Tìm hiểu PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ - Tỳ khưu HỘ PHÁP
PHẦN II PHÁP HÀNH (BHĀVANĀ) 6. DIỆT PHIỀN NÃO (Kilesapahāna) Phiền não dịch từ tiếng Pāḷi: Kilesa. Kilesa: phiền não là những bất thiện tâm sơû đồng sanh với những bất thiện tâm làm cho thân tâm nóng nảy, khó chịu, khổ thân, khổ tâm; phiền não còn làm cho tâm, tâm sở bị ô nhiễm, khiến tạo nghiệp do thân, khẩu, ý. Phiền não có 10 loại: 1- Tham: Ðó là tham tâm sở đồng sanh với 8 tham tâm có trạng thái tham muốn, hài lòng say mê trong đối tượng. 2- Sân: Ðó là sân tâm sở đồng sanh với 2 sân tâm, có trạng thái hung dữ, tàn bạo, không hài lòng nơi đối tượng. 3- Si: Ðó là si tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái si mê không biết thực tánh của các pháp. 4- Tà kiến: Ðó là tà kiến tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm hợp tà kiến, có trạng thái thấy sai, chấp lầm trong đối tượng. 5- Ngã mạn: Ðó là ngã mạn tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm không hợp tà kiến, có trạng thái so sánh "Ta" hơn người, bằng người, kém thua người. 6- Hoài nghi: Ðó là hoài nghi tâm sở đồng sanh với si tâm hợp hoài nghi, có trạng thái hoài nghi nơi đối tượng. 7- Buồn chán: Ðó là buồn chán tâm sở đồng sanh với 4 tham tâm và 1 sân tâm (loại tâm cần động viên), có trạng thái không hăng hái, buông bỏ đối tượng. 8- Phóng tâm: Ðó là phóng tâm tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái không an trụ ở đối tượng. 9- Không hổ thẹn: Ðó là không hổ thẹn tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái không biết hổ thẹn với mình, khi hành ác. 10- Không ghê sợ: Ðó là không ghê sợ tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm, có trạng thái không biết ghê sợ tội lỗi, khi hành ác. Ðó là 10 loại phiền não, mỗi khi có phiền não nào phát sanh trong bất thiện tâm không những làm cho tâm bị ô nhiễm, nóng nảy, mà còn làm cho thân cũng nóng nảy, khó chịu, mặt mày mất vẻ tự nhiên, không còn tươi tỉnh.... Tính chất phiền não – pháp diệt phiền não Tính chất của phiền não có 3 loại và diệt chúng bằng 3 pháp: 1- Vitikkamakilesa: phiền não loại thô được biểu hiện ra ở thân hành ác như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; và khẩu nói ác như: nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích. Phiền não loại thô này có thể diệt bằng pháp hành giới, nghĩa là có tác ý thiện tâm (kusalacetanā) giữ gìn thân, khẩu tránh xa mọi hành ác, để làm cho thân và khẩu được trong sạch khỏi bị phiền não làm ô nhiễm. Pháp hành giới có thể diệt từng thời (tadaṅgapahāna) được phiền não loại thô này, không hiện ra ở thân và khẩu. 2- Pariyuṭṭhākilesa: phiền não loại trung phát sanh ở trong tâm, đó là 5 pháp chướng ngại (nivāraṇa): tham dục, thù hận, buồn chán-buồn ngủ, phóng tâm-hối hận và hoài nghi. Phiền não loại trung này có thể diệt bằng pháp hành thiền định. Khi hành giả chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, do nhờ 5 chi thiền (hướng tâm, quan sát, hỉ, lạc, nhất tâm) có thể diệt bằng cách đè nén, chế ngự phiền não loại trung này. 3- Anusayakilesa: phiền não cực kỳ vi tế ẩn tàng ngấm ngầm ở trong tâm thức, đó là 7 pháp ngủ ngầm trong tâm: ái dục ngủ ngầm, ái kiếp ngủ ngầm, ngã mạn ngủ ngầm, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm và vô minh ngủ ngầm. Phiền não loại vi tế này chỉ có thể diệt bằng pháp hành thiền tuệ. Hành giả tiến hành thiền tuệ đến khi trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới đó là chứng đắc 4 Thánh Ðạo Tuệ, mới có thể diệt đoạn tuyệt được loại phiền não vi tế này. Phiền não tính rộng có 1.500 loại: Phiền não có 10 loại này, khi chúng liên quan đến đối tượng làm nhân duyên để phát sanh phiền não, tính rộng có 1.500 loại phiền não. Cách tính như sau: 75 pháp có thể làm đối tượng của phiền não: Tâm tính là 1 pháp (vì cùng có một trạng thái biết đối tượng). Tâm sở tính 52 pháp (vì mỗi tâm sở có mỗi trạng thái riêng biệt). Sắc pháp chỉ có 18 sắc pháp hiện hữu thật rõ ràng; và trạng thái của sắc pháp có 4 pháp. Như vậy, gồm có (1+52+18+4) = 75 pháp có thể làm đối tượng của phiền não. 75 pháp này làm đối tượng của phiền não bên trong mình, là kẻ thù bên trong. 75 pháp này làm đối tượng của phiền não bên ngoài mình, là kẻ thù bên ngoài. Ðối tượng của phiền não bên trong mình có 75 pháp và bên ngoài mình có 75 pháp gồm cả thảy 150 pháp, nhân với 10 loại phiền não (tham, sân, si, tà kiến, ngã mạn, hoài nghi, buồn chán, phóng tâm, không hổ thẹn, không ghê sợ) (150 x 10) thành 1.500 loại phiền não. Thật ra, 10 loại phiền não trong bất thiện tâm mới làm cho tâm bị ô nhiễm, làm cho tâm nóng nảy, khó chịu, khổ tâm, khổ thân. Phiền não làm nhân tạo nghiệp - Phiền não làm nguyên nhân trực tiếp tạo mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp). - Phiền não làm nguyên nhân gián tiếp tạo mọi thiện nghiệp trong tam giới (do vô minh làm duyên nên tạo mọi thiện nghiệp). Hễ còn phiền não, còn nghiệp thì còn phải tái sanh kiếp sau, tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài vô thủy vô chung. Hễ còn phiền não thì còn phải chịu khổ tâm. - Ðối với hạng phàm nhân còn đầy đủ 10 loại phiền não; phiền não có nhiều năng lực, sự khổ tâm càng nhiều, thì sự an lạc rất ít. - Ðối với bậc Thánh Hữu Học (bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai) còn lại ít phiền não chừng nào, sự khổ tâm có ít chừng ấy, thì sự an lạc càng nhiều. - Ðối với bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, tham ái, ác pháp không còn dư sót, hoàn toàn không có khổ tâm, thì tâm luôn luôn được an lạc hoàn toàn. Song chỉ còn có khổ thân mà thôi, đến khi hết tuổi thọ, tịch diệt Niết Bàn chấm dứt sự tử sanh luân hồi, mới hoàn toàn giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, chư bậc Thánh nhân ca tụng Niết Bàn an lạc tuyệt đối. Năm Cách Diệt Phiền Não Diệt phiền não có 5 cách, bằng 5 pháp : 1- Vikkhambhanapahāna: Diệt phiền não bằng cách chế ngự, do năng lực thiền định. tâm thiền định này có khả năng chế ngự (đè nén) được phiền não loại trung. 2- Tadaṅgapahāna: Diệt phiền não bằng cách từng thời, do có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trực nhận trực giác nơi danh pháp, sắc pháp và do trí tuệ thiền tuệ từ trí tuệ thứ nhất (nāmarūpaparicchedañāṇa), cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 12 (anulomañāṇa). Những trí tuệ thiền tuệ này có khả năng diệt từng thời tâm tham, tâm sân, tâm si. 3- Samucchedapahāna: Diệt phiền não bằng cách diệt đoạn tuyệt, do năng lực của 4 Thánh Ðạo Tuệ, nhờ có Niết Bàn làm đối tượng. Mỗi Thánh Ðạo Tuệ có khả năng đặc biệt diệt đoạn tuyệt loại phiền não nào xong rồi, loại phiền não ấy vĩnh viễn không bao giờ có thể phát sanh lên được nữa. 4- Paṭipassaddhipahāna: Diệt phiền não bằng cách vắng lặng, do năng lực 4 Thánh Quả Tuệ, nhờ có Niết Bàn làm đối tượng. Mỗi Thánh Quả Tuệ có khả năng đặc biệt làm vắng lặng phiền não theo năng lực Thánh Quả Tuệ ấy, để hưởng sự an lạc tuyệt đối. 5- Nissaraṇapahāna: Diệt phiền não bằng cách giải thoát khỏi Khổ Thánh Ðế, do nhờ chứng ngộ Niết Bàn, pháp diệt Khổ Thánh Ðế. Chú ý: Xem lại mỗi Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được tham ái, phiền não, ác pháp đã trình bày ở mục "Diệt Ðoạn Tuyệt Phiền Não" trong phần Pháp Hành Thiền Tuệ (trang 203 đến 211). Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não Vấn: Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não trong quá khứ, hay diệt đoạn tuyệt phiền não trong vị lai, hay diệt đoạn tuyệt phiền não đang trong hiện tại? Ðáp: Thánh Ðạo Tuệ không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong quá khứ, cũng không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong vị lai, và cũng không phải diệt đoạn tuyệt phiền não đang trong hiện tại. Vì những lý do như sau: - Phiền não nào đã sanh trong quá khứ, phiền não ấy đã diệt trong quá khứ rồi, không dư sót lại trong hiện tại. Phiền não nào đã diệt rồi, chẳng lẽ Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não ấy được hay sao! Do đó, Thánh Ðạo Tuệ không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong quá khứ. - Phiền não nào sẽ sanh trong vị lai, phiền não ấy chưa phát sanh. Phiền não nào chưa sanh, chẳng lẽ Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não ấy được hay sao! Do đó, Thánh Ðạo Tuệ không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong vị lai. - Phiền não nào đang sanh trong hiện tại. Nghĩa là phiền não ấy đang đồng sanh với bất thiện tâm, thì khi ấy, Thánh Ðạo Tuệ không thể phát sanh lên, thì làm sao diệt đoạn tuyệt phiền não ấy đang sanh trong hiện tại được! Do đó, Thánh Ðạo Tuệ không phải diệt đoạn tuyệt phiền não trong hiện tại. Sự thật, thì có Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não, có Thánh Quả Tuệ, có sự chứng ngộ Niết Bàn. Ví dụ: Có một cây ăn quả, đã từng cho quả trong quá khứ, đang cho quả trong hiện tại và cũng sẽ cho quả trong vị lai. Người ta đốn cây ăn quả ấy, đào gốc, chặt hết rễ, đem phơi khô, đốt thành tro. Như vậy, những quả nào đã từng có trong quá khứ, thì những quả ấy đã ăn hết rồi; những quả nào sẽ sanh trong vị lai, thì những quả ấy sẽ không bao giờ có được ở vị lai nữa; những quả nào đang cho quả trong hiện tại, thì những quả ấy không còn nơi nương nhờ để cho quả nữa. Cũng như vậy, sự sanh của danh pháp, sắc pháp, là nhân, là duyên để cho tất cả mọi phiền não nương nhờ nơi danh pháp, sắc pháp mà sanh lên. Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi nào Thánh Ðạo Tuệ phát sanh, có Niết Bàn làm đối tượng (không có danh pháp nào, cũng không có sắc pháp nào làm đối tượng). Do đó, phiền não nào đã từng sanh trong quá khứ, thì đã diệt trong quá khứ rồi, không còn dư sót lại trong hiện tại. Ngay hiện tại, Thánh Ðạo Tuệ có Niết Bàn làm đối tượng, nên phiền não không những không thể nương nhờ vào nơi nào để phát sanh được, mà còn bị diệt đoạn tuyệt bằng Thánh Ðạo Tuệ, nhờ có Niết Bàn làm đối tượng. Phiền não nào đã bị diệt đoạn tuyệt được bằng Thánh Ðạo Tuệ nào rồi, loại phiền não ấy, vĩnh viễn không bao giờ phát sanh trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai. Do đó, có Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt phiền não, có Thánh Quả Tuệ, có sự chứng ngộ Niết Bàn. Trí tuệ thiền tuệ với Pháp Thanh Tịnh Hành giả tiến hành thiền tuệ, mục đích để mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái, phiền não, ác pháp, ngõ hầu mong giải thoát mọi cảnh khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới. Như vậy, hành giả cần phải thực hành theo pháp hành Giới - Ðịnh - Tuệ; với điều kiện Pháp hành giới, Pháp hành thiền định, Pháp hành thiền tuệ phải hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi phiền não. Do đó, Pháp hành Giới - Ðịnh - Tuệ, ở trong "Bảy Pháp Thanh Tịnh" (Visuddhi). 7 pháp thanh tịnh (visuddhi)
7. Bảy Pháp Thanh TỊnh 1- Sīlavisuddhi: Giới thanh tịnh Tác ý thiện tâm (kusalacetanā) giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi điều ác, làm cho thân và khẩu hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não,... gọi là giới thanh tịnh. Nếu có giới không thanh tịnh, nghĩa là hành giả giữ gìn giới để mong được giàu sang phú quý, làm vua, chư thiên, phạm thiên,... thì giới ấy, làm nơi nương nhờ của tham ái, ngã mạn, tà kiến phát sanh, làm cho giới bị ô nhiễm bởi phiền não, không gọi là giới thanh tịnh. Bởi vì, nếu không có giới làm nền tảng, thì định và tuệ không có nơi nương nhờ để phát sanh, cũng ví như không có đất tốt để làm nền tảng, thì cây và hoa quả không có nơi phát triển được. Hành giả hành giới thanh tịnh chỉ cốt làm nền tảng cho định và tuệ phát sanh, làm nhân duyên để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tham ái, phiền não, ngõ hầu giải thoát mọi cảnh khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới. Do đó, Giới thanh tịnh là giữ gìn giới hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, nhất là tham ái, ngã mạn, tà kiến. Giới thanh tịnh là quả của Pháp hành Giới. 2- Cittavisuddhi: Ðịnh thanh tịnh Tâm có thiền định trong sạch thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi phiền não,... gọi là Ðịnh thanh tịnh. Nếu có định không thanh tịnh, nghĩa là hành giả tiến hành thiền định, mong chứng đắc các bậc thiền định, để được thọ hưởng sự an lạc của thiền định trong kiếp hiện tại, và mong tái sanh làm phạm thiên ở cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới, hưởng sự an lạc và tuổi thọ lâu dài tại cõi trời ấy. Như vậy, tâm thiền định ấy, làm nơi nương nhờ cho tham ái, ngã mạn, tà kiến phát sanh, làm cho tâm thiền định bị ô nhiễm bởi phiền não, không gọi là Ðịnh thanh tịnh. Hành giả tiến hành thiền định với tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, đến khi các bậc thiền tâm phát sanh. Bậc thiền tâm ấy, không làm nơi nương nhờ cho tham ái, ngã mạn, tà kiến phát sanh. Như vậy, các bậc thiền tâm ấy, mới gọi là "Ðịnh thanh tịnh". Hành giả hành Ðịnh thanh tịnh cốt chỉ làm nền tảng, làm nguyên nhân gần để cho trí tuệ thiền tuệ phát sanh, để mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tham ái, phiền não, ngõ hầu giải thoát mọi cảnh khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới. Do đó, Ðịnh thanh tịnh là định tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, tham ái, ngã mạn, tà kiến. Ðịnh thanh tịnh là quả của Pháp hành thiền Ðịnh. 5 pháp thanh tịnh của Pháp hành thiền Tuệ 3- Diṭṭhivisuddhi: Chánh kiến thanh tịnh Chánh kiến thanh tịnh là quả của trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ phân biệt rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp thuộc về chân nghĩa pháp, có trạng thái riêng, đúng theo thực tánh của danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải một chúng sinh nào, không phải vật này, vật kia,... mà chỉ là:
Trí tuệ thứ nhất này đạt đến quả thanh tịnh thứ nhất của Pháp hành thiền tuệ gọi là: Diṭṭhivisuddhi: Chánh kiến thanh tịnh là thanh tịnh thứ 3 trong 7 pháp thanh tịnh. 4- Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Thoát ly hoài nghi thanh tịnh Thoát ly hoài nghi thanh tịnh là quả của trí tuệ thứ nhì gọi là, Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sanh của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp. Do đó, thoát ly được sự hoài nghi trong danh pháp, sắc pháp; không còn hoài nghi rằng: "Có Ðấng Tạo Hóa nào sáng tạo ra danh pháp, sắc pháp". Trí tuệ thứ nhì này đạt đến thanh tịnh thứ nhì của Pháp hành thiền tuệ gọi là: Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Thoát ly hoài nghi thanh tịnh là thanh tịnh thứ 4 trong 7 pháp thanh tịnh. Hành giả tiến hành thiền tuệ đã phát sanh trí tuệ thứ nhất, đạt đến Chánh kiến thanh tịnh (Diṭṭhivisuddhi), có chánh kiến thiền tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi), diệt từng thời được ngũ uẩn tà kiến hoặc tà kiến theo chấp ngã; và trí tuệ thứ nhì đạt đến Thoát ly hoài nghi thanh tịnh, diệt từng thời được hoài nghi. Xem như hành giả đã diệt từng thời được tà kiến và hoài nghi, nên hành giả có tên gọi là: "Cūḷasotāpanna": bậc Tiểu Nhập Lưu, vẫn còn là phàm nhân chưa phải là bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna); vì chưa trải qua 16 loại trí tuệ thiền tuệ, chưa chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chưa chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả. Tuy nhiên, bậc Tiểu Nhập Lưu đã làm nhẹ bớt phần nào phiền não tà kiến và hoài nghi, có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có pháp hành giới - định - tuệ đúng, đang tiến hành thiền tuệ nhập theo dòng, để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả ở phía trước. 5- Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là quả của 2 trí tuệ thiền tuệ là: - Trí tuệ thiền tuệ thứ ba Sammasanañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp, nên hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp. - Trí tuệ thiền tuệ thứ tư Udayabbayānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, nên hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại. Song trí tuệ thiền tuệ thứ tư chưa có thể thoát khỏi phiền não của thiền tuệ (vipassanūpakilesa), nên có thể làm ngừng trệ sự phát triển trí tuệ thiền tuệ bậc cao. Hai trí tuệ thiền tuệ này đạt đến quả thanh tịnh thứ ba của Pháp hành thiền tuệ gọi là: Maggāmaggañāṇadassanavisuddhi: Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là thanh tịnh thứ 5 trong 7 pháp thanh tịnh. 6- Paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp hành tri kiến thanh tịnh Pháp hành tri kiến thanh tịnh là quả của cả 9 loại trí tuệ thiền tuệ: 1- Trí tuệ thiền tuệ thứ 4 Udayabbayānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, nên hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, đặc biệt đã thoát khỏi phiền não của thiền tuệ (vipassanūpakilesa), có thể tiếp tục phát triển trí tuệ thiền tuệ bậc cao. 2- Trí tuệ thiền tuệ thứ 5 Bhaṅgānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đặc biệt sự diệt của danh pháp, sắc pháp hiện rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã. 3- Trí tuệ thiền tuệ thứ 6 Bhayatupaṭṭhānañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp đáng kinh sợ. 4- Trí tuệ thiền tuệ thứ 7 Ādīnavānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp đầy tội chướng. 5- Trí tuệ thiền tuệ thứ 8 Nibbidānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp thật đáng nhàm chán. 6- Trí tuệ thiền tuệ thứ 9 Muñcitukamyatāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ muốn giải thoát khỏi danh pháp, sắc pháp. 7- Trí tuệ thiền tuệ thứ 10 Paṭisaṅkhānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã một cách rõ ràng, để chọn con đường giải thoát khổ của danh pháp, sắc pháp. 8- Trí tuệ thiền tuệ thứ 11 Saṅkhārupekkhāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã, nên trí tuệ thiền tuệ đặt trung dung giữa danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã làm đối tượng, không có tâm tham muốn nơi danh pháp, sắc pháp, cũng không có tâm sân chán ghét nơi danh pháp, sắc pháp, nên chọn 1 trong 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, hoặc trạng thái khổ, hoặc trạng thái vô ngã để dẫn đến sự giải thoát khổ của danh pháp, sắc pháp. 9- Trí tuệ thiền tuệ thứ 12 Anulomañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thuận dòng theo 8 trí tuệ thiền tuệ phần trước, và thuận dòng theo 37 pháp chứng đắc Thánh Ðạo phần sau, để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Chín loại trí tuệ thiền tuệ này đạt đến thanh tịnh thứ 4 của Pháp hành thiền tuệ gọi là: Paṭipadāñāṇadassanavisuddhi: Pháp hành tri kiến thanh tịnh là thanh tịnh thứ 6 trong 7 pháp thanh tịnh. 7- Ñāṇadassanavisuddhi: Tri kiến thanh tịnh Tri kiến thanh tịnh là quả của 4 trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới thứ 14 đó là:
4 Thánh Ðạo Tuệ này đạt đến thanh tịnh thứ 5 của Pháp hành thiền tuệ gọi là: Nāṇadassanavisuddhi: Tri kiến thanh tịnh là thanh tịnh thứ 7, thanh tịnh cuối cùng, trong 7 pháp thanh tịnh. Trí tuệ thiền tuệ không thuộc về thanh tịnh Trí tuệ thiền tuệ thứ 13 Gotrabhuñāṇa, trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới thứ 15 Phalañāṇa và trí tuệ thiền tuệ thứ 16 Paccavekkhaṇañāṇa không thuộc về thanh tịnh nào trong 7 pháp thanh tịnh. -ooOoo- Ðầu trang
| Mục lục
| 1.1
| 1.2
| 1.3
| 1.4
| 1.5
| 2.1
| 2.2
| 2.3
| 2.4
| 2.5
| 3.1
| 3.2
| 3.3
| 3.4
| 3.5
| |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2003).
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 30-05-2003