Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở »» TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH »»

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở
»» TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH

Donate

(Lượt xem: 2.776)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở - TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Vào ngày 6 tháng 3 năm 1994, chuyến xe hơi nối liền giữa tu viện Piriven ở Weliweriya đến cựu cố đô Anuradhapura, xa chừng 270 km nhưng phải mất gần 8 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được tu viện ở gần cố đô này.

Trên chuyến hành hương này có Đại Đức Seelawansa với tôi, một chú sa-di đi theo để giúp vài công việc cần thiết và một gia đình Phật tử lái xe gồm 6 người, cộng chung là 9 người cả thảy trên một xe mini bus loại của Nhật.

Trên đường đi gặp toàn cây trái của quê hương mình. Nào xoài, nào ổi, nào mít, nào mãng cầu ta, đu đủ, chuối... đủ loại, cũng như những trái thơm ngọt ngào mát lịm đã làm cho chuyến hành hương càng thêm ý nghĩa. Có những cây mít có hàng trăm trái, tôi đã chụp hình. Có những đám ruộng có trâu đang ăn cỏ cùng vài con cò nhởn nha tìm lúa rụng sau mùa gặt, tôi cũng đã cố làm sao chụp hình cho được để nhớ lại một thời cách đây ba bốn chục năm trước, tôi cũng là một chú bé nhà quê, rất quen thuộc với những cảnh ruộng đồng này. Tôi đứng trong ruộng lúa, thơm mùi lúa chín, nghe như quê hương mình gần gũi đâu đây. Nhìn đàn cò trắng sắp hàng thẳng tắp bay về một phương trời vô định, tôi đã nhớ về quê hương và bè bạn rất nhiều.

Tối đó chúng tôi đến một tu viện gần kinh đô, thi lễ với Đại Sư trụ trì, nguyên là vị thầy cũ của Đại Đức Seelawansa. Ngài rất từ bi và mẫn cán. Tại đây tôi được săn sóc tận tình và cũng được các chú sa-di rất tò mò nhìn và cười chứ tuyệt nhiên không nói lời nào cả.

Ngày hôm sau, 7/2/1994, chúng tôi được đưa đi xem cựu kinh đô này. Anuradhapura nằm về phía bắc Colombo, do Thái tử Vijaya thuộc dòng Sinhala thành lập và sau đó vua Pandukabhaya biến thành kinh đô năm 380 trước Tây lịch. Nơi đây có nhiều chùa tháp của Phật giáo Đại Thừa cũng như Tiểu Thừa. Có tượng Đức Phật nhập định rất nổi tiếng, có hồ tắm của chư Tăng và đặc biệt có cây Bồ-đề đã tồn tại gần 2.300 năm lịch sử, do Sư Cô Công Chúa Sanghamitta, con gái vua A Dục và em ruột Thái Tử Mahinda mang đến, và nhánh cây này được chiết từ cành cây mẹ ở cây Bồ-đề nơi Đức Phật thành đạo tại Bồ-đề Đạo Tràng nơi Ấn Độ. Cây Bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng đã bị 2 lần chặt phá và nay vẫn còn, cũng là một cây rất linh thiêng đối với các Phật tử hành hương về xứ Ấn. Ở Tích Lan, cây Bồ-đề tại đây được dân chúng xem như một bảo vật linh thiêng mà thế giới không nơi nào có được.

Chúng tôi đến đó vào lúc 13 giờ trưa, bị đóng cửa và chờ đến 14 giờ mới vào đảnh lễ được. Khi vào đến thánh địa này, tôi đã tụng kinh cầu nguyện cho quê mẹ và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sớm có hòa bình an lạc trong khi truyền đạo giải thoát vô ngã cho dân mình.

Khi lên nơi gốc chánh để lễ bái, tôi đã trông thấy một số người theo Ấn Độ giáo đã cầu đảo cho các cặp vợ chồng tại đây. Quả thật ở đâu cũng vậy, Ấn Độ cũng thế mà Tích Lan cũng không tránh được vấn đề này, bất cứ nơi nào có những thánh địa của Phật Giáo, người theo Ấn Giáo đều tìm cách chen chân vào. Họ lý luận rằng Đức Phật đến từ Ấn Giáo và cũng là một vị thần của Ấn Độ giáo, nên họ nghĩ là Phật Giáo cũng là Ấn Giáo. Chung quanh gốc Bồ-đề này được bao bọc bởi những cây trụ vàng rất kiên cố, sặc sỡ. Những trụ này được dựng vào năm 1966. Gốc cây này đã tồn tại 2.300 năm, nhưng so với gốc cây Bồ-đề tại Ấn Độ đã bị chặt phá 2 lần nhưng vẫn còn nhỏ hơn, có lẽ tại đất Tích Lan không tốt mấy và không được tưới nước thường xuyên nên mới như vậy chăng?

Tại vườn Kỳ Viên nơi thành Xá Vệ cũng có một cây Bồ-đề mang tên là cây Bồ-đề A-nan cũng được chiết từ cây chính tại Bồ-đề Đạo Tràng đem trồng, nhưng so với cây tại Tích Lan cũng còn nhỏ hơn rất nhiều.

Giữa đồng ruộng thanh bình

Ngọn tháp Đại thừa

Tôi đi chầm chậm bên đại tháp và nhặt được 3 lá vàng rơi từ chính gốc cây mẹ có 2.300 năm lịch sử ấy, đem về Đức để tôn thờ chung với lá Sésam trong rừng nơi Đức Phật đã có lần giảng cho các đệ tử khi còn tại thế mà nhân chuyến hành hương Ấn Độ hồi năm 1989 tôi đã nhặt được đem về.

Sau đó chúng tôi đến đảnh lễ ngôi chùa cũ nhất trong một động đá có 2.300 năm lịch sử. Chính Sư Cô Công Chúa Sanghamitta con vua A Dục đã ở đây và Thái Tử Mahinda cũng đã nhiều lần đến đây cầu nguyện.

Đến đó chúng tôi gặp một phái đoàn người Pháp do một người Việt Nam hướng dẫn. Quả cũng lạ đời, tôi không nghĩ là tôi có thể dùng tiếng Việt ở nơi đây, ngoại trừ tiếng Anh và tiếng Đức, nhưng điều đó đã trở thành hiện thực. Nhìn vóc dáng của ông ta cũng độ tuổi lục tuần, lai Pháp, và nói tiếng Việt hơi cứng giọng. Ông ta bảo rằng ông đã ở xứ Pháp lâu năm và hướng dẫn đoàn hành hương về thăm Việt Nam trước khi sang đây.

Nhìn người mà nghĩ đến thân phận mình, xa nước cũng đã 22 năm rồi nhưng chưa có lần nào đặt chân về quê mẹ, ngoại trừ năm 1974 từ Nhật về chỉ được một tháng. Hơn 20 năm xa quê, biết bao nhiêu thương nhớ, nhưng có lẽ vẫn còn cơ hội. Nhìn người Việt Nam tóc bạc lai Pháp vẫn còn có cơ hội để trở lại thăm quê hương sau mấy mươi năm xa cách, thì tôi vẫn còn được một niềm tin vào một ngày nào đó để về thăm cố quốc. Một con chim nhạn lạc đàn vẫn muốn nhập vào đàn cũ để cùng bay, huống chi con người, sao có thể không nhớ quê hương xứ sở? Đúng là một việc đáng buồn. Con thỏ chết còn tự quay đầu về hướng núi, nơi từ đó nó đã ra đi. Con người ít ra cũng phải giống như hoa hướng dương, khi còn sống lúc nào cũng phải hướng về mặt trời; khi chết đi, tuy chưa làm tròn điều nguyện ước nhưng cũng phải nuôi thêm những hạt giống để thế hệ mai sau tiếp tục xoay về hướng mặt trời.

Tôi đã có nhiều lần tiếp chuyện với Sư Cô Aya Khema, một người Đức gốc Do Thái sinh ra tại Đức, lớn lên theo học tại Mỹ và Trung Hoa, đến khi tuổi về già xuất gia học đạo tại Tích Lan, Thái Lan, hành đạo tại Úc Đại Lợi, nhưng đến tuổi xế chiều, người đã về lại Allgau gần Muenchen là quê hương cũ của song thân để tham thiền nhập định và an hưởng tuổi già chờ ngày viên tịch. Quả thật quê hương là cái gì mà ít ai định nghĩa được.

Chiều ngày 7/2/1994, chúng tôi trên đường đi đến kinh đô thứ 2 tên là Polonnaruwa. Từ Anuradhapura đến Polonnaruwa, đường xa chừng 233 cây số nhưng phải mất khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Trên đường về quê của Đại Đức Seelawansa, chúng tôi đã ghé thăm một tượng Phật tại Aukana cao 12 mét, tạc vào thế kỷ 11, bằng một loại đá đẹp nhất Á Châu. Ở đây tôi đã gặp một người Đức già muốn nhận Á Châu làm quê hương tâm linh của ông ta.

Ông ta kể về việc sang thăm Việt Nam và các nước Á Châu rồi nói với tôi:

- Tất cả chúng ta đều cùng nguồn gốc - là con người - không nên phân biệt Âu, Á.

Sau khi tiếp chuyện với ông, chúng tôi lên đường đi về quê hương của Đại Đức Seelawansa. Đại Đức có hoàn cảnh giống hệt tôi, sinh ra từ chốn đồng khô cỏ cháy, lớn lên có duyên lành với Phật Pháp, nên đã vào chùa ở từ năm 11 tuổi và đến nay đã 40 tuổi đời, sau 29 năm tu niệm. Được đi du học sang Áo và khi đến Áo chỉ còn trong túi khoảng 300 Đức Mã.

Sau 11 năm ở Áo, Đại Đức đã làm xong luận án Tiến Sĩ và đang dạy tại Đại Học ở đây mỗi tuần một vài giờ cho các sinh viên học về Phật Giáo cũng như triết học Đông Phương. Tại Wien, Đại Đức cũng có một thiền đường nhỏ hướng dẫn các Phật tử Áo tu thiền. Thỉnh thoảng cũng có một vài Phật tử Việt Nam đến đó để học đạo.

Đi đến đâu Đại Đức không tự xưng mình là Tiến Sĩ và Giáo sư Đại Học tại Wien, mà rất khiêm nhường và giữ đúng khuôn phép của thiền môn, luôn luôn tôn kính các bậc trưởng thượng, chẳng có gì là kiểu cách của một người trí thức như một số người trí thức khác. Ai có tò mò hỏi đến chức vụ hay học vị, Đại Đức chỉ trả lời bằng cách mỉm cười, có tức không theo tinh thần Bát-nhã là xong.

Đại Đức làm mọi chuyện mà mọi người khó tin khi về nhà anh chị, như khi còn là một chú bé. Đại Đức rất hãnh diện về nơi sinh trưởng của mình, mặc dầu đồng quê chẳng có gì cả. Nhưng chính quê hương ấy đã nuôi lớn và dưỡng dục nên bậc nhân tài này. Đại Đức rất ít nói về mình, quả đây cũng là tinh thần vô ngã thực sự của Đạo Phật. Đại Đức có bảo tôi là cũng đừng nên viết tốt hoàn toàn về Tích Lan mà ở đâu cũng có những mặt xấu. Tôi hoàn toàn đồng ý về điều đó. Việt Nam ta vẫn thường có câu:

“Ở đâu cũng có anh hùng,

Ở đâu cũng có kẻ khùng người điên.”

Trong thế giới Ta-bà đầy khổ lụy này làm sao có sự toàn thiện. Thậm chí cái xấu ác có lẽ nhiều hơn, nhưng tôi chủ trương nhìn cái đẹp của con người trước, nên cái xấu chỉ là điều phụ thuộc của vấn đề. Người Nhật khi chỉ những vị tu sĩ tu hành không chơn chánh thường nói câu: “Namagusa bozù” - nghĩa là “người tu thiếu chín chắn”.

Ở Tích Lan cũng có lắm người lợi dụng đạo, lợi dụng chiếc áo tu hành để làm lợi riêng cho mình, nên khi đến xin ở tạm một vài nơi chùa chiền hẳn hoi, các vị Sư trụ trì vẫn có tâm dè dặt. Nhưng khi nghe nói tôi từ Âu Châu đến, có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, đa số đã hoan hỷ gọi mời.

Phải thành thật mà nói, chính phủ Tích Lan đã lo cho dân họ rất nhiều. Bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào cũng có điện và nước. Hầu như nhà nào cũng có tủ lạnh, một số nhà có tivi và vidéo cassette. Dầu là nhà quê đi chăng nữa, ở đâu cũng có nhà vệ sinh riêng, không đi ra đồng bừa bãi như Ấn Độ hoặc miền Trung xứ mình. Thành thị thì ở đâu cũng vậy, nhưng điều ở đây muốn nói là nhà quê mà đầy đủ tiện nghi như thế thì quả là một xã hội lý tưởng.

Dọc theo các quốc lộ đều có những giếng nước. Dân chúng nhà nào không có giếng cứ đến đó lấy nước mang về. Người Tích Lan ít đội đồ trên đầu, mang trên lưng hay gánh nước như mình, mà thường đeo hủ nước bên hông. Hủ nước có hình một cái tĩn nhỏ, có đầu và miệng rất nhỏ để dễ ôm, còn phần thân và đáy tĩn rất lớn, thường hay làm bằng nhôm.

Chỉ có vấn đề vệ sinh là đáng lưu ý vì bụi bặm quá nhiều và người dân có thói quen đụng đâu là xả rác đó. Điều đó tôi không quen làm nên thấy hơi khó chịu. Nếu nhà quê và thành thị đều cải thiện hết các điều kiện này thì quả là tuyệt hảo vô cùng.

Tại Việt Nam, hơn 30 năm về trước, nơi đồng quê tôi ở vẫn chong đèn dầu, chưa có điện nước gì cả. Và bây giờ sau 30 năm với mọi diễn biến bể dâu của lịch sử, không biết Việt Nam có đỡ hơn xưa?

Khi còn nhỏ khoảng 8, 9 tuổi, lúc tôi theo mẹ đi chùa thấy các nhà trong làng mỗi tháng đong một hay hai lon gạo gọi là gạo tiết kiệm để cúng vào quỹ Giáo Hội. Điều ấy thật đẹp biết bao. Vì nhà quê ngoài những thổ sản như gạo, bí, bầu... khó có nguồn thu nhập nào khác có tiền để dâng lên Tam Bảo. Thỉnh thoảng có một số quý Thầy về vùng quê hẻo lánh thuyết pháp và khi các chùa Tỉnh, chùa Tổ có lễ lạt gì, họ gồng gánh bí, bầu về để cúng dường. Những điều ấy nói lên mối đạo tình vô cùng thắm thiết.

Các chùa làng ngày xưa như nơi tôi ở vẫn chưa có Thầy hay Sư Cô trụ trì, nhưng bây giờ thì đã có. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư kêu gọi của một số quý Thầy, Sư Cô tại các nơi này để trùng tu chánh điện hoặc làm nhà giảng v.v... Tôi đã giúp đỡ họ và có lẽ trong vài năm nữa tôi và một số quý Thầy tại quê hương xứ Quảng sẽ vận động xây lại chùa Tổ Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam, cho thực sự xứng danh là chốn Tổ muôn đời. Vì nơi đây đã tạo ra không biết bao nhiêu là bậc danh Tăng, chân Tăng và cao Tăng cho khắp nước. Không chỉ phụng sự cho quê hương xứ Quảng mà cho toàn cõi Việt Nam và xa hơn là nhiều nơi trên thế giới. Các bậc tôn túc trong Hội Đồng Lưỡng Viện Hóa Đạo không ít thì nhiều đều có quan hệ với chốn Tổ Chúc Thánh ngày nay. Người ta bảo chim có tổ người có tông cũng trong ý nghĩa ấy. Nếu người xứ Quảng không đứng ra lo cho xứ Quảng trước thì thử hỏi ai sẽ lo đây? Nói như thế cũng không phải để phân biệt vùng miền Nam Trung Bắc, vì tất cả chúng ta là người Phật tử Việt Nam, nhưng mỗi nơi đều có điểm riêng đặc biệt, hãy duy trì, phát triển và hãnh diện về từng địa phương của mình. Đó cũng là một mỹ tục đáng nên gìn giữ vậy.

Đi đến nhiều nơi tại quê hương của Đại Đức Seelawansa, tôi thấy một số dây nhợ trắng treo khắp đường làng cùng cờ xí cũng màu trắng. Tôi hỏi Đại Đức đó là hiệu lịnh gì. Đại Đức bảo:

- Cờ xí và dấu hiệu ấy là để báo tin cho mọi người biết rằng trong khu vực này có người vừa mất.

Ở đây họ để tang cũng mặc toàn màu trắng, giống hệt Việt Nam mình. Trước huyệt mộ có dựng một huyền môn, có lẽ ghi lại tên tuổi của người chết. Người giàu thì có bia mả đàng hoàng. Kẻ nghèo chỉ có ba tấc đất và thân cát bụi trả về cát bụi. Theo Phật giáo, thân thể con người được cấu tạo bởi bốn chất lớn là đất, nước, lửa, gió, khi chết đi thì bốn phần này cũng trả về với thiên nhiên. Cũng như nước bốc hơi từ biển biến thành mây, tạo thành mưa, mưa chảy ra sông, hồ, ao, biển... lại theo luật tuần hoàn của tạo hóa mà sanh diệt có không. Cuộc đời thật chẳng có gì tồn tại lâu dài cả, đúng như lẽ vô thường của nhà Phật.

Ở miền quê Tích Lan, đàn ông ăn trầu còn đàn bà thì rất hiếm. Ngay cả các vị tăng sĩ cũng hay ăn trầu như người thường vào các buổi chiều rảnh rỗi. Cau, trầu, vôi là ba loại mà các vị lớn tuổi thường để nơi đầu giường, có cả cối giã trầu và ống nhổ như ở Việt Nam ngày xưa. Các vị có bảo tôi ăn thử, nhưng ngại vì không quen nên thôi.

Tắm ở nhà quê cũng đơn giản lắm, chỉ ra giếng múc nước lạnh xối lên mình, chà xà phòng và kỳ cọ là xong, không cầu kỳ như Âu Châu hay Nhật Bản. Khi chưa đi xuất gia, tôi cũng tắm theo cách này. Bây giờ lặp lại thấy vui vui, nhưng có vẻ hơi xa lạ.

Sau một đêm và nửa ngày thăm viếng quê hương của Đại Đức Seelawansa, chúng tôi đã lên đường và các cháu của Đại Đức cũng như người nhà ra đảnh lễ sát chân tôi, làm tôi cảm động vô cùng và nhớ đến gia đình tôi. Ông cụ thân sinh tôi ngày xưa cũng là Phật tử thuần thành, ngay cả thân mẫu tôi cũng vậy. Nếu không có những bậc sanh thành này thì ngày nay đã không có chúng tôi.

Chúng tôi rời nhà của Đại Đức Seelawansa đi vào cung thành Polonnaruwa để xem một số thánh tích Phật Giáo tại đây.

Chốn cố đô này được xây dựng vào thế kỷ thứ 11, rộng đến 5.940 mẫu tây, phải dùng xe hơi mới có thể đi hết được mọi chỗ. Nơi nào cũng có chùa tháp và nền móng của đền đài cung điện cũ. Nếu so với Việt Nam, cố đô Thăng Long cũng được xây dựng vào triều nhà Lý (1010-1222), nhưng chốn Thăng Long ngàn năm văn vật ấy không biết ngày nay có còn lại gì chăng? Hay chỉ còn ngôi chùa Một Cột bé tí teo và những bia đá Tiến Sĩ trong đền thờ Văn Miếu cổ? Có thể do chiến tranh loạn lạc đã phá hủy đi, nhưng cũng có thể do người Việt xưa kia không lưu lại dấu tích lịch sử nào đáng kể, nên chẳng có công trình nào nổi bật cho thế giới chú ý và loài người ngưỡng mộ.

Trong chốn cố cung này đặc biệt có dựng tượng Đức Thích-ca nhập diệt dài 50 mét và tượng Ngài A-nan đứng hầu bên cạnh với vẻ mặt buồn, cao độ 25 mét. Đây là những tượng được khắc sâu vào đá núi thiên nhiên, nên trải qua cả ngàn năm, với phong sương tuế nguyệt nhưng những đường nét điêu khắc vẫn còn sống động và rất tuyệt hảo.

Du khách có thể chụp hình nơi đây, nhưng tuyệt nhiên không được quay lưng vào tượng Phật khi chụp hình. Tất cả đều phải quay mặt vào hoặc quay mặt nghiêng qua chụp mới đúng phép. Những người lính gác tại đây sẽ hướng dẫn cho khách du lịch điều đó. Tất cả mọi người Tích Lan đều hiểu điều đó, từ chú tiểu rất nhỏ hay đứa bé mới biết nói, biết đi, nên không cần sự hướng dẫn như vậy.

Những di tích lịch sử này được Tổ chức UNESCO bảo trì với sự đồng ý của chính phủ Tích Lan, nên nơi đâu cũng có lính canh phòng rất cẩn mật. Những người lính có nhiệm vụ bảo vệ các di tích lịch sử này. Thông thường du khách phải mua vé vào cửa, riêng những vị Sư không phải trả tiền khi vào những chỗ này.

Khi đến bất cứ nơi nào, Đại Đức Seelawansa đều giới thiệu tôi là một vị Thầy bên Phật giáo Đại Thừa. Mọi người có vẻ lạ lùng khi thấy tôi không mặc y vàng như những vị Sư Tích Lan, mà thường chỉ thấy tôi mặc áo màu lam hoặc màu nâu.

Có một hôm, chúng tôi gặp một phái đoàn hành hương người Pháp. Họ cũng hỏi chúng tôi về sự giống nhau và khác nhau giữa 2 tông phái Đại và Tiểu thừa. Thế rồi chúng tôi được họ mời chụp hình chung lưu niệm. Có thể khó có cơ hội để họ được gặp cả 2 trường phái cùng một lúc như thế này. Chữ Tiểu thừa được dịch từ Hinayana, Nguyên thủy là Theravada và Đại thừa là Mahayana. Ngày nay chúng tôi, các Tăng sĩ Đại thừa lẫn Tiểu thừa vẫn gặp nhau thường xuyên trong các cuộc họp trên thế giới, nên ít dùng các danh xưng Tiểu thừa hay Đại thừa mà chỉ gọi là Phật thừa (Buddhayana) mà thôi. Vì tất cả chúng ta đều là con Phật, nên gọi là Phật thừa có thể hay hơn.

Có nhiều lần Đại Hội Phật Giáo trên thế giới có đề nghị những điểm hay như thế này và có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ thực hiện được. Đó là đề nghị rằng tất cả tăng sĩ Nam tông nên ăn chay và tất cả các tăng sĩ bên Bắc tông nên đắp y vàng như thời Phật còn tại thế. Nghĩa là nếu được, trong tương lai tất cả tăng sĩ đều ăn chay để thể hiện tình thương của mình đến với muôn loài và khắp nơi trên thế giới chỉ còn thấy chung một bóng dáng người tăng sĩ dưới chiếc y vàng thì hay biết mấy. Nhưng không biết bao giờ mới thực hiện được điều ấy? Dĩ nhiên, mỗi dân tộc có một phong tục tập quán riêng, nên trong một vài chục năm hay một vài thế kỷ cũng khó mà thay đổi được.

Rời cố đô Polonnaruwa, chúng tôi đến Đồi Sư Tử tại Sigiriya. Đồi này cao 500 thước, do nhà vua Kasyapa xây dựng làm kinh đô từ năm 479 đến 497. Chỉ trong thời gian chưa đến 20 năm, nhà vua đã cho xây dựng không biết bao nhiêu là công trình nghệ thuật.

Tương truyền nhà vua là một họa sĩ nên đã biến một tảng đá lớn thành một hoàng cung. Không biết ngày xưa người ta phải làm thế nào để mang gạch mang đá lên tận trên đỉnh đá cao gần 200 mét ấy. Dẫu ngày nay kỹ thuật xây dựng có tối tân đi chăng nữa cũng khó thực hiện được. Ngày xưa, tất cả đều được điêu khắc bằng tay, nhưng chỉ chưa đến 20 năm mà hoàn thành một cung điện trên đỉnh núi cao như vậy quả là một phép mầu. Khách hành hương phải cực nhọc lắm mới leo lên được chốn hoàng cung ấy. Bây giờ chỉ còn lại ghế đá nơi vua ngồi ngự yến hay lâm triều, cùng một hồ nước trong veo, tuyệt đẹp. Có lẽ ngày xưa các cung tần mỹ nữ đã múa hát tại đây cho vua thưởng ngoạn trong khi tắm gội, nên cảnh trí thật trang nhã. Nếu so sánh đầu óc của người xưa với người đời nay, thật khác xa quá nhiều.

Bên hông phải của tảng đá còn sót lại 4 bức họa màu sắc tươi thắm được chạm vào trong đá, do chính nhà vua thủ họa, nên đã được bảo trì cả đội ngũ lính tráng của chính quyền. Họ không cho chụp hình, vì sợ phai màu sắc đi. Mặc dầu hơn 1.500 năm rồi nhưng nét họa còn tuyệt mỹ lắm. Từ trên đỉnh đá này đi xuống đến chân đồi, ít nhất phải đi chừng 400 bậc thang. Đi xuống rất dễ dàng, nhưng leo lên không phải dễ. Đường lên sự giải thoát chắc còn khó hơn như thế nên rất ít người đi, vì khó khăn chập chùng muôn thuở. Còn đường vào cõi đọa lạc trầm luân không cần cố gắng hành giả cũng dễ lọt vào. Ô hay, đời có nhiều điều đáng nói thay!

Phái đoàn tiếp tục đi đến địa phương Dambulla nằm về miền Trung xứ Tích Lan. Nơi đây là một động đá hoàn toàn có tính cách lịch sử của Phật giáo. Tuy không thu tiền vào cửa và không có lính gác của chính phủ bảo vệ nhưng rất sạch sẽ và trang nghiêm thanh tịnh, nhiệm mầu.

Đây là những tượng Phật được tạc vào trong động đá rất tuyệt mỹ vào thế kỷ thứ nhất dưới triều vua Valagamba trị vì. Gần 2.000 năm rồi nhưng những tôn tượng này tưởng như mới được tạc chừng vài trăm năm. Đây có thể nói là một trong những nơi đẹp nhất của xứ Tích Lan. Các vị Sư và các Phật tử ngày xưa đã thực hiện một công trình mà hậu thế dầu có tài năng đến đâu cũng khó có thể thực hiện được. Cả hàng trăm tượng Phật lớn nhỏ đủ kiểu và nhiều hình thức khác nhau như thuyết pháp, nhập định, nhập diệt, kinh hành v.v... đã được những nghệ nhân thời ấy tạo tác một cách rất tài tình. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài tượng thần của Ấn Độ Giáo chen vào. Chẳng biết vì sao có việc này, nhưng theo nhiều người có kinh nghiệm cho biết rằng, nếu không để Ấn Độ giáo có mặt nơi các thánh tích Phật giáo ấy, họ sẽ tìm cách phá tan tành những di tích lịch sử này. Vì vậy phải để họ hiện diện. Đúng ra Phật giáo quá từ bi. Đâu có bao giờ chúng ta đòi hỏi điều đó nơi họ? Đâu có lúc nào chúng ta đòi hỏi họ phải đặt tượng Đức Phật Thích-ca nơi đền thờ của họ? Thế mà nhiều nơi vẫn có, vì họ quan niệm rằng Phật cũng là một vị Thánh, một vị Bồ Tát trong thánh giáo của họ.

Chúng tôi gặp một số người Đức và người Áo nơi đây, họ chắp tay cung kính chào chúng tôi. Chúng tôi có hỏi họ rằng:

- Chắc quý vị là Phật tử?

Họ nhẹ nhàng trả lời:

- Không! Tuy nhiên, chúng tôi rất có cảm tình với Phật giáo.

Đúng là phép Phật nhiệm mầu. Phật giáo là một chất liệu dưỡng sinh đã làm cho bao nhiêu người được lợi lạc. Cho nên phim “Little Buddha” do nhà đạo diễn Bertoroci người Ý, người đã dựng phim Hoàng Đế Cuối Cùng của Trung Hoa, thực hiện và cho trình chiếu khắp nơi, đã làm cho rất nhiều người Âu Châu đến với Phật Giáo.

Trong nhiều buổi giảng cho người Đức, tôi vẫn hay nói rằng:

- Nếu ngày xưa Đức Phật sinh tại Âu Châu, có lẽ tất cả quý vị đều là Phật tử.

Ai cũng cười lớn, ra ý hiểu lời tôi nói.

- Nhưng chẳng may vì Phật sinh ra tại Ấn Độ nên đến gần 2.500 năm sau, quý vị mới có cơ duyên tìm hiểu. Cũng chẳng muộn màng đâu. Chúng ta phải ví như thế này thì dễ hiểu. Phật Giáo là một cây đại thọ, gồm rễ và gốc mọc tại Á Châu, còn cành và lá cũng như hoa quả ngày nay đang đâm chồi nảy lộc tại Âu, Mỹ. Một cây có lịch sử 2.500 năm mà cành lá chỉ mới vài trăm năm, quả còn rất trẻ, nhưng hy vọng rằng những tinh hoa ấy sẽ đâm chồi nảy lộc nơi đây.

Trước khi phim “Little Buddha” được trình chiếu, báo chí, truyền thanh, truyền hình đã tìm cách phỏng vấn các Phật tử người Đức và báo chí đã loan những tin thuận lợi như sau: “Phật Giáo là một Tôn Giáo của thế kỷ 21.” Tờ Bildzeitung đã đăng tin rất lớn và những hình ảnh trong phim với tựa đề là: “Ngày nay người ta quên đi Đức Chúa đã đóng đinh trên thập tự giá và Âu Châu đang hướng về một đạo tự cứu mình để được giải thoát. Đó là Phật Giáo”.

Đạo diễn là người Ý, ông ta là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành, nhưng ông này tin có luân hồi nhân quả và Phật tính. Nội dung của phim được lược kể như sau:

“Một vị Sư Tây Tạng nghĩ rằng sau khi Sư phụ mình viên tịch, thần thức tái sinh vào nhiều nơi khác nhau, đặc biệt là tái sinh làm con của một gia đình người Mỹ. Ban đầu thì cha mẹ đứa bé chẳng tin luân hồi là gì và chẳng bao giờ hiểu thế nào là kiếp sau. Nhưng người mẹ thấy có vẻ khác lạ nên vẫn để ý đến.

“Lần thứ 2 khi nhà Sư này đến thăm chú bé, có nói chuyện cùng cha mẹ chú về việc tái sanh này một lần nữa. Trước khi vị Sư ra về có tặng cho chú bé một quyển sách về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca và bắt đầu từ đó phim được lồng vào cuộc sống của Đức Phật với sự tái sanh theo thuyết luân hồi của Phật Giáo.

“Người cha vẫn không tin về sự tái sanh và một hôm dẫn con mình đến Tu Viện của Tây Tạng trên xứ Mỹ, vị Sư Tây Tạng đã chứng minh cho người cha thấy rằng sự chết không phải là hết, bằng cách lấy một ly nước đập bể. Sau đó nhà Sư lấy khăn thấm nước dưới đất và vắt thật ráo nước trong khăn còn lại, rồi chỉ cho người cha của chú bé. Đó là sự tái sanh. Nghĩa là cái ly kia có bể, ví cho thân xác này có chết đi, nước kia biến thể cũng như tâm thức của con người trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng bây giờ nước vẫn còn tồn tại dưới một dạng thái khác. Đây là một ví dụ về sự luân hồi và tái sanh.

“Một hôm nọ người cha quyết định đưa chú bé sang Bhutan, một quốc gia Phật Giáo gần xứ Tây Tạng, để chú bé làm quen với các đền đài cung điện và chùa chiền cũ ngày xưa. Đến đây chú bé được gặp một cậu bé và một cô gái địa phương khác cũng là phân thân của vị Thầy cũ của vị Sư kia. Một cuộc giảo nghiệm được đặt ra là 3 người ấy ai là vị Sư đã tái sanh, bằng cách để một hàng 4 cái mũ giống nhau, trong đó có một cái của vị Lạt Ma đã viên tịch. Cả 3 đứa bé đều chọn cùng một cái mũ. Nghĩa là điều đó đã đúng với sự phân thân. Cuối cùng thì phải hỏi ‘cốt’. ‘Cốt’ là một hình thức cầu đảo hơi mang tính mê tín dị đoan, nhưng ai có lần đọc quyển Tự Do Trong Lưu Đày hay Nước Tôi Và Dân Tôi của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ hiểu về việc này. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma khi có những quốc sự khó khăn cũng phải cầu cứu đến ‘cốt’ này.

“Cuối cùng thì ‘cốt’ đã cho biết là cả 3 đều là hóa thân của vị Sư, Sư phụ của vị Sư đang đi tìm sự hóa thân ấy. Khi vị Sư đã làm xong bổn phận của người đệ tử đối với Thầy mình, vị Sư này đã đi đảnh lễ 3 hóa thân kia và chờ ngày phong thánh cho 3 vị ấy, thì vị Sư kia cũng muốn mình trở về với bản lai diện mục của mình và hỏi người cha của đứa bé bên Mỹ rằng: ‘Bây giờ ông đã tin về tái sanh chưa? Bây giờ tôi sẽ trở về Tây Tạng.’ Nói xong, vị Sư nhập thiền định và xả báo thân này một cách an tường.

“Sau khi thiêu xong, cốt của vị Sư kia chia làm 3 phần. Một phần để lại cõi đời, một phần rải vào hư không và một phần chú bé tái sanh mang về Mỹ để rải vào biển cả.”

Đó là cốt chính của câu chuyện, còn lịch sử Đức Phật Thích-ca, chúng ta ai cũng biết. Tuy nhiên nhà đạo diễn là người Âu nên diễn tả những câu chuyện rất thật mà khiến cho người xem trực hiểu được vấn đề. Ví dụ như khi Thái Tử dạo chơi 4 cửa thành về, Thái Tử đăm chiêu lắm lắm, nhất là sau khi đã thấy rõ cảnh sanh, già, bệnh, chết. Theo sách vở chỉ kể vậy thôi, nhưng ở đây nhà đạo diễn đã bộc lộ hết được ý nghĩa của sự chết qua sự thể hiện tâm tư của mình bằng cách làm cho Thái Tử cũng như vua Tịnh Phạn hiểu rõ sự chết là gì, nên đã mang một ít tro tàn của một đám thiêu xác về lại cho phụ thân, trao ngay cho vua cha và nói cho cha biết rằng: “Rồi ra cha và con cũng chỉ còn có thế, thân cát bụi sẽ trả về với cát bụi.” Đúng là luật vô thường và cuối cùng Thái Tử đã vượt cung thành xuất gia tầm đạo.

Đa số câu chuyện đều hợp lý, nhưng cũng có vài điểm vô lý như đạo diễn muốn diễn tả sự chiến thắng ma quân của Đức Phật để thành Phật như thế nào, lại lồng sự hiện diện của 3 đứa trẻ vào đó thật là khó hiểu. Không lẽ khi Phật thành đạo đã có 3 đứa trẻ này, là hóa thân của vị Sư Tây Tạng kia? Lẽ ra phải để câu chuyện của Đức Phật riêng ra đúng là chuyện kể, đừng lồng hình ảnh của 3 đứa bé vào thì cuốn phim này rất tuyệt diệu.

Cuối cùng rồi triết lý Bát-nhã cũng được hiện ra, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị...

Cuốn phim được chấm dứt sau 2 giờ trình chiếu đã làm cho nhiều người Âu Mỹ hiểu rõ về luân hồi sanh tử và về cuộc đời của Đức Phật cách đây 25 thế kỷ.

Đây là một cuốn phim hay so với nhiều cuốn phim Phật giáo khác. Phim đóng rất công phu, tốn kém đến 35 triệu Mỹ kim. Quả không phải là chuyện thường. Chắc chắn phim này sẽ có nhiều giải thưởng như phim trước mà nhà đạo diễn đã cho trình chiếu về cuộc đời của vua Phổ Nghi, vị Hoàng Đế Cuối Cùng của Trung Quốc.

Lâu nay tôi vốn ít đi xem phim, dẫu cho đó là phim Phật giáo. Kể từ khi ở ngoại quốc đến bây giờ tôi đã xem 4 phim có ý nghĩa. Khi còn ở Nhật, độ 20 năm trước, tôi đã xem phim “Kanrin Osho” - nghĩa là: Giám Châu Hòa Thượng - Người đã có công mang Đạo Phật từ Trung Quốc về Nhật Bản. Phim ấy cũng rất công phu, không kém phim “Little Buddha” là mấy.

Phim thứ 2 là phim “Ben Hur” nói về cuộc đời của Đức Chúa. Phim này xem tại Pháp, rất hay, và phim thứ 3 là phim “Gandhi” xem tại Đức và bây giờ phim này là phim thứ 4, tôi đã xem 2 lần: một lần tại Pháp xem phim nói bằng tiếng Anh phụ đề Pháp ngữ và lần thứ 2 xem tại Đức nói bằng tiếng Đức hoàn toàn. Trong hơn 20 năm tôi xem 4 phim tại các nhà chiếu phim của thành phố, quả thật có nhiều ý nghĩa vô cùng.

Bây giờ đang trên đường thiên lý, tôi vẫn còn nhớ và ghi mãi vào lòng, mong rằng sẽ giới thiệu với các độc giả một vài ý hay niệm đẹp để gởi gắm vào lòng mọi người đó đây khi còn có mặt ở nhân thế này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.232.215 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...