Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tìm hiểu PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ - Tỳ khưu HỘ PHÁP

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


PHẦN II

PHÁP HÀNH (BHĀVANĀ)


Chánh Niệm, Trí Tuệ Tỉnh Giác

Chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác (satisampajañña) đóng vai trò chủ thể chính yếu trong việc tiến hành thiền tuệ.

* Sati: niệm, đó là saticetasika: niệm tâm sở đồng sanh với 59 hoặc 91 tâm (ngoại trừ 12 bất thiện tâm, 18 vô nhân tâm), ghi nhớ tất cả 6 đối tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Trạng thái của Saticetasika: niệm tâm sở

1- Apilāpanalakkhaṇā: có trạng thái thường có trí nhớ biết mình hoặc không dễ duôi.

2- Asammohararasā: có phận sự không quên.

3- Ārakkhapaccupaṭṭhānā: giữ gìn đối tượng là quả hiện hành của niệm tâm sở.

4- Thirasaññāpadaṭṭhānā: có trí nhớ khắng khít là nguyên nhân gần của niệm tâm sở phát sanh.

Sati trong phần này chỉ đề cập đến sammāsati: chánh niệm.

Trong bài kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta) Đức Phật dạy về chánh niệm như sau__

"Katamā ca bhikkhave sammāsati?...".

"Này chư Tỳ khưu, thế nào gọi là chánh niệm?

- Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu hay hành giả trong Phật giáo này:

1- Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ "thân trong thân" để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.

2- Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ "thọ trong thọ" để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.

3- Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ "tâm trong tâm" để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.

4- Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ "pháp trong pháp" để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này…".

Này chư Tỳ khưu, như vậy gọi là chánh niệm". [17]

Đối tượng của chánh niệm đó là thân, thọ, tâm và pháp, ngoài ra các đối tượng khác không phải là đối tượng của chánh niệm.

Trong chú giải bài kinh này giải thích 4 đối tượng thân, thọ, tâm và pháp như sau__

1- Thân: "Kāyo’va atthi": Thân chỉ là thân mà thôi, thuộc về sắc pháp, là pháp vô ngã: không phải chúng sinh (na satto), không phải người (na puggalo), không phải đàn bà (na itthī), không phải đàn ông (na puriso), không phải ngã (na attā), không phải thuộc về ta (na attaniyaṃ), không phải ta (nā’haṃ), không phải của ta (na mama), không phải ai cả (na koci), không phải của ai cả, v.v….

Như vậy, thân (kāya) là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trong phần thân niệm xứ có 14 đối tượng thuộc về sắc pháp paramattha: chân nghĩa pháp.

2- Thọ: "Vedanā’va atthi": Thọ chỉ là thọ mà thôi, thuộc về danh pháp, là pháp vô ngã: không phải chúng sinh (na satto), không phải người (na puggalo), không phải đàn bà (na itthī), không phải đàn ông (na puriso), không phải ngã (na attā), không phải thuộc về ta (na attaniyaṃ), không phải ta (nā’haṃ), không phải của ta (na mama), không phải ai cả (na koci), không phải của ai cả, v.v….

Như vậy, thọ (vedanā) là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trong phần thọ niệm xứ có 1 đối tượng chia làm 9 loại thọ thuộc về danh pháp paramattha: chân nghĩa pháp.

3- Tâm: "Cittam’va atthi": Tâm chỉ là tâm mà thôi, thuộc về danh pháp là pháp vô ngã: không phải chúng sinh (na satto), không phải người (na puggalo), không phải đàn bà (na itthī), không phải đàn ông (na puriso), không phải ngã (na attā), không phải thuộc về ta (na attaniyaṃ), không phải ta (nā’haṃ), không phải của ta (na mama), không phải ai cả (na koci), không phải của ai cả, v.v….

Như vậy tâm (citta) là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trong phần tâm niệm xứ có 1 đối tượng chia làm 16 loại tâm thuộc về danh pháp paramattha: chân nghĩa pháp.

4- Pháp: "Dhammo’va atthi": Pháp chỉ là pháp mà thôi, thuộc về sắc pháp, danh pháp đều là pháp vô ngã: không phải chúng sinh (na satto), không phải người (na puggalo), không phải đàn bà (na itthī), không phải đàn ông (na puriso), không phải ngã (na attā), không phải thuộc về ta (na attaniyaṃ), không phải ta (nā’haṃ), không phải của ta (na mama), không phải ai cả (na koci), không phải của ai cả, v.v….

Như vậy, pháp (dhamma) là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trong phần pháp niệm xứ có 5 đối tượng thuộc về sắc pháp – danh pháp paramattha: chân nghĩa pháp.

Đối tượng của pháp hành Tứ niệm xứ chỉ có thân, thọ, tâm, và pháp mà thôi, ngoài ra, các đối tượng khác, không phải là đối tượng của chánh niệm.

Đối tượng của chánh niệm

- Thân thuộc sắc pháp là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.

- Thọ thuộc danh pháp là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.

- Tâm thuộc danh pháp là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.

- Pháp thuộc sắc pháp, danh pháp là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.

Hay nói cách khác, đối tượng của tứ niệm xứ đó là sắc pháp danh pháp; mà sắc pháp, danh pháp cũng là đối tượng của thiền tuệ.

Như vậy, hành giả tiến hành Tứ niệm xứ, hay tiến hành thiền tuệ chỉ khác nhau về danh từ gọi, giống nhau về đối tượng và kết quả.

Sự tiến hành thiền tuệ cũng phải có thân, thọ, tâm, pháp làm đối tượng. Trong pháp hành thiền tuệ thường dùng đến danh từ "danh pháp (nāma), sắc pháp (rūpa)" để cho phù hợp với 16 loại trí tuệ của thiền tuệ; như trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí tuệ thấy rõ biết rõ, phân biệt rõ từng mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đúng theo thực tánh của chúng.

* Sampajañña: Trí tuệ tỉnh giác

Trí tuệ dịch từ paññā đó là paññācetasika: trí tuệ tâm sở đồng sanh với 47 hoặc 79 tâm (ngoại trừ 12 bất thiện tâm + 18 vô nhân tâm + dục giới đại thiện tâm, đại quả tâm, đại duy tác tâm không hợp với trí tuệ), biết tất cả 6 đối tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Trạng thái của paññācetasika: trí tuệ tâm sở:

1- Yathābhūtapaṭivedhalakkhaṇā: có trạng thái thấy rõ biết rõ thực tánh các pháp.

2- Visayobhāsanarasā: có phận sự làm rõ ràng các đối tượng.

3- Asammohapaccupaṭṭhānā: không mê muội, sáng suốt trong các đối tượng là quả hiện hành của trí tuệ tâm sở.

4- Yonisomanasikārapadaṭṭhānā: có Yonisomanasikāra: sự hiểu biết trong tâm đúng theo 4 trạng thái của tất cả các pháp là nguyên nhân gần của trí tuệ tâm sở phát sanh.

Trí tuệ trong phần này, đề cập đến vai trò trí tuệ tỉnh giác (sampajañña).

Trí tuệ tỉnh giác đóng vai trò chính yếu hỗ trợ trong việc tiến hành thiền tuệ, để dễ thấy rõ biết rõ danh pháp sắc pháp đúng theo thực tánh pháp hay chân nghĩa pháp.

Trí tuệ tỉnh giác diễn tiến qua 4 giai đoạn như sau:

1- Sātthakasampajañña: Trí tuệ tỉnh giác biết rõ lợi và bất lợi.

2- Sappāyasampajañña: Trí tuệ tỉnh giác biết rõ thuận tiện và bất tiện.

3- Gocarasampajañña: Trí tuệ tỉnh giác biết rõ được đối tượng và không biết rõ được đối tượng.

4- Asammohasampajañña: Trí tuệ tỉnh giác biết rõ được danh pháp, sắc pháp đúng theo thực tánh của các pháp.

Bốn pháp trí tuệ tỉnh giác này hỗ trợ cho việc tiến hành thiền tuệ được phát triển tốt.

Bốn pháp trí tuệ tỉnh giác hỗ trợ như thế nào?

Áp dụng vào đối tượng tứ oai nghi

Hành giả tiến hành thiền tuệ có 4 oai nghi: sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm làm đối tượng thiền tuệ.

Mỗi khi thay đổi từ oai nghi cũ sang oai nghi mới, cần phải có trí tuệ tỉnh giác sáng suốt biết chọn rằng: "nên, hay không nên thay đổi oai nghi. Nếu bắt buộc phải thay đổi, nên thay đổi oai nghi nào, để cho việc tiến hành thiền tuệ đuợc phát triển tôt". Điều này cần phải có trí tuệ tỉnh giác biết suy xét, lựa chọn sáng suốt chọn lấy điều lợi, bỏ điều bất lợi; chọn lấy điều thuận tiện, bỏ điều bất tiện; chọn lấy điều biết rõ đối tượng, bỏ điều không biết rõ đối tượng; cuối cùng, để cho trí tuệ tỉnh giác biết rõ sắc pháp, danh pháp đúng theo thực tánh của các pháp.

Ví dụ:

Hành giả ngồi lâu cảm thấy nhức mỏi, đó là cảm giác khổ sanh từ thân, cần phải đi. Nghĩa là cần phải thay đổi từ oai nghi ngồi sang oai nghi đi, để làm giảm bớt khổ trong oai nghi ngồi, hành giả phải nên biết áp dụng 4 pháp trí tuệ tỉnh giác theo tuần tự như sau__

1- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ "sắc đi" lợi hay bất lợi.

- Nếu hành giả đang ngồi cảm thấy bực bội khó chịu, muốn đi cho thoải mái. Vậy, sự thay đổi sang "sắc đi" là bất lợi, vì thay đổi do năng lực của phiền não, thì không nên thay đổi.

- Khi trí tuệ tỉnh giác biết rõ sắc ngồi khó chịu, vì cảm thấy nhức mỏi khổ bắt buộc phải thay đổi sang "sắc đi" cốt yếu làm giảm bớt khổ ở sắc ngồi cũ. Như vậy, sự thay đổi sang "sắc đi" là có lợi, nên thay đổi.

2- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ "sắc đi" thuận tiện hay bất tiện.

- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ "sắc đi" có lợi. Nếu xét thấy bên ngoài, đường đi kinh hành trời nắng nóng quá, hay trời đang mưa, thì sự thay đổi sang sắc đi là bất tiện, không nên thay đổi.

- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ "sắc đi" có lợi, xét thấy bên ngoài đường đi kinh hành trời mát mẻ, không nắng, không mưa, không nóng, không lạnh. Như vậy, sự thay đổi sang sắc đi rất thuận tiện, nên thay đổi.

3- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ hay không biết được đối tượng "sắc đi".

- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ "sắc đi" có lợi và rất thuận tiện. Nếu xét thấy bên ngoài đường đi kinh hành có nhiều người qua lại ồn ào, khó thu thúc lục căn cho được thanh tịnh. Chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác không thể biết rõ được đối tượng "sắc đi", thì không nên thay đổi.

- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ "sắc đi" có lợi và rất thuận tiện, xét thấy bên ngoài đường đi kinh hành vắng vẻ không có người qua lại, dễ thu thúc lục căn cho được thanh tịnh. Chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác biết rõ được đối tượng "sắc đi". Như vậy, nên thay đổi.

4- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ dáng đi, tư thế đi gọi là "sắc đi" thuộc sắc pháp.

- Trí tuệ tỉnh giác biết rõ "sắc đi" có lợi, rất thuận tiện và chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác biết rõ được đối tượng "dáng đi, tư thế đi" gọi là "sắc đi" thuộc về sắc pháp,pháp vô ngã, nên diệt được tà kiến theo chấp ngã"ta đi" bằng chánh kiến thiền tuệ.

Các oai nghi khác sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm… cũng qua quá trình diễn tiến theo tuần tự 4 trí tuệ tỉnh giác như trên.

Sự diễn tiến tuần tự 4 trí tuệ tỉnh giác, để có một sự lựa chọn sáng suốt thuận tiện, hỗ trợ cho việc tiến hành thiền tuệ được phát triển tốt.

Trong 4 trí tuệ tỉnh giác tuần tự hỗ trợ này, chỉ có trí tuệ tỉnh giác thứ tư là chính yếu, hỗ trợ trực tiếp cho việc tiến hành thiền tuệ được phát triển; trí tuệ thiền tuệ phát sanh để thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp đúng theo thực tánh của nó; để thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; để thấy rõ, biết rõ ba trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp; dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả Niết Bàn.

Do đó, chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác đóng vai trò chính yếu trong việc tiến hành thiền tuệ.

Vậy chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác phát sanh do nhân duyên nào?

Nhân duyên sanh chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác

Tất cả các pháp phát sanh đều do từ nhân duyên. Khi đầy đủ nhân duyên, thì quả phát sanh, nếu thiếu nhân duyên thì quả không phát sanh. Chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác cũng phát sanh do nhân duyên của nó.

Nên tìm hiểu nhân duyên phát sanh chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trong bài kinh Avijjāsutta [18].

Trong bài kinh Avijjāsutta có một đoạn, Đức Phật dạy nhân quả liên hoàn tuần tự như sau:

1- Thường được gần gũi, thân cận bậc Thiện trí, mới có lắng nghe chánh pháp được đầy đủ.

2- Có lắng nghe chánh pháp được đầy đủ, mới có đức tin được đầy đủ.

3- Có đức tin được đầy đủ, mới có yonisomanasikāra được đầy đủ.

4- Có yonisomanasikāra được đầy đủ, mới có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác được đầy đủ.

5- Có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác được đầy đủ, mới có thu thúc lục căn được đầy đủ.

6- Có sự thu thúc lục căn được đầy đủ, mới có thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện được đầy đủ.

7- Có thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện được đầy đủ, mới có Tứ niệm xứ được đầy đủ.

8- Có Tứ niệm xứ được đầy đủ, mới có Thất giác chi được đầy đủ.

9- Có Thất giác chi được đầy đủ, mới có trí minh (vijjā) Thánh Đạo Tuệ giải thoát (vimutti) Thánh Quả Tuệ.

Qua bài kinh trên đây, thì: "chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác" là quả được đầy đủ, là do nhờ có nhân yonisomanasikāra đầy đủ.

Vậy yonisomanasikāra là pháp như thế nào?

Ý Nghĩa Yonisomanasikāra

Yonisomanasikāra, phân tách có 3 từ ghép là: Yoniso + manasi + kāra.

- Yoniso: bằng trí tuệ.
- Manasi: trong tâm.
- Kāra: sự làm, có nghĩa là sự hiểu biết.

Vậy, yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ, đúng theo 4 trạng thái của tất cả mọi danh pháp, sắc pháp trong tam giới là__

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường (anicca), thì trí tuệ hiểu đúng là "vô thường".

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ (dukkha), thì trí tuệ hiểu đúng là "khổ".

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã (anattā), thì trí tuệ hiểu đúng là "vô ngã" (không phải ta).

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái bất tịnh (asubha), thì trí tuệ hiểu đúng là "bất tịnh" (không xinh đẹp).

Trí tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo 4 trạng thái của tất cả mọi danh pháp, sắc pháp trong tam giới là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh gọi là yonisomanasikāra làm nhân duyên để phát sanh chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.

Như vậy, chính yonisomanasikāra cũng là pháp hỗ trợ thiết yếu cho chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trong việc tiến hành thiền tuệ.

Ý Nghĩa Ayonisomanasikāra

Ý nghĩa trái ngược lại với yonisomanasikāra ayoniso-manasikāra như sau: Ayoniso + manasi + kāra, phân tách có 3 từ ghép.

- Ayoniso: do không có trí tuệ, do si mê.
- Manasi: trong tâm.
- Kāra: sự làm, sự hiểu biết.

Vậy, ayonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm do si mê, sai lầm trong 4 trạng thái của tất cả mọi danh pháp, sắc pháp trong tam giới là__

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường (anicca), do tâm si mê biết sai lầm cho rằng: "thường" (niccavipallāsa).

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ (dukkha), do tâm si mê biết sai lầm cho rằng: "lạc" (sukhavipallāsa).

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã (anattā), do tâm si mê biết sai lầm cho rằng: "ngã" (attavipallāsa).

- Danh pháp, sắc pháp có trạng thái bất tịnh (asubha), do tâm si mê biết sai lầm cho rằng: "tịnh" (xinh đẹp, subhavipallāsa).

Sự hiểu biết trong tâm do si mê, sai lầm, không đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp làm nhân duyên phát sanh tâm si mê, vô minh làm che án, bao trùm phủ kín mọi thực tánh của danh pháp, sắc pháp, nên không thấy không biết thực tánh của danh pháp, sắc pháp; không thấy rõ biết rõ sự sanh sự diệt của danh pháp, sắc pháp; không thấy rõ biết rõ ba trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

Do ayonisomanasikāra hiểu biết sai lầm trong tâm như vậy, làm nhân duyên phát sanh những điều vipallāsa: điều hư ảo, sai lầm:

Hư ảo (vipallāsa) có 3 loại:

- Tâm hư ảo (cittavipallāsa): Tâm biết sai lầm nơi danh pháp, sắc pháp cho rằng: "thường, lạc, ngã, tịnh".

- Tưởng hư ảo (saññāvipallāsa): Tưởng sai lầm nơi danh pháp, sắc pháp cho rằng: "thường, lạc, ngã, tịnh".

- Tà kiến hư ảo (diṭṭhivipallāsa): Thấy sai lầm nơi danh pháp, sắc pháp cho rằng: "thường, lạc, ngã, tịnh".

Do đó, có 12 loại hư ảo (3 loại hư ảo nhân với 4 điều sai lầm).

Những điều hư ảo sai lầm này, làm nhân duyên phát sanh mọi phiền não tuỳ theo đối tượng, làm che án, bao trùm phủ kín mọi thực tánh của danh pháp sắc pháp. Vậy chỉ có yonisomanasikāra mới có thể diệt được 12 loại hư ảo ấy mà thôi.

Yonisomanasikāra phát sanh do nhân nào?

Trong bài kinh Sotāpattiyangasutta [19] Đức Phật dạy có 4 chi pháp cần thiết để trở thành bậc Thánh Nhập Lưu như sau__

1- Sappurisasaṃseva: Sự gần gũi thân cận với bậc Thiện trí trong Phật giáo.

2- Saddhammassavana: Sự lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí.

3- Yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp.

4- Dhammānudhammapaṭipatti: Sự tiến hành thiền tuệ hướng đến sự chứng đắc siêu tam giới pháp: 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Như vậy, muốn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, hành giả cần phải có đủ điều kiện cần thiết, trải qua 3 giai đoạn:

* Giai đoạn đầu tiên: gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí trong Phật giáo, để được lắng nghe chánh pháp, có đức tin trong sạch nơi chánh pháp của Ngài.

* Gian đọan giữa:Yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ, đúng theo 4 trạng thái của tất cả mọi danh pháp, sắc pháp trong tam giới.

* Giai đoạn cuối: Việc tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo, để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Ayonisomanasikāra và Yonisomanasikāra

- Ayonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm do si mê sai lầm trong 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp cho là "thường, lạc, ngã, tịnh", hoàn toàn sai lầm với thực tánh của danh pháp, sắc pháp có 4 trạng thái là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh.

Cho nên, ayonisomanasikāra làm nhân duyên phát sanh tâm si mê, gọi là vô minh, không thể thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp, không thể chứng ngộ được chân lý Tứ thánh đế.

- Yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, nên ngăn ngừa được 12 loại hư ảo (vipallāsa) trong tâm; làm nhân duyên phát sanh chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác, đóng vai trò chính yếu trong việc tiến hành thiền tuệ để thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp; để thấy rõ, biết rõ sự sanh sự diệt của danh pháp, sắc pháp; để thấy rõ, biết rõ ba trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Yonisomanasikāra có thể ngăn ngừa được phiền não, nhất là tham tâm, hài lòng nơi đối tượng, và sân tâm, không hài lòng nơi đối tượng, hỗ trợ cho sự tiến hành Tứ niệm xứ hay tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo.

Yonisomanasikāra có vai trò rất trọng yếu, vì là nguồn gốc phát sanh mọi thiện pháp, từ thiện pháp trong tam giới cho đến thiện pháp siêu tam giới đó là 4 Thánh Đạo.

Đối với hành giả tiến hành thiền tuệ, nếu chưa hiểu biết rõ yonisomanasikāra thường gặp phải 2 loại phiền não như sau:

- Abhijjhā: Tham tâm, hài lòng nơi đối tượng đáng hài lòng, đáng ưa thích, cho là tốt, đem lại sự lợi ích.

- Domanassa: Sân tâm, không hài lòng nơi đối tượng không đáng hài lòng, không đáng ưa thích, cho là xấu, không đem lại sự lợi ích,

Trường hợp hành giả tiến hành thiền tuệ có tứ oai nghi làm đối tượng pháp hành thiền tuệ, nếu không hiểu rõ yonisomanasikāra, khó tránh khỏi 2 loại phiền não: tham tâm, hài lòng sân tâm, không hài lòng nơi đối tượng.

Ví dụ:

Khi hành giả đang ngồi, có chánh niệm trực nhận, trí tuệ tỉnh giác trực giác nơi dáng ngồi, tư thế ngồi ấy gọi là "sắc ngồi".

- Nếu nghĩ rằng: "Sắc ngồi này sẽ đem lại sự lợi ích", thì sẽ phát sanh tham tâm, hài lòng nơi sắc ngồi ấy.

- Nếu một khi có phóng tâm phát sanh, chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác bị diệt, không còn thấy rõ, biết rõ sắc ngồi, nên nghĩ rằng: "Phóng tâm đem lại sự tai hại", thì sẽ phát sanh sân tâm, không hài lòng nơi phóng tâm ấy.

Như vậy, hành giả tiến hành thiền tuệ đã thiên về bên này tham tâm, hoặc thiên về bên kia sân tâm, không đúng theo Pháp hành Trung đạo. Vì Pháp hành Trung đạo là pháp hành không thiên về bên nào, hay diệt được tham tâm, hài lòng nơi đối tượng, và diệt được sân tâm, không hài lòng nơi đối tượng.

Sở dĩ như vậy, là vì hành giả không hiểu rõ yonisomanasikāra, nên nhận thức sai lầm, đánh giá không đúng về đối tượng danh pháp, sắc pháp.

Xét về đối tượng: Nếu hành giả hiểu biết rõ yonisomanasikāra rằng: "Tất cả mọi đối tượng, dầu là danh pháp hay sắc pháp thuộc Chân nghĩa pháp, đều có sự sanh, sự diêt; đều có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, trạng thái bất tịnh như nhau. Tất cả đều có thể làm đối tượng thiền tuệ và có giá trị như nhau không hơn không kém". Nhờ vậy, tâm của hành giả nên đặt trung dung trong tất cả mọi đối tượng thiền tuệ.

Khi hành giả nhận thức đúng, đánh giá đúng về tất cả mọi đối tượng danh pháp, sắc pháp, nên không xem trọng danh pháp, sắc pháp này, cũng không xem khinh danh pháp, sắc pháp kia.

Do đó, hành giả không nghĩ sai lầm rằng: "Sắc ngồi này sẽ đem lại sự lợi ích" "Phóng tâm kia đem lại sự tai hại", thì tham tâm, hài lòng không phát sanh từ nơi sắc ngồi này sân tâm, không hài lòng cũng không phát sanh từ nơi danh phóng tâm kia. Nghĩa là, nhờ có yonisomanasikāra nên diệt được tham tâm sân tâm trong tất cả mọi đối tượng danh pháp, sắc pháp.

Như vậy, sự tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành trung đạo, có thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Trong đó, vai trò yonisomanasikāra là nhân duyên chính yếu hỗ trợ việc tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo.

Thay Đổi Oai Nghi

Mỗi khi thay đổi oai nghi là điều rất quan trọng, vì ở một thời điểm chuyển tiếp từ oai nghi cũ sang oai nghi mới, hành giả cần phải hiểu biết rõ yonisomanasikāra thế nào để ngăn ngừa được phiền não, nhất là sân tâm, không hài lòng nơi oai nghi cũ, và tham tâm, hài lòng nơi oai nghi mới.

Trường hợp không hiểu Yonisomanasikāra

Nếu hành giả không hiểu rõ yonisomanasikāra nơi oai nghi cũ, sắc ngồi, cảm thấy mệt mỏi: "khổ", thì sân tâm, (không hài lòng) có thể nương nhờ nơi oai nghi cũ, sắc ngồi mà phát sanh; nên muốn thay đổi sang oai nghi mới, sắc đi, để được thoải mái an lạc. Khi thay đổi sang oai nghi mới, sắc đi, thì tham tâm, (hài lòng) có thể nương nhờ ở oai nghi mới, sắc đi mà phát sanh. Và cứ như thế, sân tâm nương nhờ nơi oai nghi cũ mà phát sanh và tham tâm cũng nương nhờ nơi oai nghi mới mà phát sanh.

Như vậy, sự tiến hành thiền tuệ không đúng theo Pháp hành Trung đạo.

Trường hợp hiểu biết Yonisomanasikāra

Nếu hành giả hiểu biết rõ yonisomanasikāra nơi oai nghi cũ, sắc ngồi cảm thấy mệt mỏi: "khổ" biết rõ rằng: "sắc ngồi sanh khổ" không phải "ta khổ". Do đó, sân tâm, (không hài lòng) không thể nương nhờ ở oai nghi cũ, sắc ngồi mà phát sanh; có nghĩa là diệt được sân tâm, (không hài lòng) nơi oai nghi cũ, sắc ngồi.

Do trí tuệ thấy rõ, biết rõ khổ đế nơi oai nghi cũ, sắc ngồi bắt buộc phải thay đổi sang oai nghi mới, sắc đi, cốt yếu làm giảm bớt khổ ở oai nghi cũ.

Khi thay đổi sang oai nghi mới, sắc đi là do khổ bắt buộc, nên tham tâm, (hài lòng) không thể nương nhờ ở oai nghi mới, sắc đi, mà phát sanh; có nghĩa là diệt được tham tâm, (hài lòng) nơi oai nghi mới, sắc đi. Và cứ như thế, sân tâm không thể nương nhờ nơi oai nghi cũ mà phát sanh, và tham tâm cũng không thể nương nhờ nơi oai nghi mới mà phát sanh; nghĩa là, diệt được sân tâmoai nghi cũ và diệt được tham tâmoai nghi mới.

Như vậy, sự tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo.

Hành giả khi đang thay đổi từ oai nghi chính cũ, sang oai nghi chính mới luôn luôn cần phải nhờ đến những oai nghi phụ, như mọi cử động của thân bắt đầu chuyển đổi từ oai nghi cũ cho đến khi hoàn thành oai nghi mới. Để cho sự tiến hành thiền tuệ liên tục, hành giả phải nên có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi biết rõ quá trình chuyển biến từng mỗi oai nghi phụ, cũng là sắc pháp phát sanh từ tâm. Ví dụ như: bắt đầu cử động chuyển đổi từ oai nghi cũ, sắc ngồi cho đến khi hoàn thành oai nghi mới, sắc đi.

Như vậy, sự tiến hành thiền tuệ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác phát triển liên tục không bị gián đoạn.

Thay đổi oai nghi có 2 trường hợp

1- Trường hợp thọ khổ đã phát sanh ở oai nghi cũ, chính khổ đế này trực tiếp là nguyên nhân bắt buộc phải thay đổi oai nghi cũ sang oai nghi mới. Như trường hợp ở trên.

2- Trường hợp cần thiết xảy đến như: đau tiểu tiện, đau đại tiện, khát nước, đi uống nuớc, đói bụng, đi dùng cơm, đi tắm, đi giặt,… là những trường hợp cần thiết xảy ra, cũng gọi là "khổ đế" một cách gián tiếp; cho nên, cần phải thay đổi sang oai nghi mới, để giải quyết được khổ đế ấy.

Để nhận thức rõ thế nào là trường hợp cần thiết, hành giả nên tự đặt câu hỏi rằng:

- Nếu không thay đổi sang oai nghi mới có được hay không?

Câu trả lời trung thực và chính xác rằng:

- "Không thay đổi, không thể được!".

Như vậy, gọi là trường hợp cần thiết phải thay đổi oai nghi mới, để giải quyết khổ đế ấy.

Nếu câu trả lời trung thực và chính xác rằng:

- "Không thay đổi, cũng được!".

Như vậy, gọi là trường hợp không cần thiết phải thay đổi sang oai nghi mới, thì hành giả không nên thay đổi, để ngăn ngừa mọi phiền não nương nhờ nơi oai nghi mới mà phát sanh, có thể làm trở ngại cho sự tiến hành thiền tuệ.

Trường hợp thay đổi do năng lực của phiền não

* Thay đổi oai nghi do năng lực của tham tâm:

Ví như tham tâm muốn đi, muốn đứng, muốn ngồi, muốn nằm,… để tiến hành thiền tuệ, mong được thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp….

* Thay đổi oai nghi do năng lực của sân tâm:

Ví như sân tâm không hài lòng ở oai nghi cũ, muốn thay đổi oai nghi mới cho được thoải mái an lạc.

* Thay đổi oai nghi do năng lực của tâm si mê:

Ví như tâm si mê không biết nguyên nhân nào, không biết mình, quên mình, thay đổi oai nghi mới theo thói quen, không có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.

Những oai nghi mới ấy, phát sanh từ bất thiện tâm, tâm bị phiền não làm ô nhiễm, không trong sạch, nên việc tiến hành thiền tuệ rất trở ngại; nhưng việc đã thay đổi oai nghi mới rồi, thì xem như việc đã qua ở quá khứ. Hành giả nên bắt đầu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác ngay ở hiện tại, vẫn tiếp tục dùng oai nghi mới ấy làm đối tượng để tiến hành thiền tuệ. Hành giả không nên thay đổi trở lại oai nghi trước, mà không có nguyên nhân chính đáng, để tránh khỏi sai lầm lần thứ hai.

Sự thay đổi oai nghi mới, bắt buộc phải có nguyên nhân chính đáng, nhưng không bắt buộc phải theo một tuần tự nào (đi, đứng, ngồi, nằm), hay một quy tắc nào.

Hành giả xem xét thấy cần phải thay đổi oai nghi mới nào, thích hợp theo nơi chốn, theo thời gian, thì nên thay đổi oai nghi mới ấy, để thuận tiện cho sự liên tục tiến hành thiền tuệ được phát triển tốt.

Ví dụ:

- Về nơi chốn: Khi thay đổi từ oai nghi ngồi sang oai nghi đi, phải có một nơi tương đối rộng rãi, có thể đi lại thuận tiện, không thể đi lại trong một chỗ quá chật hẹp làm cho tâm cảm thấy khó chịu.

- Về thời gian: Lúc ban đêm trước khi đi ngủ, nên thay đổi từ oai nghi ngồi sang oai nghi nằm, rất thuận tiện hơn các oai nghi khác. Hành giả có chánh niệm trực nhận, trí tuệ tỉnh giác trực giác ngay dáng nằm, tư thế nằm, gọi là sắc nằm ấy cho đến khi ngủ ngon giấc. Khi vừa mới tỉnh giấc, chắc chắn phải có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác biết rõ ngay dáng nằm, tư thế nằm ấy trước tiên.

Sự liên tục tiến hành thiền tuệ được trình bày, có nghĩa là khi tiến hành thiền tuệ không nên để cho có một sự gián đoạn nào làm cho chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác bị đình trệ.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, nên có sự tinh tấn liên tục không ngừng, theo dõi từ oai nghi chính sang tất cả mọi oai nghi phụ; mọi hành vi cử chỉ, như: đại tiện, tiểu tiện, tắm rửa, giặt giũ, ăn uống v.v… từ khi tỉnh giấc ngủ, tiếp tục suốt ngày đêm một cách tự nhiên, cho đến khi nằm ngủ ngon giấc.

Cứ như vậy, từ ngày đêm này sang ngày đêm khác, thì sự tiến hành thiền tuệ được phát triển và tăng trưởng tốt; vì rằng, ở vào thời đại chúng ta, con người phần đông phiền não nặng, trí tuệ kém; cho nên, chúng ta cần phải có sự tinh tấn liên tục không ngừng mới mong đạt đến mục đích giải thoát khổ.

Ví như người cần lửa, dùng 2 thanh củi khô cọ xát vào nhau liên tục không ngừng cho đến khi phát ra lửa. Nếu người ấy cọ xát một lát nghỉ, một lát nghỉ và cứ như thế thì chẳng bao giờ phát sanh ra lửa được.

Cũng như vậy, hành giả tiến hành thiền tuệ cần phải có tâm tinh tấn liên tục không ngừng, hỗ trợ cho chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác tiến hành thiền tuệ được phát triển, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, để giải thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đức Phật dạy rằng:

"Viriyena dukkhamacceti…". [20]
"Chúng sinh giải thoát khỏi khổ do nhờ tâm tinh tấn".

Một người vốn có trí tuệ, nhưng không có sự tinh tấn, thì chẳng thành công được việc gì trong đời. Nhưng khi người ấy có chánh tinh tấn, thì sự thành công dễ dàng đối với họ.

Nếu người vốn có trí tuệ ấy, có duyên lành, có chánh tinh tấn tiến hành thiền tuệ, có thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả, và Niết Bàn, pháp giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

Đoạn kết của đối tượng 4 oai nghi

Đoạn kết của đối tượng 4 oai nghi, Đức Phật dạy rằng:

"Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati.
Bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati.
Ajjhattabahiddhāvā kāye kāyānupassī viharati…".

Phần Chú giải [21] của đối tượng 4 oai nghi giải thích rằng:

Iti ajjhattaṃ vā’ti evaṃ attano vā catu iriyāpathaparig-gaṇhanena kāye kāyānupassī viharati.

Bahiddhā vā’ti parassa catu iriyāpathapariggaṇhanena.

Ajjhattabahiddhā vā’ti kālena attano, kālena parassa catu iriyāpathapariggaṇhanena kāye kāyānupassī viharati.

Samudayadhammānupassī vā’ti ādīsu pana "avijjā-samudayā rūpasamudayo"ti adinā nayena pañcahākārehi rūpakkhandhassa samudayo ca vayo ca nīharitabbo.

Tañhi sandhāya idha "samudayadhammānupassī vā ’ti adi vuttaṃ.

Atthi kāyo’ti vā parassā ti adi vuttasadisameva.

Nghĩa:

* Iti ajjhattaṃ vā: hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ biết rõ thân trong thân – 4 oai nghi bên trong của mình như vậy.

* Bahiddhā vā: hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ biết rõ thân trong thân – 4 oai nghi bên ngoài của người khác như vậy.

* Ajjhattabahiddhā vā: hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ biết rõ thân trong thân – 4 oai nghi, khi thì bên trong của mình; khi thì bên ngoài của người khác như vậy.

* Samudayadhammānupassī vā: hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ biết rõ trạng thái sanh do bởi 5 nhân duyên sanh của sắc pháp: vô minh, tham ái, nghiệp, vật thực, trạng thái sanh của sắc pháp như vậy.

* Vayadhammānupassī vā: hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ biết rõ trạng thái diệt do bởi 5 nhân duyên diệt của sắc pháp: vô minh, tham ái, nghiệp, vật thực, trạng thái diệt của sắc pháp như vậy.

* Samudayavayadhammānupassī vā: hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ biết rõ khi thì trạng thái sanh do bởi 5 nhân duyên sanh của sắc pháp; khi thì trạng thái diệt do bởi 5 nhân duyên diệt của sắc pháp, như vậy.

* Atthi kāyo: chỉ là thân mà thôi. Thân trong đối tượng này là 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm thuộc về sắc pháp là pháp vô ngã: không phải chúng sinh (na satto), không phải người (na puggalo), không phải đàn bà (na itthī), không phải đàn ông (na puriso), không phải ngã (na attā), không phải thuộc về ngã (ta) (na attaniyaṃ), không phải ta (nā’haṃ), không phải của ta (na mama), không phải ai (na koci), không phải của ai, v.v….

Chánh niệm trực nhận dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm… cốt để cho chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác được phát triển, tăng trưởng (sati sampajaññānaṃ vuṇṇhatthāya).

* Anisito ca viharati: hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không có tà kiến và tham ái nương nhờ trong dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm….

* Na ca kiñci loke upādīyati: tâm không còn chấp thủ do bởi tà kiến, tham ái cho rằng: "ta, của ta" nào trong ngũ uẩn này nữa. (Đó là tâm của bậc Thánh Arahán).

Như vậy, đối tượng tứ oai nghi trong phần niệm thân này có khả năng dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả; Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Đạo – Bất Lai Thánh Quả; đến Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng.

Nhận xét về đoạn kết

Mỗi đoạn kết của 21 đối tượng trong kinh Đại Tứ Niệm Xứ đều bắt đầu: "Iti ajjhattaṃ vā…".

- Iti ajjhattaṃ vā: hoặc đối tượng bên trong của mình như: hơi thở vô – hơi thở ra bên trong của mình; 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm, bên trong của mình v.v… điều ấy không có gì đáng thắc mắc.

- Bahiddhā vā: hoặc đối tượng bên ngoài của người khác như: hơi thở vô – hơi thở ra bên ngoài của người khác; 4 oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm, bên ngoài của người khác v.v… như thế nào?

Thật ra, hành giả tiến hành pháp hành Tứ niệm xứ, hoặc pháp hành thiền tuệ đã đến giai đoạn có khả năng phát sanh trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí tuệ thấy rõ biết rõ, phân biệt rõ từng mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong của mình đúng theo thực tánh các pháp đều là pháp vô ngã, có chánh kiến thiền tuệ (Vipassanāsammādiṭṭhi), đạt đến thanh tịnh gọi là Diṭṭhivisuddhi: Chánh kiến thanh tịnh. Và trí tuệ phát triển tiến hoá tuần tự phát sanh trí tuệ thứ nhì gọi là Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí tuệ thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp: với paccakkhañāṇa: trí tuệ trực tiếp thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong (ajjhatta) của mình như thế nào; và bằng anumānañāṇa: trí tuệ gián tiếp thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên ngoài (bahiddhā) của người khác, chúng sinh khác phát sanh cũng do nhân duyên như thế ấy. Cho nên, trí tuệ thứ nhì này đạt đến thanh tịnh gọi là Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: Trí tuệ thoát ly hoài nghi thanh tịnh.

Do nhờ trí tuệ thứ nhì này, hành giả không có hoài nghi về sự sanh của danh pháp, sắc pháp bên trong của mình; hoặc danh pháp, sắc pháp bên ngoài của người khác.

Như vậy, "bahiddhā vā": Hoặc đối tượng bên ngoài của người khác, không phải là đối tượng thật ở hiện tại, mà chỉ là đối tượng của trí tuệ suy tư đúng đắn, do nhờ trí tuệ thứ nhì thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong của mình làm nền tảng.

- Samudayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ trạng thái sanh của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên sanh, đó là trí tuệ thứ nhì gọi là Nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: Trí tuệ thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.

- Vayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ trạng thái diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, đó là trí tuệ thứ ba gọi là Sammasanañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự diệt của danh pháp sắc pháp do nhân duyên diệt, nên thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp.

- Samudayavayadhammānupassī vā: Hoặc trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên sanh, nhân duyên diệt ngay hiện tại, nên thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp. Đó là trí tuệ thiền tuệ thứ tư gọi là Udayabbayañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, nên thấy rõ 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp. v.v....

- Atthi kāyo: nghĩa là chỉ là thân mà thôi, sắc thân thuộc sắc pháp là pháp vô ngã.

- Anisito ca viharati: nghĩa là hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không có tà kiến nương nhờ và cũng không có tham ái nương nhờ nơi đối tượng sắc thân, hoặc danh pháp, sắc pháp.

- Na ca kiñci loke upādīyati: nghĩa là tâm không còn chấp thủ cho rằng: "ta, của ta" nào trong ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn); hoặc sắc pháp, danh pháp này nữa. Đó là tâm của bậc Thánh Arahán.

Tóm lại, tất cả 21 đối tượng trong Tứ niệm xứ (thân niệm xứ có 14 đối tượng, thọ niệm xứ có 1 đối tượng chia làm 9 loại thọ, tâm niệm xứ có 1 đối tượng chia làm 16 loại tâm, pháp niệm xứ có 5 đối tượng) mỗi đối tượng đều có khả năng dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả; Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Đạo – Bất Lai Thánh Quả; đến Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng, tuỳ theo duyên lành, 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ) và ba la mật của mỗi hành giả.


Chú thích:

[17] Bộ Dīghanikāya, phần Mahāvagga, kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta.

[18] Bộ Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, Kinh Avijjāsutta.

[19] Bộ Samyuttanikāya, phần Mahāvagga, Kinh Sotāpattiyangasutta.

[20] Samyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Āḷàvakasutta.

[21] Majjhimanikāya, Mūl., kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇnā .

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 1.5 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 |
 4.1 | 4.2 | 4.3 | 4.4 | 4.5 | 4.6 | 5.1 | 5.2 | 5.3 | 5.4 | 5.5

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 30-05-2003