Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
58. Kinh Thất Bảo
59. Kinh Tam Thập Nhị Tướng
60. Kinh Tứ Châu
61. Kinh Ngưu Phấn Dụ
62. Kinh Tần-Bệ-Sa-La Vương Nghinh Phật
63. Kinh Bệ-Bà-Lăng-Kỳ
64. Kinh Thiên Sứ
65. Kinh Ô Điểu Dụ
66. Kinh Thuyết Bổn
67. Kinh Đại Thiên Nại Lâm
68. Kinh Đại Thiện Kiến Vương
69. Kinh Tam Thập Dụ
70. Kinh Chuyển Luân Vương
71. Kinh Bệ-Tứ
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

6. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG

71. KINH BỆ-TỨ[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp[02] du hóa tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Tư-hòa-đề[03], trú trong rừng Thi-nhiếp-hòa[04] về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này.

Bấy giờ trong ấp Tư-hòa-đề có vua tên là Bệ-tứ[05], giàu có cùng tột, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phòng họâ, thực ấp đầy đủ mọi thứ. Tất cả suối, hồ, cỏ cây ở ấp Tư-hòa-đề đều thuộc về nhà vua, là phong ấp do vua Ba-tư-nặc, nước Câu-tát-la cấp cho.

Bấy giờ, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe đồn rằng, “Có Sa-môn tên là Cưu-ma-la Ca-diếp, du hóa tại nước Câu-tát-la, cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi đến thị trấn Tư-hòa-đề, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Cưu-ma-la Ca-diếp là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán[06]. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp này.”

Nghe thế, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.

Bấy giờ, vua Bệ-tứ ở trên chánh điện, trông thấy từ xa các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Vua Bệ-tứ thấy vậy, hỏi người hầu rằng:

“Hôm nay vì cớ gì các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề này mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa?

Người hầu thưa rằng:

“Tâu Thiên vương, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề kia nghe rằng “Có Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp du hóa tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến thị trấn Tư-hòa-đề này, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa, về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Tâu Thiên vương, Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Ngài là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp ấy.” Tâu Thiên vương, do đó các Phạm chí, cư sĩ cùng với nhóm của mình theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.

Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo người hầu:

“Ngươi hãy đến các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề ấy, nói rằng ‘Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ xứ Tư-hòa-đề: ‘Này các ngươi hãy đợi, ta sẽ cùng các ngươi đến yết kiến Cưu-ma-la Ca-diếp ấy. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng có đời sau, có chúng sanh hóa sanh[07]. Ta thấy như vầy, chủ trương như vầy: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.’

Người hầu vâng lời, liền đến chỗ các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nói rằng:

“Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề như thế này: ‘Các ngươi hãy đợi. Ta sẽ cùng với các ngươi đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe lệnh ấy, bảo người hầu:

“Xin tuân theo lệnh truyền’.

Người hầu trở lại tâu với vua:

“Tôi đã công bố mệnh lệnh của vua rồi. Các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề ấy đang đợi Thiên vương; mong Thiên vương biết cho, đã đến thời.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ bảo người đánh xe:

“Ngươi mau sửa soạn xa giá. Ta nay muốn đi.”

Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xa giá xong, liền trở lại tâu với vua rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, chờ ý Thiên vương.”

Lúc đó vua Bệ-tứ liền cỡi xe đi đến chỗ các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, rồi cùng nhau đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Khi vua Bệ-tứ từ xa trông thấy Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp ở giữa rừng cây, liền xuống xe đi đến chỗ Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp, chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên, thưa rằng:

“Này Ca-diếp, tôi nay muốn hỏi, thầy có nghe chăng?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:

“Vua Bệ-tứ, muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ liền hỏi:

“Này Ca-diếp, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’. Ý Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp nghĩ sao?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:

“Vua Bệ-tứ, tôi nay hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Ý vua thế nào, mặt trời, mặt trăng này thuộc về thế giới này hay thế giới khác[08]?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”[09]

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác. Này Ca-diếp, tôi có người thân bị bệnh trầm trọng. Tôi đi đến chỗ bệnh nhân; đến nơi, nói rằng: ‘Bạn nên biết, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin chủ trương của những kẻ ấy. Những kẻ ấy lại bảo rằng: ‘Nếu có kẻ nam nữ làm việc ác, không tinh tấn, lười biếng, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, kẻ ấy chắc chắn đi vào ác xứ, sanh vào địa ngục’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói như vậy mà đúng thì bạn là người ruột thịt của ta, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; nếu thân hoại mạng chung, bạn chắc chắn sẽ sanh đến ác xứ, sanh vào địa ngục, thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay thế này: ‘Này Bệ-tứ, trong địa ngục ấy khổ như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại nói tin cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trong địa ngục kia, khổ như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện này nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Vua Bệ-tứ, tôi lại hỏi vua. Vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Nếu có thuộc hạ của vua bắt trói một tội nhân, đem đến trước vua, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Vua bảo, ‘Các khanh hãy đem trói chặt hai tay ra đằng sau, bỏ nó lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như tiếng lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết, rồi đưa ra cổng thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi chém đầu nó’. Thuộc hạ vâng lời, liền trói tay tội nhân ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết xong, đưa ra cổng thành hướng Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao, muốn chém đầu nó. Tội nhân sắp chết nói với đao phủ rằng: ‘Ông hãy hoãn cho tôi một lúc. Tôi muốn gặp cha mẹ, vợ con, tớ gái, người đưa tin. Hãy để tôi tạm thời ra đi’. Ý vua nghĩ sao? Người đao phủ có thể để cho tội nhân ấy tạm thời ra đi ít lâu không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:

“Người thân của vua cũng lại như thế, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không thi ân, không đại lượng, đắm trước của cải. Do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Lúc ngục tốt bắt ra hành hạ đau đớn, người thân của vua nói với ngục tốt rằng: ‘Nàøy các ngục tốt, các ông hãy khoan một lúc, chớ hành hạ ta đau đớn. Ta muốn tạm thời đi đến vua Bệ-tứ để báo cho vua hay rằng ‘Trong ngục tốt kia khổ như thế này, như thế này, mà tôi đã chứng kiến’.’ Ý vua thế nào? Ngục tốt kia có thể thả cho người thân của vua tạm thời ra đi không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:

“Vua hãy quán sát về đời sau cũng lại như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy đã thấy hiện tượng ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, lại còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân lâm bệnh trầm trọng, tôi đến chỗ bệnh nhân; đến rồi nói rằng: ‘Bạn nên biết, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Tôi thường không tin những kẻ kia về chủ trương của họ. Họ cho rằng: ‘Nếu có kẻ nam người nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ thường an lạc, bố thí, không tham đắm của cải; kẻ kia do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Này bạn thân yêu, nếu Sa-môn, Phạm chí nói như vậy mà đúng thì bạn là người thân ruột thịt của tôi, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, sống cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’.’ Này Sa-môn, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại tin cho tôi hay, ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện đó cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người trí nghe thí dụ này thì hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như ngoài thôn ấp kia có một hầm xí công cộng, sâu quá đầu người, đầy phẩn ở trong. Có một người rơi xuống, chìm tận đáy hầm ấy. Nếu có người khác thương xót, mong cầu sự phước lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc cho người mắc nạn, liền thong thả kéo nạn nhân từ hầm xí lên; gạt phẩn bằng thanh tre, chùi bằng lá cây, tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, đem bột hương thoa khắp thân thể, mời lên chánh điện cho vui hưởng ngũ dục. Ý vua nghĩ sao? Há kẻ nạn nhân ấy lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen và muốn trở lại hay sao?”

Vua Bệ-tứ trả lời:

“Không thể, Ca-diếp. Nếu có một kẻ nào khác tưởng tới hầm xí kia, hoan hỷ ngợi khen và muốn thấy thì nạn nhân kia cũng không thể ưa kẻ này, huống là chính nạn nhân lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lần nữa. Điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Bệ-tứ, nếu vua có người thân có diệu hạnh, có tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; người ấy do nhân duyên đó, khi thân hoại mạnh chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời được vui hưởng ngũ dục ở đó. Ý vua nghĩ sao? Há lại thiên tử ở cõi trời kia bỏ ngũ dục ở đó, tưởng nhớ ngũ dục ở nhân gian này? Hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại nữa sao?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp. Vì sao? Vì ngũ dục nhân gian xú uế, ở nơi bất tịnh, rất đáng ghét, không thể hướng đến, không thể ưa thích, thô sáp bất tịnh. Này Ca-diếp, so với ngũ dục nhân gian thì ngũ dục cõi trời là hơn, là tối thắng, là tối hảo, là tối thượng. Nếu thiên tử cõi trời kia, xả bỏ ngũ dục ở đó, tưởng đến ngũ dục nhân gian, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại; điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Bệ-tứ, vua nên quán sát về đời sau cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy đã thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người bạn thân lâm bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân, đến xong, liền bảo: ‘Bạn nên biết rằng, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin những chủ trương ấy. Họ lại bảo: ‘Nếu có người nam kẻ nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có học, thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, người ấy chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cói trời’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói đúng thì bạn là người thân ruột thịt của ta, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì bạn hãy trở lại cho ta hay như thế này: ‘ Này vua Bệ-tứ! Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Nếu bạn ở cõi trời nghĩ rằng: ‘Nếu ta trở lại thì sẽ được những gì?’ ‘Bệ-tứ vương gia có nhiều của cải, ta sẽ cho bạn’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, tuổi thọ cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam thập tam thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của chư Thiên Tam thập tam thiên đến một ngàn năm, thì ý vua nghĩ sao? Nếu vua có người thân có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời, người thân của vua liền nghĩ: ‘Trước tiên, ta hãy vui hưởng ngũ dục cõi trời một ngày một đêm, hay là ta hãy vui hưởng ngũ dục hai, ba, bốn cho đến bảy ngày, nhiên hậu sẽ đi đến tin cho vua Bệ-tứ hay rằng: ‘Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này để cho nhà vua rõ’. Ý vua nghĩ sao? Bấy giờ vua còn sống chăng?”

Vua Bệ-tứ hỏi lại:

“Này Ca-diếp, người nào sau khi chết, đến nói rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi; một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam thập tam thiên; một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của chư Thiên ở Tam thập tam thiên đến một ngàn năm?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ thì hiểu được ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như người mù kia nói rằng: ‘Không có sắc đen trắng, cũng không thấy sắc đen trắng; không có sắc dài ngắn, cũng không thấy sắc dài ngắn; không có sắc xa gần, cũng không thấy có sắc xa gần; không có sắc thô tế, cũng không thấy có sắc thô tế. Vì sao? Vì ban đầu ta không thấy, không biết, cho nên không có sắc’. Này vua Bệ-tứ, người mù kia nói như vậy có đúng không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không đúng, Ca-diếp. Vì sao? Ca-diếp, có sắc đen trắng, cũng có thấy sắc đen trắng. Có sắc dài ngắn, cũng có thấy sắc dài ngắn. Có sắc gần xa, cũng có thấy sắc gần xa. Có sắc thô tế, cũng có thấy sắc thô tế. Nếu người mù bảo rằng: ‘Vì ta không thấy, không biết cho nên không có sắc’, thì người ấy nói không đúng.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như người mù ấy, nếu vua bảo như thế này: ‘Người nào sau khi chết đến nói rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở cõi Tam thập tam thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng mà tuổi thọ ở cõi Tam thập tam thiên thì đến một ngàn năm’?”

Vua Bệ-tứ nói:

“Này Sa-môn Ca-diếp, thực là không nên, không nên nói như vậy. Vì sao? Vì Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp đã cố tình so sánh tôi giống như kẻ mù kia. Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết thân thuộc của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì này Ca-diếp, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các phước thiện, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Ca-diếp! Không nên cố tình so sánh tôi như người mù kia.”

Tôn giả Ca-diếp đáp:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ khác. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng giống như một Phạm chí có người vợ trẻ, vừa mới mang thai, người vợ cả đã có một đứa con trai. Trong thời gian ấy, Phạm chí kia bỗng nhiên mạng chung. Sau khi mạng chung, con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế như thế này: ‘Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn phải thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế đáp: ‘Ta nay đang có thai, nếu sanh con trai thì nó phải được phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn của cậu’. Con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế ba lần như thế này: “Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế cũng trả lời ba lần như thế này: ‘Nay ta đang có thai, nếu sanh con trai thì phải được chia phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn thuộc về cậu’. Bấy giờ bà mẹ kế ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo toàn sự sống mà trở lại hại mình. Bà vào trong phòng lấy dao bén mổ bụng xem là trai hay gái. Bà ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ, muốn bảo vệ sự sống mà lại tự hại mình và đứa con trong bụng. Nên biết, này vua Bệ-tứ, nhà vua cũng lại như vậy, ngu si không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo tồn sự sống mà lại nghĩ như thế này: ‘Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết người thân thích của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượïng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì tôi, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các thiện nghiệp, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Sa-môn Ca-diếp, không nên cố tình so sánh tôi với người mù kia’. Này vua Bệ-tứ, nếu người tinh tấn mà sống lâu thì được phước lớn. Nếu được phước lớn thì sanh lên cõi trời và sống lâu. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán sát đời sau như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân mang bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân hỏi han, thăm viếng, bệnh nhân cũng hỏi han và nhìn tôi. Lúc bệnh nhân chết, tôi lại đến hỏi han thăm viếng người chết, nhưng người chết không hỏi han, không nhìn tôi. Sau đó tôi cũng không còn trở lại hỏi han thăm viếng người thân ấy nữa. Này Ca-diếp, do sự kiện đó, tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ, người có trí nghe thí dụ này thì liền hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như có người thổi tù và giỏi. Nếu ở xứ kia chưa từng nghe tiếng tù và, người đó đến xứ ấy, vào một đêm tối, trèo lên núi cao, tận lực thổi tù và. Mọi người ở xứ ấy chưa từng nghe tiếng tù và, nay được nghe, liền nghĩ: ‘Tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng xem nghe, khiến tâm hoan duyệt như thế?’ Bấy giờ những người ấy bèn cùng nhau đi đến chỗ người thổi tù và giỏi. Sau khi đến, hỏi rằng: ‘Đó là tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng đến xem nghe, khiến tâm hoan duyệt như thế?’ Người thổi tù và giỏi đem liệng cái tù và xuống đất, bảo mọi người rằng: ‘Các vị nên biết, chính đó là tiếng tù và’. Lúc đó, mọi người lấy chân đá tù và rồi nói rằng: ‘Tù và hãy kêu đi! Tù và hãy kêu đi!’ Nhưng nó im lìm không âm hưởng. Người thổi tù và giỏi liền nghĩ: ‘Nay những người này ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ. Vì sao? Vì muốn tìm âm thanh từ một vật vô tri’. Bấy giờ người thổi tù và giỏi nhặt tù và lên, dùng nước rửa sạch, đưa lên miệng mà tận lực thổi. Khi ấy mọi người nghe xong, liền nghĩ: ‘Tù và thật kỳ diệu’. Vì sao? ‘Vì nhờ tay, nhờ nước, nhờ miệng, hơi thổi mới phát ra tiếng hay, vang khắp bốn phương’. Này vua Bệ-tứ, cũng như vậy, nếu người còn sống mới có thể nói năng, hỏi han nhau được. Nếu khi chết thì không thể nói năng, hỏi han được nữa. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh ra lại cũng như vậy, chứ đừng giống cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại hỏi:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự kiện phi lý này. Tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ của tôi. Đến rồi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, kẻ này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này cân sống. Cân sống xong, vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, ta mới biết người này lúc nào thì nhẹ cân, mềm mại, tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, đó là lúc sống hay là lúc chết?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy cân sống, rồi vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, thấy rằng tội nhân lúc sống thì nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, còn lúc chết thì nặng, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nhuận. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy, cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu được ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như thanh sắt hay lưỡi cày sắt được đốt cháy suốt ngày, vật bằng sắt ấy lúc bấy giờ thì nhẹ, mềm, sắc tươi nhuận và đẹp hơn. Nếu lửa tắt, nó dần dần trở nên nguội lạnh, nặng hơn, cứng, không mềm và sắc không tươi. Cũng vậy, này vua Bệ-tứ, nếu người lúc còn sống thì thân thể nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ. Nếu lúc chết thì nặng hơn, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nữa. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh cũng như thế, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy hiện tượng đó đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa rồi, hãy quan sát cùng khắp, xem chúng sanh ấy lúc vào lúc ra, qua lại chỗ nào?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa, quan sát cùng khắp để xem chúng sanh ấy lúc ra lúc vào qua lại chỗ nào. Nhưng này Ca-diếp, tôi làm phương thức như vậy mà chẳng thấy chúng sanh hóa sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, nay tôi hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Vua nghĩ sao, nếu vào ban ngày, vua ăn thức ăn mỹ diệu ngon lành, rồi lên giường nằm ngủ. Vua nhớ lại đã từng ở trong mộng, có lần thấy vườn tược, hồ tắm, rừng cây, hoa trái, suối trong, sông dài, qua lại cùng khắp chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Tôi nhớ lại đã từng có như vậy.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:

“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, vua lên giường nằm ngủ. Bấy giờ có ai đứng hầu bên cạnh chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Có.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:

“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, lên giường nằm ngủ. Lúc ấy, những người hầu hai bên tả hữu có thấy được khi vua ra vào, qua lại cùng khắp chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Dù cho có ai khác cũng không thể thấy, huống nữa là bạn hầu hạ hai bên.”

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng quán chúng sanh hóa sanh cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, lúc đẹp lúc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân đem đến trước tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này lóc da, xẻo thịt, chặt gân, đục xương đến tận tủy để tìm chúng sanh hóa sanh’. Này Ca-diếp, tôi đã làm phương cách như thế mà rốt cuộc cũng chẳng thấy chúng sanh sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này thì liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như Phạm chí bện tóc thờ lửa, ở gần bên đường. Cách đó không xa có những người khách buôn tá túc. Vào lúc sáng sớm, những người khách buôn ấy vội vã ra đi, bỏ quên một đứa bé. Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa dậy sớm, đi đến nơi khách buôn tạm trú, xem thấy đứa bé đứng một mình, không có chủ nhân. Thấy xong, vị ấy nghĩ: ‘Nay thằng bé con này không có nơi nương tựa, nếu ta không nuôi thì chắc nó sẽ chết’. Nghĩ như thế, Phạm chí liền bồng đem về nuôi. Thời gian sau, đứa bé lớn khôn, bấy giờ Phạm chí thờ lửa bện tóc bận chút việc ở thôn xóm khác. Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa bảo thiếu niên rằng: ‘Ta bận chút việc phải xuống thôn xóm một thời gian. Con phải giữ lửa cẩn thận, chớ để nó tắt. Nếu lửa tắt con phải dùng cái cọ lửa này mà nhen lại’. Bấy giờ Phạm chí bện tóc thờ lửa căn dặn cẩn thận xong, liền xuống thôn xóm. Sau đó, thiếu niên ấy ra ngoài rong chơi, lửa tắt hết. Sau khi trở về nó muốn nhen lửa, liền dùng cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên!’ Nhưng lửa vẫn không cháy. Lửa không cháy, nó phá cái cọ lửa ấy ra thành từng mảnh, một trăm mảnh vứt đi, ngồi bệt xuống đất sầu não mà nói rằng: ‘Không tìm được lửa, phải làm sao đây?’ Bấy giờ Phạm chí bện tóc thờ lửa đã làm xong công việc ở thôn xóm, liền trở về nhà. Về đến nơi, hỏi thiếu niên ấy rằng: ‘Con không vui chơi mà chăm sóc ngọn lửa, không để nó tắt chăng?’ Nó trả lời: ‘Thưa Tôn giả, con đi ra ngoài chơi nên sau đó lửa đã tắt. Khi trở về con muốn nhen lửa, liền lấy cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’ mà cuối cùng lửa vẫn không cháy. Con lại đặt lên phiến đá, ra sức đánh mà bảo: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’, nhưng lửa vẫn không cháy. Con liền phá cái cọ ấy ra thành mười mảnh, một trăm mảnh vứt đi, rồi ngồi bệt xuống đất. Thưa Tôn giả, con đã tìm kiếm như thế mà không có lửa, không biết làm sao!’ Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa nghĩ rằng: ‘Cậu thiếu niên này quá ngu si, không thông suốt, không rõ ràng, không có trí tuệ. Vì sao? Vì từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như vậy’. Khi ấy, Phạm chí bện tóc thờ lửa đem cọ lửa và vật mồi lửa đặt xuống đất mà cọ xát thì bật lửa và cháy bùng lên, liền bảo thiếu niên rằng: ‘Này con, phương pháp lấy lửa phải như vậy, chớ không phải như con ngu si, không thông suốt, không có trí tuệ, từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như con đã làm’.

“Cũng vậy, nên biết, này vua Bệ-tứ, vua cũng lại như vậy, ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không trí tuệ, đối với xác thịt chết cho đến xương tủy vô tri mà muốn thấy chúng sanh hóa sanh. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện đó đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng tôi đối với quan niệm này, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sân nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, trọn không thể xả bỏ. Vì sao? Nếu có người ở nước khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đoạn trừ và xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế, tôi đối với quan niệm này bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì si, trọn không thể xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như hai người bạn bỏ nhà đi tìm kế sinh nhai. Trên đường đi, ban đầu họ thấy có rất nhiều cây gai không chủ. Một người trông thấy, bảo bạn rằng: ‘Bạn nên biết, ở đây có rất nhiều cây gai không chủ. Tôi muốn bạn cùng lấy, bó lại đem về, có thể làm vật dụng được’. Hai người liền lấy bó lại để gánh đi.”

“Trên đường đi họ lại thấy rất nhiều tơ lụa kiếp-bối, vải kiếp-bối không chủ, lại thấy rất nhiều bạc cũng không chủ. Thấy xong, một người vất bỏ cây gai đang gánh, lấy bạc gói lại.

“Trên đường đi lại thấy nhiều đống vàng cũng không có chủ. Bấy giờ người gánh bạc bàn với người gánh gai: ‘Này bạn nên biết! Vàng này quá nhiều mà không có chủ, bạn nên vứt bỏ cây gai, tôi thì vứt bỏ bạc đang gánh. Tôi muốn cùng với bạn đồng lấy vàng này gánh trở về, có thể chi dụng được hơn’. Người gánh gai bảo người gánh bạc: ‘Tôi gánh gai này sau khi đã sắp xếp gọn gàng, bó lại chắc chắn, từ xa gánh tới đây, tôi không thể bỏ được, nên bạn biết đấy, chớ lo cho tôi’. Khi ấy người gánh bạc giật gánh gai quăng xuống đất rồi xổ tung ra. Người gánh gai bảo người gánh bạc rằng: ‘Bạn đã xổ tung gánh gai của tôi như vậy, tôi đã mất công bó lại chắc chắn, gánh từ xa tới đây, nên tôi dứt khoát gánh cây gai này về, không thể bỏ được. Bạn hãy tự biết, chớ lo cho tôi’. Người gánh bạc liền bỏ gánh bạc, lấy vàng gánh về.

“Người gánh vàng trở về, từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh vàng về, thấy rồi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Hãy đến đây con. Con nhờ vàng này sống được sung sướng, phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại có thể bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí, tạo phước tăng thượng, thiện quả, thiện báo, sanh vào cõi trời, sống lâu’.

“Người gánh cây gai trở về nhà, từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh cây gai trở về, thấy vậy mắng rằng: ‘Ngươi là người có tội trở về, là người vô đức trở về. Vì bó gai này ngươi không sống được, không thể phụng dưỡng cha mẹ, không thể chu cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại cũng không thể bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí, không thể tạo phước tăng thượng, không được thiện quả, thiện báo, không thể sanh vào cõi trời để được sống lâu’.

“Cũng vậy, nên biết, này vua Bệ-tứ, vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ lãnh vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét.”

Vua Bệ-tứ lại nói rằng:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu người khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ quan niệm thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, nên đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, Hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như một khách buôn, cùng với đoàn khách buôn đông đảo, có một ngàn cỗ xe đi vào con đường nguy hiểm. Trong đoàn khách buôn ấy có hai vị thương chủ. Hai vị ấy nghĩ rằng: ‘Chúng ta làm sao thoát khỏi nạn này?’ Họ lại nghĩ: ‘Đoàn của chúng ta nên chia làm hai, mỗi toán năm trăm’.

“Đoàn khách buôn ấy liền chia ra hai toán, mỗi toán năm trăm, một thương chủ dẫn năm trăm cỗ xe, tiến vào con đường nguy hiểm. Người thương chủ ấy thường đi dẫn đường ở phía trước, thấy một người từ mé đường đi ra, quần áo ướt sũng, chân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, đeo tràng hoa cỏ thơm[10], đi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường bí hiểm này, trời có mưa chăng? Có nước trong, củi và cỏ chăng?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong và nhiều củi, cỏ. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi, cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong và củi với cỏ tốt’.

“Vị thương chủ ấy nghe xong, liền trở lại đến toán của mình, thuật lại rằng: ‘Ta đi trước, thấy một người từ bên đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi người ấy: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi, cỏ chăng?’ Người ấy đáp rằng: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Như vậy không bao lâu nữa chúng ta sẽ có nước trong cùng củi và cỏ, chớ để nặng xe’.

“Các khách buôn vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, họ không thấy nước trong, củi và cỏ. Sau bảy ngày, toán khách buôn ấy bị quỷ ăn thịt người sát hại.

“Người thương chủ thứ hai nghĩ rằng: ‘Vị thương chủ trước đã qua khỏi tai nạn nguy hiểm. Chúng ta phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, vị ấy cho năm trăm cỗ xe cùng tiến vào con đường nguy hiểm. Cũng đi trước dẫn đường, vị thương chủ thứ hai thấy có một người từ mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ thứ hai này trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người lạ đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn lắm, có rất nhiều nước trong, củi và cỏ rất tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’.

“Người thương chủ thứ hai nghe xong, trở lại với toán, thuật rằng: ‘Ta đi đàng trước, thấy có một người từ bên mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời thường mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ thấy được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta chưa thể vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ được. Nếu lấy được nước, củi và cỏ mới, sau đó chúng ta mới bỏ’.

“Toán khách buôn ấy không vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, không lấy được nước, củi và cỏ mới. Họ đi hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày mà vẫn không lấy được.

“Lúc người thương chủ thứ hai đi trước, trông thấy người thương chủ thứ nhất và toán khách buôn đi trước đã bị quỷ ăn thịt người sát hại; thấy rồi, bảo toán của mình rằng: ‘Này các bạn, các bạn hãy xem người thương chủ đi trước ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ; đã tự giết mình, lại giết đồng bọn nữa. Các bạn, nếu muốn lấy hàng hóa của người khách buôn toán trước thì tự tiện mà lấy’.

“Này vua Bệ-tứ, nên biết rằng vua cũng lại như vậy. Nếu với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét nữa. Cũng như người thương chủ thứ nhất và đồng bọn thuộc nhóm thứ nhất.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ. Vì sao? Nếu những người ở nước khác nghe đến, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, đối với quan niệm đó tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như hai người hẹn nhau chơi đổ súc sắc. Người thứ nhất thường lén trộm con súc sắc mà ngậm[11], ngậm một lần, hai lần, ba lần cho đến nhiều lần. Người thứ hai liền nghĩ: ‘Cùng chơi với người này, nó luôn luôn gạt mình, trộm con súc sắc mà ngậm một, hai, ba lần cho đến nhiều lần’. Nghĩ thế, người ấy nói với bạn: ‘Ta muốn nghỉ, sau đó sẽ chơi lại’. Bấy giờ người thứ hai rời khỏi chỗ ấy, dùng thuốc tẩm vào con súc sắc rồi trở lại cùng chơi. Người thứ nhất lại lén trộm con súc sắc mà ngậm, một lần, hai, ba hoặc đến nhiều lần. Ngậm xong, liền trợn mắt, sùi bọt mép gần chết. Bấy giờ người thứ hai hướng về người thứ nhất nói bài tụng:

Xúc xắc này tẩm độc
Người tham ăn không biết
Trước ngồi chơi, gạt ta
Sau phải mang họa khổ.

“Này vua Bệ-tứ, nên biết, vua cũng lại như vậy. Nếu quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ. Lại bị mọi người chê ghét. Cũng như người chơi súc sắc, vì lừa gạt mà bị mang họa.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ liền hiểu nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như người nuôi heo, lúc đang đi trên đường thấy có rất nhiều phân khô không chủ, liền nghĩ rằng: ‘Phân này có thể nuôi no đủ cho nhiều con heo, ta nên lấy gói lại mang đi’. Người ấy liền đội phân mà đi, giữa đường gặp trời mưa lớn, phân chảy ra, chảy xuống vấy phẩn cùng thân nhưng người ấy vẫn đội đi không vứt bỏ. Người ấy thọ vô lượng sự xấu, lại bị mọi người chê ghét. Này vua Bệ-tứ, nên biết rằng vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng như người nuôi heo kia.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu những người ở các nước khác nghe sẽ bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có một quan niệm đã thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai, đã đoạn trừ, xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế nên tôi đối với quan niệm này muốn bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ cuối cùng. Nếu vua biết thì tốt, nếu vua không biết thì tôi cũng không thuyết pháp nữa. Này vua Bệ-tứ, cũng như con heo lớn, thủ lãnh của đàn heo năm trăm con, đi vào con đường nguy hiểm, nó gặp một con cọp. Khi con heo đã trông thấy con cọp, liền nghĩ: ‘Nếu đấu với cọp thì cọp sẽ giết mình. Nếu sợ bỏ chạy thì thân tộc sẽ khinh mình, không biết phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, nó nói với cọp rằng: ‘Nếu muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta qua’. Cọp nghe liền bảo rằng: ‘Ta chấp nhận đấu với ngươi, chớ không tránh đường cho ngươi’. Heo lại nói rằng: ‘Này cọp, ngươi hãy đợi chốc lát, ta mặc áo giáp của tổ phụ xong rồi hãy trở lại cùng đấu’. Cọp nghe vậy liền nghĩ: ‘Nó chẳng phải địch thủ của ta, huống là áo giáp của tổ phụ nó’. Nghĩ xong, bảo heo: ‘Cho tùy ý ngươi’. Heo liền trở về chuồng, lăn trong đống phân, làm lấp phân đến tận mắt rồi trở lại chỗ cọp, nói rằng: ‘Ngươi muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta đi qua’. Sau khi thấy heo, cọp nghĩ: ‘Ta thường không ăn sâu bọ tạp nhạp vì uổng hàm răng, huống là phải gần con heo hôi hám này’. Con cọp nghĩ xong, liền bảo heo: ‘Ta tránh đường cho ngươi chớ không đấu với ngươi nữa’. Heo đi qua rồi hướng về phía cọp nói bài tụng:

Này cọp, ngươi bốn chân,
Ta cũng có bốn chân.
Hãy đến đấu cùng ta,
Sợ gì mà bỏ chạy?”

“Bấy giờ cọp nghe xong, nói bài tụng trả lời heo rằng:

Ngươi lông mọc như rừng;
Hèn nhất trong loài vật.
Này heo, hãy cút mau;
Phân thối chịu không nổi.”

“Lúc ấy, heo tự khoe, nói bài tụng rằng:

Hai nước Ma-kiệt, Ương[12]
Nghe ta đấu với ngươi.
Hãy đến đấu với ta’
Sợ gì mà bỏ chạy?”

“Cọp nghe vậy, lại nói bài tụng:

Toàn thân, lông đều nhơ
Ngươi làm ta lây thối
Ngươi đánh muốn cầu thắng
Ta nay cho ngươi thắng[13].”

Tôn giả Ca-diếp bảo rằng:

“Này vua Bệ-tứ, tôi cũng như thế, nếu với quan niệm ấy, vua bảo trì vì dục, bảo trì vì sân nhuế, bảo trì vì sợ hãi, bảo trì vì ngu si, không bao giờ bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng giống như cọp để cho heo thắng.”

Vua Bệ-tứ nghe xong, nói rằng:

“Thưa Tôn giả, ngay từ đầu Tôn giả nói ví dụ mặt trời và mặt trăng. Lúc nghe xong, tôi hiểu ngay, hoan hỷ thọ trì, nhưng tôi muốn được nghe những biện tài càng lúc càng cao siêu của bậc thượng diệu trí ở nơi Tôn giả nên tôi hỏi đi hỏi lại mãi. Tôi nay đem mình quy y Tôn giả Ca-diếp.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua chớ quy y tôi. Tôi đã quy y Phật, vua cũng nên quy y theo Ngài.”

Vua Bệ-tứ nói[14]:

“Thưa Tôn giả, con nay đem mình quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Tôn giả thay Phật nhận con làm Ưu-bà-tắc. Bắt đầu từ ngày hôm nay và trọn đời, con đem mình quy y cho đến lúc mạng chung. Thưa Tôn giả Ca-diếp, con từ hôm nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

“Này vua Bệ-tứ, vua muốn thực hành bố thí, tu phước. Vậy sẽ bố thí cho bao nhiêu người và thời gian bao lâu?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Bố thí cho trăm người hoặc đến ngàn người. Một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày.

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Nếu vua thực hành bố thí, tu phước. Bố thí cho một trăm người hoặc đến một ngàn người; một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày thì các Sa-môn, Phạm chí ở khắp nơi đều có nghe vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong đều sẽ từ phương xa đến, trong bảy ngày sẽ không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có ai không nhận được phẩm vật do nhà vua bố thí, vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài. Này vua Bệ-tứ, cũng như hạt giống không nát, không hư, không nứt, không bể, không bị tổn thương bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, được cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ kia cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời nhưng mưa không kịp lúc thì ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có sanh trưởng được chăng?”

Đáp rằng:

“Dạ không.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như thế. Nếu thực hành bố thí, tu phước. Bố thí cho một trăm người hoặc một ngàn người, từ một ngày cho đến bảy ngày. Những Sa-môn, Phạm chí ở các phương xa đều nghe rằng vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong liền từ phương xa đến, thí trong bảy ngày không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có vị nào không nhận được thực phẩm do vua bố thí thì vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài.”

Vua Bệ-tứ lại hỏi:

“Thưa Tôn giả, tôi phải làm thế nào?”

Tôn giả Ca-diếp đáp:

“Này vua Bệ-tứ, nếu vua thực hành bố thí, tu phước thì phải thường cung cấp trường trai[15]. Nếu vua thực hành bố thí, tu phước mà không thường cung cấp trường trai thì các vị Sa-môn, Phạm chí ở khắp nơi nghe rằng: vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí, nên vua có phước, được an lạc lâu dài. Này vua Bệ-tứ, cũng như hạt giống không hư, không nát, không nứt, không bể, không bị thương tổn bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, đã cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời, mưa kịp lúc, ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có thể sanh trưởng được chăng?”

Vua đáp:

“Sanh trưởng được.”

Tôn giả Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như vậy. Nếu thực hành bố thí, tu phước mà thường cung cấp trường trai thì các Sa-môn, Phạm chí ở các nơi nghe vua Bệ-tứ có một quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa, các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí nên vua được phước, được hưởng an lạc lâu dài.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ nói:

“Con từ nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước và thường cung cấp trường trai.”

Lúc đó, Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp cho vua Bệ-tứ và các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho những vị ấy rồi, Tôn giả ngồi im lặng.

Bấy giờ vua Bệ-tứ và các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề được Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Tôn giả, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Sau đó, vua Bệ-tứ tuy thực hành bố thí, tu phước, nhưng bố thí quá thậm tệ, như canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng; lại bố thí áo gai thô xấu. Bấy giờ người cai bếp tên là Ưu-đa-la[16], lúc nhà vua bố thí, tu phước, liền xin Thượng tọa chú nguyện cho nhà vua thế này: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Vua Bệ-tứ nghe Ưu-đa-la lúc vua bố thí tu phước lại xin Thượng tọa chú nguyện rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Nghe vậy, vua kêu cai bếp lại hỏi:

“Này Ưu-đa-la, lúc ta bố thí, tu phước, ngươi xin Thượng tọa chú nguyện cho ta rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Có quả thật như vậy chăng?”

Ưu-đa-la đáp:

“Quả thật vậy, tâu Thiên vương. Vì sao? Thiên vương tuy bố thí tu phước nhưng quá thậm tệ: Bố thí canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng. Tâu Thiên vương, thức ăn ấy không đáng để đưa tay vọc, huống là để ăn. Thiên vương bố thí áo gai xấu, tâu Thiên vương, áo ấy không đáng để dùng chân dậm lên huống là để mặc. Con kính Thiên vương nhưng không trọng sự bố thí ấy, cho nên, tâu Thiên vương, con không mong phước báo của cuộc bố thí tệ mạt này để Thiên vương được hưởng.”

Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo:

“Này Ưu-đa-la, ngươi từ nay bắt đầu đem thức ăn như ta đã ăn mà bố thí. Con đem áo như áo ta đã mặc mà bố thí.”

Từ đó về sau, Ưu-đa-la đem thức ăn giống như thức ăn của vua mà bố thí, đem áo giống như áo vua đã mặc mà bố thí. Bấy giờ Ưu-đa-la nhờ coi sóc việc bố thí cho vua Bệ-tứ nên sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi trời Tứ thiên vương. Còn vua Bệ-tứ thì không chí tâm bố thí nên thân hoại mạng chung sanh vào cung điện trống không rừng Tòng thọ[17].

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề[18] thường du hành trong Tòng thọ lâm không cung điện, từ xa trông thấy vua Bệ-tứ, liền hỏi rằng:

“Ông là ai?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, Tôn giả có nghe trong châu Diêm-phù có vua xứ Tư-hòa-đề tên là Bệ-tứ chăng?”

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề đáp ;

“Tôi nghe trong châu Diêm-phù-đề, ở xứ Tư-hòa-đề có vua tên là Bệ-tứ.”

Vua Bệ-tứ nói:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, con chính là vua ấy, vốn tên là Bệ-tứ.”

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề lại hỏi:

“Này vua Bệ-tứ, vua đã quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’, thế thì do đâu vua sanh vào đây, trú trong vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở Tứ thiên vương nhỏ hẹp này?

Vua Bệ-tứ lại thưa:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, con vốn có quan niệm ấy nhưng bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ. Nếu Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề có xuống châu Diêm-phù thì xin báo cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù hay rằng: Nếu có bố thí, tu phước thì hãy chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo như vua Bệ-tứ xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Bệ-tứ là vua bố thí vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”

Bấy giờ Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề im lặng nhận lời. Sau đó, lúc Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề xuống châu Diêm-phù, rao cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù biết: phải chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp, có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo bố thí như vua Bệ-tứ, xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Bệ-tứ là vua bố thí mà vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp thuyết như vậy. Vua Bệ-tứ và các cư sĩ xứ Tư-hòa-đề nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli D.23 Pāyāsi-suttanta. Biệt dịch DTK.1 (7).
[02] Cưu-ma-la Ca-diếp 鳩 摩 羅 迦 葉. Pāli: Kumāra-kassapa, nổi danh xuất sắc về biện luận. Ngài được gọi là Kumāra, vương tử hay đồng tử, vì được vua nuôi, xuất gia mới lên bảy. No.1 (7) nói là: Đồng nữ Ca-diếp.
[03] Tư-hòa-đề 斯 惒 提; Pāli: Setavyā, thị trấn của Kosala.
[04] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸 攝 惒 林; Pāli: Siṃsapavana. Có một khu rừng Siṃsapavana ở Ālavi và một khu ở Kosambi.
[05] Bệ-tứ 鞞 肆; No.1 (7): Tệ Túc. Pāli: Pavāsi, thủ trưởng thị trấn Setavyā.
[06] Bản văn nói A-la-ha nhưng đây gọi theo dịch ngữ thông dụng nhất.
[07] Hữu hậu thế, hữu chúng sanh sanh 有 後 世 有 眾 生 生. No.1 (7): Hữu hậu thế, hữu cánh sanh. Pāli: atthi paraloko, atthi sattā opapātikā: Có đời sau, có hóa sanh hữu tình.
[08] Paro loko, Hán thường dịch là hậu thế (đời sau); nhưng trong tiếng Phạn, cũng có nghĩa là thế giới (hay thế gian) khác. Cho nên câu trả lời có ví dụ như thế.
[09] Dịch sát nguyên văn Hán, có thể hiểu: “Vua có sự kiện phi lý nào để trình bày rõ hơn không?” Nhưng, tham khảo bản Pāli: atthi pana Rājañña pariyāyo yena te pariyāyena evaṃ hoti, iti pi n’atthi paraloko, n’atthi sattā opapātikā, n’atthi sukaṭadukkaṭānaṃ, “Đại vương, còn có lý do nào để nói không có thế giới khác, không có chúng sanh hóa sanh, không có quả báo thiện ác”.
[10] Trước hành hoa man 著 蘅; hoành tức đổ hành, loại cỏ hoa thơm, lấy cỏ làm tràng hoa, chỉ cho sự dữ tợn.
[11] Trong bản Hán nói là thiết thực 竊 食, lén mà ăn, nuốt.
[12] Tức Ma-kiệt-đà (Magadha) và Ương-già (Aṅga), cách nhau bởi con sông Campā, trong thời Đức Phật, cả hai đều ở dưới sự cai trị của vua Pasenadi.
[13] Bản Pāli và Trường A-hàm không có thí dụ chót này. Nó châm biếm thái độ ngoan cố của Pāyāsi.
[14] No.1 (7): Tệ-tú hỏi: Tôn sư Tôn giả ở đâu? Tôn giả đáp: Tôn sư của tôi diệt độ chưa bao lâu.
[15] Trường trai chỉ cho cuộc lễ thí kéo dài, không phải ăn chay trường. Bản Pāli và No.1(7) nói hơi khác: vua muốn mở cuộc đại thí (yañña), nhưng Tôn giả cản, nếu trong cuộc đại thí ấy có súc vật bị giết, tôi tớ bị sai khiến mệt nhọc, bị đánh đập.
[16] Giám trù Ưu-đa-la. No.1 (7): một niên thiếu Bà-la-môn (không nói tên). Pāli: Uttāra mānava, niên thiếu Bà-la-môn Uttāra bất mãn và nói ngạo bị bỏ qua.
[17] Nhiếp (hay Tòng) thọ lâm Không cung điện; cung điện trong cõi Catummahārājākadevā, và các thiên thần ở đây được coi là Yakkha (Dạ-xoa). Trước cung điện có một cây serīsa, năm mươi năm nẩy trái một lần.
[18] Kiều-diệm-bát-đề, Pāli: Gavampati: một vị A-la-hán, nguyên là con một nhà đại phú ở Ba-la-nại.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]

Trung A Ham - Thich Tue Sy dich
Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
58. Kinh Thất Bảo
59. Kinh Tam Thập Nhị Tướng
60. Kinh Tứ Châu
61. Kinh Ngưu Phấn Dụ
62. Kinh Tần-Bệ-Sa-La Vương Nghinh Phật
63. Kinh Bệ-Bà-Lăng-Kỳ
64. Kinh Thiên Sứ
65. Kinh Ô Điểu Dụ
66. Kinh Thuyết Bổn
67. Kinh Đại Thiên Nại Lâm
68. Kinh Đại Thiện Kiến Vương
69. Kinh Tam Thập Dụ
70. Kinh Chuyển Luân Vương
71. Kinh Bệ-Tứ
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

6. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG

71. KINH BỆ-TỨ[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp[02] du hóa tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Tư-hòa-đề[03], trú trong rừng Thi-nhiếp-hòa[04] về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này.

Bấy giờ trong ấp Tư-hòa-đề có vua tên là Bệ-tứ[05], giàu có cùng tột, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phòng họâ, thực ấp đầy đủ mọi thứ. Tất cả suối, hồ, cỏ cây ở ấp Tư-hòa-đề đều thuộc về nhà vua, là phong ấp do vua Ba-tư-nặc, nước Câu-tát-la cấp cho.

Bấy giờ, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe đồn rằng, “Có Sa-môn tên là Cưu-ma-la Ca-diếp, du hóa tại nước Câu-tát-la, cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi đến thị trấn Tư-hòa-đề, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Cưu-ma-la Ca-diếp là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán[06]. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp này.”

Nghe thế, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.

Bấy giờ, vua Bệ-tứ ở trên chánh điện, trông thấy từ xa các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Vua Bệ-tứ thấy vậy, hỏi người hầu rằng:

“Hôm nay vì cớ gì các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề này mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa?

Người hầu thưa rằng:

“Tâu Thiên vương, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề kia nghe rằng “Có Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp du hóa tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến thị trấn Tư-hòa-đề này, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa, về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Tâu Thiên vương, Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Ngài là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp ấy.” Tâu Thiên vương, do đó các Phạm chí, cư sĩ cùng với nhóm của mình theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.

Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo người hầu:

“Ngươi hãy đến các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề ấy, nói rằng ‘Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ xứ Tư-hòa-đề: ‘Này các ngươi hãy đợi, ta sẽ cùng các ngươi đến yết kiến Cưu-ma-la Ca-diếp ấy. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng có đời sau, có chúng sanh hóa sanh[07]. Ta thấy như vầy, chủ trương như vầy: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.’

Người hầu vâng lời, liền đến chỗ các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nói rằng:

“Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề như thế này: ‘Các ngươi hãy đợi. Ta sẽ cùng với các ngươi đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe lệnh ấy, bảo người hầu:

“Xin tuân theo lệnh truyền’.

Người hầu trở lại tâu với vua:

“Tôi đã công bố mệnh lệnh của vua rồi. Các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề ấy đang đợi Thiên vương; mong Thiên vương biết cho, đã đến thời.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ bảo người đánh xe:

“Ngươi mau sửa soạn xa giá. Ta nay muốn đi.”

Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xa giá xong, liền trở lại tâu với vua rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, chờ ý Thiên vương.”

Lúc đó vua Bệ-tứ liền cỡi xe đi đến chỗ các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, rồi cùng nhau đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Khi vua Bệ-tứ từ xa trông thấy Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp ở giữa rừng cây, liền xuống xe đi đến chỗ Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp, chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên, thưa rằng:

“Này Ca-diếp, tôi nay muốn hỏi, thầy có nghe chăng?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:

“Vua Bệ-tứ, muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ liền hỏi:

“Này Ca-diếp, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’. Ý Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp nghĩ sao?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:

“Vua Bệ-tứ, tôi nay hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Ý vua thế nào, mặt trời, mặt trăng này thuộc về thế giới này hay thế giới khác[08]?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”[09]

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác. Này Ca-diếp, tôi có người thân bị bệnh trầm trọng. Tôi đi đến chỗ bệnh nhân; đến nơi, nói rằng: ‘Bạn nên biết, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin chủ trương của những kẻ ấy. Những kẻ ấy lại bảo rằng: ‘Nếu có kẻ nam nữ làm việc ác, không tinh tấn, lười biếng, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, kẻ ấy chắc chắn đi vào ác xứ, sanh vào địa ngục’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói như vậy mà đúng thì bạn là người ruột thịt của ta, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; nếu thân hoại mạng chung, bạn chắc chắn sẽ sanh đến ác xứ, sanh vào địa ngục, thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay thế này: ‘Này Bệ-tứ, trong địa ngục ấy khổ như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại nói tin cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trong địa ngục kia, khổ như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện này nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Vua Bệ-tứ, tôi lại hỏi vua. Vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Nếu có thuộc hạ của vua bắt trói một tội nhân, đem đến trước vua, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Vua bảo, ‘Các khanh hãy đem trói chặt hai tay ra đằng sau, bỏ nó lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như tiếng lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết, rồi đưa ra cổng thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi chém đầu nó’. Thuộc hạ vâng lời, liền trói tay tội nhân ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết xong, đưa ra cổng thành hướng Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao, muốn chém đầu nó. Tội nhân sắp chết nói với đao phủ rằng: ‘Ông hãy hoãn cho tôi một lúc. Tôi muốn gặp cha mẹ, vợ con, tớ gái, người đưa tin. Hãy để tôi tạm thời ra đi’. Ý vua nghĩ sao? Người đao phủ có thể để cho tội nhân ấy tạm thời ra đi ít lâu không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:

“Người thân của vua cũng lại như thế, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không thi ân, không đại lượng, đắm trước của cải. Do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Lúc ngục tốt bắt ra hành hạ đau đớn, người thân của vua nói với ngục tốt rằng: ‘Nàøy các ngục tốt, các ông hãy khoan một lúc, chớ hành hạ ta đau đớn. Ta muốn tạm thời đi đến vua Bệ-tứ để báo cho vua hay rằng ‘Trong ngục tốt kia khổ như thế này, như thế này, mà tôi đã chứng kiến’.’ Ý vua thế nào? Ngục tốt kia có thể thả cho người thân của vua tạm thời ra đi không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:

“Vua hãy quán sát về đời sau cũng lại như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy đã thấy hiện tượng ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, lại còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân lâm bệnh trầm trọng, tôi đến chỗ bệnh nhân; đến rồi nói rằng: ‘Bạn nên biết, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Tôi thường không tin những kẻ kia về chủ trương của họ. Họ cho rằng: ‘Nếu có kẻ nam người nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ thường an lạc, bố thí, không tham đắm của cải; kẻ kia do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Này bạn thân yêu, nếu Sa-môn, Phạm chí nói như vậy mà đúng thì bạn là người thân ruột thịt của tôi, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, sống cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’.’ Này Sa-môn, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại tin cho tôi hay, ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện đó cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người trí nghe thí dụ này thì hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như ngoài thôn ấp kia có một hầm xí công cộng, sâu quá đầu người, đầy phẩn ở trong. Có một người rơi xuống, chìm tận đáy hầm ấy. Nếu có người khác thương xót, mong cầu sự phước lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc cho người mắc nạn, liền thong thả kéo nạn nhân từ hầm xí lên; gạt phẩn bằng thanh tre, chùi bằng lá cây, tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, đem bột hương thoa khắp thân thể, mời lên chánh điện cho vui hưởng ngũ dục. Ý vua nghĩ sao? Há kẻ nạn nhân ấy lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen và muốn trở lại hay sao?”

Vua Bệ-tứ trả lời:

“Không thể, Ca-diếp. Nếu có một kẻ nào khác tưởng tới hầm xí kia, hoan hỷ ngợi khen và muốn thấy thì nạn nhân kia cũng không thể ưa kẻ này, huống là chính nạn nhân lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lần nữa. Điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Bệ-tứ, nếu vua có người thân có diệu hạnh, có tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; người ấy do nhân duyên đó, khi thân hoại mạnh chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời được vui hưởng ngũ dục ở đó. Ý vua nghĩ sao? Há lại thiên tử ở cõi trời kia bỏ ngũ dục ở đó, tưởng nhớ ngũ dục ở nhân gian này? Hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại nữa sao?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp. Vì sao? Vì ngũ dục nhân gian xú uế, ở nơi bất tịnh, rất đáng ghét, không thể hướng đến, không thể ưa thích, thô sáp bất tịnh. Này Ca-diếp, so với ngũ dục nhân gian thì ngũ dục cõi trời là hơn, là tối thắng, là tối hảo, là tối thượng. Nếu thiên tử cõi trời kia, xả bỏ ngũ dục ở đó, tưởng đến ngũ dục nhân gian, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại; điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Bệ-tứ, vua nên quán sát về đời sau cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy đã thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người bạn thân lâm bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân, đến xong, liền bảo: ‘Bạn nên biết rằng, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin những chủ trương ấy. Họ lại bảo: ‘Nếu có người nam kẻ nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có học, thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, người ấy chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cói trời’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói đúng thì bạn là người thân ruột thịt của ta, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì bạn hãy trở lại cho ta hay như thế này: ‘ Này vua Bệ-tứ! Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Nếu bạn ở cõi trời nghĩ rằng: ‘Nếu ta trở lại thì sẽ được những gì?’ ‘Bệ-tứ vương gia có nhiều của cải, ta sẽ cho bạn’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, tuổi thọ cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam thập tam thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của chư Thiên Tam thập tam thiên đến một ngàn năm, thì ý vua nghĩ sao? Nếu vua có người thân có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời, người thân của vua liền nghĩ: ‘Trước tiên, ta hãy vui hưởng ngũ dục cõi trời một ngày một đêm, hay là ta hãy vui hưởng ngũ dục hai, ba, bốn cho đến bảy ngày, nhiên hậu sẽ đi đến tin cho vua Bệ-tứ hay rằng: ‘Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này để cho nhà vua rõ’. Ý vua nghĩ sao? Bấy giờ vua còn sống chăng?”

Vua Bệ-tứ hỏi lại:

“Này Ca-diếp, người nào sau khi chết, đến nói rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi; một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam thập tam thiên; một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của chư Thiên ở Tam thập tam thiên đến một ngàn năm?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ thì hiểu được ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như người mù kia nói rằng: ‘Không có sắc đen trắng, cũng không thấy sắc đen trắng; không có sắc dài ngắn, cũng không thấy sắc dài ngắn; không có sắc xa gần, cũng không thấy có sắc xa gần; không có sắc thô tế, cũng không thấy có sắc thô tế. Vì sao? Vì ban đầu ta không thấy, không biết, cho nên không có sắc’. Này vua Bệ-tứ, người mù kia nói như vậy có đúng không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không đúng, Ca-diếp. Vì sao? Ca-diếp, có sắc đen trắng, cũng có thấy sắc đen trắng. Có sắc dài ngắn, cũng có thấy sắc dài ngắn. Có sắc gần xa, cũng có thấy sắc gần xa. Có sắc thô tế, cũng có thấy sắc thô tế. Nếu người mù bảo rằng: ‘Vì ta không thấy, không biết cho nên không có sắc’, thì người ấy nói không đúng.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như người mù ấy, nếu vua bảo như thế này: ‘Người nào sau khi chết đến nói rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở cõi Tam thập tam thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng mà tuổi thọ ở cõi Tam thập tam thiên thì đến một ngàn năm’?”

Vua Bệ-tứ nói:

“Này Sa-môn Ca-diếp, thực là không nên, không nên nói như vậy. Vì sao? Vì Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp đã cố tình so sánh tôi giống như kẻ mù kia. Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết thân thuộc của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì này Ca-diếp, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các phước thiện, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Ca-diếp! Không nên cố tình so sánh tôi như người mù kia.”

Tôn giả Ca-diếp đáp:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ khác. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng giống như một Phạm chí có người vợ trẻ, vừa mới mang thai, người vợ cả đã có một đứa con trai. Trong thời gian ấy, Phạm chí kia bỗng nhiên mạng chung. Sau khi mạng chung, con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế như thế này: ‘Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn phải thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế đáp: ‘Ta nay đang có thai, nếu sanh con trai thì nó phải được phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn của cậu’. Con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế ba lần như thế này: “Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế cũng trả lời ba lần như thế này: ‘Nay ta đang có thai, nếu sanh con trai thì phải được chia phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn thuộc về cậu’. Bấy giờ bà mẹ kế ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo toàn sự sống mà trở lại hại mình. Bà vào trong phòng lấy dao bén mổ bụng xem là trai hay gái. Bà ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ, muốn bảo vệ sự sống mà lại tự hại mình và đứa con trong bụng. Nên biết, này vua Bệ-tứ, nhà vua cũng lại như vậy, ngu si không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo tồn sự sống mà lại nghĩ như thế này: ‘Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết người thân thích của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượïng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì tôi, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các thiện nghiệp, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Sa-môn Ca-diếp, không nên cố tình so sánh tôi với người mù kia’. Này vua Bệ-tứ, nếu người tinh tấn mà sống lâu thì được phước lớn. Nếu được phước lớn thì sanh lên cõi trời và sống lâu. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán sát đời sau như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân mang bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân hỏi han, thăm viếng, bệnh nhân cũng hỏi han và nhìn tôi. Lúc bệnh nhân chết, tôi lại đến hỏi han thăm viếng người chết, nhưng người chết không hỏi han, không nhìn tôi. Sau đó tôi cũng không còn trở lại hỏi han thăm viếng người thân ấy nữa. Này Ca-diếp, do sự kiện đó, tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ, người có trí nghe thí dụ này thì liền hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như có người thổi tù và giỏi. Nếu ở xứ kia chưa từng nghe tiếng tù và, người đó đến xứ ấy, vào một đêm tối, trèo lên núi cao, tận lực thổi tù và. Mọi người ở xứ ấy chưa từng nghe tiếng tù và, nay được nghe, liền nghĩ: ‘Tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng xem nghe, khiến tâm hoan duyệt như thế?’ Bấy giờ những người ấy bèn cùng nhau đi đến chỗ người thổi tù và giỏi. Sau khi đến, hỏi rằng: ‘Đó là tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng đến xem nghe, khiến tâm hoan duyệt như thế?’ Người thổi tù và giỏi đem liệng cái tù và xuống đất, bảo mọi người rằng: ‘Các vị nên biết, chính đó là tiếng tù và’. Lúc đó, mọi người lấy chân đá tù và rồi nói rằng: ‘Tù và hãy kêu đi! Tù và hãy kêu đi!’ Nhưng nó im lìm không âm hưởng. Người thổi tù và giỏi liền nghĩ: ‘Nay những người này ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ. Vì sao? Vì muốn tìm âm thanh từ một vật vô tri’. Bấy giờ người thổi tù và giỏi nhặt tù và lên, dùng nước rửa sạch, đưa lên miệng mà tận lực thổi. Khi ấy mọi người nghe xong, liền nghĩ: ‘Tù và thật kỳ diệu’. Vì sao? ‘Vì nhờ tay, nhờ nước, nhờ miệng, hơi thổi mới phát ra tiếng hay, vang khắp bốn phương’. Này vua Bệ-tứ, cũng như vậy, nếu người còn sống mới có thể nói năng, hỏi han nhau được. Nếu khi chết thì không thể nói năng, hỏi han được nữa. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh ra lại cũng như vậy, chứ đừng giống cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại hỏi:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự kiện phi lý này. Tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ của tôi. Đến rồi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, kẻ này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này cân sống. Cân sống xong, vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, ta mới biết người này lúc nào thì nhẹ cân, mềm mại, tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, đó là lúc sống hay là lúc chết?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy cân sống, rồi vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, thấy rằng tội nhân lúc sống thì nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, còn lúc chết thì nặng, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nhuận. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy, cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu được ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như thanh sắt hay lưỡi cày sắt được đốt cháy suốt ngày, vật bằng sắt ấy lúc bấy giờ thì nhẹ, mềm, sắc tươi nhuận và đẹp hơn. Nếu lửa tắt, nó dần dần trở nên nguội lạnh, nặng hơn, cứng, không mềm và sắc không tươi. Cũng vậy, này vua Bệ-tứ, nếu người lúc còn sống thì thân thể nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ. Nếu lúc chết thì nặng hơn, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nữa. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh cũng như thế, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy hiện tượng đó đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa rồi, hãy quan sát cùng khắp, xem chúng sanh ấy lúc vào lúc ra, qua lại chỗ nào?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa, quan sát cùng khắp để xem chúng sanh ấy lúc ra lúc vào qua lại chỗ nào. Nhưng này Ca-diếp, tôi làm phương thức như vậy mà chẳng thấy chúng sanh hóa sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, nay tôi hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Vua nghĩ sao, nếu vào ban ngày, vua ăn thức ăn mỹ diệu ngon lành, rồi lên giường nằm ngủ. Vua nhớ lại đã từng ở trong mộng, có lần thấy vườn tược, hồ tắm, rừng cây, hoa trái, suối trong, sông dài, qua lại cùng khắp chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Tôi nhớ lại đã từng có như vậy.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:

“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, vua lên giường nằm ngủ. Bấy giờ có ai đứng hầu bên cạnh chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Có.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:

“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, lên giường nằm ngủ. Lúc ấy, những người hầu hai bên tả hữu có thấy được khi vua ra vào, qua lại cùng khắp chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Dù cho có ai khác cũng không thể thấy, huống nữa là bạn hầu hạ hai bên.”

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng quán chúng sanh hóa sanh cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, lúc đẹp lúc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân đem đến trước tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này lóc da, xẻo thịt, chặt gân, đục xương đến tận tủy để tìm chúng sanh hóa sanh’. Này Ca-diếp, tôi đã làm phương cách như thế mà rốt cuộc cũng chẳng thấy chúng sanh sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này thì liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như Phạm chí bện tóc thờ lửa, ở gần bên đường. Cách đó không xa có những người khách buôn tá túc. Vào lúc sáng sớm, những người khách buôn ấy vội vã ra đi, bỏ quên một đứa bé. Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa dậy sớm, đi đến nơi khách buôn tạm trú, xem thấy đứa bé đứng một mình, không có chủ nhân. Thấy xong, vị ấy nghĩ: ‘Nay thằng bé con này không có nơi nương tựa, nếu ta không nuôi thì chắc nó sẽ chết’. Nghĩ như thế, Phạm chí liền bồng đem về nuôi. Thời gian sau, đứa bé lớn khôn, bấy giờ Phạm chí thờ lửa bện tóc bận chút việc ở thôn xóm khác. Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa bảo thiếu niên rằng: ‘Ta bận chút việc phải xuống thôn xóm một thời gian. Con phải giữ lửa cẩn thận, chớ để nó tắt. Nếu lửa tắt con phải dùng cái cọ lửa này mà nhen lại’. Bấy giờ Phạm chí bện tóc thờ lửa căn dặn cẩn thận xong, liền xuống thôn xóm. Sau đó, thiếu niên ấy ra ngoài rong chơi, lửa tắt hết. Sau khi trở về nó muốn nhen lửa, liền dùng cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên!’ Nhưng lửa vẫn không cháy. Lửa không cháy, nó phá cái cọ lửa ấy ra thành từng mảnh, một trăm mảnh vứt đi, ngồi bệt xuống đất sầu não mà nói rằng: ‘Không tìm được lửa, phải làm sao đây?’ Bấy giờ Phạm chí bện tóc thờ lửa đã làm xong công việc ở thôn xóm, liền trở về nhà. Về đến nơi, hỏi thiếu niên ấy rằng: ‘Con không vui chơi mà chăm sóc ngọn lửa, không để nó tắt chăng?’ Nó trả lời: ‘Thưa Tôn giả, con đi ra ngoài chơi nên sau đó lửa đã tắt. Khi trở về con muốn nhen lửa, liền lấy cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’ mà cuối cùng lửa vẫn không cháy. Con lại đặt lên phiến đá, ra sức đánh mà bảo: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’, nhưng lửa vẫn không cháy. Con liền phá cái cọ ấy ra thành mười mảnh, một trăm mảnh vứt đi, rồi ngồi bệt xuống đất. Thưa Tôn giả, con đã tìm kiếm như thế mà không có lửa, không biết làm sao!’ Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa nghĩ rằng: ‘Cậu thiếu niên này quá ngu si, không thông suốt, không rõ ràng, không có trí tuệ. Vì sao? Vì từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như vậy’. Khi ấy, Phạm chí bện tóc thờ lửa đem cọ lửa và vật mồi lửa đặt xuống đất mà cọ xát thì bật lửa và cháy bùng lên, liền bảo thiếu niên rằng: ‘Này con, phương pháp lấy lửa phải như vậy, chớ không phải như con ngu si, không thông suốt, không có trí tuệ, từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như con đã làm’.

“Cũng vậy, nên biết, này vua Bệ-tứ, vua cũng lại như vậy, ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không trí tuệ, đối với xác thịt chết cho đến xương tủy vô tri mà muốn thấy chúng sanh hóa sanh. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện đó đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng tôi đối với quan niệm này, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sân nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, trọn không thể xả bỏ. Vì sao? Nếu có người ở nước khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đoạn trừ và xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế, tôi đối với quan niệm này bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì si, trọn không thể xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như hai người bạn bỏ nhà đi tìm kế sinh nhai. Trên đường đi, ban đầu họ thấy có rất nhiều cây gai không chủ. Một người trông thấy, bảo bạn rằng: ‘Bạn nên biết, ở đây có rất nhiều cây gai không chủ. Tôi muốn bạn cùng lấy, bó lại đem về, có thể làm vật dụng được’. Hai người liền lấy bó lại để gánh đi.”

“Trên đường đi họ lại thấy rất nhiều tơ lụa kiếp-bối, vải kiếp-bối không chủ, lại thấy rất nhiều bạc cũng không chủ. Thấy xong, một người vất bỏ cây gai đang gánh, lấy bạc gói lại.

“Trên đường đi lại thấy nhiều đống vàng cũng không có chủ. Bấy giờ người gánh bạc bàn với người gánh gai: ‘Này bạn nên biết! Vàng này quá nhiều mà không có chủ, bạn nên vứt bỏ cây gai, tôi thì vứt bỏ bạc đang gánh. Tôi muốn cùng với bạn đồng lấy vàng này gánh trở về, có thể chi dụng được hơn’. Người gánh gai bảo người gánh bạc: ‘Tôi gánh gai này sau khi đã sắp xếp gọn gàng, bó lại chắc chắn, từ xa gánh tới đây, tôi không thể bỏ được, nên bạn biết đấy, chớ lo cho tôi’. Khi ấy người gánh bạc giật gánh gai quăng xuống đất rồi xổ tung ra. Người gánh gai bảo người gánh bạc rằng: ‘Bạn đã xổ tung gánh gai của tôi như vậy, tôi đã mất công bó lại chắc chắn, gánh từ xa tới đây, nên tôi dứt khoát gánh cây gai này về, không thể bỏ được. Bạn hãy tự biết, chớ lo cho tôi’. Người gánh bạc liền bỏ gánh bạc, lấy vàng gánh về.

“Người gánh vàng trở về, từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh vàng về, thấy rồi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Hãy đến đây con. Con nhờ vàng này sống được sung sướng, phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại có thể bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí, tạo phước tăng thượng, thiện quả, thiện báo, sanh vào cõi trời, sống lâu’.

“Người gánh cây gai trở về nhà, từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh cây gai trở về, thấy vậy mắng rằng: ‘Ngươi là người có tội trở về, là người vô đức trở về. Vì bó gai này ngươi không sống được, không thể phụng dưỡng cha mẹ, không thể chu cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại cũng không thể bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí, không thể tạo phước tăng thượng, không được thiện quả, thiện báo, không thể sanh vào cõi trời để được sống lâu’.

“Cũng vậy, nên biết, này vua Bệ-tứ, vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ lãnh vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét.”

Vua Bệ-tứ lại nói rằng:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu người khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ quan niệm thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, nên đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, Hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như một khách buôn, cùng với đoàn khách buôn đông đảo, có một ngàn cỗ xe đi vào con đường nguy hiểm. Trong đoàn khách buôn ấy có hai vị thương chủ. Hai vị ấy nghĩ rằng: ‘Chúng ta làm sao thoát khỏi nạn này?’ Họ lại nghĩ: ‘Đoàn của chúng ta nên chia làm hai, mỗi toán năm trăm’.

“Đoàn khách buôn ấy liền chia ra hai toán, mỗi toán năm trăm, một thương chủ dẫn năm trăm cỗ xe, tiến vào con đường nguy hiểm. Người thương chủ ấy thường đi dẫn đường ở phía trước, thấy một người từ mé đường đi ra, quần áo ướt sũng, chân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, đeo tràng hoa cỏ thơm[10], đi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường bí hiểm này, trời có mưa chăng? Có nước trong, củi và cỏ chăng?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong và nhiều củi, cỏ. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi, cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong và củi với cỏ tốt’.

“Vị thương chủ ấy nghe xong, liền trở lại đến toán của mình, thuật lại rằng: ‘Ta đi trước, thấy một người từ bên đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi người ấy: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi, cỏ chăng?’ Người ấy đáp rằng: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Như vậy không bao lâu nữa chúng ta sẽ có nước trong cùng củi và cỏ, chớ để nặng xe’.

“Các khách buôn vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, họ không thấy nước trong, củi và cỏ. Sau bảy ngày, toán khách buôn ấy bị quỷ ăn thịt người sát hại.

“Người thương chủ thứ hai nghĩ rằng: ‘Vị thương chủ trước đã qua khỏi tai nạn nguy hiểm. Chúng ta phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, vị ấy cho năm trăm cỗ xe cùng tiến vào con đường nguy hiểm. Cũng đi trước dẫn đường, vị thương chủ thứ hai thấy có một người từ mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ thứ hai này trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người lạ đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn lắm, có rất nhiều nước trong, củi và cỏ rất tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’.

“Người thương chủ thứ hai nghe xong, trở lại với toán, thuật rằng: ‘Ta đi đàng trước, thấy có một người từ bên mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời thường mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ thấy được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta chưa thể vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ được. Nếu lấy được nước, củi và cỏ mới, sau đó chúng ta mới bỏ’.

“Toán khách buôn ấy không vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, không lấy được nước, củi và cỏ mới. Họ đi hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày mà vẫn không lấy được.

“Lúc người thương chủ thứ hai đi trước, trông thấy người thương chủ thứ nhất và toán khách buôn đi trước đã bị quỷ ăn thịt người sát hại; thấy rồi, bảo toán của mình rằng: ‘Này các bạn, các bạn hãy xem người thương chủ đi trước ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ; đã tự giết mình, lại giết đồng bọn nữa. Các bạn, nếu muốn lấy hàng hóa của người khách buôn toán trước thì tự tiện mà lấy’.

“Này vua Bệ-tứ, nên biết rằng vua cũng lại như vậy. Nếu với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét nữa. Cũng như người thương chủ thứ nhất và đồng bọn thuộc nhóm thứ nhất.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ. Vì sao? Nếu những người ở nước khác nghe đến, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, đối với quan niệm đó tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như hai người hẹn nhau chơi đổ súc sắc. Người thứ nhất thường lén trộm con súc sắc mà ngậm[11], ngậm một lần, hai lần, ba lần cho đến nhiều lần. Người thứ hai liền nghĩ: ‘Cùng chơi với người này, nó luôn luôn gạt mình, trộm con súc sắc mà ngậm một, hai, ba lần cho đến nhiều lần’. Nghĩ thế, người ấy nói với bạn: ‘Ta muốn nghỉ, sau đó sẽ chơi lại’. Bấy giờ người thứ hai rời khỏi chỗ ấy, dùng thuốc tẩm vào con súc sắc rồi trở lại cùng chơi. Người thứ nhất lại lén trộm con súc sắc mà ngậm, một lần, hai, ba hoặc đến nhiều lần. Ngậm xong, liền trợn mắt, sùi bọt mép gần chết. Bấy giờ người thứ hai hướng về người thứ nhất nói bài tụng:

Xúc xắc này tẩm độc
Người tham ăn không biết
Trước ngồi chơi, gạt ta
Sau phải mang họa khổ.

“Này vua Bệ-tứ, nên biết, vua cũng lại như vậy. Nếu quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ. Lại bị mọi người chê ghét. Cũng như người chơi súc sắc, vì lừa gạt mà bị mang họa.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ liền hiểu nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như người nuôi heo, lúc đang đi trên đường thấy có rất nhiều phân khô không chủ, liền nghĩ rằng: ‘Phân này có thể nuôi no đủ cho nhiều con heo, ta nên lấy gói lại mang đi’. Người ấy liền đội phân mà đi, giữa đường gặp trời mưa lớn, phân chảy ra, chảy xuống vấy phẩn cùng thân nhưng người ấy vẫn đội đi không vứt bỏ. Người ấy thọ vô lượng sự xấu, lại bị mọi người chê ghét. Này vua Bệ-tứ, nên biết rằng vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng như người nuôi heo kia.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu những người ở các nước khác nghe sẽ bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có một quan niệm đã thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai, đã đoạn trừ, xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế nên tôi đối với quan niệm này muốn bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ cuối cùng. Nếu vua biết thì tốt, nếu vua không biết thì tôi cũng không thuyết pháp nữa. Này vua Bệ-tứ, cũng như con heo lớn, thủ lãnh của đàn heo năm trăm con, đi vào con đường nguy hiểm, nó gặp một con cọp. Khi con heo đã trông thấy con cọp, liền nghĩ: ‘Nếu đấu với cọp thì cọp sẽ giết mình. Nếu sợ bỏ chạy thì thân tộc sẽ khinh mình, không biết phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, nó nói với cọp rằng: ‘Nếu muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta qua’. Cọp nghe liền bảo rằng: ‘Ta chấp nhận đấu với ngươi, chớ không tránh đường cho ngươi’. Heo lại nói rằng: ‘Này cọp, ngươi hãy đợi chốc lát, ta mặc áo giáp của tổ phụ xong rồi hãy trở lại cùng đấu’. Cọp nghe vậy liền nghĩ: ‘Nó chẳng phải địch thủ của ta, huống là áo giáp của tổ phụ nó’. Nghĩ xong, bảo heo: ‘Cho tùy ý ngươi’. Heo liền trở về chuồng, lăn trong đống phân, làm lấp phân đến tận mắt rồi trở lại chỗ cọp, nói rằng: ‘Ngươi muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta đi qua’. Sau khi thấy heo, cọp nghĩ: ‘Ta thường không ăn sâu bọ tạp nhạp vì uổng hàm răng, huống là phải gần con heo hôi hám này’. Con cọp nghĩ xong, liền bảo heo: ‘Ta tránh đường cho ngươi chớ không đấu với ngươi nữa’. Heo đi qua rồi hướng về phía cọp nói bài tụng:

Này cọp, ngươi bốn chân,
Ta cũng có bốn chân.
Hãy đến đấu cùng ta,
Sợ gì mà bỏ chạy?”

“Bấy giờ cọp nghe xong, nói bài tụng trả lời heo rằng:

Ngươi lông mọc như rừng;
Hèn nhất trong loài vật.
Này heo, hãy cút mau;
Phân thối chịu không nổi.”

“Lúc ấy, heo tự khoe, nói bài tụng rằng:

Hai nước Ma-kiệt, Ương[12]
Nghe ta đấu với ngươi.
Hãy đến đấu với ta’
Sợ gì mà bỏ chạy?”

“Cọp nghe vậy, lại nói bài tụng:

Toàn thân, lông đều nhơ
Ngươi làm ta lây thối
Ngươi đánh muốn cầu thắng
Ta nay cho ngươi thắng[13].”

Tôn giả Ca-diếp bảo rằng:

“Này vua Bệ-tứ, tôi cũng như thế, nếu với quan niệm ấy, vua bảo trì vì dục, bảo trì vì sân nhuế, bảo trì vì sợ hãi, bảo trì vì ngu si, không bao giờ bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng giống như cọp để cho heo thắng.”

Vua Bệ-tứ nghe xong, nói rằng:

“Thưa Tôn giả, ngay từ đầu Tôn giả nói ví dụ mặt trời và mặt trăng. Lúc nghe xong, tôi hiểu ngay, hoan hỷ thọ trì, nhưng tôi muốn được nghe những biện tài càng lúc càng cao siêu của bậc thượng diệu trí ở nơi Tôn giả nên tôi hỏi đi hỏi lại mãi. Tôi nay đem mình quy y Tôn giả Ca-diếp.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua chớ quy y tôi. Tôi đã quy y Phật, vua cũng nên quy y theo Ngài.”

Vua Bệ-tứ nói[14]:

“Thưa Tôn giả, con nay đem mình quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Tôn giả thay Phật nhận con làm Ưu-bà-tắc. Bắt đầu từ ngày hôm nay và trọn đời, con đem mình quy y cho đến lúc mạng chung. Thưa Tôn giả Ca-diếp, con từ hôm nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

“Này vua Bệ-tứ, vua muốn thực hành bố thí, tu phước. Vậy sẽ bố thí cho bao nhiêu người và thời gian bao lâu?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Bố thí cho trăm người hoặc đến ngàn người. Một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày.

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Nếu vua thực hành bố thí, tu phước. Bố thí cho một trăm người hoặc đến một ngàn người; một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày thì các Sa-môn, Phạm chí ở khắp nơi đều có nghe vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong đều sẽ từ phương xa đến, trong bảy ngày sẽ không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có ai không nhận được phẩm vật do nhà vua bố thí, vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài. Này vua Bệ-tứ, cũng như hạt giống không nát, không hư, không nứt, không bể, không bị tổn thương bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, được cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ kia cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời nhưng mưa không kịp lúc thì ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có sanh trưởng được chăng?”

Đáp rằng:

“Dạ không.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như thế. Nếu thực hành bố thí, tu phước. Bố thí cho một trăm người hoặc một ngàn người, từ một ngày cho đến bảy ngày. Những Sa-môn, Phạm chí ở các phương xa đều nghe rằng vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong liền từ phương xa đến, thí trong bảy ngày không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có vị nào không nhận được thực phẩm do vua bố thí thì vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài.”

Vua Bệ-tứ lại hỏi:

“Thưa Tôn giả, tôi phải làm thế nào?”

Tôn giả Ca-diếp đáp:

“Này vua Bệ-tứ, nếu vua thực hành bố thí, tu phước thì phải thường cung cấp trường trai[15]. Nếu vua thực hành bố thí, tu phước mà không thường cung cấp trường trai thì các vị Sa-môn, Phạm chí ở khắp nơi nghe rằng: vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí, nên vua có phước, được an lạc lâu dài. Này vua Bệ-tứ, cũng như hạt giống không hư, không nát, không nứt, không bể, không bị thương tổn bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, đã cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời, mưa kịp lúc, ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có thể sanh trưởng được chăng?”

Vua đáp:

“Sanh trưởng được.”

Tôn giả Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như vậy. Nếu thực hành bố thí, tu phước mà thường cung cấp trường trai thì các Sa-môn, Phạm chí ở các nơi nghe vua Bệ-tứ có một quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa, các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí nên vua được phước, được hưởng an lạc lâu dài.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ nói:

“Con từ nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước và thường cung cấp trường trai.”

Lúc đó, Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp cho vua Bệ-tứ và các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho những vị ấy rồi, Tôn giả ngồi im lặng.

Bấy giờ vua Bệ-tứ và các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề được Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Tôn giả, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Sau đó, vua Bệ-tứ tuy thực hành bố thí, tu phước, nhưng bố thí quá thậm tệ, như canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng; lại bố thí áo gai thô xấu. Bấy giờ người cai bếp tên là Ưu-đa-la[16], lúc nhà vua bố thí, tu phước, liền xin Thượng tọa chú nguyện cho nhà vua thế này: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Vua Bệ-tứ nghe Ưu-đa-la lúc vua bố thí tu phước lại xin Thượng tọa chú nguyện rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Nghe vậy, vua kêu cai bếp lại hỏi:

“Này Ưu-đa-la, lúc ta bố thí, tu phước, ngươi xin Thượng tọa chú nguyện cho ta rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Có quả thật như vậy chăng?”

Ưu-đa-la đáp:

“Quả thật vậy, tâu Thiên vương. Vì sao? Thiên vương tuy bố thí tu phước nhưng quá thậm tệ: Bố thí canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng. Tâu Thiên vương, thức ăn ấy không đáng để đưa tay vọc, huống là để ăn. Thiên vương bố thí áo gai xấu, tâu Thiên vương, áo ấy không đáng để dùng chân dậm lên huống là để mặc. Con kính Thiên vương nhưng không trọng sự bố thí ấy, cho nên, tâu Thiên vương, con không mong phước báo của cuộc bố thí tệ mạt này để Thiên vương được hưởng.”

Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo:

“Này Ưu-đa-la, ngươi từ nay bắt đầu đem thức ăn như ta đã ăn mà bố thí. Con đem áo như áo ta đã mặc mà bố thí.”

Từ đó về sau, Ưu-đa-la đem thức ăn giống như thức ăn của vua mà bố thí, đem áo giống như áo vua đã mặc mà bố thí. Bấy giờ Ưu-đa-la nhờ coi sóc việc bố thí cho vua Bệ-tứ nên sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi trời Tứ thiên vương. Còn vua Bệ-tứ thì không chí tâm bố thí nên thân hoại mạng chung sanh vào cung điện trống không rừng Tòng thọ[17].

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề[18] thường du hành trong Tòng thọ lâm không cung điện, từ xa trông thấy vua Bệ-tứ, liền hỏi rằng:

“Ông là ai?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, Tôn giả có nghe trong châu Diêm-phù có vua xứ Tư-hòa-đề tên là Bệ-tứ chăng?”

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề đáp ;

“Tôi nghe trong châu Diêm-phù-đề, ở xứ Tư-hòa-đề có vua tên là Bệ-tứ.”

Vua Bệ-tứ nói:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, con chính là vua ấy, vốn tên là Bệ-tứ.”

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề lại hỏi:

“Này vua Bệ-tứ, vua đã quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’, thế thì do đâu vua sanh vào đây, trú trong vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở Tứ thiên vương nhỏ hẹp này?

Vua Bệ-tứ lại thưa:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, con vốn có quan niệm ấy nhưng bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ. Nếu Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề có xuống châu Diêm-phù thì xin báo cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù hay rằng: Nếu có bố thí, tu phước thì hãy chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo như vua Bệ-tứ xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Bệ-tứ là vua bố thí vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”

Bấy giờ Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề im lặng nhận lời. Sau đó, lúc Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề xuống châu Diêm-phù, rao cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù biết: phải chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp, có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo bố thí như vua Bệ-tứ, xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Bệ-tứ là vua bố thí mà vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp thuyết như vậy. Vua Bệ-tứ và các cư sĩ xứ Tư-hòa-đề nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli D.23 Pāyāsi-suttanta. Biệt dịch DTK.1 (7).
[02] Cưu-ma-la Ca-diếp 鳩 摩 羅 迦 葉. Pāli: Kumāra-kassapa, nổi danh xuất sắc về biện luận. Ngài được gọi là Kumāra, vương tử hay đồng tử, vì được vua nuôi, xuất gia mới lên bảy. No.1 (7) nói là: Đồng nữ Ca-diếp.
[03] Tư-hòa-đề 斯 惒 提; Pāli: Setavyā, thị trấn của Kosala.
[04] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸 攝 惒 林; Pāli: Siṃsapavana. Có một khu rừng Siṃsapavana ở Ālavi và một khu ở Kosambi.
[05] Bệ-tứ 鞞 肆; No.1 (7): Tệ Túc. Pāli: Pavāsi, thủ trưởng thị trấn Setavyā.
[06] Bản văn nói A-la-ha nhưng đây gọi theo dịch ngữ thông dụng nhất.
[07] Hữu hậu thế, hữu chúng sanh sanh 有 後 世 有 眾 生 生. No.1 (7): Hữu hậu thế, hữu cánh sanh. Pāli: atthi paraloko, atthi sattā opapātikā: Có đời sau, có hóa sanh hữu tình.
[08] Paro loko, Hán thường dịch là hậu thế (đời sau); nhưng trong tiếng Phạn, cũng có nghĩa là thế giới (hay thế gian) khác. Cho nên câu trả lời có ví dụ như thế.
[09] Dịch sát nguyên văn Hán, có thể hiểu: “Vua có sự kiện phi lý nào để trình bày rõ hơn không?” Nhưng, tham khảo bản Pāli: atthi pana Rājañña pariyāyo yena te pariyāyena evaṃ hoti, iti pi n’atthi paraloko, n’atthi sattā opapātikā, n’atthi sukaṭadukkaṭānaṃ, “Đại vương, còn có lý do nào để nói không có thế giới khác, không có chúng sanh hóa sanh, không có quả báo thiện ác”.
[10] Trước hành hoa man 著 蘅; hoành tức đổ hành, loại cỏ hoa thơm, lấy cỏ làm tràng hoa, chỉ cho sự dữ tợn.
[11] Trong bản Hán nói là thiết thực 竊 食, lén mà ăn, nuốt.
[12] Tức Ma-kiệt-đà (Magadha) và Ương-già (Aṅga), cách nhau bởi con sông Campā, trong thời Đức Phật, cả hai đều ở dưới sự cai trị của vua Pasenadi.
[13] Bản Pāli và Trường A-hàm không có thí dụ chót này. Nó châm biếm thái độ ngoan cố của Pāyāsi.
[14] No.1 (7): Tệ-tú hỏi: Tôn sư Tôn giả ở đâu? Tôn giả đáp: Tôn sư của tôi diệt độ chưa bao lâu.
[15] Trường trai chỉ cho cuộc lễ thí kéo dài, không phải ăn chay trường. Bản Pāli và No.1(7) nói hơi khác: vua muốn mở cuộc đại thí (yañña), nhưng Tôn giả cản, nếu trong cuộc đại thí ấy có súc vật bị giết, tôi tớ bị sai khiến mệt nhọc, bị đánh đập.
[16] Giám trù Ưu-đa-la. No.1 (7): một niên thiếu Bà-la-môn (không nói tên). Pāli: Uttāra mānava, niên thiếu Bà-la-môn Uttāra bất mãn và nói ngạo bị bỏ qua.
[17] Nhiếp (hay Tòng) thọ lâm Không cung điện; cung điện trong cõi Catummahārājākadevā, và các thiên thần ở đây được coi là Yakkha (Dạ-xoa). Trước cung điện có một cây serīsa, năm mươi năm nẩy trái một lần.
[18] Kiều-diệm-bát-đề, Pāli: Gavampati: một vị A-la-hán, nguyên là con một nhà đại phú ở Ba-la-nại.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]