Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn »» 8. BỐN TÂM VÔ LƯỢNG »»

Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn
»» 8. BỐN TÂM VÔ LƯỢNG

Donate

(Lượt xem: 7.134)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn - 8. BỐN TÂM VÔ LƯỢNG

Font chữ:


Trong hầu hết các kinh điển Đại thừa, tâm từ bi luôn được nhắc đến như một yếu tố, một phẩm chất quan trọng và căn bản nhất của người tu tập ngay từ khi khởi sự phát tâm Bồ-đề. Từ bi là những yếu tố thuộc về Bốn tâm vô lượng, nhưng thường được nhắc đến nhiều hơn so với hai yếu tố còn lại là hỷ và xả. Hơn nữa, tuy từ và bi rất thường được đồng thời nhắc đến, nhưng tâm từ vẫn được nhắc đến nhiều hơn trong sự tu tập. Ngay cả những phân tích về sự thuyết giảng của đức Phật trong kinh Đại Bát Niết-bàn này cũng cho thấy điều đó không là ngoại lệ.
Mặc dù cả bốn tâm vô lượng này đều được đức Phật thuyết dạy với tầm quan trọng như nhau và thậm chí có khi còn được xem như chỉ là bốn biểu hiện của cùng một tâm, nhưng sự khác biệt giữa các phẩm tính từ, bi, hỷ và xả quả thật có được giảng giải trong rất nhiều kinh điển. Những ý nghĩa này có thể thấy được trong lời Phật dạy sau đây:
“Thiện nam tử! Tâm vô lượng có bốn thể tánh, nếu ai tu hành theo đó thì sanh lên cõi trời Đại phạm. Thiện nam tử! Vì tâm vô lượng này chia thành bốn nhóm nên gọi là bốn.
“Người tu tâm từ có thể dứt trừ tham dục; người tu tâm bi có thể dứt trừ sân hận; người tu tâm hỷ có thể dứt hết những điều không vui; người tu tâm xả có thể giúp chúng sanh [khác] dứt trừ tham dục và sân khuể. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên gọi là bốn, chẳng phải là một, hai hay ba.”
(trang 298, tập III)
Đức Phật cũng giải thích rõ hơn về sự phân biệt bốn tâm vô lượng này:
“Thiện nam tử! Vì chỗ thực hành khác nhau mà nên gọi là bốn. Trong khi thực hành tâm từ thì không có bi, hỷ, xả. Cho nên phải có bốn.”
(trang 300, tập III)
Và trong kinh Đại Bát Niết-bàn này, đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến tâm từ như một phẩm tính tiêu biểu nhất. Nhưng sự tu tập tâm từ trong kinh này được giảng giải từ góc độ Đại thừa, có sự khác biệt rất sâu xa so với cách hiểu thông thường. Chẳng hạn, tâm từ trong kinh này được phân biệt ở hai mức độ khác nhau là từ và đại từ. Đức Phật dạy như sau:
“... ... Rồi lại tiếp tục tu tập thay đổi [tiến bộ] hơn nữa. Đối với những kẻ oán ghét nhiều cũng như ít, cũng như ở mức trung bình, đều bình đẳng mang lại cho họ niềm vui lớn nhất.
“Nếu đối với những kẻ mình oán ghét nhất mà mang đến cho họ niềm vui lớn nhất thì lúc ấy có thể nói là đã thành tựu được tâm từ. Vị Bồ Tát ấy lúc bấy giờ dù đối với cha mẹ hay đối với những kẻ mình oán ghét nhất cũng đều có lòng bình đẳng, chẳng xem là khác biệt nhau.
“Thiện nam tử! Như vậy gọi là tu được tâm từ, không phải là đại từ.”
(trang 302, tập III)
Điều này không khỏi gợi lên sự thắc mắc vì khác biệt với những ý nghĩa thường được giảng giải trong các kinh điển trước đây. Với sự tu tập đã đạt đến mức “đối với những kẻ mình oán ghét nhất mà mang đến cho họ niềm vui lớn nhất” nhưng chỉ xem là “tu được tâm từ, không phải là đại từ” thì quả là không khỏi làm cho người ta phải kinh ngạc. Chính vì thế, Bồ Tát Ca-diếp đã ngay lập tức nêu lên sự thắc mắc và được đức Phật giải đáp rõ ràng như sau: 
Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Vì duyên cớ chi mà Bồ Tát được tâm từ như vậy vẫn chưa được gọi là đại từ?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì sự tu tập [như vậy là] thành tựu một cách khó khăn nên không gọi là đại từ. Vì sao vậy? Đã từ lâu xa trong vô số kiếp quá khứ tích chứa nhiều phiền não, chưa tu pháp lành, cho nên không thể trong một ngày mà điều phục được tâm.”
(trang 302, tập III)
Rõ ràng sự tu tập “thành tựu một cách khó khăn” đó chính là vì dựa trên nền tảng của sự thấy biết phân biệt. Do đó mà người tu tập muốn dứt trừ, phá bỏ những kiến chấp phân biệt từ nhiều đời nhiều kiếp thật không dễ dàng chút nào. Đức Phật dạy:
“Thiện nam tử! Ví như hạt đậu khô cứng, dùi đâm mãi cũng không bám vào được. Phiền não kiên cố, bền chặt cũng như vậy, tuy suốt ngày đêm chú tâm không tán loạn, cũng khó điều phục được.”
(trang 303, tập III)
Người tu tập dựa trên nền tảng của sự thấy biết phân biệt thì ngay từ đầu đã thấy có người thân kẻ oán rồi mới ra công gắng sức để xóa bỏ ranh giới phân biệt đó. Bởi vậy, đã trải qua bao nhiêu kiếp sống huân tập, củng cố cái kiến chấp phân biệt đó thì làm sao có thể trong ngày một ngày hai có thể phá bỏ đi được? Điều này thật hoàn toàn khác với tinh thần tu tập của vị Bồ Tát Đại thừa được Phật dạy như sau:
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở Sơ địa gọi là đại từ. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Kẻ xấu ác nhất gọi là nhất-xiển-đề. Bồ Tát trụ ở Sơ địa trong khi tu tập đại từ, đối với những kẻ nhất-xiển-đề cũng không thấy có gì khác biệt, không thấy lỗi lầm của họ, nên không sanh sân hận. Vì nghĩa ấy nên được gọi là đại từ.” 
(trang 304, tập III)
Vì “không thấy có gì khác biệt” nên không cần phải nhọc công xóa bỏ ranh giới phân biệt giữa những đối tượng khác nhau. Và chính vì thế nên cũng không có gì làm giới hạn tâm lượng của vị Bồ Tát này, do đó mà được gọi là đại từ. Tinh thần vô phân biệt này được đức Phật giảng giải như sau:
“Thiện nam tử! Vì chúng sanh mà trừ bỏ những việc vô ích, đó gọi là đại từ. Mong muốn mang đến cho chúng sanh vô lượng những điều lợi ích, vui vẻ, đó gọi là đại bi. Đối với chúng sanh trong lòng sanh hoan hỷ, đó gọi là đại hỷ. Không có gì để ôm giữ, bảo vệ, đó gọi là đại xả.
“Như không thấy có bản ngã và các tướng pháp, không thấy có thân mình, thấy hết thảy các pháp đều bình đẳng không phân hai, đó gọi là đại xả.”
(trang 304, tập III)
Như vậy, sự tu tập nếu được dựa trên nền tảng của tinh thần vô phân biệt này thì mới có thể đạt đến tâm lượng đại từ.
Có một điều khá đặc biệt trong kinh này là mối quan hệ giữa Bốn tâm vô lượng và Sáu pháp ba-la-mật được đức Phật nhấn mạnh và xác quyết:
“Thiện nam tử! Chỉ Bốn [tâm] vô lượng ấy mới có thể giúp Bồ Tát tăng trưởng đầy đủ sáu pháp ba-la-mật mà thôi, ngoài ra các hạnh tu khác đều không có khả năng ấy.”
(trang 304, tập III)
Tuy vậy, sự tu tập chân chánh của vị Bồ Tát theo tinh thần Đại thừa cũng không hề chê bỏ những pháp tu căn bản, từ thấp lên cao. Đức Phật dạy:
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trước tiên phải đạt được Bốn tâm vô lượng của thế gian, tiếp đó mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sau nữa mới được Bốn tâm vô lượng xuất thế gian.”
(trang 304, tập III)
Đoạn kinh văn này không khỏi làm chúng tôi nhớ đến một lời dạy trong kinh Duy-ma-cật:
“Bồ Tát tùy kỳ trực tâm, tắc năng phát hành. Tùy kỳ phát hành, tắc đắc thâm tâm. Tùy kỳ thâm tâm, tắc ý điều phục.”
(Bồ Tát tùy lòng ngay thẳng mà khởi làm. Tùy chỗ khởi làm mà được lòng sâu vững. Tùy lòng sâu vững mà tâm ý được điều phục.)
Kinh Duy-ma-cật, phẩm Phật quốc
Lòng sâu vững (thâm tâm) ở đây được dùng để chỉ đức tin sâu vững. Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, lời dạy này đã khiến chúng tôi phải băn khoăn thắc mắc trong suốt một thời gian dài. Vì đã tiếp nhận không ít những tri thức của nền văn minh khoa học hiện đại, chúng tôi thuở ấy luôn cho rằng chỉ sau khi tin nhận một điều gì mới nên khởi làm. Những ai chưa có sự tin nhận mà đã làm theo hẳn phải thuộc về hạng người mê tín. Thế nhưng kinh văn ở đây lại dạy rằng phải do nơi chỗ khởi làm rồi sau đó mới có được lòng tin sâu vững! Câu trích dẫn trên trong kinh Đại Bát Niết-bàn cũng mô tả một trình tự mà thuở ấy chúng tôi vẫn cho là “đi ngược”:
“Bồ Tát ma-ha-tát trước tiên phải đạt được Bốn tâm vô lượng của thế gian, tiếp đó mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề...”
Theo cách hiểu của chúng tôi lúc ấy thì lẽ ra việc phát tâm Bồ-đề phải là điều đến trước, rồi sau đó mới bắt đầu mọi tiến trình tu tập!
Vấn đề ở đây là có một khác biệt rất lớn giữa cái mà hầu hết chúng ta gọi là lòng tin với đức tin sâu vững mà kinh văn đề cập. Đức tin này trong một phần trước đã được chúng tôi gọi là đức tin Đại thừa. Lòng tin theo ý nghĩa thông thường có thể sanh khởi sau quá trình quan sát hoặc suy xét từ những điều tai nghe mắt thấy, nhưng đức tin sâu vững thì không thể đạt được theo cách đó mà nhất thiết phải có sự “khởi làm” mới có thể đạt đến. Trường hợp Phật dạy về Bốn tâm vô lượng và sự phát tâm Bồ-đề ở đây cũng vậy. Nếu không có sự tu tập đạt được Bốn tâm vô lượng ở mức độ thế gian thì hành giả chưa thể đủ sức để phát khởi một tâm Bồ-đề kiên cố. Vì thế mà Phật dạy phải tu tập Bốn tâm vô lượng của thế gian rồi mới có thể phát tâm Bồ-đề, rồi tiếp đó mới có thể tu tập Bốn tâm vô lượng xuất thế gian, tức là các đức đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Đức Phật nói rõ hơn về trình tự tu tiến này như sau:
“Thiện nam tử! Nhân chỗ vô lượng của thế gian mà được chỗ vô lượng xuất thế gian. Vì nghĩa ấy, nên gọi là đại vô lượng.”
(trang 304, tập III)
Về công năng của sự tu tập tâm từ, ngoài những sự dứt trừ tham dục, sân hận... như đã nói trên, đức Phật còn nhấn mạnh:
“Lại nữa, thiện nam tử! Bốn tâm vô lượng của Bồ Tát ma-ha-tát có thể làm căn bản cho hết thảy các điều lành.”
(trang 307, tập III)
Vì là “căn bản cho hết thảy các điều lành” nên cũng có thể hiểu rằng đây là điều kiện để sanh khởi mọi pháp lành. Hay nói theo một cách khác, người chưa tu tập được Bốn tâm vô lượng này thì xem như chưa thể sanh khởi được bất cứ pháp lành nào khác. Đức Phật đã nêu ra rất nhiều ý nghĩa để làm rõ hơn cho lời dạy trên, chẳng hạn:
“Nếu chẳng phát sanh lòng từ, ắt không khởi tâm rộng rãi bố thí.” 
(trang 307, tập III)
Và không chỉ là sự khởi tâm bố thí, mà còn là tất cả những pháp lành khác, như lời Phật dạy sau đây:
“Thiện nam tử! Căn lành của hết thảy Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát cho đến chư Ph���t Như Lai đều lấy đức từ làm căn bản. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tu tập tâm từ có thể sanh ra vô lượng căn lành như vậy. Đó là nói các pháp quán bất tịnh, quán hơi thở ra vào, quán sanh diệt vô thường, Bốn niệm xứ, Bảy phương tiện, Ba quán xứ, Mười hai nhân duyên những phép quán về vô ngã, Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp, Kiến đạo, Tu đạo, Bốn chánh cần, Bốn như ý, các căn, các lực, Bảy phần Bồ-đề, Tám phần thánh đạo, Bốn thiền, Bốn vô lượng tâm, Tám giải thoát, Tám thắng xứ, Mười nhất thiết nhập, các pháp Tam-muội Không, Vô tướng, Vô nguyện, Vô tranh, Tha tâm trí cùng các thần thông, Tri bản tế trí, Thanh văn trí, Duyên giác trí, Bồ Tát trí và Phật trí.
“Thiện nam tử! Các pháp như vậy đều lấy đức từ làm căn bản. Thiện nam tử, vì nghĩa ấy nên đức từ là chân thật, chẳng phải hư dối. Như có người hỏi rằng: Điều gì là căn bản của tất cả những điều lành? Nên đáp: Chính là đức từ.”
(trang 319-320, tập III)
Chính vì những ý nghĩa quan trọng như vậy nên sự tu tập tâm từ chính là nền tảng để đạt đến sự giải thoát rốt ráo. Phật dạy:
“Thiện nam tử! Đức từ chính là cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật. Cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật chính là đức từ vậy. Nên biết rằng đức từ tức là Như Lai.”
(trang 321, tập III)
Và ý nghĩa trên tiếp tục được giảng giải rõ hơn đến mức giúp chúng ta thấy được rằng ngoài chư Phật ra thì không ai có thể được xem là đã tu tập thành tựu viên mãn đức đại từ. Phật dạy:
“Thiện nam tử! Đức từ là tánh Phật của chúng sanh. Tánh Phật ấy từ lâu bị phiền não ngăn che, nên khiến cho chúng sanh không thể thấy được. Tánh Phật tức là đức từ. Đức từ tức là Như Lai.”
(trang 321, tập III)
Ý nghĩa tu tập tâm từ là quan trọng và lớn lao như vậy, nên sự tu tập thành tựu tâm từ chắc chắn sẽ có được những năng lực không thể nghĩ bàn. Đức Phật dạy:
“Thiện nam tử! Ta dạy rằng đức từ này có vô lượng môn, ấy là nói thần thông.”
(trang 325, tập III)
Trong suốt phần cuối quyển 25 và đầu quyển 26, đức Phật đã kể lại rất nhiều các trường hợp mà đức đại từ của chính ngài đã cảm hóa vô số chúng sanh. Câu chuyện đầu tiên trong số đó là chuyện đức Phật hàng phục con voi say Hộ Tài.
Thuở ấy, vua A-xà-thế vì nghe lời xúi giục của Đề-bà-đạt-đa nên thả con voi Hộ Tài đang say rượu điên cuồng ra, muốn làm hại Phật. Sau đây là đoạn kinh văn thuật lại lời đức Phật mô tả quang cảnh lúc đó:
“Lúc bấy giờ con voi ấy đạp chết rất nhiều người. Người chết rồi lại có mùi máu tanh xông lên rất nhiều. Voi ngửi thấy mùi máu tanh lại thêm cuồng say, nhìn thấy những người theo hầu bên ta mặc áo màu đỏ nên ngỡ là máu liền chạy nhanh đến. Trong các đệ tử của ta, những người chưa lìa hẳn được lòng dục thảy đều sợ hãi bỏ chạy tứ tán, chỉ còn duy nhất có A-nan thôi.” 
(trang 325, tập III)
Khi ấy, tất cả mọi người trong thành Vương Xá đều kinh hoàng khiếp sợ và đau buồn than khóc vì thấy đức Như Lai sắp sửa bị hại, nhưng Phật vẫn thản nhiên và sử dụng uy lực của tâm từ để khuất phục con voi say điên cuồng hiếu sát này. Đức Phật kể lại:
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ ta vì muốn hàng phục con voi Hộ Tài nên liền nhập định khởi tâm từ, duỗi tay ra chỉ vào nó. Tức thời, từ nơi năm đầu ngón tay của ta hiện ra năm con sư tử. Voi ấy thấy vậy lấy làm hoảng sợ đến nỗi đại tiểu tiện ngay nơi đó, rồi nằm phục xuống, cúi đầu sát đất lễ kính dưới chân ta.”
(trang 326, tập III)
Mặc dầu vậy, đối với sự kiện hy hữu này, đức Phật dạy:
“Thiện nam tử! Lúc ấy ở năm đầu ngón tay của ta thật không hề có sư tử. Chính là do sức căn lành tu từ của ta khiến cho con voi ấy phải chịu điều phục.”
(trang 326, tập III)
Uy lực của tâm từ là như vậy. Những gì đức Phật kể lại trong câu chuyện này và nhiều câu chuyện tiếp theo sau đó đều là không thể nghĩ bàn, bởi tâm đại từ của đức Thế Tôn là không thể nghĩ bàn. Những câu chuyện được kể lại ở đây đều là những hình ảnh minh họa cho năng lực đại từ của đức Thế Tôn, nên theo ý nghĩa được giảng giải trong kinh văn thì điều tất nhiên là những trường hợp hiển lộ uy lực của tâm từ đến mức độ này hoàn toàn không thể có ở hàng Thanh văn, Duyên giác, và càng không thể có được ở những người tu tập chưa có sự chứng đắc. Tuy nhiên, ở mức độ rất thông thường thì chỉ cần chúng ta chiêm nghiệm ngay trong đời sống hằng ngày cũng có thể thấy được những trường hợp cụ thể mà tâm từ biểu lộ rõ năng lực chuyển hóa tự thân cũng như tác động tích cực đến mọi người chung quanh. Bất cứ ai đã từng có cơ hội gần gũi hoặc tiếp xúc với các bậc thầy lớn đều có thể xác nhận điều này. Chúng ta dễ dàng cảm nhận được từ các ngài một nguồn năng lượng từ hòa, giúp ta luôn cảm thấy an ổn hơn, khoan khoái hơn trong những giờ phút được ở cạnh các ngài. Nhất là trẻ em luôn tỏ ra đặc biệt nhạy bén trong sự cảm nhận này. Chỉ cần chúng ta tiếp xúc với các em bằng một tâm từ hòa, chắc chắn các em sẽ cảm nhận được ngay và có những biểu hiện đáp ứng thích hợp. Vì thế, người tu tập tâm từ luôn có thể quan sát những biểu hiện của người chung quanh khi tiếp xúc với mình để biết được mức độ tiến triển trong sự tu tập.
Ý nghĩa của những câu chuyện về đức đại từ của Phật được trình bày trong phần này là nhằm củng cố đức tin của người tu tập, để chúng ta có thể tin chắc vào năng lực chuyển hóa phi thường của tâm từ, vì có tin chắc như thế thì sự tu tập của chúng ta mới có thể đạt được kết quả. Vì đối tượng của kinh này là những người chưa đạt đến tâm từ của Như Lai nên đức Phật mới nhọc công giảng thuyết để khuyến khích mọi người tu tập. Vì thế, việc sanh khởi lòng tin đối với những lời thuyết giảng này của đức Phật đã có thể xem là một sự thành tựu ban đầu, giúp hành giả có thể tiếp tục dấn bước trên con đường tu tập một cách tự tin và hiệu quả.
Điều tất nhiên là cũng có người không thể sanh khởi lòng tin qua những câu chuyện này. Đó là một thiệt thòi rất lớn trong sự tu tập của họ, vì họ đã từ chối không tiếp nhận sức mạnh của niềm tin mà đức Phật muốn trao truyền qua những câu chuyện này. Vì không sanh khởi  được lòng tin, họ thường suy diễn để đưa ra những cách giải thích mà họ cho là “hợp lý” hơn về những chuyện được kể lại trong kinh.   [1] Than ôi! Nhưng nếu mọi sự việc trong đời đều diễn ra “hợp lý” theo cách suy nghĩ của họ thì đâu cần đến chư Phật ra đời! Vì thế, chúng tôi từng nói rằng những ai chỉ dừng lại trong thế giới duy lý sẽ không thể tiếp nhận kinh này. Và điều này xét đến cùng hẳn cũng là do mối nhân duyên giữa họ với giáo pháp Đại thừa chưa đủ sâu vững. 
Bốn tâm vô lượng nói chung và tâm từ nói riêng là một trong những phần giáo pháp được trình bày chuyên biệt thành một nội dung lớn trong kinh này, từ giữa quyển 25 kéo dài đến hơn nửa quyển 26. Ngoài ra, đức Phật cũng thường xuyên nhắc lại về tâm từ trong nhiều phần thuyết giảng khác. Chẳng hạn, đức Phật nhắc lại về sự phân biệt giữa tâm từ và tâm đại từ trong đoạn kinh văn sau và gọi đó là tâm từ của phàm phu và tâm từ của Bồ Tát:
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn buông xả tâm từ và đạt được tâm từ. Khi đạt được tâm từ, không phải do nhân duyên.
“Thế nào là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Thiện nam tử! Tâm từ của phàm phu thuộc về Thế đế, Đại Bồ Tát buông xả tâm từ đó, đạt được tâm từ thuộc về Đệ nhất nghĩa.”
(trang 585, tập IV)
Ở những nơi khác, đức Phật nhắc lại tiền thân của chính ngài đã tu tập tâm từ một cách kiên trì như thế nào:
“Thuở ấy, vị Chuyển luân vương sau khi thấy thái tử của mình thành Phật Bích-chi, oai nghi sáng rỡ, thần thông ít có, liền thản nhiên từ bỏ ngôi vua như người ta nhổ bãi nước bọt, đến xuất gia giữa rừng cây sa-la này. Trong suốt tám vạn năm ngài tu tập tâm từ. Rồi đối với các tâm bi, tâm hỷ và tâm xả, ngài cũng tu tập mỗi tâm trong suốt tám vạn năm như vậy.”
(trang 512, tập V)
“Vua Thiện Kiến liền cùng với một người hầu đến ở tòa nhà ấy, trải qua suốt tám mươi bốn ngàn năm tu tập tâm từ. Nhờ nhân duyên của đức từ ấy mà về sau ngài được liên tiếp làm Chuyển Luân Thánh vương trong tám mươi bốn ngàn đời; lại làm Thích-đề-hoàn-nhân trong ba mươi đời; và làm tiểu vương trong vô số kiếp.”
(trang 397, tập VI)
Những trích dẫn trên và tất cả những lời dạy của đức Phật về tâm từ trong kinh Đại Bát Niết-bàn này cho thấy tầm quan trọng rất lớn của việc tu tập tâm từ. Hơn thế nữa, chúng ta cần chú ý rằng tâm từ ở đây được đức Phật thuyết giảng theo ý nghĩa giáo pháp Đại thừa, được tu tập trên nền tảng của một nhận thức chân thật rốt ráo không phân biệt. Và chính sự tu tập tâm từ theo cách chân chánh như thế mới là nền tảng của tất cả mọi điều lành, và sự thành tựu tâm từ đó cũng chính là cảnh giới giải thoát rốt ráo của chư Phật. 

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Đức Phật và chúng đệ tử


Báo đáp công ơn cha mẹ


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.146.178.81 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...