Giảng rộng
Đã gọi là đường ắt phải có vô số người qua lại. Đường sá gập ghềnh, ắt phải có vô số người không được thuận tiện khi qua lại. Một ngày chưa tu sửa là một ngày người đi lại phải chịu bất tiện; trong nhiều năm không tu sửa thì suốt những năm ấy người đi lại phải chịu bất tiện. Nếu ngày nay có thể tu sửa, san phẳng, thì từ nay về sau, cho đến nhiều năm sau, mỗi ngày đều thuận tiện cho vô số người đi lại.
Trong vô số người đó, lại có những người được đi lại thuận tiện vào ngày mưa to gió lớn, lại có những người đi lại mang vác hành lí nặng nề cũng được thuận tiện, lại có những người vào lúc chiều hôm đêm tối cũng được đi lại thuận tiện. Trong chỗ âm thầm mà xóa bỏ đi bao nỗi kinh hoàng cho vô số người già, trẻ con; lại cũng trong chỗ âm thầm mà giảm bớt đi bao lần té ngã cho vô số kẻ mù lòa tật nguyền, công lao như vậy chẳng phải là lớn lao lắm sao?
Nói “đường sá gập ghềnh” là chỉ nói riêng về đường bộ, nếu theo ý này mà suy rộng ra thì những sông ngòi bị tắc nghẽn, những khe suối chảy vòng vèo, thảy đều trở ngại cho ghe thuyền khi di chuyển, cũng đều có thể xem là “đường gập ghềnh”. Cách tu sửa trong những trường hợp này là làm sao để thuận tiện cho việc đi lại, nghĩ cách nạo vét, khơi thông dòng chảy, sửa sang những chỗ khó đi, giúp cho người đời sau được vĩnh viễn hưởng nhờ ân huệ đó. Làm được như vậy chính là góp sức tu sửa, san phẳng “đường sá gập ghềnh” đã lâu năm.
Trưng dẫn sự tích
Con đê dài bảy mươi dặm
Vùng Côn Sơn thuộc tỉnh Giang Tô có con đê Chí Hòa chạy dài từ trung tâm huyện lỵ về hướng tây đến tận Lâu Môn, dài khoảng 70 dặm, thông với hồ rộng, trước đây vốn là cả một vùng bùn đất, không có đường đi lại, thật là một mối lo rất lớn của người dân.
Từ thời Tấn, Đường, việc nâng sửa bồi đắp đều không có kết quả. Trong khoảng niên hiệu Hoàng Hữu triều Tống, có người vẽ bản thiết kế dâng lên triều đình, kiến nghị thực hiện, nhưng không có kết quả. Đến niên hiệu Chí Hòa năm thứ hai, quan Chủ bạ Côn Sơn lúc bấy giờ là Khâu Dữ Quyền lại dâng sớ lên triều đình, trình bày năm điều lợi ích của việc đắp con đê này, hết sức thuyết phục thỉnh cầu triều đình cho khởi công thực hiện. Tiếp theo đó, quan Tri huyện là Tiền Công Kỷ cũng dâng biểu thỉnh cầu cùng một nội dung, nên cuối cùng triều đình mới chuẩn y việc khởi công xây dựng. Từ đó liền huy động rất nhiều nhân công phu dịch, khai mương đắp đất, không bao lâu đã hoàn thành con đê, liền dùng niên hiệu mà đặt thành tên, gọi là đê Chí Hòa. Nhờ đó mà khai thông được đến 52 bến cảng trên sông, những chỗ có đường nước lớn đều làm cầu phía trên, rất thuận tiện cho người đi lại. Cho đến nay người dân vẫn còn được thừa hưởng ân huệ đó.
Lời bàn
Năm điều lợi ích được quan Chủ bạ nêu ra là: Thứ nhất, tiện cho thuyền bè đi lại; thứ hai, mở mang thêm ruộng đất; thứ ba, có thể miễn trừ thuế má; thứ tư, chấm dứt nạn trộm cướp; thứ năm, ngăn cấm được bọn gian thương.
Một công trình lớn lao sử dụng nhiều nhân công phu dịch như thế, lại được khai sáng từ những vị quan nhỏ chỉ ở cấp huyện, cuối cùng để lại cho hậu thế những lợi ích vô cùng lớn lao. Theo đó mà xét, chắc chắn phải khởi sinh từ một tấm lòng quan tâm đến nỗi khổ của dân, nào phải vì mong cầu quan cao lộc hậu?
Nấu thiếc đúc đập
Ở Côn Sơn có người tên Trương Hư Giang, tên húy là Hiến Thần, trong khoảng niên hiệu Gia Tĩnh triều Minh giữ chức quan Đài đạo ở huyện Ninh Thiệu, tỉnh Triết Giang. Vừa đến nhậm chức, ông đã cương quyết từ chối tất cả mọi thứ phẩm vật tiền tài biếu xén, làm một vị quan thanh liêm hoàn toàn trong sạch, không chút nhiễm bẩn. Ông thường nói: “Dù chỉ uống một chén nước sông Triết Giang, ta cũng mong cho con cháu sau này lại được làm quan nơi đây.”
Về sau, quả nhiên cháu nội ông là Trương Thái Phù, tên húy là Lỗ Duy, được làm Tri phủ Thiệu Hưng. Bấy giờ, cách bên ngoài thành phủ khoảng năm, sáu mươi dặm có đập nước Tinh Tú, giữ vai trò rất quan trọng trong việc chống hạn của toàn phủ. Nguyên đập nước này trước đây do Chu Mãi Thần khởi công xây dựng từ triều Hán. Vùng này giáp với biển lớn, đập có đến 28 cửa thoát nước, chu vi dài rộng khoảng ba, bốn dặm, thế nước lại hết sức mạnh nên rất khó tu sửa. Trước đây có Thái thú Tiền đã từng huy động dân phu tu sửa, vừa xong chỉ qua được một ngày thì sụp lở hết sạch. Sau đó nhiều lần tu sửa nhưng lần nào cũng bị hư hoại, nhân dân hết sức khổ sở.
Trương Thái Phù xem xét địa hình nơi ấy, thấy rằng xây bằng đá thì không thể chịu đựng lâu dài, liền cho nấu chảy chì với thiếc đổ lên, làm cho cầu đá với đập nước liên kết thành một khối, giảm bớt được chi phí đến hàng vạn lượng bạc. Cho đến nay đập nước này vẫn sừng sững nguyên vẹn. Nhân dân Thiệu Hưng nhớ ơn lập đền thờ ông tại đó. Về sau Trương Thái Phù lại được thăng chức làm quan Đài đạo huyện Ninh Thiệu, sau đó nữa lên chức Bố chánh sứ, tiếp lại được thăng đến chức Tổng Tào của bảy tỉnh. Nói chung, trải qua các chức quan đều không xa rời Triết Giang, người đời đều cho rằng đó là phước báo của Trương Hư Giang làm quan liêm chính.
Lời bàn
Thân phụ của tiên sinh Hư Giang là ông Nam Lộc, tổ tiên nhiều đời trước đó vốn là một học trò của danh sĩ Phương Hiếu Nho, do liên lụy đến vụ án của thầy mà phải dời đến ở Đường Phố thuộc Trường Châu, từ đó con cháu sinh sống bằng nghề nông, đối với người ngoài không bao giờ dám trao đổi chuyện văn chương sách vở.
Một hôm, ông Nam Lộc nhân lúc đi ra ngoài bắt gặp bên lề đường có một cái túi, nhấc lên thấy rất nặng, ước chừng có khoảng ba, bốn trăm lượng bạc trong đó. Ông không dám mở ra nhìn, liền mang thuyền đến neo bên bờ sông, ở lại tại chỗ đó suốt ba ngày đêm để chờ, vì sợ người mất của trở lại tìm không gặp. Đến ngày thứ ba mới thấy một người hớt ha hớt hãi đi tìm đến đó, gạn hỏi biết đích xác là chủ nhân liền trả lại.
Đến khi tuổi đã xế chiều mới sinh được tiên sinh Hư Giang, mẹ là Quản phu nhân mang thai đến 16 tháng mới sinh. Thuở nhỏ tiên sinh rất thông minh, kinh thư chỉ đọc qua một lần là thuộc, vừa 20 tuổi đã đỗ đầu khoa thi Hội vào niên hiệu Gia Tĩnh. Con cháu nhiều đời nối nhau đỗ đạt không dứt.