Phục vụ bản thân và người khác
Trong năm vùa qua nhiều người trong số các con đã phục vụ tích cực để Dhamma đã bắt đầu lan rộng khắp hòn đảo Dhamma này. Để một người hành thiền Vipassana được tiến bộ trên con đường thanh lọc, việc phục vụ Dhamma rất quan trọng. Giáo huấn của Đức Phật là các con phải phục vụ bản thân trước rồi mới phục vụ người khác. Nếu các con muốn thanh lọc tâm mà không phát sinh tình thương và lòng trắc ẩn cho người khác, ước muốn giúp họ thoát khỏi khổ đau thì chắc chắn là các con không thể tiến bộ trên con đường Dhamma.
Tiếp tục thanh lọc tâm mình và đồng thời giúp người khác thanh lọc tâm của họ. Không được lành mạnh cho lắm khi thanh lọc tâm mình mà bỏ quên người khác, và cũng không lành mạnh nếu muốn giúp người khác mà không thanh lọc tâm mình. Nếu các con không được lành mạnh, thì làm sao các con có thể giúp người khác lành mạnh được?
Thầy biết qua kinh nghiện cá nhân và kinh nghiệm của nhiều thiền sinh khác là nếu các con phục vụ Dhamma cho người khác, sự hành thiền của mình trở nên mạnh hơn và tiến trình thanh lọc trở nên hữu hiệu hơn. Khi các con giúp người khác tăng tiến trong Dhamma, các con phát triển parami về dana, và trong tất cả những sự hiến tặng, sự hiến tặng Dhamma là cao quý nhất. Tất cả sự hiến tặng của các con đều hữu ích cho các con bởi vì các con hiến tặng những gì quí giá nhất cho người nhận. Những người nhận được sự hiến tặng về Dhamma nhận được con đường thanh lọc và bắt đầu thoát khỏi mọi khổ đau trong đời. Do đó đức Phật tuyên bố, Sabba danam, dhammadanam jinati – Sự hiến tặng Dhamma là sự hiến tặng cao quí nhất.
Trong một khóa thiền, có vẻ như chỉ có thiền sư hiến tặng dana về Dhamma. Nhưng Dhamma không thể hiến tặng nếu không có sự trợ giúp của người phục vụ, cho nên người phục vụ cũng góp sức trong sự hiến tặng này. Nếu không có ai điều hành hay nấu ăn thì làm sao một khóa thiền tiến hành được? Dana về Dhamma là sự chung sức của Thiền sư và người phục vụ, và người phục vụ cũng nhận được thành quả của dana dhamma. Thỉnh thoảng có người nói với Thầy, “Thật tuyệt vời khi một mình Thầy đã thành công trong việc hiến tặng Dhamma cho rất nhiều người khắp thế giới.” Thầy trả lời là Thầy không làm một mình được. Thầy chỉ hai tay nhưng Dhamma có ngàn cánh tay – những bàn tay của của người phục vụ.
Khi Thầy mới đến Ấn Độ, Thầy không chắc là mình có thể dạy Dhamma ở đó. Phương pháp này là một cuộc giải phẫu rất sâu tại tầng lớp gốc rễ. Để học được, một khóa thiền nội trú là tối cần, và Thầy không có ai để giúp Thầy sắp đặt những cơ sở cần thiết. May mắn thay, một người họ hàng xa từ Miến Điện tình nguyện giúp, và nhờ sự phục vụ lớn lao này mà một khóa thiền đầu tiên được tổ chức. Và sau đó Bánh Xe Dhamma bắt đầu luân chuyển ở xứ xở nơi nó khởi nguồn. Sau này, những người khác tham dự những khóa thiền và tình nguyện phục vụ, và như vậy những khóa thiền được tổ chức không những chỉ ở Ấn Độ mà còn ở khắp thế giới.
Bất cứ khi nào Thầy nhớ đến người đã tổ chức khóa thiền đầu tiên ở Ấn Độ, Thầy rất cảm kích ông ta. Ai có thể đo lường được công đức mà người này nhận được trong việc tổ chức khóa thiền đầu tiên bên ngoài Miến Điện? Sau đó một số đông những người hành thiền khắp thế giới bắt đầu trợ giúp. Ai có thể đo lường được công đức mà những người phục vụ nhận được bằng cách tổ chức chức những khóa thiền cho những người đang đau khổ? Đó là tại sao Thầy nói mọi người phục vụ tham gia vào sự hiến tặng Dhamma vĩ đại khắp thế giới này.
Trong cuộc sống hằng ngày có đầy rẫy những thăng trầm. Để duy trì được sự bình tâm và tạo ra tình thương và lòng trắc ẩn mặc cho những sóng gió này là sự luyện tập Vipassna. Khi một người hành thiền Vipassna phục vụ Dhamma, họ học được trong một môi trường lành mạnh cách làm thế nào để áp dụng Dhamma trong đời sống.
Trong khi phục vụ các con gặp đủ các hạng người ngồi thiền. Một số hình như là lười biếng, hay lắm chuyện, hay khiếm nhã. Đôi lúc một người phục vụ Dhamma chưa chín chắn phản ứng một cách khiếm nhã, hay hành xử một cách lỗ mãng. Nhưng các con được huấn luyện rằng, mặc cho những lỗi lầm của thiền sinh, các con không nên sinh ra tức giận. Trái lại các con phải duy trì một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng trắc ẩn. Các con tiếp tục phạm sai lầm và tự sửa đổi, và bằng cách này các con học được cách đối diện với những hoàn cảnh bất như ý một cách bình tâm. Trong môi trường của trung tâm hay khóa thiền thì dễ dàng hơn để học được cách đối phó với những tình huống khác nhau, và rồi các con bắt đầu áp dụng trí tuệ này trong cuộc sống hằng ngày. Đây là trường huấn luyện cho mỗi người phục vụ để học được cách sống một cuộc sống tốt đẹp.
Đức Phật nói một người thấm nhuần Dhamma có hai phẩm chất: phẩm chất phục vụ vô vị lợi và phẩm chất biết ơn những gì nhận được. Hai phẩm chất này rất hiếm hoi. Một người phục vụ Dhamma có cơ hội để phát triển cả hai phẩm chất này. Các con thực hành việc phục vụ người khác mà không mong đợi được đền đáp. Và các con bắt đầu có lòng cảm kích Đức Phật, người đã khám phá ra phương pháp tuyệt vời này và trao tặng cho thế giới, và một dòng các thiền sư, từ Đức Phật cho tới ngày nay, những người đã duy trì phương pháp này trong sự tinh khiết trinh nguyên. Ta cảm thấy muốn trả món nợ của lòng biết ơn bằng cách phục vụ người khác để làm tròn sứ mệnh của vị Thầy.
Ta cảm thấy rất vui mừng và mãn nguyện phục vụ người khác để giúp họ thoát khỏi khổ đau. Do đó sự phục vụ Dhamma hữu hiệu trong hai cách: Giúp người khác và đồng thời cũng giúp chính mình.
Nguyện cho tất cả các con đạt được sức mạnh trong Dhamma vì lợi lạc của chính mình, và nguyện cho các con tiếp tục phục vụ người khác vì sự tốt lành và lợi lạc của rất nhiều người.
Nguyện cho sự thanh lọc trong Dhamma do Đức Phật ban phát được truyền bá không những tại hòn đảo này, hòn đảo Đài Loan, nhưng cũng nảy sinh và lan rộng tại nơi nó khởi nguồn và từ đó có thể lan rộng khắp thế giới.
Nguyện cho đảo Đài Loan trở thành ngọn đuốc Dhamma và tỏa chiếu ánh sáng trí tuệ khắp thế giới.
Nguyện cho tất cả được hạnh phúc, được an lạc, được giải thoát.
Bhavatu sabba mangalan
Nguyện cho tất cả được hạnh phúc.