PHẬT GIÁO NGUYÊN
THỦY
SUTTAPIṬAKA - KHUDDAKANIKĀYA
Đạo Vô
Ngại Giải
Paṭisambhidāmagga
Bhikkhu Ñāṇamoli dịch
từ tiếng Pāḷi sang tiếng Anh:
THE PATH OF DISCRIMINATION
Nguyễn Văn Ngân dịch
từ tiếng Anh sang tiếng Việt
2006
Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode) |
[XXII
- LUẬN VỀ THẦN THÔNG 1. [205] Thần thông là gì? Có bao nhiêu loại thần thông? Bao nhiêu cõi có thần thông? Bao nhiêu nền tảng? Bao nhiêu bước? Bao nhiêu nguồn gốc? 2. Thần thông là gì? Thần thông theo nghĩa thành tựu. 3. Có bao nhiêu loại thần thông? Có mười loại thần thông; thần thông có bốn cõi, bốn nền tảng, tám bước và mười sáu nguồn gốc. 4. Mười loại thần thông ấy là gì? (1) thần thông như là quyết định, (2) thần thông như là biến hình, (3) thần thông như là [thân] do tâm tạo, (4) thần thông do trí can dự, (5) thần thông do định can dự, (6) thần thông của các bậc Thánh, (7) thần thông do quả của nghiệp sanh, (8) thần thông của công đức, (9) thần thông nhờ phù thuật, (10) thần thông theo nghĩa thành tựu nhờ việc làm đúng thời. 5. Bốn cõi thần thông ấy là gì? Đó là: sơ thiền là cõi sanh từ cách ly; nhị thiền là cõi hỉ và lạc; tam thiền là cõi bình thản và lạc, tứ thiền là cõi không khổ cũng không lạc. Bốn cõi thần thông này dẫn đến thành tựu thần thông, đến thành đạt thần thông, đến sự biến hóa vì thần thông, đến uy lực của thần thông, đến sự làm chủ thần thông, đến không sợ hãi* trong thần thông. * Vesārajjani. nguyên văn assurance. Ở Vism. XII đ. 49, Ñāṇamoli sửa assurance thành fearlessness: không sợ hãi. Đọc chú thích ở cuối đoạn 12, Luận XXI về chữ này. 6. Bốn nền tảng ấy của thần thông là gì? Ở đây một tỳ kheo tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do ý muốn làm và hành vi tạo tác là nỗ lực. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do tinh tấn và hành vi tạo tác là nỗ lực. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do tâm và hành vi tạo tác là nỗ lực. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do tìm hiểu và hành vi tạo tác là nỗ lực. Bốn nền tảng của thần thông này dẫn đến thành tựu thần thông, ... đến không sợ hãi trong thần thông.[1] 7. Tám bước ấy là gì? [206] Nếu vị tỳ kheo đạt định, đạt nhất tâm do ý muốn làm hỗ trợ, ý muốn làm ấy không phải là định, và định ấy không phải là ý muốn làm; ý muốn làm là một cái, định là một cái khác. Nếu vị tỳ kheo đạt định, đạt nhất tâm do tinh tấn hỗ trợ, tinh tấn ấy không phải là định, và định ấy không phải là tinh tấn; tinh tấn là một cái, định là một cái khác. Nếu vị tỳ kheo đạt định, đạt nhất tâm do tâm hỗ trợ, tâm ấy không phải là định, và định ấy không phải là tâm; tâm là một cái, định là một cái khác. Nếu vị tỳ kheo đạt định, đạt nhất tâm do tìm hiểu hỗ trợ, tìm hiểu ấy không phải là định, và định ấy không phải là tìm hiểu; tìm hiểu là một cái, định là một cái khác. Tám bước đến thần thông đưa đến thành tựu thần thông ... đến không sợ hãi trong thần thông. [2] 8. Mười sáu nguồn gốc ấy của thần thông là gì? Tâm không chán nản là tâm không bị lay động vì lười biếng, do vậy nó bất động. Tâm không mừng rỡ thơ thới là tâm không bị lay động vì dao dộng, do vậy nó bất động. Tâm không bị quyến rũ là tâm không bị lay động vì tham, vì thế nó bất động. Tâm không chán ghét là tâm không bị lay động vì sân hận, vì thế nó bất động. Tâm độc lập là tâm không bị lay động vì quan điểm [sai lạc], vì thế nó bất động. Tâm không vướng kẹt thì không bị lay động vì ước muốn và tham, vì thế nó bất động. Tâm được giải thoát thì không bị lay động vì ham muốn ái dục, vì thế nó bất động. Tâm không liên kết* thì không bị lay động vì nhiễm lậu, vì thế nó bất động. Tâm không chướng ngại thì không bị lay động vì chướng ngại của nhiễm lậu, [3] vì thế nó bất động. Tâm hợp nhất thì không bị lay động vì nhiễm lậu của sai biệt, vì thế nó bất động. Tâm được tín gìn giữ thì không bị lay động vì không tin, vì thế nó bất động. Tâm được tinh tấn gìn giữ thì không bị lay động vì lười biếng, vì thế nó bất động. Tâm được quán niệm gìn giữ thì không bị lay động vì xao lãng, vì thế nó bất động. Tâm được định gìn giữ thì không bị lay động vì dao động, vì thế nó bất động. Tâm được tuệ gìn giữ thì không bị lay động vì vô minh, vì thế nó bất động. Tâm được chiếu sáng thì không bị lay động vì bóng tối của vô minh, vì thế nó bất động. Mười sáu nguồn gốc của thần thông này đưa đến thành tựu thần thông... đến không sợ hãi trong thần thông. [207]. * visaññuttaṁ cittaṁ: tâm không bị ràng buộc, cột trói. 9. (1) Thần thông là quyết định là gì? Ở đây một tỳ kheo kinh nghiệm các loại thần thông (năng lực siêu nhiên); từ một biến thành nhiều, từ nhiều biến thành một; vị ấy hiện ra rồi biến mất đi; vị ấy đi xuyên qua tường, qua hào lũy, qua núi không bị trở ngại như qua hư không; vị ấy độn thổ và trồi lên mặt đất như ở trong nước, đi trên nước mà nước không nứt vỡ như đi trên đất; chân ngồi xếp bằng vị ấy phi hành như chim giương cánh; tay vị ấy sờ mó mặt trăng mặt trời là những gì rất vĩ đại và oai lực; vị ấy điều thân mình bay xa đến cõi trời Phạm Thiên. Ở đây: trong lãnh vực quan điểm này, trong lãnh vực chọn lựa này, trong lãnh vực ưa chuộng hơn này, trong lãnh vực tuyển chọn này, trong Giáo Pháp này, trong Giới Luật (vinaya) này, trong lãnh vực Giáo Pháp và Giới Luật này, trong giáo lý này, trong cuộc sống Phạm Hạnh này, trong Giáo Huấn của bậc Đạo Sư này. ‘Ở đây’ được nói vì lý do đó. 11. Một tỳ kheo: Một tỳ kheo là người thế tục hữu phước hay bậc hữu học hay một Arahant đã chứng trạng thái không thể công kích được. 12. Kinh nghiệm các loại thần thông: kinh nghiệm những khía cạnh khác nhau của thần thông. 13. Từ một biến thành nhiều: từ một, vị ấy hướng tâm chú ý đến [bản thân] biến thành nhiều hay thành trăm, thành ngàn, hay một trăm ngàn; sau khi hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Ta hãy biến thành nhiều’. Vị ấy biến thành nhiều. Như tôn giả Cūḷa Panthaka từ một, biến thành nhiều, cũng thế người có thần thông làm chủ được ý, từ một biến thành nhiều. 14. Từ nhiều biến thành một: từ nhiều, vị ấy hướng tâm chú ý đến [bản thân] biến thành một; sau khi hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Ta hãy biến thành một’. Vị ấy biến thành một. Như tôn giả Cūḷa Panthaka từ một, biến thành nhiều, cũng thế người có thần thông làm chủ được ý, từ nhiều biến thành một. 15. Vị ấy hiện ra: vị ấy không bị cái gì che khuất, không bị ẩn khuất, vị ấy phát lộ ra, vị ấy hiển hiện. 16. Rồi biến mất đi: vị ấy bị cái gì che khuất, bị ẩn khuất, bị đóng kín, bao bọc. [208] 17. Vị ấy đi xuyên qua tường, qua hào lũy, qua núi không bị trở ngại như qua hư không: tự nhiên, vị ấy là người đạt được đề mục thiền hư không. Vị ấy hướng tâm chú ý đến: ‘qua tường, qua hào lũy, qua núi’; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến chỗ ấy thành hư không’. Có hư không. Vị ấy đi xuyên qua tường, qua hào lũy, qua núi không bị trở ngại. Như người bình thường không có thần thông đi qua không bị trở ngại những nơi không có chướng ngại, hào lũy, cũng thế, người có thần thông làm chủ được ý, đi qua tường, hào lũy, núi không bị trở ngại như qua hư không. 18. Vị ấy độn thổ và trồi lên mặt đất như ở trong nước: tự nhiên, vị ấy là người đạt được đề mục thiền nước. Vị ấy hướng tâm chú ý đến đất; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến chỗ ấy thành nước’. Chỗ ấy bèn có nước. Vị ấy độn thổ và trồi lên mặt đất. Như người bình thường không có thần thông (năng lực siêu nhiên) lặn xuống và trồi lên mặt nước, cũng thế, người có thần thông làm chủ được ý, độn thổ và trồi lên mặt đất như ở trong nước. 19. Đi trên nước mà nước không nứt vỡ như đi trên đất: tự nhiên, vị ấy là người đạt được đề mục thiền đất. Vị ấy hướng tâm chú ý đến nước; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến chỗ ấy thành đất’. Chỗ ấy bèn có đất. Vị ấy đi trên nước mà nước không nứt vỡ. Như người bình thường không có thần thông (năng lực siêu nhiên) đi trên đất liền, cũng thế, người có thần thông làm chủ được ý, đi trên nước mà nước không nứt vỡ như trên mặt đất. 20. Chân ngồi xếp bằng vị ấy phi hành như chim giương cánh: tự nhiên, vị ấy là người đạt được đề mục thiền đất. Vị ấy hướng tâm chú ý đến hư không; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến chỗ ấy thành đất’. Chỗ ấy bèn có đất. Vị ấy du hành (đi bộ), đứng, ngồi, nằm trong hư không, trong bầu trời. Như người bình thường không có thần thông (năng lực siêu nhiên) du hành (đi bộ), đứng, ngồi, nằm trên mặt đất, đi trên đất liền, cũng thế, người có thần thông này làm chủ được ý, du hành (đi bộ), đứng, ngồi, nằm trong hư không, trong bầu trời như chim giương cánh. 21. Tay vị ấy sờ mó mặt trăng mặt trời là những gì vĩ đại và oai lực như vậy: Ở đây người có thần thông [209] làm chủ được ý, trong khi vị ấy đang ngồi hay đang nằm, Vị ấy hướng tâm chú ý đến mặt trăng mặt trời; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến nó nằm trong tầm tay’. Nó nằm trong tầm tay. Ngồi hay nằm, tay vị ấy sờ mó mặt trăng mặt trời. Như thể có người bình thường không có thần thông (năng lực siêu nhiên), tay vị ấy sờ mó đối tượng trong tầm tay cũng thế, người có thần thông này làm chủ được ý, ngồi hay nằm, tay vị ấy sờ mó mặt trăng mặt trời. 22. Vị ấy điều thân mình bay xa đến cõi trời Phạm Thiên: nếu người có thần thông (năng lực siêu nhiên) làm chủ được ý này muốn đi đến cõi trời Phạm Thiên, dù xa, vị ấy quyết định gần: ‘Hãy đến gần’. Thì cõi đó đến gần. Dù gần, vị ấy quyết định xa: ‘Hãy ở xa’. Thì cõi đó ở xa. Dù nhiều, vị ấy quyết định ít: ‘Hãy có ít’. Thì có ít. Dù ít, vị ấy quyết định nhiều: ‘Hãy có nhiều’. Thì có nhiều. Với thiên nhãn, vị ấy thấy được khía cạnh hữu hình (đối tượng) của Phạm Thiên đó. Với thiên nhĩ, vị ấy nghe được âm thanh của Phạm Thiên đó; với tha tâm trí, vị ấy biết được tâm của Phạm Thiên đó. Nếu người có thần thông (năng lực siêu nhiên) làm chủ được ý này muốn đi đến cõi trời Phạm Thiên bằng thân hữu hình, vị ấy biến đổi tâm cho phù hợp với thân, vị ấy quyết định tâm phù hợp với thân, vị ấy dễ dàng đạt được nhận thức an lạc và nhận thức nhẹ, và vị ấy đi đến cõi trời Phạm Thiên bằng thân hữu hình. Nếu người có thần thông (năng lực siêu nhiên) làm chủ được ý này muốn đi đến cõi trời Phạm Thiên bằng thân vô hình, vị ấy biến đổi tâm cho phù hợp với thân, vị ấy quyết định tâm phù hợp với thân, vị ấy dễ dàng đạt được nhận thức an lạc và nhận thức nhẹ, và vị ấy đi đến cõi trời Phạm Thiên bằng thân vô hình. Vị ấy tạo hóa thân trước mặt Phạm Thiên đó, do tâm tạo, đủ tứ chi, không thiếu giác quan nào. Nếu người có thần thông (năng lực siêu nhiên) đi lên đi xuống, hóa thân đó cũng đi lên đi xuống ở đấy. Nếu người có thần thông đứng, hóa thân cũng đứng ở đó. Nếu người có thần thông ngồi, hóa thân cũng ngồi ở đó. Nếu người có thần thông nằm, hóa thân cũng nằm ở đó. [210] Nếu người có thần thông phun khói, hóa thân cũng phun khói ở đó. Nếu người có thần thông phun lửa, hóa thân cũng phun lửa ở đó. Nếu người có thần thông giảng Giáo Pháp, hóa thân cũng giảng Giáo Pháp ở đó. Nếu người có thần thông đặt câu hỏi, hóa thân cũng đặt câu hỏi ở đó. Nếu được hỏi, người có thần thông trả lời, hóa thân được hỏi, cũng trả lời ở đó. Nếu người có thần thông đứng với Phạm Thiên, đối thoại, hội thoại với Phạm Thiên đó, hóa thân cũng đứng với Phạm Thiên, đối thoại, hội thoại với Phạm Thiên ở đó. Người có thần thông làm bất cứ điều gì, hóa thân cũng làm điều đó. Đây là thần thông như là quyết định. 23. (2) Thần thông như là biến hình (đa dạng) là gì? Thế Tôn Sikhin, bậc Ứng Cúng và Giải Thoát Toàn Triệt, có đệ tử tên là Abhibhū. Đứng trong thế giới Phạm Thiên, vị này có thể truyền thông bằng tiếng với cõi mười ngàn thế giới. Vị ấy giảng Giáo Pháp bằng thân hữu hình, và vị ấy giảng Giáo Pháp bằng thân vô hình; vị ấy giảng Giáo Pháp với nửa thân dưới hữu hình, và vị ấy giảng Giáo Pháp với nửa thân trên vô hình. Vị ấy giảng Giáo Pháp với nửa thân trên hữu hình, và vị ấy giảng Giáo Pháp với nửa thân dưới vô hình. Vị ấy bỏ hình dáng bình thường và cho thấy hình dáng một cậu trai, của Nāga (rắn), hình dáng của Supaṇṇa (quỷ có cánh), hay hình dáng của thần linh, hay hình dáng của Đế Thích, hay hình dáng của chư thiên [ở cảnh trời dục giới khác], hay hình dáng của Phạm Thiên [Brahmā], hay hình dáng của biển, hay hình dáng của núi, hay hình dáng của rừng, hay hình dáng của sư tử, hay hình dáng của cọp, hay hình dáng của báo, hay hình dáng của voi, hay vị ấy cho thấy chiếc xe ngựa, hay cho thấy người lính bộ, hay cho thấy cuộc dàn quân. Đây là thần thông như là biến hình (đa dạng). 24. (3) Thần thông như là [thân] do tâm tạo là gì? Ở đây vị tỳ kheo từ tấm thân này tạo ra một thân khác, có vật thể, do tâm tạo, [211] có đủ tứ chi, không thiếu giác quan nào. Như một người rút cỏ lau ra khỏi vỏ lau và nghĩ như vầy: ‘Đây là vỏ lau, đây là cỏ lau; vỏ lau là một, cỏ lau là một cái khác, cỏ lau rút ra từ vỏ lau này’; hay có người rút kiếm ra khỏi vỏ và nghĩ như vầy: ‘Đây là kiếm, đây là vỏ; vỏ kiếm là một, lưỡi kiếm là một cái khác, lưỡi kiếm rút ra từ vỏ kiếm này’; hay như một người kéo rắn ra khỏi da của nó và nghĩ như vầy: ‘Đây là con rắn, [4] đây là da rắn; da rắn là một, rắn là một cái khác, con rắn được lột ra từ lớp da này’; cũng thế, vị tỳ kheo từ tấm thân này tạo ra một thân khác, có vật thể, do tâm tạo, có đủ tứ chi, không thiếu giác quan nào. Đây là thần thông kể như là [thân] do tâm tạo. 25. (4) Thần thông do trí can dự là gì? Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về trường tồn thành tựu được nhờ quán vô thường, như vậy nó là thần thông do sự can dự của trí. Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về vui sướng thành tựu được nhờ quán khổ não... Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về ngã thành tựu được nhờ quán không phải là ngã... Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về ham thích thành tựu được nhờ quán nhàm chán... Ý nghĩa của từ bỏ tham thành tựu được nhờ quán hết ham muốn... Ý nghĩa của từ bỏ nguồn sanh khởi thành tựu được nhờ quán đoạn diệt... Ý nghĩa của từ bỏ bám níu thành tựu được nhờ quán buông bỏ... như vậy nó là thành công do sự can dự của trí. Đã có thành công do sự can dự của trí ở tôn giả Bakkula. Đã có thành công do sự can dự của trí ở tôn giả Sankicca. Đã có thành công do sự can dự của trí nơi tôn giả Bhūtapāla. Đây là thành công do sự can dự của trí. 26. (5) Thần thông do định can dự là gì? Ý nghĩa của từ bỏ chướng ngại thành tựu được nhờ sơ thiền, như vậy nó là thành công do sự can dự của định. Ý nghĩa của từ bỏ hướng tâm về đối tượng và suy xét đối tượng thành tựu được nhờ nhị thiền, như vậy nó là thành công do sự can dự của định. Ý nghĩa của từ bỏ hỉ thành tựu được nhờ tam thiền... Ý nghĩa của từ bỏ lạc và khổ thành tựu được nhờ tứ thiền... Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về sắc thể, nhận thức về đối ngại, và nhận thức về sự khác biệt thành tựu được nhờ chứng đạt cõi không gian vô biên... Ý nghĩa của từ bỏ cõi không gian vô biên thành tựu được nhờ chứng đạt cõi thức vô biên... Ý nghĩa của từ bỏ cõi thức vô biên thành tựu được nhờ chứng đạt cõi không có gì... Ý nghĩa của từ bỏ cõi không có gì thành tựu được nhờ chứng đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức, [212] như vậy nó là thành công do sự can dự của định. Đã có thành công do sự can dự của định nơi tôn giả Sāriputta. Đã có thành công do sự can dự của định ở tôn giả Sañjīva. Đã có thành công do sự can dự của định ở tôn giả Khāṇukondañña. Đã có thành công do sự can dự của định ở nữ cư sĩ Uttāra. Đã có thành công do sự can dự của định ở nữ cư sĩ Samāvatī. Đây là thành công do sự can dự của định. 27. (6) Thần thông của các bậc Thánh là gì? Ở đây nếu có tỳ kheo ước (1) ‘Mong cho tôi trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm’, về việc đó, vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm. Nếu vị ấy ước (2) ‘Mong cho tôi trú biết ghê tởm cái không ghê tởm’, về việc đó, vị ấy trú biết cái ghê tởm cái không ghê tởm. Nếu vị ấy ước (3) ‘Mong cho tôi trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm và cái không ghê tởm’, về việc đó, vị ấy trú biết không ghê tởm. Nếu vị ấy ước (4) ‘Mong cho tôi trú biết ghê tởm cái đáng ghê tởm và cái không ghê tởm’, về việc đó, vị ấy trú biết ghê tởm. Nếu vị ấy ước (5) ‘Tránh cả hai [khía cạnh] ghê tởm và không ghê tởm, mong cho tôi trú trong bình thản đến đối tượng ấy, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận’, về việc đó, vị ấy trú trong bình thản đến đối tượng ấy, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận. (1) Vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm như thế nào? Trong trường hợp gặp đối tượng không khả ý, vị ấy rải tâm từ đến nó hay liên tưởng đến * bốn yếu tố chính. Vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm như thế đấy. * liên tưởng đến: coi nó như là. Đọc Vism. XII đ 38. (2) Vị ấy trú biết ghê tởm cái không ghê tởm như thế nào? Trong trường hợp gặp đối tượng khả ý, vị ấy chú tâm đến coi nó bất tịnh hay liên tưởng đến vô thường. Vị ấy trú biết ghê tởm cái không ghê tởm như thế đấy. (3) Vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm và cái không ghê tởm như thế nào? Trong trường hợp gặp đối tượng không khả ý và khả ý, vị ấy rải tâm từ đến nó hay liên tưởng đến bốn yếu tố chính. Vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm và cái không ghê tởm như thế đấy. (4) Vị ấy trú biết ghê tởm cái không ghê tởm và cái đáng ghê tởm’ như thế nào? Trong trường hợp gặp đối tượng khả ý và không khả ý, vị ấy chú tâm đến coi nó bất tịnh hay liên tưởng đến vô thường. Vị ấy trú biết ghê tởm cái không ghê tởm và cái đáng ghê tởm như thế đấy. (5) Vị ấy tránh cả hai [khía cạnh] ghê tởm và không ghê tởm, trú trong bình thản đến đối tượng ấy, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận như thế nào? [213] Ở đây khi mắt thấy vật hữu hình, vị tỳ kheo không hân hoan hay cũng không phiền muộn; vị ấy trú trong bình thản, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận. Khi tai nghe âm thanh... Khi mũi ngửi mùi... Khi thân chạm vật xúc chạm được... Khi ý nhận biết đối tượng của tâm thức, vị ấy không hân hoan cũng không phiền muộn, trú trong bình thản, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận. Vị ấy tránh cả hai [khía cạnh] ghê tởm và không ghê tởm, trú trong bình thản đến đối tượng ấy, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận như thế đấy. Đây là thần thông của các bậc Thánh. 28. (7) Thần thông do quả của nghiệp sanh là gì? Thành công trong các loài chim, trong tất cả chư thiên, trong một số người, trong những sanh linh ở chốn đọa đày, đó là thành công do quả của nghiệp sanh. 29. (8) Thần thông của công đức là gì? Vua Chuyển Luân du hành trong hư không với bốn đạo quân, có cả tùy tùng và người chăn cừu. Cư sĩ Jotika có thần thông do công đức này. Cư sĩ Jaṭilaka có thần thông do công đức này. Cư sĩ Ghosika có thần thông do công đức này. Cư sĩ Meṇḍaka có thần thông do công đức này. Thần thông của năm công đức này là thần thông do công đức. Đây là thần thông của công đức. 30. (9) Thần thông nhờ phù thuật là gì? Người có phù thuật sau khi đọc phù chú, du hành trong hư không, và họ cho thấy voi, ngựa, chiếc xe ngựa, người lính bộ, cuộc dàn quân trên không. Đây là thần thông nhờ phù thuật. 31. (10) Thần thông theo nghĩa thành công nhờ việc làm đúng thời là gì? Ý nghĩa của từ bỏ ham muốn khoái lạc giác quan thành công nhờ xuất ly, vì thế nó là thần thông theo nghĩa thành công nhờ việc làm đúng thời. [214] ... [và cứ thế với bẩy chướng ngại, bốn cõi thiền, bốn chứng đạt vô sắc giới, mười tám quán thực tánh chánh, bốn đạo lộ, cho đến] ... Ý nghĩa của từ bỏ tất cả nhiễm lậu thành công nhờ đạo lộ arahant, vì thế nó là thần thông theo nghĩa thành công do việc làm đúng thời. Đây là thần thông theo nghĩa thành công nhờ việc làm đúng thời. [5] CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ THẦN THÔNG. [1] Đọc Luận I đ. 525. [2] So với S v 268. [3] Viết là:vimariyādīkataṁ cittaṁ kilesamariyāde na ijjhati. «Thay vì ijjhati, bản Be viết là iñjatīti ». [4] Viết: Ayaṁ ahi ayaṁ karaṇḍo, añño ahi. [5] Đọc Vism. Chương XII bình giải về toàn thể Luận thuyết này. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 01d | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | Bảng tra thuật ngữ |
Chân thành cám ơn đạo hữu Nguyễn Văn Ngân đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2006)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006