Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Long Thư Tăng Quảng Tịnh Độ Văn [龍舒增廣淨土文] »» Bản Việt dịch quyển số 10 »»

Long Thư Tăng Quảng Tịnh Độ Văn [龍舒增廣淨土文] »» Bản Việt dịch quyển số 10

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Long Thư Tăng Quảng Tịnh Độ Văn

Kinh này có 12 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Việt dịch: Thích Hành Trụ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Người mà đạt lý chí thâm rồi, dù ở cảnh đời ngũ trược này, cũng như ở bên cõi Tịnh độ kia nào có khác ư ? Cho nên quyển này, biên những lý chí thâm gọi là : TỊNH TRƯỢC NHƯ NHẤT.
Song cũng không nên ỷ nơi đây, mà không tu nghiệp Tịnh độ, e dễ lạc về lời nói không đàm, chẳng khác như cái tệ nói suông của người tham thiền kia vậy !
TÌNH THUYẾT
Mừng, giận, yêu, ghét, thèm, muốn đều thuộc về chữ tình.
Nuôi tình là ác, lung tình là giặc, bẻ tình là thiện, dứt tình là Thánh.
Ăn uống đồ ngon, bận mặc đồ tốt, ở nhà rộng lớn, những việc như đây, thế gọi là nuôi tình.
Ăn uống ngoã nguê, bận mặc loè loẹt, nhà ở không nhàm, những việc như đây, thế gọi là lung tình.
Người phạm ta, ta không kể, người hiếp ta, ta không giận, người hại ta, ta không oán, thế gọi là bẻ tình.
Người phạm đó, hiếp đó, hại đó, ta coi như không và lại có tâm thương xót người ngu si kia nữa, thế gọi là dứt tình.
Nếu ngộ lý đây, thời lòng dạ thường thanh tịnh, cũng như ở bên cõi Tịnh độ kia. Nên Kinh Tịnh Danh nói : Kỳ tâm thanh tịnh tức Phật độ tịnh. Nghĩa là : Tâm này thanh tịnh, tức cõi Phật tịnh vậy.
THỌ DỤNG TỨC THỊ KHÔNG
Đức Phật Thế Tôn có dạy rằng : Tất cả sự thọ dụng tức là không (hết). Như thọ bao nhiêu món ăn ngon, lúc buông đũa rồi tức là không, khi đi ra nhiều người theo hầu, nhưng lúc đã đến chỗ rồi, tức là không, cả ngày chỉ đi dạo xem trên non dưới bể, nhưng lúc đã về nhà rồi, tức là không.
Lại nữa : Như ta ra làm việc lành đã xong, thì sự làm mệt nhọc kia tức là không, nhưng nghiệp lành vẫn còn. Làm việc ác cũng thế, lúc giận làm cho vừa ý, làm cho vừa ý rồi tức không, nhưng nghiệp ác vẫn còn.
Nếu thâm ngộ được lý đây, thời nên ăn chay lạt, khỏi mắc tội oan trái sát hại. Khi ra đi khá tùy phận, khỏi phiền não lao tâm khổ người, việc dạo chơi nên dứt, khỏi tội lỗi buông lung phế việc làm lành nên gắng, khỏi lỗi trễ nãi nhân lần. Việc ghét nên răn, khỏi tội buông lung thù oán.
Ta (Vương Nhựt Hưu) mừng đặng lý này, cho nên ta muốn ai cũng đều biết cả. (Thọ dụng có ba nghĩa : 1. Khổ thọ. - 2. Lạc thọ. 3. Xả thọ, tức bất khổ, bất lạc, phải vậy. Xả thọ tuy bất khổ bất lạc, nhưng cũng còn ở trong vòng tương đối Khổ với Lạc).
LỤC CĂN THUYẾT
Ngàn món trang điểm, chỉ vì hào nhoáng con mắt nửa tấc. Trăm món âm nhạc, chỉ vì vui thú lỗ tai một hột đậu. Hương trầm, hương Long não, hương Tốc xạ, chỉ vì thơm ngát cái mũi hai lỗ. Cỗ ăn trước nhà phương trượng, chỉ vì ngon cái lưỡi ba tấc, xinh đẹp nõn nà chỉ vì tấm thân hôi rữa. Thuận theo chào đón, chỉ vì cái y tình trìu mến.
Nếu hay biết thấu lý này, mời thật là người khoái lạc không phiền não. Đức Phật dạy : Sở dĩ chúng sinh luân hồi từ vô thỉ nhẫn đến ngày nay, nhận sáu thằng giặc làm con, tự cướp lấy của báu nhà mình. Nghĩa là : Thằng giặc lục căn, dối gạt, làm mất chân tánh vậy.
Thầy Mạnh Tử nói : Duy có bậc Thánh nhân, vậy sau khá dùng noi hình. Nghĩa là : Ngài không lầm thằng giặc ấy vậy.
Có người dâm nữ tu chứng đạo quả. Đức Văn Thù hỏi : Thế nào là không sân ? Đáp rằng : Thấy tất cả chúng sinh không phải chúng sinh. Đức Văn Thù lại hỏi : Thế nào thấy 18 giới ? Đáp rằng : Như thấy kiếp hỏa đốt cả thế gian.
Đức Văn Thù khen rằng : Mầu thay lời nói ấy. Luận rằng : Tất cả chúng sinh xưa nay không có, chỉ nhân trong tâm vọng tưởng mà sinh, lại có chi gọi là sân ? 18 giới là : 6 căn, 6 trần, và 6 thức. Nhân 18 món đây cho nên sinh sự vô lượng, tạo ác vô lượng. Thế nên nói như hỏa thiêu cả thế gian. Nếu ngộ lý đây, tuy chưa sinh Tịnh độ, nhưng cũng như đã sinh về cõi Tịnh độ rồi, mà đã về Tịnh độ rồi, tìm vô lượng kiếp cũng không nghe tiếng sân huống chi có thật.
CHÂN TÁNH THUYẾT
Kinh Kim Cang, đoạn 27 nói chỗ đại ý : Luận “Chân Tánh” ngoài không có chi, dụ như hư không, song hư không đây thuộc về ngoan không. Ngoan không là cái không, không thật có. Nay nói chân tánh mà dụ như hư không, là vì trong cái Không lại có cái Có, cho nên nói câu : Chân không bất không. Còn ngoan không, thời không thiệt có.
Bởi cái không này còn ở trong vòng tạo tác vì bị tạo tác nên có thể hoại diệt như : Một chỗ đất cứng chắc đây, đào ra một thước đất thời té ra một thước không đào ra một trượng đất, thời trống một trượng không v.v… Thế là ngoan không còn ở trong vòng tạo tác.
Lại nữa : Như dùng một cái chén không, để cơm vô đầy một chén, thời cái không hoại mất và trong một cái nhà không, bấy giờ rinh các vật liệu để vô đầy một nhà, thời cái không kia không còn nữa, thế là ngoan không có thể hoại diệt.
Bằng cái không của chân tánh, không ai tạo tác được ! Không ai phá hoại được ! Bỏ trong lửa, lửa không cháy, bỏ vào nước, nước không trôi, trời đất sập thế gian tan tành, chớ cái không của chân tánh nó vẫn độc lập từ vô thỉ, nhẫn đến vô chung xưa nay chưa từng biến động, trùm cả mười phương thế giới hư không giới, cái không của chân tánh như thế, có cái gì làm cho nó hoại diệt ư ?
Nay nói cái không của chân tánh, không có vật chi để so sánh, cho nên sự bất đắc dĩ, tạm mượn cái ngoan không để so sánh đỡ đỡ thôi.
Thế nên trong Bát Nhã Tâm Kinh nói câu : Thị chư pháp không tướng. Nghĩa là : Các pháp đều không, tức là cái không của chân tánh vậy. Kế câu : Không trung vô sắc và câu : Vô tận, diệc vô đắc, đều là nêu cái tướng không của chân tánh cả, song trong chân tánh không có chi nữa, như trong ngoan không đều không có chi cả. Trong chân tánh đã không có chi nữa. Thế mà có tất cả chúng sinh là do một món vọng duyên, trong chân tánh hiện ra, ví như một bóng bọt nổi trên mặt nước. Nước là chân tánh, bóng bọt là chúng sinh, bóng bọt tan, trả về cho nguyên chất của nước, không còn bóng bọt, cũng như chúng sinh hết vọng, trở về chân tánh không còn chúng sinh.
Lại nữa, chân tánh dụ như gương sáng, chúng sinh dụ như hình tượng. Tượng có tới có lui nhưng gương thường sừng sững, chúng sinh có sinh có diệt, nhưng chân tánh vẫn như như. Sinh diệt đã trừ, chân tánh bèn hiện, sinh diệt là vọng, chân tánh là chân vậy.
Cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói : Chư vọng, tiêu vọng, bất chân hà đãi. Nghĩa là : Các vọng tiêu rồi, chẳng chân chớ chi nữa ?
Tánh chân đây, trên từ chư Phật, dưới đến loài xuẩn động hàm linh, tất cả đều có đủ, vốn không hề sai khác, nhưng khác, tức là vọng vậy.
CHÂN TÂM VÀ VỌNG TƯỚNG
Kinh Lăng Nghiêm quyển thứ nhất : Phật cùng ông A Nan bảy phen luận tâm. Nhưng rốt cuộc ông A Nan chỉ cái tâm tầm thường, cho là tâm, là vọng tưởng, chớ chưa phải là chân tâm, chân tâm tức là tánh (tịnh giác viên minh).
Kinh Viên Giác nói : Chúng sinh vọng nhận bóng duyên sáu trần cho là tâm tưởng của mình, đó là tầm thường, đó là bóng duyên của sáu trần, tâm vọng vốn không nhưng do ngoại cảnh có sáu món trần duyên cho nên trong hiện vọng tâm.
Như ngoại cảnh có sắc tốt, thời nội tâm khởi ra tâm ái sắc. Nhân ngoại cảnh có tiếng hay, thời nội tâm ái thính, cho đến nhân ngoại cảnh có : Hương, vị, xúc, pháp, thời nội tâm khởi ra tâm ái : Hương, vị, xúc, và pháp.
Luận rằng : Chân tánh như tấm gương, sáu trần như hình, vọng tâm như bóng. Nếu ngoài không cảnh sáu trần, thời trong cũng không có tâm vọng. Tâm vọng bị bóng duyên sáu trần. Hình đến bóng hiện, hình đi bóng diệt, mà tánh gương vẫn bất động.
Cho nên Kinh Kim Cang nói : Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, song ba tâm này đều gọi là tâm vọng tưởng cả, vì vọng tưởng cho nên có quá khứ, vì vọng tưởng cho nên có hiện tại, vì vọng tưởng cho nên có vị lai. Nếu chân tâm thì vô thỉ vô chung, chưa từng biến động nào có quá khứ, vị lai và hiện tại.
Câu “bất khả đắc” là nghĩa không vậy. Như lúc đói muốn ăn, khi được ăn, thời tâm muốn kia đã quá khứ (qua rồi). Chính khi đương ăn biết ngon dở, là tâm hiện tại. Trước khi chưa muốn ăn thời tâm này chưa có, tức là tâm vị lai. Ba tâm này đều theo thời gian hoại diệt, cho nên nói “Bất khả đắc”.
NGŨ UẨN GIAI KHÔNG
Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói : Đức Quán Tự Tại Bồ tát ngài dùng Bát nhã trí, thấy rõ năm uẩn đều không, nên khỏi được tất cả sự khổ ách.
Năm uẩn là : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là : Sắc thân. Thọ là : Thọ dụng. Tưởng là : Tư tưởng. Hành là : Hành vi tạo tác nghiệp lành nghiệp dữ. Thức là : Phân biệt rõ biết.
Năm món đây chứa nhóm, kết chặt, ngăn che chân tánh cho nên gọi “Ngũ Uẩn” hay gọi là “Ngũ Ấm” cũng đồng một nghĩa che tối chân tánh vậy.
Song sắc thân, chung quy về một định luật là hoại diệt. Thọ dụng cũng thế tùy thời liền qua. Thế thời Sắc, Thọ hai món đây đâu chẳng phải là không ư ? Vả như ta tư tưởng một vật chi, khi đã đặng rồi, thì là không tư tưởng nữa vậy, thế thì tư tưởng đây đâu chẳng phải là không ư ?
Những hành vi tạo tác quày tâm xét lại, dường như mộng như huyễn thế thì hành vi đây đâu chẳng phải là không ư ?
Thức ta phân biệt biết hết nhiều món sự vật nhưng sinh lại đời sau không còn biết nữa, thế thời vọng thức đây đâu chẳng phải là không ư ?
Câu tất cả sự khổ ách đều từ năm món này sinh ra. Nếu ta nay có thể dùng Bát nhã trí, soi thấu thấy rõ. Sắc thân là không, thời chẳng chấp nơi sắc thân mà sợ chết mất. Thế là độ khỏi một món khổ ách của Sắc uẩn. Thấy rõ thọ dụng là không, thời không cố thọ dụng, mà tham phụng dưỡng thân này, thế là độ khỏi một món khổ ách của Thọ uẩn. Thấy rõ tư tưởng là không, thời không đắm mê tư tưởng mà ý thường thanh tịnh, thế là độ khỏi một món khổ ách của Tưởng uẩn. Thấy rõ hành vi tạo tác tất cả là không, thời chẳng chấp chỗ sở hành mà được yên lặng thế là độ khỏi một món khổ ách của Hành uẩn. Thấy rõ chỗ phân biệt hiểu biết rốt cuộc vốn không, thời chẳng chấp sự hiểu biết và phân biệt, mà thường được chánh định thế là độ khỏi một món khổ ách của Thức uẩn vậy. Cho nên trước đầu kinh có câu : “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” là vậy.
Song năm uẩn đây, đều là không phải lý chân thật, chính là bóng duyên vọng tưởng trong chân tánh hiện ra, cho đến 6 căn, 6 trần, 6 thức, 12 nhân duyên, 4 Đế cũng đều như thế cả.
PHẾ TÂM DỤNG HÌNH
Lời ông Vương Nhựt Hưu nói : Ông Bồ Tát “Tự lợi, lợi tha”.
Sách Liệt Tử nói : Đức Khổng Tử phế tâm dụng hình. Phế tâm là : Tâm không nhiễm với muôn vật. Dụng hình là : Ứng thân với muôn vật. Ta (Vương Nhựt Hưu) rất yêu lời ấy, cho nên dù lao khổ tiều tụy mà không lấy làm thất ý. Dù vinh hoa phụng dưỡng cũng chẳng lấy làm đắc ý. Bởi tâm không dính mắc với muôn vật vậy.
Nhân thương Bồ Tát đã dứt sinh tử, mới gá sinh trong tất cả chúng sinh, thi thiết giáo hóa, tâm không trước nhiễm muôn vật, hình ứng với muôn vật để giáo hóa vậy.
Thế thì đức Khổng Tử phát tâm như đây chính là bậc Bồ tát vậy.
DỤNG HÌNH HÀI THUYẾT
Bài kệ của vị Thiên nhân lễ xương khô.
Kệ rằng :
Người là đời trước của ta.
Ta tu nay chứng Thiên nhãn đà.
Y báu tùy tâm niệm hiện đến.
Cơm ngọc tự nhiên có hóa ra.
Nhờ ngươi kiếp trước tu hành khổ.
Khiến ta nay đặng ta khoái ta.
Rải hoa thành thật cúng dường đó.
Người đời thấy vậy chớ kinh la.
Lại bài kệ ngạ quỷ đánh tử thi (thây chết). Kệ rằng :
Nhân tại đãy da hôi thối này.
Lăng xăng lít xít chạy liền quay.
Chỉ biết ham ăn ưa khoái lạc.
Chẳng chịu tạm hồi xét nghĩ thay.
Chút mảy nghiệp lành không tu tập.
Huỳnh tuyền tạo tội năm, tháng, ngày.
Hôm nay roi đánh đau tới nước.
Giận này khó nỗi quên tới mầy.
Hai bài kệ đây, để dạy người đời thời được, chớ không nên chấp chặt có đúng sự thật như vậy. Vì sao ? Bởi thần thức gá trong xác thân này, do thần thức sai khiến. Thần thức ví như người thợ, xác thân dụ như rìu búa. Người thợ biết dùng rìu búa khéo, thời làm món đồ tốt, dùng không khéo, thời món đồ phải xấu. Vị Thiên nhân đời trước biết dùng thân tu hành, nên nay được phước làm vị Thiên nhân. Còn loài ngạ quỷ đời trước không biết dùng thân tu hành cứ làm ác, nên nay mắc báo làm loài ngạ quỷ đó cũng tại chỗ khéo dùng, cùng không khéo dùng, đắc, thất cũng tại đời trước, mà nay phải thọ báo đó thôi. Chớ dù lễ dù đánh, cũng nào có ích ?
TỀ SINH TỬ THUYẾT
DỨT SINH TỬ

Tưởng ngón chân cái bên phải, sưng rữa chảy nước nhơ, lần lần rữa tới ống chân, tới gối, tới lưng, chân bên trái cũng thế. Dần dần rữa khỏi trên lưng, đến bụng, đến ngực, cho đến cổ, đến đầu, cả mình đều rữa ráo, chỉ còn xương trắng.
Kế phân rành từng cái, quán xem xương trắng ấy, mỗi mỗi thấy hết. Tịnh tâm quán xem xương trắng thật lâu, mới nghĩ : Người quán xương trắng này là ai ? Và xương trắng kia là ai ? Mới biết thân thể với thần thức ta, vẫn là hai vật. Lại lần lần tập quán xương trắng lìa ta, trước lìa một trượng, rồi đến 5 trượng, 10 trượng cho đến 100 trượng, 1000 trượng, thời biết xương trắng cùng ta rõ ràng không ăn thua chi cả. Thường tưởng như thế thời thần thức cùng thân thể ta vốn là hai vật.
Thần thức tạm ở trong thân thể, thân thể dụ như cái nhà. Thần thức dụ như chủ nhà, chủ đi nhà sập, cũng như thức thần ra, thân này phải rã.
Đâu nên nói rằng : Hình hài này chết lâu không hoại và thần thức ở mãi trong đó ư ?
Tu hành quán tưởng như thế, thời mới ngõ hầu dứt được đường sinh tử. Huống chi, thức thần bỏ thân này, thời được vãng sinh về Tịnh độ. Mỗi ngày cứ tu như thế, tự nhiên có chỗ đặng, chỗ đặng ai tu nấy biết, như người uống nước, lạnh nóng người khác không thể biết đặng. Tu được như thế, thời thân thể tráng kiện, và tinh thần thường được sáng ngỏ vậy.
NGÃ THUYẾT
NÓI VỀ SỰ : Còn cái hữu ngã, không nên chấp rằng vô ngã, nếu chấp vô ngã thời sa theo vật dục.
LUẬN VỀ LÝ : Do tứ đại giả hiệp, tuy rằng : Hữu ngã, nhưng không nên chấp hữu ngã. Nếu chấp hữu ngã, thì lùm mây đen (vật dục) che lấp mặt nhật Huệ (chân tánh).
Cho nên đức Khổng Tử làm thi tứ tuyệt có câu : “Vô ngã” thật vậy. Ông Bồ Tát thời “Vô ngã tướng”.
Nếu ta hiểu thấu đặng lý này, thời tâm lượng ta cũng như hư không, thênh thang vô biên tế, há còn cái phân biệt. Trược với thanh nữa ư ? Nhưng chỉ sợ, là sợ không dễ gì đạt thấu lý : Tâm Vô ngã thôi !
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
QUYỂN MƯỜI HẾT

LỜI BẠT
CHỨC THAM CHÁNH ÔNG CHÂU ĐẠI TƯ VIẾT (LỜI ÔNG CHÂU ĐẠI TƯ)

Ông Long Thơ, Vương Nhựt Hưu là người học lực thâm chí, thông hiểu sáu kinh : Luận, Mạnh, Lão, Trang, những chỗ cốt yếu của tiền nhân, ông không bỏ một lời một chữ, chỗ dụng chí rất cần.
Thế mà, một bữa nọ, ông bỏ ráo, chuyên tu theo giáo môn Tây phương, làm văn Tịnh độ, sắp đặt chỗ dở, hay, cao, thấp, có lớp lang để ấn thí cho những kẻ hữu duyên với quyển này. Ông lại qua đất Triết Giang và các quận, thân hành khắc bản để trong nhà bán sách nơi tỉnh Kiến An (bên Trung Hoa) lòng từ băn khoăn hình như không có bữa mô rảnh.
Tôi, (Đại Tư) nghe trong Kinh Vô Lượng Thọ nói : Chúng sinh nghe đặng danh hiệu Phật, tín tâm hoan hỷ nhẫn đến một niệm nguyện sinh nước kia, liền được vãng sinh, đặng bậc Bất thối chuyển.
Bất thối chuyển theo tiếng Phạm “A dung việt trí”, Kinh Pháp Hoa nói : Đức Di Lặc Bồ Tát đã chứng đặng bậc này. Nay chúng ta, nếu nhất tâm niệm Phật, được sinh về Tây phương liền đồng đức Di Lặc. Lời Phật nói không dối, ta nên tín thọ.
Niên hiệu Thiệu Hưng ngày mùng 7 tháng tư nhuần, năm Nhâm Ngọ, ông Duy Tâm cư sĩ ở đất Kinh Khê, họ Châu tên Quỳ, hiệu Đại Tư viết lời bạt này.
LỜI BẠT
CHỨC TRẠNG NGUYÊN ÔNG LƯU THỊ CHẾ VIẾT

Trước nghe đức Lục Tổ cùng ông Di Sử Quân luận tướng trạng Tây phương, lời giản dị, ý rất rõ ràng. Đông (Ta bà), Tây (Tịnh độ) không hề xa cách, nhưng không lấy gì mô tả tướng trạng để thuật lại cho lớp sau, kịp xem văn Tịnh độ của ông Vương Nhựt Hưu ai dè rành rành vậy !
Số là, pháp không đốn, tiệm, nhưng căn có lợi và độn, cho nên đức Lục Tổ vì bậc người thượng trí, thuyết pháp đệ nhất nghĩa. Nên dời Tây qua Đông ở trong giây phút nói rồi tỉnh ngộ, không chờ nghĩ nghị, còn ông Vương Nhựt Hưu toan muốn khai ngộ cho kẻ hạ căn, luận làm bộ này, chỉ đường lối đi về Tây phương, nên lật đật khắc bản ấn hành mà sợ hành không được rộng, cũng bởi một tâm thương người, khá gọi rằng : đã Cần lại Thiết vậy.
Có người nhân được văn ông Vương Nhựt Hưu mà ngộ nhập ấy đâu chẳng phải. Đặng chim bẻ ná, được cá quên (phá) nôm ư !
Niên hiệu Thiệu Hưng, năm Nhâm Ngọ tháng sáu ngày mùng sáu, ông Mộc Nọp, tên Lưu Chương, biệt hiệu Lưu Thị chế viết lời bạt này.
LỜI BẠT
CỦA NGÀI DIỆU HỶ TỨC NGÀI ĐẠI HUỆ THIỀN SƯ VIẾT (LỜI NGÀI ĐẠI HUỆ NÓI)

Ông Long Thơ Vương Hư Trung Nhựt Hưu, sau khi bác lãm quần thư, lại để tâm xem kinh Phật, lấy việc lợi người làm nhiệm vụ mình, thật đáng gọi ông là bậc “Hỏa trung liên giả” (Sen mọc trong lửa) hay là tức tục nhi chân, cư trần bất nhiễm. Phật nói : Tự mình chưa độ, trước lo độ người là : Bồ tát phát tâm. Tự giác đã viên, lại hay giác người là : Như Lai ứng thế.
Ta (Diệu Hỷ) khen chí ông Long Thơ nên đề lời bạt sau đây. Nếu bậc đã thấy tánh mình là Di Đà, tức rõ Tịnh độ tại nơi tâm, bằng người chưa đặng như thế, thời quyển văn ông Long Thơ này, công chẳng luống uổng vậy.
Năm Canh Thìn, tháng 8, ngày 20, chùa Song Kinh, ngài Diệu Hỷ hiệu Tôn Hạo viết lời bạt này, tại nhà sách của Lưu Cảnh Văn (xứ Trung Hoa).
LỜI MỘNG KÝ NGƯỜI LÝ THỊ Ở ĐẤT LÔ LĂNG (xứ Trung Hoa)
Người Ngạn Bật, là người con nhà họ Lý. Trong niên hiệu Càng Đạo, năm Quý Tỵ, trong nhà mắc chứng bệnh dịch. Ngày mùng 5 tháng 4, Ngạn Bật cũng bệnh, cơm thuốc không nạp, đến sớm mai ngày 19, nằm mộng thấy một người mặc áo rộng hình dạng thanh bai, lấy tay rờ trên mình Ngạn Bật và nói ta cho Ngạn mau mạnh. Ngạn Bật sợ nói : Ông là người nào ?
- Ta là Long Thơ.
- Tôi có bệnh dậy không nổi, có phương chi cứu tôi lành mạnh chăng ?
- Ngươi có nhớ chàng Quan Trọng dạy ngươi niệm Phật không ?
- Nhớ và mỗi ngày tôi vẫn tụng niệm Phật A Di Đà không thôi.
- Ngươi dậy ăn cháo trắng, bệnh liền mạnh.
Bấy giờ Ngạn Bật thức dậy ăn cháo trắng bệnh liền mạnh. Sau thấy tượng vẽ ông Long Thơ, giống in như người thấy trong mộng, Ngạn Bật có nghe, cư sĩ là người lão thông 6 kinh, lại rành bộ kinh Dịch dạy người không mỏi, kẻ tới học rất đông đảo. Người Tạ Quân cất nhà Tịnh Dật cúng cho ông, kẻ lương gia tử đệ dập dìu đầy ngoài ngõ. Ngày 11 tháng giêng, Ngạn Bật cho con đến học, chẳng bao lâu về nói : Cư Sĩ đêm nay giảng sách xong, tụng kinh lễ Phật như thường, nhưng đến canh ba, niệm vài tiếng Phật thật to và nói Phật đến rước ta, nói rồi đứng qua đời !
Đêm đó người trong nước có kẻ mộng thấy 2 người mặc áo xanh dẫn ông đi về hướng Tây. Truyền ra điềm tốt này, kẻ quen biết cùng người không quyến thuộc biết, rủ nhau đến lễ kính đầy nhà, nhưng tiếc vì không được nghe ông thuyết pháp luận.
Nhắc lại trước ba ngày chưa thị tịch, ông dặn cả các người gắng tấn đạo nghiệp, có nghe ông nói : “Sau này không còn thấy tôi nữa”. Trước 10 ngày đến viếng cụ Triệu Công, qua tịnh thất người bạn Hàng Tá nói rằng : Đạo nghiệp của tôi đã xong, giờ đi tốt. Rồi liền cộng số niệm Phật mỗi ngày tính kể : Chín trăm mười hai vạn năm trăm câu, dán trên vách nhà ông cụ Triệu Công Trưởng Lão.
Ôi! Nếu ta chưa phải là người căn tánh sáng ngỏ thấu lý tử sinh, thời không dễ gì đến bậc này ! Ngạn Bật một phen bệnh gần chết, quan quách áo chăn đã bày ra ở trước, nhờ Cư sĩ ban ơn cứu giúp, bèn đặng mạnh lành, khá gọi là : “Cốt nhục tử sinh” vậy ! Kẻ hoặc hỏi : Ngạn Bật mộng thấy là nhân tư tưởng mà thấy ! Song việc hiệu nghiệm ăn cháo trắng đâu khá dối ư ?
Chỉ biết Cư sĩ lòng bi nguyện thậm thâm, công muốn kịp người. Tuy ở trong cõi Thường Tịch Quang, nhưng không quên niệm lực, ngài khuyến tu Tịnh độ, kết duyên thành Phật, khá chẳng gắng vó và tiến tới hay sao ?
Kính khắc tượng ngài và chép sự tích cảm ứng để rộng truyền không dám trôi lời, vì sợ lầm truyền người sau, cho nên thấy sao thuật vậy, chép đủ ra đây. Trong mong kẻ thấy người nghe kính tín, đồng nhờ lợi ích. Thần linh sáng ngỏ của ông Vương, thật chứng lời này !
Ông họ Vương tên Nhựt Hưu, tự Hư Trung hiệu Long Thơ Cư sĩ, năm này : ngày Hạ ngươn, đất Lô Lăng ngươi Lý Ngạn Bật kỉnh ghi lời bạt này.
TỰ LỢI LỢI THA
Kinh nói : Chưa đặng độ mình, trước lo độ người là Bồ Tát phát tâm. Tự giác đã viên, lại hay giác tha là Như Lai ứng thế.
Chúng ta đáng bắt chước theo chí nguyện của ngài Long Thơ Vương Nhựt Hưu. Sau khi bác lãm quần thơ, để tâm qua đạo Phật, lấy việc lợi người làm nhiệm vụ mình, thật là một “Hỏa trung liên giả” hay là tức tục nhi chân cư trần bất nhiễm. Nếu thấy tánh mình là Di Đà, liền rõ nơi tâm là Tịnh độ. Bằng chưa như thế thời bộ Long Thơ Tịnh độ này giá trị càng thêm giá trị.
TỰ LỢI LỢI THA
Thế nào tự lợi, lợi tha ? Kinh Hoa Nghiêm nói : Một tức tất cả, tất cả tức là một, thật vậy. Tất cả giữa này không có cái gì một mình nó, mà đứng vững và tồn tại, như một chén cơm ta ăn đây không phải một mình ta làm ruộng mà có cơm ăn. Lại còn nhờ người thợ rèn, rèn phản, rèn cuốc mới có thể làm ruộng được, nhưng thợ rèn không thể tụ lực rèn phản, rèn cuốc đặng, lại còn phải nhờ người đi tìm mỏ sắt nữa kia v.v…
Trái lại, người làm ruộng, có cơm ăn nhưng không thể ăn cơm lạt, cần có người làm muối, nhưng người làm muối chẳng lẽ ăn muối không ! Cần phải đem đổi gạo nấu cơm ăn. Nhưng cơm ăn không lẽ đổ dưới đất ăn ! Cần phải có người làm chén, mà người làm chén, không lẽ ăn chén được, cần phải bán chén lấy tiền mua gạo nấu cơm ăn trở lại, cho đến người có tiền, cũng chẳng lẽ ăn tiền, mà cần nhất phải đem tiền mua vật này vật khác để ăn nữa.
Xem như thế thời trong vũ trụ này, từ loài người cho đến loài thảo mộc, không có một loài nào, riêng một mình mình mà được sinh trưởng và tồn tại. Ta không nên tự phụ rằng : Ta làm ta ăn không cần đến ai. Đừng nói đâu xa chính trong mâm cơm ta ăn đây thì biết, bao nhiêu công nghệ của bao nhiêu người rồi ! Đức Phật dạy chúng Tăng khi ăn cơm phải tưởng phép “Tam Đề, Ngũ Quán” là nghĩa này. Khi sắp ăn, trước cúng dường mười phương Phật, cầu nguyện cho thí chủ, sau “Xuất sinh” (thí) cho quỷ thần ăn no đủ. Là không quên nghĩa tự lợi, lợi tha, và biết ơn tất cả. Chẳng những ở gần bên cạnh mà người ở đâu đâu, bấy lâu ta không quen biết, cũng đều là ân nhân với ta cả.
Ví như ta đau, tiêm một mũi thuốc, chẳng những ơn một ông thầy thuốc tiêm cho ta, mà là biết ơn bao nhiêu tất cả bậc tiền nhân đã có công lao chế tạo và làm sách để lại. Ta quán được như thế, thì tất cả đồng bào là ruột thịt, tương thân, tương ái. Khi ta ra đi, thấy tất cả người làm công này nghề khác. Người làm việc người, tức là làm việc cho ta. Ta làm việc ta, tức là làm việc cho người, vì rằng : Làm riêng mà ăn chung vậy.
Bộ Long Thơ Tịnh độ này từ đầu chí cuối, chỉ mục đích tự lợi, lợi tha. Ông Vương Nhựt Hưu sau khi thi đậu Tấn sĩ xem qua giáo lý Phật Đà cao thượng mà phát tâm, chớ không phải là kẻ “chán đời” và đem món thuốc cam lồ của đạo Phật giúp ích một phần trị an cho hội, chớ không phải ký sinh trùng. Như trong bộ sách này đã nói : Đạo Phật không khác như đạo Nho.
Đạo Nho dạy phép Tam cang, Ngũ thường, cũng như đạo Phật dạy tín đồ phép Tam quy, Ngũ giới đều là chủ nghĩa giúp ích nhân quần xã hội tự lợi lợi tha cả.
Vậy rất mong quý đạo hữu đồng tu, đồng học gắng tìm xem đạo lý, giáo lý Phật Đà cho chín chắn, hầu mong cải tạo thế giới bất lương, thường niệm Phật A Di Đà, để sửa chữa cho được một tâm hồn trong sạch. Giúp đỡ và đoàn kết tương thân liên ái, con thảo cha lành, hòa thuận yêu thương, đừng đánh đập nhau, đừng hà hiếp nhau, mạnh được yếu thua và nguyện cùng nhau thoát ly sinh tử và nguyện đồng cùng nhau sinh lên cõi Tịnh độ một nhà, khá vậy.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 12 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cảm tạ xứ Đức


Thắp ngọn đuốc hồng


Truyện tích Vu Lan Phật Giáo


Sống đẹp giữa dòng đời

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.85.216 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập