Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 29 »»

Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 29

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.63 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.79 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trung A Hàm

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

11. PHẨM ÐẠI
(Phần Ðầu)
117. KINH NHU NHUYẾN[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
"Chính Ta ngày trước ra đi xuất gia học đạo là ra đi từ chỗ ưu du, từ chỗ thong dong nhàn nhã, từ đời sống cực kỳ êm dịu[02]. Khi Ta còn ở nhà, phụ vương Duyệt-đầu-đàn[03] tạo cho Ta đủ thứ cung điện; cung điện để ở vào mùa Xuân, cung điện để ở vào mùa Hạ, cung điện để ở vào mùa Đông.
"Bởi Ta thích du ngoạn nên cách điện không xa, người lại tạo không biết bao nhiêu là ao sen[04]: ao hoa sen xanh, ao hoa sen hồng, ao hoa sen đỏ, ao hoa sen trắng. Trong các ao đó trồng đủ các loại hoa dưới nước: hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ và hoa sen trắng. Nước luôn luôn đầy, hoa luôn luôn trổ, mà những người sai dịch chăm sóc không thông suốt được hết.
"Bởi Ta thích du ngoạn nên trên bờ ao trồng các loại hoa: hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa Tu-kiền-đề, hoa Ma-đầu-kiền-đề, hoa A-đề-mưu-đa, hoa Ba-la-đầu[05].
"Bởi Ta thích du ngoạn nên người sai bốn người tắm rửa cho Ta. Tắm rửa cho Ta rồi lại xoa hương chiên-đàn đỏ vào khắp thân Ta. Xoa hương vào thân Ta rồi lại khoác vào mình Ta chiếc áo lụa thật mới. Trên, dưới, trong, ngoài đều mới mẻ. Suốt ngày đêm luôn luôn cầm lọng[06] che cho Ta, không để cho Thái tử đêm phải nhiễm sương, ngày bị nắng háp.
"Như nhà dân thường được ăn đại mạch thô, cơm gạo tẻ, cháo đậu, gừng[07], cho đó là đồ ăn bậc nhất, nhưng người sai dịch thấp nhất của phụ vương Duyệt-đầu-đàn của Ta lại cho như vậy là rất dở, chỉ ăn nếp trắng[08] và hào soạn mới cho là đồ ăn bậc nhất.
"Lại nữa, nếu có cầm thú nơi đồng ruộng, loại cầm thú ngon nhất như Đề-đế-la-hòa-tra, Kiếp-tân-xà-la, Hề-mễ-hà, Lê-nê-xa, Thi-la-mễ[09]. Các loại cầm thú nơi đồng ruộng, loại cầm thú ngon nhất như vậy Ta thường được ăn.
"Ta nhớ khi xưa, lúc còn ở với phụ vương Duyệt-đầu-đàn, suốt bốn tháng hạ, mỗi khi lên trên chánh điện đều không có người nam; chỉ toàn là kỹ nữ để cùng vui chơi, không hề trở xuống.
"Rồi khi Ta muốn đến viên quán thì liền có ba mươi danh kỵ thượng thặng được tuyển chọn với những hàng đại thuẫn đi dẫn đường hộ tống trước sau, không kể những tiểu tiết khác.
"Ta có như ý túc đó[10] và sự êm dịu cực kỳ này.
"Ta còn nhớ khi xưa, lúc Ta thăm ruộng[11], người làm ruộng nghỉ ngơi trên đám ruộng, Ta đi đến dưới gốc cây Diêm-phù ngồi kiết già, ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng đắc được Sơ thiền, thành tựu và an trụ. Ta nghĩ rằng: 'Phàm phu ngu si không đa văn, tự có sẵn tật bệnh, không thoát khỏi tật bệnh, nhưng thấy người tật bệnh thì ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, mà không tự quán sát mình'.
"Rồi Ta lại nghĩ: 'Ta tự có sẵn tật bệnh, không thoát khỏi tật bệnh. Nếu Ta thấy người tật bệnh mà ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, Ta không nên như vậy, vì Ta cũng có trường hợp này'. Quán sát như vậy rồi thì tâm cống cao phát khởi do không có tật bệnh liền tự tiêu diệt.
"Ta lại nghĩ rằng: 'Phàm phu ngu si không đa văn, tự có sẵn sự già, không thoát khỏi sự già, nhưng thấy người già cả thì ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, mà không tự quán sát mình'.
"Rồi Ta lại nghĩ: 'Ta tự có sẵn sự già, không thoát khỏi sự già. Nếu Ta thấy người già cả mà ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, Ta không nên như vậy, vì Ta cũng có trường hợp này'. Quán sát như vậy rồi thì tâm cống cao phát khởi do chưa đến tuổi già liền tự tiêu diệt.
"Phàm phu ngu si không đa văn, vì chưa bị tật bệnh nên tâm tự cao, tự phụ, rồi do tham dục mà sanh si ám, không tu tập phạm hạnh. Phàm phu ngu si không đa văn vì còn trẻ trung nên tự cao tự phụ, không tu tập phạm hạnh, rồi tham dục mà sanh si ám. Phàm phu ngu si không đa văn vì còn thọ mạng nên tự cao tự phụ, phóng dật, rồi do tham dục mà sanh si ám, không tu tập phạm hạnh."
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Tuổi già, tật bệnh
Và sự tử vong
Là pháp có sẵn
Người ngu khinh nhờn
Nếu ta miệt thị
Tưởng mình không vướng
Thật chẳng hợp lý
Vì đó sự thường
Ai hành như thế
Biết pháp ly sanh
Không bệnh, còn trẻ
Tưởng thọ kiêu căng
Đoạn trừ kiêu ngạo
Vô dục bình an
Ai hiểu như vậy
Nơi dục sợ gì!
Được vô hữu tưởng
Tịnh hạnh thanh tu.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 29. Tương đương Pāli: A.iii.38 Sukhumāla; A.ii.39 Mada.
[02] Tùng ưu du, thung dung nhàn lạc, cực nhu nhuyến 從 優 遊 從 容 閑 樂 極 柔 軟. Pāli: sukhumālo parasakhumālo accanta sukhumālo, êm dịu, rất êm dịu, vô cùng êm dịu.
[03] Duyệt-đầu-đàn 悅 頭 檀, tức vua Tịnh Phạn, Pāli: Suddhodana.
[04] Hoa trì 華 池. Pāli: Pokkharanī.
[05] Hoa Tu-ma-na 修 摩 那, hoa Bà-sư 婆 師, hoa Chiêm-bặc 瞻 蔔, hoa Tu-kiền-đề 修 犍 提, hoa Ma-đầu-kiền-đề 摩 頭 犍 提, hoa A-đề-mưu-đa 阿 提 牟 多, hoa Ba-la-đầu 波 羅 頭. Bản Pāli không đề cập các loại hoa này.
[06] Tán cái 繖 蓋, đúng ra phải nói "bạch tán cái", biểu hiện của vương gia. Pāli: setachattā.
[07] Hán: thô quảng [勹/鹿] [麥+廣], mạch phạn 麥 飯, đậu canh 豆 羹, khương thái 薑 菜. Pāli: kaṇājakaṃ bhojanaṃ… vilaṅgadutiyaṃ, cháo tấm và sữa chua.
[08] Hán: canh lương 粳 糧.
[09] Đề-đế-la-hòa-tra 提 帝 邏 惒 吒; Pāli: tittirapatta (?), một loại chim trĩ, hay chim chá-cô. Kiếp-tân-xà-la 劫 賓 闍 邏, Pāli: kapinjala (?), chim trĩ. Hề-mễ-hà 奚 米 何, Pāli: hamsa (?), chim nhạn. Lê-nê-xa 犁 泥 奢, Thi-la-mễ 施 羅 米, không tìm ra tương đương âm Pāli. Trong bản Pāli không đề cập các loại thực phẩm này.
[10] Như ý túc 如 意 足 (Pāli: iḍhi-pāda), thường dịch là thần thông. Đây có nghĩa là quyền lực. Đoạn trên. kể bốn quyền lực của thiếu niên con nhà phú quý: gấm vóc lụa là, cung điện cho các mùa, vườn hoa tráng lệ, và thức ăn thượng hạng.
[11] Xem cht.15 Kinh 32.
118. KINH LONG TƯỢNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở tại Đông viên giảng đường Lộc mẫu[02].
Bấy giờ vào lúc xế trưa, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, bước ra khỏi tịnh thất và nói:
"Ô-đà-di[03], Ta và ngươi hãy đi đến Đông hà để tắm[04]."
Tôn giả Ô-đà-di đáp:
"Kính vâng."
Khi ấy, Đức Thế Tôn cùng với Tôn giả Ô-đà-di đi đến Đông hà, cởi bỏ y phục trên bờ sông rồi xuống nước tắm. Tắm xong, lên bờ lau mình và mặc y phục vào.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc có một con voi chúa tên là Niệm[05], đang lội ngang qua Đông hà với tất cả các loại kỹ nhạc được tấu lên. Dân chúng trông thấy nói rằng:
"Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?[06]"
Tôn giả Ô-đà-di chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con voi thân hình to lớn cho nên dân chúng trông thấy nói rằng: 'Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?'
Đức Thế Tôn nói:
"Đúng vậy, Ô-đà-di! Đúng vậy, Ô-đà-di, con voi có thân hình to lớn nên dân chúng trông thấy nói rằng: 'Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?'
"Này Ô-đà-di, ngựa, lạc đà, trâu, lừa, rắn[07], người, cây cối... nếu có thân hình to lớn, này Ô-đà-di, dân chúng trông thấy cũng nói rằng: 'Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là Đại long vương hay là con gì vậy?'
"Ô-đà-di, nếu Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí (hay bất cứ ai) từø người cho đến trời ở trên đời này mà không làm hại bằng thân, miệng, ý, Ta nói vị ấy chính là rồng[08].
"Ô-đà-di, Như Lai ở trong thế gian này bao gồm Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí (hay bất cứ ai) từ người cho đến trời đều không dùng thân, miệng, ý để làm hại, cho nên Ta được gọi là rồng."
Khi ấy, Tôn giả Ô-đà-di chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch:
"Bạch Thế Tôn, mong Đức Thế Tôn gia trì cho con thêm uy lực. Mong Đức Thiện Thệ gia trì cho con thêm uy lực để con được ở trước Phật, bằng bài tụng liên hệ đến rồng[09] mà tán thán Đức Thế Tôn."
Đức Thế Tôn nói:
"Tùy ý ngươi muốn."
Khi ấy Tôn giả Ô-đà-di ở trước Đức Phật, dùng bài tụng liên hệ đến rồng tán thán Đức Thế Tôn rằng:
Chánh giác sanh nhân gian,
Tự chế ngự, đắc định.
Phạm hạnh bước vững vàng,
Bình an, tâm ý tĩnh.
Nhân loại đều xưng tôn;
Vượt ngoài tất cả pháp.
Chư Thiên đều kính ngưỡng;
Chí Chân, Bậc Vô Trước.
Từ rừng, bỏ rừng đi;
Siêu việt toàn kết sử;
Xả dục, sống vô dục,
Vàng ròng trong khối đá.
Mặt trời trên hư không,
Tối thượng giữa loài rồng,
Vang lừng danh Chánh Giác,
Hy-mã điệp muôn trùng.
Tuyệt đối không não hại,
Đại long, thật Đại long;
Chắc thật, đây tối thượng,
Rồng thiêng giữa loài rồng!
Ôn nhuần và vô hại,
Hai chân rồng là đây.
Khổ hạnh và phạm hạnh,
Là bước đi của rồng.
Rồng thiêng, tay là tín;
Hai đức, xả là ngà;
Tuệ đầu và niệm cổ;
Phân biệt pháp, tư duy;
Bụng lớn, chứa muôn pháp;
Độc cư: đôi cánh tay;
Rồng tu quán hơi thở;
Nội tĩnh, tâm tinh chuyên;
Chánh định, đi hay đứngï;
Nằm thiền, ngồi cũng thiền;
Định ý, hằng định ý;
Là pháp thường của long.
Thọ thực nhà thanh tịnh;
Nhà bất tịnh không ăn;
Ác bất tịnh, không thọ,
Quay đi như Sư tử.
Sở đắc những cúng dường,
Từ tâm nên nạp thọ.
Long thực, do tín thí;
Vừa đủ, không đắm say.
Đoạn trừ mọi kết sử,
Giải thoát mọi đường dây.
Tâm không, không trói buộc,
Vạn nẻo bước du hành.
Chẳng khác loài sen trắng,
Nước sanh, nước nuôi lớn;
Bùn lầy không nhiễm trước;
Tuyệt sắc, hương ngào ngạt.
Cũng vậy, tối thượng giác,
Sanh thành trong thế gian;
Tịnh diệu, dục không vương,
Như hoa không nhiễm nước.
Ví như ngọn lửa hừng;
Bớt củi, ngọn tắt dần.
Củi hết rồi lửa tắt;
Như vậy lửa diệt tàn.
Kẻ trí nói dụ này,
Nghĩa ấy mong thấu triệt;
Là điều long sở tri,
Long tụng, long sở thuyết.
Triệt đoạn dâm dục, sân,
Trừ si, vô lậu tịnh;
Long xả bỏ hậu thân,
Đó là long diệt tận.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ô-đà-di sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tham chiếu Pāli: A. Vi.43 Nāga; Thag. 689-704.
[02] Đông viên Lộc tử mẫu giảng đường 東 園 鹿 子 母 講 堂. Pāli: Pubbārama Migāgamātu-pāsāda, giảng đường đượcc xây dựng bởi bà Visakhā, mẹ của Miga.
[03] Ô-đà-di 烏 陀 夷. Pāli: Udāyi, cũng gọi là Mahā-udāyi, hay Pandita-udāyi, con của một người Bà-la-môn ở Kapilavatthu.
[04] Đông hà 東 河. Pāli: Pubbakotthaka. Bản Pāli nói: Phật gọi ngài A-nan đi tắm.
[05] Long tượng danh viết Niệm 龍 象 名 曰 念. Pāli: Seto nāma nāgo (Seta, bản Hán đọc là Sati).
[06] Long trung long, vi đại long vương, vi thị thùy 龍 中 龍 為 大 龍 王 為 是 誰. Pāli: Nāgo vata, bho, nāgo. "Rồng kìa, các ngài, rồng kìa!"
[07] Nguyên Hán: hung hành 胸 行, đi bằng bụng, Pāli: Uragam, loài bò sát hay con rắn.
[08] Bất dĩ thân khẩu ý hại (...) thị long 不 以 身 口 意 害 是 龍. Pāli nói: Āgum na kāgoti kāyena vācāya manasā, tam ahaṃ nāgo ti brūmi, ai không làm ác bằng thân, miệng, ý; Ta nói người đó là nāga.
[09] Long tương ưng tụng 龍 相 應 頌.
119. KINH THUYẾT XỨ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
"Ở đây có ba thuyết xứ[02], chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó nói mà nói[03] rằng: 'Ta thấy, nghe, hiểu, biết', Tỳ-kheo nói mà nói rằng: 'Đây là điều tôi biết'.
"Những gì là ba? Tỳ-kheo nhân vấn đề quá khứ nói mà nói[04] như vầy: 'Trong thời quá khứ có'. Tỳ-kheo nhân vấn đề vị lai nói mà nói như vầy: 'Trong thời vị lai có'. Tỳ-kheo nhân vấn đề hiện tại nói mà nói như vầy: 'Trong thời hiện tại có'.
"Đó gọi là ba thuyết xứ chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó nói mà nói rằng: 'Ta thấy, nghe, hiểu biết'. Tỳ-kheo nói mà nói rằng: 'Đây là điều tôi biết'. Do điều được thuyết, khéo tập được nghĩa, do không thuyết, không khéo tập được nghĩa.
"Hiền Thánh đệ tử với hai tai nhất tâm nghe pháp. Vị ấy sau khi với hai tai nhất tâm nghe pháp, đoạn một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc[05] một pháp. Vị ấy sau khi đã đoạn được một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc một pháp rồi, liền được chánh định. Hiền Thánh đệ tử sau khi đã được chánh định, liền đoạn trừ hết tất cả dâm, nộ, si. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử chứng đắc tâm giải thoát, giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng: 'Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'.
"Do điều được nói[06] nên có bốn trường hợp để quan sát người, rằng Hiền giả này có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói. Nếu Hiền giả này với câu hỏi xác quyết mà không trả lời xác quyết, với câu hỏi phân biệt mà không trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà không trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà không trả lời xả trí[07]. Như vậy, Hiền giả này không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận.
"Nếu Hiền giả này với câu hỏi xác quyết mà trả lời xác quyết, với câu hỏi phân biệt mà trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà trả lời xả trí. Như vậy, Hiền giả này có thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận.
"Lại nữa, do điều được nói nên lại có bốn trường hợp để quan sát người, rằng Hiền giả này có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói. Nếu Hiền giả này không an trụ trên xứ phi xứ, không an trụ trên sở tri, không an trụ trên thuyết dụ, không an trụ trên đạo tích[08]; như vậy thì Hiền giả này không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận.
"Nếu Hiền giả này an trụ trên xứ phi xứ, an trụ trên sở tri, an trụ trên thuyết dụ, an trụ trên đạo tích; như vậy thì Hiền giả này có thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận.
"Do điều được nói, với lời nói trầm tĩnh[09], xả bỏ sở kiến của mình, xả bỏ ý kết oán, xả bỏ tham dục, xả bỏ sân nhuế, xả bỏ si ám, xả bỏ kiêu mạn, xả bỏ bất ngữ[10], xả bỏ tật đố, không háo thắng, không ép người, không chấp chặt khuyết điểm, nói nghĩa nói pháp[11]. Sau khi nói nghĩa nói pháp, khuyên dạy, rồi lại khuyên dạy cho bỏ[12], tự mình hoan hỷ, khiến người kia cùng hoan hỷ. Thuyết nghĩa như vậy, thuyết sự như vậy, là Thánh thuyết nghĩa, là Thánh thuyết sự[13]; nghĩa là đã cứu cánh tận diệt hết lậu."
Rồi thì, Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:
Luận tranh và luận nghị,
Ý tạp, lòng cống cao;
Nghịch Thánh, chê Thánh đức,
Mong cầu khuyết điểm nhau,
Khai thác lỗi bất cẩn,
Khăng khăng khuất phục người,
Đối địch đều háo thắng;
Thánh không nói như vậy.
Nếu mong thành luận nghị,
Người trí biết tùy thời,
Có pháp và có nghĩa,
Chư Thánh luận như vậy.
Người trí nói như vậy,
Không cãi, không cống cao,
Ý không biết nhàm đủ,
Không kết, không oán thù;
Tùy thuận, không điên đảo;
Mỗi lời hợp chánh tri.
Khéo nói thì có thể
Trọn không lời xấu xa;
Không luận vì luận tranh,
Không tùy người thách đố;
Biết xứ và thuyết xứ,
Là điều được luận bàn.
Đây là lời Thánh nhân;
Người trí, hai mục đích[14],
Cho đời này bình an,
Cho đời sau khoái lạc.
Nên biết người thông đạt,
Thuyết phi đảo, phi thường[15].
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.iii.67 Kathāvatthu. Kinh số 86 ở trên cùng tên với kinh này.
[02] Thuyết xứ 說 處. Pāli: tīni kathāvatthūni, "ba luận sự". Tam ngôn y 三 言 依, xem Tập dị 3 (Đại 26, tr. 378 c - 78 a).
[03] Thuyết nhi thuyết 說 而 說. Pāli: Katham katheyya, có thể nói về vấn đề.
[04] Nhân quá khứ thuyết nhi thuyết 因 過 去 說 而 說. Pāli: atītam vā addhānam ārabbha katham katheyya, có thể nói về vấn đề liên hệ thời quá khứ.
[05] Hán: tác chứng 作 證.
[06] Nhân sở thuyết 因 所 說. Pāli: Kathāsampayogena, bằng sự liên hệ với ngôn thuyết.
[07] Nhất hướng luận 一 向 論 (ekaṃsavyākaranīyam), phân biệt luận 分 別 論
(vibhajjhavyākaranīyam), cật luận 詰 論(paṭipucchāvyākarannīyam), chỉ luận 止 論 (thapanīyam), Bốn trường hợp đặt câu hỏi và phải trả lời, bốn ký vấn (Tập dị 8, Đại 26 tr. 401a-11a): Nhất hướng ký vấn, phân biệt ký vấn, phản cật ký vấn, xả trí ký vấn.
[08]Xứ phi xứ 處 非 處 (Pāli: thānāthāna), (không được xác định là) hợp lý hay không hợp lý; sở tri 所 知 (Pāli: parikappa) (có hay không có) chủ đích; thuyết dụ 說 喻 (Pāli: aññātavāda) ngôn ngữ được chấp thuận (của bậc trí); đạo tích (Pāli:paṭipadā), thực tiễn (được xác định bằng thực tiễn hành động).
[09] Chỉ tức khẩu hành 止 息 口 行.
[10] Hán: bất ngữ 不 語, không rõ nghĩa. Có lẽ Pāli: dubbhāsitaṃ, lời nói khó nghe, ác ngữ.
[11] Hán: nghĩa thuyết pháp thuyết 義 說 法 說. Pāli: atthavādī dhammavādī, lời nói hữu ích, lời nói đúng pháp.
[12] Hán: giáo phục giáo chỉ 教 復 教 止.Có lẽ Pāli: sataṃ ve hoti mantanā, được lưu ý và thật sự được khuyến cáo.
[13] Pāli: evaṃ kho ariyā mantenti, esā ariyāna mantanā, "Các Thánh đàm luận như vậy; đó là những điều được các Thánh đàm luận".
[14] Hán: câu đắc nghĩa 俱 得 義, được lợi (nghĩa) cả hai đường.
[15] Pāli: etad aññāya medhāvī na samusseyya, sau khi nhận thức được điều đó, bậc trí không nói lời khoa đại.
120. KINH THUYẾT VÔ THƯỜNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
"Sắc là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã[02]. Thọ[03] cũng vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Tưởng cũng là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Hành cũng là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Thức cũng là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã.
"Như vậy là sắc vô thường; thọ, tưởng, hành, thức vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Đa văn Thánh đệ tử hãy nên quán sát như vậy, hãy tu tập bảy đạo phẩm[04], vô ngại, chánh tư, chánh niệm[05]. Vị ấy đã biết như vậy, thấy như vậy rồi thì tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát; biết đúng như thật rằng: 'Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Nếu có chúng sanh và chín trú xứ của chúng sanh[06], cho đến cõi đệ nhất hữu với hành còn tàn dư, tức cõi hữu tưởng vô tưởng xứ[07], ở trong khoang trung gian đó, là bậc đệ nhất, là tối đại, là tối thắng, là tối thượng, là tối tôn, là tối diệu; đó chính là vị A-la-hán ở trong đời. Vì sao vậy? Vì trên đời này, A-la-hán đã được an ổn khoái lạc."
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:
Vô trước[08], đệ nhất lạc;
Đoạn dục, ái đã trừ,
Vĩnh viễn lìa ngã mạn,
Bứt tung màn lưới si[09].
Người không bị lay chuyển,
Tâm chẳng bợn mảy trần,
Thế gian không đắm nhiễm,
Vô lậu, phạm hạnh thành,
Thấu triệt năm ấm thân,
Cảnh giới bảy thiện pháp[10],
Chốn đại hùng du hành,
Lìa xa mọi khủng bố,
Thành tựu báu thất giác[11],
Học đủ ba môn học,
Thượng bằng hữu tôn xưng[12];
Chân chánh con của Phật;
Thành tựu mười chi đạo[13].
Đại long định kiên cố,
Đấng bậc nhất trong đời;
Vị này không hữu ái;
Vạn cảnh không lay chuyển;
Giải thoát hữu tương lai;
Đoạn sanh, lão, bệnh, tử;
Lậu diệt, việc làm xong;
Phát khởi vô học trí[14];
Tận cùng tối hậu thân[15];
Tối thắng thanh tịnh hạnh;
Tâm không do bởi người[16];
Đối các phương trên dưới,
Vị ấy không hỷ lạc;
Thường rống tiếng sư tử,
Vô thượng giác trên đời.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli S.xxii.76 Arahanta-sutta.
[02] Hán: phi thần 非 神, chỉ thần ngã, tự ngã, hay linh hồn. Xem cht.5 dưới.
[03] Hán: giác 覺. Pāli: vedāna.
[04] Bản Nguyên-Minh: ba mươi bảy đạo phẩm. Bản Pāli, không có chi tiết này.
[05] Pāli: yad anattā taṃ n'etam mama, n'eso aham asmi na m'eso attā, ti evam etaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya daṭṭhabbaṃ," cái gì là vô ngã, cần phải được nhận thức một cách như thực bằng chánh trí rằng: cái này không phải của ta; ta không phải là cái này; cái này không phải là tự ngã của ta".
[06] Hán: hữu tình cư, chỗ chúng sanh cư ngụ. Pāli: sattāvasā.
[07] Hán: hữu tưởng vô tưởng xứ hành dư đệ nhất hữu 有 想 無 想 處 行 餘 第 一 有, chỉ Hữu đỉnh thiên, cõi cao nhất trong tam hữu, tức cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tầng thứ tư của vô sắc định. Pāli: yāvatā sattāvasā, yāvatā bhaggaṃ, cho đến các cảnh vức của hữu tình, cho đến chóp đỉnh của (ba) Hữu.
[08] Vô trước 無 著, dịch nghĩa từ A-la-hán. Pāli: sukhino vata arahanta, A-la-hán thật sự an lạc.
[09] Vô minh võng 無 明 網, Pāli: mohajāla.
[10] Cảnh giới thất thiện pháp 境 界 七 善 法. Pāli: sattasadhammagocarā, sở hành là bảy diệu (chánh) pháp. Xem Tập dị 17 (Đại 26, tr.437a), "bảy diệu pháp: tín, tàm,quý, tinh tấn, niệm, định, tuệ."
[11] Thất bảo giác 七 覺 寶. Pāli: Sattaratanā, ở đây chỉ bảy giác chi: trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả.
[12] Thượng bằng hữu 上 朋 友. Pāli: không rõ.
[13] Thập chi đạo 十 支 道, tức mười vô học chi; Tập dị 20 (Đại 26, tr.452c): 1. Vô học chánh kiến; ...; 8. Vô học chánh định; 9. Vô học chánh giải thoát; 10. Vô học chánh trí. Pāli: dasahaṅga.
[14] Vô học trí. Pāli: asekhañāṇā.
[15] Tối hậu thân. Pāli: antimoyaṃ samussayo.
[16] Bất do tha 不 由 他, tự tri, tự chứng ngộ, không do kẻ khác. Pāli: aparapaccāya, không nương theo người khác.
121. KINH THỈNH THỈNH[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa[02] cùng với chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị an cư mùa mưa.
Bấy giờ vào ngày mười lăm trong tháng[03], là ngày Đức Thế Tôn nói Tùng giải thoát[04] vào giờ Tự tứ[05]. Ngài đến trước chúng Tỳ-kheo trải tọa cụ ngồi xuống rồi nói với các Tỳ-kheo:
"Ta[06] là Phạm Chí, đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là thân tối hậu. Ta là Phạm Chí, sau khi đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là thân tối hậu, thì các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp, thì các ngươi hãy dạy dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau."
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cũng đang hiện diện trong chúng. Khi ấy, Tôn giả Xá-lê Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai, sửa y, chắp tay hướng về Thế Tôn, bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn vừa nói: 'Ta là Phạm Chí đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là thân tối hậu. Ta là Phạm Chí, sau khi đã chứng đắc tịch diệt, thành Vô Thượng Y Vương, thọ thân này của Ta là thân tối hậu, thì các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các ngươi là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp, thì các ngươi hãy dạy dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau'. Bạch Thế Tôn, đối với những ai chưa điều ngự, Thế Tôn khiến cho điều ngự; những ai chưa tịch tĩnh, khiến cho tịch tĩnh[07]; những ai chưa độ thoát, khiến cho độ thoát; những ai chưa giải thoát khiến cho giải thoát; những ai chưa tịch diệt, khiến cho tịch diệt, chưa đắc đạo khiến cho đắc đạo, chưa thi thiết phạm hạnh khiến cho thi thiết phạm hạnh. Thế Tôn là Bậc Tri Đạo, Giác Đạo, Thức Đạo, Thuyết Đạo[08]. Đệ tử của Thế Tôn sau đó được đắc pháp, lãnh thọ khuyến giáo, lãnh thọ khiển trách. Sau khi lãnh thọ khuyến giáo, lãnh thọ khiển trách sẽ vâng theo lời dạy của Thế Tôn mà nhất hướng tu hành, được tự tại như ý, khéo biết Chánh pháp. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì con đối với thân, khẩu, ý hành chăng?"
Khi ấy, Thế Tôn nói:
"Này Xá-lê Tử, Ta không phiền gì đối với thân, khẩu, ý hành của thầy cả. Vì sao vậy? Này Xá-lê Tử, thầy là bậc thông tuệ, đại tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thân tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ[09]. Này Xá-lê Tử, thầy đã thành tựu thật tuệ. Này Xá-lê Tử, ví như vua Chuyển luân vương có vị thái tử không trái phạm lời khuyên dạy, tất bái lãnh sự truyền thừa của phụ vương và sau này cũng có thể truyền thừa lại. Cũng vậy, này Xá-lê Tử, Ta chuyển vận pháp luân, thầy cũng có thể chuyển vận pháp luân. Này Xá-lê Tử, vì vậy nên Ta không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của thầy."
Tôn giả Xá-lê Tử chắp tay hướng về Thế Tôn, thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của con; nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn có phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm thầy Tỳ-kheo chăng?"
Đức Thế Tôn nói:
"Này Xá-lê Tử, Ta cũng không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm Tỳ-kheo này. Vì sao vậy? Này Xá-lê Tử, năm trăm Tỳ-kheo này đều đã chứng đắc vô trước, dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã tận và đã đạt được thiện nghĩa, chánh trí, chánh giải thoát; chỉ trừ một Tỳ-kheo[10] mà trước kia Ta đã thọ ký cho rằng: ngay trong đời này sẽ chứng đắc cứu cánh trí, biết một cách như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Này Xá-lê Tử, vì vậy nên Ta không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm Tỳ-kheo này."
Tôn giả Xá-lê Tử ba lần lặp lại chắp tay hướng về Đức Thế Tôn thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của con và cũng không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm Tỳ-kheo này. Như vậy, bạch Thế Tôn, trong số năm trăm Tỳ-kheo này, có bao nhiêu thầy đã chứng đắc ba minh đạt[11]? Bao nhiêu thầy đã chứng đắc câu giải thoát[12]? Bao nhiêu thầy đã chứng đắc tuệ giải thoát[13]?"
Thế Tôn nói:
"Này Xá-lê Tử, trong số năm trăm Tỳ-kheo này, chín mươi Tỳ-kheo đã chứng đắc ba minh đạt; chín mươi Tỳ-kheo đã chứng đắc câu giải thoát; còn các Tỳ-kheo kia đều chứng đắc tuệ giải thoát. Này Xá-lê Tử, trong chúng này không có nhánh, không có cành lá, cũng không có đốt, mà chỉ có lõi chắc thật, thanh tịnh, đều đã chân chánh trụ vị."
Bấy giờ, Tôn giả Bàng-kỳ-xá[14] cũng hiện có ở trong chúng. Khi ấy Tôn giả Bàng-kỳ-xá liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Thế Tôn thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, mong Đức Thế Tôn gia trì cho con thêm uy lực. Mong Đức Thiện Thệ gia trì cho con thêm uy lực để con được ở trước Phật và chúng Tỳ-kheo, bằng sự tương ưng như nghĩa[15] mà làm bài tụng tán thán.
Đức Thế Tôn nói:
"Bàng-kỳ-xá, ngươi cứ tùy ý."
Khi ấy, Tôn giả Bàng-kỳ-xá ở trước Đức Phật và chúng Tỳ-kheo, bằng sự tương ưng như nghĩa mà tán tụng như vầy:
Hôm nay ngày Rằm tự tứ,
Hội tọa Tăng chúng năm trăm;
Đoạn tận buộc ràng kiết sử,
Tiên nhân vô ngại vô sanh.
Thanh tịnh ngời quang minh,
Giải thoát tất cả hữu;
Dứt sanh, lão, bệnh, tử;
Lậu diệt, việc làm xong.
Diệt hối và nghi kết,
Mạn, hữu lậu đã trừ,
Nhổ tuyệt gai ái kết,
Thành Vô thượng Y sư.
Dõng mãnh như sư tử,
Khủng bố đã dứt trừ,
Đã vượt sự sanh tử,
Diệt lậu tận, vô dư.
Ví như Chuyển luân vương,
Quần thần vây xung quanh,
Thống lãnh toàn cõi đất,
Suốt đại dương vô cùng.
Đấng Đại Hùng tối thắng,
Bậc Thượng Chủ, Thượng Tôn;
Đệ tử hằng cung kính,
Tam minh, ngoài tử sanh.
Tất cả là con Phật;
Cành, lá đã loại bỏ;
Chuyển pháp luân vô thượng;
Kính lạy Đấng Tối Tôn.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Phụ chú trong bản Hán: "chữ 請 sau đọc là tỉnh". Tương đương Pāli: S. vii.7 Pavāraṇa (tự tứ). Tham chiếu, No.99 (1212) Tạp A-hàm 45, kinh số 45 (Đại 2, tr.330); No.100 (228) Biệt dịch Tạp 12 (Đại 2, tr. 457a); No.61. Phật Thuyết Thọ Tân Tuế Kinh, Trúc Pháp Hộ dịch (Đại 1, tr.858; No.62 Phật Thuyếùt Tân Tuế Kinh, Trúc Đàm-vô-lan dịch; No.63. Phật Thuyết Giải Hạ Kinh, Tống Pháp Hiền dịch.
[02] No.61, 62 và Pāli: Xá-vệ, Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường (Sāvatthi, Pubbārama, Migāramātupāsāda).
[03] No.61, ngày rằm tháng bảy.
[04] Tùng giải thoát 從 解 脫, tức Biệt giải thoát. Pāli: Pāṭimokkha.
[05] Tương thỉnh thỉnh thời 相 請 請 時, "trong khi hỏi lẫn nhau", được dịch nghĩa như vậy, vì trong lễ Tự tứ, các Tỳ-kheo chỉ điểm lẫn nhau những điều luật. Pāli: Pavāraṇā. Các bản dịch khác là "thọ tuế", tức sau ba tháng an cư, Tỳ-kheo được tính một tuổi hạ.
[06] Trong bản Pāli và các bản Hán kia đều có ghi lời tự tứ của Đức Thế Tôn như vầy: "Này các Tỳ-kheo, bây giờ Ta tự tứ (tức yêu cầu chỉ điểm, hoặc nói là "thọ tuế"), các thầy có khiển trách gì Ta đối với thân, khẩu chăng?". (Handa dāni, bhikkhave, pavāremi. Ka ca ma kinci garahatha kāyikam vā vācasikam vā).
[07] Hán: tức 息, và chỉ tức 止 息.
[08] Tri Đạo, Giác Đạo, Thức Đạo, Thuyết Đạo 知 道 覺 道 識 道 說 道. No.63: Như Lai đã nhận thức toàn diện về Chánh đạo, tuyên thuyết hoàn hảo về Chánh đạo, khai thị Chánh đạo.
[09] Thông tuệ 聰 慧 (Pāli: paiḍṇta), đại tuệ 大 慧 (Pāli: mahāpaññā), tốc tuệ 速 慧 (Pāli: hāsapañña), tiệp tuệ 捷 慧 (Pāli: javapañña), lợi tuệ 利 慧 (Pāli: tikkhapañña), quảng tuệ 廣 慧 (Pāli: putthu pañña), thâm tuệ 深 慧 (Pāli: không đề cập), xuất yếu tuệ 出 要 慧 (Pāli: không đề cập), minh đạt tuệ 明 達 慧 (Pāli: nibbedhikā).
[10] Chỉ Tôn giả A-nan, bấy giờ chưa chứng đắc lậu tận.
[11]Tam minh đạt 三 明 達, tức tam minh.
[12] Câu giải thoát, hay Câu phần giải thoát, Pāli: ubhatobhāgavimutta, vị A-la-hán có Tuệ giải thoát đồng thời có Diệt tận định. Về Câu giải thoát, Tuệ giải thoát, xem kinh số 127 và 195.
[13] Tuệ giải thoát, xem cht. trên.
[14] Bàng-kỳ-xá 傍 耆 舍, Vangīsa, thuộc một gia đình Bà-la-môn rất thông suốt các tập Vệ-đà, do quán bất tịnh mà đắc quả A-la-hán.
[15] Hán: tương ưng như nghĩa 相 應 如 義. Pāli: sāruppāhi gāthāhi abhitthavi, tán thán bằng những bài kệ thích ứng.
122. KINH CHIÊM-BA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Chiêm-ba, ở bên hồ Hằng-già[02].
Bấy giờ là ngày mười lăm trong tháng, là ngày Thế Tôn thuyết Tùng giải thoát, trải tọa ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Khi Đức Thế Tôn ngồi xong, liền nhập định và bằng tha tâm trí Ngài quan sát tâm đại chúng. Khi quan sát tâm đại chúng rồi, cho đến lúc hết buổi đầu hôm, Ngài vẫn ngồi im lặng.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai, sửa y chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, đã hết buổi đầu hôm, Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng không trả lời.
Thế rồi, cho đến phần giữa đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần nữa, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Phật và thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng sắp hết; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát."
Đức Thế Tôn lại một lần nữa không trả lời.
Thế rồi, cho đến phần cuối đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần thứ ba từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát."
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo vị Tỳ-kheo kia:
"Trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo làm đã việc bất tịnh."
Lúc đó Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng đang ở trong chúng. Rồi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền suy nghĩ thế này: "Vì Tỳ-kheo nào mà Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh? Ta nên nhập định có hình thức như thế, nhân trong định có hình thức như thếá, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng."
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập định có hình thức như thế, nhân trong định có hình thức như thế, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biết vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh.
Rồi thì, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuất định, đi đến trước vị Tỳ-kheo ấy, nắm tay kéo đi, mở cửa lôi ra bên ngoài mà nói:
"Này người ngu si, hãy đi xa đi, đừng sống ở đây, không được trở lại hội họp với đại chúng Tỳ-kheo, từ nay trở đi ông không phải là Tỳ-kheo nữa."
Ngài đóng cửa, gài chốt then lại, rồi trở về chỗ Đức Phật, cúi đầu sát lạy chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà thưa:
"Vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh; con đã đuổi vị ấy đi rồi. Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát."
Đức Thế Tôn nói:
"Này Đại Mục-kiền-liên, kẻ ngu si sẽ mắc đại tội nếu gây phiền nhiễu cho Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo. Này Đại Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Như Lai ở giữa chúng bất tịnh mà thuyết Tùng giải thoát thì đầu người kia sẽ vỡ thành bảy mãnh. Do đó, này Đại Mục-kiền-liên, từ nay về sau các thầy hãy thuyết Tùng giải thoát, Đức Như Lai không thuyết Tùng giải thoát nữa. Vì sao như thế?[03]
"Vì như vầy, này Đại Mục-kiền-liên, hoặc có người ngu si khi vào lúc ra đều với chánh tri[04]; khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng đều khéo phân biệt quán sát; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn; cầm y, bát chỉnh tề[05]; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng, tợ như bậc Phạm hạnh chân chánh, nhưng hành động của bậc Phạm hạnh chân chánh thì kẻ ấy không biết được.
"Này Đại Mục-kiền-liên, nếu các bậc Phạm hạnh biết được kẻ ấy, sẽ nghĩ rằng: 'Đây là sự ô uế đối với Sa-môn, là sự ô nhục đối với Sa-môn, là sự đáng ghét đối với Sa-môn, là gai nhọn đối với Sa-môn'. Sau khi biết rồi liền cùng nhau tẫn xuất người ấy[06]. Vì sao vậy? Vì không muốn các bậc Phạm hạnh phải bị nhiễm ô.
"Này Đại Mục-kiền-liên, ví như trong ruộng lúa dé, hoặc ruộng lúa tẻ đang tươi tốt của Cư sĩ kia có sanh loại cỏ tên là cỏ uế mạch[07]. Cỏ này có rễ, thân, đốt, lá và hoa thảy đều giống hệt như cây lúa tẻ. Nhưng sau khiù kết hạt thìø người Cư sĩ kia thấy được, liền suy nghĩ rằng: 'Đây là sự ô nhục đối với lúa tẻ, là gai nhọn đáng ghét đối với lúa tẻ'. Sau khi biết rồi, Cư sĩ kia liền nhổ quăng đi hết. Vì sao vậy? Vì không muốn giống lúa tẻ đích thật phải bị ô nhiễm.
"Cũng vậy, này Đại Mục-kiền-liên, hoặc có người ngu si khi vào lúc ra đều với chánh tri; khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng đều khéo phân biệt quán sát; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn, cầm y, bát chỉnh tề; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng, tợ như bậc Phạm hạnh chân chánh, nhưng hành động của bậc Phạm hạnh chân chánh thì kẻ ấy không biết được.
"Này Đại Mục-kiền-liên, nếu các bậc Phạm hạnh biết được kẻ ấy, sẽ nghĩ rằng: 'Đây là sự ô uế đối với Sa-môn, là sự ô nhục đối với Sa-môn, là sự đáng ghét đối với Sa-môn, là gai nhọn đối với Sa-môn'. Sau khi biết rồi liền cùng nhau tẫn xuất người ấy. Vì sao vậy? Vì không muốn các bậc Phạm hạnh phải bị nhiễm ô.
"Này Đại Mục-kiền-liên, vì như đến mùa thu, người Cư sĩ kia đem giê lúa. Từ trên cao, lúa được đổ từ từ xuống. Nếu là hạt lúa chắc thì nằm lại, còn lúa lép hay trấu thì sẽ theo gió bay đi. Sau đó người Cư sĩ kia liền cầm chỗi quét dọn sạch sẽ. Vì sao vậy? Vì không muốn hạt lúa dé chắc thật phải bị ô tạp.
"Cũng vậy, này Đại Mục-kiền-liên, hoặc có người ngu si khi vào lúc ra đều với chánh tri; khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng đều khéo phân biệt quán sát; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn, cầm y, bát chỉnh tề; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng, tợ như bậc Phạm hạnh chân chánh, nhưng hành động của bậc Phạm hạnh chân chánh thì kẻ ấy không biết được.
"Này Đại Mục-kiền-liên, nếu các bậc Phạm hạnh biết được kẻ ấy, sẽ nghĩ rằng: 'Đây là sự ô uế đối với Sa-môn, là sự ô nhục đối với Sa-môn, là sự đáng ghét đối với Sa-môn, là gai nhọn đối với Sa-môn'. Sau khi biết rồi liền cùng nhau tẫn xuất người ấy. Vì sao vậy? Vì không muốn các bậc Phạm hạnh phải bị nhiễm ô.
"Này Đại Mục-kiền-liên, ví như người Cư sĩ kia muốn có nước suối chảy đến nên làm máng dẫn nước. Người ấy cầm búa vào rừng, gõ vào thân các cây. Nếu cây có lõi cứng thì tiếng phát ra nhỏ, còn cây rỗng ruột thì tiếng phát ra lớn. Sau khi biết rõ, người Cư sĩ kia liền chặt cây ấy đem về làm máng dẫn nước.
"Cũng vậy, này Đại Mục-kiền-liên, hoặc có người ngu si khi vào lúc ra đều với chánh tri; khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng đều khéo phân biệt quán sát; nghi dung chững chạc, khoác tăng-già-lê ngay ngắn, cầm y, bát chỉnh tề; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng, tợ như bậc Phạm hạnh chân chánh, nhưng hành động của bậc Phạm hạnh chân chánh thì kẻ ấy không biết được.
"Này Đại Mục-kiền-liên, nếu các bậc Phạm hạnh biết được kẻ ấy, sẽ nghĩ rằng: 'Đây là sự ô uế đối với Sa-môn, là sự ô nhục đối với Sa-môn, là sự đáng ghét đối với Sa-môn, là gai nhọn đối với Sa-môn'. Sau khi biết rồi liền cùng nhau tẫn xuất người ấy. Vì sao vậy? Vì không muốn các bậc Phạm hạnh phải bị nhiễm ô."
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng rằng:
Cùng tập hội, nên biết,
Ác dục, tắng, tật, nhuế[08]
Che giấu, hận, keo kiệt[09],
Tật đố, siễm, khi cuống;
Trong chúng, giả đạo đức;
Lén lút xưng Sa-môn,
Âm thầm làm việc ác;
Ác kiến, không thủ hộ;
Khi dối cùng nói láo.
Nên biết, người như vậy,
Tập chúng đừng cho vào;
Tẫn xuất, không sống chung.
Chúng dối trá, láo khoét;
Chưa ngộ nói đã ngộ.
Biết thời, tu tịnh hạnh,
Đuổi chúng, tránh xa chúng.
Hãy cùng người thanh tịnh,
Sống hòa hợp với nhau;
Như vậy sẽ an ổn,
Và tận cùng sự khổ.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A. Viii.10. Kāraṇḍava-sutta; A, viii.20 Uposatha Biệt dịch, No.64 Chiêm-ba Tỳ-kheo Kinh, Pháp Cự dịch. Tham chiếu kinh số 37 trên.
[02] Xem các cht. liên hệ ở kinh số 37 trên.
[03] Từ đây trở xuống tương đương Pàli A. Viii.10 đã dẫn. Bản Pāli bắt đầu bằng sự kiện hai Tỳ-kheo nói xấu nhau, và khi biết được, Đức Thế Tôn nói như trong bản Hán này.
[04] Chánh tri 正 知, Pāli: sampajāna, biết rõ mình đang làm gì.
[05] Tăng-già-lê cập chư y bát 僧 伽 梨 及 諸 衣 鉢, Pāli: saṅghāṭīpattacīvara, chỉ ba y (gồm tăng-già-lê) và bình bát.
[06] Tẫn khí 擯 棄.
[07] Hán: uế mạch 穢 麥.
[08] Tắng, tật, nhuế 憎 嫉 恚, ghét, ganh tị, thù nghịch.
[09] Bất ngữ kết, hận, xan 不 語 結 恨 慳. Bất ngữ kết, Pāli: makkhā, che giấu tội lỗi.
123. KINH SA-MÔN NHỊ THẬP ỨC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức[02] cũng du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Ám lâm[01]; đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều học tập không ngủ, tinh cần chánh trụ, tu tập đạo phẩm. Khi ấy Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sống một mình nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ: "Nếu có đệ tử nào của Đức Thế Tôn tinh cần học tập pháp luật chân chánh thì ta là người bậc nhất, thế mà tâm vẫn chưa giải thoát được các lậu. Nhà cha mẹ ta cực kỳ phú quý, có nhiều tiền của, nay ta có nên xả giới, bỏ đạo hạnh, chuyên việc bố thí, tu tập các phước nghiệp chăng?"
Bấy giờ Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết rõ tâm niệm của Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức, liền bảo một Tỳ-kheo:
"Ngươi hãy đi đến chỗ kia, gọi Sa-môn Nhị Thập Ức về đây."
Tỳ-kheo ấy bạch:
"Kính vâng."
Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, bước ra, đi đến chỗ Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức nói:
"Đức Thế Tôn cho gọi thầy."
Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức nghe Tỳ-kheo ấy nói, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi một bên. Đức Thế Tôn nói:
"Sa-môn, phải chăng vừa rồi ngươi sống một mình nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ: 'Nếu có đệ tử nào của Đức Thế Tôn tinh cần học tập pháp luật chân chánh thì ta là người bậc nhất, thế mà tâm vẫn chưa giải thoát được các lậu. Nhà cha mẹ ta cực kỳ phú quý, có nhiều tiền của, nay ta có nên xả giới, bỏ đạo hạnh, chuyên việc bố thí, tu tập các phước nghiệp chăng?'"
Khi ấy Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức thẹn thùng xấu hổ, không thể không hoang mang, rằng, "Thế Tôn đã biết rõ tâm niệm của ta", liền chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch rằng:
"Quả thật vậy."
Đức Thế Tôn nói:
"Sa-môn, nay Ta hỏi ngươi; hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý ngươi nghĩ sao, khi ngươi sống tại gia, giỏi đánh đàn cầm nên tiếng đàn hòa điệu với lời ca, lời ca ăn khớp với tiếng đàn; có phải vậy chăng?"
Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức thưa:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
Thế Tôn lại hỏi:
"Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn căng quá thì tiếng hòa âm có đáng ưa không?"
Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:
"Bạch Thế Tôn, không!"
Đức Thế Tôn lại hỏi:
"Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn chùng quá thì tiếng hòa âm có đáng ưa chăng?"
Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
Đức Thế Tôn lại hỏi:
"Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn vừa phải, không căng quá, cũng không chùng quá, thì tiếng đàn có đáng ưa không?"
Sa-môn Nhị Thập Ức đáp:
"Bạch Thế Tôn, đáng ưa."
Đức Thế Tôn nói:
"Cũng vậy, này Sa-môn, quá sức tinh tấn sẽ khiến tâm rối loạn, nhưng chẳng tinh tấn thì tâm sẽ biếng lười. Vì vậy ngươi hãy phân biệt thời gian nào nên quán sát tướng nào, chớ nên buông lung."
Bấy giờ Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sau khi nghe Đức Phật dạy, khéo thọ lãnh, khéo ghi nhớ, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra. Lãnh thọ ví dụ đàn cầm do Đức Phật dạy rồi, liền sống một mình ở nơi xa vắng, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn. Tôn giả ấy sau khi sống một mình ở nơi xa vắng, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, liền đạt được mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, duy chỉ mong thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức đã biết pháp rồi, v.v..., cho đến, chứng quả A-la-hán.
Lúc bấy giờ, sau khi đã chứng quả A-la-hán, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức nghĩ rằng: "Nay đã đến thời, ta có nên đi đến chỗ Đức Thế Tôn trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí của mình chăng?" Rồi thì Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo chứng đắc Vô sở trước[03], dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã giải trừ[04], tự thân đạt được thiện nghĩa[05], bằng chánh trí mà chứng đắc giải thoát, thì tức khắc vị ấy liền vui nơi sáu trường hợp[06]: vui nơi vô dục, vui nơi viễn ly, vui nơi vô tránh, vui nơi ái tận, vui nơi thủ tận, và vui nơi tâm không di động[07].
"Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: 'Hiền giả này do y tín tâm nên vui nơi vô dục'. Người ấy không nên quán như vậy. Chỉ khi nào dứt trừ được tham dục, sân nhuế và ngu si thì mới vui nơi vô dục.
"Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: 'Hiền giả này vì thích được khen ngợi, muốn được cúng dường, cho nên vui nơi viễn ly'. Người ấy không nên quán như vậy. Chỉ khi nào dứt trừ được tham dục, sân nhuế và ngu si thì mới vui nơi viễn ly.
"Bạch Thế Tôn, hoặc có người nghĩ rằng: 'Hiền giả này do y trên giới nên vui nơi vô tránh'. Người ấy không nên quán như vậy. Chỉ khi nào dứt trừ được tham dục, sân nhuế và ngu si thì mới vui nơi vô tránh, vui nơi ái tận, vui nơi thủ tận, và vui nơi tâm không di động.
"Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo chứng đắc Vô sở trước, dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã giải trừ, tự thân đạt được thiện nghĩa, bằng chánh trí mà chứng đắc giải thoát, thì tức khắc vị ấy liền vui nơi sáu trường hợp này.
"Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo tu học tuy chưa đắc ý, mà mong cầu quả vị Niết-bàn an ổn vô thượng, vị ấy lúc bấy giờ chỉ mới thành tựu học căn và học giới, nhưng sau đó sẽ dứt trừ các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Vị ấy lúc bấy giờ đã thành tựu vô học căn và vô học giới.
"Bạch Thế Tôn, ví như một đồng tử thơ ấu, lúc bấy giờ chỉ mới thành tựu tiểu căn và tiểu giới, nhưng sau đó được đầy đủ học căn. Như vậy là đồng tử đó lúc bấy giờ đã thành tựu học căn và học giới. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo tu học tuy chưa đắc ý nhưng mong cầu quả vị Niết-bàn an ổn vô thượng, vị ấy lúc bấy giờ chỉ mới thành tựu học căn và học giới, nhưng sau đó sẽ dứt trừ các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Vị ấy lúc bấy giờ đã thành tựu vô học căn và vô học giới.
"Vị ấy nếu có sắc được nhận thức bởi mắt, khi sắc đó đến với mắt thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này phải bị vong thất, nội tâm được an trụ, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy. Nếu có tiếng được nhận thức bởi tai, hương được nhận thức bởi mũi, vị được nhận thức bởi lưỡi, xúc được nhận thức bởi thân, pháp được nhận thức bởi ý, khi pháp đến với ý thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này phải bị vong thất, nội tâm được an trụ, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy.
"Bạch Thế Tôn, ví như cách thôn không xa, có tòa núi đá lớn, không vỡ, không sứt mẻ, không yếu dòn, vững chắc, không trống hở, là một khối hợp nhất. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Đông đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Đông dời đến phương Nam. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Nam đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Nam dời đến phương Tây. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Tây đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Tây dời đến phương Nam. Nếu có gió, mưa lớn từ phương Bắc đến thì cũng không thể lay chuyển, không thể di động; cũng không phải gió phương Bắc dời đến các phương.
"Cũng vậy, bạch Thế Tôn, vị ấy nếu có sắc được nhận thức bởi mắt, khi sắc đó đến với mắt thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này sẽ bị vong thất, nội tâm được an trụ, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy. Nếu có tiếng được nhận thức bởi tai, hương được nhận thức bởi mũi, vị được nhận thức bởi lưỡi, xúc được nhận thức bởi thân, pháp được nhận thức bởi ý. Khi pháp đó đến với ý thì cũng không vì vậy mà khiến tâm giải thoát, tuệ giải thoát này sẽ bị vong thất, nội tâm được an trú, khéo chế phục, thủ hộ, ghi nhớ và quán pháp hưng suy."
Khi ấy, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức liền nói bài tụng:
Vui nơi vô dục[08],
Thì tâm viễn ly;
Hoan hỷ vô tránh[09],
Hân hoan thủ tận.
Vui nơi thủ tận,
Tâm không di động,
Biết đúng như thật,
Tâm được giải thoát.
Tâm đã giải thoát,
Căn trần tĩnh chỉ[10],
Việc làm đã xong[11],
Không phải làm nữa.
Ví như núi đá,
Gió không lay nổi.
Sắc, thanh, hương, vị,
Thân, xúc cũng vậy;
Pháp ái, bất ái[12],
Không làm động tâm.
Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sau khi đối trước Đức Phật trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.<
Bấy giờ, sau khi Tôn giả Nhị Thập Ức đi ra không bao lâu, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
"Này các thiện nam tử, hãy nên đến trước Ta để trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí như vậy. Hãy như Sa-môn Nhị Thập Ức, đi đến trước Ta trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí mà không khen mình, không khinh người, nói điều nghĩa lợi, hiển hiện pháp tùy theo các trường hợp; chớ nên như kẻ ngu si bị tăng thượng mạn trói buộc, đến trước mặt Ta trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí. Kẻ ấy không đạt được nghĩa lợi, chỉ toàn là sự phiền nhọc. Sa-môn Nhị Thập Ức đi đến trước Ta trình bày về sự chứng đắc cứu cánh trí mà không khen mình, không khinh người, nói điều nghĩa lợi, hiển hiện pháp tùy theo các trường hợp."
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A. Vi.55. Soṇa-sutta; tham chiếu Luật tạng Pāli, Mv.1.1~ 30. Tham chiếu, No.99(254) Tạp A-hàm 9, kinh số 254; No.125(23.3) Tăng Nhất 13, phẩm 23 "Địa Chủ" kinh số 3; Tứ Phần 29, Đại 22 tr.843; Ngũ Phần 21, Đại 22, tr.145.
[02] Sa-môn Nhị Thập Ức 沙 門 二 十 億. Pāli: Soṇa (Koḷivīsa). No.99 (254) và No125 (23.3) dịch là Nhị Thập Ức Nhĩ, do Soṇa được đọc là Sota (lỗ tai); và Koḷi được đọc là koṭi (một ức).
[03] Hán: Tỳ-kheo đắc Vô sở trước 比 丘 得 無 所 著; Pāli: bhikkhu arahaṃ, vị Tỳ-kheo là A-la-hán.
[04] Hán: hữu kết dĩ giải 有 結 已 解; Pāli: parikkhīṇabhavasaṃyojano(tận chư hữu kết), đã diệt tận hoàn toàn các phiền não trói buộc dẫn tới tái sinh.
[05] Hán: tự đắc thiện nghĩa 自 得 善 義, tự mình đã đạt đến mục đích; Pāli: anuppattasadattho (đãi đắc kỹ lợi), đã đạt đến mục đích tối cao, chí thiện.
[06] Hán: lạc thử lục xứ 樂 此 六 處. Pāli: cha thānāni adhimutto, quyết định trong sáu trường hợp.
[07] Vô dục 無 欲, viễn ly 遠 離, vô tránh 無 諍, ái tận 愛 盡, thọ (=thủ) tận 受 盡, tâm bất di động 心 不 移 動. Pāli: nekkhama (xuất gia), paviveka (ẩn dật), abyāpajjha (không não hại, hay không sân nhuế), taṇhākkhayā (đã diệt tận khát ái), upādanakkhaya (đã diệt tận chấp thủ), assammohā (vô si).
[08] Pāli: nekkhamma, xuất ly, xuất gia.
[09] Pāli: avyāpajjha, không não hại, không thù nghịch.
[10] Hán: tức căn 息 根. Pāli: santacitta, tâm tịch tịnh.
[11] Hán: tác dĩ bất quán 作 已 不 觀. Pāli: katassa paṭicayo n'atthi, không có sự làm thêm đối với điều đã làm.
[12] Pāli: iṭṭhā dhammā aniṭṭhā ca, các pháp khả ái và không khả ái.
124. KINH BÁT NẠN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
"Người tu phạm hạnh có tám nạn[02], tám phi thời[03]. Những gì là tám?
"Vào lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu, xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy, thì người ấy lúc bấy giờ đang sanh vào chốn địa ngục. Đó là nạn thứ nhất đối với người tu phạm hạnh.
"Lại nữa, vào lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu, xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy, thì người ấy lúc bấy giờ đang sanh vào loài súc sanh, vào loài ngạ quỷ, sanh vào cõi trời Trường thọ[04], sanh ở xứ biên địa mọi rợ, không tín, vô ân, không biết báo đáp, không có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Đó là nạn thứ năm[05] đối với người tu phạm hạnh.
"Lại nữa, vào lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy, thì bấy giờ người ấy tuy sanh nhằm chốn văn minh[06] nhưng lại điếc, câm, ú ớ như dê kêu[07], dùng tay thay lời, không thể nói nghĩa thiện ác. Đó là nạn thứ sáu, việc phi thời thứ sáu đối với người tu phạm hạnh.
"Lại nữa, vào lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy thì bấy giờ người ấy tuy sanh nhằm chốn văn minh, không điếc, không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, có thể nói nghĩa thiện ác, nhưng lại có tà kiến và điên đảo kiến. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy, 'Không bố thí, không trai tự, không chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo của thiện ác, không có đời này đời khác, không cha không mẹ, ở đời không có bậc chân nhân[08] đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng[09], tự tri, tự giác, tự tác chứng thế giới này và thế giới khác[10], thành tựu an trụ'. Đó là nạn thứ bảy đối với người tu phạm hạnh.
"Lại nữa, vào lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu không xuất hiện ở thế gian, cũng không thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy thì bấy giờ người ấy lại sanh nhằm chốn văn minh, không điếc, không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, lại có thể nói nghĩa thiện ác và có chánh kiến, không có điên đảo kiến. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy, 'Có bố thí, có trai tự, cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo của thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ, ở đời có bậc chân nhân, đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự tác chứng thế giới này và thế giới khác, thành tựu an trụ'. Đó là nạn thứ tám, việc phi thời thứ tám đối với người tu phạm hạnh.
"Người tu phạm hạnh có một điều không nạn, một việc đúng thời. Thế nào là một điều không nạn, một việc đúng thời đối với người tu phạm hạnh? Lúc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu không xuất hiện ở thế gian, cũng không thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo, những điều Thiện Thệ dạy, thì bấy giờ người ấy sanh nhằm chốn văn minh, không điếc, không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, lại có thể nói nghĩa thiện ác, có chánh kiến, không có điên đảo kiến. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy, 'Có bố thí, có trai tự, cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo của thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ, ở đời có bậc chân nhân, đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự tác chứng thế giới này và thế giới khác, thành tựu an trụ'. Đó là điều không tai nạn, việc đúng thời đối với người tu phạm hạnh."
Khi ấy Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:
Nếu được làm thân người,
Pháp được thuyết vi diệu,
Mà không chứng đạo quả,
Tất không phải gặp thời.
Nói nhiều nạn phạm hạnh;
Người ở vào đời sau,
Nếu như gặp phải thời,
Điều quá khó ở đời.
Muốn được lại thân người,
Và nghe pháp vi diệu;
Cần phải siêng năng học;
Mình tự thương mình thôi.
Luận bàn, nghe pháp lành;
Chớ chần chừ lỡ dịp.
Nếu để mất dịp này,
Tất lo đọa địa ngục.
Nếu không sanh gặp thời,
Không được nghe pháp lành;
Như người buôn mất của;
Chịu sanh tử không cùng.
Nếu sanh được thân người,
Được nghe pháp chánh thiện,
Vâng theo Thế Tôn dạy,
Chắc chắn sẽ gặp thời.
Nếu đã gặp thời rồi,
Siêng tu chánh pháp hạnh,
Để tựu thành pháp nhãn,
Đấng Nhật Thân đã nói.[11]
Người ấy thường tự giữ
Tiến lên, lìa các sử,
Đoạn diệt mọi kết sử,
Hàng ma, quyến thuộc ma;
Người ấy vượt thế gian,
Đã diệt tận các lậu.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.8.29 Akkhaṇā. Tham chiếu, No.125 (42.1) Tăng Nhất 36, "phẩm Bát Nạn" kinh số 1.
[02] Bát nạn 八 難. Pāli: atth' akkhaṇā, tám trường hợp không may mắn, không gặp vận, bất hạnh.
[03] Phi thời 非 時. Pāli: asamaya, không đúng lúc, trái thời.
[04] Trường thọ thiên 長 夀 天, chỉ Vô tưởng thiên. Pāli: dīghāyukaṃ devanikāyaṃ.
[05] Trong này kể gồm luôn cả súc sanh (tiracchānayoniṃ), ngạ quỷ (pettivisayaṃ), Trường thọ thiên (dīghāyakaṃ devanikāyaṃ), và biên địa (paccantimesu janapadesu).
[06] Trung Quốc 中 國. Pāli: majjhimesu janapadesu, chỉ những nước ở trung bộ Ấn-độ.
[07] Như dương minh 如 羊 鳴. Pāli: eḷamūga, vừa điếc vừa câm.
[08] Chân nhân 真 人; bản Pāli: samaṇabrāhmaṇā, Sa-môn Bà-la-môn.
[09] Thiện khứ thiện hướng 善 去 善 向. Pāli: sammaggatā sammā paṇipannā, chánh hành, chánh hướng 正 行 正 向, đi đúng hướng, đang hướng thẳng đến Niết-bàn.
[10] Tự tri tự giác... Pāli: ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedeti, những vị tự mình bằng trí tuệ siêu việt đã chứng nghiệm thế giới này và thế giới khác, rồi tuyên bố.
[11] Nhật thân 日 親, bà con của mặt trời, chỉ dòng họ Thích. Pāli: ādiccabandhu.
125. KINH BẦN CÙNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Ở đời, người có tham dục mà lại bần cùng, phải chăng là sự bất hạnh lớn?"
Các Tỳ-kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
"Nếu một người có tham dục, lại bần cùng, lại mang nợ tài vật của người khác. Ở đời, người mang nợ tài vật của người khác, phải chăng là đại bất hạnh?"
Các Tỳ-kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:
"Nếu một người có tham dục, mang nợ tài vật của người khác mà không trả đúng hạn được, cứ hẹn rày, hẹn mai; ở đời cứ khất nợ mãi, phải chăng là đại bất hạnh?"
Các thầy Tỳ-kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
"Nếu một người có tham dục, cứ khất nợ mãi không trả được, chủ nợ đến đòi; ở đời bị chủ nợ đòi, phải chăng là đại bất hạnh?"
Các thầy Tỳ-kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:
"Nếu chủ nợ đến đòi, mà người có tham dục kia không thể trả được, chủ nợ cứ đến đòi mãi; ở đời bị chủ nợ đòi mãi, phải chăng là đại bất hạnh?"
Các thầy Tỳ-kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:
"Nếu chủ nợ cứ đòi mãi, nhưng kẻ tham dục kia vẫn không thể trả được, liền bị chủ nợ bắt trói lại; ở đời bị chủ nợ bắt trói lại, phải chăng là đại bất hạnh?"
Các thầy Tỳ-kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
"Đó là, ở đời, người có tham dục lại bần cùng là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục vay nợ tài vật của người khác là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục vay nợ tài vật của người khác mà khất mãi là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ đòi nợ là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ đòi mãi là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ bắt trói là đại bất hạnh. Cũng vậy, nếu ai đối với Thánh pháp mà không tin ở thiện pháp, không giữ cấm giới, không nghe nhiều, không bố thí, không trí tuệ; đối với thiện pháp, dù có nhiều kim ngân, lưu ly, thủy tinh, ma ni, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đại môi xa cừ, bích ngọc, xích thạch, tuyền châu, nhưng người ấy vẫn là kẻ nghèo nàn cô thế. Như vậy, trong Thánh pháp của Ta, gọi là sự bần cùng, bất thiện.
"Kẻ ấy thân làm việc ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác, như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự vay nợ bất thiện.
"Kẻ ấy muốn che giấu việc làm ác của thân, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị quở trách, không ưa theo điều phải. Muốn che giấu lời nói ác, ý nghĩ ác, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị khiển trách, không ưa theo điều phải, như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự khất nợ bất thiện.
"Kẻ ấy hoặc sống trong thôn ấp hay ở ngoài thôn ấp, các người phạm hạnh thấy được bèn nói như thế này: 'Này chư Hiền, người này làm như thế, hành vi như thế, ác như thế, bất tịnh như thế. Đó là cái gai của thôn ấp'. Kẻ ấy liền bào chữa, 'Này chư Hiền, tôi không làm như vậy, không có hành vi như vậy, không ác như vậy, không bất tịnh như vậy, cũng không phải là cái gai của thôn ấp'. Như thế, trong Thánh pháp của Ta gọi là sự đòi nợ bất thiện.
"Kẻ ấy hoặc ở rừng vắng, hoặc ở núi non, dưới gốc cây, hoặc ở chỗ vắng vẻ, nhưng vẫn niệm tưởng ba việc bất thiện: dục, nhuế, hại. Như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự không ngớt đòi nợ bất thiện.
"Kẻ ấy thân đã làm việc ác, miệng đã nói lời ác và ý đã nghĩ điều ác. Do đó, kẻ ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sanh vào chỗ ác, sanh trong địa ngục. Như thế, trong Thánh pháp của Ta gọi là sự trói buộc của bất thiện.
"Ta không thấy có sự trói buộc nào đau khổ bằng, nặng nề bằng, tàn khốc bằng, khó yêu nổi bằng sự trói buộc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ba sự trói buộc đau khổ này chỉ có bậc Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận mới biến tri và diệt tận, nhổ phăng cội rễ, vĩnh viễn không còn tái sanh."
Rồi Đức Thế Tôn nói tụng rằng:
Kẻ nghèo khổ ở đời
Vay nợ của người khác;
Đã vay tiền của rồi,
Mắc nợ người là khổ.
Chủ nợ đến đòi nợ,
Nhân đấy bắt trói lại;
Bị trói thật khổ thay,
Thế gian vẫn lạc dục.
Trong Thánh pháp cũng vậy;
Nếu không có chánh tín,
Không tàm và không quý,
Thân làm điều bất thiện,
Miệng ý chẳng kém gì,
Che giấu không nói ra,
Không ưa lời dạy phải,
Giả sử có tu hành,
Tâm niệm cho là khổ,
Hoặc thôn hay chỗ vắng,
Nhân đó sanh hối hận.
Các việc thân, miệng gây,
Và những điều ý nghĩ,
Ác nghiệp cứ tăng dần,
Quen làm lại làm nữa,
Tạo ác mãi không thôi.
Làm nhiều bất thiện rồi,
Thọ sanh đã đến lúc,
Tất bị trói địa ngục.
Buộc ràng quá khổ này,
Bậc Đại Hùng đã thoát.
Đúng pháp thu tiền tài,
Không nợ nần, an ổn.
Bố thí được hoan hỷ
Cả hai[02] đều có lợi;
Các Cư sĩ theo đây,
Do trí, phước tăng mãi.
Trong Thánh pháp cũng vậy,
Nếu có thành tín vững,
Đầy đủ đức tàm quý,
Rộng rãi không keo kiệt,
Dứt lìa năm triền cái,
Thường ưa hành tinh tấn,
Thành tựu các thiền định,
Chuyên nhất, tâm tĩnh lạc[03].
Niềm vui không tài sản[04],
Cũng như nước tắm trong;
Bất động tâm giải thoát[05],
Trừ sạch các hữu kết.
Không bệnh là Niết-bàn;
Đó là đèn vô thượng,
Vô ưu, vô nhiễm lạc[06],
Gọi là không di động.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli, A. 6. 45. Dāliddiya (iṇasutta).
[02] Hạnh phúc trong đời này (diṭṭhadhamomahitatthāya) và an lạc trong đời sau (samparāyasukhāya).
[03] Mãn cụ thường khí lạc 滿 具 常 棄 樂. Pāli: ekodi nipako sato, chuyên nhất, cẩn thận, có chánh niệm.
[04] Vô thực lạc 無 食 樂. Pāli: nirāmisam sukham, sự an lạc không do vật chất.
[05] Bất động tâm giải thoát 不 動 心 解 脫. Pāli: akuppā me vimuttī.
[06] Vô trần an 無 塵 安. Pāli: virajam khema, sự an ổn không dính bụi.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.72.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập