Ông Hứa Ngọc Pháp sinh năm 1960, nguyên quán ở Mỹ Đức - Châu Đốc. Song thân là cụ ông Hứa Ngọc Tài và cụ bà Phan Thị Thảnh. Ông là con thứ Bảy trong gia đình có mười anh em.
Từ thuở thiếu thời cho đến lúc trưởng thành ông đã đeo đuổi ngành y khoa, nên khi tốt nghiệp đại học ra trường ông công tác tại bệnh viện Đa Khoa Châu Đốc. Một thời gian sau đó thì ông kết hôn với một đồng nghiệp là Trương Thị Lan Hoanh vào năm ông 25 tuổi, sinh được hai người con trai. Địa chỉ cư ngụ ở số 108, đường Lê Lợi, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc.
Tính tình ông nóng nảy, tuy có phần nghiêm khắc đối với vợ con, lời nói chẳng mấy nhẹ nhàng, ngọt ngào; mở miệng ra....là... đòi đá...; nhưng cách cư xử đối với bạn bè đồng nghiệp thì ông rất là hiền hòa nhã nhặn, vui vẻ, ít nói, hay cười; đối với xóm giềng cũng vậy, không mích lòng với ai, nên mọi nguời đều thương mến ông.
Vì ông là một bác sĩ nội khoa có tay nghề kha khá, nên việc chữa trị bệnh cho mọi người tương đối thuận lợi, do vậy sinh hoạt kinh tế gia đình rất ổn định.
Nhưng rồi cuộc đời vốn dĩ vô thường! Đời sống đang trôi chảy tốt đẹp bỗng dưng ông ngã bệnh vào năm 2011. Qua quá trình khám nghiệm nhiều nơi danh tiếng, như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Việt - Pháp, bệnh viện Đại Học Y Dược... Các bác sĩ chuyên khoa đều bó tay, không có thuốc chữa vì bệnh của ông là bệnh “thoái hóa tiểu não do di truyền”!
Đa phần bác sĩ các nơi đều xử lý bằng cách cho lãnh thuốc bổ về uống, nhưng ông không uống nổi.
Được biết căn bệnh này đã truyền từ ba đời, là ông ngoại, ba người con của ông ngoại trong đó có mẹ ông, rồi năm anh em ông hiện giờ.
Vì bản thân hai ông bà nằm trong ngành y, cũng hiểu biết rõ bệnh trạng, nhưng vẫn nuôi hy vọng cầu may nên đã đi khám và chạy chữa Đông Tây, mất một khoảng thời gian gần một năm, rồi mới thực sự an phận với số phần định mệnh của mình!
******
Bà thấy trong gia đình chồng mình, có mười người con, mà năm người đã bị bệnh di truyền. Bản thân chồng cũng là một bác sĩ đương thời, đang chữa bệnh cho mọi người tương đối khả quan, đang làm ăn thuận lợi rất là tốt vậy mà lại rơi vào căn bịnh quái ác không có thuốc chữa này. Bà cảm thấy rất buồn, bà không ngờ... và cảm thấy rất là chới với, hụt hẩng. Buồn quá bà lên mạng tìm pháp để nghe. Nghe xong bà mới chợt giác ngộ Phật Pháp...
Đầu tiên là bà lên mạng tìm nghe quý thầy thuyết giảng về luật nhân quả, ứng dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày. Kế đến gặp được một vị Phật tử tu pháp môn Tịnh Độ ở chùa Kim Tiên do thầy Thiện Thành trụ trì, thuở xưa cô Phật tử này đi khám bịnh ở bệnh viện Tri Tôn, vì cảm động trước thiện hạnh chăm sóc bệnh nhân của bà, nên vị này mới mời bà đến đạo tràng An Phước để cộng tu vào những ngày chủ nhật, bà nhận lời.
Lần đầu tiên đến đạo tràng cộng tu, bà vô cùng vui mừng thích thú, có lẽ thiện căn quá khứ gặp được duyên lành tưới tẩm nên nhanh chóng đâm chồi nảy lộc. Bà cảm động đến đỗi rơi lệ dầm dề, vì đây là đạo tràng mà bà hằng mơ ước, và lấy làm hối tiếc phải chi mình biết đạo tràng này sớm hơn bà sẽ đưa mẹ của mình đến đây tu! Thế là bà về kể lại cho chồng con nghe. Và cũng từ đó bà đưa hết mọi người trong gia đình qua chùa tập tu vào các ngày chủ nhật. Thời khóa chính yếu ở đây vẫn là tụng kinh A Di Đà và niệm Phật.
Lúc đầu ông cũng còn giãi đãi, bà liền khuyên:
-Mình nghe kinh Phật, nghe Phật Pháp... biết bệnh đây là do nghiệp không thể nào chữa được... Anh ăn chay, anh niệm Phật, nghiệp sẽ chuyển đổi và tiêu trừ!
Bà bắt đầu làm gương trước, bà phát tâm ăn chay vào năm 2013 (trước chồng 1 năm) nhằm chứng minh cho chồng thấy rằng ăn chay vẫn có đầy đủ chất dinh dưỡng, đầy đủ sức lực và khỏe mạnh bình thường, chứ không như những gì mà xưa nay ông vẫn thường quan niệm lệch lạc trái ngược như vậy. Đồng thời bà lên thời khóa niệm Phật, lạy Phật mỗi ngày cho chồng thấy. Bà còn đi theo ban hộ niệm, niệm Phật trợ duyên cho những người bệnh nặng để cho chồng từ từ có tín tâm rồi bà mới khuyên ông dùng chay trường. Thế là một năm sau ông chồng cũng chịu phát tâm ăn chay, chịu niệm Phật giống vợ mình.
Sau khi tu thì tánh tình của ông thay đổi rất nhiều, không còn nóng nảy như thuở trước, mà dịu dàng nguội hẳn ra, quả thật không cô phụ tấm lòng từ bi của chư Phật và chư Bồ Tát. Các Ngài cũng như bà mẹ lúc nào cũng thương tưởng chăm lo cho đàn con dại của mình, luôn thiết tha tận tường giảng dạy khuyến tấn:
“Khổ mới tu rán tu cho giải khổ,
Chớ nản lòng khi nạn nọ tai kia.
Phước càng tăng thì tai họa càng lìa,
Ngục đời mở phải nắm chìa khóa đạo.
Tu cố bước cho Tây Phương Phật đáo,
Lắm chông gai hay khổ báo mặc dù.
Nếu kiếp này không tu thoát phàm phu,
Kiếp tới mãi chìm sâu trong biển khổ.
Khó gặp Phật để cầu xin cứu độ,
Khó làm người để nghe rõ kệ kinh.
Tuy khó tu trong đời sống đao binh,
Rán tu có được thần minh ủng hộ.
Tu thì phải tu cho lòng tỏ ngộ,
Đem pháp tu ra tế độ nhơn sanh.
Dùng đạo mầu làm đời trược hóa thanh,
Lấy chánh giáo biến khổ thành Cực Lạc.
Đã biết rõ cõi trần là dối gạt,
Hãy quyết tu đừng để mắt say sưa.
Hãy nhìn đời như mây bị gió đưa,
Tất lòng dạ thích ưa đời sẽ chết.
Lau mãi tất sạch gương đầy bụi bết,
Luyện luôn thì sẽ hết tánh phàm phu;
Đạo muốn thành cần phải dẻo chí tu,
Cả đời sống hướng về câu giải thoát.
...Người nhớ Phật chỉ là có một,
Phật nhớ người nhiều tợ cát sông Hằng.
Ví dầu cho có thủy kiệt sơn băng,
Lòng Phật nhớ chúng sanh không thể mất.
Bất luận chúng sanh nào trên quả đất,
Phật vẫn thương trợ giúp khỏi trần ai.
Khổ chúng sanh Phật chẳng muốn thêm dài,
Phật muốn chẳng còn ai luân hồi nữa.
Phật thấy vạn sự đời như đèn lửa,
Còn người như các con bọ thiêu thân.
Vì say mê danh lợi dục tình trần
Gây tội khổ xác hồn không thể tả
Mỗi ác nhân mỗi kết thành ác quả
Khiến khổ đau đày đọa kiếp con người.
Kết cuộc rồi ai cũng phải chết đi thôi
Đời người tợ bọt nước trôi trên biển cả
Sanh rồi tử sum họp rồi tan rã,
Ấy chính là định nghiệp đã từ xưa,
Cõi siêu sanh được có Phật tìm đưa,
Nên theo Phật ấy là cơ giải thoát.
Trên đường đến Như Lai và Bồ Tát,
Chớ buồn khi nắng gắt với mưa to
Ngày như đêm vẫn nhứt nguyện lần mò
Sẽ tới được chỗ dặn dò của Phật.
Lòng tin Phật nơi người không để mất,
Chắc chắn người được Phật độ không sai,
Rán tu hành trong cảnh khổ đời nay
Khổ ấy sẽ đổi ngày vui vĩnh viễn.
Người hạnh phúc khi nào người hướng thiện
Đời an vui khi đời tiến đường lành.
Tuy ở trong xã hội đua tranh
Rán sống thiện chớ nên sanh sống ác.
Ta Bà khổ muốn trở thành Cực Lạc,
Chúng sanh nên theo Phật phát từ tâm.
Nên cứu nhau hết khổ hết mê lầm.
Sống cùng phước thác cùng làm Phật Thánh.
Ở phàm cảnh nhưng sống tình Phật cảnh,
Người cùng lành cùng tánh Phật như nhau.
Ấy là điều từ lâu Phật ước ao.
Muốn sanh chúng đâu đâu đều được vậy...
...Sớm khuya cố gắng tu hành,
Tâm linh cho mở, tánh lành cho thêm.
Sóng lòng cố lắng cho êm,
Để cho bóng nguyệt được tìm thấy ra.
Muốn gần Đức Phật Di Đà,
Người cần phải có món quà chơn tâm.
Tây phương chớ ngại xa xăm,
Có thuyền bát nhã đáo lâm rước về.
Cánh sen Cực Lạc tên đề,
Người đi xa mấy rán về chớ quên.
Kẻ tu đạo cả được nên,
Là do ở cái chí bền mà ra...”
******
Bệnh của ông dần dần nặng nhiều, thoái hóa tiểu não dẫn đến thoái hóa xương, sự đi đứng bắt đầu khó khăn, xung quanh vách nhà phải cặp tay vịn bằng inox để cho ông tập đi tới, đi lui. Mọi động tác của ông đều bị mất thăng bằng... Cuối cùng đến năm thứ ba ông phải nằm một chỗ, mặc dù tự xoay trở được nhưng tất cả mọi sinh hoạt đều phải nhờ người nhà chăm sóc.
Ông phát tâm tu năm 2013, phát tâm chay trường vào năm 2014.
Bà còn nhờ ban hộ niệm niệm Phật trợ duyên (khoảng mười mấy người), lần đầu trợ duyên 3 ngày liên tiếp. Về sau khi rảnh không có niệm Phật với người bịnh, thì mỗi tuần ban hộ niệm đến cộng tu được khoảng một hoặc hai lần vào buổi chiều để cùng niệm Phật và khuyến tấn cho ông. Chú Minh Đường là trưởng ban cũng thường trợ duyên cho ông. Ông cũng rất hoan hỷ, tin tưởng và làm theo sự hướng dẫn của chú. Hôm nào nghe nói có đoàn lại niệm Phật với ông thì ông rất vui mừng và trông ngóng.
Vì ông hay hôn trầm và buồn ngủ, nên mọi người trong nhà thường xuyên nhắc nhở ông nhớ niệm Phật. Ông chỉ lễ Phật vài lễ, rồi ngồi dựa ghế niệm Phật và nghe vợ tụng kinh A Di Đà, sám hối, phát nguyện vãng sanh... mỗi buổi chiều khoảng 2 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại thì mở máy niệm Phật cho ông nghe và niệm theo xuyên suốt.
Bà cũng thường mở các băng giảng của Hòa thượng Tịnh Không về kinh Vô Lượng Thọ, khoảng một trăm bốn mươi mấy tập cho ông nghe.
Ông cũng phát tâm tùy hỷ cúng dường xây dựng chùa, hay các thiện sự khác.
******
Năm 2015, khoảng thời gian trước khi mất là một năm, ông thường thấy những hương linh đã mất đến thăm ông, nam có, nữ có, có khi là hương linh thai nhi. Ông có kể về câu chuyện của ông hồi còn thanh niên, chưa lập gia đình, ông đã đưa tiền cho một người phụ nữ phá thai!
Ngày nọ, buổi chiều khoảng gần 4 giờ, bà đi làm về liền lên lầu để chăm sóc những cần thiết cho ông. Khi vừa gặp mặt, ông nói:
- Anh Hiệp vừa mới ghé thăm!
Bà cũng không biết “anh Hiệp” là ai, nhưng vội lên tiếng:
- Sao anh không mời ảnh ở lại dùng cơm?
- Ảnh mới vừa đi ra đó!
Bà thầm nghĩ, nếu vừa mới đi ra thì mình phải giáp mặt, chứ tại sao lại không thấy ai hết vậy cả! Lòng cũng nghe ớn lạnh, nổi da gà!
Nghĩ thế, bà cấp tốc xuống lầu hỏi cậu con trai:
- Con có thấy chú nào thăm ba của con không?
- Con đâu thấy ai đâu, mẹ!
Bà bèn tìm cô em chồng hỏi thăm, thì ra “anh Hiệp” là người bà con, cũng là bạn chí thân của ông thuở xưa, lúc còn học trung học tại thành phố Long Xuyên hai người cùng ở chung phòng trọ. Nhưng anh này đã mất hồi ba năm trước!
******
Vì muốn cho phần vãng sanh được nắm chắc hơn, bà cảm thấy cần phải có lực của đại chúng hỗ trợ, nên đã động viên và đưa ông ra phòng vãng sanh tại Tịnh Thất Quan Âm ngoài Lâm Đồng vào tháng 9 năm 2015.
Do bệnh ông cũng khá nhiều không còn tự săn sóc nên ở đây ông được các chú thay phiên kề cận, nhắc nhở, và chăm sóc nhiệt tình, trước khi ăn đỡ dậy thì bắt ông niệm Phật rồi mới ăn. Ăn xong cũng niệm Phật. Khi nào khỏe thì mấy chú đỡ ông dậy lạy Phật sám hối, niệm Phật với mấy chú, còn mệt thì nằm xuống. Các chú rất thương quý ông bởi vì là người học rộng ít ai chịu tu, vậy mà ông chịu đến chùa tu. Ông rất hoan hỷ và làm theo sự hướng dẫn của mọi người. Ông cũng không dùng thuốc chỉ niệm Phật. Ông không hề sợ chết mà trái lại mỗi lần chứng kiến thấy người khác chết được tốt ông rất vui mừng. Trong thời gian ở đây ông được săn sóc ở phòng đặc biệt dành cho người sắp vãng sanh, các chú thay phiên chia ca trợ niệm xuyên suốt, mỗi ca là mười người niệm hai tiếng đồng hồ. Có nhiều lúc ông đòi đưa vô phòng hộ niệm đặc biệt dành cho người chết (vì ông thấy ai đưa vô đó đẩy ra cũng chết nên ông thích lắm!), mấy chú cười và nói:
- Ông còn đang ăn ngon,... khỏe như vầy mà đưa vô trong rồi ông đòi ăn thì... sao được!
Mãi tới ngày 23 tết, tính ra ông tu ở đây được gần bốn tháng thì ông xin về dự đám cưới của đứa con trai Út.
Về nhà khoảng một tháng thì ông quay trở ra phòng vãng sanh Tịnh Thất Quan Âm tu cho đến ngày mất là hơn chín tháng.
Thời gian phát bịnh đến mất là 5 năm, ban đầu phát hiện là teo não, từ từ chuyển sang thoái hóa xuống vùng cổ, bịnh phát nhiều trước khi mất hai tuần, ông không còn nuốt được, uống nước thì sặc và ói ra nên ông bỏ ăn, bỏ uống. Ông không nói chuyện được ba bốn ngày cuối.
Trước khi mất hai ngày, bà dắt các con vào thăm ông lần cuối. Lúc này ông vẫn còn sáng suốt, tỉnh táo, bà nhắc lại lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư. Rồi nhẹ nhàng nói với ông rằng:
- Cái nhân duyên của mình đến với nhau trong cùng một gia đình là do bốn duyên hợp lại, đó là: đòi nợ, trả nợ, báo ân và báo oán. Hoanh xét thấy trong đời này thì Hoanh là người thiếu nợ anh. Chính vì thế Hoanh vui vẻ trả nợ cho anh! Hoanh cố gắng làm những công đức để hồi hướng công đức cho anh được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng bổn phận của anh là phải ráng niệm Phật, phải phát nguyện vãng sanh. Nếu thương Hoanh, thương con thì mình hẹn gặp nhau ở thế giới Tây Phương Cực Lạc nghen!
Ông nghe xong liền mỉm cười và gật đầu. Tiếp theo đó bà và các con ông cũng đồng sám hối và xin lỗi, bà nói:
- Từ đó tới giờ sống chung với nhau nếu có những điều gì không hài lòng mong anh hãy tha thứ lỗi cho Hoanh,... cho con, nghen anh!
Con ông nói:
- Ba rán niệm Phật vãng sanh Tây phương Cực Lạc... nữa về độ các con nghe Ba!
Ông cũng gật đầu và mỉm cười, tỏ ra rất vui mừng.
Lúc ông yếu nhiều, gia đình hoàn toàn được cách ly, chỉ được quan sát qua camera cho đến mất. Ông nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7 giờ tối ngày mùng 7 tháng 10 năm 2016. Ông hưởng dương 56 tuổi.
*****
Sau khi ông mất 12 tiếng, Ban Hộ Niệm mới tiến hành thăm thân, kết quả là tay chân mềm dịu, mặt trắng sáng, môi hồng, ấm đỉnh đầu. Sau đó niệm thêm 24 tiếng đồng hồ nữa mới liệm.
Ông mất nhằm ngày quy định cộng tu 24 giờ của chùa, vì thế được khoảng mấy trăm người đến cộng tu hồi hướng cho ông, và quàn lại đến hôm sau mới đưa đi hỏa táng (thêm 24 tiếng nữa).
* Sau khi ông mất bà cũng phát tâm ở lại chùa cộng tu để hồi hướng cho ông trong 49 ngày. Đến ngày thứ 6 của tuần thất thứ nhất, vào khoảng 12 giờ trưa, sau giờ tu xong lúc xả ra, bà đang nghỉ trưa tại thất của chùa, vừa chợp mắt trong cơn mơ màng nửa mê nửa tỉnh, bà thấy bầu trời trong sáng rất đẹp, có ánh hào quang hình chóp chiếu xuống, trong đó hiện ra hình Đại Thế Chí Bồ Tát cùng chư Thánh Chúng, phía trên những chòm sáng vừa giống như hoa, vừa giống như tuyết trắng đang rơi nhanh xuống rất nhiều khắp cả bầu trời. Bà ngây người chăm chú chiêm ngưỡng, trong bụng đang phân vân chẳng biết đó là hoa hay là tuyết! Đột nhiên bà thấy chồng mình mặc bộ trang phục màu lam, đứng chấp tay trên hoa sen màu hồng từ dưới bay lên, cũng cùng lúc ấy bất chợt bà giật mình lay tỉnh, dường như mộng mà không phải mộng! Bà cảm nghe lòng nhẹ nhàng như một phiến mây, trộn lẫn niềm hân hoan trào dâng rộng lớn vô bến vô bờ!
* Đến ngày rằm tháng 12, sau khi ông mất khoảng hơn hai tháng, khoảng 5 giờ sáng người em trai tên Hải nằm mơ nghe tiếng gõ cửa, chú ra mở cửa thì thấy ông mặc chiếc áo tràng màu vàng, đầu cạo sạch tóc, tay cầm xâu chuỗi nhìn rất trang nghiêm, đi với hai vị sư khoác y màu đỏ, ông bước vô nhà và mời hai Thầy ngồi (người đi chung với ông) và ông kêu chú Hải:
- Em thắp nhang lên đi để hai anh em lạy Phật!
Khi chú thắp nhang xong, ông hướng về bàn Phật cung kính đãnh lễ. Chú Hải thấy ông lạy đứng chú cũng bắt chước lạy đứng theo ông, hai người lạy rất lâu. Rồi ông cho biết là mình có việc phải đi với Thầy, ông dặn chú Hải:
- Em hãy rán niệm Phật và lạy sám hối!
Chú bèn hỏi ông:
- Bây giờ anh đang tu ở chùa nào?
Ông trả lời rằng:
- Anh không có tu ở chùa nào cả! Anh tu trong hoa sen!
Nói xong, ông cùng hai vị sư đồng ra ngoài. Chú Hải cũng tò mò muốn biết ông đi về hướng nào, nên rón rén bước theo sau. Khi ra khỏi cửa, đưa mắt nhìn theo thì thấy ba người cùng bay vút thẳng lên hư không, chú vui mừng thích thú lắm, bất chợt tiếng điện thoại báo thức reo lên, chú giật mình tỉnh giấc và hồi tưởng lại thấy còn nuối tiếc!
(Thuật theo lời Trương Thị Lan Hoanh,
vợ của ông)