Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Mười Lăm
GIÁO THỌ
Giải thích:
Đã nói sự tùy thuận tu tập của Bồ tát, kế nói sự dạy bảo của Như lai.
[0623c18] Kệ tụng:
Hành hết một tăng-kỳ
Nuôi lớn thêm đức tin
Tùy tín dồn chứa thiện
Cũng đủ như biển đầy.
Giải thích:
Hành hết một tăng kỳ, nuôi lớn thêm đức tin: Các Bồ tát tu hành hết một a-tăng-kỳ kiếp, bấy giờ nuôi lớn đức tin mới đi đến thượng phẩm.
Hỏi: Chỉ có đức tin tăng trưởng?
Đáp: Tùy tín dồn chứa thiện, cũng đủ như biển đầy: Khi đức tin tăng trưởng thì các thiện pháp cũng theo đức tin ấy mà chứa nhóm đầy đủ, như nước biển lớn trong suốt đầy tràn.
[0623c25] Kệ tụng:
Dồn chứa phước đức rồi
Phật tử ban đầu tịnh
Cực trí và nhuyến tâm
Siêng tu các chánh hạnh.
Giải thích:
Dồn chứa phước đức rồi: Là sự chứa nhóm thiện pháp như trước đã nói.
Phật tử ban đầu tịnh: Là giữ gìn sự thanh tịnh và khởi kiến giải chính xác đối với Đại thừa, nên không tiếp nhận nghĩa lý điên đảo.
Cực trí, là có được sự đa văn [giáo pháp Đại thừa].
Nhuyến tâm, là rời các chướng ngại.
Siêng tu các chánh hạnh: Là có khả năng gánh vác.
[0624a02] Kệ tụng:
Về sau nhờ chư Phật
Dòng pháp được dạy bảo
Tăng ích trí tịch tĩnh
Tiến đến thừa rộng lớn.
Giải thích:
Về sau nhờ chư Phật, dòng pháp được dạy bảo: Các Bồ tát từ đây về sau nhờ chư Phật Như lai lấy giáo pháp tu-đa-la v.v… vì họ giảng thuyết, như vì họ nói kinh Thập địa.
Tăng ích trí tịch tĩnh, tiến đến thừa rộng lớn: Các Bồ tát được chư Phật dạy bảo thì tăng ích trí xa-ma-tha, có thể tiến tu đối với Đại thừa rộng lớn.
Các Bồ tát được dạy bảo như vậy rồi, kế khởi sáu thứ tâm.
[0624a10] Kệ tụng:
Tưởng tên và hiểu câu
Suy nghĩa, nghĩa thật biết
Pháp chung và nghĩa cầu
Sáu tâm lần lượt khởi.
Giải thích:
Sáu tâm là: 1. Tâm căn bản; 2. Tâm tùy hành; 3. Tâm quán sát; 4. Tâm thật giải; 5. Tâm tổng tụ; 6. Tâm mong cầu.
Tưởng tên, là nói tâm căn bản: đầu tiên, đối với giáo pháp như tu-đa-la v.v… quán sát không có hai nghĩa, chỉ có liên tưởng về tập hợp của những cái tên.
Hiểu câu, là nói tâm tùy hành: sau đó, dõi theo các câu mà có sự xét đoán những sai biệt và thứ tự.
Suy nghĩa, là nói tâm quán sát: tiếp theo, tư duy chính xác về nghĩa bên trong của câu.
Nghĩa thật biết, là nói tâm thật giải: biết như thật về nghĩa đã được tư duy.
Pháp chung, là nói tâm tổng tụ: tập hợp các giáo pháp trên mà quán sát theo tổng tướng.
Nghĩa cầu, là nói tâm mong cầu: đối với nghĩa thú của giáo pháp thì mong cầu chứng đắc thật ý.
Như vậy khởi sáu thứ tâm rồi, kế khởi mười một thứ tác ý.
[0624a21] Kệ tụng:
Có cầu và có quán
Một vị, tuệ giác chỉ
Tuệ giác quán, hai cùng
Bật hôn trầm, đè trạo
Chánh trú và vô gián
Trong đó có tôn trọng
Đặt tâm tất cả duyên
Tác ý có mười một.
Giải thích:
Mười một thứ tác ý là:
1. Tác ý có giác có quán;
2. Tác ý không giác có quán;
3. Tác ý không giác không quán;
4. Tác ý xa-ma-tha;
5. Tác ý tỳ-bát-xá-na;
6. Tác ý hai tương ưng;
7. Tác ý khởi tướng;
8. Tác ý nhiếp tướng;
9. Tác ý xả tướng;
10. Tác ý hằng tu;
11. Tác ý cung kính.
Có cầu, là tác ý có giác có quán: tác ý này lấy ý ngôn tương tục để quán sát các pháp.
Có quán, là tác ý không giác có quán: tác ý này tuy đã rời nơi giác nhưng vẫn còn ý ngôn tương tục để quán sát các pháp.
Một mùi vị, là tác ý không giác không quán: tác ý này đã rời khỏi ý ngôn nhưng vẫn còn sự tương tục quán sát các pháp.
Tuệ giác chỉ, là tác ý xa-ma-tha: tác ý này chỉ duyên với cái tên của các pháp.
Tuệ giác quán, là tác ý tỳ-bát-xá-na: tác ý này chỉ duyên với cái nghĩa của các pháp.
Hai cùng, là tác ý hai tương ưng: tác ý này trong một lúc có thể duyên cả tên và nghĩa.
Bật hôn trầm, là tác ý khởi tướng: tác ý này là khi duyên với tên mà tâm hôn trầm thì nó có thể thúc giục tâm khởi động.
Đè trạo [cử], là tác ý nhiếp tướng: tác ý này là khi duyên với nghĩa mà tâm xao động thì nó có thể nắm giữ [không cho tâm xao động].
Chánh trú, là tác ý xả tướng: tác ý này là khi tâm ở trạng thái bình đẳng thì nó làm cho tâm an trú nơi hành xả.
Vô gián, là tác ý hằng tu: tác ý này có thể dựa vào chánh trú mà tu tập không có ngưng nghỉ, cách hở.
Tôn trọng, là tác ý cung kính: tác ý này là trong khi tu tập thì tôn trọng tên và nghĩa [của các pháp].
Như vậy, khởi mười một thứ tác ý rồi, kế lại nên tu tập chín thứ tâm trú.
[0624b15] Kệ tụng:
Buộc duyên và mau nhiếp
Trong thâu tóm, trú lạc
Điều phục chán, dứt loạn
Hoặc khởi diệt cũng vậy
Tâm sở tác tự lưu
Bấy giờ được vô tác
Bồ tát nên tu tập
Chín tâm trú như vậy.
Giải thích:
Chín thứ tâm trú là: 1. Tâm trú yên lặng; 2. Tâm trú nắm giữ; 3. Tâm trú biết rõ; 4. Tâm trú chuyển lạc; 5. Tâm trú điều phục; 6. Tâm trú ngưng dứt; 7. Tâm trú diệt trừ; 8. Tâm trú tự tánh; 9. Tâm trú tổng trì.
Chín thứ tâm trú này là phương tiện dạy bảo cần nên biết.
Buộc duyên, là tâm trú yên lặng: tâm yên lặng nhưng không cho rời đối tượng của tâm duyên.
Mau nhiếp, là tâm trú nắm giữ: khi tâm đặt trên đối tượng mà có sự tán loạn thì mau chóng nắm giữ trở lại.
Trong thâu tóm, là tâm trú biết rõ: khi tâm đặt trên đối tượng mà có sự rong ruỗi ra bên ngoài thì liền biết rõ mà thâu tóm đưa vào trong.
Trú lạc, là tâm trú chuyển lạc: thấy công đức đi đến chánh định, [hoan hỷ nơi chánh định,] nên tâm chuyển trú lạc.
Điều phục chán nản, là tâm trú điều phục: khi tâm không có trú lạc thì cần phải chiết phục.
Dứt loạn, là tâm trú ngưng dứt: thấy lầm lỗi của sự tán loạn thì liền ngưng dứt.
Hoặc khởi diệt cũng vậy, là tâm trú diệt trừ: khi niệm tham ái, ưu não v.v… khởi lên thì liền diệt trừ [không cho tăng trưởng].
Tâm sở tác tự lưu [chuyển], là tâm trú tự tánh: [khi đã dứt các vọng niệm thì biết tâm tánh xưa nay vắng lặng] dòng tâm thức nhậm vận an trú tự tánh. Bấy giờ được vô tác, là tâm trú tổng trì: không do tác ý mà được tổng trì.
Tu tập như vậy được tâm trú rồi, kế cho tâm ấy được sự nhu nhuyến tối thượng.
[0624c03] Kệ tụng:
Hạ tu ỷ khiến tiến
Vì tiến tập bản định
Tịnh thiền làm thần thông
Sẽ thành thắng nhuyến tâm.
Giải thích:
Hạ tu ỷ [tức] khiến tiến, vì tiến tập bản định: Nên biết, khi Bồ tát được tâm trú là đã được cái định hạ phẩm làm cho thân khinh an và tâm khinh an. Vì tăng tiến sự khinh an này phải tu thêm thiền định căn bản.
Hỏi: Tu thêm thiền định căn bản để được công đức gì?
Đáp: Tịnh thiền làm thần thông, sẽ thành thắng nhuyến tâm: Các Bồ tát vì khởi các thần thông, vì muốn thành tựu tâm nhu nhuyến tối thắng nên tinh tiến tu tập thiền định căn bản.
Hỏi: Khởi các thần thông để muốn làm gì? Được tâm nhu nhuyến tối thắng để thành tựu việc gì?
[0624c12] Kệ tụng:
Khởi thông dạo các cõi
Phụng sự các Thế tôn
Được nhuyến tâm tối thượng
Để cúng dường chư Phật.
Giải thích:
Khởi thông dạo các cõi, phụng sự các Thế tôn: Các Bồ tát muốn đi đến vô lượng thế giới, muốn trải qua vô lượng kiếp số, muốn gặp gỡ vô lượng chư Phật, muốn phụng sự, cúng dường và nghe chánh pháp, vì những việc này mà khởi các thần thông.
Hỏi: Làm sao làm được những việc này?
Đáp: Được nhuyến tâm tối thượng, để cúng dường chư Phật: Các Bồ tát lấy sự cúng dường chư Phật làm nhân tố để thành tựu tâm nhu nhuyến tối thắng. Được tâm nhu nhuyến tối thắng rồi, các Bồ tát liền được chư Phật khen ngợi.
[0624c20] Kệ tụng:
Trước chưa nhập tịnh tâm
Được năm thứ khen ngợi
Khí thể thành thanh tịnh
Kham tiến thừa vô thượng.
Giải thích:
Trước chưa nhập tịnh tâm, được năm thứ khen ngợi: Trước khi đi vào địa vị tịnh tâm, các Bồ tát này đã được chư Như lai khen ngợi năm thứ công đức.
Hỏi: Sự khen ngợi này đối với các Bồ tát có lợi ích gì?
Đáp: Khí thể thành thanh tịnh, kham tiến thừa vô thượng: Các Bồ tát được chư Như lai khen ngợi rồi liền thành tựu khí thể thanh tịnh, có thể gánh vác, đi vào thừa tối thượng.
Hỏi: Chư Như lai khen ngợi các Bồ tát qua năm công đức gì?
[0624c29] Kệ tụng:
Niệm niệm tiêu các tập
Thân khinh an, tâm an
Tròn sáng và thấy tướng
Mãn tịnh các pháp thân.
Giải thích:
Năm thứ công đức là: 1. Tiêu dung tập khí; 2. Thân khinh an; 3. Tâm khinh an; 4. Tròn sáng; 5. Thấy tướng.
Tiêu dung tập khí, là trong mỗi ý nghĩ tiêu dung tất cả tập khí tích chứa.
Thân khinh an, là tu tập định làm cho khinh an khắp đầy thân.
Tâm khinh an, là tu tập định làm cho khinh an khắp đầy tâm.
Tròn sáng, là hiểu trọn vẹn nhất thiết chủng không, rời nhiễm trước.
Thấy tướng, là thấy vô phân biệt tướng, làm nhân tố thanh tịnh [cho những địa] về sau.
Mãn tịnh các pháp thân, là Bồ tát thường tu năm công đức như vậy để viên mãn và thanh tịnh tất cả sắc thái của pháp thân.
Hỏi: Khi nào viên mãn, khi nào thanh tịnh?
Đáp: Ở địa thứ mười thì viên mãn, ở Phật địa thì thanh tịnh. Ở đây nên biết, trong năm thứ công đức, ba công đức đầu thuộc phần chỉ, hai công đức sau thuộc phần quán. Đến được giai đoạn này, Bồ tát chứng đắc đầy đủ pháp thế gian.
Như vậy các Bồ tát được sự khen ngợi rồi, kế khởi thiện căn phần thông đạt.
[0625a13] Kệ tụng:
Bấy giờ Bồ tát này
Tuần tự được định tâm
Do chỉ thấy ý ngôn
Không thấy tất cả nghĩa.
Giải thích:
Bồ tát này đầu tiên được định tâm, loại bỏ ý ngôn, không thấy tất cả các nghĩa của tự tướng và tổng tướng, chỉ thấy ý ngôn. Cái thấy này là cái thấy của Bồ tát ở noãn vị. Địa vị này gọi là ánh sáng. Như trong kinh Sông tro, đức Phật nói về ánh sáng rằng, thấy một chút ánh sáng ẩn hiện là được pháp nhẫn.
[0625a19] Kệ tụng:
Vì tăng trưởng pháp minh
Phát tinh tiến kiên cố
Pháp minh tăng trưởng rồi
Thông đạt trú duy tâm.
Giải thích:
Ở đây, Bồ tát vì tăng trưởng pháp minh nên phát khởi sự tinh tiến kiên cố, trú nơi pháp minh ấy để thông đạt duy tâm. Sự thông đạt này gọi là Bồ tát an trú đảnh vị.
[0625a24] Kệ tụng:
Các nghĩa đều là quang
Bởi vì thấy duy tâm
Đoạn được sở chấp loạn
Đó là trú nơi nhẫn.
Giải thích:
Ở đây, Bồ tát thấy các nghĩa đều là tâm quang, chẳng phải ngoài tâm quang riêng có cái thấy khác. Bấy giờ Bồ tát diệt được sự thác loạn của sở chấp. Đây là cái thấy của Bồ tát ở nhẫn vị.
[0625a29] Kệ tụng:
Tuy đoạn sở chấp loạn
Nhưng vẫn còn năng chấp
Đoạn đây thì mau chứng
Cái định không cách hở.
Giải thích:
Ở đây, Bồ tát do đoạn được sự thác loạn của năng chấp nên mau chứng định không cách hở.
Hỏi: Vì nghĩa gì mà định này được gọi là không cách hở?
Đáp: Khi sự thác loạn của năng chấp đoạn diệt, bấy giờ Bồ tát nhập vào định không cách hở, cho nên có cái tên này. Sự nhập vào định không cách hở này chính là Bồ tát trú thế gian đệ nhất pháp vị.
Theo thứ tự của thuận quyết trạch phần, đã nói các giai vị là noãn, đảnh, nhẫn và thế gian đệ nhất pháp, kế nói sự sanh khởi của kiến đạo.
[0625b07] Kệ tụng:
Rời xa hai chấp kia
Xuất thế gian vô thượng
Vô phân biệt, ly cấu
Trí này, thời này được.
Giải thích:
Rời xa hai chấp kia: Là sở chấp và năng chấp không hòa hợp.
Xuất thế gian vô thượng: Là được thừa vô thượng.
Vô phân biệt, là sự phân biệt của hai chấp kia không còn.
Ly cấu, là những phiền não được đoạn trừ ở giai đoạn kiến đạo; bấy giờ, Bồ tát xa trần rời cấu, được pháp nhãn tịnh.
[0625b13] Kệ tụng:
Đây chính là chuyển y
Vì đã được sơ địa
Sau trải vô lượng kiếp
Y tịnh mới viên mãn.
Giải thích:
Đây chính là chuyển y, vì đã được sơ địa: Được ly cấu tức là vào địa vị chuyển y của Bồ tát. Vì sao? Được vào địa đầu tiên vậy.
Hỏi: Y tịnh là sao?
Đáp: Sau trải vô lượng kiếp, y tịnh mới viên mãn: Không phải ở địa đầu tiên mà có được sự thanh tịnh cùng cực, sau đó phải trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp thì sự chuyển y này mới được thanh tịnh viên mãn.
[0625b20] Kệ tụng:
Bấy giờ thông pháp giới
Tâm bình đẳng mình người
Bình đẳng có năm thứ
Năm không có sai biệt.
Giải thích:
Bấy giờ thông pháp giới, tâm bình đẳng mình người: Bồ tát ở địa đầu tiên có được sự thông đạt về pháp giới bình đẳng. Do sự thông đạt này, Bồ tát có thể quán thân người tức là thân mình, cũng được tâm bình đẳng.
Hỏi: Bấy giờ Bồ tát có được mấy thứ tâm bình đẳng?
Đáp: Bình đẳng có năm thứ, năm không có sai biệt: Những gì là năm?
1. Bình đẳng vô ngã: nơi sự tương tục của mình và người, không thấy có ngã, không có sai biệt;
2. Bình đẳng có khổ: nơi sự tương tục của mình và người đều có tự tánh khổ, không có sai biệt;
3. Bình đẳng việc làm: nơi sự tương tục của mình và người, muốn làm việc đoạn khổ, không có sai biệt;
4. Bình đẳng không cầu: nơi việc làm của mình và người, không cầu báo đáp, không có sai biệt;
5. Bình đẳng cùng được: như Bồ tát khác đã được như thế, tôi cũng sẽ được như thế, không có sai biệt.
[0625c03] Kệ tụng:
Các hành hư phân biệt
Tịnh trí biết không hai
Giải thoát kiến hoặc diệt
Như vậy nói kiến đạo.
Giải thích:
Các hành hư phân biệt, tịnh trí biết không hai: Ở đây, Bồ tát đối với các hành của ba cõi chỉ thấy là sự phân biệt không chân thật, do đó Bồ tát dùng trí cực tịnh thấu hiểu các hành không có hai.
Tịnh trí, là trí xuất thế gian, [không có phân biệt].
Không hai, là không có hai chấp. Thể tánh không hai của các hành chính là pháp giới.
Giải thoát kiến hoặc diệt, như vậy nói kiến đạo: Giải thoát kiến đạo là đã diệt trừ phiền não. [Ngộ nhập] pháp giới chính là giải thoát. Khi giải thoát mọi kiến hoặc, diệt trừ mọi phiền não thì gọi là vị Bồ tát bước vào địa vị kiến đạo.
[0625c12] Kệ tụng:
Vô thể, tương tự thể
Tự tánh thành ba không
Hiểu được ba không đây
Gọi đó là biết không.
Giải thích:
Ba không là:
1. Vô thể không, là tánh phân biệt, vì sắc thái của nó là không có thật thể;
2. Tương tự thể không, là tánh y tha, vì sắc thái của nó giống như sự vô thể của tánh phân biệt;
3. Tự tánh không, là tánh chân thật, vì lấy tự thể không làm tự tánh.
Kệ tụng này hiển thị sự chứng đắc không giải thoát môn của Bồ tát.
[0625c19] Kệ tụng:
Nên biết duyên vô tướng
Diệt hết các phân biệt
Ở đây duyên vô nguyện
Bất chân phân biệt hết.
Giải thích:
Hai câu kệ trước hiển thị sự chứng đắc vô tướng giải thoát môn. Hai câu kệ sau hiển thị sự chứng đắc vô nguyện giải thoát môn. Ở đây nên biết, Bồ tát đã chứng đắc đầy đủ ba giải thoát môn.
[0625c24] Kệ tụng:
Bấy giờ pháp sở đắc
Tất cả bồ-đề phần
Nên biết Bồ tát kia
Cùng được khi kiến đạo.
Giải thích:
Tất cả bồ-đề phần, là bốn niệm xứ v.v... Bồ tát kia khi được kiến đạo cũng được tất cả bồ-đề phần này.
[0625c28] Kệ tụng:
Hiểu đời chỉ các hành
Vô ngã chỉ khổ trước
Tự ngã không nghĩa diệt
Đại nghĩa dựa đại ngã.
Giải thích:
Hiểu đời chỉ các hành, vô ngã chỉ khổ trước: Bồ tát này thấu hiểu các pháp thế gian chỉ là các hành, thật sự không có ngã. Chúng sanh phân biệt, dính mắc các pháp nên chỉ có chuốc khổ.
Tự ngã không nghĩa diệt: Là thân kiến nhiễm ô đã diệt.
Đại nghĩa, là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Đại ngã, là xem tất cả chúng sanh như bản thân mình; ở đây Bồ tát diệt được cái thấy tự ngã. Dựa vào cái thấy đại ngã mà làm việc lợi ích cho chúng sanh, gọi là đại nghĩa dựa đại ngã.
[0626a07] Kệ tụng:
Vô ngã và ngã kiến
Không khổ và cực khổ
Lợi người không cầu báo
Như làm lợi chính mình.
Giải thích:
Vô ngã, là không thấy có tự thân, không có cái thấy tự ngã, không có ý niệm làm lợi ích chúng sanh.
Ngã kiến, là thấy có tha thân, có cái thấy tự ngã, có ý niệm làm lợi ích chúng sanh.
Không khổ, là không có tự thân sanh khởi các khổ.
Cực khổ, là có tha thân sanh khởi các khổ.
Lợi người không cầu báo, là không có tâm mong cầu. Vì sao? Vì đó là lợi chính mình. Khi Bồ tát làm lợi cho chúng sanh tức là làm lợi cho chính mình, cho nên Bồ tát không mong cầu bên ngoài.
[0626a15] Kệ tụng:
Tâm tự thoát tối thượng
Buộc người thì chắc lâu
Biên tế khổ không cùng
Như vậy phải siêng làm.
Giải thích:
Tâm tự thoát, là Bồ tát dứt sạch kiến đạo sở đoạn phiền não của mình.
Tối thượng, là sự giải thoát này do thừa vô thượng mang lại.
Buộc người thì chắc lâu, là tất cả chúng sanh đều tương tục sanh khởi phiền não [nên bị trói buộc cứng chắc và dài lâu].
Biên tế khổ không cùng, là chúng sanh giới thì vô biên như hư không.
Như vậy phải siêng làm, là chúng sanh chịu các khổ như thế, Bồ tát phải giúp chúng sanh đoạn khổ, làm đến tận cùng, làm rồi lại làm, không chịu ngưng nghỉ.
[0626a23] Kệ tụng:
Mình khổ không nhận chịu
Huống chịu thay khổ người
Đời này đến cùng sanh
Ngược chúng là Bồ tát.
Giải thích:
Chúng sanh trong một đời sống có nhiều sự khổ, huống chi đến tận cùng bờ mé sanh tử có những sự khổ không thể nghĩ bàn, không thể nhận chịu.
Ngược với sự không nhận chịu khổ của chúng sanh, Bồ tát có thể vì chúng sanh mà chịu thay khổ não, nên nói ngược chúng là Bồ tát.
[0626a28] Kệ tụng:
Với người hành đẳng ái
Lợi người không thoái chuyển
Hy hữu, không hy hữu
Lợi người là lợi mình.
Giải thích:
Với người hành đẳng ái, lợi người không thoái chuyển: Bồ tát đối với tất cả chúng sanh thực hành tâm yêu thương bình đẳng, không có sai biệt. Hoặc cầu an vui lợi ích, hoặc hành an vui lợi ích, Bồ tát khi cầu và hành bằng cái tâm mang lại lợi ích, không có thoái chuyển.
Hy hữu, không hy hữu, lợi người là lợi mình: Sự không thoái chuyển cái tâm mang lại lợi ích của Bồ tát là cao tột trong mọi sự hy hữu ở thế gian. Tuy nhiên, sự hy hữu này cũng chẳng phải hy hữu. Vì sao? Vì khi Bồ tát làm cho người được lợi ích thì cũng chính là bản thân Bồ tát được lợi ích.
[0626b07] Kệ tụng:
Địa khác nói tu đạo
Hai trí siêng tu tập
Vô phân biệt, kiến lập
Tịnh pháp và chúng sanh.
Giải thích:
Địa khác, là chín địa về sau.
Hỏi: Ở các địa khác, Bồ tát tu tập gì?
Đáp: Hai trí siêng tu tập: Hai trí là: 1. Trí vô phân biệt; 2. Trí như sở kiến lập. Trí vô phân biệt là trí xuất thế. Trí như sở kiến lập là trí hậu đắc thế.
Hỏi: Hai trí này có công năng gì?
Đáp: Tịnh pháp và chúng sanh: Ở đây, trí vô phân biệt có công năng hoàn thành các pháp của Phật và trí như sở kiến lập có công năng thành thục chúng sanh.
[0626b15] Kệ tụng:
Tu vị hai tăng kỳ
Sau rốt được thọ chức
Nhập Kim cương định kia
Phá hết các phân biệt.
Giải thích:
Tu vị hai tăng kỳ, sau rốt được thọ chức: Hai tăng-kỳ là a-tăng-kỳ đại kiếp thứ hai và a-tăng-kỳ đại kiếp thứ ba. Sau rốt, là hoàn thành tu tập vị. Bồ tát ở tu tập vị mới được thọ chức.
Hỏi: Bồ tát thọ chức rồi còn phải làm gì?
Đáp: Nhập Kim cương định kia, phá hết các phân biệt.
Hỏi: Do nghĩa gì mà gọi là Kim cương định?
Đáp: Định này có thể phá hủy các phân biệt tùy miên, vì vậy gọi là Kim cương dụ định.
[0626b23] Kệ tụng:
Chuyển y cứu cánh tịnh
Thành tựu nhất thiết chủng
Trú đây làm các việc
Chỉ vì lợi chúng sanh.
Giải thích:
Chuyển y cứu cánh tịnh, là diệt trừ vĩnh viễn phiền não chướng và sở tri chướng [cùng cực vi tế].
Thành tựu nhất thiết chủng, là hoạch đắc nhất thiết chủng trí, do không còn trí nào hơn nữa.
Trú đây làm các việc, là trú ở địa vị [chuyển y] này cho đến cùng tận biên cương sanh tử của chúng sanh mà thị hiện thành đạo và thị hiện niết-bàn.
Hỏi: Các việc này để làm gì?
Đáp: Chỉ vì lợi chúng sanh: những việc làm đó chỉ có mục đích duy nhất là làm lợi ích yên vui cho tất cả chúng sanh.
Từ đây về sau nói rõ, do sự dạy bảo lớn lao mà được sự nghĩa lợi lớn lao.
[0626c03] Kệ tụng:
Đức Mâu Ni khó gặp
Gặp được biết nghĩa lớn
Nhờ nghe pháp vô đẳng
Tịnh tín nuôi dưỡng tâm.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rằng, Bồ tát do sự dạy bảo lớn lao mà thường được hiện tiền gặp Phật, thường được nghe chánh pháp không gì sánh bằng, thường khởi tịnh tín cực kỳ sâu xa khắp đầy nơi tâm. Đây là nói giai đoạn đầu tiên được nghĩa lợi lớn lao.
[0626c08] Kệ tụng:
Ở trong sự dạy bảo
Muốn an trú pháp môn
Như người vượt hiểm nạn
Phật khuyến khích cũng vậy.
Giải thích:
Ở trong sự dạy bảo, muốn an trú pháp môn: Các Bồ tát muốn an trú trong pháp môn thì thường thọ nhận sự dạy bảo của Như lai.
Như người vượt hiểm nạn, Phật khuyến khích cũng vậy: Thí như có người rơi vào hầm sâu, được người giúp túm tóc kéo lên bờ cao. Sự khuyến khích của Phật cũng vậy, nếu có Bồ tát ưa thích an trú hầm sâu tịch diệt, chư Phật Như lai tận lực đặt vị ấy lên bờ cao là quả vị Phật-đà. Đây là nói giai đoạn tiếp theo được nghĩa lợi lớn lao.
[0626c16] Kệ tụng:
Thế gian cực tịnh nhãn
Thắng giác vô phân biệt
Thí như mặt trời mọc
Trừ tối, sáng thế gian.
Giải thích:
Khi các Bồ tát thành Phật thì vĩnh viễn trừ sạch tất cả pháp thế gian, được tri kiến cực kỳ thanh tịnh. Bấy giờ Bồ tát được tuệ giác thù thắng, vô phân biệt. Thí như mặt trời lớn mọc lên, có thể trừ bóng tối, chiếu sáng thế gian. Đây là nói giai đoạn hoàn thành được nghĩa lợi lớn lao.
Đã nói rộng như vậy rồi, sau đây là kệ tụng tổng kết những nghĩa trước.
[0626c23] Kệ tụng:
Phật tử khéo tập đầy
Thành tựu định cực rộng
Thường nhận Phật giáo huấn
Biển công đức cùng cực.
Giải thích:
Kệ tụng này, nghĩa đã hiển thị trong văn.
Phẩm Giáo Thọ trọn vẹn Phẩm Mười Sáu
NGHIỆP BẠN
Giải thích:
Đã nói sự dạy bảo lớn lao của Như lai. Nay sẽ nói đến việc Bồ tát phát khởi các nghiệp lấy phương tiện làm bạn.
[0626c29] Kệ tụng:
Thí như đại địa chủng
Nhậm trì bốn thứ vật
Cũng vậy ba loại nghiệp
Thiết lập tất cả thiện.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị nghiệp phương tiện tập khởi của Bồ tát.
Thí như đại địa chủng, nhậm trì bốn thứ vật: Bốn vật là gì? Đó là: 1. Biển cả; 2. Núi non; 3. Cây cối; 4. Chúng sanh.
Như vậy ba loại nghiệp, thiết lập tất cả thiện: Bốn vật là biển cả, v.v… được thí dụ cho tất cả thiện pháp. Cũng vậy, ba nghiệp của Bồ tát có thể dồn chứa tất cả thiện pháp, đó là các ba-la-mật: thí, v.v…, và tất cả pháp bồ-đề phần.
[0627a08] Kệ tụng:
Làm được nghiệp khó làm
Ứng hình vô lượng kiếp
Tự tánh thân, khẩu, tâm
Cứu người không thoái chuyển.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị nghiệp phương tiện cứu người của Bồ tát.
Làm được nghiệp khó làm, ứng hình vô số kiếp: Thế nào là nghiệp khó làm? Chúng sanh muốn có được sự xuất ly của Tiểu thừa, Bồ tát đối với chúng sanh đó sanh nỗi đau cùng cực, muốn chúng sanh đó chuyển đổi cái tâm thừa khác, nên biến ra chủng loại thân hình, trong vô lượng thế giới, qua vô lượng kiếp số, nhận chịu lâu dài các cần khổ để làm những nghiệp khó làm.
Tự tánh thân, khẩu, tâm, cứu người không thoái chuyển: Bồ tát vì muốn cứu giúp chúng sanh mà nhận chịu lâu dài các cần khổ để làm những nghiệp khó làm ở khắp mọi nơi, nhưng tự tánh của ba nghiệp thì không khi nào lùi bước và khuất phục.
[0627a17] Kệ tụng:
Như người sợ bốn hại
Phòng xa vì bản thân
Bồ tát sợ hai thừa
Hộ nghiệp cũng như vậy.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị nghiệp phương tiện tự hộ của Bồ tát.
Như người sợ bốn hại, phòng xa vì bản thân: Bốn hại là gì? Đó là: 1. Vật chất độc hại; 2. Binh khí, gậy gộc; 3. Thức ăn hư xấu; 4. Kẻ thù oán. Sự phòng xa [bốn thứ hại như vậy] là để lợi ích bản thân.
Bồ tát sợ hai thừa, hộ nghiệp cũng như vậy: Bốn thứ hại trên được ví như các nghiệp phương tiện của người tu nhị thừa. Bồ tát sợ hãi điều đó nên tự phòng hộ chắc chắn, không cho sanh khởi cái tâm xu hướng nhị thừa. Vì sao? Vì Bồ tát lo điều đó làm đoạn đứt chủng tử Đại thừa, tức thiện căn Đại thừa chưa sanh khởi khiến không sanh khởi, thiện căn đã sanh khởi khiến bị tiêu diệt, và tạo thành chướng ngại đối với quả vị Phật-đà.
[0627a27] Kệ tụng:
Người làm, nghiệp, việc làm
Ba luân không phân biệt
Đến bờ biển tịnh nghiệp
Công đức không ngằn mé.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị nghiệp phương tiện thanh tịnh của Bồ tát.
Người làm, nghiệp, việc làm, ba luân không phân biệt: Ba luân là gì? Đó là: 1. Người làm; 2. Nghiệp; 3. Việc làm.
Không phân biệt, nghĩa là ba luân này không thể thủ đắc. Do không thủ đắc nên ba luân thanh tịnh. Ba luân thanh tịnh nên nghiệp thanh tịnh.
Đến bờ biển tịnh nghiệp, công đức không ngằn mé: Đến được bờ bến của nghiệp thanh tịnh thì công đức cũng vô biên, không cùng tận.
Phẩm Nghiệp Bạn trọn vẹn Phẩm Mười Bảy
ĐỘ NHIẾP (Phần 1)
Giải thích:
Đã nói sự tập khởi nghiệp phương tiện của Bồ tát, nay sẽ nói sự dồn chứa các ba-la-mật. Ở đây, trước nói kệ ưu-đà-na:
[0627b09] Kệ tụng:
Số, tướng, thứ tự, danh
Tu tập, sai biệt, nhiếp
Trị chướng, đức, hỗ tương
Mười nghĩa của các độ.
Giải thích:
Ở đây, sáu ba-la-mật có mười nghĩa cần biết: 1. Số mục; 2. Sắc thái; 3. Thứ tự; 4. Danh từ; 5. Tu tập; 6. Sai biệt; 7. Nhiếp hạnh; 8. Trị chướng; 9. Công đức; 10. Hỗ tương.
Ở đây, có sáu kệ tụng nói lý do chế lập ba-la-mật chỉ có sáu số mục.
[0627b15] Kệ tụng:
Của cải, thân, quyến thuộc
Phát khởi, bốn độ thành
Định độ: hoặc không nhiễm
Tuệ độ: nghiệp không đảo.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị ba sự lợi mình, đó là lý do lập số mục ba-la-mật chỉ có sáu: 1. Tăng tiến; 2. Không nhiễm ô; 3. Không điên đảo.
Bốn ba-la-mật trước, theo thứ tự, có thể làm cho bốn sự tăng tiến:
1. Phương tiện sinh sống thành tựu, nhờ bố thí;
2. Bản thân thành tựu, nhờ trì giới;
3. Quyến thuộc thành tựu, nhờ nhẫn nhục, vì người tu hạnh nhẫn nhục được nhiều người yêu mến;
4. Phát khởi thành tựu, nhờ tinh tiến, vì tất cả sự nghiệp do tinh tiến mà thành tựu.
Thứ năm, thiền định ba-la-mật thì phiền não không làm nhiễm ô, vì năng lực thiền định chiết phục được phiền não.
Thứ sáu, Bát-nhã ba-la-mật thì nghiệp không làm điên đảo, vì như thật tri tất cả việc làm.
[0627b26] Kệ tụng:
Thí cho người, không não
Nhẫn não là lợi người
Có nhân tố, tâm trú
Giải thoát là lợi mình.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị sáu sự lợi mình và lợi người, đó là lý do lập số mục ba-la-mật chỉ có sáu.
Đầu tiên, vì nhiếp ba sự lợi người mà lập ba ba-la-mật trước để khởi chánh cần, theo thứ tự: 1. Bố thí cho người; 2. Không sanh phiền não; 3. Nhẫn chịu sự xúc não của người.
Sau đó, vì nhiếp ba sự lợi mình mà phải lập ba ba-la-mật sau để khởi chánh cần, theo thứ tự:
1. Có nhân tố, vì dựa vào tinh tiến [làm nhân tố tu tập];
2. Tâm an trú, vì tâm bất định làm cho an định;
3. Giải thoát, vì tâm đã an định đưa đến giải thoát.
[0627c06] Kệ tụng:
Không thiếu, không não hại
Nhẫn chịu não, không thoái
Quy hướng và khéo nói
Lợi người được thành tựu.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị sáu sự lợi người, đó là lý do lập số mục ba-la-mật chỉ có sáu.
Bồ tát khi tu hành sáu ba-la-mật, theo thứ tự, thí ba-la-mật là làm cho sự thọ dụng của người không thiếu thốn, giới ba-la-mật là không não hại người, nhẫn ba-la-mật là nhịn chịu người não hại, tiến ba-la-mật là tán trợ việc người làm không cho thoái lui, định ba-la-mật là dùng thần thông lực làm cho người quy hướng, Bát-nhã ba-la-mật là thuyết pháp khéo léo để đoạn trừ nghi ngờ của người. Bồ tát làm việc lợi người như vậy tức là lợi mình, vì làm cho người chính là làm cho mình, do nhân duyên này được đại bồ-đề.
[0627c14] Kệ tụng:
Không nhiễm và tôn kính
Không thoái có hai thứ
Cả hai không phân biệt
Đủ nhiếp nhân Đại thừa.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị bốn nhân tố Đại thừa, đó là lý do lập số mục ba-la-mật chỉ có sáu: 1. Không dính mắc; 2. Tôn kính; 3. Không thoái lui; 4. Không phân biệt.
Bồ tát khi tu hành bố thí thì không nhiễm đắm, không luyến thích tiền của; khi thọ trì giới thì sanh tâm tôn kính các học xứ; khi hành nhẫn nhục và tinh tiến thì có hai sự không thoái lui: không thoái lui vì nhẫn chịu được những đau khổ do chúng sanh và phi chúng sanh gây ra và không thoái lui vì tinh tiến trường kỳ tu tập thiện pháp; khi hành thiền định và trí tuệ thì đều có sự không phân biệt: không phân biệt vì tâm bình đẳng nhiếp lấy đối tượng của sự tu chỉ và tu quán.
Bốn nhân tố như vậy nhiếp hết tất cả nhân tố Đại thừa.
[0627c25] Kệ tụng:
Không đắm và không loạn
Không xả và tăng tiến
Tịnh hoặc và trí chướng
Con đường đều nhiếp hết.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị sáu con đường Đại thừa, đó là lý do lập số mục ba-la-mật chỉ có sáu.
Hỏi: Con đường là nghĩa gì?
Đáp: Có phương tiện là con đường.
Ở đây, con đường của bố thí ba-la-mật là đối với của cải thì không tham đắm, vì khi bố thí rời xa sự nhiễm đắm với trần cảnh.
Con đường của trì giới ba-la-mật là đối với các cảnh giới thì không có tán loạn: vì khi cầu thọ giới, tất cả tâm tán loạn được thu nhiếp cho an trú; và vị tỳ-kheo an trú trong sự phòng hộ [của giới] thì khi cầu cảnh giới, tất cả nghiệp tán loạn không thể lay chuyển.
Con đường của nhẫn nhục ba-la-mật là đối với các chúng sanh thì không buông bỏ, vì không chán nản trước những việc làm không lợi ích của chúng sanh.
Con đường của tinh tiến ba-la-mật là đối với sự tu tập các thiện pháp thì được tăng trưởng, vì tinh tiến phát khởi thì làm cho tăng thượng (thiện pháp).
Con đường của thiền định ba-la-mật là chuyển phiền não chướng thành thanh tịnh.
Con đường của trí tuệ ba-la-mật là chuyển trí tuệ chướng thành thanh tịnh.
Sáu con đường như vậy nhiếp hết thảy con đường Đại thừa.
[0628a09] Kệ tụng:
Nhiếp ba học tăng thượng
Nói độ có sáu thứ
Thí, giới, nhẫn: giới học
Định, tuệ: hai, tiến: ba.
Giải thích:
Kệ tụng này hiển thị ba học tăng thượng, đó là lý do lập số mục ba-la-mật chỉ có sáu.
Ở đây, lập ba ba-la-mật đầu tiên là nhiếp vào giới học tăng thượng. Giới tăng thượng có hai thứ là tụ và quyến thuộc. Trì giới là tụ. Bố thí và nhẫn nhục là quyến thuộc. Vì sao? Bố thí là không hối tiếc của cải khi cầu thọ giới. Nhẫn nhục là không chống trả sự đánh mắng khi hộ trì giới.
Ở đây, lập hai ba-la-mật sau cùng, theo thứ tự, là nhiếp vào tâm học tăng thượng và tuệ học tăng thượng.
Ở đây, lập tinh tiến ba-la-mật thứ tư là nhiếp đủ ba học tăng thượng, vì mọi sự trong ba học đều lấy tinh tiến làm trợ bạn.
Đã nói số mục của ba-la-mật, kế nói sắc thái của ba-la-mật.
[0628a20] Kệ tụng:
Phân biệt thể sáu độ
Mỗi một có bốn tướng
Trị chướng, thích ứng trí
Mãn nguyện và thành sanh.
Giải thích:
Các Bồ tát tu các ba-la-mật, mỗi ba-la-mật đều có bốn sắc thái: 1. Đối trị chướng ngại; 2. Thích ứng trí vô phân biệt; 3. Mãn nguyện; 4. Thành thục chúng sanh.
Đối trị chướng ngại: Sáu hạnh: bố thí v.v…, theo thứ tự, đối trị tham lam, phá giới, sân hận, biếng nhác, loạn tâm, ngu si.
Thích ứng trí vô phân biệt: Tất cả ba-la-mật đồng hành với trí vô phân biệt do thông đạt pháp vô ngã.
Mãn nguyện: Bố thí là cung cấp tiền của cho người cầu xin, theo ý muốn của họ. Trì giới là giáo huấn sự hộ trì thân miệng ý cho người cầu giới, theo ý muốn của họ. Nhẫn nhục là ban sự hoan hỷ cho người hối lỗi. Tinh tiến là trợ giúp người tác nghiệp, theo ý muốn của họ. Thiền định là truyền trao giáo pháp cho người học định, theo ý muốn của họ. Trí tuệ là quyết đoán [nghĩa lý] cho người nghi ngờ, theo ý muốn của họ.
Thành thục chúng sanh: Trước lấy bố thí để nhiếp hóa chúng sanh, sau dùng giáo pháp ba thừa, theo căn cơ thích ứng mà thành thục họ. Cũng vậy, trước an lập chúng sanh vào trong giới v.v…, sau dùng giáo pháp ba thừa, theo căn cơ thích ứng mà thành thục họ.
Đã nói của ba-la-mật, kế nói thứ tự của sáu ba-la-mật.
[0628b05] Kệ tụng:
Trước sau và dưới trên
Thô tế thứ tự khởi
Như vậy nói sáu độ
Không loạn có ba nhân.
Giải thích:
Sáu ba-la-mật thứ tự có ba nhân duyên: 1. Trước sau; 2. Dưới trên; 3. Thô tế.
Trước sau: Dựa vào ba-la-mật trước mà ba-la-mật sau sanh khởi. Vì sao? Vì không luyến tiếc tài sản thì có thể thọ trì giới, hành trì giới thì có thể khởi nhẫn nhục, nhẫn nhục thì có thể khởi tinh tiến, tinh tiến thì có thể khởi thiền định, thiền định thì có thể biết các pháp đúng với chân thật.
Dưới trên: Ba-la-mật trước là dưới và ba-la-mật sau là trên. Dưới là bố thí, trên là trì giới, cho đến, dưới là thiền định, trên là trí tuệ.
Thô tế: Ba-la-mật trước là thô và ba-la-mật sau là tế. Thô là bố thí, tế là trì giới, cho đến, thô là thiền định, tế là trí tuệ. Vì sao thô dễ vào? Vì dễ thực hành. Vì sao tế khó vào? Vì khó thực hành.
Đã nói thứ tự của sáu ba-la-mật, kế giải thích danh từ của sáu ba-la-mật.
[0628b17] Kệ tụng:
Trừ nghèo, được mát mẻ
Phá sân, xây điều thiện
Tâm nhiếp, ngộ pháp chân
Là nói nghĩa sáu hạnh.
Giải thích:
Năng lực trừ bỏ sự nghèo cùng gọi là thí.
Năng lực làm cho mát mẻ gọi là trì giới, vì người cụ túc giới luật thì ở trong mọi trạng thái cảnh giới có thể hủy diệt phiền não thiêu đốt.
Năng lực phá bỏ sân hận gọi là nhẫn nhục, vì nhẫn nhục có năng lực phá hết sân hận.
Năng lực thiết lập thiện pháp gọi là tinh tiến, vì sự thiết lập thiện pháp đều nhờ sức tinh tiến.
Năng lực nắm giữ tâm ý gọi là thiền định, vì thiền định là thu nhiếp nắm giữ nội tâm.
Năng lực biết các pháp đúng với chân thật gọi là trí tuệ, vì trí tuệ là biết rõ đệ nhất nghĩa đế.
Đã giải thích danh từ của sáu ba-la-mật, kế nói sự tu tập sáu ba-la-mật.
[0628b25] Kệ tụng:
Vật, tư duy và tâm
Phương tiện và thế lực
Nên biết tu sáu hạnh
Nói có năm y chỉ.
Giải thích:
Các Bồ tát tu tập các ba-la-mật có năm thứ y chỉ: 1. Y chỉ vật; 2. Y chỉ tư duy; 3. Y chỉ tâm; 4. Y chỉ phương tiện; 5. Y chỉ thế lực.
Y chỉ vật để tu các ba-la-mật có bốn thứ:
1. Y chỉ nhân tố, là dựa vào lực của chủng tánh mà tu tập;
2. Y chỉ chánh báo, là dựa vào lực của tự thân thành tựu mà tu tập;
3. Y chỉ chí nguyện, là dựa vào lực của chí nguyện xa xưa mà tu tập;
4. Y chỉ tâm số, là dựa vào lực của trí tuệ mà tu tập.
Y chỉ tư duy để tu các ba-la-mật có bốn thứ:
1. Tư duy tin tưởng, là sanh tín tâm đối với những giáo pháp tương ứng với các ba-la-mật;
2. Tư duy mùi vị, là biết mùi vị công đức trong khi tu tập các ba-la-mật;
3. Tư duy tùy hỷ, là tất cả chúng sanh trong các thế giới hệ tu tập được nhiều ít ba-la-mật đều sanh tâm tùy hỷ;
4. Tư duy mong cầu, là khởi mong cầu rằng bản thân và chúng sanh ở đời vị lai tu tập được các ba-la-mật thù thắng.
Y chỉ tâm để tu các ba-la-mật có sáu thứ:
1. Tâm không biết chán;
2. Tâm rộng lớn;
3. Tâm hoan hỷ thù thắng;
4. Tâm lợi ích thù thắng;
5. Tâm không nhuốm bẩn;
6. Tâm thuần lành.
Thế nào là tu tập bố thí bằng sáu tâm?
Các vị Bồ tát đem mỗi một sát-na bỏ hết mọi thân mạng, đem bảy thứ quí báu chứa đầy trong hằng sa thế giới mà bố thí cho một chúng sanh, bố thí như vậy cho đến tận cùng chúng sanh giới, cho đến khi sở nguyện thành thục là Vô thượng bồ-đề, vậy mà các vị Bồ tát ấy vẫn bố thí với tâm không biết chán và biết đủ. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu bố thí không biết chán.
Chính với sắc thái tâm không biết chán như vậy, từ lúc bắt đầu, liên tục cho đến khi thành Phật, không có một khoảnh sát-na nào mà các vị Bồ tát có ngừng hay có giảm tu bố thí. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu bố thí rộng lớn.
Các vị Bồ tát đem bố thí ba-la-mật mà làm lợi ích chúng sanh, do việc làm như vậy mà sanh hoan hỷ một cách sâu xa, nỗi hoan hỷ của chúng sanh được bố thí cũng không sánh bằng. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu bố thí hoan hỷ thù thắng.
Các vị Bồ tát nhiếp hóa chúng sanh bằng bố thí, thấy họ thọ dụng vật thí là đã làm lợi ích lớn cho mình, không thấy mình làm lợi ích lớn cho họ. Vì sao? Vì sự nhiếp hóa chúng sanh bằng bố thí là nhân tố cho các vị Bồ tát thành tựu Vô thượng bồ-đề. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu bố thí lợi ích thù thắng.
Các vị Bồ tát tu thí rộng lớn như vậy mà không cầu báo ân cho đến không cầu quả báo. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu bố thí không nhuốm bẩn. Các vị Bồ tát tu bố thí rộng lớn như vậy thì tập hợp được phước đức và có được quả báo thù thắng, các vị ấy không lấy đó làm tự thọ dụng mà nguyện hiến cho tất cả chúng sanh, và cùng với chúng sanh xoay lại mà cầu Vô thượng bồ-đề. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu bố thí thuần lành.
Thế nào là tu giới v.v… bằng sáu thứ tâm?
Các vị Bồ tát có hằng sa thân mạng, mỗi một thân lại có hằng sa thọ mạng, trong mỗi một thọ mạng lúc nào cũng thiếu thốn mọi thứ để sống, trong sự thiếu thốn đó lại chịu cảnh lửa dữ đầy cả tam thiên đại thiên thế giới. Các vị Bồ tát ấy trải qua nhiều thân như vậy, nhiều thọ mạng như vậy, chịu lửa dữ như vậy mà vẫn thường xuyên khởi bốn oai nghi, trong mỗi sát-na chỉ tu tập một giới, tu tập như vậy cho đến hết các giới tụ v.v… cho đến hết các tuệ tụ, cho đến ngày chứng đắc Vô thượng bồ-đề, các vị Bồ tát tu tập giới v.v… không biết chán biết đủ. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu giới v.v… không biết chán.
Các vị Bồ tát từ lúc khởi đầu tu tập giới cho đến tu tập tuệ, cho đến ngày an tọa trên pháp tọa bồ-đề, vẫn thường xuyên tu tập giới v.v… không gián đoạn, không ngừng nghỉ. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu giới v.v… rộng lớn.
Các vị Bồ tát nhiếp hóa chúng sanh bằng trì giới v.v…đem lại lợi ích cho họ, do việc làm như vậy mà sanh hoan hỷ một cách sâu xa, nỗi hoan hỷ của chúng sanh được nhiếp hóa cũng không sánh bằng. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu giới v.v… hoan hỷ thù thắng.
Các vị Bồ tát nhiếp hóa chúng sanh bằng giới v.v…, thấy họ được lợi ích là đã làm lợi ích lớn cho mình, không thấy mình làm lợi ích lớn cho họ. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu giới v.v… lợi ích thù thắng.
Các vị Bồ tát tu giới v.v… rộng lớn như vậy mà không cầu báo ân cho đến không cầu quả báo. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu giới v.v… không nhuốm bẩn.
Các vị Bồ tát tu giới v.v… rộng lớn như vậy thì tập hợp được phước đức và có được quả báo thù thắng, các vị ấy không lấy đó làm tự thọ dụng mà nguyện hiến cho tất cả chúng sanh, và cùng với chúng sanh xoay lại mà cầu Vô thượng bồ-đề. Sắc thái tâm như vậy gọi là tâm tu giới v.v… thuần lành.
Y chỉ phương tiện để tu các ba-la-mật có ba thứ. Ba thứ, đó là ba luân thanh tịnh. Sự thanh tịnh này do trí vô phân biệt làm phương tiện. Dùng phương tiện này thì tất cả tác ý đều được thành tựu.
Y chỉ thế lực để tu các ba-la-mật có ba thứ: 1. Thế lực của thân; 2. Thế lực của hành động; 3. Thế lực của lời nói.
Thế lực của thân, là tự tánh thân và thọ dụng thân của Phật. Thế lực của hành động, là hóa thân của Phật, tức hóa thân trong mọi hình tướng mà thị hiện tất cả thiện hạnh vì tất cả chúng sanh. Thế lực của lời nói, là diễn nói sáu ba-la-mật không có trở ngại trong tất cả loại thời gian.
Phẩm Độ Nhiếp - hết phần 1 Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.154.132 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.