Sa-môn Luật chủ Độc Thể ở núi Bảo Hoa, Kim Lăng soạnViệt dịch: Thích Thọ PhướcHiệu đính: Thượng tọa Thích Nguyên ChơnLời giới thiệuBước lên một nấc, sẽ dự vào hàng xuất gia tôn quí. Một nấc nữa sẽ có năng lực làm thầy trời người. Một nấc nữa sẽ đủ tư cách nhập thế độ sinh. Ba nấc thang ấy làm thay đổi thân phận và tư cách của một con người, là nền tảng để từ phàm phu bước vào dòng thánh. Như vậy, ba nấc thang ấy há tầm thường sao? Ba nấc thang ấy là gì? Đó là ba đàn truyền-nhận giới pháp của Phật. Ngày nay, nếu một người không dự đàn sa-di và tì-kheo thì không có tư cách tham dự vào hàng đệ tử xuất gia của Phật; không dự đàn Bồ-tát thì không đủ năng lực cứu giúp chúng sinh. Vì quan trọng như vậy, nên ngày xưa, dù căn tính con người còn thuần thục mà đức Phật đã chế định phép tắc truyền giới tì-kheo với đầy đủ “tam sư thất chứng”. Truyền giới Bồ-tát cần phải thỉnh Phật và các vị Đại sĩ truyền trao và chứng minh.
Ngày nay cách Phật quá xa, khả năng lãnh ngộ Phật pháp của con người thấp kém, lòng tin lại cạn mỏng, cần phải nhờ sự tướng như pháp để phát khởi lòng tin sâu dày và tâm đắc giới. Cho nên, các Luật tổ y cứ theo lời Phật dạy mà lập đàn truyền trao giới pháp. Đã có đàn thì phải đủ sự tướng, phép tắc, lễ nghi như pháp. Những phép tắc, lễ nghi như thỉnh sư, cầu giới, hỏi già-nạn, sám hối, yết-ma, truyền y, bát v.v, càng tôn nghiêm, thì giới tử càng thấy được tầm quan trọng của việc nhận lãnh giới pháp, từ đó đạt được giới thể vô tác nơi tâm. Trên đàn các thầy truyền trao phải thật thanh tịnh, bên trong phải thể hiện sắc tướng uy nghiêm, vâng lời Phật truyền trao mạng mạch Phật pháp cho hậu học. Còn người thụ giới phải như cái bình không nứt bể hay sứt mẻ, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh thì mới chứa đựng được giới pháp xuất thế cao quí này. Giới tử phải biết:
- Yết-ma trao giới lần thứ nhất xong, thì tất cả giới pháp thuần thiện cao quí của mười phương thế giới đều chấn động.
- Yết-ma trao giới lần thứ hai xong, thì tất cả giới pháp thuần thiện cao quí của mười phương thế giới như mây như lọng phủ trùm đỉnh người thụ giới.
- Yết-ma trao giới lần thứ ba xong, thì tất cả giới pháp thuần thiện cao quí của mười phương thế giới từ đỉnh môn người thụ giới tuôn vào trong thân tâm, đầy khắp chính báo.
Một đàn truyền giới được gọi là thành tựu, đó là khi lãnh thụ giới pháp xong, giới tử cảm nhận được tâm mình đã đắc giới thể, nên vô cùng xúc động và vui mừng; còn thân là một chiếc bình chứa giới quí giá, nên lúc nào cũng lo sợ bị hư bể. Nếu muốn được như vậy, ngoài điều kiện thầy-trò ra thì đàn phải thật thanh tịnh, uy nghiêm và đúng đủ phép tắc. Nếu làm qua loa, đại khái, hoặc chỉ chuộng hình thức suông thì thật phí công mà chẳng thành tựu gì.
Đại sư Độc Thể (1601-1679) nới pháp sở tổ Tam-muội Tịch Quang, làm tổ thứ hai của phái Thiên Hoa, Luật tông. Tuy sư ngộ yếu chỉ Hoa nghiêm, nhưng suốt đời sư xiển dương Luật học. Tất cả các pháp sự như lập đàn truyền giới, tổ chức an cư, kết giới v.v,. sư đều làm đúng như giới luật, nên mọi người gọi sư là Nam Sơn Đạo Tuyên tái thế. Sư soạn rất nhiều sách về giới luật, trong đó có bộ Truyền giới chính phạm. Nội dung sách này trình bày rất rõ ràng chi tiết về phép tắc của ba đàn truyền giới, thật là kim chỉ nam cho người truyền Luật, nghiên cứu và trì Luật đời nay.
Qua bản dịch của đại đức Thích Thọ Phước, một thành viên trong ban Dịch thuật Luật tạng Giới đài viện Huệ Nghiêm, tôi xin có vài lời giới thiệu dịch phẩm này đến tất cả chư tôn đức và người học.
Giới đài viện Huệ Nghiêm cuối mùa an cư PL. 2559.Tỳ-kheo Thích Minh Thông. Lời tựaHay thay! Liễu Hà Đông nói: “Nho giáo căn cứ vào lễ để lập ra nhân-nghĩa. Phật giáo dùng giới luật để giữ gìn định-tuệ”. Trong năm thời xướng giáo của đức Thế Tôn, thì kinh Phạm võng được xếp trước các kinh. Khi Thế Tôn thị tịch ở Song thọ, thì phải nhờ kim ngôn nơi giới học. Vì thế, học giới là con mắt của trời, người, là bến, cầu của phàm, thánh, chứ không có thuyết nào khác. Thế nhưng, vì sao chính pháp từ lâu đã suy vi, đến nỗi các giới đàn đóng kín, phải nhờ hai tổ ta là Linh Cốc, Thiên Hoa nương sức nguyện Đại thừa mà mở lại các giới đàn đã hoang phế, khiến cho tăng, ni khắp nơi đều biết lãnh thụ giới pháp? Từ đó, đạo mạch Nam Sơn trùng hưng rực rỡ. Nhưng đến khi thầy tôi thị tịch, thì hoàn toàn không có người chủ trương Luật học. Vì thế, nên ba học dần xa xôi, không ai biết tôn sùng ngưỡng mộ.
Thầy bổn sư giáo thụ của tôi là hòa thượng Kiến Nguyệt Thể, giữ tâm sắt đá, đủ thể kim cang, am tường năm bộ, đã nối tiếp ngài Thiên Hoa. Thầy tôi cảm khái, vì ngày nay trong nước đều truyền giới, khai đàn rất nhiều, nhưng hỏi về học xứ thì họ đều mờ mịt, như chưa từng nghe biết.
Tôi xem xét các giới đàn, thì thấy nghi thức và phép tắc rất sơ sài, tầm thường, không đúng qui chuẩn. Bởi chỉ trong vòng bảy ngày mà người thụ giới đã hoàn tất ba đàn. Trong đó, lại không phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa và hai bộ tăng-ni cũng không chia khác. Họ xem thường việc tỏ bày sám hối, cho pháp yết-ma là văn xưa; lại không biết khai-già, việc vấn nạn chỉ làm qua loa, đại khái. Sau khi giới đàn giải tán, ghi tên họ trên ca-sa; ba nghiệp hoang sơ, giới bổn buộc kĩ lại ở lầu gác. Giới pháp của chư Phật xem giống như trò đùa của trẻ con, khiến cho tì-ni bị hủy hoại nặng nề.
Hòa thượng thương xót họ, nên bên trong chú trọng thân hành trì, bên ngoài nghiêm cẩn tác pháp, đồng thời siêng năng biên soạn để làm lợi ích cho đời sau. Ngoài luật đã chế định về bố-tát của Đại thừa và Tiểu thừa mà tăng phải hành trì, ngài còn biên soạn bộ Truyền giới chính phạm.
Qui tắc của ba đàn, đều có điều lớn, điều nhỏ, khoa nghi của bảy chúng thì rõ ràng và có thứ lớp. Siêng năng chỉ bày thì người trí-kẻ ngu đều được gội thấm đề-hồ, cẩn trọng yết-ma thì giới khinh-trọng được phân biệt đến từng điều nhỏ. Như thế thì không trái với bản xưa, mà lập ra khuôn phép mới. Giống như bảy việc bên sông Hô Đà, gươm giáo, áo giáp bỗng nhiên mới; ba quân bổ trợ các mặt, cờ hiệu đồng thời biến hóa. Đồng ý rằng thiên tụ là kim chỉ nam, nhưng mộc-xoa mới là mặt trời sáng tỏ.
Khi bản này lưu thông, được dùng làm phép tắc, thì không chỉ người chuyên môn truyền luật có đủ quy củ noi theo, mà người thiền luật song hành đều biết được phép tắc. Từ đây, cách thức đăng đàn tập thành, lại chẳng phải là sách chế định phép tắc ngày trước. Người xưa nói: “Lễ nhạc của ba đời đều đầy đủ hết ở nơi đây”.
Hễ người chiếm vị đăng đàn, ví như tâm vẫn giữ được hai lợi, thì mến thích sự tinh nghiêm của giới luật; đối với giới pháp sợ bảy tụ lỗi lầm, thì nhàm ghét các sư thô lậu đương thời. Nên nắm vững điều này đến mai sau thì mới được”.
Ngày Tị thượng tuần tháng ba, năm Canh Tí, niện hiệu Thuận Trị, đệ tử đồng môn giới Hiển Đốn ở Thiên Hoa núi Vân Cư, Nam Khang kính ghi.
QUYỂN 11. Đàn thứ nhất: Cách thức xin giới và sám hối trước khi truyền giới Sa-di1.1. Tập hợp chúng ở tịnh đườngMuốn tác pháp, trước hết phải kết giới. Nếu ba lớp giới tướng đúng như pháp thì không có việc gì trở ngại, cho đến có thể làm thành tất cả mọi việc. Vì thế, luật qui định, chỗ Tăng cư trú đều phải căn cứ vào việc kết giới. Tăng hoằng truyền những chế định của luật, há vượt qua những điều này sao?
Người mới phát tâm vào già-lam theo Tăng xin giới, trước phải tập hợp Tăng, nêu phương hướng và kết giới xong. Tiếp theo là xin hòa thượng chỉ dạy ngày giờ. Sau khi hòa thượng chỉ định ngày giờ liền thưa với thầy dẫn lễ và tập hợp chúng ở tịnh đường. Tiếp theo là thông báo cho hai vị thầy a-xà-lê biết trước, rồi mới được vào phòng lễ thỉnh.
Khi kết giới, phải đuổi những người mới cầu giới ra ngoài, đến nơi mắt không thấy, tai không nghe. Nếu nơi nào từ lâu đã hành luật, giới trường xác định, thì không cần theo kì hạn xướng phương hướng.
Ghi chú:Mấy ngày trước khi truyền giới sa-di, thầy dẫn thỉnh nhờ tịnh nhân quét dọn pháp đường. Ở giữa pháp đường đặt một chỗ ngồi và đốt hương, đèn cúng dường. Đến giờ, bảo tịnh nhân đánh kiền-trĩ. Nếu không có tịnh nhân thì sa-di cũng có thể làm thay việc này. Đánh kiền-trĩ bao nhiêu tiếng, phải theo pháp của Tăng dạy trong luật, đều có qui định. Nay chỉ tập hợp chúng nhỏ, nên chỉ cho phép đánh ba tiếng. Những trường hợp khác đều phải theo luật, không cần phải nói rõ ràng, cụ thể. Những người cầu giới, nghe tiếng kiền-trĩ tập hợp rồi, trước tiên chọn bốn người đến đỉnh lễ thầy dẫn lễ, lễ một lễ. Khi đã đến pháp đường, những người cầu giới đồng loạt lễ ba lễ và đứng dậy, người đứng đầu, chắp tay thưa:..
Chúng con tên… hôm nay phát tâm, chí cầu tịnh giới, nhưng vì tình trần che khuất đã lâu, không biết hướng về đâu, cúi xin các vị thầy dẫn lễ, vì người, không từ lao nhọc, rủ lòng dẫn đạo.
Thầy dẫn lễ nói:
Quí thay! Các người mới vào cửa luật, chưa rõ oai nghi, phép tắc, nay tôi sẽ giúp các người thưa với hai thầy a-xà-lê, đến phương trượng lễ thỉnh hòa thượng. Hòa thượng sẽ khai đạo cho các người. Tôi đã dò xét được sắp đến lúc hòa thượng lên tòa truyền mười giới sa-di cho các người. Bốn người đứng trước trong những người này bước ra, theo tôi cầu thỉnh hai thầy a-xà-lê, những người khác đứng yên.
Ghi chú:Mọi người đều hướng về phía thầy dẫn lễ, đỉnh lễ một lễ rồi đứng ra hai bên.
1.2. Thưa với hai thầyNếu theo luật chế