BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT
Susanta Nguyễn
Montreal, Quebec, 2002
7. ÂN ÐỨC THIÊN NHÂN SƯ - SATTHA DEVA MANUSSANAM
Thầy của chư thiên và loài người.
Niết bàn[i] Trong tiếng Pali, từ Acariya và Sattha đều có nghĩa là Thầy hoặc Sư. Tuy nhiên, theo Ðại đức Sayagi U Kyaw Htut, từ Sattha dùng ở đây không nên hiểu theo nghĩa đơn thuần là một người thầy mà nên hiểu đúng, trọn vẹn, và ý nghĩa hơn, như trong Trường Bộ Kinh có ghi, là một vị Chính Biến Tri (Samma sambuddha Sattha), nghĩa là một vị thầy biết được tất cả những gì có thể biết được.[ii] Deva có nghĩa là chư thiên. Manussanam là con người. Trong sáu cõi luân hồi, chư thiên và loài người là những chúng sanh đã tích lũy nhiều phước đức, có đời sống tốt và có nhiều khả năng tu tập giải thoát. Chư thiên là những chúng sanh, do những nghiệp lành, đã vượt qua và vượt lên trên cảnh giới làm người, sống trong cảnh giới sung sướng mà người trần mắt thịt chúng ta không thể thấy được. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thoát khỏi luân hồi sinh tử. Trong Ðạo Phật, chư thiên không có liên quan gì đến các vị thần thánh trong truyền thuyết cổ xưa. I. ÐỨC PHẬT GIÁO HÓA CHƯ THIÊN VÀ LOÀI NGƯỜI VỀ SỰ LỢI ÍCH CỦA GIÁO PHÁP: Ðức Phật là Thầy của chư thiên và loài người vì Ngài giáo huấn tất cả Chư thiên và nhân loại những pháp đem lại 3 sự lợi ích: 1. Sự lợi ích và sự an lạc trong kiếp hiện tại (Ditthadhammikattha) 2. Sự lợi ích và sự an lạc trong kiếp vị lai (Samparayikattha) 3. Sự lợi ích và an lạc cao thượng Niết bàn, tùy theo căn duyên trí tuệ của mỗi chúng sinh. A. Sự Lợi Ích Và Sự An Lạc Trong Kiếp Hiện Tại (Ditthadhammikattha): Thế Tôn dạy chúng sanh 4 pháp để đem lại những sự lợi ích và an lạc trong kiếp hiện tại: 1. Siêng năng và cần mẫn làm những việc nuôi mạng sống hàng ngày bằng những nghề nghiệp chơn chánh và không tội lỗi (Utthana samada), tức là những nghề lương thiện, không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ mình lẫn người. Những nghề nghiệp có tội là buôn bán khí giới (Satthavanijja), buôn bán người hoặc thú (Sattavanijja), nghề sát sanh các loài thú để bán thịt (Mamsavanjja), buôn bán rượu và các chất say(Majjavanijja), bán thuốc độc (Visavanijja). Chúng canh nên siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp ấy, có trí tuệ hiểu biết chuyên môn trong nghề nghiệp để tạo ra nhiều của cải tài sản cho mình. b. Biết giữ gìn của cải tài sản (Arakkha sampada): Nên giữ gìn tài sản đã kiếm đặng không cho hao mòn tiêu hoại vì những nguyên nhân khác nhau như lửa cháy, nước ngập lục cuốn trôi, bị trộm cướp, chơi bời, cờ bạc v.v... c. Nên thân cận bạn lành hay bậc Thiện trí (Kalyanamittata) để học những thiện pháp, ác pháp và noi gương tốt của họ. Bậc Thiện trí là người có đức tin chân chánh; có giới hạnh trọn đủ; có đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng; thường hoan hỉ trong sự bố thí; có trí tuệ sáng suốt hiểu biết các pháp. d. Nên tiêu xài tiền của một cách độ lượng cân phân, tùy theo sức mình đã kiếm được, đừng hoang phí (Samajivita). 2. Sự lợi ích và an lạc trong những kiếp vị lai: Có 4 lợi ích và an lạc trong kiếp vị lai: a. Có đức tin trọn đuû (Saddha sampada): Ðức tin trọn đủ là đức tin trong sạch nơi 9 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, và 9 ân đức Tăng. Tin nghiệp và quả của nghiệp trọn đủ, nghĩa là "nghiệp thiện cho quả an lạc; nghiệp ác cho quả khổ". Ngoài ra, không tin một ai có quyền lực cho quả an lạc hoặc cho quả khổ cho mình. b. Có giới hạnh trong sạch (Sila sampada): Người Phật tử là bậc xuất gia hoặc hàng tại gia cư sĩ là người có giới hạnh trong sạch và trọn đủ theo phẩm hạnh của mình. - Người cư sĩ nam hay nữ có ngũ giới, bát giới. - Bậc Sa di có 10 Sa di giới, 10 pháp hoại, 10 pháp hành phạt, 75 điều học, 14 pháp hành... - Bậc Tỳ khưu có 227 giới, 14 pháp hành, giới kể đầy đủ có 91.805.036.000 điều giới. c. Có sự bố thí trọn đủ (Caga sampada): Người Phật tử có tâm từ tế độ, đem tiền của ra làm việc phước thí đến các bậc sa môn và kẻ bần cùng, bệnh tật v.v... tùy theo khả năng của mình, có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trước khi bố thí, hoan hỉ đang khi bố thí, hoan hỉ sau khi đã bố thí xong. Người Phật tử không nên có tâm bỏn sẻn keo kiệt trong của cải và sự hiểu biết của mình, có ít thì bố thí ít, có nhiều thì bố thí nhiều tùy theo khả năng, tùy theo người thọ thí. Ngừơi thí chủ nên có sự suy tư đúng đắn rằng: Vì của cải tiền bạc không phải là phước thiện mà là quả của phước thiện, thuộc về của chung cho mọi người. Nếu ta không biết đem làm phước bố thí, qua thời gian, của cải ấy cũng bị hư mất, không tồn tại lâu dài được; nếu ta biết đem của cải ấy bố thí, để biến thành phước thiện chắc chắn thuộc của riêng mình, sẽ cho quả báu an lạc nhiều kiếp, có tánh bền vững lâu dài. Hơn nữa, cơ hội làm phước thiện bố thí chỉ có con người ở cõi Nam Thiện Bộ Châu (Trái đất chúng ta đang sống) này mà thôi, chúng sinh ở cõi khác khó hoặc không có cơ hội làm phước thiện bố thí. Vì vậy, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội bố thí ấy. d. Có trí tuệ trọn đủ (Panna Sampada): Hành giả nên có trí tuệ hợp trong mọi thiện pháp. Khi bố thí, thí chủ nên có đại thiện tâm hợp với trí tuệ đang khi bố thí. Cũng như vậy, hành giả nên có đại thiện tâm hợp với trí tuệ khi giữ giới, khi tiến hành thiền định (Samatha), khi tiến hành thiền tuệ (Vipassana)ä. Trí tuệ để cho trọn đủ là trí tuệ thiền tuệ trong tam giới, thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế. Trí tuệ tròn đủ chính là Trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới, đó là 4 Thánh Ðạo Tuệ, đồng sanh trong 4 Thánh Ðạo Tâm và 4 Thánh Quả Tuệï đồng sanh trong 4 thánh Quả Tâm, có Niết Bàn làm đối tượng. hành giả trở thành bậc Thánh nhân. Người nào thực hành đầy đủ cả 4 điều kể trên là người đã dọn xong con đường đi về buổi vị lai; đến khi tan rã ngũ uẩn nầy (lúc chết) rồi sẽ đi dễ dàng không chướng ngại. 3. Sự lợi ích an lạc cao thượng Niết bàn: Ðức Thế Tôn có 2 loại trí tuệ đặc biệt: - Trí tuệ thấy rõ biết rõ căn duyên cao thấp của mỗi chúng sinh. - Trí tuệ thấy rõ biết rõ phiền não ngũ ngầm của mỗi chúng sinh. Hai loại trí tuệ nầy chỉ có nơi Ðức Phật Toàn Giác mà thôi, còn bậc Thánh Thanh Văn hoàn toàn không thể có 2 loại trí tuệ nầy. Cho nên, mỗi khi Thế Tôn thuyết pháp tế độ chúng sinh nào, Ngài quán xét căn duyên của chúng sinh ấy. Chúng sanh nào ít duyên lành, nhiều phiền não thì Ngài dạy bảo về sự lợi ích hiện tại và vị lai. Chúng sinh nào thiện duyên cao dày, thì Ngài dạy bảo về sự lợi ích cao thượng là Niết Bàn. Chúng sinh nào đã từng tạo Ba la mật nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, đã từng gặp Chư Phật ở quá khứ đã từng thọ ký rồi và trong kiếp hiện tại nầy, gặp Ðức Phật, Ngài thuyết pháp giáo huấn hợp với căn cơ và duyên lành của chúng sinh ấy. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp xong, có số chúng sinh liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu; có số chứng đắc đến Nhất lai Thánh Ðạo - Nhất lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhất Lai; có số chứng đắc đến Bất lai Thánh Ðạo - Bất lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai; có số chứng đắc đến A la hán Thánh đạo - A la hán thánh quả trở thành bậc Thánh A La Hán. Sự chứng đắc Thánh đạo - Thánh quả này tùy theo ngũ căn và Ba la mật, nhất là trí tuệ Ba la mật của mỗi chúng sinh. Bốn bậc Thánh nhân này đếu chứng đạt đến sự lợi ích, sự an lạc cao thượng Niết bàn. II. BẬC DẪN ÐẠO TUYỆT LUÂN: Trong bộ Maha Niddesa có giải về chữ "Thầy" (Satthu) như sau: "Ðức Thế Tôn là thầy, vì Ngài là bậc dẫn đạo chuyên nghiệp là dắt dẫn đoàn lữ hành qua những con đường xa hẻo lánh đầy sự hiểm nguy tai hại, về đến nhà hoặc đi đến nơi đã định trước một cách an toàn vô sự. Con đường xa hẻo lánh có đầy sự hiểm nguy tai hại: 1. Tai hại vì trộm cướp (Corakantara). 2. Nguy hiểm vì thú dữ (Balakantara). 3. Nguy hiểm vì không có nước uống (Nirudakakantara). 4. Nguy hiểm vì phi nhơn (Amanussakantara). 5. Nguy hiểm vì không có vật thực (Appabhakkhakantara)."[iii] Cũng như thế, Ðức Thiên nhân sư đã hướng dẫn chúng sanh qua khỏi 13 con đường xa (kantara) có nhiều sự khổ não và tai hại như sau: 1. Con đường nguy hiểm của sự sanh (Jati kantara) 2. Con đường nguy hiểm của sự già (Jara kantara) 3. Con đường nguy hiểm của sự đau bịnh (Byadhi kantara) 4. Con đường nguy hiểm của sự chết (Marana kantara) 5. Khổ vì sự thống khổ của các sự khổ (Dukkha dukkha) 6. Khổ vì buồn rầu thương tiếc (Soka) 7. Khổ vì khóc than kể lể (Parideva) 8. Khổ vì phiền muộn (Domanassa) 9. Khổ vì khó chịu, bực tức (Upasa) 10. Tai hại vì kiến thức (Ditthi) 11. Tai hại vì phóng tâm (Uddhacca) 12. Tai hại vì hoài nghi (Vicikiccha) 13. Tai hại vì giới cấm thủ, chấp lệ cúng tế thần thánh, thần lửa v.v... (Silabbatta paramasa) Ðức Thế Tôn đã dùng 30 pháp Ba La Mật kết lại làm một thớt voi dũng mãnh hoặc một chiếc xe kiên cố, vượt qua 13 con đường xa đầy khổ não tai hại kể trên, đến nơi vô sanh bất diệt là Niết bàn. Sau khi tự mình vượt qua rồi, Ngài từ bi dạy bảo chúng sanh dùng những phương tiện quý báu ấy và hướng dẫn chúng sanh qua những con đường xa đầy dẫy những sự thống khổ Sanh, lão, bệnh, tử... đến nơi an lạc như ngài. Hoặc Ngài dùng 30 pháp Ba La Mật tạo thành một chiếc thuyền, tự mình vượt qua khổ hải là sanh tử luân hồi, rồi Ngài lại dùng chiếc thuyền ấy đưa chúng sanh từ bờ mê đến bến giác "Ye te kappasatasahassa dhamma sutva pannaya passanti". Chúng sanh nào đã thực hành các pháp ba la mật được 100 ngàn đại kiếp rồi hữu phước, được nghe pháp Ðức Thế Tôn, khiến cho phát sanh trí tuệ thông hiểu giáo lý của ngài, thấy rõ Tứ Ðiệu Ðế, diệt tận phiền não ái dục trong thân tâm bằng A La Hán đạo tuệ; chúng sanh ấy được qua khỏi đường xa có nhiều thống khổ vì sự sanh, nghĩa là không còn thọ sanh vào thai bào của người mẹ nữa như năm thầy Kiều Trần Như và ông Yasakola cùng người bạn. Theo "Nhân quả liên quan" thường gọi là "Thập nhị nhân duyên", các pháp hữu vi đều do nguyên nhân mà phát sanh lên, khi nguyên nhân diệt tắt rồi thì các pháp ấy cũng vị diệt theo. Sanh (Jati) là nguyên nhân của lão, tử (Jara, Maranam) khi sanh diệt thì lão, tử diệt. Ðúng với câu Phật ngôn "Jatinirodha jara maranam soka paridevadukkha domanassupayasa nirujjhanti": Khi sinh diệt đi rồi thì sự già chết, thương tiếc, khóc than, khổ não, phiền muộn, bứt rứt cũng diệt theo tất cả. Vì thế, bậc thánh nhân nào không còn tái sanh nữa, thì bậc ấy cũng không còn có thân ngũ uẩn; nếu không có thân ngũ uẩn thì cũng không có sự già, đau, chết, và các điều thống khổ khác trong ngày vị lai. Khi các pháp hữu vi đều bị diệt tắc rồi, ta có thể nói rằng bậc thánh nhân ấy đã qua khỏi 13 đường xa vừa kể trên. Sau đây là vài thí dụ về sự giáo hóa của Thế Tôn với Chư thiên và loài người: Thí dụ 1: Vào trước thời Ðức Phật, có rất nhiều người muốn biết "Ðiềm lành (Mangala) là gì?" "Ðiềm mang lại hạnh phúc là gì?" Có người tin dị đoan cho là khi chúng ta thức dậy mỗi buổi sáng, nếu chúng ta thấy một dấu hiệu gì đó hay nghe một âm thanh gì đó, chúng ta sẽ được an lành và hạnh phúc. Nhưng họ vẫn không thể nhất trí với nhau là điềm gì sẽ mang lại hạnh phúc cao thượng nhất. Cuộc bàn cãi dằn dai và cuối cùng được mang đến cõi trời để các chư thiên giải quyết. Chư thiên vẫn không giải quyết thỏa đáng vấn đề nầy. Vì thế, một đêm nọ, một vị trời tìm đến đức Phật và cung thỉnh Ngài giảng về những điềm mang lại sự an lành và hạnh phúc. Ðức Phật giảng cho vị trời về 38 điều mang lại hạnh phúc cao thượng, bắt đầu với việc tránh xa kẻ ác và chấm dứt bằng việc đạt được tâm thanh tịnh và tự tại, trong đó Ngài nhấn mạnh là "bất cứ việc gì mang lại kết quả tốt và không làm hại chúng sinh là dấu hiệu sẽ mang lại sự an lành trong tương lai." Từ đó mọi người chấp nhận lời giải thích của Phật và cuộc bàn cãi chấm dứt.[iv] Thí dụ 2: Mẹ của ngài Xá Lợi Phất là một phụ nữ quý tộc Bà La Môn. Bà chỉ thờ các vị thần Bà la Môn ở cõi trời Phạm Thiên. Trước khi nhập diệt, Ngài Xá Lợi Phất về nhà thăm mẹ. Trong thời gian Ngài ở nhà với mẹ, ban đêm các Chư thiên và Phạm thiên đến đảnh lễ ngài. Mẹ ngài thấy vậy bèn hỏi thì Ngài bảo đó chính là các Chư thiên và Phạm thiên. Bà kinh ngạc và thán phục: "Con ta là đệ tử của Ðức Phật và bây giờ đã được Chư thiên và Phạm thiên tôn kính!" Từ đó, bà hoàn toàn tin tưởng và kính phục Ðức Phật và sau đó, xin quy y với ngài. Nếu Chư thiên và Phạm thiên tôn kính Ngài Xá Lợi Phất, chắc chắn các vị nầy càng tôn kính Ðức Phật hơn.[v] Ðức Thế Tôn thuyết pháp tế độ chúng sinh, không những nhân loại, chư thiên, phạm thiên được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài, mà còn có loài súc sanh cũng được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài nữa. Vì mặc dù là loài thú trong kiếp hiện tại, nhưng khi nghe được pháp của Ðức Thế Tôn rồi tạo duyên lành, và nhờ duyên lành ấy, trong hai ba kiếp tương lai sẽ được đắc đạo quả. Một lẽ nữa, các loại thú ấy, trong những kiếp quá khứ, khi làm người, lúc làm trời v.v... đã tập hợp được nhiều thiện duyện, đến kiếp hiện tại tuy đã trả quả khổ do nghiệp ác đã tạo nên thân làm súc sanh nhưng thiện duyên vẫn còn tồn tại đến khi kiếp này hữu phước được gặp Ðức Phật tế độ cho. Như câu chuyện Mandukadevaputta (Chư Thiên Ếch) trong Kinh Khuddanikaya, bộ Vimanavatthu, được tóm lược như sau: Một thuở nọ Ðức Thế Tôn ngự đến bờ hồ Gaggara thuyết pháp tế độ dân chúng trong thành Campa, có một con ếch nhận biết được một tiếng trong lời nói của Ngài, nhẩy lên bờ hồ nằm nghe lời giảng của Ðức Thế Tôn, với đức tin trong sạch nơi Ngài. Khi ấy, một người chăn bò đứng đàng sau lắng nghe pháp, tay cầm cây nhọn vô ý cắm xuống đất đụng phải đầu ếch đang nằm nghe giọng nói của Ðức Thế Tôn với đức tin trong sạch, con ếch chết ngay khi ấy. Sau khi chết, do thiện nghiệp ấy (lắng nghe lời giảng pháp cuả Ðức Thế Tôn), ếch liền hóa sanh thành một vị thiên nam ở cõi Tam thập tam thiên (có sách ghi là cõi trời Ðạo lợi) trong một lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, rộng 12 do tuần (20km), có thiên nữ hầu hạ. Như mới thức dậy sau một giấc ngủ dài, khi nhìn thấy đền đài nguy nga và thiên nữ bao quanh, vị thiên nam ấy ngạc nhiên tự hỏi: "Ta đã làm điều phước thiện gì mà được như vậy?" Sau khi cố tìm trong trí, vị thiên nam mới nhớ ra rằng điều phước thiện mà ngài đã làm không chi khác hơn là khi còn là ếch bên bờ hồ Gaggara, ếch đã nhận biết được một tiếng trong lời thuyết Pháp của đức Phật thôi. Nhìn xuống thế gian chúng sinh, vị thiên nam thấy rõ Ðức Thế Tôn vẫn còn đang thuyết pháp tại gần bờ hồ Gaggara. Ngài quyết định hiện xuống hầu Ðức Phật, còn mang theo lâu đài bằng vàng cùng thiên nữ, có hào quang sáng ngời đảnh lễ đưới hai bàn chân của Ðức Phật. Ðức Thế Tôn biết rõ, nhưng muốn cho hàng đệ tử thấy rõ quả báu của việc nghe pháp, Ngài bèn hỏi: "Này thiên nam, ngươi là ai mà có thân hình xinh đẹp, hào quang sáng ngời tỏa ra khắp mọi hướng, có nhiều oai lực, được nhiều chư thiên nữ hầu hạ, đến đây đảnh lễ dưới chân của Như Lai vậy?" (Ko me vandati padani, iddhiya yasasa jalam. Abhikkantena vannena, sabba obhasayam disa). Chư thiên ếch bạch: "Kính bạch Ðức Thế Tôn! con là Maduka, mới kiếp trước đây, là con ếch nhỏ sanh và sống ở trong nước tại hồ nầy, con nhảy lên hồ đang nghe pháp của ngài, chính tại nơi đây người chăn bò đứng nghe pháp vô ý cắm cây đụng đầu con, làm cho con chết." (Maduko'ham, pure asim, udake varigocaro. Tava dhammam sunantassa, avadhi vacchapalako...) "Kính bạch Ðức Thế Tôn, chỉ một khoảnh khắc, do nhờ đức tin trong sạch nơi giọng thuyết pháp của Ðức Thế Tôn, sau khi chết do nhờ thiện nghiệp ấy liền hóa sanh lên cõi trời, như Ngài nhìn thấy, con có thân hình xinh đẹp, hào quang sáng ngời tỏa khắp mọi nơi, con hưởng sự an lạc, có nhiều oai lực và nhiều thiên nữ hầu hạ. Kính bạch Ðức Phật Gotama! Những chúng sinh nào có thời gian lâu dài được nghe pháp của ngài, những chúng sinh ấy chóng được chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả và đạt đến Niết bàn giải thoát." Sau đó, Ðức Thế Tôn quán xét thấy các hàng đệ tử có đức tin trong sạch, nên Ngài thuyết pháp tế độ, vị thiên nam Manduka cùng với 84.000 chúng sinh gồm có chư thiên và nhân loại đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Ðế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo - Nhập lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (Tu Ðà Hoàn).[vi] Vị thiên nam Manduka cùng chư thiên nữ cung kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn và chư Ðại Ðức tăng xin phép về cõi trời. Do nhờ ân đức giúp chư thiên, phạm thiên và loài người vượt qua sinh, lão, bịnh, tử, sầu não, thương tiếc, đau đớn, tham ái, sân hận, hoang mang, ngã mạn, tà kiến và những nghiệp bất thiện khác, để cuối cùng an lành đến nơi giải thoát, nên Ðức Phật có danh hiệu là Thiên Nhân Sư -- Sattha Deva Manussanam. -ooOoo- [i] Mingun Sayadaw. The Great Chronicle of Buddhas, quyển 5. Nhà xuất bản Ti= Ni, Yangon, Muanmar, 1997. trang 402. [ii] Sayagi U Kyaw Htut. Ðã dẫn. Trong kinh Pasadika trong Trường Bộ Kinh,vào thời Ðức Phật, có một vị sư thủ lãnh của một nhóm ngoại đạo tên là Nigantha Nataputta. Sau khi ông qua đời, học trò ông tranh ngôi đoạt vị, làm cho nhóm ngoại đạo nầy tan rã. Thấy vậy, Cunda, một đệ tử Phật, lo sợ là một ngày nào đó, khi Ðức Phật qua đời, tăng đoàn của Phật cũng bị phân liệt. Ông bèn đến trình bày lo âu của mình với Ðức Phật. Ðức Phật dạy Cunda rằng có hai loại Thầy (Sattha). Lïoại thứ nhất là Sammasambuddha Sattha nghĩa là vị thầy biết được tất cả những gì có thể biết và loại thứ hai là Asammasambuddha Sattha, hay vị thầy không thể biết tất cả nbững gì có thể biết được. Ðức Phật chính là loại thầy thứ nhất nầy hay vị chánh biến tri do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy. [iii] Ðại đức Bửu Chơn. Sách đã dẫn, trang 74 [iv] Như trên. 38 điều hạnh phúc nầy được ghi lại trong Kinh Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta). Ðây là một trong những kinh phổ biến nhất ở các nước Phật giáo nguyên thủy và là kinh về giới hạnh căn bản nhất cho giới Phật tử tại gia. Nội dung đầy đủ của kinh có thể tìm trong Kinh Nhật Tụng Của Cư Sĩ, Hệ phái Nam Tông, Chùa Kỳ Viên, Washington, D.C. 1997. trang 136 - 141 [v] Như trên. [vi] Ðại đức Bửu Chơn. Sách đã dẫn, trang 76 - 77 -ooOoo- Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 18-01-2004