Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tịnh Độ Luận [淨土論] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Tịnh Độ Luận [淨土論] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Tịnh Độ

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | Quyển cuối
Việt dịch: Giới Niệm - Diệu Thảo - Chúc Đức

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

CHƯƠNG VI
DẪN CHỨNG NGƯỜI ĐƯỢC VÃNG SINH

Nêu sơ lược 20 người gồm cả xuất gia lẫn tại gia được vãng sinh (6 tỳ-kheo, 4 tỳ-kheo-ni, 5 cư sĩ nam, 5 cư sĩ nữ).
- Hỏi: Những kinh và luận được dẫn chứng ở trên để chứng minh việc vãng sinh thật là những chứng cứ tốt. Nhưng chúng sinh trí tuệ cạn cợt không thấu hiểu được ý Phật, chẳng bằng ngài hãy dẫn chứng những tình tiết của người thời nay được vãng sinh để khích lệ tinh thần, khiến mọi người lập tức tin ưa điều được nghe và tiến tu.
- Đáp: Theo các kinh luận, số lượng người vãng sinh được tướng lạ và đài sáng thì rất nhiều. Nhưng nay tôi dẫn sơ lược 20 người để phát khởi lòng tin cho người học.
VI.1 TỲ-KHEO TĂNG ĐƯỢC VÃNG SINH:
Có 6 người :
1) Pháp sư Phương Khải: người Hoa Âm. Năm Trinh Quán thứ 9 (635), Sư và pháp sư Huyền Quả ở chùa Ngộ Chân, huyện Lam Điền cùng nhau niệm Phật A-di-đà suốt một mùa hạ. Sau đó, Sư lấy một cành dương đặt vào tay tượng bồ-tát Quán Thế Âm, thề: “Nếu con niệm Phật được vãng sinh, nguyện cành dương này bảy ngày không héo”. Và Sư được toại nguyện, cành dương qua bảy ngày không héo. Sư lại vì tất cả chúng sinh mà thỉnh cầu: “Luận Nhiếp Đại Thừa nói vãng sinh vào thời điểm khác, Quán Kinh lại nói vãng sinh ngay. Nguyện cho con trong mộng thấy Phật A-di-đà để xin giải quyết mối nghi này”. Ngay trong đêm ấy, Sư nằm mộng ba lần mà thấy chỉ ở một địa điểm. Đầu tiên, Sư mộng thấy một cái ao lớn, phía tây nam ao có một tòa lầu cao. Sư từ trên lầu bước xuống, đi đến bờ phía đông bắc ao, thấy một tấm trướng báu cao hơn hai trượng, mở cửa về phía đông. Sư bỗng nhiên bay vào tấm trướng, nửa người được vào trong, lại bay trở ra và hạ xuống phía tây tấm trướng, ở đó có một tòa điện lớn, một vị Đại đức ở trong đó bảo: “Người chỉ cần tu hạnh Tịnh độ đều được sinh trong trướng này”. Đến đây Sư liền tỉnh dậy, rồi lại mộng thấy bồ-tát Quán Thế Âm ngồi duỗi chân bên bờ phía bắc ao, mặt nhìn về phía bắc. Sư đưa tay nâng chân bồ-tát đặt lên đầu mình. Sư thấy hình bánh xe ngàn căm ở lòng bàn chân bồ-tát, thân Ngài màu vàng Diêm-phù-đàn. Bỗng nhiên Sư tỉnh dậy, rồi lại mộng thấy mình đứng trên bờ phía nam ao nước, mặt nhìn về phía tây. Từ ao nước trở về phía tây là mặt nước mênh mông, chen chúc đầy hoa sen. Bỗng thấy Phật A-di-đà từ phía tây tiến lại đến trước mặt, Sư cúi đầu sát đất lễ Phật, lễ xong liền quì thẳng chắp tay trước Phật thưa: “Chúng sinh ở thế giới Ta-bà căn cứ vào kinh mà tu hành có được sinh về cõi nước của Thế Tôn không?”. Phật đáp: “Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh chỉ cần tu hạnh Tịnh độ đều được sinh về cõi nước của ta. Đừng nghi ngờ gì cả!”.
Một đêm khác, Sư lại mộng thấy mình ở thế giới Ta-bà, nhìn về phía tây thấy cõi Phật A-di-đà bằng phẳng như mặt gương, thấy thế giới Ta-bà chỉ toàn là núi và sông, Đông Tây thật khác biệt; nhìn về phía nam, thấy bằng phẳng, có 15 tấm trướng báu đang đi về phía tây trên sông, tất cả đều là bảy báu, chỉ một tấm ở giữa là bằng bạc trắng, phía dưới trướng vang lên tiếng âm nhạc, ca vịnh, khen ngợi. Sư hỏi: “Đây là những tấm trướng gì?”. Người dưới trướng đáp: “Đây đều là những người được vãng sinh”. Sư vui vẻ, tung người lên không trung, bay về phía tây trong chốc lát rồi đứng lại.
Lại vào một đêm khác, Sư mộng thấy mình ở trong một điện Phật, đang ở trước mặt Phật. Có một vị tăng tên Pháp Tạng ngự trên một cỗ xe vào tận trong điện Phật đón mình lên xe, chở đi về phía tây. Pháp Tạng chính là Phật A-di-đà, cỗ xe chính là 48 đại nguyện của Ngài.
Trong một đêm khác, Sư lại mộng thấy chính mình ngồi duỗi chân trên tòa hoa sen lớn làm bằng trăm thứ báu, mặt nhìn về hướng nam, thành Chính giác. Có đêm Sư mộng thấy Phật Thích-ca và bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đứng trước mặt mình ca ngợi kinh Pháp Hoa. Rồi đêm khác Sư lại mộng thấy có ba con đường hướng thẳng về phía Tây: Trên con đường thứ nhất chỉ có tăng ni, con đường thứ hai toàn là người tại gia, con đường thứ ba chỉ có một vị tăng, tất cả đều đi về hướng Tây, đều là người vãng sinh.
2) Pháp sư Đàm Loan ( 476 – 542 ): người Vấn Thủy, châu Tinh, sống vào cuối đời Ngụy, đầu đời Cao Tề. Sư có tâm trí cao xa, vang danh ở ba nước[1] , thông hiểu các kinh, kiến thức hơn người. Tiêu Vương, vua nước Lương, thường quay mặt về phía bắc lễ và tôn xưng Sư là Bồ-tát Đàm Loan. Sư soạn bản chú giải luận Vãng Sinh của bồ-tát Thiên Thân gồm 2 quyển, và soạn tập Vô Lượng Thọ Kinh 1 quyển có kèm theo 195 hàng kệ thất ngôn và những câu vấn đáp, cho lưu hành ở đời để khuyên người xuất gia lẫn tại gia quyết định cầu vãng sinh được thấy Phật A-di-đà. Sư thường thỉnh bồ-tát Long Thọ đến khai thị khi lâm chung. Đúng như ý nguyện của mình, khi chính báo của Sư ở cõi này hết, giữa đêm ấy có vị Thánh tăng xuất hiện bước vào phòng của Sư nói:
- Ta là Long Thọ, muốn nói với ông: “Lá đã rụng rồi, không thể bám lại cành; lúa chưa thu hoạch, đâu thể tìm trong kho; bóng câu qua khe cửa,không thể tạm dừng. Quá khứ không quay lại, vị lai chưa thể đến, hiện tại nay ở đâu? Bóng câu không thể quay lại”. Pháp sư ngầm hiểu ý của lời nói này, tự biết mình sắp mạng chung.
Ngay giữa đêm ấy, Pháp sư sai người báo cho hơn 200 đệ tử tại gia ở các thôn và đệ tử xuất gia trong chùa đồng thời tụ họp. Pháp sư tắm gội , mặc y mới sạch, tay bưng lư hương, ngồi ngay ngắn nhìn về hướng tây dạy môn đồ phải theo nghiệp Tịnh độ. Khi mặt trời vừa mọc, mọi người đồng thanh niệm Phật A-di-đà, Sư liền qua đời. Cách chùa năm dặm về phía tây, có ngôi chùa ni, ni chúng ở đó cũng là học trò của Sư. Sau khi trời sáng hẳn, đang tụ tập ở trai đường ăn cháo, tất cả ni chúng đều nghe thấy trên không có tiếng nhạc vi diệu từ phía tây vọng lại và đi về phía đông. Trong chúng có người thông hiểu bảo mọi người:
- Pháp sư hòa thượng trọn đời dạy người tu nghiệp Tịnh độ. Nay tiếng nhạc này đi về hướng đông, nhất định đúng là đến đón Pháp sư.
Ăn xong, mọi người bảo nhau đến cung tiễn Pháp sư đi. Đang ở trước sân chờ nhau, chưa ra khỏi chùa, lại nghe tiếng âm nhạc đi về phía tây ở trên không, ni chúng cùng vội đến chỗ của Sư thì thấy ngài đã thị tịch.
Theo kinh luận, vị pháp sư này nhất định được sinh về Tây phương.
3) Pháp sư Thế Đăng ( ? – 592): Sư sống vào đời Tùy ở chùa Hưng Quốc, Tinh châu, xuất gia từ bé, tinh tấn tu hành, đạo tâm rất kiên cố. Sư từng giảng trọn bộ kinh Niết-bàn. Người đến học, dù tăng hay tục, nhỏ tuổi hay lớn tuổi, từ sa-di trở lên, Sư đều không cho đứng thưa hỏi, mà bảo ngồi xuống, rồi giảng cho nghe diệu pháp, truyền miệng cách niệm danh hiệu Phật A-di-đà, khuyên cùng nhau cầu vãng sinh Tịnh độ. Cả đời Sư giữ hạnh nghiệp thanh tịnh, thường xuyên đốt hương niệm tụng, tạo phúc rất nhiều, lòng dạ rất từ bi, các loài chim tu hú, bồ câu, v.v.. thường bay đến ăn trên tay Sư rồi bay đi. Trong năm Khai Hoàng thứ 12 (592) đời Tùy, Sư thị tịch trong chùa. Lúc ấy, mọi người đều ngửi thấy mùi thơm lạ. Hôm đưa nhục thân Sư đi an táng, có mây hương từ phía Tây đến đón. Nghe tin Sư thị tịch, tất cả mọi người trong thành, già, trẻ, nam, nữ đều tiễn đến nơi an táng.
Đã có điềm lành ấy, thì nhất định Sư được vãng sinh Tịnh độ.
4) Pháp sư Chủ Hồng (604 - ?): Sống vào đời Tùy ở Hán Vương Nội Đạo Tràng, Tinh châu. Sư sinh năm Nhân Thọ thứ 4 (604), xuất gia từ bé, cả đời tinh tấn tu hành, tay không cầm tiền, cúng dường Tam bảo, giáo hóa người hữu duyên. Sư cũng chuyên tâm tu Tịnh độ, cầu được thấy Phật A-di-đà. Lúc Sư lâm chung, tâm nhãn sáng suốt, an tịnh, thấy thiên nam và thiên nữ từ trời Đâu-suất đến đón, tiến lại gần, nắm ca-sa Sư, nói pháp sư sắp được sinh lên cõi trời. Pháp sư quở trách: “Ta không mong chỗ ấy”, và không chịu đi. Các đệ tử ở bên cạnh liền niệm Phật A-di-đà. Chốc lát sau, thấy Hóa Phật và các Bồ-tát ở Tây phương Tịnh độ đến đón, Pháp sư mới bảo mọi người: “Các Bồ-tát ở cõi Tịnh độ mà ta cầu mong nay đã đến”. Ngay lúc ấy, Pháp sư qua đời.
5) Pháp Sư Tăng Diễn (547 –642): Pháp sư người Vấn Thủy, Tinh châu, xuất gia từ bé, chuyên tâm tu học, từng giảng nhuần nhuyễn bốn bộ kinh và luận là kinh Niết-bàn, luận Nhiếp Đại Thừa, luận Thập Địa, kinh Địa Trì. Sư thọ 96 tuổi, thị tịch năm Trinh Quán thứ 16 (642). Pháp sư chuyên niệm Phật A-di-đà được năm, sáu năm; lúc mới hồi tâm, giữ mức một ngày một đêm lễ Phật A-di-đà 500 lạy; về sau, cứ tăng dần lên, đến lúc sắp lâm chung, mỗi ngày đêm lễ 1000 lạy, niệm bảy, tám vạn biến danh hiệu Phật A-di-đà; chưa bao giờ biếng trễ. Ngày lâm chung, Sư bảo đệ tử: “Phật A-di-đà đã đến trao y và hương cho ta, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, và Thánh chúng đến đầy khắp trên không trung, từ đây trở về phương Tây đều là Tịnh độ”. Ngay lúc ấy, Sư qua đời. Thời gian đầu tu hành, pháp sư hoàn toàn không để tâm đến nghiệp Tịnh độ; từ năm 90 tuổi trở đi, gặp pháp sư Đạo Xước giảng kinh Vô Lượng Thọ, sau khi nghe xong, Sư mới hồi tâm được chừng bốn, năm năm, lúc lâm chung đã có cảnh giới vừa nói sơ lược ở trên.
6) Pháp sư Đạo Xước (? – 645): Pháp sư cũng là người Tấn Dương, Tinh châu, là đệ tử đời thứ ba của pháp sư Đàm Loan. Sư từng giảng trọn bộ kinh Niết-bàn, thường ca ngợi trí đức cao xa của pháp sư Đàm Loan. Sư tự nói: “Trí đức của Ngài cao hơn tôi một trời một vực, mà Ngài còn bỏ việc giảng dạy để tu Tịnh độ và đã được vãng sinh. Huống gì kẻ tầm thường tôi, hiểu biết đâu được bao nhiêu, mà cho đó là đức? Từ năm Đại Nghiệp thứ 5 (608) trở đi, Sư bỏ việc giảng dạy, chỉ tu hạnh Tịnh độ, một mực chuyên tâm niệm Phật A-di-đà, lễ bái cúng dường liên tục không gián đoạn. Năm Trinh Quán (627) trở về sau, để khai ngộ người hữu duyên, Sư thường xuyên giảng Vô Lượng Thọ Quán Kinh một quyển, dạy người xuất gia và tại gia trong ba huyện Tấn Dương, Thái Nguyên và Vấn Thủy thuộc Tinh châu. Từ bảy tuổi trở lên, ai nấy đều hiểu biết pháp môn Niệm Phật; người tinh tấn mức thượng dùng đậu để đếm số lần niệm Phật A-di-đà thì được 80 thạch, hoặc 90 thạch; người tinh tấn mức trung thì niệm được 50 thạch; người tinh tấn mức hạ thì niệm được 20 thạch. Người hữu duyên được Sư dạy, không ai nhổ nước bọt, xì nước mũi, hoặc tiểu tiện, không ngồi hoặc nằm xoay lưng về phía Tây. Bộ An Lạc Tập hai quyển do Sư soạn được lưu hành ở đời. Ngày 24 tháng 4 năm Trinh Quán thứ 19 Ất Tỵ (645) Sư từ biệt cả hai giới xuất gia và tại gia. Đệ tử trong ba huyện liên tục đến từ biệt Sư, đông không thể kể xiết. Đến ngày 27 Sư thị tịch ở chùa Huyền Trung. Lúc ấy, có vầng mây trắng từ phía Tây bay đến, biến thành ba luồng ánh sáng trắng chiếu xuyên đến giữa phòng của Sư, đến khi Sư tịch rồi mới biến mất. Sau đó, khi làm lễ thiêu và lập lăng mộ thờ Sư, lại có ba luồng ánh sáng năm màu hiện trên không trung, che quanh mặt trời, đến lúc thiêu xong thì ánh sáng ấy mới mất. Tiếp đó, còn có mây tía hiện ba lần trên lăng mộ của Sư, tất cả đệ tử đều thấy các điềm lành ấy.
Theo kinh, có thể đoán đó chính là năng lực căn lành từ bi của chư Phật hay khiến cho chúng sinh thấy những việc như thế. Lại trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:
Lại phóng ánh sáng là thấy Phật
Người giác ngộ qua đời mới có
Niệm Phật Tam-muội ắt thấy Phật
Qua đời rồi, sinh trước mặt Phật.
VI.2 TỲ-KHEO-NI ĐƯỢC VÃNG SINH
Có bốn người:
1) Ni Pháp Thịnh (368 – 439): Ni sư vốn họ Nhiếp, người Thanh Hà. Năm Nguyên Gia thứ 10 (433) xuất gia ở chùa Kiến Phúc. Ni sư là người đạo cao đức trọng, thường nguyện sinh cõi An Dưỡng. Ni sư bảo hai người bạn học Đàm Kính và Đàm Ái: “Tôi lập thân hành đạo luôn giữ chí cầu sinh Tây phương”. Ngày 27 tháng 9 năm Nguyên Gia thứ 16 (439), sau khi đến tháp lễ Phật, ni sư bị bệnh và mỗi ngày một nặng thêm. Vào đầu đêm cuối tháng ấy, vừa mơ màng tựa như ngủ, ni sư thấy Đức Như Lai từ trên không trung hiện xuống, bàn luận giáo nghĩa với hai vị Đại sĩ; khoảnh khắc sau, ni sư thấy mình cùng Thánh chúng lên đến chỗ cây cối xum xuê, hương thơm ngào ngạt. Khi thức dậy, ni sư trở bệnh nặng, trong phòng bỗng có ánh sáng tỏa chiếu rõ như ánh đuốc, cả chùa đều trông thấy, cùng đến hỏi đó là ánh sáng gì. Kể mọi việc vừa xong, ni sư liền qua đời, thọ 72 tuổi. Thái thú Dự Chương là Trương Biện, người quận Ngô, vì tôn kính ni sư từ trước, nên thuật lại chuyện này.
2) Ni Pháp Thắng ở chùa Nam, huyện Ngô: Sau khi xuất gia, ni sư liền đến kinh đô tu học thêm Thiền và Luật. Ni sư thông hiểu hai môn Định và Tuệ, suy tìm đến chỗ sâu kín của giáo nghĩa. Ni sư khuyên dạy quyến thuộc của mình tuy không nghiêm khắc, nhưng họ đều thành tựu. Ni sư thường tọa thiền niệm Phật. Lúc lâm chung, được Phật phóng ánh sáng đến đón.
3) Ni Quang Tĩnh ở chùa Quảng Lăng Trung: Ni sư họ Hồ, người Ngô Hưng, xuất gia từ bé, giới hạnh cao khiết ngay khi còn ít tuổi, thường tu tập Thiền tuệ, không ăn thức ngon. Có đến hơn trăm người theo Ni sư học thiền. Ni sư thường xuyên niệm Phật và giữ giới thanh tịnh. Lúc lâm chung, hương thơm tỏa khắp không trung và nhiều cảnh lạ hiện ra nghênh đón.
4) Ni Đại Minh Nguyệt: Ni sư người Bình Dao, Giới châu, xuất gia từ nhỏ, ở chùa Độ Thoát. Năm Trinh Quán thứ 1 (627), gần 60 tuổi, Ni sư gặp Pháp sư Đạo Xước ở chùa Huyền Trung giảng kinh Vô Lượng Thọ, dạy tu hạnh Niệm Phật. Trước khi niệm Phật, Ni sư luôn luôn mặc y sạch, ngậm hương trầm thủy, và đốt các thứ hương trong tịnh thất. Ni thực hành liên tục như thế suốt ba, bốn năm. Lúc lâm chung, sức khỏe Ni sư vẫn không suy giảm, mọi người đều thấy có ánh sáng lạ, trong vầng ánh sáng ấy lại thấy khói thơm mùi trầm thủy tỏa đến nghênh đón, ngay lúc ấy Ni sư qua đời. Bấy giờ, Ni sư có người em gái tên Thiếu Minh Nguyệt, cũng giống như chị mình, lấy việc niệm Phật làm hạnh nghiệp, đến phút vô thường cũng cảm được các tướng tốt ….. khó thể tả được. Người xuất gia hoặc tại gia, khi nghe kể các việc ấy, đều phát tâm niệm Phật.
VI.3 CƯ SĨ NAM ĐƯỢC VÃNG SINH
Có năm người:
1) Đàm Viễn: Người Lô Giang, tinh tấn thờ Phật, giữ giới Bồ-tát. Đến niên hiệu Nguyên Gia đời Tống (424 – 453), mới 18, 19 tuổi, ông đã hướng tâm về Tịnh độ. Vì mong cầu được sự cảm ứng, Viễn thường thỉnh vài vị tăng đến nhà tụng kinh, và nhân đó hỏi thầy Tăng Hàm về pháp sám hối, bởi ông sợ mình có tội khiến tâm nguyện không cảm thấu đến chư Phật và Bồ-tát. Sư Tăng Hàm thường xuyên khích lệ, khuyên ông đừng lười biếng. Đêm hôm 16 tháng 2 năm Nguyên Gia thứ 10 (433), sau khi tụng kinh xong, chư Tăng đều đã ngủ, đến giữa canh tư, bỗng Viễn nói to: “Xướng tụng, xướng tụng đi!”. Tăng Hàm giật mình, hỏi thì Viễn nói ông thấy Đức Phật thân màu vàng ròng, hình dáng và kích thước giống như tượng thờ, ánh sáng vàng tỏa quanh thân, tràng phan và hoa tung bay đầy trong không trung; Ngài từ phía Tây đến, gọi ông hãy đi mau. Viễn thường đau yếu, hơi thở gấp gáp, hổn hển, nhưng đêm ấy lại khoẻ, nét mặt tươi vui hẳn lên, đứng dậy thỉnh tăng. Thầy Tăng Hàm bèn cầm hương và hoa tung rải lên Phật. Bà mẹ bảo Viễn: “Con nỡ quên mẹ mà đi sao?”. Viễn không đáp, một lát sau bỗng nằm xuống. Cả nhà đã nghe thấy những điều linh dị, nên đều vui mừng, bình tĩnh, không buồn, không sợ. Đến canh năm, Viễn bỗng nhiên qua đời. Trong nhà có hương thơm suốt mấy ngày mới hết.
2) Thế tử nước Ngụy: Người quận Lương. Sách Tuyên Tường Ký ghi ba cha con ông đều được vãng sinh. Ông tinh tấn tu học Phật pháp, các con cũng tu tập theo, chỉ có người vợ mê muội, không tin kinh Phật. Đầu niên hiệu Nguyên Gia (424), đứa con gái mười bốn tuổi của ông bị bệnh chết, bảy ngày sau bỗng sống lại, nói với Thế tử: “Cha hãy làm một tòa cao, và tìm một bộ kinh Vô Lượng Thọ cho con”. Thế tử liền cho làm tòa và chuẩn bị kinh. Người con gái, trước đó tuy có ăn chay, giữ giới, lễ Phật, nhưng chưa từng đọc kinh, bấy giờ lại lên tòa đọc kinh Vô Lượng Thọ, tiếng rõ ràng, trôi chảy, câu cú rành mạch. Sau đó, cô gái xuống tòa, bảo cha: “Con vừa qua đã chết, được vãng sinh về cõi Phật Vô Lượng Thọ, thấy ba người là cha, anh và con đều đã có hoa sen lớn dành sẵn trong ao thất bảo để về sau sẽ hóa sinh vào đó. Vì chỉ một mình mẹ con không có hoa, nên con không đành lòng, mới quay về báo với cha”. Nói xong, đứa con gái qua đời. Từ đó, người vợ của Thế tử mới kính tin Phật pháp.
3) Trương Nguyên Tường: Người huyện Vạn Niên, Ung châu, bẩm tính ngay thẳng, siêng năng giữ giới, thường tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ, niệm Phật A-di-đà. Tường bị bệnh từ tháng 5 năm Khai Hoàng thứ 20 (608) đời Tùy, đến giờ Thìn ngày 3 tháng 6 thì muốn ăn và nói: “Mang thức ăn chay cho ta”. Người nhà mang thức ăn đến, Tường ăn xong, lại thắp hương và đèn, giữ tâm chính niệm mà qua đời. Mặc dù được quàn lại hơn hai ngày sau mới đưa đi an táng, nhưng nét mặt ông vẫn giữ y như lúc còn sống. Mọi người đều khen ngợi.
Chính sức của công đức lành khiến được như thế.
4) Ông cụ ở huyện Phần Dương, Tinh châu: Người kể không rõ tên họ ông ta. Trong năm Trinh Quán thứ 5 (631), nghe nói về công đức vãng sinh Tịnh độ, ông cụ liền mang lương thực đến Pháp Nhẫn Sơn Tự, xin chư Tăng cho ở nhờ một gian phòng. Cụ ở đó ngày đêm chuyên tâm niệm Phật A-di-đà, không hề chợp mắt suốt ba, bốn năm. Lúc lâm chung, chư Tăng sai người gọi con gái của ông cụ tên Đắc Nhi đến thăm. Khi ấy, ông cụ bảo mọi người: “Dạo này, hằng ngày đều có vô số sư tăng từ phương Tây đến, và đi về phương Đông như dự trai tăng”. Ông cụ còn bảo con: “Ngày mai sẽ có ánh sáng chiếu thân ta, khi ấy con đừng lấy làm lạ nhé!”. Hôm sau, đến giờ, quả thật có ánh sáng chiếu khắp trong phòng. Ông cụ qua đời ngay lúc đang hướng về phía tây, dáng người như muốn bước lên cao.
5) Một người không rõ họ tên: Nghe đồn, người ấy tính tình hiểm ác, lại không tin nhân quả, thường hay săn giết thú rừng. Bấy giờ, người ấy bị bệnh, đến lúc lâm chung thấy đủ các cảnh khổ ở địa ngục, những chúng sinh bị ông giết trước kia đến đòi mạng. Người ấy hối hận, tự nhủ: “Ta suốt đời không tin lời sư tăng; những điều hôm nay được thấy thật đúng như kinh nói”. Ông liền bảo người nhà:
- Các ngươi hãy cứu ta.
Vợ con ông ta nói:
- Cứu ông bằng cách nào?
- Nếu các ngươi không cứu được ta thì mau sai người đến chùa mời một vị sư đến cứu ta.
Theo lời ông ta, người nhà mời được một vị tăng đến nhà. Trông thấy vị tăng, người ấy buồn bã, vừa khóc vừa nói:
- Xin thầy từ bi cứu gấp đệ tử.
- Thí chủ suốt đời không tin Tam bảo, hôm nay sắp qua đời, e rằng khó cứu được!
- Thật thế sao?! Thầy đọc kinh Phật, có thấy nói người mắc tội như đệ tử lúc lâm chung có cách gì cứu không?
- Quán Kinh có đoạn văn nói về việc này.
Người ấy bỗng vui mừng hớn hở, nói:
- Phật nói có địa ngục, thì đúng như lời Ngài, tức có địa ngục. Phật nói được vãng sinh, thì đệ tử chắc chắn được vãng sinh.
Người ấy liền bảo người nhà:
- Hãy mang hương và đèn đến đây.
Người nhà đưa đèn và lư hương đưa cho ông ta. Ông ta nói:
- Nay ta sắp vào địa ngục, ở trong lò lửa, vạc sôi rồi. Đâu cần lư hương! Hãy mang hương, đèn đặt vào tay ta.
Thế rồi, ông ta tay trái cầm đèn, tay phải cầm hương, xoay mặt về phía Tây, chí tâm niệm Phật, chưa đầy mười niệm, liền bảo mọi người:
- Đức Phật từ Tây phương đến, cùng rất nhiều Thánh chúng, tất cả đều phóng hào quang. Đức Phật trao cho ta một tòa hoa sen.
Nói xong, người ấy liền qua đời.
(Đây là trường hợp niệm Phật mười niệm được vãng sinh).
VI.4 CƯ SĨ NỮ ĐƯỢC VÃNG SINH
Có 5 người:
1) Vợ Huyện úy Ôn Tĩnh Văn: Người Tấn Dương, Tinh châu, không biết họ gì, bị bệnh liệt nửa người từ lâu, phải thường xuyên nằm trên giường. Người chồng bảo:
- Suốt ngày nằm trên giường, sao bà không niệm Phật?.
Người vợ nói:
- Niệm Đức Phật nào hả ông?
- Niệm Phật A-di-đà đấy!
Từ đó, suốt hai năm, người vợ thường xuyên niệm Phật, nhờ thế, tội chướng tiêu trừ, hiện tại được thấy cõi Phật A-di-đà. Người vợ vui mừng cảm tạ chồng:
- Tôi bị bệnh dai dẳng lâu ngày, đã quấy rầy ông quá nhiều. Nay nhờ ông chỉ niệm Phật A-di-đà, nên tôi được thấy cõi Phật. Ngày mai tôi sẽ ra đi, vì thế, xin ông hãy báo cho cha mẹ và các anh em biết, đồng thời, hãy sửa soạn một bữa tiệc chay để tôi chia tay với mọi người.
Người chồng nói:
- Đâu có chuyện người phàm phu được thấy Phật! Chẳng phải bà bị phong tà nên thấy càn rỡ chăng?!
- Chắc chắn tôi không bị phong tà gì cả!
Người chồng liền báo với cha mẹ và bà con. Đến hôm đãi tiệc chay, bà cho trải năm tấm thảm gần các vị tăng để Thánh chúng ngồi. Đến giờ, thấy Thánh chúng từ xa trên không trung, mà không hạ xuống, người vợ liền nói:
- Tôi nghi các vị tăng này không thanh tịnh, nên chư Thánh không chịu ngồi chung.
Bà liền sai người trải thảm ở chỗ bằng phẳng trên nóc nhà, lại mang thức ăn cúng dường.Khi chư tăng ăn xong, bà hối thúc cả nhà tụ họp nghe thuyết pháp. Sau đó, người vợ dặn dò:
- Hôm nay tôi sẽ theo chư Thánh vãng sinh Tây phương, ý nguyện của tôi là cha mẹ và mọi người thân thuộc đều niệm Phật để đời sau cùng đến Tịnh độ phương Tây không thể nghĩ bàn.
Nói xong, người vợ ngồi ngay ngắn, mặt hướng về phía Tây. Mọi người cùng niệm Phật, vợ quan Huyện úy liền qua đời.
Người như thế thật không ai có thể sánh kịp!
2) Hai ông bà cụ ở Câu Sơn: Sống vào niên hiệu Đại Nghiệp (605 – 618) đời nhà Tùy. Nhà ông bà ở Câu Sơn, huyện Vấn Thủy, Tinh châu, không có con cái, chỉ có vài ba gia nhân. Ông bà thường xuyên dự trữ sẵn lương thực đủ ăn trong hai năm. Hiểu rõ lý “khổ không” của các pháp, cứ đến ngày 29 hàng tháng, ông bà lại thỉnh hai vị tăng từ trên núi xuống thuyết pháp một đêm. Cả thôn có khoảng 60 gia đình, đều tùy hỉ đến nghe pháp và thọ giới. Sáng hôm sau là ngày cuối tháng, thì ông bà thường xuyên thiết lễ cúng dường trai phạn. Sự việc cứ tiếp diễn bình thường như thế. Hễ đến ngày cúng dường trai phạn, bà cụ tắm rửa sạch sẽ, tự tay làm mọi việc. Ông cụ bảo:
- Thân già sức yếu rồi, bà chỉ cần dùng lời sai bảo người làm, đâu cần tự tay làm.
Bà cụ đáp:
- Tôi sợ chỉ trong sớm tối sẽ chết, không còn làm được nữa. Nếu sai bảo người làm thì chỉ là phúc của họ thôi.
Thế rồi, hễ tổ chức trai phạn thì bà cụ nhất định phải tự tay làm. Trong khoảng hai, ba năm liên tục, mọi công đức tạo được và công hạnh tụng niệm, bà cụ đều hồi hướng về Tịnh độ. Ngày bà cụ lâm chung, mọi người trong thôn đều đến thăm. Trời vừa tối, một điềm lành xuất hiện: Bấy giờ, mọi người đột nhiên thấy có ánh sáng chiếu vào nhà, đèn không thắp mà cả nhà sáng rực như ban ngày. Mọi người đồng thanh niệm Phật được chốc lát thì thấy Thánh chúng rất đông, một vị Bồ-tát cầm lọng báu trang nghiêm và vi diệu che rợp giữa sân. Ngay lúc ấy, bà cụ qua đời.
3) Bà cụ mù: Bà họ Lương, sống ở thôn Bàn Long, cách huyện Vĩnh An, Lạc châu tám dặm về phía đông. Trong niên hiệu Trinh Quán (627 – 649) đời Đường, không nhớ năm tháng nào, do có sẵn căn lành đời trước, nên ngay sau khi được một vị sư dạy niệm Phật A-di-đà qua một lần, bà cụ ấy đã niệm Phật liên tục; đến được ba năm thì hai mắt bà cụ bỗng sáng trở lại. Sau khi sáng mắt trở lại, bà cụ càng ra sức tụng niệm nhiều hơn, đến khi được tròn bốn năm thì hết nghiệp báo ở thế gian. Hôm bà cụ qua đời, cả thôn đều thấy chư Phật và Bồ-tát cùng với nhiều tràng phan, lọng báu hiện xuống đón bà đi. Ngay lúc ấy bà cụ qua đời. Cả thôn đều kính ngưỡng, cho việc ấy là khác thường, bèn không cho an táng, mà cùng nhau dựng tháp cho bà ở phía tây thôn. Hiện nay, tháp ấy vẫn còn ở ven đường, người trong thôn mỗi khi qua lại trước tháp đều tỏ vẻ rất kính trọng. Cả thôn ấy, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều phát tâm niệm Phật.
4) Bà Bùi: Người Tấn Dương, Tinh châu. Vào niên hiệu Trinh Quán (627 – 649), sau khi gặp được một vị sư dạy dùng đậu để đếm số lần niệm Phật, bà chuyên tâm niệm Phật A-di-đà được 13 thạch đậu. Khi nghiệp báo hết, bà biết trước nơi sẽ sinh về, liền từ biệt chư tăng và mọi người thế tục. Hôm sau, đến giờ trai, bà bảo người nhà: “Thắp đèn, đốt hương lên! Phật A-di-đà đem hai đài sen đến, và Ngài trao cho ta một đài sen”. Nói vừa xong, bà liền qua đời.
5) Bà Diêu: Người huyện Lễ Tuyền, Ung châu, được một vị sư dạy cách niệm Phật A-di-đà. Ngày 20 tháng 7 năm Trinh Quán 22 (648), phút vô thường chợt đến, Phật A-di-đà cùng bồ-tát Quán Thế Âm, bồ-tát Đại Thế Chí và vô số bồ-tát đến đón bà. Vì chưa được từ biệt bà Phạm – vị thiện tri thức bấy lâu của mình, bà thỉnh cầu Đức Phật tạm chờ phút chốc để bà từ biệt. Đức Phật nhận lời. Chốc lát sau, bà Phạm đến nơi, bà Diêu nói lời từ biệt, rồi qua đời.
CHƯƠNG VII.
SO SÁNH CÕI TÂY PHƯƠNG VÀ CUNG TRỜI ĐÂU-SUẤT

-Hỏi: Cung trời Đâu-suất và Tịnh độ A-di-đà là hai nơi cùng được Phật ca ngợi trong kinh. Tôi không biết nơi nào hơn, nơi nào kém, xin ngài chỉ dạy.
-Đáp: Hai nơi này, mỗi nơi có ba nghĩa, không biết ông hỏi nghĩa nào. Ba nghĩa ấy là: một, Hóa chủ, tức Phật; hai, nơi chốn, tức thế giới; ba, chúng sinh được giáo hóa, tức người được vãng sinh. Về hóa chủ, cả hai vị đều là Pháp vương, đều được tôn xưng là bậc Thiện Thệ, thân có đủ muôn đức. Về cõi nước, cả hai nơi đều có rất nhiều sự tốt đẹp. Về chúng sinh, cả hai nơi đều là chúng sinh hóa sinh. Nếu so sánh, công đức của hai vị Phật không có hơn kém. Luận về cõi nước thì có hơn kém nhau: Cung trời Đâu-suất được thiết lập trên hư không, thế giới Cực Lạc được kiến tạo trên mặt đất. Thế thì, hai nơi ở hư không và mặt đất khác nhau, hai đường người và trời riêng biệt. Xét hai cõi này, bàn qua thì cõi trời hơn, cõi người kém. Nếu luận về uế và tịnh thì Đâu-suất tuy là cung trời, nhưng do ở đó có người nữ, cho nên gọi là cõi Uế, còn Cực Lạc tuy là ở mặt đất, nhưng do không có người nữ, cho nên gọi là cõi Tịnh.
VII.1 SỰ KHÁC NHAU GIỮA HAI CÕI TỊNH VÀ UẾ
Hai cõi Tịnh và Uế này có mười điểm khác nhau:
1) Có người nữ và không có người nữ: Ở cõi trời Đâu-suất, người nam và người nữ ở lẫn lộn; còn cõi Cực Lạc chỉ có người nam, không có người nữ.
2) Có tham dục và không có tham dục: Chúng sinh ở trời Đâu-suất có thượng tâm dục, nên mê đắm cảnh giới; còn chúng sinh ở cõi Cực Lạc không có thượng tâm dục, nên thường phát khởi tâm bồ-đề.
3) Thoái chuyển và không thoái chuyển: Trời Đâu-suất là nơi có thoái chuyển; cõi Cực Lạc là nơi không thoái chuyển.
4) Thọ mạng: Tuổi thọ của chúng sinh ở trời Đâu-suất là 4.000 tuổi, lại bị chết yểu; còn tuổi thọ của chúng sinh ở cõi Cực Lạc là vô số a-tăng-kỳ kiếp, và không bị chết yểu.
5) Ba tính tâm[2]: Chúng sinh ở trời Đâu-suất sinh khởi xen kẽ ba tính tâm, do đó khi khởi tâm ác thì bị đọa địa ngục; chúng sinh ở cõi Cực Lạc chỉ có tâm thiện, cho nên, vĩnh viễn lìa đường ác.
6) Ba thọ tâm[3]: chúng sinh ở trời Đâu-suất có ba thọ sinh khởi lẫn nhau; chúng sinh ở cõi Cực Lạc chỉ có lạc thọ.
7) Cảnh giới sáu trần: Sáu trần ở trời Đâu-suất khiến cho mọi người trở nên phóng túng; còn sáu trần ở cõi Cực Lạc khiến mọi người phát tâm bồ-đề.
8) Thụ sinh: Người nam ở trời Đâu-suất thụ sinh trên đầu gối người cha, người nữ thụ sinh trên đầu gối người mẹ. Chúng sinh ở Cực Lạc thụ sinh trong hoa sen ở ao thất bảo.
9) Thuyết pháp: Ở trời Đâu-suất, chỉ có Phật và Bồ-tát thuyết pháp; còn ở cõi Cực Lạc, nước, chim, cây cối đều thuyết pháp được.
10) Chứng quả: Người sinh về Đâu-suất, có người chứng được quả Thánh, có người không chứng được. Người sinh về Cực Lạc chắc chắn chứng được quả Vô thượng bồ-đề.
Vậy, nếu xét những nghĩa này thì cõi Tây phương rất ưu việt, còn trời Đâu-suất rất thấp kém.
VII.2 SỰ CẦU SINH DỄ HAY KHÓ
Nếu luận người vãng sinh thì việc đến cõi Tây phương là dễ, còn việc lên trời Đâu-suất là khó. Sự khó dễ ấy cũng có bảy trường hợp khác nhau:
1) Xứ khác nhau: Chúng sinh ở Cực Lạc là người, chúng sinh ở trời Đâu-suất là trời. Thế thì, làm chúng sinh ở trời Đâu-suất khó, làm chúng sinh ở Cực Lạc dễ.
2) Nhân khác nhau: Chỉ cần giữ năm giới cũng được sinh về Cực Lạc, nhưng phải tu đầy đủ Thập thiện mới được sinh lên trời Đâu-suất.
3) Hạnh khác nhau: Ngay cả chỉ thành tựu mười niệm niệm Phật thì liền được vãng sinh cõi Cực Lạc (theo Quán Kinh). Nhưng phải thực hành đầy đủ ba hạnh là bố thí, giữ giới và tu Thập thiện mới được sinh lên trời Đâu-suất (theo kinh Di-lặc).
4) Tự lực và tha lực khác nhau: Nhờ vào tha lực 48 đại nguyện của Phật A-di-đà mà chúng sinh được sinh về Cực Lạc. Không có lời nguyện nào để nương nhờ, mà chỉ nhờ tự lực để sinh lên trời Đâu-suất.
5) Có thiện tri thức và không có thiện tri thức: Cõi Cực Lạc có hai bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí thường đến thế gian khuyến khích người cầu vãng sinh, lúc họ lâm chung, các ngài mang đài kim cương đến tiếp đón họ, dùng nhiều cách khen ngợi, khích lệ tinh thần họ, và họ liền được vãng sinh. Vì trời Đâu-suất không có hai vị bồ-tát ấy, nên hành giả phải tự tiến tu để được sinh lên cõi trời ấy.
6) Số lượng kinh luận khuyên cầu sinh về Cực Lạc và cầu sinh trời Đâu-suất khác nhau: Nói về Cực Lạc, các kinh đều khen, các luận đều khuyên hướng về nơi ấy. Nói về Đâu-suất, không những có ít kinh khen ngợi, mà cũng có ít luận khuyên hướng về nơi ấy.
7) Số lượng các bậc Đại đức xưa nay qui hướng về hai cõi ấy khác nhau: Khá nhiều vị danh tăng có trí tuệ cao rộng từ xưa đến nay cầu sinh về Cực Lạc . Số lượng những vị Đại đức xưa nay cầu sinh về Đâu-suất rất ít.
Do những nghĩa ấy, việc cầu sinh về Tây phương khá dễ, việc cầu sinh lên trời Đâu-suất rất khó.
CHƯƠNG VIII.
THỜI ĐIỂM TUYÊN GIẢNG GIÁO PHÁP

-Hỏi: Phật đạo cao xa, cốt phải do trí tuệ mà thông hiểu, Niết-bàn sâu kín, hẳn cần nhờ định lực mới đạt đến được. Thế thì, định và tuệ là nền tảng của muôn hạnh, muôn hạnh là cội rễ của Đại đạo, nhưng hiện nay, mọi người chỉ sùng mộ pháp Niệm Phật, chú tâm nghĩ nhớ Tây phương. Trước việc như thế, tôi thật do dự, xin ngài giải thích hộ.
-Đáp: Lời Phật mênh mông, pháp môn không chỉ có một. Chúng sinh không đồng, căn tính rất khác. Do đó, đâu chỉ pháp phân chia theo người, nên giáo có nông sâu, mà người cũng phân biệt theo thời, nên căn tính có nhanh chậm. Vì thế, giáo mở bày 84.000 môn, chia ra năm thời, cho nên, hành giả tu đạo cần phải xét thời. Nếu thời và giáo phù hợp nhau thì dễ chứng Phật đạo, nếu thời và giáo trái lệch nhau thì Bồ-tát không chứng quả được. Do đó, kinh Chính Pháp Niệm ghi: “Khi hành giả nhất tâm cầu đạo, thường nên quán sát thời và phương tiện. Nếu không được thời và không có phương tiện thì đó là “thất lợi”, không gọi là “lợi”.
Năm thời: Phần Nguyệt Tạng trong kinh Đại Tập ghi:
- Sau khi Đức Phật diệt độ trong năm trăm năm đầu tiên, đệ tử Phật học tuệ được bền chắc, và kiêm tu các hạnh khác; trong năm trăm năm thứ hai, học định được bền chắc, và kiêm tu các hạnh khác; trong năm trăm năm thứ ba, học và đọc tụng nhiều kinh luận được bền chắc, đồng thời kiêm tu các hạnh khác; trong năm trăm năm thứ tư, xây dựng chùa tháp, tu phúc và sám hối được bền chắc, lại kiêm tu các hạnh khác; trong năm trăm năm thứ năm, chính pháp bị ngăn che, có nhiều tranh tụng, ít có thiện pháp bền chắc.
Nếu theo kinh này, hiện nay là thời hơn năm trăm năm thứ tư, đã không có phần tu định tuệ, chỉ nên tu phúc và sám hối, tu phúc và sám hối là việc thiết yếu nhất. Xét các kinh luận, lễ Phật, niệm Phật, và quán tướng hảo của Phật là hạnh tu thù thắng nhất. Do đó, Quán Kinh ghi: “Nếu hay chí tâm niệm Phật A-di-đà thì trong mỗi niệm diệt được trọng tội sinh tử trong 80 ức kiếp”.
Hiện nay, xét căn và thời, hành giả đã không có phần tu định tuệ, chỉ cần chuyên niệm Phật A-di-đà để cầu sinh Tịnh độ; đó là con đường cốt yếu. Nếu tự biết mình có phần định tuệ thì tu đạo ở cõi Ta-bà này để cầu đạo Vô thượng bồ-đề. Nếu tự biết mình không có phần định tuệ thì nên tu hạnh Tịnh độ, đến được Tịnh độ rồi mới cầu Vô thượng bồ-đề. Do đó, luận Trí Độ ghi: “Hành giả cầu A-bệ-bạt-trí có hai con đường: một là đường khó đi, hai là đường dễ đi, giống như hai đường thủy và bộ. Ở cõi này thì tu đạo khó, giống như đi đường bộ; còn sinh về Tịnh độ thì tu đạo dễ, giống như đi đường thủy”. Hơn nữa, Phật có bốn cách độ chúng sinh, như kinh Chính Pháp Niệm nói: “Một là thuyết pháp độ chúng sinh, hai là dùng hào quang và tướng hảo độ chúng sinh, ba là dùng thần thông đạo lực độ chúng sinh, bốn là dùng danh hiệu độ chúng sinh”. Trong bốn cách ấy, cách dùng tướng hảo và danh hiệu độ chúng sinh đúng là cách của thời nay. Đó tức là quán sát tướng hảo của Phật A-di-đà và xưng niệm danh hiệu Ngài.
Kinh Vô Lượng Thọ ghi : “Vì chúng sinh đời vị lai phải chịu Ngũ khổ[4], Ngũ thống, Ngũ thiêu[5], nên Phật muốn chúng sinh tu hạnh Tịnh độ”.
Lại như Quán Kinh ghi: “Ta vì tất cả phàm phu đời vị lai phải bị giặc phiền não quấy nhiễu, nên giảng thuyết hạnh Tịnh độ”.
Kinh A-di-đà (Tiểu bản) ghi: “Ta vì chúng sinh đời Ngũ trược mà nói hạnh Tịnh độ”.
Các kinh Thanh Tịnh Giác, Cổ Âm Thanh Vương, Đại Tập đều nói như thế. Căn cứ những kinh như thế, Phật đều vì chúng sinh đời vị lai mà nói ra. Cho nên biết, thời nay là thời niệm Phật và tu hạnh Tịnh độ. Nếu sinh về Tịnh độ, đâu chỉ vĩnh viễn xa lìa đường ác, mà cũng còn mau chóng chứng được Vô thượng bồ-đề.
CHƯƠNG IX.
DẠY NGƯỜI CHÁN CÕI UẾ, ƯA CÕI TỊNH

- Hỏi: Hiện nay đã là 500 năm thứ tư, chúng sinh không có phần tu định tuệ, chỉ sám hối và niệm Phật được bền vững. Làm thế nào để dạy người ta chán cõi Uế, ưa cõi Tịnh? Khích lệ tinh thần chúng sinh như thế nào để khiến tất cả đều chán cõi Ta-bà dơ uế và được sinh về Tịnh độ?
- Đáp: Nay tôi dẫn kinh luận và lý lẽ để dạy mọi người chán cõi Uế, ưa cõi Tịnh. Nếu chúng sinh vâng theo lời Phật khuyên mà nhàm chán thế giới Ta-bà, ưa thích thế giới Cực Lạc thì hay phát tâm bồ-đề, chuyên niệm Phật A-di-đà, đều được vãng sinh Tịnh độ. Nếu chúng sinh không tin ưa pháp môn này, khó dạy, khó ngộ, khó độ, khó thoát thì không thể cứu được. Do đó, kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Giác ghi: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe giảng pháp môn Tịnh độ, tâm liền xúc động, lông trên người dựng đứng, thì nên biết người ấy trong đời quá khứ đã tu Phật đạo. Nếu người nghe giảng dạy pháp môn Tịnh độ mà không chút tin ưa thì nên biết người ấy mới rời khỏi ba đường ác, tội lỗi chưa hết, ta nói người ấy chưa thể giải thoát được”.
IX.1 CHÁN CÕI UẾ
Nay căn cứ các kinh Niết-bàn, v.v… , tôi khuyên người hậu học nên tiến tu, người hiểu biết vào lúc đêm tối vắng lặng nên ngồi kiết-già tư duy: “Thân này của ta mỏng manh như bọt nước, không ngừng thay đổi trong từng niệm, lại ở trong nhà lửa – nơi không yên ổn, đâu được thản nhiên không tự tỉnh giác, không chút sợ hãi?”. Người ấy lại nên suy nghĩ: “Thân ta nay đang ở địa vị nào? Nghiệp thân, miệng, ý thường làm những việc gì? Khi cơn vô thường chợt đến thì sẽ sinh vào đường nào? Nghiệp ác từ vô thỉ tranh nhau đến chỗ thụ sinh, trong khoảng sớm chiều liền trở thành người trong địa ngục, có được bao nhiêu thời gian an ổn ngủ trên giường?! Vô lượng vô biên chư Phật và bồ-tát quá khứ đã xuất hiện ở đời cứu độ chúng sinh. Ta tới lui nơi nào mà không được Phật hóa độ? Tất cả đều do từ vô thỉ đến nay ta không tôn kính Tam bảo, không gần gũi người hiền, không làm theo lời của thiện tri thức, nên thường ở trong ba đường ác, không được gặp Phật. Tịnh độ trong mười phương không khổ, không phiền, tại sao ta không sinh về đó, mà lại thường ở cõi Uế này, nơi có nhiều phiền khổ?!
Thân người của ta hiện nay khó có được mà dễ mất đi, như kinh Niết-bàn nói: “Thân người khó được, giống như đất bám trên móng tay, còn thân trong ba đường ác giống như đất trên đại địa”. Từ vô thỉ đến nay, ta thụ thân không thể đếm được đã bao kiếp; trong mỗi kiếp không thể đếm được hết số thân; mỗi một thân đã tạo nghiệp nhiều như cát bụi, không thể đếm hết được; mỗi một ác nghiệp đều có cảm quả báo, số quả báo ấy không thể đếm hết được; mỗi một quả báo đều khiến ta chịu khổ muôn mối, không thể đếm hết được. Những mối khổ như thế đều do không hiểu biết, không làm theo lời khuyên của thiện tri thức, đến nỗi thường phải ở trong địa ngục. Quá khứ đã chịu khổ, hiện tại đang chịu khổ và vị lai sẽ chịu khổ, không có lúc nào dừng. Hơn nữa, thân này từ lúc sinh ra đến nay, vì cầu áo cơm, nếu là người thế tục thì nuôi dưỡng vợ con, nếu là người xuất gia thì mưu cầu danh lợi, thường tạo bao nhiêu nghiệp ác. Những nghiệp như thế, nhẹ thì cũng cảm quả báo trong 500 đời, nặng thì nhiều kiếp. Những nghiệp ác ấy, nếu không phát tâm Bồ-đề, hổ thẹn và sám hối, thì đều phải rơi vào đường ác không có ngày ra, trong khoảng sớm tối liền vào lò lửa, vạc dầu, rừng dao, núi kiếm, suốt trăm kiếp, ngàn kiếp chịu tất cả những đau khổ nặng nề và lâu dài. Quá khứ đã chịu những đau khổ về thân và tâm, vị lai cũng phải chịu những sự đau khổ vô cùng, khó bỏ khó lìa, mà lại không tỉnh táo nhận biết. Kẻ phàm phu như thế thật đáng xót thương!
Người hiểu biết suy nghĩ rằng: “Nên có tâm lo sợ, đâu được thản nhiên buông thả thân tâm không tự tỉnh giác quán sát”. Lại suy nghĩ: “Nay ta phúc mỏng, căn độn, mới sinh sau Đức Phật Thích-ca và trước Đức Di-lặc. Như thế, lẽ nào chẳng do trong quá khứ ta từng kiêu mạn, biếng nhác, không tôn kính Tam bảo, khinh rẻ người lành, không nghe theo lời chỉ dạy của thiện tri thức? Thường ở trong ba đường ác và tám nạn, ngu đần, không hiểu biết, lại còn khinh thường Tam bảo, xem rẻ người lành, không nghe lời thiện tri thức, thì đời vị lai làm sao gặp được Tam bảo, được sinh về chỗ tốt lành? Đã thế, thân này dù muốn tu đạo, cũng không được yên ổn, bởi vì ở thế giới Ta-bà này, tuổi thọ con người ngắn ngủi, có nhiều thầy bạn ác, cứ mãi đau đáu lo âu hoặc thiếu thốn áo cơm, hoặc bị vua quan bức bách, hoặc bị người khác xem thường, hoặc bị người chê trách, thường bị quấy rối, không được yên ổn, thiện tâm vừa nhen nhúm liền bị sụt mất. Ngoài ra, thân này chỉ là do 36 vật bất tịnh tạo thành, những chất dơ bẩn thường xuyên chảy ra từ 9 lỗ, giống như nhà xí, không thể ưa thích được, lại còn bị các thứ khổ: sinh, già, bệnh, chết, xa lìa người thân yêu, gặp kẻ oán ghét, mong cầu chẳng được, năm ấm sung mãn, … đeo đuổi. Người hiểu biết nên quán tưởng thân này là kẻ thù, là đống phân, quán tưởng nhà cửa và giường ghế là mồ mả, là vật bên ngoài, quán tưởng thức ăn uống là dòi bọ, là nước bẩn, quán tưởng vợ con và quyến thuộc là la-sát, là ác quỉ. Nếu tâm có thể quán sát tư duy như thế thì sẽ hết sức chán ghét thân này, nguyện đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn không thụ thân này, không ở chung với thân này, thân này chính là kẻ thù của ta, thường dẫn ta đến ba đường ác. Đâu có người hiểu biết nào ưa thích thân này! Như kinh Di Giáo ghi: “Đây là vật tội lỗi đáng phải bỏ đi, tạm gọi là thân. Nó chìm trong biển cả sinh tử, đâu có người hiểu biết nào trừ diệt được nó mà không vui mừng?!
IX.2 ƯA CÕI TỊNH
Người hiểu biết lại nghĩ như vầy: “Nay thân này của ta sinh trong thời 500 năm thứ tư, tất cả Thánh nhân đều không xuất hiện, tuy ta muốn tu đạo, cũng không có phần tu định tuệ, vì hiện nay chính là thời sám hối niệm Phật. Kinh ghi: Phật A-di-đà cầm mái chèo Từ bi, cưỡi con thuyền Đại nguyện, không ngừng cứu vớt tất cả chúng sinh đau khổ. Nếu người nào chí tâm niệm Phật A-di-đà thì trong mỗi niệm sẽ diệt được tội sinh tử trong 80 ức kiếp, lúc qua đời chắc chắn được sinh về Tịnh độ, hưởng các sự vui sướng, chứng được năm thần thông[6], được ngôi Bất thoái chuyển, tùy ý dạo chơi các cõi báu, rừng hoa, tùy ý nghe thực tướng viên âm[7], thụ thân màu vàng ròng trên đài hoa sen. Đức Phật với 32 tướng Đại trượng phu ngự trên tòa kim cang, người ấy đến bên thềm thất bảo, quì thẳng, thưa hỏi pháp môn Bất Nhị[8], vào ao nước tám công đức[9] rửa sạch cáu bẩn vô minh, mặc thì bằng lụa là vừa vặn thân mình, ăn thì trăm món đầy bát, đi thì bước trên hoa sen xanh, ngồi thì hoa báu đỡ thân. Có rừng cây lá bằng lưu ly, hoa bằng mã não lay động tỏa ra toàn những hương thơm ngát, các thứ quả sặc sỡ sắc màu khắp trên cây, có lan can chạm trổ bằng tứ bảo, đất bằng thất bảo sáng rực, có sáo phát ra ngàn âm thanh, lầu gác muôn màu, chim bạch hạc và khổng tước thường diễn nói Ngũ căn, chim anh vũ và xá lợi thường tuyên giảng Bát chính đạo, Đức Phật A-di-đà thì rõ ràng các tướng đại trượng phu, bồ-tát Quán Thế Âm thì đầy đủ các vẻ đẹp. Những việc như thế không thể nghĩ bàn, ai nghe nói cũng đều vui mừng cả.
1- Hỏi: Ngài đã chỉ dạy sự chán ghét cõi Uế và ưa thích cõi Tịnh, người hiểu biết đã ngộ rồi, nhưng kẻ độn căn còn chấp sai lầm chưa thức tỉnh. Xin ngài khích lệ tinh thần kẻ độn căn để họ cũng được vãng sinh Tịnh độ.
- Đáp: Kinh A-di-đà (Tiểu bản) ghi: Chư Phật khắp mười phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp 3000 Đại thiên thế giới, khuyên tất cả chúng sinh vãng sinh Tịnh độ. Nhưng có chúng sinh không vâng lời khuyên của Phật, khó dạy, khó ngộ, khó độ, khó thoát, thì biết làm thế nào? Những chúng sinh ấy, theo kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Giác, mới từ địa ngục đến, tội lỗi chưa hết.
Do đó, kinh ghi:
- Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói pháp môn Tịnh độ mà lòng tràn đầy xúc động, lông trên người dựng đứng, nên biết, người ấy trong quá khứ đã tu Phật đạo. Nếu có người nghe pháp môn Tịnh độ mà không tin ưa, nên biết, người ấy mới từ ba đường ác đến, tội lỗi chưa hết, vì thế, họ không tin theo; ta nói người ấy không thể giải thoát được.
Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Người kiêu mạn và biếng nhác khó tin pháp này”.
Cả hai kinh Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Thanh Tịnh Giác đều ghi: “Cõi thắng đạo vô cực dễ đến mà không có người”. Cõi Tây phương là cõi thắng đạo vô cực, nếu người chuyên tâm niệm Phật trong bảy ngày, các việc thiện làm được đều hồi hướng về Tây phương thì đều được vãng sinh về đó, vĩnh viễn xa lìa Tam đồ, bước vào giai vị Bất thoái chuyển. Đấy là lý do “dễ đến”. Nhưng có những chúng sinh không chịu tin theo pháp môn Tịnh Độ, cứ mê muội trong ngũ dục[10], ưa thích vào đường ác, giống như dòi bọ trong nhà xí. Đấy là lý do “không có người”. Hơn nữa, Phật A-di-đà cùng hai vị Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cưỡi con thuyền Đại nguyện đi trong biển sinh tử đến thế giới Ta-bà này kêu gọi và giúp chúng sinh lên thuyền Đại nguyện, đưa họ về Tây phương. Nếu chúng sinh nào lên thuyền Đại nguyện, đều được đến Tây phương. Đấy là lý do “dễ đến”. Thích-ca Như Lai và chư Phật khắp mười phương, các vị Bồ-tát Phổ Hiền, Văn-thù, Thiên Thân, Long Thọ, hoặc hiện tướng lưỡi rộng dài, hoặc phóng ánh sáng từ tướng bạch hào, hoặc nói huyền môn Ngũ niệm[11], hoặc dạy Thập nhị tán lễ, đều ân cần khuyến khích chúng sinh sinh về Tịnh độ, nhưng họ không tin ưa nên không chịu đến Tây phương. Đấy là lý do “không có người”.
Ngoài ra, chúng sinh từ vô thỉ đến nay tạo các nghiệp ác nhiều hơn số cát sông Hằng; mỗi nghiệp ác đều cảm quả báo khổ cũng nhiều vô số. Nếu người nào có thể chuyên tâm niệm Phật trong bảy ngày hoặc mười ngày, mỗi niệm sẽ diệt được tội nặng sinh tử trong 80 ức kiếp, cắt ngang dòng khổ, sinh thẳng về Tịnh độ. Đấy là lý do “dễ đến”. Nhưng chúng sinh mãi đuổi theo tiền của, sắc dục, tham đắm danh lợi, không sớm phát tâm tu hành, khi vô thường chợt đến thì rơi vào Tam đồ trăm vạn kiếp không có ngày ra. Đấy là lý do “ không có người”. Lại, chúng sinh tin lời Phật, lời bồ-tát, lời thiện tri thức, không theo lời ác tri thức, cho đến chúng sinh tin Thập ác, Ngũ nghịch, lúc lâm chung, thành tựu được mười niệm niệm Phật, thì liền được vãng sinh. Đấy là lý do “dễ đến”. Nếu có chúng sinh không tin lời Phật lời bồ-tát, lời thiện tri thức, nhưng nương theo các sư không có học vấn hoặc kẻ tục gia không hiểu biết mà nói dối là hiểu pháp Đại thừa, dẫn chứng bừa kinh luận, e rằng sẽ làm loạn Phật pháp, dối gạt chúng sinh, suy nghĩ sai lầm về công hạnh Phật, đánh mất căn lành, đọa vào Tam đồ, không được vãng sinh. Đấy là lý do “không có người”. Nếu có người nghe nói chuyên niệm Phật A-di-đà sẽ được vãng sinh, liền sám hối nghiệp ác, tu tập các thiện căn, giữ giới thanh tịnh, chuyên niệm hồng danh Phật, nhất tâm không loạn đến trăm vạn biến, người ấy lúc lâm chung được chính niệm hiện tiền, Phật liền đến rước. Đấy là lý do “dễ đến”. Nếu có chúng sinh nghe nói về Phật A-di-đà mà vẫn cố tạo tội, dù có niệm danh hiệu Phật, song tâm duyên ngũ dục thì cũng chỉ là xen niệm phiền não, đến lúc lâm chung, tâm sẽ điên đảo, Phật không đến rước. Đấy là lý do “không có người”.
2- Hỏi: Kinh tuy nói niệm Phật bảy ngày liền được vãng sinh, nhưng tôi chưa biết niệm bao nhiêu danh hiệu Phật mới được vãng sinh?
- Đáp: Theo sự nghiệm xét văn kinh của thiền sư Đạo Xước, chỉ cần niệm Phật nhất tâm không loạn được trăm vạn biến trở đi, chắc chắn sẽ được vãng sinh. Dựa theo kinh A-di-đà (Tiểu bản), Thiền sư lại kiểm thấy niệm Phật bảy ngày được trăm vạn biến. Vì thế nên kinh Đại Tập, kinh Dược Sư, và kinh A-di-đà (Tiểu bản) đều khuyên niệm Phật bảy ngày.
3- Hỏi: Nghiệp tội của chúng sinh chất chứa từ rất lâu nhiều như núi, làm sao mười niệm có thể diệt bấy nhiêu nghiệp tội ấy được? Vì dù niệm đến trăm vạn biến, cũng là quá ít, mà nếu không diệt hết tội thì làm sao được vãng sinh?
- Đáp: Vấn đề này có ba nghĩa:
1. Không cần diệt bấy nhiêu nghiệp tội ấy, vậy chỉ cần lúc lâm chung vẫn được vãng sinh Tịnh độ: Nếu lúc lâm chung, giữ được chính niệm hiện tiền, tâm ấy có thể dẫn các nghiệp thiện người ấy tạo được từ vô thỉ và trong một đời đến nay cùng giúp sức, khiến họ liền được vãng sinh.
2. Danh hiệu của chư Phật do gom muôn đức mà thành, nhưng có thể niệm Phật một niệm: Tức là trong một niệm đó đã niệm chung cả muôn đức. Do đó, kinh Duy-ma ghi: “Nghĩa ba câu[12] ấy, giả sử chúng sinh trong 3000 thế giới đều là bậc Đa văn đệ nhất như ngài A-nan, lại sống lâu đến một kiếp, cũng không thể thọ trì nổi”.
3. Nghiệp ác vô thỉ sinh từ vọng tâm, công đức niệm Phật sinh từ chân tâm: Chân tâm giống như mặt trời, vọng tâm giống như bóng tối. Chân tâm vừa khởi thì vọng tâm liền mất, giống như mặt trời mới ló dạng thì bóng tối tan mất.
Do ba nghĩa này, nên ngay đến người lúc lâm chung thành tựu được mười niệm niệm Phật, chắc chắn được vãng sinh.
4- Hỏi: Tịnh độ thắng diệu chính là chỗ ở của đấng Pháp vương, Liên hoa đài tạng chẳng phải nơi đến của hàng phàm phu. Về lý, phàm phu phải ở cõi Phàm, thánh nhân phải trụ cõi Thánh, sao hạng phàm phu thấp km lại được sinh về chỗ thắng diệu ấy?
- Đáp: Căn cứ 48 đại nguyện của Phật A-di-đà, Tịnh độ tuy nhiệm mầu nhưng vốn nhằm thành tựu hàng phàm phu, Liên hoa đài tạng là chỗ họ thác sinh. Nếu là phàm phu thì không đến được Tịnh độ, là Pháp vương thì đâu được ở chốn Ngũ trược. Tuy nhiên, Phật là đấng Pháp vương, vì muốn hóa độ chúng sinh, nên Ngài đến chốn Ngũ trược. Cũng như thế, tuy là hàng phàm phu, nhưng để cúng dường Phật, nên chúng sinh sinh về Tịnh độ. Lý này thật rõ ràng.
Ngoài ra, Tịnh độ kia chỉ là cảnh giới không có người nữ và Ngũ dục, do chư Phật dùng phương tiện từ bi sắp đặt riêng ở một phương, giúp chúng sinh trong đó tu đạo. Đó cũng là nơi của chúng sinh hóa sinh, chẳng phải chỗ cực diệu. Giống như trong thành thị có một nơi được sắp đặt riêng biệt để làm chùa, tại đó việc thế tục được dẹp bỏ, để chư tăng tu đạo, hễ chúng sinh nào bước vào chùa thì đều khởi thiện tâm, chốn Tịnh độ kia cũng như thế. Dù đến như diệu cảnh ở bốn cõi Thiền và các cung điện nơi sáu tầng trời[13] này, y báo đều là trân bảo hiếm lạ, chính báo đều là diệu tướng sáng rỡ, y phục mỏng nhẹ, thức ăn trăm vị ngon, chỗ ngồi và nằm đều là cung hoa báu, nơi dạo chơi là các vườn cây xinh đẹp, nhưng những nơi như thế cũng đâu phải là chỗ ở của Đấng Pháp vương, mà đều là cảnh giới do nhân lành của phàm phu cảm được. Sự so sánh này thật rõ ràng.
5- Hỏi: Kinh luận Đại thừa đều nói về vô tướng và vô sinh, tại sao kinh này khuyên bảo chúng sinh quán tướng và cầu sinh về Tịnh độ?
- Đáp: Câu hỏi này là câu hỏi không thuận lý, lẽ ra không đáp. Nếu đáp, trước nên hỏi ngược lại: “Chư Phật có 84.000 pháp môn, ông hỏi pháp môn nào? Tịnh độ phương Tây thuộc pháp môn nào? Vô tướng vô sinh thuộc pháp môn nào?”. Nếu người nọ đáp rằng cả hai chỉ là một pháp môn, thì đó là người ngu si, ông không nên nói chuyện với họ. Nếu người ấy đáp rằng: “Vô tướng vô sinh là lý, hữu tướng hữu sinh là sự”, thì qua lời người ấy đối đáp với tôi, ông tự hiểu rồi, đâu cần hỏi tôi nữa. Do đó, muốn tôi đáp thì tôi đáp như vầy: “Chư Phật có 84.000 pháp môn khác nhau, không lẫn lộn, nếu tóm chung lại thì chính là chân đế và tục đế. Dù có Phật hay không có Phật, tính tướng hai đế này vẫn thường trụ, không do người tạo ra. Cho nên Trung Luận ghi: “Chư Phật thuyết pháp thường căn cứ vào hai đế[14]”, và: “Nếu có người không phân biệt được hai đế, người ấy không lĩnh hội được nghĩa chân thật của Phật pháp sâu xa”.
Tịnh độ phương Tây có ba thứ:
1. Pháp thân Tịnh độ là cõi vô tướng vô sinh.
2. Báo thân Tịnh độ thật ra theo lý cũng là cõi vô tướng vô sinh, còn theo sự là hữu tướng hữu sinh.
3. Hóa thân Tịnh độ cũng là cõi hữu tướng hữu sinh.
Do đó, luận Nhiếp Đại Thừa ghi: “Hóa thân luôn luôn ra đời, mà thường xuyên nhập diệt”, tức là Đức Phật sinh trong cung vua, nhập diệt ở rừng Song Thụ, mà nay khuyên chúng sinh cầu sinh là sinh trong Hóa thân độ. Nếu chúng sinh muốn vãng sinh, chỉ cần quán tướng sinh. Phép quán này gồm có quán giả và quán thật: trước hết, cần thực hành quán giả cho thật rõ ràng, rành mạch, sau đó, mới được thực hành quán thật. Như trong Thập lục quán, hai phép quán mặt trời và nước là quán giả, từ phép quán đất trở đi đều phải nhờ vào tam-muội để thành tựu, nên gọi là quán thật. Sở dĩ như thế là vì đó là nơi chúng sinh thụ sinh, vì đó là sự pháp, là tục đế, là hành pháp, là thụ xứ, vì chúng sinh nơi đó có thân phần đoạn, chết đây sinh kia, vì đó là pháp hữu lậu, vì đó là pháp hữu vi, vì nơi đó thuộc Tam giới, có đến có đi, chúng sinh trong đó đều là chúng sinh hóa sinh. Nếu quán vô tướng vô sinh thì không được vãng sinh, vì lý pháp thân vô sinh. Nếu muốn chỉ dạy mọi người thì có thể nói hữu sinh, hoặc cũng có thể nói vô sinh. Nếu tu cả sự và lý thì được Thượng phẩm thượng sinh.
6- Hỏi: Kinh Kim Cang Bát-nhã ghi: “Nếu ai dùng sắc để thấy ta, dùng âm thanh cầu ta thì người đó thực hành tà đạo, không thể thấy Như Lai”, và kinh Phật Tạng ghi: “Nói thấy Phật, tức là có tà kiến nặng”. Nhưng tại sao ở đây dạy người quán Phật A-di-đà có 84.000 tướng quí?
- Đáp: Việc này đã trả lời ở trên rồi. Những kinh như thế đều dựa trên lý pháp thân, cho nên kinh Kim Cang Bát-nhã ghi: “Diệu thể Như Lai kia chính là pháp thân, không thể thấy được pháp thân chư Phật, ý thức cũng không thể biết”. Nay quán 84.000 tướng hảo, chính là quán Ứng hóa thân. Nếu quán tướng này thì cần quán từng tướng rõ ràng, từng vẻ đẹp riêng biệt, không được nhập thành một tướng. Nếu có người nói muôn pháp đều là không thì sự lý thế nào? Đó là người tà kiến nặng, người ngu dốt, người không có học vấn, người dối gạt thế gian. Chớ nói chuyện với họ!
Do đó, Trung Luận nói: “Nếu ai thấy có Như Lai, đó là người có tà kiến nhẹ; nếu ai nói không có Như Lai, đó là người có tà kiến thô nặng; tất cả đều có hai tội là phá hoại niềm vui thế gian và phá hoại đạo Niết-bàn”. Luận này chỉ trình bày theo lý. Nếu nói theo sự, ai thấy có Như Lai là thấy chân chính, chắc chắn được vãng sinh. Hơn nữa, luận Địa Trì nói: “Thà khởi Hữu kiến[15] lớn như núi Tu-di, chứ không khởi Không kiến[16] nhỏ bằng hạt cải”.
- Hỏi: Nghĩa người niệm Phật cắt đứt được dòng khổ, được sinh về Tịnh độ trích từ văn kinh nào?
- Đáp: Từ văn kinh Vô Lượng Thọ: “…. cắt đứt năm đường ác, đường ác tự nhiên bít, đường thăng tiến thênh thang vô cùng, dễ đi mà không có người.
7- Hỏi: Nghĩa người niệm Phật không rơi vào ba đường ác nói ở trên trích từ văn của kinh nào?
- Đáp: Kinh Độ Chư Phật Cảnh Giới nói: “Nếu chúng sinh nghĩ tưởng đến Như Lai mà khởi các hạnh lành thì trừ được nghiệp địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ trong vô số kiếp. Nếu có chúng sinh khởi một niệm nghĩ đến Như Lai thì được vô số công đức không thể tính đếm được, các đại Bồ-tát cũng không thể suy lường biết giới hạn của những công đức ấy”.
8- Hỏi: Nghĩa niệm Phật diệt được tội nói ở trên được trích từ văn kinh nào?
- Đáp: Kinh Quán Phật Tam-muội nói:
- Nếu đệ tử ta lìa bỏ chỗ ồn ào, ngày đêm sáu thời, mỗi thời chia thành nhiều phần nhỏ, trong mỗi phần nhỏ có thể quán tưởng tướng bạch hào của Phật trong chốc lát, giữ tâm tưởng rõ ràng, không nhầm lẫn, tập trung ý nghĩ, dù thấy được tướng hảo của Phật hay không, thì người này cũng trừ được tội sinh tử trong vô số kiếp.
Hơn nữa, kinh Đại Tập ghi:
Phật nói: “Này A-nan! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân trong một kiếp hoặc ít hơn một kiếp dùng tất cả mọi tiện nghi vừa ý cung kính cúng dường các vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán đầy khắp trong ba nghìn đại thiên thế giới, ý ông thế nào, người ấy được phúc có nhiều không?”. A-nan đáp: “Thưa Thế Tôn, rất nhiều”. Phật bảo ngài A-nan: “Nếu lại có người ở trước chư Phật chắp tay một lần, xưng danh hiệu các Ngài một lần, so với phúc đức của người này, phúc đức của người trước không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn ức, một phần ca-la[17]. Vì sao? Vì phúc điền của chư Phật Như Lai lớn nhất trong các phúc điền.
Thêm nữa, kinh Địa Tạng Bồ-tát có ghi:
- Nếu người nào muốn sinh về Tịnh độ hiện tại ở phương khác, phải chuyên tâm tụng niệm danh hiệu Phật của thế giới ấy, đến nhất tâm không loạn thì chắc chắn được vãng sinh Tịnh độ của Đức Phật ấy, căn lành tăng trưởng, thành tựu mau chóng quả vị Bất thoái chuyển.
- Người hỏi: Tịnh độ chính là nẻo về thiết yếu được ngài Pháp Tạng dùng tài khéo khuyên tu, là phương thuật vi diệu do Phật Thích-ca đem tâm từ chỉ dạy, chúng sinh sáu đường nhờ đó mà chấm dứt luân hồi, bốn loài nương đó mà thác sinh, mãi mãi an vui ở Tịnh độ, vĩnh viễn lìa xa khỏi Ta-bà. Đâu chỉ tu ba phúc nghiệp sẽ bước lên Thượng phẩm, mà còn khởi mười niệm Phật cũng được vào Hạ sinh. Đó là nơi mọi chúng sinh cùng qui tụ không sót một người.
Nay Ngài đã dùng yếu thuật khai ngộ cho tôi, dùng ngọn đuốc soi đường giúp tôi. Từ nay về sau, tôi xin vâng làm theo. Bây giờ, xin đọc bài tụng:
Ba cõi sao mờ mịt!
Bốn loài quá mênh mang!
Đều gọi là nhà lửa,
Cũng có tên lũ mù,
Mê muội trong đêm dài,
Ngủ vùi mãi chẳng tỉnh.
Nhờ xét đoán, chỉ lỗi,
Soi sáng chỗ tối tăm.
Pháp Tạng phát nguyện lớn,
Luôn giữ chí hoằng dương,
Chỉ nêu cao Tịnh độ,
Hiệu là Vô Lượng Thọ,
Dạy mười sáu phép quán,
Vãng sinh về chín phẩm,
Vang bóng mãi khắp nơi,
Ngàn năm không hoại diệt.


Chú thích:
[1] Ba nước: Lương, Đông Ngụy và Tây Ngụy.
[2] Tức tâm thiện, tâm ác và tâm vô kí.
[3] Tức tâm khổ thọ, tâm lạc thọ và tâm xả thọ.
[4] Năm thứ khổ não. Theo kinh Ngũ Khổ Chướng Cú, đó là khổ não của chư thiên, khổ não của con người, khổ não của súc sinh, khổ não của ngạ quỉ, và khổ não của địa ngục. Theo luận Du-già Sư Địa 44, đó là khổ do bị bức bách, khổ do thiếu thốn đủ thứ, khổ do thế giới không bình đẳng, khổ do cái mình yêu thích bị suy hoại và khổ do phiền não thô trọng trong 3 cõi. Theo Đại Minh Tam Tạng Pháp Số 24, đó là khổ do sinh, già, bệnh, chết, khổ do lìa xa người thân yêu, khổ do gặp gỡ người mình thù ghét, khổ do không đạt được điều mong cầu và khổ do thân ngũ ấm không điều hòa.
[5] Theo Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, hạ của Huệ Viễn, ngũ thống là ách nạn sự trừng trị của pháp luật mà con người phải chịu vì tạo 5 việc ác: sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối và uống rượu; còn ngũ thiêu là quả báo khổ như bị thiêu đốt trong ba đường địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh vào đời sau.
[6] Năm năng lực nhờ tu thiền định mà được, gồm: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Thần túc thông, Túc mạng thông, và Tha tâm thông..
[7] Âm thanh diễn bày thực tướng của các pháp.
[8] Giáo pháp hiển bày chân lí bình đẳng tuyệt đối, vượt ngoài mọi đối đãi phân biệt. Phẩm Bất Nhị Pháp Môn trong kinh Duy-ma nói có 33 pháp môn Bất Nhị.
[9] Nước trong ao bảy báu ở Tịnh độ có 8 tính chất ưu việt: Trong trẻo, mát mẻ, ngon ngọt, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát và nuôi lớn các căn.
[10] Năm thứ ham muốn của con người là tiền của, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống và ngủ nghỉ.
[11] Pháp tu hành quán niệm cầu vãng sinh về cõi Cực Lạc do ngài Thiên Thân lập, gồm 5 môn: 1) Lễ bái, 2) Tán thán, 3) Tác nguyện, 4) Quán sát, 5) Hồi hướng.
[12] Tức ba tôn hiệu của Đức Phật: Chính Biến Tri, Như Lai, Phật. (Xem Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết, phẩm 11 Bồ-tát Hạnh).
[13] Sáu tầng trời thuộc Dục giới theo thứ tự từ thấp đến cao là Tứ thiên vương, Đao-lợi, Diêm-ma, Đâu-suất, Hóa tự tại và Tha hóa tự tại.
[14] Tức tục đế và chân đế.
[15] (S: Astisva-ni’srita), cũng gọi là Thường kiến, nghĩa là kiến chấp vạn vật ở thế gian đều có thật thể thường hằng bất biến.
[16] (S: Sūnyatā-dṛṣṭi) là kiến chấp sai lầm không thừa nhận lí nhân quả ba đời, hoặc hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại cũa các pháp.
[17] ca-la (S: kalā) là đơn vị độ dài bằng 1% bề ngang sợi lông người.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 3 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.123.7 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập