Bài 12 LỘ Ý NỐI LỘ NGŨ Các Luận Sư A Tỳ Đàm có dạy rằng: Lộ ý môn đổng lực dục giới (kāmajavanamanodvāravīthi) có hai loại là: - Suddhamanodvāravīthi: Lộ ý môn thuần túy - Tadānuvattikamanodvāravīthi: Lộ ý thành tựu tiếp nối . Nghĩa là lộ ý nối tiếp theo lộ ngũ môn. I. ĐỊNH NGHĨA: 1. Lộ ý thuần túy: Là những loại lộ ý phát sanh độc lập, tự sinh khởi không có giai đoạn nối tiếp. Lộ ý này có hai trường hợp: - Chuyên bắt cảnh sắc thành tựu hiện tại (paccuppannānipphannarūpa), nên tâm lộ có HPVQ. - Nhận cảnh là sắc thành tựu quá khứ (atītanipphannarūpa) hoặc sắc thành tựu vị lai (anāgatanipphannarūpa), cảnh danh pháp, cảnh chế định và Níp-Bàn. Những tâm lộ ý môn này không có HPVQ. 2. Lộ ý nối tiếp lộ ngũ: Là lộ ý môn bắt nguồn từ lộ ngũ. Phần này nói về lộ ý nối tiếp lộ ngũ. II. PHÂN TÍCH. Lộ ý bắt nguồn từ lộ ngũ có tất cả là năm loại: Lộ ý nối tiếp lộ nhãn môn, lộ ý nối tiếp lộ nhĩ môn, lộ ý nối tiếp lộ tỷ môn, lộ ý nối tiếp lộ thiệt môn và lộ ý nối tiếp lộ thân môn. Ở đây trình bày sự diễn hoạt của hai lộ ý nối tiếp: Lộ ý nối tiếp lộ nhãn môn và Lộ ý nối tiếp lộ nhĩ môn. Lộ ý nối tiếp từ tỷ môn, thiệt môn và thân môn cũng tương tự. A - Lộ ý nối tiếp lộ nhãn môn. Lộ ý môn nối tiếp theo lộ nhãn môn, có được bốn lộ cơ bản là: Atītagahaṇavīthi: Lộ chuyển tiếp theo lộ trước * Atītagahaṇavīthi (lộ nối tiếp). Atīta là phía trước, gahaṇa là bám lấy, nên atītagahaṇavīthi là lộ bám theo lộ trước. Khi lộ nhãn môn diệt đi, trải qua hàng ngàn sát-na hữu phần cơ bản, cảnh sắc trong lộ nhãn môn đã diệt, trở thành cảnh sắc quá khứ khởi lên qua ý môn, nên tâm lộ nối tiếp này không có HPVQ, dòng hữu phần khởi lên Rúng động, rồi Dứt dòng, tiếp theo là sát-na tâm Hướng ý môn sanh lên, khi tâm Hướng ý môn diệt, thì 7 sát-na tâm đổng lực dục giới sanh lên. Nếu lộ nhãn môn có Na cảnh thì lộ ý nối tiếp cũng có Na cảnh và cảnh sắc quá khứ ở lộ này là cảnh cực rõ. Nếu lộ nhãn môn không có Na cảnh thì lộ mối tiếp chỉ đến đổng lực rồi trở về hữu phần căn bản và cảnh sắc quá khứ ỏ lộ này là cảnh rõ. * Samūhaggahaṇavīthi (lộ thu vén). Samùha là gom góp lại, nên dịch là lộ gom gọn cảnh. Khi lộ nối tiếp (atītagahaṇavīthi) diệt đi, trải qua hàng trăm hàng ngàn hữu phần cơ bản, một tâm lộ ý môn khác sanh lên để thu vén cảnh sắc quá khứ. Diễn tiến tâm lộ như sau: Rúng động, Dứt dòng, Hướng ý môn, 7 sát-na đổng lực. Nếu cảnh cực rõ thì có Na cảnh, rồi tâm lộ trở về hữu phần cơ bản. * Atthaggahaṇavīthi (lộ định nghĩa). Khi lộ gom gọn cảnh diệt đi, trải qua hàng ngàn hữu phần cơ bản, tiếp theo là lộ định nghĩa cảnh sắc. Sự định nghĩa này theo chế định (atthapaññatti). Dòng tâm diễn ra như sau: Rúng động, Dứt dòng, Hướng ý môn, 7 sát-na đổng lực, sau đó trở về hữu phần cơ bản. Ở tâm lộ này dù cảnh cực rõ hay cảnh rõ cũng không có Na cảnh, cảnh ở đây là Paññatti (chế định) nên không có thực tính cảnh, do đó tâm đổng lực không " níu kéo" cảnh. * Nāmaggahaṇavīthi (Lộ định danh). Tiếp theo lộ định nghĩa, trải qua hàng ngàn hữu phần cơ bản, một tâm lộ khác khởi lên để đỊnh danh cảnh sắc, tức là nó có phận sự đặt cho cảnh sắc một cái tên thích ứng theo ngoại hình (saṇṭhāna), cái tên này đã từng biết, nên lộ này có tên lộ định danh. Diễn tiến tâm lộ như sau: Rúng động, Dứt dòng, Hướng ý môn, 7 sát-na đổng lực rồi trở về hữu phần cơ bản, lộ này bắt cảnh Danh chế định nên không có Na cảnh. Đến đây chấm dứt một quy trình lộ ý môn nối từ nhãn môn. B - Lộ ý nối tiếp từ lộ nhĩ môn. Tiếp theo lộ nhĩ thức là tâm lộ ý thức nối tiếp. Tùy theo tính cách của cảnh thinh mà lộ ý môn nối tiếp lộ nhĩ có 4 lộ hoặc 3 lộ. Nếu bốn lộ sẽ tuần tự như sau: * Atītagahaṇavīthi (lộ nối tiếp). Sau khi tâm hữu phần kế tục lộ nhĩ thức diệt, âm hưởng cảnh thinh quá khứ lại tiếp tục xâm nhập vào ý thức. Ở đây, nói rõ hơn là những tiếng động có âm hưởng " di truyền" như tiếng chuông ngân, tiếng tụng kinh ... . khi ấy lộ nối tiếp khởi lên. Diễn tiến tâm lộ nối tiếp như sau: Rúng động, Dứt dòng, Hướng ý môn. 7 sát-na đổng lực, 2 sát-na Na cảnh (nếu tâm lộ nhĩ môn có Na cảnh và cảnh trong lộ này là cảnh cực rõ) rồi trở về hữu phần cơ bản. * Samūhaggahaṇavīthi (Lộ thu vén). Trải qua hằng trăm hằng ngàn sát-na hữu phần cơ bản sau lộ nối tiếp, kế đến là lộ thu vén cảnh thinh. Lộ này có phận sự thu vén cảnh thinh quá khứ qua âm hưởng di truyền của cảnh thinh. Diễn tiến tâm lộ như sau: Rúng động, Dứt dòng, Hướng ý môn, 7 sát na đổng lực và 2 sát-na Na cảnh (nếu 2 lộ trước có Na cảnh và cảnh ở lộ này là cảnh rất rõ), rồi trở về hữu phần cơ bản. * Atthaggahaṇavīthi (Lộ định danh). Khác với lộ ý nối lộ nhãn môn, ở đây lộ định danh lại xuất hiện trước lộ định nghĩa. Sau khi lộ thu vén cảnh thinh quá khứ diệt đi, trải qua hàng ngàn sát-na hữu phần cơ bản, tiếp theo 1 tâm lộ sanh lên có phận sự đặt cho âm thanh quá khứ 1 tên gọi thích ứng theo tính cách thế tục, như tiếng người, tiếng thú, tiếng gió, tiếng gào thét ... nên lộ này có tên gọi lộ định danh. Diễn tiến cũng giống như lộ thu vén và không có Na cảnh vì nhận chế định làm cảnh. * Atthaggahaṇavīthi (Lộ định nghĩa). Kế tiếp lộ định danh cảnh thinh là lộ định đặt ý nghĩa cảnh thinh ấy. Lộ này có phận sự nhận diện ý nghĩa của cảnh thinh như sự van nài, sự ra lịnh, sự hờn dỗi ... . Diễn tiến tâm lộ này hoàn toàn giống lộ định danh vì cũng nhận cảnh là chế định. Thế là dứt 1 quy trình tâm lộ ý thức nối tiếp từ nhĩ môn. "Lộ ý nối tiếp từ nhĩ môn có ba lộ nối tiếp" là trừ đi lộ thu vén cảnh thinh, vì cảnh thinh ở đây chỉ là những tiếng quá ngắn gọn như: A, Á ... dòng tâm thức nối tiếp sau chúng sẽ đơn giản hơn, do đó lộ thu vén không cần thiết phải hiện khởi. Có kệ ngôn như sau: "Saddaṃ paṭhamacittaṃ "Trong quá trình tiếp nhận cảnh thinh đầy đủ, tâm lộ đầu tiên là lộ nhĩ môn, tâm lộ thứ hai là lộ nối tiếp (atītagahaṇa) khởi lên bắt cảnh thinh quá khứ. Thứ ba là lộ định danh cảnh thinh, thứ tư là lộ định nghĩa". III. THÍCH GIẢI. Trên đây là trình bày diễn tiến theo mô thức cơ bản, thực ra tâm lộ diễn ra phức tạp hơn, chúng không tuần tự diễn tiến theo thứ tự đơn thuần như thế. Đối với cảnh ngũ mà chúng nhận được, tùy theo cường lực của cảnh mà số lượng mỗi tâm lộ nối tiếp nhiều hay ít. Đối với cảnh sắc, lộ nhãn môn và lộ nối tiếp (atītagahaṇavīthi) sinh diễn nối tiếp nhau liên tục hàng mấy trăm mấy ngàn lượt, sau đó là lộ thu vén (samūhaggahaṇavīthi) khởi lên, lộ này cũng lập đi lập lại hàng trăm hằng ngàn lần, mới đến lộ định danh, lộ này cũng sinh diễn hàng trăm hàng ngàn lần, sau cùng là lộ định nghĩa. Còn đối với lộ nhĩ môn, khi lộ thu vén (samūhaggahaṇavīthi) xuất hiện, lộ này diễn tiến nhiều hay ít là tùy thuộc vào cảnh thinh ấy. Cảnh thinh càng có nhiều âm thì lộ thu vén càng sinh khởi nhiều để làm phận sự gom góp, thậm chí có thể đếm không xiết, hoặc không có lộ thu vén nào đối với những cảnh thinh có đơn âm. Các Ngài dạy rằng: "Khi cảnh ngũ xuất hiện rõ ràng nơi năm vật, lập tức chúng cũng xâm nhập vào ý môn". Giống như con chim khi đậu ở cành cây, lập tức bóng của nó cũng chiếu ngay xuống đất (con chim ví như cảnh, cành cây ví như năm vật, mặt đất ví như ý môn). Vậy tại sao lộ ngũ môn và lộ ý môn nối tiếp không cùng khởi lên, mà lộ ngũ khởi lên trước?". Lộ ý tùy thuộc không thể đồng sanh cùng lộ ngũ cũng không thể sanh trước lộ ngũ, vì lộ ý tùy thuộc là quả của lộ ngũ. Đành rằng: cảnh ngũ cùng xuất hiện ở ngũ môn lẫn ý môn, nhưng cảnh ngũ là nhân, cảnh ngũ tùy thuộc (bóng dọi xuống ý môn) là quả, quả không thể nào có trước nhân. Vì sao không có lộ ngũ tùy thuộc lộ ý? Cảnh của lộ ngũ là cảnh thô thuộc bên ngoài (ngoại phần) trong thời hiện tại, là cảnh có thật, trái lại cảnh của ý môn đa dạng, có cả thô cảnh lẫn tế cảnh, có đủ cả ba thởi, nhưng đều là cảnh ở bên trong (nội phần). Hơn nữa, ý thức luôn trú ở bên trong nên ngoại cảnh đi vào bên trong là tất yếu, không có trường hợp cảnh từ bên trong thoát ra ngoài trở thành cảnh ngũ được, không thể có trường hợp người nhớ đến cha mẹ đã mất (cảnh ngũ quá khứ) thì cha mẹ trở thành hiện thực (cảnh ngũ hiện tại), hay ví như đá từ bờ vực (ngoại phần) rơi xuống vực (nội phần) thì dễ dàng, không thể có trường hợp đá từ vực sâu lăn lên bờ vực. Do vậy, không có trường hợp lộ ngũ nối tiếp theo lộ ý. Bốn lộ ý nối tiếp lộ ngũ là những lộ cơ bản, nhưng không phải hoàn toàn lúc nào cũng có bốn lộ (hay ba lộ đối với cảnh thinh), đôi khi chúng phát sanh 5 hay 6 lộ ý tùy thuộc như: a) Trường hợp thấy người vẫy tay gọi mình. Trước tiên là lộ nhãn môn khởi lên để thấy được cái vẫy tay, chỉ là thấy thôi chưa có ý niệm gì ở đây. Tiếp theo có 5 lộ ý tùy thuộc lộ nhãn môn như sau: 1- Lộ nốI tiếp (atītaggahaṇavīthi) sanh khởi nhận cảnh sắc quá khứ (là "cái vẫy tay" đã diệt mất). 2- Lộ thu vén (samūhaggahaṇavīthi), thu vén cái vẫy tay quá khứ. 3- Lộ định nghĩa (atthaggahaṇavīthi) khởi lên theo sau lộ thu vén cảnh sắc, để biết được ý nghĩa cái vẫy tay. 4- Kāyaviññattigahaṇavīthi (lộ thân bày tỏ) khởi lên tiếp theo sau lộ định nghĩa, để biết sự kiện (cái vẫy tay). 5- Adhippāyaggahaṇavīthi (lộ hiểu nghĩa cao nhất) sanh khởi kế tục lộ thân biểu tri, để hiểu ý của đối tượng (nhân vật vẫy tay). b) Trường hợp nghe người khác kêu tên, biết họ gọi mình. Có 6 lộ ý tùy thuộc diễn tiến như sau: - Trước tiên là lộ nhĩ môn (sotadvāravīthi), chỉ nghe một cách đơn thuần, chưa có ý niệm về danh hay nghĩa chế định. 1- Lộ nối tiếp lộ nhĩ, để nắm bắt cảnh thinh quá khứ. Cả hai tâm lộ này nối tiếp nhau lập đi lập lại hàng trăm hàng ngàn lần. 2- Lộ thu vén kế tục lộ nối tiếp để thu vén những âm hưởng "di truyền". Tâm lộ này cũng sinh diệt hàng trăm hàng ngàn lần tùy theo âm hưởng cảnh thinh nhiều hay ít. 3- Lộ định danh kế tục lộ thu vén, có phận sự định danh cảnh thinh theo danh chế định. 4- Lộ định nghĩa khởi lên sau lộ định danh, để hiểu cảnh thinh theo nghĩa chế định. 5. Lộ ngữ bày tỏ (vacīviññattigahaṇavīthi) khởi lên tiếp theo lộ định nghĩa, để ý thức được "ý nghĩa" tiếng gọi. 6- Lộ "hiểu nghĩa cao nhất", nối đuôi theo lộ ngữ bày tỏ, để nhận biết ý muốn của nhân vật, ý nghĩa hay mục đích tiếng gọi. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated:
08-01-2004