Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Lúc bấy giờ, tôn giả Xá Lợi Phất thấy người tạo nghiệp sát quy đầu với Phật xuất gia, chứng đặng quả thánh, như thế là một việc ít có. Ngài đến trước Phật bạch rằng:
- Thật hy hữu, thưa Thế Tôn! Như Lai đầy lòng đại từ, khéo léo phương tiện, tuyên nói chánh pháp. Người đã tạo nghiệp sát, tội căn (1) rất nặng. Như Lai chỉ ở trong sát na, khéo hay cứu độ, khiến họ được giải thoát. Đây chính là sức phương tiện của chư Phật Như Lai, chỗ thuyết pháp kia đều là cảnh giới chư Phật. Duy có Đại Sĩ Diệu Kiết Tường và các Bồ Tát, những vị mặc áo giáp tinh tiến, khéo hay rõ biết, chẳng phải là cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác của chúng ta. Vì sao thế? Vì các chúng Thanh Văn, trí tuệ hẹp hòi, không thể phân biệt cơ nghi (2) của chúng sinh, đâu hay rõ biết, những pháp phương tiện
Đức Phật nói:
- Đúng như vậy! Đúng thế! Xá Lợi Phất! cảnh giới chư Phật chỉ có các bật Bồ Tát đặng pháp nhãn (3) đầy đủ mới hay chứng nhập. Hàng Thanh Văn các ông mặc dù lìa kiến chấp Bổ Đặc Già La (4),chỉ ưa cầu niết bàn tự lợi, mặc dù có công đức tu tập hạnh đầu đà (5) cũng chỉ ưa cầu cho đầy đủ giới, định, huệ, không thích tu học pháp của chư Phật, các việc ra làm đều có hình tướng, đều có ngăn ngại. Thế nên đối với cảnh giới của chứ Phật không thể nghĩ bàn. Xá Lợi Phất! ông nay phải biết, tôi vừa hóa độ cho người tạo nghiệp sát, vị nầy đã từng đến 500 chỗ Phật, cung kính cúng dường trồng các căn lành, cũng tường đặng nghe giáo pháp như thế. Vì thế cho nên người nầy nay đối trước tôi nghe nói chánh pháp (6), nhờ sức căn lành đời trước thấy được chân lý chân thật của các pháp, đúng như pháp mà giải thoát.
Lại nữa, nầy Xá Lợi Phất! nếu ai đối với chánh pháp được nghe chỉ một bài kệ bốn câu, người ấy không bị đọa trong đường ác (7), lìa khổ được giải thoát, quyết định thành Phật nhất thiết trí, huống chi những người thọ trì đọc tụng; đúng như pháp mà tu hành, người ấy tu đặng công đức vô lượng vô biên!
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường cùng các chúng Đại Bồ Tát cùng ngài Ca Diếp và các đại Thanh Văn Vua nước Ma Già Đà cùng các cung thuộc đồng thời đều đến trong pháp hội Linh Sơn của Phật Thích Ca Mâu Ni, đến gặp Phật rồi, mỗi người đảnh lễ dưới chân đức Phật, rồi lui đứng một bên.
Tôn giả Xá Lợi Phất liền tâu Vua nước Ma Già Đà rằng:
- Đại Vương đã ưa thích giáo pháp hy hữu của Đại Thừa. Bồ Tát Diệu Kiết Tường đã vì Đại Vương rộng rãi khai thị diễn nói. Đối với giáo pháp ấy, Đại Vương có thật hiễu rõ không?
Vua bạch:
- Thưa Tôn Giả! Tôi đã hiểu thấu giáo pháp hy hữu ấy.\
Xá Lợi Phất nói:
- Đại Vương hiểu thấu giáo pháp bằng cách nào?
Vua bạch:
- Theo như ý tôi, đối với tất cả pháp xa lìa các nhiễm trước, không đắc không thất, chẳng phải thủ, chẳng phải xả, không phải cảnh giới (8) của tâm, tướng "vô sở đắc" (9). Ấy là pháp chân thật. Như thế rõ biết các nghi lầm hằng diệt, tất cả chướng lụy không từ đâu sinh.
Khi ấy, Xá Lợi Phất bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Vua nước Ma Già Đà, căn lành thành thục, ưa thích pháp vị cao siêu của đại thừa, ngộ được vô sanh (10), dứt hết các nghiệp chướng, thế ấy chắc chắn diệt hết hay còn ư? Việc ấy thế nào? Xin Phật thương xót giảng giải cho.
Đức Phật đáp:
- Xá Lợi Phất! Đại Vương đây, có bao nhiêu nghiệp chướng đều dứt sạch không còn. Xá Lợi Phất! Ví như hạt cải lượng nó rất nhỏ, núi Tu Di (11) lớn có thể xô ngã không? Ông nay phải biết nghiệp chướng của Vua, giống như hạt cải, tôi đã tuyên nói giáo pháp thậm thâm, cũng như núi lớn kia. Thế nên vua nầy nghe giáo pháp thậm thâm, há co chướng ngại gì mà chẳng ngại ư?
Xá Lợi Phất thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất là ít có. Vua nầy lợi căn thông suốt, nhưng thích nghe chánh pháp và hiểu rõ để diệt hết các nghiệp chướng. Như lời Đức Phật đã nói không sai!
Đức Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Vua nầy đã từng ở trong đời quá khứ bảy mươi hai ức chỗ Phật, cung kính cúng dường, đã trồng các căn lành, ở chỗ đức Phật, thường nghe chánh pháp, nhờ đó căn lành tương lai quyết định sẽ chứng đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lại nữa, Phật bảo ngài Xá Lợi Phất:
- Ông thấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường nầy không?
Đáp rằng:
- Dạ thấy.
Đức Phật nói;
- Nay Vua nước Ma Già Đà nầy cùng Bồ Tát Diệu Kiết Tường có nhân duyên lớn. Xá Lợi Phất! Quá khứ có kiếp tên là Vô Cấu, Đức Phật ra đời hiệu là Diệu Tý, ở trong kiếp đó lại có ba câu đê (12) đức Phật, xuất hiện trong đời. Các đức Phật ấy đều nhơn Bồ Tát Diệu Kiết Tường khai phát đạo tâm. Các Như Lai kia mạng sống lâu rất dài. Chuyển bánh xe pháp lớn, lợi ích chúng sanh. Vua nước Ma Già Đà nầy ở trong kiếp kia đã được gặp gở Bồ Tát Diệu Kiết Tường giáo hóa, phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vua phát tâm rồi, đối với các đức Thế Tôn đã trồng các căn lành, nghe và lãnh thụ giáo pháp đại thừa ít có, nhờ nhân duyên ấy căn lành sâu dày. Xá Lợi Phất! Ông nay phải biết, Vua nước Ma Già Đà nầy sau khi mạng chung, sanh về thế giới thượng phương, trải qua 400 cõi Phật. Có một cõi Phật tên là Trang Nghiêm. Đức Phật kia hiệu là Bửu Tụ Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vua nầy sanh trong cõi kia, cũng thấy được Bồ Tát Diệu Kiết Tường, nghe thọ giáo pháp thậm thâm, nghe rồi hiểu rõ chứng pháp vô sanh nhẫn (13). Cho đến tương lai Bồ Tát Tự Thị, giáng sinh ở thế giới Ta Bà nầy thành bậc Chánh Giác rồi, Vua nước Ma Già Đà nầy, theo đức Phật kia, trang nghiêm cõi Phật, sanh sống ở trong giáo pháp của Từ Thị Như Lai, trở thành vì Bồ Tát hiệu là Vô Động. Khi ấy cũng được thấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường. Đức Từ Thị Như Lai vì Bồ Tát Vô Động lập lại các giáo pháp đã giảng đời quá khứ, tuyên nói như thế rồi, bảo đại chúng rằng:
- Các ông có thấy Bồ Tát Vô Động không? Vị Bồ Tát nầy đâu có xa là gì, ấy là Vua nước Ma Già Đà trong giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni ở đời quá khứ. Vị nầy ở chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường kia nghe thọ chánh pháp, chứng đặng quả Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi, Từ Thị Như Lai kia vì Bồ Tát Vô Động, khi nói diệu pháp, trong pháp hội có tám nghìn Bồ Tát, chứng đặng quả vô sanh pháp nhẫn, hai muôn bốn ngàn các Bồ Tát nhỏ, tiến vào sơ địa (14). Xá Lợi Phất! Bồ Tát Vô Động kia từ đây về sau, ở trong tám trăm a tăng kỳ kiếp (15) tu hành, thanh tịnh cõi nước các đức Phật, giáo hóa chúng sinh, khiến đến quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, khiến các chúng sanh diệt tất cả nghiệp chướng, giải ngộ chánh pháp, không sanh sự nghi lầm. Bồ Tát Vô Động kia, trải qua tám trăm kiếp a tăng kỳ rồi, liền ở thế giới Vô Nhiễm, chứng đặng bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hiệu là Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai, Ứng Cúng Chanh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu (16), đức Phật kia mạng sống lâu bốn trung kiếp (17), chánh pháp trụ thế một câu đê tuế (18), có bảy mươi muôn chúng Thanh Văn đều được đầy đủ pháp tam minh (19) và lục thông (20) đặng tám giải thoát (21),có mười hai câu đê chúng đại Bồ Tát, đầy đủ trí tuệ và phương tiện. Chúng sinh ở cõi kia, đều ưa thích giáo phát thậm thâm; đức Phật Như lai rộng vì họ tuyên nói, làm cho các chúng sanh nghe giáo pháp giải ngộ, lìa các phiền não, thân tâm đều được thanh tịnh, mỗi vị không bao giờ khởi tưởng ngã kiến (22).
Lúc bấy giờ, Phật Thích Ca Mâu Ni, vì Xá Lợi Phất nói Vua nước Ma Già Đà sẽ thành việc Phật; trong chúng hội có ba muôn hai nghìn thiên tử, phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đều phát thệ nguyện rằng; Cho chúng con sẽ đặng sanh về thế giới Vô Nhiễm kia, để thấy đức Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai hoàn thành con đường Chánh Giác. Phật Thích Ca Mâu Ni liền thọ ký rằng: Các ông sẽ đặng sanh về thế giới kia, thấy đức Như Lai, hoàn thành con đường Chánh Giác!
Khi ấy, Vua nước Ma Già Đà có một vị Thái Tử tên là Nguyệt Cát Tường, tuổi mới lên tám, trước thường theo phụ vương đến trong pháp hội của Phật, nghe thuyết pháp rồi liền cổi chuỗi anh lạc (23) trong cổ, đem dâng lên đức Phật, rồi phát nguyện rằng: "tôi nay dùng của quý báo nầy cúng dường Phật để tạo căn lành, hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nguyện cho chúng tôi sẽ sanh trong cõi Phật Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai làm vị Kim Luân Vương (24), cho đến lúc mệnh chung, đem bốn vật (25) cần dùng cúng dường đức Phật kia và các chúng tỳ kheo sau khi đức Phật kia nhập diệt, tôi sẽ thu xá lợi, cung kính cúng dường, nguyện tôi thưa kế, liền ở cõi kia, chứng đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi ấy Thái Tử Nguyệt Cát Tường, phát thệ nguyện rồi, nhờ sức oai thần của Phật đã hiến chuỗi anh lạc, trụ giữa hư không, ở trên cõi Phật kia biến thành lầu đài bảy báu (26). Trong đó có tòa làm bằng bảy thứ báu. Trên đó có đức Phật đang ngồi kiết già (27), đầy đủ tướng tốt, các thứ quý báo trang nghiêm.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ trên gương mặt phóng ra các sắc hào quang. Ấy là các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, biếc, lục, những tia hào quang như thế khắp soi thế giới nhiều vô biên, trên đến cõi trời Phạm Thiên, yến sáng chiếu khắp, ánh sáng mặt trời mặt trăng không thể hiện được. Yến sáng kia trở lại nhiễu Phật ba vòng, rồi vào từ đảnh môn của đức Phật Thế Tôn.
Khi ấy Tôn Giả A Nan từ tòa ngồi đứng dậy, mích trần vai bên hữu, đầu gối bên hữu quỳ sát đất, chấp tay về đức Phật, rồi nói bài kệ rằng:
"Đại Mâu Ni đã đến bờ kia
Đầy đủ tất cả công đức tốt,
Trời, người, nhân gian đều tôn kính,
Tất cả trí giả lìa các chấp.
Chúng sanh tâm hạnh và căn tính,
Tất cả Như Lai đều rõ biết,
Tuyên nói pháp mầu lợi quần sinh,
Tất cả thế gian, Ngài tối thắng
Đã phóng hào quang sáng ít có
Khắp soi tất cả cõi mười phương
Chúng sanh rất nhiều vô số kể
Nhờ yến sáng ấy được yên ổn.
Thiện Thệ (28) đầy đủ trong mười phương
Niệm, huệ viên mãn xuất thế gian,
Khéo biết tâm, hạnh của chúng sanh,
Nói pháp, đoạn nghi không ai bằng
Đã có Phạm Vương cùng Đế Thích
Trời, trăng, ngôi sao và chư Thiên
Nghe Phật tuyên nói diệu pháp môn,
Lìa các phiền não đặng yên ổn.
Như Lai chúng trung tôn (29) tất cả,
Chúng sinh có nghi đều giải quyết,
Ngày nay duyên gì phóng hào quang,
Xin Phật bừ bi vì con nói!"
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:
- Ông có thấy Thái Tử Nguyệt Cát Tường không?
A Nan bạch Phật rằng:
- Vâng, con đã thấy.
Đức Phật bảo A Nan
- Thái Tử đây, ở trong đời quá khứ, đã tu hạnh Bồ Tát, cúng dường với ta sâu trồng căn lành, nhờ cơ duyên đó mà đã thành thục. Nay ở trước tôi, phát tâm vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, khởi lời đại thệ nguyện, do nhân duyên ấy, nên phóng hào quang nầy. A Nan! Vị Thái Tử đây, sẽ sanh ở thế giới Vô Nhiễm, trong giáo pháp của Phật Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai, làm vị Kim Luân Vương, thường cúng dường đức Phật kia và các chúng Bí Sô, đến sau khi đức Phật kia diệt độ, thu ngọc xá lợi, cung kính cúng dường. Vì nầy, sau khi mạng chung, sanh về cung trời Đâu Suất (30), đến lúc mãn một kiếp sanh đến thế giới Vô Nhiễm, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hiệu là Nhật Tràng Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu. Đức Phật Thế Tôn kia và các chúng Thanh Văn Bồ Tát, mạng sống lâu đều bằng nhau.
Lúc bấy giờ, các chúng Bồ Tát ở địa phương khác đến nhóm hợp, nghe trao lời thọ ký cho Thái Tử Nguyệt Kiết Tường rồi, đều bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Nay Phật Thích Ca Mâu Ni cùng Bồ Tát Diệu Kiết Tường, ở trong tất cả địa phương ra làm Phật sự vĩ đại, lợi ích chúng sanh, không bỏ qua một nơi nào. Ví cớ sao? Vì Phật và Bồ Tát dùng tâm đại bi, pháp khởi các phương tiện, ở trong nước, thành, quận, ấy, cho đến các chốn tụ lạc,vì các tầng lớp chúng sanh, thuyết pháp giáo hóa, khiến các chúng sanh, nghe giáo pháp liển được giải thoát, xa lìa các sự sợ hãi, đoạn trừ tất cả phiền não trọng chướng; chúng con ngày nay, đến đặng chỗ nầy, nghe Phật và Bồ Tát Diệu Kiết Tường, tuyên nói pháp nhiệm mầu, và nhìn thấy những việc phóng quang ít có, lợi ích cho chúng sinh, thật không diễn tả, thế nào cho cùng tận.
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo các Bồ Tát rằng: Thiện Nam tử, đúng như vậy, nếu các Bồ Tát đối với các phương xứ, vì các chúng sanh, tuyên nói pháp, ra làm Phật sự, phải quán các chỗ ấy, như là tháp miếu của Phật. Vì sao? Tôi ở trong quá khứ khi gặp gở đức Nhiên Đăng Như Lai, tôi đem lòng tin cẩn, rũ tóc trải trên đất để cho đức Phật kia đi qua. Sau đó, tôi được quả vô sinh pháp nhẫn, đức Nhiên Đăng Như Lai kia, biết tôi đã được đầy đủ pháp nhẫn, liền vì tôi trao lời thọ ký, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nói như thế nầy: "ông đến đời sau trải qua vô số kiếp, sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu. Phật Nhiên Đăng kia, thọ ký cho tôi rồi, bảo các chúng tỳ kheo rằng:
- Các ông phải ở chỗ nầy, khởi lòng tưởng tôn trọng, chớ sanh khinh mạn, vì sao? Vì chỗ nầy có thiện nam tử rũ tóc trải trên đất, thỉnh Phật đi qua, nhờ công đức thù thắng ấy, liền đặng đầy đủ pháp nhẫn. Thế nên chốn nầy có nhiều trời người, chiêm ngưỡng kính trọng, như tháp miếu của Phật không khác.
Khi Phật Nhiên Đăng nói lời như thế có tám mươi ức trời, người, khác miệng đồng tiếng bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Chúng con ngày hôm nay tới chốn nầy, khởi tưởng tôn kính, như tháp miếu của Phật.
Khi ấy có một trưởng giả tên là Hiền Thiên, ở trong pháp hội, liền bạch với Phật Nhiên Đăng rằng:
- Con nay ở đây tạo tháp bảy báu (31), để cho các chúng sanh, chiêm lễ đặng phước.
Vị trưởng giả kia, khởi tâm ít có, gom góp ca2c đồ quý báu, tạo lập một ngôi tháp, bề cao bề rộng bao la, trang sức các thứ quý giá, công kia thù thắng, không nhờ mặt trời, nhưng vẫn thành tựu. Khi trưởng giả đã tạo tháp rồi, liền đến chỗ Phật Nhiên Đăng bạch rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con đã tạo lập diệu tháp bảy báu, đến đời tương lai, đặng bao nhiêu phước báo?
Đức Phật dạy:
- Trưởng giả, nếu có thiện nam tử ở trong chốn đại Bồ Tát, chứng quả vô sanh pháp nhẫn, đào lấy đất kia, xuống đến ngằn nước, rồi đem đất ấy cung kính cúng dường, sẽ đặng phước nhóm, giống như cúng dường thám miếu của chư Phật, đồng nhau không khác; huống chi ông nay khởi tâm tịnh tín, tạo tháp bảy báu, chắc chắn thu hoạch nhiều phước báo xấp hơn phần trước vô lượng vô biên không thể so lường.
Lúc ấy Nhiên Đăng Như Lai lại bảo Hiền Thiên trưởng giả rằng:
- Ông nay ở trong đời nầy sâu trồng căn lành tới đời vị lai, chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, sẽ đặng thọ ký quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ, Phật Thích Ca Mâu Ni vì các vị đại Bồ Tát từ phương khác đến nhóm họp nói đến nhân duyên thọ ký (32) đời trước, lại bảo các vị Bồ Tát rằng:
- Các ông nay phải biết, tôi ở thời xa xưa tại chỗ Phật Nhiên Đăng, đã gieo trồng căn lành, nay mới đặng thành Phật, khi kia tôi đã được vị pháp nhẫn (33), các trời người lúc ấy, cung kính như bửu tháp của Phật, các ông ngày nay tới trong chỗ nầy, cũng nên khởi tâm tôn kính như thế. Lại nữa, nầy các đại Bồ Tát, các ông nên biết; Hiền Thiên trưởng giả ngày nay, vì trong pháp hội, hiện cũng có một vị tên là Hiền Thiên, hiệu là Thiện Hiện Như Lai, Ừng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ 10 hiệu. Lại nữa, các Bồ Tát, ta nay đã nói giáo pháp thậm thâm. Nếu có tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, ai hay nghe thọ, đọc tụng, vì người khác giảng nói, người ấy sẽ được trời người, chiêm ngưỡng kính trọng, như tháp miếu của Phật không có sai khác.
Lại nữa, các Bồ Tát, nếu có thiện nam tử, hay thiện nữ nhơn nào thật hành hạnh bố thí, bảy thứ báu chứa đầy nghìn đại thiên thế giới ở trong ngày đêm sáu thời cúng dường các đức Phật và đại chúng tỳ kheo, như thế cho đến nhiều kiếp, không bằng người ở trong chánh pháp chưa từng có nầy, nghe giảng hay thọ trì đọc tụng một bài kệ bốn câu, người ấy sẽ đặng công đức thù thắng hơn phần nói trước.
Lại nữa, nếu có người thật hành giới hạnh ở trong một kiếp, giữ giới pháp của Phật không cho khuyết phạm, viên mãn tất cả công đức tịnh giới, không bằng nghe giảng, thọ trì đọc tụng kinh chánh pháp nầy, so với công đức trì giới trước, nghìn phần không bằng một.
Lại nữa, nếu có ai tu hạnh nhẫn nhục, ở trong một kiếp thường thật hành hạnh nhận nhục, đối với tất cả chúng sinh không bao giờ sanh tâm oán hại,như thế tu hoạch được hạnh nhẫn nhục viên mãn. Thế, nhưng không bằng đối với kinh chánh pháp nầy, nghe giảng thọ trì, đọc tụng, đúng pháp tu hành, chứng đặng pháp nhẫn, đầy đủ công đức, như vậy thật là tối thượng.
Lại có người nào thật hành hạnh tinh tấn ở trong một kiếp, siêng năng giáo hóa chúng sanh, không bao giờ khởi tâm giải đãi. Như vậy đức tinh tấn được viên mãn. Nhưng không bằng đối với kinh Chánh Pháp nầy nghe giảng, thọ trì, đọc tụng, chắc chắn thu hoạch công đức gấp hơn phần trước.
Lại nữa, nếu có người nào chuyên tu thiền định, ở trong một kiếp trụ Tam Ma Địa (34), một lòng chuyên chú, lìa các tán loạn. Như vậy thu hoạch được định lực viên mãn, nhưng không bằng đối với Kinh Chánh Pháp nầy, nghe giảng, thọ trì, đọc tụng. Công đức nầy thù thắng hơn công đức trước.
Lại nữa, nếu có ai tu tập trí tuệ, ở trong một kiếp, thật hành các phương tiện trí tuệ, sẽ đạt được trí tuệ viên mãn. Thế nhưng không bằng ở trong chánh pháp nầy nghe thọ, đọc tụng, sẽ thu hoạch công đức rộng lớn vô lượng, chóng được viên mãn nhất thiết trí (35) quả.
Khi ấy, các vị đại Bồ Tát từ phương khác đến pháp hội, nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên nói công đức thậm thâm của giáo pháp nầy. Mỗi vị đều bạch Phật rằng.
- Thưa Thế Tôn! Chúng con nghe thọ giáo pháp nầy, khi trở về bản vị (36), vì mọi người diễn nói, tuyên thông, lưu bố, làm cho các chúng sinh, mỗi người đều được lợi ích.
Phật Thích Ca Mâu Ni nói:
- Hay thay, quý hóa thay! Các thiện nam tử, các ông phải nên tuyên bố pháp nầy, rộng vì chúng sanh, ra làm việc Phật!
Lúc ấy, các vị Bồ Tát phương xa liền rải các hoa nhiệm mầu đầy cả ba ngàn đại thiên (37) thế giới cúng dường đức Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Diệu Kiết Tường, rồi nói như thế nầy: nguyện chánh pháp nầy cữu trụ trong châu Diêm Phù Đề (38), lợi ích cho tất cả chúng sanh, mong đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Diệu Kiết Tường, trụ lâu trong cõi đời, thuyết pháp sáng suốt, rọi vào tâm hồn của tất cả chúng sanh, chúng con hôm nay đặng vào pháp hội nầy, thấy đức Phật Thế Tôn, nghe giảng giáo pháp nhiệm mầu, đều do Bồ Tát Diệu Kiết Tường khuyến khích dắt dìu, giả sử chúng con có đem đầu, mắt, tay, chân, phụng thí, cũng khó trả ơn sâu nặng của Bồ Tát. Nay đem hoa nầy tung rải cũng chưa trả ơn đức kia. Thế nên, nếu có thiện nam và thiện nữ nào được thấy các đức Phật, nghe chánh pháp, giả sử xả đầu, mắt, tay, chân, cũng chưa có thế trả ơn chư Phật; thế nên thường phải đến chư Phật và Bồ Tát và nghe kinh pháp, khởi lóng tịnh tín, tôn kính cúng dường, chớ sinh lòng khinh dễ và có ý tưởng nghi lầm. Ai có tâm ý khinh khi, mắc tội rất nặng!
Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ Tát, từ phương khác đến hội họp, nói lời ấy rồi, đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn, đi nhiễu bên hữu (39) ba vòng, ở trong pháp hội, ẩn thân không hiện, trở về cõi nước Phật của mỗi vị. Các Bồ Tát đó đến trước đức Phật kia, tác bạch như thế nầy: "Chúng con đến thế giới Ta Bà nghe Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Diệu Kiết Tường tuyên nói chánh pháp, chúng con đã thọ trì, ở đây tuyên bố vì các chúng sanh mà nói, khiến các chúng sinh quyết định chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ tôn giả Đại Ca Diếp bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Nay đây chánh pháp thậm thâm ít có, như chúng con đã thấy, Bồ Tát Diệu Kiết Tường đến trong cung vua nước Ma Già Đà thọ thực đồ cúng dường, Bồ Tát vì vua tuyên nói pháp nầy. Khi ấy vua chứng được quả vô sanh (40) pháp nhẫn, con cũng tùy hỷ, nghe thọ pháp nầy, sau tự khắc trách, sanh tâm đại hoan hỷ; Bạch Thế Tôn! ở trong đời sau, nếu có chúng sanh nào nghe được chánh pháp nầy, tâm sanh chánh giải. Người ấy mới hay rõ biết pháp tự tánh đoạn các nghi lầm, tương lai sẽ quyết định thành bự Chánh Đẳng Chánh Giác
Đức Phật nói:
- Ca Diếp! lành thay! Quý hóa thay! Khéo nói lời trên, nếu các chúng sanh nghe pháp ấy rồi, tương lai quyết chứng quả Phật Bồ Đề
Khi ấy, đức Phật bảo Bồ Tát Từ Thị (41) rằng: ông nay thọ trì pháp nầy, ở trong đời mạt pháp về sau, vì các chúng sinh, tuyên bố diễn thuyết, khiến các chúng sinh đều đặng lợi ích và thu hoạch được đại khoái lạc.
Bồ Tát Từ Thị bạch Phật rằng:
- Như lời Thế Tôn dạy, con sẽ thọ trì, Bạch Thế Tôn! Con ở chỗ Phật đời quá khứ, cũng đã từng nghe thọ pháp nầy, nay ở trước Phật lại được nghe thêm thật là may mắn. Con ở trong đời vị lai sẽ hộ trợ tuyên thông, khiến cho chánh pháp cửu trụ; cho đến con lúc mệnh chung sẽ sanh lên cung trời Đâu Suất (42). Trong cõi trời kia, nếu có người nào căn tánh đại thừa thuận thục, con cũng vị họ khai thị diện nói khiến cho họ phát khởi đạo tâm, tại châu Nam Diêm Phù Đề (43), không bao giờ đoạn tuyệt. Lại nữa trong đời mạt phát, nếu có thiện nam thiện nữ nào, thọ trì đọc tụng chánh pháp nầy, nếu bị các quân ma nhiễu loạn, con tìm đủ cách, đến tận nơi chốn, để mà hộ trợ, khiến các quân ma, không tiện pháp được. Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong đời mạt pháp, nếu có người nào nghe chánh pháp nầy, nghe rồi lãnh thọ, đọc tụng, đúng theo pháp mà tu hành, phải biết người ấy đang kiến lập oai thần của Phật.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Đế Thích (44) thiên chúa rằng:
- Kiều Thi Ca! ông nay thọ trì ghi nhớ chánh pháp tôi đây, đến đời mạt pháp về sau, trở thành vị hộ trợ. Vì sao? Bởi vì pháp nầy hay đoạn tất cả nghi vấn, hay thanh tịnh các nghiệp chướng, cùng các pháp bình đẳng. Lại nữa có đại thế lực. Đế Thích cũng phải biết, nếu ông khi cùng với A Tu La kia chiến đấu, nên nhớ nghĩ pháp nầy. Ông sẽ được toàn thắng, họ sẽ bị thất bại. Lại nữa, nếu người nào bị nạn nhà Vua, nạn giặc cướp, nạn hổ lang, độc trùng, nạn ác thú v.v…trong khi bị nạn, nếu có người suy nghĩ, nhớ đến pháp nầy, người ấy đều được xa lìa các nạn ấy.
Đế Thích Thiên Chúa bạch với Phật rằng:
- Như lời Thế Tôn chỉ dạy, con sẽ hộ trì cho người đời sau, trong các nước, thành, quận, ấy, cho đến các chốn tụ lạc (45), chỗ nào có chánh pháp nầy, con sẽ đến dó cung kính cúng dường, nếu có ai hay thọ trì pháp nầy, con sẽ hộ vệ đến cùng.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo tôn giả A Nan:
- Ông nay thọ trì chánh pháp nầy cho đến đời sau, vì các chúng sinh tuyên bố diễn thuyết. Vì cớ sao? Vì chánh pháp nầy rất là thậm thâm, xưa nay chưa từng có. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thọ trì chánh pháp nầy, các vị đó sẽ lìa những nghi lầm, dứt trừ tất cả phiễn não tội cấu. Thế nên ông phải ghi nhớ trụ trì.
Tôn giả A Nan bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con đem sự gia hộ và sức oai thần của Phật đến trong các đời sau tuyên bố pháp nầy, khiến cho các chúng sanh đều đặng lợi ích. Bạch Thế Tôn, kinh nầy đặt tên gì? Chúng con phải phụng trì như thế nào?
Đức Phật bảo ngài A Nan:
- Kinh nầy tên là Kinh Chánh Pháp Chưa Từng Có, và phải thọ trì như pháp.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dăn dò các vị Bồ Tát, Thanh Văn và Đế Thích rồi, liền đến trong pháp hội, hai bên thân Phật phóng ra hào quang sáng lớn, khắp soi mười phương (46), tất cả thế giới, ở trong hào quang kia, phát ra tiếng giọng nhiệm mầu, thông báo cho đại chúng: "Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đã nói chánh pháp, cho đến kiếp hoại, biển lớn khô hết, nhưng pháp nầy không hoại! hay vì chúng sanh làm việc lợi ích vĩ đại. Khi ấy trong hào quang phát ra tiếng nói ấy rồi, những tia hào quang kia thu vào thân Phật.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo A Nan rằng:
- Ông nên nhớ lời Phật nói, cẩn thận chớ quên mất, tới trong đời sau, phải tuyên thông giáo pháp nầy, rộng vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi nói Kinh Chánh Pháp Chưa Từng Có nầy, có chín muôn sáu nghìn Trời, người, xa trần lìa cấu, đặng pháp nhãn tịnh (47). Bảy trăm tám mươi muôn người pháp tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ba Muôn hai nghìn Bồ Tát đặng quả vô sanh pháp nhẫn. Tám mươi muôn Bí Sô, không lãnh thọ các pháp thế gian, phiễn não dứt sạch, ý hiểu biết trong sáng. Tức thợi ba nghìn đại thiên (48) thế giới, sáu thứ (49) chấn động. Các cõi trời dục giới (50), ở giữa hư không tấu lên trăm ngàn bản nhạc, cúng dường đức Thế Tôn, vì đã thuyết diệu pháp chưa từng có. Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói chánh pháp nầy rồi, có tất cả thiên ma, ngoại đạo nghe qua lo lợ đều quy đầu với Phật. Giống như lúc Phật mới chuyển pháp luân (51), hàng phục thiên ma, ngày nay diễn tiến, không khác chi cả. Pháp nầy là ấn quyết (52) của chư Phật, là ấn quyết của đại pháp, là ấn giải thoát. Các người có trí, phải học đúng pháp, và phải thật hành đúng như pháp.
Đức Phật nói Kinh nầy rồi, vua nước Ma Già Đà cùng quyến thuộc, Diệu Kiết Tường, các Đại Bồ Tát, Ca Diếp, A Nan, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…các vị đại Thanh Văn, cho đến Trời, người torng thế gian, A Tu La, Càn Thát Bà v.v…Tất cả đại chúng nghe Phật nói xong, thẩy đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành. Chú thích:
1. Tội căn: Gốc rễ tội ác. Một khi tội lỗi, nghiệp ác đã ăn sâu, dường như đâm gốc mọc rễ, không thể nhổ bỏ liền được.
2. Cơ nghi: Căn cơ và nghi tắc của mỗi chúng sinh. Mỗi người trình độ không đồng, oai nghi có khác.
3. Pháp nhẫn: Đức nhẫn nhục đối với các pháp, sự vật vô tình. Người tu học cam chịu với các cảnh khổ, nạn khổ xảy đến cho mình như: gió, mưa, lạnh nắng, đói, khát v.v…mà không buồn, không thối chí trên đường đạo đức. Như vậy kêu là pháp nhẫn.
4. Bổ đặc già la: Pudgala dịch nghĩa: Lúc nào cũng có thể đi đến các cảnh thú, nhận lấy các cảnh thú, mà không có lòng chán ngán.
5. Hạnh đầu đà: Dhudanga; dịch là đào thải, tu trị, nghĩa là phủi bỏ trần cấu của phiền não, khiến cầu Phật đạo. Về hạnh đầu đà. Kinh Pali giải ra 13 mục. Kinh Tàu biên 12 mục.
6. Chánh pháp: Đạo pháp chơn chánh, cao thượng trong sạch: chánh pháp có hai phần: Lý và Thể
1) Lý = ý nghĩa không sai chạy, không tà ngụy, đạo lý từ lúc ban sơ đến cuối cùng đều có tánh cách trong sạch. Thể nên gọi là chánh
2) Thể = pháp tức là nền pháp bảo trong Tam Bảo. Thể của Chánh Pháp lại cũng gom vào trong bốn pháp = giáo, lý, hạnh, quả.
7. Đường ác: Aparagati = Voies mauvaises. Đường xấu nẻo ác. Đường ác có 3 là : Địa ngục, quỷ đói và súc sanh. Ác đạo còn gọi là ác thú.
8. Cảnh giới của tâm: Các nhiễm trước thuộc về vọng, đã là vọng thì làm gì trực tiếp với tâm, nên nói không phải cảnh giới của tâm.
9. Vô sở đắc: Chẳng được chi hết, chẳng có chi mà được. Tự mình liễu đạt các pháp vốn không, tất cả đều như hư không, cho nên không thất rằng mình đắc, không thấy rằng mình có…
10. Pháp vô sanh: Pháp không sanh, các pháp vốn không sanh. Ấy là chân lý thật tướng, thể của Niết Bàn. Các pháp thật ra chẳng có sanh cũng chẳng có diệt. Chỉ có sự phát hiện, do các nhân duyên hòa hiệp hay ly tán mà mình thấy có sinh có diệt, co khởi có dứt đó thôi.
11. Núi Tu Di lớn: Maha Sumeru. Hòn núi lớn nhứt ở trung tâm hoàn cầu. Ấy là hòn núi của tiên thánh, mỗi ngày các ngôi tinh tú xoay chung quanh hòn núi ấy. Theo trong kinh nói: Núi Tu Di cao 84,000 do tuần, bề sâu dưới mặt nước cũng 84, 000 do tuần và bề ngang trên mặt nước cũng vậy. (Xem chỗ giải núi Diệu Cao).
12. Ba Câu Đê: Koti nói về số mục. Ba Câu Đê là ba mươi triệu 30, 000,000.
13. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý, các pháp không sanh không diệt, bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh không diệt tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
14. Sơ địa: Địa vị đầu tiên, quả vị ban sơ trong thập địa. Tức là Sơ Địa của Bồ Tát Đại Thừa. Gọi là Hoan Hỷ địa, kêu trọn là Sơ Hoan Hỷ Địa.
15. A Tăng Kỳ Kiếp: Asamkhya, inmombrable. Tên số theo bên Thiên Trúc. Dịch là vô số kiếp. Một a tăng kỳ kiếp, thời hạn vô số kiếp; một kiếp có cả trăm vạn năm.
16. Mười hiệu: Dix appellations du Bouddha. Mỗi đức Phật có đủ 10 hiệu. Ấy là:
1) Như Lai = Tathagata
2) Ứng Cúng – Arhat
3) Chánh Biến Tri = Samyaksambouddha
4) Minh Hạnh Túc = Vidya caranasampanna
5) Thiện Thệ = Sugata
6) Thế Gian Giải = Lokavidu
7) Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu = Anuttara purusadamya sarathi
8) Thiên Nhơn Sư = Sastadevamanusyanam
9) Phật = Bouddha
10) Thế Tôn = Lokanatha hay Bhagavat.
17. Trung kiếp: Kalpa moyen: Thường thì kêu kiếp tức là trung kiếp có 20 tiểu kiếp, tính ra có 336,000,000 năm. Tính cho kỹ, trung kiếp có 335,960,000 năm (xem cách tính ở chữ đại kiếp). Một trung kiếp là một phần của đại kiếp, bốn thời kỳ: Thành, trụ, hoại, không tức là 4 trung kiếp, hiệp lại thành một đại kiếp.
18. Câu đê tuế: Luận về số mục của tuổi. Tức là 10, 000, 000 tuổi.
19. Tam minh: Trois connaissances: Ba thuật sáng suốt của hàng Thánh Giả La Hớn.
1) Túc mạng minh; biết những đời trước của người và của mình luân chuyển thế nào.
2) Thiên nhãn minh: thấy đời của mình và của người về sau sẽ luân chuyển thế nào.
3) Lậu tận minh; biết những cảnh khổ trong đời hiện tại của mình và diết hết các phiền não.
20. Lục thông: Abhijna: Six pouvoirs surnaturels. Trong đạo Phật, người tu đắc quả A La Hớn được giải thoát, dứt phiền não thì được 6 pháp thần thông:
1) Thiên nhãn thông – Dibba-cakkhu
2) Thiên nhĩ thông – Dibba-sota
3) Thiên mạng thông – pubbennivasanussatinana
4) Tha tâm thông – parassa-utoparinnanana
5) Thần túc thông – inddhividha
6) Lậu tận thông – Asavakkhaya
21. Tám giải thoát:
1) Nội hữu sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát
2) Nội vô sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát
3) Tịnh giải thoát thân chứng
4) Không xứ giải thoát
5) Thức xứ giải thoát
6) Vô sở hữu xứ giải thoát
7) Phi hữu tướng, phi vô tướng giải thoát
8) Diệt tận định xứ giải thoát.
22. Ngã kiến: Ý kiến chấp có cái ta, sự thấy rằng có cái thân thiệt. Cũng gọi là thân kiến
23. Chuỗi anh lạc: kevura; Collier de perles, de diamants. Xâu chuỗi bằng châu ngọc. Ấy là món đồ trang sức mà các hàng quý nhơn tại tục ở Ấn Độ đeo nơi cổ, nơi ngực, nơi đầu. Chư Bồ Tát và chư Thiên nữ cũng tự trang sức bằng chuỗi anh lạc. Lại những loài rắn chúa, rồng chúa cũng có đeo anh lạc bằng châu báu.
24. Kim Luân Vương: tức là vị Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị luôn bốn cõi thiên hạ, ngự trên chiếc xe bánh vàng, tiếng Phạn gọi là Tchakravartin.
25. Bốn vật cần dùng: Quatre categories des dons; Bốn vật nầy những vị thí chủ cung cấp nuôi dưỡng các sư tu hành, bằng bốn việc cúng dường:
1) Y phục
2) Đồ ăn uống
3) Phòng, nhà, giường, nệm
4) Thuốc thang.
26. Bảy báu: Sapataratna; Sept joyaux. Bảy món báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Rất là đẹp đẻ, trang nghiêm
27. Ngồi kiết già: Utkutukasana, cách ngồi theo Phật, tréo mảy chân ngồi. Có cách kiết tường tọa và cách khác gọi là hàng ma tọa.
28. Thiện thệ: Sugata, một trong 10 hiệu của Phật. Thiện là tốt lành, phải, đúng. Thệ là di luôn, không trở lại, đi tới nơi chốn. Thiện Thệ là bậc đi tới bờ bên kia: Niết Bàn. Vị làm xong những việc phải làm, như: tế độ chúng sinh, trọn vẹn hạnh nguyện, và không còn trở lại cõi thế, không còn đáo lại vòng sanh tử, biển luân hồi.
29. Chúng trung tôn: Hàng tôn quý trong đại chúng. Đây là một trong ba ngôi Tam Bảo. Bật Tăng Già tu hành chân chánh, được mọi người quý trọng, cung kính, cúng dường, nên gọi là Chúng Trung Tôn.
30. Đâu Suất thiên cung: Tushitadeva, cung Trời Đâu Suất về thượng giới. Hiện nay, ở cung Đâu Suất có rất nhiều vị Bồ Tát, trước khi giáng thế làm Phật đều ở cung Trời Đâu Suất. Các vị ấy gọi là Bổ Xứ Bồ Tát, hay là nhứt sanh Bổ Xứ Bồ Tát, đều là bậc tự tại thần thông, thường du hóa đi tế độ chúng sinh và du hành các cõi Tịnh Độ của chư Phật.
31. Tạo tháp bảy báu: Xây cất bửu tháp bằng: vàng, bạc, ngọc lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não.
32. Thọ ký: Vyakarana: prediction concernant l'Etat de Bouddha. Thọ là nhận lấy, Ký là ghi nhớ, ghi chứng. Khi một đức Phật phán xét rằng về sau một vị tu hành nào đó sẽ thành Phật. Đó gọi là thọ ký. Cũng như Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho đức Thích Ca Như Lai vậy.
33. Pháp nhẫn: Đức nhẫn nhục đối với các pháp, sự vật vô tình. Người tu học cam chịu với các cảnh khổ, nạn khổ xảy đến cho mình như: gió, mưa, lạnh, nắng, đói, khát v.v…mà không buồn, không thối chí trên đường đạo đức. Như vậy kêu là pháp nhẫn.
34. Tam ma địa: Samadhi, phép thiền định, đại định của nhà đạo bực cao trong khi nhập định thì thân thể và tâm trí chẳng còn xao động, chỉ chăm chú vào một mục đích mà thôi. Lúc bấy giờ, những vọng tưởng, những tà kiến, không thể xâm nhập vào tâm của nhà tu đại định
35. Nhất thiết trí quả: Quả vị Phật đã thể nhập được nhất thiết trí. Cái trí hiểu biết tất cả mọi sự vật, tức là trí của Phật. Trong kinh thường xưng khen Phật là bậc Nhất Thiết Trí. Những ai theo Phật và nghe Chánh pháp, rốt cuộc chắc chắn được nhất thiết trí.
36. Bản vị: Tức là chốn cũ mà quý vị ấy đã ở từ trước: vị trí căn bản.
37. Ba ngàn đại thiên thế giới: Tức là một thế giới lớn như Ta Bà thế giới. 1,000 thế giới nhỏ hiệp thành 1 trung thiên thế giới, thêm vô 1,000 thế giới nữa thành 1 trung thiên thế giới, thêm vô 1,000 thế giới nữa thành 1 đại thiên thế giới (1, 000 = tiểu thiên; 1,000,000 = trung thiên; 1,000,000,000 = đại thiên) Thế thì 1 tam thiên đại thiên thế giới hay 1 đại thiên thế giới có một ngàn triệu thế giới (1,000,000,000)
38. Châu Diêm Phù Đề: Jambudvipa: Một châu trong 4 châu ở địa cầu. Nó ở về phía Nam núi Tu Di, cũng gọi là Thiệm Bộ Châu, tức là trái đấ chúng ta ở mà nước Thiên Trúc choán một phần rộng lớn. Tên Diêm Phù Đề có bởi cây Jambudi, vì ở cõi nầy có cây linh tên là Diêm Phù, dưới bóng cây ấy Thái Tử Siddharta tham thiền nhằm lúc người ta đang cày ruộng.
39. Nhiễu bên hữu ba vòng: Trong nhà Phật, các đệ tử muốn thưa thỉnh việc gì, trước phải đi nhiểu hoặc ba vòng hoạc 7 vòng, hoạc 10 vòng v.v…để tỏ lòng tôn kính. Ba vòng là để biểu tôn kính Tam Tôn, diệt tam độc, đặng tam học…
40. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn của người tu học, đắc đạo thể nhập chân lý; các pháp không sanh không diệt. Bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh, không diệt, tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được như vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
41. Bồ Tát Từ Thị: Maitreya- Bodhisattva Từ Thị: Họ Từ, dòng lành, dòng Phật, vì Phật lấy đức từ bi làm chủ. Từ Thị là tiếng dịch nghĩa, còn tiếng âm theo Phạn ngử là Di Lặc: Maitreya. Vầy Từ Thị Bồ Tát là Di Lặc Bồ Tát. Từ thuở xưa, đức Bồ Tát ấy gặp Phật, phát tâm tu hành, chứng phép từ tâm tam muội. Từ ấy tới nay, Ngài dùng chữ Từ làm tên họ mình. Về sau, Ngài vẫn giữ một tên đó cho đến khi thành Phật, kế tiếp đức Thích Ca Mâu Ni. Hiện nay, Ngài ở trên cung trời Đâu Suất Đà (Tushita).
42. Trời Đâu Suất: Tushitadeva, cung trời Đâu Suất về thượng giới. Hiện nay, ở cung Đâu Suất có rất nhiều vị Bồ Tát, trước khi giáng thế làm Phật đều ở cung trời Đâu Suất. Các vị ấy gọi là Bổ Xứ Bồ Tát, hay là nhứt sanh Bổ Xứ Bồ Tát, đều là bậc tự tại thần thông, thường du hóa đi tế độ chúng sinh và du hành các cõi Tịnh Độ của Chư Phật.
43. Châu Nam Diêm Phù Đề: Jambudvipa; một châu trong 4 châu ở địa cầu. Nó ở về phía Nam núi Tu Di, cũng gọi là Thiệm Bộ Châu, tức là trái đất chúng ta ở mà nước Thiên Trúc choán một phần rộng lớn. Tên Diêm Phù Đề có bởi cây Jambudi, vì ở cõi nầy có cây linh tên là Diêm Phù, dưới bóng cây ấy Thái Tử Sidharta tham thiền nhằm lúc người ta đang cầy ruộng.
44. Đế Thích Thiên Chúa: Indra Cakra. L'Indra des Devas: Đế Thích là Vua chư thiên ở miền Đao Lợi, miền nầy có 33 cảnh. Miền của đức Đế Thích ở thượng tầng cõi Trung Giới. Cao hơn miền của Tứ Thiên Vương và thấp hơn miền Dạ Ma. Ngài ngự trong cảnh đền đài bằng ngọc. Gọi là Hỷ Kiến Thành. Lúc Thích Ca giáng sinh tại thành Ca Tỳ La Vệ, đức Đế Thích có ngự xuống rước mừng
45. Chốn tụ lạc: Nơi ồn ào náo nhiệt, nơi đông người, như ở thành phố hay đô thị ngày nay, gọi là tụ lạc.
46. Mười phương: phương Đông, Tây, Nam, Bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng phương và hạ phương. Gọi là mười phương.
47. Đặng pháp nhãn tịnh: Chứng dặng pháp lý, mắt được thanh tịnh. Chứng đặng quả vị Thanh Văn hay Duyên Giác. Pháp thì tự mình tu tập mà được, hoặc là do bực trên trước truyền cho mà được.
48. Ba nghìn đại thiên thế giới: xin xem số 37 phía trên.
49. Sáu thứ chấn động: xem số 17 trong lời giải quyển 2.
50. Các cõi trời dục giới: Kamadhatu hoặc kamavacara-Region du desir. Một trong ba cảnh giới. Lục Dục Thiên có 6 tầng trời, nơi chư Thiên vừa hưởng các phước lạc về ngũ dục, vưa trông nom cho những hàng A Tu La, nhơn gian và địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Các Ngài ủng hộ nền đạo lý, xem xét thế gian, che chở cho người hiền đức tu hành khỏi bị bọn hung thần hại phá. Sáu cõi Trời ấy là: Tứ Thiên Vương Thiên, Đao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, và Tha Hóa Tự Tại Thiên.
51. Chuyển Pháp luân: Xin xem số 27 trong lời giải quyển 1.
52. Ấn quyết: Mudra; Geste magique sceau: Dấu hiệu của một ý định đã quyết. Dấu hiệu bên ngoài dùng để tỏ rằng mình quyết đến quả Phật. Về môn ấn, bàn tay mặt biểu hiệu cho cõi Phật, bàn tay trái cõi người. Ngón tay cái biểu hiệu vũ trụ, càn khôn, ngò trỏ thế cho phong, ngón giữa là hỏa, ngón áp út là thủy, và ngón út là biểu hiệu cho thổ.
Thần ấn = bắt ấn linh, nhập vào Phật trí.
Phục ma ấn = bắt ấn trừ tà.
Tâm ấn = Sự truyện đạo trong tâm.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.16.151 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.