Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống.
(Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công.
(Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy rằng: “Bồ Tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí.” Đức Phật cũng dạy: “Nếu Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức ấy chẳng thể suy lường.”
Các bản luận giải cho rằng, “tâm không chỗ trụ” đó là nói người thực hành bố thí không vướng mắc vào ba điều: (1) không thấy người bố thí là thật có, (2) không thấy người nhận bố thí là thật có, và (3) không thấy vật mang ra bố thí là thật có. Ba điều vướng mắc ấy gọi là tam luân tướng (三輪相). Người thực hành bố thí được không vướng mắc như nói trên gọi là tam luân thanh tịnh (三輪清淨).
Hầu hết chúng ta khi được nghe lời dạy trên, hẳn sẽ cho rằng đó chỉ là dành cho những bậc cao tăng thạc đức, hay ít ra cũng là những người có tâm địa hết sức cao quý, thánh thiện, chứ không phải dành cho những người phàm tục còn nhiều si mê, tham ái như chúng ta.
Thật ra không phải thế! Với tâm đại từ bi, đức Phật khi thuyết dạy Kinh điển phần lớn đều hướng đến những kẻ phàm tục si mê như chúng ta, không phải vì những bậc đã đạt ngộ hay thành tựu thánh quả. Những lời ngài dạy như trên quả thật là chân lý để giúp tất cả chúng ta thành tựu trong việc thực hành hạnh nguyện bố thí, chỉ vì ta không nhận hiểu đúng nên không thấy được đó chính là những huấn thị quý báu cho chính bản thân mình.
Thoát ra khỏi sự vướng mắc vào “tam luân tướng” không phải là một triết lý cao siêu trừu tượng, mà chính là một cách hành xử khôn ngoan và thiết thực. Như một phần trên đã nói, nhận thức về một bản ngã tồn tại độc lập và tách biệt với thế giới là một nhận thức hoàn toàn sai lầm. Từ căn bản sai lầm đó nên khi thực hành bất kỳ pháp môn nào ta cũng đều không phát huy được hết những hiệu quả tích cực của pháp môn đó, kể cả việc thực hành bố thí. Khi ta chia sẻ, giúp đỡ người khác trên căn bản nhận thức sai lầm về bản ngã, ta dễ dàng khởi tâm kiêu mạn vì thấy mình là “người cho”, có vị thế cao hơn “người nhận”. Tâm kiêu mạn này cũng có thể khởi sinh ở dạng vi tế, khó nhận biết hơn khi ta có cảm giác tự hào, tự mãn về việc tốt mình vừa làm. Sự tự hào với một việc làm tốt đẹp vốn không có gì sai trái, nhưng vấn đề ở đây chính là nhận thức phân biệt sai lầm của chúng ta khi thấy rằng thật có một bản ngã độc lập tồn tại tách biệt với mọi đối tượng. Chính nhận thức sai lầm này sẽ trói buộc, giới hạn việc làm của ta, cũng như thôi thúc ta phản ứng không tốt khi có ai đó hành xử không đúng như ta mong đợi. Vì thế, khi thực hành bố thí thì trước hết ta phải quán chiếu sâu xa lý vô ngã, và do đó không còn thấy người bố thí là thật có. Sự thanh tịnh thứ nhất - không thấy thật có người bố thí - giúp ta đối trị với tâm kiêu mạn vốn rất dễ dàng khởi sinh khi ta thực hành việc bố thí cho người khác.
Từ nhận thức phân biệt sai lầm về sự thật có của bản ngã nên ta cũng đồng thời thừa nhận sự tồn tại chắc thật của mọi đối tượng bên ngoài bản ngã đó, mà không nhận biết rằng tất cả chỉ là sự hợp thành tạm bợ của các nhân duyên, nên bản chất rốt ráo của chúng đều là không thật có. Khi thực hành bố thí với nhận thức rằng người đang nhận sự bố thí của ta là một đối tượng thật có, ta chắc chắn sẽ khởi tâm nhận thức về đối tượng đó với sự phân biệt trong tương quan so sánh với các đối tượng khác mà ta đã biết. Chính từ sự phân biệt nhận thức này, chúng ta sẽ khởi lên những tình cảm thuộc phạm trù ái luyến, bám víu vào đối tượng của sự bố thí, và do đó mà tâm vị tha ban đầu của chúng ta sẽ bị giới hạn. Thay vì trải rộng và hướng đến tất cả chúng sanh, những tình cảm thuộc phạm trù ái luyến bao giờ cũng hướng vào những đối tượng mà ta đã khởi sinh tình cảm. Ngược lại, khi quán chiếu sâu xa lý vô ngã để thấy rõ bản chất của thực tại và nhận ra rằng đối tượng nhận bố thí đó không hề thật có, ta sẽ duy trì và nuôi dưỡng được tâm từ bi hướng đến tất cả chúng sanh, trải rộng tình thương đến muôn loài mà không bị chi phối bởi sự luyến ái, bám víu vào đối tượng.
Sự thanh tịnh thứ hai - không thấy thật có người nhận bố thí - giúp ta đối trị với tâm phân biệt luyến ái hay sự bám víu - vốn rất dễ dàng khởi sinh trong việc thực hành bố thí.
Từ nhận thức phân biệt sai lầm về bản ngã, chúng ta cũng rơi vào nhận thức sai lầm về sự chắc thật của những gì ta mang ra bố thí, trong khi chúng thật ra chỉ là sự giả hợp của các nhân duyên và luôn mang tính chất biến chuyển vô thường, không bền chắc. Do nhận thức sai lầm về vật mang ra bố thí nên chúng ta dễ dàng khởi tâm tham tiếc, bởi thấy rằng khi bố thí cho người khác là ta đang “mất đi” những thứ ấy. Nếu có sự quán chiếu sâu xa lý vô ngã và thấu hiểu được tánh Không của vạn pháp, ta sẽ thấy rằng những gì mang ra bố thí đó xét cho cùng đều không thật có, chỉ là sự giả hợp tạm thời của các nhân duyên. Nhận thức này sẽ triệt tiêu mọi tâm niệm tham tiếc vốn rất dễ dàng khởi sinh khi ta thực hành bố thí. Đó là sự thanh tịnh thứ ba: không thấy rằng vật mang ra bố thí là thật có.
Khi thực hành bố thí với “tam luân thanh tịnh”, không thấy người bố thí là thật có, không thấy người nhận bố thí là thật có, cũng không thấy vật mang ra bố thí là thật có, chúng ta sẽ mở rộng tâm thức vượt qua mọi giới hạn thông thường, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề rộng lớn vô biên hướng về tất cả chúng sanh mà khởi tâm từ bi bình đẳng không phân biệt. Đó chính là ý nghĩa sâu xa và cũng là lợi ích lớn lao nhất của sự thực hành bố thí. Xét theo ý nghĩa này, vấn đề không còn là sự bố thí nhiều hay ít, bố thí cho những ai hay bố thí những món gì, mà điều quan trọng nhất ở đây là chúng ta đã nhận hiểu đúng thật về thực tại, qua đó khởi tâm từ bi vô lượng hướng đến tất cả chúng sanh, vì muốn chấm dứt khổ đau cho chúng sanh mà phát khởi tâm Bồ-đề, quyết tự mình tu tập đạt đến quả vị Phật.
Việc phát khởi và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề là thành tựu lớn lao nhất mà chúng ta có thể có được từ sự tu tập thực hành bố thí. Trong Kinh điển thường đề cập đến những kết quả của sự bố thí như là sẽ được giàu có sung túc, không bao giờ phải chịu cảnh nghèo khổ, thiếu thốn, và mọi sự mong cầu về vật chất đều sẽ dễ dàng được thỏa mãn. Tất nhiên, những điều này là hoàn toàn chính xác, và được hiểu như là kết quả sự vận hành của nguyên lý nhân quả. Cũng giống như khi chúng ta trồng xuống một cây cam và chăm sóc đúng mức trong những điều kiện thích hợp, điều ta có thể chờ đợi là những quả cam trong tương lai. Tuy nhiên, đó là nói về sự bố thí thông thường của chúng ta với sự tồn tại song hành của tam luân tướng, hay nói theo Kinh Kim Cang thì đó là “trụ tướng bố thí”. Vì thế, kết quả đạt được chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị vật chất của những gì ta mang ra bố thí. Nói một cách dễ hiểu hơn, cách “trụ tướng bố thí” này cũng tương tự như việc ta mang tiền đến gửi vào ngân hàng. Kết quả mà ta sẽ nhận lại trong tương lai tùy thuộc vào số tiền ta gửi, cộng thêm một ít tiền lãi, tùy thuộc vào quy định của ngân hàng...
Bố thí như vậy là không đạt được tam luân thanh tịnh, hoàn toàn khác xa sự bố thí với “tâm không trụ tướng” như lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang. Và cũng theo lời Phật dạy, chỉ khi nào ta có thể bố thí với tâm không trụ tướng thì mới có được “phước đức chẳng thể suy lường”, nghĩa là vượt ngoài mọi sự cân đong đo đếm hay nhận thức của thế gian.
Rất có thể sẽ có người hoài nghi về ý nghĩa “chẳng thể suy lường” ở đây, vì nó mô tả kết quả nhận được từ việc bố thí một cách lớn lao quá, to tát quá, thậm chí có vẻ như khó tin quá! Tuy nhiên, vấn đề khác biệt như đã nói rõ, chính là do ở sự “trụ tướng” hay “không trụ tướng”, hoặc nói theo như ý nghĩa trong các bản luận giải thì đó là sự bám chấp vào “tam luân tướng” hay được thực hành với “tam luân thanh tịnh”. Khi phân tích kỹ hơn về sự khác biệt, chúng ta sẽ đi đến chỗ nhận biết được sự mô tả như trên là hoàn toàn hợp lý và chính xác.
Những ý nghĩa đã tìm hiểu về “tam luân thanh tịnh” giúp ta nhận ra được rằng, việc bố thí với “tâm không trụ tướng” hoàn toàn không có nghĩa là trong lòng ta hờ hững với mọi đối tượng hay vô tri giác như gỗ đá. Ngược lại, nền tảng căn bản của sự “không trụ tướng” chính là vì đã nhận biết được thật tướng, bản thể của vạn pháp, nên không còn vướng mắc vào cái giả tướng, cái vẻ ngoài của thực tại. Và như đã nói ở một phần trước, hệ quả của nhận thức chân thật này chính là sự nhận biết sâu sắc mọi khổ đau của tất cả chúng sanh, từ đó khởi sinh tâm đại từ bi, mong muốn có đủ năng lực để cứu giúp tất cả. Đây là khởi điểm của sự phát tâm Bồ-đề, thệ nguyện tu thành Phật đạo vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh.
Tâm Bồ-đề là một viên ngọc như ý của người tu tập, giúp chúng ta thành tựu được những điều mà không một phương tiện bất kỳ nào khác có thể thay thế được.
Thật vậy, sự quán chiếu sâu xa có thể cho ta thấy rõ rằng mỗi một ý nghĩ, hành vi hay lời nói của chúng ta trong đời sống thế tục này, bất kể là thiện hay ác, đều là những nguyên nhân tạo nghiệp, dẫn đến sự tiếp tục trôi lăn vô định của mỗi chúng ta trong vòng luân hồi sinh tử, bởi luân hồi là đích đến cho cả ác nghiệp lẫn thiện nghiệp, và cho dù có tạo vô số thiện nghiệp để sinh lên các cõi trời đầy phúc lạc, thì thực tế là chúng ta cũng không thoát được ra khỏi vòng sinh tử tương tục.
Như một người kinh doanh thành đạt, có trong tay những tài sản to lớn, những khoản tiền kếch sù, nhưng với thời gian, tất cả rồi cũng sẽ tiêu tán hết. Nếu không tiếp tục thành đạt, không tiếp tục làm ra nhiều tiền, thì đến một lúc nào đó người ấy cũng không thể tránh khỏi việc trở nên nghèo khó.
Tình cảnh của tất cả chúng ta hiện nay trong luân hồi là như thế. Việc tu tập các thiện nghiệp tuy là tốt đẹp, nhưng chỉ giúp ta có được những hạnh phúc tạm bợ, những niềm vui nhất thời. Một khi những thiện nghiệp đó không còn nữa, nếu ta không duy trì được sự liên tục tạo ra các thiện nghiệp mới, thì nguy cơ tái sinh vào những cảnh giới thấp kém, nhiều khổ đau là không thể tránh khỏi. Do đó, tất cả những gì chúng ta đang làm đều thuộc về phạm trù của các pháp thế gian.
Khi ta phát khởi tâm Bồ-đề thì mọi thứ sẽ lập tức thay đổi. Mỗi một ý nghĩ, lời nói hay việc làm của ta, dù nhỏ nhặt đến đâu, khi ấy đều sẽ được chuyển hóa thành một tác nhân hướng đến sự giác ngộ viên mãn, tức là hoàn toàn thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Vì thế, theo cách nhìn của đạo Phật thì những gì ta đang làm với sự nuôi dưỡng tâm Bồ-đề là đã thuộc về phạm trù của các pháp xuất thế.
Con đường của các pháp thế gian là một đường cong khép kín không có lối ra. Trên con đường đó, chúng ta dẫu có trải qua những thăng trầm, sướng khổ, nhưng tất cả đều bị giới hạn trong sinh tử luân hồi, và bản thân mỗi sự việc cũng có sự giới hạn tùy theo tính chất và cường độ của chúng. Đi theo con đường đó, chúng ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ không tìm được lối thoát thực sự.
Con đường của các pháp xuất thế là đường thẳng cắt ngang qua vòng tròn luân hồi sinh tử để dứt khoát vượt ra khỏi phạm vi bao trùm của nó. Trên con đường đó, ta không thể nhất thời rũ sạch mọi khổ đau, phiền não, nhưng ta chấp nhận tất cả những điều đó với tâm thái của một người hiểu biết, nhận chân được bản chất thật sự của mọi vấn đề, và vì thế không còn phải bận tâm vì những gì giả tạm, không thật có. Hơn thế nữa, con đường xuất thế còn là một con đường diệu vợi và chúng ta phải luôn duy trì tư thế sẵn sàng vượt lên với sự dũng mãnh, kiên trì của một cuộc hành trình vượt thoát, chứ không phải sự dễ duôi, lười nhác của một chuyến rong chơi. Tuy vậy, khi kiên trì đi theo con đường xuất thế thì chắc chắn chúng ta sẽ có ngày thoát ra khỏi luân hồi sinh tử.
Và tâm Bồ-đề chính là chiếc chìa khóa vạn năng đưa ta vào con đường xuất thế, là viên ngọc như ý giúp ta chuyển hóa mọi hành vi, ý niệm của mình từ phạm trù của các pháp thế gian sang phạm trù của các pháp xuất thế. Khi đã phát khởi và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, chúng ta thay đổi hoàn toàn nhận thức về đời sống, nhìn nhận một cách đúng thật bản chất của mọi sự vật và không còn vướng mắc, chạy theo những giá trị hư ảo do tâm thức vô minh tạo ra từ bao đời. Chính vì thế, con đường tu tập kể từ sau khi ta phát tâm Bồ-đề tuy vẫn còn không ít những trở lực và khó khăn, nhưng có thể xem như đã đi vào một định hướng chắc chắn sẽ đưa ta đến đích. Nói cách khác, với việc duy trì và phát triển tâm Bồ-đề, chúng ta đang đặt từng bước chân “chậm mà chắc” hướng đến sự giải thoát viên mãn.
Như đã nói, chính sự tu tập thực hành bố thí với “tâm không trụ tướng” đã mang đến cho chúng ta thành tựu là phát khởi và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, phát nguyện tu tập đạt đến quả Phật vì lợi ích cho tất cả chúng sanh. Đây chính là lý do giải thích việc đức Phật đã đề cập đến việc bố thí với tâm không trụ tướng ngay trong phần mở đầu của Kinh Kim Cang khi trả lời câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề về việc phải “trụ tâm như thế nào, hàng phục tâm như thế nào” khi đã phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề. Phần giảng giải này của đức Phật chỉ rõ rằng, chính pháp tu “bố thí không trụ tướng” là một trong những khởi đầu căn bản và quan trọng nhất trên con đường tu tập hướng đến sự giải thoát viên mãn.
Và như thế, chúng ta đã có thể thấy việc pháp tu này được mô tả là mang lại “phước đức chẳng thể suy lường” cũng là điều hoàn toàn hợp lý, bởi phước đức khi ấy không còn giới hạn trong phạm trù của các pháp thế gian, mà đã trở thành những nhân tố xuất thế, những nhân tố dẫn đến sự giác ngộ viên mãn. Và những giá trị như thế quả thật là vượt ngoài mọi sự suy lường, nhận thức của thế gian.
Từ sự so sánh về mặt nhận thức như trên, chúng ta mới thấy được khác biệt lớn lao giữa sự thực hành bố thí “trụ tướng” và “không trụ tướng”. Chính sự khác biệt này cũng mang lại nhiều hệ quả khác biệt trong suốt quá trình chúng ta thực hành bố thí.
Khi chúng ta bố thí với tâm thức bám víu vào bản ngã và đối tượng, sự bố thí đó cũng giống như người làm ruộng gieo giống và mong chờ ngày thu hoạch. Kết quả có được tuy là sẽ đến, nhưng luôn phụ thuộc vào nhiều nhân duyên khác cũng như tất yếu phải cần đến yếu tố thời gian để hạt giống phát triển và tạo thành kết quả. Trong suốt quá trình này, cho và nhận là hai yếu tố được phân biệt theo hai ý nghĩa. Thứ nhất, khi ta “cho” với tâm thức chấp ngã, ta luôn thấy có người “nhận” là đối tượng được ta ban cho. Thứ hai, cũng với tâm thức chấp ngã đó, ta “cho” đi một cái gì và đồng thời cũng mong đợi sẽ “nhận” lại một cái gì sau đó. Trong trường hợp này, tuy sự bố thí của ta là một việc làm tốt đẹp nhưng kết quả của nó đã bị giới hạn rất nhiều, cũng như không hề nhắm đến mục đích cao nhất là sự giải thoát khổ đau, cho bản thân ta cũng như cho tất cả chúng sanh. “Cho” và “nhận” như thế không thể giúp ta phát huy được hết những hiệu quả tốt đẹp nhất của pháp tu bố thí.
Ngược lại, khi chúng ta bố thí với một nhận thức chân thật về bản ngã và đối tượng, nhận rõ ý nghĩa vô ngã và tánh Không của vạn pháp, tâm thức ta sẽ hoàn toàn không bị vướng mắc vào người cho, người nhận cũng như vật được mang ra cho, đó chính là bố thí với “tâm không trụ tướng”. Hành vi bố thí như thế là sự hiển lộ tự nhiên của tâm Bồ-đề, được thôi thúc bởi ý hướng mang đến sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Vì thế, khi “cho” theo cách ấy ta không hề có sự mong đợi sẽ “nhận” lại bất kỳ một kết quả nào đó trong tương lai. Thế nhưng, tự thân hành vi đó đã là một nhân tố để nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, nuôi dưỡng lòng vị tha trong ta. Như vậy, kết quả của hành vi bố thí không chỉ là một cái gì sẽ đến trong tương lai, mà tự nó đã có mặt đồng thời với hành vi ấy. Trong trường hợp này, “cho” và “nhận” không còn là 2 yếu tố tách biệt với nhau theo bất kỳ ý nghĩa nào. Thứ nhất, vì nhận thức rõ lý vô ngã nên ta không thấy có “người cho” khác với đối tượng “được cho”, hay nói khác đi là không hề có sự phân biệt giữa “cho” và “nhận”. Thứ hai, từ nhận thức đó nên ta không khởi tâm mong chờ bất kỳ một kết quả nào đó trong tương lai, nghĩa là ta không “cho” với ý niệm để được “nhận” lại gì cả. Nói đúng hơn, ngay trong hành vi “cho” theo đúng ý nghĩa này đã có sự hiện hữu đồng thời của “nhận”, bởi chính nó đã tức thời mang lại cho ta giá trị nuôi dưỡng tâm Bồ-đề là một giá trị hết sức lớn lao thuộc phạm trù xuất thế. Có thể nói, khi thực hành bố thí với “tâm không trụ tướng” như thế thì “cho” và “nhận” không còn là 2 yếu tố, 2 phạm trù tách biệt nữa, mà “cho” cũng chính là “nhận”. Và chỉ khi cho là nhận thì việc thực hành bố thí mới thực sự mang lại cho ta những thành tựu lớn lao nhất trên con đường tu tập.
Tuy nhiên, những quán chiếu sâu sắc như trên cũng sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu như chúng ta không thực sự vận dụng được chúng một cách thiết thực vào ngay trong mỗi ý nghĩ, hành vi hay lời nói hằng ngày của mình. Chúng ta không thể mỗi ngày thắp hương lễ Phật rồi ngồi xuống quán chiếu vô ngã, quán chiếu tánh Không rồi nhận biết cho là nhận, nhưng ngay trong hành vi hay lời nói mỗi ngày lại hoàn toàn không có sự chuyển hóa, thay đổi nào theo với những kết quả quán chiếu đó. Tất nhiên, sự nỗ lực quán chiếu thường xuyên theo thời khóa mỗi ngày là rất cần thiết và chính là điều kiện tất yếu để ta có thể phá vỡ những nhận thức sai lầm từ trước đến nay. Nhưng sự vận dụng những kết quả quán chiếu đó vào thực tế đời sống cũng quan trọng không kém, thậm chí còn có thể nói là quan trọng hơn nữa, nếu xét theo ý nghĩa chính nó mới mang lại những lợi lạc thiết thực cho đời sống thực tiễn của chúng ta. Vì thế, ngay trong mỗi hành vi chia sẻ nhỏ nhặt thường ngày, chúng ta phải có sự thực hành sâu sắc để luôn thấy được cho là nhận, thấy được những gì ta mang ra chia sẻ cùng người khác cũng chính là đang vun bồi lợi lạc, an vui cho tất cả chúng sanh, trong đó có chính bản thân ta.
Thật ra, nhận thức “cho là nhận” không phải là một khái niệm trừu tượng do ta cố áp đặt những kết quả của sự thực hành quán chiếu vào thực tiễn, mà đó chính là một cách nhìn đúng thật, chân xác, loại bỏ được mọi định kiến theo thói quen vốn có từ lâu đời. Khi nhận thức mỗi sự việc một cách hoàn toàn khách quan và từ bỏ mọi định kiến, chắc chắn ta sẽ nhận ra được sự đúng thật của quan điểm này.
Ta có thể nhận biết cho là nhận khi chia sẻ với ai đó một giá trị bất kỳ xuất phát từ ý nguyện muốn mang lại lợi lạc cho người ấy. Tài vật chia sẻ có thể nhiều hoặc ít, lớn hoặc nhỏ tùy theo hoàn cảnh thực tiễn khi ấy, nhưng giá trị thật của sự chia sẻ đó không hoàn toàn phụ thuộc vào vật chất, mà phụ thuộc nhiều hơn vào sự đồng cảm giữa người cho và người nhận. Người nhận có được lợi lạc từ sự chia sẻ đúng nghĩa của người cho, và người cho cũng đồng thời có được sự hoan hỷ khi cảm nhận được niềm vui từ người nhận.
Ta cũng có thể nhận biết cho là nhận khi quan sát sự việc trong một toàn thể các giá trị liên quan. Khi ta chân thành chia sẻ cùng ai đó một giá trị, ta cũng đồng thời nhận lại một hay nhiều các giá trị khác. Một số vị Geshe Tây Tạng cho biết rằng các vị đã nhận hiểu được rất nhiều điều sâu xa trong Giáo pháp nhờ vào chính quá trình nghiên cứu giảng dạy cho học tăng, chứ không phải chỉ nhờ vào giai đoạn theo học trong các Phật học viện. Theo đó, chính trong khi các vị hoan hỷ thực hành pháp thí bằng cách chia sẻ Giáo pháp đã học với mọi người, thì bản thân các vị cũng đồng thời nhờ đó mà nhận hiểu được những ý nghĩa mới, những giá trị sâu xa hơn.
Điều này cũng xảy ra tương tự trong rất nhiều trường hợp giao tiếp thông thường. Một khi chúng ta có sự chân thành chia sẻ, điều chắc chắn là ta sẽ nhận được thiện cảm từ những người quanh ta, và đó cũng chính là một giá trị căn bản rất quý giá trong quan hệ xã hội, từ đó có thể mang lại cho ta nhiều giá trị khác.
Nói cách khác, khi nhìn nhận mọi sự việc một cách khách quan và có xét đến những giá trị khác nhau đóng góp vào giá trị chung của cuộc sống, chúng ta sẽ nhận ra tính chất hoán đổi và tương quan mật thiết giữa các giá trị. Điều đó dẫn đến hệ quả tất yếu là sự chia sẻ một số giá trị nhất định cũng đồng thời sẽ là điều kiện giúp chúng ta nhận được một hay nhiều các giá trị khác. Trong mối quan hệ “cho là nhận” theo cách này, điều kỳ diệu là giá trị chung của cuộc sống chúng ta sẽ ngày càng được hoàn thiện hơn nữa, nhất là về mặt tinh thần.
Và nói đến giá trị chung nhất của đời sống, chúng ta không thể quên rằng mọi nỗ lực của tất cả chúng ta theo những chiều hướng, phương thức khác nhau đều không đi ngoài việc tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc, an vui. Với những nỗ lực đúng hướng, mục tiêu tìm kiếm hạnh phúc của ta sẽ trở nên khả thi và điều đó được chứng tỏ qua sự cải thiện đời sống tinh thần, giúp ta ngày càng có được nhiều niềm vui sống, nhiều an vui và hạnh phúc hơn trước. Ngược lại, những nỗ lực theo hướng sai lầm luôn đẩy ta vào một cuộc sống ngày càng rối rắm, bất an và nhiều phiền toái. Đôi khi ta có thể thành công trong việc tích lũy ngày càng nhiều các giá trị vật chất hay tri thức, nhưng sự sa sút của nhiều giá trị khác lại khiến cho bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của chúng ta trở nên ngày càng u ám, đen tối hơn. Chính trong những trường hợp này, việc suy ngẫm về khả năng chuyển hóa đời sống bằng cách thực hành bố thí sẽ là một giải pháp vô cùng hữu hiệu. Thực hành bố thí luôn là một phương thức thiết thực giúp ta sử dụng những giá trị hiện có của mình một cách hữu hiệu để cân đối hài hòa với mọi giá trị khác và nhờ đó có thể đạt được một cuộc sống an vui, hạnh phúc hơn.
Sự chia sẻ chân thành luôn mang lại cho chúng ta những niềm vui nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, khiến ta có được một cảm nhận rất rõ ràng về ý nghĩa cuộc sống. Những điều này ta không thể nào trực tiếp đổi lấy bằng các giá trị vật chất, nhưng thông qua sự thực hành pháp bố thí, những giá trị vật chất mà ta đưa ra chia sẻ đã mang lại cho ta niềm vui và hạnh phúc. Điều này thể hiện rõ cho ta thấy ý nghĩa cho là nhận.
Ta cũng có thể suy ngẫm quán chiếu để thấy được tính chất không thường tồn và giới hạn của mọi giá trị trong đời sống. Mỗi một giá trị mà ta đang có, cho dù là vật chất, tri thức, kinh nghiệm sống hay bất kỳ giá trị nào khác, chỉ có thể phát huy tác dụng của chúng trong một thời gian nhất định, trong những hoàn cảnh nhất định. Chúng không hề có giá trị tuyệt đối, cũng không thể trực tiếp hoán đổi cho nhau. Khi bạn đang đau yếu chẳng hạn, sức khỏe trở nên quan trọng đối với bạn, trong khi tác dụng của mọi giá trị vật chất trở nên vô cùng hạn chế, vì bạn không thể dùng chúng để trực tiếp đổi lấy sức khỏe. Cho dù bạn là người giàu có đến đâu đi chăng nữa, tiền bạc cũng không chắc chắn giúp bạn dứt được bệnh tật. Trong hoàn cảnh đó, bạn có thể mua thật nhiều thuốc men tốt, mời thật nhiều bác sĩ giỏi, nhưng dù sao bạn cũng không thể trả giá để mua được sức khỏe. Sự thật đúng là như vậy.
Mặt khác, khi bạn gặp nhiều bất ổn hoặc khổ đau vì những vấn đề tình cảm thì dường như sức khỏe lại không được bạn quan tâm nhiều lắm. Vì thế, cho dù mọi giá trị đều có tác dụng hỗ tương cho nhau, nhưng tầm quan trọng của mỗi giá trị lại chỉ giới hạn trong những điều kiện nhất định khi bạn cần đến. Và cho dù mỗi một giá trị đều có công năng đóng góp vào giá trị chung của cuộc sống, nhưng không có bất kỳ một giá trị nào trong số đó có thể xem là giá trị của đời sống. Đơn giản là vì chúng chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, có những tác động nhất định trong cuộc sống của bạn, nhưng điều chắc chắn là chúng sẽ luôn thay đổi và dễ dàng mất đi vào một lúc nào đó, tùy thuộc vào những điều kiện nhân duyên thích hợp.
Trừ phi bạn cảm nhận được ý nghĩa thực sự của đời sống và hoàn toàn hài lòng với hạnh phúc hiện có, bằng không thì mọi giá trị khác nhau trong cuộc sống suy cho cùng cũng chỉ có thể mang đến cho bạn những thỏa mãn nhất thời, những niềm vui giả tạm mà thôi. Thật ra, đối với hầu hết chúng ta khi đang ngụp lặn trong một cuộc sống bon chen thì hạnh phúc đáng mơ ước nhất cũng chỉ là sự ráp nối của những niềm vui ngắn ngủi. Vì thế, chúng thực sự mong manh và bất ổn. Nhưng trong thực tế thì ngay cả cái khuôn mẫu hạnh phúc mong manh và bất ổn ấy cũng rất hiếm khi có được, mà điều thường gặp hơn bao giờ cũng là những mảng đan xen giữa hạnh phúc và khổ đau theo cách mà bản thân chúng ta hoàn toàn không làm chủ được.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.218.219 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.