Giảng rộng
Con người sở dĩ có thể trở thành tôn quý nhất trong muôn loài là vì miệng có thể nói thành lời, tay có thể viết thành văn. Tay có thể viết thành văn chương, đó cũng xem như tay có thể nói được thành lời. Nhưng lời từ miệng nói ra, chỉ những người gần gũi chung quanh mới nghe được, còn văn chương viết ra lại có thể truyền xa vạn dặm. Lời từ miệng nói ra chỉ nghe được nhất thời, còn văn chương có thể lưu truyền mãi mãi cho hậu thế. Lời từ miệng nói ra phải dùng tai để nghe, còn văn chương có thể dùng mắt để đọc. Lời từ miệng nói ra, người nghe chốc lát đã thấy mỏi mệt, còn văn chương để lại đến ngàn đời sau người đọc cũng không chán mệt.
Thế nên, chữ viết thật có công lao to lớn biết bao đối với con người! Trong đời này nếu không có chữ viết, ắt quan lại chẳng dựa vào đâu để trị dân, chính lệnh đưa ra chẳng lấy gì làm bằng cứ. Như vậy đâu chỉ không an ổn được việc nhà, mà cũng chẳng thể nào trị yên việc nước. Con người chịu ơn chữ viết lớn lao như thế, há có thể khinh rẻ vứt bỏ giấy có chữ viết được sao?
Giấy có chữ viết tất nhiên không thể vứt bỏ, ý nghĩa của chữ viết lại càng không được vứt bỏ. Như người cãi lời cha mẹ, đó là suốt đời vứt bỏ ý nghĩa của chữ “hiếu”; không đối xử tốt với anh chị, đó là suốt đời vứt bỏ ý nghĩa của chữ “đễ”. Cứ như thế mà lần lượt suy xét lại từng điểm một, ắt là những ý nghĩa của chữ viết bị ta vứt bỏ quả thật không ít!
Có những người dùng giấy có chữ viết để bao gói hàng hóa, dán phết cửa sổ, rồi vứt bỏ lung tung, lại cho rằng những thứ mình vứt bỏ đó bất quá cũng chỉ là giấy có chữ viết mà thôi. Lại có người nghi ngờ chuyện Thương Hiệt sáng tạo chữ viết, khai mở nguồn văn tự cho muôn đời thì trời mưa xuống lúa thóc cũng hợp lý, nhưng sao có chuyện quỷ thần khóc lóc về đêm? Đó là vì thật không biết rằng, văn tự của thế gian nếu đã có chỗ dùng chính đáng, ắt cũng có chỗ dùng tà vạy. Do chỗ dùng chính đáng nên trời mưa xuống lúa thóc, lại do chỗ dùng tà vạy nên quỷ thần khóc lóc về đêm.
Trưng dẫn sự tích
Đốt kinh bị tuyệt tự
Ở tỉnh Thiểm Tây, về phía tây huyện Vũ Công có một ngôi chùa, trong chùa từng có một tạng kinh Phật bị hư hoại. Thuở còn niên thiếu, Khang Đối Sơn có lần cùng với năm người bạn học chung trường đến chùa đọc sách. Khi ấy đang tiết trời mùa đông giá rét, bốn người trong bọn bèn lấy những quyển kinh bị rách mang ra đốt để sưởi ấm, một người thì đốt để đun nước rửa mặt. Khang Đối Sơn trong lòng chê trách những người ấy nhưng không dám nói ra.
Đêm đó, Đối Sơn nằm mộng thấy có ba vị quan thiết lập án đường uy nghiêm xét xử, đều tỏ vẻ giận dữ phẫn nộ đối với những người đốt kinh sưởi ấm, phán rằng: “Cả nhà các ngươi rồi sẽ chết sạch, không người nối dòng.” Lại quay sang người đốt kinh đun nước, phán rằng: “Ngày sau ngươi sẽ không bao giờ được vinh hiển.” Các vị ấy lại quở trách Khương Đối Sơn rằng: “Tại sao ngươi thấy việc ấy mà không nói gì?” Đối Sơn thưa: “Con nhỏ tuổi hơn bọn họ, dù biết việc ấy không nên làm, nhưng chẳng dám nói ra.” Vị quan nói: “Một lời khuyên can, giải thích cũng có thể được miễn tội. Nhưng thôi nay tạm tha cho ngươi.”
Khương Đối Sơn tỉnh dậy, liền chép chuyện này vào phía sau của một quyển sách để ghi nhớ. Chưa được mấy năm sau, cả bốn người từng đốt kinh sưởi ấm đều mắc bệnh dịch chết sạch cả nhà. Còn người đốt kinh đun nước, trải bao nhiêu lần thi cử đều gặp trắc trở, cuối cùng cả đời chỉ loay hoay với nghề dạy trẻ.
Lời bàn
Sách vở thế gian khi hư hoại không còn đọc được đều có thể đốt đi, nhưng riêng kinh Phật thì dù gì cũng không thể đốt. Bởi vì kinh Phật mang đến phước đức và trí tuệ cho người, vượt xa mọi sách vở của thế gian. Tuy cùng là một chữ, nhưng trong đó ý nghĩa lại có thể nặng, nhẹ, khinh, trọng khác nhau một trời một vực, không hề giống nhau. Như các thiên văn chương điển, mô, thệ, cáo mẫu mực trong kinh Thư tất nhiên không thể xếp cùng loại với văn chương tiểu thuyết.
Nay lấy người biết chữ mà so sánh với người mù chữ, ắt người biết chữ được xem là hơn; lấy người biết chữ qua loa sơ lược mà so sánh với người học nhiều hiểu rộng, thông suốt việc xưa nay, ắt người học nhiều hiểu rộng phải được xem là hơn. Sách vở thế gian chỉ có thể nói về những chuyện thế sự trong thiên hạ, không thể rõ biết thấu suốt những gì vượt ra khỏi vòm trời này. Nếu người rộng đọc nhiều kinh Phật, ắt sâu thì có thể hiểu đến tận những chuyện thần kỳ nơi chốn long cung, dưới đáy biển, rộng xa thì có thể hiểu đến những chuyện đời trước đời sau, cho đến chỗ mênh mông của biết bao nhiêu cõi nước trong mười phương, hết thảy những việc như thế đều có thể hiểu qua đại lược, mà chỗ hoài bão cũng được nuôi dưỡng vượt xa hẳn những kẻ tầm thường.
Đối với người mù chữ, nếu nói với họ chuyện trị nước các đời vua Đường, Ngu, Tam đại, hoặc những danh xưng như Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng... ắt họ phải hết sức kinh ngạc khi được nghe. Cũng vậy, đối với kẻ xưa nay chỉ đọc sách vở của thế gian, nếu cho họ nghe những lời văn trong Ba tạng kinh điển của nhà Phật, những điều đức Phật đã thuyết dạy trong bốn mươi chín năm, ắt họ cũng sẽ kinh ngạc, khó lòng cứu xét. Những khuynh hướng như vậy cũng là lẽ tất nhiên.
Theo đó mà xét, những lời dạy về nhân duyên bỏ ác tu thiện, về tông chỉ truyền riêng ngoài giáo điển, vốn là kinh điển do đức Phật nói ra, nếu đem đốt bỏ đi thì sao có thể không mắc tội? Huống chi lại xem thường đến mức dùng đốt để sưởi ấm, đốt để đun nước, ắt là rồi sẽ phải đọa vào địa ngục mãi mãi, chịu khổ não đời đời kiếp kiếp, không có lúc được thoát ra. Chỉ riêng trong đời này bị chết sạch cả nhà, bị rơi vào cảnh khốn cùng, quả thật cũng chưa đủ để đền hết tội nghiệt.
Hỏi: Kinh điển còn nguyên vẹn, tất nhiên không thể đốt, nhưng kinh sách đã hư nát thì làm sao?
Đáp: Nếu đã hư nát quá nhiều, đến nỗi không đọc được nữa thì có thể đốt, rồi dùng túi sạch đựng tro ấy mang rải ra sông biển. Đến như chữ Vạn là tâm ấn của đức Như Lai thì càng không thể xem thường.
Đổ tro bừa bãi phải giảm tuổi thọ
Ở trấn Tra Khê, huyện Tân Hóa thuộc tỉnh Hồ Nam có người tên Chu Ninh Ước, tự là Sỹ Phong, rất thích môn thư pháp. Trong khoảng niên hiệu Khang Hy triều Thanh, vào tháng 2 năm Ất Sửu, ông bất ngờ mắc bệnh nhẹ rồi chết, bạn bè thân thiết đều đến khóc thương.
Bỗng nhiên ông sống lại, bảo mọi người rằng: “Tuổi thọ của tôi vốn được 42 năm, nhưng vì thường ngày chuyên cần luyện viết chữ, viết rồi tùy tiện đốt bỏ, mang tro đổ bừa bãi, không có sự kính trọng quý tiếc. Âm ty ghi chép lỗi lầm đó của tôi, giảm bớt 5 năm tuổi thọ, nên nay 37 tuổi mà số mạng đã dứt. Quý vị nên biết, khi đốt giấy có chữ viết, phải cẩn thận không đổ tro bừa bãi.”
Nói xong thì nhắm mắt qua đời.
Lời bàn
Nếu nói rằng chữ viết đã đốt thành tro có thể vứt bỏ, thì các đạo sĩ đốt tấu chương cũng xem như vứt bỏ. Đến như các loại đồ dùng bằng tre, gỗ, sành sứ mà có chữ viết trên đó, hay các loại gạch ngói có in những chữ phúc, thọ làm hiệu, lại để chôn vùi lâu ngày trong những chỗ phẩn dơ ô uế, những việc như vậy cũng cần phải ngăn cấm.
Đốt sách dơ nhớp chịu quả báo tức thì
Ở Tường Sinh, Côn Sơn có người tên Cát Tử Hòa. Vào triều Thanh, niên hiệu Khang Hy năm thứ 26, thường đọc sách dưới lầu phía tây điện Dược Sư, phía trên là phòng nằm nghỉ. Một hôm ở phòng trên lỡ tay làm nghiêng đổ nước trong bô phẩn, nước phẩn dơ theo kẽ ván sàn chảy xuống nhằm chỗ quyển sách Tử Hòa đang đọc, làm nhớp một đoạn có mấy chữ “Thành Gián nói với Tề Cảnh Công”. Tử Hòa bèn xé trang sách bị dơ ấy ra, nhúng vào nước, nhưng chưa rửa thật sạch đã lấy ra rồi để khô mà đốt bỏ.
Không ngờ đến kỳ thi, đề mục thứ ba lại rơi đúng vào đoạn “Thành Gián nói với Tề Cảnh Công”. Tử Hòa viết bài này, đến câu “Chu Công há lại dối gạt ta sao?” chẳng biết vì sao lại vô ý bỏ sót mất một chữ, do đó mà bị đánh rớt.
Lời bàn
Giấy có chữ viết bị dơ nhớp mà mang đốt, tội ấy không nhỏ. Đúng ra phải rửa cho thật sạch, sau đó mới có thể để khô rồi đốt, mang tro rải xuống sông, biển.