Nếu phải chọn một khái niệm để đề cập đến vấn đề mà chúng ta đang trao đổi, tôi thích chọn dùng khái niệm “ngôn ngữ thiền”. Quả thật, cho dù vẫn không nằm ngoài phạm trù ngôn ngữ nói chung, nhưng ngôn ngữ được sử dụng trong nhà thiền vẫn luôn có những nét đặc trưng không thể nhầm lẫn được, và ngay cả trong khi phải sử dụng đến ngôn ngữ thì thiền vẫn không ngừng nỗ lực vùng vẫy tìm kiếm một lối thoát ra bên ngoài những giới hạn thông thường của ngữ nghĩa.
Khi Sơ tổ Bồ-đề Đạt-ma truyền pháp cho Nhị tổ Huệ Khả có nhắc lại lời đức Phật rằng: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, tâm Niết-bàn huyền diệu, tướng chân thật không tướng, pháp môn vi diệu, không lập thành văn tự, truyền riêng ngoài giáo điển, nay truyền lại cho Ma-ha Ca-diếp.” (吾有正法眼藏,涅槃妙心,實相無相,微妙法門,不立文字,教外別傳,付囑摩訶迦葉 - Ngô hữu Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, phó chúc Ma-ha Ca-diếp.)
Căn cứ vào đây, từ đó về sau tám chữ “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” đã được xem như một phần trong tông chỉ của thiền môn.
Trong kinh Duy-ma-cật, phẩm Nhập bất nhị pháp môn, khi được hỏi về pháp môn bất nhị, tức là nghĩa rốt ráo của chư pháp, Bồ Tát Văn Thù nói: “Đối với tất cả các pháp không nói, không thuyết, không chỉ, không nhớ, lìa khỏi sự vấn đáp.” (於一切法無言,無說,無示,無識,離諸問答 - Ư nhất thiết pháp vô ngôn, vô thuyết, vô thị, vô chí, ly chư vấn đáp.)
Cũng trả lời câu hỏi này, ngài Duy-ma-cật mặc nhiên im lặng. Bồ Tát Văn Thù khen ngợi mà nói rằng: “Cho đến ngôn ngữ cũng hoàn toàn dứt bặt, mới thật là nhập vào pháp môn chẳng phân hai.” (乃至無有文字語言, 是真入不二法門. - Nãi chí vô hữu văn tự ngữ ngôn, thị chân nhập bất nhị pháp môn.)
Chỉ nêu ra đây vài dẫn chứng tiêu biểu mang tính cách khởi đầu, còn có vô số những trường hợp khác cho thấy Thiền tông luôn chú trọng đến tinh thần “bất lập văn tự”. Thế nhưng, cũng đã có không ít ngộ nhận về tinh thần này.
Trước hết, “bất lập văn tự” không hề mang ý nghĩa phủ nhận văn tự, hay nói rộng ra là ngôn ngữ, kinh văn giáo điển... Điều đó chỉ đơn giản là vì ý nghĩa trực nhận của thiền vượt ra ngoài phạm trù của văn tự ngữ nghĩa. Dù có cố gắng đến đâu, hành giả cũng không thể sử dụng văn tự để diễn đạt đầy đủ ý nghĩa trực nhận này, và vì thế mà “bất lập văn tự” là khả năng lựa chọn duy nhất.
Trong ý nghĩa này, chúng ta thừa nhận tính chất giới hạn của ngôn ngữ chứ không gạt bỏ việc sử dụng ngôn ngữ. Chính từ đây nảy sinh cái gọi là ngôn ngữ thiền, với những cố gắng vận dụng sáng tạo theo mọi hướng để vượt qua giới hạn của ngôn ngữ.
Tính chất giới hạn của ngôn ngữ không phải là một nhận xét chủ quan, mà có thể dễ dàng nhận thấy ngay trong cuộc sống hằng ngày. Cơ sở giao tiếp của ngôn ngữ là tính quy ước trong các khái niệm về sự vật, nhưng những khái niệm lại không bao giờ đồng nhất ở mọi người. Ngay cả những khái niệm thông thường nhất như tốt, xấu, nóng, lạnh, hay, dở... cũng chỉ tương đồng trong chúng ta ở một mức độ tương đối nào đó mà không bao giờ đồng nhất như nhau. Mặt khác, thực tại là vô hạn trong khi các khái niệm ngôn ngữ là giới hạn.
Sở dĩ chúng ta vẫn có thể giao tiếp bình thường trong cuộc sống hằng ngày là vì tất cả chúng ta đều chấp nhận tính tương đối của các khái niệm ngôn ngữ. Cho dù trong bất cứ tình huống giao tiếp nào thì ý nghĩa biểu đạt của người nói và ý nghĩa tiếp nhận của người nghe vẫn luôn có một độ lệch nhất định, nhưng chúng ta chấp nhận mức độ sai lệch tương đối đó.
Khi thiền tiếp cận và trực nhận ý nghĩa của đời sống thì vấn đề đã khác đi. Giới hạn của ngôn ngữ là quá chật hẹp đến mức trở thành rào cản cho sự trực nhận. Mọi khái niệm đều trở thành gánh nặng buộc chúng ta phải cảm nhận theo cách này hay cách khác mà không hoàn toàn tự do trong sự tiếp xúc với đời sống. Từ vị trí bế tắc này, thiền buộc phải bức phá ra khỏi lớp vỏ dày đặc của những khái niệm bằng một kiểu “ngôn ngữ phi ngôn ngữ” mà ta tạm gọi là ngôn ngữ thiền. Sự bức phá cũng có thể được thực hiện bằng những hành động biểu đạt mạnh mẽ và trực tiếp như một tiếng hét, một cú đánh... cho đến những cử chỉ “kỳ bí” như đưa một ngón tay lên hay thổi tắt một ngọn đèn... Và cũng trong không ít trường hợp, sự bức phá được thể hiện bằng chính sự im lặng!
Vì thế, thiền chẳng những không phủ nhận việc sử dụng ngôn ngữ, mà thực ra còn đòi hỏi hành giả phải biết vận dụng ngôn ngữ một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo, vượt xa mức độ thông thường. Bởi vì, bất chấp sự giới hạn trong việc biểu đạt thực tại, ngôn ngữ văn tự vẫn là công cụ giao tiếp mà chúng ta luôn cần đến. Trong thực tế, các vị thiền sư luôn là những bậc thầy về ngôn ngữ. Trước khi vượt qua giới hạn của ngôn ngữ, các vị luôn tận dụng được tất cả những khả năng mà giới hạn đó cho phép.
Thiền sư Đức Sơn khi đến tham học với ngài Long Đàm, sau khi đạt ngộ liền mang hết những bộ sớ giải kinh Kim Cang đến trước pháp đường mà đốt sạch. Có người do đây mà cho rằng kinh điển chẳng có ý nghĩa gì trong Thiền tông. Điều này hoàn toàn sai lầm. Khi tổ Bồ-đề Đạt-ma sang Trung Hoa cũng mang theo bên mình bộ kinh Lăng-già, sau truyền lại cho tổ Huệ Khả. Cho đến tổ Huệ Năng là người chưa từng học chữ, cũng nhờ nghe kinh Kim Cang mà đạt ngộ. Hơn thế nữa, ngày nay đọc kinh Pháp Bảo Đàn, chúng ta càng ngạc nhiên hơn khi không thể phủ nhận được năng lực diễn đạt và những biện luận vô cùng chặt chẽ trong đó. Vấn đề văn phong có thể tạm cho là do nơi người ghi chép, nhưng ý tứ biểu đạt của Tổ sư thì không thể phủ nhận được, rõ ràng là rất uyên áo trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Những bộ ngữ lục của Thiền tông, chẳng hạn như Bích Nham Lục, Vô Môn Quan... có thể là rất khó hiểu hoặc thậm chí kỳ bí đối với những ai chưa từng biết đến thiền. Tuy nhiên, ai cũng có thể cảm nhận được giá trị nghệ thuật văn chương trong các tác phẩm này. Những hình tượng nghệ thuật cũng như những cách diễn đạt sinh động và súc tích dường như có thể tìm thấy bàng bạc ở khắp nơi trong tác phẩm. Đôi khi, người đọc có thể cảm nhận được những vẻ đẹp sinh động ngay cả khi không hiểu hết được ý muốn nói của câu văn. Trong Thiền uyển tập anh, một tác phẩm ghi lại hành trạng của các vị thiền sư Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy được rất nhiều trường hợp như vậy. Chẳng hạn, khi được hỏi về ý nghĩa của Phật và Thánh, thiền sư Viên Chiếu (999 - 1090) đã đáp bằng hai câu thơ sau:
Ly hạ trùng dương cúc,
Chi đầu thục khí oanh.
籬下重陽菊
枝頭淑氣鶯
Tạm dịch:
Cúc trùng dương dưới giậu,
Oanh thục khí đầu cành.
Chúng ta có thể chẳng hiểu chút nào về ý nghĩa Phật và Thánh khi đọc hai câu thơ này, nhưng có thể dễ dàng cảm nhận được một vẻ đẹp đơn sơ như tỏa ra từ những hình ảnh mà câu thơ gợi lên.
Nhưng đôi khi cũng có những cách diễn đạt gần gũi hơn mà không kém phần súc tích, như trong trường hợp bài kệ sau đây của thiền sư Mãn Giác:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
春去百花落
春到百花開
事逐眼前過
老從頭上來
莫謂春殘花落尽
庭前昨夜一枝梅
Tạm dịch:
Xuân đi hoa rụng tơi bời,
Xuân về hoa nở tươi cười đón xuân.
Việc đời trước mắt trôi qua,
Trên đầu tóc bạc tuổi già đến nơi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Trong bài kệ này, có thể thấy sự diễn tiến qua hai phần. Với bốn câu đầu, chúng ta nhận ra những sự thật hầu như quen thuộc với bất cứ ai. Nhưng cũng vì quá quen thuộc nên chúng ta thường xao lãng chẳng mấy khi suy ngẫm đến. Đó là chuỗi diễn biến của đời sống thật ngắn ngủi mà trong đó tất cả những được, thua, hơn, kém... chỉ là sự xoay vần trong một toàn cảnh tất yếu luôn biến dịch. Có thể nói là ở đây ngôn ngữ đã được vận dụng thật khéo léo để bộc lộ hết khả năng diễn đạt của nó.
Nhưng bước sang hai câu cuối cùng, cũng là phần lóe sáng, phần cốt lõi của bài thơ thì có vẻ như chúng ta đã nhận ra được dáng vẻ của ngôn ngữ thiền.
Có thể chúng ta sẽ muốn bình giải, giảng luận về hai câu thơ này để chúng được “dễ hiểu” hơn - và không ít người đã làm điều đó. Nhưng sự thật là dường như không mấy ai có thể hài lòng với công việc này. Bởi vì dù có phân tích, giảng giải đến mức độ nào, chúng ta vẫn cảm thấy có điều gì đó “chưa hoàn chỉnh” trong cách hiểu về hai câu thơ này. Và dường như cách tốt nhất vẫn là suy ngẫm với những hình ảnh được đưa ra trong câu thơ mà không cần phân tích giảng giải gì thêm nữa.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Ở đây thơ không chỉ đơn thuần là thơ nữa, mà như đã vẽ lên trước mắt ta một bức tranh đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Trong bối cảnh mà bài thơ đã dựng lên, ý nghĩa của bức tranh chính là đối tượng khám phá của người đọc. Nhưng nếu chúng ta thực hiện việc khám phá bằng vào ngôn ngữ, điều đó có vẻ như có thể thấy trước sự thất bại. Vì sao vậy? Điều dễ hiểu là chính người viết đã phải dùng đến cách diễn đạt này do nơi sự bế tắc trước giới hạn của ngôn ngữ. Việc xuất phát từ đây để đi tìm một cách diễn đạt bằng ngôn ngữ rõ ràng không thể là hướng giải quyết của vấn đề. Vì thế, chúng ta chỉ có thể hiểu được trọn vẹn ý nghĩa này thông qua một kênh giao tiếp khác, đó là sự trực nhận xuất phát từ những tương đồng nhất định với người viết, được đạt đến trong tâm thức người đọc. Cách trực nhận này chính là nét đặc trưng trong giao tiếp ngôn ngữ thiền.
Có thể chúng ta sẽ cảm thấy hơi mơ hồ ở điểm này. Việc sử dụng các hình tượng nghệ thuật trong ngôn ngữ thi ca vốn không phải là điều xa lạ. Vậy có gì khác nhau giữa ngôn ngữ thi ca với cái gọi là ngôn ngữ thiền?
Sự khác biệt cơ bản nằm ở chỗ, ngôn ngữ thi ca giúp ta tiết kiệm ngôn ngữ qua việc dùng hình tượng nghệ thuật để tạo ra những cách diễn đạt cô đọng, súc tích. Nhưng ngôn ngữ thi ca không xuất phát từ sự bế tắc. Vì thế, với những câu thơ hay, càng giảng rộng càng thấy hay hơn. Trong thực tế, không có quá trình bình giảng thì bài thơ hay có thể nói là đã mất đi đến một nửa giá trị. Và quá trình bình giảng đó diễn ra tự nhiên khi chúng ta đọc một bài thơ hay. Chúng ta tự mình suy diễn với những đầu mối ngôn ngữ rất cô đọng mà nhà thơ đưa ra. Và khi cảm nhận tốt, quá trình suy diễn đó giúp chúng ta ngày càng thấy rõ hơn ý nghĩa của bài thơ.
Trong ngôn ngữ thiền thì có khác. Càng suy diễn chúng ta càng đi đến chỗ sai lệch hoặc rối rắm mà không thể hiểu được. Vì thế, cách hiểu duy nhất là phải trực nhận ngay từ những manh mối đơn sơ nhất mà ngôn ngữ mang lại. Nhưng để làm được điều đó, người tiếp nhận ngôn ngữ nhất thiết phải có những tương đồng nhất định về mặt tâm thức với người sử dụng ngôn ngữ.
Tuy có sự khác nhau, nhưng ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thiền lại có những điểm khá gần nhau, bởi vì cả hai đều sản sinh từ quá trình vận dụng ngôn ngữ vượt lên trên mức giới hạn thông thường. Bài kệ - hay bài thơ - của thiền sư Mãn Giác vừa nêu trên có thể xem là một ví dụ. Trong đó, ngôn ngữ thi ca được sử dụng ở 4 câu đầu và ngôn ngữ thiền xuất hiện ở 2 câu kết. Với 4 câu đầu, chúng ta càng suy ngẫm càng hiểu rõ hơn, càng thấy thấm thía hơn ý nghĩa sâu sắc mà bài thơ nêu lên. Nhưng với 2 câu cuối thì mọi sự suy diễn - nếu có - chỉ càng đẩy ta đi xa hơn với ý nghĩa đích thực của nó. Cách tốt nhất để tiếp cận với 2 câu này là gạt bỏ mọi quá trình suy diễn và trực nhận từ hình ảnh được ngôn ngữ nêu lên:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Điều có thể giới hạn khả năng trực nhận của chúng ta chính là những khác biệt trong tâm thức giữa người viết và người đọc. Khi vượt qua được giới hạn này, tất cả sẽ hiển bày không qua bất cứ sự suy diễn giải thích nào. Không vượt qua được, mọi thứ sẽ vẫn chìm trong lớp sương mù bí ẩn và trở thành vô nghĩa. Trong trường hợp này, chúng ta thấy có sự tương đồng với những cách biểu đạt khác của thiền. Một cành hoa, một gốc cây... và chỉ có thế mà thôi.
Để thấy rõ hơn về việc sử dụng ngôn ngữ thiền, chúng ta hãy thử đọc một số đoạn đối thoại sau đây được trích từ sách Thiền uyển tập anh, phần nói về thiền sư Viên Chiếu (999-1090):
Một vị tăng hỏi: “Thế nào là hiểu rõ một câu thì vượt qua hết thảy?” (如何是一句了然超百億- Như hà thị nhất cú liễu nhiên siêu bách ức?)
Thiền sư trả lời:
Cắp núi Thái xa chơi biển Bắc,
Ngẩng đầu ném trượng thấu cung trăng.
遠挾泰山超北海
仰拋柱杖入蟾宮
Viễn hiệp Thái sơn siêu Bắc hải,
Ngưỡng phao trụ trượng nhập thiềm cung.
Lại một vị khác hỏi: “Chỉ một điều ấy là thật, có hai chẳng phải là chân. Thế nào là chân?” (惟此一事實, 餘二即非真. 如何是真? - Duy thử nhất sự thật, dư nhị tức phi chân. Như hà thị chân?)
Thiền sư đáp:
Trên đầu trượng gió dễ lay,
Đường đi mưa mãi hóa ra bùn lầy.
杖頭風易動
䟦上雨成泥
Trượng đầu phong dị động,
Lộ thượng vũ thành nê.
Lại hỏi: “Không mong thành Phật mở huyền vi, chẳng cầu nối nghiệp Tổ soi sáng. Ý nghĩa câu ấy thế nào?” (不向如來匙玅藏, 不求祖燄續燈枝. 意旨如何? - Bất hướng Như Lai thi diệu tạng, bất cầu Tổ diệm tục đăng chi. Ý chỉ như hà?)
Thiền sư đáp:
Trời thu no ấm chim kêu,
Tuyết rơi giá buốt mẫu đơn nở rồi.
秋天摶黍唳
雪景牡丹開
Thu thiên đoàn thử lệ,
Tuyết cảnh mẫu đơn khai.
Lại hỏi: “Thế nào là câu nói huyền diệu nhất?” (如何最玅之句?- Như hà tối diệu chi cú?)
Thiền sư trả lời:
Một người đứng quay vào góc,
Mọi người uống cũng chẳng vui.
一人向隅立
滿座飲無懽
Nhất nhân hướng ngung lập,
Mãn tọa ẩm vô hoan.
Còn có thể tiếp tục đưa ra vô số những mẩu pháp thoại tương tự như trên trong thiền môn. Trong mỗi một trường hợp, câu trả lời đều tùy theo người hỏi mà đưa ra, không bao giờ có sự lập lại hay tuân theo một khuôn thước nhất định nào. Đối với chúng ta, điểm chung nhất có thể nhận ra trong những đoạn đối thoại này là, câu hỏi thường sử dụng ngôn ngữ thông thường để nêu vấn đề, trong khi câu trả lời luôn phảng phất sắc thái của ngôn ngữ thiền như đã bàn ở đoạn trên.
Việc sử dụng ngôn ngữ thiền mở ra một khả năng diễn đạt những điều vượt ngoài giới hạn của ngôn ngữ, và đây là khả năng lựa chọn duy nhất khi cần phải nói ra những điều không thể nói. Vì thế, người tiếp nhận ngôn ngữ thiền không thể dựa vào sự suy diễn phân tích để mong hiểu được, mà chỉ có một cách duy nhất là xem đó như những đầu mối gợi mở để tự mình nỗ lực thâm nhập vào cảnh giới được chỉ bày.