Bài 11 GIẢI VỀ LỘ Ý MÔN THÔNG THƯỜNG I. BÀN VỀ SỐ LƯỢNG HỮU PHẦN TRONG TÂM LỘ Ý MÔN. Đối với lộ ngũ môn, cảnh rất lớn chỉ có 1 HPVQ, cảnh lớn có 2 hay 3 HPVQ, trái lại trong Lộ ý cảnh cực rõ có đến 5HPVQ, cảnh rõ có đến 7 HPVQ, vì sao vậy? Điều này là do bản chất loại sắc đang làm cảnh cho tâm. Sắc pháp có 2 loại: sắc thô gồm 12 sắc là: Đất, lửa, gió, 4 sắc cảnh và 5 sắc thần kinh (pasādarūpa), sắc tế gồm 16 sắc pháp còn lại. Bảy sắc thô: sắc cảnh Sắc, sắc cảnh Thinh, sắc cảnh Mùi (hương), sắc cảnh Vị (gọi chung là 4 sắc cảnh), đất + lửa + gió làm thành cảnh Xúc. Tâm lộ ngũ môn chỉ nhận được 7 loại sắc này làm cảnh, tất cả những sắc còn lại làm cảnh, đều do lộ ý môn nhận bắt. Trong vấn đề này phải kể đến vai trò của Tầm tâm sở (vitakkacetasika), đặc tánh chính của Tầm là đưa các pháp đồng sanh đến cảnh và được Tác ý tâm sở (manasikāracetasika) hổ trợ. Đặc tánh chính của Tác ý là hướng các pháp đồng sanh đến cảnh. Khi cảnh đồng sanh vào sát-na HPVQ, cảnh Chủ bị hấp lực của cảnh mới làm dao động thì Tác ý tâm sở và Tầm tâm sở hướng về đối tượng lạ đang xâm nhập vào luồng hữu phần. Nếu là loại sắc thô làm cảnh thì cảnh dễ hiện bày hơn, do đó tâm sở Tầm nhanh chóng có sức mạnh để đưa các pháp đồng sanh đến đối tượng mới. Tùy theo sức mạnh của cảnh, chỉ cần từ 1 đến 3 sát-na HPVQ cảnh đã hiện bày rõ ràng và 2 tâm sở trên đã áp đặt trọn vẹn các pháp đồng sanh lên đối tượng mới. Khi sắc tế làm cảnh, vì bản chất sắc tế khó nhận hơn sắc thô, nên 2 sở hữu trên khó hiển lộ sức mạnh so với khi sắc thô làm cảnh, vì thế phải trải qua nhiều HPVQ, cảnh mới hiện bày rõ ràng và 2 sở hữu này mới có đủ sức mạnh đưa các pháp đồng sanh nhận lãnh đối tượng mới. Ví như hố cạn người không cần nhiều sức mạnh cũng nhanh chóng lên được, trái lại hố càng sâu thì phải có nhiều sức mạnh và phải có thời gian lâu hơn. Cũng vậy, khi sắc thô làm cảnh tâm sở Tầm chỉ cần có sức mạnh vừa đủ là tâm bắt được cảnh mới, trái lại khi sắc tế làm cảnh, tâm sở Tầm phải phát huy sức mạnh của mình mới đưa tâm lãnh nạp cảnh mới. Trong lộ ý, sắc thô làm cảnh hiện tại cho tâm là 5 sắc thần kinh. Như tự nhận biết mắtmình tinh hay mờ, tai thính hay lãng, mũi nhạy hay không... Ở đây, cũng nên ghi nhận rằng: cảnh của lộ ngũ mang tính rộng, còn cảnh của lộ ý mang tính sâu, ví như có hai người đi xem vải, một người quan sát khổ vải rộng hẹp (ví như cảnh của lộ ngũ), một người xem chất liệu của vải tốt hay xấu, độ dày - mỏng của vải (ví như cảnh của lộ ý). Mặt khác, trong lộ ý nếu sắc pháp làm cảnh cho tâm lộ, cũng không thể trải qua quá 7 sát-na HPVQ, nếu sắc pháp trải qua 8 sát-na HPVQ thì không đủ thời gian cho đổng lực sanh khởi. Lại nữa, sắc pháp hiển lộ sức mạnh rõ nhất ở sát-na Quyền (sát-na thứ 26), nếu trải qua 8 sát-na HPVQ, đến sát-na Hướng ý môn đã có tuổi thọ 30 sát-na tiểu, cảnh không còn rõ nét vì đã muội lược không còn là cảnh cực rõ hay rõ nữa. Chúng ta nhận thấy rõ rằng: Đối với cảnh cực rõ chót Na cảnh, chỉ có nhiều nhất 5 HPVQ. Khi vượt qua giới hạn này, tâm lộ không có Na cảnh, vì không đủ thời gian cho 2 sát-na Na cảnh. II. CHẶNG (ṭhāna) CỦA LỘ NGŨ VÀ LỘ Ý. Trong lộ ý có nhiều nhất là 3 chặng tâm khách: khai môn, đổng lực và Na cảnh. Trái lại trong lộ ngũ đôi khi có đến 7 chặng. Vì sao thế? Vì lộ ngũ không có sức mạnh bằng lộ ý, đồng thời đổng lực trong lộ ngũ phải nương vào cảnh lực để sanh lên, các tâm khách sanh lên trước đó sàng lọc cảnh kỹ luỡng, tạo điều kiện cho đổng lực sanh lên. Đổng lực trong lộ ý không cần phải nương dựa vào sức mạnh của cảnh, chủ yếu nương dựa vào sức mạnh của tâm, dĩ nhiên danh lực mạnh hơn sắc lực, nên đổng lực ở đây không cần phải nhờ vả nhiều đến cảnh Khách, chỉ cần tâm Hướng ý môn sanh khởi làm nhiệm vụ " mở cửa" là chúng có thể sinh lên ngay. Do đó, lộ ý có nhiều lắm là 3 chặng thôi. Có kệ Pāli như sau: "Vīthicittāni tīṇeva. "Trong lộ ý môn có 3 thứ tâm khách 3 thứ tâm khách là: Hướng ý môn, đổng lực và Na cảnh. 10 sát-na tâm khách: 1 Hướng ý môn, 7 sát-na đổng lực, 2 sát-na Na cảnh 41 tâm Dục giới là: 54 tâm Dục giới trừ đi ngũ song thức, 2 tâm Tiếp thâu và tâm Hướng ngũ môn. Mỗi thứ tâm khách là một chặng, nên lộ ý môn có nhiều nhất là 3 chặng. III. TÂM LỘ KHÔNG SANH TÂM KHÁCH. Trong lộ ngũ có cảnh cực tiểu, trong lộ ý có cảnh mơ hồ. Hai phần này đều không sinh khởi tâm khách, vì sao cũng được xếp vào hệ thống tâm lộ (cittavīthi)? Tuy chúng không làm khởi sanh tâm khách, các Ngài gọi là "ngoại lộ" (vimutticittavīthi) nhưng vẫn được xếp vào hệ thống tâm lộ, là vì: Tuy cảnh không có khả năng làm tâm khách sanh khởi, nhưng vẫn làm "ảnh hưởng" đến dòng tâm thức đang trôi chảy, phát sanh rúng động nơi dòng hữu phần. Sự rúng động ấy báo hiệu có cảnh lạ sắp hiện ra trong hữu phần. Ví như con ruồi bay đến lưới nhện, tuy chưa chạm vào lưới, nhưng gió từ cánh của nó làm lay động mạng nhện, báo hiệu cho nhện biết: "Con mồi sắp lao vào", nhưng sau đó con ruồi chuyển hướng khác thì thôi vậy. IV. ĐỔNG LỰC CỦA HAI TÂM LỘ. Đổng lực nơi lộ ý có sức mạnh hơn lộ ngũ, tuy nhiên trong thời điểm thông thường, đổng lực trong lộ ý bị chướng ngại nên sức mạnh ấy không hiển lộ, nhưng tiềm tàng một năng lực lớn. Những năng lực đặc biệt đều được thành tựu trong lộ ý như: chứng Thiền, đạt Đạo, nhập Thiền, thành tựu Thắng trí (abhiññāṇa). Đổng lực nơi lộ ngũ tuy không có sức mạnh bằng trong lộ ý nhưng lại cho quả nhanh hơn. Chúng ta thấy rõ điều này là: khi mắng chưỡi ai, đánh đập ai. lập tức bị mắng hay bị đánh lại ngay, hoặc là khi vị Thánh xả thiền Diệt thọ tưởng định, để tế độ người có duyên, các Ngài thường quán xét rằng: "Thiện gia tử này có đức tin nơi ta không?", khi thấy người ấy có đức tin nơi Ngài, Ngài lại quán xét tiếp: "Người này có cúng dường chi đến ta không?". Nếu thấy có, Ngài đi đến tế độ, nếu thấy không có, Ngài lại tìm đến người khác, vì năng lực của thiền này sẽ cho quả trong vòng 7 ngày, nếu không tạo phước cúng dường sẽ không có kết quả. Tuy vậy, lộ ngũ cho quả nhanh thì hoại nhanh so với lộ ý, lộ ý tuy chậm cho quả nhưng lại "dai dẳng " hơn. Trong lộ ngũ, đổng lực Sinh tiếu của vị A La Hán phát sinh ngay nụ cười máy móc, trái lại trong lộ ý chỉ là thoáng nét vui tươi trên gương mặt hiền thiện của Ngài mà thôi. Những đổng lực hỷ thọ khác trong lộ ý tạo thành sự hoan hỷ biểu hiện trên gương mặt, đôi khi tạo nụ cười thành tiếng, còn trong lộ ngũ, chúng tạo ngay nụ cười thoải mái. Sở dĩ đổng lực lộ ngũ yếu hơn đổng lực lộ ý, vì trú ở sắc ý vật phải hướng về 5 môn nhận cảnh, còn đổng lực lộ ý trú tại sắc ý vật, nhận cảnh tại sắc ý vật. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated:
08-01-2004