Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vào thiền »» Thực tại tối thượng »»

Vào thiền
»» Thực tại tối thượng

Donate

(Lượt xem: 4.750)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Vào thiền - Thực tại tối thượng

Font chữ:


Hòa thượng Thủ Sơn Tỉnh Niệm (926 - 992) một hôm cầm cây gậy tre đưa lên trước đồ chúng nói rằng: “Gọi là gậy tre tức là khẳng định, nói không phải gậy tre tức là phủ định. Không khẳng định cũng không phủ định, gọi nó là gì? Nói mau, nói mau!”

Một trong các môn đồ bước ra phía trước, giật lấy cây gậy tre, bẻ gãy làm đôi rồi hỏi lớn: “Đây là cái gì?”

Với những ai đã quen với ý niệm trừu tượng và những lý luận cao vời, câu chuyện này có vẻ như thật tầm thường, nhạt nhẽo và còn có chút buồn cười nữa. Tại sao những người dám bỏ cả cuộc đời để đi tìm chân lý của đời sống lại phải quan tâm đến một vật nhỏ nhặt như cây gậy tre, đến việc gọi nó là cây gậy hay không phải cây gậy?... Nhưng với những ai đang thực sự đứng trước ngưỡng cửa vào thiền, đây là một câu chuyện hàm chứa đầy ý nghĩa.

Nếu ai có thể đặt mình vào vị trí của hòa thượng Thủ Sơn khi đưa ra câu nói trên và nhận được tâm trạng của ngài khi đặt ra vấn đề, có thể xem là người ấy đã đặt được bước chân đầu tiên vào cửa thiền. Không ít thiền sư sau này đã theo chân hòa thượng Thủ Sơn và đặt ra những tình huống tương tự cho người tham học, khi sự khẳng định và phủ định đều không được chấp nhận.

Nếu phải tìm một cách diễn đạt dễ hiểu hơn để nói về việc này, có thể nói đây là một nỗ lực để vượt lên trên phạm trù đối đãi giữa khẳng định và phủ định. Thông thường, chúng ta không vượt qua được phạm trù đối đãi này, chỉ đơn giản là vì ta vẫn tưởng rằng điều đó không thể được. Những khuôn khổ lý luận cứng nhắc trói buộc chúng ta đến nỗi ta không bao giờ nghĩ đến việc thoát ra khỏi đó. Tâm thức của chúng ta hoạt động dưới một sự kiềm chế nghiêm nhặt của những nguyên tắc lý luận trong phạm trù đối đãi, và chúng ta không hề nhận ra để có thể nghĩ đến việc vượt thoát khỏi đó. Nhưng trong thực tế, nếu không thoát ra khỏi những phạm trù đối đãi giữa có và không, đúng và sai, khẳng định và phủ định... chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến một trạng thái tự do, an ổn trong tâm thức.

Ngay cả khi chúng ta nhận ra và nỗ lực để thoát khỏi, chúng ta cũng có thể không tin được rằng điều đó thật ra không quá khó khăn; rằng chúng ta có thể đạt đến một trạng thái vượt trên sự khẳng định và phủ định, khi mà cả hai không còn có sự phân biệt đối kháng nhau. Chính thiền nhắm đến việc giúp ta nhận ra và làm được điều này, bằng vào cây gậy trúc tầm thường trong tay một thiền sư.

Cây gậy trúc tầm thường là một trong vô số sự vật quanh ta, vô số sự vật đang tồn tại trong thế giới phân biệt chia chẻ này. Ngay trong cây gậy này, ta nhìn thấy sự hiện hữu của vô số sự vật, và cũng tìm thấy sự tập trung tất cả những kinh nghiệm đã qua của chúng ta về sự hiện hữu. Khi ta hiểu được điều này, ta hiểu được tất cả theo một cách toàn diện nhất. Khi cây gậy trúc được đưa ra, thiền trực nhận sự hiện hữu của nó trong thực tại. Chỉ có thế, và ngay khi đưa ra một phát biểu về sự trực nhận ấy, chúng ta liền đi chệch hướng và không còn có sự hiện hữu của thiền.

Chúng ta đã nói về tính chất “phi lý” của thiền, và do đó ta thấy rõ thiền chống lại cách suy diễn theo những khuôn khổ lý luận đã áp đặt. Nhưng mục đích nhắm đến của thiền không phải là sự vô lý, mà là nhằm chỉ rõ tính chất giới hạn của những gì gọi là “hợp lý”, để rồi từ đó vượt lên trên sự khẳng định và phủ định thông thường. Phạm vi đối đãi của sự khẳng định và phủ định là những gì hoàn toàn bình thường trong cuộc sống của chúng ta, nhưng một khi vấn đề cốt lõi trọng đại của đời sống được nêu lên, khả năng suy diễn của lý trí trong phạm vi đối đãi sẽ hoàn toàn thất bại trong việc đưa ra câu trả lời tối hậu.

Khi đưa ra sự khẳng định, chúng ta tự giới hạn chính mình. Khi đưa ra sự phủ định, ta loại trừ đối tượng. Và xét cho cùng thì sự giới hạn và sự loại trừ đều giết chết tâm thức, bởi vì sự tồn tại của tâm thức chính là nằm trong trạng thái hoàn toàn tự do và hòa hợp.

Trong sự giới hạn không thể có tự do, và sự loại trừ chính là nảy sinh từ trạng thái không hòa hợp. Thiền nhận rõ được điều này, và vì thế mà song song với một đời sống nội tâm luôn được đề cao, thiền cũng đưa chúng ta đến với một thực tại hòa hợp tuyệt đối không còn có bất kỳ một sự đối kháng nào.

Điều cần nhớ là, cho dù vượt lên trên phạm trù đối đãi của sự khẳng định và phủ định, nhưng chúng ta vẫn luôn sống trong sự khẳng định, bởi vì bản thân đời sống đã là một sự khẳng định. Khác biệt ở đây là, sự khẳng định này không kèm theo hay đạt được nhờ vào bất cứ sự phủ định nào.

Không chỉ là một cây gậy trúc, mà bất cứ vật thể hiện hữu nào cũng đều có thể là nguồn khơi mở thực tại. Thiền không nhắm đến chỗ hư vô, vì như ta có thể thấy rõ, cây gậy trúc của thiền hay bất cứ vật thể tương tự nào khác đều không thể loại bỏ hoàn toàn như ta có thể làm với ngôn ngữ hay lý luận. Đây là điều quan trọng không thể bỏ qua khi bước vào thiền.

Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (德山宣鑒 780 - 865) khi thượng đường dạy chúng thường đưa cây gậy ra và bảo: “Nói được đánh 30 gậy, nói không được cũng đánh 30 gậy.” (道得三十棒, 道不得三十棒 - Đạo đắc tam thập bổng, đạo bất đắc tam thập bổng.)

Cây gậy của Đức Sơn đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ trong thiền môn, được ngài dùng để giáo hóa đồ chúng mà không dùng đến kinh văn giáo thuyết. Trong tinh thần này, thiền học được truyền dạy không thông qua những bài giảng luận khô khan hay trừu tượng, không có những phân tích chia chẻ siêu hình... Điều này có thể là hoàn toàn khó tiếp nhận với những môn đồ bị trói chặt vào giáo điển, và hình ảnh thiền sư có vẻ như không một chút nào thanh thoát, siêu việt. Nhưng với những ai đang dằn vặt trong tâm trạng đối mặt với thực tại như nó vốn có và nỗ lực để trực nhận không thông qua bất cứ hình thức diễn dịch nào, đây lại là những gợi mở thẳng tắt và mạnh mẽ thường mang lại hiệu quả rất bất ngờ. Ánh sáng nội tâm sẽ bừng lên dưới cơn mưa rào 30 gậy. Thực tại cuối cùng phải được hiển lộ ngay từ những xung đột nảy lửa trong bản thân đời sống.

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (五祖弘忍 602 - 675) dạy đồ chúng: “Trên đường đi gặp người hiểu đạo, chớ nên lấy chỗ lời nói hay im lặng mà đối đãi. Thử nói xem, lấy gì mà đối đãi?” (路逢達道人, 不將語默對。且道將甚麼對。- Lộ phùng đạt đạo nhân, bất tương ngữ mặc đối. Thả đạo tương thậm ma đối?)

Thiền sư Vô Môn trong tập Vô Môn Quan có bài tụng về việc này như sau:

Trên đường nếu gặp người hiểu đạo,
Chẳng nói, chẳng im, chẳng giải bày.
Vung tay đấm mạnh vào giữa mặt,
Chỗ này hiểu được liền hiểu ngay.

路逢達道人
不將語默對 
攔腮劈面拳
直下會便會

Lộ phùng đạt đạo nhân,
Bất tương ngữ mặc đối.
Lan tai phách diện quyền,
Trực hạ hội tiện hội.

Vấn đề nêu lên ở đây là trực nhận thực tại cuối cùng ở ngay trước mắt. Không chỉ đơn thuần là sự lẫn tránh các phạm trù khẳng định hay phủ định, mà là khai mở một hướng tích cực để hoàn toàn dung hòa cả hai cực của sự đối kháng.

Những vấn đề của thiền đặt ra hoàn toàn không mang tính bí ẩn nhằm đẩy chúng ta vào sự bối rối, lúng túng như một kiểu câu đố hiểm hóc. Không có sự đùa cợt ở đây, mà là vấn đề hoàn toàn nghiêm túc. Nếu ta thất bại trong việc giải quyết vấn đề, ta sẽ phải nhận lãnh những hậu quả tất yếu theo sau. Hoặc là chịu sự trói buộc muôn đời trong lớp vỏ của những lý luận khô cứng do chính ta tạo ra, hoặc là hoàn toàn tự do trong sự trực nhận một thực tại tối thượng vượt trên phạm trù đối đãi của thế giới nhị nguyên. Không thể có sự chần chừ. Hoặc là nắm bắt được ngay, hoặc là để trượt ra khỏi tầm tay mãi mãi.

Bạn không còn sự lựa chọn nào khác. Phương thức khơi mở của thiền chính là đẩy chúng ta vào một tình huống buộc phải nỗ lực để thoát ra, nhưng không thể bằng vào óc tư duy lý luận, mà phải bằng vào một tâm thức mở rộng, khai phóng.

Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (藥山惟儼 751 - 834) trước tiên đến tham học với thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷 695 - 785), một hôm thưa hỏi rằng: “Đối với ba thừa mười hai phần giáo, con còn có chỗ hiểu. Như chỗ chỉ dạy của Thiền tông phương Nam là ‘chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật’, con thật hoàn toàn không hiểu nổi. Nếu quả có thế, con làm sao để được tỏ ngộ?”

Thiền sư Thạch Đầu đáp: “Chẳng có chỗ khẳng định, cũng chẳng có chỗ phủ định. Khi khẳng định phủ định đều không được, ngươi nói thế nào?” Dược Sơn không hiểu. Thiền sư Thạch Đầu liền bảo ngài tìm đến thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất.

Khi câu hỏi trên được đặt ra với Mã Tổ, ngài nói: “Ta có khi dạy người nhướng mày, chớp mắt; lại có khi dạy người làm thế là sai.” Dược Sơn ngay câu này hiểu ra, liền lễ bái. Mã Tổ hỏi: “Ngươi hiểu được gì mà lễ bái?” Dược Sơn đáp: “Khi con ở chỗ ngài Thạch Đầu, như con muỗi chích con trâu sắt.” Chỗ khẳng định của ngài Dược Sơn lúc này thật kỳ lạ biết bao!

Hòa thượng Hương Nghiêm dạy chúng rằng: “Có người trên cây cao, miệng cắn vào cành, tay chẳng bám vào cây, thân hình treo lơ lửng. Dưới đất có người đến hỏi chỗ tinh yếu của thiền. Không đáp thì phụ người hỏi, mở miệng đáp thì táng thân mất mạng. Ngay khi ấy biết làm thế nào?”

Tình huống hư cấu này thật ra cũng có ý nghĩa tương tự như những chuyện đã dẫn trên. Ngay khi muốn đưa ra một phát biểu khẳng định hay phủ định, mục tiêu liền trượt mất và không còn có sự hiện hữu của thiền. Nhưng sự im lặng cũng không giải quyết được vấn đề. Gỗ đá cây cỏ đều im lặng nhưng chúng không hiểu gì về thiền. Nhất thiết phải có một trạng thái nào đó được nhắm đến khi sự im lặng và biện luận đều tương tự như nhau, khi sự phủ định và khẳng định đều hòa hợp trong một trạng thái vượt trên cả sự khẳng định - nếu có thể tạm gọi như thế. Và khi đạt được trạng thái này, chúng ta mới hiểu được thiền là gì.

Cái gọi là “vượt trên sự khẳng định” có thể được thể hiện như thế nào? Khi tổ Bách Trượng Hoài Hải (720 - 814) muốn chọn người đến chủ trì ở ngọn Quy Sơn, ngài gọi hai đệ tử nổi bật nhất của mình là thiền sư Hoa Lâm và thiền sư Linh Hựu đến rồi chỉ vào bình nước và nói: “Không được gọi là cái bình, gọi nó là gì?” Thiền sư Hoa Lâm bước ra thưa: “Không thể gọi là khúc cây.” Tổ Bách Trượng quay sang hỏi thiền sư Linh Hựu, ngài bước tới đá đổ nhào cái bình rồi bỏ đi. Tổ Bách Trượng nhân đó chọn ngài đến ở núi Quy Sơn, về sau giáo hóa đồ chúng lên đến hơn 1.500 người, trở thành sơ tổ của tông Quy Ngưỡng.

Hành động đá đổ cái bình mà đi phải chăng là vượt trên sự khẳng định? Ai cũng có thể lập lại hành động này, nhưng điều đó lại chẳng liên quan gì đến thiền. Thiền chê bỏ bất cứ sự lập lại hay bắt chước nào, vì điều đó giết chết sự sáng tạo. Tương tự như thế, thiền không bao giờ đưa ra sự giải thích mà chỉ xác nhận sự việc. Đời sống là thực tại và không cần đến bất cứ sự giải thích nào. Chỉ cần thực sự đến với đời sống đã là quá đủ. Ngay ở chỗ này, thiền được hiển lộ với tất cả sự tinh luyện và thô tháo của nó.

Ở thiền viện của ngài Nam Tuyền, một hôm tăng chúng ở nhà Đông và nhà Tây tranh nhau một con mèo. Ngài Nam Tuyền bắt gặp, liền nắm lấy con mèo giơ lên rồi bảo mọi người: “Nói được thì cứu lấy con mèo, không nói được thì sẽ chém.” (道得即救取貓兒。道不得即斬卻也。- Đạo đắc tức cứu thủ miêu nhi, đạo bất đắc tức trảm khước dã.) Trong chúng không ai nói được, ngài liền chém con mèo.

Sau đó, thiền sư Triệu Châu từ bên ngoài trở về, ngài Nam Tuyền đem việc đã qua kể lại cho nghe. Triệu Châu liền cởi dép để lên đầu mà đi ra. Ngài Nam Tuyền nói: “Nếu lúc ấy có ông thì đã cứu được con mèo rồi.”

Sự việc trên mang ý nghĩa gì? Vì sao con mèo vô tội phải hy sinh? Liệu việc Triệu Châu đội dép lên đầu có liên quan gì đến chuyện tranh chấp giữa tăng chúng hai nhà Đông, Tây? Ngài Nam Tuyền một dao cắt đứt vĩnh viễn đầu mối tranh chấp vô nghĩa giữa tăng chúng hai nhà Đông, Tây. Triệu Châu không nói một lời chỉ lẳng lặng làm một việc trái ngược với hết thảy mọi khuôn thước lề thói thông thường. Hành động của cả hai vị đều có chút gì đó nghiêm túc đến mức đáng sợ! Và nếu chỗ này còn chưa hiểu được thì toàn bộ sự việc chẳng khác nào một vở kịch không hơn không kém. Điều chắc chắn ở đây là con mèo kia không thể vô cớ mà chết, và nếu như hết thảy hàm linh đều có thể đạt đến quả vị Phật thì con vật nhỏ bé này chắc chắn cũng đã có phần.

Câu chuyện thiền sư Nam Tuyền chém mèo là một trong những chuyện gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với người học thiền. Không ít người đối mặt với chuyện này như một màn sương mù dày đặc không sao nhìn thấu để hiểu được ý nghĩa sự việc. Và nếu không phải uy phong thiền đức của một vị đại thiền sư như Nam Tuyền, hẳn sẽ có không ít người phải hoài nghi về tính khơi mở giáo hóa của câu chuyện.

Ngài Nam Tuyền mắt sáng như sao, hành động như sấm sét, cũng không tránh khỏi một lời hối tiếc khi thấy Triệu Châu đội dép lên đầu! Thử nghĩ xem, trong chuyện này việc chém mèo là vì tăng chúng hai nhà Đông, Tây hay vì Triệu Châu? Nếu vì tăng chúng, trong chúng không có người hiểu được, khác nào như mũi tên bắn vào hư không? Tuy nhiên, cũng đã không còn con mèo để hai phía tranh nhau. Nếu vì Triệu Châu, rõ ràng Triệu Châu tự biết đường đi. Nhưng cũng không hẳn là thế. Thiền sư Vô Môn khi đưa chuyện này vào bài thứ 14 trong tập Vô Môn Quan cũng đã nhấn mạnh đến hành động của ngài Triệu Châu khi đưa ra lời bình tụng như sau:

“Thử nói xem, Triệu Châu đội dép cỏ là ý thế nào? Nếu ở chỗ này mà hạ được một câu chuyển ngữ, liền thấy Nam Tuyền truyền lệnh không uổng. Bằng như chưa thì thật nguy hiểm. (且道, 趙州頂草鞋意作麼生。若向 者裏下得一轉語, 便見南泉令不虛行。其或未然險。- Thả đạo, Triệu Châu đinh thảo hài ý tác ma sanh? Nhược hướng giả lý hạ đắc nhất chuyển ngữ, tiện kiến Nam Tuyền lệnh bất hư hành. Kỳ hoặc vị nhiên hiểm.)

Nếu có Triệu Châu,
Đảo ngược lệnh truyền.
Đoạt mất con dao,
Nam Tuyền xin mạng.

趙州若在
倒行此令
奪卻刀子 
南泉乞命 

Triệu Châu nhược tại,
Đảo hành thử lệnh.
Đoạt khước đao tử,
Nam Tuyền khất mệnh.

Rõ ràng cũng không thể nói Triệu Châu vô sự trong chuyện này. Nhưng muốn hiểu chỗ quan hệ giữa Triệu Châu, Nam Tuyền với bản thân mình, nhất thiết phải tìm được một chỗ đứng xem thích hợp.

Một vị tăng hỏi thiền sư Triệu Châu: “Vạn pháp quy về một, một quy về đâu?” (萬法歸一, 一歸何所- Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà sở?)

Thiền sư đáp: “Lão tăng khi ở Thanh Châu may được một tấm y nặng bảy cân.” (老僧在青州作得一領布衫重七斤。- Lão tăng tại Thanh Châu tác đắc nhất lĩnh bố sam trọng thất cân.)

Thật không khỏi khiến cho nhiều người hoang mang! Với những bộ óc suy luận thì khó lòng có được một manh mối nào giữa câu hỏi và lời đáp. Phải chăng đây cũng là một cách khẳng định vượt trên khẳng định?

Cái gọi là “vạn pháp” vốn bao trùm khắp thảy, hiện diện ở mọi nơi. Vạn pháp nếu quy về “một”, liệu cái “một” ấy có thể ở tại đâu? Liệu có thể ở nơi tấm áo cà-sa nặng 7 cân của thiền sư Triệu Châu hay chăng? Lại nếu ở tại đây, tất không thể ở nơi kia, nhưng cũng không thể là không có nơi chốn. Vì thế, mọi sự suy diễn lý luận chỉ có thể đi đến bế tắc mà không thể nhận ra cái gọi là “vạn pháp quy nhất”. Tuy nhiên, tấm áo của ngài Triệu Châu không phải là của tất cả chúng ta. Nếu có ai đến hỏi cũng câu hỏi này, liệu ta sẽ trả lời thế nào? Điều tất nhiên là phải hiểu rõ được câu hỏi trước khi đưa ra câu trả lời. Nếu vấn đề chưa phải là điều thúc bách của tự thân, thì quả thật chẳng có gì liên quan ở đây cả.

Hòa thượng Câu Chi đắc pháp với hòa thượng Thiên Long, về sau mỗi khi có học tăng đến tham vấn chỉ đưa một ngón tay lên để trả lời. Chú tiểu theo hầu ngài thấy vậy, có ai đến hỏi “Hòa thượng dạy pháp yếu gì?” liền cũng đưa ngón tay lên. Hòa thượng Câu Chi nghe được, gọi chú tiểu đến, lấy dao cắt đứt ngón tay. Chú tiểu đau quá kêu khóc chạy đi. Hòa thượng Câu Chi lên tiếng gọi, chú tiểu ngoái đầu nhìn lại, hòa thượng đưa ngón tay lên. Chú tiểu nhân đó lĩnh ngộ.

Thiền luôn chống lại sự rập khuôn theo người khác. Cho dù là bắt chước theo một bậc thầy đạt ngộ thì điều đó cũng chẳng mang lại kết quả gì. Mọi hành động hay ngôn ngữ đều không có gì để bám theo, chỉ có ý nghĩa cốt lõi được truyền đạt trong đó mới cần phải được nắm lấy. Vì thế, khi đưa câu chuyện trên vào bài thứ 3 trong Vô Môn Quan, thiền sư Vô Môn có lời bình rằng: “Chỗ tỏ ngộ của hòa thượng Câu Chi và chú tiểu không ở trên ngón tay. Nếu chỗ này mà hiểu được thì xâu cả Thiên Long, Câu Chi, chú tiểu với bản thân mình thành một mối!” (俱胝并童子悟處, 不在指頭上。若 向者裏見得, 天龍同俱胝并童子與自己 一串穿卻 - Câu Chi tịnh đồng tử ngộ xứ bất tại chỉ đầu thượng. Nhược hướng giả lý kiến đắc, Thiên Long đồng Câu Chi tịnh đồng tử dữ tự kỷ nhất xuyến xuyên khước.)

Thực tại tối thượng nằm trong ý nghĩa cốt lõi của vấn đề phải được nhận ra. Ý nghĩa ấy cũng không xa vời mà nằm ngay trong cuộc sống hằng ngày. Nếu thực sự hé mở được chỗ cốt yếu của thiền, cuộc sống quanh ta sẽ hàm chứa vô số những pháp thoại mà ta đang khao khát được nghe.

Ngay cả khi ta không thể nhận được thực tại thì nó vẫn hiện hữu quanh ta, và ta phải đối mặt mỗi ngày không thể tránh né. Nhưng để nhận ra được, ta cần trải qua một kinh nghiệm chuyển biến nhất định nào đó, chẳng hạn như chú tiểu kia bị mất một ngón tay.

Thật kỳ lạ, nhưng dưới mắt nhìn của thiền thì chúng ta đều như những người chết đói bên cạnh kho thóc, chết khát bên cạnh dòng sông!

Một vị tăng đến chỗ hòa thượng Tào Sơn thưa: “Thanh Thoát này nghèo khổ, xin thầy cứu giúp.”

Hòa thượng Tào Sơn liền gọi: “Thầy Thoát!”

Vị tăng ứng tiếng đáp: “Dạ.”

Hòa thượng nói: “Rượu Thanh Nguyên sẵn có trong nhà, uống xong ba chén còn nói là không ướt môi.” (青原白家酒, 三盞喫了, 猶道未沾唇。- Thanh Nguyên bạch gia tửu, tam trản khiết liễu, do đạo vị triêm thần.)

Hầu hết chúng ta khi chưa bước vào thiền đều ở trong trạng thái buồn cười này. Dù sống trong thực tại nhưng chẳng bao giờ nhận ra thực tại!

    « Xem chương trước «      « Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng bận tâm chuyện vặt


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Hát lên lời thương yêu


Nguồn chân lẽ thật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.186.56 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...