băng hà 2 năm, Nguyễn Đề được thăng Tả Phụng Nghi Bộ Binh và vào Quy Nhơn giữ chức Hiệp Tán Nhung Vụ. Đây là một chức cai quản binh lính, thay vì ở Phú Xuân lâu nay, bây giờ lại được điều về Quy Nhơn để gần Nguyễn Nhạc và Quang Toản hơn. Càng đi xa vào Nam thì càng xa quê hơn nữa. Do đó việc về thăm lại quê xưa đối với Nguyễn Đề càng ngày càng khó khăn hơn, nên ông đã giao cho Nguyễn Du và Nguyễn Ức về Hồng Lĩnh xây dựng lại Từ Đường và làng Tiên Điền, vì ông bận việc quan không thể trực tiếp trông coi được.

Như vậy là nhiệm vụ của Nguyễn Du đã hoàn thành, như là một phần tạ ơn tổ tiên đã gia hộ cho ông viết xong quyển Đoạn Trường Tân Thanh. Và chắc hẳn vào Phú Xuân và Quy Nhơn lần này, Nguyễn Du đã mang theo tác phẩm để trình cho anh mình xem, đồng thời cho Đoàn Nguyễn Tuấn khảo duyệt lại. Bởi vì cả hai người đều là bạn tâm giao về văn chương với nhau và họ cũng đã gặp nhau tại Trung Hoa, khi Đoàn Nguyễn Tuấn dẫn phái bộ sang cầu phong An Nam Quốc Vương cho vua Quang Trung vào năm 1789 và chắc rằng họ cũng đã thảo luận với nhau về nội dung của chuyện này rồi.

Ngoài ra đến với Nguyễn Đề lần này chắc hẳn Nguyễn Du đã nhận được nguồn kinh phí tiền bạc hay vật liệu từ Nguyễn Đề và ngay cả của Đoàn Nguyễn Tuấn hay triều đình Tây Sơn để mang về lại Hồng Lĩnh lo tu tạo xây dựng lại Từ đường. Đây là một việc làm có ý nghĩa mà những cận thần của Tây Sơn không thể nào làm ngơ được. Bởi lẽ tướng của Tây Sơn Lê Văn Dụ thời Quang Trung đã đập phá, thì bây giờ (1794) thời Quang Toản cho xây dựng lại để chiều lòng Nguyễn Đề cũng như của Đoàn Nguyễn Tuấn, là một chuyện nên làm. Đây cũng là cơ hội tốt nhất cho Nguyễn Du và Nguyễn Ức thừa hành công việc mà anh Nguyễn Đề của mình đã giao phó cho.

Hai người về lại Hồng Lĩnh cũng chỉ cốt mang theo tiền bạc và trông coi cũng như góp ý đồ án xây dựng từ đường như cũ, chứ cả hai đều là con quan, bạch diện thư sinh, chắc rằng họ đã chẳng thể mó tay vào việc xây dựng được. Thời gian này Nguyễn Du chắc rất vui, vì ước nguyện đã hoàn thành, vì lẽ có từ đường, đó chính là nơi để nương tựa tâm linh, thờ cúng ông bà cha mẹ tổ tiên. Vì chính nhờ họ mà Nguyễn Du mới dệt xong được tâm trạng của mình qua tác phẩm này.

Vào ngày 1 tháng 9 năm 1795, vua Càn Long, tức Cao Tông Thuần, Hoàng đế nhà Thanh, nhường ngôi cho con là Gia Khánh Nhân Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng sau khi làm vua được 59 năm (1795 - 1736 = 59 năm) và đến năm 1799 thì vua Càn Long qua đời. Triều đình Việt Nam không thể không tham gia sự kiện quan trọng này, nên Quang Toản đã cử Nguyễn Đề đi Sứ sang Yên Kinh để dự lễ nhường ngôi của Càn Long. Khi Nguyễn Đề về lại Việt Nam được thăng chức Tả Đồng Nghị Trung Thư Sảnh. Đây là một ân huệ, mà từ đó cũng là một kinh nghiệm để Nguyễn Du học lại trực tiếp từ anh ruột Nguyễn Đề của mình cũng như của Đoàn Nguyễn Tuấn đi Sứ lần trước. Và đến thời Gia Long năm 1813, 1814 Nguyễn Du tự mình dẫn Phái đoàn sang Trung Hoa đi Sứ như anh ruột và anh vợ của mình đã làm vào năm 1789 và 1795, 1796.

Sau khi tái thiết Từ đường họ Nguyễn tại Tiên Điền xong, Nguyễn Du đi thẳng vào Gia Định năm 1796. Ông không đi vào Phú Xuân, không vào Quy Nhơn mà đã đi theo tiếng gọi lương tâm của mình hay lương tâm của thời cuộc thì đúng hơn. Bởi ông thấy rằng Vua Lê Chúa Trịnh đã không còn ở miền Bắc, còn Tây Sơn Quang Toản thì quá hèn kém, bọn gian thần điều khiển cả triều đình lúc vua còn nhỏ tuổi, nên ông hướng đến Nguyễn Ánh cũng là chuyện đương nhiên. Mặc dầu trong tâm ông vẫn biết ơn Tây Sơn, vì lẽ nếu không có Nguyễn Đề và Đoàn Nguyễn Tuấn làm quan dưới Triều Tây Sơn thì Từ đường họ Nguyễn ở Tiên Điền đã không được xây lại, và bản thân của Nguyễn Du cũng không yên vì đã từng chống lại Tây Sơn bị giam cầm, nên mới bỏ chạy sang tỵ nạn bên Trung Quốc từ những năm 1788 đến 1790. Ân ấy, nỗi niềm riêng này chắc rằng Nguyễn Du không quên, nhưng lý tưởng lại là việc khác. Do vậy mà Nguyễn Du đã âm thầm ủng hộ tinh thần phục quốc của nhà Nguyễn Trung Hưng, từ Thái Lan về muốn xây dựng lại quê hương qua miền Nam nước Việt.

Lúc ấy Nguyễn Ánh cùng quan quân được sự trợ giúp trực tiếp của Pháp, nên đã tấn công Gia Định thành và từ từ đánh chiếm ra đến Nha Trang rồi Bình Định tới Phú Xuân.

Khi Nguyễn Du có ý định trốn vào Gia Định để theo Chúa Nguyễn Ánh thì bị Quận Công Nguyễn Thận bắt giam 3 tháng ở Nghệ An. Trong thời gian Nguyễn Du bị giam giữ ở Nghệ An, chắc chắn đã được Nguyễn Đề và Đoàn Nguyễn Tuấn can thiệp, nên sau đó Nguyễn Du được trở về lại Tiên Điền để sống tại nhà Từ đường họ Nguyễn đã được xây cất tái thiết xong trước đó mấy năm. Trong thời gian bị giam ông có làm thơ My Trung Mạn Hứng (Cảm hứng khi bị giam cầm) như dưới đây.

縻中漫興

鐘子援琴操南音,
莊錫病中猶越吟。
四海風塵家國淚,
十旬牢獄死生心。
平章遺恨何時了,
孤竹高風不可尋。
我有寸心無與語,
鴻山山下桂江深。

My trung mạn hứng

Chung Tử viên cầm tháo Nam âm,
Trang Tích bệnh chung do Việt ngâm.
Tứ hải phong trần gia quốc lệ,
Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.
Bình Chương di hận hà thì liễu,
Cô Trúc cao phong bất khả tầm.
Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế Giang thâm.

Dịch nghĩa:

Chung Tử gảy đàn theo điệu Nam,
Trang Tích khi ốm ngâm nga bằng tiếng Việt.
Khắp bốn bể đầy gió bụi, nghĩ tình nhà việc nước mà rơi lệ,
Mười tuần nằm trong lao tù, lòng thấp thỏm chuyện sống chết.
Bao giờ mới hết hận Bình Chương?
Khó mà có phong cách cao thượng của người nước Cô Trúc.
Ta có một chút tâm sự này, không biết bày tỏ cùng ai,
Dưới chân núi Hồng, sông Quế Giang sâu thẳm.

Cảm hứng khi bị giam cầm

Gảy đàn Chung Tử sầu than,
Bệnh kia Trang Tích do ngàn âm thanh.
Bốn phương gió bụi lệ đành,
Mười tuần sanh tử tử sanh ngục tù.
Bình Chương hận ấy chưa nguôi,
Cô Trúc người đó có xuôi lòng buồn?
Tâm ta vò võ đợi trông,
Ai người hiểu thấu núi Hồng, Quế Giang?

(Thích Như Điển dịch theo thể thơ lục bát)

Đúng là tâm sự của người ở tù. Người xưa thường nói rằng: “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, nghĩa là: Một ngày ở trong tù (dài như) ngàn năm ở bên ngoài. Ở đây Nguyễn Du ở tù vào năm 1796 đến 10 tuần, có nghĩa là 3 tháng mười ngày, nên những ngày ở trong tù cảm thấy dài lê thê, nhớ đến người xưa bên Trung Hoa cũng mang tâm sự như mình: Bây giờ chẳng biết ai có thể rõ được tâm sự của mình? Nên mới viết nên bài thơ này để ghi lại mấy tháng ở trong tù như vậy.

Rồi có lẽ nhờ có anh ruột là Nguyễn Đề đang làm quan cho Tây Sơn và là bạn của Quận Công Nguyễn Thận, nên Nguyễn Du được tha, đồng thời Nguyễn Thận thấy rằng Nguyễn Du là người có tài, nên đã cho trắng án. Sau đó chắc rằng Quận Công Nguyễn Thận đã bàn với hai ông quan bạn Nguyễn Đề và Đoàn Nguyễn Tuấn là nên chọn vợ cho Nguyễn Du là yên chuyện, chứ ở tuổi 30, 31 rồi mà chưa có gia đình thì khó mà buộc chân chàng lãng tử này được. Do vậy Nguyễn Đề đã thu xếp cùng Đoàn Nguyễn Tuấn cưới cô em út Đoàn Nguyễn Thị Huệ cho Nguyễn Du.

Tất cả gia đình những người xuất thân từ quan trường họ đều quen biết với nhau trong thời gian ứng thí hay sau khoa thi, lúc đỗ đạt ra làm quan, có vợ họ thường giao ước trước với nhau, sau này có con cái thì làm sui gia cưới gả với nhau. Do vậy ở dưới xã hội ngày xưa việc “môn đăng hộ đối” tự động hình thành do quan niệm đã sắp đặt sẵn này, chứ hai người nam nữ hầu như ít có quyền tự chọn mối lương duyên cho chính mình. Cũng vì thế mà Nguyễn Du với mối tình ba bốn năm với Hồ Xuân Hương qua thi ca cũng không thành, vì năm ấy Hồ Phi Mai nghe lời mẹ đã xuất giá, khiến cho Nguyễn Du phải ngẩn ngơ một thời gian. Nên Nguyễn Nễ cũng thấy rằng việc cưới vợ cho Nguyễn Du là kế sách hay để giữ chân người tài hoa ấy, chứ nếu Nguyễn Du không gia đình, đi lang thang đây đó lại mang họa vào thân.

Khi về lại làng Tiên Điền năm 1797 để kết hôn với người vợ là Đoàn Nguyễn Thị Huệ do Nguyễn Đề và Đoàn Nguyễn Tuấn sắp đặt cho yên bề gia thất, lại được Đoàn Nguyễn Tuấn giao cho gia trang ở làng Hải Yên, huyện Quỳnh Hải, Thái Bình để trông coi cũng như làm thơ chờ thời. Trong văn học gọi thời gian này là “chấm dứt 10 năm gió bụi”.

Thật ra, nếu kể từ năm ông sang Vân Nam, bị bệnh 3 tháng tại đó, rồi sang Trung Quốc vào năm 1788 thì đúng là 10 năm và trong suốt 10 năm ấy Nguyễn Du đã là một người lang bạt rày đây mai đó, không vợ không con, không người thân bên cạnh. Ông sống với thơ văn, với lý tưởng của người không hoài cổ mà chọn mới, do vậy ông đã làm nhà sư Chí Hiên ở đến 3 năm tại Trung Quốc (1788-1790), rồi về nước viết Đoạn Trường Tân Thanh để giải bày tâm sự của mình hay tâm sự của nàng Kiều cũng chỉ là một cách nói khác mà thôi. Thành công ấy ngoài sự mong đợi của ông. Bởi lẽ ông là một người có tài, nên thời nào ông cũng được nhiều người mến chuộng, ưa thích. Lý tưởng cách mạng muốn thay đổi thời thế là một việc khác, mà hoàn cảnh chung quanh chưa thuận tiện thì có thể chỉ chờ thời mà thôi. Cho nên có câu:

貧居鬧市無人問,
富在深山有遠親。

“Bần cư náo thị vô nhân vấn
Phú tại thâm sơn hữu viễn thân.”

Nghĩa:

Người nghèo ở ngay giữa chợ chẳng ai hỏi thăm,
Người giàu ở trong núi sâu cũng có người từ xa đến viếng.

Hay như câu:

有麝自然香。

“Hữu xạ tự nhiên hương”

Nghĩa:

“Thật có hương thơm thì sẽ tự nhiên lan tỏa ra.”

Như vậy Nguyễn Du tự biết mình chưa đến thời, nên an phận và chờ cho quân của Gia Long tiến ra Bắc Hà, lúc ấy mới ra phụng sự. Bởi vì lúc ấy Nguyễn Du hãy còn trẻ và trong tay chưa có sự nghiệp gì đáng nói. Lúc trẻ thì sinh ra trong gia đình giàu có sung sướng, hưởng vinh hoa phú quý của cha ông. Lớn lên học hành thi đỗ, nhờ anh nhờ bạn. Đến tuổi thanh niên chưa tự lập được, ông lại nhờ ông anh vợ rộng rãi nên được kết hôn với Đoàn Nguyễn Thị Huệ và tại Quỳnh Hải, Nguyễn Du sống với vợ hiền, mộ tập lính tráng, lương thực để chờ thời.

Tôi cố gắng tra lục tìm tài liệu nói về cuộc đời của Nguyễn Du từ sau khi lấy Đoàn Nguyễn Thị Huệ (1797), nhưng hầu như không có sách vở nào đề cập đến mối tình phu phụ của họ ra sao, họ có bao nhiêu con và con cái của họ có ai học đỗ đạt ra làm quan lớn như cha ông họ hay không. Tại sao vậy? Từ Nguyễn Khản, Nguyễn Đề rồi Nguyễn Du là những người đại khoa bảng, đều là con ông Nguyễn Nghiễm. Không lẽ thời thế chỉ tạo ra những nhà Nho, những anh hùng dân tộc, những nhà thơ, nhà cách mạng không quá ba đời chăng?

Có lẽ người xưa đã nói đúng, “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”. Tất cả đều do nghiệp lực và nhân duyên tạo tác của mỗi người, mà kết quả chúng ta hưởng được ngày hôm nay là như vậy. Dẫu cho gia đình có quyền quý cao sang bao nhiêu đi chăng nữa, thì ai sinh ra rồi cũng phải già, phải bịnh và phải chết. Cũng bởi vì để giải quyết chuyện sinh tử này, nên Thái Tử Tất Đạt Đa mới xuất gia tầm đạo. Nếu không, Ngài đã ở lại chốn triều ca, tiếp nối ngai vàng từ vua Tịnh Phạn, chứ đâu cần phải đi vào rừng sâu để tầm sư học đạo làm gì?

Đọc lịch sử chúng ta cũng thấy, nếu ngai vàng là chỗ tranh bá đồ vương, là nơi quyền cao lộc cả, thì những danh lợi sắc tài này nó cũng chỉ giới hạn qua thời gian năm tháng, chứ không miên viễn với đời. Nếu Nguyễn Du chọn con đường công danh và quan lại, thì cũng chỉ một thời rồi người đời sẽ lãng quên. Còn thơ văn truyện Kiều cũng như Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh vẫn luôn còn đó. Những áng văn chương đã một thời làm cho nhân loại phải quan tâm và có lẽ không phải chỉ 300 năm về trước, mà còn hơn thế nữa, người Việt Nam trải qua nhiều thế hệ trong tương lai sau này vẫn sẽ không làm ngơ trước 2 tuyệt tác phẩm này.

Dĩ nhiên là ông còn rất nhiều bài thơ hay trong khi đi Sứ sang Trung Hoa năm 1813, 1814, nhưng chủ đích của tôi không đi sâu vào những lĩnh vực văn chương này của Nguyễn Du, mà mục đích chính của tôi là tìm hiểu cho chính xác là Nguyễn Du đã viết truyện Kiều lúc nào? Cũng như tại sao hay cơ hội nào mà ông viết Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh? Những điểm khác quý độc giả có thể tìm các tác phẩm phê bình về văn học và thơ văn của Nguyễn Du thì sẽ được đáp ứng tất cả.

Người xưa thường nói: “Anh hùng tạo thời thế”, nhưng nhiều khi anh hùng không tạo được thời thế mà cũng phải chờ thời thế đến mới nắm bắt được, như trường hợp của Nguyễn Du là một chăng? Dĩ nhiên đứng về phương diện lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, thì những câu chuyện như thế không phải là đã không xảy ra, nhưng ở thời đại Nguyễn Du lại có những cách suy nghĩ cũng như ứng xử như vậy, khiến cho chúng ta cần tìm hiểu giai đoạn lịch sử này nhiều hơn nữa và thử đặt vị trí của chính mình như Nguyễn Du thời xưa thì phải xử sự ra sao?


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Phật đời xưa


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Chớ quên mình là nước

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.90.183 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...