Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
CHỨC QUỐC HỌC TẤN SĨ
ÔNG VƯƠNG NHỰT HƯU SOẠN
LỜI ÔNG VƯƠNG NHỰT HƯU NÓI :
Tôi xem khắp trong ba tạng kinh và các bộ ký; rút lấy ý chỉ nhiệm mầu mà viết ra bộ sách Tịnh độ này, không một chữ nào, mà không căn cứ. Vậy xin các trang hậu học đừng chấp tôi người hèn, mà không quan cố đến lời nói của tôi, trong bộ Long Thơ Tịnh Độ này.
Bởi tôi muốn ai ai cũng đồng tỏ ngộ, ai ai cũng đồng tu Tịnh độ. Thế cho nên tôi mới biện bạch những lời ngay thẳng, không dùng lời bóng bẩy và trau chuốt.
Tôi là họ Vương tên Nhựt Hưu ở về quận Long Thơ (nước Trung Hoa). Xét ra sách Tịnh độ truyền đời nhiều lắm, cho nên tôi soạn bộ sách này để nhan đề đầu quyển hiệu là : Long Thơ Tịnh Độ, cho khác với các bộ sách kia vậy. TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ NHẤT
Cái thuyết Tịnh độ thường thấy người thực hành trong mỗi ngày, mà bao nhiêu công niệm Phật bèn thấy kết quả nơi đời sau, lúc vãng sinh về Tịnh độ. Người không biết, tưởng niệm Phật là việc của đời sau, nào ngờ đâu công đức niệm Phật lại rất có lợi ích ngay trong đời này nữa vậy.
Vì sao ? Phật sở dĩ tha thiết dạy người làm lành, cũng như nhà Nho dạy người lánh dữ, nào có khác chi ! Khác là khác có danh từ Phật với Nho vậy thôi. Thế cho nên người niệm Phật tu Tịnh độ thường thấy trong mỗi ngày, ý tưởng Phật, miệng niệm Phật, thân làm việc Phật, thì đâu không phải là ba nghiệp thanh tịnh ? Ba nghiệp thanh tịnh là việc lành. Làm lành thời là quân tử, là trang đại hiền, đương đời ai cũng kính mến, phục lụy, Thánh thần phò hộ, phước lộc được tăng trưởng, sống lâu vô cùng tận. Do đây mà nói, thời để tâm nghe theo lời Phật dạy, thực hành theo pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, thì ai dám bảo rằng không lợi ích ngay trong đời này ư ?
Lại nữa, người bị nghiệp duyên ràng buộc, không thể chuyên chú niệm Phật. Vậy nếu người có chí niệm Phật, thì ác duyên kia cũng có thể từ đây mà bớt lần, rồi thiện duyên cũng có thể từ đây tăng tiến. Ác duyên bớt lần bớt mãi không thôi, cho đến ngày bặt dứt, không còn ác duyên nữa. Thì thiện duyên tăng tiến tăng mãi không thôi, cho đến ngày thiện duyên thuần thục.
Ác duyên bặt dứt, thiện duyên thuần thục thì không phải người quân tử chớ chi ? Không phải kẻ đại hiền chớ chi ? Do thế, nên nghiệm xét, thời lời nói của Phật không phải là vô cớ, vậy niệm Phật cầu sinh Tịnh độ làm tâm, thì ai dám bảo rằng không lợi ích đương đời ư ?
Lại nữa, những người không biết lễ nghĩa là sự quý, không biết việc hình phạt là sự đáng ghê sợ; cứ đem tiền tài khí lực làm mạnh, cứ lấy quyền thế làm hơn. Vậy nếu biết lấy câu niệm Phật để vào tâm thời cũng biết xét mình, mà chừa cái lỗi của mình, phải trừ nơi tâm mình, không đặng mống các điều chê bai người, không hung dữ, không lòng ganh gổ người hiền, không tham muốn giận hờn, không ép uổng người gạt người lấy của, chỗ ra làm tuy không thể hợp lễ nghĩa cho mấy, nhưng cũng có thể kề gần sự lễ nghĩa không xa, tuy không thể khỏi hẳn việc hình phạt nhưng cũng lánh xa được việc hình phạt vậy. Gần lễ nghĩa, xa hình phạt, lần lần khỏi đặng khu vực của kẻ tiểu nhân, mà đi tới quốc độ của người quân tử.
Người thường biết được chút ít Phật lý, trong đời ai cũng ngợi khen là kẻ thiện nhân, và ai ai cũng bắt chước làm theo hành vi của người ấy. Do đây mà nghiệm xét thời lời Phật dạy, phải để tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, ai dám bảo rằng không lợi ích nơi đương đời ư ?
Có người hỏi ông Vương Nhựt Hưu rằng : Theo lời nói của đức Khổng Tử, để tâm thực hành theo Nho giáo, đâu chẳng lợi ích nơi đương đời, hà tất phải niệm Phật cầu sinh Tịnh độ làm chi ?
ĐÁP.- Vả chăng Phật có nói : “Cái thân mộng ảo này phải thác, giác tánh còn hoài”. Còn lời Thánh thì nói rằng : “Người noi làm theo sự nhân nghĩa thời đặng bất tử, mà kẻ nghe đạo thời chứng đặng quả vô sinh”.
Tóm lại thì như thuốc chẳng xứng tay nào, chỉ có biết dùng thời mới mau lành bệnh. Bởi thế thực hành theo Nho giáo, ấy đó là pháp thế gian mà thôi, chớ không phải pháp xuất thế gian vậy. Vì sao ? Pháp thế gian thời không ra khỏi luân hồi lục đạo, còn pháp xuất thế gian thời chóng khỏi luân hồi và sinh tử.
Thế cho nên niệm Phật cầu sinh Tịnh độ chẳng những ích lợi đương đời, lại còn lợi ích nơi đời sau nữa, cho nên pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ là một pháp siêu việt, vượt thế gian và xuất thế gian vậy.
Nay sóng sông ái hà nhận chìm đến đáy, mà chẳng lo, ở nhà lửa đốt cháy sao không sợ, dệt dày lưới (Si), ngọn gươm (Trị) lụt, cắt sao cho đứt, trồng sâu cội (Nghi), sức ít (Tín) nhổ sao cho tróc, đó mới thật đành lòng đành dạ, cầu họa vui tai, lại chê cái cõi trong sạch, tham mến cõi đời phiền não, như châu chấu bị cháy cánh, như chim ở trong lồng, cá trong chậu, lại khen vui vẻ. Than ôi ! Ở trong thế gian này, có một sự làm cho cả thảy nhân loại không ai trốn tránh đặng và cũng không ai từ chối đặng.
Những sự ấy chánh pháp nguyên từ vô thỉ mà lưu độc cho đến ngày nay, chớ không phải là sự mới có. Thế mà ít thấy ai quan niệm và lưu tâm đến nó, thành thử, suốt đời cứ sống say chết ngủ ở trong cái phạm vi của nó mà không tự biết. Thiệt là thảm não thay !
Sự ấy là gì ? Chính là sự khổ hiện tiền của nhân loại đó. Cổ nhân có nói rằng : “Ta Bà khổ, Ta Bà khổ, Ta Bà chi khổ thùy năng sổ. Tịnh độ lạc ! Tịnh độ lạc ! Tịnh độ chi lạc thùy năng giác”. Nghĩa là : Ta Bà là cái cõi khổ mà cái khổ ở nơi Ta Bà có ai kể xiết. Tịnh độ là cõi vui mà cái vui ở nơi Tịnh độ có ai biết đặng.
Vậy chúng ta đã hiểu rằng : Tịnh độ là cõi khoái lạc tối thắng rồi, mà muốn sinh về cõi ấy phải làm cách nào ? - Vả chăng Đức Phật A Di Đà có lời nguyện rằng : “Bằng có người nào niệm danh hiệu Ta, thì đặng về nước Ta; nếu chẳng như vậy, thời Ta thề không làm Phật”. Từ Đức Phật Thích Ca giáng trần đến nay đã hai ngàn năm trăm ba mươi sáu năm, trong bấy nhiêu năm ấy, có những bậc cao tăng, thánh hiền, cụ nho, nông, công, thương, sĩ, cổ, đàn ông, đàn bà, nô tỳ, hoặc mình cũng khuyên người, hoặc biên văn lập thế. Trọng giáo pháp như báu, khinh thân mình như bụi, gặp việc nặng chẳng sợ, cứ sửa mình lập hạnh, mà gắng sức học đạo này.
Hoặc người tu tùy hỷ, hoặc người tin mà quy y số ấy càng đông như sao, như bụi, song chưa gọi là nhiều vậy. Hoặc người niệm Phật nửa tin, nửa nghi, dụ dự không quyết, mà còn đặng sinh về Tây phương ở nơi biên địa nghi thành thay ! Huống chi người chánh kiến chánh nguyện thì có chi nghi ngờ ?
Nay có người muốn vui cõi thiên nhân, mà không tu phước, muốn khỏi biển sinh tử, mà không niệm Phật, cũng như chim không lông cánh mà muốn bay, cây không gốc mà muốn sống há dễ đặng nào !
Vậy nếu biết được như thế, thì chẳng những hiện tại, mà cho đến ngày sau chúng ta đặng rảnh phần khổ não, hưởng sự an vui, và hết lăn lộn trong trường sinh tử. TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ HAI
Luận về lý, thời thượng thấy trong mỗi ngày, không hề xa cách, như bài trước đã nói. Luận về tích thời thấy trong khi xơi trà buổi ban mai bất tất vì chấp cả ngày, cứ niệm mười câu Nam mô A Di Đà Phật là được rồi. Vì sao ? Bởi pháp môn tu trì có chia ra chín phẩm ai ai cũng có thể tu miễn là hồi tâm hướng thiện thời là được. Cho nên pháp môn mười câu niệm Phật đây ai ai cũng có thể làm được cả.
Ông Bạch Lạc Thiên làm lời tụng rằng : Ta tuổi bảy mươi mốt, chẳng ham việc ngâm nga, coi kinh mỏi con mắt, làm phước sợ bôn ba, lấy chi độ tai mắt, cứ một tiếng niệm Di Đà, đi cũng niệm A Di Đà, ngồi niệm A Di Đà, dẫu việc chi gấp rút, chẳng lìa câu Di Đà, khuyên chúng trong pháp giới, đồng niệm A Di Đà, muốn thoát luân hồi khổ, phải niệm A Di Đà.
Hồi đời Phật còn tại thế, có một ông già cầu đi tu, ông Xá Lợi Phất chẳng cho, Phật xem lại người ấy, kiếp trước là tiều hái củi, bị cọp rượt, trèo lên cây, hoảng sợ niệm tiếng Nam mô Phật, vì có chút lành ấy, nên nay gặp Phật độ đặng siêu thoát, chứng quả A La Hán.
Hỡi ôi ! Chỉ kêu tên Phật một tiếng còn đặng thoát huống chi mình trọn đời niệm Phật thì sao ?
Trong Thập Lục Quán Kinh nói : Lòng chí thành niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật thì đặng tiêu tám mươi ức kiếp sinh tử tội nặng.
Những người tội ngũ nghịch thập ác, đến cơn lâm chung, niệm mười câu niệm A Di Đà Phật còn đặng về Tây phương, huống chi người ăn chay giữ giới niệm Phật lâu ngày. Tuy người tạo ác trăm năm, nhưng một giờ tu thiện thì ác cũng có thể diệt trừ, ví như nhà tối ngàn năm chong một ngọn đèn thời là sáng vậy, cho nên tuy kẻ giết trâu xẻ ngựa lúc buông dao hàng thịt, cũng có thể tu chứng.
Vì lẽ biết hồi tâm sợ sự nhân quả mà tránh điều dữ làm việc lành. Có người nói rằng : Hai chữ nhân quả không đủ tin. - Nếu lấy sự trước mắt mà luận, thì những người bình sinh trong sạch, làm những điều phước thiện đáng lẽ được phước đặng thọ mới phải, mà sao thấy có ngươi cứ nghèo hèn tật bệnh và lại thọ mạng không dài ?
Trái lại, những người bất nhân ác nghiệp, hại vật sát sinh, lý ưng phải chịu mấy điều cực khổ hoạn nạn mới phải, mà sao thấy cũng có người lại được sống lâu, giàu có và sang trọng ? - Như vậy hai chữ nhân quả có chứng nghiệm gì, mà buộc người ta phải tin chớ ?
Ôi ! Nói như thế cũng chẳng khác nào ngồi dưới giếng mà ngó lên trời, dòm ống quản mà coi con beo, thì cái thấy ấy có nhằm gì đâu, mà bảo không lầm sao đặng ?
Kinh Niết Bàn nói rằng : “Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình, tam thế nhân quả, tuần hườn bất thất, nhất sinh khống quá, hậu hối nan truy”. Nghĩa là : Lẽ báo ứng về sự thiện ác như bóng theo hình, nhân quả trong ba đời xoay quanh chẳng mất, nếu kiếp này bỏ qua, thì sau ăn năn không kịp.
Sách Châu Dịch nhà Nho nói rằng : “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”. Nghĩa là : Nhà nào chứa điều lành, ắt có phước dư. Nhà nào chứa điều chẳng lành ắt có họa dư. Nếu xét theo lấy câu nói của các kinh sách đã dẫn chứng đó thì biết trong tam giáo, cũng đều dạy người, phải tin nhân quả, phải biết tội phước, chớ có lẽ nào chưa thấy đặng cái chung cuộc của sự báo ứng thế nào mà vội bác khước, rằng không có nhân quả thì sao phải ? Thập Luận Kinh có nói rằng : “Bác vô nhân quả, đoạn diệt thiện căn”. Nghĩa là : Bác khước cho là không có nhân quả, thì dứt mất căn lành.
Vậy nên xưa có thầy Tỳ kheo đối với người tham vấn nói rằng : Bậc đại tu hành không khi nào lạc nhân quả (chính nghĩa là không mất nhân quả). Thế mà người nghe lầm tưởng rằng không có nhân quả, thầy Tỳ kheo bị cái ảnh hưởng thuyết pháp bất minh ấy mà năm trăm đời đọa làm thân con cáo.
Còn ông Thiện Tinh Tỳ kheo, thì khởi lòng tà kiến bác khước nhân quả nói rằng : Không có nhân quả rồi trong lúc sống mà đọa địa ngục. Nếu chúng ta muốn nghiên cứu về Phật lý cho đặng đạt tới mục đích thâm diệu, thì trước hết phải tin hai chữ nhân quả cho cùng cực thấu đáo rồi mới do đó, mà vào chỗ chánh tri chánh kiến của Phật đặng.
Huống chi tội ác đã nhiều, phước duyên không có, thì làm sao được cuộc tao phùng thắng hảo, thành thử suốt đời không khi nào thấy Phật nghe pháp, và cũng không có người thiện tri thức nào dạy bảo, cho biết đường lành nẻo dữ, đi lại rồi cũng chìm xuống nổi lên, ở trong sông mê bể khổ.
Bởi vậy cho nên lời Tiên đức có nói rằng : “Dục đắc bất chiêu vô giáng nghiệp, mạc báng Như Lai chánh pháp luân”. Nghĩa là : Muốn đặng chẳng chiêu vô gián nghiệp, đừng chê chánh pháp của Như Lai.
Có người đương bị đày đọa trong đời hiện tại này, mà biết tự nghĩ rằng : mình cũng một hạng người trong nhân loại mà sao người ta thì phú quý phong lưu muôn phần tự tại, còn mình thì nghèo hèn khổ cực, khốn đốn trăm bề, chắc chỗ tạo nhân kiếp trước của mình lắm điều bất thiện, nên ngày nay mới chiêu cảm cái tội báo như vậy.
Nếu những người ấy nghĩ như thế, rồi hồi tâm cải quá, nết cư xử phải do đường chánh đạo, trăm điều ngàn chuyện tự xét lấy mình, ngoài ra thì ăn chay niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ, niệm câu Nam mô A Di Đà Phật.
Nghĩ tưởng Đức Di Đà thiệt là cha lành của chúng sinh, cho nên khởi một lòng mong tưởng, thời đức vạn linh đã biết mình ngộ mình tu, đặng cầu về Cực Lạc, cho nên nói công phu tu trì chỉ thấy trong khi xơi trà một buổi ban mai, mà công đức lại muôn đời bất hoại.
Thế mà người đời vì sao mà không tu ! Tiếc thay, uổng thay. Sách Nho có câu rằng : “Thiên đường hữu lộ vô nhân đáo, địa ngục vô môn hữu khách tầm”. Nghĩa là : Đường về Tịnh độ rộng thênh thang không ai tìm biết mà đến, còn địa ngục không cửa nẻo lại cứ tìm cách mà vào cho đặng, thế mới thật là khổ.
Vậy có phải cái quả Thiên đường của ngươi tác phước, cái quả địa ngục của kẻ tạo tội đó không ?
Nếu người tác phước kia mà muốn cho cái quả vị của mình càng ngày càng cao, phước duyên của mình càng ngày càng lớn, thì phải lo bái sám tụng kinh ăn chay niệm Phật, ngoài ra để lòng nghiên cứu về diệu lý mà mở mang trí khôn, lấp cạn nguồn tình, lóng trong biển thức. Được như thế chẳng những trong lúc hiện tại này, cái mầm tai gốc họa được tiêu khô, và ruộng phước, hoa duyên được tươi tốt đó thôi, mà lại cũng có ngày được chứng quả vô sinh rồi tiêu diêu trên con đường Cực Lạc nữa.
Bằng như người thừa cái thiện nhân đời trước mà hưởng đặng cái phước quả của ngày nay, rồi lại sinh lòng đắm sắc mê tài, tham danh tiếc lợi khiến cho thần hờn quỷ giận, kẻ oán người thù, thì cội phước càng tiêu, dây oan càng buộc, rồi phải trở lại bị cái ác nghiệp nó lôi kéo vào trong con đường thống khổ, cũng như người tạo tội kia không khác vậy.
Còn những người đương bị đày đọa trong đời hiện tại mà biết tự nghĩ rằng : mình cũng con người như người ta, mà sao người ta lại giàu có, sung sướng, lên xe xuống ngựa, quần này áo kia, còn mình thời nghèo khổ trăm bề, thiếu trước hụt sau, quần áo vá trăm miếng, có lẽ chỗ tạo nhân kiếp trước của mình, lắm chuyện không lành, nên ngày nay phải mang cái tội báo như vậy.
Nếu những người ấy nghĩ như vậy, rồi hồi tâm cải quá, nết cư xử phải do đường chánh đạo, sự hành vi phải giữ mực thanh bần, đừng gian, đừng tham, đừng láo, đừng dối, trăm điều ngàn chuyện tự xét lấy mình, ngoài ra thì ăn chay niệm Phật cầu nguyện cho thoát kiếp trầm luân được phần khoái lạc, nếu đặng như vậy thời Phật giúp, Trời thương, quỷ kiêng thần nể, tội hoa héo rụng, phước quả tròn nên, rồi được thừa cái thiện nghiệp ấy mà tự tại tiêu diêu, trên con đường bất sinh, bất diệt, chớ có chút gì thua kém ai đâu ?
Ta nên biết rằng : Cái kết quả của cái khổ với lạc là do cái tạo nhân của Thiện với Ác, như bóng theo hình đeo đuổi lẫn nhau, hễ hình ngay thì bóng thẳng, hình vạy thì bóng cong, lý vốn như thế rõ ràng, không sai một mảy.
Huống chi pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, không phí thì giờ bao nhiêu, dụng công rất ít, mà chỗ kết quả không nói cho hết đặng. Thế mà làm người sao chẳng tu ? Đời này không tu, một ngày kia lấy gì làm bằng cứ, thật đáng thương đáng tiếc, mà sự thương tiếc ấy nó cũng đã qua rồi. TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ BA
Có người chợt nghe nói cảnh tượng Tịnh độ phần nhiều ít có người tin. Không đủ lấy làm lạ. Bởi họ chấp những sự thường thấy trước mắt, còn những việc không thường thấy, tưởng là không có vậy thôi. Ví như người ở nhà hẹp bẩn thỉu, đâu có biết tòa nhà cao rộng mát mẻ, ăn bát sành rau lê rau quát, đâu có biết thực phẩm quý giá ở trước nhà phương trượng.
Kẻ đựng đồ vật mọn trong chiếc rương bể; đâu có biết nhà vua có kho lẫm vật quý ê hề, thì đủ biết rằng ở cõi Ta Bà ác thế này, không tin có cõi Phật thanh tịnh là lẽ dĩ nhiên.
Cho nên người đời hầu hết đều đầu thai trong xác người phàm, chớ đâu có biết, sự hóa sinh nơi hoa sen ở cõi Tịnh độ, ở cõi này người sống lâu chỉ bất quá trăm tuổi là cùng, đâu có biết, cõi Tịnh độ hà sa số thọ.
Ở cõi này sự ăn mặc ắt phải nhờ người làm ra mới có; đâu có biết cõi kia có áo cơm sẵn sàng. Cõi này có lúc vui, rồi lại có lúc buồn. Cõi kia thường có cái vui bất tuyệt.
Thế thời ta nên nghe theo lời Phật, không nên chấp theo những việc trước mắt không thấy mà vội không tin lời Phật. Trong Đại Di Đà Kinh có nói rằng : “Mười phương vô lượng Bồ tát nguyện vãng sinh về nước A Di Đà Phật kia”, như các vị Bồ tát còn muốn vãng sinh thay, huống chi ta là người bậc nào, mà chẳng cầu vãng sinh về đó ?
Như hậu thân của ông Tăng Lỗ Công là ông Triết Lão, thân sau chịu nhiều điều ưu khổ. Hậu thân ông Cổ Lão ham mê việc giàu sang, hậu thân bà vãi Pháp Hoa làm con hát cho nhà quan. Đều bởi chẳng tin phép niệm Phật cầu về Tây phương, nên mắc xoay vần trong đường luân hồi mà chịu khốn. Huống chi Đức Phật Ngài lại tha thiết dạy người, bảo người đừng vọng ngữ, thì lẽ nào Ngài lại nói vọng ngữ, mà dối gạt người hay sao ?
Người đời sở dĩ nói vọng ngữ, một là cầu danh, hai là cầu lợi và ba là lánh nạn.
Còn Phật, Ngài đã không màng đến ngôi vua có chi là cầu danh. Kho lẫm dẫy đầy Ngài không đoái hoài, thì cầu lợi nào nữa. Phật xem đường sinh tử như không, dầu kẻ ác liệng búa chém hư không, cũng như cầm dao chặt dưới nước, có dính dấp gì ai, mà phải nói vọng ngữ để mong lánh nạn.
Thế là Phật không dùng lời vọng ngữ để gạt người đã rõ rệt. Vả chăng, nhọc ta ở nơi thai bào, có già mới cướp sức mạnh ta, có bệnh mới tổn hình dạng ta, có chết mới bắt thần linh ta, có vinh mới sinh sự kiêu căng, có nhục mới sụt chí khí ta, có sang ta mới kiêu ngạo, có hèn mới dập sự hành lòng ta, có giàu thì nặng lòng tham lam ta, có nghèo thì thiếu y báo ta, có vui mới động cái tình ta, có khổ mới đau tinh thần ta, có khen mới khởi lòng cao ta, có chê mới có diệt danh giá ta. Nhẫn đến khi lạnh thời ép ngột thân ta, nóng thời bực bội lòng ta, khát thời khô cổ họng ta, đói thời xót ruột ta, kinh thời khiếp hồn ta, sợ thời mất vía ta, thuận thời lớn lòng ái ta, nghịch thời khiến ta ghét. Rồi lại dối với vua, trái cùng cha, ngạo người đời, đua theo thời, sinh lòng thú, tham sự lợi cầu tiếng danh, phỉnh gạt người, nếu dèm dua, nương quyền thế khi cô quả, sâu lòng hại tạo nghiệp nhiều, quạt lửa dục, thổi gió tham, rong theo trần, bỏ tính giác, làm việc bậy, lấp thiện nhân, chỉ ngó trước chẳng xem lại sau, chỉ đi chẳng tưởng lo về, tưởng cầu sống đâu biết chết, thời mỗi niệm như đốt nấu, mỗi bước sa hầm vậy. Phương chi nếu chúng ta biết lẽ đi tới cõi Niết Bàn là khỏi sự sinh tử luân hồi, hưởng phần an lạc thì cần phải biết do con đường nào mà đi đến đó, có phải là do theo đường Bát Chánh không ?
Đường bát chánh ấy là :
1/ Trông thấy theo lẽ chân chánh.
2/ Suy nghĩ theo lẽ chân chánh.
3/ Nói năng theo lẽ chân chánh.
4/ Sự làm theo lẽ chân chánh.
5/ Nuôi sống theo lẽ chân chánh.
6/ Tinh tấn theo lẽ chân chánh.
7/ Ghi nhớ theo lẽ chân chánh.
8/ Và Thiền định theo lẽ chân chánh.
Trong mọi lẽ chân chánh nói trên đây có đủ năng lực làm cho những bậc tu hành từ xưa đến nay, được nhờ cái ánh quang minh soi thấy đường tà nẻo vọng khỏi bị lạc lầm mà thẳng tới cõi chân không tịch diệt. Còn con ma sinh tử kia, không có ngõ nào mà đem hột giống luân hồi gieo rải trong miền thế gian được nữa.
Như vậy thì đường Bát chánh là một nơi cơ sở cho người xuất gia và một cái căn bản cho người học đạo. Nói tóm lại, pháp môn Tịnh độ dạy người cho biết rằng cả thảy mọi sự hữu vi trong thế gian đều là giả dối như cảnh chiêm bao thấy đó rồi bỗng không đó, như bọt nước nổi đó rồi tan đó, như hạt sương đọng đó rồi khô đó, có cái gì mà làm cho đời người đặng nương cậy đâu !
Cho nên vị Tiên hiền nói : Lời Phật không tin chớ tin lời ai bây giờ ? - Huống chi người ở nhà cửa thấp xấu, lại khen là nhà cao rộng lớn, ăn cơm hẩm canh rau, lại khen mùi ngon vật lạ, mặc áo quần to xấu, lại khen là tố nhiễu nhỏ diệu.
Bằng nói tâm Tịnh độ, quốc Tịnh độ, như vậy thời chẳng còn chi mà phân biệt, huống chi nay mắc cái khổ, già, bệnh, chết, trong việc đời có khi trái tình, thời nhan sắc kẻ ấy với nhan sắc người chưa tỏ ngộ đồng nhau, như vậy mà dám nói tâm Tịnh độ quốc Tịnh độ, mình bị chỗ trược buộc việc khổ não, sao lại dối mình chi lắm vậy ? Chẳng đặng vậy khá nên tin giáo pháp, vâng chánh lý cõi Tịnh độ mà tu.
Như thuở xưa có người khắc tên một vị trung thần vào tấm bảng đá, nói vị trung thần kẻ gian ác, liền bị trời đánh (sét) chết người vu oan và tấm bia tan nát.
Nay ta dùng vàng ngọc lụa là khắc chạm rương trấp, đựng lời vàng Đức Phật nói, mà đã chép trong kinh. Nếu lời kia là lời nói vọng, thì còn lắm tai hại hơn tấm bia của kẻ gian ác nói trên, có đâu đợi tới trăm năm, ngàn năm mà trời không đánh đó ư ? Thì đủ biết rằng lời Phật là lời thành thật vậy. Lời thành thật không tin, chớ hỏi, tin lời nào nữa ?
Cho nên tôi (lời ông Vương Nhựt Hưu) nói, không còn nghi ngờ, đã không nghi ngờ mà lại còn thậm tín hơn nữa. Huống chi từ xưa đến nay, những người tu theo pháp môn Tịnh độ này, sự cảm ứng rất nhiều chớ nên đem lòng không tin mà nói rằng không có.
Nếu làm lành mà nói không có kết quả, vậy thì bây giờ thử làm ác coi có tai hại hay không ? TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ TƯ
Người nhà Nho hoặc thấy những người tín đồ bên đạo Phật không giữ giới hạnh, rồi buông lời chê đạo Phật, nhân đó mà cái thuyết Tịnh độ của Đức Phật dạy không tên nữa, như vậy là không phải.
Vì sao ? Thử hỏi, bên đạo của ông Lão Tử có những kẻ đạo sĩ bất chính không nhân, không nghĩa, mà rồi khinh đức Lão Tử sao đành và kẻ học trò Nho chẳng hiền, mà trở lại chê đạo cang thường của đức Khổng Tử dạy ư ?
Người trí còn không bỏ một lời nói phải của người thường, huống chi ta đi chấp những tín đồ làm không đúng, mà chê giáo lý cao thượng của Đức Thích Tôn ư ?
Chính các đệ tử của Đức Phật Tổ thuở xưa cũng vậy, ông được hạnh kia, lại thiếu hạnh nọ. Như ông Mục Kiền Liên thì sáng suốt về phép thần thông thứ nhất, ông A Nan thì nghe nhiều nhớ giỏi, ông Xá Lợi Phất thì trí huệ sáng suốt hơn các vị Thanh Văn khác, ông Ca Diếp thì kiên tâm bền chí, tu theo hạnh đầu đà, khổ hạnh bậc nhất v.v…
Nếu các vị ấy mà được cả công đức đầy đủ muôn hạnh viên dung, thì ngang hàng với Đức Phật chớ đâu còn ở địa vị Thanh Văn hoặc Bồ Tát nữa.
Ví dụ như mấy vị đồ đệ hiền triết môn đồ của đức Khổng Tử, thì cũng có ông này ông khác. Nếu đem so sánh từ ông hiền số một đến ông hiền chót, thì ông hiền chót có lẽ tài đức kém hơn mấy ông hiền trước là dường bao ? Nhưng cũng được dự vào địa vị thánh hiền như ai vậy. Huống chi đời nay các ông Tăng cũng có ông tu nhiều, cũng có ông tu ít, có ông đủ tài mà thiếu đức, lại có ông đức hạnh đầy đủ, mà tài năng khiếm khuyết, thì hà tất chúng ta lại đi chê giáo lý ư ?
Vả lại giáo pháp Đức Phật lập ra không những một pháp mà là có pháp thế gian, và có pháp xuất thế gian nữa kia mà.
Thế nào là pháp thế gian ?
Pháp thế gian, Đức Phật lập cũng in như pháp của đức Khổng Tử dạy người đời không khác. Nay lược nói chỗ đại đồng, xin nhân giả để tâm nghiệm xét. Đức Phật sở dĩ khắn khắn dạy người đời đâu không răn người đời bỏ việc ác làm việc lành. Mà đạo Nho ta nào không từng răn ác khuyến thiện ư ! Nay đem những việc trước mắt thường thấy, nói cho dễ hiểu.
Như đạo Phật thì có năm giới như là : sát, đạo, tà, vọng, tửu. Còn nhà Nho thì có ngũ thường như là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cũng như nhau.
Nhà Phật chẳng sát sinh, nhà Nho lòng nhân lớn, Phật không trộm cướp, nhà Nho nghĩa thanh liêm, nhà Phật không tà dâm, nhà Nho lễ minh chánh, nhà Phật không uống rượu, nhà Nho trí tỏ sáng, nhà Phật không nói vọng, nhà Nho tín chí thành là phải vậy.
1/ Đức Phật dạy kẻ tín đồ quy y đạo Phật bảo đừng sát sinh, đừng trộm cướp, đừng tà dâm ba nghiệp của thân. Cũng như bên nhà Nho đức Khổng Phu Tử nói : “Thắng tàn khử sát”, ngăn việc tàn nhẫn cấm việc sát hại, có câu người làm thi nói : Vua Văn Vương, đức kịp đến loài điểu thú, côn trùng. Loài điểu thú côn trùng, ngài không nỡ ra tay sát hại, huống chi hại người, như thế nhà Nho đâu không răn việc sát sinh đó ư ?
Còn việc trộm cắp nhà Nho lại còn cấm gắt hơn nữa. Đức Khổng Tử lại nói câu : “Ngô vị kiến háo đức như háo sắc giả”. Nghĩa là : Ta chưa từng thấy người nào ham đạo đức, ví như ham sắc đẹp. Kẻ làm thì cũng nói : Chê người không ham đạo đức, mà cứ ưa sắc đẹp, như thế đạo nhà Nho đâu không răn việc tà dâm ư ?
2/ Đức Phật dạy tín đồ đã thọ giới bất vọng ngữ, thì đừng nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói lời hung dữ là bốn nghiệp của miệng. Đức Khổng Tử lại nói : Nhân nhi vô tín bất lập. Người mà xã hội không ai tin, ấy là người vô dụng, như vậy thì nhà Nho đức Khổng Tử nào không ngăn cấm việc nói vọng ngữ ư ? Ngài lại nói : Lời nói chuốt ngót điểm tô sắc cho đẹp, người như thế là người ít có lòng nhân. Thế là đức Khổng Tử đã răn cấm không cho nói lời thêu dệt đã rõ rồi.
Huống chi trong sách Nho Thiên Nhĩ Nhã, đức Khổng Tử có bảo đồ đệ ngài rằng : Ngươi chớ nói phải trước mặt, lui sau có lời dị luận. Thế là đức Khổng Tử còn cấm thêm không cho nói lời nói hai lưỡi vậy. Kế đến lời nói hung dữ. Lời nói hung dữ, là lời thịnh nộ, mắng nhiếc người, ông Tuân Tử nói : Một lời nói, có thể hại người lắm hơn gươm dáo. Như vậy thì nhà Nho không bao giờ đức Khổng Tử không cấm ngăn lời nói hung dữ.
3/ Đức Phật dạy tín đồ phải giữ ba nghiệp của ý mình cho được trong sạch, đừng sân đừng si. Đức Khổng Tử nói : Thấy việc người ta làm ơn, thời mình phải lo trả nghĩa, đó là Khổng Tử răn học trò ngài đừng có tánh tham. Đức Khổng Tử lại dẫn nhắc cái hạnh tốt của ông Bá Di, ông Thúc Tề là người không để tâm nghĩ đến cái thù xưa (bất niệm cựu thù). Đó là nhà Nho đức Khổng Tử răn cấm những kẻ học trò ngài, không muốn có những tính cách sân hận. Ngài lại muốn học trò ngài có những tính cách thông minh, cho nên ngài nói câu “Khổn nhi bất học, dân tư vi hạ”. Nghĩa là : Dốt mà không học, ấy là dân bậc hạ, thế là nhà Nho đức Khổng Tử phàn nàn răn việc ngu si triệt để.
Do đây mà nói thời đạo Nho cùng với đạo Phật chưa từng có lúc nào chẳng đồng vậy. Song chẳng đồng là đạo Nho thì chỉ nói về pháp thế gian, dạy đời như là : chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, chỉ nói trong một đời hiện tại rồi bao nhiêu cũng đổ trút về cho ông Trời.
Còn đạo Phật, chẳng những nói về pháp thế gian mà lại còn dạy về pháp xuất thế gian (ra ngoài đời), và biết đến các việc nhiều kiếp, thấy rõ nguồn cơn nhân duyên nghiệp báo của chúng sinh nhiều đời nhiều kiếp luân hồi trong lục đạo và rồi tại làm sao tu phương pháp gì mà dứt nghiệp báo luân hồi sinh tử và thành ngôi đạo Vô thượng Bồ đề Chánh đẳng Chánh giác như các Đức Phật.
Thế mới nói đạo Phật với đạo Nho không đồng là vậy. Vậy muốn biết chỗ sở trường của đạo Phật thắng diệu như thế nào, thời cần nên xem kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, Kinh Vô Cái Chướng Bồ Tát Sở Vấn, và hiểu nghĩa lý của bộ Kinh Kim Cang, thì tự nhiên hiểu thấu đạo Phật, còn chưa được như vậy, thời khoan vội chê đó.
Nếu không biết mà chê, thời bị câu đức Khổng Tử quở rằng : “Bất tri nhi tác, khả bất giới tai, khả bất giới tai”. Nghĩa là : Không biết mà làm khá chẳng răn ư ! Khá chẳng răn ư ! Đúng như thế thời lời nói Đức Phật Thích Tôn đáng tin lắm, lời nói của Ngài đáng tin thời cái thuyết Tịnh độ của Ngài nói lẽ nào không tin ?
Chỗ gọi rằng pháp xuất thế gian, pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ là hơn hết. Thế nào, người đời sao mà chẳng gắng vậy, tiếc thay ! Uổng thay !
4/ Kẻ hoặc hỏi ông Vương Nhựt Hưu : Tại sao đạo Phật là đạo bình đẳng, mà Ngài lại phân biệt đạo Phật lại cao hơn đạo Nho ? Đáp rằng : Đạo Nho là đạo trong thế gian chỉ nói trong một đời. Còn đạo Phật là đạo xuất thế gian, luận đến những việc nhiều đời nhiều kiếp, tự nhiên phải cao hơn. Đạo Nho ví như ngôi sao. Đạo Phật dụ như mặt trời. Mặt trời không chấp nó sáng, mà ánh sáng của mặt trời tự nhiên phủ lấp ngôi sao vậy thôi. Hơn nữa đạo Nho, nếu cao bằng đạo Phật thì đạo Nho là đạo Phật, có chi còn phân biệt Phật với Nho.
Huống chi Đức Phật dạy : “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”. Nghĩa là : Tất cả chúng sinh đều có tánh Phật. Tuy đồng có tánh Phật, nhưng có tu mới thành vị Phật, thành Phật thời vượt ngoài thế gian. Còn không tu thời vẫn ở trong vòng luân hồi lục đạo làm loài chúng sinh, làm chúng sinh thời là phải ở trong thế gian, rồi bây giờ ông cứ bảo, chúng sinh cũng bình đẳng, cũng ra ngoài thế gian như Phật, thì làm sao nghe được ? TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ NĂM
Trong đời có người chuyên tu về phép tham thiền nói Tâm là Tịnh độ đâu có Tịnh độ nào. Tánh là Di Đà, bất tất cầu thấy Di Đà nào nữa.
Lời ấy mới nghe qua tuồng như là phải, mà xét lại thời không phải. Vì sao ? Bởi cảnh Tây phương Tịnh độ, có lý có sự. Luận lý, thời hễ tâm mình tịnh thời tất cả đều tịnh, thật đúng cái nghĩa tâm là Tịnh độ. Luận về sự thời quả có thế giới Cực Lạc, Đức Phật đã cặn kẽ dạy rành Ngài đâu có nói vọng.
Nghĩa là người nào cũng có thể thành Phật đặng, đó là tánh mình đã có ông Phật Di Đà, quyết chắc không sai vậy. Nhưng mà bây giờ đây cái tâm chưa đặng thanh tịnh, thời làm sao nói : Tâm là Tịnh độ, Tánh là ông Phật Di Đà ?
Ví như có một thứ cây danh mộc, cây ấy có thể chạm trổ hình tượng Phật, hình Bồ Tát cực kỳ xinh đẹp, song cần phải gia công dồi mài khắc chạm. Vậy sau mới thành, chớ chẳng lẽ vội chỉ cây danh mộc kêu là tượng Phật thật khéo, tượng Bồ Tát rất đẹp.
Thế là người tham thiền nói : Tâm là cõi Tịnh độ, Tánh mình là ông Phật Di Đà, bất tất cần thấy Di Đà nào khác, ấy là không phải lẽ vậy. Lại nữa hoặc tin có Tịnh độ mà chấp Tịnh độ là ở trong tâm mình, không muốn cầu sinh về Tây phương kia vậy. Nghĩa là họ nói : hễ tham thiền tỏ ngộ tánh mình, thì cố nhiên bằng Phật, bằng Tổ, Di Đà không đủ ra mắt đó, lời nói ấy cũng quấy nữa. Vì sao ? Lời ấy thật là cao quá cao, nhưng mà không thiệt hành cho kịp lời ấy : “Năng thuyết bất năng hành”, nghĩa là : Nói được mà làm không được.
Huống chi cõi Tây phương Tịnh độ kia là một cõi không tham, không luyến, không sân, không si. Còn cái tâm ta đây đã không tham, không luyến, không sân, không si chưa ?
Cõi Tây phương Tịnh độ kia : Tưởng áo đặng áo, tưởng cơm đặng cơm, muốn tịnh thời tự nhiên tịnh. Còn cõi ta đây : Tưởng áo mà không có áo thời nó lạnh cứng ruột ta, tưởng cơm là không có cơm ăn thời nó đói thắt lòng ta, muốn tịnh mà không đặng tịnh thời nó rộn ràng trong óc ta, muốn đi mà bị sông rạch, hầm hố, chông gai, không thể đi liền đặng, thời nó bứt rứt trong ý tánh ta.
Thế thì chỗ nói rằng : Tâm là cõi Tịnh độ thật không dễ gì được vậy. Huống chi Đức Phật A Di Đà kia phước lớn hơn non sông, sức cao trên trời đất, biến địa ngục làm hoa sen, dễ như trở bàn tay, xem thế giới vô tận, gần như ở trước mắt.
Còn phước đức, sức lực của ta đây, không thể độ mình, e bị nghiệp nặng kéo trước, mà phải đọa vào địa ngục đấy chứ ! Đâu có thể biến địa ngục làm hoa sen ư ? Kìa những việc cách vách, còn có khi không ngó thấy là khác. Huống nữa là thấy thế giới vô tận à ? Thế thì chỗ nói : Tánh mình là ông Phật Di Đà, thật không dễ gì được vậy.
Vậy thời tâm là Tịnh độ, mà rốt cục chưa được như cõi Tịnh độ. Tánh mình là Phật Di Đà mà rốt cục chưa được Di Đà. Thì đâu nên khinh cõi Tịnh độ mà không tin, bỏ Đức Di Đà mà chẳng muốn ra mắt ư ?
Thế cho nên, người tu pháp môn niệm Phật cầu sinh Tây phương ra mắt Phật Di Đà, cầu đắc đạo thời rất dễ. Bằng cứ ở thế giới ngũ trược này, muốn tham thiền cầu tỏ ngộ tánh mình, hơn Phật, hơn Tổ, thật rất khó. Huống chi, người tu pháp môn Tịnh độ không ngại gì những việc tham thiền. Cớ sao ? Những người tham thiền ắt chê Tịnh độ mà chẳng tu ư ?
Trong Kinh Đại A Di Đà nói : Có vô lượng Bồ Tát ở trong mười phương đều vãng sinh về quốc độ Phật A Di Đà, thì thử nghĩ Bồ Tát kia còn muốn vãng sinh. Còn chúng ta là người bậc nào, mà không trông mong về cõi ấy ? Hay là có lẽ ta hơn các vị Bồ tát kia chăng ?
Do đây mà nói : Tâm là Tịnh độ, Tánh là Phật Di Đà, thực lời to mà chẳng thiếu yếu cao mà không rốt ráo vậy. Những người tu chưa đến bậc ấy (tâm và tánh) nghe lời đây thì lầm lắm vậy.
Chi bằng cứ bước từng bước một đi lần đến chỗ thật, niệm Phật tu hành thời người người ắt sinh về Tịnh độ, mau khỏi luân hồi lục đạo. Bấy giờ đối với lời nói suông không thật kia, xa nhau một trời một vực vậy. TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ SÁU
Đức Như Lai, dùng Phật nhãn thấy những việc vô lượng kiếp về trước và vô lượng kiếp về sau, cho nên những việc từ xưa đến nay, không việc gì mà Ngài không thấy. Và Phật lại dạy người đừng nói vọng thì quyết chắc rằng Ngài không nói vọng ngữ, dối gạt người đời vậy. Và chính Ngài dạy người đừng chấp ngã, lẽ đâu Ngài lại chấp ngã, để khoe khoang với người, thế nên biết lời nói của Ngài thật đáng bắt chước vậy.
Xét trong Lăng Nghiêm nói : Có mười bậc Tiên đều đặng sống lâu tới ngàn muôn năm, đến khi số tận, lại phải bị luân hồi. Bởi không rõ bản tánh mình sẵn có tánh Phật, nên luân hồi làm chúng sinh trong sáu đạo, mà đạo Tiên là một đạo cũng đồng ở trong vòng luân hồi, nên gọi là bảy đạo (hay là thất thú) tuy danh từ có khác, chớ cũng một hạng người trong luân hồi như nhau vậy.
Sở dĩ người đời, những số người học theo đạo Tiên hàng muôn, mà những người đắc quả thành Tiên muôn người không đặng một. Dẫu có đặng đi nữa cũng không khỏi kiếp luân hồi, vì chấp hình thần nơi thân tứ đại mà không thể rời bỏ xác tứ đại vậy.
Xét cho đúng hình thần ấy, cũng là một cái vọng tưởng, ở trong chân tánh của mình mà hiện ra, cũng như cục bọt nổi lên từ nơi nguyên nhân của nước vậy, chớ không phải chân thật có.
Thế mà người mê, tưởng thân ấy là thiệt, tu luyện nơi thân mà không tỉnh ngộ nơi tâm. Vì sao ? Bởi tâm như vị công tào, còn thân như kẻ tùng giả, kẻ tùng giả do vị công tào sai khiến, nếu công tào không có thời tùng giả cũng tiêu vong.
Ôm ấp lấy thân, luyện tập lấy thân, cũng như người chấp lấy một vật giả mà không biết bỏ vật giả dối, để cầm nắm vật thiệt đó vậy !
Cho nên ngài Hàn Sơn Thập Đắc có làm một bài thi như vậy : “Nhiêu nhữ đắc Tiên nhân, cáp tợ thủ thi quỷ, phi nhược Phật gia chi sinh tử tự như, nhi vô sở câu giả”. Nghĩa là : Dầu tu đặng làm người Tiên khác nào quỷ giữ thây chết, không bằng tu bên đạo Phật đường sinh tử tự như, mà không câu chấp vậy.
Vừa rồi, cỡ vài trăm năm sắp lại đây, kể người chứng đặng quả Tiên, thời duy có ông Chung Ly và ông Lữ Đồng Tân, chẳng những ngàn muôn, chính tôi (Vương Nhựt Hưu) được biết trong số ấy cũng không phải là ít, thế mà rốt cục, cũng đều tử vong, mai vu hạ thổ.
Thiệt uổng lúc bình sinh, luống hao tâm lực rốt cục không ích lợi gì cả. Vậy ai là người muốn cho đặng trường sinh bất tử, thì không phương pháp chi bằng pháp tu niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ là hơn hết.
Vì sao ? Bởi người sinh về cõi Tịnh độ số thọ kiếp kiếp đời đời, nên gọi trường sinh bất tử vậy.
Thế mà phần đông, lắm người không biết tu theo pháp môn này, cứ học theo pháp thần tiên, khác nào bỏ hòn ngọc tốt trước mắt, mà mãi đi kiếm những thứ đá võ phu há chẳng lầm ư ? Kẻ hoặc hỏi : Những người tu Tịnh độ sau khi nhắm mắt có chứng nghiệm gì ?
Ông Vương Nhựt Hưu đáp : Trong Tịnh độ truyện, có chép đủ những việc cảm ứng của những người tu Tịnh độ đành rành đâu không chứng nghiệm !
Có đâu như bên nhà tu theo pháp thần tiên, hễ có sở đắc chút chi, thời dấu kín (bí mật), không dám truyền ra và nói sợ tiết lậu thiên cơ mà có tội.
Còn đạo Phật thời pháp môn của Đức Phật dạy truyền mãi cho người đời biết, để tu hành. Thế mà sợ truyền không đặng rộng nữa kia. Bởi mục đích muốn độ tận chúng sinh, nhiên hậu dĩ mới mãn nguyện.
Thế là chỗ rộng lớn của đạo Phật thật không thể lường, không phải phép thần tiên kia, mà hằng sánh kịp vậy.
Lại có kẻ thưa rằng : Tôi là người phàm đâu dám trông mong về Tịnh độ mà làm Phật, vậy tôi thiệt có lòng đó lại e là vọng tưởng ? Chẳng phải thế đâu, ông Phật đó là tánh giác mình, cõi Tịnh độ là cái tâm mình. Lòng ấy ai mà chẳng có, hễ giác là Phật, mê là chúng sinh vậy.
Người bỏ giác tánh hiệp sáu trần, luân hồi ba cõi, bốn loại sáu đường, gây nghiệp lành dữ, quả báo tốt xấu, đều bởi nhìn tứ đại đó là thân ta, sáu trần thiệt có, theo mãi cảnh dối, ngày đêm trôi nổi chẳng chịu xét suy đặng trở lại chỗ sáng, mà ăn chay niệm Phật.
Thì từ khi sinh đến lúc già, chỉ lo gia nghiệp chẳng rồi, của cải tuy nhiều cũng chẳng vừa lòng, càng nhiều càng cầu lòng tham chẳng đầy.
Tuy nói làm lành thờ Phật, đảnh lễ đốt nhang làm phước chỉ nguyện giàu có, sang cả, sống lâu đừng chết, mới làm chút đỉnh sự phải và phục nguyện vài điều, thì cầu cho lúa gạo đầy kho, tằm tơ vạn bội, con cháu vinh hiển, trâu ngựa sinh nhiều. Rủi xảy có điều chi chẳng vừa lòng, thì họ oán Phật sao không bảo toàn, họ chỉ muốn mỗi ngày của tới thường thường, thì mới nói vị thiên long cảm ứng, tham cầu như vậy mới gọi là vọng tưởng chứ ! Đâu có phải cầu sinh Tịnh độ gọi là vọng tưởng ư ? Vả chăng trong lời sám của đức Phổ Hiền Bồ Tát có nói rằng : Nguyện tôi đến lúc lâm chung, trừ hết việc chướng ngại, trước mặt thấy Đức A Di Đà, đặng sinh về cõi an vui là phải vậy. TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ BẢY
Có người không tin nhân quả, nhân đó không tin Tịnh độ luôn. Vả chăng nhân quả đâu khá chẳng tin ?
Kinh Nhân Quả nói : “Yếu tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị, yếu tri hậu thế quả, kim sinh tác giả thị”. Nghĩa là : Muốn biết nhân đời trước, coi đời nay thọ quả gì đây, muốn biết quả đời sau, coi đời nay ta tạo cái nhân gì đó. Nếu không tin lời này, sao chẳng lấy những việc trước con mắt mà xem thử :
Người đời sở dĩ có người giàu, có người nghèo, có người làm chủ nhà, có người làm đầy tớ, có người ăn không hết, có người bòn không ra, có người ở nhà rộng năm căn bảy lớp, có kẻ lại ở sân hè xó chợ, có người vui, có kẻ buồn, có người sống lâu, có người chết yểu v.v… mỗi mỗi không đồng.
Tuy nói rằng số mạng do nơi trời, nhưng xét cho đúng lý, Trời đâu có riêng tư cho ai ư ? Bởi vì người đời trước tạo cái nhân chẳng đồng nên đời nay hưởng thọ quả báo cũng không đồng, mà trời thì là chủ chứng cho vậy thôi.
Thế cho nên cái thân này, kêu bằng cái thân quả báo. Thế nào là quả báo ? Nghĩa là : Đời trước ta gây tạo cái chi, đời nay sinh cái thân này, để chịu quả báo ấy, chớ Trời nào có dung cho cái Tâm ta được ư ? Vì sao ? Ví như người đời, hoặc người có công, hoặc người có tội với triều đình vậy, có công thời đặng thưởng, còn có tội thì phải trừng.
Đời trước ta tạo cái nhân thiện ác gì đây, nên đời này phải chịu cái ảnh hưởng, hoặc hưởng phước, hoặc mang họa, để đền bù lại, đó gọi rằng trả quả vậy.
Kìa như những người nào tạo thiện nhân được thuần thục, thời bây giờ hưởng phước được hoàn toàn.
Còn như những người nào đời trước tạo nhân nửa thiện nửa ác, thời đời nay cũng tùy theo mà lấy những sự ảnh hưởng ấy. Bởi vậy mới có người đầu tắt mặt tối, làm đổ mồ hôi rơi nước mắt mà cũng không đủ cơm ăn áo mặc, lại có kẻ ăn rồi thả rông, không làm gì động móng tay, lại cũng quần này áo kia, nay ăn cao lầu, mai ăn tiệc nọ tiệc kia.
Bởi thế trong kinh có nói rằng : “Giả sử bá thiên kiếp sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hườn tự thọ”. Nghĩa là : Ví dầu trăm ngàn kiếp mình làm việc chi cũng chẳng mất, nhân duyên lúc gặp gỡ, quả báo lại mình chịu.
Nhân nào quả ấy, như bóng theo hình, vang theo tiếng dội, hào ly không hề sai chạy, vậy cho nên có câu : “Chủng đào đắc đào, chủng lý đắc lý”, nghĩa là : Trồng đào thời đặng đào, trồng lý thời đặng lý. “Vị hữu chủng ma, nhi đắc đậu, chủng mạch nhi đắc tắc giả”, nghĩa là : Chưa có khi nào trồng mè mà đặng đậu, hay là trồng bắp mà đặng lúa bao giờ.
Duy có lúc trồng thì ít mà lúc thu gặt thời nhiều. Ví dụ như lúc trồng chỉ có một hột lúa, mà lúc hái thời được nhiều hột lúa, trái lại việc thiện ác, họa phước cũng vậy.
Lúc làm cái thiện hoặc cái ác không bao nhiêu, mà lúc sau hoặc hưởng, hoặc chịu tội, cũng đầy dẫy nên có câu : “Xuân chủng nhất liệp túc, thu thâu vạn quả tử”, nghĩa là : Mùa Xuân gieo một hột, mà mùa Thu thâu được nhiều hột.
Người đời tạo thiện ác, cảm thọ sự quả báo cũng như vậy, không hơn không kém, ấy là lý tự nhiên như thế, chớ không phải Thượng đế nào thưởng phạt ta đặng. Lại nữa thử hỏi : nếu nói không có nhân quả hiện tại, thì thử nghĩ tại sao những kẻ trộm cắp sát nhân, sợ gì mà lại phải trốn tránh ? Ấy rồi có khi nào, kẻ sát nhân trộm cướp có tránh khỏi những ác nghiệp của họ đã làm không nào ?
Trong Kinh Niết Bàn nói : Nghiệp báo có ba điều : một là Hiện báo, hiện đời nay làm nghiệp lành dữ, hiện chịu quả báo khổ vui đời này. Hai là Sinh báo, hoặc kiếp trước làm nghiệp, đời sau chịu quả báo, hoặc đời nay làm nghiệp đời sau chịu quả báo. Ba là Tốc báo, trước mắt gây việc bèn thấy mắc quả báo.
Vậy xét trong một lần nữa : những người đã thọ cái nhân không tốt, nên mắc lấy cái quả khổ là một tội rồi, mà bây giờ đổ thừa cho trời khiến, trời phạt, ấy là chồng thêm một tội vu oan là hai tội, khác nào kẻ không cẩn thận để lửa cháy nhà rồi đổ thừa họ Toại nhân xưa bày kéo lửa, người trí không bao giờ tin quấy, nói lầm như thế vậy.
Vậy thì đủ chứng minh cho cái lý nhân quả này đáng tin. Vả chăng một đứa bé thơ có tội tình gì mà mới lọt lòng mẹ lại phải chịu tật nguyền ? Hoặc đui hoặc dư thiếu tay chân hoặc không biết đi biết đứng, nói cười, thì thử hỏi cái mầm gốc ấy tự nơi đâu mà sinh ra ?
Vậy thì cái lý nhân quả này đáng tin, thời cái thuyết Tịnh độ Đức Phật nói chắc khá đặng tin. Vì sao ? Bởi hai thuyết cũng là một lời Phật nói vậy, Phật nói lý nhân quả đã rõ ràng như hai với hai là bốn chắc như thế, thời cái thuyết Tịnh độ Đức Phật nói : Không bao giờ Ngài nói vọng vậy.
Đây là nhân người không tin nhân quả mà rồi cũng không tin thuyết Tịnh độ luôn, cho nên bài này tôi (ông Vương Nhựt Hưu), phân giải chỗ lầm đó vậy. TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ TÁM
Có người thấy những việc thiện ác trước mắt chưa có quả báo, nhân đó mà không tin cái lý nhân quả, và không tin có cõi Tịnh độ. Đâu có biết, thiện ác chưa có quả báo, tuy chưa có chớ không phải là không vậy, chỉ vì sớm với muộn mà thôi.
Thí như kẻ cướp và người làm công siêng năng cần mẫn, thì được chủ yêu vì, mà lại đặng lên lương thăng chức, còn kẻ cướp kia không kíp thì chầy cũng phải sa vào lưới pháp luật rồi một ăn ít, hai phải trả nhiều năm lao tù khổ cực, ấy đó cũng là một cái hiện tiền nhân quả.
Đức Phật từng kêu ông A Nan mà bảo rằng : “Này A Nan ông có biết vì sao, có người đời nay làm lành mà chết đọa địa ngục, lại có người đời nay làm ác mà chết được sinh lên thiên đường không ?”.
Ông A Nan bạch Phật, con thiệt không biết cớ làm sao cúi xin Như Lai từ bi chỉ giáo.
Phật bảo này A Nan, những người đời nay làm lành mà chết đọa vào địa ngục đó, là cái lành đời nay chưa thuần thục, mà cái ác đời trước đã thuần thục vậy.
Những người đời nay làm ác, mà khi chết được sinh lên thiên đường, đó là cái ác đời nay chưa thuần thục, mà cái lành đời trước đã thuần thục vậy, sở dĩ cái nào thuần thục trước thời là đi chịu quả báo trước. Ví như người thiếu nợ, mối nào gấp đòi thời trả trước.
Họ Tả thị là bộ sách Xuân Thu nói : Ông Lăng Võ Tử có đức để lại cho con ông là ngươi Ảm, cho nên ngươi Ảm tuy làm ác, mà có thể khỏi được họa hại; còn con ngươi Ảm là thằng Đinh hết sức làm lành mà rốt cuộc bị cái ác của Ảm lây lụy đến đỗi đời Đinh phải chịu, cho nên Đinh tuy làm lành song sống mà rồi phải mắc nạn.
Song những việc thế gian, thiện ác, quả báo, ngó thấy trước con mắt còn như thế, huống chi những việc cách đời, làm sao biết được. Cho nên phương ngôn thường có câu : “Đời xưa trả báo thời chầy, đời nay trả báo một giây nhãn tiền”.
Thật quả như vậy có người lúc trước hống hách bao nhiêu, bây giờ lại hiền lành bấy nhiêu, bởi vì hồi nào còn của còn quyền, kêu dân dân dạ, bây giờ dạ dân, ấy đó cũng là một quả báo ! Vậy ta đem một thí dụ mà suy nghiệm thì đủ chứng tỏ coi có quả báo không vậy ?
Ví như thân ta đang có bệnh ghẻ ngứa, đến lúc tới cơn ngứa thì ta gãi có phải nó đã ngứa lắm ư ? Ấy mà sau khi đã sự ngứa ngẩm rồi, thì có phải nó đau nhức nhối lắm không ? Mà sự đau nhức mới lại khó chịu hơn lúc ngứa ngẩm, ấy đó cũng là một quả báo, nếu khi cơn ngứa mà ta dằn tâm đừng gãi thì đâu đến nỗi nhức nhối đau đớn sau khi ! Cứ suy như thế thì đủ biết, dù ở trường hợp nào cũng có sự báo ứng, dù thiện dù ác, đều có sự quả báo đi đôi, nên phương ngôn có câu rằng : “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, nghĩa là : Cái phước thì không đến cho ta hai lần, chớ cái họa thì bao giờ cũng chực chờ trước ngõ.
Bởi vì ta làm việc phải trong một xóm thì ít ai khen, nhưng không mắc họa, chí ư, ta thử làm một chuyện quấy thì cả xóm nhao nhao, nếu không tù rạc thì cũng đòn bộng tiếng tăm.
Đó là làm lành sẽ gặp lành, còn làm ác gặp ác, thì không phải quả báo chớ chi ?
Trong kinh thơ lại nói : “Thiên đạo phước thiện họa dâm”, nghĩa là : Trời ngài giáng phước cho người lành, giáng họa cho kẻ dữ (tiếng nói Trời là chỉ cho công lý).
Cho biết đời trước, chỗ làm có lành có dữ nên đời nay dùng họa phước mà đền đó. Chỗ bởi chẳng đặng trọn việc lành, nên chẳng đặng trọn hưởng phước.
Bởi vậy mới có giàu sang mà khổ chết yểu, có người nghèo hèn sống lâu đặng vui vẻ, có người sang yêu mà bị nhục, có người thấp thỏi mà an nhàn, có người tuổi nhỏ thi đỗ cao khoa, có người thi không đậu, có người tiền gạo đầy dẫy mà không con trai con gái, người nghèo mạt ghét con, mà lại sinh con liền liền, có người sao lại chồng chết trước vợ còn sống, vợ chết mà chồng sống, có người con mà lại chết trước cha mẹ ông bà, có người vui trước mà sau lại khổ, có ngươi khổ trước mà sau lại vui, có người trước sau vui mà ở giữa chừng lại khổ, có kẻ trước sau khổ giữa chừng lại vui, có người trọn đời vui vẻ, có kẻ trọn kiếp lại buồn.
Nếu không tin có nhân quả vậy chớ mấy cớ nói trên bởi đâu mà ra ?
Phải biết việc lành dữ rõ ràng nhân quả chẳng mất. Phật nói chắc đoán nhân quả, ắt không nói dối việc nơi cõi Tây phương. Vả luận thân đứng làm người, phải biết việc phải quấy, biết việc liêm sỉ, tin việc nhân quả, sợ việc tội phước, xét việc lành dữ, phân lẽ tà chánh, trên chẳng hờn trời, dưới chẳng trách người, sang hèn chẳng hay động lòng, đặng mất chẳng hay rủn chí, ở chỗ giàu sang chẳng vui, rủi nghèo hèn chẳng buồn, tới lui biết tự lượng sức gánh việc, đáng dùng đó thời làm, đáng bỏ đó thời bỏ, ngay thảo nhân từ, trước sau chẳng dối. Như thế chẳng là quân tử, là bậc đại hiền chớ chi ?
Ông Lão Tử nói : “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu”, nghĩa là : Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà chẳng lọt, chính tam giáo đều đồng một lý đây, nhưng chỉ có chậm và mau vậy thôi đâu nên lấy việc trước mắt chưa thấy mà vội cho rằng không có quả báo, không có nhân quả, mà rồi không tin có cõi Tịnh độ vậy ? TỊNH ĐỘ KHỞI LÒNG TIN
THỨ CHÍN
Kẻ hoặc nghi hỏi : Người trong cõi này niệm Phật, bên Tây phương trong ao thất bảo thế nào lại mọc lên một đóa hoa sen ?
Ông Vương Nhựt Hưu đáp : Việc ấy dễ hiểu chẳng khó gì. Ví như một cái minh kiến, phàm có vật chi đến, liền hiện bóng trong đó, kiến kia nào từng chẳng có tâm dung nạp, bởi kiến kia cũng là lẽ tự nhiên vậy thôi.
Trong cõi nước Đức Phật A Di Đà một màu thanh tịnh trong sạch, tự nhiên chiếu thấy mười phương thế giới, cũng như minh kiến kia, xem thấy mặt mày.
Cho nên người cõi này niệm Phật, thời bên cõi Tây phương trong ao thất bảo tự nhiên sinh ra một đóa hoa sen không đủ nghi vậy.
Kẻ hoặc lại nghi hỏi nữa : Niệm thần chú vãng sinh Đức Phật A Di Đà thường đứng trên đảnh, vệ hộ người đó, nếu vô lượng chúng sinh niệm thần chú ấy, Đức Phật A Di Đà đâu hay khắp, đứng trên đảnh người kia mời ?
Đáp rằng : Đó cũng tự nhiên vậy. Vì sao ? Ví như trên trời chỉ có một mặt trăng, mà phổ hiện trong tất cả lũng nước, đâu chẳng phải tự nhiên ư ?
Có người đương tu hành tinh tấn lại nghi hỏi : Người niệm Phật khi lâm chung, Phật và Bồ tát đến rước, và như trong mười phương thế giới có vô lượng chúng sinh cũng tinh tấn niệm Phật, Phật đâu biết kỳ lâm chung kia, mà đến rước cho hết.
Đáp rằng : Cũng tự nhiên vậy. Ví như trên không trung có một mặt trời khắp chiếu tới vô lượng thế giới nước này qua nước khác đâu chẳng phải là lẽ tự nhiên chớ gì ?
Huống chi oai thần Đức Phật, chẳng phải như thế lực mặt trời mặt trăng vậy, thời sự khắp đứng trên đảnh, khắp biết thời kỳ lâm chung, nào đủ nghi vậy. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
HẾT QUYỂN NHẤT
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.51.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.