Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Có và Không »» Chương II. Có và Không theo quan niệm về hạnh phúc và khổ đau »»

Có và Không
»» Chương II. Có và Không theo quan niệm về hạnh phúc và khổ đau

Donate

(Lượt xem: 3.282)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Có và Không - Chương II. Có và Không theo quan niệm về hạnh phúc và khổ đau

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Hạnh phúc và khổ đau cũng chỉ là những danh từ trừu tượng. Người ta không tự biết khi nào người ta đau khổ, tại sao họ đau khổ cũng như vì đâu họ có hạnh phúc v.v... Ví dụ người Hoa hay chúc nhau câu “ngũ phúc lâm môn”, có nghĩa là 5 điều phúc đức theo quan niệm của thế gian luôn luôn đến với họ. Đó là:

1. Đa lộc
2. Đa thọ
3. Đa phú quý
4. Đa tử tôn
5. Đa kiện khang

Trong đời sống hằng ngày, đây là 5 điều ai ai cũng muốn có. Có như thế gọi là hạnh phúc, mà không có những điều như thế gọi là nghèo nàn hay khổ đau. Đây là một cái nhìn đơn thuần về phương diện vật chất. Nơi đây chúng ta phân tích ra từng điểm một để thấy rõ vấn đề hơn.

Lộc ở đây có nghĩa là màu xanh, cũng có nghĩa là của cải, luôn luôn tươi thắm, được nhiều như lá cây mùa xuân, không bị tàn phai theo thời gian năm tháng. Nhưng trên thực tế thì lá cây có mọc ra, có xanh tốt, ắt có ngày phải vàng úa và một ngày nào đó phải rời khỏi cành. Ngày tháng trôi qua lá cây sẽ trở thành phân, thành cát bụi để bón lại cho cây cỏ vẫn còn chuyển xoay theo sự vận chuyển của đất trời.

Sống lâu là một cái phước. Vì kiếp trước không gây nhân giết hại người hay sinh mạng của những sinh vật khác, nên kiếp này được thọ mạng dài lâu, nhưng không phải ai sống lâu cũng được không bịnh, không khổ đau. Có nhiều người muốn chết mà vẫn không chết được. Vì còn phải sống trên giường bệnh để trả nợ của kiếp xưa. Sống như thế trên thực tế rất khổ đau, nhưng biết làm sao hơn khi mạng căn vẫn còn tiếp diễn.

Giàu có tiền bạc chẳng ai là không ham. Có nhiều người ham làm giàu đến nỗi quên ăn bỏ ngủ, ham làm giàu quên cả lễ nghĩa ở đời, ham làm giàu quên cả tội lỗi v.v... Nếu ai đó có nói đến chuyện bố thí làm phước thì luôn luôn tìm cách để chối từ. Vì cứ muốn cho mình giàu mãi lên. Những người nhà giàu dễ sinh tâm keo kiệt hơn là những người nghèo hoặc trung lưu. Vì nhà nghèo họ nghĩ là họ phải làm phước để kiếp sau được giàu có hơn. Còn người đã giàu có rồi, họ luôn muốn giàu hơn nữa và cánh cửa từ bi của họ không dễ dàng mở ra để đón nhận những khó khăn thiếu thốn của những người khác.

Có một câu chuyện đời xưa kể về một người giàu có mà luôn luôn hà tiện, nay kể lại nghe cũng vui vui. Chuyện kể rằng: Có một ông nhà giàu nhất làng, nhưng không bao giờ rộng rãi, lúc nào ông cũng so đo tính thiệt tính hơn, miễn sao cho bồ thóc của nhà ông đầy và tránh việc phí phạm tài sản một cách hoang phí. Một hôm ông bàn với bà vợ là cả hai đều già rồi nên ngồi lại để chung lo bàn chuyện hậu sự. Sau đó cả hai quyết định là đi đến một tiệm bán quan tài để mua hòm về dưỡng già, phòng khi có hậu sự xảy ra không lo kịp. Sau khi trả giá quan tài, ông thấy cái nào cũng đắt, nhưng cuối cùng thì hai ông bà cũng chọn được hai cỗ quan tài rất vừa ý. Do vậy mà ông mua và tính keo kiệt của ông vẫn còn, mặc dầu biết rằng ngày chết không còn bao lâu nữa, nhưng ông vẫn cố nài nỉ với người bán hòm: “Hãy thêm cho tôi một cái quan tài nữa thì tôi mới mua hai cái kia.” Người bán hòm tròn xoe đôi mắt và tự hỏi: “Ông ta chết rồi thì còn thừa cái quan tài nữa để làm gì nhỉ?”

Sinh nhiều con cái ở Phi Châu và Á Châu ngày nay là một đại nạn, nhưng chẳng mấy người lo lắng. Vì lẽ họ quan niệm rằng: “Trời sinh voi sinh cỏ”, nên cứ thế mà sinh. Càng sinh được nhiều còn gọi là có phước. Trong khi đó người Âu Mỹ lại ít sinh con, nhưng họ lo cho con cái của họ một cách chu đáo hơn. Do vậy, theo quan niệm ngày xưa sinh nhiều con là hạnh phúc, chúng ta ngày nay cần phải xét lại cho thật kỹ. So ra những người không có con và những người già sống không gia đình, họ không có thê triền, tử phược, cũng không ai nói rằng họ không có hạnh phúc.

Hồi đầu thế kỷ thứ 20, Việt Nam chỉ có hơn 20 triệu dân, đến cuối thế kỷ 20 đã lên 76 triệu và nghe đâu với mức sinh sản này đến năm 2025 sẽ có 125 triệu dân. Ấn Độ đã sinh ra đứa trẻ thứ 1 tỷ và Trung Quốc thì đã vượt qua con số này từ lâu. Nhân loại ngày nay đã có hơn 6 tỷ con người trên quả địa cầu này và trong khi đó thì Á Châu chiếm hơn phân nửa số lượng dân số hiện có trên thế giới. Như thế vấn đề phải cần xét lại kỹ càng hơn.

Phần cuối của “ngũ phúc lâm môn” là chúc cho nhiều sức khỏe, không bệnh tật. Quả đúng như vậy. Người xưa thường nói “Sức khỏe là vàng”, mà có thể còn quý hơn cả vàng nữa. Vì lẽ có một núi vàng mà không có sức khỏe và không hưởng được của cải ấy thì vàng kia cũng kém giá trị. Vì vậy cho nên bất cứ người Âu Mỹ hay Á Phi lúc nào gặp nhau cũng hỏi thăm nhau về sức khỏe trước.

Đây là năm điều phúc đức của người thế gian, nhưng xem ra chúng không thật có, chỉ là một sự giả hợp để tồn tại và phát triển mà thôi. Nếu đủ duyên thì chúng ở, thiếu duyên thì chúng tan. Chúng không có thực tại, không có chỗ đứng. Tất cả chỉ nương nhờ vào nhau để phát triển và cũng để phân rã. Không hình tướng nên chúng ta không thấy được, tuy chúng vẫn hiện hữu. Đây là một thực tế mà ai trong chúng ta cũng phải chấp nhận.

Bước sang lãnh vực khổ đau cũng vậy. Đức Phật lần đầu tiên dạy về Tứ Diệu Đế đã nêu chữ khổ đứng đầu. Nào là sanh, lão, bệnh, tử khổ. Ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh khổ v.v... Tất cả những loại khổ này chúng cũng không có hình tướng nhưng luôn ẩn hiện dưới nhiều hình thức khác nhau giữa thế gian này. Cái khổ không tìm, chúng vẫn tới. Còn hạnh phúc mọi người đều đi tìm nhưng chúng vẫn vượt xa khỏi tầm tay. Đời là thế. Oái oăm lắm, không thể diễn tả bằng ngôn từ được. Tuy nhiên tất cả những sự khổ đau này cũng không có thật tướng. Ví dụ, tôi vẫn thường hay quan sát những sự khổ đau của mọi người khi bị mất người thân trong gia đình, nhất là vợ hay chồng. Lúc một người thân lâm chung, ai trong gia đình cũng khổ tâm. Có người khổ tâm nhiều, có người khổ tâm ít. Có người thậm chí muốn chết theo người thân của mình nữa. Nhưng sau một vài tuần thất, tôi nhận thấy sự khổ đau đã thay đổi nhiều rồi. Đến khi khăn tang trên đầu chưa xả, mà người nam hoặc người nữ còn lại đó đã có đối tượng mới. Quả thật, cuộc đời là một cái gì mà khó ai định nghĩa trọn vẹn được. Hạnh phúc đó, khổ đau đó - chợt đến rồi chợt đi - như gió thoảng, như mây bay, như sương sa, như điện chớp, nhưng tất cả đều cố gắng để tìm tòi và mong đạt đến. Nếu người tu học Phật Pháp thấy được thật tướng của hạnh phúc và thật tướng của khổ đau thì người ấy sẽ tự thấy mình an lạc. Sự an lạc ấy dĩ nhiên nó cũng chỉ còn trong trạng thái đối đãi của cõi phàm tình này, nhưng dẫu sao đi nữa đây vẫn là bước tiến của nội tâm khi đã trải qua những thay đổi của quan niệm cũng như cuộc sống.

Đức Phật dạy rằng: “Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường.” “Tất cả mọi hiện tượng đều không chắc thật, không bền vững.” Hãy luôn luôn quán sát khổ đau, không tướng và vô ngã để từ đó chúng ta không bị những hiện tượng giới bên ngoài làm chủ tâm thức của chúng ta. Điều này rất thường xảy ra với con người. Có lẽ vì chúng ta quá yếu đuối cho nên để cho những hiện tượng giới ấy làm chủ mình. Ví dụ như hạnh phúc, khổ đau, giận, hờn, buồn, vui, tham, sân, v.v... Sở dĩ chúng ta nương theo chúng để tồn tại, vì lẽ chúng là kết quả bề nổi của tâm thức. Khi tâm thức của chúng ta chưa vắng lặng, chưa biết rõ mặt mũi của tất cả những kết quả hiện tượng không chắc thật, thì chúng ta dễ dàng buông bỏ, để trống tâm thức cho những giận hờn ngự trị. Một người hiểu rõ mặt mũi của những hiện tượng là một người không bị khổ đau và hạnh phúc chi phối. Vì sao vậy? Vì chúng ta biết rằng chúng không có thật.

Ví dụ về vô thường. Đức Phật dạy cuộc đời là vô thường. Chúng ta phải tự hỏi tại sao nó vô thường? Lúc bấy giờ chúng ta phân tích ra từng loại một. Về thân thể cũng bị vô thường chi phối. Khi mới sanh ra ta còn nương nơi sữa mẹ, chịu sự ẵm bồng suốt bao nhiêu năm tháng mới lớn khôn. Sau đó đi học, thành người và xây dựng tương lai cho chính mình, lúc bấy giờ thấy đời toàn là một màu xanh, tương lai đầy hy vọng, nhưng năm tháng chất chồng, mái tóc mấy chốc đã trở thành hoa râm, rồi bịnh, rồi suy đồi thân thể, lưng còm, gối mỏi v.v... Thời gian năm bảy chục năm trôi qua một cái vèo, thật đúng như trong văn Cảnh Sách, Ngài Quy Sơn Thiền Sư đã dạy: “Nhật vãng nguyệt lai, táp nhiên bạch thủ.” (Ngày qua tháng lại, thoắt đã bạc đầu.) Như thế đứng về phương diện thân thể chẳng phải bị vô thường chi phối là gì? Nhưng mấy ai dễ chấp nhận như vậy?

Thứ đến là tâm của chúng ta cũng bị vô thường biến đổi nữa. Trong nhiều kinh điển, Phật thường dạy rằng: “Tâm viên ý mã.” Nghĩa là tâm của chúng ta giống như con khỉ chuyền cây. Ý của chúng ta giống như con ngựa chạy hoang vậy. Khỉ chuyền cây và ngựa chạy hoang là 2 hình ảnh của nhà Phật thường hay dùng để ví tâm khi không điều khiển được. Lúc thì tâm thương hiện lên, lúc thì tâm ganh tị hiện đến. Lúc thì buồn, lúc thì giận v.v... tất cả đều bị chi phối bởi những hiện tượng giới ở bên ngoài. Tâm tuy không có hình tướng, nhưng do tâm và từ nơi tâm có thể tạo nên thiên đường, địa ngục, tạo nên thế giới. Vũ trụ này hay ngôi nhà này tất cả đều do tâm điều khiển. Còn vật chất để tạo thành thế giới và ngôi nhà chỉ là những vật thể bị nhân duyên biến đổi mà thành.

Muốn điều phục tâm, muốn gạn lọc tâm hay muốn làm cho chơn tâm hiển lộ, bắt buộc hành giả phải hạ thủ công phu tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối, Thiền định v.v... Nếu không thực hiện những việc này, kể như có tu học cũng vô ích. Vì càng bổ sung sự hiểu biết cho tri thức bao nhiêu, mà không dụng tâm chế ngự gạn lọc tâm thức, thì sự tu học đó nó cũng chỉ giống như một cái đãy đựng sách mà thôi.

Thân và tâm thay đổi luôn luôn và bị vô thường chi phối như vậy. Ngoài ra hoàn cảnh cũng như chỗ ở của chúng ta cũng bị vô thường luôn luôn biến đổi. Ví dụ một người sinh ra và lớn lên tại xứ này, muốn ở luôn tại đó để lập nghiệp cũng như xây dựng tương lai, nhưng chiến tranh loạn lạc, hạn hán, mất mùa, lụt lội v.v... làm cho người đó không thể ở yên một chỗ, nên bắt buộc phải thay đổi nơi chốn. Riêng người Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác thế giới như Đức, Đại Hàn v.v... đã bị chia đôi đất nước, rồi Đức và Việt Nam được thống nhất trở lại, nhưng với một hoàn cảnh bị phân ly hơn một thế hệ làm cho hai bên không hiểu nhau, không thông cảm lẫn nhau, cũng chỉ vì cái chủ nghĩa do con người dựng lên như vậy.

Hơn 2 triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi sau năm 1975 và hiện nay có mặt tại khoảng 40 nước trên thế giới. Họ đã vì chiến đấu cho tự do mà đã phải rời xa đất tổ và ngày hôm nay họ đã lưu lạc ở bốn phương trời. Sau Đệ nhất thế chiến (1914 - 1918) nhân dân Âu Châu và nhân dân thế giới đã bắt đầu một cuộc sống an ổn, nhưng nạn độc tài và quân phiệt đã hình thành và Đệ nhị thế chiến (1939-1945) đã xảy ra, làm cho Âu, Á khổ đau không biết bao nhiêu mà lường, để rồi cả triệu người Âu Châu di cư sang Mỹ Châu và Úc Châu lập nghiệp. Có lẽ những người Âu Châu, trong ấy có người Đức, lúc bấy giờ họ cũng chẳng nghĩ tại sao họ phải xa quê cha đất tổ và hoàn cảnh ấy đã bắt buộc họ phải lập nghiệp tại quê người cho đến ngày hôm nay, đã gần 100 năm xa xứ. Bây giờ nhìn về cố quốc, những thế hệ con cháu đã trải qua 3 hay 4 đời họ sẽ nghĩ rằng: xa xa đâu đó nguồn gốc tổ tiên của họ từ Âu Châu như: Đức, Pháp, Ý v.v... qua Úc, Mỹ lập nghiệp mà thôi. Tương tự như thế, người Việt Nam đã 25 năm xa xứ, ra đi với 2 bàn tay trắng. Bây giờ thế hệ thứ 2 đã sinh ra và lớn lên tại đây. Do đó thế hệ này chẳng hiểu vì sao họ phải xa xứ. Nếu có nghe cha mẹ, ông bà kể lại, thì đối với họ cũng là những gì xa xôi vọng lại mà thôi.

Đi xa hơn nữa chúng ta thấy rằng nơi chúng ta ở trên quả đất này cũng không có gì chắc thật. Vì chúng cũng bị vô thường chi phối. Sự vô thường ấy biểu hiện qua núi lửa, động đất, đại hồng thủy v.v... 5 hay 6 tỷ năm về trước, quả địa cầu này mới chỉ là một làn gió thổi qua và 5 hay 6 tỷ năm về sau nữa trên mặt đất này có lẽ cũng chẳng còn có một vi sinh vật nào cả. Vì tất cả đều phải đổi thay và tất cả đều phải đi vào quên lãng. Có nhiều người cho rằng vũ trụ này là chắc thật, nhưng đứng trên bình diện khoa học cũng như Phật giáo, không có gì là đứng yên một chỗ cả. Do tâm niệm, do thời gian làm chuyển đổi tất cả những gì có hình tướng trong thế giới này. Một ngày nào đó thế giới này cũng sẽ đổi thay, nổ tung ra, chỉ còn lại không khí và chất lỏng. Lúc ấy tâm thức của con người sẽ trôi giạt đến một nơi khác. Theo Phật giáo quan niệm, ngoài nơi chúng ta đang ở, còn có nhiều thế giới khác nữa. Mỗi thế giới đang có một vị Phật giáo hóa và hằng hà sa số vị Bồ Tát đang thuyết pháp hoặc đi kinh hành nơi đó. Trong 3 cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới có tất cả là 28 cõi thế giới khác nhau. Ví dụ cõi dục giới có 6 cõi thế giới như:

1. Trời Tứ Thiên Vương
2. Trời Dạ Ma
3. Trời Đao Lợi
4. Trời Đẩu Suất
5. Trời Hóa Lạc
6. Trời Tha Hóa tự tại.

Cứ một ngày ở cõi trời Đẩu Suất là bằng bốn trăm năm nơi cõi thế gian này. Tại đây có Nội Viện Đẩu Suất và Ngoại Viện Đẩu Suất. Các vị Bồ Tát chuẩn bị đản sanh vào cõi Ta-bà này đều có mặt tại Nội Viện Đẩu Suất. Các Ngài sẽ quan sát tư cách phi phàm của một người mẹ để nhập vào thai và khi Bồ Tát ở thai mẹ thì trăm ngàn Bồ Tát khác đều giáng vào thai ấy để nghe Bồ Tát thuyết pháp và sau khi Bồ Tát này giáng sanh, tu hành thành Phật thì các vị Bồ Tát kia là bạn lữ đồng học và cũng là những vị đệ tử của vị Bồ Tát đã thành Phật kia.

Nếu ai tu tại đây mà phát nguyện sanh về Đẩu Suất thì nên phát nguyện vào Nội Viện, nếu chẳng may nằm ở Ngoại Viện Đẩu Suất thì vì còn ở cõi Dục giới, nên dễ bị luân hồi sanh tử trở lại, nhất là khi phần phước đã hưởng tại nơi này đã hết.

Một ngày tại cung trời Tha Hóa tự tại bằng 1.600 năm ở cõi Ta-bà này. Do vậy mà mạng sống ở đây rất dài lâu, trong khi đó, mạng sống của chúng sanh ở thế giới Ta-bà này rất ngắn ngủi.

Cõi Sắc giới có tất cả là 18 cõi trời. Mỗi cõi trời như thế có vô lượng thế giới nữa. Những người đã nhập vào Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền đều sống và hành đạo tại đây. Chúng sanh ở những cõi trời Sắc giới có tuổi thọ rất dài lâu. Tuy nhiên sau khi đã hưởng hết các phước lành, vẫn phải luân hồi sanh tử nữa.

Cuối cùng là 4 cõi thuộc về Vô Sắc giới. Bốn cõi này chúng sanh không có hình tướng như hai cõi kia, tất cả đều sống bằng tâm thức, nhưng tâm thức này cũng luôn biến đổi, để rồi một tỷ tỷ năm sau cũng phải chịu luân hồi sanh tử nữa. Chỉ có những người nào phát tâm tu học tiếp tục thì mới ra khỏi 3 cõi này để trở thành Bồ Tát và Phật, mới có thể hóa độ chúng sanh một cách tự tại được.

Từ cõi Ta-bà này đến cõi Tây Phương Cực Lạc còn xa xôi cách mười vạn ức cõi Phật, tức là mười vạn ức cõi thế giới khác, nơi đó đang có một Đức Phật hiệu là A-di-đà đang thuyết pháp độ sanh. Nếu chúng sanh nào có nhân duyên với Tịnh Độ, trước sau gì cũng sẽ được vãng sanh về đó. Tuy không gian và thời gian có cách ngăn nhưng quan niệm về: nhứt niệm biến tam thiên. Có nghĩa là chỉ trong một suy nghĩ, tư tưởng của ta có thể bay đi trong trăm nghìn đại thiên thế giới, nên cuối cùng, một tư tưởng đã được giải thoát thì không cần phải biến thiên qua nhiều giai đoạn, chỉ cần một kiếp thác sanh thôi.

Trong 3.000 đại thiên thế giới ấy có tất cả là 28 cõi trời, trong 28 cõi trời ấy lại có vô lượng thế giới và trong vô lượng thế giới ấy có vô lượng chúng sanh khác nhau về tâm thức, về tư tưởng, về hình dáng, về tuổi thọ v.v... là do phước báu của mỗi chúng sanh tạo ra trong mỗi đời và nhiều đời huân tập lại mà thành. Nhưng so ra thì thế giới này, vũ trụ này không có gì chắc thật cả. Vì thế giới này thành tựu thì thế giới kia băng hoại và ngược lại cũng thế. Do đó, hạnh phúc hay khổ đau khi chúng ta sống trong các thế giới ấy, tất cả đều bị vô thường biến đổi và chi phối, cho nên chúng không có thật.

Có người hỏi tôi rằng: “Vậy thì cuộc đời có ý nghĩa gì?” Xin trả lời rằng: “Chẳng có ý nghĩa gì cả.” Tất cả rồi đều trở lại số không. Tuy con người có sinh ra, lớn lên, già, bịnh và chết đi, nhưng một khoảng thời gian năm bảy chục năm không có ý nghĩa gì cả trong dòng thời gian vô thủy vô chung và một chúng sanh nhỏ bé như chúng ta chẳng là gì cả so với một đại thiên thế giới có vô số thế giới lớn nhỏ bao quanh.

Ý niệm về vô thường, về sinh diệt, về hạnh phúc, về khổ đau phải được hiểu một cách cặn kẽ rốt ráo như thế thì mới hiểu được đạo Phật. Nếu học Phật mà không hiểu về giáo lý Phật giáo thì vô ích, vì chúng ta sẽ không ứng dụng được một tí gì giáo lý của đạo Phật vào đời sống hằng ngày cả. Như thế thì thật là một thiếu sót to lớn vậy.

Nói về khổ thì có muôn hình vạn trạng mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta qua Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên. Phần trên chúng tôi đã trình bày qua về nạn khổ của chúng sanh rồi. Sau đây sẽ trình bày về tư tưởng tánh không của Phật giáo Đại Thừa. Tư tưởng này nằm rải rác trong các kinh Bát-nhã, Kim Cang, Đại Bát Niết-bàn, và trong Trung Luận, Đại Trí Độ Luận v.v... Do chính Đức Phật giảng dạy và Ngài Long Thọ (Nagarjuna) biên tập lại mà thành.

“Ngài Long Thọ (Nāgārjuna) do sinh ra dưới gốc cây A-chu-đà-na nên đặt tên là Ārjuna (Thọ), ngài lại nhờ loài rồng mà thành đạo nên gọi là Nāgā (Long). Ngài ra đời ở vùng Nam Ấn Độ, sau khi Phật diệt độ 700 năm. Kinh Ma Ha Ma Da quyển Hạ nói: “Ngài là pháp tử của đệ tử Ngài Mã Minh là Ca Tì Ma La tôn giả, là Thầy của Đề Bà Bồ Tát.” Ngài đã xuống long cung mang kinh Hoa Nghiêm về rồi mở tháp sắt truyền bá Mật tạng. Ngài là Tổ Sư của tám tông Hiển và Mật Giáo.” (Tự Điển Phật Học Hán-Việt, trang 670)

“Ngài là người soạn bộ Trung Luận (Mūlamadhyamaka-kārikā) gọi đủ là Trung Quán luận, do Bồ Tát Thanh Mục chú thích, ngài Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Là một trong 3 bộ kinh luận căn bản của tông Tam luận. Luận này chủ trương Trung Đạo triệt để nhất. Có tất cả 496 câu kệ, 27 phẩm, trong đó 25 phẩm đầu nói về phá sự mê chấp của Đại Thừa, 2 phẩm sau nói về phá sự mê chấp của Tiểu Thừa. Đây là thuyết Trung Đạo bát bất, tức là Trung Đạo vô sở đắc và là tư tưởng Bát-nhã. Gồm 27 phẩm như: Phá nhân duyên - Phá khứ lai - Phá lục tình - Phá ngũ ấm v.v...

Trong Đại Tạng bây giờ, luận Thuận Trung, 2 quyển, do A-tăng-khư chú thích, Cù-đàm Bát-nhã dịch; Bát-nhã đăng luận thích gồm 15 quyển do Ngài Phân Biệt Chiếu Minh Bồ Tát giải thích, Ngài Ba-la Phả-ca-la dịch và Đại Thừa Trung Quán thích luận, 9 quyển, An Tuệ giải thích và Duy Tịnh v.v... dịch, đều là những tác phẩm khác có xuất xứ từ Trung Luận của Ngài Long Thọ. Tây Tạng cũng có hai hệ thống học phái Trung Quán.” (PHTĐ Hán-Việt, trang 1391)

Những năm tháng đầu tiên của thế kỷ thứ nhất và thứ nhì nhờ có các vị dịch giả thực tu, thực học và thực chứng như Ngài An Thế Cao, Ngài Cưu-ma-la-thập v.v... có nhân duyên với Trung Quốc và Ấn Độ, nên những tác phẩm quan trọng như thế đã được dịch ra tiếng Trung Quốc. Rồi từ Hán tạng, người đời sau mới chuyển dịch sang tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn, tiếng Việt Nam v.v... Dĩ nhiên là tại Ấn Độ lúc bấy giờ, vào cuối thế kỷ thứ nhất, đầu thế kỷ thứ hai, tinh thần Phật giáo Đại Thừa cũng được phát triển mạnh mẽ và ngày nay người ta tìm thấy những tự viện cũng như kinh điển được truyền bá khắp nơi tại miền Nam Trung Ấn và ngay cả qua đến Indonésia, Mã Lai Á v.v... Nhưng vì người Hồi Giáo đã tàn phá tất cả chùa chiền cũng như bức hại tăng sĩ Đại Thừa lúc bấy giờ, nên Phật giáo tại Nam phương còn sót lại ở các nước Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện v.v... nhiều hơn là tinh thần Trung Quán do Ngài Long Thọ chủ trương. Ngày nay thuyết này được Đại Thừa Phật giáo phương Bắc và các nước Âu Mỹ rất thích, nên đã có nhiều người trở thành sư tăng và tín đồ rất thuần thành của Phật giáo.

Nói về vô ngã thì có nhiều kinh sách đã đề cập đến, nhưng thiết tưởng cũng không thừa khi nhắc lại vấn đề này, để mọi người có một cái nhìn tổng quát về Tứ pháp ấn.

“Vô ngã (Anātman) còn gọi là phi ngã. Cái thể thường nhất, cái dụng có chủ tể gọi là ngã. Đối với thân người, chấp có cái đó, gọi là nhân ngã (cái ta của con người). Đối với pháp, chấp có cái đó, gọi là pháp ngã. Đối với mình, chấp có cái đó, gọi là tự ngã. Đối với kẻ khác, chấp có cái đó, gọi là tha ngã. Nhưng thân thể của con người là do sự giả hợp của năm uẩn mà có, không có ngã thể thường nhất, còn các pháp hết thảy đều là do nhân duyên mà sinh ra, cũng không có cái ngã thể thường nhất, đã không có nhân ngã, không có pháp ngã, thì tất nhiên cũng không có tự ngã và tha ngã. Như vậy, cuối cùng là không có cái ngã. Đó là chân lý rốt ráo. Chỉ Quán, quyển bảy viết: “Vì không có trí tuệ nên mới nói là có ngã, lấy trí tuệ mà xem xét thì thực không có ngã. Ngã ở chỗ nào? Ở đầu, chân, hay ở tay? Hết thảy xem xét thấu suốt, chẳng thấy cái ngã ở đâu cả. Vậy người và chúng sanh ở đâu mà ra? Do nghiệp lực của chúng sanh, giả hợp theo các duyên mà sanh ra, không có chủ tể, như ngủ ở ngôi đình trống rỗng.” Luận Nguyên Nhân nói: “Sắc của hình hài, tâm tư của tư hệ, từ vô thủy đến nay là do lực của nhân duyên, niệm niệm sanh diệt, nối tiếp không cùng, như nước chảy xuôi, như đèn tỏa sáng. Thân tâm giả hợp, tựa như nhất thể, tựa như hằng thường. Phàm phu không biết, chấp nó là ngã. Vì cho cái ngã này là của báu, nên dấy lên ba món độc: tham, sân, si, ba món độc đó trói buộc cái ý, phát động ra thân khẩu, tạo nên hết thảy các nghiệp.” (Từ Điển Phật Học Hán-Việt, trang 1531)

Những định nghĩa như thế cho ta biết rõ ràng về cái ngã, nhưng thông thường chúng ta hay chấp ngã. Bởi lẽ chúng ta thấy nó có hiện hữu, nhưng trên thực tế thì không có. Vì lẽ chúng do nhiều nhân duyên hội tụ lại mà thành. Vì thấy có cái ta làm chủ, do vậy phải cần có cái thuộc về ta (ngã sở), để rồi chúng ta cứ mãi mãi vướng vào con đường chấp trước và mê lầm. Sở dĩ chúng ta hiện hữu là vì nhân duyên nhiều loại hợp thành. Nếu nhân duyên bị tan rã, tức mọi vật đều bị ảnh hưởng dây chuyền, không có cái gì tự độc lập một mình cả. Do vậy mà gọi là vô ngã. Nếu ai hiểu được giáo lý căn bản này, tức hiểu được Đạo Phật và hiểu được tất cả những hiện tượng giới xảy ra chung quanh mình. Nhưng hiểu và chấp nhận là một chuyện, còn việc thực hành lại là một chuyện khác nữa. Tất cả đều phải trải qua từng giai đoạn và từng sự tướng một, lúc bấy giờ mới thực hiện được tính vô ngã qua hành động cụ thể của mỗi con người.

Như vậy những gì được gọi là hiện tượng ví dụ như hạnh phúc và khổ đau, có không, còn mất v.v... tất cả cũng chỉ là những đối đãi, giả hợp, không thật tướng. Nếu có đi chăng nữa, thì đó chỉ là những giả danh để gọi về con người và sự vật, sự việc mà thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.241.235 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...