Cho dù các bạn gặp nhau trong bối cảnh như thế nào, chúng tôi tin là các
bạn vẫn còn giữ được ít nhiều những ấn tượng khó phai của một thuở ban
đầu. Trong hầu hết các trường hợp thường gặp, tình yêu luôn phát triển
từ tình bạn. Chúng ta đến với nhau từ ngày quen biết ban đầu như những
người bạn, và rồi có những điểm nhất định nào đó – đôi khi không dễ nói
ra hết được – lôi cuốn chúng ta trở thành đôi bạn ngày càng thân thiết
gắn bó hơn, cho đến một ngày kia...
Chúng tôi không biết là thiên tình sử của riêng bạn có thể khác đi như
thế nào, nhưng nếu chấp nhận một điểm chung nhất cho hầu hết mọi quan hệ
hôn nhân thì có lẽ đó là sự khởi đầu từ tình bạn. Tuy nhiên, một trong
những điều vô lý thường gặp nhất là hầu hết chúng ta không mấy khi nghĩ
về tình bạn ấy khi đã sống với nhau như vợ chồng.
Có lẽ cần nói thêm đôi điều ở đây để làm cho nhận xét này trở nên rõ
ràng hơn. Có những khác biệt nhất định giữa tình bạn với tình yêu, cũng
như với quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, những khác biệt đó thật ra là một
sự hàm chứa theo từng mức độ phát triển tình cảm, mà không phải là sự
triệt tiêu. Nói cách khác, trong tình yêu có hàm chứa tình bạn, và trong
quan hệ vợ chồng tất nhiên là bao hàm cả tình yêu và tình bạn. Vấn đề
nghe có vẻ đơn giản nhưng lại rất ít khi được chúng ta quan tâm đúng
mức.
Tâm lý thông thường là khi đã sống chung với nhau, chúng ta thường đánh
mất đi rất nhiều điểm tốt đẹp trước đây trong tình bạn. Điều này có
những lý do của nó. Khi các bạn thực sự đã dành trọn cho nhau cả tinh
thần lẫn vật chất, cả tình cảm lẫn thể xác, các bạn thường tự cho là
mình có quyền bỏ qua đi những điều nhỏ nhặt. Tuy nhiên, thật không may
là những điều nhỏ nhặt lại không thực sự nhỏ nhặt trong ý nghĩa là chúng
có thể góp phần tạo ra những ấn tượng không tốt về nhau.
Khi một người bạn đề nghị giúp đỡ và chúng ta không thể đáp ứng lời đề
nghị đó, chúng ta thường cảm thấy muốn giải thích rõ lý do để tạo sự cảm
thông, cũng như bày tỏ sự hối tiếc của mình về việc đã không giúp được.
Bạn có thường làm thế với vợ hoặc chồng của mình không? Nếu bạn cũng
giống như đa số người khác, tôi e là không. Điều đó khá dễ hiểu, chúng
ta mặc nhiên cho rằng vợ hoặc chồng của mình hẳn là đã hiểu được điều đó
mà không cần phải giải thích. Hoặc đơn giản hơn nữa, chúng ta cho rằng
có những chuyện quan trọng khác cần làm hơn là dành thời gian để giải
thích với vợ hoặc chồng mình; bởi vì bạn nghĩ rằng cho dù có hay không
có một sự giải thích như thế thì cũng sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra cả.
Nói cho cùng, đã sống chung cùng nhau thì việc gì phải quan tâm đến
những điều vụn vặt quá kia chứ?
Khi một người bạn bày tỏ với chúng ta một mong ước hoặc một dự tính
tương lai nào đó, chúng ta thường bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ, ít nhất
là về mặt tinh thần. Bạn có thường làm thế với vợ hoặc chồng của mình
không? Hay bạn sẽ làm giống như nhiều người khác là liên hệ ngay những
mong ước hoặc dự tính ấy với hoàn cảnh gia đình để rồi nhanh chóng đưa
ra những ý kiến phản bác, như thể là nếu không thì cô ấy (hay anh ấy) sẽ
thực hiện ngay những điều đó trong nay mai!
Khi một người bạn làm giúp chúng ta một phần công việc nào đó, chúng ta
cảm thấy cần phải bày tỏ sự biết ơn của mình bằng cả lời nói lẫn việc
làm. Bạn có thường làm thế với vợ hoặc chồng của mình không? Nếu bạn
cũng như bao nhiêu người khác, bạn sẽ mặc nhiên xem đó như một trong
những đóng góp chung vào cuộc sống gia đình và do đó không cần thiết
phải bày tỏ sự biết ơn. Cô ấy giặt quần áo giúp bạn? Chuyện tất nhiên.
Anh ấy đón bạn ở sở làm và đưa về nhà? Chuyện tất nhiên. Cô ấy quán
xuyến công việc nhà và coi sóc con cái để bạn có thể đi chơi với bạn bè
trọn ngày chủ nhật? Cũng là chuyện tất nhiên. Vân vân và vân vân...
Trong thực tế, những cách suy nghĩ như trên chỉ là theo quán tính và
hoàn toàn không hợp lý. Chỉ cần bạn thay đổi nhận thức và ứng xử khác
đi, bạn sẽ thấy ngay tác dụng hoàn thiện của nó trong quan hệ gia đình.
Trong cả ba trường hợp nêu trên, nếu bạn ứng xử như những người bạn tốt
với nhau, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự hài lòng của vợ hoặc chồng mình, và
điều đó cũng có nghĩa là quan hệ giữa hai người được cải thiện đáng kể.
Khi vợ bạn bày tỏ mong ước về một chuyến du lịch vịnh Hạ Long chẳng hạn,
phản ứng tâm lý đầu tiên của bạn thường là liên tưởng ngay đến chi phí
của một chuyến đi như thế, cùng với thu nhập hiện tại của gia đình và
bao nhiêu những khoản chi tiêu cần thiết khác. Và thế là bạn đưa ra một
loạt những lý do để biện bác và nói cho cô ấy biết ngay là một mong ước
như thế không thực tế, không thể thực hiện được... Cách khôn ngoan hơn
không phải là như thế. Một mong ước chỉ là mong ước, và trong chừng mực
đó nó không có gì là sai trái. Bạn có thể chân thành bày tỏ sự tán thành
theo một cách nào đó, bởi vì tự thân bạn chắc chắn cũng có những niềm
mong ước nào đó tương tự như vậy. Bạn không cần phải bận tâm về việc
giải thích tính khả thi của vấn đề, bởi vì tự cô ấy cũng có thể nhận
biết được điều đó. Vấn đề không phải là niềm mong ước đó có trở thành
hiện thực hay không, mà là ở chỗ bạn có chân thành cảm thông và chia sẻ
hay không. Điều đó có ý nghĩa lớn hơn trong quan hệ tình cảm giữa hai
người.
Điều cần nhắc lại ở đây là, những cung cách ứng xử tốt đẹp với nhau
tương tự như thế thật ra hoàn toàn không phải là những bài học mới. Bạn
đã thừa biết trong quan hệ giữa bạn bè với nhau. Tuy nhiên, điểm mấu
chốt của vấn đề là ở chỗ bạn không thường áp dụng chúng trong quan hệ vợ
chồng. Đó là điều không hợp lý, và chính sự không hợp lý đó là một trong
những nguyên nhân dẫn đến sự cạn kiệt dần chất liệu nuôi dưỡng tình yêu
đôi lứa trong cuộc sống vợ chồng.
Điều cần nhớ là, tình yêu phải hàm chứa cả tình bạn trong nó. Và trước
khi là một đôi vợ chồng tốt, các bạn nhất thiết phải là đôi bạn rất tốt
của nhau. Trong quan hệ vợ chồng, hãy nhớ đừng bao giờ đối xử với nhau
kém hơn là những người bạn tốt!