Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bảo Tích Kinh [大寶積經] »» Bản Việt dịch quyển số 110 »»

Đại Bảo Tích Kinh [大寶積經] »» Bản Việt dịch quyển số 110

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.57 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.69 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bửu Tích

Kinh này có 120 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 99 | 100 | 101 | 102 | 103 | 104 | 105 | 106 | 107 | 108 | 109 | 110 | 111 | 112 | 113 | 114 | 115 | 116 | 117 | 118 | 119 | 120 |
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Bấy giờ trong đại chúng có một Ðại Bồ Tát, Vương Tử Ðại Dược, đứng dậy chỉnh y phục chắp tay bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Thần thức nầy từ thân nầy dời đi, nó sẽ có màu sắc gì?".
Ðức Phật dạy: "Nầy Vương Tử Ðại Dược! Sự nghĩa được ông hỏi ấy rất sâu chỉ có chư Phật là biết được thôi, thức ấy trừ Phật ra không còn có ai biết được".
Trưởng giả Hiền Hộ bạch rằng: "Bạch dức Thế Tôn! Rất hi hữu Vương Tử Ðại Dược nầy có thể hỏi sự thậm thâm tối vi tối tế thậm thâm thâm mật".
Ðức Phật dạy: "Ðúng như vậy. Nầy Hiền Hộ! Vì Ðại Dược đây thuở xưa đã từng cúng dường Phật Tì Bà Thi gieo trồng căn lành vậy.
- Nầy Hiền Hộ! Xưa năm trăm đời Vương Tử Ðại Dược đây từng làm ngoại đạo, thuở ấy đã từng hỏi nghĩa của thức nầy, nhưng ông ấy cũng chẳng biết được thức nầy đến đâu đi đâu. Nay ta sẽ vì ông ấy mà quyết rõ nghĩa đó".
Trưởng giả Hiền Hộ khen Vương Tử Ðại Dược: "lành thay, lành thay, Vương Tử Ðại Dược có trí tuệ quảng đại không có biên tế mới có thể hỏi nghĩa thậm thâm nơi Ðức Thế Tôn. Nay tôi khuyến thỉnh Ðại Dược xin ngài hỏi Ðức Thế Tôn về nghĩa ấy. Chớ để ông Chơn Nguyệt vui sướng chút việc mà hỏi Phật trước. Tại sao? Vì ông ấy luôn luôn não loạn chẳng khéo hỏi Ðức Thế Tôn. Chỉ do Ðức Phật Thế Tôn xuất thế rất khó, nơi thế gian mà tụ họp pháp hội như vầy lại càng khó, nên nay Ngài phải khuyến thỉnh Ðức Thế Tôn giải thích nghĩa xứ thậm thâm ấy".
Ðại Dược Bồ Tát chiêm ngưỡng Ðức Thế Tôn, thấy Ðức Thế Tôn vui vẻ thanh tịnh như đầu mùa thu hoa sen vừa nở. Thấy rồi lòng vui mừng bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Vì tôi khát ngưỡng nên thích nghe chánh pháp, lo sợ Ðức Thế Tôn chẳng nói đủ pháp yếu cho tôi, chẳng quyết nghi cho tôi. Lại lo sợ chẳng bao lâu Ðức Thế Tôn sẽ nhập Niết Bàn. Lại lo sợ các chúng sanh chẳng biết nghiệp báo thiện ác hằng thọ sanh tử phiền não chẳng bỏ rời được".
Ðức Phật nói: "Nầy Ðại Dược! Thuở xa xưa, vì một bài kệ mà ta gieo mình từ gộp núi lớn để bố thí, ta lại thật hành vô lượng vô biên khổ hạnh khó làm trăm ngàn ức các thứ sự việc.
- Nầy Ðại Dược! Ông có điều gì nghi nên hỏi Phật chớ có ngần ngại, ta theo ý ông mà phân biệt giải nói".
Ðại Dược Bồ Tát lại bạch hỏi: "Bạch Ðức Thế Tôn! Thần thức ấy màu sắc gì?".
Ðức Phật dạy: "Nầy Ðại Dược! Thức ấy như lửa ảo thuật sư, như bóng người trong
nước, như luồng gió vô định, không có sắc nhứt định như chúng sanh mắt thấy hư không giống như ái.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Ái ấy thế nào?
- Nầy Ðại Dược! Ví như người bắn cung, do có nhãn căn nên thấy lúc tên bay đi, như người cầm gương sáng, trong gương thấy bóng mặt mình, nếu bỏ gương thì chẳng thấy bóng. Cũng vậy, thức nầy từ thân người dời đi, thức giới ấy chỉ thấy tội phước.
Như người sanh manh chẳng thấy mặt nhựt lúc mọc lúc trưa lúc chiều, ban đêm cũng chẳng thấy mặt nguyệt lúc mọc lúc lặn. Cũng vậy, thần thức nầy ở trong thân cũng không thấy được.
- Nầy Ðại Dược! Trong thân nầy, về ái trước và thủ cùng tưởng trí ấy chỉ có thức . Thân nầy chỗ có hòa hiệp tụ tập các giới các nhập các ấm v.v…những nhãn nhĩ thiệt và sắc thanh hương vị v.v… các thọ hoặc khổ hay lạc ý v.v… bao nhiêu những sắc ấy, đây gọi là thức vậy.
- Nầy Ðại Dược! Như người do thiệt căn mà biết các vị: hoặc đắng hoặc cay, mà lưỡi kia có sắc còn các vị thì không sắc. Trong thân nầy những xương tủy máu thịt là có sắc còn cảm thọ kia thì không sắc, đây gọi là thức. Là cái lãnh thọ tội phước vậy".
Trưởng giả Hiền Hộ đảnh lễ chưn Phật rồi bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Cái thọ tội phước ấy là ai?".
Ðức Phật dạy: "Nầy Hiền Hộ! Ông lắng nghe nhận kỹ, ta sẽ nói cho ông. Người thấy chơn thiệt thì họ thấy thức nầy, mà thức nầy chẳng thể được thấy như trái am bà la trong bàn tay có thể thấy được. Thức nầy chẳng ở nơi cảnh của nhãn căn, cũng chẳng phải dùng nhãn căn thấy được nó không có sắc thấy được.
Như hằng hà sa số Như Lai thấy thức nầy ta cũng vậy, chỉ vì hàng phàm phu ngu si chẳng biết chẳng thấy nên ta vì họ mà nói chỉ có tên thức chẳng thể thấy nó được.
- Nầy Hiền Hộ! Thức nầy thọ tội phước, ta sẽ nói cho ông, ông nên lắng nghe.
Ví như có người mắc âm quỉ, hoặc dương điên quỉ? hoặc Càn Thát Bà quỉ, hoặc Thiên Thần. Nầy Hiền Hộ! Ý ông thế nào, trong mình người bịnh ấy có thể thấy được các âm quỉ thần ấy chăng?
- Bạch Ðức Thế Tôn! Quỉ thần ấy ở trong thân người bịnh hoặc nội hoặc ngoại thiệt không thể thấy, ở trong thân người bịnh các quỉ thần ấy cũng không có sắc.
- Nầy Hiền Hộ! Như thiên thần tối thắng ở trong thân người bịnh lấy hoa hương tối diệu hương hoa hương bột và các vòng hoa, đến ăn uống đều lấy món tối thượng thù thắng. Thiên thần linh ở trong thân người bịnh thọ tế tự tối thắng, hoặc thọ vương vị hơặc thọ giàu có nhuận thân người bịnh khiến khoái lạc hoan hỉ. Thần thức nầy thọ phước quả báo cũng như vậy, lúc thân nầy lấy nghiệp lành tối thắng, do thức nên thọ hoặc lấy vương vị trị dân tự tại, hoặc lấy giàu có làm nhà trưởng giả, hoặc lấy quả báo chư Thiên.
- Nầy Hiền Hộ! Như quỉ dơ hôi Tỳ Xá Xà nương ở trong thân người bịnh lấy các vật dơ hôi, hoặc thọ tế tự tại nhà xí, được tế tự rồi sanh vui mừng. Người bịnh bị quỉ lực nên thường thích chỗ hôi dơ, vì lòng ưa thích nên khi được vật hôi dơ thì sanh vui mừng. Thần thức nầy thọ ác quả báo cũng như vậy, lúc thân nầy lấy nghiệp ác ti tiện, do thức nên thọ, hoặc sanh nhà bần tiện, hoặc sanh nhà hạ liệt, hoặc sanh loài ngạ quỉ, hằng ăn vật hôi dơ lòng sanh vui mừng.
- Nầy Hiền Hộ! Như thiên thần kia linh, dầu không sắc hình mà thọ tế tự tối thắng tối thượng. Cũng vậy, thức nầy dầu không sắc mà thọ quả báo tối thắng tối diệu theo nghiệp thọ thân.
- Nầy Hiền Hộ! Như quỉ Phú Ðơn Na kia dầu không sắc mà thích ăn các vật dơ hôi. Cũng vậy, thức nầy ở tại nghiệp bất tịnh thì hằng ưa chỗ hạ tiện.
- Nầy Hiền Hộ! Như quỉ thần kia ở trong thân người mà không có sắc. Thức nầy thọ quả báo thiện hay bất thiện cũng như vậy?"
Ðại Dược Bồ Tát bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Thần thức thọ dục thế nào ?".
Ðức Phật dạy: "Nầy Ðại Dược! Sẽ thấy có người người hòa hiệp nên sanh ý tưởng dục.
Ví như dùng gỗ cọ ra lửa, do sức nơi thân người rồi sau mới phát lửa. Dục thọ ở nơi dục do nơi nam tử ý cảm nơi xúc rồi sau sanh dục sự.
Ví như do nơi hoa thành hột, nhưng trong hoa ấy ban sơ không có hột, vì có hoa nên sau hết hột có thể thấy được. Cũng vậy, thân nầy sanh rồi sau thức ấy có thể thấy được, mà trong thân ấy cũng không có thức có thể thấy. Do có thức nên trong thân có xương tủy máu thịt v.v…các vật bất tịnh.
Ví như hột giống kia, gieo trồng rồi sanh hoa, do hoa mà thọ sắc hương vị v.v…đã thành quả rồi trở lại diệt. Cũng vậy, thức nầy thành thân rồi cũng trở lại diệt, chỉ mang lấy thiện ác thọ tâm tưởng ý thức đến nơi đời khác.
Như nam nữ kia hòa hiệp sanh lòng hoan hỉ. Nhơn họ hòa hiệp trì nhau xuất bất tịnh, xuất bất tịnh rồi trở lại rời lìa nhau. Nhưng hai kẻ kia lúc thọ lạc lòng sanh hoan hỉ, đã thọ dục rồi không còn ý tưởng dục trở lại rời lìa nhau, hoặc sanh chán lìa dục tưởng. Cũng vậy, thức nầy do thân phan duyên sanh lòng hoan hỉ tăng trưởng thọ tưởng.
Dường như thân người do thấy nữ sắc liền sanh dục tưởng cùng tham trước nơi thân, thọ dục xong rồi trở lại chán lìa bỏ đi . Cũng vậy, thức nầy là thọ thân rồi trở lại chán lìa bỏ đi.
Lại nữa, do dục sự của phụ mẫu cảm nghiệp phan duyên thọ thân của trung ấm, thức hữu nầy theo trung ấm nhập vào dục, do đó thành tựu thân thể. Nhưng nghiệp ấy không có sắc, dục sự của nam nữ ấy cũng không có sắc, chỉ do thọ phan duyên nên sanh dục tưởng mà bèn có sắc, nên gọi là thọ dục tưởng vậy. Sắc thọ dục tưởng nên gọi là thọ dục.
Lại nữa, nầy Ðại Dược! Do trì giới phan duyên nên thọ quả báo sau. Sự ấy thế nào ta sẽ nói cho ông .
Nói trì giới là: Thân dứt sát sanh chẳng trộm vật của người chẳng làm tà dâm, miệng chẳng vọng ngữ chẳng uống rượu đấu loạn, cẩn thận chẳng phóng dật, đây là phan duyên: muốn thọ đời sau lấy quả Tu Ðà Hoàn, quả Tư Ðà Hàm bèn thọ thân đời sau hoặc thân Trời thân Người, mà họ có thiện nghiệp hoặc hữu lậu hoặc vô lậu thành tựu các ấm v.v…nhuận chỗ ấy, thức thọ trì các nghiệp thiện và bất thiện thành tựu, thức v.v…thọ các dục sự rồi trở lại tự chán lìa. Thế nên gọi đây là do trì giới nên thọ quả báo sau vậy".
Ðại Dược Bồ Tát bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Thức nầy thế nào thọ thân Trời? Thế nào thọ thân địa ngục ?".
Ðức Phật dạy: "Nầy Ðại Dược! Nay ông lắng nghe ta sẽ vì ông giải nói sự ấy.
- Nầy Ðại Dược! Thức nầy do pháp giới trì nên sanh tâm thấy cung trời, nhưng thấy cung trời ấy chẳng phải là nhục nhãn thấy, thể chất được thấy của sự thấy ấy tức là thọ nhơn nên gọi là kiến thọ nhơn vậy. Thiên cung được người nầy thấy đó tức là phước phan duyên thiện thành tựu liền thấy Thiên cung, ở trong cung trời cõi Dục thọ các thứ vui ngũ dục, thấy như vậy rồi thì sanh dục tâm, do như vậy bèn khởi niệm trí rằng: Nay tôi cần phải đến chỗ ấy. Họ sanh dục tâm như vậy rồi phát sanh nhiễm trước niệm tâm thủ lấy hữu tướng.Họ lại thấy thân cũ của họ vất bỏ trong rừng thây ma. Thấy rồi họ nghĩ rằng: Ðây là tâm thức cõi trời của tôi, đã tu tạo thiện căn rồi tôi nên muốn hướng đến cõi trời.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Thức ấy đã chấp trước thấy cũ như vậy, tại sao nó chẳng liền nhập vào thây cũ?
- Nầy Ðại Dược! Ví như có người cạo râu tóc rồi, người ấy thấy râu tóc đã rơi xuống đất thì nghĩ rằng: râu tóc nầy của tôi đen tốt thơm sạch nguyện nó lại dính trên đầu tôi như cũ. Nầy Ðại Dược! Ý ông thế nào? Râu tóc ấy có thể lại dính trên đâu họ chăng?
- Bạch Ðức Thế Tôn! Không được.
- Nầy Ðại Ðược! Cũng vậy, người ấy thần thức đã bỏ thân họ rồi mà muốn nó trở lại nhập vào ở trong thân cũ thì không bao giờ có.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Thức nầy rất vi tế không có sắc chánh quảng đại vô biên, sao nó có thể đến thân đại bạch tượng, nó lại có thể phá thân kim cương, nó đã không có sắc ngàn voi sao người sanh ra bèn có được sức ngàn voi?
- Nầy Ðại Dược! Ví như phong giới không có sắc thấy được, mà lúc gió ấy phát xuất có thể làm ngã gãy lở sập cả thảy, cho đến núi chúa Tu Di nó cũng có thể làm lở sụp.
- Nầy Ðại Dược! Ý ông thế nào? Gió ấy có sắc gì ? Núi ấy lại là sắc gì?
- Bạch Ðức Thế Tôn! Gió ấy mềm yếu lại không có sắc thân, nên thấy biết như vậy.
- Nầy Ðại Dược! Gió ấy thể chất yếu mềm lại không sắc thể. Cũng vậy, thức ấy cũng mềm yếu lại không sắc thân nhưng nó không ngại có thể thành tựu thân lớn, có thể thành tựu thân rất nhỏ, mà nơi thân muỗi, thân với thức ấy vẫn một thứ không khác.
- Nầy Ðại Dược! Ví như ánh sáng đèn đuốc nhỏ hoặc trong nhà hoặc bên vách nó có thể diệt phần lớn tối tăm. Cũng vậy, thức nầy vi tế mà có thể thành tựu hình sắc nhỏ hay lớn, nhưng mà đều do nghiệp mà thọ vậy.
- Bạch đứcThế Tôn! Nghiệp ấy có sắc gì có thể gì, bao nhiêu thứ nhơn do phải nên quan sát?
- Nầy Ðại Dược! Cảnh giới của các nghiệp ấy là vi diệu thọ khoái lạc, thọ uống ăn cõi trời.
Ví như có hai người cùng du hành đến đồng hoang, trong hai người ấy, một người bỗng gặp nước trong mát và được uống, và người kia đói khát mạng chung, mà nước ấy chẳng thể tự nó chảy vào miệng người kia, nó cũng không ở nơi người nầy mà chẳng cho uống, chỉ do vì nhơn duyên nên một người gần nước trong mát và uống, còn người kia chẳng gặp nên đói khát và chết. Cũng vậy, các pháp thiện và bất thiện cũng như vậy.
Ví như đêm trăng và đêm tồi, pháp thiện và bất thiện nên thấy biết như vậy.
Ví như trái sống khi chín rồi biến đổi thành sắc khác, nhưng sắc ấy do sức nóng nhiều khiến nó thành thục. Cũng vậy, thân nầy do sức phước nhiều nên sanh vào nhà đại trưởng giả có dư của báu, hoặc hiện thọ khoái lạc tại thiên cung, hiển hiện thọ khoái lạc cõi trời rồi sau đó mất thế lực tự tại cõi trời thì lại hiển hiện thế lực vô phước.
Ví như hạt giống gieo nơi đất sau khi mọc lên cây, trên cây ấy không hiện có hột giống ấy, chẳng có nơi cành cây chẳng hiện trong thân cây cũng không có ai cầm hột giống ấy đặt trên cây ấy, cũng chẳng ở nơi rễ cây hiện hột giống ấy. Cũng vậy, các nghiệp nầy hoặc thiện hoặc ác nương ở trong thân mà chẳng hiển hiện.
Như từ hột giống rồi sau có hoa, từ hoa rồi sau có trái có hột. Hoa ấy chẳng ở trong hột giống, trái hột ấy chẳng ở trong hoa, trái hột và hoa không có hai thể riêng. Cũng vậy, trong thân nầy có nghiệp, từ nghìệp có thân. Thân ấy chẳng ở trong nghiệp thấy được, nghiệp ấy chẳng ở trong thân thấy được.
Như hoa thành thục rồi mới thành hột. Cũng vậy, thân thành thục rồi các nghiệp có thể hiện.
Như hột giống có chỗ đất để gieo, có chỗ đất để gieo rồi thì có hoa, có hoa rồi sau đó mới có hột. Cũng vậy thân nầy có chỗ sanh rồi ở nơi chỗ ấy thấy thiện thấy ác thì có nghiệp hiện, nhưng các nghiệp căn ấy không có sắc.
Như người do thân hình mà có bóng, mà bóng ấy không định không sắc trở lại theo người mà đi, nhưng bóng ấy chẳng nương ở nơi người, cũng chẳng rời thân có bóng hiển hiện. Cũng vậy, thân nầy trong ấy hiện thiện ác theo nhau mà chẳng lìa nhau, thân đến đâu nghiệp theo đó, nghiệp ấy theo khắp nơi chẳng rời thân mà có, cũng chẳng rời thân mà nghiệp ấy có thể hiện.
Như các vị thuốc hoặc cay hoặc ngọt hoặc đắng, người uống thuốc rồi có thể trừ các bịnh, đã trừ các độc của thân thành êm dịu hiện nhan sắc tốt, mọi người nhìn thấy có thể biết được hình tướng, người nầy thân gặp thuốc hay, nhưng vị và công lực của thuốc ấy không có sắc, màu sắc của vị lực thuốc ấy chẳng thể hiển hiện, chỉ ở thân người hình sắc đoan chánh có thể thấy thôi. Cũng vậy, thiện nghiệp nầy không có sắc mà đến thân người, do ăn uống tốt, mặc y phục tốt, các căn đầy đủ nên thân thọ khoái lạc, lại dùng vàng bạc châu báu trang nghiêm thân nầy nên có hình thế giàu sang. Ðây đều là cảnh giới của thiện nghiệp vậy.
Người mất thế lực không có phước nghiệp nghèo cùng khốn khổ xa lìa của cải thường thiếu thốn rình tìm vật người khác ăn uống thô xấu đi đứng nằm ngồi đều hạ liệt không phước báu tốt dưỡng dục thân thể sanh ra xấu xí. Ðây đều là cảnh giới của nghiệp bất thiện vậy.
Ví như gương sáng, do nó sáng nên hình mặt dẹp xấu hiển hiện rõ ràng, mà trong gương ấy không có sắc,. Cũng vậy, do sức thiện ác nên thức nầy hiển hiện trong thân người, hoặc trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.
- Nầy Ðại Dược! Các nghiệp nầy theo nơi thức nầy. Ông nên biết như vậy, thấy như vậy".
Ðại Dược Bồ Tát bạch rằng:" Bạch Ðức Thế Tôn! Thức nầy thế nào thành tựu các căn thọ thân to lớn, thế nào xả các căn ?".
Ðức Phật dạy: "Nầy Ðại Dược! Ví như thợ săn vào núi rừng sâu, tay cầm cung cứng liền lấy thuốc độc thoa vào đầu mũi tên để bắn voi lớn. Giọt thuốc ấy dầu thấm vào da voi đến máu chút ít mà khí độc lưu hành khắp trong thân đến các căn làm cho các căn bế tắc rút gãy các lóng đốt làm cho máu biến sắc khắp các thân phần thì voi chết, khí độc ấy trở lại đến chỗ nó vào thì tự nhiên thoát ra ngoài.
- Nầy Ðại Dược! Ðộc dược ấy chỉ có một giọt rất nhỏ ít, thân voi ấy rất lớn, mà khí độc dời đi khắp thân thể.
Cũng vậy lúc thần thức nầy xả thân xả các căn xả các giới theo thứ đệ cũng như vậy.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Thức nầy thế nào thọ thân to rộng mà chẳng sợ khó?
- Nầy Ðại Dược! Như núi Tu Di cao tám vạn bốn ngàn do tuần. Núi ấy có hai Long vương: Nan Ðà và Bạt Nan Ðà vấn núi ấy ba vòng giữ chặt núi ấy. Hơi thở của Long vương ấy nước biển không chứa nổi. Khi Long vương ấy thở hút thì núi Tu Di rung động. Các Long vương Bà Tu Cát và Ðức Xoa Ca thân thể to rộng nhiều sức lực cũng như vậy. Ý ông thế nào, thức của Long vương cùng thức của con muỗi có đồng bằng nhau chăng?
- Bạch Ðức Thế Tôn! Như chỗ tôi hiểu thì thức của Long vương và thức của con muỗi đồng bằng nhau không khác.
- Nầy Ðại Dược! Như có một thứ độc tên bà ta na bà, lại có một thứ độc tên ha la ha la, đem thứ độc nầy chừng bằng hột cải cho Long vương ấy ăn thì liền chết.
- Nầy Ðại Dược! Ðộc của rồng, độc của thuốc, ý ông thế nào, độc rồng sức lớn hay độc thuốc sức lớn?
- Bạch Ðức Thế Tôn! Như chỗ tôi hiểu thì độc rồng nhiều mà độc thuốc ít.
- Nầy Ðại Dược! Cũng vậy dầu có thân to rộng sức lực địch chín ngàn voi cũng không ngại, thức ấy dầu nhỏ không sắc không thể thấy, mà thức ấy do nghiệp duyên thành tựu thân lớn.
Ví như hột ni câu đà dầu nhỏ cũng không ngại, nó có thể thành tựu cây to nhánh nhóc dài rộng che cả khu đất lớn. Ý ông thế nào, hột và cây ấy hình thể to nhỏ ra sao?
- Bạch Ðức Thế Tôn! Như đem lỗ lông so với hư không.
- Nầy Ðại Dược! Nhưng cây ấy chẳng thể thấy tại trong hột, mà cũng chẳng rời hột sanh ra cây.
Như hột nhỏ ấy sanh cây to rộng, cũng vậy, thức nầy không sắc mà thành tựu sắc to lớn, thân thể do thức mà hiện ra sắc, rời thức không có sắc thân hiển hiện để được thấy.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Thức ấy bền chắc như kim cương sao lại thành tựu thân yếu mềm?
- Nầy Ðại Dược! Ví như có người nghèo cùng bỗng gặp như ý bửu châu, cầm được châu ấy rồi mọi sự đều như ý, nào lâu đài nào ao suối cổng cao vườn rộng cây trái sum suê bông hoa đua đẹp của cải vật dụng đều tùy tâm tự nhiên hóa hiện. Các sự vật ấy mỏng manh mau hư chóng tan. Lúc sau bỗng thất lạc bửu châu như ý ấy, tất cả sự vui đẹp trên liền diệt chẳng còn.
- Nầy Ðại Dược! Bửu châu như ý ấy rất kiên cố có công năng như vậy, dầu ngàn kim cương phá nó cũng chẳng làm hư nó được, có nó thì tùy ý muốn đều quả toại cả.
Cũng vậy, thức nầy bền vững như kim cương, mà thân được thọ thì chẳng bền vững.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Thức ấy yếu đuối làm sao phá được thân cứng rắn mà dời đến thân sau?
- Nầy Ðại Dược! Như nước chảy trong núi rồi xoi núi mà thoát ra, dầu nước mềm núi cứng. Cũng vậy, thức nầy bổn thể mềm mà có thể phá thân lớn cứng để được đi ra.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Có chúng sanh từ chúng sanh giới xả thân sau khi chết thế nào thọ thân trời, thế nào lại thọ thân các loài khác?
- Nầy Ðại Dược! Có chúng sanh xả thân chúng sanh, sau khi chết do làm sự phước nghiệp mà thọ thân, thức của họ xả nhơn thân kiến được thiên thân kiến, nó được thiên nhãn rồi liền thấy chư Thiên sáu cõi trời Dục giới, nó lại thấy cung trời, đồng thời thấy thân người lúc hoại hư, nó lại thấy vườn rừng trên trời, như hoan hỉ lâm, hoại loạn lâm v.v… nơi ấy có tòa ngồi cao trùm thiên y, nơi nơi có điện đài vi diệu, có đoàn thiên nữ đoan chánh, thấy các thứ hoa trời trang nghiêm sanh lòng hoan hỉ, trên tòa nó thấy thiên đồng tử, thiên tử và ngọc nữ ấy cùng ngó nhau vui vẻ, thiên đồng tử ấy sanh rồi lại thấy thiên đồng nữ sanh, thiên đồng tử thấy thiên đồng nữ liền sanh lòng dục, sanh lòng dục rồi liền được hoan hỉ, được hoan hỉ rồi liền được khắp thân tâm ý hoan hỉ, tâm ý hoan hỉ rồi liền biến sắc thân, sắc ấy như hoa sen.
Lúc người ấy mạng chung được sự thấy không điên đảo, mũi không nghẹt, miệng không hôi, tai mắt như hoa sen xanh, thân phần lóng đốt lại chẳng rời rã chẳng lưu huyết, thân chẳng hôi thúi, lông tóc chẳng rụng rớt, móng chẳng xanh, tay không vàng, tay chưn bất động cũng không co duỗi mà mạng chung.
- Nầy Ðại Dược! Lúc người ấy mạng chung dự có tướng trời, đó là hiện tiền thấy kiệu xe, xe nầy có ngàn trụ trang nghiêm treo linh giăng lưới vàng âm thanh vi diệu, trên rải đầy những hương hoa vi diệu ngào ngạt thơm tho, còn có các thứ anh lạc trang sức trên xe, còn có vô lượng thiên đồng tử. Thấy rồi người ấy sanh lòng rất vui mừng. Rất vui mừng rồi sanh hai tướng: răng trắng sạch hiện lên như hoa quân đà, hai mắt chẳng quá mở quá nhắm, tiếng nói êm ái, dưới hai chưn màu hoa sen,. Tử thi ấy nơi tim chẳng lạnh chẳng nóng, quyến thuộc chẳng quá bi luyến. Người ấy muốn y pháp lấy giờ chết lúc mặt nhựt mọc không có tối tăm thấy rõ hình sắc các phương. Lại có hơi thơm vi diệu khắp nơi đến. Lúc sắp chết hai mắt người ấy chẳng nhắm thấy rõ chẳng mê lầm, hoặc thấy tượng Như Lai liền được tín tâm phát ý thanh tịnh, lại thấy quyến thuộc mà lòng thường vui thương rồi dùng tâm hoan hỉ ôm thân họ, như người chết rồi sống lại, như người đi xa trở về an ủi quyến thuộc rằng: các người chớ ưu chớ sầu, tất cả pháp có sanh đều có biệt ly như vầy.
- Nầy Ðại Dược! Người ấy nếu phước nghiệp mạnh hoặc phát tâm bố thí luôn miệng ca ngâm tán thán công đức bố thí hay nhơn duyên các thứ công đức, thốt lời như vậy rồi ngủ nghỉ thân tâm đều an vui hoàn toàn yên ổn xả thân mạng. Lúc xả thân mạng, người ấy thấy phương trên chư Thiên cùng ngồi đồng một giường, thấy thiên nữ hai tay nắm đầy hoa thơm thưa với thiên tử kia rằng: rất lành rất tốt nguyện có sự cát lợi, thời kỳ sanh thiên đồng đã đến. Nói xong thiên nữ ấy lựa hoa, lựa rồi lựa lại. Lúc thiên nữ lựa hoa là lúc người ấy mạng chung xả cộng thức xả các căn xả các đại. Lúc xả các đại bốn ấm không định thể không sắc như người muốn cỡi ngựa, hoặc như mặt trời, hoặc như minh châu, hoặc như ngọn lửa, hoặc như thủy nguyệt, hoặc như thân ảo hóa, phan duyên thiện nghiệp mau lẹ, như hơi trong ống thoát ra dời đi, thần thức ấy muốn sanh Thiên cung kia nhơn nơi hoa ấy mà thấy thiên phụ thiên mẫu ở trên giường hòa hiệp, từ trong hoa ấy thần thức có hình sắc xuất hiện, liền có gió vi diệu hòa hiệp với cam lộ vị thổi đến, gió ấy nổi lên rồi, trong bảy ngày thần thức ấy đầu đội mũ trời thành thiên đồng.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Thần thức ấy không có sắc, thế nào làm nhơn duyên mà thành tựu sắc, thế nào làm nhơn duyên mà hiển hiện?
- Nầy Ðại Dược! Ví như hai khúc gỗ cọ xát nhau sanh ra lửa. Mà lửa nầy chẳng thể thấy ở trong gỗ, nó cũng chẳng thể rời gỗ mà có, cũng chẳng phải một nhơn mà có thể sanh lửa, cũng chẳng phải không có nhơn mà lửa ấy xuất hiện. Chẳng phải trên gỗ liền được thấy sắc mà do nhơn nên phát ra, phát ra mới thấy sắc, cũng chẳng phải rời lìa gỗ mà riêng có được sắc.
Cũng vậy, thức ấy do cha mẹ hòa hiệp nên thành tựu thọ thân. Thức ấy chẳng ở trong thân thấy được nó, cũng chẳng rời lìa thân mà có thức ấy.
Ví như lửa phát xuất rồi mới thấy sắc, cũng chẳng phải vì nóng mà thấy sắc, cũng chẳng phải vì đỏ mà nói là có sắc. Cũng vậy, thần thức ấy do thành tựu thân rồi mới nói có thức, cũng chẳng phải do vì thọ mà thấy được, cũng chẳng do các hành mà thấy được.
- Nầy Ðại Dược! Ví như mặt nhựt viên mãn chói sáng có oai quang lớn được thấy, mà các phàm phu chẳng thấy chánh sắc mặt nhựt hoặc nói là sắc đen, hoặc nói là sắc trắng, hoặc nói là sắc vàng trắng, hoặc nói là sắc xanh lục.
Cũng vậy, chẳng thấy thần thức chẳng nên do thân mà nói là đen là trắng v.v…
Chẳng có thể do nơi hơi thở mà thấy mặt nhựt, nó có thể được thấy chỉ có lúc nó mọc lặn. Nên quan sát thần thức cũng như vậy.
- Nầy Ðại Dược! Lúc muốn quan sát thần thức nầy chỉ lấy các tánh của nó.
Bạch Ðức Thế Tôn! Thức ấy có các tánh gì?
- Nầy Ðại dược! Những tánh thọ, tánh thủ, tánh các hành, tánh ưu sầu, tánh tư duy, tánh não, tánh hỉ, tánh bất hỉ v.v… là các tánh của thức vậy.
Lại nữa, thần thức có bổn tánh có thể quan sát được. Ðó là thiện tâm bất thiện tâm v.v…làm bổn tánh của nó.
Bạch Ðức Thế Tôn! Thần thức ấy từ thân nầy thoát ra, thế nào nó mau lẹ mà thọ sanh nơi kia, lúc chưa đến thân kia thọ sanh nó ở chỗ nào, thần thức ấy nên quan sát nó thế nào?
- Nầy Ðại dược! Ví như có người cánh tay thon dài, tay chưn trên dưới tất cả ngay thẳng vững chắc cỡi tuấn mã vi diệu, nhanh lẹ chạy vào trận, vào trận rồi bị thương té xuống ngựa, nhưng người ấy rất giỏi chiến trận nên lẹ làng nhảy lên lưng ngựa. Như lúc người ấy té ngựa mau lẹ nhảy lên lưng ngựa, cũng vậy, thần thức ấy nên quan sát như vậy.
Như người ấy bị giặc đuổi lòng kinh sợ giục tuấn mã chạy nhanh. Thần thức ấy ban đầu xả thân muốn đến chỗ kia cũng vậy.
Muốn sanh cõi trời thì móng niệm duyên cõi trời thấy thiên phụ thiên mẫu ở trên một giường, thấy rồi phan duyên mau lẹ liền được thọ sanh.
- Nầy Ðại Dược! Ông hỏi người phàm lúc thần thức mới dời đi mà chưa đến kia thì nó ở chỗ nào và tánh của nó quan sát thế nào.
- Nầy Ðại Dược! Ví như bóng người trong nước dầu có sắc hiện ra mà chẳng phải hình sắc chánh của người. Lúc bóng ấy thành tựu trong nước nó chẳng nghĩ rằng: tôi có nhiệt não tôi có lạnh rét thân tôi mỏi mệt, nó cũng chẳng nghĩ rằng: tôi là thân thiệt như khối thịt ở tại thai trước kia. Bóng ấy cũng không chỗ nhiễu loạn, lúc nó ở trong nước cũng không có tiếng phát ra.
- Nầy Ðại Dược! Thần thức ấy lúc xả thân mà chưa đến kia thì nó có hình như vầy có tánh như vầy:
Phàm thần thức có phước lúc ban sơ muốn lấy thân trời thì cảm thọ như trên đã nói.
Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu thần thức ấy muốn lấy thân địa ngục thì sanh cảm thọ thế nào?
- Nầy Ðại Dược! Như thần thức vô phước muốn lấy thân địa ngục, ông nên lắng nghe ta sẽ nói cho.
Nếu có chúng sanh tạo nghiệp bất thiện do ác nghiệp ấy phan duyên nhiếp lấy mà chúng sanh ấy ở nơi đây muốn xả thân. Lúc xả thân nó nghĩ rằng: tôi là người ấy xả thân đến địa ngục nầy, đây là phụ mẫu tôi. Người nầy lúc xả thân thành tựu sắc thân như nghiệp đã có mà thành tựu không khác, liền thấy thân phần như thân thể trước. Lúc ban sơ xả thân, người ấy bị ưu sầu bức khổ liền thấy các thứ địa ngục. Ban sơ xả thân rồi, thần thức ấy tại địa ngục kia liền thành tựu hữu nghiệp liền thấy địa ngục kia: hoặc thấy như tưới máu, lòng họ sanh tướng nhiễm trước. Sanh tướng nhiễm trước rồi liền thành thân địa ngục. Ví như đất thấp ẩm ướt nên sanh trùng, như chỗ khuất hôi thúi rã bấy nên sanh trùng, như trong chất lạc hư thúi có các thứ trùng dòi sanh, chúng sanh muốn sanh địa ngục cũng vậy".
Bấy giờ trưởng giả Hiền Hộ chắp tay bạch Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Ở tại địa ngục, thân chúng sanh ấy có hình sắc gì? Thọ thân thể thế nào?"
Ðức Phật dạy: "Nầy Hiền Hộ! Nếu chúng sanh nhiễm trước chỗ máu thì thân họ có màu máu. Nếu có chúng sanh nhiễm trước sông tì la ni thì thân họ sanh vân sắc đen trắng. Nếu có chúng sanh nhiễm trước sông tro thì thân họ sanh màu lốm đốm. Nhưng ở nơi ấy thân thể chúng sanh mềm mại như các Vương Tử an vui nuôi nấng thân thể họ.
- Nầy Hiền Hộ! Tại địa ngục ấy, các chúng sanh thọ thân lớn rộng cao tám cánh chỏ rưỡi, râu tóc họ rất dài, bàn chưn họ đáng sợ lật hướng phía sau. Nếu người Diêm Phù Ðề đến đó thấy người địa ngục ắt kinh sợ mà chết.
- Nầy Hiền Hộ! Dầu có được ăn uống nhưng người địa ngục không được tạm thời vui".
Ðại Dược Bồ Tát bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Lúc ăn, người địa ngục có thức ăn gì?".
Ðức Phật dạy: "Nầy Ðại Dược! Chúng sanh địa ngục lúc du lịch xa thấy màu đỏ, đó là đồng hay thau nóng chảy thành nước, họ thất rồi kêu hô nhau cùng tụ lại chỗ ấy, vì cầu ăn nên hả miệng muốn ăn. Nước đồng nước thau sôi ấy phát ra tiếng ùng ục vào miệng họ đốt cháy toàn thân họ. Vì ăn mà các chúng sanh địa ngục thọ sự đau khổ như vậy.
- Nầy Ðại Dược! Lúc ấy, thần thức họ chỉ ở tại hài cốt, vì thần thức chẳng rời lìa hài cốt nên thân thể cháy rã mà họ chẳng chết. Dầu vậy mà chúng sanh ấy vẫn còn đói khổ, nơi địa ngục cũng không có sự ăn.
Ở địa ngục ấy có vi diệu vườn rừng, các người địa ngục mắt thấy các thứ hoa quả cây cối xanh um, cũng thấy địa phương rộng lớn xinh đẹp có cỏ xanh mềm mại mọc đầy. Họ thấy vườn rừng địa phương xinh đẹp như vậy, họ đều vui mừng mỉm cười, đều khởi niệm đến đó, đều kêu gọi nhau cùng đến thọ khoái lạc, lại có gió nhẹ mát lạnh. Nghe và thấy như vậy rồi họ tụ họp lại cùng nhau vào trong rừng ấy. Vào rồi được vui chốc lát, nhưng tất cả cây cối nhánh lá bông trái đều biến thành sắt nhọn đâm cắt nát rã thân thể họ. Các chúng sanh địa ngục ấy vừa kêu la, vừa kiếm chỗ chạy. Phía sau họ có các quỉ tốt tay cầm chĩa nhọn, hoặc cầm gậy sắt đuổi theo. Các quỉ tốt ấy trợn mắt đáng sợ, răng nanh nhọn bén, đầu tóc phát lửa ngọn cao, toàn thân tuôn lửa gọi to rằng: chúng bây đứng lại chớ chạy. Tự nghiệp của chúng bây tạo ra vườn rừng nầy sao chẳng ở lại thọ nghiệp ấy mà chúng bây lại trốn chạy.
Chúng sanh ở tại địa ngục thọ khổ như vậy.
- Lại nầy Ðại Dược! Quá bảy ngày, người địa ngục thọ đủ sự đau khổ, như con ong hút vị hoa làm thành mật. Tại sao? Vì do các thứ hữu nhơn nên thành thần thức mới thọ lấy khổ địa ngục. Thần thức ấy lúc ban sơ xả thân nó chẳng tự do mà bị các sự đau khổ bức ngặt chẳng vui thoạt đầu thấy tối đen bèn đến chỗ ấy. Như người bị giặc bức kéo đi không tự chủ được. Trong tâm người ấy nghĩ rằng: Ôi! Nay tôi có chi bỏ Diêm Phù Ðề xa các thân lữ mến yêu mà hướng đến địa ngục để đi. Nay chẳng thấy con đường lên trời. Lúc bấy giờ như con tằm đã bị tơ quấn gấp rút cầu chỗ thọ sanh cho mau lẹ, họ chẳng được tự do mà bị nghiệp lực kéo dắt không thể dừng lại được.
- Nầy Ðại Dược! Chúng sanh địa ngục ấy có nghiệp nhơn như vậy và thọ lấy các sự khổ não như vậy".
Vương Tử Ðại Dược và trưởng giả Hiền Hộ nghe nghiệp báo địa ngục cả mình rởn óc chắp tay hướng Phật qui y phát nguyện rằng: "Nhờ nhơn duyên nghe pháp nầy ở trong sanh tử phiền não lưu chuyển, nguyện chớ sanh ác đạo chớ thọ khổ địa ngục".
Trưởng giả Hiền Hộ lại bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn ! Nay tôi còn muốn hỏi Ðức Thế Tôn về các điều nghi trước".
Ðức Phật dạy: "Nầy Hiền Hộ! Nếu có nghi điều chi, ta cho phép ông hỏi.
- Bạch Ðức Thế Tôn! Cái gì gọi là tụ ? Cái gi gọi là Tích? Cái gì gọi là ấm?Cái gì gọi là Di?
- Nầy Hiền Hộ! Phàm có bốn thứ pháp giới thành tựu thân nầy. Những gì là bốn ? Các giới hòa hiệp, trí huệ kiến ý, vô minh các cảnh giới và thức, đây là tổng nghĩa mà ta đã nói.
Nói Tụ là lục giới các pháp nhập cảnh giới. Trong lục giới: cái thô có ba, một là nhập, còn có hai món thủ. Trong ấy có tóc, râu, mép râu càm, lông da, thịt ; mủ máu ; nước mũi, nước miếng, mỡ, năm tạng, tay, chưn, đầu, mặt, thân phần chi tiết hòa hiệp nên gọi là Tụ vậy. Ví như các hột thóc tích tụ, hoặc hột mè đen, hoặc hột bắp, hột đậu, do nó tích tụ lại mà gọi là tích tụ. Cũng vậy, thân nầy có các thân phần chi tiết tụ họp lại nên gọi là tích tụ vậy.
Nói lục giới ấy, gì là sáu? Ðó là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thức giới.
Nói lục nhập ấy, gì là sáu? Ðó là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý.
Nói lục nhập cảnh giới ấy, gì là sáu? Ðó là nói sắc, thanh, hương, vi, xúc và pháp.
Nói thô pháp giới bốn thể có ba thứ là tham dục, sân khuể và ngu si. Chúng nó phát khởi có ba là phong, đàm vàng đàm trắng và nước mũi nước miếng.
Nói các nhập có hai thứ thủ là trì giới và tín.
Lại còn có sáu thứ là thí, tài, tinh tiến, thiền định, thiện và phi thiện.
Nói ấm là thọ, tưởng các hành và thức. Bốn ấm nầy không có sắc. Nói thọ là thọ dụng. Nói tưởng là biết khổ vui khác. Nói các hành là thấy nghe xúc thọ. Ðây là thức thân làm chủ hay được tự tại tất cả, vì tự tại trong các vật vậy.
Nói Di ấy là khéo thành tựu thanh tịnh giới, thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, lúc thọ căn lấy mạng chung, thức ấy xả các ấm chẳng còn thọ hữu sanh, chẳng còn trở lại nên một bề thọ vui, đây gọi là Di. Rời ngoài đây thì chẳng gọi là hữu di, như vậy thứ đệ khác đi thì chẳng gọi là Di".
Vương Tử Ðại Dược và Trưởng giả Hiền Hộ đảnh lễ chưn Phật mà bạch rằng: "Lành thay, Ðức Thế Tôn! Hay vì chúng tôi mà nói nghĩa như vậy, chơn thiệt Nhứt thiết trí.
Bạch Ðức Thế Tôn! Ðời vị lai, pháp môn nầy sẽ làm lợi ích cho các chúng sanh mê hoặc ngu si".
Ðức Phật dạy: "Nầy các thiện nam tử! Ðây là Như Lai trí không có hư vọng, nếu chẳng phải Nhứt thiết trí thì cũng chẳng thể biết chơn thiệt thể nầy. Từ quá khứ, ta tu hành vô lượng khổ hạnh huân tu trí nầy, như chỗ được nói ra ngày nay không khác. Ðây là pháp môn trí quang minh lưu bố mọi nơi công đức danh văn hải tạng Nhứt thiết trí, vì giáo hóa các chúng sanh mà tuyên nói. Chỗ nói kinh nầy và kinh nầy ở chỗ nào thì chỗ ấy được chư quỉ thần chỗ ấy hộ trì, và chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Nhơn cùng Phi Nhơn đều đến hộ trì nơi ấy, khiến không bị khủng bố, quan quân không làm tổn, giặc cướp không làm hại".
Ðức Phật bảo các Tỳ Kheo: "Nầy chư Tỳ Kheo! Pháp môn nầy, các ông chớ nói với kẻ không tín tâm, cũng chẳng nên nói với người cầu tìm lỗi lầm của kẻ khác, với hàng ngoại đạo Ni Kiền Tử v.v…cùng hàng Ni Kiền Ðà Thanh Văn cũng chẳng nên nói, với người ở a lan nhã không nhàn cùng người chẳng chí tâm thỉnh cầu cũng chẳng nên nói. Tại sao? Vì sợ họ tìm cầu lỗi lầm. Ðức Như Lai thiệt không có lỗi lầm.
Nếu có Tỳ Kheo xuất gia hoặc có tục nhơn tại gia tín thọ tùy thuận duyên sự nầy, nên biết các người ấy phát tâm từ bi đồng với Ðức Như Lai, phải nghĩ rằng các người ấy trì kho tàng của chư Phật vậy".
Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
"Vì phát tâm xuất gia
Nên phải hành Phật pháp
Hàng phục chúng quân ma
Như vui phá nhà tre
Nếu hành được pháp nầy
Cẩn thận sự phóng dật
Dứt sanh tử phiền não
Sẽ hết tất cả khổ".
Ðức Phật nói kinh nầy rồi, trưởng giả Hiền Hộ, Ðại Dược Vương Tử Bồ Tát, chúng đại Tỳ Kheo và Thiên Long Bát Bộ, tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy tín thọ phụng hành.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 120 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận


Chuyển họa thành phúc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.134.77 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập