Triều Minh, chùa Vân Thê, đất Cổ Hàng, sa-môn Chu Hoành soạn văn và chú thích
1. Văn giới sát
Nhập đề:
Người đời ăn thịt cá, đều cho là chuyện đương nhiên, do đó mà phóng túng ra tay giết hại, tạo nghiệp oán cừu sâu nặng rộng khắp. Cứ thế lâu dần, đời này sang đời khác, tập mãi thành thói quen, đến nỗi tự mình không còn nhận biết đó là sai trái. Quả đúng như lời người xưa từng nói: “Thật đáng cho ta phải đau đớn rơi lệ, than tiếc khôn nguôi!”
Những điểm mê muội cố chấp không hiểu đúng của người đời, có thể lược phân ra bảy điều trình bày dưới đây, còn ngoài ra nữa cũng có thể từ đó suy rộng ra mà biết được.
Giảng rộng:
Muôn loài có tri giác đều đồng một thể tánh, nhưng con người lại ăn thịt muôn loài là điều hết sức quái lạ. Sở dĩ không thấy đó là quái lạ, vì trong gia đình tập quen theo thói ấy đã nhiều đời, lối xóm láng giềng cũng bắt chước theo nhau lâu ngày thành tục lệ. Khi quen làm như thế đã lâu thì không còn biết là sai trái nữa, mà ngược lại cho là đúng đắn, hợp lý, làm sao còn có thể thấy đó là việc quái lạ? Nếu ngày nay có kẻ giết người rồi xẻ thịt mà ăn, mọi người ắt đều kinh hãi mà bắt lấy xử ngay tội chết. Vì sao? Đó là vì xưa nay không quen làm như vậy.
Ví như việc giết người không bị nghiêm cấm, mọi người đều làm theo trong nhiều năm, ắt là khắp trong thiên hạ không khỏi đều thấy món thịt người bị đưa vào bếp nấu nướng!
Cho nên mới nói rằng: “Hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!”
Điều sai lầm thứ nhất:
Mừng ngày sinh không nên giết hại
Cha mẹ sinh ra ta vất vả nhọc nhằn biết bao! Ngày ta bắt đầu có được tấm thân này, cũng chính là ngày cha mẹ phải bắt đầu đối mặt với khó khăn, đến gần hơn với cái chết. Cho nên, đây chính là ngày ta nên ăn chay, giữ giới không giết hại, rộng làm các việc lành, cầu cho cha mẹ nếu đã qua đời sớm được siêu thoát, nếu còn hiện tại được phước thọ tăng thêm. Sao có thể vội quên đi khổ nạn hiểm nguy của mẹ [trong ngày sinh ta] mà ra tay giết hại sinh linh, trên thì gây nghiệp ác liên lụy đến mẹ cha, dưới lại khiến bản thân mình phải chịu nhiều bất lợi?
Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ nhất thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!
Giảng rộng:
Đường Thái Tông ngày xưa ở ngôi vua tôn quý, giàu có không ai bằng, nhưng vào ngày sinh còn không lấy làm vui. Điền chủ nghênh ngang chỉ bội thu mươi đấu thóc mà khách mừng đến chật cả nhà, yến tiệc liên tục nhiều ngày, thật không biết như thế thì có thể làm được gì?
Hiện nay cũng có những người vào ngày sinh tổ chức cúng dường chư tăng, trì tụng Kinh điển, làm các việc thiện, thật quý hóa tốt đẹp thay!
Điều sai lầm thứ hai:
Mừng sinh con không nên giết hại
Người đời không có con thì buồn rầu, sinh được con thì mừng rỡ. Thế nhưng lại không chịu nghĩ đến việc hết thảy muôn loài cũng đều biết thương yêu con không khác gì mình.
Mừng vui vào ngày con ta sinh ra, lại khiến cho con cái của loài vật phải chết, liệu có thể an ổn trong lòng được chăng?
Con cái vừa mới sinh ra, đã không biết vì nó tu tích phúc đức, ngược lại còn giết hại sinh mạng tạo nghiệp xấu ác, thật là quá sức mê muội.
Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ hai thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!
Giảng rộng:
Xưa có người thợ săn, một đêm nọ uống rượu quá say, nhìn đứa con nhỏ của mình mà tưởng là con mang, liền mài dao giết thịt. Người vợ khóc lóc cản lại, nhưng anh ta không nghe, cứ việc mổ bụng, lôi hết ruột gan ra, xong để đó đi ngủ.
Sáng hôm sau, anh ta thức dậy gọi con trai cùng đi vào chợ bán thịt mang. Người vợ khóc nói rằng: “Đêm qua ông đã giết con rồi.” Người thợ săn nghe vậy thì ngã nhào xuống đất, ruột gan như bị ai xé nát! Than ôi, người và vật tuy rằng khác nhau, nhưng lòng thương con không khác, có thể nhẫn tâm giết hại được sao?
Điều sai lầm thứ ba:
Ngày cúng giỗ không nên giết hại
Những ngày cúng kỵ ông bà tổ tiên cũng như ngày giỗ những người thân đã khuất, hoặc các lễ tế xuân thu hai mùa trong năm, đều không được giết hại vật mạng. Muốn cầu phúc cho người ở cõi âm, lại giết hại vật mạng để cúng tế, chỉ làm tăng thêm nghiệp ác mà thôi. Ôi, [giết hại vật mạng để làm ra] bao nhiêu món ăn bày la liệt trên bàn, nhưng làm sao có thể gọi dậy nắm xương tàn của người chết từ chín suối về ăn? Thật vô ích mà lại gây bao họa hại, nên người có trí tuệ quyết chẳng ai làm như vậy.
Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ ba thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!
Giảng rộng:
Có kẻ nói, Lương Vũ Đế lấy bột làm thành hình vật tế thay cho những con vật sống để cúng tế, người đời đều chê bai rằng như vậy là khiến cho tổ tiên không được hưởng rượu thịt. Than ôi, thịt cá chưa chắc đã là ngon quý, rau dưa không hẳn đã là kém cỏi. Đạo làm con đối với cha mẹ, điều quý nhất là phải thận trọng tu sửa bản thân, dù có chút thiếu sót trong cúng tế tổ tiên cũng vẫn là tốt đẹp, đâu nhất thiết mỗi khi cúng tế đều phải dùng máu thịt chúng sinh? Kinh Dịch có dạy rằng: “Cúng kính đơn sơ nhưng chân thành còn hơn kẻ giết trâu.” Bậc thánh nhân có dạy, nuôi vật để cúng tế là bất hiếu. Đâu nhất thiết mỗi khi cúng tế đều phải dùng máu thịt chúng sinh?
Điều sai lầm thứ tư:
Hôn lễ không nên giết hại
Người đời tổ chức các nghi lễ trong hôn nhân, từ khi dạm hỏi, nạp lễ... cho đến chính thức thành hôn, thật không biết đã giết hại bao nhiêu là vật mạng. Ôi, hôn nhân là khởi điểm của việc sinh con về sau, nhưng khởi đầu của sự sinh sản mà lại làm việc giết hại sự sống, thật là trái lẽ biết bao!
Hơn nữa, hôn nhân là việc tốt lành, nhưng trong ngày lành lại làm việc chẳng lành, giết hại loài vật, chẳng thấy đáng thương lắm sao?
Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ tư thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!
Giảng rộng:
Người đời khi gặp hôn sự đều cầu chúc cho đôi vợ chồng được chung sống cùng nhau đến răng long đầu bạc. Mình thì mong cho được sống cùng nhau đến tận tuổi già, vậy các loài chim thú há lại mong chia lìa, chết sớm hay sao? Nhà có con gái gả đi thì ba đêm không ngủ được, vì nghĩ tưởng đến việc sắp phải chia lìa xa cách. Mình thấy việc chia lìa xa cách là khổ, các loài chim thú phải xa nhau lẽ nào lại vui sao? Cho nên có thể tin được rằng, hôn nhân quả thật không nên giết hại vật mạng.
Điều sai lầm thứ năm:
Đãi khách không nên giết hại
Trời đẹp cảnh đẹp, chủ nhà hiền thiện tiếp khách hiền lương, dù cơm rau đạm bạc cũng không ngăn trở niềm vui thanh nhã, đâu cần phải ra tay giết hại vật mạng sinh linh, cầu miếng ăn ngon ngọt béo bổ, no nê ca hát quanh bàn tiệc mà khiến muôn loài bị giết mổ phải oán hận gào thét bên dao thớt. Than ôi, nếu thật có tính người, sao có thể không thương xót?
Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ năm thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!
Giảng rộng:
Nếu biết rằng những món ăn bày ra trên bàn kia là có được từ những tiếng kêu gào oán hận bên dao thớt, ắt phải thấy rằng đã lấy sự đau đớn khổ sở cùng cực của muôn loài mà làm sự vui sướng khoái lạc cho mình, thì dù có gượng cho vào miệng cũng không thể nào nuốt trôi qua cổ! Có thể không đau buồn được sao?
Điều sai lầm thứ sáu:
Cúng cầu an không nên giết hại
Người đời khi có bệnh tật liền giết hại vật mạng, cúng tế thần linh để cầu phúc cho mình, nhưng không nghĩ đến việc mình cúng tế thần linh là vì muốn khỏi chết được sống, lại giết hại sinh mạng khác để mong kéo dài mạng sống của mình, thật không còn điều gì có thể trái nghịch lòng trời, ngược với lý lẽ hơn thế nữa.
Ôi, những người chính trực [sau khi chết mới] được làm thần, vậy lẽ nào thần linh lại có ý thiên lệch riêng tư? Mạng sống thật không thể kéo dài thêm [bằng cách ấy], nhưng nghiệp giết hại tạo ra thì còn đủ không mất, [nhất định phải đền trả]. [Không riêng gì việc cầu khỏi bệnh sống lâu,] hết thảy sự tế lễ cầu đảo tà thần ác quỷ để mong cầu những điều khác cũng đều như vậy.
Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ sáu thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!
Giảng rộng:
Kinh Dược Sư dạy rằng: “Giết hại muôn loài chúng sinh để cúng tế dâng lên thần linh, hô gọi yêu ma quỷ quái, cầu xin ban phúc giúp đỡ cho mình, muốn tăng thêm tuổi thọ, rốt cùng đều không thể được.”
Cho nên nói rằng, sinh mạng thì không thể kéo dài, mà nghiệp giết hại gây ra thì còn mãi. Hết thảy những sự cầu đảo tà thần như giết hại vật mạng cúng tế cầu sinh con, cầu tiền tài của cải, cầu quan chức bổng lộc, ví như có được sinh con, được tài lộc, được quan chức, vốn đều là do nghiệp riêng của người ấy mà được, không phải do quỷ thần. Có những lúc ngẫu nhiên được thỏa nguyện, lại cho đó là có sự linh thiêng, nên niềm tin sai lệch càng thêm kiên cố, lại càng dốc lòng làm việc cúng tế như vậy nữa. Những kẻ rơi vào tà kiến quá nặng nề như vậy thật không thể cứu nổi, đáng thương thay!
Điều sai lầm thứ bảy:
Mưu sinh không nên giết hại
Người đời chỉ vì miếng cơm manh áo mà chọn theo những nghề như săn bắn, đánh cá, hoặc giết mổ trâu, dê, lợn, chó... Nhưng theo sự quan sát của tôi, ví như không làm những nghề nghiệp ấy cũng có thể kiếm được cơm áo, chưa hẳn đã đến mức phải đói rét mà chết. Chọn nghề giết hại để mưu sinh, không khỏi bị thần minh trách phạt. Lại như theo nghề giết hại mà được giàu có, trăm người chưa từng thấy một! Nếu xét đến việc gieo nhân sâu nặng phải vào địa ngục, chịu nghiệp báo xấu ác trong nhiều đời sau, thì quả thật không gì ác hại hơn làm những nghề này. Vì sao phải khổ nhọc đeo đuổi mà không chịu tìm lấy một nghề hiền thiện khác để mưu sinh?
Sai lầm này hết thảy người đời đều làm theo nhau mà không biết là sai trái, chính là điều thứ bảy thật đáng cho ta phải rơi lệ đau đớn, than tiếc khôn nguôi!
Giảng rộng:
Chính tôi từng nhìn thấy một người làm nghề mổ dê, khi sắp chết bỗng kêu tiếng be be như con dê, một người làm nghề bán lươn, khi sắp chết chợt thấy trên đầu như bị lươn cắn rứt. Cả hai việc này đều xảy ra trong xóm nhà gần tôi, hoàn toàn không phải nghe theo truyền thuyết. Xin khuyên hết thảy mọi người, nếu gặp phải lúc không biết làm gì để sống, thà đi xin ăn. Nếu phải tạo nghiệp giết hại để mưu sự sống cho mình, thà nhịn đói mà chết còn hơn. Than ôi, có thể nào không dứt bỏ sự giết hại được sao?
Những gì trình bày trên là bảy điều hết sức phi lý, nhưng người đời lại rất thường làm. Người thông đạt xem qua, ắt phải thấy đều là những lập luận xác đáng. Ví như có thể răn ngừa được tất cả thì không còn gì tốt đẹp hơn. Bằng như chưa được vậy, cũng có thể tùy sức mà giảm dần, hoặc bỏ đi bốn năm việc, hoặc răn ngừa đôi ba việc...
Bỏ đi một việc ắt tiêu trừ được một phần ác nghiệp, giảm một lần giết hại ắt bớt được một mối oán cừu. Ví như còn chưa thể ăn chay bỏ hẳn thịt cá, thì trước hết nên chuyển sang mua dùng những món được bán sẵn, tránh không tự mình ra tay giết hại, cũng giảm bớt được một phần tội lỗi. Biết nuôi dưỡng tâm từ ắt dần dần rồi cũng sẽ đạt được đến chỗ tốt đẹp.
Mong sao những ai có duyên may gặp được bản văn này, sẽ chuyền tay nhau truyền rộng khắp nơi, thay nhau khuyến khích, khuyên bảo người đời. Khuyên được một người thôi giết hại tức là cứu sống được trăm vạn sinh linh. Khuyên đến mười người, trăm người, cho đến muôn ngàn vạn người thì âm đức thật hết sức lớn lao, quả lành không cùng tận. Chỉ cần có lòng tin chắc chắn làm theo, những điều này quyết không sai dối.
Thực hành giữ giới sát
Mỗi năm nên viết đủ tên mười hai tháng dán lên tường nhà. Trong một tháng mà giữ được hoàn toàn không giết hại, thì bên dưới chỗ tên tháng ấy ghi vào mấy chữ “không giết hại”. Giữ trọn được một tháng không giết hại, đó là làm thiện được vào bậc hạ. Giữ trọn được một năm không giết hại, đó là làm thiện được vào bậc trung. Giữ trọn được một đời không giết hại, đó là làm thiện được vào bậc thượng. Giáo huấn được con cháu nhiều đời đều nối tiếp nhau giữ giới không giết hại, đó lại càng là bậc hiền thiện cao trổi trong những người hiền thiện.
Nguyện cho người người đều giữ giới không giết hại, nhà nhà đều bỏ thịt cá mà ăn chay, ắt chư Phật đều hoan hỷ, muôn vị thần linh gia hộ, chuyện binh đao chiến tranh sẽ nhờ đó mà vĩnh viễn chấm dứt, những hình phạt nặng nề không cần dùng đến, địa ngục trống rỗng không còn tội nhân, người người nhờ đó được mãi mãi xa rời biển khổ.
Lời nguyện sau khi giữ giới sát
Nếu có thể giữ trọn trong một tháng hoàn toàn không giết hại vật mạng, thì vào đêm cuối tháng ấy, hoặc sáng sớm ngày đầu tháng tiếp theo, có thể đến trước bàn thờ Phật, chí tâm lễ bái hình tượng Phật rồi khấn nguyện như sau:
“Đệ tử tên là... (khấn tên họ, pháp danh) ..., xin đem hết tâm thành quy y đức Phật A-di-đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc. Đệ tử ngày nay vâng theo lời Phật dạy trước đây, thực hành giữ giới không giết hại, vừa trọn được một tháng. Nhờ công đức này, xin nguyện cho đệ tử được tiêu trừ tội lỗi nghiệp chướng, giải trừ mọi oán thù oan trái, căn lành tu tập ngày càng tăng trưởng, đến phút lâm chung được thân tâm an ổn, chính niệm rõ ràng, nhờ ơn Phật tiếp dẫn được sinh về cõi nước Cực Lạc, hóa sinh từ giữa hoa sen trong ao bảy báu, hoa nở liền được gặp Phật, chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, được đầy đủ trí tuệ Phật, dùng thần lực lớn lao có thể khiến cho những chúng sinh trong nhiều đời trước từng bị đệ tử giết hại, cùng tất cả chúng sinh bị giết hại trong khắp mười phương, thảy đều được cứu độ giải thoát, thành đạo Vô thượng. Nay phát lời nguyện này, xin đức Phật từ bi xót thương tiếp nhận.”
Phát nguyện như trên rồi, tiếp đó niệm danh hiệu Phật một trăm lần, hoặc ngàn lần hay vạn lần, nhiều ít tùy ý.