Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Này Hiền Hộ! Lúc đó, Ta cũng thọ ký cho người kia sau này sẽ thành Phật, hiệu là Ðức Quang Như Lai với mười danh hiệu. Ngày nay đệ tử của Ta, Ma Ha Ca Diếp, Bồ Tát Ðế Thích Ðức, Thiên tử Thiện Ðức, cùng với vô số chúng Bồ Tát, đã từng tu tam muội này, và đã chứng đắc. Sao gọi là chứng đắc? Tức là chứng nhập Không tam muội.
Này Hiền Hộ! Ta nhớ lại kiếp xưa có đức Phật Thế Tôn, hiệu là Tu Ba Nhật. Thuở ấy, có một người đi đến nơi hoang dã, bị đói khát khổ nhọc bức bách, mệt lã ngủ mơ, thấy có đủ những món ăn cao lương mỹ vị, liền vội dùng, rồi không còn bị đói khát nữa, nhưng lúc tỉnh dậy thì vẫn bị đói khát. Vì vậy, gã đó suy nghĩ: “Các pháp đều là không, chẳng thật, giống như những việc đã thấy trong mộng vốn chẳng phải thật”. Nhờ quán chiếu như thế nên liễu ngộ pháp Vô Sanh Nhẫn, được đạo Bồ Ðề vô thượng chánh đẳng chánh giác không thối chuyển.
Cũng như thế, này Hiền Hộ! Có Bồ Tát dù tại gia hay xuất gia, nghe có chư Phật ở chỗ nào, liền hướng về nơi đó mà chí tâm đảnh lễ, chân thành khát ngưỡng muốn thấy vị Phật kia, rồi tinh tấn chuyên nhất suy tư như thế, lại phải nên quán sát sắc tướng của Phật như thế, cũng lại quán tưởng hình ảnh đó như hư không, mà thành tựu pháp quán tưởng hư không; được trụ trong chánh tư duy như thế; trụ trong chánh tư duy xong, được thấy hào quang của đức Phật kia, trong suốt như lưu ly, thân tướng đoan chánh như cột vàng ròng. Cách quán niệm đó được thấy đức Như Lai như thế.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Ví như có người đột nhiên từ quê hương mình mà bỏ đi sang xứ khác. Tuy ở xứ người, nhưng thường nghĩ nhớ về nơi chốn sanh ra, thấy hiểu như thế, nghe như thế, nhớ nghĩ như thế, hiểu rõ như thế. Nhớ nghĩ đã lâu, nên trong giấc mộng thấy rõ tự thân đang ở quê nhà, và sự nghe biết cũng như xưa. Lúc đó, người này bàn điềm mộng với bà con quyến thuộc rằng: “Tôi thấy như vầy, nghe như vầy, làm ăn như vầy, được lợi lạc như vầy”.
Cũng như thế, này Hiền Hộ! Có Bồ Tát tại gia hay xuất gia, nếu từ người khác mà nghe có đức Phật Thế Tôn ở phương hướng nào, thì hướng về nơi đó, chí tâm đảnh lễ muốn thấy đức Phật kia, chánh niệm lòng không tạp loạn; nhờ niệm nhớ mà thấy sắc tướng của đức Phật kia, hoặc như lưu ly, hoặc như sắc vàng ròng.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Giống như tỳ kheo tu quán bất tịnh, thấy xác tử thi mới đã biến dạng, hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đen, hoặc đỏ, hoặc có lúc trương phình, hoặc đã sình thúi máu mủ chảy tràn lan, loài trùng ăn thịt tử thi đến lúc chỉ còn bộ xương trắng tuếch như đá ngọc, cho đến quán tưởng xương cốt tan rã, mà bộ xương cốt đó không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu, chỉ do tâm tạo, trở lại thấy tự tâm.
Cũng như thế, này Hiền Hộ! Nếu chư Bồ Tát muốn thành tựu tam muội Niệm Phật Hiện Tiền, thì tùy theo phương hướng, trước hết khởi niệm muốn thấy đức Phật kia, rồi tùy theo sự quán niệm mà thấy đức Như Lai. Vì sao? Do nhờ duyên theo tam muội này mà được thấy đức Như Lai. Ðược thấy Phật có ba nhân duyên, tức là nhờ duyên vào tam muội này, nhờ sự gia trì của đức Phật đó, căn lành của họ đã thuần thục. Ðầy đủ ba nhân duyên đó thì sẽ thấy rõ đức Phật Như Lai kia.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Như người ở tuổi xuân xanh diệu mạo đoan chánh, muốn xem hình tướng đẹp xấu liền đổ đầy dầu xanh vào bồn, hoặc dùng nước trong, hoặc lấy thủy tinh, hoặc cầm gương sáng, rồi dùng bốn vật đó mà xem gương mặt, đẹp xấu, hiền dữ, đều hiện trong đó phân minh rõ ràng.
Này Hiền Hộ! Ý ông nghĩ sao? Gương mặt hiện trong bốn đồ vật nước dầu xanh, nước trong, thủy tinh, và gương sáng, là có trước chăng?
Bồ Tát Hiền Hộ thưa:
-Dạ thưa, không phải.
-Như vậy gương mặt hiện trong những đồ vật đó vốn là không chăng?
-Dạ thưa, không phải.
-Gương mặt có ở trong các đồ vật đó chăng?
-Dạ thưa, không phải.
-Vậy ở ngoài chăng?
-Dạ thưa, không phải. Bạch đức Thế Tôn! Bốn vật, nước dầu, nước trong, thủy tinh, chiếc gương sáng sạch không dơ không bẩn, mà khi soi thì gương mặt hiện trong đó, nhưng gương mặt chẳng phải có từ trong đó, cũng chẳng phải có từ nơi khác, chẳng tự nhiên mà có, chẳng do người khác tạo ra. Nên biết rằng gương mặt đó không từ đâu đến, và cũng không có chỗ đi, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng có nơi chốn.
-Này Hiền Hộ! Ðúng như thế, đúng như thế! Như lời ông nói, nhờ có các đồ vật thanh tịnh và hình sắc của người đó rõ ràng, nên gương mặt tự hiện mà chẳng dùng nhiều công sức. Bồ Tát cũng như thế, nhất tâm khéo suy tư thấy đức Phật kia, thấy rồi liền trụ lại, trụ lại rồi thỉnh hỏi nghĩa lý, được giải thích nên hoan hỷ, rồi lại suy gẫm: “Ðức Phật này từ đâu đến, mà thân tôi lại từ đâu hiện ra?” Quán chiếu đức Như Lai rốt ráo không đến từ đâu và không đi về đâu. Thân của mình cũng như thế, không có chỗ xuất ra, thì nói gì có chỗ trở về? Người đó nên tư duy như thế này: “Nay trong ba cõi, chỉ có tâm. Vì sao? Tùy theo tâm niệm, trở lại tự thấy tâm. Nay tôi từ tâm thấy Phật. Tâm tôi làm Phật. Tâm tôi là Phật. Tâm tôi là Như Lai. Tâm tôi là thân tôi. Tâm tôi thấy Phật. Tâm chẳng biết tâm. Tâm chẳng thấy tâm. Tâm có ý tưởng thì thành tâm sanh tử. Tâm không ý tưởng thì là Niết Bàn. Các pháp chẳng thật, do tư tưởng mà khởi ra. Cái bị tưởng đã diệt thì tâm hay tưởng cũng là không.
Hiền Hộ ông nên biết rằng chư Bồ Tát nhờ tam muội này mà chứng đạo đại Bồ Ðề. Phẩm Tam Muội Hạnh Thứ Hai
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo đại Bồ Tát Hiền Hộ:
-Này Hiền Hộ! Nếu chư Bồ Tát có đầy đủ bốn hạnh pháp, thì sẽ đắc được tam muội hiện tiền. Bốn hạnh pháp đó là gì?
Thứ nhất là tín tâm bất hoại.
Thứ hai là tinh tấn chẳng phá được.
Thứ ba là trí huệ thù thắng.
Thứ tư là gần gũi thiện tri thức.
Này Hiền Hộ! Ðó gọi là Bồ Tát đầy đủ bốn pháp thì đắc được tam muội hiện tiền.
Này Hiền Hộ! Ðại Bồ Tát lại có bốn pháp, hay đầy đủ hạnh, tức khéo thành tựu tam muội hiện tiền. Bốn pháp đó là gì?
Thứ nhất là chẳng có ý tưởng chúng sanh ngay trong một sát na.
Thứ hai là chẳng ngủ nghỉ suốt ba tháng.
Thứ ba là suốt ba tháng đi kinh hành chỉ trừ lúc đi đại tiểu tiện.
Thứ tư là lúc ăn uống lấy hạnh bố thí làm pháp, chẳng cầu nhiều lợi lạc, chẳng có tâm mong cầu quả báo.
Này Hiền Hộ! Ðó gọi là đại Bồ Tát đầy đủ bốn pháp, tức thành tựu được tam muội hiện tiền.
Này Hiền Hộ! Ðại Bồ Tát lại có bốn pháp hay đầy đủ hạnh, tức được thành tựu tam muội hiện tiền. Bốn pháp đó là gì?
Thứ nhất là khuyên người khác gặp Phật.
Thứ hai là dạy người khác nghe pháp.
Thứ ba là tâm không ganh ghét đố kỵ.
Thứ tư là khuyên người phát tâm Bồ Ðề.
Này Hiền Hộ! Ðó gọi là đại Bồ Tát đầy đủ bốn pháp, tức được thành tựu tam muội hiện tiền.
Này Hiền Hộ! Ðại Bồ Tát lại có bốn pháp, tức được thành tựu tam muội hiện tiền. Bốn pháp đó là gi?
Thứ nhất là tạo hình tượng Phật, chuyên cần tu cúng dường.
Thứ hai là viết chép kinh này, giúp người đọc tụng.
Thứ ba là đối với chúng sanh khinh lờn chánh pháp, phải giáo hóa, giúp họ phát tâm.
Thứ tư là hộ trì chánh pháp để giúp chánh pháp trụ thế dài lâu.
Này Hiền Hộ! Ðó gọi là đại Bồ Tát đầy đủ bốn pháp, tức thành tựu được tam muội hiện tiền.
Bấy gìờ đức Thế Tôn dùng kệ nói lại những nghĩa trên:
“Các ông đang trụ trong Phật pháp
Chớ giấu chánh ngôn và pháp Ta
Niệm cần tinh tấn trừ ngủ nghỉ
Ba tháng chẳng ngồi chỉ kinh hành
Lúc ăn, bố thí rộng cho người
Tuyên dương chư Phật, pháp chẳng sánh
Chẳng cầu danh tiếng và lợi dưỡng
Do không chấp nên đắc thiền này
Chớ sanh ganh ghét và sân hận
Nên suy tư giải thoát tham dục
Có ai mến cầu tam muội này
Chuyên niệm không làm biếng thì được
Tướng vàng ròng trăm phước trang nghiêm
Ðoan chánh tròn đầy như hoa tươi
Thế gian thích nhìn thể hào quang
Thường thấy chư Phật tại trước mặt
Chư Phật trong quá khứ, tương lai
Hiện tại tối thắng nhất loài người
Các ông nhất tâm cung kính lễ
Cũng thường chuyên niệm tu cúng dường
Nếu ông cúng dường chư Phật kia
Nên dâng hoa hương và bột hương
Huệ thí đồ ngon khởi tâm tịnh
Chứng tam muội này thật chẳng khó
Trước tháp chư Phật ca hát xướng
Thổi loa đánh chiêm chuông diệu âm
Nhảy nhót vui mừng khó xưng lường
Tất thường thành tựu tam muội này
Cần tạo tôn tượng, thân khó sánh
Tô vẽ trang nghiêm tướng đầy đủ
Sắc vàng rực chiếu không vết dơ
Chứng tam muội này thật không khó
Mỗi người thường niệm tu pháp thí
Tịnh trì giới cấm và đa văn
Tinh cần dũng mãnh trừ làm biếng
Ðắc tam muội này quyết chẳng lâu
Chẳng nên giữ tâm muốn hại người
Và bỏ các dục lạc thế gian
Thường dùng từ bi nhớ tất cả
Tam muội nào xa, tại trước mắt
Với pháp sư nên thường tùy hỷ
Tôn trọng cung kính bằng Như Lai
Chớ sanh khinh mạn hay thương ghét
Tâm vui cúng dường trừ ganh tỵ
Vô số chư Phật cùng khen ngợi
Nếu ông khẩn cầu thì tự được
Thế Tôn trịnh trọng diễn nói đó
Vì tu pháp vi diệu như thế”. Phẩm Kiến Phật Thứ Ba
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Hiền Hộ rằng
-Này Hiền Hộ! Nếu chư đại Bồ Tát muốn đắc được tam muội này thì đối với vị thầy thuyết pháp phải sanh tâm tưởng như Phật, khởi tâm kính trọng, chớ có kiêu ngạo, cho đến không có sự tranh chấp phản nghịch hay tâm chẳng thuận thảo. Sau đó, ngay trong tam muội này tinh cần tu học thì mới mong chứng đắc.
Này Hiền Hộ! Nếu Bồ Tát nào đối với chỗ thầy thuyết pháp và các vị tỳ kheo mà sanh tâm xấu xa, tâm cẩu thả phản nghịch khác biệt, tâm tranh chấp, tâm lăng nhục, tâm bất tịnh, cho đến chẳng sanh tâm tưởng các ngài là Phật, thì dù nay có tu hành, nhưng quyết chẳng chứng đắc được chánh định vi diệu như thế. Nếu có chứng đắc thì không thể nào có việc đó.
Này Hiền Hộ! Giống như trong không gian thanh tịnh, chẳng có chút mây mờ, có một người mắt sáng ngưỡng đầu xem tinh sao trong đêm tối, thấy rõ ràng nơi chốn và hình sắc khác biệt của vô số các vì sao. Cũng như thế, này Hiền Hộ! Lúc đại Bồ Tát suy tư quán chiếu pháp tánh hư không đó, quán tưởng thành tựu bèn thấy Như Lai. Nếu được như thế, sau đó Bồ Tát này quán chiếu về phương đông, đa phần thấy chư Phật, đa phần thấy trăm đức Phật, đa phần thấy ngàn đức Phật, đa phần thấy trăm ngàn đức Phật, đa phần thấy ức đức Phật, đa phần thấy trăm ngàn ức đức Phật, đa phần thấy trăm ngàn na do tha ức đức Phật. Tự nhiên thấy chư Phật hiện trước mặt như thế mà không cần khởi ý niệm. Bồ Tát này quán chiếu phương đông rồi lại vui vẻ quán phương nam, phương tây, phương bắc, bốn hướng, trên dưới. Quán chiếu mười phương thế giới như thế, nên đa phần thấy chư Phật, tức là đa phần thấy trăm đức Phật, đa phần thấy ngàn đức Phật, đa phần thấy trăm ngàn đức Phật, đa phần thấy ức đức Phật, đa phần thấy trăm ngàn ức đức Phật, đa phần thấy trăm ngàn na do tha ức đức Phật. Tự nhiên thấy chư Phật hiện trước mặt như thế mà không cần khởi ý niệm.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Như chư Bồ Tát sanh trong cõi nước của đức Phật A Di Đà, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, ngay trong ngày đầu quán chiếu về phương đông, đa phần thấy chư Phật, đa phần thấy trăm đức Phật, cho đến đa phần thấy trăm ngàn na do tha ức đức Phật. Sau đó, qua ngày thứ hai, quán chiếu về phương nam cũng như thế, cho đến thấy tất cả sự việc trong mười phương.
Như thế, này Hiền Hộ! Nếu thành tựu Chánh Định Tư Duy Tất Cả Chư Phật Hiện Tiền, thì ngay nơi xứ đó, lúc đại Bồ Tát quán chiếu mười phương, đa phần thấy chư Phật, đa phần thấy trăm đức Phật, cho đến đa phần thấy trăm ngàn ức na do tha đức Phật.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Như sự thành tựu Phật Nhãn của chư Như Lai, đã thấy được như thế rồi, thì ở mọi nơi quyết sẽ biết và sẽ thấy như thế.
Như thế, này Hiền Hộ! Nếu đại Bồ Tát đã thành tựu Chánh Định Tư Duy Tất Cả Chư Phật Hiện Tiền thì tự nhiên đầy đủ Bố Thí Ba La Mật, Trì Giới Ba La Mật, Tinh Tấn Ba La Mật, Nhẫn Nhục Ba La Mật, Thiền Định Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật, cho đến đầy đủ tất cả công đức của chư Bồ Tát.
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng kệ nói lại nghĩa trên:
“Như đêm tối không chút bợn mây
Có người sáng ngưỡng đầu nhìn trời
Thấy hơn trăm ngàn vì sao kia
Nhớ hết rõ ràng không quên mất
Lúc Bồ Tát đắc định cũng thế
Đa phần thấy muôn ngàn ức Phật
Sau khi khởi tam muội đó xong
Vì đại chúng thuyết pháp tối tôn
Như Phật Nhãn thanh tịnh của Ta
Chẳng có chướng ngại thấy thế gian
Là pháp môn của đệ tử Phật
Ra tam muội quán tối thắng này
Dùng tưởng vô tướng nghĩ Như Lai
Mà thấy mười phương chư Đẳng Giác
Phá trừ não hại và vọng niệm
Ông nghe Bồ Tát diệu công đức
Nếu nghe pháp với tâm sáng trong
Hay nhập nơi Không Tịch vô úy
Như nay Ta đang thuyết pháp này
Vì giúp chúng sanh chứng Bồ Đề
Như chư Bồ Tát an lạc kia
Phần nhiều thấy muôn ức đức Phật
Bồ Tát nhập suy tư như thế
Cũng thấy trăm ngàn ức Điều Ngự
Như tỳ kheo A Nan ở đây
Vừa nghe lời Ta liền thọ nhận
Bồ Tát đắc chánh định như thế
Nghe tất cả pháp khéo tổng trì
Thành tựu tín tàm đủ tam muội
Tất xả mọi ngôn ngữ thế gian
Dùng huệ từ tâm thuyết pháp
Muốn chúng sanh đến nơi tịch tĩnh. Phẩm Chánh Tín Thứ Tư
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo đại Bồ Tát Hiền Hộ:
-Này Hiền Hộ! Nếu chư đại Bồ Tát vì cầu tam muội châu báu đó, thường phải phát tâm dũng mãnh tinh tấn, thì tự nhiên hay chóng nhập vào tam muội này.
Này Hiền Hộ! Ví như có người lên thuyền lớn ra biển cả, vì muốn chở về đầy thuyền những châu báu quý giá. Ðã vượt qua hết thảy chỗ hiểm nạn, lúc thuyền vừa sắp cập bến, đột nhiên thuyền bị thủng và các châu báu rơi chìm xuống nước. Lúc ấy, người trong xứ Diêm Phù Ðề đó la lớn thất thanh buồn khổ vô cùng, vì đã mất châu báu vô giá.
Này Hiền Hộ! Cũng như thế, nếu có trai hiền gái thảo nào, tai nghe pháp bảo tam muội như thế, mà không thể viết chép đọc tụng hành trì, và cũng không thể suy tư như pháp mà trụ, thì này Hiền Hộ, khi ấy tất cả chư thiên quỷ thần cũng la lớn thất thanh, lòng buồn rầu vô hạn, và nói lời rằng: “Chúng sanh đó thật đáng thương thay. Vì sao đối với Pháp bảo tam muội tối thắng của chư Phật, được tất cả chư Phật khen ngợi, được tất cả chư Phật ấn chứng, được tất cả chư Phật răn dạy, là công đức tối thượng của chư Phật, thành tựu đầy đủ không thiếu sót, mà Bồ Tát nghe rồi lẽ ra phải cần cầu tu học, nhưng ngược lại xa rời chẳng chịu viết chép, chẳng vui đọc tụng, chẳng hay thọ trì giải thích nghĩa lý, chẳng hay suy tư hành như chánh pháp! Chúng sanh phóng dật làm biếng này, trong tương lai sẽ gặp những tổn giảm lớn lao”.
Này Hiền Hộ! Sao gọi là chúng sanh bị tổn giảm? Vì chúng sanh đó nghe qua Pháp bảo tam muội đó, lại xa rời không thể biên chép đọc tụng thọ trì, không thể giải thích suy tư nghĩa lý, không thể trụ như pháp chuyên niệm tu hành, khiến suy diệt công đức, nên gọi là tổn giảm.
Này Hiền Hộ! Kẻ làm biếng này ghét chúng sanh. Nếu trong pháp này mà được lợi ích thì không thể nào có được.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Ví như có người đưa gỗ trầm hương đỏ đưa cho kẻ ngu, mà kẻ ngu đó vì ngu si nên nghĩ trầm hương là phẩn hôi thúi. Lúc đó, người chủ buôn trầm có trí bảo kẻ ngu:
-Nay đối với trầm hương ông chớ nên khởi tâm cho là hôi thúi. Vì sao? Ðây là trầm hương có mùi vị thơm nhất, mà ngược lãi sao ông cho là hôi thúi? Nếu không tin, trước hết ông hãy thử coi thử hôi thúi hay thơm, rồi dùng mắt trong sáng tự quán sát xem coi là trầm hương màu sắc trong sạch là nhỏ, là lớn, là lành, là xấu.
Tuy nghe người trí tán than những việc như thế, nhưng kẻ ngu lại chuyển tâm khởi oán giận, dùng tay bịt mũi vì không muốn ngửi, và dùng tay che mắt vì không muốn nhìn.
Cũng như thế, này Hiền Hộ! Ðời tương lai có tỳ kheo xấu ác, tức giận kinh này cũng như thế. Những kẻ ác đó chẳng biết tu tập tâm giới định huệ, ngu si vô trí giống như con cừu trắng ngu đần ngang bướng lẫn thẩn. Những kẻ ác đó lại bạc phước. Tuy được nghe kinh điển vi diệu, tam muội Chánh Niệm Chư Phật Hiện Tiền như thế, mà chẳng biên chép, không thể đọc tụng, không thể thọ trì, không thể suy tư, không thể tuyên dương nói rộng cho người khác nghe, lại không thể cởi mở hoan hỷ, thì làm sao tu hành y theo lời dạy? Nếu những kẻ ác đó hay như lời dạy mà hành trì thì không có lẽ nào như thế. Ngoài ra, tuy họ được nghe nhưng lại càng phỉ báng, hoàn toàn không có tín tâm chân thật. Tuy nghe nhiều lời mà không hiểu rõ, lại bảo rằng: “Nếu là pháp như thế thì chỉ là pháp hí luận, những chuyện thần thoại, lại là ngôn giáo lăng xăng, nên thật đáng quở trách. Những kẻ lường gạt thế gian tạo ra kinh này, há sao sánh bằng thánh giả A Nan, và chư vị tỳ kheo trong hiện tại tuyên thuyết các loại kinh này?” rồi trong những dịp khác, họ phát ngôn rằng: “Loại kinh này chẳng phải do Phật thuyết, mà là kẻ xấu tự tạo văn chương rồi vọng ngôn đề là kinh”.
Này Hiền Hộ! Ông nên biết rằng những kẻ ác đó đêm dài xa rời Pháp bảo vô thượng vi diệu, như kẻ ngu xem trầm hương vi diệu xong, lại che mắt bịt mũi không muốn ngửi nhìn.
Cũng như thế, này Hiền Hộ! Những kẻ ngu si đó vừa nghe qua kinh tam muội quý báu này, lại chẳng muốn biên chép, chẳng thích đọc tụng, chẳng nghĩ thọ trì, chẳng hay tuyên giảng, nên gọi là những kẻ chẳng có tâm gần gũi kinh điển, chẳng thích nghe giảng giải.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Ví như có người bán hạt châu ma ni. Có kẻ ngu vừa thấy hạt châu, liền hỏi rằng:
-Này Nhân giả! Hạt châu này trị giá bao nhiêu?
Người chủ hạt châu đáp:
-Ông nên biết rằng hạt châu tinh thuần tối thắng này ở thế gian không có, không thể giả tạo, còn nói gì đến việc luận giá bao nhiêu!. Ðể cho vừa lòng, nay tôi sẽ nói sơ về lực dụng công năng oai đức của hạt châu này. Ông nếu muốn biết hạt châu ma ni này tỏa chiếu xa gần, thì nên lấy vàng thật để đầy trên mặt đất rồi so sánh.
Kẻ ngu nghe lời này xong, liền cười to, phỉ báng rằng hạt châu này đâu có giá trị gì.
Cũng vậy, này Hiền Hộ! Các tỳ kheo ác đời sau, tuy nghe tam muội quý báu thù thắng trong kinh này, nhưng chẳng có tín tâm, mà đa phần cười mỉa mai, lại thêm phỉ báng, cũng như thế. Hoặc có tỳ kheo tín căn thâm sâu, huệ căn lanh lợi, trong những đời quá khứ đã từng ở chỗ chư Phật, gần gũi hầu hạ nghe chánh pháp, như lời dạy mà hành trì, trồng các căn lành. Những người này khi nghe tam muội Bồ Tát Niệm Phật Hiện Tiền, thì hay đọc tụng suy tư nghĩa lý, vì người nói rộng, hay làm nhiều lợi ích cho tất cả thế gian, tức là tuyên thuyết lưu bố cùng khắp, sanh tín tâm lớn, phát trí huệ lớn, thành tựu tâm thuần hậu chất trực, đầy đủ oai nghi, thường hành tàm quý, lo sợ nghiệp xấu, tu trì cấm giới, chẳng thọ các dục lạc, tin pháp thâm sâu, hay thường nghe thọ, đắc trí nhẫn thâm sâu, thường hành từ bi. Nhờ tín căn kiên cố, nên đắc được tam muội này, rồi đi khắp các xứ, vì người rộng nói giải thích nghĩa lý, thường phát nguyện như vầy: “Nay đối với tam muội Bồ Tát Niệm Phật Hiện Tiền sẽ lưu bố rộng khắp, để kinh được thường trụ ở thế gian”.
Hoặc có chúng sanh căn lành ít ỏi, phước đức mỏng manh, đời quá khứ chưa từng gần gũi chư Phật, cúng dường hầu hạ nghe chánh pháp, chỉ vì ngã mạn che chướng, tâm ganh ghét dẫn dắt, lợi dưỡng che lấp, danh tiếng trói buộc, rộng hành phóng dật, chẳng trì giới lành, thường thích loạn tâm, chẳng tu thiền định, xa rời kinh giáo, chẳng cầu đa văn, chưa gặp thầy hiền, chỉ theo bạn xấu. Họ nghe qua tam muội này liền phỉ báng khinh bỉ, chẳng có một chút lòng tin, vì cho là kinh không thật, chí tánh ngoan cố ngu si, ý không khai mở, mà lại bảo rằng: “Kinh này chẳng phải do Phật thuyết, mà do các tỳ kheo độn căn ở thế gian, ngu si tà kiến tự viết văn chương, trao dồi văn vẻ. Nếu ở trong chúng nói như thế và dạy như thế, thì chúng sanh các ông, phải biết kinh điển này đây chẳng phải do Phật thuyết”.
Kẻ ngu đó chẳng biết gần gũi chư Phật Thế Tôn, chẳng trồng căn lành, chẳng tu cúng dường, quen gần bạn xấu, huân tập nhiều việc ác. Nên biết những kẻ đó xa rời pháp bảo vô thượng vi diệu, mãi mãi đánh mất pháp lợi tối thắng vi diệu.
Phật bảo Hiền Hộ:
-Ta lại nói cho ông nghe, nay trước tất cả thế gian, Phạm, Ma, Sa Môn, Bà La Môn, cùng hàng trời, người, A Tu La, và đại chúng. Khi Ta nói về tam muội vi diệu này, nếu có trai hiền gái thảo nào nghe rồi vui vẻ, đọc tụng thọ trì, niệm Phật tam muội, suy tư tin hiểu, quyết lấy đó làm chân thật, phát lời rằng: “Ðó gọi là lời thuyết chân thật của chư Phật”. Nên biết những người đó sẽ đạt được những phước báu không thể nghĩ bàn.
Này Hiền Hộ! Nếu lại có trai hiền gái thảo nào đem bao loại châu báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới để cúng dường tất cả chư Phật, công đức cúng dường đó tuy rất rộng lớn, nhưng nếu so với công đức phước báo trì tụng kinh này thì trăm ngàn muôn phần không thể bằng một phần; cho đến dùng vô lượng vô biên a tăng kỳ phước đức để so sánh cũng không bằng được.
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:
“Kẻ tà vạy ngu mê
Phóng dật, căn chẳng thuần
Bị bạn xấu tổn hoại
Chẳng có tâm chánh tín
Phá giới tạo các tội
Chấp sâu nơi ngã mạn
Họ lại nói kinh này
Chẳng phải do Phật thuyết
Loại kinh điển này đây
Chẳng do Pháp Vương dạy
Kẻ đó tự ý nói
Ta làm sao nói được
Nếu gặp đức Ðiều Ngự
Thế Tôn phóng hào quang
Ta sẽ nói rộng cho
Cũng hay thường truyền dạy
Người đó nơi kinh này
Nghe rồi sanh vui vẻ
Người này không nghi ngờ
Tin là lời Phật thuyết
Như có giới thanh tịnh
Cái nhìn hay hiểu rõ
Kính pháp tâm tôn trọng
Ta vì họ nói rõ
Nếu dùng ba ngàn báu
Cúng dường chư Như Lai
Vì cầu đại Bồ Ðề
Phước kia không thể nói
Nếu có các tỳ kheo
Thuyết thiền định Phật khen
Người nghe sanh tín tâm
Phước này hơn kia nhiều”. Phẩm Thọ Trì Thứ Năm
Lúc đó đức Thế Tôn, lại bảo đại Bồ Tát Hiền Hộ:
-Này Hiền Hộ! Trong chúng này có người nay ở trước mặt Ta, đích thân nghe lời Ta thuyết về tam muội như thế. Sau khi Ta diệt độ, nơi họ tái sanh lại sẽ được nghe tam muội quý báu này. Tuy nghe mà chẳng tin, lại còn phỉ báng chế nhạo, nên xa rời bạn hiền, theo gót bạn xấu.
Này Hiền Hộ! Lại có kẻ nào, đối với người hiền đã được nghe kinh điển tam muội vi diệu thâm sâu này, còn chẳng tin tưởng, chẳng cho là thật, không thể giải thích, huống là kẻ ác này nghe qua kinh điển, lại hay tin tưởng, rồi lại giảng giải! Vì sao? Này Hiền Hộ! Lời của chư Phật thật rất khó tin, vì rất khó biết được trí huệ của các Ngài.
Này Hiền Hộ! Nếu muốn thành tựu tam muội này, thì về sau ở đời tương lai phải cùng chúng sanh phát triển Phật pháp.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Nếu có đại Bồ Tát dù tại gia hay xuất gia, nghe qua tam muội này chẳng sợ, chẳng hoảng, chẳng hối hận, chẳng thối, chẳng phỉ báng, mà vui vẻ sanh tâm cung kính tin tưởng, quyết định chân thật không còn nghi ngờ, đọc tụng thọ trì suy tư nghĩa lý. Này Hiền Hộ! Những người này đức Thế Tôn sẽ thấy, sẽ biết, sẽ rõ.
Này Hiền Hộ! Làm sao chư Phật thấy được trai lành gái thảo đó? Làm sao chư Phật biết được họ? Làm sao chư Phật hiểu rõ họ?
Này Hiền Hộ! Nếu hay tụng đọc thọ trì môn tam muội này, thì người đó quyết chẳng bao giờ làm điều xấu, chẳng phá giới thanh tịnh, chẳng hoại chánh tín, chẳng vào nơi tà.
Này Hiền Hộ! Những trai hiền gái thảo này quyết định tin sâu, thành tựu tư duy, hay phân biệt thành tựu suy tư, đầy đủ tín tâm trong giáo pháp, thường hay đọc tụng nhiếp trì pháp này.
Này Hiền Hộ! Ông nên biết rằng những người này quyết chẳng phải chỉ cầu chút ít công đức, chẳng phải chỉ gieo trồng chút ít căn lành.
Này Hiền Hộ! Những trai hiền gái thảo đó sanh ở nơi nào, dù thiếu cửa cải, mà các căn lành rộng lớn không nhỏ.
Này Hiền Hộ! Những trai hiền gái thảo đó, trong đời quá khứ ở chỗ Như Lai đã từng tu hạnh cúng dường trồng các căn lành. Hiền Hộ, ông nên biết rằng họ chẳng phải chỉ ở một chỗ đức Phật mà tu hạnh cúng dường, trồng các căn lành, cũng chẳng ở hai, ba, bốn, cho đến mười chỗ chư Phật mà trồng căn lành, cũng chẳng ở nơi trăm ngàn ức số Như Lai mà trồng căn lành. Hiền Hộ, ông nên biết rằng những trai lành gái thảo này đã từng ở trăm ngàn vô lượng vô biên chư Phật tu hạnh cúng dường, trồng các căn lành, nên mới được nghe tam muội Niệm Phật Hiện Tiền này. Nghe rồi sanh tín tâm khai mở ý, tức nhận thức đó là thật mà không nghi điều gì. Ðược nghe rồi lại mến thích đọc tụng thọ trì, cho đến vì người khác mà nói rộng sâu nghĩa lý đó. Vì sao? Này Hiền Hộ! Những trai lành gái thảo đó xưa kia đã từng ở trước chư Phật, được nghe tam muội này, đọc tụng thọ trì. Nhờ đó mà sau khi Như Lai diệt độ, và năm trăm năm sau đời mạt thế, lúc pháp sắp diệt, trong cuối đời tượng pháp, họ sẽ được nghe tam muội này, rồi sanh tín tâm mà không nghi ngờ, chẳng thối, chẳng quên, sanh tâm vui mừng lớn lao, tràn đầy khắp thân tâm, đọc tụng thọ trì, suy tư nghĩa lý, rồi giải thích cho người khác nghe, cho đến một ngày một đêm, hành trì tam muội này.
Này Hiền Hộ! Nếu lại có người, nghe qua tam muội này mà không sợ hãi, cũng chẳng thối thất, chẳng sanh tâm phỉ báng, rồi vui vẻ biết đó là chân thật, suy tư phân biệt, tâm khai ý mở, và được người khác khen ngợi, thì phước đức đó không thể tính lường, còn nói gì đến phước đức thọ trì đọc tụng chuyên cần suy tư tu hành, lại vì người khác giảng rộng suốt một ngày một đêm.
Hiền Hộ, ông nên biết rằng những trai hiền gái thảo đó nhờ việc này mà sẽ đạt được vô lượng a tăng kỳ công đức lớn, và trụ nơi bất thối chuyển, tùy theo sở nguyện cầu, được thành tựu như ý.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Nay Ta dùng ví dụ để nói rõ những việc như thế. Ví như có người cầm giữ tất cả hạt bụi trong cõi tam thiên đại thiên thế giới. Người đó lại nhặt hết cỏ cây nhành lá, xay nhuyễn để chúng trở thành bụi bặm, bằng tất cả hạt bụi trong ba ngàn đại thiên thế giới. Này Hiền Hộ, ý ông nghĩ sao, số bụi bặm đó có nhiều chăng?
Bồ Tát Hiền Hộ đáp:
-Bạch đức Thế Tôn! Số đó rất nhiều.
-Này Hiền Hộ! Nếu trai lành gái thảo đem châu báu cúng dường các cõi Phật nhiều như số hạt bụi đó, thì ý ông nghĩ sao, họ đạt được phước đức nhiều chăng?
-Bạch đức Thế Tôn! Phước đức đó rất nhiều, mà về sau, những trai lành gái thảo đó nhờ việc này mà sẽ đạt được vô lượng a tăng kỳ phước đức hơn phước đức ở trên.
-Ta nói cho ông nghe, nếu trai hiền gái thảo nào đem đầy cả bảy báu cúng dường chư Phật nhiều như số hạt bụi, thì sẽ được phước đức như thế. Tuy nhiên, nếu có trai hiền gái thảo nào vừa nghe qua tam muội Niệm Phật Hiện Tiền này, tạm thời sanh tâm vui vẻ, tin tưởng phân biệt biết đó là chân thật, tâm khai ý mở, đọc tụng thọ trì, cho đến tạm thời vì người khác mà giải thích, thì những phước đức mà họ đạt được, hơn phước đức trên vô lượng vô số, không thể tính đếm, không thể suy lường, không thể nghĩ bàn.
Này Hiền Hộ! Những trai hiền gái thảo này vừa nghe qua tam muội đây, sanh tâm vui vẻ, cho đến tạm thời vì người khác giải thích, đạt được vô lượng vô biên phước đức như thế, hà huống có trai hiền gái thảo khác, đối với kinh điển tam muội này, nghe xong liền tin, tin rồi thọ trì, thọ trì rồi y theo lời dạy mà hành trì.
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên, nên nói kệ rằng;
“Nếu lấy ba ngàn đại thiên cõi
Ðầy cả bảy báu dâng cúng dường
Ta nói phước đức kia tuy nhiều
Nhưng chẳng bằng chút phước nghe kinh
Bồ Tát vì cầu nhiều phước đức
Tin hiểu đọc tụng và suy tư
Giải thích tu hành niệm tam muội
Phước này hơn kia thật rất nhiều
Số bụi trong suốt ba ngàn cõi
Lại phân hạt bụi bằng số đó
So sánh số cát bụi như thế
Lấy đầy châu báu dâng cúng dường
Kinh tam muội được chư Phật khen
Chỉ đem một câu giảng cho người
Ta nói người đó được công đức
Hơn cả người dâng báu muôn phần
Nếu lại vì người mà giảng hết
Hoặc chỉ một phần như giọt sữa
Suy tư phát triển tâm Bồ Ðề
Hà huống phước vô lượng dài lâu
Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật
Tịnh huệ rốt ráo chứng như Phật
Hoặc giả trong ức số nhiều kiếp
Nói về phước đó không thể hết
Trong đó Phật đều nhập Niết Bàn
Họ thường giải rộng vô số kiếp
Phước kia thật chẳng có ngần mé
Nương kinh vi diệu bốn câu kệ
Tất cả mọi vật trên thế gian
Bốn phương trên dưới và bốn bên
Ðầy cả châu báu dâng cúng họ
Vì cầu thắng phước, phụng chư Phật
Công đức này tuy khó tính lường
So sánh cùng số cõi thế giới
Nếu ai nghe thọ tam muội này
Khéo hay tuyên thuyết, phước hơn trên
Nếu ai với pháp này không nghi
Đối với các pháp cũng hiểu rõ
Vĩnh viễn dứt các đường ác thú
Hay nhập thiền tịch thắng tam muội
Nếu họ thường hay cúng dường Ta
Tất thọ nhiều phước không biết được
Tăng trưởng đa văn chứng Bồ Ðề
Thiền định họ được chư Phật khen
Nay Ta nói ông nghe lời thật
Thường niệm tinh tấn chớ làm biếng
Một lòng hân hoan phát dũng mãnh
Tự nhiên sớm chứng đạo Bồ Ðề
Người kia cúng dường trăm số Phật
Lại hay thọ trì Tam Ma Ðề
Hoặc ở đời sau nhiều sợ hãi
Tự sẽ sớm chứng định vi diệu
Nếu có gặp Ta và tỳ kheo
Cùng Ðại Sĩ như ông Hiền Hộ
Bồ Tát như thế mến đa văn
Quyết định sẽ đắc tam muội này
Nếu được nghe thánh tam muội này
Vì người giải thích hoặc viết chép
Ðà La Ni này Thế Tôn khen
Hay chứng tất cả Phật Bồ Ðề
Nếu ai khéo suy tư tam muội
Tất cả chư Phật cùng khen ngợi
Thường được tiếng thơm và đa văn
Chư Phật thứ lớp mà diễn thuyết”. Phẩm Quán Sát Thứ Sáu
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Hiền Hộ:
-Này Hiền Hộ! Nếu chư đại Bồ Tát muốn tư duy tam muội này, thì phải làm sao?
Này Hiền Hộ! Bồ Tát đó phải tư duy như vầy: “Ðức Thế Tôn của tôi đang thuyết pháp trước hàng trời người”.
Này Hiền Hộ! Bồ Tát nhất tâm tư duy như vầy: “Chư Phật Như Lai ngồi tòa sư tử tuyên thuyết chánh pháp, thành tựu đầy đủ tất cả tướng hảo, tối vi diệu tối thù thắng, đoan nghiêm, đáng mến nhìn không chán”. Chí tâm quán sát các tướng hảo lớn như thế, tức thấy rõ ràng tường tận mỗi mỗi đức tướng của chư Như Lai; đã thấy rồi bèn thỉnh hỏi tướng nhục đảnh. Ðã hỏi rồi lại quán sát những tướng hảo khác rõ ràng tường tận, và suy tư: “Tướng hảo vi diệu của chư Phật thật là hy hữu. Xin nguyện đời sau con được thành tựu đầy đủ thân tướng hảo như chư Phật. Xin nguyện đời sau con thành tựu đầy đủ oai nghi giới đức thanh tịnh. Xin nguyện đời sau con thành tựu đầy đủ tam muội này. Xin nguyện đời sau con được trí huệ viên mãn như chư Phật. Xin nguyện đời sau con được giải thoát viên mãn như chư Phật. Xin nguyện đời sau con được giải thoát tri kiến như chư Phật. Xin nguyện đời sau con được tướng hảo viên mãn như chư Phật, chứng quả Bồ Ðề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chứng quả vị Phật rồi, con cũng tuyên thuyết tất cả diệu pháp giữa hàng trời người như chư Phật”.
Bồ Tát quán sát chư Phật đầy đủ như thế, cho đến thành tựu tất cả pháp quán sát. Sau đó, lại suy tư rằng: “Trong đây gì là bản ngã, gì là pháp của ngã sở, ai sẽ chứng quả vị Phật, Bồ Đề? Tâm sẽ chứng đắc ư? Thân sẽ chứng đắc ư? Thân vốn ngang ngạnh, vô tri, vô giác, vô thức, vô phân biệt, vô tác giống như cỏ cây, ngói đá, gương kính, còn đạo Bồ Ðề thì không sắc, không hình, không ảnh tượng, không tướng mạo, không thể thấy biết, không thể cảm xúc biết, thì làm sao nương vào thân đó mà tu hành chứng quả Bồ Ðề như thế? Trong đó ai có thể chứng đắc được? Nếu do tâm chứng đắc, thi tâm vốn vô hình sắc, không thể thấy biết được, đồng như huyễn hóa. Quả Bồ Ðề thì cũng không có hình sắc để có thể thấy biết, vô lậu, vô vi, và đồng như huyễn hóa, thì làm sao chứng được, giác biết được, mà sao nói rằng thân tâm đắc đạo Bồ Ðề?
Lúc đại Bồ Tát quán sát tường tận như thế, thấy rõ ràng thân tướng không thể chứng đắc đạo Bồ Ðề, cũng biết rằng tâm lại không thể chứng đạo Bồ Ðề. Vì sao? Các pháp không nương vào sắc mà chứng đắc sắc, nương tâm mà chứng đắc tâm. Chỉ nương vào lời nói mà biết tất cả pháp. Tuy vậy, chúng vốn là vô sắc, vô hình, vô tướng, vô lậu, không thể xem thấy, không thể chứng biết, không thể chứng đắc, không thể chẳng chứng đắc. Vì sao? Vì thân của chư Như Lai vốn vô lậu. Do thân chư Như Lai vô lậu nên tâm cũng vô lậu. Do tâm chư Như Lai vô lậu nên sắc tướng cũng vô lậu.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.173.64 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.