Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Các bậc chân sư yogi Ấn Độ »» CHƯƠNG XI: SỰ GIAO CẢM NHIỆM MẦU »»

Các bậc chân sư yogi Ấn Độ
»» CHƯƠNG XI: SỰ GIAO CẢM NHIỆM MẦU

Donate

(Lượt xem: 7.164)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Các bậc chân sư yogi Ấn Độ - CHƯƠNG XI: SỰ GIAO CẢM NHIỆM MẦU

Font chữ:

Mặc dù đã trải qua cả một thời thơ ấu với những dự báo nhiệm mầu và nhiều gian nan, vất vả mới gặp được sư phụ Śrỵ Yukteswar và được theo học tại đạo viện của người, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi được một lỗi lầm mà hầu hết những kẻ sơ cơ học đạo đều mắc phải: Không bao giờ ý thức đầy đủ được về tầm quan trọng và giá trị của vị tôn sư đang kề cận dạy đạo cho mình. Điều này cũng là một tâm lý thông thường mà người thế tục vẫn gọi là “Đứng núi này trông núi nọ.”

Quả thật vậy. Sau sáu tháng tu tập với thầy Śrỵ Yukteswar tại tu viện ở đường Rai Ghat, tôi bắt đầu thấy chán nản với những phận sự được giao hằng ngày, và nhất là với bài vở ở trường đại học mà sư phụ đã buộc tôi phải trở lại theo học. Hơn thế nữa, tự trong tiềm thức xa xôi của mình, tôi vẫn chưa quên được giấc mơ học đạo trên dãy Hy Mã Lạp Sơn đầy thánh tích. Một hôm, không kiềm chế được tâm trạng âm ỉ của mình, tôi thưa với sư phụ:

– Bạch sư phụ, xin sư phụ cho phép con lên Hy Mã Lạp Sơn để tu tập một thời gian. Con hy vọng cảnh núi rừng hoang vu cô tịch trên ấy sẽ giúp con thuận tiện hơn trong việc điều phục tâm ý.

Sư phụ nhìn tôi với ánh mắt cảm thông sâu xa mà phải rất lâu về sau tôi mới hiểu được. Người đã hiểu thấu tâm trạng tôi lúc ấy và biết rằng những kinh nghiệm tâm linh của riêng người không giúp được gì cho tôi trong lúc ngọn lửa bốc đồng của tuổi trẻ vẫn còn đang rực cháy. Sư phụ nói với tôi bằng giọng điềm tĩnh pha chút nghiêm nghị:

– Này con, chốn rừng núi hoang vu ấy không phải chỉ toàn những người chứng đạo không đâu. Còn có những mối hiểm nguy từ thú dữ, những thổ dân hoang dã và đường đi gian lao hiểm trở. Hơn thế nữa, sự rét buốt quanh năm trên đó không phải là dễ chịu cho bất cứ ai. Làm sao con có thể không học đạo với một con người mà mong rằng sẽ đạt được giải thoát trong những động đá hoang vu vô tri giác?

Thật là một sự ngu mê mà suốt quãng đời về sau tôi không sao có thể tự tha thứ cho mình được. Câu trả lời của sư phụ như ngọn đuốc sáng rỡ soi thấu sự vô lý trong ý muốn bốc đồng của tôi, nhưng tôi như người lóa mắt không sao thấy ra được những điều người muốn nói. Vì thế, không bao lâu sau, tôi lặp lại yêu cầu trên một lần nữa với người. Lần này, sư phụ chỉ im lặng nhìn tôi không nói gì. Trong sự u mê của mình lúc ấy, tôi cho rằng đó là dấu hiệu đồng ý của người.

Khi trở về nhà ở Calcutta, tôi dành trọn buổi tối để tức thời chuẩn bị cho việc lên đường. Nhìn gói hành lý được chuẩn bị xong, tôi bỗng dưng nhớ lại gói hành lý năm xưa trong chuyến đi không thành lên Hy Mã Lạp Sơn. Tôi tự hỏi không biết lần này có lại thất bại nữa hay chăng? Thật ra, trong chuyến đi lần trước, tôi chỉ lo sợ vì gia đình không cho phép sự ra đi của tôi; còn chuyến đi lần này tôi không có gì để lo sợ, mà chỉ cảm thấy một sự buồn bực kỳ lạ khi nghĩ đến việc sẽ không còn được gặp gỡ sư phụ Śrỵ Yukteswar hằng ngày nữa.

Tôi tự vạch ra cho mình một kế hoạch hành trình để đi lên Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng trước tiên, tôi còn có một việc khác phải làm. Tôi tìm đến vị giáo sư dạy Phạn ngữ ở trường đại học của tôi, ông Behari, để hỏi xin địa chỉ của một người mà tôi cho là mình cần phải gặp trước khi lên đường. Tôi nói với giáo sư:

– Thưa ông, ông có nói với tôi về một vị cao đồ của đức Lahiri Mahsaya. Ông có thể cho tôi địa chỉ của người ấy được chăng?

– Chắc anh muốn nói đến Ram Gopal Muzumdar? Tôi vẫn gọi ông ta là vị tu sĩ không ngủ, vì từ khi quen biết ông ta tôi chưa từng thấy ông ta ngả lưng nằm ngủ bao giờ. Ông luôn luôn sống trong tâm trạng tỉnh thức của thiền định. Đây là địa chỉ của ông ta ở Ranbajpur, gần Tarakeswa.

Tôi cảm ơn giáo sư và lập tức sắp xếp đi Tarakeswa bằng xe lửa. Những hiểu biết của tôi về vị tu sĩ không ngủ này còn rất sơ sài. Tôi chỉ nghe nói là người đã đạt đến một sự chứng ngộ sau nhiều năm tu tập thiền định trong một động đá hoang vu cô tịch. Tôi hy vọng người sẽ truyền đạt cho tôi được ít nhiều những kinh nghiệm thực tế mà tôi có thể áp dụng được trong những ngày tu tập sắp tới trên dãy Hy Mã Lạp Sơn hoang vu kỳ bí.

Tại Tarakeswa có một ngôi đền rất lớn được hầu hết người Ấn Độ sùng kính và thường xuyên tìm đến lễ bái rất đông đúc. Một trong những điểm đặc biệt nhất của ngôi đền thiêng này là việc cứu thoát nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho những ai thành tâm đến đây cầu nguyện. Một bà cô của tôi đã may mắn được là một người trong số đó. Hơn thế nữa, trường hợp của bà còn đặc biệt hơn những người khác ở điểm là không phải bản thân bà có bệnh. Bà đã đến đây cầu nguyện cho người chồng trong hơn một tuần lễ với sự chí thành. Vào đêm thứ bảy, bà ngủ thiếp đi một lát trước điện thờ vì quá mệt mỏi. Khi giật mình tỉnh lại, bà nhìn thấy một nhành lá tươi ngay trước mặt mình. Vui mừng, bà mang nhành lá ấy về sắc nước cho chồng uống, và căn bệnh kinh niên của ông ta đã hoàn toàn biến mất ngay sau đó một cách thật khó tin.

Tôi đã nghe quá nhiều về ngôi đền đến nỗi không thể không đến viếng khi tôi vừa đặt chân đến Tarakeswar. Nhưng khi đến nơi, cách bài trí của ngôi đền đã làm cho tôi không khỏi ngạc nhiên khi vừa bước vào.

Điện thờ hoàn toàn hết sức đơn giản. Chỉ có một khoảng sân rộng mênh mông dành cho khách hành hương đến lễ bái. Và đối tượng lễ bái là một... tảng đá.

Vâng, chỉ là một tảng đá tròn đặt trên bệ thờ cao, tượng trưng cho mọi sức mạnh thiêng liêng trong vũ trụ với hình tượng không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc.

Trong lòng tôi lúc ấy, tôi cho rằng người ta chỉ nên lễ bái những biểu tượng của giải thoát. Một tảng đá vô tri giác không phải là trí tuệ giải thoát mà tôi đang tìm kiếm. Vì thế, tôi chỉ đứng nhìn với vẻ ngạo mạn mà không chịu quỳ xuống lễ bái như bao nhiêu người khác. Một vài người trong số khách hành hương nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên dò hỏi, nhưng tôi chỉ phớt lờ đi và lặng lẽ quay ra.

Ra khỏi đền thờ, tôi dò hỏi vài người khách đi đường và biết được đường đến ngôi làng Ranbajpur, một làng nhỏ mà người ta bảo tôi là cách đó cũng không xa lắm.

Không bao lâu tôi đến một ngã tư đường và dừng lại băn khoăn vì không biết phải đi thẳng hay rẽ theo lối nào. Tôi liền hỏi thăm một người có vẻ là dân địa phương lúc đó cũng vừa đi đến. Ông ta nghe tôi nói tên vị tu sĩ và tỏ ra rất quen thuộc. Ông ngẫm nghĩ một chút như để tìm cách diễn đạt sao cho tôi dễ hiểu, rồi quay về phía ngã tư đường, ông đưa tay chỉ:

– Theo con đường rẽ sang tay phải, ông chỉ việc đi thẳng và sẽ đến nơi mà không cần hỏi thăm ai khác đâu.

Tôi cảm ơn sự nhiệt tình của ông ta và rảo bước đi nhanh vì nôn nóng muốn sớm gặp được người mình tìm kiếm. Một lát sau, tôi gặp một con kênh đào và con đường bắt đầu chạy dọc theo bờ kênh. Thật đáng ngạc nhiên khi tôi vẫn đi mãi, đi mãi cho đến khi trời đã tối mà chưa đến được nơi nào cả. Không có vẻ gì là tôi đang đi đến làng Ranbajpur như lời chỉ dẫn của những người trong thành phố, bởi vì họ đã nói với tôi là ngôi làng không xa lắm.

Trời tối hẳn và cảnh vật trở nên hoang vu kỳ lạ. Chỉ khi ấy tôi mới nhìn thấy được ở xa tít về phía trước những đốm lửa nhỏ lờ mờ cho thấy có vẻ như là có một ngôi làng ở đó. Tôi ước chừng cũng phải mất khoảng một giờ nữa mới đến được nơi ấy, vì những đốm lửa trông không rõ lắm, chắc phải là rất xa.

Tôi cảm thấy mỏi mệt và thất vọng rã rời, vì đến lúc này thì tôi biết chắc là mình đã đi nhầm đường. Giáo sư Behari cũng đã nói với tôi rằng làng Ranbajpur nằm rất gần Tarakeswar. Như vậy, ngôi làng mà tôi nhìn thấy kia may ra cũng chỉ là một chỗ nghỉ chân, còn hy vọng gặp gỡ vị tu sĩ Ram Gopal Muzumdar trong hôm nay xem như đã hoàn toàn tan biến.

Tôi lần bước trong đêm tối được thêm một quãng xa nữa thì nghe có tiếng khua động. Một nông dân dắt bò từ dưới ruộng vừa bước lên đường. Chắc hẳn ông ta phải là người ở trong ngôi làng phía trước kia. Tôi hối hả đến gần và hỏi thăm ông ta về tu sĩ Ram Gopal. Ông này suy nghĩ một lát và nói:

– Không có ai mang tên đó ở làng chúng tôi cả.

Ông ta có vẻ nghi ngờ vì không hiểu được tôi là ai. Tôi liền giải thích cho ông hiểu mục đích chuyến đi của tôi... Ông ta nói:

– Đúng là ông đã đi nhầm đường. Làng Ranbajpur nằm cách đây rất xa. Khi ở chỗ ngã tư bên ngoài Tarakeswar, lẽ ra ông phải đi về bên trái thay vì bên phải.

May mắn thay, ông là một người rất tốt bụng. Ông đưa tôi về nhà và dọn chỗ cho tôi nghỉ đêm lại sau khi đã chiêu đãi một bữa tối thịnh soạn với cà-ri, súp đậu, khoai tây và chuối. Tôi ăn rất ngon vì quá đói.

Tuy nhiên, cho dù rất mệt mỏi tôi vẫn không sao chợp mắt ngủ được trong đêm đó. Thái độ của người chỉ đường cho tôi ban chiều làm tôi vô cùng khó hiểu, vì ông ta có vẻ biết rõ về tu sĩ Ram Gopal và ngôi làng mà tôi muốn đến. Như vậy, vì sao ông cố tình chỉ cho tôi đi sai đường? Hơn thế nữa, tôi vẫn chưa gặp được vị tu sĩ, người đã thôi thúc tôi vượt đường xa đến tận nơi này.

Trong cơn mê tưởng chập chờn vì quá mỏi mệt, tôi lại nhớ đến tảng đá tròn trong ngôi đền và có cảm giác như mình đã sai trái khi tỏ thái độ ngạo mạn trước một biểu tượng thiêng liêng mà rất nhiều người đang lễ bái... Tất cả những suy nghĩ và hình ảnh đó cứ chập chờn mãi trong đầu tôi khiến cho tôi không sao thiếp ngủ đi được... cho đến khi trời sáng rõ.

Sáng hôm sau, tôi trở ngược lại theo con đường cũ để tìm đến làng Ranbajpur. Tôi đã gặp và hỏi thăm ít nhất là 5 người trên đường đi. Người nào cũng nói với tôi là còn chừng 2 dặm nữa sẽ đến làng Ranbajpur. Nhưng tôi đi đã 6 tiếng đồng hồ mà vẫn chỉ thấy toàn là đồng trống hai bên đường, không có dấu hiệu gì của làng mạc. Mặt trời nóng gắt và bầu trời trong xanh không một chút mây làm cho tôi thấy choáng nắng. Tôi tự nghĩ có lẽ không sao đủ sức để tiếp tục bước đi, nhưng cũng không nhìn thấy bóng mát nào gần đó khả dĩ có thể tạm dừng chân nghỉ ngơi trong chốc lát.

Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy một tu sĩ từ phía trước đi ngược về phía tôi. Mặc dù con đường trống trơn, nhưng trước đó mấy phút tôi không hề nhìn thấy ông ta, nên tôi có cảm tưởng như ông ta đã đột ngột hiện ra không từ đâu cả!

Vị tu sĩ có vóc người nhỏ bé và thậm chí là hơi gầy ốm, nhưng đôi mắt sáng rỡ và linh hoạt. Trong đôi mắt ấy tôi nhìn thấy những tia sáng chiếu ra khi người nhìn vào tôi, còn sáng rực hơn cả ánh sáng mặt trời đang lúc giữa trưa này. Ông dừng lại trước mặt tôi, mỉm cười hiền hòa và nói:

– Lẽ ra tôi đã rời Ranbajpur, nhưng vì em tìm tôi với một ý tốt nên tôi còn ở lại để chờ em.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi vị tu sĩ lại tiếp tục nói mà không chờ tôi nói ra điều gì:

– Em thật ngây thơ khi nghĩ rằng có thể đến gặp tôi mà không được sự cho phép trước. Hơn nữa, lẽ ra giáo sư Behari không nên cho em địa chỉ của tôi.

Tôi cảm thấy việc tự giới thiệu mình là không cần thiết nữa, và càng không cần thiết phải hỏi xem tu sĩ này là ai, bởi những lời của ông đã nói lên quá rõ điều đó. Tuy hết sức ngạc nhiên nhưng tôi hơi khó chịu, có cảm giác như bị xúc phạm vì những lời nói thẳng của người.

Tu sĩ Ram Gopal – vâng, chính là ông ta – dường như không quan tâm mấy đến những cảm xúc của tôi lúc ấy. Ông tiếp tục nói những gì ông muốn nói, càng làm cho tôi thêm ngạc nhiên hơn nữa:

– Này em, hãy nói cho tôi biết em nghĩ là có thể tìm thấy Phật ở những nơi nào?

Tôi đáp, hoàn toàn là theo lời dạy của thầy tôi:

– Trong tâm tôi, trong tâm ngài và cũng ở khắp mọi nơi.

Tu sĩ cười vẻ mỉa mai:

– Thế tại sao hôm qua em đã từ chối không lễ bái tảng đá trong đền thiêng? Phải chăng vì tảng đá ấy không có hình dáng đức Phật?

Tôi lặng thinh và chợt nhận ra sự sai lầm của mình. Vị tu sĩ nói tiếp:

– Đức tin chân thật không cần thiết phải được biểu lộ qua bất cứ hình thể nào, và vì thế mà nó cũng có thể được biểu lộ qua mọi hình thể. Nếu em đã biết rằng đức Phật hiện hữu ở khắp mọi nơi, thì không có lý do gì để em từ chối bỏ lỡ đi một cơ hội lễ bái ngài thông qua hình thể tảng đá. Nên biết rằng, thậm chí em còn có thể lễ lạy hư không mà không cần có một hình thể nào biểu lộ. Sự kiêu mạn của em, coi thường đức tin của bao nhiêu người khác là một lỗi lầm không thể tha thứ nếu không có sự chân thành hối cải.

Tôi thấy mình không còn gì để biện bạch thêm nữa ngoài việc nhận lỗi. Tu sĩ Ram Gopal thân mật nắm lấy tay tôi dắt đi theo hướng ngược lại trên con đường. Một luồng hơi ấm từ cơ thể người như truyền qua cơ thể tôi. Mặc dù giữa trời trưa nóng bức, tôi chợt thấy vô cùng khoan khoái và mọi sự mệt nhọc bỗng chốc tiêu tan không còn nữa.

Vừa bước đi theo người được vài bước, tôi bỗng thấy kinh ngạc đến sửng người lại không sao bước đi được nữa. Trước mắt tôi là một ngôi làng nhỏ nằm bên đường với những túp nhà tranh xinh xắn, người và súc vật đi lại đông đúc trên những con đường mòn chạy ngang dọc qua lại trong làng. Chỉ mới lúc nãy thôi, tôi đã đi ngang qua đây mà chỉ thấy toàn là đồng trống!

Tu sĩ Ram Gopal có vẻ như rất dễ dàng biết được những ý nghĩ của tôi. Ông nói:

– Từ sáng đến giờ em đã qua lại ngôi làng này đến 5 lần rồi, và tôi cho như thế là quá đủ để dẹp bỏ lòng kiêu mạn của em.

Rồi ông ta dắt tôi đi vào làng, vừa đi vừa nói tiếp:

– Trên con đường học đạo, có thể em phải tìm kiếm cho ra bậc minh sư đầy trí tuệ để nương theo cầu đạo giải thoát. Nhưng một khi đã được chứng ngộ, em sẽ nhìn thấy đạo giải thoát hiển hiện ở khắp cả mọi nơi. Dù em có tìm đến thánh tích Lam-tỳ-ni hay một tảng đá ở ngôi đền tại Tarakaswar, lẽ ra em cũng đều phải chiêm bái với lòng thành kính như nhau.

Giọng nói của vị tu sĩ không còn vẻ trách cứ nữa mà như một lời giải thích ôn tồn, thân mật. Đến đây, ông lại vỗ vai tôi và nói tiếp:

– Này người bạn nhỏ, em đã sai lầm khi muốn bỏ thầy ra đi tìm đến những động đá hoang vu. Thầy của em là một bậc minh sư đã giác ngộ. Em không thể tìm đâu ra một người như thế nếu em bỏ đi lên Hy Mã Lạp Sơn. Hơn thế nữa, những động đá vô tri giác không phải là điều kiện bắt buộc phải có cho sự chứng ngộ của bản thân em.

Và kỳ lạ thay, Ram Gopal lặp lại một cách chính xác điều mà thầy tôi đã từng nói với tôi trước đây:

– Các vị minh sư chứng ngộ không đòi hỏi phải cư trú cố định ở đâu cả, cho dù đó là dãy Hy Mã Lạp Sơn hay bất cứ một nơi nào khác.

Rồi để giải thích rõ hơn, vị tu sĩ nói tiếp:

– Dù là Ấn Độ hay Tây Tạng, sự xuất hiện của các bậc thánh nhân giác ngộ qua nhiều thế hệ cũng không hề có nghĩa là chỉ những nơi ấy mới có được các bậc minh sư chứng ngộ. Con người ở khắp mọi nơi đều mang trong tâm mình hạt giống giải thoát, chỉ cần biết tự tìm lại chính mình thì chúng ta sẽ nhận ra là không cần phải phí công đi đến bất cứ đâu. Trong lịch sử đã có không ít những trường hợp người cầu đạo đi đến cùng trời cuối đất để rồi một ngày kia chợt nhận ra vị minh sư là người luôn ở sát bên cạnh mình.

Lúc này, tôi lặng lẽ tán đồng những lời nói của Ram Gopal, và bất chợt nhớ lại sự gặp gỡ kỳ diệu giữa tôi với sư phụ Śrỵ Yukteswar ngày trước. Quả thật có biết bao nhiêu điều người ta không sao có thể hiểu được hết với trí óc tầm thường của mình.

Ram Gopal bất chợt quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi một cách thật nghiêm nghị:

– Em có được một căn phòng riêng chỉ mình em sử dụng chứ?

– Vâng, tôi có.

Ram Gopal nhoẻn miệng cười và nói chậm rãi, dằn từng tiếng một:

– Đó chính là động đá của em, không cần phải tìm động đá nào khác trên Hy Mã Lạp Sơn.

Rồi ông thong thả nói tiếp:

– Chỉ cần em tu tập đúng hướng, đó sẽ là nơi em chứng ngộ, đạt được giải thoát. Còn nếu em mãi nuôi ảo tưởng như hôm nay, cho dù em có ngồi giữa tuyết lạnh trên Hy Mã Lạp Sơn cho đến muôn đời cũng sẽ chẳng ích lợi gì.

Những lời giản dị mà dứt khoát của vị tu sĩ như chợt làm cho tôi bừng tỉnh. Giấc mộng lên núi tuyết mà tôi ôm ấp từ thuở bé đến nay tan nhanh đi cũng như băng tuyết dưới ánh mặt trời.

Tu sĩ Ram Gopal chỉ tay vào một mái nhà tranh ở phía trước và ra hiệu cho tôi là đã đến nơi. Vừa nắm tay tôi dẫn vào nhà, người vừa nói tiếp:

– Này bạn nhỏ, tấm lòng cầu đạo của em rất mạnh mẽ và có phần nào rất giống với chính ta ngày trước. Ta rất mến em.

Chúng tôi cùng ngồi dưới một mái hiên thoáng mát để dùng nước. Ông mang cho tôi một ly nước chanh, còn ông dùng nước lọc. Sau một lúc chuyện trò, ông để tôi ngồi ở mái hiên, còn ông sang một góc nhỏ bên chái nhà để ngồi thiền.

Trong đầu chất nặng những ý tưởng mới vừa tiếp nhận từ vị tu sĩ này, tôi cũng tự mình ngồi yên nhập vào thiền quán để chiêm nghiệm. Trong suốt bốn giờ đồng hồ sau đó, chúng tôi không còn ai để ý đến ai nữa cả.

Khi tôi ra khỏi cơn thiền định, ánh trăng chiếu sáng rõ vì mặt trời đã lặn mất từ lâu. Khí lạnh ban đêm làm tôi dễ chịu, nhưng cảm giác mạnh mẽ hơn của tôi khi trở về với cuộc sống vật chất này là cơn đói cồn cào. Tôi đã không ăn uống gì suốt ngày hôm đó trừ một ly nước chanh ban chiều, với vị chua càng làm cho bao tử tôi thêm khó chịu hơn nữa.

Dưới ánh trăng, tôi nhìn sang và thấy Ram Gopal vẫn còn ngồi bất động. Tuy nhiên, tôi không phải sốt ruột chờ lâu. Chỉ trong phút chốc ông đã vươn vai đứng dậy và đi về phía tôi.

– Ta biết em đang đói. Chúng ta sẽ cùng dùng cơm trong chốc lát nữa thôi.

Ông loay hoay nhóm lửa lên trong một cái bếp lò bằng đất nung. Tôi tự nghĩ không biết phải chờ đợi bao lâu trong cơn đói sốt ruột này, khi mà giờ ông mới bắt đầu nhóm lửa thổi cơm.

Nhưng thật kinh ngạc biết bao khi ngay cả ý nghĩ lo lắng đó của tôi còn chưa kết thúc thì Ram Gopal đã từ phía bếp lò đi lại với một mâm cơm tươm tất. Tôi nhìn thấy có cơm và súp đậu nấu với một vài món ăn khác. Tôi tự hỏi không biết ông đã làm sao để nấu xong được chừng ấy thức ăn trong một khoảnh khắc mà tôi còn chưa kịp nghĩ đến.

Đặt mâm cơm xuống trước mặt tôi, ông nói:

– Ta biết em có một đức tin khá vững vàng, nhưng có lẽ còn lâu lắm em mới chấp nhận được rằng thế giới vật chất này chẳng có một định luật nào có thể chi phối được những bậc giác ngộ.

Tôi hiểu được hàm ý trong lời nói của tu sĩ, vì người hẳn đã dễ dàng nhận ra vẻ mặt kinh ngạc của tôi. Chúng tôi cùng ăn cơm trong im lặng. Bữa ăn rất ngon và tràn đầy ân phước mà mãi mãi về sau tôi không sao quên được.

Đêm hôm đó, tôi ngủ trên một tấm nệm cũ trải trên sàn nhà vì căn nhà nhỏ không có giường. Chủ nhân của nó không hề có nhu cầu sử dụng đến thứ tiện nghi này. Tôi hiểu điều đó vì suốt đêm Ram Gopal ngồi trên chiếc tọa cụ bằng rơm của ông, không hề ngả lưng nằm nghỉ một chút nào.

Sáng hôm sau, tôi kính cẩn thưa với tu sĩ Ram Gopal những lời này:

– Bạch thầy, những kinh nghiệm tâm linh của thầy quả thật là vô giá đối với con. Xin thầy mở lòng từ bi truyền dạy cho con phép thiền định mà thầy đã thực chứng.

Ram Gopal nhìn tôi với ánh mắt hiền từ đầy cảm thông:

– Ta hiểu lòng của con, và ta cũng sẽ rất lấy làm sung sướng thu nhận được một người đệ tử như con. Nhưng điều đó không cần thiết nữa, bởi vì con đã có một vị tôn sư còn cao cả hơn ta rất nhiều.

Dừng một chút như để tôi kịp hiểu hết những lời đã nói ra, rồi vị tu sĩ mới nói tiếp:

– Vấn đề là sự chuẩn bị tự thân của chính con để tiếp nhận những tri thức được truyền trao từ một bậc thầy đã chứng ngộ. Điều đó có thể thấy rõ qua sự thay đổi tâm trạng của con từ khi mới gặp ta cho đến lúc này. Nếu con không sẵn sàng tiếp nhận, không một bậc tôn sư nào có thể giúp con đạt đạo cả.

Trầm ngâm trong giây lát, vị tu sĩ nói tiếp:

– Có một điều mà ta không thể không thú nhận với con là chính ta vẫn còn đang miệt mài trên đường cầu đạo. Những gì ta đạt được chưa phải là đã đủ, và chưa mang lại cho ta sự giải thoát hoàn toàn.

– Bạch thầy, nhưng con nghe nói thầy đã trải qua nhiều năm công phu tu tập.

– Đúng vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là ta đã chứng ngộ hoàn toàn. Mặc dù những kết quả ta đã đạt được là không thể phủ nhận, nhưng con đường sắp tới cũng vẫn còn đầy gian nan vất vả.

Dừng một chút như để nhớ lại quá khứ, rồi người cất giọng đều đều kể lại:

– Ta đã trải qua 20 năm tu tập thiền định đầu tiên trong một hang đá cô tịch, mỗi ngày trung bình là 18 giờ đồng hồ. Sau đó, ta tìm đến một động đá xa xôi hẻo lánh hơn nữa để chuyên tâm tu tập trong 25 năm tiếp theo, mỗi ngày khoảng 20 giờ đồng hồ trong thiền định. Sau giai đoạn này, ta không cần phải ngủ như người thường, vì ta tìm được sự nghỉ ngơi cho tinh thần và thể xác ngay trong khi thiền định tỉnh giác. Hơn thế nữa, ta đã khám phá ra rằng giấc ngủ hoàn toàn không còn có lợi cho những kinh nghiệm tâm linh của ta. Trong giấc ngủ, một số bộ phận cơ thể quả thật có được nghỉ ngơi, nhưng còn nhiều bộ phận khác vẫn phải hoạt động bình thường. Đôi khi, bộ óc còn phải làm việc căng thẳng hơn cả bình thường nếu còn ôm ấp một suy tư nào đó vào giấc ngủ. Ngược lại, trong trạng thái nhập định và đạt đến sự buông xả hoàn toàn, cơ thể ta thật sự được nghỉ ngơi trong sự tỉnh thức. Ta rõ biết mọi việc diễn ra trong nội tâm cũng như bên ngoài ngoại cảnh, nhưng lại hoàn toàn buông xả không vướng mắc bất cứ sự việc gì. Trong trạng thái đó, người ta không bao giờ mệt mỏi mà ngược lại còn có thể hồi sức rất nhanh nếu như trước đó đã phải làm điều gì mệt nhọc. Ta đã trải qua nhiều năm như vậy rồi, vì thế những người quen biết ta đều gọi ta là “vị tu sĩ không ngủ”.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe được những lời này. Không giấu được sự hoang mang, tôi buột miệng hỏi ngay:

– Bạch thầy, công phu tu tập của thầy như vậy, dù suốt đời cũng chưa chắc ai theo kịp. Như vậy mà thầy còn chưa đạt đến sự chứng ngộ hoàn toàn, vậy thì những kẻ mới nhập đạo như con đây làm sao dám có chút hy vọng gì?

Ram Gopal nhìn tôi, bật cười hồn nhiên như trẻ con:

– Con thật dại dột. Vậy ra con tưởng rằng có thể đạt đến sự chứng ngộ hoàn toàn sau bốn hoặc năm mươi năm công phu tu tập hay sao? Tuy nhiên, con cũng đừng vội thất vọng. Chính ngay khi con bắt đầu công phu tu tập đúng hướng, là lúc con đã bắt đầu cảm nhận được sự giảm nhẹ những khổ đau và tiến dần đến một đời sống thanh thoát không hệ lụy. Hiểu được điều đó, con mới có thể vững bước trên đường tu tập mà không chán nản, thất vọng, nhưng đồng thời cũng không còn nuôi ảo tưởng sẽ đạt được chánh đạo chỉ bằng vào sự cố công trong một thời gian hạn hẹp của cuộc đời này.

Đến đây thì tôi đã hiểu ra được những điều tu sĩ muốn truyền đạt. Tuy rất ngạc nhiên, nhưng tôi cũng nhận ra là những điều này đã xóa tan rất nhiều ý tưởng ngờ vực trong tôi từ lâu nay. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện trao đổi mà bản thân tôi phải thừa nhận là càng lúc càng thấy lý thú hơn. Ram Gopal kể cho tôi nghe về dịp gặp gỡ của người với đức Babji, sư phụ của thầy Lahiri Mahsaya. Tôi vui mừng mà ghi nhận những mẩu chuyện kể của người như những kinh nghiệm tâm linh vô giá mà tôi rất cần đến trên đường học đạo.

Tôi quyết định lưu lại Ranbajpur thêm một đêm nữa với vị tu sĩ không ngủ này. Và trong suốt đêm thứ hai dưới mái nhà tranh kỳ lạ này, chính tôi cũng không hề ngả lưng nằm ngủ chút nào. Tôi tập trung tinh thần ngồi thiền quán suốt đêm như Ram Gopal. Điều kỳ lạ là đến khoảng nửa đêm thì tôi có cảm giác như đêm tối không còn hoang vắng nữa. Tôi cảm nhận rất rõ ràng một mối quan hệ giữa tôi với vị tu sĩ đang ngồi bên kia bức vách đất, như thể chúng tôi chỉ là một cơ thể thống nhất với nhau. Tôi thấy tâm hồn mình vô cùng sảng khoái và cảm nhận những luồng ánh sáng diệu kỳ tỏa ra từ thân thể của vị tu sĩ như những hào quang của chính mình. Hơn thế nữa, đến khoảng gần sáng thì tôi cảm nhận được cả thầy tôi, đức tôn sư Śrỵ Yukteswar đang ngồi thiền ở cách tôi hàng trăm cây số tại tu viện của người. Tôi như đọc được ý tưởng của người trong im lặng: “Này con yêu dấu, ta không trách mắng con vì sự dại dột của con khi đã cãi lời ta. Đó là việc vẫn thường xảy ra cho những kẻ sơ cơ học đạo. Ta sẽ dắt dẫn con tiếp tục con đường mà chúng ta đã hứa hẹn với nhau từ muôn kiếp trước là sẽ cùng nhau dấn bước.”

Sáng hôm sau, trước khi từ biệt tôi kể lại những điều đã cảm nhận trong đêm qua cho Ram Gopal nghe. Vị tu sĩ cười và nói:

– Ta hy vọng là con hài lòng về món quà ấy của ta và sẽ không thấy hối tiếc vì đã phải vất vả tìm đến đây. Con hãy vững tin đi, một ngày kia rồi con sẽ có thể tùy ý đạt đến những kinh nghiệm tâm linh như thế mà không cần đến sự giúp sức của ta như đêm qua.

Khi ấy tôi mới hiểu ra được chuyện gì đã xảy ra. Thì ra chính nhờ sự trợ lực của vị tu sĩ không ngủ này mà tôi đã bất ngờ đạt đến một kinh nghiệm tâm linh mà lẽ ra phải nhiều năm sau tôi mới có thể tự mình đạt đến. Tôi thầm cảm ơn người vì điều đó làm củng cố rất nhiều niềm tin trong tôi. Tôi thành kính quỳ xuống hôn hai bàn chân của ngài để tỏ lòng tôn kính và quyến luyến trước khi chia tay, và người cũng dùng tay xoa đầu tôi như một cử chỉ yêu thương, khuyến khích mà các vị tôn sư thường ban cho đệ tử khi hài lòng với sự tu tập của họ.

Sau khi chia tay với vị tu sĩ không ngủ, tôi đi bộ băng đường rừng để trở lại Tarakeswar chỉ trong chưa đầy hai giờ đồng hồ. Vừa vào đến thành phố, tôi quay trở lại ngôi đền thiêng và thành kính lễ bái như một lời sám hối. Tôi cảm thấy không phải mình đang quỳ lạy một tảng đá nữa, mà như có cả mười phương chư Phật đang chứng giám cho tấm lòng thành kính hối lỗi của tôi.

Khoảng một giờ sau, tôi đã hân hoan ngồi trên xe lửa trở về Calcutta. Nhiệt tình cầu đạo của tôi giờ đây không hướng đến Hy Mã Lạp Sơn xa xôi hoang vắng nữa, mà lại hướng về dưới chân sư phụ Śrỵ Yukteswar, bậc tôn sư mà giờ đây tôi đã hiểu là có sự gắn bó với tôi bằng tiền duyên từ bao đời trước.



    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.7.103 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...