-ooOoo- LỜI CHÂN THÀNH BIẾT ƠN (Tái bản lần thứ nhất) Lời nói đẩu tiên của bần sư là lời chân thành biết ơn những bạn đọc, bậc thiện trí đã dành thì giờ quý báu của mình để đọc quyển sách "Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ", đã phát hiện ra những sơ sót của bần sư, khiến cho bần sư vô cùng cảm kích trước thiện tâm trong sáng, xây dựng của quý vị. Đó là điều thôi thúc trong lòng bần sư, quyết tâm tái bản cho kỳ được, để sửa chữa những sơ sót mà quý vị đã chỉ giáo. Tái bản lần này, bần sư đã sửa chữa những sơ sót, bớt phần dư, bổ sung vào phần thiếu, trình bày lại cho mạch lạc, để đền đáp một phần công ơn của quý vị đã quan tâm tìm hiểu quyển sách này. Tuy nhiên, khả năng của bần sư có hạn, dầu cho cố gắng đến đâu đi nữa, chắc chắn cũng không tránh khỏi những sơ sót chưa tìm thấy, thậm chí còn có chỗ sai ngoài khả năng của bần sư. Bần sư kính xin quý vị xem soạn phẩm này như là của chung, mà mỗi người trong chúng ta ai cũng có phần đóng góp xây dựng để cho quyển sách này được hoàn hảo, đó cũng là công lao giúp duy trì giáo pháp của Đức Phật được trường tồn trên quê hương thân yêu của chúng ta, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho mình, mọi người và chúng sinh. Bần sư chân thành biết ơn quý vị ! Tỳ Khưu Hộ Pháp -ooOoo- Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa Paṇāmagāthā Buddhaṃ Bhagavantaṃ seṭṭhaṃ, KỆ LỄ BÁI TAM BẢO Chúng con đem hết lòng thành kính, -ooOoo- LỜI TỰA Ðức Phật hằng ngày thường giáo huấn chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ rằng: "Bhikkhave, appamādena sampādetha, "Này chư Tỳ khưu, các con hãy nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế bằng pháp hành Tứ niệm xứ. Bởi vì, Ðức Phật xuất hiện trên thế gian này là một điều khó!...". Thật vậy, trong Chú giải Trường bộ kinh [2] có ghi: Có khi trải qua khoảng thời gian lâu dài vô số đại kiếp trái đất [3], mà chẳng có một Ðức Phật nào xuất hiện trên thế gian, gọi là suññakappa. Thật diễm phúc biết dường nào! Trong kiếp trái đất hiện tại mà chúng ta đang sống gọi là Bhaddakappa, có nhiều nhất, đến 5 Ðức Phật xuất hiện trên thế gian: Thời quá khứ, có 3 Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian là Ðức Phật Kakusandha, Ðức Phật Koṇāgamana, Ðức Phật Kassapa. Thời hiện tại, Ðức Phật Gotama của chúng ta đã xuất hiện, nay, tuy Ngài đã tịch diệt Niết Bàn, song giáo pháp của Ngài vẫn còn lưu truyền trên thế gian này đến 5.000 năm. Ðến nay, giáo pháp của Ngài đã được lưu truyền trên 2.540 năm rồi và chỉ còn lưu truyền trong một thời gian khoảng 2.560 năm nữa, đủ 5.000 năm sẽ bị hoại diệt hoàn toàn. Bởi vì, loài người chẳng còn ai biết đến Ðức Phật, Ðức Pháp và Ðức Tăng nữa Thời vị lai, còn Ðức Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian. Khi có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, thì mới có pháp hành thiền tuệ (vipassanābhāvanā). Khi có pháp hành thiền tuệ, thì chúng sinh có duyên lành mới có thể học và hành theo pháp hành thiền tuệ để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, là pháp giải thoát mọi cảnh khổ sanh, lão, bệnh, tử... đạt đến sự an lạc tuyệt đối. Ðức Phật dạy trong Kinh Ðại Niết Bàn [4] có đoạn: Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự đến làng Koṭigāma, Ngài dạy chư Tỳ khưu rằng: "Này chư Tỳ khưu, bởi vì chưa chứng ngộ, chưa thấu triệt chân lý Tứ thánh đế, nên Như Lai và các con phải chịu tử sanh luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, trải qua suốt thời gian dài vô tận như thế ấy". Vậy, chân lý Tứ thánh đế là gì? Này chư Tỳ khưu, bởi vì chưa chứng ngộ, chưa thấu triệt Khổ thánh đế, nên Như Lai và các con phải chịu tử sanh luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác trải qua suốt thời gian dài vô tận như thế. Này chư Tỳ khưu, bởi vì chưa chứng ngộ, chưa thấu triệt Nhân sanh Khổ thánh đế, nên Như Lai và các con phải chịu tử sanh luân hồi... Này chư Tỳ khưu, bởi vì chưa chứng ngộ, chưa thấu triệt Diệt Khổ thánh đế, nên Như Lai và các con phải chịu tử sanh luân hồi... Này chư Tỳ khưu, bởi vì chưa chứng ngộ, chưa thấu triệt Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ thánh đế, nên Như Lai và các con phải chịu tử sanh luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, trải qua suốt thời gian dài vô tận như thế. Này chư Tỳ khưu, nay, Như Lai đã chứng ngộ, đã thấu triệt Khổ thánh đế; Như Lai đã chứng ngộ, đã thấu triệt Nhân sanh Khổ thánh đế; Như Lai đã chứng ngộ, đã thấu triệt Diệt Khổ thánh đế; Như Lai đã chứng ngộ, đã thấu triệt Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ thánh đế. Như Lai đã diệt đoạn tuyệt gốc rễ tham ái là nhân sanh khổ rồi, không còn tham ái dắt dẫn đi tái sanh trong kiếp lớn kiếp nhỏ nữa, Như Lai chẳng còn phải tái sanh kiếp nào nữa...". Pháp hành dẫn đến pháp Diệt Khổ thánh đế, đó là pháp hành Bát chánh đạo hợp đủ tám chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; đó là 8 tâm sở: trí tuệ tâm sở, hướng tâm tâm sở, chánh ngữ tâm sở, chánh nghiệp tâm sở, chánh mạng tâm sở, tinh tấn tâm sở, niệm tâm sở, nhất tâm tâm sở cùng với 28 tâm sở khác đồng sanh trong 4 Thánh Ðạo Tâm và 4 Thánh Quả Tâm thuộc về siêu tam giới tâm, có Niết Bàn làm đối tượng. Như vậy, Pháp hành Bát chánh đạo hợp đủ 8 chánh không phải là pháp hành bắt đầu tiến hành, hoặc đang tiến hành, mà là pháp thành ở giai đoạn kết quả cuối cùng, đã hoàn thành xong mọi phận sự của Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Sự bắt đầu của pháp hành Bát chánh đạo là bắt đầu từ chánh niệm; đó là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp gọi là pháp hành Tứ niệm xứ. Trong kinh Ðại Tứ niệm xứ, Ðức Phật thuyết giảng bắt đầu bằng câu: "Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo...". Này chư Tỳ khưu, đạo này là con đường duy nhất, để dẫn đến sự trong sạch, thanh tịnh hoàn toàn mọi phiền não, ô nhiễm trong tâm bậc Chánh Ðẳng Giác, chư Phật Ðộc Giác, chư Thánh Thanh Văn Giác; để diệt sự sầu não, than khóc; để diệt sự khổ thân, khổ tâm; để chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả; để chứng ngộ Niết Bàn. Ðạo duy nhất này là pháp hành Tứ niệm xứ...".[5] Pháp hành Tứ niệm xứ là: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp cũng chính là niệm danh pháp, niệm sắc pháp, mà danh pháp, sắc pháp là đối tượng của pháp hành thiền tuệ. Như vậy, tiến hành Tứ niệm xứ hoặc tiến hành thiền tuệ đều đưa đến kết quả hoàn toàn giống nhau. Ðó là chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, là pháp siêu tam giới. Pháp Hành Thiền Tuệ là pháp hành chỉ có trong Phật giáo, hoàn toàn không có ngoài Phật giáo. Pháp hành này có từ khi Ðức Phật xuất hiện trên thế gian và trong giáo pháp của Ngài. Đức Thế Tôn có danh hiệu là "Sammāsambuddha": Bậc Chánh Ðẳng Giác, bởi vì chính tự Ngài là Bậc đầu tiên tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên trong 10 muôn triệu thế giới chúng sinh. Do đó, gọi là bậc Chánh Ðẳng Giác. Và Ðức Thế Tôn có danh hiệu "Buddha": Ðức Phật, bởi vì chính tự Ngài là Bậc đầu tiên tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn; rồi đem ra giáo huấn chúng sinh: nhân loại, chư thiên, phạm thiên..., cũng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn như Ngài đã chứng ngộ. Do đó, gọi là Ðức Phật. Pháp hành thiền tuệ là pháp hành dẫn đến sự giải thoát khổ tái sanh. Sự giải thoát khổ tái sanh theo khả năng của mỗi bậc Thánh nhân như sau: Hạng thiện trí phàm nhân tiến hành thiền tuệ có thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna), là bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo. Bậc Thánh Nhập Lưu này, được giải thoát khổ tái sanh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ và súc sanh), chỉ còn tái sanh cõi thiện giới: làm người hoặc chư thiên ở 6 cõi trời dục giới, nhiều nhất đến 7 kiếp. Trong kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sự tử sanh luân hồi trong tam giới. Bậc Thánh Nhập Lưu, nếu tiếp tục tiến hành thiền tuệ, có thể dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhất Lai (Sakadāgāmi), là bậc Thánh thứ nhì trong Phật giáo. Bậc Thánh Nhất Lai này, chỉ còn khổ tái sanh một kiếp làm người hoặc làm chư thiên cõi trời dục giới mà thôi. Trong kiếp ấy chắc chắn sẽ chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới. Bậc Thánh Nhất Lai, nếu tiếp tục tiến hành thiền tuệ, có thể dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Bất Lai (Anāgāmi), là bậc Thánh thứ ba trong Phật giáo. Bậc Thánh Bất Lai này, không còn khổ tái sanh trở lại cõi dục giới, mà chỉ còn tái sanh làm Phạm thiên ở cõi trời sắc giới. Ở tại cõi trời ấy, chắc chắn sẽ chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới. Bậc Thánh Bất Lai, nếu tiếp tục tiến hành thiền tuệ có thể dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán (Arahanta), là bậc Thánh thứ tư cao thượng nhất trong Phật giáo. Bậc Thánh Arahán đã hoàn toàn diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, cùng tất cả mọi phiền não, ác pháp không còn dư sót; đã hoàn thành mọi phận sự của Tứ thánh đế, đã hoàn thành xong phạm hạnh; ngay kiếp hiện tại, đến khi hết tuổi thọ, tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tái sanh, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới. Vậy, Pháp Hành Thiền Tuệ này đưa đến mục đích cuối cùng là tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tái sanh ở kiếp sau. Vì nếu còn tái sanh dầu cõi dục giới, cõi sắc giới hay cõi vô sắc giới, cũng còn phải chịu khổ của danh pháp, sắc pháp. Giải thoát khổ tái sanh là giải thoát hoàn toàn tất cả mọi cảnh khổ. Ðó là Niết Bàn, Diệt Khổ thánh đế. Nên Ðức Phật dạy: [6] Không có lửa nào, như lửa tình dục. "Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ" [7]. "Nibbānaṃ paramaṃ vadanti Buddhā...". [8] Niết Bàn là mục đích tột cùng của chư Phật Toàn Giác, chư Phật Ðộc Giác, chư Thánh Thanh Văn Giác và cũng là mục đích chung cho các hàng Phật tử xuất gia và tại gia cư sĩ. Những nguyên nhân xa và gần để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành Ðức Phật Toàn Giác, Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác, đều tùy thuộc vào sự tròn đủ 10 pháp hạnh ba la mật. Mười pháp hạnh ba la mật (pāramī) là: 1- Bố thí ba la mật (Dānapāramī). Pāramī: ba la mật, có nhiều nghĩa. Nghĩa chính yếu của pháp hạnh ba la mật là ṅhân duyên chính để dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn cao thuợng". Vì vậy, không phải bố thí, giữ giới, xuất gia..., nào cũng trở thành ba la mật được. Ðiều kiện trở thành ba la mật phải có thiện tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm do bởi tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi), và đồng thời hợp với tâm đại bi (mahākaruṇā) và trí tuệ hướng đến chứng đạt cứu cánh Niết Bàn (upāyakosallañāṇa). Nhờ hợp đủ điều kiện như vậy, thì sự bố thí, giữ giới, xuất gia..., mới trở thành pháp hạnh ba la mật. Pháp hạnh ba la mật quyết định sự thành tựu nguyện vọng của mỗi vị Bồ Tát như sau: Ðể trở thành bậc Thánh Thanh Văn bậc thường (Ariyasāvaka): Vị Bồ Tát Thanh Văn ấy (Sāvakabodhisatta) cần phải tạo trọn đủ 10 pháp hạnh ba la mật, trong suốt một thời gian nhanh nhất cũng gần 100 ngàn đại kiếp rồi phải có duyên lành gặp Ðức Phật Toàn Giác hoặc giáo pháp của Ðức Phật ấy, được nghe, được hiểu biết chánh pháp rồi tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Thanh Văn. Ðức Phật Gotama có vô số bậc Thánh Thanh Văn bậc thường. Ðể trở thành bậc Thánh Ðại Thanh Văn (Mahāsāvaka). Vị Bồ Tát đại Thanh Văn ấy (Mahāsāvakabodhisatta) cần phải tạo trọn đủ 10 pháp hạnh ba la mật, trong suốt thời gian 100 ngàn đại kiếp, rồi chắc chắn phải có duyên lành gặp Ðức Phật Toàn Giác, được nghe từ kim ngôn của Ðức Phật, tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán đại Thanh Văn. Ðức Phật Gotama có 80 vị Thánh đại Thanh Văn. Ðể trở thành bậc Thánh Tối thượng Thanh Văn (Aggasāvaka): Vị Bồ Tát tối thượng Thanh Văn ấy (Aggasāvakabodhisatta), cần phải tạo trọn đủ 10 pháp hạnh ba la mật trong suốt thời gian một a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp, rồi chắc chắn có duyên lành gặp Ðức Phật Toàn Giác, được nghe từ kim ngôn của Ðức Phật rồi tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán tối thượng Thanh Văn. Ðức Phật Gotama có 2 vị Thánh tối thượng Thanh Văn. Ðó là: Ðại Ðức Sāriputta và Ðại Ðức Mahāmoggallāna. * Ðể trở thành Ðức Phật Ðộc Giác (Paccekabuddha): Vị Bồ Tát Ðộc Giác ấy (Paccekabodhisatta), cần phải tạo trọn đủ 20 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường và 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung, trong suốt thời gian 2 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vào thời kỳ không có Ðức Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian, vị Bồ Tát Ðôïc Giác này không cần phải nghe, học hỏi từ một vị thầy nào khác, mà chỉ tự chính mình tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán, gọi là Ðức Phật Ðộc Giác. Ðức Phật Ðộc Giác, chính Ngài chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, nhưng không thể giáo huấn chúng sinh cùng chứng ngộ chân lý như Ngài. Ðức Phật Ðộc Giác có thể có hàng trăm hàng ngàn vị, song mỗi vị đều tự chính mình chứng đắc. * Ðể trở thành Ðức Phật Toàn Giác, gọi là Bậc Chánh Ðẳng Giác (Sammāsambuddha): Vị Bồ Tát Chánh Ðẳng Giác ấy (Sammāsambodhisatta), cần phải tạo trọn đủ 30 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung và 10 pháp hạnh ba la mật bậc thượng. Thời gian để tạo 30 pháp hạnh ba la mật khác nhau tùy theo ba hạng Bồ Tát như sau:
Người Phật tử, dầu là bậc xuất gia hay hàng tại gia cư sĩ, có nguyện vọng muốn trở thành Ðức Phật Toàn Giác, Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác bậc nào; người Phật tử ấy cần phải tạo trọn đủ những pháp hạnh ba la mật theo tiêu chuẩn bậc ấy, để làm nhân duyên chính, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, đạt đến nguyện vọng của mình. Trong 10 pháp hạnh ba la mật: bố thí, giữ giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, chí nguyện, tâm từ và tâm xả đều có tính tương quan lẫn nhau tùy theo mỗi ba la mật. Ví dụ: Khi thí chủ muốn tạo bố thí ba la mật là chính, thì có thể có một số ba la mật phụ khác như: trí tuệ, tinh tấn, chí nguyện, tâm từ,... cũng thành tựu cùng với bố thí ba la mật. Ðặc biệt nhất, khi hành giả tiến hành thiền tuệ, tạo trí tuệ ba la mật là chính, thì sẽ có rất nhiều ba la mật phụ khác như: giữ giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, chí nguyện cùng thành tựu với pháp hạnh trí tuệ ba la mật. Ðó là tánh ưu việt của sự tiến hành thiền tuệ. Ðối với chư Bồ Tát có nguyện vọng muốn trở thành Ðức Phật Toàn Giác, Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh tối thượng Thanh Văn hay bậc Thánh đại Thanh Văn, thì chắc chắn không thể thành đạt được trong thời kỳ Ðức Phật đã tịch diệt Niết Bàn, dầu giáo pháp của Ngài hiện còn lưu truyền trên thế gian. Song, sự tiến hành thiền tuệ là một cơ hội quý giá hiếm có, để bồi bổ các pháp hạnh ba la mật. Khi chư Bồ Tát ấy tiến hành thiền tuệ, có khả năng chứng đạt trí tuệ thiền tuệ, nhưng chỉ có thể đạt đến trí tuệ thiền tuệ thứ 14 gọi là saṅkhārupekkhāñāṇa mà thôi, không thể chứng đạt đến trí tuệ thiền tuệ cao hơn. Bởi vì, bị ngăn cản do năng lực phát nguyện trở thành Ðức Phật Toàn Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh tối thượng Thanh Văn hoặc bậc Thánh đại Thanh Văn. Ngoài ra, đối với bậc Thanh Văn hạng thường (Pakatisāvaka), ngay ở thời kỳ chánh pháp của Ðức Phật còn lưu truyền trên thế gian này, vẫn còn là một cơ hội tốt, để cho số Thanh Văn hạng thường này tiến hành thiền tuệ. Nếu có đủ trí tuệ ba la mật từ nhiều đời nhiều kiếp ở quá khứ làm duyên lành hỗ trợ, có thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào đó, thì thật là diễm phúc biết dường nào! Nếu chưa được chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả, thì âu cũng là duyên lành hi hữu để bồi bổ ba la mật, hầu mong chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả ở vị lai. Niềm hy vọng đối với tất cả Phật tử chúng ta, theo kinh sách có ghi rõ rằng: "Mỗi Ðức Phật Toàn Giác có khả năng tế độ một số lượng khoảng 24 a tăng kỳ 600 triệu 100 ngàn chúng sinh, được cứu vớt ra khỏi biển khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài".[11] Ðức Phật Gotama của chúng ta đã thuyết pháp tế độ chúng sinh suốt 45 năm, vẫn chưa đủ số lượng 24 a tăng kỳ 600 triệu 100 ngàn chúng sinh ấy. Cho nên, khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn rồi, giáo pháp của Ngài còn lưu truyền trên thế gian đến 5.000 năm, để cứu vớt chúng sinh có duyên lành còn sót lại, có cơ hội học hỏi theo chánh pháp rồi tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả. Vậy, chúng ta nên có niềm tin và hy vọng ở trong số lượng chúng sinh được tế độ, chúng ta nên cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chớ nên dễ duôi! Ðể chứng minh, trong Chú giải Kinh Gotamisutta [12] có ghi rằng: "Giáo pháp của Ðức Phật Gotama tồn tại trên thế gian 5.000 năm, trải qua 5 thời kỳ như sau:
Căn cứ vào Chú giải ở trên, năm nay Phật lịch 2546 năm, những người Phật tử chúng ta đang ở vào thời kỳ thứ ba, chúng ta nên có một niềm tin, một hy vọng nơi giáo pháp của Ðức Phật, trong thời kỳ này có thể cứu vớt chúng ta ra khỏi biển khổ trầm luân. Chính chúng ta, là người Phật tử, có quyền được thừa hưởng di sản Pháp bảo quý báu mà Ðức Phật đã để lại. Những người Phật tử, chắc chắn không một ai có thể biết được ba la mật của mình đã tạo từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, cho đến kiếp hiện tại này. Biết đâu rằng! Người nào đó đã từng tạo pháp hạnh ba la mật, có khả năng dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào đó? Nhưng trong kiếp hiện tại này, người ấy không chịu tinh tấn tiến hành thiền tuệ, thì không chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả ấy. Như vậy, người ấy đã bỏ lỡ cơ hội tốt hiếm có, thật đáng tiếc biết dường nào ! Ðể dẫn chứng rằng không một ai có thể biết được ba la mật của mình, trong Chú giải Pháp Cú, tích Ðại Ðức Cūḷapanthakatthera (Trưởng lão Tiểu Bàn-Đặc), [14] tóm lược như sau: Ðại Ðức Cūḷapanthaka có một sư huynh là Ðại Ðức Mahāpanthaka xuất gia trở thành Tỳ khưu trước, và đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. Về sau Ðại Ðức Mahāpanthaka hướng dẫn người em là Cūḷapanthaka xuất gia Tỳ khưu. Khi xuất gia xong, sư huynh Mahāpanthaka dạy sư đệ Cūḷapanthaka học một bài kệ, mà suốt 4 tháng vẫn không học thuộc được. Ðại Ðức Mahāpanthaka bảo rằng: - Này Cūḷapanthaka, sư đệ dường như không có duyên lành trong Phật giáo. Ðiều đó dễ thấy rõ, chỉ một bài kệ mà sư đệ học suốt 4 tháng vẫn chưa thuộc, thì nói gì đến việc hành phạm hạnh cao thượng làm sao được? Sư đệ nên rời khỏi chùa đi về nhà. Ðại Ðức Cūḷapanthaka không muốn hoàn tục, vì tâm còn tha thiết với phạm hạnh xuất gia Tỳ khưu và lưu luyến ngôi chùa Ambavana. Nhưng sư huynh Mahāpanthaka bảo rời khỏi chùa, thì đành phải ra về, để hoàn tục, sống tại gia, làm phước bố thí, giữ giới, v.v... Vào canh chót đêm hôm ấy, Ðức Phật quán xét chúng sinh có duyên lành nên tế độ, thấy rõ Tỳ khưu Cūḷapanthaka ở trong mạng lưới trí đại bi tế độ của Ngài. Sáng sớm hôm sau, Ðức Phật ngự ra trước cổng chùa, đi kinh hành để chờ Ðại Ðức Cūḷapanthaka. Cùng lúc ấy, Ðại Ðức Cūḷapanthaka từ giả ngôi chùa Ambavana để trở về nhà, khi ra đến cổng, Ðại Ðức nhìn thấy Ðức Phật nên đến đảnh lễ Ngài. Ðức Thế Tôn bèn hỏi: - Này Cūḷapanthaka, con đi đâu mà sớm vậy? Ðại Ðức Cūḷapanthaka thưa rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, sư huynh của con bảo con rời khỏi chùa trở về nhà, hoàn tục, bởi con không có duyên lành xuất gia hành phạm hạnh cao thượng. - Này Cūḷapanthaka, con xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Như Lai, thì dầu sư huynh của con bảo con rời khỏi chùa, sao con không đến với Như Lai? Này Cūḷapanthaka, con hãy đến chỗ của Như Lai. Ðức Thế Tôn đưa bàn tay mềm mại có dấu bánh xe sờ trên đầu Ðại Ðức Cūḷapanthaka dẫn đi về cốc Gandhakuṭi, nơi Ngài đang ngự. Ðức Thế Tôn bảo Ðại Ðức Cūḷapanthaka ngồi trước cửa cốc quay mặt về hướng Ðông, rồi Ngài trao cho một miếng vải mới còn sạch sẽ và truyền dạy: - Con hãy vò miếng vải này, đồng thời niệm tưởng rằng: "rajoharanaṃ... rajoharanaṃ... rajoharanaṃ...": "vải lau bụi dơ... vải lau bụi dơ... vải lau bụi dơ...". Ðại Ðức quán xét thấy rõ miếng vải sạch sẽ, khi tiếp xúc với sắc thân này, trở thành dơ bẩn như thế ấy! "Tất cả pháp hữu vi đều vô thường!". Ðại Ðức Cūḷapanthaka tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ sự sanh, sự diệt của các Pháp hữu vi: danh pháp và sắc pháp. Ðức Thế Tôn biết rõ tâm của Ðại Ðức Cūḷapanthaka, đang tiến hành thiền tuệ, Ngài dùng thần thông hiện ra ngồi trước mặt Ðại Ðức rồi bảo: - Này Cūḷapanthaka, con không chỉ thấy bụi dơ dính ở trong miếng vải, mà con nên thấy rõ, biết rõ bụi dơ đó là tham, sân, si dính ở trong tâm của con, làm cho tâm con bị ô nhiễm, con phải nên diệt đoạn tuyệt bụi dơ tham, sân, si ấy. Rồi Ðức Thế Tôn thuyết dạy ba bài kệ, Ðại Ðức Cūḷapanthaka lắng nghe, đồng thời tiến hành thiền tuệ theo. Khi dứt ba bài kệ ấy, Ðại Ðức Cūḷapanthaka liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tíùch, chứng đắc thần thông, thông suốt Tam Tạng ngay lúc ấy". * Câu chuyện thứ hai. Ðệ tử của Ðại Ðức Sāriputta. [15] Ðại Ðức Sāriputta có một người đệ tử còn trẻ, Ngài truyền dạy thiền định đề mục asubha (bất tịnh), không thích hợp với căn duyên của người đệ tử. Do đó, người đệ tử tiến hành đề mục asubha (bất tịnh) suốt 4 tháng vẫn chưa phát sanh ấn chứng nào. Ðại Ðức Sāriputta nghĩ rằng, vị Tỳ khưu này thuộc sự tế độ của Ðức Phật, nên Ngài dẫn người đệ tử đến hầu Ðức Thế Tôn. Ðức Phật dạy rằng: - Này Sāriputta, con không có trí tuệ đặc biệt biết được căn duyên và phiền não ngấm ngầm của chúng sinh, nên con truyền dạy đề mục thiền định không thích hợp với tánh riêng biệt của hành giả. Ðức Phật hoá ra một hồ sen ở trong chùa Ambavana, lại hóa ra thêm một bụi sen lớn, trong đó có một đóa sen xinh đẹp đang nở. Ðức Phật dạy vị Tỳ khưu hãy nhìn đóa hoa sen đang nở ấy. Vâng lời, vị Tỳ khưu chăm chú nhìn đóa hoa sen ấy. Trong thời gian ấy, Ðức Phật làm cho đóa sen héo dần, thay đổi màu, cánh sen từ từ rơi rụng xuống cho đến khi không còn cánh sen nào, nhụy sen cũng rụng, chỉ còn lại gương sen. Vị Tỳ khưu suy xét: "Ðóa hoa sen xinh đẹp kia, bây giờ chỉ còn trơ lại đài gương, sự suy tàn của hoa sen như thế nào, sự già nua đối với sắc thân của ta cũng như thế ấy". "Tất cả các Pháp hữu vi: danh pháp, sắc pháp đều vô thường!". Ðức Thế Tôn, lúc ấy đang ngự tại cốc Gandhakuṭi, biết tâm của vị Tỳ khưu đang tiến hành thiền tuệ, Ngài phóng hào quang, dùng thần thông hiện ra ngồi trước mặt rồi truyền dạy một bài kệ. Vị Tỳ khưu lắng nghe, đồng thời tiến hành thiền tuệ theo, khi dứt bài kệ, vị Tỳ khưu chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, đến Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, ngay lúc ấy. Và còn có rất nhiều trường hợp tương tự khác. Qua 2 câu chuyện lược dẫn ở trên, chứng tỏ rằng, không có một ai biết được ba la mật của mình tròn đủ hay chưa tròn đủ. Ngoại trừ Ðức Phật ra, không một ai có khả năng biết rõ được căn duyên cao hay thấp của mỗi chúng sinh. Bởi vì, chỉ Ðức Phật mới có hai loại trí tuệ đặc biệt mà bậc Thánh Thanh Văn không có là: - Indriyaparopariyattiñāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ căn
duyên cao thấp của mỗi chúng sinh. Bậc Thánh Thanh Văn, dầu là bậc Thánh Arahán cũng không thể có hai loại trí tuệ đặc biệt này, nên không thể biết rõ được căn duyên của mỗi chúng sinh có thể chứng đắc được Thánh Ðạo, Thánh Quả nào hay không? Do đó, người Phật tử chớ nên dễ duôi! Chớ nên coi thường chính mình! Sự thật, chúng ta được sanh làm người, ngày nay gặp được Phật giáo, có đức tin nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, thật là diễm phúc lớn lao và vô cùng hy hữu! không dễ có được trong kiếp tử sanh luân hồi trong tam giới này. Vậy, chúng ta nên có niềm tin nơi chính mình rằng: chắc chắn ta đã có gieo duyên lành trong Phật giáo, đã có tạo ít nhiều pháp hạnh ba la mật từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ rồi. Cho nên, người Phật tử chớ nên bỏ lỡ cơ hội tốt hiếm có này, hãy nên cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ; nếu trong kiếp hiện tại này, được chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào, thì thật là một điều hạnh phúc cao thượng biết dường nào! Nếu chưa chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả, trong kiếp hiện tại này; thì việc tiến hành thiền tuệ cũng vẫn là một điều hạnh phúc cao thượng, vì có cơ hội tốt để bồi bổ pháp hạnh ba la mật, hầu chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả ở vị lai. Ví như một lữ hành có mục đích đi đến kinh đô, cứ mỗi ngày kiên trì, nhẫn nại, tinh tấn không ngừng bước đi đều đều, thì cứ mỗi bước, lại mỗi gần đến kinh đô. Như vậy, không sớm thì muộn, người lữ hành ấy sẽ đến kinh đô, theo nguyện vọng của mình. Cũng như vậy, hành giả có tâm nguyện chứng ngộ Niết Bàn, pháp giải thoát "khổ tái sanh"; hành giả có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, có đức tin nơi pháp hành thiền tuệ; có tánh kiên trì, nhẫn nại, tinh tấn không ngừng; có chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác, tinh tấn tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành trung đạo, không sớm thì muộn, chắc chắn hành giả sẽ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn, theo nguyện vọng của mình. Như vậy, đối với một số người mong muốn tìm hiểu nghiên cứu về pháp hành thiền tuệ, tập sách nhỏ này, bần sư đã dày công góp nhặt những phần tinh hoa cốt yếu từ những bài kinh, nhất là bài kinh Ðại Tứ niệm xứ...; từ những Chú giải, nhất là bộ Thanh Tịnh Ðạo liên quan đến pháp hành thiền tuệ; lại còn góp nhặt những kinh nghiệm của những vị Thiền Sư và các hành giả đã tiến hành thiền tuệ, sẽ giúp một phần nào cho độc giả được thuận lợi trong việc tìm hiểu pháp hành thiền tuệ. Tập sách nhỏ này, dầu chưa đầy đủ, song cũng giúp cho độc giả có một khái niệm về pháp hành thiền tuệ. Nếu hành giả có tâm nguyện tiến hành thiền tuệ, thì điều đầu tiên là cần phải học hỏi và nghiên cứu sâu xa về pháp học của pháp hành thiền tuệ. Khi thật sự muốn tiến hành thiền tuệ, hành giả nên tìm một vị Thiền Sư, thông thạo pháp học, đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ, để nương nhờ trên con đường tiến hành thiền tuệ. Ðiều này rất cần thiết và cũng là điều tối ư quan trọng, không thể thiếu được! Nếu hành giả tiến hành, mà không đúng theo pháp hành thiền tuệ, thì về sau dẫn đến sự sai lầm khó sửa. Ví dụ: Một người học trò học đàn với một ông thầy dở, không đúng phương pháp, đã quen tay, về sau học với vị thầy dạy đàn tài giỏi, gặp phải hai điều khó khăn:
Trong khi người học trò chưa từng học đánh đàn, gặp được ông thầy tài giỏi, thì chỉ có một điều khó khăn lúc ban đầu mà thôi. Cũng vậy, hành giả thường chịu ảnh hưởng nơi vị Thiền Sư. Nếu gặp vị Thiền Sư không thông thạo pháp học, không có kinh nghiệm đầy đủ về pháp hành, thì hành giả tiến hành không đúng theo pháp hành thiền tuệ, dẫn đến hậu quả sai lầm trở thành thói quen rất khó sửa, như trường hợp người học trò thứ nhất. Sự thật, thói quen sai lầm ở thân dễ sửa hơn là thói quen sai lầm ở tâm. Khi tâm mắc phải sai lầm nào rồi, thì thật là khó sửa lắm vậy! Tử sanh luân hồi trong tam giới là lẽ tự nhiên của mỗi chúng sinh vẫn còn tham ái phiền não. Hễ còn tử sanh luân hồi là còn mang khổ; mọi cảnh khổ đều bắt nguồn từ khổ tái sanh. Pháp hành thiền tuệ là pháp hành dẫn đến sự diệt khổ tái sanh. Muốn đạt đến mục đích như vậy, điều trọng yếu đầu tiên, hành giả cần phải học hỏi, nghiên cứu để hiểu rõ phương pháp tiến hành thiền tuệ cho đúng, rồi thực hành đúng theo pháp hành thiền tuệ. Ðiều này chắc chắn không phải là dễ đối với tất cả mọi người. Quyển sách nhỏ này, tuy bần sư rất tha thiết với pháp hành thiền tuệ, đã cố gắng hết sức mình, góp nhặt, trình bày giúp độc giả tìm hiểu về pháp hành thiền tuệ. Song vì khả năng có hạn, nên chắc chắn không thể nào tránh khỏi những điều sơ sót, thậm chí có chỗ sai, ngoài ý muốn của bần sư. Kính mong chư bậc Thiện trí từ bi chỉ giáo. Bần sư kính cẩn chấp nhận những lời phê bình xây dựng, và kính xin chư bậc Thiện trí nhận nơi đây lòng chân thành biết ơn sâu xa của bần sư. Tập sách này được hoàn thành nhờ sự đóng góp của những thí chủ có đức tin trong sạch làm phước thiện pháp thí; nhất là pháp đệ Bửu Ðức, gia đình ông bà Trần Văn Cảnh - Trần Kim Duyên, đặc biệt là pháp huynh Viên Minh, pháp đệ Giới Ðức đã nhiệt tâm trong công việc sửa chữa cú pháp; và trong lần tái bản thứ nhất này, có cô Tu nữ Ngọc Duyên, cô Tu nữ Diệu Liên tận tâm xem lại bản thảo; đệ tử Rakkhitasīla Antevāsika đã tận tụy đánh máy bản thảo, trình bày dàn trang và được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo cho phép tái bản, bần sư vô cùng hoan hỷ và biết ơn quý vị. Nhân dịp này, đệ tử Dhammarakkhita Bhikkhu (Tỳ khưu Hộ Pháp) thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Cố Sư Phụ Hộ Tông (Vaṃsarakkhitamahāthera), cùng chư Ðại Trưởng Lão, Ðại Ðức đã dày công đem Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda) về truyền bá trên quê hương thân yêu; và chư Ðại Trưởng Lão Thái Lan, Miến Ðiện như Ngài Ðại Trưởng Lão Dhammānandamahāthera Aggamahāpaṇṇita, Ðại Trưởng Lão Nandikamahāthera, các vị Ācariya như Ajhan Nep Mahānirānond v.v... đã có công giảng dạy đệ tử về pháp học và pháp hành. Kính mong quý Ngài hoan hỉ. Bần sư thành tâm hồi hướng phần pháp thí thanh cao này đến tất cả chúng sinh từ cảnh địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh, cho đến nhân loại, chư thiên cõi Tứ đại thiên vương thiên, cõi Tam thập tam thiên, cõi Dạ ma thiên, cõi Ðâu xuất đà thiên, cõi Hóa lạc thiên, cõi Tha hóa tự tại thiên, các cõi sắc giới Phạm thiên. Trong các hàng chúng sinh ấy, nhất là ông bà, cha mẹ, thầy tổ, những bậc ân nhân từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ đã quá vãng và hiện tiền; cầu mong tất cả qúy vị hoan hỉ thọ lãnh phần pháp thí thanh cao này, cho được thoát khỏi mọi cảnh khổ, được mọi sự an lạc hạnh phúc cao thượng. "Idaṃ no dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu". "Do nhờ pháp thí thanh cao này, làm duyên lành dắt dẫn tất cả chúng con hướng đến sự chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả, Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân". Nếu chúng con chưa được giải thoát cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, thì do năng lực pháp thí này, hỗ trợ cho chúng con kiếp nào cũng được thành tựu đầy đủ 4 pháp: 1- Gatisampatti: Ðược tái sanh cõi thiện giới an lạc. 2- Upadhisampatti: Có sắc thân đầy đủ, xinh đẹp. 3- Kālasampatti: Thời kỳ thiện pháp đang phát triển, như thời kỳ Ðức Chuyển Luân Thánh Vương ra đời, Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, Phật giáo đang thịnh hành, 4- Payogasampati: Ðầy đủ ba loại thiện pháp do thân khẩu ý. Do năng lực pháp thí này, hỗ trợ cho chúng con kiếp nào cũng có chánh kiến, mỗi khi gặp được Ðức Phật hay giáo pháp của Ðức Phật, chúng con liền có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, có đức tin nơi pháp hành thiền tuệ, là pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tái sanh. Tỳ Khưu Hộ Pháp Giới thiệu tác giả, Tỳ khưu Hộ Pháp Dhammarakkhita:
Ghi chú: [1] Bộ Chú giải Aṅguttaranikāya. [2] Bộ Chú giải Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāpadānasuttavaṇṇanā. [3] Mỗi kiếp trái đất trải qua 4 a tăng kỳ thành-trụ-hoại-không. [4] Bộ Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāparinibbanasutta. [5] Bộ Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāparinibbanasutta. [6-7-8] Bộ Dhammapadagāthā. [9] A tăng kỳ (asaṅkheyya): là khoảng thời gian không thể tính bằng số. Cứ trải qua vô số đại kiếp trái đất (mahākappa), kể là 1 a tăng kỳ. [10] Ðại kiếp: thời gian kiếp trái đất trải qua 4 a tăng kỳ thành-trụ-hoại-không, là thời gian quá lâu, Ðức Phật có ví dụ: một hòn núi đặc hình khối, mỗi chiều một do tuần (khoảng 20 cây số), cứ 100 năm, một người lấy tấm vải mịn và mỏng quét nhẹ qua một lần cho đến khi mòn hết hòn núi ấy, thời gian chưa kể được một đại kiếp. - Chú ý: a tăng kỳ (asaṅkheyya) theo thời gian mà Ðức Bồ Tát tạo ba la mật có nghĩa không thể tính bằng số (vô số) ví dụ 4 a tăng kỳ với 100 ngàn đại kiếp. Tuy nhiên, trong bộ Padarūpasaddhi, phần Saṅkhyātaddhika giải thích: a tăng kỳ (asaṅkheyya), là đơn vị số lượng số 1 đứng trước 140 số không (0), viết tắt là 10140. [11] "Catuvīsati asaṅkheyya chattiyo ceva koṭiyo. [12] Bộ Aṅguttaranikāya, Aṭṭhakanipāta, Kinh Gotamisuttavaṇṇanā. [13] Sukkhavipassaka: Bậc Thánh Arahán không có thiền định làm nền tảng. [14] Bộ Chú giải Dhammapada, chuyện Cūḷapanthakatthera. [15] Bộ Jātaka, Chuyện Titthajātaka. -ooOoo- Ðầu trang
| Mục lục
| 1.1
| 1.2
| 1.3
| 1.4
| 1.5
| 2.1
| 2.2
| 2.3
| 2.4
| 2.5
| 3.1
| 3.2
| 3.3
| 3.4
| 3.5
| |
Chân thành cám ơn Tỳ
khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính, và chị TNM đã giúp đánh máy bổ sung
(Bình Anson, 06-2003).
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2003