Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
CHƯƠNG IV. LÍ LUẬN
IV.1 LÍ LẼ CỦA VIỆC VÃNG SINH TỊNH ĐỘ
1- Hỏi: Nghiệp và hạnh rối rắm, phàm phu chẳng biết được đầu mối. Khổ và vui khác biệt, Nhị thừa không hiểu rõ cội nguồn. Đối với người tại thế, nghiệp chia sáu nẻo; đối với hàng xuất thế, đạo phân ba thừa. Theo lý, muôn pháp đều cùng một khuôn thước, nhưng xét về giáo, có lời dạy liễu nghĩa và lời dạy không liễu nghĩa. Nay Tịnh độ Tây phương được thành tựu là nhờ lời thệ nguyện rộng lớn của tỳ-kheo Pháp Tạng; nhờ tâm Đại từ đại bi, Ngài bước lên ngôi Pháp vương. Thế giới ấy óng ánh hàng ngàn thứ báu, đức Phật ấy hiển bày cả vạn tướng quí. Thân và độ ấy, bậc ở Địa dưới[1] chẳng thấy được. Tuy các kinh luận nói là “được vãng sinh”, nhưng e rằng đó là ý nói vãng sinh vào lúc khác. Nay dựa vào lý lẽ nào mà nói được vãng sinh ngay? Cả người xuất gia và tại gia đều nghi điều này. Xin ngài cho tôi nghe nghĩa ấy.
- Đáp: Thánh giáo mở bày mênh mông, thực khó xem hết; hạnh nghiệp ràng buộc chằng chịt, đâu thể dò tìm. Nay tôi góp nhặt lời Phật, suy xét các lý lẽ, để thấy được con đường vãng sinh rõ như thấy vật trong lòng bàn tay. (Đoạn sau sẽ dẫn chứng kinh Phật, ở đây chỉ bàn về lý lẽ). Như luận Nhiếp Đại Thừa ghi: “Để chứng minh, phải cần cả Kinh và Luận. Luận trội về lý, Kinh trội về giáo. Giáo phải có lý, lý cần thuận hợp với giáo”. Nay hãy xét lý, sau đó sẽ dẫn giáo. Xét về lý, xem trong kinh tạng, thấy có hai giáo thuyết ẩn và hiển, nghĩa là kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa thì hoàn toàn không bị đả phá; kinh không liễu nghĩa, cho đến hội Niết-bàn, đều có dẫn đến nhưng không quyết định đả phá. Chỉ có giáo nghĩa Tịnh độ không thuộc phạm vi bị đả phá, cho nên biết đó chính là kinh liễu nghĩa. Hơn nữa, Bồ-tát soạn luận để giải thích kinh Phật, nếu là kinh không liễu nghĩa thì các ngài đả phá, còn kinh liễu nghĩa thì ca ngợi. Tất cả kinh giảng về Tịnh độ đều được ca ngợi trong các luận, không bị luận nào đả phá, cho nên, ta biết đó là những kinh liễu nghĩa.
2- Hỏi: Theo Nhiếp Đại Thừa Luận Thích, việc vãng sinh là vào lúc khác, thì đó chẳng phải là đả phá sao?
- Đáp: Luận ấy cho rằng có trường hợp vãng sinh vào lúc khác và có trường hợp vãng sinh không phải vào lúc khác. Nếu chỉ phát nguyện suông thì chính là vãng sinh vào lúc khác. Nếu gồm tu cả hạnh và nguyện thì chẳng phải vãng sinh vào lúc khác. Nếu ngài Thiên Thân cho việc vãng sinh là vào lúc khác, tại sao đoạn văn sau của Nhiếp Đại Thừa Luận Thích ghi: “Đem công đức tạo luận hồi hướng cho chúng sinh, nguyện họ được vãng sinh Tịnh độ”. Và tại sao ngài lại soạn luận Vãng Sinh? Vì ngài muốn khuyên người cầu vãng sinh.
Hơn nữa, Phật giảng Quán Kinh là bởi nguyên nhân: Bà Vi-đề-hi sinh ra A-xà-thế, một đứa con phạm tội ngũ nghịch, nên bà chán cõi đời ngũ trược[2], muốn sinh về Cực Lạc, mới cầu thỉnh Đức Phật, Ngài liền giảng cho bà nghe ba phúc nghiệp thanh tịnh và mười sáu phép quán. Trong kinh, Đức Phật khuyên chúng sinh cầu vãng sinh, ngay cả người phạm tội thập ác và ngũ nghịch cũng đều được vãng sinh. Như thế, người cầu thỉnh pháp Tịnh độ (bà Vi-đề-hi), thân đã ở trong cõi ngũ trược, lại sinh đứa con ngỗ nghịch, mà Phật còn nói bà ta được vãng sinh. Thế nên, có thể biết rõ được lý này: Phàm phu hiện đang ở trong ngũ trược đều được vãng sinh.
3- Hỏi: Bà Vi-đề-hi chính là đại Bồ-tát, vì chúng sinh mà thị hiện thụ thân người nữ và sinh ra đứa con ngỗ nghịch, chứ đâu phải thực là phàm phu?
- Đáp: Dù thực sự là Bồ-tát thị hiện thụ thân nữ để giáo hóa chúng sinh đi nữa, bà ta cũng cần phải giấu thật đức của mình, mà thị hiện giống như phàm phu để giáo hóa đồng loại như 500 thị nữ của bà ta, và họ đều được Phật thụ ký sẽ vãng sinh. Tất cả người nữ, và người nam ở đời vị lai, đều là phàm phu, đều được Phật A-di-đà nhiếp độ, cũng đều được vãng sinh. Như các Bồ-tát, có vị thị hiện thân ở địa ngục như Tiên nhân Bà-tẩu, v.v… trong kinh Phương Đẳng, để tiếp dẫn chúng sinh ở địa ngục; có vị thị hiện thân súc sinh như ong chúa, ngỗng chúa, kiến chúa, v.v… trong kinh Niết-bàn để dẫn dắt chúng sinh thuộc loài súc sinh; có vị thị hiện phạm tội ngũ nghịch như vua A-xà-thế, Đề-bà-đạt-đa,v.v… để dẫn dắt chúng sinh ngũ nghịch. Đó đều là người hóa độ là giả, và người được hóa độ là thật. Bà Vi-đề-hi đã thị hiện thân phàm phu ở trong cảnh ngũ trược để dẫn dắt phàm phu ở trong cảnh ngũ trược vãng sinh Cực Lạc. Cho nên Quán Kinh ghi: “Phật bảo bà Vi-đề-hi: Bà là phàm phu chưa được thiên nhãn nên không nhìn thấy xa được. Như Lai có phương tiện khác khiến cho bà thấy được xa”. Hơn nữa, tỳ-kheo Pháp Tạng lập 48 đại nguyện, trước hết vì tất cả phàm phu, rồi sau mới gồm vì cả các Thánh Tam thừa. Do đó, có thể biết, chủ ý của giáo nghĩa Tịnh độ vốn là vì phàm phu, nhưng cũng gồm vì cả Thánh nhân. Ngoài ra, như hàng Bồ-tát Thập trụ trở lên thường giữ lại phiền não để thụ sinh vào đường ác, nguyện cứu chúng sinh đau khổ, mà không sinh về Tịnh độ, vì nếu tùy ý thụ sinh theo nghiệp lực của mình thì các vị ấy càng không đọa vào đường ác. Thế thì, có thể biết được, phàm phu do còn bị đọa đường ác, nên cần cầu sinh Tịnh độ; còn hàng Bồ-tát Thập trụ trở lên, vì không sợ sinh vào đường ác, nên không nguyện sinh về Tịnh độ. Cho nên biết, việc lập giáo nghĩa Tịnh độ vốn là vì hàng phàm phu, chẳng phải vì Bồ-tát. Hơn nữa, pháp môn Tịnh độ này được nhiều kinh luận trình bày; nếu pháp môn ấy là giáo thuyết không liễu nghĩa, thì sao chư Phật và Bồ-tát giảng dạy ân cần như thế? Ngay cả các đức Phật trong mười phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài để chứng thật những lời Phật Thích-ca Mâu-ni nói và khuyên chúng sinh tu tập. Thế thì, Tịnh độ đâu phải là giáo thuyết không liễu nghĩa! Ngoài ra, từ xa xưa đến nay, các bậc danh tăng thạc đức và những nho sĩ thông minh ở đời đều tu tập hạnh Tịnh độ, như pháp sư Huệ Viễn ở Lô Sơn, pháp sư Tăng Duệ, ông Lưu Di Dân, ông Tạ Linh Vận, …. cho đến thiền sư Đạo Xước. Những vị ấy khi lâm chung đều cảm được cảnh lạ đài sen rực rỡ ánh sáng, Thánh chúng đến rước. Những việc ấy được ghi trong Biệt truyện. Những bậc Đại đức có trí tuệ ấy đều ưa thích Tịnh độ. Người học đời sau hãy nên noi theo những bậc tiên đức ấy. Không nên nghi ngờ!
Trở lại câu hỏi trước rằng thế giới ấy óng ánh ngàn châu báu, thân Phật hiển bày muôn tướng quí …. Người và cõi ấy (Thân và độ) đều chẳng phải là cảnh mà bậc ở Địa dưới thấy được, nay tôi giải đáp nghĩa ấy: Nếu luận về người và cõi Thật báo, thì đúng như lời đã nói. Nếu luận về Sự tịnh độ và Hóa tịnh độ, thì lý không phải như thế. Nếu là Báo thân ở Sự độ thì chỉ bậc ở Địa thượng (tức Thập thánh) mới thấy được. Nếu là Ứng thân ở Hóa độ thì bậc ở Địa tiền (tức Tam hiền) có thể thấy được. Nếu tất cả đều chẳng phải là cảnh giới Địa dưới thì Thánh nhân không thể giáo hóa chúng sinh được, và chúng sinh cũng chẳng có phần bước vào hàng Thánh.
Tóm lại, tất cả chúng sinh nếu hội đủ hai yếu tố sau đây thì được vãng sinh:
- Nhân duyên: Tu hành.
- Tăng thượng duyên: Bản nguyện của Phật A-di-đà.
Do đó, luận Khởi Tín ghi:
Có pháp của chư Phật,
Có nhân và có duyên,
Có đầy đủ nhân duyên,
Thì mới được thành tựu.
Đã có lý lẽ như thế, cho nên tất cả chúng sinh tu hành đều được vãng sinh.
IV.2 PHÂN TÍCH VÀ GIẢI THÍCH NHỮNG ĐIỂM KHÓ HIỂU
1- Hỏi: Pháp do chư Phật tùy nghi giảng dạy, nghĩa lý cao xa khó hiểu. Nếu không có Luận giải thích, khó thể thông hiểu được ý nghĩa sâu kín của Kinh. Như luận Thành Thật ghi: “Nhờ Luận nên nghĩa kinh dễ hiểu”. Do đó, Bồ-tát Vô Trước hiểu sâu tâm ý Phật, suy xét ý nghĩa các kinh, lập bày sơ lược nghĩa Tứ ý[3] và Tứ y[4]. Như pháp môn Tịnh độ được cho là có ý nói vãng sinh vào lúc khác, nhưng nay lại nói chúng sinh tu hành thì được vãng sinh ngay. Vậy nghĩa ấy thế nào?
- Đáp: Như luận kia nói, pháp môn Tịnh độ nêu ý vãng sinh vào lúc khác, nhưng các kinh khác lại cho không phải vãng sinh vào lúc khác. Đâu được đem cái ý vãng sinh vào lúc khác để gạn hỏi cái ý không phải vãng sinh vào lúc khác?!
2- Hỏi: Tại sao luận nói là vãng sinh vào lúc khác, còn các kinh khác nói không phải vãng sinh vào lúc khác?
- Đáp: Luận kia chỉ căn cứ vào người phát nguyện suông, không bàn đến việc tu hành; còn các kinh khác lại luận cả việc tu hành. Nếu trong kinh Phật nói chúng sinh phát nguyện thì được vãng sinh, thì đó đều là ý nói vãng sinh vào lúc khác, những chúng sinh ấy không được vãng sinh ngay. Như kinh A-di-đà (tiểu bản) ghi: Nếu có người đã phát nguyện, nay đương phát nguyện, sẽ phát nguyện, thì đã sinh, hoặc nay đương sinh, hoặc sẽ sinh về cõi nước ấy. Những người như thế, kinh nói, đều sẽ được vãng sinh vào lúc khác, mà không được vãng sinh ngay. Còn như các kinh Tịnh độ, hoặc nói về ba phúc nghiệp và mười sáu phép quán, hoặc bảo mọi người phát tâm bồ-đề và niệm Phật bảy ngày, hoặc dạy phát nguyện hồi hướng và mười niệm vãng sinh. Những người thực hành theo những kinh ấy đều được vãng sinh ngay, tức là không phải lúc khác. Vì thế nên, luận kia nói: Do chỉ phát nguyện thôi, nên là ý biệt thời. Đã phát nguyện suông, theo lý, chính là vãng sinh lúc khác.
3- Hỏi: Như luận Vãng Sinh nói: “Các loại: người nữ, hàng Nhị thừa và kẻ khuyết tật không vãng sinh được. Tại sao nay lại nói ba loại: Người nữ,…. cũng được vãng sinh?
- Đáp: Đúng vậy! Ba loại ấy, theo lý, không được vãng sinh. Nếu không phải ba loại ấy thì chắc chắn được vãng sinh. Ba loại ấy là gì? Đó là:
1) Người nữ: Nếu người nam hoặc người nữ ở cõi này gieo trồng nhân người nữ, chắc chắn sẽ được báo thân nữ. Dù người ấy tu hạnh Tịnh độ, cũng không được vãng sinh. Vì ở Tịnh độ không có người nữ. Đây là định nghiệp, không thể thay đổi được, tức là nghiệp chướng.
2) Kẻ khuyết tật: Nếu người ở cõi này đã trồng nhân đui, điếc, v.v… cũng không được vãng sinh. Vì ở Tịnh độ, người nào cũng có 32 tướng đại trượng phu. Đây cũng là nghiệp chướng.
3) Hàng Nhị thừa: Nếu là bậc Thánh Nhị thừa và hàng Phương tiện đạo Nhị thừa đã trồng định nhân Nhị thừa, không tin rằng có pháp Đại thừa và mười phương Tịnh độ, thì cũng không được vãng sinh. Vì những người này là hàng Nhị thừa ngu pháp, không tin có chư Phật và Tịnh độ trong mười phương, nên không chịu phát nguyện hồi hướng. Đây là Tiểu thừa kiên cố làm chướng ngại Đại thừa.
Những loại người mà luận ấy nói đến đều là loại người mang định nghiệp[5]. Chỉ những người không có ba định nghiệp ấy sẽ được vãng sinh.
4- Hỏi: Nếu người ở cõi này có ba thứ định nghiệp thì không được vãng sinh. Nhưng tại sao Quán Kinh nói những người thụ trì năm giới, v.v… thì được vãng sinh? Cho đến người nghe nói về Tứ đế liền chứng ngộ quả La-hán, v.v… đâu chẳng phải là định tính Tiểu thừa?!
- Đáp: Đấy là người không ngu pháp, tin có chư Phật và Tịnh độ trong mười phương, phát nguyện hồi hướng, nên mới được vãng sinh. Nếu đã chứng ngộ quả Thánh rồi, được nghe Phật giảng kinh Pháp Hoa, những người ấy liền hồi tâm hướng về Đại thừa. Đây là lời của luận Trí Đo. Còn luận về bậc Thánh vô học thuộc Nhị thừa, không kể là ngu pháp hay không ngu pháp, đều sinh về Tịnh độ. Vì các vị ấy thụ thân Biến dịch sinh tử, nên không sinh trong Tam giới.
5- Hỏi: Ác nghiệp của chúng sinh cũng giống như núi cao. Những ác nghiệp ấy gây chướng ngại hạnh Tịnh độ, việc thiện nhỏ chẳng thể trừ được chúng, nhưng tại sao Quán Kinh nói xưng danh hiệu Phật mười niệm lúc lâm chung liền được vãng sinh?
- Đáp: Tâm là chủ của nghiệp, là gốc của việc dẫn đi thụ sinh. Tâm lúc lâm chung cũng giống như con mắt, có thể dẫn dắt tất cả các nghiệp. Nếu tâm lúc lâm chung ác thì có thể dẫn dắt tất cả ác nghiệp, khiến sinh trong đường ác. Nếu tâm lúc lâm chung thiện thì có thể dẫn dắt tất cả thiện nghiệp, khiến sinh trong đường thiện. Giống như rồng di chuyển thì mây đi theo, nếu tâm hướng về Tây phương thì nghiệp cũng hướng theo về đấy. Đấy là lời các kinh và luận.
6- Hỏi: Như kinh Di-lặc Sở Vấn nói về mười niệm: Chẳng phải niệm phàm phu không xen lẫn niệm kết sử[6]. Nay chúng sinh ở cõi này đều có thân phàm phu, phiền não chưa đoạn trừ, tại sao niệm Phật được vãng sinh?
- Đáp: Nếu đúng theo kinh ấy, người không còn kết sử mới được vãng sinh, thì chỉ một mình Phật được vãng sinh, mọi chúng sinh khác đều không được vãng sinh, vì Bồ-tát ở tâm sau cùng của Thập địa cũng còn có hai thứ vô minh. Nay tôi xin giải thích:
+Niệm mà kinh kia nói là niệm phàm phu: Nếu không phát tâm bồ-đề, cầu ra khỏi Tam giới làm Phật, mà chỉ niệm Phật cầu sinh Tây phương, thì chỉ là vì sự tốt đẹp riêng cho một thân mình, mà lánh khổ tìm vui. Đấy là niệm phàm phu, cũng không được vãng sinh. Cho nên ba bậc người vãng sinh trong kinh Vô Lượng Thọ đều phải phát tâm bồ-đề.
+Không xen lẫn niệm kết sử: Chỉ cần nhất tâm liên tục quán tướng hảo của Phật. Nếu miệng niệm Phật mà tâm duyên Ngũ dục thì đó là xen niệm kết sử. Niệm Phật với tâm thuần tịnh thì trái ngược với kết sử; nếu hay thực hiện như thế thì phù hợp với kinh kia. CHƯƠNG V.
DẪN CHỨNG KINH LUẬN
Về kinh, dẫn 12 bộ là kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, kinh A-di-đà (tiểu bản), kinh Cổ Âm Thanh Vương, kinh Xưng Dương Chư Phật Công Đức, kinh Phát Giác Tịnh Tâm, kinh Đại Tập, kinh Thập Phương Vãng Sinh, kinh Dược Sư, kinh Bát-chu, kinh A-di-đà (đại bản), kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Giác. Về luận, dẫn 7 bộ là luận Vãng Sinh, luận Khởi Tín, luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa, luận Nhất Thiết Kinh Trung Di-đà Kệ, luận Bảo Tính, luận Long Thọ Thập Nhị Lễ, luận Nhiếp Đại Thừa.
- Hỏi: Qua lý lẽ trình bày ở trên, tôi đã biết, do nguyện và hạnh hỗ trợ nhau mà được vãng sinh Tịnh độ thì không phải là ý vãng sinh vào lúc khác. Nhưng tôi vẫn chưa biết có Kinh hay Luận nào làm chứng cứ?
- Đáp: Nay tôi sẽ dẫn lời kinh và luận để làm chứng cứ.
V.1 DẪN CHỨNG KINH:
V.1.1 Kinh Vô Lượng Thọ quyển I ghi:
- Nếu tôi thành Phật, trong cõi nước của tôi có các loài địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, người và trời trong cõi nước của tôi còn nghe danh từ bất thiện, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, trời và người trong cõi nước của tôi sau khi qua đời lại bị đọa ba đường ác, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, trời và người trong cõi nước của tôi không ở trong chính định tụ cho đến diệt độ, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, trong cõi nước của tôi, trời và người, trừ người có bản nguyện riêng tùy ý có tuổi thọ dài ngắn, không có được tuổi thọ vô hạn lượng, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, chúng sinh ở mười phương chí tâm tin ưa, muốn sinh vào cõi nước của tôi, cho đến người xưng danh hiệu mười niệm, mà không được vãng sinh, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác. Chỉ trừ kẻ phạm tội ngũ nghịch, phỉ báng chính pháp (thì không được vãng sinh).
Nếu tôi thành Phật, chúng sinh trong mười phương phát tâm bồ-đề, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, muốn sinh vào cõi nước của tôi, khi lâm chung, mà không có tôi và Thánh chúng vây quanh hiện trước người âý, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, chúng sinh ở mười phương nghe danh hiệu tôi, liền buộc niệm nhớ nghĩ đến cõi nước của tôi, gieo trồng các gốc công đức, chí tâm hồi hướng, muốn sinh vào cõi nước của tôi, nhưng không được toại nguyện , thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, các loài chúng sinh trong vô lượng không thể nghĩ bàn thế giới chư Phật ở mười phương nghe danh hiệu tôi, mà không chứng được Vô sinh pháp nhẫn, và các pháp tổng trì sâu kín của Bồ-tát, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, trong vô lượng không thể nghĩ bàn thế giới chư Phật ở mười phương có người nữ nghe danh hiệu tôi, vui mừng tin ưa, phát tâm bồ-đề, chán ghét thân nữ, sau khi qua đời, lại còn làm người nữ, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Nếu tôi thành Phật, người và trời trong cõi nước của tôi không được vui sướng bằng vị tỳ-kheo hết sạch phiền não, thì tôi không giữ ngôi Chính Giác.
Giải thích: Xét văn 48 Đại Nguyện này, có hai lời nguyện đều nói đến trời và người, cho đến người nữ ở mười phương, mà không luận đến hàng Bồ-tát từ giai vị Bất thoái trở lên, những lời nguyện khác đều vì Bồ-tát. Vì vậy, nên biết, pháp môn Tịnh độ chính yếu vì hạng phàm phu, chỉ phụ thêm hàng Bồ-tát.
Kinh Vô Lượng Thọ quyển II ghi:
- Phật bảo ông A-nan: “Những chúng sinh nào sinh về nước kia đều trụ ở Chính định tụ[7]. Vì sao vậy?Vì trong nước của Phật kia không có Tà định tụ và Bất định tụ. Vô số chư Phật trong mười phương cùng khen ngợi Phật Vô Lượng Thọ có oai thần và công đức không thể nghĩ bàn. Những chúng sinh nghe danh hiệu Phật ấy, khởi lòng tin, vui mừng, ngay đến chỉ một niệm chí tâm hồi hướng, nguyện sinh vào cõi nước của Phật ấy, liền được vãng sinh, và được Bất thoái chuyển. Chỉ trừ kẻ phạm tội ngũ nghịch, và phỉ báng chính pháp”.
Phật lại bảo ông A-nan: “Trong mười phương thế giới, người và trời chí tâm nguyện sinh vào cõi nước kia có ba bậc. Bậc thượng là người lìa bỏ gia đình, dứt trừ ái dục, trở thành sa-môn, phát tâm bồ-đề, một mực chuyên tâm niệm Phật Vô Lượng Thọ, tu tập các công đức, nguyện sinh về nước ấy. Những chúng sinh này đến lúc lâm chung, Phật Vô Lượng Thọ và Thánh chúng hiện ra trước mặt. Họ bèn nương theo Đức Phật ấy vãng sinh về cõi nước của Ngài, liền được tự nhiên hóa sinh ở trong hoa sen bảy báu, trụ ở giai vị Bất thoái chuyển, có phúc tuệ đầy đủ, thần thông tự tại. Thế nên, này A-nan! Những chúng sinh nào muốn được thấy Phật Vô Lượng Thọ trong đời này, phải nên phát tâm Vô thượng Bồ-đề, tu hành các công đức, nguyện sinh về nước kia”.
Phật bảo ông A-nan: “Bậc trung là người và trời trong mười phương thế giới chí tâm phát nguyện sinh về cõi nước kia, tuy chưa thể tu tập hạnh sa-môn, thực hành các công đức lớn, nhưng nên phát tâm Vô thượng Bồ-đề, một mực chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ, tu tập một số hạnh lành, giữ gìn trai giới, dựng tháp, tạo tượng, cúng dường thức ăn cho sa-môn, treo phan, thắp đèn, rải hoa, đốt hương, hồi hướng những công đức ấy nguyện sinh về nước kia. Người ấy lúc lâm chung, Phật Vô Lượng Thọ hóa ra thân đầy đủ ánh sáng và tướng hảo như Phật thật, cùng với Thánh chúng hiện đến trước mặt. Người ấy liền theo Phật kia vãng sinh về nước của Ngài, trụ ở ngôi Bất thoái chuyển, công đức và trí tuệ kém hơn người bậc thượng”.
Phật lại bảo ông A-nan: “Bậc hạ là người và trời trong mười phương thế giới dốc lòng muốn sinh về cõi nước kia, nếu không thể tạo các công đức, thì nên phát tâm Vô thượng Bồ-đề, một mực chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ, cho đến được mười niệm (tâm bất loạn), và nguyện sinh về nước kia; hoặc là người nghe được diệu pháp thì vui mừng, tin ưa, không nghi ngờ, ngay đến chỉ niệm Phật kia được một niệm, và chí thành nguyện sinh về cõi nước kia. Người ấy lúc lâm chung mộng thấy Đức Phật kia thì cũng được vãng sinh, công đức và trí tuệ kém hơn người bậc trung”.
V.1.2 Quán Kinh ghi:
“Bấy giờ, Đức Phật bảo bà Vi-đề-hi:
- Nay bà có biết chăng? Cõi Phật A-di-đà ở cách đây không xa. Bà nên chú tâm quán kỹ cõi ấy thì Tịnh nghiệp sẽ thành tựu. Nay ta giảng rộng về các ví dụ cho bà nghe, đồng thời khiến cho tất cả phàm phu muốn tu Tịnh nghiệp ở đời vị lai đều được sinh về cõi Cực Lạc. Người muốn sinh về cõi nước ấy, nên tu ba phúc nghiệp. Một là, hiếu dưỡng cha mẹ, hầu hạ sư trưởng, rèn luyện tâm từ không giết hại các loài, tu tập mười thiện nghiệp. Hai là, thụ trì Tam qui và đầy đủ các giới, oai nghi không phạm lỗi. Ba là, phát tâm bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh Đại thừa, khuyên người tiến tu. Ba việc như thế gọi là tịnh nghiệp.
Phật dạy tiếp:
- Nay bà biết chăng? Ba tịnh nghiệp này là chính nhân Tịnh nghiệp của chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.
Phật bảo A-nan và bà Vi-đề-hi:
- Người Hạ phẩm hạ sinh gồm chúng sinh tạo các nghiệp bất thiện: ngũ nghịch, thập ác, và đủ các việc bất thiện khác. Người ngu như thế, vì tạo ác nghiệp nên đáng phải đọa vào đường ác trải qua nhiều kiếp chịu khổ không ngừng. Nhưng nếu người ấy lúc lâm chung gặp thiện tri thức dùng mọi cách an ủi, giảng cho nghe diệu pháp, dạy niệm Phật. Nhưng người ấy bị đau khổ bức bách, không rảnh tâm để niệm Phật. Vị thiện tri thức ấy bảo: “Nếu ông không niệm Phật được thì nên xưng danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ, chí tâm xưng danh như thế, giữ cho tiếng không dứt, được đủ mười niệm xưng Nam-mô A-di-đà Phật”. Nhờ xưng danh hiệu Phật nên người ấy trong mỗi niệm tiêu trừ được tội sinh tử trong 80 ức kiếp, đến khi qua đời, được thấy hoa sen vàng to như mặt trời hiện ở trước mặt, trong khoảng một niệm liền được vãng sinh thế giới Cực Lạc. Người ấy ở trong hoa sen, qua đủ mười hai đại kiếp, hoa mới nở. Bấy giờ người ấy được Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí giảng cho nghe đầy đủ thật tướng các pháp, và pháp diệt tội, nghe xong thì vui mừng, liền phát tâm bồ-đề ngay lúc ấy. Đó là người Hạ phẩm hạ sinh. Phép quán tưởng như thế gọi là Hạ bối sinh tưởng, là phép quán thứ mười sáu”.
Giải thích: Căn cứ nhân chín phẩm vãng sinh, ba phúc tịnh nghiệp trên được xác định là nhân của chín phẩm. Một người cũng không cần tu đủ cả ba phúc tịnh nghiệp ấy.
V.1.3 Kinh A-di-đà (Tiểu bản) ghi:
- Này Xá-lợi-phất! Chúng sinh nào nghe được phải nên phát nguyện sinh về cõi nước kia. Vì sao? Vì sẽ được tụ họp một nơi với những bậc Thượng thiện[8]. Xá-lợi-phất! Không thể nhờ một nhân duyên nhỏ, một chút phúc đức, hoặc căn lành nhỏ mà được sinh về cõi nước kia. Xá-lợi-phất! Nếu có người thiện nam, thiện nữ nào nghe nói về Phật A-di-đà, liền nhớ nghĩ danh hiệu Phật ấy, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm không loạn, người ấy lúc lâm chung, Phật A-di-đà và Thánh chúng hiện ở trước mặt. Người ấy khi qua đời, tâm không điên đảo, liền được vãng sinh cõi nước Cực Lạc của Phật A-di-đà. Xá-lợi-phất! Ta thấy điều lợi ích như thế, nên nói những lời này. Nếu chúng sinh nào nghe nói những lời này, phải nên phát nguyện sinh về cõi nước ấy.
Giải thích: Theo kinh này, căn lành chút ít nghĩa là phát nguyện suông, căn lành rộng lớn nghĩa là niệm Phật bảy ngày. Nếu có thể niệm Phật bảy ngày đủ một triệu biến, liền được vãng sinh.
V.1.4 Kinh Cổ Âm Thanh Vương ghi:
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe:
-Một thời Đức Phật cùng nhóm họp với 500 đại tỳ-kheo ở cạnh ao Già-linh trong nước Chiêm-ba. Bấy giờ, Phật bảo các tỳ-kheo: “Nay ta sẽ nói đầy đủ cho các ông nghe về thế giới An Lạc ở Tây phương, nơi hiện đang có Đức Phật hiệu A-di-đà. Nếu Tứ chúng có thể chính niệm thụ trì danh hiệu Phật ấy, nhờ công đức ấy, lúc họ lâm chung, Phật A-di-đà sẽ cùng Thánh chúng hiện đến chỗ họ khiến cho họ được thấy. Nhìn thấy Phật ấy rồi, họ liền vui mừng, công đức tăng gấp bội. Nhờ nhân duyên ấy, người ấy mãi mãi xa lìa thân hình thai sinh nhơ bẩn, mà chỉ tự nhiên hóa sinh trong hoa sen báu tươi đẹp, đầy đủ thần thông, ánh sáng rực rỡ. Lúc ấy, vô số chư Phật trong mười phương đều cùng khen ngợi thế giới An Lạc kia có Phật pháp không thể nghĩ bàn, thần thông hóa hiện và các thứ phương tiện không thể nghĩ bàn. Nếu có người tin việc như thế, nên biết, người ấy là người không thể nghĩ bàn, nghiệp báo của người ấy cũng không thể nghĩ bàn. Xưa kia, A-di-đà Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri và các Thanh Văn cùng ở trong cõi nước tên là Thanh Thái. Kinh thành của vua nước ấy có chiều dài và chiều rộng mỗi bề 10.000 do-tuần, trong thành có rất nhiều người thuộc dòng Sát-đế-lợi. A-di-đà Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri có cha là Chuyển Luân Thánh Vương Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan, con tên Nguyệt Minh, đệ tử hầu cận tên Vô Cấu Xưng, đệ tử trí tuệ tên Lãm Quang, đệ tử thần túc tên Đại Hóa. Bấy giờ, có Ma vương tên là Vô Thắng, Đề-bà-đạt-đa tên Tịch Tĩnh. Phật A-di-đà thường cùng tụ hội với hai vạn tỳ-kheo.
Nếu có người thụ trì danh hiệu Phật ấy, giữ tâm bền vững, nhớ nghĩ không quên trong mười ngày mười đêm, tâm hết tán loạn, siêng năng tu tập Niệm Phật Tam-muội, biết Đức Phật kia thường trụ ở thế giới An Lạc, nhớ nghĩ liên tục như thế, không để bị gián đoạn; hoặc thụ trì đọc tụng Cổ Âm Thanh Vương Đại Đà-la-ni, trong mười ngày mười đêm, sáu thời chuyên niệm, năm vóc sát đất kính lễ Phật kia, giữ vững chính niệm, trừ hết tán loạn; nếu giữ được niệm niệm không gián đoạn trong mười ngày, thì chắc chắn thấy được Phật A-di-đà, đồng thời thấy được các Đức Như Lai và các trụ xứ của các Ngài trong mười phương thế giới. Chỉ trừ người căn tính đần độn và nghiệp chướng nặng nề thì dù muốn thấy thoáng qua cũng không thể được. Nên hồi hướng tất cả những thiện hạnh ấy, nguyện được vãng sinh về thế giới An Lạc, thì lúc lâm chung, Phật A-di-đà và Thánh chúng sẽ hiện đến trước mặt an ủi và khen ngợi, người ấy liền được vãng sinh”.
Giải thích: Căn cứ kinh này, người niệm Phật mười ngày liền được thấy Phật A-di-đà, chẳng nói phải đến lúc lâm chung mới thấy Phật.
V.1.5 Kinh Xưng Dương Chư Phật Công Đức ghi:
- Lại nữa, Xá-lợi-phất! Cách đây về phía Tây mười vạn ức cõi Phật có thế giới tên là An Lạc. Cõi nước ấy có Đức Phật hiệu A-di-đà Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chính Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Chúng Hựu. Đức Phật ấy độ vô số người. Nếu có người được nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Như Lai, một lòng tin ưa, thụ trì tụng niệm danh hiệu Ngài, sinh lòng vui mừng vô cùng, an lập tâm ý, hết mức chân thành, vô cùng tín tâm, nhớ nghĩ Đức Như Lai kia, người ấy sẽ được vô lượng phúc, mãi mãi xa lìa ách khổ Tam đồ, sau khi qua đời, sẽ vãng sinh về cõi Phật kia. Lúc lâm chung, người ấy một lòng tin ưa, nhớ nghĩ Phật ấy không gián đoạn, Phật A-di-đà sẽ cùng các tỳ-kheo hiện đến trước mặt người ấy, không có trở ngại nào hủy hoại được tâm Chính Đẳng Giác của người ấy. Vì sao vậy? Vì Đức Phật ấy khởi tâm Đại bi thề cứu giúp tất cả vô lượng chúng sinh, và bảo vệ tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới. Những chúng sinh được sinh về thế giới An Lạc ấy sẽ được đầy đủ trí tuệ của bậc Như Lai Chính Đẳng Giác. Xá-lợi-phất! Bản thệ nguyện của Đức Phật ấy là: Nếu có người cầu Đệ nhất thừa, sẽ ở trong thế giới Phật ấy chứng được đầy đủ pháp của chư Phật, đầy đủ Chính giác phần[9]. Nếu người nào cầu Thanh văn thừa, sẽ ở trong cõi nước Phật kia chứng được quả A-la-hán. Người vãng sinh về cõi Phật kia, tùy điều nguyện của mình muốn được quả Tiểu thừa hay Đại thừa, đều sẽ được đầy đủ ở cõi ấy. Nếu có người vào lúc sau cùng của cuộc đời được nghe danh hiệu Phật A-di-đà, ca ngợi, tin thật lòng, chí tâm cung kính, nhớ nghĩ Ngài như nhớ nghĩ cha mẹ, những người có tâm ý như thế đều sẽ thỏa mãn các nguyện của mình ở cõi nước Phật kia. Nếu người nào tin, nhưng không ca ngợi công đức xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, mà lại bài bác, sẽ đọa địa ngục, chịu đủ các đau khổ trong năm kiếp.
Giải thích: Theo kinh này, nhớ nghĩ Phật như nhớ nghĩ cha mẹ, mới được vãng sinh.
V.1.6 Kinh Phát Giác Tịnh Tâm ghi:
“Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:
- Thưa Thế Tôn, Như Lai ca ngợi A-di-đà Như Lai. Có mười điều phát tâm, nếu ai muốn sinh về cõi kia, cứ theo đó tùy ý phát nguyện, thì liền được sinh về cõi đó. Vậy mười điều phát tâm để sinh về cõi kia là gì?
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
- Những điều phát tâm đó không phải của người trí tuệ kém cỏi, mà là của người muốn làm việc lớn. Người muốn sinh về cõi nước của Phật A-di-đà thì phải:
1- Phát tâm từ vì tất cả chúng sinh, không sinh lòng oán giận, thì sẽ sinh về cõi Phật A-di-đà.
2- Khởi tâm từ bi vì tất cả chúng sinh, thì sẽ sinh về cõi Phật kia.
3- Phát tâm lìa bỏ sát sinh, thụ trì chính pháp, thì sẽ sinh về cõi Phật kia.
4- Quên thân mạng, phát tâm không đắm chấp tất cả pháp, thì sẽ sinh về cõi kia.
5- Khởi hạnh nhẫn nhục sâu sắc, có lòng tin thanh tịnh, thì sẽ sinh về cõi kia.
6- Phát tâm không mê đắm tiếng tăm, lợi dưỡng và tất cả của báu, thì sẽ sinh về cõi kia.
7- Phát tâm luôn luôn nhớ quí trọng tất cả chúng sinh, thì sẽ sinh về cõi kia.
8- Phát tâm không sợ hãi và không theo các học thuyết thế gian, thì sẽ sinh về cõi kia.
9- Phát tâm tu bồ-đề phần[10] và các căn lành, thì sẽ sinh về cõi kia.
10- Phát tâm luôn luôn không lìa việc nhớ nghĩ Phật, thì sẽ sinh về cõi kia, vì lìa được các tướng.
Này, Di-lặc! Mười điều phát tâm này, nếu Bồ-tát phát khởi tâm niệm một khi đầy đủ, sẽ sinh về cõi Phật A-di-đà. Nếu không được sinh về đó thì thật vô lý”.
Giải thích: Đây không phải là mười niệm trong Quán Kinh. Mười niệm này được thực hành trong hiện tại, mười niệm của Quán Kinh phải thực hiện lúc lâm chung.
V.1.7 Kinh Đại Tập ghi:
“Phật bảo Hiền Hộ:
- Trong đây, những tam-muội nào có thể sinh công đức như thế? Tư duy chư Phật hiện tiền tam-muội là pháp có thể sinh công đức như thế. Hiền Hộ! Tại sao gọi là Tư duy chư Phật hiện tiền tam-muội của Bồ-tát? Hiền Hộ! Nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di giữ gìn giới luật thanh tịnh, tu tập đầy đủ các hạnh, ở một mình chỗ vắng vẻ, nghĩ rằng ở mọi nơi, nếu có ai nghe nói về A-di-đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác, theo điều được nghe, người ấy nên nghĩ: Như điều ta được nghe, A-di-đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác kia hiện đang ở Tây phương, cách đây hơn trăm ngàn cõi Phật. Nơi đó có thế giới tên An Lạc. Đức Như Lai ấy hiện đang ở đó, có các Bồ-tát vây quanh. Ngài đang thuyết pháp, giáo hóa mọi người. Người ấy theo những điều nghe được về Phật, chú tâm tư duy, quán sát không ngừng, rõ ràng rành mạch, cuối cùng được thấy A-di-đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác kia.
Lại nữa, Hiền Hộ! Ví như trong thế gian có người thiện nam, thiện nữ thấy các việc trong mộng như: Vàng, bạc, các thứ báu, các kho báu, hoặc thấy bạn bè và các bậc thầy sáng suốt…., đến khi tỉnh dậy thì lòng không còn vui như trong mộng. Những cảnh trong mộng của người ấy có nghịch, có thuận, có vui, có buồn. Có lúc nói năng vui vẻ thì vô cùng vui, có lúc buồn rầu thì hết sức thương đau. Tỉnh ngủ rồi, người ấy suy nghĩ, nhớ lại những cảnh thấy trong mộng, kể đầy đủ cho mọi người nghe. Mỗi khi hồi tưởng việc trong mộng liền vui hoặc buồn. Cũng như thế, Hiền Hộ! Người thiện nam, thiện nữ kia ngồi ngay ngắn chú tâm chuyên tưởng A-di-đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác kia có tướng hảo như vậy, oai nghi như vậy, đại chúng như vậy, thuyết pháp như vậy, y theo những điều được nghe, tập trung tâm ý, giữ nhất tâm liên tục, dần dần tâm hết tán loạn. Hoặc trải qua một ngày, hoặc lại thêm một đêm, hoặc cứ như thế đến bảy ngày bảy đêm, nhớ nghĩ đầy đủ đúng những điều mình được nghe, người ấy chắc chắn sẽ thấy A-di-đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác. Nếu ban ngày không thấy, thì vào ban đêm hoặc trong giấc mộng hẳn Phật A-di-đà sẽ hiện đến”.
Giải thích: Theo kinh này, chỉ cần tưởng nghĩ đến Phật bảy ngày thì hiện tại liền được thấy Phật, chẳng phải đợi đến lúc qua đời.
V.1.8 Kinh Vãng Sinh ghi:
“Đại Bồ-tát Phổ Quảng bạch Phật :
- Thưa Thế Tôn, các cõi nước tịnh diệu của chư Phật ở khắp mười phương có khác nhau không?
Phật nói:
- Này Phổ Quảng! Các cõi nước ấy không khác nhau.
- Bồ-tát Phổ Quảng lại hỏi:
- Thưa Thế Tôn, tại sao trong kinh khen ngợi cõi Phật A-di-đà có cây cối, cung điện, lầu gác đều bằng bảy thứ báu? Thế thì, người phát nguyện sinh về đó đều là theo sự mong muốn trong lòng mình, hễ nghĩ tới thì liền đến được đó chăng?
Phật bảo Đại Bồ-tát Phổ Quảng:
- Ông không hiểu ý ta. Người ở thế giới Ta-bà có nhiều tham muốn ô trược, nên ít ai tin theo đường chính, nhiều kẻ học theo thói tà, không tin chính pháp, tâm ý không thể chuyên chú mà thường tán loạn, không có ý chí. Mười phương thế giới thực không khác nhau, nhưng vì muốn chúng sinh chuyên tâm vào cảnh Tây phương, cho nên trong kinh khen ngợi cõi nước ấy mà thôi. Những người vãng sinh, tùy theo nguyện của mình, đều được chứng quả”.
Giải thích: Theo kinh này, một mực chuyên tâm quán tưởng cảnh Tây phương thì liền được vãng sinh.
V.1.9 Kinh Dược Sư ghi:
Nếu bốn hàng đệ tử Phật: Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thanh tín sĩ, thanh tín nữ thường ăn chay sáu ngày mỗi tháng và ba tháng trường chay mỗi năm, hoặc ngày đêm siêng năng, một lòng tu khổ hạnh, nguyện muốn sinh về cõi Phật A-di-đà ở Tây phương, đêm ngày nhớ nghĩ Phật ấy, được một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hoặc bảy ngày, rồi lại hối hận giữa chừng, sau đó nghe ta nói công đức và bản nguyện của Phật Lưu Ly Quang. Người đó cuối đời lúc lâm chung, sẽ được tám vị Bồ-tát: Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Bảo Đàn Hoa, Bồ-tát Vô Tận Ý, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dược Thượng, Bồ-tát Di-lặc sẽ bay đến tiếp rước thần thức, không để người ấy phải rơi vào Tám nạn[11], được sinh trong hoa sen, nghe âm nhạc liền được vui sướng.
Giải thích: Theo kinh này, người niệm Phật bảy ngày, dù có sinh tâm hối hận, nhưng lại được nghe danh hiệu Phật Dược Sư, thì vẫn được vãng sinh.
V.1.10 Kinh Bát-chu ghi:
Đức Phật bảo Bạt-đà-hòa:
- Một vị Bồ-tát ở cõi này thường xuyên niệm Phật A-di-đà. Nhờ niệm như thế, vị ấy được thấy Phật A-di-đà. Thấy Phật rồi, vị ấy theo hỏi Phật: “Nên thụ trì pháp gì để được sinh về cõi nước của Phật A-di-đà”. Bấy giờ, Phật A-di-đà bảo Bồ-tát ấy: “Người muốn sinh về cõi nước của ta, phải thường chuyên niệm danh hiệu ta. Thường chuyên niệm danh hiệu Phật sẽ được công đức thù thắng nhất trong tất cả các hạnh”.
Giải thích: Theo kinh này, cũng phải niệm Phật mới được vãng sinh.
V.1.11 Kinh A-di-đà (Đại bản) ghi:
Người muốn sinh về cõi nước Phật A-di-đà, phải nên giữ gìn trai giới, một lòng thanh tịnh, ngày đêm thường niệm danh hiệu Phật trong mười ngày mười đêm không gián đoạn, ta sẽ thương xót làm cho họ được vãng sinh về cõi nước của ta. Trái lại, nếu không thể làm như vậy, phải tự suy nghĩ, tính toán kỹ, muốn độ thoát thân mình thì phải luôn luôn nghĩ nhớ dến việc khử bỏ ái dục, đừng nhớ nghĩ việc nhà, không ngủ chung với phụ nữ, giữ thân tâm đoan chính, dứt trừ ái dục, một lòng trai giới thanh tịnh, chí tâm niệm Phật cầu sinh về cõi Phật A-di-đà. Người thực hành như thế được một ngày một đêm không gián đoạn, rồi qua đời, thì đều vãng sinh về cõi nước kia, hóa sinh trong hoa sen ở ao bảy báu.
Giải thích: Theo kinh này, nếu có thể niệm Phật, giữ giới, không ngủ cùng giường với phụ nữ chỉ một ngày một đêm, thì cũng được vãng sinh.
V.1.12 Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Giác ghi:
Nếu người thiện nam, thiện nữ nào nghe ta nói pháp môn Tịnh độ, trong lòng vừa thương cảm vừa mừng rỡ đến độ chân lông dựng đứng, nên biết, người ấy đã tu hành Phật đạo trong đời quá khứ. Nếu lại có người nghe giảng pháp môn Tịnh độ, mà không tin, nên biết, người ấy vừa mới thoát khỏi ba đường ác, tội lỗi chưa hết, vì thế, họ không tin theo Tịnh độ. Ta nói người này chưa thể được giải thoát.
Giải thích: Theo kinh này, người nghe nói Tịnh độ mà sinh lòng tin ưa, thì đều là người trong quá khứ đã từng cúng dường chư Phật. Nhờ nhân quá khứ ấy, hiện tại người ấy niệm Phật A-di-đà cho đến mười niệm thì chắc chắn được vãng sinh.
V.2 DẪN CHỨNG LUẬN
Có bảy bộ.
V.2.1 Luận Vãng Sinh ghi:
-Nếu người thiện nam, thiện nữ tu tập năm môn niệm được thành tựu thì cuối cùng sẽ được sinh về cõi nước An Lạc, được diện kiến Phật A-di-đà. Năm môn niệm là gì? Đó là lễ lạy, ca ngợi, phát nguyện, quán sát, hồi hướng. Năm môn này là Nhân môn.
Nên biết, còn có năm môn giúp thành tựu tuần tự năm thứ công đức. Năm môn đó là gì? Đó là: 1. Cận môn, 2. Đại hội chúng môn, 3. Trạch môn, 4. Ốc môn, 5. Viên lâm du hí trì môn. Trong năm môn này, bốn môn đầu giúp thành tựu công đức Nhập, môn thứ năm giúp thành tựu công đức Xuất.
- Môn Nhập thứ nhất: Do lễ lạy Phật A-di-đà để cầu sinh cõi kia, nên được sinh về thế giới Cực Lạc.
- Môn Nhập thứ hai: Do ca ngợi Phật A-di-đà, thuận theo ý nghĩa danh hiệu mà xưng niệm Như Lai, và căn cứ theo trí tướng rực sáng của Như Lai mà tu hành, nên được vào hội chúng đông đảo.
- Môn Nhập thứ ba: Do nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Phật và phát nguyện sinh về cõi nước kia, tu tập Samatha (tịch tĩnh, tam-muội), nên được vào thế giới Liên Hoa Tạng.
- Môn Nhập thứ tư: Do chuyên tâm quán sát sự trang nghiêm vi diệu của cõi kia, tu Tỳ-bà-xá-na[12], nên được đến cõi kia, thụ dụng hỉ lạc của pháp vị.
- Môn Xuất thứ năm: Dùng tâm từ bi quán sát tất cả chúng sinh đau khổ, thị hiện Ứng hóa thân, trở vào trong vườn sinh tử, rừng phiền não, dùng Du hí thần thông đến chỗ cần giáo hóa, theo sức bản nguyện mà hồi hướng.
Nên biết bốn môn Nhập của Bồ-tát giúp tự thành tựu hạnh tự lợi, môn Xuất thứ năm của Bồ-tát giúp thành tựu hạnh lợi tha và hồi hướng. Bồ-tát tu năm môn như thế sẽ chóng thành tựu A-nậu-đa-la-tam-miệu-bồ-đề.
Giải thích: Đây là Quả môn.
V.2.2 Luận Khởi Tín ghi:
- Lại nữa, chúng sinh lúc mới học pháp môn này để mong cầu chính tín, tâm họ thường yếu đuối, vì ở thế giới Ta-bà này họ tự sợ không thể thường xuyên gặp chư Phật để gần gũi cúng dường, sợ khó thành tựu được tín tâm, nên có ý muốn lui sụt. Nên biết Như Lai có phương tiện ưu việt giúp họ vững lòng tin: Nhờ nhân duyên chuyên tâm niệm Phật, nên tùy nguyện được sinh về cõi Phật ở phương kia, thường diện kiến Phật, mãi lìa xa đường ác. Như Kinh ghi: Nếu người nào chuyên niệm Phật A-di-đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc thì liền được vãng sinh, thường được gặp Phật, không bao giờ bị lui sụt. Nếu quán pháp thân chân như của Phật kia, luôn luôn siêng năng tu tập, cuối cùng sẽ được vãng sinh, trụ ở chính định tụ.
Giải thích: Theo luận này, ở cõi Ta-bà tu tín tâm không thể thành tựu, nên Phật dạy cầu đến Tây phương tu tập. Chúng sinh như thế lẽ nào là Bồ-tát từ hàng Thập giải (Thập trụ) trở lên?
V.2.3 Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa:
Trong luận này, Bồ-tát Long Thọ nói: Hành giả nên dùng kệ này để ca ngợi và tỏ lòng tôn kính Phật A-di-đà. Luận ghi:
- Bản nguyện của Đức Phật A-di-đà như thế này: Nếu người nào nhớ tưởng, xưng niệm danh hiệu Ta, và tự quay về nương tựa Ta thì chắc chắn chứng được quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-bồ-đe. Vì thế nên, phải luôn luôn nhớ nghĩ Ngài, dùng kệ ca ngợi:
Trí tuệ vô lượng quang
Thân như núi vàng ròng
Nay đem thân, khẩu, ý
Chí thành xin đỉnh lễ.
Thân vàng sáng vi diệu
Đến khắp các thế giới
Hiện thân tùy chúng sinh
Thế nên con kính lễ.
Nếu người lúc qua đời
Được sinh về nước kia
Liền đủ vô lượng đức
Thế nên con kính lễ.
Người hay niệm Phật này
Công đức lớn vô lượng
Liền vào chính định tụ.
Thế nên con thường niệm.
Người nước kia qua đời
Dù phải chịu các khổ
Cũng chẳng vào địa ngục
Nên con cung kính lễ.
Nếu người sinh nước kia
Thì chẳng sa đường ác
Và cả A-tu-la
Nay con cung kính lễ.
Trời, người giống thân tướng
Cũng như đỉnh núi vàng
Người phúc đức về đó
Nên con dập đầu lễ.
Người sinh về nước kia
Đủ thiên nhãn, nhĩ thông
Mười phương không ngăn ngại
Kính lễ Thánh Trung Tôn
Chúng sinh trong nước ấy
Thần biến và Thân thông[13]
Cũng đủ Túc mạng trí[14]
Nên con cung kính lễ.
Người sinh cõi nước kia
Không còn ngã, ngã sở
Không có tâm phân biệt
Nên con dập đầu lễ.
Vượt thoát ngục Tam giới
Tựa như cánh hoa sen
Chúng Thanh văn vô lượng
Nên con cúi đầu lễ.
Chúng sinh trong nước kia
Tâm tính đều nhu hòa
Tự nhiên tu Thập thiện
Kính lễ các Thánh vương
Do thiện sinh tịnh minh
Vô lượng vô biên giới
Bậc phước trí đệ nhất
Thế nên con kính lễ.
Nếu người nguyện làm Phật
Tâm niệm A-di-đà
Ngài liền vì họ hiện
Thế nên con kính lễ.
Sức bản nguyện Phật kia
Các Bồ-tát mười phương
Đến cúng dường pháp Phật
Nên con dập đầu lễ.
Các Bồ-tát cõi kia
Đầy đủ các tướng hảo
Đều tự trang nghiêm thân
Nay con dập đầu lễ.
Đại Bồ-tát cõi ấy
Hàng ngày đều ba thời
Cúng dường Phật mười phương
Nên con cung kính lễ.
Nếu người trồng cội lành
Nghi ngờ, hoa không nở
Người tín tâm thanh tịnh
Hoa nở thấy Phật ngay.
Phật hiện tại mười phương
Dùng đủ các nhân duyên
Khen công đức Phật kia
Nay con cung kính lễ.
Cõi ấy được trang hoàng
Hơn các cung trời kia,
Công đức rất sâu dày
Nên con lễ chân Phật.
Tướng bánh xe chân Phật
Mềm mại, màu sen hồng
Người thấy đều vui vẻ
Cúi đầu lễ chân Ngài.
Bạch hào giữa lông mày
Như vầng trăng trong sáng
Làm rạng thêm nét mặt
Con kính lễ chân Phật.
Lúc xưa cầu Phật đạo
Thường làm việc diệu kỳ
Như các kinh ghi chép
Con dập đầu kính lễ.
Những lời Phật kia dạy
Phá trừ các gốc tội
Lời tốt lành lợi ích
Nay con cung kính lễ.
Đem lời tốt lành này
Cứu người bệnh ham vui
Đã độ, nay vẫn độ
Nên con cung kính lễ.
Vô thượng trong trời, người
Các trời cung kính lễ
Ma-ni, đầu bảy báu
Nên con về nương lễ.
Tất cả Hiền Thánh chúng
Chư thiênvà loài người
Con cung kính tất cả
Nên con cũng đỉnh lễ.
Nương thuyền Bát chính đạo
Vượt được biển khó vượt,
Tự độ và độ người
Con lễ bậc Tự tại.
Chư Phật vô số kiếp
Ca ngợi công đức ấy
Cõi nước cũng không hết
Kính lễ bậc Thanh tịnh.
Nay con cũng như vậy
Ca ngợi vô lượng đức
Đem cả phúc duyên này
Nguyện Phật thường nhớ con.
Nay con trong đời trước
Phúc đức dù lớn, nhỏ
Con nguyện ở chỗ Phật
Tâm thường được thanh tịnh.
Nay nhờ phúc duyên này
Được công đức thượng diệu
Nguyện cho khắp mọi loài
Cũng đều sẽ được cả.
Kệ ca ngợi hai bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí:
Danh hiệu lớn: Quán Âm, Thế Chí
Công đức, trí tuệ đều vô lượng
Đầy đủ từ bi cứu thế gian
Dạo khắp mọi nơi độ chúng sinh
Bậc Thánh như thế thật khó gặp
Một lòng cung kính dập đầu lễ
Chúng sinh mãi ngủ trong vô minh
Chỉ bậc Đại bi này lay thức
Tùy duyên thị hiện các thân tướng
Như cha hiền luôn nghĩ nhớ con
Cúi xin Đấng từ bi cứu giúp
Dốc lòng kính bậc Chiếu thế đăng
Nam-mô Quán Âm, Đại Thế Chí
Thường vào thế gian, không tạm nghỉ
Sinh vào sáu đường cứu quần sinh
Thân tướng siêu tuyệt màu vàng tía
Oai nghi trang nghiêm chẳng ai bằng,
Bình báu, Hóa Phật nơi thiên quan
Tận cung kính bậc Xảo phương tiện
Lay động vô lượng cõi Đại thiên
Đi đứng diệu hoa thường nâng bước
Luôn đưa tay báu dắt chúng sinh
Tận cung kính bậc Thí vô úy
Vô lượng, vô biên, vô số kiếp
Tu đủ nguyện lực giúp Di-đà
Thường trong đại chúng giảng dạy pháp
Chúng sinh nghe đều được Tịnh nhãn
Cúi xin đời đời được gần gũi
Nên con một lòng cung kính lễ
Thần thông trùm khắp cõi mười phương
Hiện trước mặt tất cả chúng sinh
Nếu chúng sinh hay dốc lòng niệm
Hẳn Ngài dẫn đến nước An Lạc
Cha từ bi thương xót thế gian
Nên con một lòng cung kính lễ
Ngài ngự tòa hoa sen xuất thế
Như Tu-di soi bóng biển lớn
Điều phục chúng sinh hết sợ hãi
Một lòng cung kính Thiên Nhân Sư
Con đã thuận theo Tu-đa-la[15]
Ca ngợi công đức của Quan Âm
Công đức như thế không thể cùng
Ví như giọt nước trong biển cả
Giả sử các Như Lai mười phương
Ca ngợi hết kiếp cũng chẳng hết
Vô tận tạng vô biên như thế
Nên con một lòng cung kính lễ
Đã khen Quan Âm, Đại Thế Chí
Tức khen các Bồ-tát mười phương
Nguyện công đức này trùm thế gian
Con cùng chúng sinh sinh cõi ấy.
Giải thích: Theo luận này, chỉ ca ngợi và lễ lạy thì cũng được vãng sinh.
V.2.4 Nhất Thiết Kinh Trung Di-đà Phật Kệ ghi:
- Nhớ lại tỳ-kheo Pháp Tạng đời xưa lúc còn là vua Thế Nhiêu, ở trước chư Phật phát 24 điều thệ nguyện, đời đời được thấy chư Phật, không lìa bỏ vô số hạnh đời quá khứ, mới thành tựu đầy đủ công đức. Ngài được thành Phật hiệu Vô Lượng ở thế giới tên Thanh Tịnh.
Cõi nước thật bằng phẳng
Giàu có, nhiều Thượng nhân
Rất nhiều loại cây báu
La liệt mọc khắp nơi
Gốc, thân, cành, lá, hoa
Mỗi thứ một hương lạ
Gió mát ngày ba lần
Ngập tràn muôn hoa nở
Trải đất như thảm lông
Chỗ dơ đều bằng phẳng
Khắp cõi không có núi
Nước biển và các suối
Chỉ có các sông chảy
Tiếng vang như giảng kinh
Trời, người chơi dưới sông
Tùy theo ý ưa thích
Muốn nước đến ngang mày
Ý muốn nghĩ liền được
Tuổi thọ Phật vô lượng
Ánh sáng tỏa vô biên
Bồ-tát và đệ tử
Số không thể tính đếm
Nếu muốn thấy Phật kia
Đừng nghi, cũng đừng cầu
Nghi thì ở trong thai
Đến tận năm trăm năm
Không nghi, sinh trong hoa
Chắp tay trước Di-đà
Muốn dạo khắp mười phương
Rồi về chỉ chốc lát
Nhớ nghĩ Bồ-tát kia
Nhiều kiếp tạo công đức
Bản hạnh đến như thế
Được hiệu Tăng Thế Tôn
Phật ra đời khó gặp
Khó được nghe phút chốc
Khó gặp nơi giảng pháp
Khó gặp bậc giác ngộ
Nếu sau gặp mạt thế
Lúc pháp sắp suy vi
Nên cùng nhau giữ gìn
Tu Phật pháp vô dục
Phật nói pháp yếu ấy
Nên siêng nghĩ và tu
Thụ vô lượng giới ấy
Đời đời phải kính lễ”.
V.2.5 Luận Bảo Tính ghi:
Nương các công đức ấy
Nguyện vào lúc qua đời
Được thấy Phật Di-đà
Thân vô biên công đức
Con và những người tin
Đã thấy Phật ấy rồi
Nguyện được mắt Vô cấu
Chứng Vô thượng bồ-đề.
V.2.6 Tán Lễ A-di-đà Phật Văn
Ngài Thiền-na Quật-đa dịch Tán Lễ A-di-đà Phật Văn của Long Tho, trong đó có 12 bài tán lễ đều là chí tâm qui mạng lễ Phật A-di-đà ở Tây phương:
Đỉnh lễ bậc trời người cung kính,
A-di-đà Phật Lưỡng Túc Tôn
Tại nước An Lạc vi diệu kia
Có vô lượng Phật tử vây quanh.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Thân vàng thanh tịnh tựa Tu-di,
Tu định vững như bước chân voi.
Hai mắt thanh tịnh như sen xanh
Nên con kính lễ Phật A-di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Mặt đẹp thanh tịnh như trăng tròn
Sáng uy nghi tựa nghìn nhật nguyệt
Tiếng như trống trời Câu-xí-la[16]
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Trụ trên mũ của Quán Thế Âm
Đủ các tướng đẹp báu trang nghiêm
Hàng phục ngoại đạo, ma, kiêu mạn,
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Thanh tịnh vô cấu không thể sánh
Các đức trong sạch như hư không
Nhờ tạo lợi ích, được tự tại
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Bồ-tát nổi tiếng khắp mười phương
Vô số các ma thường ca ngợi,
Do sức nguyện trụ vì chúng sinh
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Hoa mọc ao báu đáy cát vàng
Nhờ căn lành, thành tòa Diệu Cao
Ngự trên tòa ấy như Tu-di
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Những Phật tử từ khắp mười phương
Hiển bày thần thông đến An Lạc
Cung kính chiêm ngưỡng tôn nhan Ngài
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Các cõi đều vô thường, vô ngã,...
Như trăng đáy nước, điện, bóng, sương
Vì chúng, nói pháp Không tên gọi
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Cõi vô lượng phương tiện của Ngài,
Không có các đường ác, bất thiện,
Vãng sinh được bất thoái Bồ-đề,
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Cõi kia không có danh tự ác
Không nỗi sợ người nữ, nẻo ác
Mọi người chí tâm cung kính Ngài
Nên con kính lễ Phật Di-đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
Con nói việc công đức Phật kia
Vô số điều thiện như nước biển
Được những căn lành thanh tịnh gì
Hồi hướng chúng sinh sinh cõi ấy.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.
V.2.7 Luận Nhiếp Đại Thừa ghi:
Cõi báu do đức nghiệp của Phật
Con nói đến, được chút thiện nào
Nhờ thế, nguyện được thấy Di-đà
Được mắt thanh tịnh, thành Chính Giác. Chú thích:
[1] Xem giải thích ở lời đáp câu hỏi 3, trang 84.
[2] Năm thứ cặn đục trong Kiếp giảm. Theo kinh Bi Hoa 5, Pháp Uyển Châu Lâm 98, ngũ trược gồm: 1) Kiếp trược: khi tuổi thọ con người giảm còn 30 tuổi thì có nạn đói kém, khi giảm còn 20 tuổi thì có nạn bệnh tật, khi giảm còn 10 tuổi thì có nạn chiến tranh, tất cả chúng sinh đều bị hại; 2) Kiến trược: chính pháp đã diệt, tà pháp khởi lên, tà kiến tăng mạnh, con người không tu tập pháp lành; 3) Phiền não trược: chúng sinh có nhiều ái dục, tham lam, bỏn xẻn, thích đấu tranh, dua nịnh, dối trá, học theo tà pháp, nên tâm thần não loạn; 4) Chúng sinh trược: chúng sinh thường độc ác, không hiếu kính cha mẹ, người lớn tuổi, không sợ quả báo ác, không tạo công đức, không tu huệ thí, không giữ gìn trai giới; 5) Mạng trược: do ác nghiệp tăng, đời nay tuổi thọ con người giảm dần, hiếm người được trăm tuổi.
[3] Những lời Phật giảng đều được quyết đoán bởi Tứ bí mật và Tứ ý thú. Tứ ý thú (S: catvāro ‘bhiprāyaḥ) cũng gọi Tứ ý, là ý nghĩa vượt ngoài ngôn từ trong những lời Phật giảng, gồm có 1) Bình đẳng ý thú, 2) Biệt thời ý thú, 3) Biệt nghĩa ý thú, 4) Chúng sinh ý nhạo ý thú.
[4] Hành tứ y, Pháp tứ y, Nhân tứ y, và Thuyết tứ y; hoặc Y pháp bất y nhân, Y kinh liễu nghĩa không y kinh bất liễu nghĩa, Y nghĩa bất y ngữ, và Y trí bất y thức.
[5] Nghiệp nhất định chịu quả báo không thể thay đổi được. (Nhưng theo Pháp Hoa Văn Cú Kí quyển X, nếu chúng sinh có cơ cảm sâu dày với Phật và Bồ-tát, khởi niềm tin, thanh tịnh tu hành thì cũng có thể chuyển được định nghiệp).
[6] Kết sử (hay kiết sử) là tên gọi khác của phiền não. Vì các phiền não trói buộc chúng sinh trong sinh tử, nên gọi là kết; các phiền não cũng sai khiến và gây khổ não cho chúng sinh, nên gọi là sử.
[7] Về lập trường tu hành thành chính quả, chúng sinh được phân thành ba nhóm (tam tụ, hay tam định tụ, tam tế): Chính định tụ, Tà định tụ và Bất định tụ. Theo luận Thích Ma-ha-diễn I, giai vị dưới Thập tín là Tà tụ, Thập tín là Bất định tụ, trên Thập tín là Chính định tụ.
[8] Tức các bậc Bất thoái chuyển và Bồ-tát ở Tịnh độ.
[9] Tức Chính giác, là giác trí chân chính chứng ngộ tất cả các pháp, tức là thật trí của Như Lai.
[10] Còn gọi Giác chi, Giác phần, chỉ chung 37 phẩm trợ đạo, là những phương pháp tu hành tìm cầu trí tuệ, gồm: Tứ niệm trụ, Tứ chính cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chính đạo.
[11] Tám nơi khổ nạn ngăn trở chúng sinh đến với đạo pháp, gồm: 1)Nạn địa ngục, 2)Nạn ngạ quỉ, 3)Nạn súc sinh, 4)Nạn sinh lên cõi trời Trường họ, 5)Nạn sinh ở cõi Uất-đan-việt, 6)Nạn đui, điếc, câm,ngọng, 7)Nạn thế trí biện thông, 8)Nạn sinh trước Phật và sau Phật.
[12] Dịch âm của chữ Phạn vipa’sanā, nghĩa là Quán, là pháp tu dùng tuệ tịch tĩnh quán sát 6 căn, 6 trần khiến thành tựu tam-muội và tiến đến bồ-đề.
[13] Tức Thần túc thông, là khả năng đến đi một cách tự tại.
[14] Tức Túc mạng thông, cũng gọi Túc trụ, là thần thông biết rõ được những việc thụ báo sai biệt, thiện ác, khổ vui trong một đời hoặc nhiều đời.
[15] Dịch âm của tiếng Phạn Sutra, nghĩa là kinh hay khế kinh, chính kinh, quán kinh, là một trong ba tạng Thánh điển gồm Kinh, Luật, Luận của Phật giáo.
[16] Tức trời Đa Văn, một trong Tứ thiên vương.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.179.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.