BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode VU-Times font


HỆ PHÁI NAM TÔNG - THERAVĀDA

KINH NHẬT TỤNG CỦA CƯ SĨ

TỲ KHEO TĂNG-ÐỊNH HỢP SOẠN

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


  

GIRIMANANDA SUTTA - (Kinh Gi-ri-ma-nan-đa)

Ta nghe như vầy:
Một thuở nọ gần thành Xá Vệ.
Phật cùng hàng tử đệ ngự yên,
Tại nơi tịnh xá KỲ VIÊN
Của Cấp Cô Ðộc làm duyên cúng dường
Lúc ấy có người vương bịnh nặng
Thầy Tỳ Khưu Gi-Ri-Ma-Nan-Ða
Chịu nhiều đau đớn thiết tha,
Xót thương Ðại Ðức A Nan Ðà trình bày
Vào đến chốn Như Lai an ngự,
Ðảnh lễ rồi cớ sự bạch qua
Rằng Gi-Ri-Ma-Nan-Ða (Girimananda)
Thầy vương chứng bịnh trầm kha não nùng
Bạch THẾ TÔN mở lòng bác ái
Dời gót vào đến tại thất riêng
Cứu thầy trong lúc ngửa nghiêng
Vì chưng bịnh hoạn triền miên lâu ngày.
Liền lúc đó NHƯ LAI bèn dạy,
A-NAN-ÐA người phải thẳng qua
Chỗ thầy Gi-Ri-Ma-Nan-Ða,
Truyền mười pháp tưởng của ta chỉ bày,
Pháp tưởng ấy tánh hay khước bịnh.
Chẳng luận là căn bịnh chóng chầy.
Nếu Gi-Ri-Ma-Nan-Ða,
Ðược nghe lập tức bịnh thầy giảm thuyên.
Mười pháp tưởng linh thiêng bao nả?
Tưởng những là Vô Ngã, Vô Thường,
Bất Tịnh lại đức tình trường.
Sự Khổ dứt bỏ thói thường cho xong,
Tưởng Tịch tịnh, tưởng không tham luyến.
Pháp thế gian lắm chuyện thị phi.
Tưởng đến những pháp hành vi.
Ðiều vô thường hết có chi bận lòng.
Lại để ý đến trong Hơi thở.
Cho đủ mười điều nhớ của ta.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng vô thường ấy nghĩa là làm sao?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp.
Ở trong rừng, ở dựa cội cây.
Hoặc nhà thanh vắng, không ai.
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
Sắc, Thọ, Tưởng liên dây, Hành thức.
Ðều vô thường một mực như nhau.
Ngũ Uẩn chẳng luận Uẩn nào.
Tỳ Khưu tưởng thấy biến mau không thường.
Nầy, A-NAN-ÐA.
Tưởng Ngũ Uẩn vô thường là vậy.
Như Lai cho tưởng ấy vô thường.
Nầy, A-NAN-ÐA.
Còn tưởng Vô Ngã con đường thế nào?
Nầy, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp.
Ở trong rừng, ở dựa cội cây.
Hoặc nhà thanh vắng, không ai.
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
Mắt cùng các sắc đây một cuộc.
Chẳng phải là vật thuộc của tạ.
Tai và các tiếng gần xa.
Cũng là chẳng phải của ta đâu nào.
Mũi lại với các mùi cả thảy.
Ðều ở ngoài, chẳng phải của ta.
Lưỡi cùng các vị phớt qua.
Thật đó chẳng phải của ta chớ lầm.
Thân thể với các mần đụng cọ.
Chớ đảo điên cho đó của ta.
Tâm cùng Pháp hà sa.
Cũng đều chẳng phải của ta mỗi phần.
Tỳ Khưu tưởng căn trần như thế.
Ngoài phạm vi, chẳng kể của ta.
Này, A-NAN-ÐA.
Pháp tưởng vô ngã đó ta đã bày.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng bất tịnh là điều chi vậy?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu tưởng thấy trong thân.
Bắt từ ngọn tóc xuống chân.
Có da bao bọc chung quanh cả mình.
Trong chứa vật nhiều hình, nhiều dáng.
Khác khác nhau nhưng đáng gớm ghê.
Tóc, lông với móng, răng, da.
Thịt, gân, xương tủy, ruột già, ruột non.
Thận, tim gan, da non, lá lách.
Phổi, phẩn, đàm, nước mắt, mồ hôi.
Mật cùng vật thực chưa tiêu.
Dầu da, mủ, máu, rất nhiều phần dơ.
Mỡ, nhớt, mũi, chẳng bao giờ thiếu.
Nước miếng cùng nước tiểu dẫy đầy.
Tỳ Khưu tưởng các vật này.
Vẫn không sạch sẽ trong thây con người.
A-NAN-ÐA vậy ngươi cố nhớ
Pháp ấy là tưởng sợ thân ta.
Này A-NAN-ÐA.
Tưởng sự khổ ấy tưởng là làm sao?
Này, A-NAN-ÐA
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp.
Ở trong rừng, ở dựa cội cây,
Hoặc nhà thanh vắng không ai,
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
Thân thể có dẫy đầy khổ não.
Tội lỗi gây quả báo về sau.
Bịnh căn khốn khó nhức đau.
Những bịnh hoạn ấy kể sao cho cùng.
Như bịnh phát phần trong tai mũi,
Trong thân hình, trong lưỡi trong đầu
Trong miệng, trong bụng, đâu đâu.
Ngoài tai, ngoài mũi, khắp hầu châu thân.
Bịnh ho, suyễn, gầy lần, bịnh nóng.
Bịnh chơn răng, các giống lác, cùi.
Bịnh bướu, sải, mụn, lôi thôi.
Bịnh phong, lao, tổn, vô hồi khó toan.
Bịnh chóng mặt, trái ban, thổ huyết.
Trĩ, đinh san, chi xiết thúi tha.
Âm san, ghẻ phỏng ngoài da.
Ðau bụng, bịnh tả, cùng là đàm xanh.
Bịnh đau máu dễ thành chứng nặng.
Bịnh mật đau, huyết trắng, phong đàm.
Bịnh bón, bịnh lậu, không kham.
Phong lở, đau mật, gió làm cho đau.
Bịnh thời khí, bịnh do đánh đập.
Do nghiệp duyên dồn dập từ xưa.
Do lạnh, do nóng không ưa.
Do đói, do khát, chẳng chừa một nhân.
Tưởng tội khổ trong thân như thế.
Pháp ấy là tưởng khổ thân ta.
Này, A-NAN-ÐA,
Còn tưởng dứt bỏ nghĩa là làm sao?
Nầy, A-NAN-ÐA
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp,
Không có lòng thọ Pháp dục chi.
Cố làm tiêu tán dứt đi.
Không cho sanh Dục-tư-duy thường tình.
Không thọ lãnh lại đành dứt bỏ.
Làm tiêu tan chẳng có chút chi.
Không cho sanh Hận-tư-duy.
Thứ lòng cố chấp nghĩ suy oán thù.
Không thọ lãnh hận thù dứt bỏ.
Làm tiêu tan chẳng có chút chi,
Không cho sanh Khốn-tư-duy.
Thứ lòng khốn khó nghĩ suy thật hành.
Không thọ lãnh lại đành dứt bỏ.
Làm tiêu tan chẳng có dư dành.
Không cho nghiệp dữ phát sanh.
Nghiệp dữ đã có không thành nhiều thêm.
Này, A-NAN-ÐA.
Pháp ấy gọi tưởng về dứt bỏ.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng dứt tình dục nghĩa là làm sao?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu đã vào Phật Pháp,
Ở trong rừng, ở dựa cội cây,
Hoặc nhà thanh vắng không ai.
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
Dứt tình dục, nơi đây bất diệt.
Là Niết Bàn trừ diệt sở hành.
Dứt bỏ phiền não chẳng sanh.
Ðoạn trừ ái dục cội căn tuyệt rồi.
Niết Bàn ấy vô hồi tịch tịnh.
Pháp môn này cao thượng sâu xa.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng dứt tình dục đó ta giáo truyền.
Này, A-NAN-ÐA.
Tưởng tịch tịnh, cơ duyên sao đó?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu trong giáo pháp này.
Ở rừng hoặc dựa cội cây.
Trong nhà vắng vẻ tưởng suy như vầy:
Pháp tịch mịch nơi đây bất diệt.
Là Niết Bàn trừ diệt sở hành.
Dứt bỏ phiền não chẳng sanh.
Ðoạn trừ ái dục cội căn tuyệt rồi.
Niết Bàn ấy vô hồi tịch tịnh.
Pháp môn này cao thượng sâu xa,
Này, A-NAN-ÐA.
Ðó là pháp tịnh mà ta giáo truyền.
Này, A-NAN-ÐA.
Sao gọi tưởng không duyên thế giới?
Này, A-NAN-ÐA.
Cái tâm này mong đợi, chấp nương.
Ái dục; với kiến thức thường.
Ðoạn kiến cùng những vị phiền thế gian.
Cái tâm ấy thuộc hàng tâm ác.
Thầy Tỳ Khưu trong pháp của ta.
Khi nào bỏ pháp ấy ra,
Không lòng cố chấp, tránh xa được rồi.
Này, A-NAN-ÐA,
Pháp ấy gọi tưởng thôi, không tiến.
Hoặc là không tham luyến thế gian.
Này, A-NAN-ÐA.
Còn tưởng hành tác vô thường là sao?
Này, A-NAN-ÐA.
Hàng Tỳ Khưu thầy nào chán nản.
Hoặc gớm ghê chẳng quản hành vi.
Này, A-NAN-ÐA.
Ðó Như Lai gọi hành vi vô thường.
Này, A-NAN-ÐA.
Thế nào gọi niệm thường hơi thở?
Này, A-NAN-ÐA.
Thầy Tỳ Khưu hoặc ở trong rừng.
Trong nhà hoặc dựa cội cây.
Nên ngồi nhắm mắt; thân ngay im līm.
Ý chơn chánh để tìm Thiền định.
Khi mọi bề yên tịnh thản nhiên,
Chú tâm đề mục tham thiền.
Nhớ biết rõ rệt, thở vào thở ra.
Thở ra dài, cùng ra hơi vắn.
Thở vô mà có vắn hay dài
Hơi vô cũng nhớ vắn dài phân minh.
Thầy Tỳ Khưu chuyên tình ròng rã.
Nhớ biết rằng: Ta đã rõ ta.
Là người biết hơi thở ra.
Niệm xong rồi mới thở ra từ từ,
Thầy Tỳ Khưu cũng như thế ấy.
Cứ chuyên cần nhớ thấy hơi vô.
Biết rằng: ta rõ hơi vô.
Niệm xong rồi mới thở vô lần lần
Thầy Tỳ Khưu chuyên cần ròng rã.
Nhớ biết rằng: ta đã biết ta.
Là người diệt hơi thở ra.
Niệm xong rồi mới thở ra từ từ.
Thầy Tỳ Khưu cũng như thế ấy.
Cứ chuyên cần, nhớ thấy hơi vô.
Biết rằng: ta diệt hơi vô.
Niệm xong rồi mới thở vô lần lần.
Thầy Tỳ Khưu chuyên cần một mực.
Ta biết rằng: ta thật biết rành,
Những điều, thọ sướng, vui mừng.
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
Thầy Tỳ Khưu cũng là một mực.
Tự biết rằng; ta thật biết rành.
Những điều thọ sướng, vui, mừng.
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô.
Thầy Tỳ Khưu tâm đồ chuyên chú.
Tự biết rằng: rõ thú yên vui.
Phân minh biết được rõ rồi.
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
Thầy Tỳ Khưu cũng là một mực.
Nhớ biết rằng: ta thật biết mùi.
Của các thú vị yên vui.
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô.
Thầy Tỳ Khưu quan hô, sát hấp.
Tự biết là rõ khắp tâm hành.
Biết cho rõ rệt đành rành.
Niệm xong rồi mới thật hành thở ra.
Thầy Tỳ Khưu tâm đà tinh tấn.
Cố chuyên cần đặng phấn chí lành.
Biết rằng: ta rõ tâm hành.
Niệm xong rồi mới thật hành thở vô.
Thầy Tỳ Khưu quan hô, sát hấp,
Tự biết rằng: diệt tắt tâm hành.
Biết cho rõ rệt đành rành.
Niệm xong rồi mới thật hành thở ra.
Thầy Tỳ Khưu tâm đà tinh tấn.
Cố chuyên cần đặng phấn chí lành.
Biết rằng: ta diệt tâm hành,
Niệm xong rồi mới thật hành thở vô.
Tỳ Khưu không mơ hồ chán nản.
Vẫn tinh cần, thanh sảng luôn luôn.
Biết rằng: ta đã rõ tâm.
Niệm xong rồi mới âm thầm thở ra,
Tỳ Khưu tự biết ta thành thiệt.
Vốn là người đã biết rõ tâm.
Biết cho rõ rệt không lầm.
Niệm xong rồi mới âm thầm thở vô.
Thầy Tỳ Khưu trong mô phạm ấy.
Vẫn chuyên cần nhớ thấy rằng ta,
Làm tâm được thơi thới ra.
Niệm xong rồi mới khởi mà thở ra
Thầy Tỳ Khưu cũng là thế ấy.
Vẫn chuyên cần nhớ thấy rằng ta.
Làm tâm được thơi thới ra.
Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô,
Thầy Tỳ Khưu nên phô nhẫn nại.
Chuyên cần rằng: ta phải giữ tâm.
Quân bình trong các cảnh trần.
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
Thầy Tỳ Khưu cũng như là trước,
Chuyên cần rằng: ta giữ được tâm.
Quân bình trong các cảnh trần.
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô,
Thầy Tỳ Khưu nguyện cho hăng hái,
Tinh cần rằng: ta giải thoát tâm.
Khỏi Pháp chướng cái cả năm.
Niệm xong rồi mới đầm đầm thở ra.
Thầy Tỳ Khưu tỏ ra hăng hái
Tinh cần rằng: Ta giải thoát tâm
Khỏi Pháp chướng cái cả năm.
Niệm xong rồi mới đầm đầm thở vô.
Thầy Tỳ Khưu xét vô thường biến.
Rằng: ta hằng, thấy hiện tinh tường.
Ngũ uẩn đều là vô thường.
Niệm xong rồi mới mở đường thở ra.
Thầy Tỳ Khưu cũng là thế đó,
Rằng: ta hằng thấy rõ tinh tường.
Ngũ uẩn đều là vô thường.
Niệm xong rồi mới mở đường thở vô,
Tỳ Khưu để, tâm vô đề mục;
Rằng: Pháp trừ tình dục mà ta,
Là người hằng được thấy qua.
Niệm xong rồi mới thở ra lần lần.
Thầy Tỳ Khưu chuyên cần đề mục.
Rằng: Pháp trừ tình dục mà ta,
Là người hằng được thấy qua.
Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô.
Thầy Tỳ Khưu, tự cho hằng thấy.
Pháp tịch tịnh, pháp ấy được yên,
Khỏi điều thống khổ triền miên.
Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra,
Thầy Tỳ Khưu rằng: Ta hằng thấy,
Pháp tịch tịnh, pháp ấy được yên.
Khỏi điều thống khổ triền miên.
Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô.
Thầy Tỳ Khưu tự cho thấy rõ.
Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,
Chuyên cần niệm chẳng trì duyên.
Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra.
Thầy Tỳ Khưu rằng: Ta thấy rõ
Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,
Chuyên cần niệm chẳng trì duyên.
Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô.
Này, A-NAN-ÐA.
Ðiều ấy gọi niệm vô hơi thở.
Này, A-NAN-ÐA.
Nếu người vào chỗ bịnh nhân.
Của GI-RI-MA-NAN-ÐA.
Ngươi nên giảng giải pháp ta chỉ bày.
Mười pháp tưởng nhân hay diệt bịnh,
Làm cho thầy GI-RI-MA-NAN-ÐA.
Chỉ trong giây phút thoáng qua.
Căn bịnh thuyên giảm chắc là không sai.
Liền theo đó A-NAN-ÐA học.
Pháp tưởng này của Ðức Thế Tôn.
Rồi đem truyền đến Sa Môn.
Người đương bịnh hoạn dập dồn bấy lâu.
Nhờ nghe được Pháp mầu quán tưởng.
Bịnh của thầy GI-RI-MA-NAN-ÐA.
Giảm thuyên rồi khỏi hẳn ra.
Chỉ trong giây phút thoáng qua không chầy.
Diệt căn bịnh của thầy trầm trọng,
Chính cho thầy GI-RI-MA-NA-ÐA.
Ðược nghe pháp tưởng sâu xa.
Phật truyền cho đức A-NAN-ÐA giải bày.

PHẬT CẢM THẮNG MA VƯƠNG

Tiết Ngươn Tiêu trời đông thêm sáng.
Nhà nhà đều sửa soạn trang hoàng,
Thảy đều tâm trí hân hoan,
Thích Ca thành đạo vẹt màn vô minh.
Ðức Giáo Chủ công trình tỏ rạng.
Là ngày Phật cảm thắng Ma Vương.
Chúng tôi đồng ý lo lường,
Cuộc lễ kỷ niệm cúng dường đêm nay.
Hoa đủ thứ chưng bày rực rỡ.
Thêm nhang đèn sáng tợ sao sa,
Thành tâm dưng cúng Phật đà.
Cầu cho tứ chúng thuận hòa bình an.
Ðây xin kể vài trang lai lịch,
Ðức Bổn Sư sự tích rõ ràng,
Lục niên khổ hạnh cơ hàn,
Bồ đề dưới cội, chẳng màng tước Vương.
Lòng mộ đạo tìm đường giải thoát,
Tâm từ bi tự giác, giác tha,
"Sanh, già, đau, chết, cho tra,
Bằng không tìm thấy chẳng xa chỗ này".
Vì đại chí Ðức Thầy đắc đạo,
Ma Vương hay táo bạo làm sai.
Quyết lòng cùng Phật tranh tài.
Binh ma tướng quỉ mười hai do tuần,
Khi được lịnh lẫy lừng la hét.
Ðám Ma Vương dùng hết thần thông,
Kẻ thì mình thú đầu rồng,
Mắt dòm thủng đất thân trông dị hình,
Còn chúa tướng phân binh bao phủ,
Biến ngàn tay cầm đủ báu ngà,
Cỡi voi như núi xông ra,
Vang rền tiếng hét cõi xa hãi hùng.
Chư Thiên sợ không trung xa lánh,
Nhưng Thế Tôn tự tánh viên thông,
Ngài ngồi, day mặt hướng đông,
Thân không xao động tâm mong cứu đời,
Ma Vương lại dùng lời hăm dọa,
Sĩ Ðạt Ta mau trả bồ đoàn,
Bằng không tánh mạng chẳng toàn.
Mau ra khỏi đó cựu bang phản hồi.
Trên bồ đoàn Phật ngồi trầm tĩnh,
Như Phạm Thiên nhập định chẳng nao.
Ma Vương "ngươi tạo kiếp nào?"
Ðâu là chứng cớ hãy mau phân tường.
Ðã không chứng Ma Vương chẳng ngại.
Sẵn tướng binh chỉ đại cho rồi,
Ma Vương, ngươi chớ nhiều lời.
Những điều vô lý nói thời ích chi,
Bồ đoàn mọc, quả tùy nhân trước.
Ba La Mật là phước của ta,
Nghiêng đầu ngó xuống nói ra.
Trái đất là chứng của ta đó mà,
Ðất chuyển động nghe ra ghê sợ.
Tỏ ý rằng chứng cớ có thừa.
Thế Tôn nhớ lại kiếp xưa,
Giàu lòng đại thí thấy thừa ấm no,
Tên trước Quê Sanh Tô nhớ kỹ;
Bố thí cho tám vị bàn môn,
Tâm Ngài mát mẻ luôn luôn,
Voi Mê Khá Lá chạy tuôn lại quỳ.
Lúc ấy tâm từ bi Ngài rải.
Bọn Ma Vương đều phải tránh xa.
Chư Thiên thế giới ta bà,
Tiêu thiều nhạc thổi hát ca vui mừng,
Ðồng tỏ ý cúng dường lễ bái.
Rồi cùng nhau trở lại chỗ mình,
Phật ngồi nhắm mắt làm thinh.
Tham thiền đắc Túc mạng Minh buổi đầu.
Bao nhiêu kiếp quá lâu đều rõ,
Trời, thú, người, lớn, nhỏ kiếp xưa,
Bốn A tăng kỳ cũng chưa,
Thêm trăm ngàn kiếp mới vừa đến đây,
Ðến nửa đêm rồi Ngài quả đắc,
Thiên nhãn Minh được chắc thấy rồi.
Chúng sanh, sanh tử, luân hồi,
Không ngừng do nghiệp cuốn lôi quả lành.
Rạng đông Lậu tận Minh Ngài đắc,
Ðều rung rinh chuyển lắc núi sông.
Dường như cảnh vật cũng đồng,
Hân hoan, đắc quả thành công Phật thầy.
Cây cối thảy trổ đầy bông trái,
Chim muôn đều múa nhảy reo ca.
Vui mừng biến động xảy ra.
Do Ngài đắc đạo đó mà phát sanh.
Khi Bồ Tát đắc thành Chánh Giác,
Tâm đại bi đã phát sanh ra.
Ngài đi khắp cõi Ta Bà,
Ðặng lo phương cứu, khổ mà chúng sanh.
Năm điều Ngài thật hành Phật luật,
Buổi sáng ra khất thực trì bình.
Chẳng phân sằn giả, thị thành,
Quân, dân, giàu, khó đều xin khắp cùng.
Chinh xế thuyết pháp cùng đánh thức.
Chúng sanh rõ lộ thực Niết Bàn,
Tối hội Tỳ Khưu các hàng,
Giải rành kinh luật sẵn sàng hy sanh.
Chớ thối thác việc lành nào cả,
Dầu nhỏ to chớ khá bỏ qua,
Lúc khuya Thiên chúng đến mà,
Hỏi điều nghi ngại cho ra tỏ tường.
Gần sáng lúc Ngài thường suy xét,
Ðặng tìm cho rõ biết căn nguyên,
Chúng sanh nào có căn duyên.
Xem ra thật đáng độ liền chẳng sai,
Thuở lão niên Phật, Ngài ngự quá.
Trong vườn, thành Vương Xá ít lâu,
Rồi sang qua xứ Vê Lu.
Trót ngàn người đến lễ hầu vấn an.
Trong lúc ấy Ngài đang thọ bịnh.
Nhưng vẫn còn bình tĩnh như thường.
Cũng không rên xiết bi thương,
Do nhờ quán tưởng vô thường thanh cao.
Ðức A Nan liền vào bạch Phật,
Nay Thế Tôn bịnh nặng thật rồi.
Con đây lo sợ bồi hồi,
Nhưng Ngài sắp nhập lên nơi Niết Bàn.
Xin Thế Tôn lời ban cho biết,
Bằng làm thinh quả quyết không sao,
Phải chăng chưa rõ âm hao,
Xin Ngài bày tỏ bề nào cho xong
A Nan đã có lòng nguyện vọng,
Cầu cho ta bịnh trọng giảm đi.
Chẳng nên quyến luyến làm chi,
Thân già này phải có kỳ bỏ thôi.
Như xe cũ mục rồi cũng thế,
Muốn xài phải tái chế mới xong,
A Nan, chớ tính viễn vong,
Ðến việc đó nữa mà lòng thêm nao.
Mình tự lấy dồi trau toàn thiện,
Ðừng để tâm thối chuyển đi thôi,
Phước lành ngươi khá tô bồi,
Nay ta dạy bảo mấy lời bạch minh.
Rằm tháng Miệt vào thành Vương Xá,
Khất thực và độ đã xong rồi,
Sang nơi thanh tịnh nghỉ ngơi.
Nền tháp Ba Qua là nơi sẵn sàng.
Bề săn sóc A Nan lo liệu,
Cho đến đường đại tiểu đủ điều,
Vì từ bi Phật bèn kêu,
A Nan, như có mệt nhiều nghỉ đi.
Vâng lời dạy bèn đi nghỉ thật,
Ma Vương vào lễ Phật nghiêm trang.
Thỉnh Ngài mau nhập Niết Bàn,
Phật rằng ta đã tính toan an bài:
Ba tháng nữa Như Lai nhập diệt.
Ma Vương đừng cố chấp việc ni.
Phật nói vừa dứt liền khi.
Ðất nước cây núi tức thì chuyển rung,
Nổ vang, thảy như đồng tỏ ý,
Không muốn Ngài nhập nghỉ Niết Bàn,
A Nan kinh sợ chẳng an,
Bèn vào bạch Phật cho rành việc chi.
Phật thuật lại rằng vì ta hứa,
Chỉ còn ba tháng nữa chẳng lâu,
Ma Vương đã đến thỉnh cầu.
Niết bàn hứa nhập đã âu định kỳ,
A Nan bạch xin trì hoãn lại.
Thêm ngày giờ rộng rãi về sau.
Thế Tôn rằng: "Chẳng đặng đâu".
Một lời ta hứa khó hầu đơn sai.
Rằm tháng Miệt là ngày nhắc lại.
Từ quá khứ, hiện tại, vị lại,
Chư Phật hội lại, thường hay.
Phật ngôn diễn giải tỏ bày giác tri.
Kinh Ô Qua Ðá Ba Ti Mốt Khá,
Ðược giải bày đủ mặt Thánh Tăng,
Sự hội hiệp ấy gọi rằng,
Là kỳ đại hội Thánh Tăng, nhóm kỳ
Phật xưa hội ba lần mỗi vị,
Ðức Thích Ca hội chỉ một lần,
Ngàn hai năm chục Thánh Tăng,
"Ê Hí Phích Khú" tạo nhân phước nhiều.
Không mời thỉnh thảy đều đến dự.
Hội Thánh Tăng đông đủ xa gần:
Ðúng ngày hội họp một lần.
Không sau, không trước oai thần thêm tăng,
Chư Thánh Tăng thiện căn đầy đủ,
Chùa Trúc Lâm Giáo Chủ Thích Ca,
Lập thành thánh hội Tăng Già,
La Hán quả đắc cả mà Thánh Tăng.
Hàng đệ tử đại căn đủ cả.
Kỳ hội này chứng quả đứng trên,
Hai vị đệ tử có tên,
Ðắc A La Hán nhập lên Niết Bàn,
Mục Kiền Liên ngày sang thứ bảy,
Xá Lợi Phất cũng lại tới phiên,
Ngày thứ mười lăm tiếp liền,
Niết Bàn đồng nhập đặng yên hai Ngài.
Rằm tháng tư là ngày Phật nhập.
Công Ðức Ngài độ khắp cũng vừa.
Ðến đây quả phước có thừa,
Niết Bàn Ngài nhập lúc vừa rạng đông.
Chúng tôi thảy hết lòng ngưỡng mộ,
Sanh sau khi diệt độ của Ngài.
Tâm thành dưng cúng đêm nay,
Ngưỡng cầu kết quả đến ngày vô sanh,
Nay Tăng chúng thừa hành giáo pháp,
Của cha lành đã nhập Niết Bàn,
Thiện nam, Tín nữ lưỡng ban.
Xin chia vui, khổ, nhiệt, hàn cùng Tăng.
Tu hành rán siêng năng thành thật,
Ðặng ngày sau sau gặp Phật kế Ngài,
Di Lạc Phật Tổ vị lai.
Cùng nhau chung hưởng phước hoài bền lâu.
Chúng tôi thảy cúi đầu lễ bái,
Phật quá khứ, hiện tại, vị lai.
Mong cầu giáo pháp còn hoài,
Tứ chúng hòa hiệp hoằng khai đạo mầu.

PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

Thuở Phật bảo tám mươi tuổi thọ,
Bốn mươi lăm (45) hạ võ vẹn toàn.
Lúc Ngài gần nhập Niết Bàn,
Còn châu du, độ khắp hàng sanh linh.
Thành Ba Qua (Pāvā) hành trình tân khổ,
Cùng học trò vào độ năm trăm.
Chi nài bao dặm xa xăm,
Vì thương nhơn loại vĩnh trầm thế gian.
Ðến chốn ngự dưới tàng cây cả,
Giữa vườn xoài của gã Chuôn Ðá (Cunda).
Chủ vườn thấy rõ Phật Ðà,
Nỗi mừng chẳng có chi mà cân phân.
Ðến trước Phật ân cần đảnh lễ,
Bạch thỉnh Ngài, tôn thể ngự an.
Phật bèn thuyết pháp răn khuyên,
Giải rành đạo quả độ liền chủ nhân.
CHUÔN ÐÁ được ngộ phần diệu pháp,
Thỉnh Thế Tôn cùng Giác Thinh Văn.
Về nhà bố thí trai Tăng,
Sắm sanh thực phẩm thành tâm cúng dường.
Món thịt lợn mùi hương vị hậu,
Dâng Thế Tôn tỏ dấu hân hoan.
Phật dùng nhưng vẫn lo toan,
Biết là thịt độc cấm đoàn Tỳ Khưu.
Sợ liên lụy Ngài mưu dứt hại,
Dạy thịt dư kíp phải chôn ngay.
Lễ xong trở lại vườn xoài,
Thọ bịnh kiết lỵ tại ngày hôm nay.
Bịnh trầm trọng thêm hoài không dứt,
Lỵ nhiều lần hết sức chuyển di.
Nhưng Ngài nhẫn nại ra đi,
Dắt Tăng chúng giả chốn ni khởi hành,
Qua nước khác, đồng thanh trực chỉ.
Nhắm sang thành Kú-Sí-Na-Ra, (Kusinārā)
Dặm trường cách trở còn xa,
Thế Tôn mệt nhọc rẽ qua bên đường,
Ðã nóng nảy lại thêm khát nước.
Dưới cụm rừng dừng bước nhìn quanh,
Thấy nước vẫn có gần bên,
Truyền A Nan múc dâng lên Ngài dùng.
A Nan lại bạch cùng Ðại Giác.
Rán đến gần chốn khác múc dâng.
Nước đây đục lộn cặn bùn.
Vết xe thương mãi muôn trùng vừa qua.
Ðức Thế Tôn thiết tha nhiều lượt.
Rằng: Ta đương khát nước lắm ôi!
A Nan thương Phật vô hồi.
Mang bình múc nước đục, rồi dâng lên,
Lạ thay nước trở nên trong sạch.
Nhờ phước Ba la mật của Ngài.
Ðộ rồi, cũng vẹt góc gai.
Băng rừng, tẻ tắt, một ngày đến nơi.
Tới quốc độ, mòn hơi kiệt lực,
Thế Tôn vào lập tức vườn hoa,
Của vua Kú-Sí-Na-Ra,
Muôn phần tốt đẹp, cỏ hoa đủ màu.
Song Long thọ nhành giao mát mẻ,
Tảng đá to, đẹp đẽ, chỉnh tề.
Ðứng ngay giữa rạng sum suê,
Truyền A Nan trải tăng già lê Ngài nằm.
Khi an ngọa đầu nhầm hướng Bắc,
Nằm nghiêm mình day mặt Tây phương.
Thế Tôn nhứt định một đường,
Ðến giờ nhập diệt vẫn nương chốn này.
Ân đức cảm đôi cây Long thọ,
Trổ hoa lành ý tỏ cúng dường.
Dạy A Nan kíp lên đường.
Tâu vua MÁ-LÁ ngài tường âm hao,
Rằng Như Lai đã vào vườn ngự;
Xin chốn này để dự Niết Bàn,
Vua nghe sắm sửa vội vàng.
Nhằm vườn Thượng Uyển ngài sang lạ y mầng.
Trên thiên sàng Phật gần đuối sức,
Vắn tắt lời độ bậc Chí Tôn.
Mãi chiều khuất bóng hoàng hôn,
Vua về với một tâm hồn ủ ê.
Ðem khuya khoắt, tứ bề vắng vẻ,
Bỗng một chàng lặng lẽ từ xa.
Gã này tên SU-PHÁCH-ÐA (Subhadda),
Xin vào yết kiến Phật Ðà một phen.
Vị Chánh Ðẳng đang yên tịnh trí.
Nên A Nan sở dĩ cản ngăn,
Phật hay bèn dạy A Nan.
Muốn hỏi kinh luật, cho chàng vào đây,
Dáng sợ sệt vẻ đầy cung kính.
Lạy Phật rồi trấn định ngồi an,
Nghiêng đầu hướng đến thiên sàng.
Hỏi Phật những việc nghi nan của mình,
Bạch Ðại Giác thuyết minh Chánh giáo,
Có Sa Môn ngoài đạo của Ngài.
Pháp hành có được lâu dài.
Tâm Phật có vọng, sợ hoài hay không?
Tùy lời hỏi, đáp rằng không có,
Nhóm Sa Môn ngoài ngõ Như Lai.
Pháp hành thật chẳng lâu dài,
Tâm Phật chỉ có yên hoài mà thôi,
Chẳng sợ hãi, dứt rồi vọng móng,
Sanh như chơn của giống phi cầm,
Bay trong không khí bao năm,
Chẳng rơi dấu tích khá tầm trên không,
Su-Phách-Ða dứt lòng nghi ngại,
Nghe pháp rồi cúi lạy Thế Tôn.
Xin Ngài cho phép nhập môn,
Xuất gia theo đạo bảo tồn căn cơ.
Phật cho phép rồi nhờ đạo hữu,
Lễ xuất gia thành tựu buổi này.
Ấy là học trò chót đây.
Lễ xong Phật dạy cho thầy cần chuyên.
Sú-Phách-Ða tham thiền nhập định,
Cố gắng cho yên tịnh nỗi lòng.
Chỉ trong chốc lát cần công.
Ðắc A La Hán suốt thông hoàn toàn.
Thắm thoát đã đêm trường đúng nửa.
Phật mở lời dạy sửa chư Tăng
Lấy điều kinh luật làm răn,
Cùng là Tam Học phải hằng nhớ ghi.
Bấy nhiêu đó, giáo di tối hậu.
Rồi Ngài cho hiểu thấu sự tình.
Rằng trời vừa đúng bình minh,
Như Lai ắt nhập vô sinh Niết Bàn.
Khắp đệ tử về hàng La Hán,
Khi nghe rồi chỉ quán nén thương,
Vô ngã, Khổ não, Vô thường.
Ba tướng xét rõ nhờ đường huệ minh.
Riêng A Nan liên thinh kêu khóc,
Bỏ ra đi dựa gốc cửa ngoài.
Kể rằng: Ðại Giác hỡi Ngài,
Rất nhiều ơn đức cao dày lắm thay,
Nỡ nào chẳng đoái hoài, dứt bỏ,
Vội nhập vô lượng thọ Niết Bàn,
Con đường tấn hóa dứt ngang,
Thật vô thường, mới hiệp tan không chừng.
Thế Tôn hỡi! Dửng dưng bao nả,
Chính tôi đây ròng rã phụng thờ.
Nhưng xét cho đến bây giờ,
Chưa đắc La Hán, biết chờ bao lâu!
Lúc ấy Phật cất đầu lên ngó,
Dạy chư Tăng ra ngõ kêu vào.
Dùng lời an ủi thanh cao,
Rằng A Nan hỡi ! Bớt nao tấm lòng.
Ngươi chớ khá hoài công hối tiếc,
Thói thường tình nên diệt cho an.
Sau khi Ta nhập Niết Bàn,
Về sau Tăng chúng lập đàn niệm kinh.
Ngươi sẽ được thông minh sáng láng,
Ðắc đạo thành La Hán chẳng sai,
Phủ dụ A Nan an bài,
Rồi Phật lại dạy! Hỡi này A Nan.
Pháp luật vốn con đàng siêu việt,
Tam học điều pháp thiệt của Ta.
Như Lai đã diễn giải ra.
Các hàng Phật tử nhớ mà hành theo.
Còn tại thế Ta gieo giống quí
Ðem pháp lành rải chí các loài.
Hành theo giải thoát nạn tai,
Ba đường kết quả lâu dài an vui.
Về sau chớ dễ duôi biếng nhác,
Ta tịch rồi chơn pháp là Thầy.
Chơn pháp Như Lai giải bày,
Nếu đem phân loại vắn dài định san.
Tám muôn với bốn ngàn pháp thiệt,
Ðộ sanh linh tiêu diệt trầm oan.
Như vầng trăng tỏ rõ ràng,
Chiếu khắp ba cõi vẹt màn u minh,
Khắp các giống hữu tình nam nữ,
Cả Thiện nam, Tín nữ, Tăng Ni.
Nếu tu vào đạo trở đi,
Mà vâng giữ đúng pháp di giáo truyền.
Mới được gọi cần chuyên nghiêm chỉnh,
Ðem hết lòng thờ kính Thế Tôn,
Làm cho Phật pháp trường tồn,
Chẳng hư chẳng hoại một môn Pháp nào.
Ðó là cách tối cao dâng cúng,
Còn quí hơn thờ phụng viễn vong.
Khi Ngài thuyết pháp vừa xong.
A Nan bạch hỏi cho thông lẽ này.
Như sau lúc đức Thầy nhập diệt,
Táng thi hài, công việc làm sao.
Câu hỏi thiệt rất thanh cao?
Ðể cho đệ tử cùng nhau thiệt hành.
Nhưng Ðức Phật vội vàng ngăn cản,
Ðức A Nan chẳng nản chí mình.
Hỏi đôi ba lượt, liên thinh.
Thế Tôn Ngài mới niệm tình dạy cho,
Nếu có người đến lo tang lễ,
Ngươi bảo, theo thể lệ Ðại Vương,
Xác vua, Hoàng tộc vẫn thường,
Dùng toàn vải trắng nhiều trương bao tròn.
Bao bọc kỹ để vào hòm sắt,
Rưới nước hoa cùng khắp trong ngoài,
Ðể hòm lên giữa hỏa đài,
Nổi lửa thiêu đốt, thi hài cháy tan,
Sau hỏa táng, tro tàn, xương sót,
Lượm hốt đem vào tháp an bài.
Cho người chiêm bái hằng ngày,
Sớm được tấn hóa, lâu dài bình an.
Ðó hậu sự vẹn toàn cơ thể,
Ðức Thế Tôn thành thế an phần
Rồi kêu Tăng chúng lại gần,
Ngài đem chơn lý phân trần thiệt hơn.
Này Tăng chúng chớ sờn tấc dạ
Giờ Niết Bàn nay đã tới nơi,
Nên ta vắn tắt mấy lời,
Các ngươi nên nhớ trọn đời chớ quên.
Vì tạo tác, sanh lên ba cõi,
Dầu thú, người, chẳng khỏi một phen.
Rã tan chẳng luận sang hèn,
Hữu sanh hữu diệt thói quen thường tình.
Các ngươi hãy đinh ninh suy xét,
Rán phụng hành những Pháp cao siêu.
Mau cho thành tựu đủ điều,
Mựa đừng giải đãi mất nhiều thời gian.
Phải cố gắng tu hành thành thật.
Ðặng kịp khi có Phật Pháp truyền,
Vì chưng ít được cơ duyên,
Gặp Pháp quí báu, như thuyền độ cho.
Căn dặn bảo học trò vừa dứt,
Ðức Thế Tôn lập tức định an,
Nhập luôn vào cõi Niết Bàn,
Vui miền Cực Lạc, giữa hàng Thinh Văn.
Chúng tôi thảy băn khoăn nhớ tiếc,
Sanh sau khi nhập diệt của Ngài,
Lòng thành lễ Phật hôm nay,
Ngưỡng cầu tấn hóa đến ngày vô sanh.

TIỂU SỬ PHẬT THÍCH CA

Kính lạy Phật từ bi quảng đại,
Vì chúng sanh muôn loại đảo điên,
Luân hồi khổ não triền miên,
Mời tìm phương giải lửa phiền đốt thân,
Kính lạy Pháp nguồn ân khôn trả.
Nẻo quang minh mô tả rõ ràng,
Ðời còn lắm kẻ lầm than,
Nên thuyền Bát Nhã sẵn sàng đợi đưa
Kính lạy Tăng người thừa chí cả,
Thay Thế Tôn hoằng hóa đạo mầu,
Vô minh khỏi phải lo âu,
Rọi đèn cứu khổ dẫn đầu chúng sanh.
Trước điện Phật tâm thành đảnh lễ,
Ðệ tử nguyền xin kể một thiên,
Sử Ngài từ buổi ấu niên,
Ðến khi đắc quả làm duyên độ dời.
Trải bao kiếp chơi vơi bể khổ,
Dốc một lòng phổ độ chúng sanh.
Phước vừa nên quả tốt lành,
Từ cung Ðâu Suất thoát sanh xuống trần
Trung Ấn Ðộ cung Tần trổi nhạc.
Khánh thanh bình hoan lạc vua tôi.
Chỉ còn Hoàng Hậu hiếm hoi,
Ðêm ngày cầu nguyện phước trời ban cho.
Cảnh tịch mịch đắn đo phận xấu,
Ðức MA DA Hoàng Hậu âu sầu.
Một mình trằn trọc đêm thâu,
Bên tai vẳng tiếng trống lầu trở canh.
Trí vẩn vơ chợt thành giấc mộng,
Thấy mây lành linh động năm màu.
Ðỡ con bạch tượng lớn cao,
Sáu ngà hùng dũng húc vào bên hông,
Chợt tỉnh lại giấc nồng uể oải,
Thuật mấy điều kinh hãi làm sao,
Vua nghe chưa biết lẽ nào,
Ðợi bình minh đến lâm trào sẽ hay.
Trống long phụng dằng dai vừa dứt,
Ðiện Cửu trùng lập tức ngự ra.
Ðức vua SÚT-THÔ-ÐÁ-NA, (Suddhodana)
Hạ lời phán hỏi bốn nhà Khâm Thiên.
Ðiềm mộng ấy dữ hiền bao nả,
Chư hiền khanh thong thả luận bàn.
Bá quan quì trước trào đàng,
Tung hô cung chúc Thánh hoàng tường tri
Mừng vận nước CA-BÌ-LA-VỆ, (Kāpīlavatthu)
Sau các vị chúa tể hiền minh.
Chiêm bao điềm ấy rất lành,
Quyết rằng Hoàng hậu trong mình thọ thai,
Ngày tháng tợ tên bay thấm thoát,
Gần đến kỳ thập ngoạt cưu mang.
Cung nga xe giá sẵn sàng,
Lịnh đức Hoàng hậu cựu bang lâm bồn.
Giục gió câu bôn chôn hạng mã,
Vầy một đoàn vội vã hồi hương.
Xe đi vừa được nửa đường,
Chọn nơi nghỉ tại vườn LUM-BI-NI.
Màu cây cỏ đang thi rực rỡ,
Trăm thứ hoa đua nở nực nồng.
Hiếu kỳ Hoàng hậu hái bông.
Thai nhi chuyển động xổ lồng một trai.
Ðức vua vốn đêm ngày mong mỏi,
Ðược tin mừng vội gọi thị thần.
Các ngươi khá kíp ân cần,
Kiệu loan đến rước lầu tần hồi qui.
Trổ Hoàng Tử phương phi diện mạo.
Vui tưng bừng huyên náo quốc gia.
Ðặt tên là SĨ-ÐẠT-TA. (Siddhattha)
Lửa hương nối Gô-Ta-Ma họ Ngài.
Bữa sau lại có thầy đạo sĩ,
A-SÍ-TA tâm trí khác thường.
Thoáng nghe tán đấng hiền lương.
Ðến thành dâng biểu xem tường Ðông Cung.
Rất đẹp dạ cửu trùng chuẩn tấu.
Lịnh truyền cho Hoàng hậu trong tòa.
Mau bồng Thái Tử ngự ra.
Xem xong thầy mới tâu ra mấy lời.
Bởi Thánh Thượng phước trời dành để.
Sau Ðông Cung chín bệ nối ngôi,
Bốn phương thiên hạ làm tôi,
Băm hai (32) tường lạ quí thôi ai bì.
Bằng đến lớn Ngài vì mộ đạo,
Quyết một lòng khoác áo tu hành.
Ắt là thành Phật siêu sanh,
Xét cho thật kỹ số đành xuất gia.
Vua nghe lạ hỏi qua mọi lẽ,
Vì cớ chi phân kể đôi đường.
Thầy rằng Thái Tử khi tường,
Bốn điều hiện tượng tìm đường thoát thân. [*]
Ðương giữa lúc xa gần vui vẻ,
Tại đâu vui chia rẽ phụng loan.
Thảm thay nguyệt khuyết hoa tàn,
Ðau lòng ly biệt lụy tràn tuôn rơi.
Xanh lồng lộng màn trời một tấm.
Trắng minh mông biển thắm bao la.
Ô hô! Hoàng Hậu MA-DA,
Bảy ngày sanh sản vừa qua thăng hà.
Con còn nhỏ vợ đà khuất bóng,
Dưỡng ấu nhi hướng vọng vào nàng,
GÔ-TA-MI thứ hậu đảm đang
Tận tâm giáo dưỡng Tử Hoàng từ đây.
Năm sáu tuổi tuyển thầy học hỏi.
Toàn bậc kỳ tài giỏi chuyên môn.
Ðông cung được nức tiếng đồn,
Văn hay võ giỏi tính khôn lạ đời.
Thấy tánh trẻ sớm thời đỉnh ngộ.
Nhớ lời thầy bàn số năm xưa.
Vua bèn kiếm cách ngăn ngừa.
Giữ sao Thái Tử sớm trưa trong lầu.
Xây ba tòa đài cao lộng lẫy.
Chọn gái trai đồng thảy một trang.
Cho cùng Thái Tử hiệp đoàn.
Vui vầy bạn tác an nhàn thâm cung.
Vừa mười sáu (16) hình dung tuấn tú.
Ðức Ðông Cung khí vũ hiên ngang.
Vua cha kén gái nhành vàng.
Con vua một nước lân bang cùng Ngài.
Bề đức hạnh đành ai sánh lại.
Thấm hoa nhường liễu ngại kém xinh.
Mặt mày đầy vẻ đoan thanh.
Cưới cho Thái Tử duyên lành xứng đôi.
Vua cha lại nhường ngôi cửu ngũ.
Thêm cung gia bài thú ca xang.
Trà khuya rượu sớm bĩ bàng,
Ðủ mùi phú túc cao sang trên đời.
Già vững dạ dụng mồi trần thế,
Nhưng tân quân nào có kể chi.
Chẳng qua ăn thuở ở thì,
Một lòng hiếu thuận phải tùy vua cha.
Tâm Ngài đã cách xa thế tục,
Hăm chín (29) xuân câu thúc buộc ràng.
Một hôm tâu lịnh phụ hoàng,
Xin cho ra khỏi hoàng cung xem thời.
Vua cha dạy khắp nơi y lịnh,
Buộc kẻ già người bịnh tránh xa.
Cửa Ðông xe giá dạo qua,
Người người lòe loẹt cửa nhà tốt xinh.
Vui cảnh vật tâm linh thơi thới,
Ấy bước đầu Ngài mới trải sang.
Bỗng đâu lại thấy bên đàng,
Một già lụm cụm võ vàng xanh xao.
Hỏi thị vệ người sao lại thế?
Quan hầu gần kính nể tâu qua.
Người sanh ắt phải có già,
Nghe buồn trở lại trí đà vẩn vơ.
Già lụm cụm mắt lờ tai điếc,
Thời tráng niên oanh liệt còn đâu.
Bực mình Ngài xét nông sâu,
Bâng khuâng như oán như sầu nỗi riêng.
Già ám ảnh không yên tấc dạ,
Lại dạo chơi khuây khỏa tâm hồn.
Xe ngài ra phía Nam môn,
Xem cho biết cách sanh tồn dân gian.
Thấy trăm họ lầm than vất vả,
Chẳng mấy người nhàn nhã yên vui.
Thoạt Ngài gặp một kẻ cùi,
Ðầy mình lở lói tanh hôi khôn cùng.
Buồn nung nấu Hoàng cung trở lại,
Phán hỏi rằng bởi tại cớ sao.
Thị thần giải tỏ âm hao,
Có thân phải chịu ốm đau tật nguyền.
Bịnh tật khổ chẳng kiêng giàu khó.
Cái ách chung nào có riêng ai.
Nghiệp trần nhiều nỗi đắng cay,
Thê lương Ngài những vắn dài thở than.
Gẫm bịnh khổ lòng vàng ái ngại.
Lấp cơn sầu Ngài lại dạo chơi.
Thành Tây xe giá tới nơi
Non xanh nước bích khắp trời thanh tươi.
Bước ruổi dung đương vui cảnh vật,
Bỗng bên đường thấy một tử thi.
Ðiểu cầm cấu xé chẳng vì.
Ðể Ngài khán tận thây thi rõ ràng.
Vóc khô khan trông cùng thảm đạm.
Sắc dợt xanh thê thảm khác thường.
Cảnh tình trông rất thê lương,
Trở về Ngài những bi thương nhọc nhằn.
Ðời là khổ muôn ngàn cảnh khổ.
Bịnh, chết, già thêm chỗ biệt ly,
Thân người nào có ra gì.
Phải chăng cỏi tạm khi đi lúc về,
Buồn dồn dập tràn trề tâm thảm.
Nỗi niềm riêng nặng cảm bên lòng.
Cuộc đời có có không không.
Muốn vui lại khổ còn mong làm gì.
Suy cạn lẽ kiếp thì đáng chán,
Cõi phù sanh ngao ngán hằng ngày,
Biết sao tránh khỏi nạn tai,
Tìm chưa ra lẽ nên Ngài dạo chơi,
Ra cửa Bắc lòng hơi hoan lạc,
Cảnh thôn quê mộc mạc, thiên nhiên.
Mãn vui tạm dập nỗi phiền,
Thình līnh Ngài thấy trước hiên một Thầy.
Ðã thế phát, vẻ đầy nhàn lạc,
Thân đắp y mang bát đi ra.
Trông người đức hạnh ôn hòa,
Tâm vui lẽ đạo thân xa sự đời.
Lịnh đình giá buông lời phỏng vấn,
Vì cớ chi ăn bận khác thường.
Thầy rằng: tôi sải du phương,
Tu mong thoát khỏi con đường tử sanh.
Mừng khắp khởi nghe rành lẽ đạo,
Cũng căn duyên cơ xảo gặp Thầy.
Bỏ công tìm kiếm đêm ngày,
Nay đà gở được mối dây lo sầu.
Dường thấu lẽ nhiệm mầu tạo hóa,
Truyền thị thần vội vã trở ra.
Về thành tâu lịnh vua cha,
Nay con quyết chí xuất gia tu hành.
Cha hết dạ ân cần than thở,
Con nỡ nào bỏ vợ lìa cha,
Rồi đây một tấm sơn hà,
Lấy ai toan liệu nước nhà chung lo.
Thêm vương tước DÁ-SÔ-THÁ-RA.
Ðương hoài thai nay đã muộn màng.
Sao đành dứt nghĩa tào khang.
Con đi ắt để cho nàng sầu bi,
Lòng quả quyết tâu quì trước bệ.
Nếu vua cha có thể tính xong.
Ba điều con chỉ ước mong.
Ðừng già, đau, chết con trông ở đời.
Thấy con trẻ không dời chí nguyện.
Làm vua cha liệu biện rối bời.
Truyền cho quân lính khắp nơi.
Ðêm ngày canh giữ không rời Hoàng cung.
Phải một nổi cha không ưng thuận...
Lại thê nhi cũng bận thửa lòng,
Âm thầm gạn đục lóng trong,
Ðể chờ cơ hội thoát vòng trói trăn.
Lửa càng dập càng tăng sức cháy.
Mối đạo tâm phát mãi nhiều lần.
Duyên kỳ hầu đã đến gần.
Khiến nên có bốn Thiên thần đến trêu
Hóa hình người đặng khêu lòng đạo.
Nhắc cho Ngài bịnh, lão, tử, Tăng.
Viêm lương dày xéo trói trăn,
Tiếc chi những cái không cần phải lo.
Giờ khắc qua mau so tên vút,
Hoàng hậu đà đến lúc trổ hoa,
Sanh trai khuôn đúc giống cha
Từ đây có RA-HẦU-LA nối dòng.
Vui thay buổi vợ chồng, đoàn tụ,
Hạnh phúc này tròn đủ một tòa,
Vui này dường gió thoảng qua,
Trí Ngài vơ vẩn xuất gia tu hành.
Rày quyết chí thật hành lẽ đạo,
Nhân Hoàng cung huyên náo trào thần.
Yến diên thiết đãi quan quân,
Nên bề canh giữ kém phần khắc nghiêm.
Mất dịp may không tìm lại đặng,
Ngài mật truyền căn dặn CHANH-NA. (Channa)
Ðêm nay vừa lúc canh ba,
Thắt yên "Kiền Trắc" đợi ta ngoài vườn.
Tạm cất lạc dáng cương chực sẵn,
Y lịnh truyền lẳng lặng thi hành.
Còn Ngài cất bước dạo quanh,
Bồi hồi như thể chim xanh mắc lồng.
Giờ khắc hỡi! Càng trông càng chậm,
Mãi ven trời màn thẩm phù dung.
Bước lần vào đến thâm cung,
Chực nhìn Hoàng hậu giấc nồng đương an.
Thấy vắng lặng vội vàng ra các,
Bước thản nhiên khí phách không vừa.
Bỗng Ngài nhớ lại buổi trưa,
Ðã sanh Hoàng tử mà chưa xem tường.
Trở bước lại bên giường xem mặt,
Giã vợ con an lạc nơi tòa.
Quay mình mạnh dạn bước ra,
Dẹp sầu Ngài nhắm vườn hoa tiến hành.
Ðường vắng vẻ đêm thanh gió lạnh,
Rạng chơn trời một mảnh gương nga,
Tuyết Sơn dạng lố xa xa,
Thầy trò lên ngựa bôn ba khởi hành.
Buông tay khấu lên gành xuống thác,
Nẻo xa xăm man mác cõi lòng;
Quạ vàng đổ lửa trời Ðông,
Ghìm cương xuống ngựa rừng tòng tạm an.
Cổi áo mão đai cân châu ngọc,
Trao cho chàng nghĩa bộc tin yêu.
Người mau lên ngựa về triều,
Tâu qua Hoàng phụ mấy điều của ta.
Lạy vua cha thân già an dưỡng,
Lấp cơn sầu chớ tưởng chi con.
Sau này quả phước được tròn,
Ðắc đạo về độ cha còn gặp con.
Liền cắt tóc hư không nhắm liệng,
Ngó theo lằn, Ngài nguyện một lời.
Sau dầu chí cả không dời,
Khiến nên mớ tóc đừng rơi xuống trần.
Trời Ðế Thích đích thân thâu nhập,
Ðạo Lợi cung vào tháp miên trường.
Từ đây thầy tớ chia đường,
Tớ về thầy lại qua Vương Xá thành.
Nơi rừng vắng tu hành lánh tục,
A-LA-RA cùng ÚC-ÐA-CA.
Hai thầy truyền đạo sâu xa,
Từ đây gọi GÔ-TA-MA là Ngài.
Tu theo cách đọa đày khổ hạnh,
Nào nhịn ăn, chịu lạnh hãm mình.
Chỉ lo cầu Sám niệm Kinh,
Ðủ điều khắc khổ công trình xiết bao.
Hầu hết sức đạo sao chẳng tỏ,
Lẽ tử sanh chưa rõ nguyên nhân,
Ðắn đo tính thiệt so hơn,
Biết không thấu đặng lý nhơn nhiệm mầu.
Chịu thất bại mong cầu nơi khác.
Tách riêng rồi tìm các rừng sâu.
Một mình hành đạo lần đầu,
Thanh cao oai đức phục thâu năm trò.
Rừng khổ hạnh Ú-RÚ-HUÊ-LÁ.
Chịu nhọc nhằn ròng rã tháng ngày,
Dầu bao khổ cực chi nài.
Tham thiền lại với năm thầy Trần Như.
Luống định trí trầm tư mặc tưởng.
Cuộc ảo huyền ảnh hưởng từ đâu.
Quanh năm thức suốt đêm thâu,
Cơm ngày một hột dãi dầu nắng mưa.
Lòng tinh tấn sớm trưa không nghỉ.
Thân mỏi mòn thần chí không dời.
Khắc khe gần sáu năm trời,
Một hôm dường phải đứt hơi cuối cùng,
Ngất một lúc ung dung lại tĩnh.
Rồi cũng ngồi thiền định xét suy.
Ta tu khổ hạnh ích gì,
Hành thân hoại thể được chi mà hòng.
Suy nghĩ chính rồi không dụ dự.
Ðã quyết lòng bỏ sự nhọc công,
Lần hồi Ngài đến bên sông,
Tắm xong thân thể dường không vướng trần
Dịp may có một nàng gái tín,
Dâng cho Ngài cơm chín sữa dê.
Ăn rồi cầm bát mân mê,
Hư không lại nguyện tỉ tê một mình.
Nếu đạo quả công trình phải được,
Khiến bát này trôi ngược dòng sông.
Nguyện rồi liệng bát giữa dòng,
Lạ thay cái bát ngược dòng trôi lên.
Trôi một khúc chìm liền xuống đáy,
Nức tiếng vang chạm phải bát xưa.
Từ đây vững dạ có thừa,
Mỗi ngày ăn một buổi trưa như thường.
Năm đệ tử xem dường thấy lạ,
GÔ-TA-MA rày đã ngã lòng,
Thôi đành bỏ gã cho xong,
Nhắm vườn Lộc Giã thong dong trở về.
Riêng Ngài lại chẳng hề sợ nhọc.
Vào rừng sâu dựa gốc Bồ Ðề.
Ngồi yên Ngài phát lời thề.
Nếu không đắc quả không hề dậy đi.
Ngồi thiền định đang khi yên tịnh.
Mới đêm đầu nhập định dễ dàng.
Muôn trùng ánh sáng hào quang.
Chơn như hiển hiện vẹt màn vô minh.
Tâm sáng suốt thức linh nhớ kỹ
Canh một dùng trí tuệ xét rành.
Kiếp Ngài từ mới cấu sanh.
Tinh tường hiểu rõ sự tình thế gian.
Canh hai lại xét sang nỗi khổ.
Nguyên nhân đưa vào chỗ luân hồi.
Tử sanh, sanh tử không rời,
Sáu đường ba cõi cuốn lôi rõ ràng.
Nguyên nhân khổ con đàng để diệt.
Mãn canh ba giải quyết mới xong,
Sao Mai vừa mọc trời đông.
Nghiễm nhiên Ngài đắc Lục-thông hoàn toàn,
Thành Chánh Giác oai vang rực rỡ.
Ma vương, cùng thầy tớ đều trừ.
Bốn mươi chín bữa trầm tư.
Rừng này tạo hưởng Hữu dư Niết Bàn,
Thiên thần mách hai chàng đến lễ.
BẠC-LỆ-CA, DA-LỆ-PHÙ-BA,
Trước Ngài dừng bước lân la.
Cúng dường lễ Phật xin làm Thiện Nam
Phật muốn thâu đồ đem dâng cúng,
Ngặt tay không sử dụng làm sao.
Phạm Thiên biết ý hiện vào,
Kính dâng bát đá để sau Ngài dùng.
Dưới Bồ đề ung dung suy nghĩ.
Ðạo ta tầm sở dĩ cao thâm,
Chúng sanh là hạng tối tăm.
Làm sao hiểu thấu ta tầm truyền ra,
Ðại Phạm Thiên kinh la chẳng xiết.
Thôi chúng sanh tiêu diệt còn đâu.
Ba lần hiện đến khẩn cầu,
Thế Tôn nhậm ý, bắt đầu khai duyên.
Dời chốn ấy về miền LỘC GIÃ.
KIỀU TRẦN NHƯ năm gã ngồi hầu.
PHÁP LUÂN, Phật chuyển lần đầu,
Năm thầy tỏ ngộ phục thâu rõ ràng.
Nối kế tiếp hàng ngàn đệ tử,
Khuyến hóa người bỏ dữ theo lành.
Ngày ngày mang bát xin ăn,
Ðạo mầu vô thượng phổ hoằng thế gian.
Vua hay con hoàn toàn đắc quả,
Sai người qua VƯƠNG XÁ thỉnh về.
Triều thần nghinh tiếp chỉnh tề,
Phụ vuơng cố ép Phật về ngôi vua.
Dùng đạo lý hơn thua bày vẽ,
Nên vua cha hiểu lẹ vô cùng.
Chỉ còn Hoàng hậu Ðông cung,
Thấy Ngài tủi phận không ngừng lụy rơi.
Trước cảnh ấy Phật thời thuyết pháp,
Ðộ vợ con cùng khắp trào đường.
Rồi Ngài lại cũng du phương,
Vì thương nhân loạn còn đương khổ nàn.
Bốn mươi lăm năm tràng đăng đẳng,
Cứ độ dời Ngài chẳng biếng lười.
Ðến khi tuổi chẳn tám mươi,
Tuy già cũng rán độ người trầm oan.
Trước ba tháng lên đàng tịch diệt,
Dạy học trò chớ có tiếc chi.
Miễn lời giáo huấn nhớ ghi,
Tử sanh công lệ chẳng chi phải buồn.
Tuy đau yếu, dạy luôn không nghỉ.
Lần về thành KÚ-SÍ-NA-RA.
Giữa đường gặp BÚT-CA-SA.
Y vàng dâng cúng Phật đà nhận thâu
Ðem y ấy mặc hầu cho Phật.
A-NAN-ÐA thấy thật rõ ràng.
Trong người Phật phóng hào quang.
Làm cho y mất sắc vàng lộ ra.
Phật cho A-nan-đa biết chắc.
Ðời NHƯ LAI biến sắc hai lần,
Ðêm Thành đạo, đêm Niết bàn.
Ðêm nay Phật ắt vào đàng bất sanh,
Cùng đệ tử đồng hành đến tận.
Rừng SA-LA kế cận NI-LIÊN.
Phật lên tảng đá nằm nghiêng.
Ðầu day hướng Bắc, Tây thiên trông về.
Dặn đệ tử mựa hề sơ thất.
Ta tịch rồi KINH LUẬT là Thầy
Ân cần tin giữ hằng ngày
Rán tu cho thoát nạn tai cõi trần.
Dặn vừa dứt gom thần nhập định.
Rồi vào luôn tịch tịnh NIẾT BÀN.
Còn thây dùng lửa thiêu tan.
Lấy tro đem để tháp vàng thờ chung.

(lạy)

[*] Bịnh, Lão, Tử, Tăng

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | Mục lục


Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 08-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 22-06-2003