Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ »» 2. Thân người quý báu »»

Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ
»» 2. Thân người quý báu

Donate

(Lượt xem: 9.735)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ - 2. Thân người quý báu

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Tận dụng cơ hội tốt

Đôi khi ta có thể cảm thấy chán chường vì cuộc sống của ta dường như không có định hướng, hoặc có nhiều trở lực ngăn không cho ta sống một đời sống có ý nghĩa. Thế nhưng, khi xem xét đến sự tự do và những cơ hội ta đang sẵn có, ta sẽ rất đỗi ngạc nhiên và ngập tràn niềm vui sướng. Chúng ta sẽ hiểu ra rằng, sự chán chường thật ra là được nuôi dưỡng bởi một quan điểm hẹp hòi. Khi nhận ra được những cơ hội của mình, ta sẽ tự nhiên cảm thấy hạnh phúc hơn.

Là con người, chúng ta có được trí thông minh để hiểu biết về thế giới quanh mình. Bất chấp việc con người có đôi khi sử dụng sự khôn ngoan của mình một cách sai lầm, nhưng vẫn sẵn có khả năng vận dụng sự khôn ngoan đó theo những phương thức lợi lạc. Những tiến triển công nghệ kỹ thuật và vật chất chưa phải là tất cả những phương cách vận dụng tiềm năng con người. Cho dù công nghệ kỹ thuật giúp ta giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng nó cũng làm nảy sinh những bất ổn mới. Ở một số quốc gia có mức sống cao, người dân vẫn không được hạnh phúc trọn vẹn. Họ vẫn phải khổ sở vì những căn bệnh xã hội và tinh thần, những lo lắng và xung đột.

Điều này xảy ra là vì những nguyên nhân căn bản của mọi khó khăn - sự vô minh, sân hận và tham ái của ta - vẫn chưa được dứt trừ. Khi những tâm hành phiền não này vẫn còn, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn, cho dù vật chất có dư thừa đến đâu đi chăng nữa. Vì thế, theo cách nhìn của Phật giáo thì phương cách vận dụng trí thông minh để mang lại lợi lạc nhiều nhất chính là phát triển lòng vị tha và trí tuệ thấu hiểu bản chất rốt ráo của chính mình. Khi tâm được an bình, thì dù ở đâu ta cũng có hạnh phúc. Hơn nữa, khi ấy ta sẽ có khả năng tạo lập một môi trường sống an bình hơn.

Thật không may là hầu hết nhân loại, bao gồm cả chúng ta, đều không nhận biết được những tiềm năng của mình nên đã không phát triển. Chúng ta thường xem trí thông minh của mình là điều tất nhiên sẵn có. Đôi khi ta thấy nản lòng vì có một số người sử dụng sai lầm sự khôn ngoan của họ. Tuy nhiên, khi ta nhận ra được rằng trí thông minh của ta có thể giúp bản thân ta và người khác được hạnh phúc hơn như thế nào, ta sẽ thấy vui thú và tràn đầy sinh lực, cảm hứng để vận dụng những khả năng của mình.

Chúng ta không chỉ được làm người, mà hầu hết chúng ta còn được đầy đủ các giác quan. Chúng ta có thể nghe và thấy, những phương tiện tuyệt vời để tiếp cận thông tin và giúp ta dễ dàng học hỏi con đường tu tiến tuần tự hướng đến giác ngộ. Thêm nữa, bộ não của chúng ta có công năng tuyệt vời, nên ta có một khả năng rất lớn để học hỏi, tư duy và suy ngẫm. Chúng ta rất thường xem những phẩm tính này là điều tất nhiên sẵn có, nhưng nếu ta thử nghĩ đến việc mình sẽ như thế nào khi bị khiếm khuyết thính lực, thị giác hay trí tuệ, hẳn ta sẽ nhận ra ngay là mình đã may mắn biết bao.

Nói thế không có nghĩa những người câm, điếc thì không thể tu tập hướng đến giác ngộ. Chắc chắn là họ vẫn có khả năng tu tập, vì họ cũng sẵn có hai thể dạng tánh Phật. Tuy nhiên, với các giác quan đầy đủ thì việc tu học Phật pháp sẽ dễ dàng hơn. Những ai trong chúng ta hiện có thể thấy nghe rõ ràng thì nên biết trân quý sự may mắn đó.

Hơn nữa, chúng ta được sống trong một thế giới hiện có Phật pháp. Không chỉ là việc đức Phật đã giảng giải về con đường tu tập, mà còn là việc giáo pháp của ngài đã được tu tập và truyền thừa không gián đoạn bởi các bậc thầy trong suốt hơn 2.500 năm qua. Nếu như trước đây Phật pháp bị một thế lực chính trị nào đó tiêu diệt mất, hoặc bị những kẻ tham danh lợi cố tình làm cho sai lệch đi, thì hẳn là giờ đây ta sẽ không có điều kiện để tu tập nữa. Tuy nhiên, những điều đó đã không xảy ra, và ngày nay ta vẫn còn được tiếp xúc với nhiều dòng truyền của Phật giáo.

Trước đây và hiện nay vẫn có nhiều bậc đại đạo sư đã thực sự chứng ngộ. Sự thực chứng của các ngài chứng minh rằng sự giải thoát và giác ngộ là điều có thể đạt được, và rằng con đường tu tập do đức Phật Thích-ca thuyết dạy sẽ mang lại kết quả như ta mong muốn. Ngoài ra, hiện nay còn có rất nhiều bậc đạo sư tâm linh đang sống, các ngài có thể chỉ dẫn cho ta và tự thân các ngài là những tấm gương sáng để ta noi theo.

Chúng ta thật may mắn được sống ở một nơi mà ta có thể tiếp xúc với những bậc thầy tâm linh cũng như Giáo pháp. Chúng ta có tự do tín ngưỡng, nên ta có thể học hỏi và tu tập theo niềm tin của mình. Thử hình dung xem, thật kinh hoàng biết bao nếu như ta hết lòng khao khát tu tập để phát triển bản thân nhưng lại sống trong một đất nước không có tự do tín ngưỡng! Hiện nay ta luôn sẵn có cơ hội để tìm đến các trung tâm Phật học, thực tập thiền định, nghe pháp thoại, tham dự các khóa tu. Chúng ta được tiếp xúc với các bậc thầy đức hạnh cũng như kinh sách, băng video và các bản ghi những buổi giảng pháp.

Về phía tự thân, chúng ta quan tâm đến việc phát triển bản thân và làm cho đời sống của ta có ý nghĩa đối với người khác. Sự rộng mở này là một phẩm chất tích cực mà ta nên trân quý chính mình. Nhiều người không có những khuynh hướng như thế và chẳng bao giờ để tâm suy xét ý nghĩa của sự sống hay cái chết. Cho dù mục đích mong cầu của họ là hạnh phúc, nhưng cả đời họ chỉ làm toàn những hành vi bất thiện, gây nhân cho những khổ đau trong tương lai. Vì chưa từng quan tâm đến việc dứt trừ những che chướng và phát triển tiềm năng [tốt đẹp] của mình, nên những người như thế rồi sẽ chết trong sự lo lắng và hối tiếc. Dù ta không thể tự tin nói rằng đời sống của ta luôn theo nề nếp đạo đức và tâm ta luôn an ổn, nhưng ta có thể đánh giá cao việc mình đã có sự quan tâm và hướng về sự phát triển tâm linh theo chiều hướng đó.

Một số người có thể cũng có khuynh hướng như thế, nhưng lại thiếu những điều kiện vật chất và tài chánh để theo đuổi những mục đích tâm linh. Nếu chúng ta rơi vào cảnh đói thiếu, không nhà cửa và bần cùng, hẳn việc tu tập tâm linh sẽ khó khăn hơn nhiều, vì ta phải lo toan điều kiện vật chất trước hết. Nhưng hầu hết chúng ta đều có cuộc sống vật chất tương đối thoải mái đủ để ta có thể học hỏi và tu tập. Cho dù ta có thể cảm thấy tình trạng tài chánh của mình chưa vững chắc, nhưng nếu so sánh với những người khác, ta sẽ thấy quả thật mình may mắn hơn rất nhiều.

Chúng ta nên nhận biết việc mình được sống thân cận với những ngưới có cùng khuynh hướng tu tập phát triển bản thân và phụng sự người khác. Những đạo hữu này là sự hỗ trợ rất lớn cho sự tu tập của ta, vì ta có thể cùng họ thảo luận để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Điều này vừa thú vị, vừa cần thiết, vì đôi khi ta có thể trở nên chán nản hay mơ hồ, và những người bạn đạo này sẽ giúp vực dậy năng lực tu tập của ta. Chúng ta rất may mắn khi có được những người bạn như thế, hoặc được sống ở nơi mà ta có thể tìm gặp họ.

Thêm vào đó, chư vị Tăng Ni là những tấm gương sáng để ta noi theo. Dù ta có thể không muốn sống theo cách giống như các vị, nhưng ta có thể được lợi lạc từ đời sống gương mẫu, kinh nghiệm tu tập và kiến thức về Giáo pháp của các vị.

Nếu dành thời gian để nhận biết giá trị của những điều kiện tốt đẹp, thuận lợi mà ta có được trong đời sống này, ta sẽ rất đỗi ngạc nhiên và vui mừng. Việc xem xét các điều kiện thuận lợi hiện tại của mình là rất quan trọng, vì ta sẽ không còn xem đó là những điều tất nhiên sẵn có nữa mà sẽ tận dụng chúng. Nếu ta chỉ nghĩ đến các trở lực và những gì ta thiếu thốn, ta sẽ sa sút dần đến chỗ suy nhược tinh thần. Sự suy nhược tinh thần làm cho ta không thể vận dụng những phẩm chất tốt đẹp của mình, vì ta không nhận biết những phẩm chất đó và quá đắm chìm trong mặc cảm tự ti. Đây là một sự hoang phí tiềm năng con người thật đáng buồn. Ta đối trị điều này bằng cách luôn nhớ đến những phẩm chất và cơ hội tốt đẹp của mình.

Tánh Phật quý báu của ta có tiếp tục bị chôn vùi trong những cảm xúc phiền não bất tịnh và chủng tử bất thiện hay không, bản chất rỗng rang khoáng đạt của tâm ta có tiếp tục bị che khuất bởi những đám mây che chướng hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào chính ta. Đây là sự tốt đẹp của đời sống con người: ta sẵn có tánh Phật bất hoại trong ta từ vô thủy, ta có cơ hội tuyệt vời để nhận ra và phát triển tánh Phật đó ngay trong đời này. Với tâm đại bi, đức Phật đã tuyên thuyết Chánh pháp, những phương pháp để biến tiềm năng của ta thành khả năng thực sự. Ta có sự hỗ trợ và giúp đỡ của chư Tăng dẫn dắt chúng ta. Nhưng chúng ta phải tự mình tu tập. Và chỉ khi đó ta mới có sự tiến triển trên con đường hạnh phúc.

Tận dụng cuộc sống này để tu tập

Có rất nhiều phương pháp để ta vận dụng cuộc sống này nhằm đạt được tiến triển trên con đường hạnh phúc. Cho dù hiện nay tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc, nhưng khi ta cố đuổi theo nắm bắt hạnh phúc ấy, nó lập tức vuột khỏi tay ta. Ngược lại, nếu ta biết hài lòng với những gì hiện có và đồng thời chuẩn bị cho tương lai, ta sẽ được hạnh phúc hơn ngay trong hiện tại và cả trong tương lai.

Phương pháp đầu tiên để tu tiến trên đường đạo là không ngừng tu tập trong từng giây phút ngay trong đời sống hằng ngày. Buổi sáng vừa thức dậy, thay vì suy nghĩ, “Hôm nay tôi phải làm gì?” hoặc “Tôi muốn một cốc cà phê”, ta có thể khởi niệm đầu tiên trong ngày thế này: “Hôm nay tôi sẽ hạn chế tối đa việc gây hại cho người khác. Hôm nay tôi sẽ hết lòng hết sức giúp đỡ mọi người.” Đó là một suy nghĩ đơn giản, nhưng khởi đầu một ngày mới theo cách này làm thay đổi mạnh mẽ lối sống của ta. Tư tưởng yêu thương và kiềm chế không gây tổn hại cho người khác là một động lực tích cực và một định hướng rõ ràng cho tất cả các hoạt động trong ngày của ta. Nếu trong ngày hôm đó ta gặp phải một tình huống rối ren, ta có thể nhớ đến động cơ của mình lúc ban sáng. Điều đó sẽ giúp ta hành động một cách lợi lạc và tránh được những sân hận, kiêu ngạo và ghen tỵ.

Thêm nữa, suốt trong ngày hôm đó ta có thể nuôi dưỡng động cơ thế này: “Tôi sẽ hành động vì lợi ích của chúng sinh. Tôi mong muốn vượt qua những giới hạn của bản thân và phát triển hoàn toàn các tiềm năng của mình để có thể giúp đỡ chúng sinh một cách hiệu quả nhất.” Bằng cách đó, ta có thể chuyển hóa những hành vi vốn nhỏ nhặt, không đáng kể thành sự tu tập hướng đến giác ngộ. Một hành vi có thể được thực hiện vào những thời điểm khác nhau với những động cơ khác nhau. Chúng ta có được hạnh phúc hay không cũng như hành vi đó có giá trị thế nào đều là tùy thuộc vào động cơ thúc đẩy.

Lấy ví dụ, ta có thể miễn cưỡng làm việc dọn dẹp nhà cửa, trong lòng chỉ mong sao cho công việc đáng ghét này sớm chấm dứt để ta có thể làm chuyện gì đó vui thú hơn. Trong trường hợp này, ta không có hạnh phúc trong hiện tại, và hành vi dọn dẹp nhà cửa của ta là trung tính, không thiện cũng không ác.

Trái lại, nếu ta suy nghĩ rằng: “Thật thú vị khi dọn dẹp nhà cửa để giúp gia đình ta được tận hưởng một môi trường sống dễ chịu”, thì ta sẽ được hạnh phúc khi hút bụi, quét dọn... Hơn thế nữa, nếu ta hình dung mình đang làm sạch bụi bặm là những tâm hành phiền não trong tâm thức của tất cả chúng sinh, thì việc lau sàn nhà cũng có thể trở thành một thời thiền quán! Bằng cách này, hành vi của chúng ta trở nên hiền thiện, và những chủng tử tốt đẹp sẽ được gieo vào dòng tâm thức của ta.

Bằng cách phát khởi một động cơ tốt đẹp vào sáng sớm và thường xuyên nhớ lại trong ngày, ta sẽ thấy rằng tâm nguyện giúp đỡ người khác và tránh gây tổn hại được sinh khởi trong ta dễ dàng hơn cũng như ngày càng chân thành hơn. Con đường hướng đến giác ngộ là một tiến trình chậm và phát triển dần dần qua từng ngày. Mỗi buổi sáng thức dậy là một cơ hội mới để ta nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của mình, và mỗi thời khắc trong ngày đều là cơ hội để ta sống với những phẩm chất ấy.

Phương pháp thứ hai để vận dụng đời sống vào sự tu tập là chuẩn bị cho cái chết và những kiếp sống tương lai của mình. Cho dù một số người thường ngần ngại, nhưng việc nghĩ đến cái chết là điều có lợi, vì nhờ đó ta mới có thể chuẩn bị cho nó. Việc suy nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ chết không phải là điều thiếu lành mạnh, mà là thực tế. Cái chết chỉ đáng sợ khi ta không biết cách liên hệ đến nó một cách thích hợp. Nhưng khi ta biết cách chuẩn bị cho cái chết và biết mình phải làm gì vào lúc chết thì sự sợ hãi là không cần thiết. Trong thực tế, cái chết có thể là một niềm hỷ lạc rất lớn. Nếu hiện nay ta sống có ích, ta sẽ chẳng có gì phải hối tiếc khi đời sống chấm dứt. Ta có thể chết một cách an lành và hạnh phúc.

Cách thức căn bản để chuẩn bị cho cái chết và những kiếp sống tương lai là tránh các việc ác và thực hành các việc thiện. Điều này đặc biệt chỉ đến việc tránh xa mười ác nghiệp (xem chương nói về đạo đức) và sống theo các giá trị đạo đức. Trong đó cũng bao gồm việc tu tập lòng từ hướng đến người khác và làm hết khả năng mình để giúp đỡ mọi người.

Để làm cho cuộc sống có ý nghĩa, còn có một phương pháp thứ ba nâng cao hơn. Nếu như lúc mới khởi tâm ta chỉ lo chuẩn bị cho những kiếp sống tương lai, thì giờ đây ta sẽ hướng đến sự vượt thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử với những khổ đau không ngừng của nó. Hơn thế nữa, ta có thể đạt được sự giác ngộ viên mãn của một vị Phật, với mọi che chướng đều dứt trừ và mọi phẩm tính tốt đẹp đều phát triển trọn vẹn. Sự giải thoát được đạt đến nhờ tu tập giới đức, thiền định và trí tuệ (cũng được gọi là Tam vô lậu học). Khi những pháp tu này được kết hợp với tâm nguyện vị tha mong muốn đạt chứng ngộ vì sự lợi lạc cho tất cả chúng sinh, thì sự chứng ngộ sẽ được đạt đến.

Những mục tiêu này có vẻ như quá cao quý, nhưng chúng ta có cơ hội để đạt đến. Đôi khi chúng ta quá xem nhẹ khả năng mình và giới hạn những mục tiêu của mình một cách không cần thiết. Khi ta xét rằng tất cả những bậc thầy vĩ đại trong quá khứ và những người mà ta kính ngưỡng cũng đều có thân người quý báu giống như ta, ta sẽ thừa nhận tiềm năng của chính mình trong việc thành tựu những điều giống như các vị ấy. Việc nhận biết và hoan hỷ với năng lực tiềm tàng của mình là điều rất quan trọng. Như một hành giả Ấn Độ, ngài Thánh Thiên (Aryadeva) đã nói:

“Khi có được thân người quý báu, nghĩa là ta có khả năng siêu việt không chỉ tự giải thoát mình ra khỏi vòng luân hồi khổ đau mãi mãi, mà còn đạt được sự chứng ngộ và giải thoát vô số chúng sinh ra khỏi sự đau khổ. Không gì có thể so sánh với thân người quý báu này. Ai lại bỏ phí đi một lần tái sinh như thế?”

Nhờ tận dụng cơ hội tuyệt vời này, ta sẽ có được những kết quả hỷ lạc của sự hoàn thiện chính mình. Chúng ta sẽ đạt đến trạng thái giải thoát hết thảy mọi bất ổn, từ đó ta sẽ có khả năng làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh bằng cách chỉ bày con đường hướng đến an vui hạnh phúc thông qua việc làm hiển lộ tánh Phật của mỗi người.

Ba phương pháp tận dụng đời sống này để tu tập

Mục đích tu tập / Phương pháp để thành tựu


1. Từng bước dần dần làm cho đời sống của mình có ý nghĩa hơn / - Phát khởi động cơ vị tha vào mỗi sáng khi thức dậy; duy trì chánh niệm trong mọi việc làm; biến mọi sự việc thành cơ hội tu tiến.

2. Chết một cách yên lành và tái sinh vào cảnh giới an vui / - Sống đời sống đạo đức: tránh mọi việc ác, thực hành các việc lành.

3. Đạt được hạnh phúc dài lâu

a. Giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi / - Tu tập Tam vô lậu học: Giới Định Tuệ

b. Giác ngộ viên mãn (quả Phật) / - Tu tập Tam vô lậu học và Lục ba-la-mật (bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ) với động cơ vị tha.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 28 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Sen búp dâng đời


Phúc trình A/5630


Pháp bảo Đàn kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.159.134 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...