Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 34 »»

Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 34

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.55 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.69 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trung A Hàm

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

11. PHẨM ÐẠI
136. KINH THƯƠNG NHÂN CẦU TÀI[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo[02]:
"Thuở xưa, tại châu Diêm-phù, có một số đông thương nhân cùng nhau tụ tập tại nhà khách buôn. Họ suy nghĩ như vầy: "Chúng ta hãy dong một chiếc thuyền đi biển[03] mà vào biển lớn, tìm kiếm tài bảo mang về cung cấp những chi dụng trong gia đình."
Họ lại suy nghĩ rằng: "Này các bạn, việc đi biển không thể biết trước là an ổn hay không an ổn. Vậy mỗi người trong chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, tức là gồm túi bằng da dê đen[04], trái bầu lớn và mững bè."
Sau đó mỗi người trong bọn họ đều chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè rồi đi vào biển cả.
"Khi họ đi vào biển cả, vua cá là Ma-kiệt[05] phá vỡ chiếc thuyền ấy. Các thương nhân này mỗi người đều tự nương vào các dụng cụ làm phao nổi như túi bằng da dê đen, trái bầu lớn hay mững bè, rồi trôi đi về các phía.
"Lúc bấy giờ, từ phía Đông cửa biển ngọn gió lớn trỗi dậy, thổi các thương nhân tấp vào bờ biển Tây. Nơi ấy, họ gặp một bọn con gái rất mỹ lệ, đoan chánh, trang sức thân thể bằng tất cả các loại trang sức. Bọn con gái ấy thấy rồi, bèn nói:
"Xin kính chào các bạn! Xin đón mừng các bạn. Nơi đây là chỗ rất diệu hảo, cực kỳ khoái lạc. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi và nằm, nào là rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, xích thạch, toàn châu; tất cả đều dành cho các bạn. Hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc. Mong các thương nhân châu Diêm-phù không đi về phương Nam, dù trong chiêm bao.
"Bọn thương nhân ấy đều cùng với những người đàn bà này vui chơi hoan lạc. Rồi bọn thương nhân ấy vì cùng với những người đàn bà này hiệp hội mà sanh ra con trai hoặc con gái.
"Về sau, châu Diêm-phù có một thương nhân có trí tuệ, sống cô độc tại một nơi thanh vắng mà nghĩ rằng: 'Vì lý do gì bọn đàn bà này ngăn cản chúng ta không cho đi về phương Nam? Chúng ta nên canh chừng người đàn bà sống chung; khi biết nó đã ngủ, ta lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam'.
"Thương nhân trí tuệ ở châu Diêm-phù ấy sau đó canh chừng người đàn bà sống chung. Khi biết nó đã ngủ, bèn lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam. Thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù ấy khi đi về phương Nam, từ xa nghe có tiếng kêu réo vang dậy, tiếng nhiều người la khóc áo não, hoặc kêu gọi cha mẹ, hoặc réo vợ réo con và nhớ thương bạn bè thân thích, rằng 'Châu Diêm-phù tốt đẹp, an ổn khoái lạc, không còn thấy nữa'. Thương nhân này rất sợ hãi, lông tóc dựng ngược, nghĩ rằng: 'Mong cho loài người và loài phi nhân không quấy rầy ta'.
"Rồi một thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù tự kềm chế sự sợ hãi, tiếp tục đi lần về phương Nam. Một thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù kia khi đi lần về phương Nam bỗng thấy có một tòa đại thiết thành. Sau khi thấy bèn tìm khắp nhưng không thấy cửa, cho đến một chỗ đủ để con mèo chui ra cũng không. Thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù ấy thấy phía Bắc của thiết thành có một lùm cây to lớn sum suê bèn đi đến lùm cây đại thọ ấy, chậm chạp leo lên cao. Leo lên rồi, hỏi đám đông:
"Này các bạn, các bạn vì cớ gì khóc la áo não, kêu cha gọi mẹ, réo vợ réo con, nhớ thương bạn bè thân thích rằng châu Diêm-phù tốt đẹp, an ổn khoái lạc không còn thấy nữa?
"Khi ấy đám đông đáp:
"Này bạn, chúng tôi là thương nhân ở châu Diêm-phù, đều cùng nhau tụ tập tại nhà khách buôn rồi nghĩ rằng 'Chúng ta hãy dong một chiếc thuyền đi biển mà vào biển lớn tìm kiếm tài bảo mang về cung cấp những chi dụng trong gia đình'. Này bạn, chúng tôi lại nghĩ rằng 'Này các bạn, việc đi biển không thể biết trước là an ổn hay không an ổn. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, tức là gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè'. Này bạn, sau đó chúng tôi mỗi người đều chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè rồi đi vào biển cả. Khi chúng tôi ở giữa biển, ngư vương Ma-kiệt phá vỡ chiếc thuyền ấy. Này bạn, bọn thương nhân chúng tôi mỗi người tự nương vào các dụng cụ làm phao nổi như túi bằng da dê đen, trái bầu lớn hay mững bè rồi trôi đi về các phía. Lúc bấy giờ, từ phía Đông bờ biển, ngọn gió lớn trỗi dậy thổi bọn thương nhân chúng tôi tấp vào bờ bể phía Tây. Nơi ấy gặp một bọn con gái rất mỹ lệ, đoan chánh, trang sức thân thể bằng tất cả các loại trang sức. Bọn con gái ấy thấy rồi bèn nói rằng 'Xin kính chào các bạn. Nơi đây là chỗ rất diệu hảo, cực kỳ khoái lạc; nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi, nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, vàng bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu; tất cả đều dành cho các bạn. Hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc. Mong các thương nhân châu Diêm-phù không đi về phương Nam, dù trong chiêm bao'. Này bạn, chúng tôi cùng với những người vợ này vui chơi hoan lạc. Chúng tôi nhân vì cùng với những người vợ này hiệp hội mà sanh ra con trai hoặc con gái. Này bạn, những người đàn bà ấy nếu không nghe châu Diêm-phù có bọn thương nhân khác ở giữa biển mà ngư vương Ma-kiệt phá vỡ thuyền thì họ cùng chúng tôi tôi vui chơi hoan lạc. Này bạn, những người đàn bà ấy nếu nghe châu Diêm-phù có bọn thương nhân khác ở giữa biển mà ngư vương Ma-kiệt phá vỡ thuyền, liền ăn thịt chúng tôi. Chúng tôi gặp phải sự bức bách. Nếu khi ăn thịt người mà còn thừa tóc, lông, móng, răng thì bọn đàn bà ấy lấy ăn hết. Nếu khi ăn thịt người, có máu huyết nhỏ xuống đất, bọn đàn bà ấy liền lấy móng tay đào sâu xuống đất bốn tấc, lấy mà ăn. Này bạn, nên biết, chúng tôi là những thương nhân ở châu Diêm-phù, trước kia có năm trăm người, trong số đó bị ăn thịt hết hai trăm năm mươi người, còn lại hai trăm năm mươi người, nay đều ở trong thiết thành lớn này. Này bạn, bạn chớ có tin lời của bọn đàn bà ấy. Chúng không phải thật là người, chính là quỷ La-sát vậy'.
"Bấy giờ thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù từ trên cây đại thọ thong thả leo xuống, trở ra đường cũ trở về chỗ sống chung với người đàn bà kia. Khi biết người đàn bà ấy còn ngủ say, ngay trong đêm đó, thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù tức tốc trở lại chỗ ở của các thương nhân châu Diêm-phù, nói rằng:
"Các người hãy đến đây. Chúng ta hãy đến một nơi vắng vẻ, mỗi người đi một mình, chớ đem con cái theo. Hãy cùng nhau đến chỗ kín đáo, vì có điều cần bàn luận.
"Bọn thương nhân châu Diêm-phù cùng đi đến một nơi vắng vẻ, mỗi người đi một mình, không đem theo con cái. Khi ấy, thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù nói:
"Các bạn thương nhân, khi tôi sống cô độc tại một nơi thanh vắng mà nghĩ rằng: 'Vì lý do gì bọn đàn bà này ngăn cản chúng ta không cho đi về phương Nam? Chúng ta nên canh chừng người đàn bà sống chung; khi biết nó đã ngủ, ta lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam'.
"'Rồi thì, tôi sau đó canh chừng người đàn bà sống chung. Khi biết nó đã ngủ, bèn lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam. Tôi khi đi về phương Nam, từ xa nghe có tiếng kêu réo vang dậy, tiếng nhiều người la khóc áo não, hoặc kêu gọi cha mẹ, hoặc réo vợ réo con và nhớ thương bạn bè thân thích, rằng 'Châu Diêm-phù tốt đẹp, an ổn khoái lạc, không còn thấy nữa'. Tôi nghe thế rất sợ hãi, lông tóc dựng ngược, nghĩ rằng: 'Mong cho loài người và loài phi nhân không quấy rầy ta'.
"'Rồi tôi tự kềm chế sự sợ hãi, tiếp tục đi lần về phương Nam. Tôi khi đi lần về phương Nam bỗng thấy có một tòa đại thiết thành. Sau khi thấy bèn tìm khắp nhưng không thấy cửa, cho đến một chỗ đủ để con mèo chui ra cũng không. Tôi thấy phía Bắc của thiết thành có một lùm cây to lớn sum suê bèn đi đến lùm cây đại thọ ấy, chậm chạp leo lên cao. Leo lên rồi, hỏi đám đông rằng:
"–Này các bạn, các bạn vì cớ gì khóc la áo não, kêu cha gọi mẹ, réo vợ réo con, nhớ thương bạn bè thân thích rằng châu Diêm-phù tốt đẹp, an ổn khoái lạc không còn thấy nữa?'
"'Khi ấy đám đông đáp rằng 'Này bạn, chúng tôi là thương nhân ở châu Diêm-phù, đều cùng nhau tụ tập tại nhà khách buôn rồi nghĩ rằng 'Chúng ta hãy dong một chiếc thuyền đi biển mà vào biển lớn tìm kiếm tài bảo mang về cung cấp những chi dụng trong gia đình'. Này bạn, chúng tôi lại nghĩ rằng 'Này các bạn, việc đi biển không thể biết trước là an ổn hay không an ổn. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, tức là gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè'. Này bạn, sau đó chúng tôi mỗi người đều chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ làm phao nổi trên biển, gồm túi bằng da dê đen, trái bầu lớn và mững bè rồi đi vào biển cả. Khi chúng tôi ở giữa biển, ngư vương Ma-kiệt phá vỡ chiếc thuyền ấy. Này bạn, bọn thương nhân chúng tôi mỗi người tự nương vào các dụng cụ làm phao nổi như túi bằng da dê đen, trái bầu lớn hay mững bè rồi trôi đi về các phía. Lúc bấy giờ, từ phía Đông bờ biển, ngọn gió lớn trỗi dậy thổi bọn thương nhân chúng tôi tấp vào bờ biển phía Tây. Nơi ấy gặp một bọn con gái rất mỹ lệ, đoan chánh, trang sức thân thể bằng tất cả các loại trang sức. Bọn con gái ấy thấy rồi bèn nói rằng 'Xin kính chào các bạn. Nơi đây là chỗ rất diệu hảo, cực kỳ khoái lạc; nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi, nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, vàng bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu; tất cả đều dành cho các bạn. Hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc. Mong các thương nhân châu Diêm-phù không đi về phương Nam, dù trong chiêm bao'. Này bạn, chúng tôi cùng với những người vợ này vui chơi hoan lạc. Chúng tôi nhân vì cùng với những người vợ này hiệp hội mà sanh ra con trai hoặc con gái. Này bạn, những người đàn bà ấy nếu không nghe châu Diêm-phù có bọn thương nhân khác ở giữa biển mà ngư vương Ma-kiệt phá vỡ thuyền thì họ cùng chúng tôi tôi vui chơi hoan lạc. Này bạn, những người đàn bà ấy nếu nghe châu Diêm-phù có bọn thương nhân khác ở giữa biển mà ngư vương Ma-kiệt phá vỡ thuyền, liền ăn thịt chúng tôi. Chúng tôi gặp phải sự bức bách. Nếu khi ăn thịt người mà còn thừa tóc, lông, móng, răng thì bọn đàn bà ấy lấy ăn hết. Nếu khi ăn thịt người, có máu huyết nhỏ xuống đất, bọn đàn bà ấy liền lấy móng tay đào sâu xuống đất bốn tấc, lấy mà ăn. Này bạn, nên biết, chúng tôi là những thương nhân ở châu Diêm-phù, trước kia có năm trăm người, trong số đó bị ăn thịt hết hai trăm năm mươi người, còn lại hai trăm năm mươi người, nay đều ở trong thiết thành lớn này. Này bạn, bạn chớ có tin lời của bọn đàn bà ấy. Chúng không phải thật là người, chính là quỷ La-sát vậy'.'
"Khi ấy, các thương nhân châu Diêm-phù hỏi thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù rằng:
"Này bạn, sao bạn không hỏi đám đông người kia như vầy 'Này các bạn, có phương tiện nào khiến chúng tôi và các bạn từ nơi này an ổn về đến châu Diêm-phù?'
"Thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù đáp:
"Này các bạn, khi ấy tôi quên không có hỏi như vậy.
"Rồi các thương nhân châu Diêm-phù nói rằng:
"Này bạn, bạn hãy trở về đến chỗ sống chung với người đàn bà ấy, rồi canh chừng khi nó đang ngủ hãy lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam, lại đến chỗ đông người kia hỏi rằng 'Này các bạn, có phương tiện nào khiến chúng tôi và các bạn từ đây mà an ổn về đến châu Diêm-phù?'
"Khi ấy, thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù im lặng nhận lời các thương nhân.
"Lúc bấy giờ thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù trở lại chỗ sống chung với người đàn bà ấy, dò xét thấy nó đang ngủ bèn lặng lẽ chỗi dậy, rồi lén đi về phương Nam, lại đi đến chỗ đông người kia hỏi rằng:
"Này các bạn, có phương tiện nào khiến chúng tôi và các bạn từ đây mà an ổn về đến châu Diêm-phù chăng?
"Đám đông kia đáp rằng: Này bạn, hoàn toàn không có phương tiện nào khiến chúng tôi và các bạn từ đây mà an ổn về đến châu Diêm-phù. Này bạn, tôi đã nghĩ rằng 'Chúng ta hãy đào phá vách tường này mà trở về chốn cũ'. Vừa nghĩ như thế, bức tường này lại cao gấp bội bình thường. Này bạn, thế là phương tiện này khiến chúng ta không thể từ đây mà an ổn về đến châu Diêm-phù được. Chúng ta hoàn toàn không có cách nào. Này bạn, chúng tôi nghe trên không trung nói rằng: Bọn thương nhân châu Diêm-phù ngu si bất định cũng không khéo hiểu biết. Vì sao? Vì không thể vào ngày mười lăm là ngày nói Tùng giải thoát giới mà đi về phương Nam. Nơi ấy có Mao mã vương[06] ăn gạo trắng tự nhiên, an ổn khoái lạc, các căn sung mãn, ba lần xướng lên rằng 'Ai muốn qua bờ bên kia? Ai muốn nhờ ta được giải thoát? Ai muốn nhờ ta đưa từ đây đến châu Diêm-phù an ổn?' Các người hãy đến Mao mã vương mà nói rằng 'Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia. Mong giải thoát chúng tôi! Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn về đến châu Diêm-phù' Này bạn, đó là phương tiện khiến các người từ đây an ổn mà về đến châu Diêm-phù. Này thương nhân, hãy đến chỗ Mao mã vương kia mà nói rằng 'Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia. Mong giải thoát chúng tôi. Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn trở về châu Diêm-phù'.
"Khi ấy, thương nhân trí tuệ châu Diêm-phù nói:
"Này các thương nhân, mong sao[07] tới lúc đi đến chỗ Mao mã vương mà nói: 'Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia. Mong giải thoát chúng tôi. Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn trở về châu Diêm-phù'. Các thương nhân tùy theo ý của chư Thiên. Này các thương nhân, nếu như vào ngày mười lăm là ngày thuyết Tùng giải thoát, Mao mã vương ăn gạo trắng tự nhiên, an ổn khoái lạc, các căn sung mãn, ba lần xướng lên rằng 'Ai muốn được đưa qua bờ bên kia? Ai muốn nhờ ta được giải thoát? Ai muốn nhờ ta đưa từ đây an ổn về tới châu Diêm-phù?' Bấy giờ chúng ta hãy đến chỗ kia mà nói rằng 'Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia? Mong giải thoát chúng tôi. Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn về tới châu Diêm-phù'.
"Khi ấy, Mao mã vương, vào ngày mười lăm kế đó, là ngày thuyết Tùng giải thoát, ăn gạo trắng tự nhiên, an ổn khoái lạc, các căn sung mãn ba lần xướng lên rằng:
"Ai muốn được đưa qua bờ bên kia? Ai muốn nhờ ta được giải thoát? Ai muốn nhờ ta đưa từ đây an ổn về tới châu Diêm-phù?
"Khi những thương nhân châu Diêm-phù nghe xong, liền đi đến chỗ của Mao mã vương nói:
"Chúng tôi muốn được đưa qua bờ bên kia! Mong giải thoát chúng tôi! Mong đưa chúng tôi từ đây an ổn về đến châu Diêm-phù!
"Bấy giờ Mao mã vương nói: Này các thương nhân, các đàn bà kia sẽ bồng con cùng nhau đến đây mà nói rằng 'Này các bạn, xin mời các bạn trở về đây. Nơi đây là chỗ rất diệu hảo, cực kỳ khoái lạc. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền của như kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu; tất cả dành cho các bạn. Hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc. Giả sử không cần đến chúng tôi thì nên thương nghĩ đến con trẻ'. Nếu các thương nhân kia nghĩ rằng 'Ta có con trai, con gái. Ta có nơi cực lạc, tối diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu...' thì họ dù có cỡi trên lưng ta, chắc sẽ bị ngã lộn xuống, rồi rơi xuống nước và sẽ bị bọn đàn bà ăn thịt, sẽ gặp sự bức bách. Nếu khi ăn thịt người mà còn sót tóc, lông, móng, răng thì bọn họ sẽ lấy ăn hết. Lại nữa, nếu khi ăn có máu huyết nhỏ xuống đất, bọn đàn bà lấy móng tay đào sâu xuống đất bốn tấc, lấy mà ăn. Nếu các thương nhân kia không nghĩ rằng 'Ta có con trai, con gái. Ta có nơi cực lạc, tối diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu...' thì họ dù chỉ nắm một sợi lông trong thân ta, chắc sẽ được an ổn về đến châu Diêm-phù."
"Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Bọn đàn bà kia bồng con đến màø nói rằng 'Này các bạn, xin mời các bạn trở về đây. Nơi đây là chốn cực lạc, rất là diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu... tất cả dành cho các bạn, hãy cùng chúng tôi vui chơi hoan lạc'. Nếu thương nhân kia nghĩ rằng 'Ta có con trai, con gái. Ta có nơi cực lạc, tối diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu...' thì họ dù cỡi trên chỗ cao nhất nơi lưng của Mao mã vương, chắc chắn sẽ bị ngã lộn xuống, rơi xuống nước, liền bị bọn đàn bà ăn thịt, sẽ gặp bước đường rất là bức bách. Nếu khi ăn thịt người mà còn sót tóc, lông, móng, răng thì bọn họ sẽ lấy ăn hết. Lại nữa, nếu khi ăn có máu huyết nhỏ xuống đất, bọn đàn bà ấy liền lấy móng tay đào xuống đất bốn tấc, lấy mà ăn. Nếu các thương nhân kia không nghĩ rằng 'Ta có con trai, con gái. Ta có nơi cực lạc, tối diệu hảo. Nào là vườn tược, ao tắm, những chỗ ngồi nằm, rừng cây, hoa cỏ um tùm và lại có nhiều tiền tài, kim ngân, thủy tinh, lưu ly, ma ni, chơn châu, bích ngọc, bạch kha, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, đại mạo, xích thạch, toàn châu...' thì họ dù chỉ một sợi lông nơi thân Mao mã vương, chắc chắn được an ổn về đến châu Diêm-phù.
"Này các Tỳ-kheo, Ta nói ví dụ này là muốn cho biết nghĩa. Ví dụ ấy là nói nghĩa này:
"Pháp của Ta được thuyết giảng khéo léo, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn không trống, không khuyết, cũng như cầu, bè, các dụng cụ làm phao nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời, người.
"Pháp của Ta được khéo giảng thuyết như vậy, phơi bày sâu rộng như vậy, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết như vậy, cũng như cầu, bè, các dụng cụ làm phao nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người, đối với pháp ấy, nếu có Tỳ-kheo nào nghĩ rằng 'Con mắt là ta; ta sở hữu con mắt. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý là ta; ta sở hữu ý'; Tỳ-kheo ấy chắc chắn sẽ bị hại, giống như bọn thương nhân bị quỷ La-sát ăn thịt.
"Pháp của Ta được giảng thuyết khéo léo, phơi bày sâu rộng như vậy, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết như vậy, cũng như cầu, bè, các dụng cụ làm phao nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nào nghĩ rằng 'Mắt không phải là ta. Ta không sở hữu con mắt. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý không phải là ta. Ta không sở hữu con mắt'; Tỳ-kheo ấy chắc chắn được an ổn. Ví như thương nhân cỡi trên Mao mã vương an ổn mà giải thoát nạn.
"Pháp của Ta khéo nói, khéo giảng thuyết như vậy, phơi bày sâu rộng như vậy, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết như vậy, cũng như cầu, bè, các dụng cụ làm phao nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nào nghĩ rằng: 'Sắc là ta. Ta sở hữu sắc. Thanh, hương, vị, xúc và pháp là Ta. Ta sở hữu pháp'; Tỳ-kheo ấy chắc chắn sẽ bị hại, giống như bọn thương nhân bị quỷ La-sát ăn thịt.
"Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu các Tỳ-kheo nào nghĩ rằng 'Sắc không phải là ta. Ta không sở hữu sắc. Thanh, hương, vị, xúc và pháp không là Ta. Ta không sở hữu pháp', Tỳ-kheo ấy chắc chắn được an ổn, giống như thương nhân kia cỡi trên Mao mã vương mà an ổn được thoát nạn.
"Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nghĩ rằng 'Sắc ấm là ta. Ta sở hữu sắc ấm. Thọ, tưởng, hành, và thức ấm là ta. Ta sở hữu thức ấm'; Tỳ-kheo ấy chắc chắn sẽ bị hại, giống như thương nhân bị quỷ La-sát ăn thịt.
"Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nghĩ rằng 'Sắc ấm không là ta. Ta không sở hữu sắc ấm. Thọ, tưởng, hành, và thức ấm không là ta. Ta không sở hữu thức ấm', Tỳ-kheo ấy chắc chắn được an ổn, giống như thương nhân cỡi trên Mao mã vương mà an ổn thoát nạn.
"Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nghĩ rằng 'Đất là ta. Ta sở hữu đất. Cho đến nước, lửa, gió, không và thức[08] là ta. Ta sở hữu thức', Vị Tỳ-kheo kia chắc chắn bị hại, giống như thương nhân bị quỷ La-sát ăn thịt.
"Pháp của Ta khéo nói, phơi bày sâu rộng, khéo giữ gìn, không trống, không khuyết, ví như chiếc cầu nổi, được lưu bố cùng khắp đến cả trời người. Nếu có Tỳ-kheo nghĩ rằng 'Đất là không ta. Ta không sở hữu đất. Cho đến nước, lửa, gió, không và thức không là ta. Ta không sở hữu thức', vị Tỳ-kheo kia chắc chắn được an ổn, giống như thương nhân nhờ ngồi trên lưng Mao mã vương đưa đến chỗ an lành."
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:
Phật thuyết Chánh pháp luật;
Nếu có kẻ không tin,
Người ấy chắc bị hại
Như bị La-sát thịt.
Phật thuyết Chánh pháp luật;
Nếu có kẻ kính tin,
Người ấy được an ổn,
Như nương Mao mã vương.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 34. Tương đương Pāli, JĀ.196 Valāhassa (Vân mã). Biệt dịch, No.125 (45.1) Tăng Nhất Phẩm 45 Kính 1. Tham chiếu, No.190 Phật Bản Hạnh Tập Kinh, Tùy, Xà-na-quật-đa dịch (Đại 3, tr.883b); No.152 Lục Độ Tập Kinh, Khang Tăng Hội dịch (Đại 3 tr.19c, 33b).
[02] No.125 (45.1) bắt đầu với sự kiện: một người Bà-la-môn mang mộït người con gái dâng cho Phật, Đức Phật khước từ. Một vị trưởng lão Tỳ-kheo cố gắng thuyết phục Phật chấp nhận. Do đó Ngài nói câu chuyện tiền thân này.
[03] Hán: hải trang thuyền 海 裝 船.
[04] Hán: cổ dương 羖 羊.
[05] Ma-kiệt ngư vương 摩 竭 魚 王, hay nói là Ma-già-đà ngư vương 摩 伽 陀 魚 王 dịch là cá kình (Phiên Phạn Ngữ 7), hoặc cự ngao (Tuệ Uyển Âm Nghĩa, hạ). Pāli: makara, một loại cá voi trong huyền thoại.
[06] Mao mã vương [馬+毛] 馬 王 Pāli: valāhassa (vân mã), giống ngựa lông dài có thể lướt mây bay đi.
[07] Bản Nguyên: linh 令; các bản khác: kim 今.
[08] Bốn đại chủng, cùng với hư không và thức, được kể là sáu giới (dhātu).
137. KINH THẾ GIAN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
"Như Lai đã tự mình giác ngộ về thế gian và cũng nói lại cho người khác. Như Lai biết[02] thế gian. Như Lai tự giác ngộ về sự tập khởi của thế gian và cũng nói lại cho người khác. Như Lai đoạn trừ thế gian tập. Như Lai tự giác ngộ sự diệt tận của thế gian và cũng nói cho người khác. Như Lai chứng ngộ thế gian diệt. Như Lai tự giác ngộ đạo tích[03] của thế gian và cũng nói cho người khác. Như Lai tu thế gian đạo tích.
"Nếu có tất cả những gì cần đuơc hiểu biết một cách toàn diện[04], tất cả những gì điều đó Như Lai đã biết, thấy, giác, ngộ, chứng đắc. Vì sao vậy? Như Lai từ đêm chứng ngộ Vô thượng chánh đẳng chánh giác cho đến ngày hôm nay vào lúc ban đêm sẽ đi vào tịch diệt trong Vô dư Niết-bàn giới[05]; trong khoảng thời gian giữa đó, nếu những gì được nói ra, được ứng đối từ chính miệng của Như Lai, tất cả những điều ấy đều là chắc thật, không hư vọng, không ra ngoài sự Như[06], cũng không phải là điên đảo. Đó là sự chắc thật, là sự chân thật.
"Nếu nói về sư tử như thế nào, thì hãy nói về Như Lai cũng như vậy. Vì sao vậy? Như Lai ở giữa đại chúng nếu có giảng thuyết thì đó chính là tiếng rống của Sư tử[07].
"Đối với tất cả thế gian, Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ trời đến người, Như Lai là Phạm Hữu[08]. Như Lai là Bậc Chí Lãnh[09] vì không phiền cũng không nhiệt. Như Lai là Bậc Chân Thật không hư vọng[10]."
Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ:
Biết tất cả thế gian;
Ra khỏi mọi thế gian;
Thuyết tất cả thế gian;
Trọn thế gian như thật[11]
Đấng Tối Tôn Đại Hùng
Giải thoát mọi triền phược,
Diệt tận hết thảy nghiệp,
Sanh tử đều giải thoát.
Là trời cũng là người,
Thảy đều quy mạng Phật.
Cúi đầu lễ Như Lai,
Đại dương sâu vô cực.
Chư Thiên, thần Hương âm[12],
Kính lạy Đấng Đã Biết.
Chúng sanh trong tử sanh,
Đều cúi đầu quy phục,
Cúi đầu lễ Trí sĩ;
Quy mạng Đấng Thượng Nhân;
Không trần lụy, vô ưu,
Vô ngại, các giải thoát;
Vì vậy, hãy vui thiền,
Sống viễn ly tịch tịnh.
Hãy tự mình đốt đèn,
Vì Như Lai khó gặp[13].
Không gặp thời Như Lai,
Đời sống trong địa ngục.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi Phật thuyết, hoan hỷ phụng hà nh.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.4.23 Loka-sutta; tham chiếu It. 112 Loka.
[02] Bốn Thánh đế, tri khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo.
[03] Đạo tích 道 跡; Pāli: paṭipāda, phương pháp, hay đường lối thực hành.
[04] Nhất thiết tận phổ chánh hữu 一 切 盡 普 正 有 (?) Có lẽ là (…) chánh tri, thay vì chánh hữu. Tham chiếu Pāli: yam… sadevakassa lokassa… sadevamanussasāya diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññataṃ pattaṃ pariyesitaṃ anuvicaritaṃ manasā sabbaṃ taṃ tathāgatena abhisaṃbuddhaṃ, thế giới này bao gồm Thiên giới, cho đến, chư Thiên và nhân loại, những gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết đến, được đạt đến, được tầm cầu, được suy xét bởi ý; tất cả những cái ấy đều được Như Lai giác ngộ.
[05] Vô dư Niết-bàn giới 無 餘 涅 槃 界. Pāli: anupādisesā nibbānadhātu.
[06] Bất ly ư như 不 離 於 如. Pāli nói: sabbaṃ tam tatheva hoti, no aññathā, tất cả những điều ấy chính thực là như vậy, không thể khác.
[07] Pāli khác hẵn: nói như vậy thì cũng làm như vậy (...) cho nên gọi là Như Lai. Yathāvādī tathākārī (...) tathāgato vuccati.
[08] Phạm Hữu 梵 有được hiểu là "Bậc Tối Diệu" (Pāli: Brahmabhūta, S.IV. Pp-95, M.I. P.111), không được đề cập trong bản Pāli.
[09] Chí lãnh hữu 至 冷 有, cực kỳ mát lạnh, vì đã dập tắt các thứ lửa. Pāli:?
[10] Chân đế bất hư hữu 真 諦 不 虛 有, không rõ Pāli. Đoạn văn Pāli được coi tương đương: (…) Tathāgato abhibhū anabhibhūti aññadṛatthudaso vasavattī, Như Lai là Vị chiến thắng, Vị không thể bị đánh bại, là Vị thấy tất cả, biết tất cả, tự do tự tại.
[11] Pāli: sabhaṃ loke yathātatham, (biết) tất cả thế gian một cách như thật.
[12] Hương âm thần 香 音 神, hay nhạc thần, hay Càn-thát-bà; Pāli: Gandhabba.
[13] Vô ngã tất thất thời 無 我 必 失 時.
138. KINH PHƯỚC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
"Đừng sợ hãi phước[02] mà hãy có ý niệm yêu thích. Vì sao vậy? Vì những gì được gọi là phước thì cũng nói là lạc. Sự sợ hãi đối với phước là không có ý niệm yêu thích. Vì sao vậy? Những gì là phi phước được nói là khổ.
"Ta nhớ lại trong thời quá khứ, lâu dài tác phước, lâu dài thọ báo mà ý niệm yêu thích. Thời quá khứ Ta hành từ tâm trong bảy năm mà trải qua bảy lần kiếp thành và kiếp hoại, không tái sanh trong thế gian này. Nếu thời kiếp hoại, Ta sanh lên cõi trời Hoảng dục[03]. Trong thời kiếp thành, Ta tái sanh trở xuống trong cung điện trống không của Phạm thiên và là Đại Phạm thiên trong cõi Phạm thiên đó.
"Trong những trường hợp khác, ta trải qua một ngàn lần làm Tự Tại Thiên vương, ba mươi sáu lần làm Thiên Đế Thích và vô lượng lần làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh.
"Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn được phủ những đồ cưỡi rất đẹp; dùng các báu bạch châu lạc[04] trang sức, phủ lên voi chúa đầu đàn Vu-sa-hạ[05].
"Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn con ngựa được phủ lên các thứ đồ cưỡi đẹp. Dùng các báu vàng, bạc, dao lạc để trang sức cho ngựa đầu đàn là ngựa Mao[06].
"Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, trang sức bằng bốn cánh, dùng da vằn quý báu đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo, dệt thành đủ loại màu sắc xen lẫn trang sức cho cỗ xe dẫn đầu chạy rất nhanh chóng tên là xe Nhạc thanh[07].
"Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn thành lớn, giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, lấy vương thành Câu-xá-hòa-đề[08] làm đầu.
"Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngôi lầu; có bốn loại lầu báu, làm bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; đứng đầu là Chánh pháp điện[09].
"Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngự tòa; bốn loại tòa báu, bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; trải lên bằng các thứ nệm, chiếu dệt bằng lông năm sắc, phủ lên bằng những gấm, the, sa trun, lụa là; có chăn nệm lót, hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương[10].
"Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn chiếc áo song y, áo sơ-ma[11], áo gấm, áo lụa, áo kiếp bối, áo gia-lăng-già-ba-hòa-la.
"Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn người nữ, thân thể nõn nà, sạch sẽ sáng sủa, sắc đẹp hơn người, không thua chư Thiên, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng sinh ưa thích, trang điểm bằng các thứ vật báu, anh lạc; tất cả đều thuộc dòng Sát-lợi. Ngoài ra, những người thuộc dòng khác thì nhiều vô số.
"Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn món ăn, ngày đêm thường dọn ra cho Ta ăn.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn món ăn kia, có một món hết sức ngon, sạch sẽ, có vô lượng mùi vị, là món Ta thường ăn.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn người nữ kia có một người thuộc dòng Sát-lợi, đoan chánh đẹp đẽ khác thường, hầu hạ Ta.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn song y kia có một chiếc áo song y, hoặc là áo sơ ma, hoặc áo gấm, hoặc áo lụa, hoặc áo kiếp-bối[12], hoặc áo gia-lăng-già-ba-hòa-la là Ta thường mặc.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngự tòa kia, có một ngự tòa làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh; đồ trải lên thì dùng những tấm nệm, những chiếc chiếu dệt bằng lông năm sắc; đồ phủ lên thì dùng gấm, the, sa trun, lụa là, có chăn nệm lót, hai đầu để gối, có trải thảm quý bằng da sơn dương, là Ta thường nằm.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn lầu quán kia, có một lầu quán làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh, tên là Chánh pháp điện, là nơi Ta thường ở.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thành lớn kia, có một thành giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, gọi là thành Câu-xá-hòa-đề là chỗ ta thường ở.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe kia, có một cỗ được dùng da đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo dệt thành, màu sắc xen kẽ để trang hoàng, chạy rất nhanh chóng, tên là xe Nhạc thanh, Ta thường ngồi lên, đi đến các lầu quán để ngắm nhìn các vườn tược.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa kia có một con màu xanh biếc, đầu như chim, gọi là ngựa Mao, là Ta thường cưỡi, đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.
"Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn kia, có một thớt toàn thân trắng toát, bảy chi thảy đều ngay thẳng, gọi là voi Chúa Vu-sa-hạ, là Ta thường cưỡi đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.
"Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ: 'Đó là nghiệp quả gì, là nghiệp báo gì, mà ngày nay Ta có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần?'
"Này Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: 'Đó là ba nghiệp quả, là ba nghiệp báo, khiến ta ngày nay có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần: một là bố thí, hai là điều phục, ba là thủ hộ'."
Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ:
Quán sát phước báo này,
Diệu thiện, nhiều ích lợi.
Tỳ-kheo, Ta quá khứ
Bảy năm tu từ tâm;
Bảy kiếp thành, kiếp hoại,
Không tái sinh cõi này.
Lúc thế gian hủy hoại,
Ta sanh trời Hoảng dục.
Lúc thế gian chuyển thành,
Ta sanh vào Phạm thiên;
Ở đó, Ta Đại phạm.
Nghìn sanh, Tự Tại thiên;
Ba sáu lần Đế thích;
Vô lượng trăm Đảnh vương.
Sát-lợi Đảnh Sanh vương,
Tối tôn trong loài người[13].
Đúng pháp, không dao gậy,
Thống trị cả thiên hạ.
Đúng pháp, không dối trá[14]
Chánh an lạc, dạy dân.
Đúng pháp, lần lượt truyền,
Khắp tất cả cõi đất.
Chỗ giàu sang, nhiều của,
Sanh vào chủng tộc ấy;
Lúa gạo thảy tràn đầy'
Thánh tựu bảy trân bảo.
Do các phước lớn ấy,
Chỗ sanh đều tự tại.
Chư Phật ngự thế gian,
Những điều Phật ấy dạy;
Biết điều này kỳ diệu,
Thấy thần thông không ít.
Ai biết mà không tin,
Như vậy sanh trong tối.
Vì vậy hãy vì mình
Mong cầu đại phước hựu.
Hãy cung kính Chánh pháp;
Thường niệm Pháp Luật Phật.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tham chiếu Pāli A.7.58 Pacala (ngủ gục), đoạn cuối.
[02] Pāli: mā bhikkhave puññānaṃ bhāyittha, sukkhass'etaṃ bhikkhave adhivacanaṃ, yad idaṃ puññaun ti, "đừng sợ phước; đồng nghĩa với lạc, đó là phước".
[03] Hoảng dục thiên tức Quang âm thiên hay Cực quang thiên; Pāli: Ābhassara.
[04] Bạch châu lạc 白 珠 珞.
[05] Vu-sa-hạ tượng vương 于 娑 賀 象 王. Pāli: Uposathanāgarāja.
[06] Mao mã vương [馬+毛] 馬 王. Pāli: Valāhaka-assarāja.
[07] Nhạc thanh xa 樂 聲 車. Pāli: Vejayanta-ratha, cỗ xe (= cung điện) Chiến thắng.
[08] Câu-xá-hòa-đề 拘 舍 惒 提. Pāli: Kusāvati.
[09] Chánh pháp điện 正 法 殿. Pāli: Dhammapāsāda.
[10] Hán dịch: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na 加 陵 伽 波 惒 邏 波 遮 悉 多 羅 那. Pāli: kadalimigapavara-pacchattharaṇa, thảm lông bằng da sơn dương cực quý.
[11] Sơ-ma y 初 摩 衣; Pāli: khoma-pilotikā, vải lanh.
[12] Kiếp-bối y 劫 貝 衣. Pāli: kappāsika, vải bông (gòn).
[13] Pāli: Muddhābhisitto khattiyo manussādhipatī, làm vua Đảnh Sanh, thuộc dòng Sát-lợi, là bậc Nhân chủ.
[14] Như pháp bất gia uổng 如 法 不 加 抂. Pāli: asāhasena dhammena, đúng theo pháp chứ không cưỡng chế.
139. KINH TỨC CHỈ ĐẠO[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
"Tỳ-kheo niên thiếu vừa mới thành tựu giới hãy thường xuyên đi đến một nghĩa địa[02] mà quán sát các tướng trạng tử thi: tướng xương, tướng xám xanh, tướng rữa nát, tướng bị thú ăn, tướng bộ xương khô. Vị ấy sau khi ghi nhận kỹ những tướng trạng tử thi này rồi trở về trụ xứ của mình, rửa sạch tay chân, trải ni-sư-đàn trên giường, ngồi kiết già và suy niệm về các tướng trạng này: tướng xương, tướng xám xanh, tướng rữa nát, tướng bị thú ăn, tướng những đốt xương dính liền. Vì sao vậy? Nếu Tỳ-kheo tu tập bằng các tướng trạng này sẽ đoạn trừ nhanh chóng những bệnh tham dục, sân nhuế trong tâm."
Rồi Đức Thế Tôn nói bài tụng này:
Những niên thiếu Tỳ-kheo,
Chưa đạt thành niệm trụ[03]
Hãy đến bãi tha ma
Để trừ dâm dục ý.
Để tâm không hận thù,
Thương yêu cả chúng sanh,
Tràn đầy khắp mọi phương.
Hãy quán sát thân thể,
Quán sát tướng xám xanh
Và rữa nát, hư hoại;
Quán sâu, quạ rỉa thân,
Xương phơi bày từng đốt.
Tu tập những tướng này,
Rồi trở về trụ xứ,
Gội rửa sạch chân tay,
Trải giường ngồi ngay thẳng;
Hãy quán sát như chân,
Trong thân và ngoài thân,
Chứa đầy đại tiểu tiện;
Tim, thận, gan và phổi,
Nếu khi đi trì bình[04]
Đến nơi thôn ấp người,
Như tướng mang giáp trụ,
Hãy chánh niệm trước mắt.
Nếu thấy sắc khả ái
Tinh sạch, liên hệ dục;
Thấy vậy quán như chân,
Chánh niệm pháp luật Phật.
Trong đây không xương, gân,
Không thịt, cũng không máu;
Không thận, tim, gan, phổi;
Không đàm, giải, não, óc,
Địa đại thảy đều không;
Thủy đại cũng bất thực;
Hỏa đại cũng là không;
Phong đại cũng chẳng thực.
Nếu có cảm thọ nào,
Tinh sạch liên hệ dục,
Tất cả đều lắng tịnh;
Quán sát bằng thật tuệ.
Như vậy tinh cần hành.
Thường niệm bất tịnh tưởng;
Đoạn trừ dâm, nộ, si,
Vô minh cũng dứt tuyệt;
Hưng khởi thanh tịnh minh,
Tỳ-kheo vượt khổ tế.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tham chiếu Sn.(1.11) Vijiya-sutta và đối chiếu kinh số 98 trên.
[02] Tức chỉ đạo 息 止 道. Pāli: Sīvathikā.
[03] Nguyên Hán: ý chỉ 意 止. Pāli: satipaṭṭhāna.
[04] Phân vệ 分 衛, phiên âm. Pāli: piṇḍapāta.
140. KINH CHÍ BIÊN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Trong sự nuôi sống, thấp kém nhất, cùng biên nhất, đó là đi khất thực. Thế gian rất húy kỵ, gọi là "đầu trọc, tay ôm bình bát bước đi." Nhưng thiện nam tử ấy vì mục đích mà chấp nhận. Lý do vì sao? Vì nhàm tởm, ghê sợ sự sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, khóc than, ưu khổ, áo não; hoặc để đạt đến biên tế của toàn vẹn khối lớn đau khổ này. Các ngươi há không phải với tâm như vậy mà xuất gia học đạo chăng?"
Các Tỳ-kheo bạch rằng:
"Thật sự như vậy."
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
"Người ngu si kia, với tâm như vậy mà xuất gia học đạo, nhưng lại sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn.
"Cũng như người dùng mực để giặt những đồ bị mực dính dơ; lấy máu rửa máu, lấy dơ chùi dơ, lấy bẩn trừ bẩn, lấy phân trừ phân, chỉ tăng thêm ô uế mà thôi; bỏ chỗ mờ mịt để vào chỗ mờ mịt, bỏ chỗ tối tăm để vào chỗ tối tăm. Ta nói người ngu si kia giữ giới Sa-môn cũng lại như vậy, nghĩa là nó sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn.
"Cũng như đống tro tàn giữa những que củi tàn thiêu xác người trong rừng vắng. Núi rừng không cần đến nó, thôn ấp cũng không dùng đến nó. Ta nói người ngu si giữ giới Sa-môn cũng lại như vậy, nghĩa là nó sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn."
Rồi Thế Tôn nói bài tụng:
Người ngu muội hỏng đời dục lạc,
Và hư luôn mục đích Sa-môn.
Đạo và tục cả hai đều mất,
Như tro tàn theo ngọn lửa tàn.
Như thể giữa khu rừng hoang vắng,
Xác người thiêu còn lại tro tàn;
Dù thôn ấp, núi rừng, vô dụng;
Người tham mê dục vọng không hơn.
Đạo và tục cả hai đều mất,
Như tro tàn theo ngọn lửa tàn.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tham chiếu Pāli, It. 91. Jīvita; S. 22. 80 Piiḍo. Tham chiếu Hán, No.765 (2.32) Bản Sự Kinh, phẩm 2 kinh 32.
141. KINH DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.
"Cũng như làm ruộng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới làm được ruộng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.
"Cũng như hạt giống, các loại hạt giống[02], các loại thảo mộc[03], trăm giống lúa, cây thuốc được phát sanh, trưởng dưỡng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới được sanh trưởng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.
"Cũng như trong các căn hương[04], trầm hương[05] là tối đệ nhất. Cũng như trong các thọ hương[06], xích chiên-đàn[07] là tối đệ nhất. Cũng như trong các hoa dưới nước, hoa sen xanh là tối đệ nhất. Cũng như trong các hoa trên đất, hoa Tu-ma-na[08] là tối đệ nhất. Cũng như trong các dấu chân của loài thú, thì tất cả đều nhập vào trong dấu chân voi; dấu chân voi gồm chứa hết là bậc nhất; dấu chân voi ấy là tối đệ nhất, vì rất rộng, rất lớn. Cũng như thế, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.
"Cũng như trong các loài thú, Sư tử vương là tối đệ nhất. Ví như khi các trận cùng đấu chiến nhau thì yếu thệ[09] là thứ nhất. Cũng như các đòn tay của lầu gác, tất cả đều y cứ trên đòn dông[10], thiết lập trên dông, được duy trì bởi đòn dông, đòn dông là bậc nhất vì duy trì tất cả. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.
"Cũng như trong các ngọn núi, Tu di sơn vương là bậc nhất. Cũng như trong các dòng suối, biển lớn thu nhập nước, biển lớn là bậc nhất. Cũng như trong các loại đại thân[11], A-tu-la vương là thứ nhất. Cũng như trong các loại chiêm thị[12], Ma vương là thứ nhất. Cũng như trong các loại hành dục, Đảnh sanh vương là thứ nhất. Cũng như trong các Tiểu vương, Chuyển luân vương là bậc nhất. Cũng như giữa các vì tinh tú trong hư không, mặt trăng là bậc nhất. Cũng như trong các loại vải lụa, lụa trắng tinh là thứ nhất. Cũng như trong các loại ánh sáng, ánh sáng của trí tuệ là thứ nhất. Cũng như trong các chúng hội, chúng đệ tử của Như Lai là bậc nhất. Cũng như trong các pháp hữu vi và vô vi, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn là bậc nhất. Cũng như trong các loài chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân; sắc, vô sắc, có tưởng, không tưởng, cho đến phi hữu tưởng, phi vô tưởng, trong đó Như Lai là bậc nhất, là tối đại, là tối thượng, là tối cao, là tối tôn, là tối diệu.
"Cũng như do bò mà có sữa; nhân sữa có tô; nhân tô có sanh tô; nhân sanh tô có thục tô; nhân thục tô có tô tinh; tô tinh là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối, là thắng, là tôn, là diệu. Cũng như thế, trong các loài chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, cho đến phi hữu tưởng, phi vô tưởng, trong đó Như Lai là bậc nhất, là tối đại, là tối thượng, là tối cao, là tối thắng, là tối tôn, là tối diệu."
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:
Những ai mong tài vật,
Tốt đẹp, tăng tiến nhiều,
Khen ngợi không phóng dật
Sự, vô sự, đều tỏ[13].
Những ai không phóng dật,
Lợi nghĩa cả hai đời;
Đời này khéo thu hoạch;
Và đời sau thu hoạch.
Và thu hoạch đời này
Dũng mãnh quán các nghĩa
Kẻ trí tất giải thoát.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tham chiếu Pāli S.3.2(7-8) Appamāda-sutta; S.45.140.148. Padam. Tham chiếu Hán No.99 (1239), 100 (66), No.765 (1.12) Bản Sự Kinh, Huyền Tráng dịch.
[02] Chủng tử thôn 種 子 村. Pāli: bījagāma, loại hạt giống; chỉ các thực vật thuộc nhóm gieo hạt.
[03] Nguyên Hán: quỷ thần thôn 鬼 神 村. Pāli: bhūta-gāma, chỉ các loại cây trồng, đối lập với chủng tử thôn, xem cht. trên.
[04] Căn hương 根 香; hương liệu lấy từ rễ cây.
[05] Trầm hương 沈 香; trong bản Pāli: kāḷānusāriya, hương chiên-đàn đen.
[06] Thọ hương 樹 香; hương liệu lấy từ thân cây.
[07] Xích chiên-đàn 赤 栴 檀;Pāli: lohita-candana, chiên-đàn đỏ.
[08] Tu-ma-na hoa 須 摩 那 華; Pāli: sumana, duyệt ý hoa.
[09] Yếu thệ 要 誓, No.100 (66) nói: ai xông lên trước là bậc nhất.
[10] Thừa duyên lương 承 椽 梁, đòn dông. Pāli: gopānasī. No.100 (66): trong tất cả lầu các, cao-ba-na-tả (gopānasī) là tối đệ nhất.
[11] Đại thân 大 身, thân hình to lớn đồ sộ.
[12] Chiêm thị 瞻 侍; bản Thánh: chiêm đặc 特. Không rõ.
[13] Sự vô sự tuệ thuyết 事 無 事 慧 說.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đức Phật và chúng đệ tử


Sống đẹp giữa dòng đời


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Sen búp dâng đời

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.143.45 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập