BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT
Susanta Nguyễn
Montreal, Quebec, 2002
4. ÂN ÐỨC THIỆN THỆ - SUGATO
Ðấng có sự hành trình hoàn hảo
(Sobhana gamana). I. ÐẤNG CÓ SỰ HÀNH TRÌNH HOÀN HẢO: Trong tiếng Pali, từ Sugato có 2 phần, phần đầu là tiền tố Su, có nghĩa là hạnh phúc, toàn thiện, thiện xảo, khéo léo. Phần thứ nhì là Gato. Gato có nghĩa là “đi qua” và “đi đến” (Gati). Sugato có nghĩa là người khéo léo đi qua, người làm cuộc hành trình hoàn hảo. Sự hành trình hoàn hảo có của Ðức Phật có 3 nghĩa: A. Ði đến nơi trong sạch: Ðức Phật luôn luôn đi đến nơi trong sạch, vì nơi nào cho dầu ô uế, nhơ bẩn đến đâu, khi Ngài ngự dến, đều trở nên sạch sẽ vui tươi. Theo tích xưa, thành Vesali bị bọn phi nhơn là ngạ quỉ, dạ xoa v.v... hoành hành, gieo rắc bịnh dịch hạch làm cho dân chúng chết chóc vô số, đến nỗi không kịp chôn, mùi tử khí xông lên nồng nặc. Trước khi Ðức Thế Tôn ngự đến thành ấy, Chư thiên hay biết liền tuôn một đám mưa lành rất lớn, quét tan các hàng phi nhơn và mùi tử khí, thành Vesali trở nên trong sạch và an lành. B. Ði con đường chân chánh: Ðức Phật đã đi con đường chân chính, thanh tịnh là Thánh đạo (Ariya Magga), không hề quay lại, tìm các phiền não trọng đại và ngủ ngầm mà Ngài đã diệt trừ do nhờ đạo quả Tu đà huờn, Tư đà hàm, A na hàm, và A la hán. Ðức Phật khéo léo hành đủ 8 chi của Thánh Ðạo: Chính kiến (Trí tuệ chứng ngộ được Tứ Diệu Ðế), Chính tư duy (Tư duy thoát khỏi sự ràng buộc của ngũ trần, tư duy không thù oán, tư duy không hại đến chúng sanh), Chánh ngữ (Không nói lời dối trá, hung dữ, đâm thọc chia rẽ, và vô ích), Chính nghiệp (Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm), Chánh mạng (Nuôi mạng sống của mình một cách chân chánh, không hành ác), Chánh tinh tấn (Tính tấn không để ác pháp phát sinh, tinh tấn diệt ác pháp đã sinh, tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh, tinh tấn làm tăng tưởng các thiện pháp đã sinh), Chánh niệm (Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp), Chánh định (Ðịnh tâm trong nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền có Niết Bàn làm đối tượng). Con đường chân chính cũng có nghĩa là con đường trọn 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp của địa cầu mà Ðức Thế Tôn đã đi từ lúc còn là Bồ Tát, được Ðức Phật Nhiên Ðăng thọ ký cho đến lúc thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Ðề. Khi Ðức Phật còn là Bồ Tát Sumedha, Ngài đã phát nguyện sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác và được Ðức Phật Nhiên Ðăng (Dipankara) thọ ký là trong 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp nữa, sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác có danh hiệu là Cồ Ðàm (Gotama). Từ đó, Ðức Bồ tát tiếp tục tu tập và bồi bổ 30 pháp hạnh Ba la mật (10 pháp bậc thường, 10 pháp bậc trung, 10 pháp bậc thượng) và đã gian lao khổ nhọc trên Trung đạo, không thiên về những quan niệm cực đoạn là "lợi dưỡng" và "khổ hạnh", "thường kiến" và "đoạn kiến" trong suốt 4 A tăng tỳ kiếp và 100 ngàn đại kiếp bất thoái chí. Ðến kiếp chót, Bồ tát Si đạt ta (Siddhattha) từ bỏ ngai vàng và trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác. Nhờ tấm gương tu tập bất thoái chuyển trong 4 A tăng tỳ kiếp và 100 ngàn đại kiếp nầy, Ðức Phật có danh hiệu là Sugato. Với lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh, Ðức Phật luôn đi tìm những chúng sanh nào xứng đáng và giúp họ thoát ly sinh tử luân hồi. Cho dù ngày hay đêm, bất cứ nơi nào, bất cứ phương tiện nào, hoặc bằng oai lực thần thông hoặc đích thân Ngài phải đi gặp, Ngài luôn tìm cách thực hiện ý nguyện này. Mỗi năm, Ngài chỉ trụ tại một chỗ trong mùa mưa (vassa). Chín tháng còn lại, Ngài luôn luôn đi đến các thành phố và châu huyện khác nhau để giảng pháp cho dân chúng. Suốt cuộc đời là Phật của Ngài, Ngài không bao giờ thối lui hay chuyển hướng. Ngài đã liên tục làm việc này cho đến lúc nhập diệt vào năm 80 tuổi. Tóm lại, do nhờ Ðức Phật đã khéo léo tu tập trong nhiều đời, nhiều kiếp, đạt đến đạo quả Niết bàn và đã giúp chúng sinh khác sống và tiến đến giải thoát như Ngài, nên Ngài có danh hiệu là Sugato[i]. C. Ði đến nơi an lạc vô sanh bất diệt là Ðại Niết bàn: Ðức thế tôn là bậc đầu tiên chứng ngộ Niết bàn bằng 4 thánh đạo tuệ và 4 thánh quả tuệ. Các vị A la hán cũng chứng ngộ Niết bàn nhưng không có danh hiệu Sugato vì không phải là bậc đầu tiên chứng ngộ Niết Bàn. Trước ngày thành đạo, Ngài chưa từng đến nơi tịch tỉnh ấy, nhưng Ngài không mảy may e ngại, vì thân tâm đã được hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không còn phiền não. Khi đã diệt tận rồi, phiền não ấy không còn trở lại lại tâm Ngài, và Ngài cũng không bao giờ quay lại tìm phiền não ấy. Kinh Nhật Tụng của Cư Sĩ (Hệ phái Nam Tông) ghi Ðức Phật là đấng Thiện Thệ (Sugato) vì “Ngài đã ngự đến nơi an lạc, bất sanh, bất diệt, Ðại Niết bàn”. Hòa thượng Thanh Từ ghi Ðức Phật là đấng Thiện Thệ "vì Ngài là người khéo vượt qua các cõi thế giới và các cõi Trời"[ii]. II. ÐẤNG KHÉO LÉO DÙNG LỜI THUYẾT PHÁP ÐEM LẠI GIÁC NGỘ CHO CHƯ THIÊN VÀ LOÀI NGƯỜI. Trong tiếng Pali, từ Sugato có 2 phần, phần đầu là tiền tố Su, có nghĩa là hạnh phúc, toàn thiện, thiện xảo, khéo léo. Phần thứ nhì là Gato. Ngoài ý nghĩa là đi qua, đi đến như đã đề cập ở trên, Gato còn có nghĩa thứ hai là lời nói, câu cú (Gada). Ðức Phật là Ðấng thiện thệ hay Sugato vì Ngài thuyết những huấn từ chân thật đúng theo Giáo lý, nhắm vào sự lợi ích và sự giải thoát của chúng sanh, tùy theo trường hợp và tùy theo hoàn cảnh thích đáng. - Lời nào không đúng theo chân lý, không lợi ích và không vừa lòng chúng sanh. Thí dụ: Cho người thiện là người ác. Ngài không bao giờ thuyết. - Lời nào đúng theo chân lý, nhưng không có lợi ích và không vừa lòng chúng sanh. Thí dụ: Cho người xấu là xấu nhưng không phải với ý sửa đổi mà để mạ lỵ người đó. Ngài không bao giờ thuyết. - Lời nào đúng theo chân lý, có lợi ích, nhưng không vừa lòng chúng sanh. Thí du: Vì lòng bi mẫn, Ðức Phật cho biết là Ðề bà đạt ba sẽ bị đọa xuống địa ngục. Ngài biết tùy theo cơ hội thuận tiện để thuyết. - Lời nào không đúng theo chân lý, không có lợi ích, nhưng vừa lòng chúng sanh. Thí dụ: Trích dẫn Kinh Vệ Ðà cho rằng một người phạm tội sát sanh sẽ được sinh về cõi tốt. Ngài không bao giờ thuyết. - Lời nào đúng theo chân lý, nhưng không có lợi ích, dầu vừa lòng chúng sanh. Thí dụ: Ðiều đúng sự thật nhưng có thể gây chia rẽ những người khác, ngoài người nghe. Ngài không bao giờ thuyết. - Lời nào đúng theo chân lý, có lợi ích và vừa lòng chúng sanh, Ngài biết lựa cơ hội thuận tiện để thuyết. Như một ngày nọ, đi ngang qua cánh rừng nhỏ gần thành Kosambi, đức Thế Tôn cầm một nắm lá trong tay và hỏi ngài A nan đa: "Này A nan đa, là cây mà Như Lai nắm trong tay đây và lá cây trong rừng này, lá nào nhiều hơn? " Ngài A nan đa bạch rằng: "Thưa Thế Tôn, lá cây mà Thế Tôn nắm trong tay rất ít, lá cây còn trong rừng thật là nhiều." Ðức Phật mới phán rằng: "Này A nan đa! cũng như thế ấy, những pháp mà Như Lai đã thấy rõ, biết rõ thì thật là nhiều ví như lá cây trong cánh rừng nầy, còn những pháp mà Như lai đã thuyết ra cho chúng sanh được biết, chỉ ít ỏi như nắm lá trong tay Như lai vậy". "Tại sao thế? Bởi vì các pháp mà Như Lai không thuyết ra là những pháp không đem lại sự lợi ích không liên hệ chi đến sự hành phạm hạnh, đến sự diệt tận phiền não, đến sự yên lặng của tâm hồn, đến sự phát sanh trí tuệ viên dung về đến Niết bàn. Vì vậy, Như lai không thuyết ra." "Còn các pháp mà Như Lai đã thuyết là những pháp chỉ rõ đây là khổ, đây là nguyên nhân phát sinh sự khổ, đây là nơi diệt khổ là đây là con đường đi đến nơi diệt khổ. Vì các pháp ấy đem lại sự lợi ích liên hệ đến đời sống thanh cao, đến sự diệt tận phiền não, đến sự yên lặng của tâm hồn, đến sự phát sinh trí tuệ viên dung và đến Niết bàn." Mặc dầu Ðức Phật đã hiểu biết tường tận vô lượng pháp, nhưng Ngài chỉ phổ cập những pháp nào đúng theo chân lý và đem sự lợi ích và sự giải thoát đến cho chúng sanh thôi. Ðại đức Sri Dhammananda viết: "Ðức Phật được gọi là Ðấng Thiện Thệ có nghĩa con đường của Ngài là tốt, nói đến là thượng hạng, lời nói và phương pháp sử dụng là rất hài hòa và không thể chê trách. Con đường đạt hạnh phúc chính đáng là thanh tịnh, đứng đắn, không cong queo, thẳng thắn, và chắc chắn[iii]." Do nhờ những ân đức cao quí vừa kể trên, nên Ngài có danh hiệu là Sugato (Thiện Thệ). -ooOoo- [i] Như trên. Những vị A la hán đạt đến đạo quả Niết bàn nhưng vẫn không được danh hiệu Thiện Thệ vì họ đã không tự mình chứng ngộ như Ðức Phật và đã tu tập dưới sự hướng dẩn của Ðức Phật. [ii] Hòa thượng Thích Thanh Từ, đã trích dẫn ở trên. [iii] "Những Ðức Hạnh Lý Tưởng của Ðức Phật", Sri Dhammananda. trang 289. -ooOoo- Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 18-01-2004