Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Một bộ An Lạc Tập này nói chung gồm mười hai đề mục lớn; [trong mỗi đề mục] đều dẫn kinh, luận chứng minh nhằm khuyên [hành nhân] tin tưởng mà cầu vãng sanh.
A. Nay trước hết trong đề mục lớn thứ nhất, văn nghĩa tuy nhiều nhưng tạm chia thành chín loại để bàn định; sau đấy mới viết lời luận.
1. Thứ nhất là chỉ rõ nguyên nhân phát khởi giáo pháp, ước thời, xét căn cơ để khuyên quy hướng Tịnh Ðộ.
2. Thứ hai là căn cứ vào các bộ kinh Ðại Thừa để luận rõ quy tắc nói pháp và nghe pháp.
3. Thứ ba là căn cứ vào Ðại Thừa thánh giáo để bàn về việc chúng sanh phát tâm lâu mau, cúng Phật nhiều hay ít để khiến cho thính chúng trong hội nức lòng phát tâm.
4. Thứ tư là biện định tông chỉ của các kinh sai khác.
5. Thứ năm, giảng rõ: Tên các kinh được đặt cũng sai khác, chẳng hạn như Niết Bàn, Bát Nhã v.v... là dùng pháp đặt tên. Có kinh thì dùng thí dụ, có kinh thì dùng sự vật [để đặt tên], cũng có lúc đặt tên kinh theo thời, theo chốn; chứ chẳng phải chỉ có một cách đặt tên duy nhất. Nay Quán kinh đây dùng nhân và pháp để đặt tên: Phật là tên người; nói đến Quán Vô Lượng Thọ chính là tên của pháp vậy.
6. Thứ sáu là bàn định về người nói [pháp] sai biệt. Ðối với các kinh đã được nói thì chẳng ngoài năm loại: một là Phật tự nói, hai là thánh đệ tử nói, ba là chư thiên nói, bốn là thần tiên nói, năm là [những hạng] biến hóa nói. Trong năm loại trên thì Quán kinh do chính đức Thế Tôn tự nói.
7. Thứ sáu là lược giảng về hai thân chơn và ứng, bàn định về hai cõi chơn và ứng.
8. Thứ tám là chỉ rõ những địa vị trong cõi tịnh của Phật Di Ðà bao trùm các căn cơ thượng, hạ; phàm thánh đều cùng vãng sanh.
9. Thứ chín là bàn rõ cõi tịnh của Phật Di Ðà là thuộc vào hay chẳng thuộc vào tam giới.
A1. Nguyên nhân phát khởi giáo pháp, ước thời, xét định căn cơ để khuyên quy hướng Tịnh Ðộ:
Nếu giáo pháp tương xứng với thời và căn cơ thì dễ tu, dễ ngộ. Nếu căn cơ, giáo pháp lẫn thời điểm không tương hợp thì khó tu, khó nhập. Thế nên, kinh Chánh Pháp Niệm dạy: “Lúc hành giả nhất tâm cầu đạo thường phải nên quán sát thời và phương tiện. Nếu chẳng được thời và không phương tiện thì gọi là thất, chẳng gọi là lợi. Vì sao? Như dùi cây ướt để có lửa thì chẳng được lửa vì chẳng đúng thời vậy. Nếu chặt củi khô để kiếm nước thì chẳng kiếm được nước vì vô trí vậy”. Bởi thế, kinh Ðại Tập Nguyệt Tạng chép: “Năm trăm năm sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của ta học Huệ được kiên cố. Một ngàn năm sau, học Ðịnh được kiên cố. Một ngàn năm trăm năm sau, học Ða Văn đọc tụng được kiên cố. Hai ngàn năm trăm sau, tạo lập chùa tháp, tu phước sám hối được kiên cố. Hai ngàn năm trăm năm sau, bạch pháp ẩn trệ, lắm điều tranh cãi, chỉ có chút ít pháp lành được kiên cố”.
Kinh ấy cũng lại dạy: “Chư Phật xuất thế có bốn pháp để độ chúng sanh. Những gì là bốn? Một là miệng nói ra mười hai bộ kinh, [đấy] chính là pháp thí độ chúng sanh. Hai là chư Phật Như Lai có vô lượng quang minh, tướng hảo, hết thảy chúng sanh chỉ cần chuyên tâm quán sát thì không ai chẳng được lợi ích; đấy chính là thân nghiệp độ chúng sanh. Ba là có vô lượng đức dụng, thần thông, đạo lực, các thứ biến hóa; đấy chính là thần thông lực độ chúng sanh. Bốn là chư Phật Như Lai có vô lượng danh hiệu hoặc là [danh hiệu] chung hoặc là [danh hiệu] riêng. Nếu có chúng sanh nào chuyên tâm xưng niệm thì không ai là chẳng trừ được chướng, được lợi lạc và được sanh ở trước đức Phật. Ðó chính là danh hiệu độ chúng sanh”
Xét về chúng sanh hiện thời thì Phật diệt độ đã hai ngàn năm, chính là lúc [phải nên] sám hối, tu phước, xưng danh hiệu Phật vậy. Nếu xưng niệm A Di Ðà Phật trong một niệm thì sẽ trừ được tội trong cả tám mươi ức kiếp sanh tử. Một niệm đã như vậy, huống hồ là thường tu niệm! Ðấy chính là người thường luôn sám hối vậy. Lại nữa, nếu như khi Phật diệt độ chưa lâu thì những việc trước như tu Ðịnh, tu Huệ là chánh học, còn những việc sau (sám hối, tu phước) chỉ là kiêm hạnh. Nếu như Phật diệt độ đã lâu thì Xưng Danh là chánh học, còn những việc trước chỉ là kiêm hạnh. Tại sao vậy? Ðấy thật sự là vì chúng sanh xa cách Phật đã lâu, căn cơ, kiến giải hời hợt, cạn cợt, ám độn. Bởi thế, đại sĩ Vy Ðề Hy tự vì mình và cũng vì xót thương chúng sanh trong đời ngũ trược mai sau luân hồi nhiều kiếp, chịu đựng nỗi đớn đau, thiêu đốt; nhân gặp duyên khổ, ngài bèn thỉnh cầu đức Phật mở ra con đường xuất thế thênh thang. Ðức Ðại Thánh rủ lòng từ, khuyên quy Cực Lạc. Nếu muốn trong cõi này tấn tu để đạt được quả thù thắng khó đạt thì chỉ có mỗi một môn Tịnh Ðộ là có thể [giúp hành nhân] thỏa lòng mong mỏi. Nếu như tìm xem trong các kinh thì những đoạn khuyên tu Tịnh Ðộ rất nhiều, [nên tôi] bèn sưu tập những lời chơn thật ấy để giúp cho người tu được lợi ích. Lợi ích gì? Muốn do người vãng sanh trước dẫn dắt người hậu học, người được vãng sanh sau lại noi gương người trước, liên tục vô cùng, nguyện chẳng ngưng nghỉ để cạn sạch biển sanh tử vô biên vậy.
A2. Căn cứ vào các bộ kinh Ðại Thừa để luận về phương thức giảng và nghe pháp.
Phần này gồm có sáu ý:
1. Kinh Ðại Tập dạy: “Ðối với người thuyết pháp, tưởng là y vương, tưởng là dẹp khổ. Ðối với pháp được nói, tưởng là Cam Lộ, tưởng là Ðề Hồ. Người nghe pháp tưởng là được tăng trưởng kiến giải thù thắng, tưởng là lành bịnh. Nếu tưởng được như thế thì người nói lẫn kẻ nghe đều kham nổi việc thiệu long Phật pháp, thường sanh ở trước đức Phật”.
2. Luận Ðại Trí Ðộ chép: “Người nghe nhìn chăm chú như người khát mong được uống, nhất tâm lãnh hội ngữ nghĩa. Nghe pháp tâm hớn hở, buồn, vui. Ðối với người như thế thì mới nên nói”.
3. Trong bộ luận trên cũng viết: “Có hai hạng người được phước vô lượng vô biên. Những gì là hai? Một là người thích thuyết pháp, hai là người thích nghe pháp. Thế nên ngài A Nan bạch đức Phật rằng: ‘Vì sao Xá Lợi Phất, Mục Liên đắc trí huệ, thần thông thật là thù thắng nhất trong các vị thánh đệ tử?’ Phật bảo A Nan: ‘Hai người ấy trong lúc tu nhân vì nhân duyên [nghe] pháp dẫu cách xa cả ngàn dặm cũng chẳng ngăn trở được họ [đến nghe]. Vì thế ngày nay họ thật là thù thắng”.
4. Trong Vô Lượng Thọ Ðại kinh có nói: “Nếu người không có căn lành thì chẳng được nghe kinh này. Kẻ thanh tịnh trì giới mới được nghe chánh pháp”.
5. (*) Ðã từng gặp Thế Tôn,
Mới tin nổi việc này
Phụng sự ức Như Lai
Ưa nghe pháp như vậy
6. Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Giác dạy: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói pháp môn Tịnh Ðộ tâm sanh bi, hỉ, lông trên thân dựng đứng cả lên thì nên biết là kẻ ấy đời trước đã từng tu Phật đạo. Nếu lại có kẻ nghe nói pháp môn Tịnh Ðộ mà trọn chẳng sanh lòng tin thì nên biết là kẻ ấy mới vừa từ trong ba đường ác thoát ra, tội lỗi chưa hết nên chẳng tin tưởng nổi pháp môn này vậy. Ta nói kẻ ấy chưa giải thoát được”.
Thế nên, Vô Lượng Thọ Ðại kinh dạy: “Do kiêu mạn và lười biếng che lấp nên khó tin được pháp này”.
A3 Căn cứ vào Ðại Thừa thánh giáo, bàn về chúng sanh phát tâm lâu mau, cúng Phật nhiều, ít:
Như kinh Niết Bàn chép: “Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: ‘Nếu có chúng sanh phát tâm Bồ Ðề nơi các đức Phật nhiều như nửa số cát của sông Hằng, sông Hy Liên v.v… thì sau mới có thể ở trong đời ác nghe kinh điển Ðại Thừa này mà chẳng sanh phỉ báng. Nếu phát tâm Bồ Ðề nơi một hằng hà sa đức Phật thì sau mới có thể ở trong đời ác nghe kinh này mà chẳng khởi phỉ báng, tin sâu, yêu thích. Nếu có người phát tâm Bồ Ðề nơi hai hằng hà sa đức Phật thì sau mới có thể ở trong đời ác chẳng báng pháp này, hiểu đúng đắn, tin ưa, thọ trì, đọc tụng. Nếu có người phát tâm Bồ Ðề nơi ba hằng hà sa đức Phật thì sau mới có thể ở trong đời ác chẳng báng pháp này, biên chép kinh quyển, tuy giảng cho người khác nhưng chẳng hiểu được nghĩa sâu”.
Vì sao thế? Cứ theo như lời dạy trên mà lượng định thì rõ ràng là người ngày nay được ở dưới tòa nghe kinh là kẻ đã từng phát tâm cúng dường nhiều đức Phật. Lại để hiển thị oai lực chẳng thể nghĩ bàn của kinh Ðại Thừa nên kinh trên lại dạy: “Nếu có chúng sanh nghe kinh điển này thì trong cả ức trăm ngàn kiếp sẽ chẳng đọa ác đạo. Vì cớ sao? Kinh điển mầu nhiệm này truyền đến đâu thì phải biết đất chỗ ấy chính là kim cang. Những người ở nơi ấy cũng như kim cang”. Vì thế, ta biết được rằng: nghe kinh sanh lòng tin sẽ được lợi ích chẳng thể nghĩ bàn vậy.
A4. Bàn định về tông chỉ các kinh chẳng đồng:
Nếu xét theo kinh Niết Bàn thì Phật Tánh là tông. Nếu xét kinh Duy Ma, bất khả tư nghị giải thoát là tông. Nếu xét theo kinh Bát Nhã thì Không Huệ là tông. Nếu xét theo kinh Ðại Tập thì đà-ra-ni là tông. Nay Quán kinh đây lấy Quán Phật Tam Muội làm tông. Nếu bàn về những sự được quán thì chẳng ngoài hai thứ là chánh báo và y báo, ở phần dưới sẽ căn cứ vào các phép quán để bàn định. Nếu chiếu theo kinh Quán Phật Tam Muội thì:
“Phật bảo phụ vương:
-Chư Phật xuất thế có ba điều lợi ích:
a. Một là miệng nói mười hai bộ kinh là pháp thí lợi ích, trừ được vô minh ám chướng của chúng sanh, [khiến họ] mở sáng con mắt trí huệ, được sanh nơi chư Phật, sớm đắc Vô Thượng Bồ Ðề.
b. Hai là chư Phật Như Lai có thân tướng quang minh, vô lượng diệu hảo. Nếu có chúng sanh xưng niệm, quán sát dù là tổng tướng hay biệt tướng, chẳng luận là thân Phật hiện tại hay quá khứ thì đều sẽ khiến cho chúng sanh trừ diệt được tứ trọng, ngũ nghịch, mãi mãi thoát khỏi tam đồ, tùy lòng ưa muốn thường được sanh về Tịnh Ðộ cho đến khi thành Phật.
c. Ba là khuyên phụ vương thực hành Niệm Phật tam muội.
Phụ vương bạch Phật:
-Vì nguyên nhân nào mà Phật chẳng dạy đệ tử thực hành Chơn Như Thật Tướng, Ðệ Nhất Nghĩa Không của quả đức Phật địa?
Phật bảo phụ vương:
-Quả đức của chư Phật có vô lượng cảnh giới, thần thông giải thoát thâm diệu, chẳng phải là cảnh giới để phàm phu tu hành được nổi! Vì thế, Phật khuyên phụ vương tu hành Niệm Phật tam muội.
Phụ vương bạch Phật:
-Công năng niệm Phật có hình trạng như thế nào?
Phật bảo phụ vương:
-Như trong rừng Y Lan rộng đến bốn mươi do tuần có một hột Ngưu Ðầu Chiên Ðàn, tuy có mầm mộng nhưng chưa mọc lên thì rừng Y Lan ấy chỉ hôi thối chẳng thơm. Nếu có ai ăn phải hoa, trái [của cây Y Lan] thì phát cuồng mà chết. Lúc sau, rễ mầm của cây Chiên Ðàn dần dần tăng trưởng, khi nó vừa sắp trở thành cây to thì mùi thơm đã nồng sực, có thể biến đổi cả khu rừng ấy trở thành thơm tho. Chúng sanh trông thấy đều sanh tâm hy hữu.
Phật bảo phụ vương:
-Tâm niệm Phật của hết thảy chúng sanh trong sanh tử cũng giống như vậy: chỉ cốt có thể hệ niệm chẳng ngơi thì quyết định được sanh ở trước đức Phật; một phen được vãng sanh sẽ có thể biến đổi hết thảy điều ác thành ra đại từ bi giống như loại cây thơm tho kia biến đổi cả rừng Y Lan”.
Rừng Y Lan vừa nói đó ví cho ba độc, ba chướng, vô biên trọng tội trong thân chúng sanh. Nói Chiên Ðàn là ví cho tâm niệm Phật của chúng sanh. “Lúc vừa mới thành cây” là nói hết thảy chúng sanh chỉ cần xưng niệm chẳng ngớt thì nghiệp đạo được hoàn thành vậy.
Hỏi: Vì sao sức của một niệm lại có thể đoạn được hết thảy các chướng giống như một cây có mùi thơm lại biến đổi được cả khu rừng Y Lan rộng đến bốn mươi do tuần trở thành thơm tho?
Ðáp: Căn cứ theo các bộ kinh Ðại Thừa thì rõ ràng là Niệm Phật có công năng chẳng thể nghĩ lường. Vì sao? Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Ví như có người dùng gân sư tử làm dây đàn, tiếng đàn vừa tấu lên một lượt thì hết thảy các loại dây đàn khác đều bị đứt tan. Nếu ai dùng tâm Bồ Ðề hành Niệm Phật tam muội thì hết thảy phiền não, hết thảy các chướng đều bị đoạn diệt. Cũng như có người đem đổ lẫn hết thảy các loại sữa: bò, dê, lừa, ngựa trong một đồ đựng; nếu đem một giọt sữa sư tử nhỏ vào thì sữa sư tử sẽ xuyên suốt qua không bị ngăn trở, hết thảy các thứ sữa khác thảy đều bị hư nát, biến thành nước lã. Nếu ai có thể dùng tâm Bồ Ðề hành Niệm Phật tam muội thì sẽ vượt qua hết thảy các ác ma, các chướng không bị trở ngại”.
Kinh ấy lại còn dạy: “Ví như có kẻ dùng thuốc ẩn thân du hành khắp nơi, hết thảy kẻ khác chẳng thấy được kẻ ấy. Nếu ai có thể dùng tâm Bồ Ðề hành Niệm Phật tam muội thì hết thảy ác thần, hết thảy các chướng chẳng thấy được người ấy. Người ấy muốn đến đâu cũng không ai ngăn cản được, huống hồ là có thể gây chướng! Vì sao như vậy? Niệm Phật tam muội đây chính là vua của hết thảy các tam muội vậy”.
A5. Lược giảng về ý nghĩa ba thân, ba cõi
Hỏi: Thân đang hiện hữucủa đức Phật A Di Ðà là thân gì? Cõi Cực Lạc là cõi gì?
Ðáp: Thân hiện hữu của đức Phật A Di Ðà là báo Phật (Báo Thân Phật), cõi báu trang nghiêm Cực Lạc là báo độ.Từ xưa các sư đều truyền rằng A di Ðà Phật là Hóa Thân, cõi Cực Lạc cũng là hóa độ; đấy là một sai lầm lớn. Nếu đúng là như vậy thì uế độ cũng là chỗ ở của Hóa Thân, Tịnh Ðộ cũng là chỗ Hóa Thân ở, chẳng biết Báo Thân của đức Như Lai sẽ ở chỗ nào? Nay căn cứ vào kinh Ðại Thừa Ðồng Tánh để biện luận về tịnh, uế, báo, hóa thì như kinh dạy: “Thành Phật trong cõi tịnh phải là Báo Thân. Thành Phật trong cõi uế phải là Hóa Thân”.
Kinh ấy lại dạy: “Các đức Như Lai: A Di Đà Như Lai, Liên Hoa Khai Phu Tinh Vương Như Lai, Long Chủ Vương Như Lai, Bảo Ðức Như Lai... hiện tại đắc đạo hoặc sẽ đắc đạo trong các cõi Phật thanh tịnh. Các vị như vậy đều là Báo Thân Phật. Những vị nào là Như Lai Hóa Thân? Như hiện tại Dũng Bộ Kiện Như Lai, Ma Khủng Bố Như Lai… hết thảy các đức Như Lai như vậy hoặc là hiện tại thành Phật, hoặc sẽ thành Phật trong đời uế trược: từ trời Ðâu Suất giáng hạ cho đến trụ trì hết thảy Chánh Pháp, hết thảy Tượng Pháp, hết thảy Mạt Pháp… có các sự hóa hiện như thế đều là hóa Phật cả. Những gì là Như Lai Pháp Thân? Chơn Pháp Thân của Như Lai vô sắc, vô hình, vô hiện, vô trước, chẳng thấy được, chẳng nói được, không có trụ xứ, vô sanh, vô diệt. Ðó là ý nghĩa thật sự của Pháp Thân”.
Hỏi: Báo thân của Như Lai là thường trụ, thế sao kinh Quán Âm Bồ Tát Thọ Ký chép: “Sau khi Phật A di Ðà nhập Niết Bàn, Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ nối ngôi thành Phật?”
Ðáp: Ấy là Báo Thân thị hiện tướng ẩn mất chứ chẳng phải là diệt độ. Kinh ấy chép: “Sau khi Phật A Di Ðà nhập Niết Bàn, lại có chúng sanh căn lành sâu dày thì lại được thấy như cũ”, [đoạn kinh này] có thể dùng để làm chứng vậy. Luận Bảo Tánh cũng chép: “Báo thân có năm thứ tướng: thuyết pháp và có thể thấy được, các nghiệp chẳng ngơi nghỉ và ngơi nghỉ ẩn mất (tức là thị hiện nhập diệt), thị hiện thân chẳng thật”, ta có thể lấy câu này làm bằng chứng vậy.
Hỏi: Báo thân cùng báo độ của Thích Ca Như Lai ở tại phương nào?
Ðáp: Kinh Niết Bàn chép: “Từ đây đi qua phương Tây khỏi bốn mươi hai hằng sa cõi Phật có thế giới tên là Vô Thắng, tất cả sự trang nghiêm trong cõi ấy cũng giống hệt như trong thế giới Tây phương Cực Lạc chẳng khác. Ta xuất hiện nơi đời trong cõi ấy. Vì hóa độ chúng sanh nên hiện thân trong cõi Sa Bà này. Chẳng phải chỉ mình ta xuất hiện trong cõi này mà hết thảy Như Lai cũng đều giống như thế’, ta có thể lấy đoạn kinh này làm chứng cớ vậy.
Hỏi: Như kinh Cổ Âm Vương nói A Di Ðà Phật có cha mẹ thì biết rõ [thân Phật ấy, cõi nước ấy] chẳng phải là báo Phật, báo độ hay sao?
Ðáp: Ông chỉ nghe danh tự mà chẳng chịu suy xét thấu đáo ý chỉ của kinh đến nỗi đối với mối nghi ngờ có thể nói là chỉ sai sót tựa như mảy lông ấy mà lầm lạc đến cả ngàn dặm. Dĩ nhiên, A Di Ðà Phật cũng có đủ ba thân, thân xuất hiện trong cõi Cực Lạc là Báo Thân. Nay nói ngài có cha mẹ thì đó chính là cha mẹ của Hóa Thân thị hiện trong uế độ vậy; cũng như Thích Ca Như Lai ở trong tịnh độ thành tựu Báo Thân, khi ngài ứng hiện trong cõi này cũng thị hiện có cha mẹ, trở thành hóa Phật. Ðức A Di Ðà Phật cũng giống như thế.
Lại như kinh Cổ Âm Thanh Vương có chép: “Lúc bấy giờ, A Di Ðà Phật cùng ở chung với chúng Thanh Văn. Cõi nước tên là Thanh Thái, là chỗ ở của thánh vương. Thành ấy rộng rãi mười ngàn do tuần. Cha của Phật A Di Ðà là Chuyển Luân Thánh Vương; vua tên Nguyệt Thượng. Mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan. Ma Vương tên Vô Thắng. Con Phật tên Nguyệt Minh. Ðề Bà Ðạt Ða tên Tịch Ý. Ðệ tử hầu hạ tên Vô Cấu Xưng”. Những câu vừa dẫn ra trên đây đều là tướng trạng của Hóa Thân. Nếu là Tịnh Ðộ, lẽ nào lại có Luân Vương và thành quách, nữ nhân v.v... hay sao? Ðấy chính là đối với những nghĩa lý tiềm ẩn trong kinh văn đều chẳng khéo phân biệt, suy xét đến cùng tột nên đến nỗi mê lầm nơi danh tự, sanh ra chấp trước vậy.
Hỏi: Nếu Báo Thân có tướng ẩn mất, ngưng nghỉ thì Tịnh Ðộ cũng có thành, hoại hay sao?
Ðáp: Ðối với lời cật vấn như vậy, tự xưa đến nay nghĩa lý cũng khó thông. Tuy nhiên, tôi nay dám xin dẫn kinh để làm chứng hòng thấu hiểu được nghĩa lý ấy. Ví như thân Phật là thường trụ mà chúng sanh thấy có nhập Niết Bàn; tịnh độ cũng thế: thể tánh của nó chẳng có thành lẫn hoại nhưng tùy theo cái thấy của chúng sanh mà có thành, có hoại. Như kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Ví như thấy đạo sư có vô lượng các thứ hình sắc tùy theo tâm hạnh; chúng sanh thấy cõi Phật cũng như vậy’. Vì thế,Tịnh Ðộ luận viết: “Do một chất chẳng thành nên tịnh, uế có vơi, đầy. Do dị chất chẳng thành nên truy xét đến căn nguyên liền mờ mịt. Do không chất chi chẳng thành nên duyên khởi thành vạn tượng ”. Do đó, ta biết rằng: nếu xét trên phương diện pháp tánh Tịnh Ðộ thì chẳng luận định là thanh hay trược; còn nếu xét về mặt báo, hóa đại bi thì không có chi là chẳng thuộc về tịnh hay uế cả!
Nếu lại bàn chung về các cõi Phật thì do căn cơ cảm ứng chẳng đồng nên có ba thứ sai biệt:
a. Một là từ nơi Chơn hiện ra Báo, nên gọi là Báo Ðộ, giống như ánh sáng mặt trời chiếu xuống tứ thiên hạ: Pháp Thân như mặt trời; Báo Thân và Hóa Thân như ánh nắng.
b. Hai là không mà chợt có nên gọi là “hóa” như Tứ Phần Luật chép: “Ðịnh Quang Như Lai hóa ra thành Ðề Bà và thành Bạt Ðề ở gần nhau, [người trong thành] thân cận, kết hôn, qua lại với nhau. Lúc sau ngài chợt hóa ra lửa thiêu trụi hết cả khiến cho các chúng sanh thấy sự vô thường ấy rồi không ai là chẳng sanh lòng chán chường, quy hướng Phật đạo”. Vì thế kinh dạy: “Hoặc hiện kiếp hỏa thiêu đốt trời đất đều rỗng toang cả [khiến cho] chúng sanh có quan niệm hữu thường bèn thấu hiểu vô thường. Hoặc để cứu giúp kẻ nghèo bèn hiện lập kho báu vô tận, tùy duyên chỉ bảo đủ cách, hóa độ họ phát tâm Bồ Ðề”.
c. Ba là ẩn uế hiện tịnh như trong kinh Duy Ma, Phật dùng ngón chân bấm xuống đất khiến cả cõi Tam Thiên không có chỗ nào là chẳng nghiêm tịnh cả.
Nay cõi Phật Vô Lượng Thọ là từ chơn hiện ra báo vậy, vì sao biết được như vậy? Cứ theo như kinh Quán Âm Thọ Ký dạy: “Trong vị lai, khi Quán Âm thành Phật sẽ thay thế chỗ Phật A Di Ðà” cho nên biết là báo độ vậy.
A6. Cõi tịnh của Phật A Di Ðà thâu tóm thượng căn, hạ căn, thánh phàm đều cùng vãng sanh
Nay cõi tịnh của Phật Vô Lượng Thọ chính là Báo Tịnh Ðộ. Do nguyện lực của Phật nên cõi ấy nhiếp thủ trọn vẹn thượng căn lẫn hạ căn; thậm chí phàm phu làm lành cũng được vãng sanh [cõi ấy]. Vì cõi ấy nhiếp thủ thượng căn nên Thiên Thân, Long Thọ và các vị Ðịa Thượng Bồ Tát (Bồ Tát đã chứng các địa vị trong Thập Ðịa) cũng đều vãng sanh. Do đó, Ðại kinh chép: “Di Lặc Bồ Tát hỏi Phật: “Chẳng hay trong cõi này có bao nhiêu vị bất thối Bồ Tát được sanh về cõi kia?’ Phật dạy: ‘Thế giới Sa Bà này có sáu mươi bảy ức bất thối Bồ Tát đều sẽ vãng sanh”. Nếu muốn dẫn chứng chi tiết thì [có thể nói đại lược là] trong các phương khác, [số lượng các Bồ Tát được vãng sanh] cũng giống như vậy.
Hỏi: Ðã bảo là xét về mặt địa vị [tu chứng] thì cõi tịnh của Phật Di Ðà gồm trọn cả thượng căn lẫn hạ căn, chẳng luận là phàm hay thánh cùng đều được vãng sanh, nhưng chưa rõ là chỉ có người tu Vô Tướng mới được vãng sanh, chứ còn kẻ phàm phu hữu tướng thì cũng có được vãng sanh hay chăng?
Ðáp: Phàm phu trí cạn, phần nhiều phải dựa vào tướng để cầu, họ quyết định được vãng sanh, nhưng do sức thiện căn hữu tướng nhỏ nhoi nên chỉ được sanh trong cõi hữu tướng, chỉ thấy được Báo Thân cùng Hóa Thân của Phật. Vì thế, trong phẩm Bồ Tát Bổn Hạnh của kinh Quán Phật Tam Muội, có nói:
“Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng:
-Con nhớ trong quá khứ vô lượng kiếp số, lúc con còn là phàm phu. Trong thời ấy có đức Phật hiệu là Bảo Oai Ðức Thượng Vương Như Lai. Lúc đức Phật ấy xuất thế cũng giống hệt như ngày nay không khác. Thân đức Phật ấy cũng cao một trượng sáu, thân màu tử kim, giảng pháp Tam Thừa giống như đức Phật Thích Ca Văn. Lúc bấy giờ, trong cõi ấy có vị đại trưởng giả tên là Nhất Thiết Thí. Trưởng giả có đứa con tên là Giới Hộ. Lúc con còn nằm trong thai, bà mẹ vì kính tin nên đã thọ sẵn Tam Quy Y. Sau khi con đã sanh ra, đến năm lên tám, cha mẹ thỉnh Phật đến nhà cúng dường. Ðứa bé thấy Phật bèn lễ đức Phật, do tâm kính sâu xa nên mắt [nhìn Phật] chẳng tạm rời. Do một phen thấy Phật liền trừ được tội lỗi trong cả trăm vạn ức na do tha kiếp sanh tử. Từ đấy trở đi, thường sanh trong Tịnh Ðộ, liền được gặp gỡ trăm ức na do tha hằng hà sa Phật. Các đức Thế Tôn ấy cũng đều dùng tướng hảo để độ thoát chúng sanh. Khi ấy, đối với mỗi một đức Phật, đứa bé đều thân cận hầu hạ, chưa từng gián đoạn hay bỏ lỡ việc lễ bái, cúng dường, chắp tay quán Phật. Do sức nhân duyên ấy, lại được gặp gỡ trăm vạn a tăng kỳ đức Phật. Các đức Phật ấy cũng dùng sắc thân tướng hảo để hóa độ chúng sanh. Từ ấy trở đi, [đồng tử] liền đắc trăm ngàn ức pháp môn Niệm Phật tam muội và còn chứng đắcatăng kỳ đà-ra-ni môn. Ðã chứng đắc các môn ấy rồi thì chư Phật hiện tiền bèn giảng cho đồng tử pháp Vô Tướng. Trong khoảnh khắc liền đắc Thủ Lăng Nghiêm tam muội. Ðồng tử khi ấy chỉ thọ Tam Quy, do một phen lễ Phật, quán kỹ thân Phật, tâm không chán nhọc nhưng do nhân duyên đấy được gặp vô số Phật; huống hồ là kẻ hệ niệm đầy đủ, tư duy quán sát sắc thân Phật. Ðồng tử khi ấy há phải người nào khác mà chính là thân con vậy!
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn khen ngài Văn Thù rằng:
-Lành thay, lành thay, ông do một phen lễ Phật nên được gặp vô số chư Phật, huống là những đệ tử ân cần quán Phật, ân cần niệm Phật trong đời vị lai của ta.
Phật truyền A Nan: “Ông đem lời của văn Thù Sư Lợi bảo khắp đại chúng và chúng sanh đời vị lai: nếu ai hay lễ Phật, nếu ai hay niệm Phật, nếu ai hay quán Phật thì nên biết là kẻ ấy bằng với Văn Thù Sư Lợi không khác. Xả thân rồi thì trong đời sau, các vị Bồ Tát: Văn Thù Sư Lợi v.v... sẽ làm hòa thượng của kẻ ấy”.
Lấy đoạn kinh này làm chứng thì biết rằng Tịnh Ðộ bao gồm cả cõi hữu tướng, [kẻ phàm phu được] vãng sanh chẳng sai. Nếu biết lấy vô tướng ly niệm làm thể, duyên theo đó để cầu vãng sanh thì phần nhiều sẽ sanh trong bậc thượng. Vì thế, Thiên Thân Bồ Tát luận rằng: “Nếu có thể quán hai mươi chín thứ trang nghiêm thanh tịnh thì [hai mươi chín thứ trang nghiêm ấy có thể nói] đại lược là nhập trong một pháp cú. Một pháp cú chính là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú tức là trí huệ vô vi Pháp Thân vậy”.
Vì sao lại có tướng chứng nhập rộng hay lược? Chỉ v́ chư Phật, Bồ Tát có hai thứ Pháp Thân: Một là Pháp Tánh Pháp Thân; hai là Phương Tiện Pháp Thân. Từ Pháp Tánh Pháp Thân sanh ra Phương Tiện Pháp Thân; từ Phương Tiện Pháp Thân hiển xuất Pháp Tánh Pháp Thân. Hai thứ Pháp Thân này tuy khác nhưng bất khả phân, tuy là một nhưng lại chẳng đồng. Vì thế mới có tướng chứng nhập lược hay rộng. Bồ Tát nếu chẳng biết tướng chứng nhập rộng hay lược thì chẳng thể lợi mình và lợi người. Vô Vi Pháp Thân chính là Pháp Tánh Thân. Do pháp tánh tịch diệt nên Pháp Thân vô tướng. Vì Pháp Thân vô tướng nên không có tướng gì là chẳng thành tựu được. Vì thế, tướng hảo trang nghiêm chính là Pháp Thân. Vì Pháp Thân vô tri nên không chi là không biết; do đó, Nhất Thiết Chủng Trí chính là trí huệ chơn thật. Tuy xét về mặt duyên quán thì thành ra có hai thứ Tổng Quán và Biệt Quán, nhưng không có gì chẳng phải là Thật Tướng. Do biết Thật Tướng nên biết được tướng hư vọng của chúng sanh trong tam giới. Do biết chúng sanh trong tam giới đều là hư vọng nên liền khởi lòng từ bi chơn thật. Do đã biết được lòng từ bi chơn thật nên liền khởi tâm quy y chơn thật. Ở đây, chẳng cần biết hành giả là Tăng hay Tục, hễ ai hiểu được rằng Sanh và Vô Sanh chẳng hề trái nghịch với Nhị Đế thì phần nhiều sẽ được vãng sanh trong bậc thượng vậy.
A7. Bàn định Tịnh Ðộ Di Ðà là thuộc vào tam giới hay chẳng thuộc?
Hỏi: Xét trong tam giới, cõi nước An Lạc thuộc về giới nào?
Ðáp: Tịnh Ðộ thể tánh mầu nhiệm tột bực vượt hẳn thế gian. Cõi tam giới đây chính là nhà tối của phàm phu sanh tử; tuy là có khổ vui hơn kém, dài ngắn sai khác, nhưng xét chung thì không đâu chẳng phải là bờ bến hữu lậu dài lâu, khởi lên, Ẩn mất tiếp nối, tuần hoàn không ngằn mé (ý nói: thế gian thành rồi hoại, hoại rồi lại thành liên tục), tạp sanh chung đụng (gọi là tạp sanh là vì thế gian có các loài noãn, sanh, thấp, hóa), Tứ Ðảo ngập tràn, nào nhân, nào quả, hư ngụy tích tập hết sức đáng chán. Do đó, Tịnh Ðộ chẳng thuộc vào tam giới.
Hơn nữa, theo Trí Ðộ Luận: “Vì quả báo Tịnh Ðộ là vô dục nên [Tịnh Ðộ] chẳng phải là Dục giới. Do ở trên đất nên chẳng phải là Sắc giới. Do có hình sắc nên chẳng phải là Vô Sắc giới”. Tuy nói là ở trên đất (địa cư) nhưng tinh xảo, thù thắng, mầu nhiệm tuyệt vời, cho nên ngài Thiên Thân luận rằng:
“Quán tướng thế giới ấy,
Trỗi vượt cả tam giới.
Rốt ráo dường hư không,
Rộng lớn không ngằn mé”.
Cũng vì thế mà bài tán Ðại kinh đã viết:
“Cõi diệu rộng lớn ngoài hạn số,
Tự nhiên do bảy báu hợp thành,
Do Phật nguyện lực trang nghiêm thành.
Kính lạy Thanh Tịnh Ðại Nhiếp Thọ!
Thế giới sáng ngời, đẹp tuyệtvời
Sung sướng, an ổn, không bốn mùa.
Sức tự lợi, lợi tha viên mãn,
Quy mạng Phương Tiện Xảo Trang Nghiêm”.
B. Trong đề mục lớn thứ hai, có ba ý bàn định.
*Một là luận về phát Bồ Ðề tâm.
* Hai là phá dị kiến tà chấp.
*Ba là nêu rộng các thứ vấn đáp, giải thích để dứt nghi tình.
B1. Phát Bồ Ðề tâm:
Trong phần này, có bốn ý: một là nêu lên công dụng của Bồ Ðề tâm; hai là nói đến danh và thể của Bồ Ðề; ba là chỉ rõ phát tâm có sai khác; bốn là vấn đáp giải thích.
B1.1 Công dụng của Bồ Ðề tâm:
Ðại kinh dạy: “Phàm muốn vãng sanh Tịnh Ðộ, cần phải lấy phát tâm Bồ Ðề làm nguyện’. Bồ Ðề là gì? Ấy là tên gọi của Vô Thượng Phật đạo. Nếu muốn phát tâm làm Phật thì tâm ấy rộng lớn trọn khắp cả pháp giới. Xét đến cùng tột thì tâm ấy bằng với hư không. Tâm ấy lâu xa đến tột cùng đời vị lai; tâm ấy trọn khắp, rời lìa Nhị Thừa chướng. Nếu có thể một phen phát được tâm ấy thì ắt sẽ dứt được mối sanh tử từ vô thỉ; tất cả công đức hồi hướng Bồ Ðề đều có thể vọng hướng về Phật quả, không gì bị mất mát. Ví như thứ hoa lạ Ngũ Tịnh, nắng gió chẳng làm héo nổi nó; sông thiêng Phụ Thủy dù trong đời có hạn hán, nước vẫn chẳng cạn.
B1.2 Danh và thể của Bồ Ðề:
Bồ Ðề có ba thứ: một là Pháp Thân Bồ Ðề, hai là Báo Thân Bồ Ðề, ba là Hóa Thân Bồ Ðề.
Nói Pháp Thân Bồ Ðề là chỉ cho Chơn Như Thật Tướng, Ðệ Nhất Nghĩa Không: Tự tánh thanh tịnh, thể chẳng uế nhiễm, lý xuất thiên chơn, chẳng phải do tu tập mà thành nên gọi là Pháp Thân. Cái thể của Phật đạo vốn gọi là Bồ Ðề.
Báo Thân Bồ Ðề là tu trọn vạn hạnh nên cảm được cái quả là Báo Thân Phật. Do cái quả ứng với cái nhân nên gọi là Báo Thân; vì viên thông vô ngại nên gọi Bồ Ðề.
Hóa Thân Bồ Ðề là từ báo khởi ra công dụng để thích ứng với muôn căn cơ nên gọi là Hóa Thân; vì lợi ích muôn loài một cách viên thông nên gọi là Bồ Ðề.
B1.3 Chỉ rõ phát tâm có sai khác:
Nay nói về hành giả tu nhân phát tâm thì phải hội đủ ba điều:
-Một là cần phải hiểu thấu có không, từ trước đến nay, tự tánh vốn thanh tịnh.
-Hai là tu theo vạn hạnh, tám vạn bốn ngàn các ba la mật môn v.v...
-Ba là lấy đại từ bi làm gốc, luôn nghĩ tưởng đến việc lấy chuyện độ sanh làm chí nguyện.
Ba cái nhân ấy tương ứng với Ðại Bồ Ðề nên gọi là “phát Bồ Ðề tâm”. Lại như Tịnh Ðộ Luận đã viết: “Nay nói phát tâm Bồ Ðề thì đó chính là tâm nguyện làm Phật. Tâm nguyện làm Phật chính là tâm cứu độ chúng sanh. Tâm cứu độ chúng sanh chính là tâm nhiếp thủ chúng sanh sanh về cõi có Phật”. Nay đã nguyện sanh Tịnh Ðộ thì trước hết là phải phát tâm Bồ Ðề.
B1.4 Giải thích vấn đáp:
Hỏi: Nếu tu trọn vạn hạnh sẽ cảm được Bồ Ðề, sẽ được thành Phật thì tại sao kinh Chư Pháp Vô Hành lại dạy: “Nếu ai cầu Bồ Ðề thời sẽ chẳng có Bồ Ðề, người ấy xa cách Bồ Ðề ví như trời với đất”?
Ðáp: Xét về mặt lý thì chánh thể của Bồ Ðề là vô tướng; nay lại tác tướng để cầu thì chẳng xứng lý cho nên nói là “người ấy xa cách”. Vì thế kinh dạy: “Bồ Ðề chẳng thể dùng tâm để được, chẳng thể dùng thân để được”. Ở đây, ý nói hành giả tuy biết tu các hạnh để cầu được vãng sanh, nhưng thấu hiểu rành rành là lý thể vô cầu cho nên chẳng hoại giả danh; bởi thế, tu trọn vạn hạnh thì có thể cảm được [Bồ Ðề]. Do đó, Ðại Trí Ðộ Luận mới viết: “Nếu ai thấy Bát Nhã thì là bị trói buộc, nếu chẳng thấy Bát Nhã thì cũng là bị trói buộc. Nếu thấy Bát Nhã thì là giải thoát. Nếu chẳng thấy Bát Nhã thì cũng là giải thoát”. Bồ Tát Long Thọ giải thích: “Ở trong đấy mà chẳng rời khỏi tứ cú (1) thì bị trói buộc; rời được tứ cú thì sẽ giải thoát”. Nay cầu Bồ Ðề thì chỉ nên tu hành như vậy, đấy chính là “chẳng hành mà hành”. Chẳng hành mà hành chính là chẳng trái nghịch đại đạo lý Nhị Ðế vậy.
Hơn nữa, theo tác phẩm Tịnh Ðộ Luận của ngài Thiên Thân thì: “Phàm muốn phát tâm hiểu thấu Vô Thượng Bồ Ðề thì có hai nghĩa:
-Một là trước hết phải lìa bỏ ba thứ pháp trái nghịch với Bồ Ðề môn.
-Hai là phải biết hai thứ pháp thuận Bồ Ðề môn.
Những gì là ba? Một là nương vào Trí Huệ Môn chẳng cầu mình được sung sướng, xa lìa tâm chấp ngã, tham đắm thân mình. Hai là thuận theo Từ Bi Môn để dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh, xa lìa cái tâm làm cho chúng sanh chẳng được an ổn. Ba là thuận theo Phương Tiện Môn, tâm xót thương hết thảy chúng sanh, xa lìa tâm cung kính, chăm chút thân tâm mình. Ðấy gọi là xa lìa ba pháp trái nghịch với Bồ Ðề môn.
Thuận Bồ Ðề môn là Bồ Tát xa lìa ba pháp trái nghịch với Bồ Ðề môn như trên thì liền được ba thứ pháp thuận Bồ Ðề môn. Những gì là ba? Một là tâm vô nhiễm thanh tịnh, chẳng vì tự thân cầu các sự vui. Bồ Ðề là chốn thanh tịnh vô nhiễm; nếu vì tự thân cầu các vui thì chính là trái nghịch với Bồ Ðề môn. Vì thế tâm vô nhiễm thanh tịnh là thuận Bồ Ðề môn. Hai là tâm an thanh tịnh vì dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh. Bồ Ðề an ổn là chỗ thanh tịnh của hết thảy chúng sanh; nếu chẳng khởi tâm dẹp tan tử khổ cho hết thảy chúng sanh thì là trái nghịch với Bồ Ðề. Vì thế dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh là thuận với Bồ Ðề môn. Ba là tâm vui thanh tịnh, muốn cho hết thảy chúng sanh đắc Ðại Bồ Ðề, dẫn dắt chúng sanh sanh về cõi nước [Cực Lạc] kia. Bồ Ðề là chốn thường vui rốt ráo; nếu chẳng khiến cho hết thảy chúng sanh được hưởng niềm vui rốt ráo thường hằng thì là trái nghịch vớiBồ Ðề môn. Dựa vào đâu để đạt được niềm vui thường hằng rốt ráo ấy? Phải dựa vào Ðại Nghĩa Môn. Ðại Nghĩa Môn chính là cõi Phật An Lạc vậy. Vì thế, [chư Phật, Bồ Tát] mới muốn cho [chúng sanh] một dạ chuyên chí nguyện sanh về cõi kia để họ sớm hiểu được Vô Thượng Bồ Ðề vậy”.
B2. Phá dị kiến tà chấp:
Trong phần này gồm có chín ý:
-Một là phá những vọng chấp, dị kiến, thiên chấp vào vô tướng của Ðại Thừa.
-Hai là giảng cho thông suốt ý nghĩa về ái kiến đại bi của Bồ Tát.
-Ba là phá cái chấp ngoài tâm không có pháp.
-Bốn là phá ý nguyện sanh trong cõi uế, chẳng nguyện sanh về cõi tịnh.
-Năm là phá cái chấp: nếu sanh về Tịnh Ðộ thì phần đông sẽ ham đắm sự vui.
-Sáu là phá ý tưởng cho rằng cầu sanh Tịnh Ðộ là Tiểu Thừa.
-Bảy là phá quan niệm: cầu sanh trời Ðâu Suất, chẳng quy hướng Tịnh Ðộ.
-Tám là giảng cho thông suốt rằng cầu sanh về mười phương Tịnh Ðộ chẳng bằng quy hướng về Tây Phương Cực Lạc.
-Chín là biện định giáo nghĩa “biệt thời ý”.
B2.1 Phá vọng chấp vào Ðại Thừa vô tướng:
Trong tiểu đoạn này gồm có hai ý: Một là nêu tổng quát về sự sanh khởi [của những mối vọng chấp ấy] để kẻ hậu học thấy rõ đúng, sai, bỏ tà hướng chánh. Hai là bàn chi tiếtvề từng mối nghi để phá tan nghi tình.
* Nêu tổng quát vấn đề:
Danh nghĩa trong thâm tạng Ðại Thừa nhiều như cát bụi; vì thế kinh Niết Bàn dạy: “Một tên có vô lượng nghĩa, một nghĩa có vô lượng tên”. Cần phải xét suy khắp các kinh điển thì mới thấu hiểu được yếu chỉ của từng bộ kinh, chứ chẳng phải như kinh sách Tiểu Thừa hay sách vở thế tục, chỉ cần căn cứ vào câu văn là lãnh hội được ý nghĩa. Vì sao lại phải như thế? Chỉ vì kinh, luận Tịnh Ðộ sâu thẳm, [ý nghĩa] hoặc ẩn , hoặc hiển đến nỗi phàm tình bỡ ngỡ. Sợ họ bị vướng vào lời dối tua tủa, trăm mối thiên chấp sai lầm tạp loạn vô tri [đến nỗi] phương ngại việc vãng sanh nên nay tôi bèn nêu lên đôi điều để lần lượt đả phá.
* Thứ nhất là vọng chấp vào vô tướng Ðại Thừa.
Hỏi: Nếu có kẻ bảo: Ðại Thừa vô tướng chẳng luận đây, kia. Nếu nguyện sanh về Tịnh Ðộ thì chính là chấp tướng, lậu phược càng tăng thêm, cầu sanh làm chi?
Ðáp: Chấp như vậy chẳng đúng. Vì sao? Hết thảy chư Phật nói pháp cần phải đủ cả hai duyên: Một là dựa vào Thật Lý của pháp tánh; hai là phải thuận theo Nhị Ðế (2). Nếu chấp vào vô niệm của Ðại Thừa thì mới chỉ là dựa theo pháp tánh, còn nếu báng rằng chẳng cần phải cầu thì lại chẳng thuận theo Nhị Ðế. Kiến giải như vậy là bị đọa vào kiến chấp Diệt Không. Vì thế, kinh Vô Thượng Y mới chép: “Phật bảo A Nan: Dù hết thảy chúng sanh khởi lên Ngã Kiến [to] như núi Tu Di, ta vẫn chẳng sợ. Vì sao vậy? Tuy những kẻ ấy chưa được xuất ly nhưng thường chẳng hoại nhân, quả, chẳng lầm quả báo. Nếu khởi lên Không Kiến dẫu chỉ bằng hạt cải thì ta chẳng chấp nhận. Vì sao thế? Cái thấy như vậy phá hoại nhân quả, phần nhiều sẽ bị đọa vào nẻo ác. Sanh trong đời sau ắt sẽ chống trái lời dạy của ta”. Nay khuyên hành giả: Tuy về lý là vô sanh nhưng trong đạo lý Nhị Ðế thì chẳng phải là không cần phải cầu cho hết thảy được vãng sanh.
Do đó, kinh Duy Ma Cật dạy: “Tuy quán cõi nước của chư Phật và chúng sanh là không, nhưng thường tu Tịnh Ðộ, giáo hóa các quần sanh”. Kinh ấy còn dạy: “Tuy hành vô tác mà hiện thọ thân; ấy là hạnh Bồ Tát. Tuy hành vô khởi mà khởi hết thảy hạnh lành; ấy là hạnh Bồ Tát”. Ðấy là lời chứng chơn thậtvậy.
Hỏi: Nay trong đời có kẻ hành Ðại Thừa vô tướng chẳng chấp là đây hay kia, nhưng trọn chẳng giữ giới tướng thì nghĩa là làm sao?
Ðáp: Chấp như vậy tai hại rất sâu. Vì sao? Như kinh Ðại Phương Ðẳng đã dạy:
“Vì ưu bà tắc mà đức Phật lập ra giới cấm: chẳng được tới nhà quả phụ, gái trinh, nhà nấu rượu, nhà nhuộm chàm, nhà ép dầu, nhà thuộc da đều chẳng được vãng lai. A Nan bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Vì sao đối với những hạng người như vậy mà lập ra giới này?’
Phật bảo A Nan: -Hành giả có hai thứ: một là hành giả trong thế gian, hai là hành giả xuất thế gian. Ðối với người xuất thế, ta chẳng cấm những sự trên; còn đối với người thế tục, nay ta ngăn cấm. Vì sao vậy? Hết thảy chúng sanh đều là con ta; Phật là phụ mẫu của hết thảy chúng sanh. Phật ngăn cấm, ước thúc để họ sớm thoát khỏi thế gian, chứng đắc Niết Bàn”.
B2.2 Giảng cho thấu suốt về ái kiến đại bi của Bồ Tát:
Hỏi: Căn cứ theo Ðại Thừa thánh giáo thì nếu Bồ Tát đối với các chúng sanh mà khởi lên ái kiến đại bi thì liền phải nên xả ly. Nay lại khuyên chúng sanh cùng sanh Tịnh Ðộ, há chẳng phải là ái nhiễm, chấp lấy tướng đấy ư?
Ðáp: Hạnh pháp công dụng của Bồ Tát có hai thứ. Ðó là gì? Một là chứng Không Huệ Bát Nhã. Hai là đầy đủ Ðại Bi.
Một là nhờ vào sức tu Không Huệ Bát Nhã nên dẫu có vào trong sanh tử sáu đường vẫn chẳng bị trần nhiễm trói buộc.
Hai là do vì Ðại Bi nghĩ tưởng đến chúng sanh nên chẳng trụ trong Niết Bàn; tuy Bồ Tát ở trong Nhị Ðế nhưng thường có thể khéo bỏ được cả hữu lẫn vô.
Ðối với lấy, bỏ, Bồ Tát đã đạt được Trung Ðạo, chẳng trái với đại đạo lý. Vì thế kinh Duy Ma có dạy: “Ví như có người muốn tạo lập cung điện ở nơi đất trống thì tùy ý vô ngại; còn nếu muốn tạo dựng trên hư không thì trọn chẳng thành được. Cũng giống như vậy, vì muốn thành tựu chúng sanh nên Bồ Tát nguyện nhiếp thủ cõi Phật”. Nguyện nhiếp thủ Phật quốc thì chẳng phải là thuộc về Không vậy.
B2.3 Phá cái chấp ngoài tâm không pháp
Trong phần này, có hai ý: một là phá chấp; hai là vấn đáp, giải thích.
*Hỏi: Nếu có kẻ nói rằng: Tịnh cảnh được quán tưởng đó là thuộc về nội tâm. Tịnh Ðộ dung thông, cứ hễ tâm tịnh là sẽ đạt được; ngoài tâm không có pháp, cần gì phải quy về Tây Phương?
Ðáp: Về mặt lý thì Pháp Tánh Tịnh Ðộ dung thông rỗng rang, thể không hạn cuộc riêng ở một chỗ nào. Ấy là vô sanh mà sanh, chỉ bậc thượng sĩ mới chứng nhập nổi. Vì thế, kinh Vô Tự Bảo Khiếp dạy: “Này thiện nam tử! Lại có một pháp là điều giác ngộ của Phật, tức là: Các pháp chẳng đến, chẳng đi, không nhân, không duyên, chẳng sanh, chẳng diệt, không nghĩ, không chẳng nghĩ, không tăng, không giảm.
Phật bảo La Hầu La: ‘Nay ngươi nên thọ trì chánh pháp nghĩa của ta vừa nói đây’.Lúc bấy giờ, chín ức Bồ Tát trong mười phương liền bạch Phật rằng: ‘Chúng con đều có thể thọ trì pháp môn này và sẽ vì chúng sanh lưu truyền chẳng dứt’.
Thế Tôn đáp rằng:
-Hạng thiện nam tử ấy chính là kẻ hai vai gánh vác Bồ Ðề. Họ liền sẽ được biện tài chẳng dứt, được [sanh trong] những thế giới lành thanh tịnh của chư Phật. Lúc mạng chung, họ liền được thấy A Di Ðà Phật cùng các thánh chúng hiện đến trước mặt, sẽ được vãng sanh. Còn như hạng trung căn, hạ căn chưa phá được tướng thì cần phải nương vào nhân duyên tin Phật để cầu sanh Tịnh Ðộ. Tuy đã sanh về cõi kia nhưng vẫn ở trong cõi hữu tướng”.
Kinh còn dạy: “Nếu thâu tóm các duyên về cội gốc thì ngoài tâm không có pháp. Nếu phân ra Nhị Ðế để làm rõ nghĩa thì Tịnh Ðộ nào trở ngại gì đối với cái pháp ngoài tâm ấy đâu!”
* Giải thích, vấn đáp:
Hỏi: Trên đã nói là chỉ hạng thượng sĩ mới chứng nhập nổi “vô sanh mà sanh” còn hạng trung hạ căn chẳng kham được, đó chính là đem người sánh với pháp để phán định như thế, ngài có thể nêu thánh giáo làm chứng hay chăng?
Ðáp: Theo Trí Ðộ luận: “Tân phát ý Bồ Tát căn cơ, kiến giải yếu kém, tuy nói phát tâm nhưng phần nhiều nguyện sanh về Tịnh Ðộ. Nghĩa là sao? Ví như trẻ thơ chẳng được gần gũi mẹ cha chăm sóc thì sẽ bị sảy hầm té giếng hoặc bị nạn rắn, nạn lửa v.v... hoặc khát sữa mà chết; cần phải được mẹ cha vỗ về, tắm rửa, nuôi nấng thì mới khôn lớn, mới nối được gia nghiệp. Bồ Tát cũng vậy, nếu phát được tâm Bồ Ðề thì phần nhiều nguyện sanh về Tịnh Ðộ để thân cận chư Phật, tăng trưởng Pháp Thân rồi mới có thể gánh vác, tiếp nối gia nghiệp của Bồ Tát và cứu giúp cả mười phương. Do những lợi ích như vậy nên phần nhiều các vị Bồ Tát nguyện được vãng sanh”.
Luận ấy lại viết tiếp: “Ví như chim con lông cánh chưa mọc đủ thì chẳng thể thúc bách nó bay cao được; trước hết phải nương cành chuyền nhánh. Khi lông mọc đầy đủ, có đủ sức thì mới có thể rời khỏi rừng để bay lên không. Tân phát ý Bồ Tát cũng thế, trước hết phải nương vào nguyện [lực của Phật] để cầu được sanh về chỗ đức Phật. Khi Pháp Thân toàn vẹn rồi thì mới thuận theo chỗ nào cảm ứng thì đến đó để làm lợi ích”.
Lại như A Nan bạch Phật rằng: “Vô Tướng Ba La Mật này nên thuyết ở chỗ nào?
Phật dạy: ‘Pháp môn như thế nên nói với bậc đã thuộc địa vị A-tì-bạt-trí. Vì cớ sao? Có hạng tân phát ý Bồ Tát nghe Vô Tướng ba la mật này thì tất cả thiện căn thanh tịnh đều sẽ bị hư mất hết’. Thêm nữa, chỉ cần được sanh về cõi kia rồi thì hết thảy sự sẽ đều rốt ráo, cần gì phải tranh biện là lý này sâu hay cạn nữa!
B2.4 Phá kiến chấp nguyện sanh vào uế độ, chẳng nguyện sanh trong Tịnh Ðộ
Hỏi: Hoặc có kẻ nói: Nguyện sanh vào uế độ để giáo hóa chúng sanh, chứ chẳng nguyện sanh trong Tịnh Ðộ, việc ấy ra sao?
Ðáp: Hạng người này cũng có một hạng, hạng gì? Ðó là bậc đã ở vào địa vị từ Bất Thoái trở lên; do vì hóa độ chúng sanh tạp ác nên mới ở trong chỗ nhơ mà chẳng bị nhiễm, gặp ác chẳng bị biến cải, giống như ngỗng, vịt vào trong nước mà nước chẳng thấm ướt chúng được. Hạng người như thế mới kham sống nổi trong cõi uế để dẹp khổ [cho chúng sanh]. Nếu thật sự còn là phàm phu thì chỉ e tự mình tu hành còn chưa vững, hễ gặp khổ liền bị biến đổi, muốn cứu giúp người khác nhưng lại bị chìm đắm chung với họ, giống như ép gà lội xuống nước, há nó chẳng bị ướt hay sao? Do đó, luận Trí Ðộ mới viết: “Nếu phàm phu phát tâm nguyện ở trong uế độ để vớt chúng sanh thì thánh ý chẳng chấp thuận”.
Vì sao vậy? Bồ Tát Long Thọ giải thích: “Ví như băng đóng kín cả bốn mươi dặm, nếu như có một người dùng một đấu nước sôi đổ vào thì ngay lập tức băng dường như có giảm bớt. Nhưng qua một đêm đến sáng thì băng lại càng dày hơn trước. Phàm phu phát tâm cứu khổ ở trong cõi này cũng giống như vậy: đối nghịch lại cảnh giới tham sân thì ít mà thuận theo thì nhiều, tự khởi phiền não, sẽ lại đọa trong đường ác vậy”.
B2.5 Phá cái chấp nếu sanh vào Tịnh Ðộ thì phần đông sẽ tham đắm sự vui.
Hỏi: Hoặc là có kẻ bảo: Trong Tịnh Ðộ chỉ có sự vui nên rất có thể sẽ ham đắm sự vui đến nỗi bỏ phế việc tu đạo, vậy cần gì phải nguyện vãng sanh?
Ðáp: Ðã nói là Tịnh Ðộ thì sẽ chẳng có các uế; nếu bảo là ham đắm sự vui thì chính là tham ái, phiền não, sao còn gọi là Tịnh được nữa? Vì thế Ðại kinh dạy: “Trời, người cõi ấy dù đến hay đi, dù tiến hay ngừng, lòng họ không còn ràng buộc’. Trong bốn mươi tám nguyện, cũng có lời nguyện: “Mười phương trời, người đến trong cõi ta nếu ai khởi ý tưởng tham chấp lấy thân thì chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác”. Lại như Ðại kinh dạy: “Trời, người cõi ấy không có ưa ghét” thì lẽ nào còn ham đắm sự vui?
B2.6 Phá kiến chấp coi cầu sanh Tịnh Ðộ thuộc về Tiểu Thừa
Hỏi: Hoặc là có kẻ nói: Cầu sanh về Tịnh Ðộ chính là Tiểu Thừa nên cần chi phải tu!
Ðáp: Ðiều ấy cũng chẳng đúng. Vì cớ sao? Vì giáo thuyết Tiểu Thừa hoàn toàn chẳng nói đến chuyện sanh về Tịnh Ðộ.
B2.7 Ðả phá tư tưởng chỉ nguyện sanh lên Ðâu Suất, chứ chẳng nguyện quy hướng Tây Phương
Hỏi: Hoặc là có kẻ nói: Nguyện sanh lên Ðâu Suất, chẳng nguyện quy Tây, việc ấy thế nào?
Ðáp: Hai điều này nghĩa lý chẳng giống nhau, chỉ có chút phần tựa hồ giống nhau. Xét về thể, có bốn điều sai biệt lớn. Những điều ấy là gì?
a. Một là Di Lặc Thế Tôn vì các thiên chúng chuyển bất thoái pháp luân, nếu ai nghe pháp mà sanh khởi lòng tin thì sẽ được lợi ích; đấy gọi là lòng tin giống nhau; nhưng số người ham vui, không tin chẳng phải là ít. Hơn nữa, dẫu sanh lên trời Ðâu Suất nhưng vẫn còn thuộc trong những địa vị còn bị thối chuyển cho nên kinh bảo: “Tam giới chẳng yên, ví như nhà lửa”.
b. Hai là sanh về Ðâu Suất thọ mạng chỉ dài bốn ngàn năm. Sau khi mạng chung chẳng tránh khỏi bị lui sụt, đọa lạc.
c. Ba là trên trời Ðâu Suất tuy có nước, chim, rừng cây vang ra những tiếng thánh thót, nhưng đó chỉ là những cái duyên phát sanh niềm vui cho chư thiên [khiến họ] thuận theo ngũ dục, chứ chẳng dạy về thánh đạo. Nếu một phen được sanh trong cõi tịnh Di Ðà thì sẽ đều là bậc A-tì-bạt-trí, lại chẳng có những kẻ thối thất và loài tạp cư; địa vị lại là vô lậu, vượt khỏi tam giới, chẳng còn bị luân hồi nữa. Luận về thọ mạng thì bằng với thọ mạng của Phật, không cách nào tính toán để biết được nổi. Cõi ấy có nước, chim, cây cối đều có khả năng thuyết pháp khiến cho người nghe ngộ giải, chứng hiểu vô sanh.
d. Bốn là dựa theo Ðại kinh, chỉ lấy một thứ âm nhạc để so sánh thì kinh ấy khen ngợi: ‘Từ đế vương cõi trần lên đến trời Lục Dục, âm nhạc đã dần dần trở nên mầu nhiệm hơn đến cả tám điều, [nhạc cõi trên] càng hay hơn [nhạc cõi dưới] gấp vạn ức lần. Tiếng nhạc từ cây báu còn du dương gấp bội hơn thế. Lại có âm nhạc tự nhiên mầu nhiệm, pháp âm trong trẻo hòa điệu sảng khoái tinh thần, dìu dặt thánh thót vượt xa mười phương. Vì thế, con kính lễ bậc Thanh Tịnh Ðộng’.
B2.8 So sánh để thấy rõ sanh về mười phương Tịnh Ðộ chẳng bằng sanh về Tây Phương
Hỏi: Hoặc có kẻ nói: Nguyện sanh trong mười phương Tịnh Ðộ chẳng nguyện sanh về Tây Phương, nghĩa ấy ra sao?
Ðáp: Ý ấy có ba điều chẳng đúng. Ðó là gì?
a. Một là mười phương cõi Phật không có cõi nào là chẳng tịnh; nhưng nếu cảnh rộng thì tâm bị mê muội, còn cảnh hẹp thì ý [dễ] chuyên chú. Vì thế, mười phương đều nguyện vãng sanh Cực Lạc. Kinh chép: ‘Phổ Quảng Bồ Tát bạch Phật rằng:
-Bạch Thế Tôn! Mười phương cõi Phât đều nghiêm tịnh, vì sao trong các kinh lại riêng khen ngợi cõi Phật A Di Ðà ở phương Tây, khuyên nên vãng sanh?
Phật bảo Phổ Quảng Bồ Tát:
-Hết thảy chúng sanh trược loạn thì nhiều, chánh niệm thì ít. Phật muốn cho chúng sanh có chỗ chuyên chí nên đặc biệt khen ngợi cõi kia. Nếu có thể dựa vào bổn nguyện của Phật để tu hành thì không ai là không được lợi ích”.
b. Hai là tuy mười phương Tịnh Ðộ đều tịnh, nhưng sâu cạn khó biết nổi; tịnh quốc của Phật A Di Ðà chính là sơ môn Tịnh Ðộ. Vì sao biết thế? Theo như kinh Hoa Nghiêm dạy: “Một kiếp trong thế giới Sa Bà là một ngày một đêm nơi Cực Lạc. Một kiếp trong cõi Cực Lạc là một ngày một đêm nơi thế giới Ca Sa Tràng”. Những tướng hơn kém như thế có đến cả mười a-tăng-kỳ nên ta biết là [cõi Cực Lạc] mới chỉ là sơ môn Tịnh Ðộ. Bởi vậy chư Phật mới đặc biệt khuyên nên vãng sanh Cực Lạc. Các cõi Phật phương khác chẳng được rành rành như vậy cho nên phần nhiều những ai có lòng tin đều nguyện vãng sanh Cực Lạc.
c. Ba là cõi tịnh của Phật Di Ðà chính là cửa ngõ đầu tiên để bước vào Tịnh Ðộ; thế giới Sa Bà chính là chốn tận cùng của uế độ. Vì sao biết vậy? Như kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Ở về phía Ðông Bắc cõi này có một thế giới tên là Tư-Ha, đất đai chỉ có đá, cát hình tam giác. Một năm mưa ba lượt, mỗi lần mưa thấm ướt đất không sâu hơn năm tấc. Chúng sanh cõi ấy chỉ ăn trái cây, dùng vỏ cây làm áo, cầu sống chẳng được, cầu chết chẳng xong. Lại có một thế giới, hết thảy hổ, sói, cầm thú cho đến rắn rết thảy đều có cánh bay lượn, hễ gặp nhau liền ăn nuốt chẳng cần phân biệt thiện ác’. Chốn ấy há chẳng gọi là chỗ bắt đầu của uế độ hay sao? [Xét đến] y báo của thế giới Sa Bà đây và [do chúng sanh] cùng ở chung lẫn với hiền thánh nên chỉ có cõi này là chỗ cuối cùng của uế độ. Do thế giới An Lạc là cửa ngõ đầu tiên của Tịnh Ðộ nên phải tiếp giáp với cảnh giới cõi này; vãng sanh rất tiện sao lại chẳng sanh về?
B2.9 Xét định chỗ mâu thuẫn giữa luận Nhiếp Ðại Thừa và kinh này để bàn định về “biệt thời ý”
Trong Quán kinh đây, đức Phật dạy: “Người thuộc hạ phẩm thì trong hiện đời tạo tội nặng, lúc lâm chung gặp được thiện tri thức, mười niệm thành tựu liền được vãng sanh”. Luận Nhiếp Ðại Thừa thì cho rằng điều Phật dạy đó là “biệt thời ý” (3). Ða số các nhà sớ giải kinh lại thường hay cho rằng mười niệm lúc lâm chung ấy chỉ tạo thành cái nhân để vãng sanh chứ chưa được vãng sanh ngay. Vì sao biết như vậy? Vì luận Nhiếp Ðại Thừa viết: “Như dùng một đồng tiền vàng buôn bán [rồi dần dần có] được cả ngàn đồng tiền vàng; chẳng phải là chỉ trong một ngày sẽ đạt được như thế ngay. Vì thế, ta biết được là: Mười niệm thành tựu là chỉ thành tựu được cái nhân, chứ chưa được vãng sanh [thật sự], nên [lời Phật dạy trong Quán kinh] gọi là lời giảng có ý biệt thời”. Hiểu như vậy là chẳng đúng; vì sao? Hễ Bồ Tát tạo luận để giải thích kinh thì đều là muốn hỗ trợ Phật ý, khế hội thánh tâm; chẳng đời nào có bản luận nào lại trái nghịch ý kinh! Nay tôi sẽ giải thích về “lời nói có ý biệt thời”, ấy là: Khi đức Phật thuyết pháp luôn luôn là trước nêu cái nhân, sau bày cái quả, lý lẽ rạng ngời. Trong kinh này đây chỉ nói đến việc tạo nghiệp trong một đời và lúc lâm chung do mười niệm thành tựu liền được vãng sanh, chứ chẳng bàn đến chuyện quá khứ có nhân hay không nhân. Ðấy chính là đức Thế Tôn muốn tiếp dẫn bọn người tạo ác trong tương lai khiến cho họ lúc lâm chung sẽ xả ác, quy thiện, nương theo câu niệm mà vãng sanh. Ðó là Phật ẩn kín túc nhân; vì đức Thế Tôn ẩn giấu cái ban đầu, hiển thị cái chung cuộc, giấu nhân nói quả nên gọi là “lời nói có ý biệt thời”. Vì sao biết như vậy? Vì nếu chỉ mười niệm mà được thành tựu thì phải là đã có nhân quá khứ như kinh Niết Bàn nói: “Nếu ai trong quá khứ đã từng cúng dường nửa hằng hà sa chư Phật, lại đã từng phát tâm thì mới chỉ có thể ở trong đời ác nghe nói kinh giáo Ðại Thừa mà chẳng phỉ báng, chứ chưa có thể làm gì khác. Lại nếu ai từng cúng dường một hằng hà sa chư Phật và đã phát tâm thì sau đấy khi nghe kinh giáo Ðại Thừa mới chẳng những không phỉ báng mà còn thêm ưa thích”. Lấy các kinh đấy để suy nghiệm thì biết rõ là “mười niệm thành tựu” đều là do có cái nhân quá khứ chẳng sai vậy. Nếu như không có sẵn nhân trong quá khứ thì còn chẳng gặp được thiện tri thức, huống hồ là thành tựu được mười niệm hay sao?
Ðối với câu: “Dùng một đồng tiền vàng để buôn bán [cho đến khi có được] ngàn đồng vàng, chẳng phải là chỉ trong một ngày sẽ đạt được như thế ngay” trong luận Nhiếp Ðại Thừa thì nếu xét theo ý Phật, ta thấy là [trong Quán kinh] đức Thế Tôn muốn cho chúng sanh tích tập nhiều nhân lành để nhờ vào câu niệm Phật mà được vãng sanh; còn ý của luận chủ (ngài Vô Trước, tác giả luận Nhiếp Ðại Thừa) là muốn nhấn mạnh đến cái nhân quá khứ nên về mặt lý thì [câu nói trên] cũng chẳng mâu thuẫn với Quán kinh. Nếu hiểu như thế thì trên thuận theo kinh Phật, dưới hợp với ý luận, đúng là kinh và luận hỗ trợ nhau, đường vãng sanh thênh thênh chẳng còn nghi hoặc nữa.
B3. Nêu nhiều điều vấn đáp, giải thích để trừ nghi tình
Dưới đây, tôi sẽ dùng luận Ðại Trí Ðộ để trình bày các câu vấn đáp một cách chi tiết.
Hỏi: Từ bao kiếp lâu xa đến nay, hết thảy chúng sanh tạo đủ các nghiệp hữu lậu, bị buộc chặt vào tam giới, thế thì vì sao họ chẳng cần phải đoạn dứt các nghiệp trói buộc trong tam giới, chỉ nhờ vào một chút thời gian niệm A Di Ðà Phật sẽ liền được vãng sanh, thoát khỏi tam giới? Phải nên hiểu ý nghĩa của những nghiệp trói buộc ấy như thế nào đây?
Ðáp: Có hai cách giải thích: một là dùng pháp để phá [mối nghi], hai là mượn thí dụ để hiển thị [nghĩa lý ấy].
Nói “dùng pháp để phá” nghĩa là chư Phật Như Lai có trí chẳng nghĩ bàn, trí Ðại Thừa rộng rãi, không chi bằng, không chi sánh, trí thù thắng tối thượng. Trí chẳng nghĩ bàn có khả năng biến ít thành nhiều, biến nhiều thành ít, biến gần làm xa, biến xa thành gần, chuyển nặng thành nhẹ, chuyển nhẹ thành nặng. Có các trí vô lượng, vô biên như thế chẳng thể nghĩ bàn.
Kể từ đây trở đi, trong mười bốn lần [lập luận], tôi đều dùng thí dụ để hiển thị.
B3.1 Một, ví như trăm người trong trăm năm chất củi cao đến cả ngàn nhẫn, [nhưng chỉ] một đốm lửa nhỏ bằng hạt đậu [đã có thể] trong vòng nửa ngày đốt cháy sạch hết củi, há có dám bảo là củi chứa cả trăm năm chẳng thể cháy hết sạch trong vòng nửa ngày hay sao?
B3.2 Hai, ví như kẻ thọt ngồi nhờ thuyền người khác chở, vì buồm thuận gió nên trong một ngày đi được cả ngàn dặm, há có dám bảo là trong một ngày, làm sao kẻ thọt đi xa được cả ngàn dặm ư?
B3.3 Ba, cũng giống như kẻ hạ tiện có được một vật quý đem dâng lên vua. Vua mừng được của, bèn trọng thưởng cho. Trong chốc lát, kẻ ấy trở thành phú quí, dư dả, há có nên nói là [xét ra] kẻ sĩ tận sức nhọc nhằn cả mấy mươi năm còn chẳng đạt đến đâu nên phải lui về cho nên bảo là chẳng hề có sự phú quí như vậy ư?
B3.4 Bốn, ví như kẻ yếu đuối dùng sức chính mình để cỡi lừa còn chẳng nổi, nhưng nếu đi theo Luân Vương thì lại bay lên không trung tự tại, há dám bảo là sức kẻ yếu đuối chẳng thể bay nổi lên hư không hay sao?
B3.5 Năm, lại như dây thừng quấn quanh cả mười vòng, ngàn người chẳng bứt được, nhưng đứa bé con vung thanh gươm sắc chặt đứt ngay ra làm đôi, há dám bảo là sức đứa bé con chẳng chặt nổi thừng ư?
B3.6 Sáu, ví như chim Trầm vào trong nước, cá, sò chạm phải [chất độc] đều chết; dùng sừng tê khuấy bùn thì [cá, sò] đã chết sẽ sống lại, há dám bảo là một khi sanh mạng đã dứt thì chẳng thể sống lại nổi ư?
B3.7 Bảy là như lúc chim hoàng hạc gọi Tử An, Tử An liền sống lại, há dám bảo là kẻ đã chôn xuống đất ngàn năm, quyết sẽ chẳng sống lại được nổi?
Hết thảy vạn pháp đều có tự lực, tha lực, tự nhiếp, nhiếp vật khác, ngàn mở, vạn đóng vô lượng vô biên, lẽ nào ông lại cậy vào cái hiểu biết còn có ngăn ngại để rồi ngờ vực pháp vô ngại hay sao? Thêm nữa, trong năm thứ chẳng thể nghĩ bàn, Phật pháp là chẳng thể nghĩ bàn bậc nhất. Ông coi cái nghiệp ràng buộc trong tam giới là trọng, ngờ chuyện niệm Phật trong thời gian ngắn là khinh, sẽ chẳng được vãng sanh cõi An Lạc thuộc vào trong Chánh Ðịnh Tụ thì thật chẳng đúng vậy!
Hỏi: Kinh Ðại Thừa dạy: “Nghiệp đạo như cái cân, bên nào nặng hơn thì chúc xuống [bên đó]”, thế sao chúng sanh trong cả một đời hoặc là suốt trăm năm, hoặc là trong mười năm cho đến tận hôm nay, không điều ác gì chẳng làm thì tại sao lúc lâm chung gặp được thiện tri thức, do mười niệm liên tục liền được vãng sanh? Nếu đúng là như vậy thì làm sao tin được nổi nghĩa lý “nghiệp nào nặng sẽ kéo đi trước”?
Ðáp: Ông coi ác nghiệp trong cả một đời là nặng, xem điều thiện mười niệm của kẻ hạ phẩm là nhẹ thì nay tôi sẽ dùng nghĩa lý để so lường ý nghĩa khinh trọng ấy. [Sự khác biệt ấy] rõ ràng là bởi tâm, bởi duyên, bởi quyết định, chứ chẳng phải là do thời gian [niệm Phật] lâu hay mau, nhiều hay ít.
Thế nào là bởi tâm? Tức là khi kẻ ấy tạo tội thì chỉ nương vào cái tâm hư vọng, điên đảo mà làm, còn Thập Niệm đây là nương theo phương tiện của Bậc thiện tri thức an ủi, do nghe pháp Thật Tướng mà sanh. Một đằng thật, một đằng hư, há so sánh được ư! Vì sao? Ví như nhà tối suốt ngàn năm, ánh sáng vừa chiếu vào thì sẽ sáng tỏ ngay; há dám bảo là bóng tối cả ngàn năm trong nhà chẳng tan biến hay sao? Vì thế, kinh Di Nhật Ma Ni Bảo chép: “Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: ‘Chúng sanh tuy trong cả bao ngàn vạn ức kiếp ở trong ái dục, bị tội che lấp, nhưng nếu được nghe kinh Phật, một phen nghĩ tưởng điều lành thì tội sẽ liền được diệt hết’. Ðấy gọi là bởi tâm.
Hai, thế nào là bởi duyên? Chính là khi kẻ ấy tạo tội thì [tội lỗi ấy] chỉ nương theo vọng tưởng, nương theo phiền não, quả báo, chúng sanh mà sanh; còn mười niệm đây nương theo Tín Tâm, nương vào danh hiệu có vô lượng công đức chơn thật thanh tịnh của đức Phật A Di Ðà mà sanh. Ví như có người bị trúng tên độc, đứt gân vỡ xương, nếu nghe tiếng trống thuốc Diệt Trừ thì mũi tên sẽ trồi ra, độc liền tiêu ngay, há dám bảo là tên ấy đã lút sâu, độc đã ngấm nặng, dẫu nghe tiếng trống cũng chẳng thể nhổ tên, trừ độc hay sao? Ðấy gọi là bởi duyên.
Ba, thế nào là bởi quyết định? Lúc kẻ ấy tạo tội, tự nương theo cái tâm hữu hậu, tâm có gián đoạn mà sanh; còn mười niệm đây nương vào cái tâm vô hậu, tâm vô gián mà khởi. Ðó là quyết định. Lại nữa, Trí Ðộ Luận chép: “Hết thảy chúng sanh lúc lâm chung bị đao phong cắt thân, bị tử khổ đến bức bách, sanh lòng sợ hãi lớn; vì thế, gặp được thiện tri thức, phát đại dũng mãnh, tâm tâm tiếp nối chính là căn lành tăng thượng nên liền được vãng sanh”. Lại giống như người đối địch phá trận đem hết sức lực suốt cả đời mình ra vận dụng trong chốc lát; điều lành mười niệm cũng giống như thế. Lại như người lúc lâm chung nếu sanh khởi một niệm tà kiến, tâm ác tăng thượng thì liền có thể đánh tan cái phước trong tam giới, bị đọa vào trong nẻo ác.
Hỏi: Ở trên vừa nói: Lúc lâm chung, điều lành mười niệm có thể khuynh loát được nghiệp ác trong cả một đời nên sẽ được sanh về Tịnh Ðộ, nhưng chưa rõ mười niệm ấy là mấy thời?
Ðáp: Như kinh dạy rằng: “Một trăm lẻ một lần sanh diệt hợp thành một sát-na, sáu mươi sát-na là một niệm”. Ðấy là một niệm hiểu theo cách kinh, luận thường giải thích. Ở đây, ta chẳng hiểu “niệm” theo khoảng thời gian có hạn định ấy. Chỉ ức niệm tổng tướng hoặc là biệt tướng của đức A Di Ðà Phật, tùy duyên mà quán trong suốt mười niệm, không có niệm tưởng nào khác xen tạp thì gọi là “mười niệm”.
[Có thuyết] lại nói: Mười niệm liên tục là danh số của Bậc thánh vậy, chỉ cốt giữ niệm lắng lòng chẳng bận tâm đến chuyện gì khác; hễ nghiệp đạo (ý nói tịnh niệm) được hoàn thành thì liền thôi không kể tới nữa, cũng chẳng nhọc công ghi nhớ số lần niệm.
Lại nói: Nếu hành nhân niệm Phật đã lâu thì phần nhiều hay dùng cách này; còn nếu là người mới niệm thì ghi nhớ số lần niệm cũng được. Ðây cũng là dựa theo thánh giáo [mà luận như thế].
Lại hỏi: Nay tôi muốn tuân theo lời khuyên, thực hành Niệm Phật tam muội, nhưng chưa biết cách thức niệm như thế nào?
Ðáp: Ví như có người nghỉ chân nơi đồng hoang, gặp phải oán tặc vung dao hùng hổ chạy đến toan giết. Người ấy bỏ chạy, gặp sông phải vượt qua. Chưa đến bờ sông đã nghĩ thế này: “Ðến bên bờ sông rồi thì mình nên cởi áo lội qua, hay là cứ mặc áo mà bơi? Nếucởi áo lội qua chỉ sợ không kịp. Nếu mặc áo lội, lại sợ khó giữ nổi đầu cổ vẹn toàn!” Khi ấy, người đó chỉ dốc một lòng tìm cách vượt sông, không còn có tâm tưởng nào khác xen lẫn. Hành giả cũng vậy: lúc niệm Phật A Di Ðà phải cũng giống như kẻ kia nghĩ cách vượt sông; niệm niệm nối nhau, không còn có tâm tưởng nào khác xen tạp. Hoặc là niệm Pháp Thân của Phật, hoặc niệm thần lực của Phật, hoặc niệm trí huệ của Phật, hoặc niệm tướng bạch hào của Phật, hoặc niệm tướng hảo của Phật, hoặc niệm bổn nguyện của Phật. Xưng danh cũng vậy: chỉ cốt chuyên chí liên tục chẳng dứt thì quyết định sẽ sanh về trước đức Phật. Nay khuyên người học Phật đời sau: Nếu muốn thấu hiểu Nhị Ðế thì chỉ cần biết là niệm niệm bất khả đắc, đấy chính là Trí Huệ Môn; còn hệ niệm liên tục chẳng ngớt thì đấy là Công Ðức Môn. Vì thế, kinh nói: “Bồ Tát Ma Ha Tát luôn dùng công đức trí huệ để tu tâm mình”. Nếu là người mới học, chưa phá được tướng thì chỉ nên dựa vào tướng để chuyên chí thời không ai là không được vãng sanh, chớ có nghi ngờ nữa!
Lại hỏi rằng: Vô Lượng Thọ Ðại kinh chép: “Mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa muốn sanh cõi ta, dẫu chỉ mười niệm mà nếu chẳng được vãng sanh thì ta chẳng lấy ngôi Chánh Giác”. Nay có người đời nghe thánh giáo ấy bèn trọn cả đời hiện tại chẳng hề tác ý, chỉ chờ đến lúc lâm chung mới tu niệm. Việc ấy như thế nào?
Ðáp: Việc ấy chẳng đúng. Vì sao? Kinh nói mười niệm liên tục tựa hồ chẳng khó khăn gì, nhưng bọn phàm phu tâm như ngựa hoang, thức quá khỉ vượn, rong ruổi theo sáu trần chưa lúc nào ngơi thì ai nấy phải nên phát tín tâm, tự tập niệm Phật sẵn để tạo dần thành thói quen, căn lành kiên cố. Như [trong kinh] Phật bảo đại vương: “Người chứa hạnh lành thì chết không ác niệm, như cây đã nghiêng về phía nào thì khi đổ sẽ đổ xuống phía ấy”. Một khi phong đao xảy đến, trăm nỗi khổ bức bách thân, nếu chẳng từng tu tập từ trước thì làm sao mà tưởng niệm nổi! Ai nấy đều nên kết sẵn ước hẹn với năm ba kẻ cùng chí hướng để lúc lâm chung họ sẽ đến khai ngộ cho, xưng niệm danh hiệu Di Ðà cho, nguyện sanh về cõi An Lạc, từng tiếng nối tiếp nhau tạo thành mười niệm. Ví như ấn sáp ấn vào đất sét, ấn nát thì đường ấn hiện. Lúc mạng này dứt chính là lúc sanh về cõi An Dưỡng, một phen đã nhập vào Chánh Ðịnh Tụ thì còn lo chi nữa! Ai nấy đều nên suy xét cái lợi lớn này; sao còn chưa quyết chí trì niệmvậy?
Lại hỏi: Các kinh, luận Ðại Thừa đều nói: “Hết thảy chúng sanh rốt ráo vô sanh dường như hư không”, cớ sao các vị Bồ Tát Thiên Thân, Long Thọ lại đều nguyện vãng sanh?
Ðáp: “Chúng sanh rốt ráo vô sanh dường như hư không” vừa nói đó có hai nghĩa:
a. Một là trong cái thấy của phàm phu thì thật có chúng sanh, thật có sanh tử; nhưng nếu xét theo [kiến giải của] Bồ Tát thì sự vãng sanh rốt ráo như hư không, như sừng thỏ.
b. Hai là cái sanh được nói ở đây chính là nhân duyên sanh. Do nhân duyên sanh nên chính là giả danh sanh. Vì là giả danh sanh nên chính là vô sanh; do đó, chẳng trái với đại đạo lý chứ chẳng phải giống như phàm phu cho là thật có chúng sanh, thật có sanh tử.
Lại hỏi rằng: Sanh là gốc của Hữu; cho nên sanh chính là nguồn cội của mọi hệ lụy. Nếu đã biết cái lỗi ấy thì phải nên bỏ sanh để cầu vô sanh mới hòng có kỳ giải thoát. Nay lại khuyên sanh về Tịnh Ðộ thì chính là “bỏ vô sanh để cầu sanh” thì làm sao hết sanh được?
Ðáp: Cõi Tịnh Ðộ kia sanh từ bổn nguyện thanh tịnh vô sanhcủa A Di Ðà Như Lai chứ chẳng phải như tam giới được sanh ra từ những chấp trước hư vọng của chúng sanh. Vì cớ sao? Ðối với pháp tánh thanh tịnh rốt ráo vô sanh mà lại bảo là sanh thì đó chỉ là cái ý tưởng được sanh mà thôi!
Lại hỏi rằng: Như trên vừa nói: Nếu biết sanh chính là vô sanh thì sẽ sanh trong thượng phẩm. Nếu thế, người hạ phẩm nương theo mười niệm để vãng sanh thì hóa ra họ chẳng phải là thật sanh hay sao? Nếu [kẻ thuộc hạ phẩm] thật sự được vãng sanh thì sẽ họ sẽ bị vướng vào hai mối nghi: một là sợ mình chẳng được vãng sanh; hai là điều thiện thuộc về hình tướng ấy chẳng thể tạo thành cái nhân của sự vô sanh được!
Ðáp: Ðể giải mối nghi ấy thì có ba điều:
Một là ví như tịnh ma-ni châu đặt trong nước đục; do oai lực của châu nước liền trong veo. Dẫu người có vô lượng tội ô trược sanh tử nhưng nếu được bảo châu danh hiệu tột bực vô sanh thanh tịnh của đức A Di Ðà Như Lai gieo vào trong tâm nhơ thì trong niệm niệm tội diệt tâm tịnh nên liền vãng sanh.
Hai là như tịnh ma-ni châu, dùng lụa vàng hay đen bọc lấy, thả vào nước thì nước liền biến thành màu vàng hay đen tiệp màu với vật. Cõi Phật thanh tịnh kia có bảo châu danh hiệu vô thượng của đức A Di Ðà Như Lai, dùng lụa vô lượng công đức thành tựu bọc lấy châu, đem thả trong tâm thủy của người vãng sanh thì lẽ nào chẳng chuyển nổi “sanh” thành “trí vô sanh” hay sao?
Ba là như đốt lửa trên mặt băng; lửa mạnh thì băng tan, băng tan lửa liền tắt. Kẻ vãng sanh trong hạ phẩm tuy chẳng biết pháp tánh vô sanh, chỉ nhờ vào sức xưng niệm danh hiệu Phật để tác ý vãng sanh, nguyện sanh cõi kia. Lúc đã đến được cõi vô sanh thì sẽ thấy lửa “sanh” tự nhiên tắtmất.
Lại hỏi rằng: Trong việc vãng sanh vừa nói đó, thân nào sẽ vãng sanh?
Ðáp: Trong cõi này, con người giả danh (4) tu các hạnh môn, lấy niệm trước và niệm sau làm nhân. Con người giả danh trong uế độ và con người giả danh trong cõi Tịnh Ðộ chẳng thể nói quyết định là một, mà cũng chẳng thể nói quyết định là khác. Tâm trước, tâm sau cũng như vậy. Vì cớ sao? Nếu quyết định là một thì không có nhân quả; nếu quyết định là khác thì chẳng liên tục. Do bởi nghĩa này nên xét về mặt ngang dọc thì tuy có khác, nhưng trước sau vẫn là một hành giả (Ý nói: xét về mặt không gian (ngang) và thời gian (dọc) thì hành giả niệm Phật trong uế độ và người đã được sanh trong Cực Lạc là khác, nhưng thật ra hai người đó vẫn là một).
Lại hỏi rằng: Nếu như hành nhân chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật sẽ trừ được các chướng thì nếu thế, có kẻ lấy ngón tay chỉ mặt trăng, ngón tay ấy cũng có thể phá tan tăm tối hay sao?
Ðáp: Chư pháp vạn phần sai khác, chẳng thể gộp hết thành một. Tại sao? Vì vốn có “danh chính là pháp” và “có danh khác với pháp”. “Có danh chính là pháp” là như danh hiệu của Phật, Bồ Tát, âm tiếng của chú thuật, các chương cú trong tu-đa-la (kinh) vậy. Chẳng hạn như sách chú thuật có nói: nói: “Mặt trời mọc lên từ phương Ðông có màu vàng hoặc đỏ. Ðợi đến giờ Dậu hay Hợi thực hành bí pháp thì bệnh được lành. Lại như có kẻ bị chó cắn bèn nướng xương cọp mà lăn [trên chỗ cắn] sẽ hết bị đau. Hoặc có lúc không có xương cọp thì khéo dùng tay vỗ xoa, miệng kêu: ‘Cọp đến, cọp đến’, bệnh cũng được lành. Lại hoặc là có kẻ chân bị rút gân, nướng cành mộc qua lăn lên thì bệnh liền được lành. Nếu không có mộc qua thì cứ hơ tay xoa lên, miệng gọi: ‘Mộc qua, mộc qua’, bệnh cũng được lành’. Thân ta được hưởng công hiệu ấy là do đâu? Do danh chính là pháp vậy. “Có danh khác với pháp” là như dùng ngón tay để chỉ mặt trăng vậy.
Lại hỏi rằng: Nếu ai chỉ xưng niệm danh hiệu A Di Ðà thì sẽ trừ được vô minh tăm tối cho mười phương chúng sanh, sẽ được vãng sanh, thế nhưng có chúng sanh xưng danh, ức niệm mà vô minh vẫn còn, chẳng được mãn nguyện thì nghĩa là làm sao?
Ðáp: Là do chẳng tu hành đúng như thật và do danh chẳng tương ứng với nghĩa vậy. Vì sao vậy? [Chẳng tu hành đúng như thật] nghĩa là: chẳng biết Như Lai là Thật tướng, còn cái thân đây chỉ là cái thân vật chất. Lại còn có ba thứ chẳng tương ứng:
-Một là tín tâm chẳng thuần khi còn khi mất.
-Hai là tín tâm bất nhất, tức là chẳng quyết định.
-Ba là tín tâm chẳng liên tục, tức là bị các niệm khác xen vào, cứ lần lượt theo đuổi các duyên ấy. Nếu có thể [giữ được tín tâm] liên tục thì đấy chính là nhất tâm. Cứ hễ đạt được nhất tâm thì tâm thuần.
Ðủ cả ba tâm này mà chẳng được vãng sanh thì không bao giờ có lẽ ấy.
C. Trong môn thứ ba, có bốn thứ bàn định:
-Một là bàn về đạo khó hành và đạo dễ hành.
-Hai là luận về thời kiếp lớn, nhỏ sai khác.
-Ba là chỉ rõ [chúng sanh] từ vô thỉ kiếp đến nay ở trong tam giới và ngũ đạo, do hai nghiệp thiện, ác phải chịu lấy hai báo khổ và vui, luân hồi vô cùng, thọ sanh vô số.
-Bốn là lấy thánh giáo chứng minh lời chân thật để khuyên đời sau sanh lòng tin cầu vãng sanh.
C1.Bàn về đạo khó hành và đạo dễ hành
Tiểu đoạn này gồm có hai ý:
-Một là chỉ ra hai thứ đạo.
-Hai là vấn đáp, giải thích.
Chúng ta đã tự ở trong hỏa giới, nghĩ thật đáng sợ! Ngưỡng nhờ Ðại Thánh dùng ba thứ xe chiêu dụ; nhưng xe dê, xe nai chỉ mới là tạm nghỉ, còn chưa đạt. Phật quở trách những tà chấp gây chướng ngại cho việc hướng thượng cầu đắc bồ Ðề. Ví như sau đó, quay đầu trở lại thì gọi là “vu hồi”. Nếu thuận theo con đường cỗ xe to chạy để mà đi thì cũnglà một cách, nhưng chỉ e mình hiện còn đang ở địa vị thối chuyển mà đường đi hiểm trở dài xa, đức của mình chưa lập nên sẽ khó bề thăng tiến! Vì thế,Bồ Tát Long Thọ bảo: “Có hai thứ đạo để cầu A-tì-bạt-trí: một là đạo khó hành, hai là đạo dễ hành”.
Ðạo khó hành là ở trong đời ngũ trược nhằm lúc không có Phật mà cầu đạt A-tì-bạt-trí thì khó. Những sự khó khăn ấy có nhiều thứ, kể đại lược có năm điều. Những gì là năm? Một là tướng thiện của ngoại đạo làm loạn pháp Bồ Tát; hai là Thanh Văn chỉ tự lợi gây chướng ngại cho lòng đại từ bi; ba là kẻ ác chẳng đoái hoài nên chúng cứ phá hoại hạnh đức thù thắng của người khác; bốn là tất cả trời, người điên đảo thiện quả, phá hoại phạm hạnh của người khác; năm là chỉ có tự lực, không có tha lực gia trì. Các sự như thế mắt thấy đầy dẫy, ví như đi trên đường bộ thì khổ sở cho nên gọi là “đạo khó hành”.
Ðạo dễ hành là tin vào nhân duyên của đức Phật, nguyện sanh về Tịnh Ðộ, khởi tâm, lập đức, tu các hạnh nghiệp. Nhờ vào nguyện lực của Phật nên liền vãng sanh; do Phật lực trụ trì nên liền thuộc vào hàng Chánh Ðịnh Tụ củaÐại Thừa. Chánh Ðịnh Tụ chính là địa vị A-tì-bạt-trí bất thoái vậy. Ví như ngồi thuyền theo đường thủy thì nhàn cho nên gọi là “đạo dễ hành”.
Hỏi: Bồ Ðề đã là một thì tu nhân cũng phải nên chẳng hai, sao ở đây lại gọi sự tu nhân hướng đến Phật quả là đạo khó hành và gọi việc vãng sanh Tịnh Ðộ để mong chứng đắc Ðại Bồ Ðề là đạo dễ hành?
Ðáp: Hết thảy các hành pháp giảng trong các kinh Ðại Thừa đều có tự lực, tha lực, tự nhiếp, tha nhiếp. Tự lực là gì? Ví như có người sợ hãi sanh tử, phát tâm xuất gia, tu Ðịnh, phát khởi thần thông, dạo trong tứ thiên hạ; đấy gọi là “tự lực”. Tha lực là gì? Như có kẻ yếu đuối, cậy vào sức chính mình chẳng leo lên lưng lừa nổi; nhưng nếu tùy tùng Luân Vương thì liền có thể bay lên không du hành tứ thiên hạ. Vì nhờ vào sức của Luân Vương nên gọi là “tha lực”. Cũng thế, chúng sanh ở cõi này khởi tâm, lập hạnh, nguyện sanh Tịnh Ðộ, đấy chính là tự lực! Lúc lâm chung, A Di Ðà Phật Như Lai dùng đài sáng nghênh tiếp liền được vãng sanh, đó là tha lực. Bởi vậy, Ðại kinh dạy: “Mười phương trời người muốn sanh về cõi ta thì không ai là chẳng lấy đại nguyện nghiệp lực của đức A Di Ðà làm tăng thượng duyên”. Nếu chẳng đúng như vậy thì hóa ra bốn mươi tám nguyện là chuyện bịa đặt hay sao? Khuyên hàng hậu học: Ðã có tha lực để nương dựa thì chẳng nên tự hạn cuộc lấy mình để cứ phải ru rú mãi trong nhà lửa nữa!
C2. Nói về kiếp lớn, nhỏ:
Như Trí Ðộ Luận chép: “Kiếp có ba thứ: một là tiểu kiếp, hai là trung kiếp, ba là đại kiếp. Như cái thành rộng bốn mươi dặm, cao thấp cũng thế, trong thành chứa đầy hạt cải. Có chư thiên trường thọ,cứ ba năm đến nhặt bỏ đi một hạt. Cho đến khi hết sạch hạt cải thì gọi là một tiểu kiếp. Hoặc là có cái thành rộng tám mươi dặm, chiều cao cũng thế, chứa đầy hạt cải. [Thời gian để] nhặt bỏ hết hạt cải theo cách giống như trên thì gọi là một trung kiếp. Hoặc có cái thành rộng đến một trăm hai mươi dặm, chiều cao cũng thế, chứa đầy hạt cải. [Khoảng thời gian để] nhặt hết hạt cải đi giống hệt như cách trên đã nói gọi là một đại kiếp.
Hoặc có khối đá to tám mươi dặm chiều cao cũng thế. Có chư thiên trường thọ cứ mỗi ba năm lại dùng áo trời phảy qua một lượt. Áo trời nặng ba thù dùng phất mãi chẳng thôi thì đá ấy mới mòn hết, [khoảng thời gian đó] gọi là một trung kiếp”. [Kích thước] hòn đá nhỏ, hòn đá to [để hình dung tiểu kiếp và đại kiếp thì cứ] dựa theo trung kiếp mà biết, chẳng cần phải thuật đủ.
C3. Trong đề mục thứ ba, có năm ý:
C3.1 Một là từ vô thỉ kiếp đến nay, trong cõi này, [chúng sanh] luân hồi vô cùng, thọ thân vô số như Trí Ðộ Luận ghi: “Ở trong loài người, hoặc là chết nơi nhà họ Trương, sanh vào nhà họ Vương; chết nơi nhà họ Vương, sanh vào nhà họ Lý. Cứ như thế sanh trong khắp cả cõi Diêm Phù Ðề. Hoặc là sanh trong cùng một nhà, hoặc sanh vào nhà khác họ; hoặc chết ở Nam Diêm Phù Ðề, sanh vào Tây Câu Gia Ni. Như Diêm Phù Ðề, ba cõi thiên hạ kia cũng như vậy. Hoặc giả chết trong Tứ Thiên Hạ (5), sanh nơi tứ thiên vương thiên cũng thế. Hoặc chết nơi tứ thiên vương thiên, sanh trời Ðao Lợi. Chết nơi trời Ðao Lợi, sanh trong cõi phía trên tầng trời Tứ Thiên cũng vậy. Sắc giới có mười tám tầng trời; Vô Sắc giới có bốn tầng trời. Chết đây sanh kia, mỗi mỗi đều giống như vậy. Hoặc chết nơi sắc giới sanh trong A Tì địa ngục. Chết từ A Tì địa ngục, sanh trong các cõi địa ngục khác nhẹ hơn. Chết trong các địa ngục nhẹ, sanh trong súc sanh. Chết trong súc sanh, sanh trong ngạ quỉ đạo. Chết nơi ngạ quỉ đạo, sanh trong trời hoặc người. Luân hồi sáu nẻo như vậy, chịu hai thứ báo khổ và vui, sanh tử vô cùng”. Thai sanh là như vậy, ba cách sanh kia (noãn, thấp, hóa) cũng giống như thế.
Vì thế, kinh Chánh Pháp Niệm dạy: “Bồ Tát hóa sanh bảo các thiên chúng rằng: ‘Phàm nhân trong trăm ngàn kiếp sống nơi đây, cứ ham vui, phóng dật, chẳng tu đạo, chẳng biết phước xưa dần dần sẽ tận, sẽ lại đọa trong tam đồ chịu các khổ”. Do đó, kinh Niết Bàn dạy: “Thân này là do các khổ hợp thành, hết thảy đều bất tịnh: nghẽn, buộc, ung loét... [xét đến] căn bản thì thân này chẳng có ích lợi gì. Thậm chí, thân của chư thiên cũng giống như vậy”.
Bởi đó, kinh ấy lại dạy: “Phải siêng tu, đừng phóng dật, vì cớ sao? Phóng dật chính là cội gốc của các điều ác; chẳng phóng dật chính là cội nguồn của các điều thiện. Như ánh sáng mặt trời, mặt trăng sáng nhất trong các thứ ánh sáng; chẳng phóng dật cũng lại như vậy, nó là cùng tột nhất, cao cả nhất trong các thiện pháp. Cũng như núi chúa Tu Di là cùng tột nhất, cao nhất trong các núi; pháp chẳng phóng dật cũng giống như vậy: trong các thiện pháp nó là cùng tột nhất, cao cả nhất. Vì cớ sao? Hết thảy ác pháp do phóng dật mà sanh, hết thảy pháp lành lấy chẳng phóng dật làm gốc”.
C3.2 Hỏi: Tuy nói là từ vô thỉ kiếp đến nay, luân hồi sáu nẻo không bờ bến, nhưng chẳng biết là trong một kiếp sẽ thọ mấy thân mà nói là lưu chuyển?
Ðáp: Như kinh Niết Bàn nói: “Lấy cỏ cây trong khắp tam thiên đại thiên thế giới cắt thành từng cái thẻ dài bốn tấc để đếm số đầu cha mẹ thọ thân trong một kiếp còn chẳng đếm hết nổi”. Hoặc nói: “Trong một kiếp uống sữa mẹ còn nhiều hơn nước bốn đại hải”. Hoặc nói: “Xương từ nơi các thân trong một kiếp chất đống như núi Tỳ Phú La”. Như thế, từ bao kiếp xa xưa đến nay chúng ta chịu đựng sanh tử, cho đến giờ đây vẫn còn là thân phàm phu, có bao giờ tự nghĩ ngợi than thở thương cảm hay chăng?
C3.3 Hỏi: Ðã nói là từ vô thỉ kiếp đến nay thọ thân vô số, nhưng đó vẫn chỉ là nói chung chung để khiến người sanh chán [tam giới], có kinh văn nào để dẫn chứng hay chăng?
Ðáp: [Những điều vừa nói đó] đều có thánh giáo làm bằng cớ, kinh nào vậy? Như kinh Pháp Hoa dạy: “Trong đời quá khứ lâu xa chẳng thể nói được có đức Phật xuất thế hiệu là Ðại Thông Trí Thắng Như Lai, có mười sáu vương tử, mỗi vị đều lên pháp tòa giáo hóa chúng sanh. Mỗi một vị vương tử đều giáo hóa sáu trăm vạn ức na do tha hằng hà sa chúng sanh”. Từ khi đức Phật ấy diệt độ đến nay, thật là rất lâu xa chẳng biết nổi được số. Vì sao? Kinh nói: “Ðem hết tất cả đại địa trong tam thiên đại thiên thế giới nghiền làm mực. Phật dạy: Người ấy đi qua ngàn cõi nước mới chấm xuống một điểm to bằng vi trần. Lần lượt như thế cho đến hết sạch luợng mực chế bằng đất ấy. Phật bảo: ‘Ðem những cõi nước kẻ ấy đi qua dù chấm hay không chấm, đều nghiền thành bụi cả. Cứ một bụi là một kiếp thì từ khi đức Phật ấy diệt độ đến nay, [thời gian] lại còn hơn số ấy”. Chúng sanh ngày nay từng thọ giáo pháp dưới tòa của mười sáu vị vương tử khi ấy. Vì thế kinh nói: “Vốn do nhân duyên ấy nên nói kinh Pháp Hoa”. Kinh Niết Bàn cũng nói: “Một đằng là vương tử, một đằng là kẻ nghèo, hai người như thế qua lại với nhau”. Nói “vương tử” là chỉ đức Thích Ca Như Lai hiện tại chính là một trong mười sáu vị vương tử khi ấy; còn nói “kẻ nghèo” là chỉ cho bọn chúng sanh ngày nay.
C3.4 Hỏi: Ðã bảo là bọn chúng sanh bị lưu chuyển nhiều kiếp, nhưng trong tam giới họ thọ thân trong đường nào nhiều nhất?
Ðáp: Tuy nói là lưu chuyển, nhưng phần nhiều thọ thân trong tam ác đạo như kinh có dạy: “Ở trong hư không, đo lấy một khoảng rộng chừng tám chẩu (6) tính từ mặt đất lên tới trời Sắc cứu Cánh. Trong khoảng ấy, tất cả chúng sanh mà ta thấy được phần nhiều là thân trời hay thân người trong tam thiên đại thiên thế giới”. Do đó, ta biết là thọ thân trong ác đạo thật nhiều.Vì sao như vậy? Chỉ vì pháp ác dễ khởi, tâm lành khó sanh. Hiện giờ đây chỉ thấy chúng sanh trong hiện tại nếu được phú quý thì lại chỉ lo phóng dật, phá giới; trong cõi trời kẻ ham vui cũng nhiều. Vì vậy, kinh nói: “Chúng sanh lưu chuyển luôn lấy ba ác đạo làm nhà thường ở; còn đường trời, người chỉ tạm đến rồi đi như là nhà trọ vậy”. Xin mượn luận Ðại Trang Nghiêm để khuyên hết thảy chúng sanh thường phải hệ niệm hiện tiền, kệ rằng:
Lúc khỏe không bịnh tật,
Biếng lười chẳng tinh tấn
Luôn tham công tiếc việc
Chẳng tu Thí, Giới, Thiền,
Chợt bị cái chết nuốt
Mới hối, cầu tu thiện
Bậc trí nên quán sát,
Dứt trừ ý ngũ dục,
Siêng năng tu tâm mình,
Lâm chung không hối hận,
Tâm ý đã chuyên chí,
Không còn niệm lầm loạn.
Bậc trí siêng dốc lòng,
Lâm chung ý chẳng tán.
Chẳng tập tâm chuyên chí,
Lâm chung ắt tán loạn.
Nếu khi tâm tán loạn,
Như cỡi ngựa dùng cương,
Hoặc như khi chiến đấu,
Xoay chuyển chẳng thẳng tiến.
C3.5 Hỏi: Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, từ bao kiếp đến nay lẽ ra nên gặp được nhiều đức Phật, do nhân gì mà mãi đến nay cứ tự luân hồi sanh tử, chẳng thoát khỏi nhà lửa?
Ðáp: Xét theo Ðại Thừa thánh giáo thì chẳng qua là vì chẳng có được hai thứ thắng pháp để đánh tan sanh tử nên không ra khỏi nhà lửa được. Những gì là hai? Một là thánh đạo; hai là vãng sanh Tịnh Ðộ. Hiện thời khó chứng nổi thánh đạo ấy, một là do xa cách đức Phật đã lâu; hai là vì Lý sâu nên chỉ hiểu được chút ít. Vì thế kinh Ðại Tập Nguyệt Tạng nói: “Ta thấy trong đời Mạt pháp, ức ức chúng sanh khởi hạnh tu đạo nhưng chưa có một kẻ nào chứng đắc”. Nay là thời Mạt Pháp, hiện đang là đời ác năm trược nên chỉ có một môn Tịnh Ðộ mới là con đường thông suốt. Vì vậy, Ðại kinh nói: “Nếu có chúng sanh dù chỉ suốt đời tạo ác, lúc mạng sắp dứt, mười niệm liên tục xưng danh hiệu ta mà nếu chẳng được vãng sanh thì chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác”. Hơn nữa, chúng sanh đều chẳng biết tự lượng sức: Xét theo Ðại Thừa, họ chưa từng chú tâm đến Chơn Như Thật tướng, Ðệ Nhất Nghĩa Không; còn nếu xét theo Tiểu Thừa thì từ việc chứng nhập, lãnh hội Thánh Ðế, tu đạo, cho đến [chứng quả] Na Hàm, La Hán, đoạn ngũ hạ, trừ ngũ thượng, chẳng luận là đạo hay tục, họ tuyệt nhiên chẳng có phần. Ví dù có hưởng được quả báo trời, người thì cũng đều là do Ngũ Giới, Thập Thiện chiêu cảm những quả báo ấy; nhưng kẻ giữ được đã rất hiếm. Còn như bàn đến chuyện khởi ác, tạo tội thì có khác gì gió lốc mưa cuồng! Vì vậy, chư Phật đại từ bi khuyên nên quy hướng Tịnh Ðộ. Dẫu cho suốt đời tạo ác, chỉ cần dốc lòng chuyên tinh thường hay niệm Phật thì hết thảy các chướng tự nhiên tiêu trừ, quyết được vãng sanh. Sao chẳng xét nghĩ, không bận tâm gì cả vậy?
C4. Lấy thánh giáo chứng thật để khuyên tin tưởng, cầu được vãng sanh:
Theo như kinh Quán Phật Tam Muội chép: “Lúc bấy giờ, trong hội có Tài Thủ Bồ Tát bạch Phật rằng:
-Bạch Thế Tôn! Con nhớ đời quá khứ vô lượng kiếp, có đức Phật xuất thế cũng tên là Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi đức Phật ấy diệt độ rồi có một vương tử tên là Kim Tràng: kiêu mạn, tà kiến, chẳng tin chánh pháp. Có tri thức tì kheo tên là Ðịnh Tự Tại, bảo vương tử rằng: ‘Trong đời có tượng Phật thật là đáng yêu, hãy nên tạm vào tháp xem hình tượng Phật’. Khi ấy, vương tử theo lời bạn lành vào tháp quán tượng, thấy tượng đẹp đẽ, bảo với tỳ kheo: “Tượng Phật còn đoan nghiêm đến thế, huống hồ là chơn thân của Phật”. Tỳ kheo bảo rằng: “Vương tử! Ngài nay đã thấy Phật tượng mà chẳng lễ kính sao?’ [Vương tử] bèn xưng ‘Nam Mô Phật’. Vương tử về cung chăm chắm nghĩ mãi đến tượng Phật trong tháp, vào lúc cuối đêm mộng thấy tượng Phật, tâm hoan hỉ lớn bèn, xả ly tà kiến, quyy Tam Bảo. Khi thọ mạng dứt, do công đức vào tháp niệm Phật nói trên liền được gặp gỡ chín trăm ức na do tha Phật. Ở nơi chư Phật, thường siêng năng tinh tấn, luôn đắc Niệm Phật tam muội rất sâu. Do sức của Niệm Phật tam muội đều được chư Phật hiện tiền thọ ký cho. Từ ấy trở đi, trong trăm vạn a tăng kỳ kiếp chẳng đọa ác đạo, cho đến ngày nay chứng được Thủ Lăng Nghiêm tam muội. Vương tử khi ấy nay chính là Tài Thủ con đây’.
Lúc bấy giờ, trong hội có mười phương các đại Bồ Tát, số đến vô lượng ai nấy đều nói bổn duyên là đều nhờ vào Niệm Phật mà chứng đắc. Phật bảo A Nan:
-Quán Phật tam muội là thuốc cho hết thảy chúng sanh phạm tội, là sự hộ vệ cho kẻ phá giới, là người dẫn đường cho kẻ lạc đường, là mắt cho kẻ mù lòa, là trí huệ cho kẻ ngu si, là đèn soi tăm tối, là ông tướng đại dũng mãnh giữa đám giặc phiền não, là chỗ dạo chơi của chư Phật Thế Tôn, là chỗ phát sanh đầu tiên của các đại tam muội như Thủ Lăng Nghiêm v.v…
Phật bảo A Nan:
-Ông nay khéo trì, chớ để quên mất, quá khứ, vị lai, hiện tại tam thế chư Phật đều giảng Niệm Phật tam muội như thế. Ta với mười phương chư Phật và ngàn đức Phật trong Hiền kiếp từ lúc mới phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí”.
Lại như kinh Mục Liên Sở Vấn chép: ‘Phật bảo Mục Liên: ‘Ví như trên ngàn con sông to nước chảy mạnh, có những thứ cỏ, cây trôi nổi, trước chẳng đoái sau, sau chẳng ngó trước mà đều vào trong biển lớn cả. Thế gian cũng vậy, dẫu có hào quý, giàu vui tự tại nhưng tất cả đều chẳng thoát khỏi sanh, lão, bịnh, tử. Chỉ vì chẳng tin kinh Phật nên đời sau làm người lại thật khốn khổ, chẳng thể được sanh trong ngàn cõi nước Phật. Vì thế, ta nói: cõi Phật Vô Lượng Thọ dễ qua, dễ đạt mà con người chẳng chịu tu hành vãng sanh, lại chạy theo chín mươi lăm thứ tà đạo. Ta nói kẻ ấy là kẻ không mắt, đáng gọi là kẻ không tai”.
Kinh giáo đã như vậy, sao chẳng bỏ cái khó để nương theo cái đạo dễ hành vậy thay! Chú thích:
(1) Tứ cú: có, không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không.
(2) Nhị đế: Chơn Ðế và Tục Ðế. (*) Trong chánh văn, không ghi rõ bài kệ này trích từ bản kinh hay bộ luận nào.
(3) Biệt thời ý: Quan điểm cho rằng chúng sanh tạo ngũ nghịch, thập ác không được vãng sanh trong hiện thời. Mười niệm thành tựu chỉ tạo thành nhân duyên để được vãng sanh trong đời sau hay trong tương lai. Do chẳng được vãng sanh trong hiện tại nên gọi là “biệt thời” (thời khác). Nhiếp Luận cho rằng đức Phật nói những chúng sanh ấy vẫn được vãng sanh trong đời này chỉ là để khuyến khích nên gọi chung khái niệm này là “biệt thời ý”.
(4) Con người giả danh (giả danh nhân): Con người do tứ đại cùng các tâm vương, tâm sở giả hợp thành nên gọi là giả danh nhân.
(5) Tứ thiên hạ: chỉ thế gian, gồm bốn đại châu: Diêm Phù Ðề, Ðông Thắng, Tây Ngưu, Bắc Câu Lô. Do bốn châu này ở dưới tầng trời Tứ Thiên Vương nên thế gian này thường được gọi là Tứ Thiên Hạ.
(6) Chẩu hay chửu là đơn vị đo lường thời cổ, thường còn được dịch là một khủy tay.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.247.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.