Thiền đã trở thành một trong những tinh hoa của nhân loại. Ngày nay, từ
Đông sang Tây người ta không còn xa lạ gì với thiền và những công năng
kỳ diệu của nó. Nhiều trung tâm thực hành và hướng dẫn thực hành thiền
quán đã được hình thành trên khắp châu Âu. Ở các nước Á Đông, với một
truyền thống sâu xa hơn, thiền đã bắt rễ vào từng tự viện lớn cũng như
nhỏ, và người ta gần như có thể tìm đến với thiền không mấy khó khăn.
Nhưng đó là nói về những điều kiện bên ngoài. Còn yếu tố tự thân của mỗi
người lại là chuyện khác. Nghe biết về thiền, học hiểu về thiền, và sống
thiền là những điều khác nhau.
Ngày nay những kiến thức về thiền được phổ biến khá rộng rãi. Người ta
hầu như dễ dàng nói ra được những chỗ “tinh yếu” của thiền bằng ngôn
ngữ, và việc tranh cãi nhau về những chỗ “tinh yếu” đó không phải là
chưa từng xảy ra.
Người đến với thiền trong bối cảnh đó, thường rơi vào một trong hai điểm
cực đoan đối nghịch nhau.
Có người xem thiền như một chủ đề, nội dung siêu tuyệt, với những khái
niệm “bất khả thuyết”, “bất khả tư nghị”... Vì thế, thường loay hoay rất
lâu trong những phạm trù khái niệm và cảm thấy thật khó khăn trong việc
tiếp nhận thiền...
Một số người khác lại nhìn thiền với một cách nhìn quá giản dị. Theo
cách này, thiền trở thành một thứ lý thuyết đơn giản mà bất cứ ai cũng
có thể tìm hiểu được để rồi bổ sung vào cho những khái niệm dung tục vốn
đã có quá nhiều trong mỗi con người.
Một trong hai cực đoan ấy đều rất dễ nhận ra, và khỏi nói cũng có thể
biết là chúng không mang lại lợi ích thiết thực nào cho cuộc sống. Tuy
nhiên, vấn đề ở đây là, đôi khi người ta không đi đến mức cực đoan,
nhưng thực sự có những khuynh hướng nghiêng về một trong hai thái cực
đó. Sự lệch hướng này lại không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết. Và
đôi khi chúng ta rơi vào chỗ tự dối gạt chính mình.
Tập sách này được viết ra như một lời cảnh tỉnh cho chính bản thân tác
giả, và mong mỏi được chia sẻ phần nào với những tâm hồn đồng điệu về
một vấn đề mà lẽ ra đã mang lại rất nhiều an vui cho nhân loại nếu như
mỗi người trong chúng ta đều hiểu đúng và làm đúng trong một chừng mực
nào đó.
Thiền như một dòng suối mát, mà mỗi chúng ta đều là những người đang
mang trong mình cơn khát cháy bỏng tự ngàn đời. Chỉ nhìn thấy dòng suối
mát ấy thôi, cũng đủ để cho ta cảm giác vui mừng, dễ chịu biết bao
nhiêu! Nhưng để đáp ứng với cơn khát cháy bỏng, chỉ nhìn không thôi thật
chẳng ích gì. Chúng ta nhất thiết phải uống nước – dù là một ngụm nhỏ
cũng sẽ cho ta cảm giác thỏa mãn tức thì.
Và chỉ khi nào ta thực sự cảm nhận được những gì mà dòng nước mát trong
lành kia mang lại cho tự thân mỗi chúng ta trong cơn khát bỏng, khi ấy
ta mới có thể hiểu được thiền là gì, và những gì ta đã hiểu được qua
người khác đều chỉ còn là những điều vu vơ, ngớ ngẩn.
Tập sách này cũng sẽ chỉ là những điều vu vơ, ngớ ngẩn. Tuy nhiên, nó
được viết ra để gọi mời bạn đến với dòng suối mát trong lành, và mời bạn
hãy cúi xuống để tự mình uống lấy một vài ngụm nước suối kia. Bạn cũng
có thể tắm mình trong dòng suối mát ấy, nếu như bạn muốn, để thấy rằng
cuộc sống này chỉ thực sự có đầy đủ ý nghĩa khi chúng ta cảm nhận được
nó mà không chỉ là những hiểu biết đơn điệu qua lý thuyết, khái niệm.
Mỗi chúng ta đều có thể mắc sai lầm. Mỗi chúng ta đều còn có biết bao
điều để bận tâm lo nghĩ. Thiền không giúp chúng ta nhất thời xóa bỏ mọi
sai lầm, nhưng nó giúp chúng ta nhận rõ và ý thức đầy đủ về mỗi sai lầm
của mình, và hướng chúng ta đến một tương lai ngày càng hoàn thiện.
Thiền cũng không giúp chúng ta nhất thời gạt bỏ được tất cả những điều
bận tâm lo nghĩ, nhưng nó giúp chúng ta biết cách để không bị cuốn trôi,
nhận chìm và đánh mất chính mình trong những mối bận tâm lo nghĩ đó.
Với những ý nghĩa đó, chúng ta có thể đến với thiền như một nghệ thuật
sống an vui, và vì thế mà mỗi một phút giây thực hành thiền sẽ giúp
chúng ta ngay tức thời cảm nhận được những giá trị, những ý nghĩa mới mẻ
hơn của cuộc sống nhiệm mầu này.
Chúng tôi không nghĩ rằng những điều được viết ra đây hoàn toàn là những
khuôn thước hay nguyên tắc cần phải được tuân theo. Tuy nhiên, có những
điều – hay nói đúng hơn là rất nhiều điều – được trình bày ở đây quả
đúng là những khuôn thước, những nguyên tắc, nhưng nó không phải là
những phát kiến của tác giả. Đó là di sản kế thừa của những người đi
trước, những trí tuệ siêu phàm mà nhân loại này đã rất may mắn có được.
Đóng góp thật sự của tác giả chỉ là trình bày những điều ấy theo như
cách hiểu của mình, qua kinh nghiệm thực sự của bản thân mình. Và vì
thế, có thể có những điểm đúng hoặc sai trong đó. Người viết mong mỏi
được đón nhận và chân thành biết ơn mọi sự đóng góp xây dựng về nội dung
tập sách.
Tháng 9 năm 2003
Nguyên Minh