Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Thành Duy Thức Luận [成唯識論] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Thành Duy Thức Luận [成唯識論] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.55 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.69 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Thành Duy Thức

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

v. Tướng hữu vi
Lại nữa, do đâu mà biết tự thể của các tướng hữu vi là thực hữu biệt lập ngoài sắc tâm các thứ?
Vì Kinh có đề cập. Kinh nói,[292] “Có ba tướng hữu vi của hữu vi” v.v…
Kinh đó không nói tự thể ấy thực hữu biệt lập ngoài sắc tâm các thứ.
1. Không phải do chuyển thanh thứ sáu[293] mà được hiểu là tự thể dị biệt. Vì thể của sắc tâm cũng chính là sắc tâm.
2. Không phải thể của năng tướng hoàn toàn dị biệt với sở tướng. Không nên nói rằng đặc tính cứng dị biệt với đất.
3. Nếu đặc tướng của hữu vi (năng tướng) dị biệt với thể của cái được đặc trưng (sở tướng), thể của đặc tướng vô vi[294] hẳn cũng phải dị biệt với cái được đặc trưng.
4. a. Lại nữa, tự thể của các đặc tướng sinh, v.v., nếu cùng tồn tại, vậy trong tất cả thời hẳn phải cùng loạt dấy lên tác dụng.[295]
b. Nếu vì trái nghịch nhau nên không nhất loạt khởi lên tác dụng; vậy, thể cũng trái nghịch nhau làm sao cùng tồn tại?
c. Lại nữa, trụ, dị, diệt không thể cùng tác dụng.[296]
5. a. Thể của năng tướng và sở tướng thảy đều bản lai tồn tại, dụng cũng phải như vậy, vì tự tánh không sai biệt.[297]
b. Nếu nói, dụng ấy cần hội đủ nhân và duyên; cần hội đủ nhân và duyên thì không phải là bản lai tồn tại.[298]
c. Lại nữa, sinh v.v. được quan niệm ấy trở thành vô dụng.[299]
6. (Nếu nói) Cái được đặc trưng (sở tướng) là hằng hữu,[300] rồi cùng kết hợp với sinh v.v.; thế thì pháp vô vi hẳn cũng có sinh v.v. Vì không thể quan niệm tại sao trường hợp này (vô vi) và trường hợp kia (hữu vi) khác biệt nhau.[301]
7. a. Lại nữa, quá khứ và vị lai không phải là hiện tại, cũng không phải là thường hằng, chẳng khác gì hoa giữa trời, không có tự tánh thực hữu.[302]
b. Sinh là hữu, làm sao ở vị lai?[303] Diệt là vô, tất không thể là hiện tại.[304]
c. Diệt nếu không phải là vô, sinh cũng không thể là hữu.
d. Lại nữa, diệt trái với trụ,[305] sao có thể quan niệm là đồng thời. Trụ nếu không trái với sinh,[306] sao lại cho là khác thời?
Như vậy, chủ trương ấy tiến hay thối đều phi lý.
Thế nhưng, pháp hữu vi, do bị chi phối bởi nhân duyên, trước không nay có; tạm thời có rồi trở lại không. Để biểu thị là khác với vô vi nên giả lập bốn tướng.
Trước không nay tồn tại, trạng thái tồn tại được nói là sinh. Giai đoạn sinh tạm thời ngưng, chính đó được gọi là trụ. Trong trạng thái trụ, có sự biến dị trước và sau được lập danh là dị. Tạm thời có, rồi lại không; khi không tồn tại được nói là diệt.
Ba tướng đầu, vì tồn tại, đồng thuộc về hiện tại. Một tướng sau cùng, vì không tồn tại (vô), thuộc về quá khứ.[307]
Pháp không tồn tại (vô) làm sao biểu thị đặc tướng của hữu vi? Để biểu thị cái đó về sau không tồn tại nên nói là đặc tướng, có gì sai lầm?[308] Sinh, biểu thị pháp hữu mà trước đó không hiện hữu. Diệt, biểu thị pháp hiện hữu mà về sau không hiện hữu. Dị, biểu thị pháp ấy không phải ngưng đọng. Trụ, biểu thị pháp ấy tạm thời có tác dụng.
Do đó, bốn tướng này ở nơi pháp hữu vi tuy đều được gọi là biểu, nhưng sự biểu thị có khác nhau. Đây y trên sát-na mà giả lập bốn tướng. Y trên phần vị trong một thời hạn cũng có thể được giả lập. Sơ khởi được gọi là sinh. Về sau không hiện hữu, được gọi là diệt. Chuỗi tiếp nối tương tợ sau khi đã sinh được gọi là trụ. Chính sự biến chuyến của chuỗi tiếp nối này được gọi là dị.
Vậy, bốn tướng đều là giả lập.
vi. Danh cú văn
Lại nữa, do đâu mà biết thực hữu tồn tại danh, cú, văn, là các bộ phận biểu đạt (của ngôn ngữ)?[309]
Vì Khế kinh có đề cập. Kinh nói, “Phật sở đắc các bộ phận danh, cú, văn hy hữu.”[310]
Kinh đó không nói danh, v.v., tồn tại chân thực biệt lập ngoài sắc tâm các thứ. Do đó, dẫn chứng ấy bất thành.
1. Nếu danh, cú, văn dị biệt thanh mà thực hữu, thế thì cũng như sắc v.v., chúng không thể biểu đạt.
2. Nếu cho rằng thanh làm phát sinh danh, cú, văn;[311] thanh ấy tất có âm vận khuất khúc.[312] Thanh ấy đủ để biểu đạt, cần gì đến danh?
3. Nếu nói, tính khuất khúc của âm vận nơi thanh chính là danh, cú, văn, tồn tại thực hữu biệt lập ngoài thanh;[313] vậy, tính khuất khúc của hình lượng[314] nơi sắc cũng tồn tại biệt lập với sắc xứ?[315]
4. a. Nếu tính khuất khúc của âm vận nơi thanh, như tiếng đàn, tiếng sáo, không biểu đạt;[316] thanh này cũng như thanh kia,[317] không đặc biệt làm phát sinh danh.
b. Lại nữa, ai nói thanh kia không biểu đạt?[318]
c. Thanh nếu có khả năng biểu đạt, thanh của chuông, gió hẳn cũng có tác dụng biểu đạt?[319] Thanh này hẳn cũng như thanh kia không đặc biệt làm phát sinh danh, cú, văn thân thực hữu.
d. Nếu nói duy chỉ ngữ thanh[320] mới phát sinh danh;[321] tại sao không nói duy chỉ ngữ mới biểu đạt?[322]
5. Do lý tính nào mà xác định rằng biểu đạt là ngữ?[323] Nhưng, do đâu mà biết sự biểu đạt dị biệt với ngữ?[324] Ngữ không dị biệt với biểu đạt; trời và người đều rõ điều đó.[325] Quan niệm rằng biểu đạt dị biệt với ngữ, chỉ là gã Thiên Ái [326]chứ không ai khác.
Chánh nghĩa: Nhưng trên sự sai biệt của phần vị[327] của ngữ thanh mà giả lập danh, cú, văn, thân. Danh biểu đạt tự thể.[328] Cú, biểu đạt sự sai biệt.[329] Văn tức tự,[330] là sở y của hai bộ phận kia. Ba bộ phận[331] này không có tự thể dị biệt ngoài thanh. Giả và thật dị biệt,[332] do đó chúng cũng không phải là thanh.
Do đây mà đối tượng của hai vô ngại giải[333] là pháp và từ có sai biệt.[334] Sự bao hàm của thanh cùng với danh, v.v., trong uẩn, xứ và giới không khác nhau.
Vả lại, ở quốc độ này mà nói danh, cú, văn được giả lập y trên thanh; nhưng đây không phải là điều tuyệt đối. Trong các cõi Phật khác, ba bộ phận này có thể được giả lập y trên ánh sáng, hay hương thơm, hay vị ngọt, v.v…
vii. Tùy miên
Có quan điểm cho rằng các tùy miên[335] dị biệt tâm và tâm sở, được bao hàm trong uẩn bất tương ưng hành.[336]
Quan điểm này phi lý. Được gọi là tham v.v., như hiện tham các thứ không phải là không tương ưng.[337]
Các quan điểm về các hành không tương ưng còn lại, chuẩn theo trên đây, suy lý mà bác bỏ.
3. Vô vi
i. Tổng quát
Nói rằng các pháp vô vi[338] dị biệt tâm và tâm sở mà quyết định thực hữu là không hợp lý.
Vả, pháp quyết định tồn tại, tổng quát, có ba:
1. Pháp được nhận thức hiện tại, như sắc, tâm, v.v...[339]
2. Pháp hiện tại được thọ dụng, như bình, y áo, v.v...[340]
Hai pháp như vậy được nhận thức phổ quát bởi thế gian, không cần phải chứng minh bằng lý luận.
3. Pháp có tác dụng, như mắt, tai, v.v... Do hoạt dụng như thế này, như thế kia mà chứng biết tồn tại.[341]
Pháp vô vi không được nhận thức phổ quát bởi thế gian là quyết định tồn tại. Chúng không có tác dụng như mắt, tai các thứ.
Giả sử chúng có tác dụng, như vậy là vô thường. Do đó, không thể quan niệm vô vi quyết dịnh thực hữu.
Tuy nhiên, các pháp vô vi vốn là tính chất có thể được nhận thức, hoặc là tính chất được hiển thị bởi sắc, tâm, v.v., nên cũng như sắc, tâm các thứ, không thể được quan niệm vô vi tính thực hữu như là biệt lập ngoài sắc tâm các thứ.
ii. Phê bình các quan điểm
1. Nhất thể
a. Lại nữa, hư không[342] là nhất thể hay đa thù?[343]
Nếu tự thể là một, nó phổ biến trong tất cả xứ. Vì hư không dung chứa sắc pháp v.v.,[344] tùy theo pháp mà nó được kết hợp, hư không trở thành nhiều. Vì nơi này nó được kết hợp, nhưng nơi khác thì không. Nếu không thế, các pháp trở thành phổ biến lẫn nhau.
Nếu nói, hư không không kết hợp với pháp, vậy nó không dung chứa, cũng như các vô vi khác.
Lại nữa, trong sắc có hư không hay không? Nếu có, thành tương tạp. Nếu không, không thành phổ biến.
b. Khi kết hoặc[345] trong một bộ, hay một phẩm, bị đoạn trừ, khi ấy hẳn cũng chứng đắc trạch diệt[346] đối với các bộ, phẩm còn lại.
Và, khi một pháp do duyên khuyết mà đạt được sự bất sinh, khi ấy cũng đạt được phi trạch diệt[347] đối với hết thảy pháp khác.
Như vậy, quan điểm thể của vô vi là nhất thể là không hợp lý.
2. Đa thù.
Nếu thể của nó là đa thù; vậy, vô vi có phẩm loại, hẳn cũng như sắc v.v., không phải là thực vô vi. Và hư không hẳn cũng không thể phổ biến và bao dung.
Các vô vi mà các bộ khác quan niệm[348] là thực hữu biệt lập ngoài tâm và tâm sở, cũng chuẩn theo trên đây mà bác bỏ.
Lại nữa, các pháp vô vi, vì được quan niệm là không nhân quả, vậy cũng như sừng thỏ, không tồn tại ngoài tâm và tâm sở.
iii. Duy thức chính nghĩa
Tuy nhiên, Khế kinh nơi, có các pháp vô vi, là hư không, v.v. Tổng quát, có hai thứ:
1. Y trên biến thái của thức giả thi thiết là hữu.[349] Trong quá khứ đã từng nghe tên gọi hư không, v.v., rồi tùy theo phân biệt mà hiện hữu tướng của hư không các thứ. Do ảnh hưởng của sự huân tập nhiều lần, khi tâm các thứ sinh khởi thì tướng vô vi tương tợ hư không các thứ xuất hiện. Tướng xuất hiện này trước và sau tương tợ, không có biến dị nên giả thuyết là thường.[350]
2. Y pháp tính mà giả thuyết là hữu. Theo đó, chân như được hiển thị bởi không vô ngã, hữu và vô đều bị phủ định, con đường của tâm hành và ngôn ngữ bị đoạn tuyệt, không phải đồng nhất cũng không phải dị biệt với hết thảy các pháp. Đó là lý tính chân thật của pháp, do đó được gọi là pháp tính.
(1) Do lìa các chướng ngại mà (chân như) được gọi là hư không.[351]
(2) Do lực giản trạch mà diệt trừ các tạp nhiễm, chứng hội cứu cánh, nên (chân như) được gọi là trạch diệt.[352]
(3) Do bản tính của lực giản trạch vốn thanh tịnh, hoặc do được hiển thị bởi khuyết duyên, nên (chân như) được gọi là phi trạch diệt.[353]
(4) Khổ thọ và lạc thọ đều được diệt trừ, nên được gọi là bất động.[354]
(5) Tưởng và thọ không hiện hành nên (chân như) gọi là tưởng thọ diệt.[355]
(6) Năm vô vi này được được y trên Chân như mà giả lập. Chân như cũng là danh được giả thi thiết.
Để bác bỏ quan điểm cho là vô, nên thuyết là hữu. Để bác bỏ chấp làm hữu nên thuyết là không. Để không cho là hư huyễn,[356] nên nói là thực. Lý không sai lầm điên đảo nên gọi là chân như. Không đồng với các tông khác do lìa sắc tâm, v.v., mà thực hữu pháp thường nên gọi là chân như.
Vậy, vô vi không phải là quyết định thực hữu.
4. Năng thủ và sở thủ
Các pháp mà ngoại đạo và Tiểu thừa quan niệm không phải là tự tính thực hữu dị biệt tâm và tâm sở.[357] Vì là sở thủ.[358] Như tâm, tâm sở.[359]
Giác[360] nắm bắt cái kia, cũng không vin cái kia như là đối tượng.[361] Vì nó là năng thủ.[362] Như giác vin (tâm) này như là đối tượng.
Các tâm và tâm sở, vì là y tha khởi, cũng như sự huyễn,[363] không phải chân thực hữu.
Vì để bác bỏ quan niệm sai lầm rằng tồn tại cảnh thực hữu ở ngoài tâm và tâm sở nên nói duy chỉ có thức. Nếu quan niệm duy thức là chân thực hữu, như chấp ngoại cảnh, đó cũng là pháp chấp.
5. Đoạn trừ pháp chấp
Tuy nhiên, các pháp chấp, tổng quát, có hai: câu sinh và phân biệt.
1. Pháp chấp câu sinh,[364] kể từ vô thủy đến nay, do ảnh hưởng bởi nhân nội tại[365] được huân tập một cách hư dối, luôn luôn cùng tồn tại với thân; không đợi tà giáo và tà phân biệt, vận chuyển một cách tự nhiên; vì vậy, nó được gọi là câu sinh.
Câu sinh này lại có hai:
a. Thường tương tục, tại thức thứ bảy. Thức này duyên vào thức thứ tám mà khởi tướng của tự tâm rồi chấp là thực pháp.[366]
b. Có gián đoạn, tại thức thứ sáu. Thức này duyên vào tướng của uẩn, xứ, giới, vốn là những biến thái của thức; hoặc đặc biệt khởi tướng của tự tâm, rồi chấp là thực pháp.
Hai loại pháp chấp này, vi tế nên khó đoạn trừ. Về sau, trong Mười địa, trải nhiều lần tu tập quán pháp không[367] đặc biệt mới có thể trừ diệt.
2. Pháp chấp phân biệt cũng do[368] ảnh hưởng của duyên ngoại tại trong hiện tại, không cùng tồn tại với thân, cần chịu ảnh hưởng của tà giáo và tà phân biệt sau đó mới khởi; vì vậy nói là phân biệt. Nó chỉ tồn tại trong ý thức thứ sáu. Lọai pháp chấp này cũng có hai:
a. Duyên và uẩn, xứ, giới được thuyết bởi tà giáo[369] rồi khởi tướng của tự tâm, phân biệt suy diễn, chấp đó là thực pháp.
b. Duyên vào đặc tướng của tự tánh v.v.[370] được thuyết bởi tà giáo rồi khởi tướng của tự tâm, phân biệt suy diễn, chấp đó là thực pháp.
Hai loại pháp chấp này vì thô nên dễ bị đoạn trừ. Khi nhập sở địa, quán chân như của pháp không của hết thảy pháp tức thì có thể trừ diệt nó.
Hết thảy pháp chấp được nói như vậy, nếu là pháp bên ngoài tâm thì hoặc tồn tại hoặc không tồn tại; nếu là pháp nội tâm, tất cả đều tồn tại.
Vậy, pháp chấp là do duyên vào những thứ được hiển hiện bởi tự tâm tương tợ như là pháp, rồi chấp đó là thực hữu.
Nhưng, đặc tướng của pháp tương tợ ấy sinh khởi do duyên nên là tồn tại như huyễn. Phấp được quan niệm là thực hữu chỉ do suy diễn sai lầm, quyết định không thực hữu. Vì vậy, Thế Tôn nói,[371] “Từ Thị, nên biết, những gì là đối tượng của thức, duy chỉ là biểu hiện bởi thức.” Chúng là tính y tha khởi, như huyễn sự các thứ.[372]
TIẾT 2. TỔNG KẾT
I. Tổng kết Ngã Pháp
Ngã và pháp mà ngoại đạo và Tiểu thừa quan niệm như là ngoài thức như vậy thảy đều không phải là thực hữu. Do đó, Tâm, tâm sở không lấy các pháp ngoại tại như sắc, v.v., làm điều kiện như là đối tượng.[373] Vì hoạt dụng của đối tượng tất phải y trên thể thực hữu.[374]
Hiện tại tụ tâm và tâm sở pháp kia[375] không phải là tụ điều kiện làm đối tượng trực tiếp ẩy thức này,[376] như phi đối tượng,[377] vì thuộc về tụ khác.[378]
Đồng tụ[379] tâm sở cũng không phải là đối tượng trực tiếp,[380] vì tự thể dị biệt, như các phi sở thủ khác.
Do vậy, nên biết, thực không tồn tại ngoại cảnh; duy chỉ nội thức phát sinh tợ như là ngoại cảnh. Cho nên, già-tha trong Kinh[381] nói, “Như được phân biệt bởi kẻ ngu, ngoại cảnh thực không tồn tại. Tâm bị tập khí vẩn đục, do đó chuyến biến tợ như kia.”
II. Ý nghĩa giả thuyết
1. Nạn vấn
Nạn vấn[382] sau đây được nêu lên: Nếu không tồn tại thực ngã, thực pháp bên ngoài thức, cái giả[383] cũng không tồn tại. Vì cái giả được khái niệm phải y trên cái chân, trên sự tương tợ và trên tính chất chung.[384] Như giả thuyết “Người này là lửa,”[385] tất phải có lửa chân thực, có người tương tợ lửa, có tính chất nóng và đỏ.[386] Giả thuyết bò, v.v., cũng vậy.
Ngã và pháp nếu không tồn tại, y trên cái gì mà giả thuyết? Không có cái giả thuyết, cái tương tợ cũng bất thành. Làm sao có thể nói tâm chuyển hiện tương tợ như ngoại cảnh?
2. Giải thích
Nạn vấn ấy phi lý.
Như trên kia đã bác bỏ ngã pháp tồn tại ngoài thức.[387]
Vả, y trên chủng loại, y trên thực vật, để giả thuyết lửa, v.v., cả hai đều bất thành.[388]
a. Y loại để giả thuyết, lý bất thành. Vì các phẩm chất nóng và đỏ không có cùng chủng loại.[389] Nếu không có phầm tính cộng thông[390] mà giả thuyết cái kia, thế thì đối với nước v.v. cũng có thể giả thuyết tên gọi là lửa.
Nếu cho rằng tính nhạy bén v.v. tuy không phải là phẩm tính của loại nhưng vì không tách rời nhau nên có thể giả thuyết; điều này cũng phi lý. Tính nhạy bén v.v. nơi chủng loại người được kinh nghiệm thấy là cũng có sự tách rời nhau.[391] Nơi loại đã không tồn tại phẩm tính, lại tách rời nhau; nhưng có khi đối với người mà giả thuyết là lửa, v.v… Như vậy nên biết rằng sự giả thuyết không y trên loại mà thành.
b. Y thực để giả thuyết, lý cũng bất thành. Vì các phảm tính nhạy bén, đỏ, v.v., không phải là cộng hữu.[392] Nghĩa là, tính nhạy bén, đỏ, v.v., nơi lửa và nơi người, tự thể của chúng khác biệt nhau, vì sở y dị biệt.
Không có tính cộng thông mà giả thuyết, sai lầm như đã nói trên.
Nếu nói, vì phẩm tính của lửa và của người tương tợ nên có thể giả thuyết, điều này cũng không hợp lý. Vì nói lửa nơi người chứ không nói ở nơi phẩm tính.[393] Do vậy, giả thuyết này không y trên thực mà thành.
3. Vả, giả tất y trên chân sự[394] mà lập, điều này cũng không hợp lý. Chân, chỉ cho tự tướng; nó không phải là đối tượng của giả trí và biểu đạt.[395] Nghĩa là, giả trí[396] và sự biểu đạt không đạt được tự tướng, mà chỉ hoạt động trên cộng tướng[397] của các pháp. Nhưng cũng không tách rời khỏi những cái này (giả trí và ngôn thuyết) để có khái niệm về tự tướng, làm sở y cho giả.[398]
Tuy nhiên, giả trí và biểu đạt tất y nơi âm thanh mà phát khởi. Nơi nào mà thanh không đến được, chúng cũng không hoạt động. Cái biểu đạt và cái được biểu đạt[399] đều không phải là tự tướng.
Do đó biết rằng giả thuyết không y trên chân sự. Theo đó, chúng chỉ y trên tợ sự mà chuyển hiện.
Tợ, nghĩa là sự thêm thắt[400] chứ không phải là đặc tướng thực hữu. Thanh y trên đặc tướng tương tợ được thêm thắt mà hoạt động,[401] cho nên không thể nói giả tất y chân. Vì vậy, không thể nói giả tất phải y chân. Cho nên, nạn vấn kia không phù hợp chính lý.
4. Nhưng, y trên biến thái của thức, để đối trị loại trừ quan niệm sai lầm về ngã pháp chân thật, nên nói giả tợ.
Do đây, già-tha trong Kinh[402] nói, “Vì để dối trị loại trừ ngã pháp mà kẻ phàm ngu cho là chân thật cho nên nơi sự biến thái của thức mà giả thuyết tên gọi ngã và pháp.”
III. Thức biến
1. Hình thái biến thái của thức[403] tuy vô lượng, nhưng loại biệt của thức năng biến chỉ có ba: 1. Dị thục,[404] tức thức thứ tám, vì phần lớn tự tính của nó là dị thục.[405] 2. Tư lương, tức thức thứ bảy, vì thường xuyên thẩm sát và tư lương.[406] 3. Liễu cảnh,[407] tức sáu thức đầu, vì nhận biết đối tượng với hình thái thô phù.[408]
Từ “và”[409] nêu rõ sáu thức hợp thành một nhóm.
2. Ba loại này đều được gọi là thức năng biến. Năng biến có hai loại:
1. Năng biến bởi nhân[410]: đó là đẳng lưu và dị thục, hai tập khí như là nhân ở trong thức thứ tám. Tập khí đẳng lưu[411] sinh trưởng do sự huân tập thiện, ác, vô ký trong thức thứ bảy. Tập khí dị thục[412] sinh trưởng do sự huân tập thiện, ác, hữu lậu trong thức thứ sáu.
2. Năng biến bởi quả[413]: do ảnh hưởng của hai loại tập khí nói trên, thức thứ tám sinh khởi, xuất hiện thành nhiều hình thái khác nhau.[414]
Do tập khí của đẳng lưu làm điều kiện như là nhân, thức thứ tám sinh khởi với thể và tướng sai biệt, được gọi là quả đẳng lưu. Vì quả tương tợ nhân.
Tập khí của dị thục làm điều kiện như là tăng thượng để chiêu cảm thức thứ tám, do đáp ứng thế lực của nghiệp dắc dẫn[415] và do thưòng hằng tương tục, nên được gọi là dị thục.[416] Nếu chiêu cảm sáu thức trước để đáp ứng nghiệp được thành mãn,[417] xuất hiện từ dị thục, được gọi là dị thục sinh[418] chứ không gọi là dị thục. Vì có gián đoạn.
Tức là, dị thục và dị thục sinh[419] được nói trước đó gọi là quả dị thục. Vì quả dị biệt nhân. Trong đó chỉ nói cái được chấp tàng cho ngã ái, duy trì chủng tử tạp nhiễm, cái đó biến thái thành quả là thức, nên gọi là dị thục, chứ không nói là tất cả (thức).[420]
CHƯƠNG II: A-LẠI-DA THỨC
Tuy đã nói một cách tổng quát về ba sự biến thái của thức, nhưng chưa thảo luận chi tiết về các đặc tướng của chúng. Vậy, đặc tướng của sự biến thái thứ nhất là thế nào?
Tụng nói:
初阿賴耶識   異熟一切種 2
不可知執受   處了常與觸
作意受想思   相應唯捨受 3
是無覆無記   觸等亦如是
恒轉如瀑流   阿羅漢位捨 4[421]
Thứ nhất là A-lại-da,
cũng gọi là dị thục, nhất thiết chủng.
Không thể biết sự chấp thọ,
Xứ sở và biểu hiện nhận thức của nó.
Luôn luôn, nó tương ưng với xúc,
tác ý, thọ tưởng và tư.
Nó chỉ tương ưng với xả thọ.
Nó là vô phú vô ký.
Xúc v.v. cũng vậy.
Nó thường hằng lưu chuyển như dòng thác.
Đến địa vị A-la-hán nó mới bị loại bỏ.
I. Định danh
1. A-lại-da
Luận nói, thức năng biến thứ nhất, trong giáo nghĩa của Tiểu thừa và Đại thừa, đều được gọi là A-lại-da. Vì nó hàm ngụ các nghĩa năng tàng, sở tàng[422] và chấp tàng. Vì nó hỗ tương làm điều kiện (duyên) cho các pháp tạp nhiễm.[423] Vì hữu tình chấp nó như là tự ngã nội tại.
Bài tụng này nêu rõ các đặc tướng mà thức năng biến thứ nhất có. Vì đặc tướng riêng biệt của nó là sự nhiếp trì trên hai phương diện nhân và quả.
Phần vị của các đặc tướng riêng biệt của thức này tuy nhiều,[424] nhưng thức như là kho tàng được chú trọng hơn hết, do đó dành riêng cho nó tên này.
2. Dị thục
Thức này được gọi là dị thục, vì nó đưa đến kết quả đã chín (dị thục) của nghiệp thiện và bất thiện trong các cõi, các định hướng và các sinh loại.[425] Nếu loại bỏ nó, không thể hiểu rõ kết quả dị thục đặc biệt[426] vốn thường hằng tiếp nối liên tục của mạng căn, chúng đồng phần, các thứ.[427] Bài tụng này hiển thị đặc tướng trên phương diện quả của thức năng biến thứ nhất.
Đặc tướng trên phương diện quả của thức này tuy có nhiều trạng thái,[428] nhiều chủng loại,[429] nhưng ý nghĩa dị thục vừa rộng, vừa đặc hữu, do đó đặc biệt được chỉ định.
3. Nhất thiết chủng
Thức này chấp trì hạt giống của các pháp không để cho thất tán, do đó, được gọi là nhất thiết chủng.[430] Ngoài thức này ra, không thể có cái gì chấp trì một cách phổ biến hạt giống của các pháp.
Bài tụng này hiển thị đặc tướng trên phương diện nhân của thức năng biến thứ hai.
Đặc tướng về phương diện nhân của thức này tuy có nhiều chủng loại,[431] nhưng do sự duy trì chủng tử và do đặc hữu, do đó được đặc biệt chỉ định.
Thể tướng của thức năng biến thứ nhất tuy nhiều, nhưng tổng quát duy chỉ có ba đặc tướng này mà thôi.[432]
II. Chủng tử
1. Định nghĩa
Cần phân biệt rõ thêm đặc tướng nhất thiết chủng.
Trong đây, pháp gì được gọi là chủng tử?[433] Trong bản thức, công năng sai biệt[434] trực tiếp sản sinh kết quả của chính nó.
Nó (chủng tử) cùng với bản thức và quả được sản sinh không phải đồng nhất cũng không phải dị biệt.[435] Lý tính của thể dụng, nhân quả, là như vậy.
Tuy không phải nhất, không phải dị, nhưng là thực hữu. Vì pháp giả hữu, như cái không tồn tại,[436] không phải là nhân duyên.[437]
Nó cùng với các pháp đã không phải là nhất, không phải dị, hẳn phải như bình các thứ, là giả chứ không phải thực.[438]
Nếu vậy, chân như cũng là giả hữu.[439] Thừa nhận như vậy, sẽ không có chân thắng nghĩa đế.[440]
Nhưng, các chủng tử chỉ y trên ngôn thuyết thế tục mà nói là thực hữu, không đồng với chân như.
Chủng tử tuy y trên thể của thức thứ tám, nhưng đó chính là tướng phần của thức này chứ không là gì khác. Vì kiến phần thường nắm bắt nó như là đối tượng.[441]
Các chủng tử hữu lậu không khác biệt với thể của dị thục thức, do đó nó thuộc tính vô ký.
Nhân và quả đếu có tính thiện, bất thiện và vô ký nên nó cũng được gọi là thiện, bất thiện và vô ký.
Các chủng tử vô lậu duy chỉ được gọi là thiện, vì không được bao hàm trong dị thục thức, do vì nhân và quả đều chỉ có tính thiện.
Nếu vậy, tại sao Quyết trạch phần nói, trong 22 căn,[442] tất cả đều có chủng tử của dị thục, đều là dị thục sinh?[443] Tuy nó được gọi là dị thục nhưng không phải là vô ký. Y tựa trên dị thục[444] nên gọi là chủng tử dị thục. Cái gì dị tính thì y tựa lẫn nhau được, như thức con mắt v.v.[445]
Hoặc chủng tử vô lậu, do ảnh hưởng của huân tập, chuyển biến mà thành thục, được đặt tên là dị thục.
2. Tân huân và bản hữu
a. Thuyết bản hữu: Hộ Nguyệt[446]
Trong đây, có quan điểm cho rằng hết thảy chủng tử đều là bản hữu, không do bởi huân tập[447] mới phát sinh. Nhưng do ảnh hưởng của sự huân tập mà nó phát triển.
Như Khế kinh[448] nói, “Hết thảy hữu tình, từ vô thủy đến nay, có đa dạng giới, như đống ác-xoa,[449] tồn tại một cách tự nhiên như vậy.” Giới là tên gọi khác của chủng tử.
Lại nữa, Khế kinh nói, “Giới, từ vô thủy đến nay, là sở y của hết thảy pháp.”[450]
Giới đây có nghĩa là nhân.
Du-già[451] cũng nói, “Tự tính của các chủng tử, từ vô thủy đến nay, tuy là bản hữu, nhưng do cái mới được huân tập như là nhiễm hay tịnh mà phát khởi.”
Các loại hữu tình, từ vô thủy đến nay, nếu thuộc pháp bát-niết-bàn, tất cả thảy đều đầy đủ. Nếu không thuộc pháp bát-niết-bàn, khuyết chủng tử của ba loại bồ-đề.[452]
Văn như vậy để chứng minh, không phải là ít.
Lại nữa, các hữu tình đã được nói là bản lai có năm chủng tính khác nhau do đó cần phải xác định có chủng tử pháp nhĩ, không phát sinh do bởi huân tập.[453]
Lại nữa, Du-già nói, địa ngục thành tựu ba vô lậu căn.[454] Đó là chủng tử chứ không phải hiện hành.
Lại nữa, chủng tính bản tính trụ,[455] đạt được một cách tự nhiên, từ vô thủy lần lượt truyền đến nay.
Do các dẫn chứng như vậy chứng minh rằng chủng tử vô lậu vốn là pháp nhĩ bản hữu, chứ không do huân tập mà phát sinh.
Chủng tử hữu lậu tất nhiên cũng tồn tại một cách tự nhiên (pháp nhĩ hữu), do huân tập mà phát triển, không phải do huân tập riêng biệt mà phát sinh.
Như vậy, nhân quả được thiết lập không tạp loạn.
b. Thuyết tân huân: Thắng Quân và Nan-đà[456]
Quan điểm khác nói, chủng tử phát sinh đều do huân tập.
Cái được huân tập và cái huân tập đều tồn tại từ vô thủy; do đó, các chủng tử được thành tựu từ vô thủy?[457]
Chủng tử là tên gọi khác của tập khí. Tập khí tất phải do huân tập mà có, như mùi thơm (khí) của vừng (mè) phát sinh do bởi xông ướp (huân tập) hoa.[458] Như Khế kinh[459] nói, “Tâm của các hữu tình do được huân tập bởi nhiễm và tịnh mà vô lượng chủng tử được tích tập.
Luận nói,[460] chủng tử nội tại nhất định có sự huân tập. Chủng tử ngoại tại, hoặc có, hoặc không.
Lại nữa, ba loại tập khí, danh ngôn, v.v.,[461] bao gồm chủng tử của hết thảy pháp hữu lậu. Ba loại tập khí đó đã do huân tập mà có, do đó chủng tử hữu lậu tất do huân tập mà sản sinh.
Chủng tử vô lậu cũng do huân tập. Nói rằng,[462] sự huân tập bởi nghe mà sinh khởi là do được huân tập bởi sự nghe Chánh pháp lưu xuất trực tiếp[463] từ pháp giới thanh tịnh.[464] Đó là chủng tử tính của tâm xuất thế.
Sự sai biệt của chủng tính[465] bản lai của hữu tình không do chủng tử vô lậu tồn tại hay không tồn tại. Nhưng chủng tính ấy chỉ y trên trường hợp có chướng[466] hay không chướng mà thiết lập.
Như Du-già nói,[467] nếu ở nơi cảnh vực chân như mà hoàn toàn có chủng tử của hai chướng, ở đó lập chủng tính của pháp không bát-niết-bàn. Nếu hoàn toàn có chủng tử của sở tri chướng chứ không phải phiền não chướng, ở đây một phần lập chủng tính Thanh văn, một phần lập chủng tính Độc giác. Nếu hoàn toàn không có chủng tử của cả hai chướng, tức lập nó làm chủng tính Như lai.
Do đó biết rằng sự sai biệt của chủng tính bản lai y trên chướng mà thiết lập chứ không phải do chủng tử vô lậu.
c. Quan điểm của Hộ Pháp
Quan điểm khác nói, mỗi chủng tử (hữu lậu và vô lậu) đề có hai loại:
a. Bản hữu. Đó là công năng sai biệt sản sinh uẩn, xứ, giới; nó tồn tại một cách tự nhiên (pháp nhĩ) trong thức A-lại-da kể từ vô thủy. Thế Tôn y trên đây mà nói, giới đa dạng[468] mà các hữu tình sở hữu từ vô thủy đến nay giống như đống hạt ác-xoa, tồn tại một cách tự nhiên (pháp nhĩ). Ngoài ra, các dẫn chứng được nói chi tiết như trên kia.[469]
Đây gọi là chủng tính của bản tính trụ.[470]
b. Thủy khởi. Nó hiện hữu do được thường xuyên huân tạp bởi hiện hành. Thế Tôn y trên đây mà nói, tâm của các hữu tình do được huân tập bởi các pháp nhiễm, tịnh; nó là cái được tích tập bởi vô lượng chủng tử. Các luận cũng nói, chủng tử nhiễm, tịnh phát sinh do bởi sự huân tập của các pháp nhiễm, tịnh.
Đây gọi là chủng tử được tập thành.[471]
(1) Phê bình thuyết bản hữu
Nếu duy chỉ là bản hữu, chuyển thức không thể là duyên tính như là nhân[472] cho A-lại-da.
Như Khế kinh nói, “Các pháp được chứa trong thức; thức trong các pháp cũng vậy, hỗ tương làm quả tính cho nhau, và cũng thường làm nhân tính.”[473] Đại ý bài tụng nói, thức A-lại-da và các chuyển thức trong tất cả mọi thời lần lượt hỗ tương sinh khởi, hỗ tương làm nhân quả.
Luận Nhiếp Đại thừa nói,[474] thức A-lại-da hỗ tương cùng với các pháp tạp nhiễm làm nhân duyên. Như bấc đèn và ngọn lửa lần lượt phát sinh sự cháy. Lại cũng như cọng lau bó lại, chúng tựa nhau mà đứng. Duy chỉ y trên hai điều kiện này[475] mà thiết lập nhân duyên. Các trường hợp nhân duyên khác không thể có được.
Nếu chủng tử được sản sinh mà không do huân tập, làm thế nào chuyển thức cùng với A-lại-da có ý nghĩa là nhân duyên?[476] Không phải do huân tập khiến cho tăng trưởng mà gọi là nhân duyên. Không thể cho rằng nghiệp thiện ác làm nhân duyên cho quả dị thục.[477]
Lại nữa, quan điểm ấy trái với các Thánh giáo, theo đó, có chủng tử được sản sinh do huân tập. Cho nên, cho rằng duy chỉ có chủng tử bản hữu là trái với lý và giáo.
(2) Phê bình thuyết tân huân
Nếu sự sinh khởi của chủng tử có khởi thủy, vô lậu hữu vi không thể sinh vì không có nhân duyên.[478] Hữu lậu không thể là chủng tử của vô lậu.[479] Vì không thể nên nói rằng chủng tử vô lậu sản sinh hữu lậu. Nếu chấp nhận điều này, hữu lậu có thể sinh trở lại nơi chư Phật; thiện v.v. không thể là chủng tử của bất thiện các thứ.
(3) Phê bình phân biệt luận
Các nhà phân biệt luận[480] tuy nói rằng, tính của tâm vốn tịnh, nhưng do bị ô nhiễm bởi phiền não khách trần nên trở thành tạp nhiễm. Khi dứt sạch phiền não, bấy giờ nó chuyển thành vô lậu. Như vậy, pháp vô lậu phát sinh không do nhân.
Nhưng, nói là tính của tâm, các vị ấy nói theo nghĩa nào? Nếu nói đó là Không lý;[481] nhưng Không không phải là nhân của tâm. Pháp thường hằng chắc chắn không phải là chủng tử của các pháp. Vì tự thể trước sau không có chuyển biến.
Nếu nói đó là tâm, thế thì cũng đồng với Số luận.[482] Tướng tuy chuyển biến, nhưng thể thường nhất tính.
Vả lại, như thế tâm ác, vô ký cũng có thể là thiện.[483] Nếu thừa nhận,[484] nó hẳn phải tương ưng với tín v.v.;[485] nếu không thừa nhận, nó có thể không phải là thể của tâm thiện. Từ thiện còn không được nói đến, huống nữa là vô lậu.
Tâm thiện hữu lậu đã được nói là tạp nhiễm, như tính của ác tâm vốn không phải là vô lậu, do đó không thể là nhân cho vô lậu. Khổng thể nói rằng thiện ác, v.v., hỗ tương làm nhân cho nhau.
Nếu tính của tâm hữu lậu mà là vô lậu, thế thì tính của tâm vô lậu hẳn cũng có thể là hữu lậu. Vì không thể có khái niệm về nhân duyên sai biệt.[486]
Lại nữa, tâm của dị sinh nếu là vô lậu; thế thì vô lậu hiện hành trong trạng thái dị sinh, và (dị sinh) được gọi là Thánh giả. Nếu tự tính của tâm dị sinh tuy là vô lậu nhưng tướng của nó có ô nhiễm nên không gọi là vô lậu, cho nên không có sai lầm như vậy; thế thì chủng tử của tâm cũng không phải là vô lậu, tại sao Luận của ngài nói có hạng dị sinh duy chỉ thành tựu chủng tử vô lậu?[487] Vì tính và tướng của chủng tử và hiện hành là đồng nhất.
Nhưng, Khế kinh nói,[488] tính của tâm vốn tịnh, ấy là nói chân như được hiển thị bởi lý Không của tâm.[489] Vì chân như là tính chân thật của tâm.
Hoặc nói, thể của tâm không phải là phiền não, do đó nói là bản tịnh; chứ không phải vì tự tính của tâm hữu lậu là vô lậu mà nói là bản tịnh.[490]
Do vậy, nên xác tín rằng có hạng hữu tính có chủng tử vô lậu từ vô thủy đến nay, thành tựu một cách tự nhiên (pháp nhĩ) chứ không phải bởi huân tập. Về sau, trong giai đoạn thắng tiến,[491] nó được huân tập để phát triển. Do nguyên nhân này, pháp vô lậu sinh khởi. Khi vô lậu sinh khởi, nó lại huân tập thành chủng tử. Về chủng tử hữu lậu, loại suy theo đó mà biết.
(4) Giải thích nan đề
a. Huân tập nội chủng
Tuy được nói trong các Thánh giáo rằng chủng tử nội tại một cách xác định có huân tập, nhưng không xác quyết nói hết thảy chủng tử sản sinh đều do huân tập. Vậy, đâu có thể thể hoàn toàn bác bỏ không tồn tại chủng tử bản hữu. Tuy nhiên, chủng tử bản hữu cũng phải do huân tập mới có thể phát triển để dẫn đến thành quả. Do đó nói, chủng tử nội tại xác định có huân tập.[492]
b. Huân tập bởi nghe
Sự huân tập do bởi nghe không phải duy chỉ là hữu lậu. Khi nghe Chánh pháp, chủng tử vô lậu bản hữu cũng được huân tập để phát triển thêm lên, lần lượt cho đến tâm xuất thế.[493] Do đó chủng tử này cũng được gọi là huân tập bởi nghe. Trong cái huân tập bởi nghe, những gì là tính hữu lậu thì thuộc tu sở đoạn.[494] Nó chịu ảnh hưởng của dị thục đặc sắc để làm tăng thượng duyên cho chủng tử của tâm xuất thế. Những gì là tính vô lậu thì thuộc phi sở đoạn,[495] làm nhân duyên trực tiếp cho pháp xuất thế. Nhân duyên trực tiếp này vi tế, ẩn mật, khó nhận thức được, nhưng dựa trên loại tăng thượng duyên đặc sắc thô hiển, phương tiện nói là chủng tử của tâm xuất thế.
c. Chủng tính và chủng tử
Nói y trên sự chướng ngại[496] mà thiết lập sự sai biệt về chủng tính, ý muốn nói rõ chủng tử vô lậu tồn tại hay không tồn tại. Nếu hoàn toàn không tồn tại chủng tử vô lậu, chủng tử của hai chướng kia vĩnh viễn không thể bị trừ hại, y theo đó là lập pháp phi niết-bàn. Nếu chỉ tồn tại chủng tử vô lậu của hai thừa, sở tri chướng kia vĩnh viễn không thể bị trừ hại, theo đó một phần lập chủng tính Thanh văn, một phần lập chủng tính Độc giác. Nếu cũng tồn tại cả chủng tử vô lậu của Phật, chủng tử của hai chướng kia đều có thể vĩnh viễn bị trừ hại, theo đó lập chủng tính Như lai.
Như vậy, do bởi chủng tử vô lậu tồn tại hay không tồn tại mà có ý nghĩa chướng có thể bị đoạn trừ hay không bị đoạn trừ. Nhưng chủng tử vô lậu vốn vi tế, ẩn mật, khó nhận thức được, do đó chuẩn theo hai chướng kia để nêu rõ sự sai biệt về chủng tính. Nếu không thế, hai chướng kia có nguyên nhân cá biệt nào để có thể bị hay không bị trừ hại? Nếu do pháp nhĩ tự nhiên mà có sự sai biệt về chướng này, sao không thừa nhận chủng tử vô lậu cũng vậy?
Nếu bản lai hoàn toàn không tồn tại chủng tử của pháp vô lậu, các Thánh đạo sẽ vĩnh viễn không thể sinh khởi. Vậy, cái gì sẽ có thể trừ hại chủng tử của hai chướng để nói y chướng mà lập nên sự sai biệt về chủng tính? Sự sinh khởi của Thánh đạo kia đã không có ý nghĩa, nói rằng sẽ sinh khởi thì nhất định là phi lý.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các Tánh giáo nói có chủng tử bản hữu; thảy đều mâu thuẫn với ý nghĩa kia. Cho nên, cho rằng chỉ có thủy khởi, điều đó trái với cả lý và giáo.
Do vậy, nên biết, mỗi chủng tử của các pháp đều có hai loại, bản hữu và thủy khởi.
III. Đặc tính của chủng tử
Sáu đặc tính của chủng tử
Một cách tổng quát, có sáu đặc tính của chủng tử.[497]
(1) Sát-na diệt. Thể của nó vừa sinh tức thì diệt một cách vô gián, có công lực đặc sắc mới có thể thành chủng tử. Đặc tính này loại ra những gì là pháp thường hằng. Cái gì thường hằng không biến chuyển thì không thể nói nó có khả năng phát sinh tác dụng.[498]
(2) Quả câu hữu. Cái cùng với pháp là quả hiện hành đã được sản sinh, cùng hiện hữu[499] và cùng hòa hiệp, mới có thể làm chủng tử.[500] Đặc tính này loại bỏ những gì tồn tại trước nó, sau nó và ly cách nó.[501]
Hiện hành và chủng tử khác loại, không chống nhau, đồng thời hiện hữu trong cùng một thân, cái đó mới có khả năng phát sinh tác dụng. Không phải như chủng tử cùng loại sinh sản lẫn nhau, cái trước và cái sau chống nhau, tất không thể cùng hiện hữu.[502] Tuy nhân và quả có trường hợp cùng hiện hữu hay không cùng hiện hữu, nhưng chỉ trong thời hiện tại mới có thể có tác dụng như là nhân, vì cái chưa sinh và cái đã diệt không có tự thể.[503] Y trên cái sản sinh quả hiện tại mà đặt tên chủng tử, chứ không phải y trên trường hợp nó dẫn sinh cái cùng loại mà gọi là chủng tử, do đó cần phải nói chủng tử là cái cùng tồn tại với quả.
(3) Hằng tùy chuyển. Trong một thời gian dài cần phải tồn tại như một chủng loại duy nhất liên tục cho đến giai đoạn cứu cánh,[504] như thế mới có thể thành chủng tử. Đặc tính này loại trừ các chuyển thức[505] vốn chuyển dịch một cách gián đoạn, vì như vậy không tương ưng với chủng tử. Đặc tính này cũng chỉ rõ tính cách tự loại sinh sản lẫn nhau của chủng tử.
(4) Quyết định tính. Chủng tử phải là cái quyết định bản chất của công năng dẫn sinh thiện ác tùy theo ảnh hưởng của nhân.[506] Đặc tính này bác bỏ quan điểm của các bộ phái khác cho rằng nhân của dị tính sản sinh quả của dị tính cũng mang ý nghĩa nhân duyên.[507]
(5) Đãi chúng duyên. Chủng tử là loại công năng đặc biệt khi hội hiệp đủ các điều kiện riêng biệt của nó.[508] Đặc tính này bác bỏ quan điểm của Ngoại đạo cho rằng do nguyên nhân tự nhiên,[509] chứ không do hội đủ các điều kiện, quả thường xuyên được sản sinh một cách đột nhiên. Hoặc bác bỏ quan điểm các bộ phái khác cho rằng các duyên vốn hằng hữu chứ không phải không tồn tại.[510] Ở đây nêu rõ các điều kiện (duyên) cần hội đủ không có tính hằng hữu. Do đó, chủng tử không thường xuyên ngẩu sinh quả.
(6) Dẫn tự quả. Dẫn sinh kết quả của riêng nó.[511] Chủng tử là cái, từng loại riêng biệt, dẫn sinh các quả sắc, tâm từng loại riêng biệt. Đặc tính này bác bỏ quan điểm của Ngoại đạo cho rằng một nhân độc nhất sản sinh hết thảy quả. Cũng bác bỏ các bộ phái khác cho rằng sắc tâm các thứ làm nhân duyên cho nhau.[512]
a. Duy chỉ công năng sai biệt trong Bản thức mới có đủ sáu đặc tính này để thành chủng tử; ngoài ra là không thể. Ở ngoại giới, như thóc lúa các thứ, vốn là biến thái của thức, cho nên giả lập chúng là chủng tử, nhưng không phải là chủng tử thực nghĩa.[513]
b. Thế lực của loại chủng tử này sản sinh quả chính thức và gần gũi nhất được gọi là sinh nhân. Khi nó dẫn sinh quả dư tàn xa khiến không đột nhiên dứt tuyệt, bấy giờ được gọi là dẫn nhân.[514]
c. Nội chủng sinh trưởng tất do huân tập; trực tiếp sản sinh quả. Đó là nhân duyên tính. Ngoại chủng hoặc được huận tập hoặc không; nó làm tăng thượng duyên để tác thành quả được sản sinh. Nhân duyên của quả kia như vậy phải là nội chủng. Vì quả được sản sinh từ chủng tử có đặc tính chung.
IV. Điều kiện huân tập
Theo ý nghĩa nào mà nói là huân tập?[515] Cái được huân tập và cái huân tập cần hội đủ bốn nghĩa.
1. Sở huân
Bốn nghĩa cho cái được huân tập[516] là gì?
(1) Tính kiên trụ. Tính bền lâu. Pháp mà thủy chung đồng một loại tiếp nối nhau liên tục để duy trì tập khí; pháp ấy chính là cái được huân tập. Ý nghĩa này loại ra các chuyển thức, và âm thanh, gió, v.v.,[517] vì tính chất không bền lâu nên chúng không thể bị xông ướp (huân tập).
(2) Tính vô ký. Tính trung hòa. Pháp bình đẳng, không có tính kháng cự khả năng dung nạp tập khí; pháp ấy mới có thể được huân tập.[518] Ý nghĩa này loại ra ngoài các pháp thiện ô nhiễm, do thế lực cường thịnh nên không dung nạp bất cứ cái gì; do đó chúng không thể bị huân tập.
Do ý nghĩa này, thức thứ tám của Như lai, vốn là tịnh thức, duy chỉ mang chứa chủng tử cố cựu chứ không dung nạp sự huân tập mới.
(3) Tính khả huân. Tính hấp thu. Pháp nào có tính tự tại (tự do), không chặt cứng (như đá) để có khả năng dung nạp tập khí, pháp đó mới có thể bị huân tập. Ý nghĩa này loại ra ngoài tâm sở và vô vi pháp, vì y tha và chặt cứng nên không thể bị huân tập.
(4) Tính cộng đồng hòa hiệp với năng huân. Pháp nào cùng đồng thời và đồng xứ với cái huân tập, pháp ấy mới được huân tập. Ý nghĩa này loại ra ngoài tha thân, sát na trước sau, vốn không có ý nghĩa hòa hiệp nên không thể bị huân tập.
Duy chỉ dị thục thức có đầy đủ bốn ý nghĩa này mới có thể được huân tập, chứ không phải tâm sở các thứ.
2. Năng huân
Bốn tính chất của cái huân tập[519] là gì?
(1) Có tính sinh diệt. Pháp mà không thường hằng, có tác dụng sinh trưởng tập khí; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại ra pháp vô vi; nó không thể là năng huân, vì trước sau không biến đổi, không có tác dụng sinh trưởng.
(2) Có tác dụng ưu thắng.[520] Pháp có tính sinh diệt mà thế lực tăng thịnh để dẫn sinh tập khí; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại ra tâm, tâm sở thuộc dị thục[521]; vì thế lực yếu kém nên chúng không thể là năng huân.
(3) Có tăng giảm. Pháp có tác dụng ưu thắng, lại có tăng có giảm, duy trì tập khí; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại trừ pháp thiện viên mãn nới Phật quả; vì không tăng không giảm nên không thể là năng huân. Nếu nó là năng huân thì không phải là viên mãn; vì như vậy Phật quả trước sau có ưu có khuyết.
(4) Cùng với sở huân hòa hiệp mà chuyển. Nếu cùng với cái được huân tập mà đồng thời, đồng xứ, không tương tức, không tương ly; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại trừ tha thân, sát na tước sau, vốn không có ý nghĩa hòa hiệp; cho nên nó không phải là năng huân.
Duy bảy chuyển thức cùng với các tâm sở của chúng có thế lực, tác dụng nhưng có tăng giảm, đủ bốn nghĩa này mới có thể nói là năng huân.
Cái năng huân và thức được huân tập cùng sinh cùng diệt như vậy, ý nghĩa huân tập được xác chứng. Làm cho chủng tử tăng trưởng trong cái được huân tập, như ướp mùi cho vừng, đó gọi là huân tập.
Thức năng huân khi sinh khởi từ chủng tử, ngay lúc đó nó làm nhân để huân tập trở lại thành chủng tử. Ba pháp lần lượt,[522] nhân quả đồng thời. Như bấc đèn sinh ngọn lửa. Ngọn lửa đốt trở lại bấc đèn. Cũng như bó lau, các cọng lau nương tựa lẫn nhau. Nhân và quả cùng tồn tại trong một thời; điều này không làm đảo lộn lý tính.
Cái năng huân sản sinh chủng tử; chủng tử phát khởi hiện hành; như nhân câu hữu đạt được quả sĩ dụng.[523] Chủng tử cùng với đồng loại trước sau sinh sản nhau, như nhân đồng loại dẫn đến quả đẳng lưu.[524] Cả hai cái này là nhân duyên tính cho kết quả. Trừ đó ra, các pháp còn lại đều không phải là nhân duyên. Nhưng đặt tên là nhân duyên, nên biết, đó chỉ là giả thuyết.
Như vậy, đã tóm tắt các đặc tướng của chủng tử.

Tiết 3. Hành tướng và sở duyên
1. Tổng thích
Hành tướng[525] và sở duyên của thức này như thế nào?
Tụng nói: không thể biết sự chấp thọ, xứ, liễu của nó.[526]
Liễu[527] tức liễu biệt. Đó là hành tướng, vì thức lấy sự liễu biệt làm hành tướng.
Xứ,[528] tức xứ sở. Đó là khí thế gian;[529] vì là y xứ của các hữu tình.
Chấp thọ[530] có hai; đó là các chủng tử và thân có căn.[531] Các chủng tử là tập khí của tướng, danh và phân biệt.[532] Thân có căn là các căn thuộc sắc và y xứ của căn. Cả hai cái này được chấp thọ bởi thức, được nhận làm tự thể của thức, vì cùng chung an, nguy.
Chấp thọ và xứ đều là sở duyên.
2. Hành tướng
Thức a-lại-da, do ảnh hưởng của nhân duyên, khi tự thể sinh, bên trong biến thái thành chủng tử và thân có căn, bên ngoài biến thái thành khí mãnh (tự nhiên giới). Rồi nó lấy ngay những gì được biến thái đó làm sở duyên và hành tướng, dựa vào đó mà sinh khởi. Trong đó, liễu (biệt) chỉ cho hoạt dụng cá biệt của thức dị thục đối với sở duyên (đối tượng) của nó. Hoạt dụng liễu biệt này được xem là thuộc kiến phần.
i. Hai phần.[533] Nhưng, thức hữu lậu, khi tự thể của nó sinh khởi, xuất hiện với đặc tướng tương tự sở duyên và năng duyên. Pháp tương ưng với nó,[534] nên biết, cũng vậy.
Đặc tướng tương tự sở duyên là thuyết minh tướng phần. Đặc tướng tương tự năng duyên là thuyết minh kiến phần.
Nếu tâm, tâm sở không có đặc tướng sở duyên, chúng không thể vươn đến cảnh vực sở duyên cá biệt của mình.[535] Hoặc, trái lại, từng cái cá biệt có thể vươn đến tất cả. Vì cảnh vực cá biệt của riêng nó cũng như của những cái khác; và của những cái khác cũng như của nó vậy.
Nếu tâm, tâm sở không có đặc tướng năng duyên, chúng không thể vươn đến cái gì, như hư không chẳng hạn. Hoặc, nếu không thế, hư không cũng là cái năng duyên.
Cho nên, tâm và tâm sở tất có hai tướng. Như Khế kinh nói,[536] “Tất cả chỉ có giác. Nghĩa sở giác hoàn toàn không. Các phần năng giác và sở giác chuyển vận một cách tự nhiên.”[537]
ii. Ba phần. Những vị[538] quan niệm cảnh sở duyên tồn tại ngoài thức nói rằng ngoại cảnh là sở duyên, tướng phần được nói là hành tướng,[539] kiến phần được nói là sự,[540] vì đó là tướng của tự thể của tâm và tâm sở.
Tâm và tâm sở đồng chung sở y và sở duyên nên hành tướng của chúng tương tự.[541] Số của sự tuy bằng nhau[542] nhưng tướng khác biệt nhau, vì đặc tướng của thức, thọ, tưởng, v.v., đều khác nhau.
Đối với những vị[543] quan niệm rằng cảnh sở duyên không phải ở bên ngoài thức, khi ấy tướng phần được nói là sở duyên, kiến phần là hành tướng. Tự thể (của thức) làm sở y cho tướng và kiến được gọi là sự; đó tức là tự chứng phần.[544] Nếu không có phần này, tâm và tâm sở pháp không thể tự hồi ức, như không thể hồi ức những cảnh chưa từng được trải qua.[545]
Tâm và tâm sở có chung căn[546] làm sở y; sở duyên của chúng tương tự, nhưng hành tướng thì khác biệt, vì các hoạt dụng nhận thức (liễu biệt), lãnh nạp (cảm thọ) thảy đều khác nhau.[547] Số của sự tuy bằng nhau nhưng tướng thì mỗi thứ mỗi khác, vì thể của thức, thọ, v.v. đều có sự sai biệt.
Nhưng mỗi một tâm và tâm sở khi sinh khởi, suy cứu theo lý, thảy đều có ba phần, vì đối tượng nhận thức (sở lượng), chủ thể nhận thức (năng lượng) và kết quả của nhận thức (lượng quả)[548] vốn khác biệt nhau, và vì tướng và kiến tất phải có tự thể làm sở y. Như già-tha trong Tập lượng luận nói, “Đối tượng nhận thức (sở lượng) là tướng của cảnh tương tự.[549] Chủ thể tiếp nhận tướng, và chủ thể tự chứng, tức chủ thể nhận thức (năng lượng) và kết quả nhận thức. Tự thể của ba cái này không riêng biệt.”[550]
iii. Bốn phần. Lại nữa, nếu phân tích kỹ, tâm và tâm sở phải có bốn phần. Ba phần, như đã nói trên. Sau cùng có phần thứ tư, chứng tự chứng phần.
Nếu không có phần này, cái gì chứng biết phần thứ ba? Phần của các tâm đã đồng,[551] vậy cần phải được chứng biết. Lại nữa, phần tự chứng sẽ không có quả (nếu không có phần thứ tư). Các phán đoán nhận thức (năng lượng) đều phải có quả. Kiến phần không thể là quả của phần thứ ba. Vì cũng có khi kiến phần thuộc phi lượng.[552] Do đó, kiến phần không chứng tri phần thứ ba. Vì chứng tri tự thể chính là hiện lượng.[553]
Trong bốn phần này, hai phần đầu thuộc ngoại giới; phần sau thuộc nội tại. Phần thứ nhất chỉ là sở duyên (đối tượng). Ba phần sau gồm cả hai (vừa là đối tượng, vừa là chủ thể). Theo đó, phần thứ hai chỉ vin đến phần thứ nhất như là đối tượng. Nó có thể là lượng hay phi lượng; là hiện lượng hay tỷ lượng. Phần thứ ba là chủ thể vin đến phần thứ hai và phần thứ tư như là đối tượng. Phần chứng tự chưng chỉ vin đến phần thứ ba như là đối tượng. Nó không vin đến phần thứ hai, vì vô dụng. Phần thứ ba và phần thứ tư đều thuộc hiện lượng. Như vậy, tâm và tâm sở được hợp thành bởi bốn phần, đủ cả đối tượng sở duyên và chưa thể năng duyên, không phạm lỗi vô cùng,[554] không phải tương tức, không phải tương ly. Lý Duy thức như vậy được chứng minh.
Cho nên, già-tha trong Khế kinh nói, “Tâm chúng sinh lưỡng tính,[555] nội ngoại tất cả phần, quấn chặt[556] sở năng thủ, thấy sai biệt đa thù.”[557]
“Ý bài tụng này nói, tâm tính của chúng sinh được hợp thành bởi hai phần, hoặc ngoại hoặc nội,[558] thảy đều bị quấn chặt bởi năng thủ và sở thủ, do đó đủ mọi hình thái, với nhiều phần sai biệt, hoặc lượng hay phi lượng, hoặc hiện lượng hay tỷ lượng.”[559]
Trong đoạn này, nói “thấy” (kiến) tức chỉ cho kiến phần.
iv. Quan hệ các phần. Bốn phần như vậy hoặc được thâu tóm thành ba, tức phần thứ tư được coi như là phần tự chứng. Hoặc bốn phần tóm lại thành hai, vì cả ba phần sau đều có tính chất năng duyên nên được coi như là kiến phần.Ở đây nói kiến, tức có nghĩa là năng duyên.
Hoặc bốn phần tổng quát thành một, vì thể của chúng không dị biệt. Như già-tha trong Nhập Lăng già nói, “Do tự tâm chấp trước, tâm chuyển biến thành ảnh tợ ngoại cảnh. Cái được thấy kia không thực hữu, cho nên nói duy tâm.”[560]
Như vậy, rải rác nhiều nơi, duy nhất tâm được nói đến. Từ nhất tâm này cũng gồm luôn cả tâm sở. Do đó, hành tướng của thức chính là liễu biệt. Mà liễu biệt chính là kiến phần của thức.
3. Sở duyên
1. Xứ: thế giới ngoại tại.
Nói là xứ, đó là thức dị thục, do ảnh hưởng của sự thành thục của chủng tử cộng tướng,[561] biến thành tợ sắc các thứ, thành khí thế gian, tức các đại chủng ngoại tại và các sắc sở tạo. Mặc dù sở biến của các hữu tình hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng tướng trạng của chúng tương tự, và xứ sở không khác;[562] như nhiều ánh đèn giao thoa nhau toàn diện tương tự như là một.
Nhưng, dị thục thức của ai[563] biến thái thành các tướng trạng ấy?
1. Có thuyết nói, tất cả.[564] Vì sao? Khế kinh nói, “(thế giới) xuất hiện do ảnh hưởng cộng đồng bởi lực tăng thượng của nghiệp của tất cả hữu tình.”[565]
2. Thuyết khác nói rằng,[566] nếu thế, chư Phật Bồ-tát hẳn phải thật sự biến hiện thành cõi tạp uế này. Trái lại, các hạng dị sinh thật sự biến hiện thành các cõi thanh tịnh vi diệu ở phương này hay phương khác. Lại nữa, các Thánh giả vốn nhàm chán cõi hữu sắc để sinh cõi vô sắc,[567] tất không tái sinh cõi dưới này, vậy sự biến thái thành cõi này có mục đích gì?
Nhưng, các loài đang tồn tại ở đây và sẽ tái sinh vào đây, dị thục thức của các hạng ấy biến thái thành thế giới này. Kinh dựa trên phần nhỏ mà nói là tất cả.[568] Các nghiệp đồng nhau đều cùng chung biến thái.
3. Có thuyết nói, nếu vậy, khi khí thế gian sắp hoại diệt ở đây không có loài đang tồn tại và sắp tái sinh đến, vậy dị thục thức của ai biến thái thành thế giới này?
Lại nữa, các dị sinh chán hữu sắc mà sinh vô sắc, hiện không có thân thuộc sắc, sự dự định biến thái thành cõi này có mục đích gì? Giả sử có thân thuộc sắc,[569] nhưng cùng với giới địa khí thế gian khác vốn quá cách biệt nhau về sự thô và tế, không y tựa lẫn nhau, duy trì lẫn nhau, vậy thì ở đây sự biến thái ấy có ích gì cho loài ở cõi kia?
4. Tuy nhiên, thế giới do biến thái ấy nguyên lai vì mục đích duy trì và thọ dụng cho sắc thân. Cho nên, nếu có khả năng để duy trì và thọ dụng cho thân thì cõi ấy được biên thái thành. Do vậy, giả sử có tái sinh ở phương khác hay ngay chính giới địa này, thức ấy vẫn có thể biến thái thành cõi này.[570]
Vậy, khí thế gian sắp hoại diệt hay bắt đầu sáng thành,[571] tuy không có hữu tình nhưng vẫn hiện hữu.
Đó là nói, tất cả cùng thọ dụng chung.[572] Nếu thọ dụng riêng biệt, chuẩn theo đây mà biết. Vì cái thấy của loài quỷ, loài người và chư thiên khác nhau.
2. Chấp thọ: đối tượng nội giới.
Các chủng tử,[573] chỉ cho chủng tử của tất cả pháp hữu lậu được duy trì bởi thức dị thục. Các chủng tử này được bao hàm trong tự tính của thức nên chúng cũng là sở duyên của thức.
Chủng tử của pháp vô lậu tuy y tựa thức này nhưng không cùng tính chất với nó nên không phải là sở duyên. Tuy không phải là sở duyên, nhưng không tương ly. Như Chân như tính không trái với duy thức.[574]
Thân hữu căn, đó là căn thuộc sắc và y xứ của căn mà thức dị thục, do ảnh hưởng bởi sự thành thục của chủng tử cộng tướng, biến thái thành ảnh tợ; tức sắc sở tạo và đại chủng nội tại. Và cũng ảnh hưởng bởi sự thành thục của chủng tử cộng tướng, nó cũng biến thái thành ảnh tợ nơi tha thân. Nếu không thế, sự thọ dụng nơi tha thân trở thành vô nghĩa.[575]
Trong đây, có giải thích nói nó cũng biến thái thành ảnh tợ căn. Biện trung biên nói, “Xuất hiện ảnh tợ như là năm căn của tự thân và tha thân.”[576]
Giải thích khác nói,[577] duy chỉ có thể biến thái thành tợ ảnh là y xứ;[578] vì căn của tha thân không phải là sở dụng của tự thân. Điều [mà Biện trung biên] nói, “Xuất hiện ảnh tợ như là năm căn của tự thân và tha thân,” đó là nói tự thức và tha thức tự biến riêng biệt. Vì vậy, khi tái sinh vào địa giới khác hay nhập Bát-niết-bàn, thi hài còn lại của vị ấy vẫn được thấy còn tiếp nối tồn tại.
4. Biến thái đặc biệt
Trên đây đã nói về sai biệt của địa giới, nội thận, ngoại giới, được biến thái bởi ảnh hưởng của nghiệp. Nếu là giới địa, thân, khí (ngoại giới) được biến thái bởi các lực,[579] định lực, v.v., tự và tha không xác định.
Thân và khí được biến thái phần lớn hằng tương tục. Thanh và ánh sáng, v.v.,[580] được biến thái phần lớn là tạm thời; vì chúng được kích phát bởi lực của hiện duyên.
Nói một cách tóm tắt, cảnh biến thái bởi thức này là chủng tử hữu lậu, 10 xứ thuộc sắc,[581] và sắc thật được biến hiện thuộc pháp xứ.[582]
Vì sao thức này không biến thái thành ảnh tợ như tâm và tâm sở các thứ[583] để làm sở duyên? Tóm tắt, sự biến thái của thức hữu lậu có hai loại: 1. biến tùy theo thế lực của nhân duyên;[584] 2. biến tùy theo thế lực của phân biệt.[585] Biến thứ nhất tất có tác dụng. Biến thứ hai chỉ là cảnh vực.[586] Sự biến thái của dị thục thức chỉ tùy theo nhân duyên; sắc các thứ được biến thái (bởi thức này) tất có tác dụng thực tiễn. Nếu nó (dị thục thức) biến thái thành tâm các thứ tất không có thật dụng, bởi vì tâm như là tướng phần (đối tượng) thì không thể duyên (như là chủ thể).[587] Những gì có nhu cầu về hoạt dụng thực tiễn từ thức này[588] thì đặc biệt từ nó được sản sinh.
Nếu nó biến thái thành vô vi các thứ;[589] vô vi, v.v., không có tác dụng thực tiễn.[590] Cho nên, thức dị thục không vin vào tâm các thứ để làm đối tượng.
Cho đến trạng thái vô lậu, nó tương ưng với huệ ưu việt, tuy vô phân biệt nhưng vì trừng tịnh, nên giả sử vô vi v.v. không có tác dụng thực tiễn nó vẫn biến hiện ảnh tợ của chúng.[591] Nếu không thế, chư Phật tất không phải là biến tri.[592]
Cho nên, trong trạng thái hữu lậu, thức dị thục này chỉ duyên khí (thế gian), thân, và chủng tử hữu lậu. Tại Dục giới và Sắc giới, đủ cả ba sở duyên.[593] Trong Vô sắc giới, vin vào chủng tử hữu lậu làm đối tượng. Vì ở đây do nhàm chán sắc nên không tồn tại sắc như là quả của nghiệp, mà tồn tại sắc như là quả của định. Điều này không mâu thuẫn với lý tính. Thức này cũng duyên vào sắc (quả của định) ấy làm đối tượng.
5. Bất khả tri
Nói “không thể biết”[594] vì hành tướng của thức này cực kỳ vi tế nên rất khó để nhận thức. Hoặc, sở duyên của nó là cảnh được chấp thọ nội tại cũng vi tế, và lượng[595] của khí thế gian ngoại tại rất khó ước lượng; do đó nói là “không thể biết”.
Vì sao hành tướng của cảnh sở duyên là đối tượng mà thức này tiếp nhận lại rất khó biết?[596] Thì cũng như trong diệt tận định, thức không rời thân.[597] Và cũng nên tin là có.[598]
Cố nhiên, cần phải thừa nhận rằng trong diệt tận định thức vẫn tồn tại, vì (vị nhập định) vẫn thuộc về hữu tình. Như trong trạng thái hữu tâm.[599]
Trong các trạng thái vô tưởng,[600] nên biết, cũng vậy.


Chú thích:
[292] Cf. Tăng nhất A-hàm 12 (T2n125, tr.607c14): “Đây là ba tướng hữu vi của hữu vi. Biết tập khởi do đâu. Biết sẽ biến thiên. Biết sẽ diệt tận.” Cf. Pali, Anguttara 1.152, tīṇīmāni bhikkhave saṃkhatakhaṇāni. katamāni tīṇi. uppado paññāyati, vayo paññāyati, ṭhitassa aññathattaṃ paññāyati. “Có ba đặc tướng hữu vi của (pháp) hữu vi. Sự sinh khởi được biết. Sự diệt tận được biết. Sự biến thái của cái đang tồn tại được biết.” Hữu bộ lập bốn tướng, Kośa k.11.45c-d: lakṣaṇāni punar jātir jarā sthitir anityatā, etāni hi saṃskṛtasya catvāri lakṣaṇāni, “Đây là bốn đặc tướng của hữu vi: sinh, lão, trụ, vô thường.” Kinh nói có 3, trong đó, trụ dị (Skt. sthityanyathātva: sự biến thái của cái đang tồn tại) được phấn tích thành trụ (an trụ) và dị (biến dị).
[293] Ngữ pháp Sanskrit, biến cách danh từ thứ sáu chỉ sở thuộc cách, giả thiết hai sự thể biệt lập để cái này là sở thuộc của cái kia. Thuật ký dẫn thí dụ: như chiếc áo của Thiên Thọ.
[294] Cf. dẫn chứng của Tì-bà-sa 39 (T27n1545, tr.199c25): “Có ba tướng hữu vi của hữu vi. Sự sinh khởi của hữu vi cũng có thể được liễu tri; tận và trụ dị cũng có thể được liễu tri. Không có sự sinh khởi của vô vi để có thể được liễu tri; không tận và trụ dị để có thể được liễu tri.”
[295] Tì-bà-sa, ibid., bác bỏ Thí dụ sư (Dārṣṭāntika) quan niệm ba tướng hữu vi không cùng tồn tại trong cùng một sát-na. Hữu bộ chủ trương, trong một sát-na biểu hiện đủ ba tướng. Thể đồng nhất, nhưng dụng có trước sau. Thuận chánh lý 13 (tr.9b29): “Trạng thái (phần vị) phát khởi tác dụng của bốn tướng không đồng nhau... Cùng trong một thời, mỗi tướng phát sinh tác dụng riêng biệt.”
[296] Thuật ký, dẫn thí dụ: như khổ và lạc.
[297] Thuật ký: quan niệm của Hữu bộ, dụng không tách rời thể. Thể của pháp là hằng hữu.
[298] Kośa k.ii. 46c-d: janasya janikā jātir na hetupratyayair vinā, sự sinh làm phát sinh cái được sinh không phải không do nhân và duyên.
[299] Câu-xá 5 (tr.28c04), Hữu bộ: đặc tướng sinh thuộc vị lai, nhưng do sự hòa hiệp của nhân và duyên (hetupratyayasāmagrya) nó làm sinh khởi pháp được sinh hiện tại. Kinh bộ, nếu vậy pháp được sinh khởi do ảnh hưởng của nhân duyên, cần gì đến đặc tướng sinh?
[300] Hữu bộ: thể của pháp hữu vi thường hàng tồn tại trong cả ba thời. Pháp vô vi cũng hằng hữu.
[301] Câu- xá, ibid., thể của vô vi hằng thường hiện hữu, sao không nói là sinh? Kinh bộ và Hữu bộ đều quan niệm pháp vô vi không sinh.
[302] Kinh bộ, pháp thuộc quá khứ và vị lai không có tự thể.
[303] Thuận chánh lý 14 (tr.409c24): đặc tướng sinh thuộc vị lai; khi xuất sinh, nó khiến cho các pháp sinh khởi. Chính đó là tác dụng. Công năng (tiềm thế) không phải là tác dụng (hiện thế). Cf. Tì-bà-sa 3 (tr.12b04): Các pháp có thể có tác dụng ở vị lai, có 3 loại: nội pháp như khổ pháp trí nhẫn; ngoại pháp như áng sáng mặt trời v.v.; nội ngoại pháp như đặc tướng sinh.
[304] Câu-xá 5 (tr.27c29): “Trong từng sát-na từng sát-na, cái trước kia không hiện hữu (bản vô) nay hiện hữu, gọi là sinh; sau khi hiện hữu, nó không hiện hữu nữa (vô), gọi là diệt (Bhāṣya: pratikṣaṇam abhūtvā bhāva utpādaḥ; bhūtvā’ bhāvo vyayaḥ). Cf. Thuận chánh ly 14 (tr.410c23): “Từ chưa sinh là vô mà sẽ sinh là hữu; từ đã sinh là hữu mà sẽ diệt là vô; cho nên cái vô thuộc quá khứ và vị lai cùng cái hữu thuộc hiện tại không có tính cố định.”
[305] Phát trí: “Thế nào là trụ? Hết thảy các hành đã sinh mà chưa diệt.” Dẫn bởi Bhāṣya: sthitiḥ kataṃā? utpannānāṃ saṃskārāṇām avināśaḥ.
[306] Bhāṣya: jātir apūrvo bhāvaḥ sthitiḥ prabandho, sinh, là trước kia không mà nay hiện hữu; trụ, là chuỗi tiếp nối của nó.
[307] Câu-xá 5 (tr.28a23): Hữu bộ, 4 tướng hữu vi; sinh thuộc vị lai; trụ, dị và diệt thuộc hiện tại. Tì-bà-sa 38 (tr.198a23): Pháp mật bộ (Dharmagupta) nói 3 tướng đầu thuộc hữu vi, tướng diệt thuộc vô vi. Du-già 46 (tr.544b02): “Trong từng sát-na, các hành hữu vi đều có ba tướng hữu vi. Sau sát-na là tướng thứ tư của hữu vi.”
[308] Thuật ký: như lông rùa, trước không tồn tại, sau cũng không tồn tại, nên không lập làm đặc tướng.
[309] Kośa k.ii. 47a-b, nāmakāyādayaḥ saṃjñāvākyākṣara-
samuktayaḥ, danh thân, cú thân và văn thân là tổng thuyết (hợp thể) của ý tưởng, chương cú và âm tiết. Trong đó, nāmakāya chỉ các danh từ như rūpa (sắc), śabda (thanh), v.v.; padakāya, chỉ thành cú hay mệnh đề như anityā bata samskārāḥ, “ôi, các hành là vô thường.” vyañjana, văn = akṣara, âm tiết như nguyên âm: a ā i ī; phụ âm: k, c, ṭ, t, p.
[310] Cf. dẫn bởi Thuận chánh lý 14 (tr.413c20).
[311] Hữu bộ có hai giải thích về danh từ: thanh sinh luận và thanh hiển luận; Câu-xá Quang ký 5 (T41n1821, tr.109b29): sinh, như hạt giống nảy sinh mầm. Hiển, như đèn rọi sáng vật. Kinh bộ bác bỏ (Câu-xá 5, tr.29b8): vì tự thể của ngữ (vāk) là âm thanh (ghoṣamātra), nên mọi âm thanh, như tiếng kêu của con vật, cũng sinh (janayati) hay hiển (dyotayati) danh.
[312] Câu-xá, ibid., do âm thanh đặc biệt phát sinh danh. Sphuṭatha: viśiṣṭa eṣa ghoṣo yo varṇātmikaḥ sambhāvitaḥ, âm thanh sai biệt là thanh phát âm khuất khúc.
[313] Thuận chánh lý 14 (tr.414a6), đặc tướng của thanh là không sai biệt; tính khuất khúc của nó là do các âm tiết như k(a), c(a), ṭ(a), t(a), p(a). Các âm tiết này là ngữ thanh, tiếp nối nhau, hòa hiệp phát sinh danh (nāma); danh soi rõ nghĩa (nāmārthaṃ dyotayati). Vậy, danh tồn tại dị biệt thanh. Vì Sanskrit là ngôn ngữ đa âm, một từ do nhiều âm tiết hợp thành.
[314] Chỉ hình dạng vuông, tròn, dài, ngắn, v.v. của sắc xứ.
[315] Thuận chánh lý 14 (tr.414c02): Sai biệt của thanh biểu đạt theo khế ước. Sai biệt của sắc, như xanh và vàng, nhận biết không theo khế ước.
[316] Thuật ký, phản vấn của Hữu bộ. Cf. Thuận chánh ly 14 (tr.414a21): Duy chỉ thanh chưa đủ để biểu đạt. Phải do ngữ phát ra âm tiết (tự). Âm tiết hợp thành danh. Danh mới biểu đạt ý nghĩa.
[317] Thanh này, chỉ thanh nội xứ, tức tiếng nói. Thanh kia, chỉ tiếng đàn, sáo, v.v…
[318] Chỉ tiếng đàn sáo. Thuật ký, trong Đại thừa, tiếng cây rừng cũng thuyết pháp; cũng như ngôn ngữ của người huyễn hóa. Tức cũng biểu đạt ý nghĩa. Tì-bà-sa 122 (tr.639c2): Ngôn ngữ (của người) huyễn hóa có phải là nghiệp không? Có thuyết nói, cũng là nghiệp, vì do tâm phát. Có thuyết nói, không phải ngữ nghiệp, mà chỉ là ngữ thanh.
[319] Quan điểm Hữu bộ, chỉ nội thanh xứ mới có khả năng biểu đạt. Ngoại thanh xứ như tiếng gió, tiếng chuông, không có biểu đạt. Tiếng đàn sáo có âm vận khuất khúc; tiếng gió, chuông không có khuất khúc.
[320] Câu-xá 5 (tr.29a24): ngữ là âm thanh (ghośo hi vāk)... nhưng không phải duy âm thanh đều là ngữ (na vai ghoṣamātraṃ vāk).
[321] Thuận chánh lý 14 (tr.414a21): Không phải duy chỉ thanh (ghośamātra) đủ để hiển nghĩa. Phải do ngữ (vāk) phát ra âm tiết (tự; akṣara). Âm tiết tạo thành danh (nāma). Danh mới biểu nghĩa.
[322] Thuật ký, ngữ thanh là nội thanh... Không phải hết thảy nội thanh đếu sinh danh. Không phải hết thảy nội thanh đều biểu đạt.
[323] Phản bác của đối phương (Hữu bộ). Cf. Nhập A-tì-đạt-ma 2 (T28n1554, tr.987c27): “Ngữ âm không trực tiếp biểu đạt ý nghĩa. Khi phát âm lửa, không vì thế mà bỏng miệng.”
[324] Kinh bộ chủ trương pháp thể không thực hữu trong quá khứ và vị lai. Khi phát danh từ rūpa (sắc); trong đó âm -pa sinh thì âm rū- đã diệt. Danh không thực hữu nên không thể biểu đạt ý nghĩa; “Danh là thanh được ước định ý nghĩa.” (Bhāṣya: tatrārtheṣu kṛtvādhiḥ śabdo nāma; cf. Câu-xá 5, tr.29b25). Do đó không thể quả quyết cái biểu đạt ý nghĩa ước định (tức danh, theo Hữu bộ) có tự thể biệt lập với ngữ.
[325] Cf. Câu-xá 5 (tr.29b18): “Bậc trí phân tích kỹ không thấy có sự khác biệt ngữ (vāk) và văn hay tự mẫu (vyañjana).”
[326] Thiên Ái (Devānāṃ-priya), chỉ người ngu khờ. Câu-xá Quang ký 4 (T41n1821, tr.77b3): “Phương Tây gọi đùa nhau là Thiên Ái; nghĩa là, chỉ nhờ trời mà sống được thôi.”
[327] Phần vị sai biệt (Skt. vyavasthāna), Thuật ký 2b: “Như tiếng Phạn chước-xô (Skt. cakṣu: con mắt). Nói chước hay xô, chưa chỉ cho cái gì; đó gọi là phần vị của tự. Hai tiếng ấy hiệp lại mới biểu đạt pháp thể, chỉ cho con mắt; đó gọi là phần vị của danh. Lại thêm a-tát-hòa-phược 阿薩和縛 (Skt. āsrava: lậu), cho nghĩa là “con mắt hữu lậu.” Đó là phần vị của cú.
[328] Danh, tên gọi bản thân một sự vật. Bhāṣya: tatra saṃjñākaraṇaṃ nāma, danh là sự tác tưởng, tức gây ấn tượng về một sự vật. Thuận chánh lý 14 (tr.413a02): “Tổng thuyết của tưởng gọi là danh thân (saṃjñāmuktayo nāmakāyāḥ)... Tổng thuyết, nghĩa là hiệp tập (samavāya).” Câu-xá Quang ký 5 (tr.108a23): “Tiếng Phạn na-ma, có các nghĩa như tùy (đi theo), quy (về), phó (chạy đến), triệu (kêu gọi)... Tiếng Phạn tăng-nhã (saṃjñā), dịch là tưởng, có nghĩa là cùng lập khế ước.
[329] Câu-xá Quang ký 5: Tiếng Phạn bạt-đà (pada), dịch là tích (dấu chân)... Phạn bạc-ca (vākya), dịch là chương... Sai biệt, nghĩa là mỗi sự vật có phẩm tính và hoạt dụng riêng. Như nói, “Đề-bà-đạt-đa dẫn con bò mun đến vắt sữa cho Hòa-thượng uống.”
[330] Quang ký, ibid., tiếng Phạn tiện-thiện-na (vyañjana) dịch là chương hiển (rõ bày).. Phạn ác-xoa-la (akṣara), dịch là tự, nghĩa là không lưu chuyển.
[331] Quang ký, ibid., tiếng Phạn ca-da (kāya) dịch là thân, nghĩa là tụ tập.
[332] Thuật ký (288c4): “Giả, tức danh, v.v., Thực, thanh là thực hữu.”
[333] Bốn vô ngại giải (catasraḥ pratisaṃvidaḥ): pháp (dharma-), nghĩa (artha-), từ (nirukti-), biện (pratibhāna-).
[334] Thuật ký (88c10): pháp vô ngại giải lấy giả danh làm đối tượng. Từ vô ngại giải lấy thanh thực hữu làm đối tượng.
[335] Tùy miên (anuśaya): tùy tùng miên phục, nằm tiềm phục theo, chỉ sáu phiền não căn bản. Định nghĩa, cf. Câu-xá 22 (tr.108a21): vi tế (aṇava), tùy tăng (ubhayato’ nuśerate), tùy trục (anugata) hay tùy phược (anubadhnanti). Cf. Tì-bà-sa 50 (tr.257b16).
[336] Quan điểm Hữu bộ, các tùy miên là các hành tương ưng tâm. Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika), Hóa địa bộ (Mahīśāsika): hành không tương ưng tâm. Kinh bộ: thể của tùy miên không phải tương ưng, cũng không phải không tương ưng (Câu-xá 19, tr.99a1).
[337] Hiện tham, Thuật ký (tr.289b01): hiện hành tham. Câu-xá 19 (tr.99a4): “Phiền não trong trạng thái ngủ gọi là tùy miên; trong trạng thái thức gọi là triền (paryavasthāna). Ngủ, là khi chủng tử tiềm phục theo mà không hiện hành. Thức, là khi phiền não hiện khởi quấn chặt (triền) tâm.” Thuật ký, ibid., quan điểm của Duy thức, các tùy miên là các pháp thuộc tâm và tâm sở. Chúng là các chủng tử trong thức thứ tám.
[338] Vô vi pháp, Skt. asaṃskṛta-dharma; Tì-bà-sa 76 (tr.392c21): “Pháp không sinh, không diệt, không nhân, không quả, mang đặc tướng vô vi; đó là pháp vô vi.” Hữu bộ thừa nhận có 3 pháp vô vi: hư không, trạch diệt, phi trạch diệt. Kinh bộ không thừa nhận vô vi là thực hữu (Câu-xá 6, tr.34a12). Hữu bộ dẫn kinh chứng, thuyết minh vô vi thực hữu (Câu-xá 6, tr.34b20). Cf. Pali, A.iii.34, yavatā cundi dhammā saṅkhatā vā asaṅkhatā vā virago tesaṃ aggaṃ akkhayati, “Này Cundi, trong các pháp hữu vi và vô vi, ly dục là tối thượng.”
[339] Thuật ký (tr.289b25), gồm các pháp được nhận thức bằng hiện lượng.
[340] ibid., pháp giả, nhận thức bằng phi lượng.
[341] ibid., pháp được nhận thức bằng tỷ lượng.
[342] Câu-xá 1 (tr.?): “Tự thể không chướng ngại, là hư không (vô vi); trong đó, là trường vận động của sắc (Bhāṣya: anāvaraṇasvabhāvam kāśam, yatra rūpasya gatiḥ).
[343] Cf. Tì-bà-sa 10 (tr.46a17): “Tất cả hư không vô vi, hoặc được quan niệm là một vật; hoặc được quan niệm là nhiều vật.”
[344] Diễn bí 2 (tr.852c12): “Trong và ngoài pháp đều là hư không, nói là hư không (bao) dung và (phổ) biến.”
[345] Kết, Skt. saṃyojana, chỉ phiền não, vì trói buộc và dẫn dắt đến tái sinh. Kết có 5 bộ (pañca nikāyāḥ) phiền não: kiến khổ đoạn cho đến kiến đạo đoạn, và tu sở đoạn. Mỗi bộ có 9 phẩm phiền não (nava-prakārāṇāṃ kleśānām), tức 9 bậc sâu cạn.
[346] Trạch diệt, định nghĩa của Câu-xá, k.i. 6a: pratisaṃkhyā-nirodho yo visaṃyogaḥ, trạch diệt là sự ly hệ (dứt trừ kết phược); tức là diệt đạt được do tuệ giản trạch.
[347] Phi trạch diệt, Skt. apratisaṃkhyā-nirodha, diệt đạt được không do giản trạch, mà do khuyết duyên nên pháp vĩnh viễn không tái sinh trong tương lai (Câu-xá, k.i. 6c-d: utpādātyantavighno’nyo nirodho’ pratisaṃkhyayā).
[348] Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika), Nhất thuyết bộ (Ekavyavahārika), Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda), Kê dận bộ (Kaukkuṭika), thừa nhận có 9: ngoài 3 vô vi như Hữu bộ, thêm 4 vô sắc xứ, duyên khởi chi tính và Thánh đạo chi tính. Hóa địa bộ thừa nhận 9, thay 4 vô sắc xứ, bằng bất động, thiện pháp, bất thiện pháp và vô ký. Duy thức thừa nhận 6: như Hữu bộ, thêm bất động, tưởng thọ diệt và chân như.
[349] Thuật ký (tr.291a03): “Do biến thái của thức, nó không có bản chất. Như cực vi.” Liễu nghĩa đăng (tr.714a21): “Thức biến, tức đối tượng độc ảnh xuất hiện từ chủng tử của kiến phần chứ không có chủng tử riêng biệt.”
[350] Cf. Hiển dương 18 (tr.572a25): “Hư không vô vi, do đặc tướng của đối tượng của tâm tương tự nên giả lập là thường.”
[351] Chân như được nhận thức với đặc tướng không chướng ngại, khi ấy được gọi là hư không vô vi. Cf. Kośa k.i. 5d: tatrākāśam anavṛtiḥ, ở đây, hư không (vô vi) là cái không chướng ngại.
[352] Cf. Câu-xá 1 (tr.1c15), Bhāṣya: yaḥ sāsravair dharmair visaṃyogaḥ sa prati-saṃkhyānirodhaḥ... prajñāviśeṣas tena prāpyo nirodhaḥ, “Trạch diệt, là sự thoát ly các pháp hữu lậu... tức diệt đạt được do trí tuệ đặc thù.”
[353] ibid., k. 1. 6c-d: utpādātyantavighno’ nyo nirodho’ pratisaṃkhyayā, “phi trạch diệt, là một loại diệt khác do vĩnh viễn cản ngại sự sinh khởi (tương lai).”
[354] Skt. aniñja. Thuật ký (tr.291b19): “Khi thoát ly dục tham của tĩnh lự thứ ba (biến tịnh dục, śubhakṛtsnarāga) mà đạt được sự diệt trừ hết thảy khổ lạc; chân như khi ấy được gọi là bất động vô vi.” Cf. Du-già 53 (tr.592c13); Tạp tâm luận 2 (tr.700a29); Hiển dương 1 (tr.484c04).
[355] Skt. saṃjñāvedayitanirrodha. ibid.,: Thoát ly dục tham của vô sở hữu xứ (akiñcanyā-yatana), tưởng và thọ không hiện hành.
[356] Bác bỏ Nhất thuyết bộ (Ekavyavahārika), cho rằng hết thảy pháp thế gian và xuất thể gian duy chỉ giả danh, không thực thể.
[357] Thuật ký (292b13), các pháp chỉ ba tụ pháp: sắc, bất tương ưng hành và vô vi. Trừ tâm và tâm sở.
[358] Sở thủ và năng thủ (Skt. grāhya-grāhaka), xem tụng 19 phần sau.
[359] Tâm và tâm sở khi trở thành đối tượng nhận thức.
[360] Giác (buddhi), trí năng, chỉ hoạt động của tâm và tâm sở
[361] Khi tâm này là tha tâm trí, lấy tâm và tâm sở kia làm đối tượng. Cf. Nhị thập luận (T31n1590, tr.77a24): “Tha tâm trí không nhận thức đối tượng một cách như thực, cũng như trí nhận thức tự tâm.” Cf. Viṃśati, k.19: paracittavidāṃ jñānam ayathārthaṃ kathaṃ yathā/ svacittajñānaṃ.
[362] Skt. grāhaka, xem cht. 358.
[363] Cf. Nhiếp Đại thừa luận thích 5 (T31n1597, tr.344a20): 8 thí dụ, huyễn sự, v.v., cho đến trăng dưới nước và biến hóa, chỉ cho tính hư vọng bất thực của pháp y tha khởi.
[364] Skt. sahaja-dharmagraha.
[365] Nội nhân lực, tác động của chủng tử (bīja) như là nguyên nhân nội tại.
[366] Thuật ký tập thành 12 (tr.294c14): “An Tuệ nói, thức thứ sáu đủ cả ngã và pháp chấp. Thức thứ bảy chỉ có pháp chấp. Tám thức đều có pháp chấp.”
[367] Thắng pháp không quán; Thuật ký (293b28): giản trừ du quán tâm. Thuật ký tập thành 12 (251b15): giai đoạn chưa đoạn trừ mê hoặc, trí căn bản và hậu đắc đều là du quán.
[368] Thuật ký, ibid., kể luôn cả ảnh hưởng nguyên nhân nội tại (chủng tử). Ngoại duyên, tức tà giáo.
[369] Thuật ký, ibid., uẩn, xứ, giới mà Tiểu thừa quan niệm cũng xem như tà giáo.
[370] Tự tánh (prakṛti), v.v., các quan điểm của Số luận (Saṃkhyā) và các triết thuyết khác.
[371] Cf. Giải thâm mật 3 (T16n0676, tr.698b2).
[372] Xem cht. 363 trên.
[373] Sở duyên duyên; Skt. ālambana-pratyaya.
[374] Nghĩa đăng 2 (tr.15a29): “Pháp ngoài thức trong quan điểm của Tiểu thừa, giả hay thật đều không tồn tại nên không thể làm điều kiện sở duyên. Sở duyên theo quan điểm Đại thừa là cái không ngoài thức, vì giản trừ biến kế, do đó đều có thể nói là thực, và có thể làm điều kiện sở duyên.”
[375] Tụ tâm, tâm sở làm đối tượng cho tha tâm trí.
[376] Xem cht. 361 trên. Đối tượng của tha tâm trí là bất thực.
[377] Phi sở duyên. Như âm thanh là phi sở duyên đối với con mắt.
[378] Thuật ký (tr.294b1): “Tha tụ, chỉ tha thân. Hoặc tám thức trong tự thân đối nhau cũng được gọi là thức của tha tụ.”
[379] Đồng tụ, pháp tương ưng tâm cùng một tụ. Các luận sư Câu-xá: tương ưng, tức tương ưng với tụ của tâm khởi lên đồng thời. Tâm sát-na trước và tâm sát-na sau không đồng thời nên nói là không tương ưng. Cf. Nghĩa đăng 2 (tr.715c6).
[380] Tì-bà-sa 9 (tr.42c12): “Đại chúng bộ nói, vì bản chất của trí là nhận thức nên nhận thức được chính nó và cái khác, như ánh đèn tự chiếu đồng thời chiếu sáng cái khác... Pháp mật bộ nói, tuệ, v.v., có thể nhận thức được thọ tương ưng... Hóa địa bộ chủ trương tâm, tâm sở pháp có thể nhận thức pháp câu hữu...”
[381] Thuật ký (tr.294c8): kinh Hậu nghiêm. Thuật ký tập thành 12 (tr.254b28): “Hậu nghiêm kinh, tức Mật nghiêm kinh. Dẫn trong bản dịch của Huyền Trang cùng với kinh Mật nghiêm hiện hành (T16n681, tr.682) không đồng bản.”
[382] Thuật ký (tr.294c13): nạn vấn của Phệ-thế-sư (Vaiśeṣika). Diễn bí (tr.854c7): Cũng có thể kể luôn Độc tử bộ và các thuyết chấp ngã. Sthiramati: anyasvāha. asaty ātmani mukhye dharmeṣu copacāro na yujyate. “Có vị khác nói, nếu tự ngã không tồn tại, sự giả thác trong các pháp hiện tiền không thể có.”
[383] Skt. upacāra: giả thuyết hay giả thác, giả thi thiết. Xem cht.15 trên.
[384] Ba yếu tố để thành giả thác: chân sự (mukhyapadārtha), tợ sự (tatsadṛśa-viṣaya), và cộng pháp (sādhāraṇa-dharma).
[385] Sthiramati: agnir māṇavaka ity upacāraḥ kṛyate, giả thác rằng “Thiếu niên này là lửa.”
[386] Hán: mãnh xích 猛赤. Sthiramati: kapilatve tīkṣṇatve vā, tính chất vàng (màu da) hay nóng.
[387] Bác bỏ chân sự.
[388] Bác bỏ tợ sự và cộng pháp. Sthiramati: ubhayathāpy (jātir dravyam) upacārābhāvaḥ, không tồn tại sự giả thác như là chủng loại và thực vật. Thuật ký (tr.295b9): “Loại (Skt. jāti), tức tính, tức chỉ đồng dị (=dị cú nghĩa: viśeṣa-padārtha, Thắng luận), chứ không phải cú nghĩa đại hữu (tức đồng cú nghĩa: sāmānypadārtha, Thắng luận)... Thực, tức thực cú nghĩa (dravya-padārtha) như đất, nước, v.v…” Xem cht.104 trên.
[389] Hán: loại hữu, Skt. jāteḥ sādhāraṇa: đồng hữu, hay tính chất cộng thông, cộng hữu, của chủng loại Sthiramati: na jāteḥ sādhāraṇaṃ kapilatvaṃ tīkṣṇatvaṃ vā, “tính chất vàng và nhạy bén không phải là tính chất chung của chủng loại.” Hán: mãnh (Skt. tīkṣṇa: nhạy bén hay hay mãnh lợi) tức hành và xích (Skt. kapilatva: màu vàng) tức sắc, 2 trong 24 cú nghĩa đức (guṇa-padārtha) của Thắng luận. Thuật ký (295b19): mãnh xích là đức (guṇa) của thực (dravya) hỏa, không phải đức của đồng dị (viśeṣa). Xem đoạn phê bình Thắng luận trên.
[390] Cộng đức: tính mãnh xích có chung nơi cả hai. Nhưng trong thí dụ: “Người này như lửa”; phẩm tính đỏ và nóng của lửa không có nơi người, như nước.
[391] Người khi giận thì đỏ mặt và nóng nảy như lửa; nhưng khi vui thì những phẩm tính này không có nơi người.
[392] Sthiramati: nāpi dravyopacāraḥ sāmānyadharmābhāvāt, sự giả thác y trên thực cũng không có, vì không tồn tại pháp đồng hữu (= đồng cú nghĩa, Thắng luận; xem đoạn phê bình Thắng luận ở trên).
[393] Thuật ký (tr.296a17): Người đời nói, “người như lửa”, chứ không nói “đỏ như đỏ.” Nóng, đỏ, là phẩm tính (đức) của lửa.
[394] Skt. mukhya-padārtha, cú nghĩa cố hữu (=bản nhiên).
[395] Sthiramati: tatsvarūpasya sarvajñānābhidhānaviṣayāti-krāntatvāt, tự thân của chân sự ấy vốn siêu việt cảnh vực của hết thảy nhận thức và ngôn thuyết.
[396] Thuật ký tập thành 12 (tr.257c26): tỉ lượng hữu lậu gọi là giả trí; chỉ nhận thức được cộng tướng.
[397] Cộng tướng (Skt. sādhāraṇa), nhưng Sthiramati: pradhāna: thắng nhân, bản thể hay tự tính; pradhāne hi guṇarūpeṇaiva jñānābhidhāne pravartate tatsvarūpāsaṃsparśāt, do sắc thái phẩm tính mà nhận thức và ngôn ngữ vận hành trong bản thể chứ không xúc chạm đến tự thân của bản thể.
[398] Sthiramati: na hi jñānābhidhānavyatirikto’ nyapadārtha
-svarūpaparicchitty upāyo’ sti, “nếu không có nhận thức và ngôn ngữ, không có phương tiện nào để phán định bản chất của hiện thực nơi các khác.”
[399] Năng thuyên và sở thuyên. Sthiramati: evaṃ yāvac chabde sambandhābhāvāj jñānādhānābhāva evaṃ cābhidhānā-bhidheyābhāvān naiva mukhyaḥ padārtho’ sti, cũng như không có chuỗi liên tục nơi âm thanh thì không có nhận thức và ngôn ngữ, cũng vậy, năng thuyên và sở thuyên không tồn tại nên cú nghĩa hiện thực của bản nhiên cũng không tồn tại. Thuật ký (tr.297a15): Như khi nghe một tên gọi nào đó bèn duyên vào đó mà khởi lên nhận thức, hoặc khởi lên ngôn thuyết.
[400] Hán: tăng ích. Thuật ký (tr.297c04): “Cộng tướng được thêm vào (tăng ích) trên tự tướng, là hữu pháp có tính y tha. Nghĩa là, một đặc tướng của sắc được gắn lên chung cho các sắc, gọi là tăng ích.”
[401] Sthiramati: sarvaś ca śabdaḥ pradhāne’ vidyamāne-naiva guṇarūpeṇa pravartate, hết thảy âm thanh không được tìm thấy trong tự tính (=bản thể) nhưng hoạt động với hình thái phẩm tính. Nghĩa là âm thanh được nhận thức với cộng tướng chứ không với tự tướng; nhận thức trong chuỗi liên tục của nó.
[402] Thuật ký (298a1), kinh Hậu nghiêm. Xem cht.381 trên.
[403] Thức sở biến tướng; Thuật ký (tr.298a8): “Tướng trạng của kiến phần và tướng phần mỗi mối có đến vô lượng.” Xu yếu (tr.629b18): “Biến hai có nghĩa: chuyển biến và biến hiện.” Xem cht. 16 trên.
[404] Dị thục; Thuật ký (298a19): tiếng Phạn là tì-bá-ca 毘播迦 (Skt. vipāka); tì nghĩa là đổi khác (dị); bá-ca nghĩa là chín (thục). Câu-xá 2 (tr.9a25): “Nghiệp được tạo tác khi đưa đến kết quả thì biến thái để chín, nên nói là dị thục.” Bhāṣya: vipacyata iti vipāka, “nó được nấu chín muồi, gọi là cái chín muồi.” Do động từ căn pac: nấu chín. Sthiramati: tatra kuśalākluśalakarmavāsanāparipākavaśād yathākṣepaṃ phalābhinivṛttir vipākaḥ, “Ở đây, do thế lực của tập khí đã chín muồi của nghiệp thiện và bất thiện, theo đó mà dẫn đến sự hình thành kết quả, đó là dị thục.”
[405] Đa dị thục tính; ibid., trong 5 giai vị, từ phàm phu cho đến Như lai vị, danh từ dị thục tồn tại suốt cả 4 giai vị; trong 13 giai vị, nó cũng tồn tại suốt trong 12 vị. Vì vậy, nói là “phần nhiều.”
[406] Xu yếu (629a13): “Tư lương... vì thường xuyên duyên đến đối tượng nên tương tục thường xuyên hiện khởi. Hành tướng của nó với xa nên nói là thẩm.” Sthiramati: kliśṣṭaṃ mano nityaṃ mannātmakatvāt mananākhyaṃ, ý ô nhiễm, do tự thể của nó là thường xuyên tư duy quán sát nên nói là tư duy.
[407] Liễu cảnh, tức liễu biệt cảnh; Skt. vijñaptir viṣayasya: sự biểu thị của cảnh; sự thông tri về tồn tại của đối tượng. Do vi-jñapayati, thông tri cá biệt; thể sai khiến của động từ căn jñā: biết. Sthiramati: rūpādiviṣayapratyavabhāsatvāt cakṣurādivijñānaṃ ṣaṭprakāram api viṣayavijñaptiḥ, do làm hiển hiện các đối tượng như sắc v.v. sáu hình thái nhận thức như mắt v.v. được nói là sự thông tri (khu biệt) đối tượng (liễu biệt cảnh).
[408] Đối tượng của sáu thức đầu được nói là thô, Thuật ký (298b16): 1. vì đa phần; 2. vì dễ nhận biết; 3. chung cho nhận thức của các hữu tình; 5. nội và ngoại đạo đều quan niệm là tồn tại; 6. đối tượng bất cộng (cá biệt).
[409] Hán: cập 及, trong bài tụng Skt. ca.
[410] Skt. hetu-pariṇāma: sự biến thái bởi sự tồn tại của nhân (hetubhavena). Sthiramati: tatra hetupariṇāmo yā’ layavijñāne vipākaniṣyandavāsanāparipuṣṭiḥ, “Sự biến thái bởi nhân, đó là sự trưởng dưỡng của hai tập khí dị thục và đẳng lưu trong thức A-lại-da.” Thuật ký (298c04): “Nhân tức nguyên nhân, chỉ cho chủng tử... Biến, nghĩa là chuyển biến... Nguyên nhân trực tiếp có cùng bản chất, gọi là đẳng lưu. Đưa đến kết quả không cùng bản chất, gọi là dị thục” ibid., (298c14): “Nhân biến thái thành hiện hành đồng loại với chủng loại của nó và quả dị thục.”
[411] Thuật ký (298c20): “Đẳng là tương tợ; lưu là lưu loại. Tức chủng tử đồng tính chất với quả của nó... Tập khí được huân tập bởi danh ngôn gọi là tập khí của đẳng lưu.” Skt. niṣyanda (động từ căn ni-syand: tuôn xuống).
[412] Thuật ký (298c29): “Dị thục nhân là chủng tử của tăng thượng duyên. Tức là chủng tử được huân tập bởi hữu phần (hữu chi tập khí).”
[413] Skt. phalapariṇāma. Sthiramati: phalapariṇāmaḥ punar vipākavāsanāvṛttilābhād ālayavijñānasya purvakarmāk- ṣepa-parisamāptau yā nikāyasabhāgāntareṣv abhinir- vṛttiḥ, niṣyandavāsanāvṛttilābhāc ca yā pravṛttijñānāṃ kliṣṭasya ca manasa ālayavijñānād abhinirvṛttiḥ, “biến thái bởi quả, đó là sự hiện thành của thức A-lại-da trong các chúng đồng phần được thành mãn do sự chiêu cảm của nghiệp quá khứ, khi tập khí của dị thục đạt đến trạng thái hoạt động. Đó cũng là sự hiện thành từ thức A-lại-da của các chuyển thức và ý nhiễm ô (thức thứ bảy) do tập khí của đẳng lưu đạt đến trạng thái hoạt động.”
[414] Thuật ký (299b02): “Ở đây tự chứng phần biến hiện thành quả là kiến phần và tướng phần... Biến, có nghĩa là biến hiện.”
[415] Hán: dẫn nghiệp lực; Skt. karmākṣepavaśa. Tạp tập luận 7 (T31n1606, tr.728b16): “Nghiệp thiện và bất thiện khi cảm sinh dị thục trong các cõi thiện hay ác có hai loại khác nhau là nghiệp chiêu dẫn và nghiệp viên mãn. Nghiệp chiêu dẫn, do nghiệp này mà lôi kéo đến quả dị thục. Nghiệp viên mãn, do nghiệp này, sau khi sinh lãnh thọ quả đáng ưa hay không đáng ưa.”
[416] Sthiramati: tatra pravṛttivijñānaṃ kuśalākuśalam ālayavijñāne vipākavāsanāṃ niṣyandavāsanāṃ cādhatte/ avyākṛtaṃ kliṣṭaṃ ca mano niṣyandavāsanām eva, “chuyển thức thiện và bất thiện trầm tích trong A-lại-da thành tập khí dị thục và tập khí đẳng lưu. Duy chỉ ý nhiễm ô (mạt-na) thuộc tính vô ký thành tập khí đẳng lưu.”
[417] Hán: mãn nghiệp; xem cht. 415 trên.
[418] Tạp tập luận 5 (T31n1606, tr.716c3): “Duy chỉ A-lại-da và các pháp tương ưng là dị thục. Ngoài ra, là dị thục sinh... Vì xuất sinh từ dị thục.” Cf. Câu-xá 2: “Đước sản sinh do bởi nhân là dị thục nên gọi là dị thục sinh... Hoặc nghiệp đã được tạo tác khi đạt đến kết quả thì biến thái để chín muồi nên gọi là dị thục. Quả được sản sinh từ đó nên gọi là dị thục sinh.” Bhāṣya: tatra vipākahetor jātāḥ vipākajāḥ... phalakālaprāptaṃ vā karma vipāka ity ucyate vipacyata iti kṛtvā tasmāj jātā vipākajāḥ.
[419] Thuật ký (tr.299c24): “Nếu pháp là dị thục, sinh khởi từ dị thục, không gián đoạn, phổ biến, được gọi là dị thục, và dị thục sinh;... gián đoạn, không phổ biến, được gọi là dị thục sinh mà không gọi là dị thục; Nếu pháp không phải là dị thục, có gián đoạn, không phổ biến, tuy sinh khởi từ dị thục nhưng không gọi là dị thục, cũng không gọi là dị thục sinh.”
[420] Thuật ký (tr.300a11): “Mặc dù cả bảy thức đều có quả dị thục, nhưng chỉ năng biến thứ nhất là chân dị thục, vì nó được tích luỹ thành tự ngã, và vì nó duy trì chủng tử tạp nhiễm. Không phải tất cả nhứng gì được chiêu cảm bởi nghiệp đều là năng biến thứ nhất (a-lại-da).”
[421] tatrālayākhyāṃ vijñānaṃ vipākaḥ sarvabījakam//2/ asaṃviditakopādisthānavijñaptikaṃ ca tat/ sadā sparśamanaskāravitsaṃjñācetanānvitam//3/ upekṣā vedanā tatrānivṛtāvyākṛtaṃ ca tat/ tathā sparśādayas tac ca vartate srotasaughavat//4/
[422] Về ý nghĩa năng tàng và sở tàng, Sthiramati: atha vālīyante upanibadhyante’ smin sarvadharmmāḥ kāryabhāvena/ tad vālīyate upanibadhyate kāraṇabhāvena sarvadharme ity ālayaḥ, “hoặc trong trạng thái như là kết quả, các pháp được cất giấu, được an trí trong đó. Hoặc trong trạng thái như là nguyên nhân, nó được cất giấu, được an trí trong tất cả các pháp.”
[423] Sthiramati: tatra sarvasāṃkleśikadharmabījasthānatvād ālayaḥ/ ālayaḥ sthānam iti paryāyau/ ở đây, vì nó là trú xứ của hạt giống của tất cả pháp tạp nhiễm, nên được gọi là A-lại-da. A-lại-da đồng nghĩa với trú xứ. Nguyên nghĩa, ālaya chỉ cho cái nhà, chỗ trú ẩn, do đó Hán cũng có khi dịch là quật trạch (hang ổ). Về tạp nhiễm, Khuy Cơ: tiếng Phạn là tăng-cát-lệ-thước (sāṃkleśika).
[424] Thuật ký (tr.301b10): “Tự tướng (svalakṣaṇa) của thức này tuy có ba trạng thái (tam vị), nhưng ý nghĩa “tàng” được hàm ngụ trong trạng thái thứ nhất.” Ba trạng thái hay ba giai đoạn phát triên của thức này: 1. Trạng thái hiện hành với sự chấp tàng ngã ái, nơi Bồ-tát từ thất địa trở xuống. 2. Trạng thái như là kết quả của nghiệp thiện và ác, từ vô thủy cho đến Bồ-tát đắc kim cang tâm; đặc trưng với tên gọi dị thục. 3. Trạng thái chấp trì dòng tương tục; đặc trưng với tên gọi a-đà-na (chấp trì thức).
[425] Sthiramati: sarvadhātugatiyonijātiṣu kuślākuślakarmavipākatvād vipākaḥ, “Vì là trạng thái đã chín muồi của nghiệp thiện và bất thiện trong các giới, các thú (định hướng), các sinh loại và các chủng loại, nó được gọi là dị thục.”
[426] Thuật ký: Thắng dị thục chỉ chân dị thục, ký ức bản thân của dị thục chứ không phải dị sinh tức cái được sinh bởi dị thục.
[427] Hán: đẳng. Thuật ký: đẳng hàm ngụ cùng sinh tử uẩn của Hóa địa bộ; căn bản thức của Đại chúng bộ; Hữu phần thức của Thượng bộ phân biệt luận giả; v.v…
[428] Hán: đa vị. Thuật ký: hoặc chỉ ba vị, hoặc năm vị. Ba vị, xem cht. trên. Năm vị: 1. dị sinh vị (giai đoạn phàm phu); 2. nhị thừa hữu học vị; 3. nhị thừa vô học vị; 4. thập địa Bồ-tát vị; 5. Như lai vị.
[429] Hán: đa chủng. Thuật ký: chỉ 5 loại quả, dị thục, đẳng lưu, sĩ dụng, tăng thượng, và ly hệ quả.
[430] Sthiramati: sarvadharmabījāśrayatvāt sarvabījakaṃ, “Nhất thiết chủng, vì là sở y của hạt giống của tất cả các pháp.”
[431] Hán: nhân tướng đa chủng: chỉ 6 nhân hay 10 nhân.
[432] Cf. Nhiếp luận bản 1 (T31n1594, tr.134b23): “An lập ba đặc tướng (của A-lại-da); 1. tự tướng; 2. nhân tướng; 3. quả tướng.
[433] Du-già 52 (tr.588c10): “Không phải phân chẻ các hành để có một thật vật (dravya) gọi là chủng tử (hạt giống). Cũng không phải tìm nơi nào khác (ngoài các hành)... Cũng như thóc lúa các thứ có chứa chủng tử (hạt giống) của cành lá. Đập, giã, nghiền nát (thóc lúa) vẫn không tìm thấy chủng tử; nhưng cũng không phải tìm thấy nó ở đâu khác (ngoài các hạt thóc lúa ấy).” Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.328b02): “Như hạt đại mạch có công năng nảy mầm nên có tính chủng tử. Nếu vì lâu ngày hay do ảnh hưởng lửa mà công năng ấy bị hỏng; bấy giờ hình tướng của hạt đại mạch tuy vẫn như cũ nhưng nó không có tính chủng tử nữa.”
[434] Nhiếp luận thích (VT) 2 (tr.388a14): “Chủng tử của hết thảy pháp là công năng sai biệt của A-lại-da thức.”
[435] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.328a15): “Chủng tử của các pháp tạp nhiễm trong A-lại-da thức tồn tại như là dị hay không biệt dị? Chủng tử không phải là thật vật (dravya) riêng biệt. Chúng tồn tại trong (A-lại-da) đó mà không phải đồng nhất cũng không phải dị biệt (với A-lại-da).”
[436] Như lông rùa, sừng thỏ.
[437] Thuật ký: “Vì chủng tử là điều kiện như là nhân (nhân duyên) của các pháp nên nó là thực hữu.”
[438] Thuật ký: nạn vấn của An Huệ.
[439] Chân như đối với pháp không phải nhất, không phải dị, do đó được làm đồng dụ.
[440] Phản vấn Thanh Biện và An Huệ. Cf. Tập thành biên 13 (tr.276a): Theo Thanh Biện, trên thắng nghĩa, tất cả đều không. Chủng tử y trên tục đế nên giả hữu. Với An Huệ, nó là tướng phần, nên giả hữu.
[441] Thuật ký: giải thích của Hộ Pháp.
[442] Cf. Câu xá, phẩm II: Phân biệt căn.
[443] Du-già 57 (T30n1579, tr.615a1). - Dị thục sinh, xem cht.(?). tập I.
[444] Tức y trên thức dị thục.
[445] Thức y nơi căn con mắt nên gọi là thức con mắt.
[446] Skt. Candrapāla.
[447] Skt. vāsanā, tập khí, huân tập, tàn khí, tập quán dư tàn. Do đọng từ căn, hoặc 1. vās (vāsayati): xông ướp, xông hương. 2. vas (vasati): ở, cư trú. Thắng man theo nghĩa sau, dịch là trụ địa.
[448] Chủng chủng giới. Dẫn bởi Đại thừa trang nghiêm 1 (T31n1604, tr.594b9) với tên kinh là Đa giới tu-đa-la (Bahudhātuka-sūtra). Thuật ký, đoạn trích dẫn từ kinh Vô tận ý, tức “Phẩm 12. Vô Tận Ý Bồ-tát,” Đại tập kinh 27-30, T12n397(12); biệt dịch, A-sai-mạt Bồ-tát (Akṣayamati-Bodhisattva) kinh, T12n430. Thuật ký cũng nói, phần đầu đoạn dẫn cũng được dẫn bởi Tì-bà-sa. Cf. Pháp uẩn 10 (T26n1537, tr.501b24), phẩm Đa giới. Tham chiếu Pali, Bahudhātuka-suttaṃ, M. iii. 61ff.
[449] Ác-xoa tụ, Skt. akṣa, hoặc rudrākṣa, Hán dịch: diên quán châu, kim cang tử; tên khoa học: Eleocarpus ganitrus. Thuật ký: ác-xoa, có hình dạng như hạt vô thực tử 無食子. Khi rụng, chúng tự nhóm lại thành đống.”
[450] Cf. Kinh Đại thừa A-tì-đạt-ma (chưa có Hán dịch), dẫn bỡi Nhiếp luận thích (TTh) 1 (T31n1597, tr.324a18): vô thủy thời lai giới, nhất thiết pháp đẳng y. Do thử hữu chư thú, cập niết-bàn chứng đắc 無始時來界, 一切法等依, 由此有諸趣, 及涅槃證得.
[451] Cf. Du-già 3 (T30n1579, tr.284b19): “Thể của chủng tử, từ vô thủy đến nay, tương tục không đứt tuyệt; tính tuy tồn tại từ vô thủy, nhưng do sự huân tập sai biệt bởi nghiếp tịnh và bất tịnh mới phát sinh. Do quan hệ với quả dị thục được tiếp nhận thường xuyên, nó được nói là mới.”
[452] Ibid., tr.284a29.
[453] Các dẫn chứng, theo Thuật ký: 1. Nhập Lăng-già 2 (T16n671, tr.526c8), về chủng tính của năm thừa. Cf. Skt. Laṅkā p. 63: punar mahānate pañcābhisamayagotrāṇi. katamāni pañca? yaduta śrāvakayānābhi-samayagotraṃ, pratyekabuddhayāna-, tathāgatayāna-, aniyataikataragotraṃ, agotraṃ, “Này Đại Huệ, có năm chủng tính được hiện chứng. Đó là, chủng tính hiện chứng Thanh văn thừa, chủng tính hiện chứng Độc giác thừa, chủng tính hiện chứng Như lai thừa, chủng tính bất định, và không chủng tính.” 2. Vô thượng y kinh 1 (T16n669, tr.?). 3. Thiện dũng mãnh bát-nhã 1 = Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, quyển 593, hội thứ 16 (T7n220, tr.1066a29); Skt. Suvikrāntavikrāmaparipṛcchā.
[454]Du-già 57 (tr.615a27): “Sinh nại-lạc-ca, thành tựu bao nhiêu căn?... Ba căn (vô lậu), ước hiện hành thì không thành tựu; ước chủng tử thì thành tựu.”
[455] Du-già 35 (T30n1579, tr.478c12): “Có hai loại chủng tính, chủng tính bản tính trụ (prakṛtistha-gotra), và chủng tính tập sở thành (samudānīta-gotra)... Bản tính trụ, sáu xứ của Bồ-tát, với hình thái đặc biệt như thế, kể từ vô thủy lần lượt truyền đến nay, sở đắc bởi tự nhiên (dharmatā: pháp nhĩ). Tập sở thành, thiện căn đạt được do tập quán từ trước.”
[456] Skt. Nanda và Śrīsena.
[457] Thuật ký, Nan-đà tự giả thiết nghi vấn, lặp lại quan điểm nêu trên về chủng tử hữu lậu. Nghĩa đăng (tr.859c17): “Trong địa vị phàm phu, vô lậu chưa phát sinh nên nó không thể là cái huân tập, cũng không phải tồn tại từ vô thủy.”
[458] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (T31n1597, tr.328a1): “Thế nào là huân tập?... Như trong cừ thắng (= hồ-ma, vừng) có sự huân tập (sự xông ướp) của hoa. Cừ thắng và hoa cùng sinh cùng diệt.” Thuật ký (tr.305b2): “Ở phương Tây, khi muốn chế dầu thơm để bôi thân, trước hết đem hoa thơm trộn với cự thắng (vừng hay mè), làm thành một đống, để cho đến khi rã; sau đó đem ép dầu. Bấy giờ dầu mè có mang mùi thơm.”
[459] Ibid., dẫn kinh Đa giới. Xem cht.448 trên.
[460] Dẫn Nhiếp luận bản 1 (T31n1594, tr.135b5). Cf. Nhiếp luận thích (TTh) 2 (T31n1597, tr.329b21): “Ngoại tại, chỉ thóc lúa các thứ. Nội, chỉ A-lại-da thức... Chủng tử ngoại tại, chỉ do quy ước thế tục mà gọi là chủng tử (hạt giống). Vì chúng chỉ là những biến thái của A-lại-da.”
[461] Xem đoạn sau.
[462] Chỉ Nhiếp luận (xem cht.463 dưới) và Du-già (xem cht.455).
[463] Đẳng lưu Chánh pháp; Skt. niṣyanda-dharma, Thuật ký (tr.305b26): “Chánh pháp lưu xuất một cách bình đẳng từ tịnh pháp giới.” Chánh pháp được tuyên thuyết có cùng căn nguyên tự tính với pháp giới thanh tịnh. Cf. Nhiếp luận thích (TTh) 3 (T31n1597, tr.333c17): “Giáo pháp, như kinh điển v.v., tuôn chảy ra từ nguồn pháp giới tối thanh tịnh, gọi là đẳng lưu của pháp giới tối thanh tịnh. Huân tập phát khởi do sự nghe trực tiếp này được gọi là sự huân tập (do nghe). Chính cái được huân tập này tồn tại trong thức A-lại-da làm nguyên nhân phát khởi tâm xuất thế (vô lậu).”
[464] Du-già 52 (tr.589a14): “Các pháp xuất thế gian phát sinh từ chủng tử nào?... Các pháp xuất thế gian phát sinh từ sở duyên duyên là chân như, chứ không phải do chủng tử tích tập của tập khí.” Giải thích của Thắng Quân: “Trước kiến đạo, lấy giáo pháp, vốn là đẳng lưu của Chánh pháp, làm đối tượng. Chân như khi ấy là sở duyên duyên...” (Cf. Đồng học sao 17, tr.158a)
[465] Năm chủng tính, xem cht.453
[466] Hai chướng: phiền não chướng (kleśa-āvaraṇa) và sở tri chướng (jñeya-āvaraṇa).
[467] Du-già 52 (tr.589a21).
[468] Như dẫn chứng bởi Hộ Nguyệt; xem trên.
[469] Dẫn chứng như Hộ Nguyệt.
[470] Xem cht.455 trên.
[471] Xem cht.455 trên.
[472] Nhân duyên tính, Skt. hetu-pratyayatā. Cf. Câu-xá 7 (tr.36b16): “Nhân duyên tính... Trong đây, tính là chủng loại của duyên.” (Bhāṣya: prayayajātiḥ pratyayatā). Cf. Du-già 51 (tr.580b09): “Thức A-lại-da làm hai duyên tính (pratyayatā) cho các chuyển thức (pravṛtti-vijñāna); 1. là chủng tử của chúng (nhân duyên tính), và 2. là sở y của chúng (tăng thượng duyên tính)... Các chuyển thức cũng làm hai duyên tính cho A-lại-da; 1. trong đời hiện tại, chúng nuôi lớn chủng tử của A-lại-da (nhân duyên); 2. trong đời sau, chúng làm sinh sôi chủng tử dẫn đến tái sinh (tăng thượng duyên).”
[473] Nhân tính (hetu-bhūta, tồn tại như là nhân); quả tính (phala-bhūta, tồn tại như là quả): Cf. Câu-xá 22 (114a22). Thuật ký: đây dẫn kinh A-tì-đạt-ma (không có Hán dịch), dẫn bởi Nhiếp luận bản (HT) 1 (T31n1594, tr.135b15): 諸法於識藏 識於法亦爾 更互為果性 亦常為因性; Cf. Nhiếp luận thích (TTh) 2 (T31n1597; tr.330b11): “... Khi A-lại-da là nhân của các pháp, bấy giờ các pháp là quả; khi A-lại-da là quả của các pháp, bấy giờ các pháp là nhân.” Cf. Du-già 51 (tr.580b09), cht.472 trên.
[474] Nhiếp luận bản (HT) 1 (T31n1594, tr.134c15). Nhiếp luận thích (TTh) 2 (T31n1597, tr.328b17): “...Trong một sát-na, bấc đèn làm sở y phát sinh ngọn lửa đèn; khi ấy bấc đèn là nguyên nhân phát sinh ngọn lửa. Ngay trong sát-na ấy ngọn lửa lại đốt cháy sở y của nó là bấc đèn; khi ấy ngọn lửa đèn là nguyên nhân cho sự bốc cháy của bấc đèn.”
[475] Tức chủng tử (thức thứ tám) và hiện hành (bảy chuyển thức).
[476] Nạn vấn về quan điểm chủng tử duy bản hữu.
[477] Nhân duyên (hetu-pratyaya), điều kiện như là nguyên nhân. Câu-xá 7 (tr.36b16), trong 6 nhân, từ năng tác nhân (kāraṇa-hetu) là có tính tăng thượng duyên (adhipati-pratyayatā), 5 nhân còn lại đều có tính nhân duyên (hetu-pratyayatā); cf. Tì-bà-sa 16 (tr.79a29). Quan điểm của Đại thừa, trong 6 nhân chỉ đồng lọai nhân (sabhāga-hetu) là có tính nhân duyên; 5 nhân còn lại là tăng thượng duyên. Đồng loại nhần là nguyên nhân dẫn sinh đẳng lưu quả (niṣyanda-phala). Tức như thiện pháp quá khứ là nguyên nhân trực tiếp sinh thiện pháp hiện tại. Nghiệp nhân có tính thiện ác, nhưng quả dị thục chỉ có tính vô ký, nên không có quan hệ nhân duyên trực tiếp. Cf. Du-già 3 (tr.292a1), 5 (tr.301b12), 38 (tr.501b12).
[478] Vô lậu hữu vi tức kiến đạo. Xem thêm cht. dưới.
[479] Trước kiến đạo, chỉ có hiện hành hữu lậu, nếu không có chủng tử vô lậu bản hữu, không có điều kiện làm nhân nên vô lậu hữu vi không thể phát sinh.
[480] Phân biệt luận, Thuật ký (tr.307a13): Các tà phân bệt đều được gọi là tỳ-bà-xà-bà-đề 毘婆闍婆提(vibhajyavādin), bao gồm 4 bộ: Đại chúng (Mahāsaṅghika), Nhất thuyết (Ekavyavahārika), Thuyết xuất thế (Lokottaravāda), Kê dận (Kaukkuṭika). Cf. Dị bộ tông luân (T49n2031, tr.15b26, 15c27): “(Bốn bộ này) bản tông đồng nghĩa: … tâm tính bản tịnh…” Xu yếu (tr.630c06): Đại chúng bộ không có quan niệm về chủng tử. Do đó, ở đây phê bình phân biệt thuyết mà đặc biệt phê bình một số Luận sư Đại thừa. Tì-bà-sa 27 (tr.140b25; các sớ giải Trung hoa và Nhật bản nói Du-già 27, có lẽ nhầm): “Phân biệt luận giả nói, bản tính của tâm là thanh tịnh nhưng do bị ô nhiễm bởi phiền não vốn như khách trần nên tướng của nó không thanh tịnh.”
[481] Đây chỉ Chân như. Xem cht.574 dưới.
[482] Thuật ký (tr.307b8): “ Nếu nói tâm tính (citta-prakṛti) tức tâm thể (citta-svabhāva); thể duyên đến pháp; thế thì, tâm được nói đến đó cũng đồng với Số luân (Saṃkhyā); theo đó, tướng của đại (mahat) các thứ tuy chuyển biến, nhưng thể của chúng thường hằng nhất tính.”
[483] Bởi vì tự tính của tâm vốn tịnh.
[484] Thừa nhận thể tính của tâm bất thiện hữu lậu là thiện.
[485] Vì cho là thiện, nên nó phải tương ưng với các tâm sở thiện, như tín, v.v.
[486] Thuật ký (tr.307c20): “Nếu duy chỉ tính của tâm hữu lậu là vô lậu, trái lại tính của tâm vô lậu không là vô lậu; vậy làm sao phân biệt được lý do sai biệt này?”
[487] Nơi hàng dị sinh (pṛthagjana, phàm phu) chỉ tồn tại chủng tử vô lậu, chứ không tồn tại hiện hành vô lậu.
[488] Thuật ký, đây chỉ kinh Thắng man. Cf. Thắng man (T12n353, tr.222b22): “Như lai tạng, đó là Pháp giới tạng, Pháp thân tạng, Xuất thế gian thượng thượng tạng, tự tính thanh tịnh tạng. Như lai tạng vốn tự tính thanh tịnh ấy bị ô nhiễm bỡi phiền não khách trần, tùy phiền não.”
[489] Cf. Thắng man (T12n353, tr.221c13): “Trí (nhận thức) về Như lai tạng là trí (nhận thức) về Không của Như lai tạng.”
[490] Cf. Du-già 54 (tr.595c06): “Lại nữa, tự tính của các thức không phải là ô nhiễm, vì Thế Tôn nói rằng tính của tất cả tâm vốn thanh tịnh…”
[491] Thắng tiến đạo勝進道, giai đoạn tiến thẳng về trước, đoạn trừ những phiền não còn sót lại mà giải thoát đạo trước đó chưa diệt trừ. Cf. Du-già 69 (tr.683a8): “Tu trí này (thế tục trí), tóm tắt có 4 đạo: 1. phương tiện đạo (upāya-mārga); 2. vô gián đạo (ānantarya-mārga); 3. giải thoát đạo (adhimukti-mārga); 4. thắng tiến đạo (viśeṣa-mārga)…”
[492] Cf. Nhiếp luận bản 1 (tr.136c01): “Lại nữa, tâm xuất thế trước kia chưa hề được tu tập cho nên sự huân tập của nhó hoàn toàn không có. Nếu không có huân tập, tâm ấy xuất hiện từ hạt giống nào? Ở đây nên trả lời, tâm ấy xuất hiện từ chủng tử được huân tập bởi do nghe trực tiếp nguồn nước pháp giới tối thanh tịnh.” Xem cht.458 trên
[493] Ibid., tr.136c11 : “Trong đây, y huân tập hạ phẩm thành huân tập trung phẩm; y huân tập trung phẩm thành huân tập thượng phẩm. Y trên văn, tư, tu thường xuyên tu tập mà được tương ưng.”
[494] Tạp tập luận 4 (T31n1606, tr.711a21): “Tu sở đoạn (bhāvanā-prahātavya) là gì?.. Sau kiến đạo, các pháp hữu lậu không thuộc kiến sở đoạn (darśana-prahātavya). Tức các pháp hữu lậu còn lại, trừ kiến chấp ô nhiễm khởi lên do tà phân biệt. Pháp hữu lậu ở đây gồm cả thiện tùy thuận quyết trạch phần (nirvedha-bhāgīya).”
[495] Ibid., “Phi sở đoạn là gì? Các pháp vô lậu, trừ thiện quyết trạch phần.”
[496] Tức y trên phiền não chướng và sở tri chướng.
[497] Nhiếp luận bản 1 (tr.135a24): Trên thắng nghĩa, chủng tử có 6 đặc tính: sát-na diệt (kṣaṇa-bhaṅga), câu hữu (sahabhū), hằng tùy chuyển (saṁtānảpavṟtta) nên biết, quýết định (viniyata), hội đủ duyên (pratyayāpekṣa), chỉ dẫn quả đồng loại (svaphalopārjita) 勝義諸種子 當知有六種 剎那滅俱有 恒隨轉應知.Cf. Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.329b28); Du-già 5 (tr.302b6), 7 đặc tính của nhân và nhân ở đây được hiểu là chủng tử: 1. Cái có thể làm nhân phải là pháp vô thường (= sát-na diệt). 2. Chỉ là nhân cho tha tính; nếu là tự tính thì cái trước làm nhân cho cái sau (= quả câu hữu và hằng tùy chuyển). 3.Đã sinh nhưng chưa diệt (=quả câu hữu, hằng tùy chuyển). 4. Hội đủ các điều kiện cần (= đãi chúng duyên). 5. Cần phải trở thành biến dị (=đãi chúng duyên). 6. Phải có công năng tương ưng (= tính quyết định). 7 Tương xứng tương thuận (= dẫn tự quả). Giải thích của Xu yếu (tr.630c28).
[498] Thuật ký (tr.309c09): hàm ngụ bác bỏ ngoại đạo, theo đó, Tự tính (prakṟti), Thần ngã (puruṣa) vốn được quan niệm là những bản thể thường hằng không biến chuyển không thể là nguyên nhân cho bất cứ cái gì.
[499] Thuật ký: hiện, có 3 nghĩa, hiển hiện, hiện hữu, hiện tại.
[500] Thuật ký: chủng tử sinh hiện hành, cả hai tất đồng thời; chủng tử sinh chủng tử, nhân quả không đồng thời. Tuy đồng thời, nhưng phải cùng hòa hiệp mới thành chủng tử.
[501] Ibid., bác bỏ nhân quả dị thời của Kinh bộ; Thượng tọa bộ cũng vậy. Nhiếp luận thích (VT) 3 (T31n1598, tr.396b23): “Kinh bộ sư nói, sắc và tâm vô gián sinh; trước sau tiếp nối liên tục sinh khởi. Đó là chủng tử của các pháp, là nhân tính (hetutva) cho sự xuất sinh của hết thảy pháp hữu vi… Như vậy không cần tồn tại thức A-lại-da để làm nhân cho các pháp.”
[502] Nghĩa đăng (tr.862a07): Hai đồng tự thể không thể phát sinh trong cùng một sát na. Du-già 5 (tr.302b09): Pháp làm nhân cho những gì không cùng bản chất (tha tính); nếu cùng bản chất (tự tính) thì cái đi trước (nhân) và cái tiếp theo (quả) không thể cùng thời trong một sát-na. Tập thành biên 14 (tr.296b19): chủng tử sinh chủng tử, nếu nhân quả đồng thời trong cùng một sát-na; vì sản sinh theo chiều ngang nên kết quả thành vô cùng.
[503] Du-già 5 (tr.302b11): “Cái có thể làm nhân phải là cái đã sinh nhưng chưa diệt.”
[504] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.329c04): “Hằng tùy chuyển, a-lại-da tồn tại cho đến phát sinh đối trị phần (pratipakṣa).” Thuật ký: “Đến đối trị đạo gọi là đến cứu cánh vị.”
[505] Ibid., bảy chuyển thức và kể luôn cả sắc pháp đều không thể là chủng tử.
[506] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.329c06): “Quyết định, nghĩa là mỗi chủng tử được quyết định một cách cá biệt; không thể tất cả được sản sinh từ tất cả; nhưng hạt giống của vật này sản sinh trở lại cùng loại vật đó.”
[507] Thuật ký, bác bỏ “Hữu bộ cho rằng pháp thiện v.v. làm đồng loại nhân (sabhāga-hetu) cho bất thiện và vô ký. Điều đó hàm ngụ ý nghĩa nhân duyên (hetu-pratyaya).” Nghĩa đăng (tr.862c06) dẫn Câu-xá 6 (tr.31a20): đồng loại nhân tương tợ, tự bộ địa tiền sinh 同類因相似 自部地前生, theo đó pháp tương tợ làm đồng loại nhân cho pháp tương tợ; như ba tính, năm, trong bộ loại riêng, giới địa riêng của mình làm đồng loại nhân cho những cái cùng bộ loại, cùng trong giới địa. Nhưng ý của Khuy Cơ muốn nói bất thiện pháp như sân có thể là đồng loại nhân cho thân kiến, biên kiến vốn là hữu phú vô ký. (Tập thành biên 14, tr.300c). Về nghĩa nhân duyên, Khuy Cơ, ibid., là cái làm điều kiện sản sinh từ tự thể. Quả dị tính làm biến hành nhân (sarvatraga-hetu). Theo Hữu bộ, thân kiến và biên kiến làm nhân biến hành cho các pháp ô nhiễm trong năm bộ trong cùng địa giới.
[508] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.329c08): “Không phải trong mọi lúc đều có thể sản sinh mọi thứ. Nếu tại đây và lúc này hội đủ các điều kiện riêng biệt của nó, thì tại đó và khi đó quả riêng biệt của nó được sản sinh.”
[509] Tự nhiên nhân; đây chỉ vô nhân luận hay ngẫu nhiên luận (ahetukavāda). Thuật ký: bao gồm cả các thuyết khác như: thời (thời gian), phương (không gian), v.v…
[510] Quan điểm “tam thế thực hữu”.
[511] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.329c10): “Hạt giống loại nào dẫn sinh quả loại đó. Như chủng tử a-lại-da thức dẫn sinh a-lại-da thức. Giống lúa dẫn sinh quả là lúa.”
[512] Câu-xá 7 (tr.36b11): nhân duyên ngũ nhân tính 因緣五因性 (K.ii. 61d: hetvākhyaḥ pañca hetavaḥ). Trong 6 nhân (hetu) của Hữu bộ, nhân duyên (điều kiện như là nguyên nhân) bao gồm 5 nhân, trừ năng tác nhân (kāraṇahetu). Thuật ký: chỉ cái dẫn sinh kết quả cùng loại, nhân quả tùy thuận, công năng đồng, mới được gọi là nhân duyên. Quan điểm Hữu bộ cho rằng nghiệp thiện ác tác thành vô biểu vốn là sắc pháp dẫn đến kết quả đương lai là 4 uẩn vốn là tâm pháp. Nhân quả không đồng loại nên không đúng nghĩa nhân duyên.
[513] Thuật ký (tr.311c26): theo Thế Thân (Nhiếp luận, xem cht. 91 trên) chủng tử gồm cả nội thức và ngoại giới… Chủng tử là biến thái của thức. Chủng tử ngoại giới là biến thái của biến thái (trùng biến) cho nên không phải chủng tử thực.
[514] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.330a19): “Chủng tử nội và ngoại đều có thể làm sinh nhân (janaka-hetu) và dẫn nhân (ākṣepaka-hetu). Ngoại chủng dẫn đến quả chín; nội chủng dẫn đến giới hạn của tuổi thọ, thảy đều là sinh nhân. Ngoại chủng kéo dài tương tục sau khi cây khô; nội chủng kéo dài thi hài sau khi chôn; do dẫn nhân mà tồn tại tiếp nối thời gian dài.” Vô Tính (T31n1598, tr.389c20): “Ngoại chủng tử, đối với chồi mầm nó là sinh nhân; đối với cọng, lá v.v. nó là dẫn nhân. Nội chủng tử, a-lại-da thức đối với danh sắc là sinh nhân; đối với sáu xứ cho đến già-chết, nó là dẫn nhân.”
[515] Nhiếp luận thích (TTh) 2 (tr.328a01): “Luận: Thế nào là huân tập (vāsanā)? …Cái y nơi pháp kia mà cùng sinh cùng diệt; trong đó nó mang tính chất của nhân để sản sinh pháp kia; cái đó là sự huân tập. Như vừng được ướp hoa; vừng và hoa cùng sinh cùng diệt. Vừng mang trong nó cái tự thể làm nguyên nhân cho mùi thơm xuất hiện. Thích: Y nơi các pháp tạp nhiễm kia, cùng sinh cùng diệt, thức a-lại-da sản sinh pháp kia, là nhân tính của các pháp. Đó gọi là huân tập.”
[516] Sở huân; Skt. vāsya.
[517] Nhiếp luận thích, ibid., bản tính của gió là lưu động, không thể mang theo mùi được xông ướp đi đến một do-tuần. Tinh dầu của hoa chiêm-bặc (champaka) có thể mang theo nó mùi xông ướp xe đến một do tuần.
[518] ibid., không quá thơm cũng không quá hôi. Như tỏi, vì quá hôi, không thể được xông ướp bằng mùi khác.
[519] Năng huân; Skt. vāsaka.
[520] Thuật ký: thắng dụng có hai: 1. năng duyên thế dụng, loại trừ những gì là sắc không thể là năng huân; 2. cường thịnh thắng dụng, loại trừ tâm tâm sở dị thục tức thức thứ tám và các tâm sở tương ưng.
[521] Di thục tâm tâm sở: các yếu tố tâm lý hoàn toàn bị chi phối bởi hậu quả của nghiệp quá khứ.
[522] Thuật ký (tr.310b09): “Ba pháp: Chủng tử và hiện hành làm nhân duyên sản sinh chủng tử mới nữa.”
[523] Sĩ dụng quả (puruṣakārahetu). Tì-bà-sa 121 (tr.630b01): “Pháp mà được tác thành do bởi hành vi của con người, pháp ấy được gọi là sĩ dụng quả.” Câu-xá 6 (35a28): “Pháp mà tác động của nó như hành vi của con người, pháp ấy được gọi là sĩ dụng quả. Cũng như người ta gọi một loại dược thảo là chân quạ (kākajaṅghā) vì nó giống chân quạ; hoặc gọi vị tướng quân là voi say vì ông dũng cảm như con voi say.” Ibid. (tr.35a27): Nhân câu hữu (sahabhūhetu) và nhân tương ưng (saṁprayuktaka-hetu) cho kết quả sĩ dụng.
[524] Ibid (tr.35a26): nhân đồng loại (sabhāgahetu) và nhân biến hành (sarvatragahetu) cho quả đẳng lưu (niṣyandaphala). Vì cả hai đều cho quả tương tợ nhân.
[525] Skt. ākāra, hình thái (hoạt động). Nghĩa đăng (tr.723a15): “hành nơi tướng, mang theo tướng mà hành, nên gọi là hành tướng. 行於相故帶相行故名行相. Thuật ký (tr.315b27): “Tướng, hoặc tướng của cảnh 境相; vậy, hành nơi tướng của cảnh nên gọi là hành tướng. Hoặc tướng trạng 相狀, vậy hành nơi tướng trạng của cảnh nên nói là hành tướng.”
[526] 不可知執受,處了常與觸. Cf. Chuyển thức luận (tr.61c13): 相及境不可分別一體無異, tướng và cảnh, không thể phân biệt; nhất thể, không dị biệt. Skt. asaṃviditakopādisthānavijñaptikaṃ ca tat/ Tib. de ni len pa dag daṅ gnas/ rnam par rig pa mi rig te/ Teramoto: không thể biết sự chấp thọ, và sự liễu biệt về xứ của nó. H. H. Jacobi: in ihm bleibt sowohl das Material (upādi) wie die Präsentation eines Standorts unbewußt. Các bản này đều đọc: asamviditopādi/(asaṃviditaka)sathānavijñaptika; nghĩa là, trong bản Hán, đọc là: bất khả tri chấp thọ, và bất khả tri xứ-liễu. Trong các bản dịch này, sthānavijñapti được hiểu là hoạt động nhận thức của A-lại-da về y xứ của nó. Hoạt động ấy không thể biết được. Đây là hiểu theo giải thích của Sthiramati: asaṃviditaka upādir yasmin asaṃviditakāvasthāvijñaptir yasmin tad ālayavijñānam asaṃviditakopādisthānavijñaptikaṃ. Trong thức a-lại-da, chấp thọ (upādi) của nó là bất khả tri, và nhận thức về y xứ của nó cũng bất khả tri. Về xứ liễu biệt, Sthiramati giải thích: sthānavijñaptir bhājanalokasaṃniveśavijñaptiḥ; nhận thức về (biểu hiện) y xứ, đó là nhận thức (biểu hiện) về vị trí của khí thế gian.
[527] Skt. vijñaptika, hình dung từ, thuộc về vijñapti (biểu hiện, biểu thị, hiển thị). Trong bản Hán, nó được hiểu như là danh từ.
[528] Skt. sthāna. Giải thích của Sthiramati, xem cht. 2 trên.
[529] Skt. bhājana, thế giới như là khí mãnh, như là cái bát để chứa đựng.
[530] Skt. upādi. Sthiramati: upādānam upādiḥ sa punar ātmādivikalpavāsanā rūpādidharmavikalpavāsanā ca, chấp thọ tức thủ (chấp thủ, trong thủ uẩn). Nó là tập khí của phân biệt ngã chấp và tập khí của phân biệt pháp chấp. upādi được dùng trong từ phức hợp: sa-upādi-śeṣa-nirvāṇa, hữu dư y niết-bàn; Đại tỳ-bà-sa 32 (tr.167c13): “Thế nào là hữu dư y niết-bàn giới? A-la-hán đã đoạn tận các lậu, nhưng thọ mạng vần còn, dòng tương tuc của sắc do đại chủng tạo vẫn chưa bị cắt đứt, dòng tương tục của tam y nơi thân của năm căn mà chuyển…” Theo giải thích này, upādi được hiểu là căn bản của sự sống, hay sinh y, là năng lực duy trì dòng tương tục của căn thân không để đứt đoạn. Xem thêm cht. 7 tiếp theo. Thuật ký (tr.315c11): “Chấp, nghĩa là nhiếp trì 攝義持義 (thâu tóm và duy trì). Thọ, nghĩa là lãnh thọ và giác tri 領義覺義. Thâu tóm vào tự thể, duy trì không để huỷ hoại. cọng đồng an nguy là lãnh thọ, để làm phát sinh cảm giác. Do đó, nói là chấp thọ.” Giải thích này hiểu chấp thọ là upatta, trong từ phức hợp upatta-mahābhūta, (hữu) chấp thọ đại chủng, chỉ vật chất hữu cơ, có khả năng phát sinh cảm giác.
[531] Hữu căn thân 有根身, Skt. sendriya-kāya. Câu-xá 10 (tr.55c05): “Sở y (āśraya) là thân có căn được nuôi dưỡng bởi thức ăn vật chất (đoàn thực).” Sthiramati: āśrayopādānaṃ copādiḥ, āśraya ātmabhāvaḥ sādhiṣṭthānam indriyarūpaṃ nāma ca; “Lại nữa, chấp thọ là chấp thủ sở y. Sở y là tự thể (thân thể, Tib. lus) cùng với y xứ của nó là danh và sắc (gồm các căn).
[532] Năm pháp (pañcadharmāḥ) của Lăng-già: tướng (nimitta), danh (nāma), phân biệt (vikalpa), như tính (tathātā), chính trí (samyagjñāna). Hai pháp sau là vô lậu, không đề cập trong đây, vì không là đối tượng của A-lại-da thức.
[533] Thuật ký: An Huệ và các Luận sư Đại thừa thời cổ phần nhiều chủ trương chỉ có tự chứng phần của thức; không có kiến và tướng phần. Đoạn này, từ đây trở xuống lập hai phần, phê bình thuyết một phần của An Huệ.
[534] Chỉ các tâm sở. Thuật ký: An Huệ và Chính lượng bộ cho rằng các tâm sở không có sở duyên tướng nhưng vẫn được gọi là duyên. Nghĩa là, khi các tâm sở duyên đến các đối tượng, ảnh tượng không xuất hiện trên chúng. Quan điểm này bị bác bỏ trong đoạn tiếp theo. Xem cht.?
[535] Bác An Huệ và Chính lượng bộ. Thuật ký lập 2 nhân minh lượng để giải thích. 1. Tông: Tâm, tâm sở, khi duyên đối tượng màu xanh mà trên chúng không ghi tướng mạo của đối tượng (sở duyên), (tâm và tâm sở ấy) không thể duyên đến đối tượng của chính tâm đang hiện khởi (hoạt động). Nhân: vì được cho rằng không có tướng sở duyên. Dụ: Như các đối tượng không được duyên đến. (Vì ảnh tượng của các đối tượng này không xuất hiện trên thức). 2. Tâm mà những khi khác tôi duyên đến thanh này cũng có thể duyên đến sắc (hiện tại). Vì được cho rằng không có sở duyên. Như tâm hiện nay duyên đến xanh các thứ.
[536] Thuật ký: dẫn kinh Hậu nghiêm.
[537] Bài kệ này cũng được thấy trong kinh Mật nghiêm, Bất Không dịch, quyển trung (T16n682, tr.757a14); cùng tên kinh, Địa-bà-ha-la dịch, quyển trung (T16n681, tr.731c24).
[538] Thuật ký: Trừ Đại chúng và Chính lượng, còn lại 17 bộ phái khác. Vì hai bộ này chủ trương tâm có thể lấy ngay chính nó làm đối tượng, cũng gần như nhận có tự chứng phần của thức. Cf. Tỳ-bà-sa 9 (tr.42c12): Đại chúng bộ nói, tâm và tâm sở nhận thức được tự thể của nó. Tự tính của trí là liễu tri, nó nhận thức cái khác và chính nó, như ngọn đèn soi sang vật khác và soi sáng chính nó.” Quan điểm của Hữu bộ (ibid. tr.43a26 ): như đầu ngón tay không thể tự xúc; lưỡi dao không thể tự cắt… tự tính không nhận thức tự tính.
[539] Cảnh bên ngoài tâm là đối tượng (sở duyên). Ảnh tượng tương tự đối tượng ấy (pratibhāsa, ảnh chiếu) xuất hiện trên tâm được gọi là hành tướng. Cf. Câu-xá 30 và Quán sở duyên duyên: đới bĩ tướng 帶彼相. Tướng đây tức là hành tướng. Skt. tādākāratā = sādṛśya (loại tợ, tương tợ).
[540] Skt. vastu; cf. Dharmottara: cảnh tức đối tượng hoạt động gây nên một hiệu quả. Đối tượng với đặc tướng như vậy là sự tức cơ sở để nhận thức phán đoán (arthasya prayojanasya kriyā niṣpattiḥ tasyām sāmarthyam śaktiḥ/ tad eva lakṣaṇaṃ rūpaṃ yasya vastunaḥ, Ṭīkā, 13.17).
[541] Tức ảnh tượng của đối tướng xuất hiện trên tâm và trên tâm sở thì giống nhau, nhưng không phải là một, giống như cùng một ảnh xuật hiện trong hai mặt gương khác nhau.
[542] Một thức, một thọ, một tưởng cùng dựa trên một sở y, cùng vươn đến một đối tượng.
[543] Thuật ký: chỉ các nhà Đại thừa.
[544] Tự chứng. Skt. svasaṃvitti = svasaṃvedana; hai từ này thường được dùng đồng nghĩa, cùng chung ngữ tộc với vedanā (thọ, cảm thọ). Dharmakīrti: tất cả tâm và tâm sở đều tri nhận trực tiếp tự thể của chính nó (sarvacittacattānām ātmasaṃvedanam, Nyāyabindu, k. 10). Dharmottara: tâm chỉ nắm bắt cảnh. Tâm sở nắm bắt các trạng thái cá biệt như cảm thọ lạc. Vì vậy, lạc thọ, v.v., khi được cảm thọ một cách rõ ràng đều là thức tự cảm thọ (svasaṃviditā, thức tự chứng) (Nyāyabindu-ṭīka, 11.5).
[545] Phật địa kinh luận 3 (T26n1530, tr.303a26), dẫn Tập lượng luận (Pramāṇasamuccaya, Dignāga – Trần-na): Các tâm và tâm sở pháp đều chứng nghiệm tự thể, đó gọi là hiện lượng. Nếu không thế, thì cũng như không thể hồi ức những gì chưa từng trải… Các tâm và tâm sở tuy có hơn kém nhưng vươn ra ngoại cảnh và chứng nghiệm tự thể bên trong. Như ánh sáng vừa soi sáng vật khác đồng thời soi sáng chính nó.” Cf. Dharmakīrti, Nyāyabindu, k.10, Dharmottara, Ṭīkā, 11.6: sarvacittacaittānām ātmasaṃvedanam.
[546] Phật địa kinh luận 3 (T26n1530, tr.303a26), dẫn Tập lượng luận (Pramāṇasamuccaya, Dignāga – Trần-na): Các tâm và tâm sở pháp đều chứng nghiệm tự thể, đó gọi là hiện lượng. Nếu không thế, thì cũng như không thể hồi ức những gì chưa từng trải… Các tâm và tâm sở tuy có hơn kém nhưng vươn ra ngoại cảnh và chứng nghiệm tự thể bên trong. Như ánh sáng vừa soi sáng vật khác đồng thời soi sáng chính nó.” Cf. Dharmakīrti, Nyāyabindu, k.10, Dharmottara, Ṭīkā, 11.6: sarvacittacaittānām ātmasaṃvedanam.
[547] Cf. Câu-xá 1, tr.3c28: thọ lãnh nạp tùy xúc, tượng thủ tượng vi thể, v.v. 受領納隨觸 想取像為體.
[548] Khuy Cơ, Nhân minh nhập chính lý luận sớ, quyển hạ (T44n1840, tr.140b11): Như cây thước đo là năng lượng (pramāṇa). Tấm vải là sở lượng (prameya). Nhận thức số đo là lượng quả (pramāṇaphala). Theo Hữu bộ, cảnh là sở lượng. Căn là năng lượng. Tâm và tâm sở y căn phát khởi (kết quả nhận thức ) là lượng quả. Ngoại đạo chủ trương cảnh là sở lượng, thức (manas) là năng lượng, thần ngã (ātman, hoặc puruṣa) là lượng quả. Đại thừa nói, trí (jñāna) là lượng quả.
[549] Tức ảnh chiếu của đối tượng (pratibhāsa).
[550] 似境相所量能取相自證即能量及果此三體無別. Dignāga (Trần-na), Pramāṇasamuccaya, chưa có Hán dịch.
[551] Phần thứ hai của tâm cần được chứng biết bởi phần thứ ba. Vậy phần thứ ba cũng cần có phần thứ tư.
[552] Phi lượng, Skt. apramāṇa, nhận thức không chuẩn xác, bao gồm tợ hiện lượng (pratyakṣa-ābhāsa) và tợ tỷ lượng (Khuy Cơ, Nhân minh nhập chính lý luận sớ, hạ, T44n1840, tr.95c16).
[553] Cf. Dharmottara, Nyāyabinduṭīkā, 11.14: Nhận biết được tự thể là bản sắc của trí (nhận thức). Sự chứng nghiện tự thể ấy là không suy lý phân biệt, không lầm lạc, do đó nó chính là hiện lượng (tacca jñānarūpaṃ vedanaātmanaḥ sākṣātkāri nỉvikalpakam abrāntaṃ ca tasmāt pratyakṣam).
[554] Lỗi vô cũng tức nghịch suy vô cùng: phần thứ hai được chứng tri bởi phần thứ ba; thứ tư được chứng tri bởi thứ tư; vậy thứ tư cũng cần được chứng tri bởi phần thứ năm. Như vậy là nghịch suy đến vô cùng.
[555] Nguyên Hán: nhị tính 二性, hai tính, đây chỉ tính phân đôi, lưỡng cực tính. Cf. Nhiếp luận thích (Vô Tính), Huyền Trang, 4 (T31n1598, tr.401c5): [Lý Duy thức được chứng minh…] Do tính chất phân đôi (nhị tính = lưỡng cực tính, Skt. dvayatā) của thức, tức từ một thức mà an lập tướng (nimitta) và kiến (darśana). Cả hai phần cùng hoạt động, chúng không tương tức cũng không tương ly… Lại nữa, đối tượng được nắm bắt (grāhya: sở thủ) là tướng phần, và chủ thể nắm bắt (grāhaka: năng thủ) là kiến phần.” Cf. Đồng, Thế Thân thích, Huyền Trang 4 (T31n1597, tr.339c2).
[556] Triền 纏, Thuật ký nói là triền nhiễu 纏繞: quấn quanh. Nghĩa đăng 3, tr.724a14: năng thủ và sở thủ, với bốn phần lệ thuộc lẫn nhau nên nói là triền. Đây không có nghĩa triền phược của phiền não.
[557] Được nói là dẫn từ kinh Hậu nghiêm. Bài tụng cũng được dẫn bởi Phật địa kinh luận, hạ (T26n1530, tr.303b21).
[558] Cf. Câu-xá 2 (tr.9c15): trong 18 giới, những gì là nội, và ngoại? 12 giới (dhātu) thuộc nội, đó là 6 căn và 6 thức giới. 6 cảnh còn lại là ngoại. Những gì là sở y của tự ngã được nói là nội (adhyātmika: nội, do từ ātma: tự ngã).
[559] Nguyên đoạn văn trích dẫn từ Phật địa kinh luận, như trên.
[560] Cf. Nhập Lăng-già (Bồ-đề-lưu-chi), 10 (T16n671, tr.576c29): 分別依熏習 種種生種種 眾生心見外 故我說惟心. Cf. Laṅkā, 10 (Sagāthakam). 486: vikalpavāsanābaddhaṃ vicitram cittasambhavam/ bahirdhā jāyate nṛṇāṃ cittamātram hi laukikam/ bị dính chặt bởi tập khí phân biệt, tâm xuất hiện đa thù; người đời thấy nó xuất sinh bên ngoài, nhưng quả thực thế giới chỉ là tâm.
[561] Cọng tướng chủng tử: chủng tử có tính cộng đồng, thành tựu do bởi cộng nghiệp. Thuật ký: hai loại chủng tử, cộng tướng và bất cộng tướng. Cộng tướng: do bởi cộng nghiệp, dẫn đến biến thái cùng thọ dụng chung. Bất cộng tướng: nghiệp cá biệt dẫn đến thọ dụng bởi cá thể riêng biệt.
[562] Các vật thể trong thế giới tự nhiên có hình dáng nhất định và không gian nhất định mà nhiều sinh vật cùng có nhận thức chung. Du-già 54 (tr.597c28): “Các pháp có tính đối kháng (sapratigha: hữu đối, hữu ngại) cùng chiếm cứ một vị trí không gian mà không tách rời nhau; còn không có tính đối kháng thì không như vậy… (Bởi vì) tất cả sắc tụ đều được thọ dụng chung bởi tất cả các căn.”
[563] Thế giới tự nhiên (khí thế gian) là môi trường chung của nhiều chủng loại: Thánh, phàm, v.v., Thế giới này là biến thái bởi thức của hạng nào?
[564] Thuật ký: quan điểm của Nguyệt Tạng (Candragarbha): chung cho tất cả Thánh, phàm, mọi loại hữu tình.
[565] Thuật ký: đây chỉ kinh Lập thế, nhưng nguyên văn không hoàn toàn nhất trí. Cf. Lập thế A-tì-đàm kinh, quyển 10 (T32n1644, tr.223c02): “Phật nói nói với các tỳ kheo, Bấy giờ, rồi thế giới lại bắt đầu chuyển thành; đó là pháp thế gian. Khi thế giới bất đầu xuất hiện, chúng sinh nào mà nghiệp tăng trưởng dẫn đến cảm quả Đại Phạm thiên, liền xả nghiệp quả trước kia… Cung điện Đại Phạm thiên tự nhiên xuất hiện…”
[566] Nạn vấn giả thiết của Hộ Pháp (Dharmapāla).
[567] Chỉ một hạng Thánh giả A-na-hàm (Ānagamin); cf. Tỳ-bà-sa 174 (tr.876a25). 175 (tr.882a14).
[568] Chỉ các loài cùng chung cộng nghiệp mới có sự biến thái chung, không phải toàn bộ các loài biến thái.
[569] Quan điểm của Đại chúng bộ: vô sắc giới không tuyệt đối không có sắc. Sắc tồn tại, nhưng cực kỳ vi tế, nên gọi là vô sắc.
[570] Thuật ký: thân cộng đồng tồn tại đối với môi trường sở y bao gồm ba nghìn thế giới gọi chung là đương địa. Thức của tất cả hữu tình tình này cùng biến thái chung thành đương địa.
[571] Khi thế giới sáng thành, một kiếp đầu hình thành thế giới tự nhiên (khí thế gian) và 19 kiếp kế phát triển sinh vật (hữu tình thế gian). Khi thế giới hủy diệt, 19 kiếp cho sinh vật hủy diệt; 1 kiếp cuối cùng, thế giới tự nhiên hoại diệt.
[572] Do chủng tử của nghiệp cộng đồng (cộng nghiệp) biến thái thành khí thế gian. Cộng nghiệp, hay nghiệp do tạo tác cộng đồng, dẫn đến cộng đồng biến thái. Cf. A-tỳ-đạt-ma tập tập luận 7 (T31n1606, tr.729a6): “Cộng nghiệp là gì? Nghiệp dẫn đến sự sai biệt đa thù của thế giới tự nhiên (khí thế gian). Bất cộng nghiệp là gì? Nghiệp dẫn đến sự sai biệt đa thù của thế giới sinh vật (hữu tình thế gian).”
[573] Các chủng tử mà thức thứ tám chấp thọ. Giải nghĩa từ “chấp thọ” trong tụng văn.
[574] Thuật ký: Chân như không phải là biến thái của thức, nhưng không tồn tại ngoài thức.
[575] Thức chỉ có thể nhận thức những gì do chính nó biến thái thành. Dễ nhận thức được tha thân, tha thân ấy cũng phải là biến thái của thức.
[576] Biện trung biên (Huyền Trang), quyển thượng (T31n1600, tr.464c9) giải thích nghĩa “biến tợ” trong bài tụng: thức sinh biến tợ nghĩa, hữu tình, ngã cập liễu, 識生變似義 有情我及了. Skt. Madhyāntavibhaṅga: arthasattvātmavijñaptipratibhāsaṃ prajāyate/ vijñānaṃ nāsti. (thức) xuất hiện như là ảnh chiếu của cảnh, hữu tình, tự ngã và thức biệt. Trong đó, biến tở hay ảnh chiếu hữu tình là sự xuất hiện của ảnh tợ như là tính thể năm căn của tự thân và tha thân (sattvapratibhāsaṃ yat pañcendriyatvena svaparasantānayoḥ).
[577] Thuật ký: giải thích của Hộ Pháp.
[578] Chỉ y xứ của căn.
[579] Năm loại lực có khả năng biến hóa: định lực, thần thông lực, pháp đức lực, tá thức lực, đại nguyện lực. Thức thứ tám chỉ có định lực và thần thông lực. Các thức khác đủ cả năm.
[580] Hán: đẳng. Thuật ký: đẳng là kể cả sắc của hoa và hương của hoa.
[581] 10 sắc xứ: 5 căn và 5 cảnh.
[582] Trong Hữu bộ, 1 loại sắc thuộc pháp xứ, đó là vô biểu sắc. Ở đây, sắc xuất hiện do bởi định lực, đối tượng của ý thức nên thuộc về pháp xứ. Cf. Du-già 54 (tr.597b6): sắc thuộc về pháp xứ có hai loại, thật và giả. Trong đó, sắc thật là những thật vật trong cảnh giới được biến hiện bởi năng lực của uy đức định.
[583] Kể luôn hành không tương ưng và các pháp vô vi.
[584] Thuật ký: do bởi nghiệp quá khứ, và chủng tử danh ngôn. Biến thái do vận hành tự nhiên của tâm, không do tác ý, hay cố ý. Đây là biến thái bởi thức thứ tám và năm thức trước.
[585] Biến bởi thức thứ sáu và thứ bảy, do tác ý phân biệt.
[586] Chỉ là đối tượng hư cấu, không có tác dụng thực tiễn.
[587] Cf. Giải thâm mật (Huyền Trang 5 (T16n676, tr.710c14): Hóa thân của Như Lai là hữu tâm hay vô tâm? Không phải hữu tâm hay vô tâm. Vì không có tâm tự y, mà chỉ có tâm y tha. Cf. Phật địa luận 6 (T26n1530, tr.318c8): “Hóa thân, cung nói là hữu tâm và vô tâm. Vì có tâm ý tha mà không có tâm tự y. Tức là, tâm biến hóa y tâm thật mà xuất hiện. Nhưng tướng phần trên tâm thật chỉ tợ như có tác dụng duyên lự, như lửa trong gương không có tự thể riêng biệt.”
[588] Nghĩa là, các thức cần thọ dụng cảnh được biến thái bởi thức thứ tám.
[589] Kể luôn bất tương ưng pháp.
[590] Vô vi chưa được thực chứng nên không tác dụng.
[591] Thuật ký: tức duyên vô thể làm đối tượng.
[592] Phật trí không chỉ duyên hữu thể mà có thể duyên đến vô thể làm đối tượng.
[593] Tức khí thế gian, thân hữu căn và chủng tử hữu lậu.
[594] Giải thích từ “bất khả tri” (asaṃviditaka) trong câu tụng ‘bất khả tri chấp thọ.”
[595] Chỉ chiều kích và dung lượng của thế giới tự nhiên ngoại tại.
[596] Thuật ký: nạn vấn bởi Kinh bộ và Hữu bộ. Hành tướng mà khó biết thì không phải là thức. Hành tướng ở đây hiểu là kiến phần.
[597] Trả lời cho Kinh bộ. Tì-bà-sa 152 (tr.775a22): “Diệt tận định vẫn là hữu tâm, chỉ diệt tưởng và thọ.” Thuận lý 13 (tr.403a21): “Thí dụ luận giả nói, trong diệt tận định, chỉ diệt thọ và tưởng. Vì nhất định không có loại hữu tình vô tâm.” Câu-xá 5 (tr.25c26): “Tôn giả Thế Hữu… không phải trong diệt tận định hoàn toàn không có tâm… Trong diệt tận định vẫn tồn tại tâm vi tế…”
[598] Khuyến cáo Hữu bộ, vì bộ này không tin thức tồn tại trong diệt tận định.
[599] Xem đoạn sau của luận, đoạn chứng minh tồn tại thức A-lại-da.
[600] Gồm vô tưởng định (asaṃjñi-samāpatti) và vô tưởng quả (asaṃjñika, asaṃjñi-sattva).

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.78.87 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập