Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ »» 2. Quyết tâm cầu giải thoát »»

Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ
»» 2. Quyết tâm cầu giải thoát

Donate

(Lượt xem: 8.182)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ - 2. Quyết tâm cầu giải thoát

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Phát triển sự dũng mãnh tự vượt thoát luân hồi

Chứng ngộ căn bản trước tiên trên con đường tu tập là quyết tâm vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau và bất toại nguyện. Quyết tâm này phát khởi từ sự nhận biết được rằng thực trạng hiện nay của ta không hoàn toàn đáng hài lòng và ta có khả năng đạt được hạnh phúc lớn lao hơn. Vì thế, ta quyết tâm vượt thoát thực trạng không tốt đẹp này và hướng đến một trạng thái tốt đẹp hơn.

Trong Anh ngữ, có người dùng chữ “renunciation” với nghĩa quyết tâm cầu giải thoát. Thuật ngữ này có thể gây hiểu lầm, vì “renunciation” hàm nghĩa tự ép xác, khổ hạnh. Thật ra, đó không phải là ý nghĩa được dùng trong nguyên ngữ Sanskrit hay Pali.

Quyết tâm cầu giải thoát là một thái độ sống. Nó không có nghĩa là ta phải từ bỏ gia đình, công việc để vào sống trong hang động và ăn rau cỏ! Quyết tâm cầu giải thoát là nỗ lực thay đổi thái độ sống của chúng ta. Chúng ta lựa chọn nếp sống như thế nào lại là một vấn đề khác.

Nói cách khác, hình thức bên ngoài của chúng ta như thế nào không quan trọng, quan trọng là ở nội tâm bên trong. Sống đời sống khổ hạnh không nhất thiết có nghĩa là người đó không còn đam mê các lạc thú trần gian: người ta có thể sống trong hang động nhưng vẫn mơ tưởng về thức ăn ngon hoặc những chiếc xe thể thao! Vấn đề không nằm ở của cải vật chất và người khác, mà nằm ở cung cách ta liên hệ với những đối tượng ấy như thế nào.

Có hai cấp độ quyết tâm cầu giải thoát. Cấp độ thứ nhất là quyết tâm để không rơi vào khó khăn trong các đời sống vị lai và có được những tái sinh tốt đẹp. Cấp độ thứ hai là quyết tâm vượt thoát sinh tử luân hồi và chứng đạt giải thoát.

Tại sao chúng ta chỉ chuẩn bị cho những kiếp sống tương lai? Còn đời sống hiện nay thì sao? Có một số nguyên do. Thứ nhất, việc chuẩn bị tốt cho các đời sống tương lai sẽ tự nhiên làm cho đời sống hiện tại được hạnh phúc hơn. Để tạo nhân hạnh phúc cho các đời sống tương lai, ta nhất thiết phải sống theo đạo đức. Khi ta từ bỏ [những hành vi xấu ác như] giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, vu khống, nói lời thô ác, nói lời vô nghĩa, tham lam, hiểm độc, tà kiến, thì tự nhiên ta trở thành người tốt đẹp, tử tế hơn. Chúng ta có quan hệ tốt đẹp hơn với người khác và mọi người ưa thích, tin tưởng ta nhiều hơn, vì ta không còn gây tổn hại cho họ. Thêm vào đó, ta sẽ không còn hối tiếc, không phạm vào tội lỗi, và sẽ có một cảm nhận mạnh mẽ hơn về mục đích nội tâm.

Thứ hai, chuẩn bị cho tương lai không phải là điều gì khác thường. Hầu hết mọi người đều chuẩn bị cho tuổi già, bất chấp một sự thật là nhiều người không sống được đến tuổi già. Mặt khác, những chuẩn bị cho các đời sống tương lai không bao giờ là uổng phí, vì tâm thức của chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chết.

Thứ ba, đời sống hiện tại của chúng ta có thể sẽ không kéo dài, kiếp sống tương lai có thể sẽ sớm bắt đầu, vì ta không biết được là mình sống được bao lâu nữa. Thêm nữa, nếu so sánh với thời gian của nhiều kiếp sống về sau thì đời sống hiện tại của ta rất ngắn ngủi, nên việc chuẩn bị cho những kiếp sống tương lai là việc làm sáng suốt.

Những tai hại của sự tham luyến

Tham luyến là khuynh hướng cường điệu hóa các tính chất tốt đẹp của một người hay sự vật rồi bám luyến vào đó. Đây là chướng ngại chủ yếu của việc phát triển quyết tâm cầu giải thoát. Hầu hết chúng ta chỉ quan tâm đến hạnh phúc trong đời sống hiện tại. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc bằng cách thỏa mãn các giác quan. Chúng ta bao giờ cũng thích được nhìn ngắm những sự vật và con người đẹp đẽ, thích nghe những tiếng nhạc êm tai hay lời nói ngọt dịu, thích ngửi mùi hương thơm, thích nếm các vị ngon và thích xúc chạm các đối tượng êm ái. Chúng ta liên tục phân chia thế giới thành hai phạm trù: ưa thích và ghét bỏ. Ta bám víu vào những gì ta xem là vui thú và căm ghét những gì ta nghĩ là khó chịu. Với một nhận thức hạn hẹp như vậy, tâm trí chúng ta không đủ rộng để suy xét đến hạnh phúc cho các đời sau hay niềm hỷ lạc giải thoát.

Nhưng trớ trêu thay, việc tìm cầu hạnh phúc cho riêng một đời sống này sẽ mang lại kết quả trái ngược. Để giữ chặt lấy những gì ta tham luyến và tránh né những gì ta không căm ghét, chúng ta có thể hành động tiêu cực và ích kỷ. Chính những hành vi bất thiện này sẽ ngay lập tức tạo ra các bất ổn, cũng như để lại những chủng tử bất thiện trong dòng tâm thức của ta, gây ra những khổ đau trong tương lai.

Lấy ví dụ, vì sao chúng ta giận dữ mắng nhiếc người khác? Khi tham luyến hạnh phúc cho riêng mình, ta quát tháo công kích bất cứ ai cản trở ta có được hạnh phúc đó. Vào lúc ấy, ta không quan tâm đến việc mình có làm tổn thương tình cảm của người khác hay không. Đôi khi ta công kích người khác chỉ để cảm thấy mình mạnh mẽ hay vì muốn trả đũa họ. Khi gây tổn thương cho người khác được rồi, ta vui mừng: “Tôi trả thù được rồi! Bọn họ thật khốn đốn!” Thế nhưng, ta là hạng người gì mà lại vui vẻ hả hê trước sự khổ đau của người khác?

Khi làm việc bất thiện, trong lòng ta rối rắm không yên. Giả sử khi ta ăn cắp, ta không thấy thoải mái với chính mình. Ta không thể ngủ yên giấc và luôn lo lắng về việc nhà chức trách có thể sẽ điều tra ra hành vi phạm tội của ta. Nếu ta có hành vi ngoại tình, ta cũng sống trong lo lắng, phải nói dối và tìm lý do biện bạch để che giấu. Mối quan hệ vợ chồng sẽ bị hủy hoại, sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng mất đi. Các con ta sẽ đặt nghi vấn về điều gì đó sai trái đang xảy ra, và chúng cảm thấy bất an, lo lắng. Chúng không còn kính trọng ta nữa.

Các hành vi bất thiện ấy không chỉ tạo ra những bất ổn hiện nay cho ta, chúng còn để lại những chủng tử trong dòng tâm thức khiến ta phải gánh chịu khổ đau trong tương lai.

Khi quá tham luyến hạnh phúc trong đời sống hiện nay, ta có khuynh hướng phóng đại tầm quan trọng của một số sự việc. Chẳng hạn, ta nghĩ rằng: “Tôi nhất định phải kiếm được số tiền lương chừng ấy... để có được hạnh phúc.” Nhưng khi kiếm được số tiền như thế rồi, ta lại cảm thấy chưa đủ. Ta đánh giá quá cao tầm quan trọng của đồng tiền và quên đi tất cả những điều tốt đẹp khác trong cuộc sống, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chuyện tích lũy tiền bạc. Cho dù ta có được nhiều tiền rồi, thì tâm tham luyến lại mang đến cho ta nhiều bất ổn mới: ta lo sợ người khác lấy cắp tiền bạc của mình, hoặc lo lắng rằng người khác đến kết thân chỉ vì sự giàu có của ta. Nếu thị trường chứng khoán sụt giảm [và tài sản của ta mất giá], ta sẽ buồn phiền suy sụp.

Những tác hại của tâm tham luyến đã được đề cập chi tiết ở chương “Đoạn trừ nỗi khổ tham ái” và chương “Tình thương khác với luyến ái” (Phần II), ở đây không lặp lại nữa. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đức Phật không nói rằng các đối tượng của giác quan là xấu xa hay sai trái. Ngài khuyến khích chúng ta quán sát kinh nghiệm của chính mình để xác định xem các lạc thú giác quan có thực sự mang lại hạnh phúc như chúng ta mong đợi không. Thêm vào đó, ngài cũng nhấn mạnh rằng vấn đề không nằm ở các đối tượng của giác quan, mà nằm ở tâm tham luyến của ta đối với chúng.

Nếu không có sự hiểu biết chân thật, ta có thể sẽ đi đến việc quy trách ngoài miệng rằng: sự tham luyến các lạc thú giác quan hay những người thân yêu của ta là cần phải đoạn trừ. Thế rồi, khi cố né tránh sự tham muốn đối với người hay sự việc đó, ta sẽ đối diện với một sự giằng xé nội tâm: Tình cảm ta cho rằng: “Mình muốn điều này”, còn lý trí thì can ngăn: “Không được! Như vậy thì mình thật xấu xa!” Sự tranh đấu nội tâm như vậy là vô ích. Thay vì vậy, ta có thể dừng lại, quán chiếu đời sống của chính mình, rồi đi đến kết luận rằng, sự tham luyến đó là nguyên nhân khiến ta trở nên bất toại nguyện và khổ đau. Với chứng cứ không thể phủ nhận như thế về những tác hại của tâm tham luyến, ta sẽ không còn muốn chạy theo nó nữa.

Hạnh phúc bây giờ và mai sau

Khi hiểu được những tác hại của tham luyến, chúng ta sẽ quyết tâm dứt trừ sự bám luyến vào hạnh phúc trong đời hiện tại và những khổ đau do nó gây ra. Tất nhiên chúng ta mong muốn được hạnh phúc vào lúc này, nhưng ta không còn bị ám ảnh bởi việc phải đạt được mọi thứ mà ta nghĩ là mình cần thiết hoặc ham muốn. Hơn nữa, ta sẽ nhận ra được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho những kiếp sống vị lai.

Phương pháp chính yếu để chuẩn bị cho những kiếp sống vị lai và dứt trừ mọi rối rắm trong đời sống hiện tại là phải tuân theo luật nhân quả - nghiệp báo - bằng cách từ bỏ những hành vi xấu ác và thực hành những hành vi hiền thiện.

Để tuân theo nhân quả, ta phải tự rèn luyện cho mình những phương pháp để chế ngự tham lam, sân hận, ghen tỵ, si mê, nghi hoặc và kiêu mạn ở dạng thô. Mặc dù trí tuệ nhận thức về tánh Không là phương pháp rốt ráo nhất để đoạn trừ các cảm xúc phiền não này, nhưng với những người mới bắt đầu tu tập như chúng ta thì quán chiếu về tính chất vô thường là phương pháp đối trị chung rất tốt.

Pháp quán chiếu về vô thường đòi hỏi ta luôn suy niệm rằng tất cả mọi con người, mọi đối tượng sự vật và mọi hoàn cảnh đều thay đổi trong từng sát-na. Chúng không bao giờ giữ nguyên được như cũ. Việc nhớ đến tính chất vô thường giúp ta tránh được sự cường điệu hóa tầm quan trọng của những gì xảy đến với ta. Chẳng hạn, nếu ta quá tham luyến chiếc xe hơi mới của mình và giận dữ vì ai đó làm trầy xước nó, ta có thể suy nghĩ: “Chiếc xe này luôn biến đổi. Nó không tồn tại mãi mãi. Kể từ ngày nó được làm ra, nó đã bắt đầu biến hoại dần đi. Ta có thể tận hưởng khi nó còn đây, nhưng không cần thiết phải bực tức khi nó bị trầy xước, vì bản chất của nó là luôn biến hoại.”

Một số người vì nghĩ rằng đó là một quan niệm bi quan nên tuyên bố: “Mọi thứ đều biến đổi, nên đời sống chẳng có gì để hướng đến.” Đúng là không một con người, sự vật hay hoàn cảnh nào của ta hiện nay sẽ tồn tại mãi mãi. Đó là một thực tế trong đời sống này và không thể khác đi được. Tuy nhiên, vô thường cũng có nghĩa là những điều mới mẻ có thể xảy ra. Nhờ vô thường nên một đứa trẻ vô dụng lớn lên thành một người tài ba. Vô thường có nghĩa là tình thương yêu, lòng bi mẫn, trí tuệ và những kỹ năng của ta đều có thể tăng tiến.

Mỗi tâm hành phiền não còn có một pháp đối trị riêng. Với tâm tham luyến, ta có thể quán chiếu những khía cạnh xấu của đối tượng để quân bình với sự cường điệu của ta về những tính chất tốt đẹp. Đối với tâm sân hận, ta có thể nhớ lại rằng những người khác cũng mong muốn hạnh phúc và tránh né khổ đau giống như bản thân ta. Chỉ vì họ mê lầm không biết cách để đạt được hạnh phúc và tránh né khổ đau, nên mới gây hại cho người khác. Khi ta hiểu được hoàn cảnh của người khác và nhớ đến lòng tốt của họ, ta sẽ phát triển tâm nhẫn nhục và thương yêu để đáp lại sự gây hại.

Tùy hỷ với hạnh phúc, phẩm hạnh cao quý và đạo đức hiền thiện của người khác là một phương pháp đối trị tâm ghen tị. Học hỏi và suy ngẫm Giáo Pháp sẽ đối trị si mê. Quán niệm hơi thở giúp ta thoát khỏi những lăng xăng vọng động và sự hoang mang ngờ vực. Kiêu mạn được đối trị bằng cách suy ngẫm về một đề tài cực kỳ khó khăn, vì khi đó ta sẽ thấy rằng tri thức của mình còn hạn hẹp biết bao. Một phương pháp đối trị khác nữa là hãy nhớ rằng mọi hiểu biết của ta đều có được từ người khác, vì vậy không có lý do gì ta lại cao ngạo với những hiểu biết đó.

Làm lắng dịu các tâm hành phiền não và phát triển tâm xả ly không có nghĩa là chúng ta vứt bỏ hết tiền bạc rồi sống như những người hành khất. Chúng ta cần tiền bạc để sinh hoạt trong xã hội. Về bản chất, tiền bạc chẳng có gì là tốt hay xấu cả. Điều quan trọng chính là thái độ của ta đối với tiền bạc, và vì thế ta có thể phát triển quan điểm quân bình về tiền bạc. Nếu ta có thu nhập cao, điều đó rất tốt. Nhưng nếu không được như thế, ta vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc và thành đạt. Khi có tiền bạc, ta sẽ hạnh phúc khi chia sẻ với người khác. Ta sẽ không dùng tiền bạc để mua chuộc bạn bè hoặc huênh hoang với tài sản của mình, và nhờ đó ta sẽ không ngờ vực về động cơ của người khác. Vì ta không bị ám ảnh bởi việc cố gắng đạt được thu nhập cao, nên ta sẽ không lường gạt người khác khi buôn bán, hoặc lừa dối họ để tăng thêm thu nhập. Mọi người sẽ tin tưởng vào chúng ta, và ta thì không phải cảm thấy xấu hổ về những việc làm của mình.

Tương tự, về bản chất cũng chẳng có gì sai trái trong việc học hành thành đạt hay có được một công việc tốt. Những điều này có lợi lạc hay không là tùy thuộc vào động cơ của ta. Nếu ta học tập và rèn luyện kỹ năng với động cơ là để có khả năng phụng sự người khác, thì tâm hồn ta được an ổn và việc học hành trở thành một việc thiện. Chúng ta vẫn có thể mong muốn đạt kết quả tốt trong học hành thi cử và trong công việc làm, nhưng không phải vì ta muốn được nổi danh hay để khoe khoang sự giàu có, mà vì ta muốn có được kỹ năng để có thể làm lợi lạc cho người khác và giúp hoàn thiện xã hội.

Đạo Phật không phản đối sự phát triển về của cải vật chất cũng như công nghệ kỹ thuật. Điều này có thể giúp cải thiện đời sống của nhiều người. Tuy nhiên, đạo Phật nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng những mối quan tâm đến vật chất và tinh thần, vì chỉ riêng sự phát triển vật chất bên ngoài không thể làm cho thế giới hạnh phúc hơn. Một số xã hội hiện đại có những bất ổn xã hội nghiêm trọng và nhiều người không hạnh phúc. Nếu ta phát triển năng lượng hạt nhân mà không có một ý thức đạo đức để kiểm soát cách sử dụng nó thì lợi bất cập hại. Nếu ta sống trong một xã hội thịnh vượng, công nghệ kỹ thuật cao nhưng chịu sự sai xử của tham lam và sân hận, ta không thể tận hưởng những gì ta có.

Vì vậy, đạo Phật dạy rằng sự phát triển vật chất bên ngoài phải đi đôi với sự phát triển tâm linh bên trong. Chúng ta cần những giá trị luân lý, đạo đức hiền thiện và một ý thức trách nhiệm đối với hạnh phúc của mọi người. Cùng với lòng từ ái và sự khoan dung, ta cần phải có trí tuệ. Có như vậy ta mới có thể tận hưởng được những lợi ích của công nghệ kỹ thuật đồng thời hạn chế được tối đa những tác hại đi kèm.

Có vẻ như nghịch lý, nhưng khi ta càng ít tham đắm các lạc thú hạn hẹp trong cuộc đời này, cuộc sống của ta sẽ càng nhiều hạnh phúc và an lạc hơn. Trừ bỏ tham luyến không có nghĩa là chúng ta “lệch chuẩn” và không tận hưởng niềm vui cuộc sống. Hoàn toàn ngược lại, vì khi không còn tham luyến ta sẽ trở nên thanh thản và ít lo nghĩ hơn. Điều này tự nhiên giúp ta quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống và mọi người quanh ta. Khi chúng ta không còn điên cuồng bám víu vào hạnh phúc trước mắt, ta sẽ có khả năng tận hưởng nhiều hơn mọi thứ quanh ta.

Vượt thoát luân hồi

Cấp độ đầu tiên của quyết tâm cầu giải thoát là mong muốn không rơi vào những tái sanh đau khổ, từ bỏ những hành vi bất thiện dẫn đến các tái sinh như thế. Tuy nhiên, liệu một tái sanh tốt đẹp có giải quyết hết mọi bất ổn của chúng ta không? Liệu có lần tái sinh nào mà ta sẽ đạt được hạnh phúc trọn vẹn và vĩnh hằng hay không?

Khi ta quán xét những gì có thể xảy ra với ta trong những kiếp sống tương lai, ta thấy rằng ngay cả việc được tái sanh làm người hay sinh lên cõi trời với nhiều lạc thú tuyệt vời, thì điều đó cũng không kéo dài mãi mãi. Và trong những kiếp sống đó, ta vẫn phải đối mặt với các bất ổn. Vì thế, việc đảm bảo đạt được một tái sinh tốt đẹp cũng chỉ là giải pháp tạm thời để tránh khỏi những khổ đau nghiêm trọng. Điều này chỉ hữu ích trong một thời gian. Nhưng không thể tìm được hạnh phúc trường tồn ở bất kỳ tái sinh nào trong vòng luân hồi.

Giống như ngồi trên một guồng quay của trò chơi đối lưu không bao giờ ngừng lại, chúng ta liên tục bị đưa lên cao rồi hạ xuống thấp. Khi vẫn còn chịu sự chi phối của vô minh cùng những tâm hành phiền não và nghiệp lực, ta không thể được giải thoát. Chúng ta bị kẹt bên trong guồng quay luân hồi và buộc phải loanh quanh trong đó, tái sinh đời này sang đời khác mà không có lựa chọn nào khác.

Thấy được tình trạng đó, ta sẽ suy nghĩ: “Trong vòng luân hồi có nhiều điều có vẻ như thú vị nhưng thực sự là rất buồn chán.” Ta sẽ nhận ra rằng dù ở bất kỳ cảnh giới nào [trong vòng luân hồi] cũng đều không có gì đáng để ta bám luyến. Mọi lạc thú trong vòng luân hồi đều là giả tạm, không đáng với cái giá phải trả là ta phải liên tục trôi lăn trong sinh tử.

Suy ngẫm theo cách này sẽ đưa ta đến cấp độ cao hơn của quyết tâm mong cầu giải thoát. Chúng ta cảm nhận rằng: “Đã đến lúc ta phải được tái sinh tốt đẹp, nhưng khi còn tái sinh ở bất cứ đâu trong luân hồi, ta cũng bắt buộc phải gánh chịu những bất ổn và khó khăn. Đó là một tình trạng hoàn toàn bất toại nguyện. Ta muốn vượt thoát ra khỏi đó!”

Ta mong ước đạt đến một trạng thái an lạc, hạnh phúc dài lâu, thoát khỏi mọi tình trạng khổ đau. Khi thấy rằng mọi sự khó khăn, đau khổ trong vòng luân hồi đều gây ra bởi vô minh cùng các tâm hành phiền não và những hành vi tạo tác do sự thôi thúc của chúng, ta sẽ tìm kiếm một phương pháp để tự mình vượt thoát ra khỏi những tình trạng đó và an trú vào Niết-bàn, một trạng thái của giải thoát và an lạc. Do vậy, bậc thánh giả Tây Tạng vĩ đại, ngài Lạt-ma Tông Khách Ba (Lama Tzong Khapa) đã nói trong tác phẩm Nền tảng của mọi phẩm tính hiền thiện:

“Trong việc hưởng thụ các lạc thú trần gian không có sự thỏa mãn. Đó là cửa ngõ dẫn đến mọi khổ đau. Nhận thức được khiếm khuyết của các lạc thú trong luân hồi là ở chỗ chúng không đáng tin cậy, cầu mong ta sẽ hướng tâm mạnh mẽ đến niềm hỷ lạc giải thoát- động cơ tu tập của ta là như thế!”

Phương pháp để dứt trừ tận gốc mọi tâm hành phiền não và các hành vi bất thiện là tu tập phát triển Tam vô lậu học: giới hạnh, định lực và trí tuệ. Nhờ có giới hạnh, ta sẽ tránh được các hành vi bất thiện. Dựa trên nền tảng đó, ta sẽ tu tập định lực để chế ngự các tâm hành phiền não ở cấp độ thô và đạt được khả năng hướng tâm đến bất kỳ đối tượng thiền quán nào ta muốn trong khoảng thời gian kéo dài tùy ý. Nhờ sự kết hợp định lực và trí tuệ, ta sẽ thâm nhập được ý nghĩa của thực tại và nhờ đó dứt trừ được vô minh, các tâm hành phiền não và những chủng tử nghiệp gây đau khổ.

Bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu về giới hạnh, vì đây là nền tảng cho mọi sự tu tập cao hơn.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 28 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Bức Thành Biên Giới


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.37.211 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...