Vua cho dọn chỗ ngồi đối diện với ngài Na-tiên. Sau đó, vua hỏi đại đức
Na-tiên: “Bạch đại đức, nên nói về những chuyện gì trước nhất?”
Na-tiên đáp: “Đại vương muốn nghe những điều cốt yếu, nên bàn chuyện cốt
yếu vậy.”
1. MỤC ĐÍCH XUẤT GIA
Vua hỏi: “Theo ngài thì chuyện gì là cốt yếu nhất? Vì muốn cầu điều chi
mà các ngài xuất gia làm sa-môn?”
Na-tiên đáp: “Chúng tôi xuất gia làm sa-môn là muốn trừ hết những khổ
não trong đời này, cũng không muốn đời sau phải chịu khổ não nữa. Vì
những mục đích ấy, chúng tôi xuất gia làm sa-môn. Chúng tôi xem đó là
điều cốt yếu nhất, tốt đẹp nhất vậy.”
Vua lại hỏi: “Có phải hết thảy các vị sa-môn đều vì muốn diệt khổ não
đời này và đời sau nên mới xuất gia làm sa-môn hay chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải vậy. Thật ra, những người xuất gia làm sa-môn
có bốn hạng khác nhau.”
Vua hỏi: “Thế nào là bốn hạng khác nhau?”
Na-tiên nói: “Trong số những người xuất gia làm sa-môn, có người do nơi
mắc phải nợ nần nên xuất gia để tránh né; có người vì phạm phép nước nên
sợ mà xuất gia để lẩn tránh; có người vì quá nghèo khổ nên xuất gia để
được có cơm ăn, áo mặc. Ba hạng ấy không phải vì muốn diệt khổ não mà
xuất gia. Hạng thứ tư là những bậc chân chánh xuất gia. Vì muốn trừ diệt
hết khổ não đời này và đời sau, nên mới xuất gia làm sa-môn.”
Vua hỏi: “Như đại đức, có phải vì cầu đạo mà làm sa-môn chăng?”
Na-tiên đáp: “Bần tăng vốn xuất gia khi còn nhỏ tuổi, nhờ có kinh điển
của Phật, cùng các vị sa-môn đều là những bậc cao minh giáo hóa cho. Bần
tăng học kinh, thọ giới, thâm nhập vào trong tâm. Vì thế mà lập chí
nguyện quyết trừ dứt khổ não trong đời này và đời sau vậy.”
Vua tán thán rằng: “Lành thay! Lành thay!”
2. TÁI SANH
Vua lại thưa hỏi: “Bạch đại đức, có người nào sau khi chết không tái
sanh trở lại chăng?”
Đại đức Na-tiên đáp: “Có người phải tái sanh, nhưng cũng có người không
phải tái sanh.”
Vua hỏi: “Những ai phải tái sanh? Những ai không phải tái sanh?”
Na-tiên đáp: “Người nào chưa dứt lòng tham muốn ân tình, ái luyến thì sẽ
phải tái sanh. Người nào đã dứt được lòng tham muốn ân tình, ái luyến
thì sẽ không phải tái sanh nữa.”
Vua hỏi: “Như người hết lòng niệm tưởng pháp lành chân chánh, có phải
sanh ra ở đời sau nữa chăng?”
Na-tiên đáp: “Người nào hết lòng niệm tưởng chánh pháp, niệm tưởng trí
tuệ lành, cùng với các điều lành khác nữa, có thể nhờ đó mà không còn
phải sanh ra ở đời sau.”
Vua lại hỏi: “Người hết lòng niệm tưởng pháp lành chân chánh, so với có
trí tuệ, hai điều ấy có đồng nghĩa với nhau chăng?”
Na-tiên đáp: “Không, hai điều ấy có ý nghĩa khác nhau.”
Vua hỏi: “Các loài trâu, ngựa, gia súc ... có trí hay chăng?”
Na-tiên đáp: “Các loài trâu, ngựa, gia súc... mỗi loài đều tự có trí,
nhưng tâm của chúng không đồng nhau.”
Na-tiên lại nói: “Đại vương từng thấy người gặt lúa chăng? Tay trái nắm
lấy bó lúa, tay phải cắt đi. Này đại vương, bậc có trí tuệ đoạn tuyệt ái
dục cũng giống như người cắt lúa.”
Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”
3. CÁC ĐIỀU LÀNH
Vua hỏi: “Bạch đại đức, còn các điều lành khác nữa là những gì?”
Na-tiên đáp: “Thành tín, hiếu thuận, tinh tấn, nghĩ nhớ điều lành, nhất
tâm và trí tuệ. Đó gọi là các điều lành.”
Vua hỏi: “Thế nào là thành tín?”
Na-tiên đáp: “Thành tín là không còn nghi ngại gì nữa. Tin là có Phật,
có kinh điển của Phật, có các vị tỳ-kheo tăng, có các vị đắc A-la-hán.
Tin là có đời nay và còn có đời sau, tin vào việc hiếu thuận với cha mẹ,
tin vào việc làm lành gặp lành, làm ác gặp ác. Vững tin được như vậy,
tâm liền được thanh tịnh, tức lìa xa được năm điều ác.
“Những gì là năm điều ác? Một là tham dâm, hai là sân nhuế, ba là mê
ngủ, bốn là tham đắm các trò vui, năm là còn có chỗ nghi.
“Người chưa lìa được năm điều ác ấy thì tâm ý chẳng được an định. Lìa
được năm điều ác ấy thì trong tâm liền thanh tịnh.
“Ví như vua Giá-ca-việt dẫn theo người, ngựa với xe cộ lội qua một dòng
nước. Qua khỏi rồi, vua khát muốn tìm nước uống. Vua có hạt châu quý có
thể làm lắng trong nước đục, liền dùng hạt châu ấy đặt xuống nước, nước
đục tức thời lắng trong. Vua liền có nước sạch để uống.
“Lòng người chất chứa điều ác, ví như nước đục. Đạo tâm vượt thoát sanh
tử của hàng đệ tử Phật ví như hạt châu quý có thể làm nước lắng trong.
Người trừ sạch được các điều ác rồi, lòng thành tín trong sạch sáng rỡ
như hạt châu minh nguyệt.”
Vua tán thán rằng: “Lành thay! Lành thay!”
Vua lại hỏi: “Còn như người tinh tấn thành tín là thế nào?”
Na-tiên đáp: “Hàng đệ tử tu theo Phật, tự sách tấn làm gương cho nhau.
Trong số ấy có những người trừ hết các tâm ác, có người đắc quả
Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có
người đắc quả A-la-hán, lại có những người học làm theo tâm thành tín.
Hết thảy những người ấy đều được thoát khỏi chốn thế tục.
“Ví như có trận mưa rất lớn trên núi cao, nên dòng nước dưới chân núi
dâng cao mênh mông. Những người ở hai bên bờ nước đều không biết mức sâu
cạn thế nào, nên sợ chẳng dám lội qua.
“Bấy giờ có người từ xa đến, nhìn dòng nước biết được mức rộng hẹp, sâu
cạn, rồi tự lượng sức mình, liền lội xuống nước mà vượt qua. Những người
ở hai bên bờ nước liền bắt chước theo người ấy, đều lội qua được dòng
nước.
“Hàng đệ tử Phật cũng giống như vậy, phát khởi tâm thành tín vì thấy
những người đi trước được tâm thanh tịnh, đắc các quả Tu-đà-hoàn,
Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, đều là nhờ nơi có thiện tâm với sức tinh
tấn.
“Kinh Phật dạy rằng: Người có tâm thành tín, có thể vượt ra khỏi thế
tục. Người tu hành trước phải kiềm chế, ngăn chặn được năm mối tham dục,
tự biết thân này là khổ, sau mới có thể cứu độ cho người khác. Hết thảy
đều là nhờ nơi trí tuệ mà thành tựu đạo đức vậy.”
Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”
4. HIẾU THUẬN
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, những gì được gọi là hiếu thuận?”
Na-tiên đáp: “Tất cả các điều lành đều là hiếu thuận. Phàm ba mươi bảy
pháp trợ đạo đều do nơi hiếu thuận làm gốc.”
Vua hỏi: “Những gì là ba mươi bảy pháp trợ đạo?”
Na-tiên đáp: “Đó là Bốn pháp dừng ý, Bốn pháp đoạn ý, Bốn pháp thần túc,
Năm căn, Năm sức, Bảy giác ý và Tám chánh đạo.”
“Những gì gọi là Bốn pháp dừng ý?”
“Phật dạy rằng, một là quán thân thì thân dừng, hai là quán bệnh khổ thì
bệnh khổ dừng, ba là quán ý thì ý dừng, bốn là quán pháp thì pháp dừng.
Như vậy gọi là Bốn pháp dừng ý.”
Vua lại hỏi: “Những gì là Bốn pháp đoạn ý?”
“Khi đã phân biệt được Bốn pháp dừng ý nói trên, không còn khởi niệm trở
lại nữa, gọi là Bốn pháp đoạn ý. Đã được Bốn pháp đoạn ý, trong ý niệm
liền tự nhiên được Bốn thần túc.”
“Những gì là Bốn thần túc trong ý niệm?”
“Một là mắt có thể nhìn thấu khắp nơi, hai là tai có thể nghe thấu khắp
nơi, ba là có thể biết được chỗ suy nghĩ trong tâm người khác, bốn là có
thể bay đi trên không. Đó là Bốn thần túc trong ý niệm.”
Vua hỏi: “Còn những gì gọi là Năm căn?”
Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy các hình sắc đẹp đẽ hay xấu xí, trong ý
đều không tham đắm. Hai là tai nghe các âm thanh êm dịu hay lời nhục mạ,
trong ý đều không tham đắm. Ba là mũi ngửi mùi hương thơm tho hay khó
ngửi, trong ý đều không tham đắm. Bốn là lưỡi nếm các mùi vị ngon ngọt
hay cay đắng, trong ý đều không tham đắm. Năm là thân thể xúc chạm êm
dịu, trong ý cũng không vui thích; thân thể xúc chạm thô cứng, trong ý
cũng không khó chịu. Như vậy gọi là Năm căn.”
Vua lại hỏi: “Còn những gì gọi là Năm sức?”
Na-tiên đáp: “Một là chế ngự được mắt, hai là chế ngự được tai, ba là
chế ngự được mũi, bốn là chế ngự được lưỡi, năm là chế ngự được thân.
Nhờ đủ sức chế ngự được năm giác quan ấy nên tâm ý không bị sa đọa, như
vậy gọi là Năm sức.”
Vua hỏi: “Những gì là Bảy giác ý?”
Na-tiên đáp: “Một là Ý giác ý, hai là Phân biệt giác ý, ba là Tinh tấn
giác ý, bốn là Khả giác ý, năm là Ỷ giác ý, sáu là Định giác ý, bảy là
Hộ giác ý. Đó là Bảy giác ý.”
Vua hỏi: “Những gì gọi là Tám món đạo hạnh?”
Đáp: “Một là chỗ thấy biết chân chánh, hai là suy nghĩ chân chánh, ba là
lời nói chân chánh, bốn là việc làm chân chánh, năm là đời sống chân
chánh, sáu là tinh tấn chân chánh, bảy là chỗ nhớ nghĩ chân chánh, tám
là định ý chân chánh. Đó gọi là Tám món đạo hạnh.
“Phàm ba mươi bảy phẩm trợ đạo này đều lấy hiếu thuận làm gốc.
“Như người mang đồ nặng đặt để nơi xa, có thể vững vàng được là nhờ nơi
mặt đất. Các loại ngũ cốc, cây cỏ trên thế gian này, đều sanh từ đất mà
mọc hướng lên trời.
“Lại như người muốn xây thành lớn, trước phải lo việc đo đạc làm nền
móng, rồi sau mới có thể khởi công xây dựng.
“Lại như người muốn nhào lộn biểu diễn, trước phải lo dọn chỗ đất cho
sạch và bằng phẳng, sau mới có thể nhào lộn trên đó.
“Đệ tử Phật muốn cầu đạo, trước phải thực hành theo kinh giáo, trì giới,
nhớ nghĩ điều lành, vì rõ biết sự cần khổ nên liền lìa bỏ được các mối
ái dục, liền suy tưởng nghĩ nhớ đến Tám chánh đạo.”
Vua lại hỏi: “Nên nhờ vào những điều gì để lìa được các mối ái dục?”
Na-tiên đáp: “Một lòng nghĩ nhớ đến đạo, ái dục tự nhiên diệt mất.”
Vua liền tán thán: “Hay thay! Hay thay!”
5. TINH TẤN
Vua hỏi: “Những gì gọi là tinh tấn?”
Na-tiên đáp: “Giữ lấy điều lành đã có, tăng tiến điều lành chưa có, ấy
gọi là tinh tấn.
“Như có bức tường nhà sắp đổ, nhờ có trụ chống nên lại đứng vững. Tinh
tấn cũng giống như vậy.
“Như có vị vua mang quân đi đánh. Quân không đủ mạnh, vua liền sai thêm
quân đến trợ lực, nhờ vậy được chiến thắng.
“Người ta có lắm điều ác, cũng như lúc quân kia yếu ớt. Người giữ được
tâm thiện, tiêu diệt các tâm ác, cũng như vua sai quân đến tăng viện mà
được chiến thắng.
“Giữ lấy năm tâm thiện, trừ mất năm tâm ác, cũng như chiến đấu được đắc
thắng. Như vậy gọi là tinh tấn tăng tiến điều lành.”
Đến đây, ngài Na-tiên đọc kệ rằng:
Tinh tấn giúp thêm sức,
Người đi trọn đường lành.
Vượt thoát được thế tục,
Không còn phải xoay vần.
Vua nghe xong, tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”
6. NHỚ NGHĨ ĐIỀU LÀNH
Vua lại hỏi: “Sao gọi là tâm ý luôn nhớ nghĩ điều lành?”
Na-tiên đáp: “Như người hái nhiều thứ hoa, dùng chỉ kết chặt lại thành
chuỗi, gió không thổi tung ra được.
“Thí như người giữ kho của vua, biết phân biệt rõ được trong kho vua có
các thứ vàng bạc, châu ngọc nhiều ít, tốt xấu thế nào. Người tu hành
muốn được đạo, tâm ý luôn nhớ nghĩ đến Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Như vậy
tức là nhớ nghĩ đến đạo xuất thế. Người có nhớ nghĩ đạo lý, nhân đó mới
biết được điều lành, điều ác; biết điều nào có thể làm, điều nào không
thể làm; phân biệt được tốt xấu, tự suy ngẫm lấy, liền bỏ ác mà làm
lành.
“Thí như người giữ cửa cho vua, biết những người nào được vua kính
trọng, những người nào vua không kính trọng, những người nào có lợi cho
vua, những người nào không có lợi cho vua. Người ấy biết những ai được
vua kính trọng, những ai có thể làm lợi cho vua, liền cho vào. Biết
những ai vua không kính trọng, những ai không có lợi cho vua, liền không
cho vào.
“Người tu hành kiểm soát ý niệm mình cũng như vậy. Những điều lành thì
để cho vào, những điều ác thì ngăn giữ lại. Gìn giữ ý lành, chế phục
trong tâm cũng lại như vậy.”
Đến đây, ngài Na-tiên dẫn thuyết lời trong kinh rằng:
“Người tu học phải tự kiên cường gìn giữ phòng hộ ý niệm của mình, cảnh
giác với sáu món ái dục trong thân. Làm được như vậy mới có thể thoát ra
khỏi vòng thế tục.”
Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”
7. NHẤT TÂM
Vua lại hỏi: “Những gì có thể gọi nhất tâm?”
Na-tiên đáp: “Trong các điều lành, chỉ riêng có nhất tâm là cao hơn hết.
Nếu người có thể đạt được nhất tâm, các điều thiện khác đều tùy đó sanh
ra.
“Thí như xây dựng lầu gác, muốn vững vàng phải có nền móng chịu đựng.
Hết thảy các điều thiện đều phải do nơi nhất tâm.
“Như có vị vua dẫn bốn đạo quân ra thành chiến đấu, có quân cưỡi voi,
quân cưỡi ngựa, quân dùng xe và quân đánh bộ, thảy đều do vua điều
khiển. Hết thảy kinh điển, giới luật của Phật, cùng các điều lành khác
đều tùy theo nơi nhất tâm, cũng như các đạo quân kia tùy theo vua vậy.”
Đến đây, ngài Na-tiên dẫn kinh thuyết rằng:
“Trong các điều lành, nhất tâm là gốc. Tất cả những người học đạo, trước
hết đều phải nương vào sự nhất tâm. Nếu không thì việc sanh tử từ quá
khứ đến nay cứ như nước chảy xuôi giòng, trước sau nối nhau không có lúc
dừng.”
Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”
8. TRÍ TUỆ
Vua lại hỏi: “Thế nào là trí tuệ?”
Na-tiên đáp: “Bần tăng trước đã có nói. Người có trí tuệ có thể dứt trừ
các mối nghi, rõ biết các việc lành. Như vậy là trí tuệ.
“Thí như cầm đèn sáng bước vào nhà tối, vừa bước vào thì bóng tối liền
tan biến, tự thấy sáng tỏ. Người sáng suốt có trí tuệ, cũng như ánh đèn
sáng vậy.
“Lại như người dùng thanh đao bén chặt cây. Người có trí tuệ có thể đoạn
dứt các điều ác, cũng như thanh đao bén kia.
“Người ta ở trong thế gian, trí tuệ là cao quý hơn hết. Ai có được trí
tuệ, có thể vượt thoát được qua khỏi sự khổ về sanh tử.”
Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”
9. CÔNG NĂNG CỦA CÁC ĐIỀU LÀNH
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, từ trước đến giờ ngài đã thuyết dạy đủ các
điều khác nhau trong kinh, phải chăng đều chỉ là vì muốn trừ sạch các
điều ác?”
Na-tiên đáp: “Đúng vậy! Kinh Phật thuyết dạy các điều lành khác biệt
nhau, thảy đều là vì muốn trừ sạch hết thảy các điều ác.
“Như vị vua kia dẫn bốn đoàn quân khác nhau ra trận chiến đấu. Nhưng từ
khi phát binh, mỗi mỗi đều chỉ vì muốn công kích quân địch. Phật thuyết
trong kinh đủ các điều lành, cũng chỉ vì muốn công kích, trừ bỏ cho hết
các điều ác đi vậy.”
Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay! Đại đức Na-tiên thuyết giảng
kinh Phật nghe thật rất thỏa chí!”
10. AI TÁI SANH
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức! Như có nói, khi người ta chết đi, theo nơi
chỗ thiện hoặc ác đã làm mà tái sanh. Vậy tái sanh đó là thân mạng với
thần thức này đi tái sanh chăng? Hay thân mạng với thần thức khác?”
Na-tiên đáp: “Không phải thân mạng với thần thức này, cũng không lìa
khỏi thân mạng với thần thức này.”
Khi ấy, ngài Na-tiên hỏi lại vua rằng: “Này đại vương, thân mạng khi còn
ấu thơ theo bú sữa mẹ, với thân mạng khi đã lớn khôn, là một hay là
khác?”
Vua đáp: “Thân mạng khi còn ấu thơ, vốn là khác.”
Na-tiên nói: “Người ta khi còn ở trong bụng mẹ, từ lúc mới vừa thụ tinh,
cho đến thành bào thai có khác nhau chăng? Cho đến hình thành đủ xương
cốt, da thịt, có khác nhau chăng? Từ khi sanh ra, cho đến khi tuổi lớn,
có khác nhau chăng?
“Như một người học viết, người khác có thể thay người ấy mà viết hay
chăng?”
Vua nói: “Không thể được.”
Na-tiên lại hỏi: “Như một người phạm pháp, tội đáng mang ra xử, người vô
tội chịu thay được chăng?”
Vua đáp: “Không thể được.”
Đại đức Na-tiên đã dùng các việc như trên mà dẫn dụ, nhưng ý vua vẫn
chưa hiểu thấu nên thưa hỏi: “Bạch đại đức, như lại có ai hỏi ngài việc
này, ngài giảng giải thế nào?”
Na-tiên đáp: “Thân của bần tăng đây, từ thuở thiếu thời cho đến khi khôn
lớn, vốn chỉ là một thân được liên tục nuôi lớn đó thôi.”
Na-tiên lại hỏi vua: “Như người thắp lên ngọn đèn lúc đầu hôm, có thể
giữ cháy cho đến sáng chăng?”
Vua đáp: “Có thể được.”
Na-tiên lại hỏi: “Lửa đã thắp lên nơi ngọn đèn ấy, lúc đầu hôm, lúc giữa
đêm, cho đến lúc gần sáng, có phải cùng một ngọn lửa chăng?”
Vua đáp: “Không phải.”
Na-tiên lại hỏi: “Thắp đèn lúc đầu hôm, lúc nửa đêm có thắp lại chăng?
Lúc gần sáng có thắp lại chăng?”
Vua đáp: “Không. Đầu hôm đã thắp đèn, lửa ấy nơi tim đèn cháy mãi cho
đến sáng mà thôi.”
Na-tiên nói: “Thần thức của con người tiếp nối mà thay đổi cũng là như
thế. Mất ở nơi này, sanh ở nơi khác. Người sanh ra vốn chỉ một thần thức
ấy cho đến lúc già chết, rồi sau lại hướng đến một đời sống khác. Tiếp
nối mà thay đổi như vậy, nên thật không phải, mà cũng không lìa cái thần
thức trước đó. Người sau khi chết rồi, thần thức đều phải hướng đến một
đời sống mới.
“Ví như dùng sữa mà làm ra bơ, phó-mát, đề hồ... Có thể nào lấy những
đề-hồ, phó-mát, bơ... ấy trở lại gọi là sữa chăng? Có người nói như vậy,
có đúng chăng?”
Vua đáp: “Lời nói như vậy không đúng.”
Na-tiên nói: “Thần thức con người cũng như sữa kia vậy. Từ sữa mà làm ra
bơ, phó-mát, đề-hồ... Thần thức con người cũng như vậy. Do nơi thần thức
mà thọ sanh, từ sanh ra cho đến khôn lớn, già chết. Sau khi chết rồi lại
tái sanh. Thân này vừa mất liền thọ thân khác, ví như hai vị chúa tể,
lại tương quan với nhau như một.”
Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”
11. KHÔNG CÒN TÁI SANH
Vua lại hỏi Na-tiên: “Như có người không phải tái sanh ở đời sau, người
ấy có thể tự biết việc ấy chăng?”
Na-tiên đáp: “Tất nhiên. Người ấy có thể tự biết được.”
Vua hỏi: “Nhờ đâu mà biết?”
Na-tiên đáp: “Người ấy tự biết mình không còn ân tình ái luyến, không
còn tham dục, không còn các điều ác trong tâm. Vì thế tự biết không còn
phải tái sanh đời sau nữa.”
Na-tiên lại hỏi vua: “Như nhà nông kia cày ruộng, gieo giống, đến khi
thu hoạch vào chứa trong kho. Vụ mùa năm sau người ấy không cày ruộng,
không gieo giống, chỉ dùng thóc chứa trong kho. Người nhà nông ấy có
mong gì được thu hoạch thóc mới chăng?”
Vua nói: “Nhà nông ấy thật không thể mong như vậy được.”
Na-tiên hỏi: “Nhà nông ấy do đâu mà biết sẽ không có thu hoạch thóc
mới?”
Vua đáp: “Vì nhà nông ấy không cày ruộng, không gieo giống trở lại, nên
biết không thể mong gì có thu hoạch thóc mới.”
Na-tiên nói: “Người tu hành đắc đạo cũng giống như vậy. Tự biết mình đã
dứt bỏ ân tình, ái luyến, vui khổ; không còn tâm tham muốn, vì vậy tự
biết là đời sau không còn phải tái sanh nữa.”
12. TRÍ TUỆ CỦA NGƯỜI ĐẮC ĐẠO
Vua lại hỏi: “Người đã chấm dứt được sự tái sanh, ngay trong đời này có
được trí tuệ khác người thường chăng?”
Na-tiên đáp: “Tất nhiên. Người ấy có trí tuệ khác người thường.”
Vua lại hỏi: “Người ấy có thể sáng suốt hiểu rõ chăng?”
Na-tiên đáp: “Tất nhiên, người ấy có thể sáng suốt hiểu rõ.”
Vua hỏi: “Có trí tuệ và sáng suốt hiểu rõ, hai việc ấy có khác nhau hay
chăng?”
Na-tiên đáp: “Hai việc ấy đều như nhau.”
Vua hỏi: “Người có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ, có thể hiểu biết hết thảy
mọi việc chăng? Có những việc gì không thể hiểu thấu chăng?”
Na-tiên đáp: “Có điều hiểu thấu, có điều không hiểu thấu.”
Vua hỏi: “Những gì hiểu thấu? Những gì không hiểu thấu?”
Na-tiên đáp: “Những gì trước đây chưa từng học đến, không thể hiểu thấu.
Những gì đã có học qua, có thể hiểu thấu. Nhưng người có trí đều hiểu
thấu được rằng vạn vật thảy đều trôi qua đến chỗ không không, chẳng tùy
theo ý mình; lòng người tham đắm sự vui thảy đều là gieo lấy nhân của sự
khổ, dẫn đến sự khổ. Người có trí tuệ biết rõ lý thành bại không thường
tồn của sự vật, vì vậy mà khác với kẻ tầm thường.”
Vua hỏi: “Như người có trí tuệ, sự ngu si khi ấy ở đâu?”
Na-tiên đáp: “Người có trí tuệ, những điều ngu si tự nhiên diệt mất. Ví
như người cầm đèn sáng đi vào nhà tối, trong nhà liền được chiếu sáng,
bóng tối tức thời diệt mất. Trí tuệ cũng như đèn sáng, ngu si như bóng
tối. Người có trí tuệ, hết thảy các điều ngu si tất phải bị tiêu diệt.”
Vua lại hỏi: “Diệt hết ngu si rồi, khi ấy trí tuệ ở đâu?”
Na-tiên đáp: “Người sau khi đã dùng trí tuệ mà diệt hết ngu si, thì trí
tuệ ấy cũng tự mất. Nhưng những gì mà trí tuệ tạo ra vẫn còn tồn tại.
“Ví như người đang đêm thắp đèn để viết thư. Đèn tắt rồi nhưng lá thư
vẫn còn tồn tại. Trí tuệ cũng như vậy. Đã thành tựu được cho người rồi,
trí tuệ liền mất, nhưng những điều đã có được vẫn còn tồn tại.”
Vua nói: “Đại đức bảo rằng trí tuệ thành tựu cho người rồi tự mất. Xin
nói rõ thêm về lời ấy.”
Na-tiên đáp: “Ví như người muốn phòng hỏa hoạn, nên chuẩn bị sẵn 5 thùng
nước lớn. Khi có hỏa hoạn, liền dùng nước trong 5 thùng ấy mà dập tắt
lửa. Lửa đã tắt rồi, người ấy còn có ý muốn dùng mấy cái thùng nữa hay
chăng?”
Vua đáp: “Người ấy tất không còn muốn dùng mấy cái thùng nữa. Lửa đã
tắt, dùng mấy cái thùng ấy mà làm chi?”
Na-tiên nói: “Người tu học dùng năm tâm lành diệt hết các điều ác, cũng
giống như những thùng nước kia dập tắt lửa.”
13. NĂM TÂM LÀNH
Vua hỏi: “Những gì là năm tâm lành?”
Na-tiên đáp: “Một là tin vào điều thiện, điều ác. Hai là không hủy báng
kinh điển, giới luật. Ba là tinh tấn. Bốn là ân cần nhớ nghĩ các điều
lành. Năm là một lòng nhớ nghĩ đến đạo pháp. Đó là năm điều lành. Người
có thể làm theo năm điều lành ấy, liền được trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ
được thân mạng này cũng như vạn vật đều không thường tồn, hiểu được lẽ
khổ não, rằng mọi việc đều không theo như ý muốn, hiểu được lẽ không có
gì là sở hữu cả.
“Ví như vị thầy thuốc mang năm loại thuốc đến nhà người bệnh. Lấy năm
thứ thuốc ấy cho bệnh nhân uống, được khỏi bệnh. Sau đó, thầy thuốc có
còn muốn dùng các loại thuốc ấy nữa chăng?”
Vua đáp: “Bệnh đã khỏi, tất nhiên không còn muốn dùng các loại thuốc ấy
nữa.”
Na-tiên nói: “Năm loại thuốc ấy, ví như năm điều lành, như trí tuệ.
Người thầy thuốc ấy cũng như người học đạo. Bệnh ấy ví như các điều ác.
Ngu si ví như bệnh nhân. Hiểu đạo rồi, xa lìa cõi thế, như bệnh nhân
được khỏi. Trí tuệ đã thành tựu, người học đạo đã vượt ra khỏi thế tục,
chứng đắc đạo pháp, trí tuệ liền tự diệt mất. Ví như người dũng sĩ chiến
đấu, nhắm vào kẻ địch mà bắn ra năm mũi tên, được đắc thắng. Đã chiến
thắng rồi, người ấy còn có muốn được lại năm mũi tên ấy chăng?”
Vua đáp: “Không, không thể muốn được lại năm mũi tên ấy.”
Na-tiên nói: “Năm mũi tên như năm điều sáng suốt của người. Người trí
nhờ trí mà được đạo, như dũng sĩ kia chiến thắng kẻ địch. Các điều ác
cũng như kẻ địch. Người tu giữ lấy năm điều lành, diệt hết các điều ác.
Các điều ác đã diệt, trí tuệ lành tất sanh. Người tu nhờ nơi trí tuệ
lành mà được độ thoát.