Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Mười Ba
HOẰNG PHÁP
Giải thích:
Đã nói sự cầu pháp, kế nên lấy giáo pháp vì người diễn thuyết.
[0618c07] Kệ tụng:
Khó được lại không bền
Thương khổ thường hỷ thí
Huống đem pháp lợi đời
Tăng trưởng cũng vô tận.
Giải thích:
Kệ tụng này, trước là ngăn chận sự bủn xỉn giáo pháp.
Khó được lại không bền: Là thân thể, sanh mạng và tài sản.
Thương khổ thường hỷ thí: Nhờ lòng từ bi Bồ tát có thể trong tất cả thời xả bỏ ba thứ pháp không bền chắc để bố thí cho chúng sanh đang chịu khổ ách.
Huống đem pháp lợi đời, tăng trưởng cũng vô tận: Huống chi pháp lớn mà Bồ tát chẳng khó có được mà sanh lòng bủn xỉn, cho nên Bồ tát cần phải đem pháp lớn ấy làm lợi ích rộng rãi cho thế gian. Vì sao? Vì pháp được tăng trưởng thì cũng vô tận.
Đã nói sự ngăn chận bủn xỉn giáo pháp, kế nói sự lợi ích.
[0618c16] Kệ tụng:
Tự chứng không thể nói
Dẫn vật nói pháp tánh
Pháp thân, tịch diệt miệng
Dòng bi như trăn hút.
Giải thích:
Tự chứng không thể nói, dẫn vật nói pháp tánh: Đức Thế tôn không nói pháp tự sở chứng vì pháp ấy không thể nói, nhưng vì dẫn tiếp chúng sanh nên Ngài khéo dùng phương tiện mà nói về pháp tánh.
Hỏi: Thế nào là phương tiện?
Đáp: Pháp thân, tịch diệt miệng, dòng bi như trăn hút: Chư Phật lấy pháp tánh làm thân, lấy tịch diệt làm miệng, đó là do rời hai chướng mà được sự thanh tịnh cực rộng. Chư Phật đem tâm đại từ bi lưu xuất tràng lưới giáo pháp để dẫn tiếp chúng sanh. Thí như con trăn lớn há miệng, nhả nước dãi để hấp dẫn các con vật; cũng vậy, qua thân, miệng và tâm bi, chư Phật đồng dẫn tiếp chúng sanh. Tâm đại bi vô tận là do chư Phật đạt đến cứu cánh.
[0618c25] Kệ tụng:
Do kia tu đắc quả
Tu thuyết chẳng vô nghĩa
Chỉ nghe và không nghe
Tu thuyết thì vô lý.
Giải thích:
Do kia tu đắc quả, tu thuyết chẳng vô nghĩa: Chư Phật dùng phương tiện nói pháp tự sở chứng để dẫn tiếp thế gian và người năng hành tu sức tự tại mà đắc quả, nên nói sự tu của người năng hành và pháp Phật thuyết đưa đến chứng đắc thì chẳng phải vô nghĩa.
Chỉ nghe và không nghe, tu thuyết thì vô lý: Nếu chỉ nghe pháp mà được thấy chân nghĩa, thì sự tu của người năng hành trở nên không lợi ích. Nếu không nghe pháp mà được vào sự tu, thì sự thuyết pháp của Phật trở nên không lợi ích.
Đã nói sự lợi ích của thuyết pháp, kế nói sự sai biệt của thuyết pháp.
[0619a06] Kệ tụng:
A-hàm thuyết, chứng thuyết
Là khẩu lực, thông lực
Thông lực là tướng tốt
Sắc khác và hư không.
Giải thích:
Chư Bồ tát thuyết pháp có hai thứ sai biệt:
1. A-hàm thuyết, là dùng khẩu lực mà thuyết pháp;
2. Chứng thuyết, là dùng thần thông lực mà thuyết pháp.
Thuyết pháp bằng thần thông lực lại có nhiều loại: thuyết pháp bằng tướng tốt, thuyết pháp bằng cây rừng, thuyết pháp bằng âm nhạc, thuyết pháp bằng không trung.
Đã nói sự sai biệt của thuyết pháp, kế nói sự thuyết pháp thành tựu.
[0619a13] Kệ tụng:
Vô úy và đoạn nghi
Khiến tin và hiển thật
Như đây các Bồ tát
Thuyết thành tựu nên biết.
Giải thích:
Các Bồ tát thuyết pháp thành tựu có bốn nghĩa: 1. Không sợ hãi; 2. Đoạn trừ nghi ngờ; 3. Làm cho tin tưởng; 4. Hiển thị lẽ thật.
Như kinh Phạn thiên vương vấn có ghi: Bồ tát đầy đủ bốn pháp thì có năng lực mở ra pháp thí rộng lớn. Những gì là bốn? Một là nắm giữ diệu pháp; hai là tự làm trí tuệ trong sáng; ba là làm thiện nghiệp của bậc trượng phu; bốn là hiển thị pháp nhiễm tịnh.
Ở đây, một là nghe nhiều nên không sợ hãi; hai là trí tuệ lớn nên có năng lực đoạn trừ nghi ngờ; ba là không chạy theo danh lợi nên làm cho người tin tưởng tiếp nhận; bốn là nhờ thông đạt thế đế và đệ nhất nghĩa đế nên có thể hiển thị hai thứ chân thật là nhiễm tướng chân thật và tịnh tướng chân thật.
[0619a24] Kệ tụng:
Lời đẹp, rời say đắm
Không thoái, không không hết
Chủng loại và tương ứng
Khiến hiểu, chẳng cầu lợi
Và còn khắp dạy bảo
Là thuyết pháp thành tựu.
Giải thích:
Lời đẹp, là khi bị người giận dữ chưởi bới vẫn không lấy điều ác đáp trả. Rời say đắm: Say đắm có hai thứ: 1. Người khen ngợi thì say đắm; 2. Mình thành tựu thì tự say đắm, tức là gia thế, hình sắc, của cải v.v… thành tựu thì sanh tâm yêu thích; rời, là nơi tâm không còn hai thứ say đắm.
Không thoái, là do không có biếng nhác. Không không hết, là rời sự bủn xỉn pháp, làm tất cả sự thuyết pháp. Chủng loại, là không thuyết pháp trùng lập. Tương ứng, là không trái với hiện lượng và tỷ lượng. Khiến hiểu, là nói chữ câu dễ hiểu. Chẳng cầu lợi, là không vì của cải, lợi lộc mà làm cho người tin tưởng. Khắp dạy bảo, là dạy khắp ba thừa.
Đã nói thuyết pháp thành tựu, kế nói ngôn ngữ thuyết pháp thành tựu.
[0619b06] Kệ tụng:
Không nhỏ và điều hòa
Khéo léo và sáng tỏ
Ứng cơ và lìa cầu
Phần lượng và vô tận.
Giải thích:
Không nhỏ, là tiếng vang khắp đại chúng. Điều hòa, là tiếng vui tai vừa ý. Khéo léo, là khai thị chữ câu rõ ràng. Sáng tỏ, là ngôn ngữ sao cho dễ hiểu. Ứng cơ, là tùy nghi thuyết pháp. Lìa cầu, là không cầu danh lợi mà thuyết pháp. Phần lượng, là thuyết pháp mà thích nghe không chán. Vô tận, là thuyết pháp không có cùng tận.
Đã nói ngôn ngữ thuyết pháp thành tựu, kế nói ngôn từ thuyết pháp thành tựu.
[0619b13] Kệ tụng:
Nêu danh và thích nghĩa
Tùy thừa và mềm dịu
Dễ hiểu và ứng cơ
Xuất ly, tùy thuận vậy.
Giải thích:
Nêu danh, là tương ứng các chữ câu mà chẳng trái với chứng nghiệm. Thích nghĩa, là giải thích, luận bàn các chữ câu mà không trái đạo lý. Tùy thừa, là dùng các chữ câu không trái với giáo pháp ba thừa. Mềm dịu, là vượt qua khó khăn về [phát âm] các chữ câu để không sai với âm thanh. Dễ hiểu, là tập hợp các chữ câu sao cho dễ hiểu được nghĩa. Ứng cơ, là chọn lựa các chữ câu thích ứng các căn cơ. Xuất ly, là không dừng lại ở các chữ câu mà [mục đích] hướng đến niết-bàn. Tùy thuận, là chánh hạnh ở các chữ câu phải tùy thuận tám chi phần thánh đạo.
[0619b22] Kệ tụng:
Bồ tát thành tựu chữ
Như nghĩa trên nên biết
Thanh có sáu mươi loại
Chính nói việc Như lai.
Giải thích:
Như lai có sáu mươi loại âm thanh không thể nghĩ bàn. Như trong kinh Phật bí mật có nói: Này Tịch tĩnh tuệ, Như lai có đầy đủ sáu mươi loại thanh ngữ, đó là các tiếng thấm đẫm, dịu dàng, vừa ý, đáng mến, trong sáng v.v… Nói rộng như sau:
1. Tiếng thấm đẫm có thể nắm giữ thiện căn của chúng sanh.
2. Tiếng dịu dàng làm cho người hiện tiền nghe pháp được cảm xúc an lạc.
3. Tiếng vừa ý là do dùng nghĩa tốt đẹp.
4. Tiếng ưa thích là do dùng chữ tốt đẹp.
5. Tiếng trong sáng là do trí hậu đắc xuất thế vô thượng.
6. Tiếng không vẩn đục là do không thích ứng các tập khí phiền não.
7. Tiếng sang sảng rõ ràng là do dùng chữ câu dễ hiểu.
8. Tiếng sức mạnh điều thiện là do công đức đầy đủ, phá hủy tà kiến xấu ác của ngoại đạo.
9. Tiếng thích nghe là tiếng làm cho chúng sanh tin tưởng tùy thuận mà xuất ly.
10. Tiếng không dứt là tiếng mà tất cả ngoại đạo không thể làm đứt đoạn.
11. Tiếng điều phục là tiếng có thể đối trị được những phiền não như tham v.v…
12. Tiếng không chê trách là tiếng làm phương tiện an vui chế giới.
13. Tiếng không thô rít là tiếng làm cho người phạm giới được xuất ly chính xác.
14. Tiếng khéo vỗ về là tiếng giáo hóa dạy bảo.
15. Tiếng vui tai là tiếng đối trị tâm tán loạn.
16. Tiếng thân khinh an là tiếng có khả năng dẫn vào chỉ.
17. Tiếng tâm thấu rõ là tiếng có khả năng dẫn vào quán.
18. Tiếng tâm hoan hỷ là tiếng khéo đoạn trừ nghi ngờ.
19. Tiếng hỷ lạc sanh là tiếng quyết định nhổ trừ tà kiến.
20. Tiếng không nóng bức là tiếng làm tin tưởng, tiếp nhận [giáo pháp] không hối hận.
21. Tiếng khả năng nắm giữ trí tuệ là tiếng thành tựu nhân tố đa văn mà trí dựa vào.
22. Tiếng khả năng nắm giữ hiểu biết là tiếng thành tựu nhân tố tư duy mà trí dựa vào.
23. Tiếng không che giấu là tiếng giảng thuyết mà không bỏn xẻn pháp.
24. Tiếng đáng yêu là tiếng làm cho được kết quả lợi mình.
25. Tiếng khát ngưỡng là tiếng làm cho người đã đắc quả có thêm nguyện lực và an lạc sâu xa.
26. Tiếng răn dạy là nói chính xác giáo pháp không thể nghĩ bàn.
27. Tiếng khiến hiểu là nói chính xác giáo pháp có thể nghĩ bàn.
28. Tiếng tương ứng là nói không trái với chứng nghiệm.
29. Tiếng có ích là tiếng chỉ dẫn cho người cần được dạy.
30. Tiếng rời lỗi trùng lặp là tiếng thuyết pháp không có hư dối.
31. Tiếng sư tử hống là tiếng làm cho ngoại đạo sợ hãi.
32. Tiếng voi chúa là tiếng chấn động lớn lao.
33. Tiếng sấm chớp là tiếng vang vọng sâu xa.
34. Tiếng rồng ngâm là tiếng làm cho tin tưởng, tiếp nhận.
35. Tiếng khẩn-na-la là âm nhạc tuyệt mỹ.
36. Tiếng ca-lăng-tần-già là âm điệu véo von, trong trẻo, hài hòa.
37. Tiếng Phạn thiên là tiếng vang đi rất xa.
38. Tiếng chim cộng mạng là tiếng ban đầu nghe được an lành, tất cả việc đều thành tựu.
39. Tiếng Thiên vương là tiếng làm cho không dám làm lỗi.
40. Tiếng trống trời là tiếng phá ma quân.
41. Tiếng rời ngã mạn là tiếng làm cho tâm lý không cất cao trước khen chê.
42. Tiếng đi vào tất cả là tiếng đi vào tất cả loại âm thanh của Tỳ-già-la luận.
43. Tiếng rời bất chánh là tiếng làm cho ghi nhớ không quên.
44. Tiếng thích ứng thời gian là tiếng khởi sự giáo hóa trong tất cả thời gian.
45. Tiếng không hổ thẹn là tiếng không dựa vào sự lợi dưỡng.
46. Tiếng không sợ hãi là tiếng xuất ly sự hổ thẹn.
47. Tiếng hoan hỷ là tiếng làm cho nghe hoài không chán.
48. Tiếng tùy thuận xả bỏ là tiếng đi vào tất cả minh xứ thiện xảo.
49. Tiếng bạn lành là tiếng làm lợi lạc và thành tựu tất cả chúng sanh.
50. Tiếng thường chảy là tiếng liên tục không đứt đoạn.
51. Tiếng nghiêm sức là tiếng làm ra các thứ hiển hiện.
52. Tiếng đầy đủ là thuyết pháp bằng một ngôn ngữ mà có ra vô lượng ngôn ngữ.
53. Tiếng hoan hỷ mọi căn cơ chúng sanh là dùng một lời nói mà hiển hiện vô lượng nghĩa.
54. Tiếng không chê bai là tiếng làm cho chúng sanh tín thuận theo nghĩa được thiết lập.
55. Tiếng không thêm bớt là thuyết pháp với thời lượng thích hợp.
56. Tiếng không gấp vội là thuyết pháp không lướt nhanh.
57. Tiếng khắp tất cả là tiếng làm cho đồ chúng xa gần đều nương tựa.
58. Tiếng nhất thiết chủng thành tựu là nói pháp nghĩa thế gian bằng thí dụ để tin hiểu.
Đã nói ngôn từ thành tựu, kế nói sự thuyết pháp lớn lao.
[0620a07] Kệ tụng:
Khai diễn và thi thiết
Thiết lập và nêu chung
Nói riêng và đoạn nghi
Lược, rộng đều tin hiểu.
Giải thích:
Khai diễn, là ngôn thuyết. Thi thiết, là các chữ câu. Thiết lập, là khéo tương ứng. Dùng các phương tiện như vậy mà phân biệt khai thị, bằng cách lần lượt nêu chung, nói riêng và đoạn nghi, để nghĩa lý thu hẹp gần lại cho dễ hiểu, làm cho người nghe tin nhận đối với giáo pháp được thuyết mà có được sự xác quyết. Lược, là nói một lần, vì người lợi căn hiểu mau chóng. Rộng, là nói nhiều lần, vì người độn căn hiểu chậm chạp.
[0620a14] Kệ tụng:
Người thuyết, pháp được thuyết
Người nghe, ba luân tịnh
Lại rời tám loại lỗi
Người thuyết tịnh phải biết.
Giải thích:
Người thuyết, pháp được thuyết, người nghe, ba luân tịnh: Thế nào là ba luân? 1. Người thuyết, là chư Phật, Bồ tát; 2. Pháp được thuyết, là tổng thuyết các loại danh từ, chữ câu v.v…; 3. Người nghe nhận, là như trước nói, người nghe hiểu bằng nói lược và người nghe hiểu bằng nói rộng.
Lại rời tám lầm lỗi, người thuyết tịnh nên biết: Người thuyết mà thanh tịnh thì phải biết rời xa tám lầm lỗi.
Hỏi: Tám lầm lỗi là gì?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0620a22] Kệ tụng:
Biếng nhác và không hiểu
Khước thỉnh, không khai nghĩa
Cho đến không đoạn nghi
Đoạn nghi không vững vàng
Chán thoái, có bủn xỉn
Như vậy tám lầm lỗi
Chư Phật không việc ấy
Nên thành vô thượng thuyết.
Giải thích:
Tám thứ lỗi là: 1. Biếng nhác; 2. Không hiểu nghĩa; 3. Khước từ lời thỉnh cầu; 4. Không khai mở nghĩa; 5. Không đoạn nghi; 6. Đoạn nghi mà không xác quyết; 7. Tâm có chán nản, thoái lui và không nói được trong mọi thời gian; 8. Có bủn xỉn nên không tận tình khai thị.
Tất cả chư Phật đều rời xa tám lầm lỗi như vậy, do đó chư Phật thành tựu sự thuyết pháp không ai hơn được.
Đã nói sự thuyết pháp lớn lao, kế nói nghĩa thành tựu của thuyết pháp.
[0620b02] Kệ tụng:
Pháp đây tùy thời thiện
Sanh nhân tín, hỷ, giác
Nghĩa chánh và ngữ xảo
Năng khai bốn phạn hạnh.
Giải thích:
Pháp đây tùy thời thiện, sanh nhân tín, hỷ, giác: Tùy thời thiện, là sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Giáo pháp được trình bày theo thứ tự như vậy, qua đó văn là nhân tố của tín giải, tư là nhân tố của hoan hỷ và tu là nhân tố của giác ngộ. Nhân tố của giác ngộ là phải định tâm quán sát đạo lý của giáo pháp và chứng đắc trí như thật.
Nghĩa chánh và ngữ xảo, hay khai bốn phạn hạnh: Nghĩa chánh, là thiện nghĩa tương ứng với thế tục đế và diệu nghĩa tương ứng với đệ nhất nghĩa đế. Ngữ xảo, là dễ nhận và dễ hiểu, bởi văn rõ ràng thì nghĩa hiện bày. Do nghĩa chánh và ngữ xảo mà có khả năng khai thị bốn loại phạn hạnh.
Hỏi: Bốn loại phạn hạnh là gì?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0620b11] Kệ tụng:
Không cùng người tương ứng
Đoạn đủ hoặc ba cõi
Tự tánh và vô cấu
Là bốn loại phạn hạnh.
Giải thích:
Bốn phạn hạnh là: 1. Riêng một; 2. Đầy đủ; 3. Thuần khiết; 4. Trong sáng.
Không cùng người tương ứng, là nghĩa riêng một, vì hạnh này không cùng chung hạnh của ngoại đạo.
Đoạn đủ hoặc ba cõi, là nghĩa đầy đủ, vì hạnh này đoạn đủ phiền não của ba cõi.
Tự tánh, là nghĩa thuần khiết, vì hạnh này là tự tánh vô lậu nên bản lai thanh tịnh.
Vô cấu, là nghĩa trong sạch, vì hạnh này là ở nơi chủng loại thân mà đoạn tận các lậu hoặc thì được vô cấu thanh tịnh.
Đã nói nghĩa thành tựu của thuyết pháp, kế nói phần mục của thuyết pháp.
[0620b20] Kệ tụng:
Đó là phần dẫn vào
Phần tướng, phần đối trị
Cho đến phần bí mật
Đó là bốn phần mục.
Giải thích:
Chư Phật thuyết pháp không rời bốn phần mục: 1. Phần dẫn vào; 2. Phần tướng; 3. Phần đối trị; 4. Phần bí mật.
Hỏi: Bốn phần mục này y cứ vào nghĩa nào?
[Đáp bằng kệ rằng:]
[0620b25] Kệ tụng:
Thanh văn và tự tánh
Đoạn lỗi và lời sâu
Tuần tự y bốn nghĩa
Phần mục có bốn thứ.
Giải thích:
Phần dẫn vào là phải biết dạy bảo hàng Thanh văn đi vào trong pháp nghĩa mà có được sự không sợ hãi, như nói sắc (pháp) v.v… là (tất cả) có.
Phần tướng là phải biết về ba tự tánh: tánh phân biệt là vô thể, tánh y tha là vô khởi, tánh chân thật là tự tánh thanh tịnh, như nói tất cả pháp (tức là ba tự tánh).
Phần đối trị là phải biết dựa vào sự đoạn các lầm lỗi để đối trị tám thứ chướng ngại, như trong kinh điển Đại thừa nói, thọ trì hai bài kệ mà có được công đức như thế, đó đều là vì đối trị mà nói. Phần đối trị này về sau sẽ giải thích thêm.
Phần bí mật là phải biết dựa vào các lời nói sâu xa, rồi xoay chuyển lời nói ấy mới hiểu được nghĩa, như một bài kệ trong kinh điển Đại thừa sau đây:
Không kiên biết kiên cố
Khéo sống trong đảo ngược
Phiền não quấy cùng cực
Mau đắc đại bồ-đề.
Không kiên biết kiên cố: Không kiên là chúng sanh mà tâm tánh của họ không có tán loạn. Tâm không tán loạn này làm nên cái biết về kiên cố. Cái biết ấy là tối thắng, có khả năng chứng đắc bồ-đề. Người tán loạn thì tâm rong ruổi, ngoan cố, chấp trước, không thể đi đến bồ-đề. Đây là nghĩa của câu thứ nhất.
Khéo sống trong đảo ngược: Đảo ngược là sự chấp trước vào thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu người sống trong đảo ngược mà có thể hiểu vô thường, bất lạc, vô ngã, bất tịnh thì người ấy khéo trú ở, không thoái lui, tức có thể mau chứng đắc bồ-đề, không như vậy thì không thể đi đến bồ-đề. Đây là nghĩa của câu thứ hai.
Phiền não quấy cùng cực: Trong thời gian dài cần tu khổ hạnh khó làm, do mỏi mệt cùng cực mới có thể chứng đắc bồ-đề, không như vậy thì không thể đi đến bồ-đề. Đây là nghĩa của câu thứ ba.
Đã nói phần mục của thuyết pháp, kế nói ý thú của thuyết pháp.
[0620c15] Kệ tụng:
Bình đẳng và khác nghĩa
Khác thời và khác muốn
Dựa bốn ý thú này
Chư Phật thuyết, nên biết.
Giải thích:
Chư Phật thuyết pháp không rời bốn ý thú: 1. Ý thú bình đẳng; 2. Ý thú khác nghĩa; 3. Ý thú khác thời; 4. Ý thú khác muốn.
Ý thú bình đẳng: Như Phật nói, xưa kia đức Phật Tỳ-bà-thi chính là thân Như lai, vì pháp thân không có sai biệt. Thuyết như vậy gọi là ý thú bình đẳng.
Ý thú khác nghĩa: Như Phật nói, tất cả các pháp vô tự tánh, vì các pháp vốn không sanh. Thuyết như vậy gọi là ý thú khác nghĩa.
Ý thú khác thời: Như Phật nói, những ai phát nguyện thấy đức Phật A-di-đà thì tất cả đều được vãng sanh; đây là do khác thời được sanh nên nói như vậy. Thuyết như vậy gọi là ý thú khác thời.
Ý thú khác muốn: Người kia có thiện căn như thế, Như lai khi thì khen ngợi, khi thì chê trách, do vì người kia có được thiện căn nhỏ bèn cho là đủ. Thuyết như vậy gọi là ý thú khác muốn.
Đã nói ý thú của thuyết pháp, kế nói thọ trì công đức Đại thừa.
[0620c28] Kệ tụng:
Khinh Phật và khinh pháp
Biếng nhác, ít biết đủ
Tham hạnh và mạn hạnh
Hối hạnh cùng bất định
Như vậy tám thứ chướng
Đại thừa nói đối trị
Các chướng như vậy đoạn
Người ấy vào chánh pháp.
Giải thích:
Hai kệ tụng này hiển bày công đức đoạn chướng của Đại thừa. Chướng ngại có tám thứ: 1. Chướng khinh Phật; 2. Chướng khinh pháp; 3. Chướng biếng nhác; 4. Chướng ít biết đủ; 5. Chướng tham hạnh; 6. Chướng mạn hạnh; 7. Chướng hối hạnh; 8. Chướng bất định.
Vì đối trị chướng khinh Phật, kinh điển Đại thừa nói, xưa kia đức Phật Tỳ-bà-thi chính là thân Như lai.
Vì đối trị chướng khinh pháp, kinh điển Đại thừa nói, nếu gặp gỡ (và phụng sự) vô lượng hằng hà sa chư Phật thì đối với sự tu hành Đại thừa mới lý giải được.
Vì đối trị chướng biếng nhác, kinh điển Đại thừa nói, nếu có chúng sanh phát nguyện sanh quốc độ An Lạc thì tất cả sẽ được vãng sanh, hoặc xưng niệm danh hiệu đức Phật Vô Cấu Nguyệt Quang thì quyết định sẽ được làm Phật.
Vì đối trị chướng ít biết đủ, kinh điển Đại thừa nói, có chỗ Phật khen ngợi hạnh bố thí v.v…, có chỗ Phật chê trách hạnh bố thí v.v…
Vì đối trị chướng tham hạnh, kinh điển Đại thừa nói, quốc độ của chư Phật có những việc cực kỳ diệu lạc.
Vì đối trị chướng mạn hạnh, kinh điển Đại thừa nói, hoặc có Phật độ tối thắng thành tựu.
Vì đối trị chướng hối hạnh, kinh điển Đại thừa nói, hoặc có chúng sanh đối với chư Phật, Bồ tát làm ra những việc không lợi ích vẫn được sanh đường lành.
Vì đối trị chướng bất định, kinh điển Đại thừa nói, chư Phật thọ ký hàng Thanh văn sẽ được làm Phật và thuyết nhất thừa.
Đây gọi là thọ trì Đại thừa được rời tám chướng.
[0621a20] Kệ tụng:
Biết văn và hiểu nghĩa
Hai kệ siêng thọ trì
Công đức kể có mười
Gọi là bậc thắng tuệ.
Thiện chủng được tròn đầy
Khi chết hoan hỷ thắng
Thọ sanh tùy chỗ muốn
Niệm sanh trí cũng thành.
Đời đời thường gặp Phật
Nghe pháp được tín tuệ
Rời xa cả hai chướng
Mau thành đạo Vô thượng.
Giải thích:
Ba đoạn kệ tụng này hiển thị công đức tích tập từ sự thọ trì kinh điển Đại thừa.
Công đức đó có mười thứ:
1. Thành tựu tất cả chủng tử thiện căn, viên mãn y chỉ;
2. Đến lúc mạng chung có sự vui mừng vô thượng;
3. Tùy nguyện thọ sanh trong tất cả nơi chốn;
4. Ở tất cả chỗ thọ sanh đều có được tự tánh niệm sanh trí;
5. Sanh ra nơi nào cũng được gặp Phật;
6. Thường ở bên Phật nghe pháp Đại thừa;
7. Thành tựu tăng thượng tín căn;
8. Thành tựu tăng thượng tuệ căn;
9. Rời xa được hoặc chướng và trí chướng;
10. Mau được thành tựu Vô thượng bồ-đề.
Nếu người nào đối với tất cả kinh điển Đại thừa mà có thể biết văn, hiểu nghĩa, cho đến chánh tinh tiến thọ trì [dù chỉ] một câu kệ thì được mười thứ công đức như vậy. Trong đó nên biết, ở đời hiện tại được hai thứ công đức đầu tiên, ở đời vị lai được tám công đức còn lại, từ từ thêm lên thù thắng.
Đã nói công đức thọ trì pháp, kế nói công đức thuyết pháp.
[0621b09] Kệ tụng:
Tuệ thiện và không thoái
Đại bi, danh tiếng xa
Phương tiện thuyết các pháp
Mặt trời chiếu thế gian.
Giải thích:
Nếu chư Bồ tát đầy đủ năm nhân tố được gọi là khéo thuyết pháp:
1. Thuyết không đảo ngược, vì có tuệ thiện;
2. Thuyết trong mọi thời gian, vì được sự không thoái lui;
3. Thuyết lìa mọi mong cầu, vì có lòng đại bi;
4. Thuyết dẫn vào đức tin, vì có danh tiếng đồn xa;
5. Thuyết theo căn cơ, vì có phương tiện khéo léo.
Do năm nhân tố này mà vị Bồ tát có thể khéo thuyết pháp dẫn dắt chúng sanh, nhiều đời được cung kính, và vị Bồ tát đó được ví như mặt trời chiếu sáng thế gian.
Phẩm Hoằng Pháp trọn vẹn Phẩm Mười Bốn
TÙY TU
Giải thích:
Đã nói sự hoằng pháp của Bồ tát, kế nói sự tùy pháp tu hành của Bồ tát.
Ở đây, sự tùy pháp tu hành gồm có: biết nghĩa, biết pháp, tùy pháp, đồng đắc và tùy hạnh. Sau đây sẽ lần lượt trình bày.
[0621b21] Kệ tụng:
Với hai, biết vô ngã
Với ba, lìa tà chánh
Bồ tát hiểu như vậy
Gọi là bậc biết nghĩa.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ về sự biết nghĩa của Bồ tát.
Với hai, biết vô ngã: Đối với hai thứ nhân và pháp mà biết vô ngã, vì biết năng thủ và sở thủ không có hữu thể.
Với ba, lìa tà chánh: Ba, là ba thứ tam-muội: không, vô tướng và vô nguyện. Do không tam-muội mà biết không có hữu thể, vì hiểu là tánh phân biệt. Do vô tướng tam-muội và vô nguyện tam-muội mà biết không có tự thể, vì hiểu là tánh y tha và tánh chân thật. Lìa tà chánh, là ba tam-muội này sanh ra trí xuất thế nên không tà, sanh ra trí thế gian nên không chánh .
Bồ tát hiểu như vậy, gọi là bậc biết nghĩa: Vị Bồ tát nếu biết hai thứ nhân và pháp đều vô ngã, biết ba thứ tam-muội, lìa tà lìa chánh, thì được gọi là bậc biết nghĩa.
[0621c03] Kệ tụng:
Biết nghĩa như thế rồi
Biết pháp cũng như bè
Nghe pháp không nên vui
Xả pháp gọi biết pháp.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ về sự biết pháp của Bồ tát.
Bậc Bồ tát sơ học đã biết nghĩa rồi, tiếp theo nên biết pháp, nghĩa là khả năng biết các kinh pháp qua các thể loại như tu-đa-la v.v... đều được ví như chiếc bè, không nên chỉ nghe pháp mà sanh vui mừng. Vì sao? Vì giáo pháp chỉ như một chiếc bè cần phải lìa bỏ, đó gọi là biết pháp.
[0621c09] Kệ tụng:
Phàm phu có hai trí
Thông đạt hai vô ngã
Vì thành hai trí ấy
Như thuyết tùy pháp hành.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ về sự tùy pháp của Bồ tát.
Phàm phu có hai trí: Là trí biết nghĩa và trí biết pháp.
Thông đạt hai vô ngã: Hai trí này cũng có khả năng thông đạt hai thứ vô ngã là nhân và pháp.
Vì thành hai trí ấy, như thuyết tùy pháp hành: Bồ tát thành tựu hai thứ trí ấy thì cần phải tùy thuận tu hành như pháp được thuyết, đó gọi là tùy pháp.
[0621c16] Kệ tụng:
Khi thành tựu trí ấy
Xuất thế gian vô thượng
Phàm phu, trú sơ địa
Sở đắc đều đồng đắc.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ về sự đồng đắc của Bồ tát.
Khi thành tựu trí ấy, xuất thế gian vô thượng: Là nói thể của trí ấy là tối thắng.
Phàm phu, trú sơ địa, sở đắc đều đồng đắc: Sơ địa là Hoan hỷ địa. Tất cả Bồ tát trú Hoan hỷ địa đã được công đức và người mới nhập địa (chưa có công đức) đều đồng sở đắc.
[0621c22] Kệ tụng:
Kiến đạo đã diệt hoặc
Phải biết tất cả tận
Theo sau tu địa khác
Là vì đoạn trí chướng.
Phải biết trong các địa
Vô phân biệt, kiến lập
Tuần tự vô gián khởi
Như vậy nói tùy hành.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ về sự tùy hành của Bồ tát.
Ở kiến đạo vị, Bồ tát đã diệt hết phiền não, tức khi nhập vào sơ địa thì tất cả phiền não đều diệt tận, cho nên việc tu tập các địa sau chỉ là để đoạn trí chướng. Do vậy, ở trong mỗi một địa đều có hai trí là trí vô phân biệt và trí địa kiến lập. Bồ tát ở chánh quán, trong từng sát-na, thủ đắc pháp (tướng) như vậy mà không có phân biệt, đó gọi là trí vô phân biệt. Bồ tát sau khi xuất quán, phân biệt phần số như thế này, thế này của pháp sở đắc trong khi tu quán, đó gọi là trí địa kiến lập. Hai trí này không đồng thời sanh khởi, nhưng hỗ tương không cho các pháp khác xen khởi (giữa hai trí), thường xuyên tu tập không có cách hở, đó gọi là sự tùy hành của Bồ tát.
Bồ tát có thể tùy hành như vậy thì có được bốn cỗ xe không phóng dật:
1. Cỗ xe quốc độ thù thắng;
2. Cỗ xe bậc thiện nhân;
3. Cỗ xe tự chánh;
4. Cỗ xe phước đức đời trước.
Bốn cỗ xe như vậy, nay sẽ tuần tự nói.
[0622a08] Kệ tụng:
Dễ cầu, bảo hộ tốt
Đất lành và bạn lành
Vắng lặng: quốc độ thắng
Bồ tát sẽ vãng sanh.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ cỗ xe quốc độ thù thắng.
Quốc độ thù thắng có năm duyên:
1. Dễ cầu, là bốn sự cung cấp cho thân không khó được;
2. Bảo hộ tốt, là vị quốc vương thực thi luật pháp nên người ác, kẻ trộm cướp không có đất sống;
3. Đất lành, là xứ sở điều hòa, không có dịch bệnh;
4. Bạn lành, là bạn bè cùng giữ giới luật, cùng chung hiểu biết;
5. Vắng lặng, là ban ngày không ồn ào, ban đêm rất yên lặng.
[0622a15] Kệ tụng:
Đa văn và kiến đế
Khéo thuyết và thương xót
Không thoái: bậc trượng phu
Bồ tát thắng y chỉ.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ cỗ xe bậc thiện nhân.
Bậc thiện nhân cũng có đủ năm duyên:
1. Đa văn, là thành tựu A-hàm;
2. Kiến đế, là chứng đắc Thánh quả;
3. Khéo thuyết, là khả năng phân biệt pháp;
4. Thương xót, là không tham lợi dưỡng;
5. Không thoái, là không biết mệt mỏi.
[0622a21] Kệ tụng:
Duyên tốt, khéo dồn chứa
Khéo tu và khéo thuyết
Kéo xuất, năm thứ này
Gọi là tự chánh thắng.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ cỗ xe tự chánh.
Tự chánh cũng có năm duyên:
1. Duyên tốt, là lấy diệu pháp làm duyên tố;
2. Khéo dồn chứa, là cụ bị đầy đủ hai khối phước trí;
3. Khéo tu, là biết khi nào tu chỉ quán về các pháp tướng;
4. Khéo thuyết, là thuyết pháp mà không cầu lợi dưỡng;
5. Khéo xuất, là có được pháp nào ở trên đều tu tập một cách cung kính.
[0622a27] Kệ tụng:
Vui thích và không khó
Không bịnh và tịch tĩnh
Quán sát, năm thứ này
Đời trước trồng thiện căn.
Giải thích:
Kệ tụng này nói rõ cỗ xe phước đức đời trước.
Phước đức đời trước cũng có năm duyên:
1. Vui thích;
2. Không khó;
3. Không bịnh;
4. Tam-muội;
5. Trí tuệ.
Duyên thứ nhất do sống trong quốc độ thù thắng làm nhân tố. Duyên thứ hai do gặp gỡ bậc thiện nhân làm nhân tố. Ba duyên sau do tự chánh thành tựu làm nhân tố.
Đã nói bốn cỗ xe không phóng dật, kế nói phiền não xuất ly phiền não.
[0622b05] Kệ tụng:
Rời xa nơi pháp giới
Không riêng có pháp tham
Cho nên chư Phật nói
Tham sanh ra tham khác.
Giải thích:
Như đức Phật đã nói, Ta không nói có pháp nào khác với tham mà có thể xuất ly tham, cũng vậy đối với sân, si... Do rời xa pháp giới thì không có cái thể nào khác. Vì vậy, pháp tánh của tham v.v… có được cái danh là tham v.v… Điều này cho thấy, pháp tánh của tham v.v… có thể xuất ly tham v.v... Nghĩa này là chỉ thú của kinh.
[0622b11] Kệ tụng:
Do lìa ngoài pháp tánh
Không riêng có các pháp
Cho nên nói thế này:
Phiền não tức bồ-đề.
Giải thích:
Như trong kinh có nói, vô minh cùng với bồ-đề là đồng nhất. Đây chính là pháp tánh của vô minh thiết lập cái danh bồ-đề. Nghĩa này là chỉ thú của kinh.
[0622b15] Kệ tụng:
Nơi tham khởi chánh tư
Nơi tham được giải thoát
Nói tham xuất ly tham
Sân, si xuất cũng vậy.
Giải thích:
Nếu một người đối với tham khởi chánh tư duy quán sát, biết như vậy rồi, thì đối với tham liền được giải thoát, cho nên nói đem tham xuất ly nơi tham. Xuất ly sân, si cũng lại như vậy.
Đã nói phiền não xuất ly phiền não, kế nói viễn ly tâm nhị thừa.
[0622b21] Kệ tụng:
Bồ tát ở địa ngục
Vì người không từ khổ
Xả hữu, phát tiểu tâm
Khổ đây rất dữ dội.
Giải thích:
Bồ tát bằng tâm từ bi vì các chúng sanh mà đi vào địa ngục lớn, không chối từ cái khổ lớn. Nếu có công đức diệt ba hữu, khởi tâm tiểu thừa, thì Bồ tát cho đây là khổ, là chướng ngại rất sâu nặng.
Hỏi: Nghĩa này như thế nào?
[0622b26] Kệ tụng:
Tuy thường ở địa ngục
Không chướng đại bồ-đề
Nếu khởi tâm lợi mình
Là chướng đại bồ-đề.
Giải thích:
Bồ tát tuy vì chúng sanh đi vào địa ngục trong thời gian dài cũng không lấy làm khổ. Vì sao? Vì việc đó không làm chướng ngại đối với bồ-đề rộng lớn thanh tịnh.
Nếu Bồ tát khởi tâm đối với thừa khác, trú niết-bàn an lạc, thì đó mới là cái khổ lớn. Vì sao? Vì Bồ tát đối với Đại thừa mà lạc trú thì đã là chướng ngại [huống chi khởi tâm lợi mình].
Kệ tụng này hiển thị nghĩa của kệ tụng trước.
Đã nói sự ngăn chận tâm nhị thừa, kế nói sự ngăn chận tâm sợ hãi.
[0622c04] Kệ tụng:
Vô thể và khả đắc
Sự này giống như huyễn
Tánh tịnh và vô cấu
Sự này thì như không.
Giải thích:
Vô thể và khả đắc, sự này giống như huyễn: Tất cả các pháp không có tự tánh nên nói là vô thể, nhưng lại thấy có tướng mạo hiển hiện nên nói là khả đắc. Các hàng phàm phu đối với hai sự thể như vậy thêm sanh sợ hãi. Không nên có sự sợ hãi như vậy. Vì sao? Vì các pháp tương tự như huyễn ảo. Thí như huyễn ảo v.v... không thật có hữu thể nhưng vẫn hiển hiện có thể thấy được. Sự vô thể và sự khả đắc của các pháp cũng giống như vậy. Do vậy, đối với hai sự thể này không nên sợ hãi.
Tánh tịnh và vô cấu, sự này thì như không: Pháp giới xưa nay thanh tịnh nên nói là tánh tịnh; thời gian sau rời xa trần cấu được thanh tịnh nên nói là vô cấu. Các hàng phàm phu đối với hai sự thể như vậy thêm sanh sợ hãi. Không nên có sự sợ hãi như vậy. Vì sao? Vì các pháp tương tự như hư không. Thí như hư không, tánh chất của nó vốn là thanh tịnh, thời gian sau, cũng nói, rời xa trần cấu được thanh tịnh. Sự tánh tịnh và sự vô cấu của pháp giới cũng giống như vậy. Do vậy, đối với hai sự thể này không nên sợ hãi.
Lại nữa, tương tự cũng có thí dụ tranh vẽ, có thể ngăn chận hai sự sợ hãi vô thể và khả đắc.
[0622c18] Kệ tụng:
Thí như người họa sĩ
Vẽ bằng rồi lồi lõm
Như thế vọng phân biệt
Vì không thấy năng sở.
Giải thích:
Thí như người họa sĩ khéo tay có thể vẽ đồng bằng, vách núi, chỗ này chỗ kia lồi lõm, thật ra không có chỗ cao chỗ thấp mà thấy [như thật] có chỗ cao chỗ thấp. Sự phân biệt không chân thật cũng lại như vậy, đối với pháp giới bình đẳng, nơi không có hai tướng, mà thường thấy có hai tướng năng và sở, cho nên không nên sợ hãi.
Nơi đây, tương tự cũng có thí dụ nước trong, có thể ngăn chận hai sự sợ hãi tánh tịnh và vô cấu.
[0622c25] Kệ tụng:
Như nước trong bị đục
Bẩn trừ trở lại trong
Tự tâm tịnh cũng vậy
Chỉ rời xa khách trần.
Giải thích:
Thí như nước trong do cáu bẩn trở nên đục, thời gian sau nước trong lại là do trừ sạch cáu bẩn; sự trong sạch không phải từ ngoài đến, bởi lẽ bản chất của nước là trong sạch. Tâm phương tiện được thanh tịnh cũng lại như vậy. Tâm tánh bản tịnh, khách trần làm tâm tánh nhiễm ô, thời gian sau tâm tánh trở lại thanh tịnh là do trừ khách trần vậy. Tâm tịnh không phải từ ngoài đến, bởi lẽ bản tánh của tâm là thanh tịnh, cho nên không nên sợ hãi.
[0623a02] Kệ tụng:
Đã nói tâm tánh tịnh
Bị khách trần nhiễm ô
Không lìa tâm chân như
Riêng có tâm tánh tịnh.
Giải thích:
Thí như tánh chất của nước vốn là trong nhưng bị cáu bẩn bên ngoài làm cho nước đục. Cũng vậy, tâm tánh bản tịnh, khách trần làm tâm tánh nhiễm ô. Nghĩa này thành lập.
Do nghĩa này mà nói, chẳng lìa tâm là chân như mà riêng có cái tâm nào khác, nghĩa là qua sắc thái y tha mà nói tự tánh thanh tịnh. Nơi đây nên biết, nói về tâm hay chân như thì đều gọi là Tâm. Nói cách khác, Tâm ấy là tự tánh thanh tịnh, Tâm ấy tức là a-ma-la thức.
Đã nói sự ngăn chận sợ hãi, kế nói tội lỗi của tham.
[0623a10] Kệ tụng:
Bồ tát nhớ chúng sanh
Thương đến tận xương tủy
Thường luôn muốn lợi ích
Giống như đứa con một.
Giải thích:
Các Bồ tát thương chúng sanh, điều này gọi là tham. Ngoài ra như kệ tụng nói:
[0623a14] Kệ tụng:
Ý muốn lợi chúng sanh
Khởi tham không có tội
Sân trái với lợi sanh
Thường muốn tổn hại người.
Giải thích:
Nếu nói Bồ tát vì thương chúng sanh mà khởi tham là có tội, thì nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì sự tham này là nhân tố thúc đẩy Bồ tát thường làm lợi ích chúng sanh.
[0623a18] Kệ tụng:
Bồ câu với con mình
Che chở rất thương yêu
Người có tâm từ bi
Thương chúng sanh như vậy.
Giải thích:
Thí như chim bồ câu rất tham lam, thương nhớ những chim con, nhờ vậy chúng được tăng thượng. Cũng vậy, Bồ tát nhiều từ bi ái hộ chúng sanh, làm cho chúng sanh tăng thượng.
[0623a23] Kệ tụng:
Tâm từ trái tâm sân
Dứt khổ trái làm khổ
Làm lợi trái không lợi
Không sợ trái tâm sợ.
Giải thích:
Bồ tát đối với chúng sanh do có tâm từ nên trái ngược với tâm sân; do có tâm muốn dứt khổ nên trái ngược với tâm làm khổ; do có tâm muốn làm lợi ích nên trái ngược với tâm không muốn làm lợi ích; do có tâm không sợ hãi nên trái ngược với tâm gieo sự sợ hãi. Do đó, Bồ tát khởi tâm tham như vậy mà không gọi là có tội.
Đã nói sự ngăn chận tội lỗi của tham, kế nói sự tu hành sai biệt.
[0623b01] Kệ tụng:
Khéo hành trong sanh tử
Như bịnh uống thuốc đắng
Khéo hành trong chúng sanh
Thầy thuốc gần người bịnh
Khéo hành nơi tự tâm
Điều phục người làm dở
Khéo hành trong dục trần
Thương gia khéo mua bán
Khéo hành nơi ba nghiệp
Như người khéo giặt áo
Khéo hành không phiền người
Như cha yêu thương con
Khéo hành trong tu tập
Như dùi lửa không ngưng
Khéo hành trong tam-muội
Tài sản đưa người tin
Khéo hành trong Bát-nhã
Như huyễn sư biết huyễn
Đó là các Bồ tát
Khéo hành các cảnh giới.
Giải thích:
Các Bồ tát tu hành có chín thứ sai biệt:
1. Khéo hành trong sanh tử: Thí như người bị bịnh đã lâu phải uống thuốc đắng chát, chỉ vì khỏi bịnh mà không sanh tham nhiễm. Bồ tát cũng vậy, gần gũi sanh tử chỉ vì nghĩ nhớ, khuyến khích, tán thưởng chúng sanh mà không bị nhuốm bẩn.
2. Khéo hành trong chúng sanh: Thí như vị lương y gần gũi người bịnh. Bồ tát cũng vậy, với tâm từ bi không bỏ chúng sanh bịnh khổ phiền não.
3. Khéo hành nơi tự tâm: Thí như người chủ có trí có thể khéo điều phục người làm công chưa thành thạo. Bồ tát cũng vậy, có thể khéo điều phục tâm chưa điều phục.
4. Khéo hành trong dục trần: Thí như người thương gia khéo léo trong mua bán. Bồ tát cũng vậy, tu tập đối với các độ: bố thí v.v… thì tăng trưởng của cải [chánh pháp].
5. Khéo hành nơi ba nghiệp: Thí như người thợ giặt chuyên nghiệp có thể tẩy trừ các vết dơ bẩn. Bồ tát cũng vậy, tu tập gìn giữ ba nghiệp làm cho thanh tịnh.
6. Khéo hành không phiền não chúng sanh: Thí như người cha hiền yêu thương con nhỏ, dù con có dơ bẩn cũng không ghê tởm. Bồ tát cũng vậy, chúng sanh gây tổn thương cũng không hề buồn giận.
7. Khéo hành trong tu tập: Thí như dùi cây lấy lửa, chưa thấy lửa không ngừng tay. Bồ tát cũng vậy, tu tập thiện pháp bằng tâm không ngưng nghỉ.
8. Khéo hành trong tam-muội: Thí như đưa tiền của cho người đáng tin cậy gìn giữ thì ngày càng sanh lợi. Bồ tát cũng vậy, tu tập các định không có tán loạn, không ưa đắm thì công đức tăng trưởng.
9. Khéo hành trong Bát-nhã: Thí như huyễn sư biết các trò huyễn ảo là không thật. Bồ tát cũng vậy, đối với pháp sở quán có thu hoạch nhưng không thác loạn.
Đây gọi là sự tu hành sai biệt của Bồ tát.
Đã nói sự tu hành sai biệt, kế nói ba luân thanh tịnh.
[0623c01] Kệ tụng:
Siêng năng tinh tiến lớn
Thành thục hai thanh tịnh
Tịnh giác vô phân biệt
Dần dần được bồ-đề.
Giải thích:
Siêng năng tinh tiến lớn, thành thục hai thanh tịnh: Bồ tát đem sức tinh tiến lớn siêng năng thực hành hai lợi mình người, qua đó chúng sanh và mình đều được thành thục, gọi đó là thanh tịnh.
Tịnh giác vô phân biệt, dần dần được bồ-đề: Tịnh giác là trí pháp vô ngã; trí này không có sự phân biệt ba luân: người tu tập, đối cảnh tu tập và chánh trú tu tập, nên được thanh tịnh. Do sự thanh tịnh này dần dần được thành tựu Vô thượng bồ-đề.
Phẩm Tùy Tu trọn vẹn Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.164.69 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.