Vâng, đúng vậy. Nếu có ai hỏi tôi mục đích của thiền là gì, tôi sẽ không
ngần ngại mà nói ngay đó là sự tỉnh thức. Nếu bạn luôn sống trong sự
tỉnh thức, bạn không cần phải học thiền, thực hành thiền, vì bản thân
bạn đã có một cuộc sống thiền rồi.
Như vậy, khi ngồi thiền chúng ta phải suy nghĩ những gì để đạt được sự
tỉnh thức? Thật ra, chúng ta không suy nghĩ gì cả. Vì nếu bạn có suy
nghĩ một điều gì đó khi ngồi thiền, bạn chưa thực sự biết ngồi thiền.
Việc đầu tiên hết khi chúng ta ngồi thiền là thư giãn đầu óc. Chúng ta
đã có quá nhiều tư tưởng, ý niệm trong những lúc bình thường, và đến với
thiền trước hết là để dừng nghỉ cái “quá nhiều” đó.
Chúng ta không thể vận dụng sự suy nghĩ để đạt đến chỗ “dừng nghỉ”, vì
điều đó hoàn toàn vô lý và không thể làm được. Tuy vậy, không ít người
đã cố làm. Bằng cách ấy, chúng ta thật ra đang cố thay thế cái “quá
nhiều” này bằng một cái “quá nhiều” khác mà thôi...
Khi chúng ta giải một bài toán khó, hoặc suy nghĩ về cách giải quyết một
vấn đề khó khăn... chúng ta đôi khi cũng ngồi lặng hàng giờ và không còn
biết gì khác ngoài vấn đề đang suy nghĩ. Một số người là cho trạng thái
này gần giống với trạng thái nhập định của người ngồi thiền. Tuy nhiên,
khác biệt lớn nhất ở đây là sự “suy nghĩ” và “không suy nghĩ”. Khi chúng
ta suy nghĩ, đầu óc ta phải hoạt động và vì thế nó tất nhiên là phải mỏi
mệt. Khi chúng ta ngồi thiền, không có sự suy nghĩ, vì thế nó có tác
dụng khôi phục tinh thần, hàm dưỡng trí óc chứ không làm cho chúng ta
mệt mỏi.
Sự khởi đầu của rất nhiều người khi đến với thiền là không phân biệt
được điều này. Cho dù là dùng phương pháp đếm hơi thở, theo dõi hơi thở
hoặc tham khán thoại đầu... điều tất yếu là không dụng công suy nghĩ,
phân tích. Khi chúng ta bắt đầu ngồi thiền, chúng ta thắp lên ngọn đèn
chánh niệm để soi rọi vào dòng sông tư tưởng, để nhận biết tất cả những
biến chuyển trong đó. Vì thế, chúng ta thường xuyên biết được mình đang
có những ý niệm nào trong tâm tưởng và diễn tiến của chúng như thế nào.
Chúng ta cũng làm tương tự như vậy khi các cảm xúc được sinh ra, chẳng
hạn như sự buồn phiền, vui mừng, giận dữ hoặc bực tức...
Nhưng thường xuyên nhận biết hoàn toàn không có nghĩa là phân tích, suy
diễn. Khi chúng ta phân tích, suy nghĩ về một vấn đề, chúng ta thực sự
làm việc đầu óc và tất yếu phải mệt mỏi. Khi chúng ta ngồi yên chỉ để
tỉnh thức và nhận biết, đầu óc ta không hề mệt mỏi. Ngược lại, thời gian
ngồi thiền còn có tác dụng khôi phục năng lực làm việc của đầu óc một
cách kỳ diệu mà bất cứ ai đã trải qua đều có thể cảm nhận được.
Để tỉnh thức và nhận biết, chúng ta phải thường xuyên chú ý quán sát.
Nhưng sự chú ý ở đây là một sự chú ý đơn thuần. Chúng ta cần dẹp bỏ mọi
nỗ lực theo thói quen chia chẻ, phân tích với bất cứ sự việc nào mà
chúng ta tiếp cận. Thiền không đòi hỏi và thậm chí là tối kỵ việc chia
chẻ, phân tích. Khi một ý niệm khởi lên trong lúc bạn ngồi thiền, bạn
chỉ cần nhận biết nó, quán sát nó trong sự tỉnh thức. Điều đó có nghĩa
là bạn không được đánh giá, phân tích, xếp loại... hay thực hiện bất cứ
điều gì với ý niệm ấy. Hầu hết các công án thiền đều thuộc dạng “không
thể giải quyết bằng suy luận”, bởi vì chúng được đưa ra chỉ như một mục
tiêu quán sát cho người ngồi thiền mà không phải là để suy luận và đi
tìm đáp án theo cách như thông thường. Nhiều người tìm cách lý giải các
công án thiền theo cách này hoặc cách khác, những người ấy chưa hiểu
được mục đích của chúng.
Trong trạng thái thông thường của ý thức, chúng ta thường rơi vào sự
quên lãng, mê muội. Bởi vì chúng ta suy nghĩ mà không nhận biết là mình
đang suy nghĩ; chúng ta buồn, vui, thương, ghét... mà không biết là mình
đang buồn, vui, thương, ghét... Chính vì thế, rất thường khi chúng ta
làm việc mà không để tâm vào công việc; làm một việc này, suy nghĩ về
việc khác; sống trong hiện tại mà buông thả suy nghĩ về quá khứ hoặc
tương lai...
Mặc dù cũng có những lúc chúng ta tỉnh thức, nhưng quãng thời gian ấy
chẳng là bao nhiêu so với thời gian buông thả tư tưởng. Hơn thế nữa,
ngay cả sự tỉnh thức như thế thường cũng không được chúng ta chủ động
đạt đến, và vì thế mà chúng không hiện diện thường xuyên. Sống mà không
có sự tỉnh thức và nhận biết như thế không phải là sống theo đúng nghĩa.
Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ xa lạ (l’Étranger), Albert Camus gọi trạng
thái này là sống như một người chết.
[2] Và trạng
thái tinh thần như thế quả là một trạng thái tối tăm, u ám, mê lầm.
Khi chúng ta thắp lên ngọn đèn chánh niệm, chúng ta nhận diện đầy đủ về
sự hiện hữu của mình. Mọi tư tưởng, cảm xúc tức thời đều thay đổi, được
nhận thức dưới một góc nhìn hoàn toàn khác. Chánh niệm là ánh sáng để
chuyển hóa bóng tối, chánh niệm đưa chúng ta từ sự mê lầm chuyển sang sự
tỉnh thức. Chính sự tỉnh thức là mục đích của việc ngồi thiền.
Trong thực tế, chúng ta không thể nhất thời – hoặc thậm chí qua một thời
gian – đạt đến sự tỉnh thức thường xuyên. Ngọn đèn chánh niệm rất dễ bị
thổi tắt đi bởi quán tính mê lầm đã có từ trong quá khứ. Tuy nhiên, như
đã nói trước đây, chỉ cần ta nhận biết được sự mất đi đó thì chánh niệm
sẽ tức khắc trở về mà không cần có bất cứ một nỗ lực nào khác.
Với thời gian và sự kiên trì thực hành thường xuyên, chúng ta sẽ trở nên
thuần thục hơn và có nhiều thời gian tỉnh thức hơn. Người đầu tiên đã
dạy cho chúng ta về thiền được tôn xưng là Phật, vốn là một từ phiên âm
của Buddha trong tiếng Phạn, có nghĩa là “người tỉnh thức”. Ngài cũng
không khác gì chúng ta ngoài việc là luôn luôn tỉnh thức. Nếu chúng ta
có được một đôi khi tỉnh thức, ấy là những lúc chúng ta làm Phật.