Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Nhiếp Đại Thừa Luận Thích [攝大乘論釋] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Nhiếp Đại Thừa Luận Thích [攝大乘論釋] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.77 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.98 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa

Kinh này có 15 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 |
Việt dịch: Nguyên Hồng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm thứ nhất : Giải thích các tên trong
Y chỉ thắng tướng

Trí chướng rất mờ ám,
Phân biệt chấp chân tục.
Do như lý, như lượng,
Trí vô phân biệt sáng.
Phá thành vô đẳng giác,
Diệt tâm hoặc không sót.
Thường trụ trí viên đức,
Thường hành trì Đại bi.
Như chúng sinh căn tính,
Cực chân đạo giải thoát.
Ở trong cõi 10 phương,
Dùng tâm vô công dụng.
Do trí vô phân biệt,
Không trụ nơi sinh tử.
Vì thường khởi Đại bi,
Nên không nhập Niết-bàn.
Do giữ trí phương tiện,
Rất lợi cho tự tha.
Ta đem thân miệng ý,
Đảnh lễ Phật Thế Tôn.
Đây vô thượng chính pháp,
Như Lai tự giác nói.
Nếu người tu chính hạnh,
Đến cam lồ diệu tích.
Nếu chê bai pháp này,
Rơi hang sâu không đáy.
Do trí và tín tâm,
Đảnh lễ pháp chân thật.
Trụ đạo trụ quả tăng,
Hơn khắp cả mọi người.
Trí đạo tục thanh tịnh,
Là ruộng phúc vô thượng.
Chút lành gieo vào trong,
Rộng lớn như đại địa.
Thành tựu vui thế gian,
Và thanh lương Niết-bàn.
Ta nhất tâm đảnh lễ,
Phật, thánh chúng đệ tử.
Người thông minh tà mạn,
Thoái tâm tu A-hàm.
Ngôn hành tự mình chấp,
Chẳng hề chứng chính lý.
Thờ Bồ-tát Di-lặc,
Y chỉ định Nhật quang.
Chiếu rõ tướng thật pháp,
Không động và xuất thế.
Vì chúng ta nói rõ,
Chính pháp chân đạo lý.
Như trăng thu sáng tỏ,
Văn từ lưu thế gian.
Câu, nghĩa rất rộng sâu,
Dựa vào kinh liễu nghĩa.
Khiến cho người thông tuệ,
Hạ tâm khởi tôn kính.
Pháp tế mật khó thông,
Trí không chấp không ngại.
Lợi, các 8 thế pháp,
Tâm thường không nhiễm trước.
Vô ngại danh xưng nghĩa,
Người thông hiểu thường tụng.
Trời, người thảy đều biết,
Lạy dưới chân Đại sư.
Biện thuyết thường không hết,
Mưa văn nghĩa cam lồ.
Theo Tôn giả nghe pháp,
Như chim nhỏ cầu mưa.
Mở đọc quyết định tạng,
Giải thích Nhiếp Đại Thừa.
Nguyện đem lợi ích này,
Phổ biến khắp đại hải.
Phẩm thứ nhất : Các tên
Giải thích : Phẩm này có 3 chương : 1.Vô đẳng Thánh giáo, 2.Thứ tự 10 nghĩa, 3.Các tên.
Chương 1 : Vô đẳng Thánh giáo
Luận nói : Luận Nhiếp Đại Thừa là giáo lý A-tì-đạt-ma và Kinh điển Đại thừa.
Giải thích : Câu nói này dựa vào nghĩa gì ? Do đâu có câu nói này ?
Dựa vào tất cả sở tri và do từ thật tính rộng sâu của các pháp. Nếu không phải uy lực của Phật Bồ-tát, ai có năng lực có thể nói được nghĩa này.
Vì sao do từ tướng này mà tạo luận ?
Vì nếu lìa bỏ tên A-tì-đạt-ma thì sẽ không ai biết luận này là Thánh giáo. Chính vì nghĩa ấy và đồng thời nói rõ tên kinh. Ví như Kinh Thập Địa.
Tác dụng của việc tạo luận này như thế nào ?
Là muốn chúng sinh được giải tỏa chỗ không biết, nghi ngờ, điên đảo. Lại nữa luận này nói tên Kinh Đại Thừa A-tì-đạt-ma là muốn làm rõ một loại pháp môn đặc biệt của Như Lai, và nói rõ tên luận này là Đại thừa để phân biệt với Tiểu Thừa A-tì-đạt-ma.
Vì sao không chỉ nói tên A-tì-đạt-ma còn nói tên Tu-đa-la ?
Là vì có A-tì-đạt-ma không phải Thánh giáo. Lại nữa nói tên A-tì-đạt-ma để rõ thêm luận này thuộc Bồ-tát tạng.
Lại nữa, lập tạng là muốn làm gì ?
Là diệt trừ sự mê lầm của chính mình đối với Đại thừa. Đó là phiền não của Bồ-tát. Bởi vì sao ? Vì Bồ-tát lấy phân biệt làm phiền não. A-tì-đạt-ma là tướng của pháp tính rất sâu rộng.
Có tất cả mấy loại Bồ-tát tạng ?
Cũng có 3 loại là Tu-đa-la, A-tì-đat-ma, Tì-na-da. Ba loại này do có sự sai khác về thừa giáo trên và dưới nên thành 2 loại, tức Thanh Văn tạng và Bồ-tát tạng.
Sự phân chia 3 và 2 đây vì sao gọi là tạng ?
Do có khả năng bao gồm. Đây bao gồm những pháp gì có tất cả nghĩa cần phải biết.
Vì sao thành 3 và có 9 thứ nhân duyên biệt lập ?
Tu-đa-la là để đối trị nghi hoặc của người khác. Nếu có người khởi nghi ngờ trong nghĩa này thì làm cho có trí quyết định nên lập Tu-đa-la. Để đối trị 2 mặt của sự thụ dụng nên lập Tì-na-da. Do Phật ngăn cấm những thụ dụng có tội lỗi, nên lập Tì-na-da đối trị về mặt lạc hạnh. Do Phật tùy hỷ những thụ dụng không có tội lỗi, nên lập Tì-na-da đối trị về mặt khổ hạnh. Để đối trị thân kiến, kiến thủ, biên chấp kiến nên lập A-tì-đạt-ma nhằm làm rõ tướng thật pháp không điên đảo.
Lại nữa để nói 3 thứ tu học nên lập Tu-đa-la. Để đạt thành dựa vào giới học và tâm học nên lập Tì-na-da. Bởi vì sao ? Nếu người giữ giới thì tâm không có gì hối hận. Do tâm không có gì hối hận nên có thể tuần tự được định. Để đạt thành dựa vào tuệ học nên lập A-tì-đạt-ma. Bởi vì sao ? Vì có thể giản trạch các nghĩa không điên đảo. Lại nữa do Tu-đa-la thuyết pháp đúng chính nghĩa, do Tì-na-da thành tựu pháp nghĩa. Bởi vì sao ? Nếu người tu hành hoặc Tì-na-da được thông đạt 2 pháp và nghĩa của nghĩa pháp này, quyết định thắng trí do A-tì-đạt-ma. Do 9 nhân duyên này nên lập 3 tạng.
Ba tạng này thông dụng như thế nào ?
Sự thông dụng đó là giải thoát sinh tử.
Thế nào là được giải thoát ?
Vì có thể huân tập, giác ngộ, vắng lặng, thông đạt nên được giải thoát. Do nghe, tư duy 3 tạng nên có thể huân tập. Do huân tập nên giác ngộ. Do giác ngộ nên vắng lặng. Do vắng lặng nên thông đạt. Do thông đạt nên được giải thoát.
Nếu lược nói 3 tạng thì mỗi tạng có 4 nghĩa. Nếu Bồ-tát nếu có thể hiểu rõ nghĩa này thì sẽ đầy đủ nhất thiết trí. Nếu Thanh Văn thể hiểu nghĩa một câu một bài kệ thì sẽ không còn lưu chuyển.
Thế nào là mỗi tạng đều có 4 nghĩa ?
Bốn nghĩa của Tu-đa-la là : một y, hai tướng, ba pháp, bốn nghĩa. Có khả năng hiển thị 4 nghĩa này nên gọi là Tu-đa-la. Y, nghĩa là dựa vào nơi ấy, người ấy, công dụng ấy. Phật căn cứ vào 3 điểm này nói Tu-đa-la, nên có tên là y. Tướng, nghĩa là tướng của 2 đế chân và tục, nên gọi là tướng. Pháp là ấm, giới, nhập, duyên sinh, đế, thực, định, vô lượng, vô sắc, giải thoát, chế nhập, biến nhập, trợ đạo biện, vô tránh v.v…nên gọi là pháp. Nghĩa, tức là việc làm, nên gọi là nghĩa. Sinh đạo diệt hoặc là sự.
Bốn nghĩa của A-tì-đạt-ma là : một đối, hai số, ba phục, bốn giải. Đối, tức là pháp đối hướng Niết-bàn không trụ xứ. Bởi vì sao ? Vì có khả năng hiển thị cửa ngõ của chân lý, nên gọi là đối. Số, nghĩa là trong các pháp tùy theo một pháp nào hoặc dùng tên, hoặc dùng tướng riêng, hoặc dùng tướng chung v.v…thường thường hiển thị một pháp ấy, nên gọi là số. Phục, nghĩa là pháp này có khả năng đè bẹp các thuyết, do chính thuyết có thể lập hoặc phá dựa vào các phương tiện, nên gọi là phục. Giải, nghĩa là nhờ A-tì-đạt-ma mà dễ hiểu nghĩa của Tu-đa-la., nên gọi là giải.
Bốn nghĩa của Tì-na-da là : một do tội lỗi, hai do duyên khởi, ba do trở lại được thanh tịnh, bốn do xuất ly. Tội lỗi là tội ngũ thiên, thất tụ. Duyên khởi là hoặc 4 hoặc 8. Bốn tức là một, không biết, hai, buông lung phóng túng, ba, phiền não nung đốt, bốn, khinh mạn. Tám tức là một do tâm không do thân miệng, hai do thân không do tâm miệng, ba do miệng không do thân tâm, bốn do tâm thân không do miệng, năm do thân miệng không do tâm, sáu do tâm miệng không do thân, bảy do thân miệng tâm, tám không do thân miệng tâm. Trở lại được thanh tịnh là do thiện tâm không do trị phạt. Thiện tâm là như vốn thụ trì đối trị. Xuất ly thì có 7 việc : Một là mỗi mỗi phát lồ, ngăn ngừa sự tiếp tục. Hai là thụ và học phạt. Ba là trước chế định sau khai mở. Các giới trước đã chế định, sau vì ý riêng nên khai mở. Bốn là lại xả bỏ nếu đại chúng hội họp đồng ý như cũ, người trước đã phạm tội bấy giờ được thanh tịnh trở lại. Năm là chuyển y hai căn nam nữ của Tì-khưu Tì-khưu-ni nếu không cùng tội. Sáu là quán như thật, do 4 pháp Uất-đà-na quán sát các pháp. Lại như đối trị pháp tướng, thường xuyên quán sát tội mình. Bảy là được pháp nhĩ. Như thấy Tứ đế, không phạm lại các tiểu tùy, tiểu tội, nhờ được pháp nhĩ.
Lại nữa phải biết Tì-na-da có 4 nghĩa : Một là người. Phật Thế Tôn căn cứ vào đây lập giới. Hai là lập chế. Nghĩa là đã nói tội lỗi, Đại sư họp chúng lập học xứ. Ba là phân biệt. Tức đã đại lược lập chế rồi, còn giải thích rộng. Bốn là phán quyết. Tức trong lập chế này, quyết định thế nào là phạm tội, thế nào là không phạm.
Nay sẽ giải thích bản văn.
Luận nói : Trước Phật Thế Tôn.
Giải thích : Muốn tỏ rõ sự cung kính và không nói khác.
Luận nói : Bồ-tát Ma-ha-tát khéo ngộ nhập cú nghĩa của Đại thừa.
Giải thích : Đã được công đức của Đà-la-ni v.v… Do công đức này có khả năng gìn giữ câu, văn và nghĩa. Lại có khả năng nói rõ đúng như lý nên gọi là khéo ngộ nhập.
Vì sao chỉ nói Bồ-tát Ma-ha-tát mà không nói tên ?
Là muốn nói rõ là các chúng Bồ-tát Ma-ha-tát đều có chung khả năng này.
Vì sao nói 2 tên ?
Vì muốn nói rõ đầy đủ 2 hạnh.
Luận nói : Căn cứ vào giáo nghĩa Đại thừa, muốn nói rõ Đại thừa có công đức vượt trội.
Giải thích : Chỉ trong Đại thừa có công đức vượt trội, các thừa khác không có. Vì để làm rõ công đức của Đại thừa không có chung với các thừa khác nên căn cứ vào Đại thừa giáo muốn nói rõ Đại thừa có công đức thù thắng.
Luận nói : Nói như vầy : Chư Phật Thế Tôn có 10 tướng thù thắng. Đây là câu nói không có gì sánh bằng, vượt quá các thừa giáo khác.
Giải thích : Câu nói này muốn nói rõ điều gì ?
Là nói rõ Đại thừa có công đức thù thắng. Vì là thật có và lợi tha cho nên chư Phật Thế Tôn được biết trong 10 hiệu.
Luận nói : Mười tướng thù thắng là :
Giải thích : Do y chỉ v.v…10 tướng khác nhau nên nói là thắng. Mười nghĩa, là nhân. Ngôn thuyết là quả. Bởi nghĩa thù thắng nên chỗ nói ra không gì sánh bằng.
Luận nói : Một là phải biết y chỉ thắng tướng.
Giải thích : Nói “phải biết”, nghĩa là tịnh bất tịnh phẩm pháp tức là 3 tính. Ba tính này y chỉ nhân 3 tính, tức thắng tướng. Do y chỉ thắng tướng này, ngôn thuyết của Như Lai cũng thù thắng., tức A-lê-da thức y chỉ, tức là thắng tướng. Ví như thạch tử cho đến trí quả thắng tướng cũng như vậy.
Luận nói : Hai là phải biết thắng tướng.
Giải thích : “Phải biết thắng tướng” tức là phải biết tự tính hoặc phải biết tức là tướng.
Luận nói : Ba là phải biết nhập thắng tướng.
Giải thích : Phải biết là 3 tính nhập, nghĩa là năng thành nhập và sở thành nhập, tức là duy thức.
Luận nói : Bốn là nhập nhân quả thắng tướng.
Giải thích : Nhập nhân duy thức tức là thí v.v… 6 Ba-la-mật thế gian trong nguyện lạc vị nhập quả tức nhập duy thức. Sau 6 Ba-la-mật ở trong thông đạt vị chuyển thành quả gọi là xuất thế gian.
Luận nói : Năm là nhập nhân quả tu sai biệt thắng tướng.
Giải thích : Nhập nhân quả tức thế xuất thế 6 Ba-la-mật. Tu nghĩa là 4 đức thường tu tập ở địa này. Các địa không giống nhau nên gọi là sai biệt. Tức là Hoan hỷ địa v.v…10 địa.
Luận nói : Sáu là trong tu sai biệt, y vào giới học thắng tướng.
Giải thích : Nghĩa là giới học trong sự tu tập sai biệt ở các địa thì Bồ-tát tu quán y vào giới, tức tất cả các giới Bồ-tát trong 10 địa không có tâm làm trở lại đối với các ác pháp.
Luận nói : Bảy là trong đó y vào tâm học thắng tướng.
Giải thích : Nghĩa chữ học như trước đã giải thích. Tâm tức là định. Định lấy nhất tâm làm thể. Y vào nhất tâm tu tập nghĩa là định của tất cả Bồ-tát là dựa vào tâm học.
Luận nói : Tám là trong đó y vào tuệ học thắng tướng.
Giải thích : Vì có khả năng đắc quả nên gọi là y tuệ, lấy tuệ làm chỗ dựa phát tâm tu hành. Y vào tuệ là trí vô phân biệt.
Luận nói : Chín là học quả tịch diệt thắng tướng.
Giải thích : Nghĩa là diệt sai biệt có thứ một là tối thắng, hai là phẩm loại, ba là thiền định trí tuệ tự đối giải thoát. Chướng diệt tức là Niết-bàn vô trụ xứ.
Luận nói : Mười là trí sai biệt thắng tướng.
Giải thích : Nghĩa là trí đã lìa tất cả chướng. Trí tức vô phân biệt trí gọi là đối trị đạo sai biệt, tức Phật Như Lai trí đã lìa tất cả chướng tùy miên. Trí này là vô phân biệt trí sai biệt.
Luận nói : Do 10 nghĩa thắng tướng này, những điều Như Lai giảng nói vượt hơn các giáo khác. Như vậy văn giải thích Tu-đa-la đây làm rõ Đại thừa chính là Phật thuyết.
Giải thích : Thế nào là có thể làm rõ ?
Do văn lược thích 10 nghĩa này không có trong Tiểu thừa. chỉ nói trong Đại thừa mà thôi.
Luận nói : Lại nữa, làm sao giải thích sơ lược trong đây có thể thấy Đại thừa hơn các giáo khác ? Nay đây sơ lược giải thích rõ 10 nghĩa này chỉ có trong Đại thừa và không có trong Tiểu thừa.
Những gì là 10 ?
Nghĩa là phải biết thức A-lê-da là tướng y chỉ. Thức A-lê-da có 3 tự tính : một là tính dựa vào cái khác, hai là tính phân biệt, ba là tính chân thật. Nói phải biết tướng, nghĩa là giáo nghĩa Duy thức nói phải biết nhập vào tướng 6 Ba-la-mật, tức là nói nhập vào tướng nhân quả.
Giải thích : Bởi vì sao ? Do đạo lý duy thức được nhập 3 tính nguyện lạc vị. Sáu Ba-la-mật tuy là thế pháp, nhưng có thể dẫn đến xuất thế pháp, có thể sinh ra đạo lý duy thức. Nói “nhập nhân của 3 tính” là Bồ-tát đã nhập địa. Xuất thế thanh tịnh Ba-la-mật tức nhập vào quả của 3 tính.
Luận nói : Mười địa Bồ-tát là nói nhập vào tướng nhân quả tu sai biệt.
Giải thích : Mười thứ Bồ-tát địa xuất thế gọi là nhập nhân quả tu sai biệt.
Luận nói : Bồ-tát gìn giữ cấm giới là nói về tướng giới học tu sai biệt. Thủ-lăng-già-ma các định Hư không tạng v.v…là nói tướng tâm học. Trí vô phân biệt là nói tướng tuệ học. Vô trụ xứ Niết-bàn là nói tướng học quả tịch diệt. Ba thứ Phật thân là tự tính thân, ứng thân và hóa thân. Ba thân này là nói tướng trí quả vô phân biệt.
Giải thích : Trong các địa có 3 thứ tu quán gọi là 3 thứ học dựa vào đó. Quả của học này là diệt, nghĩa là diệt 3 chướng. Trí vô phân biệt dựa vào tuệ học. Trí này nếu Thanh Văn thì không phân biệt 4 điên đảo là vô phân biệt, nếu Bồ-tát thì không phân biệt tất cả pháp là vô phân biệt. Hai vô phân biệt này khác nhau. Như 3 thứ Phật thân này là trí quả vô phân biệt. Nếu tách rời tự tính thân sẽ không có pháp thân. Ví như nhãn căn. Nếu tách rời pháp thân sẽ không có ứng thân. Ví như lìa căn sẽ không có nhãn thức. Phải biết 2 thân này do năng y sở y được tương ưng. Nếu tách rời ứng thân thì đã nhập Bồ-tát đại địa cũng không thụ dụng pháp lạc. Nếu không thụ dụng pháp lạc là Bồ-đề tư lương không đầy đủ. Ví như thấy sắc. Nếu tách rời ứng thân sẽ không có hóa thân. Nếu không hóa thân thì các Bồ-tát trong nguyện lạc vị, Thanh Văn mới phát khởi nguyện lạc tu hành đều không thành tựu. Vì vậy quyết chắc phải có 3 thân.
Luận nói : Mười chỗ này chỉ có trong Đại thừa. Vì khác với Tiểu thừa nên nói là đệ nhất.
Giải thích : Mười pháp này là nhân của vô thượng Bồ-đề, tuần tự dẫn khởi nhau cho đến vô thượng Bồ-đề.
Luận nói : Phật Thế Tôn chỉ nói 10 nghĩa này cho Bồ-tát.
Giải thích : Đại thừa là Phật thuyết. Tiểu thừa thì cộng thuyết. Đại thừa là chỉ nói cho Bồ-tát, không nói cho Nhị thừa. Do 3 nghĩa này cho nên nói là thắng hơn Tiểu thừa.
Luận nói : Y vào Đại thừa, chư Phật Thế Tôn có 10 thắng tướng. Nói không thể sánh là có thể hiển thị Đại thừa. Là Như Lai nói một cách chính xác để ngăn chận rằng Tiểu thừa quyết không phải là Đại thừa. Trong Tiểu thừa chưa từng giải thích một nghĩa nào trong 10 nghĩa này. Chỉ có trong Đại thừa giải thích. Lại nữa 10 nghĩa này có thể dẫn xuất vô thượng Bồ-đề, thành tựu tùy thuận không trái nhau.
Giải thích : Ba nghĩa chứng minh 10 nghĩa, có thể dẫn xuất vô thượng Bồ-đề, vì là nhân của vô thượng Bồ-đề. Thành tựu nghĩa là đúng như Thánh giáo và chính lý mà lựa chọn tư duy thành tựu 10 nghĩa này không thể phá hoại được. Ví như đã gặp được đạo sư chỉ đường cho. Tùy thuận nghĩa là người tu quán trong lúc tu tập thuận theo 10 nghĩa này mà trụ trong tu quán. Ví như tùy thuận theo sự chỉ đường của vị đạo sư. Không trái nhau nghĩa là trong 10 địa không có nguyên nhân là trở ngại. Ví như đi theo con đường vị đạo sư đã chỉ không gặp các chướng ngại như giặc cướp cọp beo. Lại nữa trong mỗi địa sinh tử Niết-bàn không chống chọi nhau. Vì vậy 10 nghĩa có thể dẫn đến vô thượng Bồ-đề.
Luận nói : Vì các chúng sinh được trí nhất thiết trí
Giải thích : Do 10 nghĩa này có đầy đủ 3 đức là vô đẳng cảnh, vô đẳng hạnh, vô đẳng quả. Nếu người nghe rồi suy nghĩ tu tập theo đây, ắt được vo thượng Bồ-đề. Cho nên nói vì các chúng sinh được trí nhất thiết trí.
Luận nói : Kệ nói :
Phải biết y và tướng,
Nhập nhân quả tu khác.
Ba học và quả diệt,
Trí nhiếp vô thượng thừa.
Mười nghĩa, chỗ khác không,
Đây là nhân Bồ-đề.
Nên Đại thừa Phật nói,
Là nói mười thắng nghĩa.
Chương 2 : Thứ tự của 10 nghĩa
Luận nói : Vì sao 10 thắng nghĩa được nói theo thứ tự này ?
Bồ-tát sơ học phải trước quán nhân duyên như thật của các pháp. Từ tu quán này được thông tuệ đối với 12 duyên sinh. Tiếp sau, đối với pháp duyên sinh phải hiểu rõ thể tướng. Do năng lực trí tuệ lìa hai lỗi nhị biên là tăng ích và tổn giảm. Tu tập đúng đắn như vậy sẽ được thông suốt các tướng như thật của sở duyên. Từ đó các chướng sẽ giải thoát. Tiếp theo tâm tâm đã thông suốt sẽ biết được thật tướng. Đó là trước thật hành 6 Ba-la-mật, phải thành tựu thanh tịnh không thoái lui không mất. Do trong ý thanh tịnh thâu nhiếp các Ba-la-mật, y vào 10 địa sai biệt tu tập, tùy từ một đến 3 kiếp a-tăng-kì. Sau đó Bồ-tát phải viên mãn ba học. Viên mãn rồi thì học quả Niết-bàn và vô thượng Bồ-đề. Sau đó sẽ được tu 10 nghĩa theo thứ tự như vậy. Trong thứ tự này, tất cả Đại thừa đều đầy đủ.
Giải thích : Mười nghĩa này có thứ tự về cảnh giới, có thứ tự về chính hạnh, có thứ tự về quả. Do quán thứ tự này mà lập thứ tự của 10 nghĩa.
Lại nữa, nếu người đã hiểu rõ nhân của các pháp thì đối với 12 duyên sinh ắt được thông tuệ. Bởi vì sao ? Vì do quả từ nhân sinh, không do từ trời Tự Tại v.v…, không do nhân bất bình đẳng sinh, cũng không phải không có nhân mà sinh. Cho nên lập nhân quả 2 trí.
Tiếp đến là pháp từ nhân sinh. Bồ-tát phải biết tướng của nó. Những gì là tướng ? Tính phân biệt thật không có thể, chấp nói là có gọi là tăng ích. Thật có tính chân thật, chấp nói là không gọi là tổn giảm. tăng cái không giảm cái có gọi là nhị biên. Người thông tuệ có thể lìa bỏ nhị biên này.
Tiếp đến chỗ chấp kia, thật ra chỉ có thức. Do trí này nên tương ưng có thể thông đạt. Do thông đạt nên không còn chướng ngại.
Tiếp đến là tùy thuận nhập duy thức. Sáu Ba-la-mật thế gian dựa vào tục đế. Được gồm thâu trong ý thanh tịnh dựa vào chân đế nên 6 ba-la-mật xuất thế cũng phải học.
Tiếp đến trong 10 địa, tùy theo chỗ sai biệt phải tu mỗi 3 kiếp a-tăng-kì, không đồng chỗ tu đắc của Thanh Văn. Bởi vì sao ? Thanh Văn trong tam sinh, gieo chủng tử đối trị, làm cho thành thục chủng tử đối trị, đối trị thành thục rồi trong đệ tam sinh giải thoát ba cõi đắc quả A-la-hán.
Tiếp đến trong sự tu tập sai biệt này, phải viên mãn giới v.v…tam học. Tiếp đến diệt quả tam học, Niết-bàn, phiền não chướng, trí chướng v.v…giác ngộ vô thượng Bồ-đề và 3 thân. Nói theo thứ tự này thì nếu lập Đại thừa cũng không ra ngoài pháp này. Bởi vì sao ? Vì nếu muốn giải thích nghĩa duyên sinh thì phải vào thức A-lê-da, nếu muốn giải thích pháp tướng thì phải vào 3 tính. Nếu muốn giải thích về chứng đắc phải vào trong duy thức. Nếu muốn giải thích nhân quả phải vào duy thức quán xứ. Nếu muốn giải thích các địa tức phải vào nhân quả xứ. Nếu muốn giải thích tam học tức phải vào thập địa xứ. Nếu muốn giải thích về sự tịch diệt tức phải vào tam học xứ. Nếu muốn giải thích vô thượng Bồ-đề và 3 thân tức phải nhập vô trụ xứ Niết-bàn. Nếu nói về thể của Phật và nhân quả thì số ấy là như thế. Cho nên nói theo thứ tự và lại có giải thích riêng. Mười nghĩa này có thể dẫn đến vô thượng Bồ-đề. Sống không hư vọng vì trí vô phân biệt cho nên thành tựu. Với 4 đạo lý và 3 lượng không trái nhau nên gọi là tùy thuận, không phải trước thì thuận theo, sau thì trái chống. Như kệ nói :
Hay giữ ái và bi,
Tùy thuận ở nơi thiện.
Không ngã kiến trắng đen,
Tăng ích và tổn giảm.
Cho nên gọi là không trái nhau. Nói có thể sinh trí nhất thiết trí nghĩa là đối với tất cả các pháp sinh trí như lý, như lượng liên tục không gián đoạn. Lại nữa có giải thích riêng là dùng sau giải thích trước.
Chương 3 : Các tên gọi
Luận nói : Đây trước nói phải biết nghĩa y chỉ là đặt tên cho thức A-lê-da.
Thế Tôn nói thức này ở đâu, và vì sao gọi là thức A-lê-da ?
Bản kệ trong A-tì-đạt-ma, Phật nói :
Cõi này từ vô thủy,
Tất cả pháp y chỉ.
Có các cõi hữu tình,
Và có được Niết-bàn.
Giải thích : Nay muốn dẫn A-hàm chứng minh thể của thức A-lê-da và tên A-hàm là Đại Thừa A-tì-đạt-ma. Trong đây Phật Thế Tôn có nói bài kệ. Chữ “đây” tức là nói thức giới của thức A-lê-da này. Để giải là tính, nên thức giới đây có 5 nghĩa. Một là nghĩa về thể loại. Tất cả chúng sinh không ngoài loại này, do đó chúng sinh không khác nhau thể loại này. Hai là nghĩa về nhân. Tất cả pháp của Thánh nhân như Tứ niệm xứ v.v…đều duyên nơi thức giới này mà sinh. Ba là nghĩa về sinh. Tất cả Thánh nhân chứng đắc pháp thân đều do tin ưa pháp môn của thức giới này mà được thành tựu. Bốn là nghĩa chân thật. Tại thế gian không phá, xuất thế gian cũng không hết. Năm là nghĩa về tạng. Nếu ứng với pháp này, tự tính thiện nên thành bên trong. Nếu ngoài pháp này, tuy tương ưng thì đại lược cũng thành thức giới này. Phật Thế Tôn bảo Tì-khưu : Chúng sinh ban đầu không hiểu rõ, bị vô minh che khuất, tham ái trói buộc, hoặc lưu chuyển hoặc tiếp nhận có khi là Nê-lê-da, có khi là súc sinh, có khi là quỷ loại, có khi là A-tu-la, có khi làm người, làm trời. Tì-khưu ! Các người thời gian lâu chịu khổ như vậy, thêm nhiều tham ái hằng thụ thân máu huyết.
Do đây chứng minh biết rằng thời vô thủy, như kinh nói : Thế Tôn ! Thức giới này là nương tựa, là duy trì, là nơi chỗ hằng tương ưng và trí không lìa nhau không bỏ công đức vô vi của chư Phật số như cát sông Hằng. Thế Tôn ! Là trí chẳng phải tương ưng, chẳng lìa bỏ nhau, Là nơi nương tựa, duy trì của các pháp hữu vi, cho nên nói là căn cứ của tất cả pháp. Như kinh nói : Thế Tôn ! Nếu Như Lai tạng có, do không rõ nên có thể nói là có sinh tử. Nếu nói là có thì có các nẻo luân hồi. Như kinh nói : Thế Tôn ! Nếu Như Lai tạng là chẳng phải có, thì đối với cái khổ không chán ghét, đối với Niết-bàn không mong muốn cho nên nói có được Niết-bàn.
Lại nữa nói giới thức này từ vô thủy, tức nói rõ nguyên nhân. Nếu không lập nguyên nhân thì có thể nói y chỉ của tất cả pháp là hữu thủy. Do thức này là nhân của tất cả pháp nên nói là y chỉ của tất cả pháp. Nói nếu có, thì có các nẻo luân hồi và có đắc Niết-bàn nghĩa là cái y chỉ của tất cả pháp đây nếu có, thì các nẻo có quả báo, và cũng do có báo này chúng sinh thụ sinh, có thể dễ hiểu rõ phân biệt hai thuyết tà chính khác nhau. Lại sau có thể được thượng phẩm chính hạnh nên được công đức thù thắng. Do phiền não nương tựa nên sinh phiền não rất nặng và thường khởi phiền não. Quả báo v.v…4 thứ sai biệt nên nói y chỉ thắng này có thể chuyển 4 thứ gọi là y chỉ hạ liệt. Trong sinh tử không chỉ các nẻo v.v…là phi hữu mà nghĩa Niết-bàn cũng phi hữu. Bởi vì sao ? Nếu có phiền não thì có giải thoát. Nên biết rằng trong y chỉ lại có A-hàm có thể chứng minh tên của thức A-lê-da.
Luận nói : A-tì-đạt-ma cũng có kệ nói :
Các pháp y tạng trụ,
Thức của các chủng tử.
Nên gọi A-lê-da,
Ta vì thắng nhân nói.
Giải thích : Các pháp y tạng trụ, câu này được giải thích bằng câu thứ hai. Nghĩa là thức của tất cả chủng tử do nghiệp phiền não biến chuyển, thức A-lê-da liên tục quả báo trước thành nhân sau. Câu “Nên gọi A-lê-da” là làm rõ nghĩa để chứng minh cho tên bằng danh mục của thức. Trong câu “Ta vì thắng nhân nói”, thắng nhân tức các Bồ-tát, nghĩa là vì các Bồ-tát nói cảnh giới y chỉ của Bồ tát và những gì làm chướng ngại Bồ-tát đạo.
Luận nói : Hai bài kệ trong A-hàm này xác nhận tên và thể của thức.
Vì sao Phật nói thức này tên là A-lê-da ?
Giải thích : Câu này muốn nói rõ nguyên nhân lập ra tên này.
Luận nói : Vì trong các pháp bất tịnh của tất cả hữu tình chúng sinh, thức này ẩn tàng làm quả.
Giải thích : Chữ “tất cả” là nói 3 đời. Trong 3 đời, lấy chính sinh tức đời hiện tại là có thể sinh pháp bất tịnh phẩm. Nghĩa là chuyển 5 thứ tịnh phẩm gọi là bất tịnh phẩm.
Luận nói : Thức này ở trong các pháp, ẩn tàng làm nhân.
Giải thích : Các pháp tức quả của thức A-lê-da, tức bất tịnh phẩm v.v…Các quả này tàng trụ trong thức A-lê-da làm nhân.
Luận nói : Lại nữa các chúng sinh chấp thủ những tàng chứa trong thức này làm tướng ngã, nên gọi là A-lê-da.
Giải thích : Chữ tàng có nghĩa là chấp, như A-đà-na thức, ý thức, nói tên chúng sinh. Bởi vì sao ? Tất cả chúng sinh không chúng sinh nào không có ngã chấp. Ngã chấp khởi thì duyên cảnh nào ? Duyên bản thức khởi. Đó là một trạng thái vi tế liên tục không dứt.
Luận nói : A-hàm nói : Như Kinh Giải Tiết có bài kệ rằng :
Thức chấp trì rất sâu,
Chủng tử pháp hằng chuyển.
Phàm phu ta chẳng nói,
Sợ chấp đó là ngã.
Giải thích : Trước dẫn chứng bài kệ trong A-tì-đạt-ma. Đây lại dẫn kệ trong kinh làm chứng. A-tì-đạt-ma lấy lý làm ưu việt. Kinh thì lấy giáo làm ưu việt. Giáo thì ắt có lý, lý thì ắt thuận với giáo. Hai cái này gọi là chứng. Nếu lìa bỏ 2 chứng này thì không lập nghĩa được. Chứng minh này dẫn từ Kinh Giải Tiết.
Phật bảo Bồ-tát Quảng Tuệ : Quảng Tuệ ! Trong 6 đường sinh tử, các chúng sinh tùy ở trong nhóm chúng sinh, hoặc thụ sinh trứng, hoặc sinh thai, sinh nơi ẩm ướt hoặc hóa sinh được thân và thành tựu. Lúc mới thụ sinh, tất cả chủng thức thành thục trước, rồi họp thành một trạng lớn dài tròn. Dựa vào 2 thứ thủ, nghĩa là có dựa vào sắc căn và tướng danh phân biệt ngôn thuyết tập khí. Nếu trong cõi có hình sắc thì có 2 thứ thủ. Nếu là cõi vô sắc thì không có 2 thứ thủ.
Quảng Tuệ ! Thức này hoặc gọi tên là A-đà-na. Bởi vì sao ? Do bản thức này có khả năng gìn giữ thân. Hoặc gọi tên là thức A-lê-da. Bởi vì sao ? Bản thức này thường xuyên tàng ẩn trong thân cùng thành cùng hoại. Hoặc gọi là Chí-đa. Bởi vì sao ? Vì là nơi các trần sinh trưởng như sắc, thanh, hương, vị, xúc v.v…
Quảng Tuệ ! Dựa duyên vào bản thức này mà các nhóm thức được sinh, tức là nhãn thức cho đến ý thức. Dựa vào có thức, nhãn căn duyên sắc trần bên ngoài, sinh được nhãn thức. Cũng nhãn thức đồng thời chung một cảnh có phân biệt ý thức khởi. Nếu một nhãn thức sinh, lúc bấy giờ sinh một phân biệt ý thức, cùng chung một cảnh với nhãn thức. Nhãn thức này nếu với 2 hoặc 3, 4, 5 thức cùng khởi, bấy giờ có một phân biệt ý thức cùng với 5 thức cùng duyên cảnh sinh. Như một dòng nước lớn chảy, nếu có một nhân làm nổi sóng xảy đến thì một con sóng nổi lên, nếu 2 hoặc nhiều nhân có thể làm nổi sóng thì có nhiều sóng nổi lên. Mà dòng nước này vẫn chảy như thường không bỏ không dứt. Lại nữa trong mặt gương tròn sáng trong sạch, nếu có một nhân có thể làm hiện ảnh đến thì trong gương có một ảnh hiện, nếu 2 hoặc nhiều nhân có thể làm hiện ảnh đến thì có nhiều ảnh hiện. Mà mặt gương tròn không chuyển thành ảnh cũng không tổn giảm. Cái bản thức này cũng giống như dòng nước và mặt gương. Y vào bản thức này, nếu có một nhân có thể khởi nhãn thức duyên đến thì có một nhãn thức khởi. Cho đến nếu có 5 nhân có thể khởi thức đến thì sẽ có 5 thức khởi.
Quảng Tuệ ! Như vậy Bồ-tát y vào pháp, nếu như trí có thông tuệ thì có thể thông suốt nghĩa bí mật của ý, tâm, thức. Chư Phật Như Lai như lý, như lượng, do nghĩa này không phân biệt nói mà các Bồ-tát có thể thông đạt nghĩa bí mật của ý, thức và tâm.
Quảng Tuệ ! Các Bồ-tát do như thật, không thấy bản thức và A-đà-na thức v.v…. Trong cũng như ngoài không thấy tạng trụ, không thấy có sinh ra và lớn lên v.v…không thấy thức, nhãn, sắc và nhãn thức, không thấy nhĩ, thanh và nhĩ thức, cho đến không thấy có thân, sự chạm xúc và thân thức.
Quảng Tuệ ! Các Bồ-tát y vào pháp, nếu như trí có thông tuệ thì có thể thông suốt nghĩa bí mật của ý, tâm, thức. Chư Phật Như Lai như lý, như lượng, do nghĩa này không phân biệt nói mà các Bồ-tát có thể thông đạt nghĩa bí mật của ý, thức và tâm.
Lại nữa dẫn kệ giải thích lần nữa nghĩa được nói trong kinh. Nói “thức chấp trì rất sâu xa vi tế” là nói vì sao thức này hoặc gọi là thức A-đà-na, có thể gìn giữ duy trì tất cả các căn hữu sắc. Nghĩa là có thể báo trì tập khí hữu y của 5 căn và tướng v.v… cho nên thức này cũng gọi tên là A-đà-na. Nói “sâu xa vi tế” là khó diệt, khó giải. Nói “chủng tử các pháp hằng lưu chuyển” là tất cả các pháp bất tịnh phẩm có thể sinh chỗ y trụ cho huân tập, như dòng nước chảy mỗi niệm mỗi niệm sinh diệt tiếp nối không dứt. Nói “đối với phàm phu ta chẳng nói” nghĩa là những người phàm không có hạnh thâm sâu, không cầu nhất thiết trí, căn trí ám độn nên không vì phàm phu và Nhị thừa mà nói. Nói “Sợ chấp kia là ngã” nghĩa là một tướng khởi lên sẽ tiếp tục dài lâu. Nếu chúng sinh dựa theo kinh mà khởi phân biệt sai lầm thì sẽ chấp thức này là ngã, sợ khởi tà chấp nên “ta” không vì chúng mà nói.
Luận nói : Vì sao thức này cũng gọi là thức A-đà-na ?
Giải thích : Trước đã dẫn chính lý và chính giáo chứng minh thức này là A-lê-da. Vì sao nay lại nói thức này tên A-đà-na ?
Luận nói : Vì thức này có công năng gìn giữ các căn của tất cả chúng sinh hữu sắc và mọi sự thụ sinh đều dựa vào thức này. Bởi vì sao ? Vì tất cả các căn của chúng sinh hữu sắc, được gìn giữ trong thức này, sẽ không hư hoại không mất và nối tiếp mãi về sau. Cho đến khi thụ sinh, thức này chuyển sinh ấm thân, cho nên chúng sinh trong lục đạo đều thụ thân này. Vì tính chất chấp trì và thụ dụng của thức này nên gọi là A-đà-na,
Giải thích : Nay lập đạo lý thành ra là tên A-đà-na. Đạo lý nghĩa là có thể chấp trì tất cả các căn hữu sắc. Do thức này gìn giữ duy trì 5 căn hữu sắc, chứ không như người chết thân thể biến đổi đen lại, chương sình hư hoại v.v… Nếu đến khi chết thì thức A-lê-da rời bỏ 5 căn. Lúc bấy giờ xảy ra các tướng đen lại, chương sình, hư hoại. Do đó biết chắc là do được thức này chấp trì mà trong một thời kỳ 5 căn không bị hủy hoại. Nói “Tất cả sự thụ sinh đều lấy làm chỗ y chỉ.” Là câu đáp lại câu hỏi trước. Thức này chính khi chúng sinh thụ sinh có khả năng sinh thủ ấm. Thể tính của thủ này được thức chấp trì. Do thức này chính là thức thụ sinh cho nên khi thụ sinh tất cả những loại gì thuộc về sinh đều do thức này thâu giữ và một thời kỳ thụ thân cũng được thức này thâu giữ. Trong thức A-lê-da đầy đủ chủng tử của thân, vì nghĩa đó thức A-lê-da cũng gọi là A-đà-na.
Luận nói : Hoặc gọi là tâm. Như Phật Thế Tôn nói tâm ý thức vậy.
Giải thích : Thức A-lê-da và ý. Hai nghĩa này không đồng với nghĩa của tâm,và cũng có khác. Ba tướng khác nhau này như thế nào ?
Luận nói : Ý có 2 thứ : Một là cùng sinh với kia, rồi lần lượt duyên vào nhau, thức diệt trước là ý, lại làm y chỉ cho thức sinh là ý.
Giải thích : Nếu tâm trước diệt sau sinh, có thể sinh cái sau liên tục không gián đoạn, cái đó gọi là ý. Lại nữa ý có khả năng làm y chỉ cho thức lúc sinh, không trái chống nhau với hiện thức. Hai cái này là duyên của thức sinh nên gọi là ý. Còn chính lúc sinh là thức. Đây tức là chỗ khác nhau giữa ý và thức
Luận nói : Hai là nhiễm ô là ý. Nghĩa là hằng tương ưng với 4 phiền não :
Giải thích : Đây là muốn giải thích thức A-đà-na. Bốn phiền não là những gì ?
Luận nói : một là ngã kiến, hai là ngã mạn, ba là ngã ái và bốn là vô minh.
Giải thích : Ngã kiến là tâm chấp ngã. Theo tâm này mà sinh ngã mạn. Ngã mạn là do ngã chấp khởi tâm cao ngạo, thật không ngã khởi. Ngã tham tức ngã ái. Cả ba hoặc này đều lấy vô minh làm nhân, tâm mê không rõ nhân quả chân thật, gọi là vô minh.
Luận nói : Thức này là chỗ y chỉ của các thức phiền não khác. Các thức phiền não do một là y chỉ sinh, hai là nhiễm ô.
Giải thích : Thức nhiễm ô này do dựa vào thức thứ nhất sinh, do thức thứ hai ô nhiễm. Cứ lần lượt cái đã diệt rồi gọi là ý, vì các thức khác muốn sinh thì có thể cùng với sinh y chỉ. Thức thứ hai gọi là thức nhiễm ô, vì là y chỉ của phiền não. Khi người khởi thiện tâm cũng có thức này.
Luận nói : Do duyên trần và lần lượt có thể phân biệt, nên hai cái này tên ý.
Giải thích : Bởi có thể thủ trần nên gọi là thức, có thể cùng cái khác sinh y chỉ nên gọi là ý. Thức thứ hai là ngã tướng v.v…hoặc y chỉ năng phân biệt nên gọi là ý.
Luận nói : Làm sao biết được có tâm nhiễm ô ?
Giải thích : Dùng đạo lý gì có thể thành lập nghĩa này ?
Luận nói : Nếu không có tâm này, mà chỉ độc hành vô minh, không thể gọi là có.
Giải thích : Tướng của độc hành vô minh như thế nào ? Nếu người chưa được đường lối đối trị, bị hoặc loạn chướng ngại thật tuệ gọi là độc hành vô minh. Cái vô minh này là phi hữu đối với 5 thức. Bởi vì sao ? Bởi vì ở nơi 5 thức không bị chướng ngại. Bởi vì sao ? Nếu là nơi phát sinh đường lối đối trị thì đó là nơi chướng ngại, đối với ý thức nhiễm ô đây cũng là phi hữu. Bởi vì sao ? Do hoặc loạn này tâm phải nhiễm ô cho nên sẽ cộng hành tương ưng với các hoặc loạn khác, không còn gọi là độc hành nữa. Nếu ông nói thức thứ sáu do độc hành vô minh nhiễm ô thì thức thứ sáu chỉ toàn là không thanh tịnh, bởi vì cái vô minh này không lúc nào tạm ngưng. Làm sao các tâm thí v.v…thành thiện được vì thức thứ sáu thường xuyên tương ưng với vô minh. Nếu người nào nói tâm cùng với thiện tương ưng là người đó sai lầm. Nếu thức thứ sáu thường xuyên bị nhiễm ô thì không thể dẫn sinh đường lối đối trị. Nếu người nào nói tâm nhiễm ô tương ưng nhưng có thiện tâm riêng, thiện tâm này có thể dẫn sinh đường lối đối trị, cho nên tâm nhiễm ô liền diệt. Nếu nói như thế thì không có lỗi.
Luận nói : Pháp này không tương tự với 5 thức. Bởi vì sao ? Bởi vì 5 thức này có nhất thời cùng tự y chỉ. Nghĩa là nhãn v.v…các căn.
Giải thích : Cũng như nhãn thức v.v… 5 thức, nhãn v.v… 5 căn đồng thời là y chỉ. Ý thức ắt phải đồng thời y chỉ. Nếu không lập các thức khác cũng không có y chỉ này. Nếu như nhãn thức không có chỗ y chỉ không sinh được thì ý thức cũng phải như vậy.
Luận nói : Lại nữa tên gọi là ý sẽ không có nghĩa.
Giải thích : Vì sao vô nghĩa ? Nếu lập cái tâm diệt trước là ý thì đây chỉ có tên mà không có nghĩa. Bởi vì sao ? Ý là lấy liễu biệt làm nghĩa. Trong cái không, làm sao lập được ? Thức này theo 6 thức trước đã diệt thì tên ý cũng không thể có được. Vì do vô thể, không thể liễu biệt được.
Luận nói : Lại nữa Vô tưởng định với Diệt tâm định phải không khác nhau. Bởi vì sao ? Vì Vô tưởng định rõ ràng có tâm nhiễm ô, còn Diệt tâm định thì không như vậy. Nếu không như vậy hai định này sẽ không khác gì nhau.
Giải thích : Nếu người lập có tâm nhiễm ô, thì người này ắt phải nói ở Vô tưởng định có tâm nhiễm ô, ở Diệt tâm định ắt phải nói không có tâm nhiễm ô. Đối với người này thì 2 định có sai biệt. Nếu không như vậy thì ở 2 định ý thức không hiện hành cho nên 2 định không khác nhau.
Luận nói : Lại nữa trong một thời kỳ ở trời Vô tưởng, nếu không ngã kiến và ngã mạn thì sẽ không lưu lạc, không mất, không nhiễm ô. Lại nữa nếu trong tất cả mọi thời, khởi ngã chấp thì sẽ biến khắp trong các tâm thiện ác và vô ký. Nếu không như thế mà nếu chỉ ác tâm và ngã chấp v.v…tương ưng thì sẽ hiện hành ngã và ngã sở. Còn nếu chỉ thiện và vô ký thì không hiện hành. Nếu lập 2 tâm đồng thời sinh thì không có lỗi này. Nếu lập tương ưng hành với ý thức thứ 6 thì có lỗi này.
Giải thích : Sinh trời Vô tưởng, nếu không có tâm nhiễm ô, thì trong một thời kỳ sinh đó không có ngã chấp và ngã mạn, cũng không lưu lạc mất mát. Định này phải không là chỗ chán ghét của Thánh nhân. Đã là chỗ chán ghét của Thánh nhân thì biết là định này có thức nhiễm ô. Do ngã chấp thường đi theo, thí v.v… các thiện thường bị ngã chấp xen tạp. Ngã chấp thường đi theo, nếu lìa vô minh thì không có việc này. Vô minh này nếu lìa y chỉ thì không thể có chỗ y chỉ cho vô minh này. Nếu lìa thức A-đà-na không có một thể riêng biệt nào khác.
Luận nói :
Không độc hành vô minh,
Và 5 thức tương tự.
Hai định không sai biệt,
Tên ý sẽ vô nghĩa.
Vô tưởng không ngã chấp,
Một kỳ không lưu chuyển.
Trong thiện ác vô ký,
Không nên khởi ngã chấp.
Lìa nhiễm tâm không có,
Hai và ba trái nhau.
Không đây, tất cả chỗ,
Ngã chấp không được sinh.
Chứng kiến nghĩa chân thật,
Hoặc chướng khiến không khởi.
Thường hành tất cả chỗ,
Là độc hành vô minh.
Luận nói : Vì tâm này nhiễm ô, nên gồm cả tính vô ký.
Giải thích : Tâm này là chỗ dựa của vô minh. Trong 3 tính, tâm này thuộc tính nào ? Do nhiễm ô nên thuộc hữu phú vô ký. Bởi vì sao ? Vì có nhiễm ô. Vì sao có nhiễm ô ?
Luận nói : Thường cùng tương ưng với 4 hoặc.
Giải thích : Không rõ cảnh vô ngã nên khởi ngã chấp. Do ngã chấp khởi ngã mạn ngã ái. Bốn hoặc này thường xuyên khởi khắp nơi.
Luận nói : Ví như hoặc ở các cõi Sắc và Vô sắc là hữu phú vô ký, vì các phiền não ở 2 cõi này được nhiếp tàng trong Xa-ma-tha.
Giải thích : Cõi lấy nghĩa từ tính chất của sự sống. Sinh ở cõi đã lìa bỏ ham muốn về dâm dục, ăn uống, chỉ ham muốn về hình sắc, đó là cõi Sắc. Sinh ở cõi đã lìa ham muốn của 2 cõi dưới, chỉ muốn không có hình sắc, đó là cõi Vô sắc. Các hoặc của 2 cõi này tuy tương ưng với thức thứ 6 nhưng không mất tính vô ký, vì do gồm thâu trong 8 định. Các hoặc này nếu ở cõi Dục, tán tâm sẽ thành bất thiện, vì chỗ y chỉ thô. Nếu tương ưng với thức thứ hai, dù không ở trong định cũng chẳng phải bất thiện, bởi chỗ sở y rất vi tế. Nếu ở cõi Sắc và Vô sắc, chỗ y chỉ tuy thô nhưng thâu nhiếp trong 8 định, tâm nhu nhuyến cho nên cũng chẳng phải bất thiện. Vì có thể sinh khởi sinh tử nên cũng chẳng phải là thiện. Vì vậy thuộc tính hữu phú vô ký. Các hoặc do thức thứ hai khởi cũng vậy. Chỗ y chỉ vi tế nên chẳng phải bất thiện. Là nhân của sinh tử nên cũng chẳng phải là thiện.
Luận nói : Tâm này thường xuyên sinh khởi, không bỏ.
Giải thích : Tâm nhiễm ô này trong 3 tính, 8 định, Vô tưởng định, Vô tưởng thiên thường xuyên sinh không bỏ một nơi nào.
Luận nói : Tìm cái thể thứ hai nếu lìa thức A-lê-da là không thể có được.
Giải thích : Thức thứ hai duyên thức thứ nhất khởi ngã chấp. Nếu lìa thức thứ nhất, thức này không khởi được. Cho nên biết có thức thứ nhất, nay thành tựu thức thứ hai là để làm rõ thức thứ nhất.
Luận nói : Vì vậy thành tựu A-lê-da tức là ý. Y vào đây chủng tử các thức được sinh khởi.
Giải thích : Lìa thức thứ nhất không có thể của một thức nào là nhân và nhân sinh khởi cho thức thứ hai. Phật nói tâm là gọi danh mục của thức thứ hai này. Phật nói thức là gọi danh mục của 6 thức. Phật nói ý là gọi danh mục của thức thứ nhất này. Bởi vì sao ? Thức thứ hai và sinh khởi thức nếu trước đã diệt mà thức sau muốn sinh, ắt dựa vào thức thứ nhất sinh và có thể sinh tự loại cho nên nói là ý căn.
Luận nói : Vì sao ý này cũng gọi là tâm ? Vì nhiều thứ chủng tử huân tập nhóm họp.
Giải thích : Thức thứ nhất cũng có tên là Chí-đa. Tên Chí-đa có nghĩa như thế nào ? Nghĩa là nhiều thứ nghĩa và có nghĩa là nảy nở tăng trưởng. Chữ “nhiều thứ” tự nó có 10 nghĩa : 1.tăng thượng duyên, 2.duyên duyên, 3.giải tướng, 4.cộng tác, 5.nhiễm ô, 6.nghiệp huân tập, 7.nhân, 8.quả, 9.đạo, 10.địa. Trong các nghĩa này, mỗi nghĩa có nhiều thứ nghĩa, cho nên gọi là nhiều thứ nghĩa. “Nảy nở tăng trưởng có 3 nghĩa : một là do 10 pháp đây tụ họp khiến tâm liên tục trụ lại lâu dài, hai là tâm này có khả năng thâu giữ chủng tử tất cả pháp, ba là làm nảy nở tăng trưởng chủng tử huân tập của nhiều pháp. Chữ chủng tử nghĩa là nhân của công năng sai biệt. Nói “nảy nở tăng trưởng” là biến đổi khác làm 3 cõi. Do nghĩa này Phật nói thức thứ nhất cũng gọi là Chí-đa.
Luận nói : Vì sao đối với Thanh Văn thừa, tâm tướng này và thuyết A-lê-da không được nói đến ?
Vì thâu nhiếp trong cảnh giới vi tế.
Giải thích : Hỏi là hỏi cái thể của tên gọi. Đáp là đáp chung cho 2 cái hỏi. Đây là nói về chỗ sở tri hết sức vi tế. Bởi không phải đối tượng sở duyên của Nhị thừa. Thức này cũng thuộc cảnh giới ấy. Nếu người cầu Phật quả tất phải thông hiểu rõ thức này. Phải biết thức này được gồm thâu 9 nghĩa, cho nên gọi là thâu nhiếp. Lại nữa Bồ-tát có cảnh giới vi tế, thức này khó hiểu, cho nên nhiếp thuộc trong cảnh giới vi tế.
Luận nói : Bởi vì sao, vì người Thanh Văn không có địa vị thù thắng để được trí nhất thiết trí.
Giải thích : Vì sao đối với Thanh Văn thừa không nói cảnh giới vi tế ? Vì người Thanh Văn tu hành chỉ cầu tự lợi không cầu biết cảnh giới Như Lai. Người Thanh Văn với trí thô thiển quán khổ v.v…có thể diệt trừ được hoặc chướng.
Luận nói : Do đó thuyết này không được nói cho hàng Thanh Văn, để họ thành tựu cái trí, khiến viên mãn bản nguyện của họ.
Giải thích : Chư Phật thấy người Thanh Văn thiểu dục tri túc cầu trừ hoặc chướng cho bản thân mình. Chướng này, nếu lìa trí này, do các trí khác có thể diệt trừ được và thành tựu bản nguyện, không phải giải thoát chướng cho người khác, không tu hành con đường thậm thâm vi tế phát nguyện cầu Như Lai pháp thân, cho nên không vì họ mà nói.
Luận nói : Chư Bồ-tát có địa vị thù thắng, nên Phật nói để cho họ đạt được trí nhất thiết trí.
Giải thích : Chư Bồ-tát tu hành cầu diệt hoặc chướng và trí chướng cho mình và người, nên vì chư Bồ-tát mà nói.
Luận nói : Bởi vì sao, vì nếu lìa trí này mà được vô thượng Bồ-đề là điều không thể có được.
Giải thích : Nếu lìa cảnh giới vi tế rất sâu, tuần tự tu 10 thứ thì không thể thành được. Nếu lìa tâm tu này, mà dễ trừ phiền não, dễ chứng đắc pháp thân là vô nghĩa.
Luận nói : Lại nữa, trong Thanh Văn thừa, thức này được Như Lai từng nói đến bằng nhiều tên khác.
Giải thích : Lại có các đạo lý khác có thể tin là có thức này. Bởi vì sao ? Trong Thanh Văn thừa nghĩa này xuất hiện dưới nhiều biệt danh.
Luận nói : Như trong Kinh Tăng Nhất A-hàm nói ở thế gian có Hỷ lạc A-lê-da, Ái A-lê-da, Tập A-lê-da, Trước A-lê-da. Vì diệt A-lê-da, Như Lai nói chính pháp,
Giải thích : Câu đầu lược nói căn bản. Sau dùng 3 câu nói về hiện tại, quá khứ, vị lai. Rồi lại giải thích rộng : Trước A-lê-da là nói về đời hiện tại. Tập A-lê-da là nói về đời quá khứ. Ái A-lê-da là nói về đời vị lai. Lại có giải thích khác như Hỷ lạc A-lê-da là đời hiện tại. Vì sao là đời hiện tại ? Vì Hỷ lạc A-lê-da là do Trước A-lê-da của quá khứ. Do quá khứ mà hiện tại thường Tập A-lê-da. Vì vậy nên tương lai Ái A-lê-da. Lại nữa hoặc chấp cho rằng nghĩa 4 câu này không khác. Nếu không khác, vì so có 4 câu ? Như Quyết Định Tạng Luận có nói rõ có 2 thứ ái là hữu ái và vô hữu ái. Hữu ái tức ái trong 3 cõi. Vô hữu ái tức ái đoạn dứt 3 cõi. Hỷ lạc là như người ở cõi Dục, duyên trần cảnh đã được sinh vui mứng, duyên trần cảnh chưa được sinh ưa đắm. Như người ở cõi Sắc, chưa lìa bỏ ham muốn cõi Sắc, tham đắm sinh cõi Sắc và trần cảnh của cõi Sắc do đã được định cõi Sắc, trong định sinh ra nhiễm, không thích cái định chưa được, trong đó chấp cho là giải thoát nên gọi là đắm trước. Tập là như người sinh cõi Vô sắc, chưa lìa bỏ cái ham muốn cõi Vô sắc, trước quán tội lỗi của cõi Dục sinh ham muốn cõi Sắc, sau quán tội lỗi cõi Sắc, xả bỏ cái ham muốn cõi Sắc sinh ham muốn cõi Vô sắc. Cái ham muốn này do tập các định mà thành nên gọi là tập. Ba tên này gọi là hữu ái, dựa vào thường kiến khởi.
Ái là như người làm nhiều điều ác sợ chịu khổ báo, hoặc chấp đoạn kiến mong không sinh trở lại nên gọi là ái. Một cái này tức vô hữu ái, dựa vào đoạn kiến khởi. Hoặc theo tứ đảo giải thích 4 câu, hoặc theo tứ ái giải thích 4 câu, tức cái tham ái về ăn, mặc, ở, có không, hoặc muốn làm rõ tự pháp để làm nhân khiến đệ tử đắc pháp, hoặc muốn làm rõ một nghĩa có nhiều tên, hoặc muốn khiến người độn căn nếu quên nghĩa này thì do nghĩa khác lại nhớ được, hoặc muốn khiến người độn căn nhân nói lại tên mà được hiểu, hoặc muốn khiến đệ tử phương khác nếu không hiểu một tên thì do tên khác hiểu được nên nói 4 câu, tên khác nhưng nghĩa đồng.
Luận nói : Thế gian thích nghe.
Giải thích : Dựa vào tín trí 2 căn.
Luận nói : Cho nên thuộc về tai.
Giải thích : Làm rõ việc lìa bỏ tâm tán loạn tức là định căn.
Luận nói : Tác ý muốn biết.
Giải thích : Làm rõ việc khởi cung kính không phóng túng buông lung, tức là niệm căn.
Luận nói : Sinh khởi chính cần.
Giải thích : Nhân đây khởi dũng mãnh, bỏ ác về thiện, tức là tinh tiến căn. Trong đây nói rõ là 3 tuệ.
Luận nói : Mới được diệt tận A-lê-da.
Giải thích : Đây là nói rõ đạo quả, tức tận vô sinh trí.
Luận nói : Cho đến thụ nhận tu hành chính pháp và tự pháp của Như Lai.
Giải thích : Đúng như giáo pháp mà tu hành, tức là thụ nhận danh tự văn cú nghĩa lý đúng chính pháp Như Lai nói mà tu hành. Danh tự văn cú nghĩa lý gọi là tự pháp. Chính pháp là chính thuyết. Tự pháp là chính hành chính đắc. Chính pháp lấy A-hàm làm thể. Tự pháp lấy sở đắc làm thể.
Luận nói : Như Lai ra đời là pháp đệ nhất hi hữu không thể nghĩ bàn, hiển hiện bản thức nơi thế gian. Điều này trong Kinh Như Lai Xuất Thế Tứ Chủng Công Đức, bằng một nghĩa khác, thức này đã được hiển lộ trong Thanh Văn thừa.
Giải thích : Nói “nghĩa khác” có 3 thứ : Một là ý khác, nghĩa là Như Lai muốn nói công đức xuất thế chứ không muốn làm hiển lộ thức A-lê-da. Thức này với công đức tương ưng nên nói thức này. Hai là tên khác, Như Lai chỉ nói tên không nói nghĩa. Ba là nghĩa khác, nghĩa là cảnh giới vi tế đối với Nhị thừa không nên nói. Chỉ do nghĩa tương ưng, cho nên nói tên mà không giải thích nghĩa.

« Kinh này có tổng cộng 15 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




San sẻ yêu thương


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Quy Sơn cảnh sách văn


Phúc trình A/5630

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.81.173 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập