BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT
Susanta Nguyễn
Montreal, Quebec, 2002
NỘI DUNG 9 ÂN ÐỨC PHẬT 1. ÂN ÐỨC ỨNG CÚNG - ARAHAM Bậc đáng được nhận sự cúng dường của chư thiên và loài người. Ân đức Ứng cúng - Araham có 4 nghĩa: 1. Ðức Phật là bậc đã xa lìa và đoạn tuyệt mọi kẻ thù là phiền não. 2. Ðức Phật là bậc đã phá hủy vòng luân hồi trong ba giới bốn loài. 3. Ðức Phật là bậc không bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo. 4. Ðức Phật là bậc xứng đáng thọ nhận lễ bái cúng dường. I. ÐỨC PHẬT LÀ BẬC ÐÃ XA LÌA VÀ ÐOẠN TUYỆT MỌI KẺ THÙ LÀ PHIỀN NÃO: Từ Araham có nhân tố ari. Ari có nghĩa là kẻ thù. Và kẻ thù phá hoại sự an lạc của chúng sanh chính là phiền não. Phiền não (Kilesa) là những tâm sở bất thiện đồng sanh với những tâm bất thiện làm cho thân tâm nóng nảy, khó chịu, khổ thân, khổ tâm; phiền não còn làm cho tâm, tâm sở bị ô nhiễm, khiến tạo nghiệp do thân, khẩu, ý, đề rồi chịu quả khổ trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. A. Mười Loại Phiền Não Chính: 1. Tham (Lobha): Tâm sở tham đồng sanh với tâm tham có trạng thái ham muốn, vừa lòng, dính mắc và say mê trong đối tượng. 2. Sân (Dosa): Tâm sở sân đồng sanh với tâm sân, có trạng thái hung dữ, tàn bạo, nóng nảy, ưu phiền, không vừa lòng với đối tượng. 3. Si (Moha): Tâm sở si đồng sanh với tất cả tâm bất thiện, có trạng thái si mê, lầm lạc, không biết thực tánh của các pháp. 4. Tà kiến (Ditthi): Tâm sở tà kiến, đồng sanh với tâm tham hợp với tà kiến, có trạng thái thấy sai, chấp lầm ở đối tượng. 5. Ngã mạn (Mana): Tâm sở ngã mạn đồng sanh với tâm tham không hợp với tà kiến, có trạng thái so sánh "Ta" hơn người, bằng người, kém hơn người. 6. Hoài nghi (Vicikiccha): Tâm sở hoài nghi đồng sanh với tâm si, có trạng thái hoài nghi ở đối tượng. 7. Buồn chán (Thina): Tâm sở buồn chán, uể oải, buồn ngũ, đồng sanh với tâm tham, tâm sân, cần sự động viên, có trạng thái không hăng hái, buông bỏ đối tượng. 8. Phóng tâm (Uddhacca): Tâm sở phóng tâm đồng sanh với tâm bất thiện, có trạng thái không an trụ ở đối tượng. 9. Không hổ thẹn (Ahirika): Tâm sở không hổ thẹn đồng sanh với tâm bất thiện, có trạng thái không biết hổ thẹn tội lỗi khi làm điều ác. 10. Không ghê sợ (Anottappa)ï: Tâm sở không ghê sợ đồng sanh với tâm bất thiện, có trạng thái không biết ghê sợ tội lỗi khi làm điều ác. Trong 10 loại phiền não nầy, có 3 phiền não trọng đại: Tham lam (Lobho) là pháp làm cho tâm dính mắc. Sân hận (Doso) là pháp làm cho tâm nóng nảy ưu phiền. Si mê (Moha) là pháp làm cho tâm lầm lạc. Ba phiền não nầy là nguồn cội của tất cả phiền não khác, ví như một cây to có 3 nhánh lớn đâm chồi nảy lá ra khắp bốn phía. B. Ba Loại Phiền Não Xếp Theo Mức Ðộ: 1. Phiền não loại thô (Vitikkamakilesa): Phiền não loại thô thể hiện ra ở những hành động ác của thân và những lời nói ác của khẩu. Loại phiền não nầy có thể diệt bằng cách trì giới, giữ gìn giới cho thân và khẩu được trong sạch, và diệt từ từ với thời gian. 2. Phiền não loại trung (Pariyutthanakilesa): Phiền não loại trung phát sanh ở trong tâm, làm cho tâm cảm thấy khó chịu, khổ tâm, và ngăn cản mọi thiện pháp. Loại phiền não này có thể diệt bằng cách hành thiền chỉ (Samatha). Khi chứng đắc bậc thiền, hành giả có thể diệt bằng cách đè nén, chế ngự được loại phiền não này. 3. Phiền não vi tế (Anusayakilesa): Phiền não vi tế ẩn tàng ngấm ngầm trong tâm thức, không hiện rõ. Loại phiền não nầy chỉ có thể diệt bằng cách hành thiền minh sát (Vipassana). Khi chứng đắc Thánh Ðạo Tuệ, hành giả mới có thể đoạn tuyệt được loại phiền não nầy. C. 1.500 Loại Phiền Não Tính Rộng: 10 loại phiền não vừa kể trên, khi chúng liên quan đến đối tượng làm nhân duyên để phát sinh phiền não, tạo thành 1.500 loại phiền não. 1.500 loại phiền não được tính như sau đây: Có 75 pháp làm đối tượng của phiền não: Tâm (Lokiyacitta) là 1 pháp vì cùng có một trạng thái biết đối tượng. Tâm sở (Citasika) là 52 pháp vì mỗi tâm sở có một trạng thái riêng biệt. Sắc (Rupa) có 18 pháp (đất, nước, gió, lửa, nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, nữ căn, nam căn, tâm chất, mạng căn, gọi chung là Nipphanna rupa) hiện hữu thật rõ ràng. Trạng thái của sắc có 4 pháp: Hư không (Akasa), Sanh (Jati), Già (Jara)ø, Tiềm thức (Bhavanga). Như vậy 1 + 52 + 18 + 4 = 75 pháp có thể làm đối tượng của phiền não. 75 pháp này làm đối tượng của phiền não ở bên trong mình, là kẻ thù bên trong. 75 pháp này làm đối tượng của phiền não ở bên ngoài mình, là kẻ thù bên ngoài. Ðối tượng của phiền não bên trong mình có 75 pháp và bên ngoài mình có 75 pháp gồm lại thành cả thảy 150 pháp, nhân với 10 loại phiền não (Tham, Sân, Si, Kiêu mạn, Nghi ngờ, Tà kiến, Buồn chán, Phóng tâm, Không hổ thẹn, Không ghê sợ) 150 x 10 = 1.500 loại phiền não. Thật ra, chỉ có 10 phiền não bên trong tâm bất thiện của mình mới trực tiếp làm khổ mình, còn phiền não bên ngoài của người khác không trực tiếp làm khổ mình được, nếu mình không tiếp nhận. Thí dụ, người ta mắng chưởi, đánh đập mình. Nếu mình có tâm nhẫn nại, không sân hận, phiền não không sanh, thì mình không bị khổ tâm. Nếu tâm phiền não sân hận phát sanh, thì chính phiền não bên trong mình làm cho mình khổ tâm, hoàn toàn không phải phiền não bên ngoài của người khác làm cho mình khổ tâm. Còn phần khổ thân thuộc về quả của nghiệp thì không một ai tránh khỏi, dầu là Ðức Phật hay chư bậc A La Hán. Ðức Phật và bậc Thánh A La Hán diệt đoạn tuyệt được tất cả 1.500 loại phiền não rồi, nên hoàn toàn không còn khổ tâm nữa. Nhưng còn sắc thân, các ngài vẫn còn khổ thân cho đến khi hết tuổi thọ tịch diệt Niết bàn, chấm dứt sinh tử luân hồi trong ba giới bốn loài. Khi ấy mới thật là giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ. D. 108 Loại Tham Ái: Nghiệp được dẫn dắt bởi Tham ái (Tanha). Tham ái là tâm sở tham (lobha cetasika). Có tất cả là 108 loại tham ái. Cách tính 108 loại tham ái dựa trên 6 đối tượng, 3 tính chất, 2 bên, và 3 thời như sau: 1. Sáu đối tượng của tham ái là: - Sắc ái: Sắc trần là đối tượng của tham ái. - Thanh ái: Thanh trần là đối tượng của tham ái. - Hương ái: Hương trần là đối tượng của tham ái. - Vị ái: Vị trần là đối tượng của tham ái. - Xúc ái: Xúc trần là đối tượng của tham ái. - Pháp ái: Pháp trần là đối tượng của tham ái. 2. Ba tính chất của tham ái là: - Ái dục (Kamatanha): Tham ái đắm chìm trong 6 cảnh trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. - Ái hữu (Bhavatanha): Tham ái trong 6 cảnh trần hợp với thường kiến và tham ái trong thiền hữu sắc, thiền vô sắc, trong cõi sắc giới, cõi vô sắc giới. - Ái phi hữu (Vibhavatanha): Tham ái trong 6 cảnh trần hợp với đoạn kiến. 4. 2 bên của tham ái là: - Bên trong: Tham ái phát sinh bên trong mình. - Bên trong: Tham ái phát sinh bên ngoài người khác. 5. 3 thời gian của tham ái là: - Quá khứ: Tham ái phát sinh ở thời quá khứ. - Hiện tại: Tham ái phát sinh ở thời hiện tại. - Vị lai: Tham ái phát sanh ở thời vị lai. Như vậy, tham ái phát sanh cho 6 đối tượng, nhân với 3 tính chất, 2 bên, và ba thời thành 108 loại (6 x 3 x 2 x 3 = 108). Tham ái nầy là nhân phát sinh cái khổ của sự tái sinh, dẫn đến khổ già, khổ bệnh, khổ chết và bao nhiêu nỗi thống khổ khác không sao kể xiết được. E. Một Số Loại Phiền Não Khác: 1. Pháp trầm luân (Asava hay cankers): Có 3 loại: Trầm luân trong ngũ dục (Kamasava), trầm luân trong kiến thức hay tà kiến (Ditthasava), trầm luân trong vô minh (Avijjasava). 2. Ðiều lầm lạc (Vipallasa hay perversions): Có 3 loại: Tư tưởng lầm lạc (sannavipallasa), Tâm lầm lạc (Cittavipallasa), Kiến thức lầm lạc (Ditthivipallasa) xem những gì vô thường là thường, đau khổ là hạnh phúc, vô ngã là ngã, bất tịnh là tịnh. 3. Pháp ngũ ngầm (Anusaya): Có 7 loại: Tình dục ngũ ngầm (Kamaraganusaya), Tà kiến ngũ ngầm (Ditthanusaya), Sân hận ngũ ngầm (Patighanusaya), Hoài nghi ngũ ngầm (Vicikiccha), Ngã mạn ngũ ngầm (Mananusaya), Ái hữu ngũ ngầm (Bhavaraganusaya), Vô minh ngũ ngầm (Avijjanusaya). 4. Tư vị và đi sai đường (Agati): Có 4 loại: Tư vị vì thương (Chandagati), Tư vị vì giận ghét (Dosagati), Tư vị vì si mê (Mohagati), Tư vị vì sợ (Bhayagati). 5. Ðiều ràng buộc (Gantha): Có 4 loại: Ràng buộc thân sắc trong sự thèm muốn (Abhijjhakaya gantha), Ràng buộc tâm trong sự thù oán và mong hại người (Byapadakaya gantha), Ràng buộc vì tập quán và chấp lễ cúng tế (silabbattaparamasakaya gantha), Ràng buộc vì chấp ý kiến của ta là chơn chánh, chắc thật, còn ý của người khác là sai lầm (Idamsaccbhinivesakaya gantha). 6. Vực thẳm, bảo táp, hay nạn hồng thủy (Ogha): Có 4 loại: Cơn bão ngũ dục (Kamaogha), cơn bão tam giới (Bhavogha), cơn bão tà kiến (Ditthogha), Cơn bão vô minh (avijjogha). 7. Cố chấp (Upadana): Có 4 loại: Cố chấp trong ngũ dục (Kamupadana), Cố chấp trong kiến thức hay tà kiến (Dittupadana), Cố chấp trong tập quán, trong lễ cúng tế thần thánh (Silabbattupadana), Cố chấp trong thân này có bản ngã (Attavadupadana). 8. Bỏn xẻn (Macchariya): Có 5 loại: Bỏn xẻn về chỗ ở (Avasa macchariya), Bỏn xẻn về gia quyến, môn đồ, đảng phái (Kula macchariya), Bỏn sẻn về sự khen tặng và sắc tốt (Vanna macchariya), Bỏn sẻn về lợi lộc (Labha macchariya), Bỏn sẻn về giáo pháp (Dhamma macchariya). 9. Pháp thế gian (Lokadhamma): Có 8 loại: Ðược nhận lợi lộc và của cải (Labho), Mất lợi lộc và của cải (Alabho), Ðược danh vọng, nổi tiếng (Yaso), Mất danh vọng và tiếng tăm (Ayaso), Bị chê bai, phỉ báng, soi mói lỗi lầm, làm cho nhục nhã (Ninda), Ðược khen hoặc làm cho sung sướng (Pasamsa), Ðược vui vẻ (Sukha), Bị khổ (Dukkho). 10. Pháp nhơ bẩn (Mandila): Có 9 loại: Hờn giận (Kodha), Vong ơn bội nghĩa (Makkha), Issa (ganh tỵ), Bỏn xẻn (Macchariya), Làm bộ, giả dối (Maya), Khoe khoang (Satheyya), Nói láo (Musa), Tham muốn những điều xấu xa tội lỗi (Papiccha), Tà kiến (Micchaditthi). 11. Pháp tà vạy (Micchatta Dhamma): Có 10 loại: Tà kiến (Micchaditthi), Tà tư duy (Miccha sankappo), Tà ngữ (Miccha vaca), Tà nghiệp (Miccha Kammanto), Tà tinh tấn (Miccha vayamo), Tà niệm (Miccha sati), Tà định (Miccha samadhi), Tà huệ (Miccha nanam), Miccha vimutti (Tà giải thoát). 12. Nghiệp ác (Akusalakammapatha): Có 10 loại và còn gọi là Thập ác: Sát sanh (Panatipato), Trộm cắp (Adinnadanam), Tà dâm (Kamesu micchacaro), Nói dối (Musavado), Nói đâm thọc (Pisunavaca), Nói lời độc ác, chưởi rủa (Pharusavaca), Nói lời vô ích, viễn vong (Samphappalapo), Tham lam (Abhijjha), Thù oán mong hại người (Byapada), Tà kiến (Micchaditthi). 13. Pháp thằng thúc (Samyojana): Có 10 loại: Thân kiến (Sakkayaditthi), Hoài nghi về nhân quả (Vicikiccha), Chấp theo lễ cúng tế thần thánh, chấp theo tập quán (giới cấm thủ) (Silabbataparamasa), Vui thích tình dục (Kamachanda), Thù oán mong hại người (Byapada), Mê thích trong cảnh sắc (Ruparaga), Vui thích cảnh vô sắc (Aruparaga), Ngã mạn, cống cao (Mana), Phóng tâm (Uddhacca), Vô minh (Avijja). 14. Tâm ác (Akulasacittuppada): Có 12 loại: 8 tâm san tham (Lobhamula), 2 tâm sân hận (Dosamula), 2 tâm si mê (Mohamula).[i] F. Tiền Khiên Tật (Vasana): Ðức Bồ tát Siddharttha không những đã diệt đoạn được tất cả 1.500 loại phiền não, 108 loại tham ái mà còn có khả năng tận diệt được mọi tiền khiên tật (vasana) do tích lũy từ vô lượng kiếp ở quá khứ.[ii] Cho nên, mỗi hành vi cử chỉ đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng của Ðức Phật không thể nào có thể chê trách được. Bậc Thánh Thanh Văn A La Hán chỉ có khả năng diệt đọn được 1.500 loại phiền não và 108 loại tham ái mà thôi, chứ không thể diệt hết tiền khiên tật. Ngài Xá Lợi Phất, người đã đắc quả A la hán và là một trong các đệ tử lớn của Phật làm thí du,ï khi đi trì bình, có thói quen nhảy qua các dòng suối hay vũng nước nhỏ vì một trong những kiếp trước của ngài, ngài đã từng là khỉ. Thói quen nhảy tới nhảy lui của khỉ vẫn còn sót lại trong bản chất của ngài. Ngài Pilindavaccha, một vị A la hán sống cùng thời với Ðức Phật. Trong liên tục hơn năm trăm kiếp, ngài Pilindavaccha đã được sinh ra trong một họ tộc Bà La Môn rất kiêu ngạo và khinh người. Họ tộc nầy xem tất cả người ngoại tộc là vô lại và thường gọi những người phục vụ là "Tên vô lại nầy" hay "Kẻ du thủ du thực kia". Vì chưa hoàn toàn loại trừ được những vết tích của tâm kiêu ngạo nầy, nên dù không cố ý và đã đắc quả A La Hán, ngài Pilindavaccha vẫn vô ý phạm phải lỗi này. Lỗi của ngài không phải xuất phát từ tâm kiêu mạn của người quý tộc mà là từ một thói quen được lập đi lập lại nhiều lần trong quá khứ.[iii] Tóm lại, Ðức Bồ tát Siddharttha diệt đoạn được tất cả 1.500 loại phiền não, 108 loại tham ái không còn dư sót, hoàn toàn quét sạch tất cả các tiền khiên tật còn sót lại trong tâm bằng 4 Thánh Ðạo Tuệ dưới cội Bồ Ðề vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch) trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác độc nhất vô nhị đầu tiên trong toàn thế giới chúng sanh. Vì thế, Ngài có được ân đức Araham hay Ứng Cúng--Bậc đáng cho chư thiên và loài người đãnh lễ và cúng dường. II. ÐỨC PHẬT LÀ BẬC ÐÃ PHÁ HỦY VÒNG LUÂN HỒI TRONG BA GIỚI BỐN LOÀI: Ðịnh nghĩa nầy dựa trên 2 nhân tố của từ Araham: Ara có nghĩa là nan hoa của bánh xe và Hata là người bẻ gãy. Sở dĩ bánh xe luân hồi tiếp tục lăn được là nhờ sự chống đỡ của những nan hoa được cấu trúc theo vòng tròn giống như những cánh hoa chung quanh trục của bánh xe. Bẻ gãy những nan hoa nầy, bánh xe hoàn toàn mất tác dụng. A. Bánh Xe Luân Hồi: Trong đạo Phật, biểu tượng Bánh xe luân hồi (Samsaracakka) có những ý nghĩa như sau: - Vô minh và ái hữu (avijja) làm đùm xe hay trục của bánh xe. - 3 pháp hành (sankhara) là hành thiện (punnabhi sankhara), hành ác (apunnabhi sankhara), hành điềm tỉnh, không lay động (anenjabhi sankhara) trong cõi dục giới và sắc giới là những nan hoa hay căm xe. - 29 tác ý (cetana) là 12 tác ý ác (akusala cetana), 8 tác ý đại thiện (mahakusala), 5 tâm lành trong sắc giới (Rupavacara kusala), 4 tâm lành trong Vô sắc giới (Arupavacara jusala) làm đầu nan hoa hay căm xe tra vào đùm. - Những tác ý tạo nghiệp ác là những nan hoa của bánh xe lăn trong 4 cõi ác (Apaya). - Những tác ý tạo nghiệp thiện sẽ là những nan hoa của bánh xe lăn trong cõi vô sắc giới. - Khi những hành động tạo nghiệp nầy sinh khởi, chúng sẽ khởi động và thúc đẫy cổ xe lăn bánh. - Năng lực phát sinh từ những hành động tạo nghiệp nầy sẽ được chuyển ra phía bên ngoài vành bánh xe mà đạo Phật cho là sẽ dẫn đến sự già (Jara) và sự chết (Maranam). Tóm lại, vô minh được ví như cái đùm xe vì là nơi quy hội của các nhân duyên. Sự già và sự chết được ví như vành xe vì hằng lăn tròn đi tới và đưa chúng sanh từ cảnh nầy đến cảnh khác. Ba pháp hành ví như căm bánh xe vì bị sự sanh và sự chết bao chung quanh. Khi bánh xe ấy được ráp vào thùng xe là Tam giới, nó sẽ là bánh xe luân hồi. Sự sống trong ba cõi dục giới, sắc giới, và vô sắc giới được mô tả như là "thùng xe" vì tam giới là nơi sanh và trú của chúng sanh. Sự sinh khởi không ngừng nghỉ của năm uẩn (khanda), 6 căn (ayatana) và 6 trần được xem như là "bánh xe" của cỗ xe ngựa luân hồi sinh tử nầy. Bốn pháp trầm luân (Asava) gồm trầm luân trong ái dục hay ngủ trần (Kamasavo), trầm luân trong tam giới (Bhavasavo), trầm luân trong kiến thức (Ditthasavo), trầm luân trong vô minh (Avijjasavo) ví như cái gọng xe vì các pháp ấy là chủ động, hằng lôi kéo chúng sanh đến chỗ sanh và chỗ diệt. Muốn chấm dứt luân hồi sinh tử, không có cách nào khác là phá đi năng lực khởi động bánh xe, nói khác đi là chặt đứt những nan hoa của bánh xe mà thực chất là những hành động tạo nghiệp thiện hoặc bất thiện xuất phát từ tâm thức của chúng sanh. Ðức Phật đã làm việc nầy bằng cách đứng vững vàng trên hai chân là Sự tinh tấn (Viriya), trên mặt đất bằng phẳng là Giới (Sila), dùng hai tay là Ðức Tin (Saddha) cầm cây gươm bén là Trí tuệ (Panna) chặt rã, phá tan từng mảnh cái xe luân hồi ấy dưới cội bồ đề, từ đây không còn chở Ngài quanh quẩn trong ba cõi, sáu đường được nữa.[iv] B. Pháp Thập Nhị Duyên Sanh: 1. Nhân quả liên quan: Vòng luân hồi cũng là tượng trưng của pháp "Thập nhị nhân duyên" gồm 12 chi: - Do vô minh làm duyên, nên hành sanh. - Do hành làm duyên, nên thức sanh. - Do thức làm duyên, nên danh sắc sanh. - Do danh sắc làm duyên, nên lục nhập sanh. - Do lục nhập làm duyên, nên lục súc sanh. - Do lục súc làm duyên, nên lục thọ sanh. - Do lục thọ làm duyên, nên lục ái sanh. - Do lục ái làm duyên, nên tứ thủ sanh (Tứ thủ là thủ về ngũ dục, thủ về kiến thức, thủ về nghi lễ cúng tế, thủ rằng có ta). - Do tứ thủ làm duyên, nên nhị hữu sanh (Nhị hữu là hữu nghiệp kammabhava và hữu sanh uppattibhava). - Do nhị hữu làm duyên, nên tái sanh sanh. - Do tái sanh làm duyên, nên lão tử ... sanh Từ vô minh đến lão tử gồm 12 chi pháp. Pháp nầy làm duyên để sanh pháp kia là quả; pháp quả ấy trở lại làm duyên để sanh pháp quả khác, và cứ như vậy duyên quả liên hoàn với nhau thành vòng luân hồi, không có chỗ bắt đầu và cuối cùng. Như vậy vô minh là nhân duyên của quá khứ, không phải là nhân bắt đầu, vì vô minh còn là quả của 4 pháp trầm luân. Như Ðức Phật dạy: "Asavasamudaya avijjasamudayo..." (Do có sự sanh của bốn pháp trầm luân, nên có sự sanh của vô minh). 2. Tam Luân: Vòng luân hồi thập nhị nhân duyên sanh này phân chia làm Tam luân, chuyển biến theo chiều hướng nhất định:[v] - Phiền não luân: Gồm có vô minh, lục ái và tứ thủ. - Nghiệp luân: gồm có nghiệp hữu và hành. - Quả luân: gồm có cảnh hữu, thức, danh sắc, lục nhập, lục xúc, lục thọ, sanh, lão tử. Theo vòng luân hồi thì không thể biết được chỗ bắt đầu và chỗ cuối cùng, nên chỉ nhận biết theo định luật nhân quả, mà nhân quả theo pháp thập nhị duyên sanh, thì mỗi chi pháp không thuần chỉ là nhân, là quả, mà sự thật, mỗi chi pháp là quả của pháp trước, trở lại làm nhân duyên của pháp sau, và cứ tiếp tục như vậy theo định luật nhân quả liên hoàn tiếp nối với nhau thành vòng luân chuyển không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thủy đến vô chung, trong vòng sanh tử luân hồi trong ba giới bốn loài; thường chỉ có thể thấy rõ sự thay đổi về phần sắc thân hay gọi là sắc uẩn mà thôi; còn về tâm gọi là danh uẩn có 4 uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) liên quan nhân duyên sanh rồi diệt, diệt rồi sanh liên tục không ngừng từ đời nầy sang đời khác, từ vô thủy đến vô chung đối với chúng sinh còn vô minh và tham ái. Vòng luân hồi "Thập nhị duyên sanh" luân chuyển, biến đổi theo ba luân: Phiền não luân--Nghiệp luân -- Quả luân -- Phiền não luân... a. Phiền não luân khiến tạo nghiệp luân: Chúng sanh còn vô minh, lục ái, tứ thủ làm nhân duyên khiến tạo nên thiện nghiệp, bất thiện nghiệp do thân, khẩu, ý. (1) Phiền não làm nhân duyên tạo thiện nghiệp: Số chúng sinh do vô minh không biết rõ chân lý Tứ Thánh Ðế, không biết khổ của ngũ uẩn, do đó, muốn hưởng sự an lạc tạm thời nên tạo mọi thiện nghiệp như: Dục giới thiện nghiệp cho quả an lạc ở cõi dục giới. Sắc giới thiện nghiệp cho quả an lạc ở cõi sắc giới. Vô sắc giới thiện nghiệp cho quả an lạc ở cõi vô sắc giới. Sự an lạc trong cõi tam giới nầy không phải là chân lý, mà chúng chỉ có tính cách tạm thời tùy theo năng lực của thiện nghiệp ấy. (2) Phiền não làm nhân duyên tạo bất thiện nghiệp: Số chúng sanh do vô minh không biết rõ bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả khổ ở kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp ở vị lai. Và cũng có số chúng sanh dầu nghe hiểu biết bất thiện nghiệp cho quả khổ như vậy, nhưng vì vô minh, tham ái, có nhiều năng lực quá, nên xui khiến tạo mọi bất thiện nghiệp bằng thân như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; bằng lời nói như nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích; bằng ý như tham lam, thù hận, tà kiến. Như vậy gọi là Phiền não luân khiến tạo Nghiệp luân. b. Nghiệp luân cho quả luân: Chúng sanh còn phiền não đã tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, thì ắt phải thọ quả của thiện nghiệp, bất thiện nghiệp ấy. Nếu thiện nghiệp cho quả, chúng sanh được thọ hưởng quả báu an lạc ở kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau: (1) Quả báu ở kiếp hiện tại: Mắt được nhìn thấy những hình ảnh đáng hài lòng. Tai được nghe những âm thanh đáng hài lòng. Mũi được ngửi những mùi đáng hài lòng. Lưỡi được nếm những vị đáng hài lòng. Thân được tiếp xúc êm ấm, đáng hài lòng. Tâm được an lạc... (2) Quả báu kiếp vị lai: Dục giới thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, sẽ là người lục căn đầy đủ, giàu sang phú quý... hoặc tái sinh làm chư thiên ở trong 6 cõi trời dục giới, sẽ hưởng sự an lạc, sự sống lâu ở cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ. Sắc giới thiện nghiệp, đó là 4 bậc thiền hữu sắc, sẽ cho quả tái sinh làm phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới tùy theo bậc thiền sở đắc của mình, và sẽ hưởng sự an lạc vi tế hơn ở cõi dục giới, sự sống lâu theo tuổi thọ của cõi trời sắc giới ấy. Vô sắc giới thiện nghhiệp, đó là 4 bậc thiền vô sắc, sẽ cho quả tái sinh làm phạm thiên có tứ uẩn (không có sắc uẩn) trong 4 cõi trời vô sắc giới tùy theo bậc thiền sở đắc của mình và sẽ hưởng sự an lạc vi tế hơn ở cõi trời sắc giới, sự sống lâu theo tuổi thọ của cõi trời vô sắc giới ấy. c. Quả luân sinh phiền não luân: Quả luân là sự hiện hữu của mỗi chúng sanh trong tam giới: chúng sinh có ngũ uẩn ở cõi dục giới và cõi sắc giới, hoặc chúng sinh có tứ uẩn (không có sắc uẩn) ở cõi vô sắc giới, hoặc chúng sinh có nhất uẩn là sắc uẩn (không có danh uẩn), ở cõi sắc giới Vô tưởng thiên. Tất cả chúng sinh này đều chưa diệt đoạn tuyệt được phiền não, vô minh, tham ái..., cho nên khi có nhân duyên thì phiền não phát sanh, khiến tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp, rồi trở lại vòng tam luân chuyển biến không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thủy đến vô chung trong vòng khổ sanh tử luân hồi trong ba giới bốn loài. Ba luân nầy chuyển biến theo định luật nhân quả như: Phiền não luân là Nhân - Nghiệp luân là quả ; Nghiệp luân là nhân - Quả luân là quả; Quả luân là nhân - Phiền não luân là quả và tiếp tục như vậy thành vòng tam luân. Trong khi nhập đại định trọn 7 ngày đêm dưới cội bồ đề, Ðức Phật đã xem xét thật vi tế sự sanh ra và sự diệt tắt của mỗi nhân duyên, xem thuận rồi xem nghịch, cho đến khi phát sanh trí tuệ thấy rõ các pháp hửu vi đều do nguyên nhân mà sanh ra, khi nguyên nhân bị diệt đi thì các pháp ấy cũng diệt tắt theo. Khi thấy rỏ như thế rồi, Ðức Thế Tôn diệt đoạn tuyệt được tất cả 1.500 loại phiền não, nhổ tận gốc rễ của vô minh và tham ái bằng 4 Thánh Ðạo Tuệ. Từ đó, vòng tam luân tan rã và Ðức Phật trở thành bậc Araham với ý nghĩa là Ngài phá hủy vòng luân hồi sanh tử trong ba giới bốn loài. 3. ÐỨC PHẬT LÀ BẬC KHÔNG BAO GIỜ HÀNH ÐIỀU ÁC Ở NƠI KÍN ÐÁO: Giải thích nầy dựa trên 2 nhân tố gốc của từ Araham. A là không; Raha là xấu. Nơi kín đáo là nơi không một ai thấy, không một ai nghe, không một ai biết, cũng không có một ai nghi ngờ. Ðối với người còn bất thiện tâm, nơi kín đáo là nơi dễ hành ác do thân, khẩu, ý vì không sợ ai chê trách. Tuy nhiên đức Phật thì khác. Vì đã hoàn toàn tận diệt được tất cả phiền não, bất thiện tâm không còn nữa. Nên thân, khẩu, ý của ngài lúc nào cũng hoàn toàn trong sạch thanh tịnh. Cho nên, dầu ở nơi kín đáo, không một ai thấy, không một ai nghe, không một ai biết, không một ai nghi ngờ, Ðức Thế Tôn cũng không bao giờ hành ác do thân, khẩu, ý nữa. Do đó, Ðức Phật có ân đức Araham vì ngài không bao giờ hành điều ác ở nơi khuất lấp. 4. ÐỨC PHẬT LÀ BẬC XỨNG ÐÁNG THỌ NHẬN SỰ LỄ BÁI CÚNG DƯỜNG CỦA CHƯ THIÊN VÀ NHÂN LOẠI: Ðức Thế Tôn là bậc cao thượng nhất trong tất cả thế giới chúng sinh. Thật vậy, trong toàn thế giới chúng sanh không có một người, một Sa môn, Bà La Môn, Chư thiên, Phạm thiên ... nào cao thượng hơn Ðức Thế Tôn về Giới, Ðịnh, Tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Chỉ Ðức Thế Tôn mới có đầy đủ 5 pháp: Giới, Ðịnh, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến hoàn toàn thanh tịnh mà thôi. Vì vậy, Ðức Thế Tôn là bậc xứng đáng cho chúng sinh lễ bái cúng dường. Chúng sinh lễ bái cúng dường rồi, sẽ được quả báo cao quý, sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an lạc lâu dài. Như Ðức Phật dạy: "Này chư Tỳ kheo, bậc cao thượng nhất, khi xuất hiện trên thế gian để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho phần đông chúng sinh, để tế độ chúng sinh, nhân loại, chư thiên, phạm thiên. Bậc cao thượng độc nhất ấy là ai? Bậc cao thượng độc nhất ấy chính là Như Lai, bậc Araham, bậc Chánh Ðẳng Giác. "Này chư Tỳ kheo, Như Lai là bậc cao thượng độc nhất, khi xuất hiện trên thế gian để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho phần đông chúng sinh, nhân loại, chư thiên, phạm thiên"[vi] Ðức Phật có ân đức Araham với ý nghĩa là bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của tất cả chúng sinh. Sự cúng dường ấy, ít hay nhiều, hèn hạ hoặc cao quý, thí chủ là bậc vua chúa oai quyền hoặc là hạng cùng đinh nghèo khó, đều được phước báo vô lượng nếu có đức tin vững chắc vào lý nhân quả và có tâm lành với đầy đủ 3 tác ý trong sự cúng dường. Ðó là tác ý trong sạch đầu tiên toan tính sự dâng cúng (Pubbacetana), tác ý trong sạch khi dâng cúng (Munncana cetana), tác ý thỏa thích sau khi dâng cúng (Aparaparacetana).[vii] Trong kinh Dipani có câu: "Tiddhante nibbute capisanam cettam samebhale" nghĩa là: "Khi Phật còn tại thế hay sau khi đã nhập Niết bàn rồi, nếu có thiện nhân nào, có tâm trong sạch đồng nhau cúng dường đến Phật cũng được phước báu như lúc Ngài còn tại thế vậy". Như thế, ta nên tin tưởng rằng dầu khi đức Thế Tôn còn tại thế, hay sau khi ngài nhập diệt rồi cũng vậy, quả phước phát sanh do sự cúng dường đến Ngài hoặc đến tháp thờ xá lợi của Ngài, cũng đồng nhau không kém, miễn là thí chủ có đức tin trong sạch và chú tâm lành trong sự phước thiện đồng nhau. Trong kinh có chép lại rất nhiều sự tích về sự lễ bái cúng dường đức Thế Tôn. Từ các hàng Chư thiên, như Phạm thiên Sahamppati cúng dường Ngài một tràng hoa bằng ngọc to lớn như núi Tu Di, đức Ðế Thích (Sakka), Tứ Ðại Thiên Vương (Catumaharaja) v.v...; các bậc hoàng đế đồng thời với Ngài như vua Tần Bà Sa (Bimbisara), vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) v.v...; các bậc đại trưởng giả Cấp Cô Ðộc (Anathapindika) đã cúng dường Phật một khu viên lát bằng vàng và Visakha v.v... đến các hạng cùng đinh nghèo khổ như nàng Sumana Mala dâng bông lài, thầy Bà La Môn Culekasataka dâng khăn choàng v.v... Một thế kỷ sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, hoàng đế A dục (Asoka) xuất của kho ra 96 karof để xây 84 ngàn tu viện và thánh tháp khắp nơi trên vương quốc Jambuidipa[viii]. Tóm lại, chính nhờ Ðức Thế Tôn đã xa lìa và đoạn tuyệt mọi kẻ thù là phiền não, đã phá hủy vòng luân hồi trong ba giới bốn loài, đã không bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo nên Ngài có danh hiệu là Araham hay Ứng cúng--Bậc xứng đáng thọ nhận lễ bái cúng dường của Chư thiên và loài người. -ooOoo- [i] Về các phiền não mà Ðức Phật đã xa lìa, xin xem Hòa Thượng Bửu Chơn. Kinh Ân Ðức Tam Bảo. Bản in không xuất bản. Trang 21- 25. [ii] Ðại đức Hộ Pháp. Sách đã dẫn. trang 29 [iii] Min Gun. Sách đã dẫn, trang 370. [iv] Ðại đức Bửu Chơn. Sách đã dẫn, trang 16 [v] Ðại đức Hộ Pháp. Sách đã dẫn, trang 31- 37 [vi] Bộ Anguttaranikaya, phần Ekakadhamma. Trích dẫn trong Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Phật. Tỳ Kheo Hộ Pháp. Trang 39 [vii] Ðại đức Hộ Pháp. Sách đã dẫn, trang 38 - 39. Ðại đức Bửu Chơn. Sách đã dẫn, trang 17 - 18. Về những bậc đáng được cúng dường, chẳng những Ðức Phật là bậc siêu nhân cao thượng xứng đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường mà thôi, các bậc Thánh nhân A la hán, A na hàm v.v... khác đã tận diệt phiền não hay còn chút ít phiềm não nơi tâm, hoặc các hạng phàm nhân có giới đức, tu hành chân chánh theo giáo pháp của Ðức Thế Tôn cũng là những bậc đáng thọ lãnh vật cúng dường của tín thí. [viii] Min Gun, sách đã dần. trang 373. Karof là đơn vị tiền tệ ngày xưa của Ấn độ. 1 karof có giá trị tương đương với 10 triệu rupees (đơn vị tiền tệ ở Ấn độ hiện nay). -ooOoo- Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 18-01-2004