Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Tây Tạng huyền bí »» CHƯƠNG V : TẬP LÀM TU SĨ »»

Tây Tạng huyền bí
»» CHƯƠNG V : TẬP LÀM TU SĨ

Donate

(Lượt xem: 4.263)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tây Tạng huyền bí - CHƯƠNG V : TẬP LÀM TU SĨ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tại tu viện Chakpori, một ngày của chúng tôi bắt đầu từ lúc nửa đêm. Khi tiếng kèn báo đầu canh ba vang dội âm thanh đến những hành lang u tối, chúng tôi còn đang ngái ngủ đã phải thức dậy xếp lại nệm chiếu và dò dẫm tìm cái áo tràng trong bóng tối. Mặc áo xong, chúng tôi vừa bước đi vừa dồn mọi vật dụng vào áo tràng.

Chúng tôi bước xuống thang lầu và nện gót giày trên cầu thang với những tiếng động ồn ào, vì vào giờ này chúng tôi thường bực bội không vui. Trong phần giáo lý của chúng tôi có câu: “Thà nghỉ ngơi với một tâm hồn an tĩnh còn hơn là ngồi tham thiền tụng niệm mà ôm cơn tức giận trong lòng.” Tôi thường có một ý nghĩ bất kính:

– Nếu vậy, tại sao người ta không để cho chúng tôi nghỉ ngơi trong sự yên tĩnh?

Sự thức giấc vào lúc nửa đêm làm cho tôi tức giận! Nhưng không ai cho tôi một lời giải đáp thỏa đáng, thành thử tôi vẫn phải đi cùng với mọi người vào điện thờ để dự cuộc lễ cầu nguyện giữa khuya.

Tại đây, vô số những ngọn đèn thắp bằng bơ chiếu ánh sáng lung linh xuyên qua những luồng khói hương nghi ngút bay lượn trong không khí. Dưới ánh sáng lập lòe này, giữa những bóng người qua lại, những pho tượng khổng lồ của các vị thần dường như cũng cử động và nghiêng mình đáp lại tiếng hát thánh ca của các nhà sư.

Hàng trăm nhà sư và các chú tiểu đều ngồi xếp bằng trên những tấm nệm xếp thành những hàng dài trong điện thờ. Họ ngồi đối diện với một hàng và quay lưng vào một hàng khác. Họ cất tiếng hát những bản thánh ca du dương, dùng những tiết điệu đặc biệt, vì người Đông phương đã từng hiểu biết về những công năng thần bí của âm thanh. Cũng giống như một âm thanh được phát ra đúng cách có thể gây chấn động làm vỡ một cái ly, một bản nhạc dùng nhiều âm thanh hợp lại theo một tiết điệu nhất định cũng có những công năng siêu hình, thần bí.

Trong buổi lễ cũng có đọc kinh Kangyur. Thật là một cảnh tượng huy hoàng khi hàng trăm nhà sư mặc áo tràng màu đỏ sậm, với mảnh lụa yểm tâm màu vàng che trước ngực, vừa nghiêng mình vừa hòa tấu những bài thánh ca, kèm theo tiếng ngân của những cái chuông nhỏ và tiếng trống. Những đám khói hương trầm và đèn nhang nghi ngút luồn qua chân các pho tượng thần khổng lồ, người ta có cảm giác rằng giữa cái ánh sáng huyền ảo đó, những pho tượng ấy cũng nhìn chúng tôi như để chứng kiến cuộc lễ uy nghiêm.

Buổi lễ kéo dài gần một giờ, sau đó chúng tôi trở về phòng để ngủ lại cho đến bốn giờ sáng. Một cuộc lễ sớm bắt đầu vào lúc bốn giờ một khắc. Đến năm giờ, chúng tôi ăn điểm tâm với tsampa và trà pha bơ. Dẫu cho trong khi ăn, chúng tôi cũng còn phải lắng nghe giọng nói độc âm chán phèo của vị sư xướng ngôn. Trong khi đó, vị sư giám thị ngồi kế bên dò xét chúng tôi với cặp mắt cú vọ.

Vào lúc này, người ta đưa ra cho chúng tôi tất cả mọi thông tri và huấn lệnh. Thí dụ như trong trường hợp có việc cần phải đi ra thành phố Lhasa, thì trong giờ ăn điểm tâm người ta nêu tên những nhà sư có phận sự nhận lãnh công việc đó. Những vị này được phép rời khỏi tu viện trong một khoảng thời gian nhất định và được phép vắng mặt trong một vài buổi lễ trong ngày.

Đến sáu giờ, chúng tôi vào lớp học, sẵn sàng học buổi học đầu tiên. Lời răn thứ nhì của Phật giáo Tây Tạng dạy rằng: “Hãy làm tròn bổn phận tôn giáo và học hỏi Thánh giáo.” Trong sự ngây thơ của tuổi lên bảy, tôi không hiểu tại sao người ta phải tuân theo lời răn này, trong khi lời răn thứ năm dạy rằng: “Hãy kính trọng những bậc trưởng thượng và những người thuộc dòng quý tộc” lại không được tuyệt đối tuân theo?

Thật vậy, theo kinh nghiệm tôi thấy rằng có một cái gì đáng hổ thẹn khi sinh trưởng trong một nhà quý tộc. Tôi thật sự đã là nạn nhân của điều đó. Hồi đó, tôi không hiểu rằng giai cấp của một người không phải là điều quan trọng mà chỉ có đức hạnh mới là đáng kể.

Đến chín giờ, chúng tôi ngưng học trong bốn mươi phút để dự một cuộc lễ khác. Sự gián đoạn này đôi khi cũng dễ chịu, nhưng chúng tôi phải trở về lớp học vào mười giờ kém mười lăm phút. Khi đó, một môn học khác lại bắt đầu và sự học kéo dài cho đến một giờ trưa. Chúng tôi vẫn chưa được phép ăn uống gì và phải dự một cuộc lễ trưa độ nửa giờ trước khi dùng bữa trưa gồm có tsampa và trà pha bơ.

Kế đó, là một giờ làm công việc nhà để giúp chúng tôi vận động cơ thể và để dạy chúng tôi đức tính khiêm tốn. Những công việc dơ bẩn nhất và khó chịu nhất được giao phó cho tôi, dường như nhiều lần hơn là theo sự luân phiên. Đến ba giờ chiều, chúng tôi tụ họp lại để nghỉ ngơi một tiếng đồng hồ. Trong giờ đó, sự nghỉ ngơi là bắt buộc, cấm không được nói chuyện hay cử động; chúng tôi phải giữ im lặng hoàn toàn. Chúng tôi không thích sự sắp đặt đó chút nào, vì một giờ là quá ngắn cho giấc ngủ trưa và quá dài để ngồi yên mà không làm gì!

Sau giờ nghỉ trưa đó, đúng bốn giờ, chúng tôi trở lại lớp học. Đến đây mới bắt đầu giai đoạn gian lao nhất trong ngày, kéo dài suốt năm tiếng đồng hồ, không một phút nào ngơi nghỉ. Trong năm tiếng đồng hồ đó, chúng tôi không được rời khỏi lớp học vì bất cứ một lý do gì. Nếu trái lệnh, chúng tôi sẽ bị trừng phạt rất nặng nề. Các vị thầy dạy sử dụng những cây gậy to lớn một cách tự do và có vài vị tỏ ra rất sốt sắng trong việc trừng phạt kẻ vi phạm. Chỉ những học trò nào không thể chịu đựng được nữa, hoặc những kẻ thật ngu xuẩn mới dám đi ra ngoài, vì khi họ trở về lớp, sự trừng phạt là điều không thể tránh khỏi.

Đến chín giờ tối, chúng tôi mới được giải thoát để dùng bữa ăn cuối cùng trong ngày, cũng chỉ gồm có bấy nhiêu món là trà bơ và tsampa. Đôi khi, nhưng rất hiếm, chúng tôi được ăn rau, thường là những khoanh củ cải trắng hay đậu tươi. Những thứ rau đậu này chỉ ăn sống, nhưng cũng ăn được đối với những thiếu sinh bụng đói.

Có một lần, năm tôi lên tám tuổi, người ta cho chúng tôi ăn búp măng tây trộn giấm. Tôi rất thích ăn măng tây, vì tôi thường được ăn món ấy hồi còn ở nhà. Vì ăn còn thèm, tôi đã dại dột đề nghị với một bạn trẻ ngồi gần bên đổi cái áo tràng thứ hai của tôi để lấy phần ăn của nó. Vị sư giám thị bắt gặp quả tang chuyện này, bèn gọi tôi ra đứng giữa phòng ăn để công khai thú tội trước mặt mọi người. Để trừng phạt tội tham ăn, tôi phải chịu nhịn đói nhịn khát trong hai mươi bốn giờ. Còn cái áo tràng của tôi thì bị tịch thu, viện lẽ rằng nó không có ích lợi gì cho tôi, vì tôi đã muốn đổi nó lấy một vật không cần thiết lắm!

Đến chín giờ rưỡi, chúng tôi trở về phòng. Không ai là người không về mau để ngủ! Lúc đầu, tôi nghĩ rằng những giờ học dài quá mức đó có thể làm hại sức khỏe tôi, và có lẽ tôi sẽ lăn ra chết bất cứ lúc nào hoặc tôi sẽ ngủ luôn không bao giờ thức dậy nữa. Cùng với những trẻ “ma mới” khác, chúng tôi thường rút lui vào một góc kín đáo để ngủ gà ngủ gật. Nhưng dần dần tôi đã làm quen với thời biểu khắt khe đó, và sau cùng thì những chuỗi ngày dài vô tận đó không còn làm cho tôi khó chịu nữa.

Lúc ấy đã gần sáu giờ khi người thiếu niên dẫn đường đưa tôi đến trước cửa tư thất của Đại đức Minh Gia. Tuy tôi không gõ cửa, người cũng lên tiếng trước gọi tôi vào. Phòng khách của Đại đức rất trang nhã với những bức tranh tuyệt đẹp. Vài bức tranh được vẽ ngay trên tường và những bức họa khác được vẽ trên những bức trướng bằng lụa. Trên những bàn nhỏ có sắp những pho tượng các vị thần hay nữ thần bằng vàng hoặc cẩm thạch. Trên tường cũng có gắn một bánh xe luân hồi rất lớn.

Ngồi theo tư thế hoa sen trên một tấm nệm, trước một cái bàn đầy những sách vở, vị Lạt-ma đang nghiên cứu kinh điển khi tôi bước vào. Người nói:

– Lâm Bá, con hãy ngồi đây gần bên ta, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều. Nhưng trước hết, đối với một thiếu niên đang ở tuổi sắp lớn, ta cần hỏi con một câu là con có được ăn uống đầy đủ không?

– Bạch ngài, có.

– Sư trưởng có nói rằng chúng ta sẽ làm việc với nhau. Chúng ta đã tìm thấy được tiền kiếp của con, con đã tiến bộ khá lắm. Bây giờ chúng ta muốn phát triển lại vài khả năng và sở đắc mà con đã thu thập được trong kiếp sống trước đây. Chúng ta muốn rằng trong khoảng vài năm, con sẽ thu hoạch được nhiều kiến thức hơn là một vị Lạt-ma có thể thu thập được suốt cả một đời.

Nói đến đây, Đại đức bèn ngừng lại và chăm chú nhìn tôi một lúc rất lâu, với đôi mắt sáng dường như soi thấu mọi vật. Người lại nói:

– Mọi người phải được tự do chọn lựa con đường của mình. Tương lai của con sẽ rất gian lao khổ cực trong bốn mươi năm nếu con chọn con đường tốt, sẽ đưa đến những phần thưởng lớn lao trong kiếp sau. Trái lại, trên một con đường khác, con sẽ được giàu sang với đầy đủ mọi sự tiện nghi sung sướng ở cõi trần, nhưng con sẽ không có được sự tiến bộ tâm linh. Vậy con hãy tự mình quyết định lấy.

Nói xong, người nhìn tôi trong một câu hỏi không lời. Tôi đáp:

– Bạch ngài, cha con có nói rằng nếu con thất bại và rời khỏi tu viện, con không nên trở về nhà. Làm sao con có thể sống cuộc đời sung sướng tiện nghi nếu con không có nhà để trở về? Và ai sẽ chỉ dẫn cho con theo con đường tốt nếu con chọn con đường đó?

Đại đức mỉm cười và nói:

– Con đã quên rồi chăng? Chúng ta đã tìm biết được kiếp trước của con. Vì thế, nếu con chọn con đường dễ dãi tiện nghi, con sẽ được qui định ngôi thứ trong một tu viện như một vị hóa thân, và trong vài năm, con sẽ được đưa lên chức vị Sư trưởng. Cha con chắc sẽ không cho đó là một sự thất bại chứ?

Tôi bèn hỏi tiếp:

– Bạch Đại đức, nhưng theo ý ngài thì đó có phải là một sự thất bại không?

Người đáp:

– Phải. Với tất cả những gì mà ta biết, thì đối với ta, đó là một sự thất bại.

– Bạch Đại đức, ai sẽ hướng dẫn con?

– Ta sẽ là người hướng dẫn con, nếu con chọn con đường tốt. Nhưng con hãy tự mình quyết định lấy, không ai có quyền ép buộc con.

Tôi ngước mắt lên nhìn Đại đức, và cảm thấy rất yêu mến người đối diện với tôi lúc ấy. Đó là một người cao lớn, với đôi mắt đen huyền, cái nhìn trong sáng, một gương mặt cởi mở và một vầng trán cao rộng. Phải, tôi thấy tràn đầy thiện cảm đối với người! Tuy tôi mới lên bảy, cuộc đời tôi trước kia thật là vất vả khổ cực và tôi đã từng gặp gỡ nhiều nhân vật, thật sự tôi đã có thể xét đoán tính chất của một người. Tôi nói:

– Bạch Sư phụ, con sẽ chọn con đường tốt và ước mong được làm đệ tử của ngài.

Tôi nói thêm với một giọng băn khoăn:

– Nhưng chắc là con sẽ không thích làm việc nhiều!

Đại đức cất tiếng cười lớn, một giọng cười cởi mở sưởi ấm lòng tôi:

– Lâm Bá, ở đời không ai là người thích làm việc nhiều, nhưng ít có người thành thật nhìn nhận điều ấy.

Đại đức nhìn vào đống giấy tờ trên bàn và nói:

– Một phép tu luyện bí mật sẽ cần thiết để giúp cho con mở được năng khiếu thần nhãn. Sau đó, chúng ta sẽ sử dụng khoa thôi miên để thúc đẩy sự học hỏi của con cho mau có kết quả. Chúng ta sẽ giúp con tiến rất xa trên các lãnh vực y khoa và huyền vi.

Tôi cảm thấy e ngại trước một chương trình bề bộn như thế, hứa hẹn một sự làm việc ráo riết không ngừng và khó nhọc biết dường nào! Nhất là sau khi tôi đã trải qua bao nhiêu sự học vấn khắc khổ trong bảy năm qua, không hề có thời gian cho các môn giải trí... và chơi diều!

Vị Lạt-ma dường như đọc được tư tưởng của tôi. Người nói:

– Thật vậy, này con! Sau này con sẽ có thời gian để chơi diều, nhưng đó sẽ là những con diều thật lớn, có thể chở người ngồi bên trong. Còn hiện giờ, ta cần thiết lập một thời khắc biểu hợp lý đến mức tối đa.

Sư phụ tôi lại cúi xuống mớ giấy tờ trên bàn:

– Xem nào, từ chín giờ sáng đến một giờ trưa, có được chăng? Phải đấy, ta hãy bắt đầu như vậy. Con hãy đến đây mỗi buổi sáng đúng chín giờ thay vì dự buổi lễ sáng, và chúng ta sẽ thảo luận về những vấn đề quan trọng. Buổi học đầu tiên sẽ là sáng mai. Con có muốn nhắn gì với cha mẹ con không, ta sẽ đến viếng song thân con ngày hôm nay. Con hãy đưa cho ta mớ tóc cũ của con hôm trước!

Điều đó làm tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Khi một thiếu niên được nhận vào tu viện, người ta xuống tóc cho nó và gửi cái bím tóc dài vừa cắt cho cha mẹ qua trung gian của một chú tiểu khác, để cho biết rằng con họ đã được thâu nhận. Trong trường hợp này thì chính Đại đức Minh Gia đích thân mang cái bím tóc của tôi về nhà! Điều này có nghĩa là từ nay Đại đức sẽ hoàn toàn đảm trách cuộc đời tôi, và tôi đã trở nên đứa con tâm linh của người.

Đại đức Minh Gia là một nhân vật rất quan trọng, một người có trí thông minh hiếm có và nổi tiếng khắp xứ Tây Tạng. Tôi tin chắc rằng dưới sự dìu dắt của một vị đạo sư như ngài, tôi không thể nào thất bại.

Sáng hôm ấy, khi trở về lớp học, tôi là một người học trò rất đãng trí. Tôi để tư tưởng vẩn vơ đâu đâu, và bởi đó vị thầy dạy lại có dịp thỏa mãn khuynh hướng sử dụng gậy gộc thẳng tay!

Tôi nhận thấy các thầy dạy đã tỏ ra nghiêm khắc một cách quá đáng. Nhưng để tự an ủi, tôi nghĩ rằng dầu sao tôi đến đây là để học hỏi. Đó là lý do vì sao tôi tái sinh, tuy rằng hồi đó tôi không biết rõ tôi cần phải học những gì.

Ở Tây Tạng, người ta tin tưởng rất mạnh nơi sự tái sinh. Họ tin rằng khi đã đạt tới một trình độ tâm linh nào đó thì người ta có thể chọn lựa sinh về một cảnh giới khác hoặc tái sinh nơi thế gian này để học hỏi thêm hay để giúp đỡ kẻ khác. Có khi một bậc hiền giả muốn thực hiện một sứ mạng nhất định trong đời mình, nhưng lại qua đời trước khi hoàn thành sứ mạng. Trong trường hợp đó, người ta tin rằng vị hiền giả có thể tái sinh nơi thế gian để hoàn tất công việc bỏ dở trong kiếp trước, với điều kiện là công việc ấy sẽ hữu ích cho nhân loại.

Không mấy ai có thể nhờ người khác truy biết những tiền kiếp của mình. Việc ấy đòi hỏi một vài sự ấn chứng, tổn phí tiền bạc và mất nhiều thì giờ. Những người nào, cũng như trường hợp của tôi, có được những sự ấn chứng đó, được gọi là những vị hóa thân. Những vị này khi còn trẻ được dạy dỗ theo một kỷ luật vô cùng khắc khổ, giống như trường hợp của tôi, nhưng đến lúc trưởng thành sẽ được sự kính trọng của tất cả mọi người.

Về phần tôi, người ta sẽ dành cho tôi một sự huấn luyện đặc biệt nhằm tăng cường những kiến thức của tôi về huyền học. Để làm gì? Hồi đó, tôi chưa được biết rõ lý do.

Những ngọn roi giáng xuống như mưa làm tôi giật mình, và đưa tôi trở về cuộc đời thực tế.

– Thằng ngốc! Đồ gàn! Những ý nghĩ đen tối nào đã lọt vào trong cái sọ dày đặc của mày? May cho mày vì đã đến giờ dự lễ, nếu không chắc mày còn phải ăn đòn thêm nữa!

Kèm theo lời mắng mỏ ấy, vị thầy dạy thịnh nộ đá vào mông tôi một đá thật mạnh rồi bước nhanh ra khỏi lớp. Một bạn đồng môn của tôi nói:

– Bạn đừng quên rằng trưa nay đến phiên chúng ta phải làm công tác dưới bếp. Tôi hy vọng chúng ta có thể cho vào đầy bao món tsampa.

Công tác làm bếp rất cực nhọc, vì những vị sư giám thị đối xử với chúng tôi như những kẻ nô lệ. Không có vấn đề nghỉ ngơi sau hai giờ công tác nặng nhọc đó. Làm bếp xong, chúng tôi phải trở lại lớp học ngay. Đôi khi người ta giữ chúng tôi dưới bếp quá lâu, nên chúng tôi đến lớp học trễ giờ. Khi chúng tôi đến nơi thì vị thầy dạy nổi trận lôi đình phân phát cho chúng tôi một loạt những trận roi, gậy xối xả như mưa, không để cho chúng tôi có chút mảy may cơ hội biện bạch cho sự trễ giờ đó!

Công tác đầu tiên của tôi trong nhà bếp suýt nữa đã là công tác cuối cùng. Theo những hành lang lót đá, chúng tôi đi đến nhà bếp... không chút hứng khởi trong lòng. Một nhà sư nét mặt rất cáu kỉnh đứng đợi chúng tôi ngoài cửa. Khi vừa thấy chúng tôi đến, ông ta kêu to:

– Mau lên, thật là một lũ lười biếng và vô dụng. Mười đứa đầu tiên hãy vào nấu các nồi xúp!

Tôi lọt nhằm số mười, phải đi cùng với những thiếu sinh khác xuống bếp theo một cầu thang nhỏ.

Dưới nhà bếp, nhiệt độ nóng kinh khủng. Trước mặt chúng tôi, những bếp lò phát ra những tia lửa đỏ. Nhiên liệu đốt lò là phân bò yak phơi khô và ép thành từng bánh tròn, được chất lên từng đống lớn gần bên các chảo đun. Vị sư chỉ huy việc nấu bếp quát lớn:

– Hãy vác xẻng lên và xúc phân khô đổ vào lò!

Tôi chỉ là một đứa trẻ mới lên bảy tuổi, lẫn lộn trong đám thiếu sinh mà đứa nhỏ nhất cũng không dưới tuổi mười bảy! Tôi chỉ vừa giơ cái xẻng lên toan xúc phân cho vào lò, thì vô ý thế nào đã làm lật đổ chảo nước đang sôi lên hai bàn chân của vị sư. Y thét lên trong cơn thịnh nộ, nắm lấy cổ họng tôi xoay một vòng... và loạng choạng té ngã.

Tôi nhảy ra phía sau, nhưng tôi cảm thấy đau nhói kinh khủng và ngửi thấy mùi da thịt cháy khét. Tôi đã té ngã trên một đầu cây sắt nung đỏ từ trong bếp lò văng ra! Thét lên vì đau đớn, tôi ngã lăn giữa những tro than cháy âm ỉ. Phần trên đùi bên trái của tôi, gần chỗ xương háng, bị cháy đến tận xương. Chỗ da thịt bị bỏng ấy để lại một vết sẹo trắng mà hiện nay vẫn còn làm tôi khó chịu. Cũng chính vết sẹo ấy về sau đã làm cho người Nhật nhận ra được tôi.

Một cơn náo loạn đã diễn ra sau đó. Những nhà sư khác từ khắp nơi vội vàng chạy đến. Người ta nhanh chóng đỡ tôi đứng dậy giữa đống tro than. Tôi bị những vết bỏng khắp cả thân mình, nhưng nặng nhất là vết thương ở đùi. Người ta vội vã cõng tôi lên những tầng lầu trên, ở đó một vị Lạt-ma y sĩ cố gắng chữa trị vết bỏng để cứu lấy cái chân tôi. Thanh sắt nung đỏ là một vật dơ bẩn và đã để lại trong vết thương những mảnh gỉ sét. Vị y sĩ phải moi trong vết thương để lấy ra hết những mảnh sắt gỉ này, cho đến khi vết phỏng được rửa thật sạch. Kế đó, ông rịt thuốc lên vết thương và băng bó cẩn thận. Còn những vết phỏng nhẹ ở khắp thân mình thì ông thoa lên một chất thuốc nước làm bằng dược thảo, giúp tôi giảm đau rất nhiều.

Nhưng sự đau đớn nhức nhối vẫn âm ỉ và tôi tưởng là sẽ không còn sử dụng chân trái được nữa. Khi đã băng bó xong, vị Lạt-ma y sĩ gọi một nhà sư đến khiêng tôi vào gian phòng bên cạnh và đặt nằm trên nệm. Một vị sư già bước vào, ngồi dưới đất bên cạnh giường tôi và bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Tôi thầm nghĩ: “Thật tốt đẹp thay khi cầu nguyện ơn trên che chở cho tôi sau khi tôi vừa bị một tai nạn!”

Sau cái kinh nghiệm bản thân về sự đau đớn cùng cực này, tôi quyết định sẽ sống một cuộc đời đức hạnh. Tôi nhớ đến một bức tranh vẽ cảnh địa ngục, trong đó quỉ sứ hành hình một nạn nhân bằng cách lấy dùi sắt nhọn nung đỏ đốt vào thân mình y ở gần chỗ mà tôi bị bỏng.

Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ nghĩ rằng, trái với điều mà nhiều người vẫn tưởng, các nhà sư lại là những kẻ ác ôn! Nhưng thật ra, trước khi kết luận cần phải hiểu cho đúng về khái niệm nhà sư ở xứ Tây Tạng. Danh xưng “nhà sư” được áp dụng cho tất cả những người đàn ông sống trong một tu viện Lạt-ma giáo, cho dù có phải là người tu hành hay không. Vì thế, hầu như bất cứ người nào cũng có thể trở nên một nhà sư.

Một đứa trẻ thường được gửi vào tu viện rồi trở thành nhà sư mà không cần được hỏi ý kiến. Đôi khi, đó có thể là một người trưởng thành đã chán công việc đi chăn cừu và muốn có một mái nhà ấm cúng để che sương tránh tuyết khi tiết trời lạnh lẽo xuống đến bốn mươi độ âm. Khi đó, anh ta đến xin làm nhà sư trong tu viện, không phải vì lý tưởng tôn giáo, mà vì muốn tự đảm bảo ít nhiều tiện nghi vật chất. Các tu viện dùng những nhà sư loại đó như những người công nhân để làm những công việc xây cất, cày bừa hay quét dọn. Ở những xứ khác thì những người như thế phải được gọi là nô dịch, người làm thuê hay một danh xưng tương tự nào đó. Phần nhiều họ đã sống một cuộc đời rất khổ nhọc, vì sống ở những vùng cao nguyên từ ba ngàn đến bảy ngàn thước cao hơn mặt biển không phải là một cuộc sống dễ chịu.

Vì thế, danh xưng “nhà sư” đối với người Tây Tạng chỉ có nghĩa là một người sống trong tu viện, không khác gì hơn mọi người thường. Người Tây Tạng dùng danh từ trappa để chỉ cho những vị tu sĩ thực sự là người tu hành.

Những vị Lạt-ma là những bậc cao tăng, thuộc một đẳng cấp cao. Đó là những bậc đạo sư, hay tôn sư. Thí dụ như vị Lạt-ma Đại đức Minh Gia sẽ là vị tôn sư của tôi, và tôi sẽ là đệ tử của người.

Kế đó, ở đẳng cấp cao hơn nữa là những vị Sư trưởng. Không phải tất cả những vị này đều đảm trách trông coi một tu viện. Nhiều vị nắm giữ những chức vụ cao trong Chính phủ, hoặc đi hoằng hóa từ tu viện này đến tu viện khác. Đôi khi một vị Lạt-ma có thể có đẳng cấp cao hơn một vị Sư trưởng, tùy theo những hoạt động của người.

Những người được xem là những vị Hóa thân (Như người ta đã chứng minh rằng đó là trường hợp của tôi.) có thể được chỉ định làm Sư trưởng vào năm mười bốn tuổi, sau khi đã vượt qua một cuộc thi rất khó khăn. Những vị này thường là nghiêm khắc, nhưng không hung dữ và không bao giờ bất công.

Một thí dụ khác về các nhà sư tầm thường là trường hợp các nhà sư bảo vệ. Nhiệm vụ duy nhất của họ là duy trì trật tự. Họ không có phận sự gì trong việc tế tự hay lễ bái ở các đền chùa. Họ chỉ có mặt để giữ cho mọi việc diễn ra theo đúng các qui tắc, luật lệ. Họ thường rất hung hăng, cũng như phần nhiều các nhà sư lao dịch như đã nói ở trên, nhưng không phải vì thế mà họ làm giảm uy tín của các tu viện. Người ta không thể lên án một vị giám mục vì ông ta có một tên làm vườn thô lỗ! Cũng như người ta không thể mong đợi người làm vườn ấy sẽ trở nên một vị thánh chỉ vì ông ta đã làm tôi tớ cho một vị giám mục!

Trở lại vấn đề tôi bị phỏng lửa khi đi làm công tác dưới bếp. Hiệu lực của chất thuốc vừa tan dần, tôi hồi tỉnh lại và cảm thấy như mình bị lột da. Trong cơn mê sảng, tôi tưởng tượng dường như một ngọn đuốc đang cháy được đặt vào một cái lỗ trống trong bắp đùi bên trái của tôi. Thời gian trôi qua. Tôi lắng nghe những tiếng động trong tu viện. Vài loại âm thanh đã quen thuộc với tôi, nhưng có nhiều loại khác mà tôi không nhận ra là những tiếng động gì.

Toàn thân tôi rung chuyển vì những cơn đau đớn dữ dội. Tôi nằm sấp, nhưng những vết phỏng cũng lan rộng đến phía trước của thân mình tôi. Tôi nghe một tiếng động nhẹ, có người đến ngồi gần bên tôi. Một giọng đầy thiện cảm và nhân từ của Đại đức Minh Gia thì thầm bên tai tôi:

–Con ơi, chắc là con đau đớn lắm. Thôi hãy ngủ đi.

Vài ngón tay nhẹ nhàng lướt trên lưng tôi dọc theo xương sống, nhẹ lướt thêm nữa, và thêm nữa. Thế rồi... tôi mê man ngủ thiếp đi.

Một vầng mặt trời êm ấm chiếu rạng ngời trước mắt tôi. Tôi thức giấc và chớp mắt liên hồi. Tư tưởng đầu tiên đến với tôi khi tôi vừa chợt tỉnh là hình như có người đá tôi vài đá vì tôi đã ngủ quá lâu. Tôi định nhảy xuống giường để hối hả đi dự buổi lễ sáng, nhưng tôi liền té ngửa ra sau, khắp mình mẩy đau nhức như rần. Thì ra đó chỉ là một cơn mê sảng... Chân trái tôi đau quá. Một giọng dịu hiền ưu ái nói với tôi:

– Lâm Bá, con hãy nằm yên. Hôm nay con có thể nghỉ.

Tôi quay đầu nhìn lại thì vô cùng ngạc nhiên mà thấy rằng tôi đang nằm trong phòng của Đại đức Minh Gia, và người đang ngồi gần bên tôi. Người nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi và mỉm cười:

– Tại sao con ngạc nhiên? Phải chăng là một việc thường tình khi hai người bạn phải ở gần bên nhau nếu một người bị đau ốm?

Tôi đáp bằng một giọng rã rời mệt mỏi:

– Nhưng Sư phụ là một vị Lạt-ma cao cả, còn con chỉ là một đứa trẻ nhỏ.

– Lâm Bá, chúng ta đã cùng đi với nhau một đoạn đường rất dài trong những kiếp trước. Hiện giờ con chưa nhớ lại được điều đó, nhưng ta thì nhớ rõ, vì chúng ta đã sống rất gần bên nhau trong những kiếp vừa qua. Bây giờ, con cần phải nghỉ ngơi để lấy lại sức. Chúng ta sẽ điều trị bắp chân con cho mau lành, con đừng lo gì cả!

Tôi liên tưởng đến cuộc luân hồi sinh tử và nghĩ đến những điều răn trong các thánh kinh của xứ tôi: “Người có tâm hồn quảng đại sẽ sống một cuộc đời giàu sang không bao giờ dứt, còn kẻ hà tiện rít róng sẽ không bao giờ gặp được sự ưu ái, từ tâm. Người có quyền thế hãy sống một cách rộng rãi hào phóng với những kẻ đến nhờ vả mình. Hãy nhìn xa để thấy con đường dài của sự luân hồi sinh tử. Vì sự giàu sang luân chuyển như những bánh xe, nay nó thuộc về người này, mai nó sẽ thuộc về người khác. Kẻ hành khất ở kiếp này có thể trở nên một vị vương hầu ở kiếp sau, còn vị vương giả ngày nay có thể trở nên kẻ ăn mày trong một tương lai nào đó.”

Khi đó, tôi hiểu một cách chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa, mặc dầu trong cơn đau đớn thể xác và mặc dầu tuổi tôi còn nhỏ, rằng Đại đức Minh Gia, sư phụ tôi, là một người tâm đức và tôi có thể tin tưởng nơi lời giáo huấn của người. Rõ ràng là sư phụ tôi biết rõ rất nhiều điều về tôi, nhiều hơn những gì mà chính tôi có thể biết được. Tôi rất nóng lòng muốn làm việc chung với người và tôi quyết định rằng tôi sẽ là một người đệ tử gương mẫu. Tôi cảm thấy một cách rõ rệt rằng giữa chúng tôi có một sự đồng thanh đồng khí rất chặt chẽ và tôi lấy làm cảm kích sự xoay vần của định mệnh đã đặt tôi dưới sự hướng dẫn dìu dắt của người.

Tôi quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Những tấm nệm của tôi đang nằm được đặt trên một cái bàn để tôi có thể nhìn thấy bên ngoài. Cảnh vật thật là hùng vĩ. Đằng xa, bên ngoài những nóc nhà chen chúc phía dưới cửa sổ, thành phố Lhasa vươn mình dưới ánh nắng mặt trời, với những ngôi nhà nhỏ sơn màu nhạt xinh xắn. Trong thung lũng, con sông Kỳ Giang uốn khúc giữa những cánh đồng xanh tươi nhất thế giới. Những dãy núi xa tít tận chân trời ửng màu đỏ sậm với những đỉnh núi đội tuyết trắng phau. Trên những ngọn núi gần hơn, có những vệt màu vàng lóng lánh chen nhau trên sườn núi, đó là nóc của những tu viện. Bên tay trái, điện Potala nhô lên cao như một ngọn núi biệt lập. Về phía tay mặt, có một cụm rừng nhỏ trong đó rải rác những đền chùa và trường học. Đó là địa phận của vị Thiên giám quan, một nhân vật quan trọng giữ vai trò duy nhất là tạo nên một nhịp cầu giao cảm giữa cõi trần gian với cảnh giới vô hình, và tiên tri những điều họa phúc của quốc gia.

Dưới mắt tôi, trên sân mặt tiền, những nhà sư thuộc đủ các cấp qua lại không ngớt. Vài vị trong số đó, những nhà sư lao dịch, mặc áo màu nâu sậm. Một nhóm thiếu sinh của một tu viện ở xa mặc áo trắng. Những nhà sư cao cấp cũng có mặt ở đó, đều mặc áo màu đỏ sậm, với mảnh yểm tâm bằng lụa vàng, chỉ ra rằng họ thuộc thành phần viên chức tối cao của Chính phủ. Một vài vị cưỡi ngựa hay cưỡi lừa. Những thường dân thì cưỡi ngựa đủ màu còn các nhà sư bắt buộc phải cưỡi ngựa trắng.

Tất cả những cảnh tượng đó làm cho tôi quên cả hiện tại. Điều làm tôi quan tâm hơn hết là làm sao cho chóng bình phục để có thể sử dụng trở lại đôi chân.

Ba ngày sau, người ta bảo tôi rằng tốt hơn tôi nên ngồi dậy và thử đi đứng xem sao. Chân trái tôi còn cứng đơ và làm cho tôi rất đau đớn. Chỗ vết phỏng đã sưng lên và có mủ vì những mảnh sắt vụn gỉ sét không thể gắp ra hết. Vì tôi không thể đi đứng một mình, người ta làm cho tôi một cây nạng gỗ để tôi dùng và đi bằng một chân. Tôi đi nhún nhẩy như con chim bị thương. Toàn thân tôi vẫn còn những vết phỏng và những chỗ phồng da, nhưng chân trái làm tôi đau đớn nhiều hơn các chỗ khác.

Tôi không thể ngồi được, phải nằm nghiêng bên mặt hoặc nằm sấp. Tôi không thể dự các buổi lễ cầu nguyện hay đi đến lớp học, nên Đại đức Minh Gia, sư phụ tôi, dạy tôi học tại tư thất từ sáng đến chiều. Người tuyên bố hài lòng về những kiến thức mà tôi thu thập được trong thời niên thiếu. Người nói:

– Nhưng rất nhiều trong những kiến thức đó chỉ là những ký ức con đã mang theo từ kiếp trước.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đường Không Biên Giới


Cảm tạ xứ Đức


Về mái chùa xưa


Nghệ thuật chết

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.156.142 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...